Kỹ năng mềm

Đời Công Chức

doi-cong-chuc-ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Vương Hiểu Phương

Download sách Đời Công Chức ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Kỹ năng làm việc

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời dẫn

Trong chốn quan trường, bạn biết những gì có thể thực sự không quan trọng, mà quan trọng là những gì bạn không biết! Bởi những thứ bạn không biết sẽ quyết định số phận của bạn hơn là những thứ bạn biết.

Đó là kinh nghiệm xương máu của nhà văn Vương Hiểu Phương. Ai cũng biết ông ấy đã có nhiều năm lăn lộn chốn quan trường, từng phải chịu lễ rửa tội không khác nào dưới hỏa ngục. Sau khi từ chức, ông ấy lập tức dùng ngòi bút để đào xoáy ý thức và linh hồn mình. Ý thức cũng như dòng máu chảy vào linh hồn, và linh hồn ông ấy lại giống con sóc nhảy nhót trong lồng. Chiếc lồng ấy do ai tạo ra? Qua quá trình tự ngộ, ông nhận thấy đó là “đạo”, rồi đem “đạo” ấy viết thành tiểu thuyết, nhưng không ngờ “đạo” thể hiện bằng tiểu thuyết lại trở thành mạng lưới các hình thức quan hệ giữa người và sự việc trong thế giới khách quan. Mỗi người vốn là một cá thể trong mạng lưới đó, điều đó chứng tỏ “đạo” chính là “mạng lưới”, như vậy trên thực tế mỗi người ai cũng là người trong đạo. Nhưng “đạo khả đạo, phi thường đạo”(1), vậy “phi thường” ở chỗ nào? Câu trả lời chỉ có thể tìm được ở chốn quan trường, bởi chỉ cái “đạo trong chốn quan trường” mới là “đạo trong đạo”, và càng là cái đạo phi thường. Nắm chắc được đạo quan trường là việc mà rất nhiều cán bộ công chức mong mỏi kiếm tìm, nhưng rốt cuộc “đạo” là gì, mọi người lại không có thời gian để tự ngộ, vì thế tất cả những điều chưa biết thường bị nhầm thành cái mình đã biết. “Đạo” cũng như một câu đố chìm vào trong những điều được cho là đã biết.

Vương Hiểu Phương luôn tự ví mình như cây sậy biết suy nghĩ, nhưng sau nhiều phen khổ tâm nghĩ ngợi, ông ấy mới nhận ra suy tư của mình đã biến mất trong đầm lau sậy. Không biết đã đánh mất mình ở đâu, vì thế ông mượn mấy câu trong kinh Phúc âm Gioan: “Thuở sơ khai có đạo, đạo tồn tại cùng thần, đạo chính là thần.” Điều khiến ông ấy không hiểu là đạo ở đây lại đã biến thành da thịt cơ thể, chả trách Faust(2) khi nghĩ về nguồn gốc của sự sống đã bất giác làm kinh động ma quỷ đang hóa thân thành con chó, chẳng lẽ thần chính là “Logos”? Không thể nào, vì Mephisto từng nói: “Mọi lý thuyết chỉ là màu xám, chỉ có cây vàng của cuộc đời mãi mãi xanh tươi.”

Từ nhỏ Vương Hiểu Phương đã giỏi trèo cây, hái quả. Trèo leo vốn là bản năng của loài người. Khi mở ra cánh cửa theo đuổi nguyện vọng chính trị, ông ấy cũng có cảm giác như khi trèo cây, tòa nhà văn phòng sừng sững trước mắt là cây đại thụ với cành lá sum sê. Điều khiến ông ấy không thể ngờ là cây đại thụ ấy, có thể ngồi hóng mát, nhưng không thể tránh mưa. Một trận mưa to gió lớn đột nhiên ập tới khiến ông như một con nhện, chỉ còn cách trốn vào kẽ vỏ cây. Đợi trận mưa gió tạnh rồi vội trốn chạy khỏi cây đại thụ, nấp vào đầm lau lách, nhưng rồi lại “trôi dạt không nơi đậu, buồn tênh một bóng hình.”

Sở dĩ nói “không nơi đậu” là vì Vương Hiểu Phương đã vội vã rời khỏi bờ này, nhưng vẫn mông lung chưa thấy bờ kia đâu. Ông ấy tưởng tượng mình như con đại bàng đang rỉa sinh mệnh của chính mình, khi nó dang đôi cánh suy tư bay cao, lại nhận ra đó là con đường trước đây mình từng đi qua, tuy là đường chốn quan trường, nhưng có chia ra: đường rõ ràng, đường mờ ảo, thậm chí có cả đường kín đáo. Những “con đường” ấy, tựa như chưa biết, nhưng kỳ thực đều đã biết, chúng cùng ẩn trốn trong chiếc cối xay. Chiếc cối xay ấy không tiến trước, cũng chẳng lùi sau, mà cứ xoay xoay không ngừng.

Vương Hiểu Phương bỗng nhiên đại ngộ, thấy mình trước từng vướng vào chiếc cối xay, còn nay lại đang lạc vào một đầm lau sậy. Ông ấy gọi điện cho bạn cũ là Lưu Anh Vũ nói về phát hiện này của mình, Lưu Anh Vũ cười ha hả: “Hiểu Phương, cậu có biết chiếc cối xay đó gọi là gì không?”

Vương Hiểu Phương ngượng ngùng: “Tôi gọi điện cũng là muốn được thỉnh giáo ông anh đây!”

Lưu Anh Vũ nói trúng phóc: “Chiếc cối xay đó có tên là Tầm Thường.”

Có thể Lưu Anh Vũ nói hơi quá khiến Vương Hiểu Phương vô cùng chấn động. Ông ấy trầm mặc hồi lâu rồi buồn bã nói: “Ông anh à, để ông anh nói vậy, tôi thấy mình như một con sâu đáng thương bị thói hư vinh đùa cợt. Thứ tầm thường lại không thay thế được ‘vô vi’ cũng chẳng đại diện cho ‘thuận theo cuộc sống’, gần đây tôi đang nghĩ về cái nội hàm tinh thần của cuộc sống tầm thường.”

“Hiểu Phương này,” Lưu Anh Vũ hưng phấn nói: “Đây không phải vấn đề ‘vô vi’ hay ‘hữu vi’, cũng không phải vấn đề thuận theo cuộc sống hay ngược với cuộc sống, mà đó là vấn đề của ‘đạo’. Kỳ thực, cái ‘đạo’ chân chính lại ẩn giấu bên trong nội hàm tinh thần của cuộc sống tầm thường. Chẳng phải cậu vẫn thường nói, nhiệm vụ của tiểu thuyết chính là phát hiện những điều bí ẩn nhất của mỗi con người đấy sao? Thực ra, những điều bí ẩn nhất ấy chính là bản chất của con người. Cậu đã nhiều năm lăn lộn trong chốn quan trường, sau khi từ chức lại luôn dùng tiểu thuyết để suy tư về nó. Tôi nghĩ thế này, liệu cậu có thể thông qua tiểu thuyết để hé mở nội hàm tinh thần của cuộc sống tầm thường này không?”

Lưu Anh Vũ là Tổng biên tập Nhà xuất bản Tác Gia, đã nhiều năm hợp tác với Vương Hiểu Phương. Hai người không chỉ có tình bạn thân thiết, mà ngay việc lựa chọn chủ đề tác phẩm cũng thường rất tâm đầu ý hợp.

“Ông anh à,” Vương Hiểu Phương hứng thú nói: “Ý anh là viết một cuốn tiểu thuyết dài phản ánh cuộc sống thường nhật của các công chức?”

Lưu Anh Vũ không trả lời thẳng, mà hỏi lại: “Hiểu Phương này, tuy cậu luôn bận lòng về quan trường, nhưng cậu có biết hàng ngàn hàng vạn cán bộ công chức đang nghĩ gì không?”

Vương Hiểu Phương chợt thông suốt, nói: “Xem ra ông anh muốn tôi biến thành con giun chui vào bụng cán bộ công chức để làm một cuộc thám hiểm tâm hồn hả!”

Lưu Anh Vũ nghe xong cười ha hả: “Hiểu Phương, vừa hay ngày mai tôi đi Thẩm Dương khảo sát thị trường sách, đến lúc ấy chúng ta cùng bàn bạc kỹ. Tôi hy vọng cậu có thể thông qua tác phẩm này xâm nhập thành công vào ‘pháo đài’, lôi hết những bí mật trong đó ra ngoài ánh sáng.”

“Ông anh,” Vương Hiểu Phương thích thú nói: “Đây là chuyến du hành mạo hiểm vào tâm hồn, gặp nguy hiểm chúng ta dù có biến thành bọ cánh cứng, anh cũng phải đồng hành với tôi đấy nhé!”

“Hiểu Phương,” Lưu Anh Vũ nói thản nhiên mà khôi hài: “Du hành vào tâm hồn phải tiến vào rừng rậm tối tăm, nhưng tôi không phải Virgil(3), có thể xuyên qua địa ngục để đến tịnh giới hay có thể rời khỏi tịnh giới để gặp được Beatrice(4) hay không, đều dựa vào cậu, tôi chỉ có thể làm một đốm ma trơi dẫn đường thôi.” Lưu Anh Vũ nói xong cười sảng khoái.

Gác điện thoại, Vương Hiểu Phương chìm vào trầm tư, ông ấy nhận thấy căn phòng vô cùng tĩnh lặng, bên ngoài thi thoảng có tiếng còi ô tô vẳng lại, lấp loáng một luồng sáng xẹt qua, đủ để Hiểu Phương còn có thể cảm thấy được mình đang tồn tại. Từ chức mười năm rồi, ông ấy đã trở thành một tác giả tên tuổi. Ngồi đọc sách trên sofa trong nhà, nhưng ông vẫn ngỡ như đang ngồi đọc báo trong phòng làm việc của chính quyền. Cái nỗi ám ảnh là công chức ấy thi thoảng lại giày vò, khiến ông ấy không thể sống chung được với sự thật trần trụi vốn có của nó.

Từ trong sâu thẳm, Vương Hiểu Phương rất ngưỡng mộ Henry David Thoreau(5) đã tự dựng cho mình một căn nhà gỗ bên hồ Walden. Nhưng đến khi thực sự kiếm tìm hồ Walden trong thế giới tinh thần, ông đã bất ngờ phát hiện ra căn nhà gỗ nhỏ đã biến thành một đại pháo đài, hồ Walden cũng biến thành một đại dương mênh mông. Trên bãi biển, người đến người đi, giữa đám người đông đúc rất khó có thể tìm thấy Henry David Thoreau, ông đã trở thành “người trên bãi biển” nổi danh.

