Kỹ năng mềm

Đừng Ép Con “Khôn” Sớm

dung ep con khon som1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Shin Yee Jin

Download sách Đừng Ép Con “Khôn” Sớm ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Kỹ năng mềm

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

Có một bé gái học lớp Ba có chỉ số IQ là 136. Tôi đã kết luận là đứa trẻ đó rất thông minh nhưng người mẹ lại cho biết cô bé còn rất nhiều thiếu sót so với những bạn cùng trang lứa. Khi mẹ nói ra điều này, cô bé chỉ nhìn chằm chằm vào mẹ một cách thiếu lễ độ, trong khi nếu giống như những đứa trẻ bình thường, lẽ ra bé phải nổi giận hoặc muốn khóc khi người khác nói xấu về mình. Với tôi, đó là một tín hiệu nguy hiểm.

Tìm hiểu mới biết, ngay từ rất nhỏ, cô bé đã phải học hành vất vả tới mức một đứa trẻ không thể cáng đáng nổi. Vào kỳ nghỉ, người mẹ bắt con mình một ngày viết ba bài cảm nhận sau khi đọc sách. Quá đỗi ngạc nhiên, tôi hỏi người mẹ sao bắt con học nhiều thế thì nhận được câu trả lời rằng những đứa trẻ khác cũng phải đọc ít nhất 50 quyển sách trong suốt kỳ nghỉ. Nghe những lời này, tôi nhanh chóng hiểu được cô bé đã sống như thế nào trong thời gian qua.

Buổi trò chuyện được tiếp tục nhưng cô bé không dễ mở lòng mình. Vì thế, tôi đưa người mẹ ra ngoài và trò chuyện riêng với đứa trẻ. Qua mấy ngày được an ủi, dỗ dành như thế, cô bé đã mở lời: “Bác sĩ nói thì mẹ còn nghe một chút, chứ cháu nói thì mẹ chẳng thèm nghe gì cả.”

Câu nói của cô bé khiến tôi ngạc nhiên. Nói chuyện một lúc, tôi hỏi: “Sao cháu thông minh thế?”

Cô bé bèn hỏi ngược lại tôi: “Cô ơi, cháu thực sự thông minh sao? Cháu đã đọc sách của cô viết đấy.”

Trong giây lát, tôi chợt rùng mình khi thấy cô bé thực sự không đối đáp theo kiểu trẻ con. Một chút yên lặng trôi qua. Và rồi cô bé nói ra những lời khiến ai cũng phải choáng váng: “Trên đời này chẳng có gì vui hết! Mọi thứ đều buồn chán đến phát bực!”

Trẻ nhỏ chưa hiểu gì về thế giới quanh mình nên chúng thường có tính tò mò và sự nhiệt tình muốn khám phá. Tuy nhiên với cô bé này, một chút năng lượng và nhiệt tình của trẻ con cũng không còn. Cuộc trò chuyện cứ thế tiếp diễn, cuối cùng vấn đề mà cô bé gặp phải cũng được sáng tỏ. Mọi chuyện đều xuất phát từ sự căng thẳng do học hành quá tải. Với cô bé, việc học thật khó chịu, vất vả và đáng ghét nhưng bé vẫn phải học mà không thể làm gì khác vì mẹ ép buộc. Cho nên, những căng thẳng nảy sinh đã bào mòn từng chút một tính tò mò vốn có của một đứa trẻ. Kết cục, cô bé nghĩ cái gì cũng là bắt buộc phải làm và luôn chán ghét việc tìm tòi, nghiên cứu.

Điều trị cho cô bé mà tôi cảm thấy rất đau lòng. Một đứa trẻ có quyền lớn lên mà không gặp phải vấn đề gì nhưng cô bé này đã bị tổn thương trong tâm hồn bởi tham vọng phi lý và sự ép buộc của người mẹ. Vết thương trên cơ thể có thể lành theo năm tháng nhưng những tổn thương tâm lý chắc chắn không thể xóa mờ được. Sự thật đáng buồn hơn là không biết làn sóng giáo dục quá sớm có lắng xuống được hay không.

