Kỹ năng mềm

Du Học Trên Đất Mỹ

Lời giới thiệu

Tạm biệt Trung Quốc, Vương Quyên sang Mỹ du học. Chặng đường hòa nhập đầy gian nan, vất vả, nhiều lúc khiến cô muốn từ bỏ. Nó không hề giống với phim ảnh hay những tưởng tượng trước kia của cô và mọi người. Cô đã phải nếm trải đủ mọi cảm xúc: tuyệt vọng, ân hận, nuối tiếc… Nhưng cùng với nghị lực của mình, cô đã vượt qua được tất cả, tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực, và cuối cùng cũng đạt được niềm mơ ước bấy lâu của mình.

Cuốn sách này dành cho:

– Những ai sắp hoặc ước mơ tương lai sẽ bước trên con đường du học.

– Những du học sinh đang chiến đấu một mình để thực hiện ước mơ.

– Những người trẻ tuổi sắp hoặc vừa mới bước chân vào xã hội, cũng như những ai đang một mình vật lộn thực hiện ước mơ nơi đất khách quê người.

Ebook

NguồnChọn định dạng
SachvuiEPUB
TVEEPUB, MOBI, PDF
Link dự phòngChưa cập nhật

Đọc sách

Phiên bản đọc thử giúp đọc giả tham khảo trước khi mua sách giấy.

Đây là cuốn sách thứ hai về câu chuyện trưởng thành của tôi.

Tôi muốn cuốn sách này là sự tiếp nối về hình thức và phong cách của cuốn sách đầu tiên – Săn học bổng.[1] Nó kể về chặng đường sau khi tôi đến Mỹ du học, bao gồm việc tôi thích ứng với cuộc sống ở nước ngoài ra sao, vượt qua cửa ải ngôn ngữ, sự quá độ từ trường học ra xã hội, tìm việc làm ở Mỹ và những trải nghiệm sau khi đi làm như thế nào, cũng như những suy nghĩ và cảm nhận trong năm năm du học bên Mỹ.

Tôi viết cuốn sách này để dành tặng những ai sắp hoặc mơ ước tương lai sẽ bước trên con đường du học. Có lẽ rất nhiều người từng nói cho bạn cách thức để đạt điểm cao hoặc nộp đơn vào những ngôi trường danh tiếng khi xin đi du học như thế nào, nhưng rất ít người nói cho bạn biết cuộc sống sau khi ra nước ngoài cũng như cách thức đối mặt với nó. Tuy tôi không đủ tư cách “nói” cho bạn biết cần làm gì để đối diện với nó, nhưng tôi vẫn muốn chia sẻ cùng bạn những trải nghiệm, những thất bại trên con đường mà tôi đi qua, cũng như việc tôi đã đứng lên như thế nào. Hy vọng trong tương lai, khi bạn cần đến nó, câu chuyện của tôi sẽ giúp bạn có thêm sức mạnh và phương hướng.

Cuốn sách này cũng dành cho những du học sinh đang chiến đấu một mình để thực hiện ước mơ. Cho dù bạn buồn lo vì bài luận văn dang dở hay băn khoăn về công việc sau khi ra trường hoặc vật lộn trong mớ bòng bong tìm cách vượt qua rào cản ngôn ngữ để hòa nhập với xã hội… tôi đều muốn chia sẻ những câu chuyện của tôi cho bạn. Đối với cá nhân tôi, mỗi khi cảm thấy hoài nghi về bản thân hay tương lai, tôi luôn tìm câu trả lời trong sách vở. Mặc dù những người có trải nghiệm hoặc lý tưởng tương tự được ghi trong sách cũng từng do dự hay bối rối nhưng họ chưa bao giờ bỏ cuộc. Khi nhìn thấy họ trên từng trang sách, tôi biết mình không hề đơn độc. Đó chính là sức mạnh của việc đọc sách. Hy vọng cuốn sách của tôi cũng sẽ mang đến sức mạnh và sự đồng cảm tương tự cho bạn.