Vương Hiểu Phương nghĩ đến Hutte – nhân vật trong tiểu thuyết của Patrick Modiano – từng nhấn mạnh rằng: “Thực ra chúng ta đều là những người trên bãi biển”, suy rộng từ câu đó thì “dấu chân của chúng ta trên bãi biển, chỉ có thể giữ được trong mấy giây”. Khi ấy, cuốn Hồ Walden trong tay Vương Hiểu Phương đã biến thành một bức ảnh cũ, ông bỗng nhận ra cảm giác mà đám công chức không thể xua đuổi được sinh ra từ tòa pháo đài đó, cuộc sống không thể đảo ngược mà bước sang thế giới của Kafka. Trong lòng ông không ngừng tự truy vấn chất thơ của cuộc sống đang ở đâu? Ông nhận ra cảm giác công chức đã thành chất thơ duy nhất của mình. Xem ra chất thơ đó rất lãng mạn, nhưng lại được quy định rất chuẩn mực. Đứng trước chất thơ theo quy định, quyền được thể hiện tâm tình của các nhà thơ là bình đẳng, nhưng không phải tất cả mọi người đều có thể là nhà thơ.

Vương Hiểu Phương nhận thấy mình trở thành một người không có chất thơ. Dường như việc ấy đã từng xảy ra ở một đất nước nào đó, suy đi nghĩ lại, ông ấy mới nhớ ra là ở “nước Kakani”, đó là một đất nước phù hợp cho những thiên tài phát triển. Ở đây, chỉ có thiên tài bị cho là kẻ thô thiển, chứ chưa từng xảy ra chuyện giống những nơi khác, đó là kẻ thô thiển được cho là thiên tài. Càng khác biệt hơn, đứng trước pháp luật tất cả công dân đều bình đẳng, nhưng lại không phải tất cả đều là công dân. Tất nhiên trong số những người không phải công dân, trừ cha mẹ và thân thích của công dân ra còn có các thiên tài. Ước mơ của Vương Hiểu Phương trên thực tế chính là được trở thành một thiên tài như vậy, ước mơ ấy dường như bẩm sinh đã có. Nhưng ở nước Kakani, những thiên tài như vậy lại không có cá tính. May mà Vương Hiểu Phương không sinh ra và lớn lên ở một đất nước như thế, do đó mới không bị mất đi chút chất thơ còn sót lại, dù chất thơ đó đã được quy định rõ ràng, nhưng cuối cùng lại bị nhấn chìm trong đống tơ rối của cuộc đời, nên ông đành phải trở thành quan liêu trong cuộc sống của mình.

Đến Thẩm Dương, Lưu Anh Vũ ở một khách sạn ba sao trông như pháo đài đá hình tròn. Mười giờ sáng, theo lời mời, khi đến sảnh lớn của khách sạn có hình giống như cái ống khói, trong đầu Vương Hiểu Phương lại hiện lên bao nhiêu trải nghiệm cuộc sống đã từng bị chôn vùi. Những trải nghiệm ấy giống như cuộn chỉ của Ariadne(6) tìm không ra đầu mối khiến ông ấy chợt có ý muốn được trở về trong “bụng mẹ”, nhưng rồi lại phải vội vã chạy vào thang máy.

Trong khi thang máy đi lên, Vương Hiểu Phương chợt hiểu ra một đạo lý, thực ra mỗi con người từ sau khi chui ra khỏi bụng mẹ đã bị lạc đường, cả cuộc đời đều đang tìm lại chính mình, tìm đường về nhà. Lưu Anh Vũ ở phòng số 2002, khi Vương Hiểu Phương ấn chuông cửa, ông ấy buột miệng nói nhỏ: “Số 2, Số 2 phố Hộp đêm.”

Khi ra mở cửa, Lưu Anh Vũ vẫn đang cạo râu. Ông ta có dáng vóc cao lớn khỏe mạnh, ánh mắt sáng quắc, toàn thân toát lên vẻ tinh anh lão luyện. Ông vồn vã mời Vương Hiểu Phương vào phòng, thích thú nói: “Hiểu Phương, thấy khách sạn tôi ở có giống pháo đài không?”

“Ông anh,” Vương Hiểu Phương phụ họa thêm: “Nếu anh thay dao cạo râu điện kia là bát nước xà phòng, trên bát đặt chiếc gương và một con dao cạo thì với vóc dáng của anh, giống Mulligan(7) dưới ngòi bút của James Joyce lắm đấy?”

“Hiểu Phương này.” Lưu Anh Vũ nói vẻ hào sảng: “Nói như vậy là cậu vào ‘thánh đàn của Thiên Chúa’ sao?” Hai người cùng nhìn nhau cười phá lên.

Căn phòng của Lưu Anh Vũ là phòng đơn, rất hẹp. Trừ chiếc giường đơn chỉ có một chiếc sofa, bên cạnh chiếc bàn viết nhỏ là một cái ghế tựa. Lưu Anh Vũ kéo chiếc ghế cho Vương Hiểu Phương ngồi. Sau khi yên vị, Vương Hiểu Phương nhấp ngụm trà rồi mỉm cười bảo: “Anh à, xem ra lần này anh đến chỉ là để cùng tôi bàn bạc về ‘Chân dung một công chức’ phải không?”

“Hiểu Phương này,” Lưu Anh Vũ suy nghĩ nói: “Không phải ‘Chân dung một công chức’, mà là ‘Tâm hồn một công chức’.”

“Anh ạ, một tâm hồn không nói rõ được gì. Anh phải biết rằng, mỗi người đều có hai tâm hồn, khi gặp phải vấn đề nào đó, hai tâm hồn ấy luôn tranh đấu với nhau, và vì thế chúng trở thành đồng lõa với nhục thể. Bởi vậy, nếu muốn viết phải viết về canh bạc giữa hai linh hồn.” Vương Hiểu Phương nói vẻ đầy tự tin.

“Điều đó không hề dễ, nếu biến cây bút thành dao mổ, mà chỉ để giải phẫu ý thức thì vẫn chưa đủ, cần phải đào sâu vào tiềm thức nữa. Cậu đã suy nghĩ cần phải viết thế nào chưa?” Lưu Anh Vũ hỏi.

“Tôi thường nghĩ, phía sau cuộc sống yên ổn thường ngày, đằng sau tâm linh tươi đẹp rạng rỡ, luôn ẩn giấu cuồng phong bạo vũ, luôn mở sẵn vực sâu không đáy. Cuộc chiến giữa thượng đế và ma quỷ luôn ẩn nấp ở nơi sâu nhất trong tâm hồn con người.” Giọng Vương Hiểu Phương đã hơi xúc động.

“Đó là vấn đề bản tính con người,” Lưu Anh Vũ suy tư rồi hỏi: “Hiểu Phương này, cậu thấy bản tính con người là lý tính hay phi lý tính?”

“Về điểm này trong cuốn Bút ký dưới hầm, Dostoevsky đã trả lời rồi. Nhân vật chính nói, phải biết rằng, mọi việc mà con người làm dường như chỉ là để chứng minh họ là người chứ không phải cái đinh vít. Khi sự việc đã đến giai đoạn tính toán và bảng biểu, chỉ còn hai nhân hai bằng bốn, thì còn ý chí cá nhân nào đáng nói nữa. Phải biết rằng, khi đến giai đoạn hai nhân hai bằng bốn tức là đã không còn tính đến sinh mệnh nữa, mà đã trở thành khởi nguyên của cái chết. Điều ấy chứng tỏ gì? Nó chứng tỏ số phận của con người tuyệt đối không phải được xây dựng trên chân lý hai nhân hai bằng bốn như thế. Nhưng trong cuộc sống của chúng ta, những chân lý như vậy lại luôn luôn đúng, nhất là trong cuộc sống của công chức. Bản tính của con người sao có thể thuần túy lý tính được? Xã hội của con người đâu phải là tổ ong, trong xã hội luôn tồn tại những nhân tố phi lý tính, những nhân tố này mới là nguồn mạch của sự sống và động lực cho tiến bộ xã hội.”

“Nhưng chúng ta thường bị nhét vào những khuôn mẫu lý tính, cuộc sống bị xếp đặt thành bảng biểu giống như những chiếc lon khiến mọi người chỉ có thể hành động lặp đi lặp lại trong cuộc sống.” Lưu Anh Vũ buồn bã nói.

“Cuộc sống kiểu chiếc lon ấy, dù hạnh phúc đến đâu thì cũng chỉ là hạnh phúc gượng ép, con người chẳng bao giờ chấp nhận biến thành ‘những phím đàn piano’ hay ‘một cái đinh vít’.” Vương Hiểu Phương vung mạnh tay nói.

“Hiểu Phương, đây là một thế giới phục tùng, mà phục tùng là một trong những quy tắc bất biến của chính trị học.” Lưu Anh Vũ cảm khái nói.

“Và quy tắc đó đã định rõ sự tầm thường cho thế giới quan chức,” Vương Hiểu Phương quyết liệt nói: “Anh đừng quên, cách an toàn nhất để chế ngự quyền lực chính là không làm gì, chính là Tầm Thường.”

“Nhưng phải chịu muôn vàn vất vả khổ sở mới chen lên được cây cầu độc mộc, ai lại cam chịu là người tầm thường?” Lưu Anh Vũ hỏi ngược lại.

“Ông anh, trong chốn quan trường, không cam chịu là nguy hiểm nhất. Trong mọi thứ truy cầu của con người, truy cầu quyền lực là cực đoan nhất. Quan hệ giao thiệp là ‘sự nghiệp’ mà công chức phải dốc toàn tâm toàn ý, mỗi người đều sống trong một ‘trạng thái điên cuồng’ bình tĩnh.” Vương Hiểu Phương nói đúng vào điểm yếu.

“Cái ‘trạng thái điên cuồng’ bình tĩnh ấy nhất định đòi hỏi phải có bản tính tinh thần sâu kín, cậu thể hiện nó thế nào?” Lưu Anh Vũ vội hỏi.

“Tôi nghĩ kỹ rồi, hình thức bút ký là cách nhìn thấu tâm hồn dễ nhất.” Ánh mắt Vương Hiểu Phương chợt sáng lên, nói một cách dứt khoát.

“Ý cậu là viết một cuốn bút ký về đời công chức?” Lưu Anh Vũ hỏi như chợt hiểu ra.

“Đúng.” Vương Hiểu Phương nói không do dự.

“Hay!” Lưu Anh Vũ hứng thú nói: “Ý kiến này hay đấy, nay số người đăng ký thi tuyển công chức mỗi năm lại đông thêm, có thể nói là thiên binh vạn mã tranh nhau chiếm một cây cầu độc mộc, đây đúng là ‘học nhi ưu tắc sĩ’(8). Theo lý mà nói, thời đại lấy việc làm quan là con đường duy nhất để giương danh với đời đã không còn tồn tại, vậy vì sao con người ta lại đắm đuối với việc làm quan nặng nề đến vậy?”

“Việc này có liên quan đến tôn giáo bản địa của chúng ta.” Vương Hiểu Phương lại nhấp một ngụm trà đáp.

“Tôn giáo bản địa?” Lưu Anh Vũ không hiểu.

