Kỹ năng mềm

Dưới Ánh Sáng Của Thiền

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Mike George

Download sách Dưới Ánh Sáng Của Thiền ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sống đẹp

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

PHẦN MỞ ĐẦU

Thiền định là con đường dẫn đến sự thông thái, giúp khám phá vẻ đẹp của tâm hồn; từ đó khơi dậy nguồn sức mạnh từ bên trong và nhận thức rõ mục đích sống thật sự.

Mọi người đến với thiền vì nhiều lý do. Phần đông mong muốn có được bình an nội tâm, một số người xem thiền là một phần trong hành trình tìm kiếm chân lý, còn số khác lại ấp ủ niềm hy vọng khám phá kho báu hạnh phúc đích thực. Nhìn chung, thiền có thể đáp ứng tất cả những ước mong đó. Thế nhưng chúng ta thường mắc phải sai lầm khi cho rằng có thể học thiền đơn giản bằng cách nghe giảng qua băng, đĩa hay là đọc sách về thiền. Bằng lý trí, ta có thể hiểu được các bước thực hành và lợi ích của thiền, tuy nhiên những lợi ích đó chỉ phát huy giá trị khi ta luyện tập và trực tiếp trải nghiệm đều đặn mỗi ngày. Quyển sách này được soạn thảo và trình bày dưới dạng một khóa học thiền với mục đích giúp bạn dễ dàng đạt được trải nghiệm bình an, hạnh phúc… như mong muốn. Vì vậy bạn nên dành ra ít nhất một tuần cho mỗi bài học trước khi chuyển sang bài kế tiếp.

Lợi ích của thiền đối với tâm trí và cơ thể

Thiền giúp chúng ta cảm nghiệm được khả năng vô tận của tâm trí bằng cách thoát khỏi những suy nghĩ “ồn ào, náo động” của nó. Cùng với việc tách thoát khỏi “tiếng ồn” nội tại ấy, ta cũng dần hiểu sâu hơn về mối liên hệ giữa tâm trí và tâm ấn (tiềm thức hay ký ức), để rồi có thể dễ dàng kiểm soát cảm xúc và củng cố khả năng trực giác của mình. Ngoài ra, thiền còn đem lại cho ta cảm giác mãn nguyện, năng lực tập trung, sức sáng tạo và cải thiện khả năng truyền đạt, giao tiếp – nền tảng vững chắc của hạnh phúc, giúp cải thiện mối quan hệ giữa ta với mọi người.

Một chủ đề thường xuyên được nhắc đến trong quyển sách này là tầm quan trọng của việc nhận ra con người đích thực, hiểu rằng mỗi người chúng ta là những cá thể vốn bình an và tích cực cho dù hiện tại ta đang cảm thấy thế nào. Giận dữ, sợ hãi, chán nản đều là những cảm xúc không tự nhiên, do ta tập nhiễm hay bị ảnh hưởng mà có. Thiền định sẽ giúp ta thấy rõ gốc rễ của mọi suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực để không bị tập nhiễm nữa và chữa lành những nguyên nhân sinh ra chúng, đồng thời làm sống lại trải nghiệm bình an nội tâm để trong bất cứ hoàn cảnh nào, ta đều có thể cảm thấy hài lòng, mãn nguyện.

Trong bầu không khí thế giới ngày càng nặng nề và cuộc sống không ngừng thay đổi như hiện nay, chúng ta thường cảm thấy khó có thể tập trung lâu. Stress (căng thẳng) và mệt mỏi trở thành “căn bệnh thời thượng”. Vì vậy thiền là một cách rèn luyện tâm trí nhẹ nhàng bằng nghệ thuật tập trung, cho ta cơ hội lắng sâu vào suối nguồn bình yên nội tâm mà vẫn có thể tập trung hoàn thành tốt công việc thường nhật.

