Kỹ năng mềm

Đôi Cánh Tình Yêu

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Shyalpa Tenzin Rinpoche

Download sách Đôi Cánh Tình Yêu ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KỸ NĂNG SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download Ebook         

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


Đôi cánh tình yêu của Isha Judd chính là cuốn sách nâng đỡ chúng ta vượt qua khỏi những định kiến này, để có được một cuộc sống ngập tràn yêu thương. Trong thế giới ngày nay đầy những tham vọng, đua tranh, con người dường như mất niềm tin vào nhau và mất niềm tin vào sức mạnh tình yêu trước những vấn đề nan giải của cuộc sống.

Isha Judd sẽ dạy chúng ta:

– Giải phóng bản thân khỏi những ảo giác dựa trên sự sợ hãi thông thường bám chặt lấy chúng ta vì thói quen, những ảo giác như “không có gì là đủ,” “thoải mái là nhất”, và “bảo vệ bản thân khỏi việc mắc lỗi”;

– Tự hành động để thấu hiểu vai trò và trách nhiệm của mình với “nhận thức yêu thương”, để vui vẻ trở thành người tuyệt nhất;

– Cất cánh lên cao khỏi nỗi sợ hãi, sự buồn tẻ, thiếu kiên nhẫn, lòng ghen tị, thiếu tự tin, nỗi cô đơn, và sự bấp bênh của một thế giới chìm trong khủng hoảng.

Khát vọng yêu thương là thứ con người chúng ta luôn mong muốn, cuốn sách này sẽ giúp chúng ta khỏa đầy khát vọng đó!

ĐÔI CÁNH TÌNH YÊU

Xây dựng nền tảng cho ý thức yêu thương

Trong hoàn cảnh đối diện với bất ổn kinh tế và biến đổi toàn cầu, các cấu trúc đang đổ vỡ, ta cảm thấy thật mong manh, thắc thỏm. Ta thấy mình thật nhỏ nhoi và bất lực trước những sự kiện vượt tầm kiểm soát: ý thức nạn nhân lan tràn. Thế nhưng, sẽ ra sao nếu ta thực sự tạo ra sự khác biệt, chỉ bằng cách thay đổi góc nhìn? Điều gì sẽ xảy ra nếu ta có thể chuyển sang một quan điểm sống nhẹ nhàng, vui tươi hơn? Tôi tin rằng tình trạng náo động hiện nay bộc lộ trước loài người chúng ta cơ hội vươn tới một cấp độ ý thức mới, mà tôi gọi tên là ý thức yêu thương, và cuốn sách này sẽ mang lại cho bạn những công cụ để nhận thức trạng thái bình an và thanh thản vĩnh hằng ấy trong đời sống của chính mình.

Ở đây tôi sẽ chia sẻ với bạn làm thế nào tôi đã bắt đầu nhận ra rằng mọi thứ thực ra không tồi tệ đến vậy, rằng thực ra mọi thứ còn tuyệt vời hơn ta vẫn thường ao ước. Đã đến lúc thôi lo âu và bắt tay vào tạo dựng một thế giới đáng sống, và điều đó sẽ bắt đầu từ bạn. Vâng, chính bạn! Chớ nghĩ rằng thực trạng thế giới này là mối bận tâm của người khác: nó là của bạn, và chỉ bạn mà thôi. Vì dù có tin hay không, thì bạn chính là người tạo ra nó.

Trong từng khoảnh khắc, bạn đều có lựa chọn. Bạn có thể chọn sợ hãi, hoặc chọn yêu thương. Bạn có thể lùi bước trước “sự đã rồi làm sao thay đổi được” hoặc quẫy đạp chống chọi. Cuốn sách này tập trung tạo dựng cho bạn khả năng lựa chọn yêu thương và đầu hàng một cách vui vẻ.

Cách tân tâm hồn

Văn hóa đại chúng ngày nay bị ám ảnh bởi các cuộc cách tân. Ta được khuyên thay đổi nhà cửa, tủ đồ, sắc diện, cho đến cơ bắp liên tục chẳng khác nào thay quần thay áo. Thử nghĩ mà xem, thật buồn cười khi ta lại cự tuyệt thay đổi chính từ bên trong. Đã đến lúc có một cuộc cách tân tâm hồn! Bên trong tâm hồn, ta có một mớ bòng bong gồm đủ món đồng nát cũ mèm sờn rách: những ý kiến và quan điểm trong tiềm thức đã lỗi mốt so với cả quần thụng mũ chuồn. Cứ như thể tâm trí ta đang chìm đắm trong thứ tiện nghi ọp ẹp là một chiếc trường kỷ bọc vải hoa cũ sờn. Nó đã xác xơ và phủ đầy bụi bặm cùng vết lem, và đây kia còn có cả bọ chét, vụn bánh mì thiu cùng những mẩu bã kẹo mắc kẹt giữa vài khe hở, nhưng nó thật thân thương. Mặc dù nó đang sập xuống và khẩn cầu được thay thế, ta đã quá thân quen với nó. Ta đã ngồi trên chiếc ghế ấy quá lâu đến nỗi ta còn chẳng để ý nó có mùi gì lạ nữa.