“Đúng, trong đầu tôi thường xuất hiện một bức tranh thủy mặc, có đề là: ‘Cầu độc mộc ồn ã; Mộng Nam Kha vẫn nồng.’ Vương Hiểu Phương nói.

“Này, tôi vẫn chưa hiểu vì sao dân ta trọng quyền lực mà không trọng sáng tạo. Họ đâu biết thành công có hai loại: một là thành công tầm thường; hai là thành công cao thượng. Thành công tầm thường nhờ vào địa vị, tiền tài, thành công cao thượng dựa ở sáng tạo, nhưng sao một số người lại chỉ say mê thứ thành công tầm thường?” Lưu Anh Vũ hỏi với vẻ khó hiểu.

“Vấn đề này, anh đọc cuốn Người Trung Quốc xấu xí của Bách Dương là rõ ngay. Ông ấy nói, tự kiêu, tự ti chính là không có tự tôn, thiếu kỹ năng tư duy độc lập. Càng sợ tư duy độc lập càng không rõ đúng sai, chỉ biết té nước theo mưa, cuối cùng đều trở thành ba phải.” Vương Hiểu Phương nhìn Lưu Anh Vũ, thâm trầm nói.

“Tôi cảm thấy những điều Bách Dương nói mới chỉ là hiện tượng, chưa phải căn nguyên của vấn đề. Nhưng ông ấy đã chỉ ra được người Trung Quốc thiếu kỹ năng tư duy độc lập, sợ tư duy độc lập, nói cách khác cũng chính là chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến dân ta không coi trọng sáng tạo.” Lưu Anh Vũ nói vẻ đầy cảm khái.

“Ông anh ạ,” Vương Hiểu Phương vuốt tóc nói: “Ông Bách Dương mới chỉ ra hiện tượng mà đã phải ngồi tù mười năm. Nếu lại còn chỉ ra căn nguyên, e rằng đã bị chém đầu rồi. Anh có biết tại sao chúng ta sợ tư duy độc lập không? Bởi tư duy độc lập tất sẽ nảy sinh tư tưởng! Mao Trạch Đông nói, một đốm lửa nhỏ có thể thiêu rụi cả cánh đồng, nếu trong đầu mỗi người đều có một tư tưởng độc lập thì đạo Nho của Khổng Phu Tử đã chẳng thể độc tôn!”

“Đúng vậy,” Lưu Anh Vũ thở dài đáp: “Vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con, điều đó đã quy định rõ ràng, bản chất nó chính là không cho phép anh có kỹ năng tư duy độc lập, không thể tư duy, cũng không dám tư duy, giống như đem rau quả đóng vào lon hộp, nhìn thì rất tươi ngon nhưng đã không còn tươi sống nữa.”

“Không có năng lực tư duy và tưởng tượng, tất nhiên sẽ chẳng thể nói đến chuyện sáng tạo. Nhưng tiểu thuyết không phải cái lon, cũng chẳng phải tổ ong, tổ kiến. Tiểu thuyết là để thí nghiệm tinh thần với con người. Tiểu thuyết gia phải như một người thợ lặn, lặn vào nội tâm con người, mở ra những vực sâu không đáy, khai quật những dòng dung nham ẩn giấu, tìm trăm phương ngàn kế để dung nham ấy phun trào.” Vương Hiểu Phương có vẻ hơi kích động.

“Hay lắm,” Lưu Anh Vũ hứng khởi nói: “Thế giới lon hộp là cỗ máy lý tính, tôi hy vọng thông qua tư duy trong bút ký Đời công chức cậu có thể mở được chiếc lon hộp ấy, dù đồ ở bên trong có ôi có thiu thì nó cũng là một trạng thái tự do. Thử chọc vào tổ ong, mới hy vọng có được mật ong thiên nhiên.”

“Ông anh không sợ tôi bị ong đốt sao?” Vương Hiểu Phương hỏi một cách hóm hỉnh.

“Người anh em, không vào hang cọp sao bắt được cọp con, cậu đã chọn nghề văn là chọn phải chịu khổ rồi. Nhân vật chính trong Bút ký dưới hầm(9) từng nói: “Khổ ải là chất xúc tác duy nhất của ý thức.” Lưu Anh Vũ nhìn đồng hồ rồi đứng dậy nói: “Lần này tôi đến đây, chủ yếu là để tiễn cậu bước vào chuyến thám hiểm tâm hồn vất vả này. Hai anh em ta lâu rồi chưa cùng say một trận, đi, trưa nay tôi mời cậu một trận say khướt mới được.”

Khi Vương Hiểu Phương rời khách sạn đã là ba giờ chiều, về đến nhà vẫn còn ngà ngà say. Trước nay ông ấy vốn không thích viết lách trên bàn làm việc trong thư phòng, mà thích nằm dài trên sofa trong phòng khách để viết. Trên sofa phòng khách sách chất đống, nó biến thành bàn viết và giường của ông. Hiểu Phương ngất ngưởng nghiêng người dựa vào sofa, mệt mỏi gác hai chân lên cái ghế vải thấp phía trước. Ông nhắm mắt, cảm thấy mặt nóng bừng, mí mắt nặng trĩu, từ từ đi vào giấc ngủ. Ông thấy linh hồn từ chốn tối đen biến thành đàn ong mật, kêu vo vo bay đến một vườn hoa. Biển hoa muôn màu rực rỡ, ông biết đó là thế giới mới, một thế giới tự do. Khắp chốn nơi đây đều là bờ bên kia, trong khi ông ấy đang hạnh phúc quên cả muốn về thì bị một tràng tiếng chó sủa làm giật mình tỉnh giấc.

Đó là tiếng con chó béc-giê lông vàng nhà hàng xóm ở tầng một, ban ngày nó được buộc ở gốc cây trước cửa, mỗi khi phát hiện ra mèo, nó lại sủa ầm ỹ. Vương Hiểu Phương chậm rãi mở to hai mắt, ánh nắng chiều còn sót lại chiếu qua ô kính cửa sổ rọi vào, thật ấm áp, ông ấy thầm rủa một câu: “Mephisto đáng chết, tên ma quỷ xấu xa trong địa ngục nhà ngươi!” Ông vươn vai, tiện tay cầm cuốn Faust, nhưng trong đầu lại nghĩ đến việc bắt đầu cuốn bút ký Đời công chức. Khi vô tình giở đến chương Hoàng hôn thì cơn buồn nôn ập đến, ông vứt vội cuốn sách trong tay, chạy vào nhà vệ sinh rửa mặt để đầu óc tỉnh táo đôi chút. Vừa rửa mặt ông vừa nghĩ: “Trái tim ngươi sao nặng nề đến vậy hả Vương Hiểu Phương đáng thương? Ta không còn nhận ra mi nữa rồi!”

ĐỌC THỬ

Phần I Ngang: Hiện thực

Tôi là Trưởng phòng – Dương Hằng Đạt

“Ai cũng muốn được lên thiên đường, nhưng cánh cửa thiên đường không như địa ngục có thể đẩy một cái là mở được ngay. Và chính tôi là người đã nhầm tưởng cánh cửa địa ngục là cửa thiên đường.” Đây là lời của một cán bộ thất thế mà tôi đọc được trên báo hôm nay, nó khiến tôi rất xúc động. Trên thế gian này ngoài cánh cửa thiên đường và địa ngục, có cánh cửa thứ ba không nhỉ? Nếu không thì người ta nỗ lực phấn đấu vì cái gì? Chẳng lẽ chỉ là để đẩy cánh cửa địa ngục? Trải qua bao phen lao tâm khổ tứ, tôi mới bất ngờ phát hiện ra rằng ngày nào tôi cũng phải mở một cánh cửa, đó là cánh cửa văn phòng làm việc cũng là cửa phòng Tổng hợp 2 tòa Thị chính thành phố Đông Châu, bởi tôi là Trưởng phòng. Những lúc mở cánh cửa ấy là lúc tôi dương dương đắc ý nhất, và cũng là khi tâm hồn tôi vô cảm nhất.

Tối qua đi thăm một vị lãnh đạo cũ mà tôi từng dưới trướng nhiều năm. Ông ấy bị bệnh: trúng độc nước tiểu. Đúng, là bệnh trúng độc nước tiểu, chứ không phải nhiễm độc đường tiết niệu. Nhiều người đến thăm cứ nghĩ đó là bệnh nhiễm độc đường tiết niệu chứ khó mà hiểu được bệnh trúng độc nước tiểu, nhưng sau khi nghe ông ấy giải thích, mọi người mới vỡ lẽ. Sở dĩ ông ta bị như vậy là vì uống nước tiểu trong thời gian dài. Mặc dù phải nhập viện, nhưng ông ta vẫn tranh thủ tuyên truyền về “liệu pháp nước tiểu” cho những ai tới thăm. Ông ta say sưa giảng giải về lợi ích của việc uống nước tiểu, lại còn đọc vanh vách câu trong Bản thảo cương mục(1): “Vị mặn, tính hàn, không độc. Chủ trị ho lâu ngày, chảy nước mũi, đau quặn ruột, tổn thương do va đập, sưng trĩ đau nhức.” Ông ta còn nói “liệu pháp nước tiểu” chính là quốc túy, quan niệm ấy vẫn chưa hề thay đổi, hệt như khi tôi còn phục vụ ông ta năm năm về trước. Chẳng những quan niệm vẫn vậy mà còn nỗ lực thực hành theo, đến nỗi bây giờ phải nhập viện gấp.

Nhắc đến “liệu pháp nước tiểu” tôi liền lợm giọng, buồn nôn, cũng giống Sartre(2) từng thấy Buồn nôn(3) vì một tư tưởng mông lung nhạt nhẽo xuất hiện trong đầu. Ông không biết nó là cái gì, cũng không dám nhìn thẳng vào nó mà vẫn thấy buồn nôn. Lúc đầu tôi cho rằng nước tiểu và tư tưởng là hai chuyện hoàn toàn khác nhau, nhưng sau khi nghe vị lãnh đạo cũ khuyên nên uống nước tiểu, tôi mới chợt nhận thấy té ra “liệu pháp nước tiểu” đúng là một loại tư tưởng, tương tự loại tư tưởng về quốc túy.

Dù nghỉ hưu đã nhiều năm, nhưng xét về địa vị và quá trình cống hiến, vị lãnh đạo cũ ấy vẫn là một “Thái sơn Bắc đẩu” của thành phố Đông Châu. Khi ông ta tuyển tôi thì tôi đang là cán bộ điều tra nghiên cứu của Văn phòng Cục cán bộ lão thành Thành ủy. Sở dĩ ông ta chọn tôi làm thư ký là vì ông ta từng đọc bài tôi viết về “cán bộ lão thành dưỡng sinh thế nào” được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Chính trị Đông Châu. Để viết được bài đó, tôi đã tham khảo đủ loại tư liệu về phương pháp dưỡng sinh của người già. Ông ta đặc biệt tin tưởng vào bài viết và những kiến thức, kỹ thuật nền tảng về dưỡng sinh của tôi. Kỳ thực về phương diện dưỡng sinh, tôi nào có kiến thức và kỹ thuật gì, chẳng qua chỉ nhận lời mời của chuyên mục Quốc túy trên tờ Nghiên cứu Chính trị Đông Châu, viết một bài trong lúc nhàn rỗi, không ngờ nó lại nhận được lời khen ngợi của ông ấy, rồi ma xui quỷ khiến thế nào lại chọn tôi làm thư ký.