Tôi cũng muốn dành cuốn sách này cho những người trẻ tuổi sắp hoặc vừa mới bước chân vào xã hội, cũng như những ai đang một mình vật lộn thực hiện ước mơ nơi đất khách quê người. Mỗi khi bước vào thời kỳ quá độ trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời, tôi luôn phải trải qua những bước chuyển tiếp đầy khổ đau dằn vặt, phải điều chỉnh lại bản thân, tìm kiếm phương hướng, xác lập mục tiêu và sắp xếp lại cuộc sống. Trong khoảng thời gian đó, tôi luôn quẩn quanh bên bờ vực giữa việc kiên trì hay từ bỏ, nhưng chỉ khi cắn răng chịu đựng đến phút sau cùng, bạn mới phát hiện ra rằng những gì đã bỏ ra và kiên trì khi xưa đều vô cùng đáng giá. Vì thế, tôi muốn chia sẻ câu chuyện và những cảm nhận của bản thân với những người đang trải qua giai đoạn quá độ và biến chuyển đó. Hy vọng một vài câu trong cuốn sách có thể thắp lên ánh sáng trong sâu thẳm con người bạn.

Điều quan trọng hơn cả, tôi muốn dành tặng cuốn sách này cho những độc giả yêu thích và ủng hộ tôi. Hành trình viết lách của tôi bắt đầu từ trang blog cá nhân, mà mục đích ban đầu cũng chỉ là nơi tôi tự khích lệ và giãi bày tâm sự của chính mình. Thật ra tôi là một đứa rất nhát gan, hễ gặp khó khăn liền muốn đánh bài lùi. Mỗi lúc như thế, tôi âm thầm lên blog viết đôi lời cổ vũ bản thân. Nhưng nào ngờ những lời đó sau này lại có thể cổ vũ mọi người, hơn nữa sự đồng hành của các bạn đã trở thành động lực tinh thần dành cho tôi. Vì thế, tôi vô cùng cảm kích. Cuốn sách này chính là sự đền đáp cho những ủng hộ bao lâu nay của mọi người dành cho tôi.

Thật sự khi đọc sách, tôi không hề thích người khác nói những điều đao to búa lớn, mà chỉ thích lặng lẽ lắng nghe câu chuyện, sau đó tổng kết, rút ra những điều thích hợp cho bản thân. Vì thế khi viết sách, tôi cũng không muốn làm một người chỉ biết rao giảng những đạo lý cao xa hay hô hào các câu khẩu hiệu mang tính cổ vũ, tôi chỉ muốn đơn thuần kể lại những câu chuyện xảy ra với chính bản thân mình, hy vọng khi đọc những câu chuyện đó bạn cũng có thể tự tìm kiếm và rút ra những cảm nhận tâm đắc, có ích cho bản thân.

***

Nước Mỹ là một mẩu bánh mì

Sau 13 giờ liên tục không biết đến ngày đêm trên máy bay, khi tôi đặt chân xuống đất Mỹ, trời đã nhá nhem tối. Sau khi máy bay hạ cánh, những sinh viên Trung Quốc đi cùng chuyến bay lần lượt chia tay nhau, rồi từ sân bay Chicago bay tiếp đến những thành phố khác, đây cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy nhiều khuôn mặt thân thiết, quen thuộc của đồng bào mình như thế khi ở Mỹ.

Sau khi hoàn thành thuận lợi thủ tục hải quan, tìm thấy cửa lên máy bay cho chuyến tiếp theo, tôi đã chẳng còn chút sức lực nào. Ngồi xuống chiếc ghế trống trong một góc phòng, lúc này tôi mới có thời gian thoát ra khỏi trạng thái căng thẳng và hoảng loạn, để cảm nhận mọi thứ xung quanh. Ngẩng đầu lướt nhìn tứ phía, đúng lúc tấm bảng quảng cáo trên bức tường đối diện hiện lên dòng chữ tiếng Anh “Welcome to Chicago”, lòng tôi bất chợt rộn ràng, thầm nghĩ: Mình đã thật sự đến Mỹ rồi cơ đấy…

Tiếp tục nhìn khắp xung quanh, không hề có bóng dáng một khuôn mặt người Trung Quốc nào, cũng chẳng thấy lấy một chữ tiếng Trung trên tường. Xung quanh toàn những người ngoại quốc mắt to mũi cao, đủ màu da, đủ tướng mạo, cao gầy thấp béo, tất cả đều vội vã tất bật. Tôi ngồi lặng yên trên chiếc ghế lạnh ngắt, cố gắng dùng sự bình tĩnh gượng gạo để giấu đi nỗi hoang mang trong lòng. Nói thật, lúc ngồi ở đó, tôi còn chẳng dám cử động mạnh, cảm giác giống như một người lần đầu đến một thành phố lạ, e sợ gây nên những chuyện dị thường rồi rước lấy phiền phức, vì thế chỉ biết căng thẳng làm theo đúng bổn phận.