Dĩ nhiên, không phải tôi không biết đến tâm tình của những người mẹ bắt con mình học sớm. Tôi hiểu ai ai cũng lo lắng nếu con mình thua kém bạn bè. Trước khi là một bác sĩ khoa tâm thần trẻ em, tôi cũng là mẹ của hai đứa trẻ mà…

Hiện tại, tôi vừa nuôi dạy Kyeong-mo, cậu con trai lớn học lớp 12, vừa phải thử rất nhiều phương pháp giáo dục. Kyeong-mo vốn gặp trở ngại về khả năng tập trung và vài khiếm khuyết khác nên cháu thường tự nhốt mình trong thế giới riêng và rất ngại tiếp xúc với mọi người xung quanh. Lúc học mẫu giáo, Kyeong-mo không hòa đồng với các bạn và chỉ quanh quẩn một mình bên cái xe lửa đồ chơi. Con tôi bảo: “Bẩn quá, con không thích!” và suốt cả năm trời thằng bé không một lần chạm tay xuống lớp cát trải ở sân nhà trẻ. Dù mùa hè rất nóng nhưng cháu vẫn mặc quần áo dài bên trong quần soóc rồi mới ra khỏi nhà. Còn khi lên lớp Một, có đứa trẻ nào mang theo quả địa cầu lớn bước vào lớp thì đó đích thị là Kyeong-mo. Với bản tính như vậy, cháu luôn giữ khư khư điện thoại di động bên người như một phần không thể tách rời. Dù đã dặn lòng phải bình tĩnh nhưng khi nghe cô giáo nói về chuyện này qua điện thoại, tôi thật sự chỉ muốn bật khóc.

Vì vậy với tôi, Jeong-mo, đứa con thứ hai như món quà ông trời ban cho. Trong một bài kiểm tra thuộc chương trình nghiên cứu về sự phát triển trẻ em ở Mỹ, kết quả cho thấy, về tổng thể, Jeong-mo phát triển nhanh hơn những trẻ cùng tuổi ít nhất một năm. Các đồng nghiệp của tôi còn khăng khăng rằng: “Jeong-mo chắc vào lớp tài năng rồi.” Chắc chắn tôi sẽ hạnh phúc vì Jeong-mo là đứa trẻ học một biết mười nhưng không hiểu sao cảm giác lo lắng vẫn dậy lên trong lòng tôi.

Thời gian trôi qua, tôi lại nhận ra một sự thật lớn lao khác, rằng việc nuôi dạy Jeong-mo cũng chẳng dễ dàng gì hơn so với cậu con lớn Kyeong-mo. Khi nuôi con, điều khiến tôi thấy khó khăn nhất chính là bản thân mình. Tôi vừa không hiểu được các con, vừa cản trở chúng bởi những tham vọng vô ích của mình.

Với con trai đầu lòng, mặc dù tôi chỉ cần dạy con cách giao tiếp với thế giới xung quanh là đủ nhưng trong lòng tôi luôn cảm thấy phấp phỏng, lo âu khi nghĩ đến ngày con tôi bị đem ra so sánh với những đứa trẻ cùng tuổi khác đang ngày một trưởng thành. Vì vậy, khi thấy Kyeong-mo có phản ứng chống đối, tôi phải ép cháu ngồi xuống, vừa dỗ dành vừa tìm phương pháp dạy dỗ sao cho phù hợp.

Trường hợp con trai nhỏ của tôi còn phức tạp hơn thế. Với đứa trẻ dạy một biết mười như Jeong-mo, lúc nào tôi cũng có cảm giác bị cám dỗ mãnh liệt muốn “thử dạy điều này một lần xem nào”. Tôi muốn con làm điều này nhưng cũng muốn con làm thêm điều khác nữa. Mỗi lần bắt đầu có suy nghĩ như vậy, tôi lại không thể tập trung được.