Mãi khi nhậm chức, tôi mới biết, ông ta chọn tôi làm thư ký là vì muốn tôi có thể sửa bản thảo một cuốn sách, đương nhiên tính đến thời điểm tôi nhậm chức thì bản thảo này vẫn chưa hề có chữ nào, mà chỉ mới ở dạng ý tưởng của ông ta mà thôi. Mãi đến năm năm sau tính từ ngày tôi nhậm chức, bản thảo mới được hoàn thành với tựa đề Bàn về vấn đề triết học của liệu pháp nước tiểu.

Sách tuy do tôi viết, nhưng người ký tên đương nhiên là ông ta. Ông ta tốn năm năm mới hoàn thành xong tác phẩm tâm huyết, nhưng không vì mục đích xuất bản, mà chỉ là những mẩu ghi chép về kinh nghiệm dưỡng sinh của bản thân để chia sẻ với các cán bộ lão thành, đồng thời cũng lưu lại chút di sản tinh thần cho lớp cán bộ trẻ.

Điều khiến tôi khổ sở nhất là lúc đầu vì không thể hiểu được đầy đủ hàm ý của ông về “liệu pháp nước tiểu”, nên ông ta đã rất không hài lòng với thứ văn chương mà tôi đã chấp bút. Ông một mực tin tưởng rằng thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm nghiệm chân lý. Qua nhiều lần ông ta khuyên nhủ, cũng vì mục đích hoàn thành tốt chức trách của mình, tôi đành phải đích thân trải nghiệm “liệu pháp nước tiểu”, không ngờ đã uống vậy suốt năm năm trời. Hằng ngày, ngoài việc soạn lại những lời nói và suy nghĩ của sếp, ông ấy còn yêu cầu tôi phải viết cả những cảm nhận của mình về“liệu pháp nước tiểu” thành một văn bản, ít nhất hai ngàn chữ trở lên. Ông ấy ngồi duyệt bài của tôi như phê duyệt văn kiện vậy, thậm chí còn dùng cả bút đỏ. Năm năm trôi qua, tôi không những hoàn thành cho sếp một tập tác phẩm Bàn về vấn đề triết học của liệu pháp nước tiểu, mà bản thân còn cảm nhận được rõ rệt nhất về “liệu pháp nước tiểu” ấy.

Tôi được sắp xếp lên Văn phòng Ủy ban thành phố, làm Trưởng phòng Tổng hợp 2. Hôm chia tay sếp, bạn bè mở tiệc chúc mừng. Ông Trời ơi, tôi nhìn những cốc bia màu vàng đang sủi đầy bọt trắng mà nước mắt ròng ròng. Bạn bè ai cũng cho rằng vì tôi được thăng chức, mừng quá nên khóc. Nhưng nào ai biết tôi khóc vì quá tủi thân đâu chứ! Phải uống nước tiểu suốt năm năm ròng rã tôi mới lên được cái chức Trưởng phòng này.

Giờ đây nhớ lại nỗi khổ năm năm uống nước tiểu, tôi như tên tù phạm vừa thoát khỏi trại giam, tinh thần như bị chia thành hai nửa, từng cơn buồn nôn vọt đến tận tim óc.

Đáng lý ra, tôi phải quay trở lại Cục cán bộ lão thành thành ủy, nhưng cũng thật tình cờ, hồi ấy tôi có viết một bài lý luận về “Xây dựng phát triển thành phố Đông Châu” đăng trên Đông Châu nhật báo, rất vừa ý Ủy viên thường vụ mới được thăng chức Phó Thị trưởng Bành Quốc Lương. Đương nhiên trước đó, mỗi dịp lễ tết, Bành Quốc Lương đều đến thăm sếp của tôi. Sếp cũng rất quan tâm đến sự tiến bộ của ông ta, luôn tính đến chuyện cất nhắc lên ghế lãnh đạo Phó Thị trưởng, vì thế Bành Quốc Lương biết tôi khá rõ. Đúng dịp cuốn Bàn về vấn đề triết học của liệu pháp nước tiểu vừa hoàn thành và được Thành ủy cho in một ngàn cuốn khiến sếp tôi hoàn toàn mãn nguyện, và hẳn là cũng đến thời điểm thả tôi đi rồi. Vừa hay gặp lúc Bành Quốc Lương đến thăm sếp tôi nhân dịp năm mới, đầu tiên Phó Thị trưởng Bành than thở về nỗi khổ tâm vì không có người chấp bút bên cạnh, sau đó là một tràng tán thưởng cách thức hành văn của tôi, đồng thời đề xuất ý kiến muốn đưa tôi về làm Trưởng phòng Tổng hợp 2 của Ủy ban thành phố. Sếp tôi không chút đắn đo vui vẻ đồng ý.

Tôi có được chức trưởng phòng như thế đấy. Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ rằng sếp tôi bất ngờ đổ bệnh vì uống nước tiểu. Tất nhiên đây là kết quả chẩn đoán của Tây y, trong khi sếp tôi lại hết lòng tin tưởng Đông y. Ông khăng khăng cho rằng bệnh lần này không phải do uống nước tiểu, mà chỉ vì hai ngày liền không đi tiểu mà thôi. Sở dĩ hai ngày liền không đi tiểu là vì sếp đã hơn 70 tuổi, tuyến tiền liệt có những biểu hiện bất thường, không thải được nước tiểu, làm “liệu pháp nước tiểu” bị gián đoạn. Tối qua lúc đến thăm, thấy ông ta vẫn giữ vững quan điểm, dặn dò: “Chủ động tuyên truyền mọi người nên uống nước tiểu của chính mình nhé!”

Nói thật tôi cũng uống nước tiểu năm năm rồi, nên đối với “liệu pháp nước tiểu” tôi có quyền phát ngôn nhất. Ban đầu nghe theo lời khuyên của sếp, tôi cũng cho rằng uống nước tiểu sẽ “tráng thân kiện thể, kéo dài tuổi thọ”, nhưng đến khi trải nghiệm rồi tôi chợt bừng tỉnh: nước tiểu là chất thải không dễ lọc, do thận bài tiết ra, nếu uống lại há chẳng phải làm tăng thêm gánh nặng cho gan và thận sao? Không trúng độc mới là lạ! Nói rõ ràng, nước tiểu không phải nước, tuy thành phần chủ yếu là nước, nhưng nó lại chính là độc tố, là những chất cặn bã của quá trình trao đổi chất trong cơ thể đào thải ra ngoài. Thực ra xã hội cũng giống cơ thể con người, thông qua những lần thay đổi triều đại trong lịch sử mà đào thải ra vô số thứ văn hóa rác rưởi, nó chính là những thứ tai hại nhất, thế nhưng chúng ta lại luôn coi chúng là những thứ vĩ đại nhất, là văn hóa truyền thống cần phải phát huy. Cảm nhận sâu sắc của tôi về việc “uống nước tiểu” thực ra chính là thứ rác rưởi như vậy.

Tối hôm được thăng chức có một buổi liên hoan chúc mừng, tôi uống khá nhiều nên bạn phải lái xe đưa về. Dọc đường cảm thấy cơ thể nhộn nhạo, buồn nôn, nhìn qua khung cửa sổ xe, dưới ánh đèn đường, tôi thấy một mảnh giấy rách dính dưới đế giày một người đi bộ. Anh ta liền di di mấy cái xuống mặt đường, khiến mảnh giấy rách thêm, rơi ra khỏi đế giày, rồi bị một cơn gió thổi bay tứ phía. Thấy cảnh tượng đó, tôi tự nhắc nhở mình không được coi thường những cơn gió ấy.

Về tới nhà, không kìm được cơn buồn nôn nữa, tôi lập tức tìm lại mớ cảm xúc “uống nước tiểu” mà hai năm trước đã tâm huyết viết ra với hơn một vạn chữ, nay giấy đã ngả vàng trông như những chiếc lá khô, tìm một nơi vắng vẻ đốt nó đi, ánh lửa chiếu đỏ khuôn mặt tôi, ngọn lửa phát ra âm thanh lép bép như tiếng cười chế giễu.

Phòng Tổng hợp 2 mà tôi tiếp nhận, tính ra chỉ có năm người, nhưng tình hình vô cùng phức tạp, đây là điều tôi chưa lường tới được. Cũng khó trách, bước vào văn phòng làm việc của phòng Tổng hợp 2 cũng chính là tiến vào trung tâm quyết sách của Văn phòng Ủy ban thành phố. Phòng Tổng hợp 2 tương đương văn phòng của Phó Thị trưởng thường vụ, do đó tôi cũng sánh ngang Chủ nhiệm văn phòng Phó chủ tịch, ai mà chả thích làm Chủ nhiệm văn phòng Phó Thị trưởng chứ. Nhưng có lẽ người thích vị trí này nhất là Hứa Trí Thái. Anh ta là Phó phòng Tổng hợp 2, cũng là Phó phòng Hành chính. Đừng nhìn vóc người nhỏ thó, khuôn mặt dài như viên gạch của anh ta mà coi thường, bên trong con người anh ta ẩn chứa nhiều điều khiến người khác không dám coi thường đấy. Tôi ghét nhất lúc anh ta hếch miệng trên bộ mặt hắc ám lên để cười, nó khiến tôi luôn nghĩ đến câu thành ngữ Nụ cười giấu dao. Thế cũng tốt, nó thường xuyên nhắc tôi phải dè chừng với anh ta. Tôi gờm mặt Hứa Trí Thái bởi tiền nhiệm của tôi đã bị anh ta làm cho rớt đài, chuyện đó xứng đáng được xem như một cuộc “chính biến”.

Nói đến vị tiền nhiệm của tôi – Triệu Trung, vốn gốc rễ rất vững. Ban đầu chỉ là Phó chủ nhiệm văn phòng thương mại Liên Hoa, sau đó được Phó Thị trưởng, Thường vụ Thành ủy thành phố Đông Châu Lưu Nhất Hạc trực tiếp đưa lên làm Trưởng phòng Tổng hợp 2. Lưu Nhất Hạc là tiền nhiệm của Bành Quốc Lương, vừa được thăng chức Phó Tỉnh trưởng tỉnh Thanh Giang. Nhân cơ hội Lưu Nhất Hạc rời khỏi Đông Châu, Hứa Trí Thái liền ngấm ngầm xúi giục tập thể làm đơn liệt kê ra bảy tội trạng gửi lên Đảng ủy tố cáo Triệu Trung. Đảng ủy lập tức phái Trưởng phòng nhân sự xuống tìm hiểu sự tình, gọi từng nhân viên phòng Tổng hợp 2 để nói chuyện. Đáng thương cho Triệu Trung khi đó đang ở Nhật Bản nghỉ mát, tận hưởng phong cảnh của Hokkaido, khi về nước, Đảng ủy chẳng đoái hoài gì, ngay cả gọi anh ta lên nói chuyện cũng không mà tức khắc điều Triệu Trung xuống Trung tâm phục vụ vừa mới thành lập của cơ quan hậu cần. Sau một phen giãy giụa bầm dập, Triệu Trung không chịu nổi nhục, tức giận từ chức.