Sau khi chứng kiến mọi thứ, tôi bắt đầu nghĩ, công sức vất vả học từ mới, nỗ lực chuẩn bị hồ sơ, ngóng ngày trông đêm, chẳng phải chỉ vì ngày hôm nay sao. Bây giờ ngày ấy rốt cuộc cũng đến! Bất giác đưa tay lên ngực, tim không còn nhảy loạn xạ nữa. Mơ ước đã thành hiện thực, nhưng sao tôi chẳng cảm thấy chút vui vẻ hay phấn khích nào thế? Không những vậy, mỗi khi trông thấy từng khuôn mặt xa lạ hiện ra trước mắt, trong lòng tôi lại trỗi dậy cảm giác hụt hẫng. Tóm lại, cái cảm giác khi mơ ước thành hiện thực chẳng hề giống với tưởng tượng ban đầu trong tôi chút nào. Ai có thể ngờ vừa mới đặt chân lên đất Mỹ, ngồi còn chưa ấm chỗ tôi đã bắt đầu nhẩm tính ngày quay về.

Trầm tư suy nghĩ khiến thời gian trôi qua thật nhanh, hệ thống phát thanh sân bay bắt đầu thông báo chúng tôi ra làm thủ tục. Tôi lại tiếp tục trải qua chuyến bay hơn một giờ đồng hồ, cuối cùng cũng đến đích an toàn – thành phố St. Louis bang Missouri – quê hương thứ hai trong tương lai của tôi.

Lúc đến được St. Louis đã gần nửa đêm. Sau một vài trục trặc, cuối cùng tôi cũng đến được khu nhà đã thuê từ trước, tôi uể oải kéo đống hành lý nặng lên lầu, vội vàng tự giới thiệu với bạn cùng phòng. Bởi quá mệt mỏi và thiếu ngủ, dường như não tôi đã ngưng hoạt động, nên chẳng màng thu dọn hành lý, sau khi tắm táp qua loa tôi liền vùi đầu ngủ trong căn phòng mới của mình.

Mặc dù đêm trước vô cùng mệt mỏi, nhưng sáng sớm hôm sau tôi vẫn tự nhiên bừng tỉnh. Mở mắt liếc nhìn, chỉ mới hơn năm giờ sáng. Vốn muốn ngủ tiếp, nhưng tôi lại trằn trọc chẳng thể nhắm mắt. Sau khi tỉnh táo hơn đôi chút, tôi mới ý thức được mình đang nằm trên một chiếc đệm cứng đờ. Nghe tiếng gió rít ngoài khung cửa, tôi bất giác nhớ điên cuồng chiếc gối mềm và chăn lông ngỗng ấm áp ở nhà. Nhìn không gian xa lạ xung quanh, lòng tôi bỗng trào lên một nỗi cô đơn khó tả.

Nằm không được bao lâu, bụng bắt đầu sôi sùng sục, tôi lấy hết tinh thần bò ra khỏi giường. Nhà vệ sinh buổi sớm mùa đông vô cùng lạnh, tôi phải rửa mặt đánh răng bằng dòng nước buốt giá. Sau đó theo thói quen, tôi lần mò vào phòng bếp tìm thức ăn. Khi mở tủ lạnh, mới phát hiện bên trong chất đầy các loại rau kỳ lạ, trái cây và thức ăn thừa, lúc này tôi mới chợt ý thức được trong đó chẳng có thứ gì thuộc về tôi. Vì thế tôi nhanh chóng đóng tủ lạnh lại, uể oải lê bước quay trở về phòng ngủ.

Nói là phòng ngủ, nhưng kỳ thực không phải vậy. Vì tiết kiệm tiền sinh hoạt, nên căn phòng tôi thuê là tầng thượng của một khu chung cư, diện tích ước khoảng 15 mét vuông. Trong không gian nhỏ hẹp đó chỉ kê được một chiếc giường và một chiếc tủ đầu giường đơn giản. Góc kia của căn phòng chất hai thùng đồ to tướng và một chiếc vali kéo, còn những thứ linh tinh khác đều bày la liệt dưới sàn. Trời mùa đông nên sáng rất muộn, dù đã hơn năm giờ nhưng bên ngoài vẫn là một màn đêm đen kịt, căn phòng sáng đèn của tôi như lạc lõng với không gian xung quanh.