Nhưng rồi tôi nhận ra, tất cả những chuyện này đều chỉ là tham vọng của chính mình. Kyeong-mo không mở lòng với tôi, còn Jeong-mo rốt cuộc cũng bắt đầu nói dối vì những căng thẳng trong học tập. Nhất là Jeong-mo, cú sốc mà con gây ra cho tôi thực sự quá lớn, chính Jeong-mo chứ không phải Kyeong-mo gây nên chuyện. Một ngày nọ, tôi nhận được cuộc gọi từ cô giáo ở trường mẫu giáo của Jeong-mo báo rằng cháu cố ý giấu quyển vở chính tả và nói dối là đã đánh mất. Lời nói của cô giáo như cứa vào tim tôi. Hôm đó tôi yêu cầu Jeong-mo ngồi xuống và hỏi: “Con ghét học chính tả đến mức nói dối cô giáo cơ à?”

“…”

“Jeong-mo!”

Một lúc sau, Jeong-mo ngẩng đầu lên nhìn tôi, đôi mắt cháu ngân ngấn nước: “Đã nói là con không học được chính tả rồi mà!”

Đó là lần đầu tiên tôi nghe thấy mấy chữ “không học được” từ miệng Jeong-mo. Tôi không biết nên nói gì nữa, chỉ nhẹ nhàng xoa đầu Jeong-mo, dỗ dành cháu và nhận ra sự thể này hoàn toàn chỉ do sự dại dột của tôi mà thôi.

Làn sóng giáo dục sớm càng lúc càng lan rộng và ngày một nghiêm trọng hơn. Gần đây, người ta dạy trước chương trình mẫu giáo cho trẻ lên hai, chương trình lớp Bốn cho học sinh lớp Một, còn học sinh lớp Bốn lại được dạy trước chương trình trung học. Cùng một môn học, nếu đứa trẻ này có thể tiếp thu nhanh như những bé khác thì mọi vấn đề có lẽ sẽ được tháo gỡ. Việc ép con cái học hành giống như một cuộc đua tốc độ, dù cha mẹ có quyết tâm không bắt con học quá mức một cách vô lý nhưng không dễ gì giữ được nguyên tắc đó. Tôi cũng vậy. Là một bác sĩ khoa tâm thần trẻ em nhưng tôi không thể không thử nghiệm những phương pháp khác nhau khi nuôi hai đứa con của mình.

Việc hằng ngày thử nghiệm vô số phương pháp không phải chuyện dễ dàng. Nhưng nếu các bậc cha mẹ mong muốn con mình lớn lên một cách hạnh phúc, hãy giảm bớt từng chút một những phương pháp như tôi đã thử làm, hãy nuôi dạy con một cách chậm rãi. Bởi vì kết quả của quá trình vượt qua rất nhiều cám dỗ và không bắt các con đi học sớm là hai đứa con của tôi đều trở thành học sinh giỏi và có cuộc sống hạnh phúc. Kyeong-mo học lớp 12 ở Mỹ, cháu ước mơ trở thành người giúp đỡ những ai gặp khó khăn, còn Jeong-mo học lớp 8 thích làm nhiều việc đến nỗi trong một ngày cháu thay đổi ước mơ đến mấy lần mà vẫn thấy vui và đang tận hưởng những điều đó. Nhìn các con lớn lên một cách hạnh phúc, tôi có thể khẳng định rằng việc cho trẻ đi học sớm hoàn toàn không thể đem lại kết quả này được.

Cuốn sách Đừng ép con “khôn” sớm đã ra mắt độc giả được 10 năm, tuy nhiên cơn sóng giáo dục sớm vẫn dần mạnh hơn và làm tăng số trẻ chịu tổn thương vì điều này. Lòng tôi trĩu nặng. Tâm trạng tôi cũng như vậy khi đi diễn thuyết cho cuốn sách này trong lần xuất bản tại Nhật Bản và Trung Quốc. Vì vậy, tôi kết hợp sửa đổi, bổ sung những cách thức thực tiễn, cụ thể của việc nuôi dạy con từ tốn trong cuốn Phương pháp học tập cho trẻ chậm tiếp thu.

Nếu các bậc cha mẹ không còn lo lắng hay vội vàng trong chuyện nuôi dạy con cái, nếu bạn dũng cảm thoát khỏi khuôn mẫu “như những người khác” để có thể bảo vệ trẻ, thì cuộc sống gia đình thật hạnh phúc biết bao.