Tâm trí giống như tấm vải bạt để ta vẽ lên đó bức tranh kỳ vĩ về cuộc sống bằng “cây cọ” và “sắc màu” là những suy nghĩ, cảm xúc của ta. Thiền giúp ta đứng lùi lại (bằng ý thức) để nhìn thật rõ “tấm màn” ấy, và chủ ý lựa chọn ta muốn trở thành người như thế nào, muốn làm gì và mong đạt được gì? Mọi hình thức hạn chế khả năng sáng tạo đều là do con người tự đặt ra cho mình. Thiền sẽ tháo gỡ những rào cản từ nội tâm để giúp con người bộc lộ hết tiềm năng sẵn có.

Lợi ích và tính thực tiễn của thiền được thể hiện rõ qua các mối quan hệ giữa con người với nhau. Thực hành thiền thường xuyên sẽ giúp ta cảm nhận rõ bình an nội tâm và làm cho bản tính thiện lành trong ta sống lại. Thiền cho ta cơ hội chia sẻ, trao cho mọi người món quà quý giá nhất đó là làn sóng (vibration) tích cực phát tỏa từ những ý nghĩ trong sáng, những tình cảm và mong ước tốt đẹp. Hơn thế nữa, chúng ta còn dễ dàng giải quyết mâu thuẫn với họ bằng thái độ cởi mở, giao tiếp chân thành, và giúp đỡ họ nhờ vào tình bằng hữu tốt đẹp.

Hiện nay, rất nhiều tài liệu nghiên cứu công nhận thiền giúp thư giãn tâm trí, cân bằng năng lượng thể chất, giúp cơ thể hoạt động hiệu quả hơn và tăng cường sức đề kháng, cũng như khả năng tự hồi phục. Kết quả là huyết áp giảm, tăng sức sống, ngủ ngon và sâu hơn, khả năng kiểm soát cơn đau cũng tốt hơn.

Lợi ích của thiền trong việc đánh thức và củng cố các thuộc tính tinh thần

Thiền giúp ta tăng cường nhận thức về tâm trí và cơ thể, học cách lắng nghe những nhu cầu thật sự của chúng và biết cách đáp ứng những nhu cầu ấy một cách hợp lý. Một trong những nét độc đáo của thiền Raja Yoga là nhận biết và trải nghiệm được

bản chất nội tâm thật sự. Chúng ta khám phá trở lại những phẩm chất vốn có – như là bình yên, yêu thương, hạnh phúc và mạnh mẽ – bằng trải nghiệm thực tế chứ không chỉ dừng lại ở những ý tưởng duy lý trí.

Cần nhấn mạnh rằng Raja Yoga không phải là một tôn giáo, mà là một phương pháp tiếp cận phổ quát nhằm đánh thức và củng cố các thuộc tính tinh thần (đức hạnh, sức mạnh, sự thông thái nội tâm). Raja Yoga không chối bỏ hay phủ nhận bất kỳ tín ngưỡng hay phương pháp thực hành tâm linh nào. Thực tế, hàng nghìn học viên hiện đang theo học tại các Trung tâm Thiền định Raja Yoga trên khắp thế giới đều cho rằng những hiểu biết và việc thực hành thiền Raja Yoga đã giúp thay đổi, củng cố lối sống của họ theo hướng tích cực.

Dù bạn chỉ muốn học cách thư giãn, rèn luyện sự tập trung, phát huy khả năng sáng tạo hoặc đang muốn khám phá bản thân một cách đầy đủ và sâu sắc hơn thì những bài học đặc biệt trong sách này đều có thể đáp ứng các yêu cầu đó.

THIỀN LÀ GÌ?

Nhiều người nghĩ rằng thiền chỉ dành cho các bậc tu sĩ nơi thâm sơn cùng cốc ở phương Đông. Một số người lại xem thiền như là một trường phái giống với trào lưu hippy vào những năm 1960 – ưa chuộng “tình yêu và hòa bình” với một nền văn hóa bồng bột, để mặc cho “mọi sự tự diễn ra”. Tuy nhiên, nghĩa gốc của từ meditation (thiền định) bắt nguồn từ chữ Latin mederi, nghĩa là chữa lành. Như vậy, thiền có thể được xem là một quá trình chữa trị về mặt tinh thần, cảm xúc, cùng những lợi ích đã được chứng minh đối với sức khỏe thể chất. Nếu ta thừa nhận những ý nghĩ, cảm xúc tiêu cực và tình trạng căng thẳng tinh thần của mình hoàn toàn không phải là điều tự nhiên, từ đó ta mới có thể gặt hái được nhiều thành quả từ việc thực hành thiền đều đặn.