Vụ việc đó đã gây ra một trận phong ba bão táp ở văn phòng Ủy ban thành phố. Điều tôi không hiểu được là khi đó hầu như không ai đồng tình với Triệu Trung. Theo lý, việc Triệu Trung phải rời phòng Tổng hợp 2 chỉ là chuyện sớm muộn, bởi “Nhất triều thiên tử, nhất triều thần”(4). Lưu Nhất Hạc tuy thăng chức nhưng “nước xa không thỏa được cơn khát”. Trước khi Lưu Nhất Hạc chuyển đi đã ngầm sắp xếp Triệu Trung làm Phó chủ nhiệm đặc khu kinh tế của thành phố, đang chờ Thành ủy sát hạch thì đã bị Hứa Trí Thái phá bĩnh, chứng cứ của “bảy tội trạng lớn” cũng đã bị phát giác.

Khi Lưu Nhất Hạc còn là chủ quản của bộ phận Kinh tế ngoại thương thì nhân viên phòng Tổng hợp 2 có nhiều cơ hội đi nước ngoài. Mỗi năm có tới bảy, tám lượt xuất ngoại nhưng đều bị Triệu Trung ôm trọn, đến cả Hứa Trí Thái cũng chẳng được sơ múi. Không chỉ dừng lại ở đó, từ khi Triệu Trung nhậm chức Trưởng phòng Tổng hợp 2, toàn bộ công văn giấy tờ chưa từng đếm xỉa đến mà đều đẩy qua cho Hứa Trí Thái và Hoàng Tiểu Minh. Tài liệu giấy tờ thì do Hứa Trí Thái và Hoàng Tiểu Minh viết, nhưng khi họp hành báo cáo với lãnh đạo thì không đến phiên hai người họ. Đây là kiểu nhào nặn đổi ngôi riêng có của Triệu Trung. Nếu cấp trên khen báo cáo nào thì Triệu Trung nhận hết về mình, báo cáo nào không vừa lòng cấp trên thì ông ta đùn sang cho người khác.

Quá đáng hơn, Triệu Trung còn răn đe tất cả mọi người phải giữ khoảng cách nhất định với Lưu Nhất Hạc. Nhân viên điều tra nghiên cứu của phòng Tổng hợp 2 Hoàng Tiểu Minh là thạc sĩ duy nhất của phòng, cũng là tay viết văn rất giỏi, được Văn phòng Ủy ban thành phố công nhận là tài tử. Bao nhiêu công văn báo cáo hóc búa của phòng đều nhờ ngòi bút của anh ta viết ra, nhưng chưa bao giờ Hoàng Tiểu Minh được vào phòng làm việc của Lưu Nhất Hạc, bởi Triệu Trung không cho Hoàng Tiểu Minh có cơ hội gặp ông ta.

Một lần, Triệu Trung bị cảm không đi làm được, đúng ngày đó có đại diện của tập đoàn tài chính Hương Cảng đến Đông Châu hội đàm để làm thủ tục thu mua bia của nhà máy Hắc Thủy. Lưu Nhất Hạc thân chinh đón tiếp, chiêu đãi và hội đàm với khách nên ông ấy yêu cầu phòng Tổng hợp 2 cử người cùng đi. Vừa hay Hứa Trí Thái phải giải quyết khá nhiều đơn từ báo cáo, thế là Phó phòng Hứa cử ngay Hoàng Tiểu Minh tháp tùng Lưu Nhất Hạc. Nếu như bình thường, Hoàng Tiểu Minh chẳng có cơ hội chen chân vào việc này, mà Triệu Trung sẽ đích thân tháp tùng. Đây là việc Triệu Trung không ngờ tới. Hoàng Tiểu Minh đi cùng Lưu Nhất Hạc mới có một lần mà đã giành được thiện cảm của Lưu Nhất Hạc. Ngay sau đó ông ta đã ra chỉ thị với Triệu Trung từ nay cứ để Hoàng Tiểu Minh đi cùng. Cũng không biết Triệu Trung nói gì với Lưu Nhất Hạc, mà từ đó Hoàng Tiểu Minh hoàn toàn bị thất sủng, bất cứ dịp tốt nào cũng không đến lượt. Những chuyện này, sau khi đến phòng Tổng hợp 2 tôi mới tìm hiểu rõ ngọn ngành.

Phòng tôi còn có một nhân viên nữa tên là Chu Đại Vỹ, mới 27-28 tuổi, tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Quản lý doanh nghiệp. Chu Đại Vỹ vào phòng Tổng hợp 2 với mục đích rất rõ ràng, hy vọng sẽ có cơ hội làm thư ký cho vị Thị trưởng nào đó. Sở dĩ có suy nghĩ như vậy đều do cha cậu ấy – Chu Văn Vũ. Hồi đầu Chu Văn Vũ là Trưởng phòng bất động sản của văn phòng Thành ủy, sau xuống vùng duyên hải làm quản lý nhà đất, hiện là một thương gia chuyên mua bán nhà đất có tiếng tăm nhất thành phố Đông Châu. Chu Văn Vũ vốn thích “hô mưa gọi gió”, ra oai trong giới chính trị nhưng lại chẳng làm được gì thành ra thất vọng chán chường. Sau khi con trai tốt nghiệp, muốn đi du học nhưng ông không đồng ý, tổn hao bao tâm tư khuyên nhủ con làm việc trong cơ quan nhà nước, lại dùng trăm phương nghìn kế đưa bằng được con trai vào phòng Tổng hợp 2. Khi đó Chu Văn Vũ dự tính sau năm năm, con trai sẽ được sắp xếp thay thế Tống Đại Minh, làm thư ký cho Thường vụ Thành ủy, Phó Thị trưởng Lưu Nhất Hạc. Nhưng “người tính không bằng trời tính”, mới hai năm Lưu Nhất Hạc đã được thăng chức làm Phó Tỉnh trưởng của tỉnh Thanh Giang, lại đem cả thư ký Tống Đại Minh đi theo, thế là giấc mộng của Chu Đại Vỹ đành tạm thời bỏ đó.

Hồi mới đến làm việc, Chu Đại Vỹ đã khác hẳn mọi người, cậu ta rất biết điều, đặc biệt hết mực cung kính Triệu Trung. Sở dĩ Đại Vỹ bước được vào phòng Tổng hợp 2, chủ yếu do cha cậu ta nhờ cậy Tiêu Phúc Nhân, Chủ nhiệm văn phòng Ủy ban thành phố. Nhưng muốn vào phòng Tổng hợp 2 cũng phải có sự “chiếu cố” của Trưởng phòng, cho nên bố Đại Vỹ đã ngầm mời Triệu Trung dùng cơm vài lần, nghiễm nhiên cậu ta được vào phòng Tổng hợp 2 cũng nhờ cái gật đầu của Triệu Trung. Vì mấy tầng quan hệ này nên Triệu Trung dùng Đại Vỹ như một thư ký riêng, sát sườn.

Một lần, “ông sếp” Triệu Trung đổ bệnh, biểu hiện chứng bán thân bất toại, Triệu Trung biết bố của Đại Vỹ “rộng của nhiều đường” nên hỏi cậu ta có người quen ở khoa nội thần kinh của bệnh viện Lục quân hay không. Cũng may, bạn học của bố Đại Vỹ là Phó chủ nhiệm khoa nội thần kinh của bệnh viện Lục quân. Vì muốn lấy lòng Triệu Trung, Chu Đại Vỹ không những đưa anh ta vào bệnh viện mà còn đưa đi xét nghiệm kiểm tra toàn diện, thế mà sau khi mọi việc hoàn tất, Triệu Trung cũng chẳng thèm nói một tiếng cảm ơn. Mưa như trút nước suốt đêm, sáng sớm vẫn chưa có dấu hiệu tạnh, Đại Vỹ đang trong chăn êm đệm ấm, chợt nghe chuông điện thoại reo, thì ra Triệu Trung gọi, sai cậu ta đến bệnh viện lấy kết quả xét nghiệm cho mình. Đại Vỹ còn đang ngái ngủ, nhưng vì giấc mộng thư ký cho Thị trưởng nên vẫn cố nhẫn nhịn, ngoan ngoãn khoác áo mưa đến bệnh viện. Vụ việc này khiến cậu ta cảm thấy bị sỉ nhục ghê gớm. Tôi đến làm việc đã lâu rồi mà vẫn nghe Đại Vỹ chửi Triệu Trung là “con lợn thối”.

Phòng tôi có duy nhất một “cô nương” – Phó phòng Âu Bối Bối. Âu Bối Bối không chỉ là mỹ nhân duy nhất trong phòng mà cũng là mỹ nhân độc nhất của cả văn phòng Ủy ban thành phố, tốt nghiệp Học viện Ngoại ngữ, nói tiếng Anh cực lưu loát. Cô ta đã gần 30 tuổi nhưng vẫn vô cùng quyến rũ, đôi mắt to như cặp hắc hồ điệp, khiến ai nhìn vào cũng muốn “không yên phận”. Đương nhiên Triệu Trung là người muốn “không yên phận” nhất. Đúng với cái gọi là: “Lâu đài gần nước, sớm được ngắm trăng(5)”. Anh ta không những muốn ăn đậu phụ mà còn muốn uống cả sữa đậu nành. E ngại mối quan hệ giữa Triệu Trung và Lưu Nhất Hạc, Âu Bối Bối giận mà không dám nói.

Rốt cuộc Triệu Trung với Lưu Nhất Hạc có quan hệ thế nào, chẳng ai hay biết, tất cả chỉ là phỏng đoán. Lời phỏng đoán nhiều nhất vẫn là: cha của Lưu Nhất Hạc phải chịu khổ sở trong thời kỳ Cách mạng văn hóa, được cha của Triệu Trung nuôi sống, dù sao cũng là quan hệ từ đời cha đến con. Triệu Trung có núi lớn để dựa, thảo nào mới hoành hành bá đạo như thế.