Tháng 6 năm 2010

Shin Yee Jin

ĐỌC THỬ

Những điều cần học hỏi trong phương pháp nuôi con của người Ladakh

Ở các trường mầm non của Mỹ, giáo viên phần nhiều là phụ nữ lớn tuổi, rất ít giáo viên trẻ trung, hoạt bát như trong các trường mẫu giáo của Hàn Quốc. Ở Mỹ, khi tuyển dụng giáo viên mầm non, người ta ưu tiên chọn những ai có kinh nghiệm nuôi trẻ, bởi người như vậy mới hiểu rõ về trẻ và biết cách đối xử đúng đắn với chúng. Những phụ nữ lớn tuổi từng nuôi con và cháu, nên khi đối diện với bọn trẻ, họ sẽ cư xử bằng tình yêu thương và các bé cũng rất nghe lời những giáo viên như vậy.

Muốn thành công và tạo niềm vui thú cho trẻ khi ở trường mẫu giáo, giai đoạn khó khăn đầu tiên trong hệ thống giáo dục chính quy, trẻ rất cần những giáo viên như người mẹ, người bà hiểu rõ chúng hơn bất kỳ ai khác. Việc tuyển giáo viên mầm non như ở Mỹ cũng là điều hợp lý.

Nhưng ở Hàn Quốc thì khác. Sau đây là cảnh có thể thường thấy trong một gia đình nào đó:

“Đừng ép con làm gì, cứ để mặc nó.”

“Cả mẹ và những người khác cũng như vậy à? Chẳng lẽ mẹ muốn thấy con cháu nhà mình kém cỏi sao?”

Dường như cuộc sống hiện đại đã khiến chúng ta bị bủa vây trong nỗi ám ảnh phải hấp thụ thật nhanh những điều mới mẻ trong một ngày. Không có người hiện đại nào cảm thấy rảnh rỗi, thoải mái, sự lười nhác và chậm chạp chẳng khác nào những thứ gây chết người.

Một ngày nào đó, kỹ thuật mới bất ngờ xuất hiện và buộc người ta phải sử dụng, người không biết dùng sẽ gặp rất nhiều bất tiện. Bất cứ ai cũng có quyền không dùng smart phone, không đi xe hơi, không dùng Internet nhưng những người này phải có “dũng khí” để vượt qua sự cô lập trong xã hội. Rốt cuộc, dù có thích hay không, nếu không muốn trở thành người đi ngược lại với xã hội thì làm quen với những kỹ thuật mới là cách duy nhất. Thêm vào đó, chứng vội vã có tên “ppali ppali”2 của người Hàn thuyết phục con người đón nhận những thứ mới mẻ một cách vô điều kiện trước khi kịp suy nghĩ cho câu hỏi “Cái đó có thật sự cần thiết hay không?”

Việc nuôi dạy trẻ cũng giống như vậy. Trong những bé cùng mẹ đến bệnh viện thời gian gần đây, số trường hợp trẻ bị ép “khôn” sớm một cách vô lý đang tăng lên. Càng lúc trẻ càng hay bị thúc ép phải “nhanh lên” trong tất cả mọi việc. Nhưng thực lòng tôi tự hỏi không biết giữa lòng mong muốn đem lại những điều tốt đẹp cho con với nỗi ám ảnh con mình thua kém con người khác, cái nào lớn hơn.

Cái chúng ta thực sự phải lo lắng là xác định xem điều gì cần cho trẻ. Tôi phát hiện ra rằng những điều từng bị cho là có hại trong cách nuôi dạy trẻ truyền thống thực ra lại là điều thực sự cần thiết.

Khi thơ ấu, sự ổn định về tình cảm của trẻ là điều cần được ưu tiên trước hết. Đặc biệt, với những bé dưới 4 tuổi, những tiếp xúc mang tính tình cảm với cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành nhân cách. Khi rời xa vòng tay cha mẹ quá sớm, tình cảm của trẻ không thể được thỏa mãn do nỗi bất an và cảm giác mất mát. Giáo sư ngành giáo dục học Leo Buscaglia của Đại học California, Mỹ cũng nhấn mạnh: điều thật sự cần cho quá trình trưởng thành của trẻ không phải là giáo dục tri thức mà là giáo dục tình cảm. Ông nói: “Mỗi ngày sống trong tình yêu thương của gia đình và bạn bè là điều rất tốt.”