Một trong những cách hiểu đơn giản nhất về thiền đó là sử dụng tâm trí một cách đúng đắn. Mục đích của thiền không phải là ngưng suy nghĩ, mà giành lại quyền làm chủ đối với các hoạt động tư duy và tạo ra những suy nghĩ có chất lượng nhất. Theo thời gian, cùng với việc thường xuyên luyện tập, ta sẽ có thể làm chậm dòng suy nghĩ “lưu thông” trong tâm trí (do những suy nghĩ tiêu cực và vô ích đã được hạn chế đáng kể) và đi vào không gian nội tâm, nơi ngự trị của sự tĩnh lặng tuyệt đối (vì suy nghĩ như hòa vào không gian tĩnh tại này). Tuy nhiên, vào lúc đầu, đừng đặt nặng chuyện phải đạt được mục tiêu này ngay; bởi vì chúng ta đã quá quen với lối tư duy nhanh chóng nên việc cố gắng chấm dứt suy nghĩ chẳng khác nào đột ngột hãm phanh chiếc xe đang lao nhanh. Ta chỉ cần kiên nhẫn, tự dành ra thời gian và không gian riêng cho bản thân để tìm lại nhịp độ nội tại tự nhiên của mình.

Hiện nay cũng có nhiều phương pháp thiền khác nhau. Mỗi triết lý, mỗi trường phái đều thừa nhận sức mạnh và sức ảnh hưởng của tâm trí, bên cạnh nhiều kỹ thuật giúp làm chủ tâm trí. Đa số các phương pháp thiền thường dùng những bài tập suy ngẫm và tập trung bằng cách sử dụng các đồ vật gợi nhắc như hoa, đèn, nến… hoặc có thể là những âm thanh chuyển dần từ nhẹ nhàng đến im lặng (chuông, khánh…). Bên cạnh đó, cũng có những phương pháp thiền yêu cầu người thực hành lặp đi lặp lại một câu chú (mantra) như là cách để tập trung tâm trí. Trong khi phần lớn các phương pháp khuyên nên ngồi yên một chỗ, thì có phương pháp lại khuyến khích thiền động và chú ý đến từng bước chuyển động của mình. Phương pháp thiền Raja Yoga không sử dụng các vật dụng hỗ trợ bên ngoài, các câu chú và không bắt buộc phải tuân theo tư thế ngồi nhất định nào. Mục đích chủ yếu của Raja Yoga là phục hồi trải nghiệm trực tiếp và nhận thức về bản thể nội tâm hay con người thật sự. Từ đây, sự khai sáng và chuyển hóa bản thân bắt đầu diễn ra.

Nếu dành thời gian để tìm hiểu kỹ nguyên nhân thực sự gây ra stress, ta sẽ thấy rằng chính lối tư duy “lười biếng” và “lệch lạc” là nguồn gốc của những cảm xúc dẫn đến tình trạng stress này. Tuy nhiên, chưa ai cho ta biết mỗi người chúng ta đều phải chịu trách nhiệm đối với những ý nghĩ, cảm xúc của mình. Chúng ta quên mất bài học về trách nhiệm bản thân – chính ta mới là người tạo ra căng thẳng, khổ đau cho mình qua cách ta nhận thức và ứng đáp trước con người, cũng như trước ngoại cảnh. Chưa ai hướng dẫn ta nên suy nghĩ thế nào cho đúng. Chúng ta chỉ được bảo nên nghĩ về thông tin gì, mà không được bảo nên tạo ra những suy nghĩ, cảm xúc nào, làm sao để khai mở nguồn thông thái nội tại và những giá trị cốt lõi, vốn có sẵn trong ý thức mỗi người.