Lẽ nào bạn không nghĩ rằng đã đến lúc trang hoàng lại? Sẽ ra sao nếu ta quẳng chiếc trường kỷ cũ này ra đống rác và bắt đầu một thứ mới mẻ? Thứ thân quen có thể thoải mái, nhưng nếu cứ dính cứng vào những gì đã biết, bạn sẽ chẳng bao giờ nhận ra tiềm năng trọn vẹn của mình. Sự ì trệ chẳng bao giờ mang lại niềm vui, cuối cùng nó chỉ dẫn tới bất toại ý mà thôi. Sẽ ra sao nếu cuộc sống lại nhẹ nhõm như xưa, lại tươi vui, trong sáng, lại hân hoan niềm hạnh phúc hiện diện trong mỗi khắc giây? Sẽ ra sao nếu cuộc đời từ bi kịch và thương tâm đổi sang thành phấn khích và phiêu lưu – từ thước phim đen ngập tràn bức bối sang màn hài kịch lãng mạn vô ưu, ở đó rốt cục bạn khám phá ra rằng tình yêu đích thực duy nhất của bạn lại là chính bạn, từ lúc bắt đầu cho tới cả bây giờ?

Bạn sẽ trở thành người như thế nào trong tương lai, được định đoạt chính bởi con người của bạn lúc này. Cách bạn phản ứng trước mọi thứ xảy ra với bạn hằng ngày xác định sự tiến triển của bạn, và tiến triển là niềm vui. Hãy tự hỏi: Ta có yêu thương chính mình chăng? Ta có đang trở thành con người trái tim ta mong mỏi? Và ta có thêm yêu thương không? Chỉ cần bạn đang mong chờ điều gì đó, dù là phép nhiệm màu hay một thảm họa, hoặc bạn đang khước từ cơ hội đưa ra lựa chọn ngay lúc này, để chủ động tạo ra sự biến đổi trong bản thân lẫn trong thế giới.

Độc giả thân mến, khi bạn khởi sự hành trình phấn khích và hồ hởi này cùng tôi – cuộc kiếm tìm tuyệt vời tận sâu thẳm trong chính con người bạn – có một điều tôi xin cậy nhờ ở bạn. Thay vì ngóng chờ những kết quả tương lai, hãy xác định xem bạn sẽ là ai ngay tại giây phút này. Đây chính là sự khác biệt giữa kẻ nạn nhân với người kiến tạo. Người kiến tạo quyết định mình trở thành ai, trong khi nạn nhân chỉ chờ con tạo xoay vần. Mỗi khoảnh khắc bạn phí hoài ngẫm nghĩ về tương lai chính là năng lượng bạn có thể sử dụng để biến đổi thực tại của mình ngay lúc này.

Trống rỗng lại là một dạng thức tràn đầy mới

Một Thiền sư Nhật Bản có lần tiếp đón một vị giáo sư đại học tới học hỏi về Thiền.

Thiền sư mời trà. Nghi thức trà đạo Nhật Bản thì lâu la và phức tạp, và nhà khoa học kia mỗi lúc càng mất kiên nhẫn trong khi vị Thiền sư điềm tĩnh tuần tự qua năm mươi tư bước nghi lễ. Khi trà đã pha xong, ngài bắt đầu rót vào tách của khách quan. Khi tách đã đầy, ngài vẫn còn rót tiếp.

Trà bắt đầu tràn cả ra ngoài, và vị giáo sư không thể chịu đựng thêm được nữa. “Tách đã đầy rồi. Rót sao được nữa!”

“Giống chiếc tách này,” Thiền sư nói, “ngài đã chứa đầy những nhận xét và ý kiến của riêng ngài. Làm thế nào tôi dạy ngài đây, nếu trước tiên ngài không làm trống tách của mình?”

Trong thế giới hiện đại, ta đã được dạy rằng bằng cách tích lũy mọi thứ – ý tưởng, của cải, kiến thức, kinh nghiệm – ta sẽ tìm thấy sự hoàn thiện, nhưng trên thực tế, sự sống chân thực và sôi nổi bắt nguồn từ trống rỗng.