Hãy nhớ đến cách những người bà đã nuôi dạy bọn trẻ. Câu nói xuất hiện thường xuyên nhất trên môi các bà là “cục vàng của bà”, dù trẻ đủ lớn để có thể tự mình ăn cơm nhưng các bà vẫn cứ nhai cơm và đút cho bé. Các bà không có thói quen than phiền việc bọn trẻ đi vệ sinh tùy tiện. Mặc dù thấy trẻ đang chơi đùa rồi đi vệ sinh luôn tại chỗ nhưng các bà cũng chỉ đem chúng ra sân giếng để rửa ráy và đánh nhẹ vào mông mà thôi.

Ban đêm, khi trẻ ngủ cũng vậy. Bà cho trẻ gối lên tay, cùng nằm bên trẻ trong chăn ấm và cất giọng hát ru đều đều cho đến khi trẻ chìm vào giấc ngủ. Và chắc chắn, những trẻ lớn nào đang cảm thấy sợ và tìm đến phòng bà đều cảm thấy được an ủi, vỗ về khi được bà ôm vào lòng.

Nhưng nếu quan sát thấy biểu hiện của trẻ chậm chạp hơn so với những bé khác, các bà cũng tuyệt đối không vội vàng. Có khi, các bà còn nói với trẻ rằng dù có bị ai thúc ép thế nào cũng đừng sợ hãi và các bà cũng thường trở thành người bảo hộ cho bé. Hình ảnh về bà là người vừa ăn ý với trẻ vừa thể hiện tình yêu thương ngập tràn bằng tấm lòng vui vẻ.

Vẫn giữ cách nuôi con theo phương thức sinh hoạt truyền thống, bất cứ ai ở Ladakh cũng không tức giận với bọn trẻ. Helena Norberg Hodge, trong cuốn sách Tương lai cổ đại – Bài học từ Ladakh nói rằng dù bọn trẻ có xé sách và léo nhéo không ngừng bên tai “Cái gì thế này!” thì người Ladakh cũng không nổi giận. Tương tự điều này, trẻ em ở Ladakh nhận được tình yêu thương vô điều kiện, không giới hạn từ những người xung quanh. Điều đó không ảnh hưởng gì tới tính trách nhiệm của trẻ Ladakh. Từ rất sớm, chúng đã biết cõng các em bé nhỏ trên lưng. Điều đó có nghĩa là, những trẻ nhận được tình yêu thương đủ đầy sẽ trưởng thành một cách tự do và độc lập nhanh hơn. Helena Norberg Hodge đã nói: “Giờ đây tôi tin rằng cộng đồng nhỏ thân thiết tạo nền tảng tốt cho sự trưởng thành và phát triển cân bằng của trẻ. Một xã hội lành mạnh là xã hội đậm tình cảm một cách vô điều kiện đối với mỗi cá nhân, đồng thời khuyến khích sự gắn kết, tương trợ xã hội chặt chẽ. Theo đó, các cá nhân càng có thể tự do, độc lập bao nhiêu thì càng có cảm giác ổn định, đầy đủ bấy nhiêu.”

Có thể thấy nét chung trong việc nuôi dạy con cái ở Ladakh và cách thức truyền thống của người Hàn Quốc là thay vì ép buộc và dạy trẻ quá sớm, chỉ im lặng để trẻ có thể bày tỏ những mong muốn của chính mình. Trong cách nuôi dạy này, chúng ta không tìm thấy sự gấp gáp mà chỉ có yêu thương và tin tưởng bọn trẻ hết lòng.

Tôi nghĩ truyền thống là những điều đã được kiểm chứng trong suốt những năm tháng qua và còn giá trị cho đến tận bây giờ. Như vậy, điều cha mẹ cần là “sự khôn ngoan của chờ đợi” hay chính là tình yêu và niềm tin tuyệt đối dành cho trẻ.