Tôi đành ngồi yên trên giường, lòng nặng trĩu, nhất thời chẳng biết phải làm gì, cái cảm giác bất lực ấy đến nay khi nhớ lại vẫn còn khiến tôi cảm thấy hoang mang. Tôi động viên bản thân rằng chẳng hề gì, hãy xem như “một buổi diễn tập chiến đấu”, phải nhanh chóng điều chỉnh bản thân quay về trạng thái “mô thức sinh tồn” thôi. Hôm nay là ngày đầu tiên tôi ở Mỹ, bắt đầu từ hôm nay sẽ chẳng còn ai bên cạnh để dựa dẫm, tất cả chỉ có thể dựa vào chính mình. Nếu ngay ngày đầu tiên đã đánh mất ý chí chiến đấu, vậy hai năm tiếp theo sẽ cầm cự ra sao? Huống hồ, đây chẳng phải là lựa chọn của tôi đó sao? Nếu đã vậy, mọi hậu quả cũng phải do chính bản thân gánh chịu, tuyệt đối không được lùi bước vào thời điểm then chốt này.

Nghĩ đến đây, tôi hăng hái thêm một chút. Tôi nhanh chóng thu xếp hành lý, lục tìm mớ đô-la Mỹ đã đổi từ trước, tay cầm bản đồ rời khỏi nhà đi mua thức ăn. Do tối hôm trước từ sân bay về chỗ ở đã quá nửa đêm, nên tôi chẳng thể quan sát kỹ thành phố này, bây giờ mới thật sự có cơ hội chiêm ngưỡng dung nhan của nó. Nghĩ vậy, trong lòng tôi bỗng dấy lên một sự chờ mong và hưng phấn lạ kỳ.

St. Louis vào mùa đông gió lạnh căm căm, buốt đến tận xương, dù đã mặc áo lông vũ nhưng tôi vẫn cảm nhận được những cơn gió lạnh như dao cắt. Một mình cuốc bộ khá xa, tôi chăm chú nhìn ngắm từng tòa nhà, từng con đường mà mình băng qua. Mỗi khi ngang qua một giao lộ hoặc rẽ sang một góc phố khác, cảnh tượng trước mắt lại khiến nỗi lạc lõng trong tôi trĩu nặng. Con phố nơi tôi đứng không hề rộng, những tòa nhà hai bên đường đều khá thấp, phóng tầm mắt ra xa, dường như ngôi nhà cao nhất cũng không quá bốn tầng. Đường xá tuy được quét dọn rất sạch sẽ, nhưng chẳng hiểu sao vẫn có cảm giác lạnh lẽo, đìu hiu. Trên con đường hai chiều chật hẹp, chỉ lác đác vài bóng xe qua lại, người qua đường càng ít đến mức thê thảm, ngoại trừ vài người dắt chó đi dạo băng ngang qua tôi thì hầu như chẳng còn ai khác.

Tựu chung, cảm giác mà con đường mang lại giống như một góc của ngôi thành cổ hoang phế đã lâu. Tôi chán nản thầm nghĩ: Tại sao nước Mỹ thực tế lại khác xa so với hình ảnh trong những bộ phim Hollywood đến vậy? Chẳng hề có những tòa nhà chọc trời, xe cộ nhộn nhịp đông vui, cảnh tượng náo nhiệt phồn hoa. Nghe dân mạng nói, kỳ thực nước Mỹ là “đại nông thôn” chính hiệu, chẳng nhẽ tôi đã đặt chân đến cái nơi “đại nông thôn” trong truyền thuyết đó sao?

Tôi vừa băn khoăn vừa vội vàng muốn nhanh chóng tìm thấy nơi có thể lấp đầy chiếc dạ dày. Tuy hai bên đường đầy rẫy những cửa hàng nhưng có lẽ do là chủ nhật nên đa phần đều đóng cửa. Sau một hồi tìm kiếm, cuối cùng tôi cũng may mắn nhìn thấy tấm biển “mở cửa” treo trên tấm kính của một cửa hàng nhỏ. Tạ ơn trời đất, cuối cùng cũng có một nơi mở hàng! Liếc nhìn qua loa tên cửa tiệm, “công ty bánh mì St. Louis” gì đó, khiến tôi như mở cờ trong bụng. Tôi rất thích ăn bánh mì, đặc biệt là loại bánh mì làm bằng tay được bán trong các cửa hàng bánh ngọt cổ truyền, một thứ bánh vừa mềm vừa ngon, có thể nói là mỹ vị của thế gian. Nghĩ đến đây, tôi cảm thấy toàn thân như tan chảy, vội vàng đẩy cửa bước vào. Giây phút ấy, tôi cảm thấy vô cùng thỏa mãn khi lựa chọn cửa hàng đó cho bữa ăn sáng đầu tiên sau khi đặt chân đến Mỹ.