ĐỌC THỬ

Qua quyển sách này, chúng ta sẽ có cơ hội tập cho mình lối suy nghĩ mạnh mẽ, tích cực. Đó là những suy nghĩ liên hệ tới chân lý, mang lại sự vững vàng, hạnh phúc, thỏa nguyện cho bản thân và lan tỏa sóng năng lượng tích cực ra xung quanh; là những suy nghĩ có chất lượng, phù hợp với hoàn cảnh, tình huống đang diễn ra; là những suy nghĩ cho phép ta sử dụng năng lượng tinh thần sao cho tiết kiệm, hiệu quả; là những suy nghĩ giúp ta chủ động lựa chọn cách ứng phó trước ngoại cảnh, không còn bị cảm xúc căng thẳng “giật dây” nữa. Mọi suy nghĩ, cảm xúc bất an đều từ ý thức mà ra; do vậy mọi trạng thái tiêu cực đều không tự nhiên và là dấu hiệu cho biết ý thức đang bị “chệch hướng”. Thiền định sẽ giúp đưa ý thức trở về trạng thái tự nhiên qua quá trình củng cố nhận thức về bản thân, biết mình thật sự là ai và khai mở nguồn bình an, yêu thương, sức mạnh… trong nội tâm.

Chúng ta thường dành phần lớn cuộc đời mình để chú tâm quá mức đến con người và mọi sự xung quanh. Kết quả là chúng ta đã sử dụng phung phí năng lượng của mình mà không hề hay biết. Thiền định là nghệ thuật củng cố nhận thức nội tâm, giúp ta sử dụng nguồn năng lượng – tinh thần, cảm xúc và thể chất – của mình một cách hiệu quả, không ngừng gia tăng nội lực thay vì làm cạn kiệt chúng. Trên nhiều phương diện, thiền đơn giản là nghệ thuật tự nhận thức bản thân.

Thiền định cũng có thể được xem là một hành trình khám phá chân lý sống – “Tôi thật sự là ai, là gì?”. Với ý nghĩa đó, chúng ta giống như những “nhà khoa học”, còn “phòng thí nghiệm” chính là ý thức nội tâm chỉ riêng ta mới được phép bước vào, và nếu muốn thì các thí nghiệm – là các trải nghiệm – sẽ được giữ bí mật tuyệt đối. Hãy bước vào “phòng thí nghiệm – ý thức” của bạn để chủ động khám phá, kiểm nghiệm lại những điều bạn từng xem là không đúng hoặc đúng. Tuy nhiên, nếu khái niệm hay bài tập nào đó trong sách này không đem lại kết quả như mong đợi thì đừng vội nản chí và vứt bỏ hết tất cả. Tương tự như lần đầu tiên bạn tập chạy xe đạp, thực hành đều đặn và kiên nhẫn cũng là yêu cầu cần thiết đối với các bài tập nội tâm này, bởi “có công mài sắt, có ngày nên kim”.

Qua thiền định, bên cạnh việc nhận thức rõ về bản thân và trải nghiệm bình an nội tâm nhiều hơn, chúng ta cũng bắt đầu tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Quả thật, Raja Yoga không chỉ là cách giữ tinh thần thư thái, giúp khám phá nội tâm sâu sắc, mà việc kết hợp giữa phần lý thuyết và bài tập thực hành sẽ giúp chúng ta tìm ra câu trả lời cho nỗi trăn trở muôn thuở xoay quanh chủ đề về mục đích sống, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc đời.