Giờ đây, nếu định dạy cho trẻ điều gì thì hãy thử dừng lại một chút và suy ngẫm. Hãy tự hỏi có khi nào mình thiếu tình yêu và niềm tin cho trẻ hay không, có phải mình đang vội vàng hay không, có phải mình đi ngược lại điều trẻ muốn hay không.

Những cách hiểu sai lầm về “nuôi con một cách từ tốn”

Có người mẹ trẻ đang nuôi con một tìm đến tôi vì đứa bé đột nhiên trở nên khác thường. “Thưa bác sĩ, trẻ con cũng có thể đột nhiên trở nên ngốc nghếch chứ?”

Câu hỏi ngớ ngẩn đến mức tôi bật cười lúc nào không hay. Nhưng nét mặt của người mẹ ấy thực sự có vẻ rất nghiêm trọng. Tiếp tục trò chuyện, tôi mới biết rằng gần đây, đứa bé đột nhiên đại tiện không đúng chỗ như trước nữa. Một hai lần đầu, người mẹ cho rằng con chỉ lỡ làm vậy thôi nhưng càng lúc mức độ càng trầm trọng.

So với những trẻ khác, đứa bé này luôn phát triển nhanh hơn ở từng giai đoạn. Nhìn bề ngoài, bé không có biểu hiện khác thường nào. Lúc chơi cũng giỏi, trả lời các câu hỏi cũng tốt. Vậy rốt cuộc nguyên nhân là gì?

Theo lời người mẹ, sau khi chị chồng đang sống ở Mỹ đến chơi được khoảng một tuần thì đứa trẻ trở nên lạ lùng. “Có phải chị chồng của chị dắt con theo không?” – tôi hỏi. Đúng như tôi dự đoán, người chị chồng có một đứa con cùng tuổi với bé.

Tôi gợi ý cho người mẹ rằng hãy đưa bé đi chơi thỏa thích trong vòng khoảng một tuần. “Đơn thuốc” của tôi là trong một tuần đó người mẹ phải đưa con đến công viên trò chơi hoặc mua cho con những thứ đồ chơi bé thích và cho bé thấy những cử chỉ yêu thương khác với mọi khi. Song song với đó, tôi cũng đề nghị người mẹ hãy ôm ấp, âu yếm con dù bé có biểu hiện tụt lùi đi chăng nữa.

Không quá một tuần kể từ hôm đó, tôi nhận được cuộc gọi đầy vui mừng của người mẹ: “Tôi làm theo lời bác sĩ và con tôi chuyển biến tốt lên rất nhiều. Không chỉ vậy mà những thói xấu trước đây của cháu cũng biến mất.”

Những đứa trẻ đang lớn có thể bị căng thẳng tạm thời mà cha mẹ không nhận ra. Nguyên nhân có thể do khi bẩm sinh trẻ đã mang bệnh hoặc nhất thời cha mẹ bận rộn, ốm đau, không chăm sóc trẻ được chu đáo. Trường hợp đứa bé này là như vậy. Nhìn thấy mẹ mình quan tâm quá nhiều đến đứa cháu lâu ngày mới gặp, bé cảm thấy tình yêu của mẹ dành cho mình bị người khác cướp đi. Kết quả là bé phản ứng bằng việc đi vệ sinh lung tung. Vì thế, nếu thấy trẻ có biểu hiện khác thường thì cha mẹ cần từng bước tìm ra nguyên nhân từ những chuyện nhỏ như: có phải cha mẹ đã cư xử hời hợt với trẻ hay không, có phải sự thay đổi hoàn cảnh sống khiến trẻ bị căng thẳng hay không.

Tuy nhiên, khi hành động có vấn đề của trẻ kéo dài khoảng 2-3 tháng thì cha mẹ phải suy nghĩ lại vì điều này không thể giải quyết chỉ bằng sự cố gắng từ một phía. Trong các trường hợp như vậy, đa số các ông bố bà mẹ dù nắm bắt được sự khác thường của con mình nhưng vẫn không nghĩ đến việc tìm gặp chuyên gia. Vì phần đông các phụ huynh đều cho rằng khoa tâm thần là nơi mà chỉ dành cho những ai có vấn đề nghiêm trọng về tâm thần.