Một thanh niên đẹp trai người Mỹ với mái tóc vàng và đôi mắt xanh biếc, đứng sau quầy phục vụ tiếp đón tôi. Anh ấy chào buổi sáng một cách thân thiện, còn tôi thốt ra câu “Good Morning” đầy ngượng nghịu. Đây là lần đầu tiên tôi nói tiếng Anh với một người Mỹ thật sự kể từ khi đến đây, cảm giác vừa kỳ cục vừa lúng túng. Anh ta hỏi tôi muốn ăn gì, tôi vội vàng lục túi tìm kính, sau đó nhìn vào tờ thực đơn bằng tiếng Anh vừa to vừa dài. Trời ạ! Thực đơn quá ư cổ quái, rườm rà phức tạp không nói làm gì, mà trên đó còn ghi tên đủ loại bánh mì và món ăn quái đản, rất nhiều từ tôi chưa từng gặp qua (về sau mới biết rất nhiều tên đều bắt nguồn từ tiếng Ý). Sau đó liếc sang phần giá cả, nó lập tức khiến tôi như ngừng thở: $5,99, $6,99, $7,99, $8,99… tôi nhẩm tính, lấy giá đó nhân với tám (đầu năm 2009, tỉ giá giữa tiền Trung Quốc và đô-la Mỹ là 1:8,2), và phát hiện ra giá bánh mì ở đây toàn giá trên trời. Một chiếc bánh mì mà đến bốn năm mươi tệ, đúng là ăn cướp! Khi ấy trong lòng rối bời khó tả.

Anh chàng đẹp trai nhìn tôi chăm chú, nói một cách lịch sự: “Đừng vội, cứ bình tĩnh.” Tôi lí nhí nói: “Tôi muốn… ờ… cho tôi một suất…”, nhưng trong đầu lại hoàn toàn trống rỗng, chẳng biết mình muốn gọi thứ gì, hay có thể gọi được thứ gì. Anh chàng đẹp trai kiên nhẫn hỏi: “Có cần tôi gợi ý cho bạn không?” Tôi gật đầu và cảm ơn sự giúp đỡ, cũng như sự thân thiện của anh ta. Vậy là anh chàng đã giới thiệu cho tôi bữa điểm tâm được yêu thích nhất của cửa tiệm, nên tôi đành cắn răng trả tiền với cái giá cắt cổ.

Lúc đợi đồ ăn, tôi tìm chỗ kín đáo nhất nơi góc phòng ngồi xuống và bắt đầu quan sát mọi người xung quanh. Nếu nói rằng quang cảnh hoang vu im lìm bên ngoài khác xa so với hình ảnh nước Mỹ trong đầu tôi, thì không khí bên trong cửa tiệm lại rất phù hợp với những gì tôi từng mường tượng. Cách bài trí nội thất khá đơn giản với đủ loại bàn to nhỏ lớn bé, dường như bàn nào cũng đầy ắp người Mỹ ngồi chật kín xung quanh. Có người chăm chú ngồi ăn, cũng có người vừa đọc báo vừa uống cà phê, chiếc bàn tròn bên trái là nhóm người trông có vẻ giống sinh viên, đang vừa cười đùa vừa trò chuyện, còn đôi tình nhân ngồi ở chiếc bàn bên phải lại bận thầm thì to nhỏ với nhau.

Lúc ấy, tôi mơ hồ cảm thấy mình như dần trở nên vô hình. Không hề có một khuôn mặt thân quen nào, thậm chí đến dáng người với mái tóc và cặp mắt đen quen thuộc cũng hoàn toàn mất dạng. Văng vẳng bên tai là thứ âm nhạc Mỹ xa lạ, cũng như mớ tiếng Anh không tài nào hiểu được. Một nhân viên đang pha cà phê, mùi hương từ quầy pha chế xộc thẳng vào mũi khiến tôi hắt hơi một cái rõ to. Khoảnh khắc ấy tôi đột nhiên cảm thấy, vốn dĩ tôi chẳng thuộc về nơi đây, cái cảm giác không thân thuộc ấy khiến cho tôi bối rối. Lần đầu tiên tôi thấy chơi vơi chỉ vì cái cảm giác một thân một mình nơi đất nước hoàn toàn xa lạ.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button