Chẳng qua Hứa Trí Thái nhân lúc chỗ dựa của Triệu Trung bất ổn mà kiên quyết xuống tay, tâm địa của ông ta thật “đáng gờm”, huống hồ cuộc “khởi nghĩa” của Hứa Trí Thái lại không giành được thắng lợi cuối cùng, vì bất ngờ tôi lên nhậm chức, phá vỡ mộng tưởng “lật đổ để thay thế” của ông ta. Điều này chứng tỏ quan hệ giữa tôi và Hứa Trí Thái sẽ phải thực sự tế nhị, tôi phải đề phòng ông ta lại phát động cuộc “khởi nghĩa lần hai”. Thông thường, khởi nghĩa không do nguyên nhân và điều kiện bên ngoài quyết định mà bởi nội bộ bên trong. Vậy nguyên nhân bên trong là gì? Qua nhiều lần suy xét, tôi mới nhận ra quan hệ giữa Triệu Trung và đồng nghiệp trong phòng rất bất ổn. Sự bất ổn này là do sự chuyên chế của Triệu Trung tạo thành. Triệu Trung vọng tưởng thông qua phòng Tổng hợp 2 để thực hiện chế độ “quân thần”, nhằm mục đích che đậy năng lực kém cỏi, nương nhờ Lưu Nhất Hạc để tiến thân và bảo vệ lợi ích của riêng mình, thế nên tạo định kiến “tôi chính là phòng Tổng hợp 2, phòng Tổng hợp 2 chính là tôi”, khiến toàn bộ thành viên trong phòng ai cũng ngao ngán, đến mức Hứa Trí Thái phải “đứng lên khởi nghĩa”. Nhưng Hứa Trí Thái không phải là người làm cách mạng chân chính, ông ta không thể cự tuyệt nổi sự mê hoặc “biến hòn gạch thành bánh mỳ”. Kỳ thực hòn gạch cũng chỉ là hòn đảo Abraxas dưới ngòi bút của Sir Thomas More(6), tất cả chỉ là hư ảo.

Thực ra, con người Hứa Trí Thái là vậy, không cần dùng hòn đá để mê hoặc, mà ông ta cần bánh mỳ. Sau khi nhậm chức không lâu tôi liền có cơ hội đi Mỹ, Phó Thị trưởng Bành trực tiếp dẫn đầu đoàn. Tôi nhường cho Hứa Trí Thái cơ hội này, ông ta cười ngay, cái bộ “mặt cục gạch” bỗng lập tức biến thành bánh mỳ.

Cách tôi chọn rất đơn giản, cũng rất thực dụng. Bởi tôi hiểu rằng, thế gian không ai có thể biến hòn đá nóng bỏng trên sa mạc thành những chiếc bánh mì nướng nóng hổi, trừ khi là thượng đế, mà thượng đế lại đã cự tuyệt rồi, họ tin rằng con người sống không chỉ dựa vào bánh mỳ, bởi những bí mật của cuộc sống không chỉ ở trạng thái sống, mà còn ở chỗ “vì sao sống”. Thực ra về bản chất, muôn vàn chúng sinh đều hướng về ba thứ mê hoặc mà Giêsu gặp phải trong sa mạc. Giêsu là thần linh, cho nên nhìn mọi vật đều như không có gì, do đó ông ta vượt qua được mọi thử thách của bọn quỷ Sa tăng. Nhưng con người thuộc phần xác thịt, dù có chút phần thần linh thì cũng ký thác cả vào thân xác. Người trên thế gian, dù có là thánh nhân quân tử cũng đều phải trải qua sự cám dỗ của ma quỷ. Thuở sơ khai, ma quỷ dụ dỗ Adam và Eva ăn trái cấm, về sau dùng mỹ nữ đánh gục anh hùng thiện chiến Đại Vệ Vương, đến cả vua trí tuệ xứ La Môn cũng khó tránh phải cung kính quỳ lạy dưới chân tượng nước khác. Sa tăng còn quỳ trước mặt Thượng đế để tố cáo người công chính Job, khiến ông ấy “thân bại danh liệt”, uất ức trong lòng… muốn chống lại cám dỗ của quỷ Sa tăng, có khác nào “truyện nghìn lẻ một đêm”. Huống hồ nhân viên phòng Tổng hợp 2 chỉ là một phần tử trong muôn vàn chúng sinh giữa thế giới vô biên, cũng chỉ như hạt cát trong sa mạc. Họ không cần Thượng đế, họ cần “ong chúa”, “kiến chúa”, cũng tức là họ cần người phân phát bánh mì. Mục tiêu của tôi chính là biến phòng Tổng hợp 2 thành một đàn ong hoặc tổ kiến, hòa hợp nhất trí, do đó tôi buộc mình phải trở thành “ong chúa” hoặc “kiến chúa”.

Nhưng tôi chỉ là “ong chúa”, “kiến chúa” của phòng Tổng hợp 2, vì khi đứng trước mặt Bành Quốc Lương, tôi cũng chỉ là con ong, cái kiến tầm thường, thậm chí trước mặt Tiêu Phúc Nhân cũng thế. Về điểm này, tôi ý thức được sâu sắc rằng, mọi người trong phòng cũng đều hiểu được. Chính vì thế, ai cũng muốn “đẩy” tôi đi, bởi chỉ có “đẩy” tôi đi, thì khoảng cách giữa họ với “ong chúa, kiến chúa thực sự” mới gần hơn đôi chút.

Vẫn là Hứa Trí Thái hành động đầu tiên. Tôi đã xem nhẹ một vấn đề quan trọng nhất, đó là sau khi mọi người đã có bánh mì, vẫn muốn giải quyết rõ ràng chuyện tôn thờ ai. Chẳng lẽ người của phòng Tổng hợp 2 đều không tôn thờ tôi sao? Không thể, bởi một Trưởng phòng nhỏ bé chỉ biết quỳ lạy dưới chân quyền uy, thì sao có thể trở thành quyền uy? Sau khi toàn bộ viên chức phòng Tổng hợp 2 lần lượt được đi tham quan nước ngoài, tôi mới nhận ra ham muốn “được voi đòi tiên” của họ ngày càng mãnh liệt hơn. Điều khiến tôi mất ăn mất ngủ nhất là việc Âu Bối Bối nói với tôi, gần đây Hứa Trí Thái có đi dự tiệc cùng Phó Thị trưởng Bành, hơn nữa bữa tiệc này được tổ chức tại “Nhà hàng Thế giới”. Mọi người nên biết phải là khách quý quan trọng mới được Phó Thị trưởng mời dùng bữa tại Nhà hàng Thế giới. Âu Bối Bối còn cho biết, chỉ có 4 người tham dự bữa tiệc: Bành Quốc Lương, Hồ Chiếm Phát, Hứa Trí Thái và một ông già bí ẩn. Sở dĩ gọi là “ông già bí ẩn” vì ông ấy hơn 50 tuổi. Hồ Chiếm Phát là thư ký của Phó Thị trưởng Bành, cũng là một “con quỷ háo sắc, ngắt hoa, ghẹo cỏ”. Âu Bối Bối biết được thông tin này từ miệng của Hồ Chiếm Phát cũng không có gì là lạ, vấn đề mấu chốt là “ông già bí ẩn” kia là ai? Ông ta với Hứa Trí Thái có quan hệ thế nào? Tại sao Bành Quốc Lương lại hạ mình chiêu đãi ông ta? Hàng loạt câu hỏi cứ rối lên, khiến tôi mất ăn mất ngủ.

Lúc đầu tôi định bảo Âu Bối Bối dò hỏi ở chỗ Hồ Chiếm Phát, nhưng đường đường là Trưởng phòng, tôi không thể hạ mình mở miệng nhờ vả điều đó. Tôi không phải hạng đàn ông thấy phụ nữ đẹp mà không muốn “mây mưa”, thậm chí tôi còn ao ước năm năm làm thư ký cho sếp cũ, thứ tôi uống không phải nước tiểu của chính mình, mà là của Âu Bối Bối, nhất định đó sẽ là một sự hưởng thụ tuyệt vời! Những bài viết về “cảm giác khi uống nước tiểu” của tôi chắc hẳn sẽ trở thành áng văn thơ “thiên cổ tuyệt mỹ”. Ấy vậy mà Bối Bối càng tỏ vẻ xinh đẹp dyên dáng, tôi lại càng giả vờ chẳng “động lòng”. Nikolai Gavrilovich Chernyshevsky(7) từng nói: “Nhà cách mạng nằm trên tấm gỗ đóng đinh để luyện rèn ý chí.” Tôi thầm nghĩ “ngủ trên tấm gỗ đóng đinh” thì có là gì, có bản lĩnh cứ thử đứng trước mặt Bối Bối mà không có ý đồ gì xấu xa, đó mới là ý chí thật sự. Để giữ chặt “chỗ ngồi” của mình, ngày nào tôi cũng phải vật lộn chống chọi với cám dỗ khủng khiếp như vậy đấy.

Chớp mắt tôi đã làm Trưởng phòng được hai năm. Tuy không bị nỗi đau “uống nước tiểu” giày vò nữa, nhưng lại gặp phải kiểu “biển chết mênh mông, mịt mù không biết đâu là bờ”. Trên tường phòng làm việc có treo một chiếc đồng hồ bằng thạch anh, mỗi khi nhìn nó, tôi có cảm giác như nhìn vào một hố sâu thăm thẳm, giống hệt một hầm bẫy, còn tôi lại cam tâm tình nguyện tiến vào đó. Có lúc tôi lại cảm thấy nó như khuôn mặt, khuôn mặt này biết vui giận thất thường, biến hóa phức tạp nhưng không hiểu sao đều biến thành mặt của mấy người trong phòng Tổng hợp 2: Có lúc biến thành bộ mặt “da cười, thịt không cười” của Hứa Trí Thái – khuôn mặt mà tôi ghét nhất, vì nó có khả năng biến thành khuôn mặt người chú ruột của Hamlet Calaudius; có lúc biến thành khuôn mặt sáng sủa của Hoàng Tiểu Minh, đây là khuôn mặt tôi ghen tỵ nhất, vì nó luôn toát lên sự kiêu ngạo mà cao quý; có khi lại biến thành khuôn mặt xinh đẹp đến rung động lòng người của Bối Bối, đó là khuôn mặt tôi rất thích; có lúc lại biến thành khuôn mặt với vẻ đơn thuần của Đại Vỹ, đây là khuôn mặt có vẻ dễ bị lợi dụng nhất. Tuy nhiên, cũng có lúc biến thành mặt tôi, khuôn mặt đã từng uống nước tiểu, cứ đung đưa, chẳng khác gì quả lắc đồng hồ. Kỳ thực, chiếc đồng hồ bằng thạch anh này hệt như một con mắt khổng lồ, lúc nào cũng nhìn chằm chằm vào thế giới nội tâm của chúng tôi.