Không phải tôi không hiểu suy nghĩ đó nhưng thực tế cho thấy, trong các trường hợp đến khoa tâm thần trẻ em, đa số các bé đều khiến cha mẹ lo lắng vì những vấn đề như học kém, chậm nói hoặc thiếu tập trung. Nhiều người thay vì đến gặp chuyên gia, lại tự mình lặng lẽ đối diện với khó khăn, hoặc hỏi ý kiến của những người xung quanh. Nhưng thường thì những câu trả lời họ nhận được chỉ dừng lại ở mức: “Mặc kệ đi. Rồi nó sẽ tốt thôi.” Nhưng theo quan điểm cá nhân, câu nói tôi không thích nhất là: “Trẻ con đứa nào cũng vậy. Có những đứa vốn dĩ chậm chạp mà.” Lúc đầu tôi cũng không biết câu này có đúng hay không nhưng cứ tiếp tục nói những lời đó trong 1-2 tháng thì trẻ bắt đầu bị tổn thương.

Trường hợp điển hình liên quan tới khả năng phát triển ngôn ngữ. Việc phát triển ngôn ngữ nằm trong quá trình trưởng thành của trẻ nên rất quan trọng với trẻ ở khoảng trước và sau 3 tuổi. Nếu khả năng ngôn ngữ không phát triển đúng trong thời kỳ này thì sẽ liên tục phát sinh vấn đề theo hiệu ứng domino như tính xã hội, quan hệ đối nhân xử thế cũng không ổn…

Mọi sự phát triển của trẻ đều có một thời kỳ riêng. Trước mỗi thời kỳ nhất định, dù cha mẹ muốn dạy cũng không có kết quả; còn khi giai đoạn qua rồi, dù vội vàng khích lệ trẻ thì cũng không thể phát triển được. Nếu bỏ lỡ thời điểm thì mãi mãi sẽ không đạt được sự phát triển như mong muốn.

Có lần, một người mẹ dẫn theo đứa con lên 6 tuổi nhưng có vẻ chậm nói đến gặp tôi. Người mẹ định cho con đi mẫu giáo nhưng vì bé không nói được rõ ràng nên lại thôi. Khi gặp phải trường hợp này tôi cũng thầm tự hỏi “Phải làm sao đây?” Trong những trường hợp đứa trẻ chậm nói đến khám, mười trẻ thì đến tám, chín đã đến tuổi đi học như bé này. Nếu cha mẹ đưa trẻ đến điều trị sớm hơn, ngay khi bệnh mới phát sinh thì bệnh của trẻ đã không nặng đến mức đó. Với những đứa trẻ này, không còn cách nào khác ngoài việc hoãn thời gian cho bé nhập học 1-2 năm, vì nếu vẫn cho trẻ chậm nói đi học, có khả năng cao là mối quan hệ của bé với bạn bè đồng trang lứa và với thầy cô giáo không suôn sẻ, từ đó gây ra những khiếm khuyết về mặt tình cảm.

Nếu kiểm tra IQ của những bé như thế, ngoài khả năng ngôn ngữ thì những yếu tố khác phần lớn vẫn bình thường. Từng số liệu cụ thể cho thấy trí năng đạt mức 110 nhưng trình độ hiểu ngôn ngữ hoặc năng lực từ vựng của bé chưa được đến 80.

Khi trẻ được khích lệ đúng mức, phù hợp với giai đoạn phát triển, khả năng thích ứng của trẻ có thể đạt đến 120%. Nếu bỏ lỡ giai đoạn một lần, dù não bộ trẻ đã trưởng thành và được khích lệ tương tự như vậy thì bé cũng không thể phát triển ở mức tương đương.

Xét trên quá trình phát triển của trẻ, việc giáo dục sớm chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh trí tuệ. Tuy đây là cách giáo dục có vấn đề nhưng không có nghĩa là cha mẹ để mặc trẻ tự do và lười nhác. Phương pháp nuôi con từ tốn hoàn toàn không phải là cách nuôi dạy con của những cha mẹ vô tâm, trái lại, đây là phương pháp rất khó khăn mà chỉ những cha mẹ sáng suốt, thực sự hiểu rõ con cái mới có thể làm được.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button