Trong khi đi tìm lời giải đáp cho những câu hỏi “Tôi là ai? Tôi đang ở đâu? Vì sao tôi hiện hữu trên cuộc đời này? Tôi từ đâu đến? Tôi đang đi về đâu?”, chúng ta sẽ có cơ may lĩnh hội được nhiều nhận thức sâu sắc, mới mẻ. Thế nhưng, nếu có thêm những vấn đề khác nảy sinh trong quá trình thực hành thiền thì đó cũng là một dấu hiệu tốt vì trên bước đường khám phá chân lý, câu hỏi thường quan trọng hơn câu trả lời. Mỗi khi có câu hỏi nào xuất hiện, hãy dành ra chút thời gian để hiểu rõ câu hỏi đó, rồi cho qua đi. Đừng bao giờ “đánh vật” với câu hỏi để cố tìm ra lời giải. Tiềm thức luôn âm thầm hỗ trợ bạn bằng cách khơi dậy những hiểu biết và lời hướng dẫn thích hợp. Thực ra bạn đã biết hết tất cả, chỉ là do bạn không nhận ra mà thôi. Giống như khi bạn hết sức cố gắng để giải đáp một câu đố hóc búa. Bạn phân tích, suy nghĩ nát nước về mọi dữ kiện sẵn có trước khi chịu từ bỏ và chuyển sang câu đố khác. Nhưng vài ngày sau, trong khi đang tập trung thực hiện một hoạt động nào đó, thì điều bạn đã cực công tìm kiếm đột nhiên xuất hiện trong tâm trí. Bạn không chủ ý tìm kiếm câu trả lời vào lúc ấy, nhưng tâm trí bạn cứ vẫn tiếp tục tìm kiếm. Vì vậy, thiền còn là chìa khóa để mở ra kho tàng bí ẩn trong tiềm thức, dẫn bạn vào trái tim nội tâm – trái tim của ý thức – nơi cất giữ sự thông tuệ trong trạng thái vẹn nguyên. Trái tim nội tâm sẽ trực tiếp mách bảo cho bạn nhiều điều hữu ích, có thể vào thời điểm không thích hợp lắm. Nhưng khi ít rối trí nhất, bạn có thể “nghe” được tiếng nói của nó – một trong những tiếng nói ấy chính là trực giác.

Phần lớn bệnh tật thể chất đều có nguồn gốc từ bệnh tinh thần(1) mà ra, dù trực tiếp hay gián tiếp. Từ bước thực hành cơ bản nhất, thiền đảm bảo cho tâm trí chỉ tạo ra những suy nghĩ thư thái, điềm tĩnh, bình an và tích cực. Tuy nhiên, làm vậy không có nghĩa là ta lẩn tránh những thử thách của cuộc sống, vốn không phải lúc nào cũng bình an, tích cực; mà thiền giúp ta học cách loại bỏ mọi ý nghĩ tiêu cực, rối rắm và phục hồi môi trường tinh thần tích cực, bất kể hoàn cảnh bên ngoài diễn biến ra sao. Đây là cơ sở tăng cường khả năng làm chủ bản thân và quý trọng bản thân, tạo nền tảng vững chắc cho lòng tự tin và thái độ quả quyết, mạnh mẽ trong các mối quan hệ. Như chúng ta đã biết, mục đích của thiền không phải là ngừng suy nghĩ – vì điều này không tự nhiên chút nào! – mà là “uốn nắn” suy nghĩ theo hướng đúng đắn, tích cực dựa trên sự hiểu biết chính xác về bản thân.

Bước đầu tiên của thiền là thả lỏng cơ thể và thư giãn tâm trí, không để cho chúng bị cuốn vào bất cứ điều khác. Khi ta phân biệt rạch ròi giữa phần tinh thần và phần thể chất, ta sẽ nhận thấy có hai loại năng lượng khác nhau: năng lượng vật chất và năng lượng phi vật chất. Cơ thể được cấu tạo từ năm yếu tố vật chất hữu hình, cụ thể; trong khi tâm trí thì thuộc dạng năng lượng phi vật chất, tạo ra suy nghĩ, cảm xúc và thái độ – vô hình, không thể sờ chạm. Cũng giống như ta chỉ biết điện năng có tồn tại nhờ vào bóng đèn đang chiếu sáng, nhưng thật sự ta không thể nhìn thấy điện năng bằng mắt thường. Tương tự như vậy, ta không thể nhìn thấy tâm trí, nhưng năng lượng từ tâm trí vẫn hướng dẫn, điều khiển sự vận động của cơ thể.