Sau khi nhậm chức, tôi có gặp Triệu Trung một lần, đó là lần anh ta mời tôi ăn cơm. Tôi nhận lời một phần vì nể mặt, một phần vì muốn tìm hiểu thêm về phòng Tổng hợp 2, nhất là về trận “chính biến” khiến anh ta rớt đài. Hình như Triệu Trung – một kẻ rất giỏi “xúi giục, ly gián” cũng nhận ra tâm tư của tôi, nhưng tôi cũng chẳng phải kẻ khù khờ không biết gì, vẫn giữ được đầu óc tỉnh táo. Dù sao anh ta cũng kể cho tôi một vài chuyện mà tôi không lường trước được. Triệu Trung nói: “Kẻ lãnh đạo thật sự của cuộc ‘chính biến’ trong phòng Tổng hợp 2 lần đó, không phải là Hứa Trí Thái!” Tôi giật mình, vội hỏi: “Không phải Hứa Trí Thái, vậy là ai?”

Triệu Trung ngậm điếu thuốc, cười nói: “Dương Hằng Đạt ơi là Dương Hằng Đạt! Tôi cứ tưởng cậu tinh tường hơn tôi, hóa ra cũng chỉ là loại ‘đại ngu nhược trí(8)’! Tôi hỏi cậu, nếu Hứa Trí Thái lên chức Trưởng phòng Tổng hợp 2, thì ai có khả năng lên Phó phòng nhất?”

Tôi lẩm bẩm: “Lẽ nào lại là Hoàng Tiểu Minh.”

Triệu Trung giơ ngón tay trỏ, dí dí vào mặt tôi mấy cái, rồi nốc hết cốc bia. Ý đồ của Triệu Trung rất rõ ràng, tôi muốn yên ổn cần “áp sát” Hoàng Tiểu Minh. Đây đúng là chỗ “ngu xuẩn” nhất của Triệu Trung. Từ Triệu Trung, biết Hoàng Tiểu Minh là “bom hẹn giờ” của phòng, tôi muốn “quả bom” đó không nổ, thì cần phải liên minh với Hoàng Tiểu Minh, kiềm chế Hứa Trí Thái, khiến hai người họ “đấu đá” với nhau, còn tôi sẽ làm trọng tài. Chính trị là tạo sự cân bằng, nhưng một khi cân bằng bị phá vỡ, chắc chắn sẽ xảy ra “chính biến”. Triệu Trung vì không hiểu quy luật này, kết quả Hoàng Tiểu Minh ngầm câu kết với Hứa Trí Thái, đẩy anh ta “rớt” khỏi vũ đài chính trị. Nhìn thấu điểm này, tôi sẽ cho Hoàng Tiểu Minh những lợi ích tốt nhất, cũng sẽ giao cho cậu ta cây “phất trần” trong công việc, khiến Hứa Trí Thái ghen tỵ, hình thành cục diện “một núi hai hổ”, tôi sẽ “ngọa sơn quan hổ đấu”. Qua một thời gian điều chỉnh, tôi hoàn toàn khống chế được “cục diện” nội bộ của phòng, nhưng lại lơ là một người – Chu Đại Vỹ.

Chu Đại Vỹ vừa cặp kè với Hồ Chiếm Phát, vừa “canh cánh” về Hoàng Tiểu Minh. Hồ Chiếm Phát đã có kinh nghiệm năm năm làm thư ký cho Phó Thị trưởng Bành, chẳng lẽ lại đổi người? Sau này tôi mới phát hiện ra đầu mối tại phòng tư liệu của văn phòng Ủy ban. Bởi thời gian đó tôi thường xuyên thấy Hoàng Tiểu Minh đến phòng tư liệu. Một hôm, nhân lúc cậu ta không ở đó tôi đến phòng tư liệu, phát hiện những tài liệu mà Hoàng Tiểu Minh tìm đọc đều liên quan tới vấn đề “Cải cách xí nghiệp quốc doanh”. Đây chắc chắn là viết luận văn, nhưng ai viết? Chẳng lẽ thằng cha này học lên tiến sĩ? Không thể, cậu ta học thạc sĩ ngữ văn, sao học nổi tiến sĩ kinh tế? Tôi sực tỉnh, Phó Thị trưởng Bành đang làm nghiên cứu sinh kinh tế, chuyên ngành Quản lý Kinh tế Quốc dân, việc này trở thành tảng đá đè nặng lòng tôi. Rõ ràng tôi và Hồ Chiếm Phát đều là hai cánh tay đắc lực của Phó Thị trưởng Bành, nhưng tôi thấy khá ngứa mắt khi Hồ Chiếm Phát thường “hoa múa chân tay” ở phòng Tổng hợp 2, bất kỳ có tài liệu nào trong tay, anh ta cũng “mũi ngang mắt dọc” dòm ngó, cứ như báo cáo do chính mình viết ra vậy, còn phòng Tổng hợp 2 nghiễm nhiên thuộc về mình. Từ sau khi tôi phát hiện cái tật “hoa chân múa tay” của Hồ Chiếm Phát, bất cứ công văn nào của Phó Thị trưởng Bành, tôi cũng rà soát lại những điều mà Hồ Chiếm Phát đích thân báo cáo với ông ta. Nhờ thế Hồ Chiếm Phát được tôi “giải vây” cho mấy lần, nên nhớ mãi trong lòng.

Hồ Chiếm Phát có xuất phát điểm khá thấp, chỉ là thư ký cho Phó phòng, nhưng một khi Phó Thị trưởng Bành rời đi thì rất có thể ông ta sẽ vào vị trí tương đương tôi, dù vậy tôi cũng coi như chẳng có chuyện gì to tát, tôi đã có sếp cũ chống lưng phía sau, lại là người được Bành Quốc Lương trực tiếp tuyển chọn, dù có bắt tôi chuyển vị trí chắc chắn cũng không thể thấp hơn vị trí hiện tại, vì Phó Thị trưởng Bành cũng phải báo cáo lại với sếp cũ của tôi. Vấn đề là luận văn thạc sĩ của Phó Thị trưởng Bành, tài liệu quan trọng như vậy tại sao không những không để tôi viết mà còn giấu không cho tôi biết, giao cho Hoàng Tiểu Minh, chuyện này hình như có ẩn ý gì đây. Hoàng Tiểu Minh là thạc sĩ duy nhất trong phòng, xét về tình, giao cho cậu ta viết cũng có thể chấp nhận, nhưng tại sao phải giấu tôi? Chẳng lẽ đây là cách Phó Thị trưởng Bành thử thách cậu ta sao? Nếu vậy sẽ có ba trường hợp: Một là thử thách về năng lực phân tích đánh giá và lý giải vấn đề, hai là thử thách về trình độ hành văn, ba là thử thách khả năng giữ bí mật! Thư ký của ông ấy nhất định phải có đầy đủ tố chất trên cả ba phương diện này. Chẳng lẽ ông ta muốn Hoàng Tiểu Minh thay thế Hồ Chiếm Phát? Hèn chi Chu Đại Vỹ lúc nào cũng để ý đến Hoàng Tiểu Minh. Chu Đại Vỹ luôn mong mỏi được thay thế Hồ Chiếm Phát làm thư ký cho Phó Thị trưởng Bành, để thực hiện được mơ ước đó, ngày nào Đại Vỹ gặp được Hồ Chiếm Phát cũng y như gặp được Chúa cứu thế vậy. Tôi đoán có lẽ Hồ Chiếm Phát đã ngầm hứa hẹn với Chu Đại Vỹ. Vậy, đây mới đúng là chỗ non nớt của cậu ta. Cậu ta quên một điều rất quan trọng, đó là: Muốn trở thành thư ký của Phó Thị trưởng Bành, Hồ Chiếm Phát cũng có tác dụng, nhưng không phải là nhân tố quyết định; tôi cũng có tác dụng, nhưng cũng không phải nhân tố quan trọng nhất; đến cả Chủ nhiệm văn phòng Ủy ban Tiêu Phúc Nhân cũng không quyết định nổi, chỉ có phó Thị trưởng Bành mới là người quyết định. Chu Đại Vỹ đúng là “mồ cha không khóc, đi khóc đống đất mối”, như vậy thì sao hy vọng được Phó Thị trưởng cất nhắc? Ngược lại, Hoàng Tiểu Minh khác hẳn, cậu ta không hề để lộ điều gì, cứ lặng lẽ mà làm, đã dùng dao thì phải biết chặt đằng lưỡi.

Cũng may tôi phát hiện ý đồ của Hoàng Tiểu Minh, thấy cậu ta tỏ vẻ ngấm ngầm công kích Hồ Chiếm Phát, kiềm chế Hứa Trí Thái, nhưng ý đồ thực sự là nhằm thẳng vào Phó Thị trưởng Bành. Trên chốn quan trường, nếu không hiểu rõ ngọn ngành, việc gì cũng có thể phát sinh. Phải biết rằng quyền lực là thứ đỉnh cao của đạo đức và lý tính, nó giống như toàn bộ sức mạnh của tinh thần, như khẩu đại bác có thể bắn tất cả ước vọng của con người vào vũ trụ. Đương nhiên, vũ trụ tuy vô hạn nhưng lại ẩn náu trong tâm con người. Trước đây con người cho rằng “hữu” là vô hạn, mà “vô” lại là hữu hạn. Dù thượng đế và ma quỷ đều do con người tạo ra, nhưng trước mặt quyền lực, người ta không những đánh mất thượng đế mà còn tuột cả ma quỷ, chỉ còn lại tự do. Mà từ xưa đến nay, con người đã cho rằng tự do là “thiện”, không tự do là “ác”. “Việc gì phải nhận thức về cái thiện, ác chết tiệt này; nó trở nên quan trọng từ bao giờ?” Tôi nhớ câu này trong kịch Anh em nhà Karamazov(9) (The Brothers Karamazov). Tôi không nhớ trong ba anh em họ ai đã nói câu này, nhưng dù sao, tôi cũng cảm thấy rất có lý.

Sau khi biết tin Triệu Trung phát tài, tôi thầm nghĩ, anh ta đúng là một câu đố không lời giải đáp, bởi cách phát tài của anh ta hoàn toàn bất thường. Anh ta không chơi cổ phiếu, cũng không kinh doanh bất động sản, mà “thầu đình chùa”. Hai năm nay, anh ta bao thầu tất cả đình miếu, chùa chiền trong toàn tỉnh Thanh Giang, mời các đại hòa thượng về làm trụ trì, việc quan trọng tiếp theo là tạo ra những thần thoại cho chúng. Nghe nói các thần thoại này đã thu hútđược rất nhiều thiện nam tín nữ. Khói hương càng nghi ngút, “hầu bao” của Triệu Trung sẽ càng phình to.

Suy đi nghĩ lại tôi cũng không tài nào hiểu nổi những “thiện nam tín nữ” kia có thật sự tin vào Phật hay không? Họ có biết mình quỳ lạy ai không? Không hiểu sao lại có nhiều tín đồ Phật giáo đến vậy? Cho đến một hôm tôi vô tình vào tiệm sách, chọn đi chọn lại rồi mua một quyển Kim Cang kinh, mua về rồi nhưng không muốn xem, vứt lăn lóc trên bàn. Tôi không biết mình thuộc loại tâm lý gì, tự dưng lại muốn “ngộ đạo”, đúng lúc tâm muốn “ngộ đạo”, lại có niềm dục vọng nào đó xen vào, như có hai cánh tay cùng kéo tôi vậy.

Triệu Trung vẫn không quên được phòng Tổng hợp 2, nói một cách chính xác thì anh ta nhớ Âu Bối Bối. Tôi biết lúc còn làm Trưởng phòng, Bối Bối ghét cay ghét đắng cái “thân bị thịt” của Triệu Trung. Anh ta quá béo, lại chỉ cao 1m70 mà bề ngang thì tròn như cái thùng phi, đi bộ một lúc đã thở phì phò lại thêm chất giọng ồm ồm, khiến tôi cũng cảm thấy anh ta chẳng khác nào con lợn được nuôi bằng cám công nghiệp. Nhưng chẳng hiểu vì sao gần đây Bối Bối thường xuyên trò chuyện điện thoại với anh ta, lại còn một câu “đại ca Triệu”, hai câu “đại ca Triệu”, nghe mà muốn phát sốt.

Một hôm, Triệu Trung đột nhiên gọi điện mời tôi ăn cơm. Nghe khẩu khí, tôi cảm thấy “ăn cơm” chỉ là danh nghĩa chứ thực ra anh ta đang có chuyện gì đó muốn nói. Tôi biết hai năm nay sở dĩ Triệu Trung bao thầu chùa miếu phát tài đều nhờ sự giúp đỡ của Lưu Nhất Hạc. Con người khi đã giàu về tiền tài sẽ muốn tìm cách vơ vét chút vốn liếng chính trị để đạt đến cảnh giới “phú quý mà cao sang”. Triệu Trung cũng không ngoại lệ, anh ta đã đường đường trở thành đại biểu của “sự thức tỉnh”. Triệu Trung có vô số “đệ tử” là cha mẹ của tăng ni đang trụ trì trong các chùa khắp tỉnh, những “đệ tử” này đa phần là những người có máu mặt, uy tín, địa vị. Vì lý do đó, anh ta chẳng khác gì kho thông tin của tỉnh Thanh Giang, ăn với anh ta một bữa cơm cũng tương đương một lần lên mạng Internet, thậm chí không khác gì được nghe bản tin tổng hợp của đài truyền hình.

Triệu Trung giờ đã khác hẳn ngày xưa, không tiếp khách ở nơi tuyềnh toàng, tùy tiện. Chiều tối anh ta tự lái chiếc Mercedes Benz, đón tôi đến nhà hàng “Kim Trùng Thảo Thực Phủ” hào hoa nhất thành phố Đông Châu. Đây là nơi thưởng thức những món đặc sản quý hiếm nhất, chính thống nhất của Đông Châu. Nhà hàng này là của mấy vị Trưởng phòng Chi cục thuế cùng đầu tư. Đến đây ăn cũng đều là những người có địa vị, uy thế và các đại gia ở Đông Châu.

Triệu Trung béo hơn hai năm trước nhưng phong độ thì khác xa, kiểu “đầu Lê Nin” khi trước giờ cạo phăng thành đầu trọc, cổ đeo một mặt ngọc phỉ thúy, có gắn hình Phật Di Lặc bằng vàng; tay vê chuỗi tràng hạt trầm hương; khiến người ta có cảm giác chỉ cần khoác thêm áo cà sa thì sẽ là hòa thượng.

Trong bữa tiệc, tôi không kìm nổi hiếu kỳ, bèn hỏi anh ta tại sao lúc đầu lại nghĩ đến việc bao thầu các chùa? Triệu Trung “úp mở” hỏi lại tôi: “Cậu biết linh hồn của người châu Á thiếu gì không?” Tôi lắc đầu, không hiểu dụng ý câu hỏi đó. Triệu Trung cười: “Đương nhiên là thiếu tín ngưỡng.” Tôi gật gật đầu, ra vẻ đã thông suốt. Bộ mặt gian thương – Triệu Trung nói tiếp: “Voltaire(10) nói rồi, nếu Thượng đế không tồn tại,thì nên tạo ra ông ta. Người châu Á đương nhiên không tin Thượng đế, chỉ có đạo Phật là gần gũi nhất với linh hồn. Hằng Đạt, trong linh hồn của người châu Á đã không có tín ngưỡng, vậy thì cách kiếm tiền tốt nhất chính là mua bán tín ngưỡng.”

Tôi không hiểu, hỏi lại: “Vì sao?”.

Anh ta lại gật gù nói: “Một khi nắm được linh hồn của ai đó, họ sẽ quỳ xuống vái lạy cậu. Thử nghĩ xem, một người cần cứu rỗi linh hồn, đến cả sinh mạng hiến dâng cho cậu cũng không tiếc, huống hồ những vật ngoại thân? Cậu không phát tài mới là lạ!” Nói xong, anh ta đắc ý cười to, châm một điếu thuốc rồi nói thêm: “Quyền lực đã có thể ‘chân lý hóa’, tín ngưỡng đương nhiên có thể ‘của cải hóa’. Hằng Đạt, chẳng giấu gì cậu, không rời quan trường, cậu sẽ không hiểu được đạo lý này đâu. Đấy gọi là ‘người trong cuộc thì mê muội, người ngoài cuộc thì tỉnh’, người ngoài cuộc muốn ‘phát tài’ cho người trong cuộc, đã ‘phát’ nhất định sẽ ‘tài’. Nếu không có cuộc ‘chính biến’ năm đó, tôi cũng không có ngày hôm nay. Thật lòng mà nói, tôi vẫn thầm cảm ơn Hứa Trí Thái, Hoàng Tiểu Minh, Âu Bối Bối và Chu Đại Vỹ! Hằng Đạt, cậu có biết vì sao trước đây mấy người đó phản lại tôi?”

Tôi nói thẳng băng: “Chẳng phải vì cái ghế dưới mông của ông anh năm đó sao?”

Triệu Trung khua khua tay: “Hằng Đạt, cậu chỉ nhìn thấy mặt ngoài của vấn đề. Xét từ bản chất, tâm linh con người cơ bản là đối lập. Chính vì thế, nhân tài không được yên, tâm linh cũng sẽ không yên, việc đó do bản tính con người quyết định. Bản tính con người không phải lý tính, chắc chắn là phi lý tính rồi, loại phi lý tính này quyết định khát vọng ‘muốn làm gì thì làm’ của con người. Cho dù cậu không có tín ngưỡng, nhưng thâm tâm mỗi người đều có cái Thần, ai cũng muốn ‘tạo phản’ với cái Thần trong tâm, thậm chí còn muốn giết chết nó, bởi giết chết cái ‘Thần’ này thì tâm linh sẽ tự do. ‘Thần’ này là gì? Nó là sự thống khổ và sợ hãi, nó đến cùng cuộc sống. Để chiến thắng đau khổ và sợ hãi, mỗi người đều muốn trở thành kẻ phản nghịch.”

Tôi hỏi xen vào: “Trở thành kẻ phản nghịch có được hạnh phúc không?”

Triệu Trung nói vẻ hào hứng: “Có người theo đuổi hạnh phúc, cũng có người truy cầu tự do. Chúng sinh khát khao hạnh phúc hơn, nhưng những người có tinh thần phản nghịch đều khao khát thứ quyền lợi ‘muốn làm gì tùy ý’, họ ghét mọi sự trói buộc, khát khao tự chủ. Tuy không lý giải được rõ ràng, nhưng từ họ chúng ta mới có thể thấy được nhân cách và cá tính. Đây là những thứ chính yếu và quý báu nhất của nhân loại.”

“Triệu Trung,” tôi ngắt lời anh ta, châm biếm nói: “Có phải anh nhiều tiền quá nên bị ‘ấm đầu’ rồi không, quan trường là mảnh đất không tồn tại cá tính, sao có thể sản sinh ra con người có cá tính được? Có phải anh đề cao Hứa Trí Thái và Hoàng Tiểu Minh hơi quá rồi không?”

“Đương nhiên, tâm lý của những người trong cuộc ‘chính biến’ lần ấy không giống nhau. Thực ra trong số mấy người này, Hoàng Tiểu Minh là người có tinh thần phản nghịch nhất, Hứa Trí Thái chỉ là vũ khí trong tay anh ta, còn Chu Đại Vỹ và Âu Bối Bối chẳng qua chỉ là kẻ mù quáng hùa theo mà thôi.”

Triệu Trung phân tích một chặp, tôi tuy không dám gật bừa, nhưng cũng chẳng tìm được lời nào để phản bác, bỗng thấy hơi lúng túng. Trước giờ tôi chưa từng cảm thấy thiếu tự tin như hôm nay.

Bất chợt tôi nhớ đến chuyện Âu Bối Bối kể, Hứa Trí Thái dự tiệc cùng Phó Thị trưởng Bành và một người đàn ông bí ẩn, tôi không thể giấu kín chuyện này mà kể lại với Triệu Trung, vừa để tìm hiểu vừa để phản bác lại việc Triệu Trung đánh giá thấp khả năng “hiệp thương” của Hứa Trí Thái. Không ngờ Triệu Trung không những biết người đàn ông thần bí đó, mà còn có những lời giải đáp khiến tôi vô cùng kinh ngạc.

Chả là gần đây, Ủy ban Thanh tra Nhà nước tiến hành giao lưu trao đổi kinh nghiệm giữa Thanh tra các tỉnh trong toàn quốc. Nữ Thanh tra tỉnh Thanh Giang tên Tề Tú Anh đến Đông Châu. Vị nữ Bí thư này đã từng thanh tra ở tỉnh K, tìm ra đại án kinh hoàng cả nước, khiến một số người trên quan trường của tỉnh K mất ăn mất ngủ, lo sợ cuống cuồng. Gần đây bà ta đem “khí thế bừng bừng” của tỉnh K xuống Thanh Giang khiến nhiều người chịu áp lực vô cùng nặng nề.

Tề Tú Anh ly hôn đã lâu mà chưa tái hôn nhưng vẫn giữ quan hệ bạn tốt với mối tình đầu, vì họ là bạn học từ thời sinh viên. Trong phá án, bà ta nổi danh là “cánh tay thép”, rất ít bạn bè, nhưng trong tình yêu lại khác.

Người bạn học cũ đó của Tú Anh không ai khác, chính là “người đàn ông bí ẩn” trong bữa tiệc mà Phó Thị trưởng Bành và Hứa Trí Thái chiêu đãi hôm trước, ông ta tên Lâm Vĩnh Thanh, là ký giả thâm niên của Thanh Giang nhật báo. Do thẳng tính trực ngôn, từng dám phê phán cả cấp trên, nên suốt đời chỉ là cán bộ xoàng. Hứa Trí Thái trước khi lên làm việc ở Văn phòng Ủy ban thành phố Đông Châu, đã từng làm ký giả của Thanh Giang nhật báo, nên cũng là bạn của Lâm Vĩnh Thanh.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button