Quan hệ đúng đắn giữa tâm trí và cơ thể đó là: tâm trí là “thuyền trưởng”, còn cơ thể là “con tàu” luôn tuân theo mệnh lệnh của vị chỉ huy. Tuy nhiên hiện nay trật tự này dường như bị đảo lộn. Chúng ta bị các giác quan của mình điều khiển. Trong hầu hết các nền văn hóa, con người thường xuyên bị ám ảnh bởi diện mạo, ngoại hình và những kích thích từ nguồn lực vật chất. Kết quả là chúng ta để cho bình an và hạnh phúc của mình lệ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài. Điều này có thể gây ra nhiều tai hại bởi vì chẳng có sự vật nào mãi bền vững và chắc chắn. Khi ta muốn tìm kiếm cảm nghiệm tốt đẹp nào đó từ nguồn lực bên ngoài, thì lòng tham, sự nghiện ngập, lệ thuộc sẽ lập tức xâm chiếm ý thức ta, khiến tâm trí bị khuấy đảo nên sẽ không thể có được bình an nội tâm và mãn nguyện thật sự. Ngặt nỗi, lâu nay chúng ta thường được chỉ dạy cho cách hướng ra bên ngoài mà không biết cách hướng vào bên trong để nhận ra tình yêu thương, bình an và sức mạnh ta hằng tìm kiếm vốn đã có sẵn. Thiền định giúp phục hồi nhận thức về bình an và sức mạnh nội tại, giúp ta tái kết nối với trạng thái tồn tại nguyên thủy ấy để củng cố những đức hạnh, rồi thể hiện chúng ra ngoài qua hành động.

Mục đích của bài học đầu tiên này chỉ dừng ở mức thiết lập lại mối quan hệ đúng đắn giữa cơ thể và tâm trí. Khi ngồi thiền, hãy chọn nơi yên tĩnh nhất nếu có thể, tốt nhất là căn phòng ít khi dùng đến, không thì bạn cũng có thể ngồi ở nơi có bày trí những đồ vật quen thuộc để không làm phân tán tư tưởng. Nếu được, hãy dành riêng nơi ấy làm không gian thiền. Ban đầu chỉ cần dành ra 10 – 15 phút, từ từ thời gian thiền sẽ dài hơn theo trải nghiệm của bạn. Ánh sáng mờ và nhạc êm dịu sẽ giúp bạn tập trung tốt hơn. Hoặc bạn có thể sử dụng đĩa CD có lời dẫn thiền kết hợp với nhạc nhẹ không lời để dẫn dòng suy nghĩ đi theo hướng đúng.

Các bước thư giãn chuẩn bị cho thiền

• Chọn một nơi thoáng mát và ngồi với tư thế thoải mái.

• Nhắm mắt lại từ một đến hai phút để cơ thể được thả lỏng và tâm trí trở nên lắng dịu. Hít thở đều, chú ý đến từng phần trên cơ thể bạn. Mỗi khi bạn chú ý đến phần nào đó trên cơ thể, để cho phần đó được thả lỏng, thư giãn.

• Sau khi cảm thấy thư giãn hoàn toàn, bạn hãy tập trung chú ý vào phía trước vầng trán. Nếu có cảm xúc hay suy nghĩ khác xen vào, bạn cứ để chúng đến rồi đi. Luôn luôn tự nhắc mình nghĩ đến sự bình yên.

• Khẳng định sự tĩnh tại và bình yên trong bạn bằng ý nghĩ “Tôi bình yên”.

• Cảm nhận ý nghĩ này trong vài phút, rồi hướng tâm trí trở lại nơi bạn đang ngồi.

Bài tập thư giãn này dễ thực hành, thích hợp cho những lúc bận rộn. Bạn chỉ cần thực hiện từ 3 – 10 phút ở bất cứ nơi đâu, vào bất kỳ lúc nào, chỉ trừ khi lái xe! Lưu ý rằng bạn đang dùng tâm trí để thả lỏng cơ thể. Sau khi cơ thể được thư giãn, tâm trí sẽ tập trung tốt hơn và không còn những suy nghĩ miên man nữa. Kỹ thuật này càng tập càng dễ thực hiện. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ không cần hướng sự chú ý thả lỏng cho từng phần trên cơ thể, mà có thể đi vào trạng thái thư giãn ngay lập tức chỉ bằng một suy nghĩ.

Trong bài tập thiền sau đây, chúng ta sẽ tập trung vào trạng thái bình an nội tâm. Đây là bước khởi đầu tốt nếu cuộc sống của bạn thường xuyên có nhiều biến động, căng thẳng. Một nguyên tắc quan trọng quyết định cho sự thành công của thiền định là khi ta hướng sự chú ý của mình đến đâu thì năng lượng tuôn chảy đến đó, và điều mà ta hướng tới sẽ nảy nở, phát triển. Chẳng hạn như nếu ta chú tâm vào ý tưởng “bình an”, ta “tưới tắm” cho nó bằng năng lượng ý thức của mình; từ một ý nghĩ ban đầu, nó sẽ chuyển thành một cảm nhận sâu sắc và kết quả là ta trải nghiệm được bình an nội tâm – ý nghĩ và cảm nhận của ta hoàn toàn thấm đẫm bình an; lời nói và hành động của ta cũng lan tỏa những làn sóng bình an ấy.

Bình an không phải là một trạng thái thụ động mà là một sức mạnh. Bạn sẽ sớm nhận thấy mình trở nên sáng tạo hơn rất nhiều khi biết cách giữ tâm trí điềm tĩnh và làm chủ được thế giới nội tâm của bạn. Hãy trải nghiệm những ý tưởng sau đây khi thiền. Sang tuần tiếp theo, bạn có thể thay đổi bình an bằng những phẩm chất khác như can đảm, trung thực, yêu thương, kiên nhẫn, linh hoạt… hoặc bất kỳ phẩm chất nào mà bạn muốn củng cố thêm cho bản thân.

Bạn có thể mở một bản nhạc nhẹ vì âm nhạc sẽ giúp tạo ra bầu không khí thư giãn nhẹ nhàng. Đặt trang sách này trước mặt và đọc thầm, chậm rãi từng từ. Hãy suy ngẫm những lời ấy để cảm nhận ý nghĩa của chúng. Chỉ cần đọc qua một hoặc hai lần thôi là bạn có thể nhớ chúng khá chính xác. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng đĩa CD lời dẫn thiền kèm với sách nếu muốn.

Bài tập thiền 1 – Phục hồi trạng thái bình an nội tâm

Tôi hướng sự chú ý của mình vào bên trong… và đưa nhận thức tách ra khỏi mọi thứ xung quanh… tôi quan sát những ý nghĩ đến rồi đi trong tâm trí… Tôi nhận thấy dòng ý nghĩ bắt đầu chậm lại…

Tôi tập trung vào sự “bình yên”… Trong tâm trí tôi xuất hiện… hình ảnh về cảnh biển lúc bình minh… những con sóng nhỏ xô nhẹ lên bãi cát… vỗ về tôi…

Tôi cảm thấy thật thoải mái… dễ chịu… tất cả mọi cảm giác mệt mỏi… căng thẳng đều được những con sóng cuốn trôi… chỉ còn cảm giác bình yên ở lại…

Tôi bắt đầu nhận ra tôi chính là bình yên… Cảm giác này thật tự nhiên trong tôi… Tôi cảm thấy thật thanh thản… nhẹ nhàng…

Tôi quan sát cách tôi có thể giữ được trạng thái bình yên nội tâm như thế nào… và nó tác động đến suy nghĩ, lời nói của tôi ra sao…

Giờ tôi hoàn toàn bình yên… Vẫn giữ được trạng thái này… tôi đưa nhận thức của mình quay trở lại nơi tôi đang ngồi…

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button