Bằng cách nhồi nhét nhiều hết mức có thể vào mọi khoảnh khắc tỉnh thức, lấp đầy các giác quan bằng vô số chướng ngại vật kích thích và gây xao lãng, ta chôn vùi kho báu lớn nhất tồn tại trên đời: bản thân mình. Từ trong sâu thẳm, dưới mọi ý kiến, sở thích, quan điểm, sợ hãi và ký ức là bản thể chân thực và vĩnh hằng của bạn – một thứ tôi gọi là ý thức yêu thương. Nó đã luôn ở đó và sẽ luôn như vậy. Đó là chính bản thân ta ở tầng bậc căn cốt nhất, thế nhưng ta đã để lạc mất nó, hoặc khiến nó lẩn khuất đằng sau những “thứ” ta quá đề cao. Chỉ bằng cách tự làm rỗng mình, ta mới có thể tái khám phá kho báu quý giá nhất này. Trống rỗng chính là tràn đầy những gì trong thẳm sâu ta muốn và cần.

Ta bám chặt lấy những cấu trúc quen thuộc bởi ta nghĩ chúng xác định bản thân ta. Cho dù chúng khiến ta khốn khổ thì lựa chọn khác xem chừng kém phần ao ước: nỗi sợ thay đổi của ta suy cho cùng là lo sợ đánh mất bản sắc – không có hệ thống niềm tin, đảng phái chính trị, sở thích, và thực ra là tính cách của ta, ta sẽ là ai đây? Những ý niệm về thế giới và lập trường của ta mang lại cho ta cảm giác kiểm soát; ta biết ta đứng ở đâu, và ta biết làm thế nào để định vị bản thân trong tương quan với mọi thứ và mọi người khác. Nhưng liệu ảo tưởng kiểm soát này tới nay có mang lại cho ta hạnh phúc? Với đa số áp đảo thành viên của thế giới Tây phương hiện đại, câu trả lời là không.

Và vì vậy, nếu ao ước tìm ra một cách nhìn mới về cuộc đời, ta buộc phải bằng lòng từ bỏ những quan niệm cùng ý kiến xưa cũ. Thay vì níu chặt lấy chúng – và vẫn cứ cứng nhắc, ù lì, khước từ thay đổi – ta buộc phải cởi mở để tiếp nhận. Ta buộc phải sẵn sàng tiến hóa. Tiến hóa là bản chất của ý thức yêu thương. Và điều gì thúc đẩy tiến hóa? Chính là đổi thay. Không có đổi thay, sẽ không có sinh sôi nảy nở, không có đời sống. Cứng nhắc – là thiếu hụt hay cự tuyệt sự thay đổi – đồng nghĩa với cái chết. Sự sống phải thích nghi để tồn tại: nếu ta ao ước tiến lên, ta phải sẵn lòng biến đổi, để bỏ lại cái cũ phía sau.

Xuyên suốt lịch sử, sự vĩ đại bắt nguồn từ chỗ xóa sạch những quan niệm cũ. Chúa Jesus đoạn tuyệt với phong tục truyền thống, và Phật Tổ cũng vậy. Khi ta tiến hóa, những quan niệm và định kiến mà ta từng tiếp nhận không chút hoài nghi trở nên cũ kỹ và bất phù hợp. Đã đến lúc dọn sạch bản thân khỏi những gì ta vẫn bám víu: từ bỏ những ý tưởng và quan điểm đã lấp đầy ý thức của ta.

Trống rỗng thật tự do biết bao. Không còn quan điểm, ý tưởng, giới hạn, chối bỏ. Để đồng tình với vũ trụ bao la, để đồng tình với tất cả tạo hóa từ một chốn chỉ có niềm vui. Nó xuất phát từ chỗ nắm bắt cuộc sống mà không can thiệp, từ chỗ quy thuận nhẹ nhàng trước những gì vốn có, từ chỗ đem lòng thương mến thực tại hiện thời. Đây chính là một cuộc tình đích thực – tình yêu của một cá nhân đối với tự thân cuộc sống, với chính bản thân người đó, và với niềm vui tồn tại.

Vậy nên, trong cuốn sách này, thay vì học thêm điều gì mới mẻ, ta sẽ gạt bớt. Trong phần 1, tôi sẽ phơi bày một vài ảo tưởng được thừa nhận phổ biến nhất, những dối trá nảy sinh từ nỗi sợ hãi và giới hạn mà ta đã dần chấp nhận như thực tế bình thường. Vài ảo tưởng trong số này phát sinh từ một cội rễ chung, vì vậy, có một số điểm trùng hợp giữa chúng. Thế nhưng, bạn có thể sẽ nhận ra rằng bạn gắn chặt với một ảo tưởng nào đó nhiều hơn những cái còn lại, hoặc một ảo tưởng nào đó nổi bật hơn những cái khác trong cuộc sống của bạn, nên tôi cũng đưa vào các hình thức lặp đi lặp lại khác nhau của chúng hòng giúp bạn nhận ra chúng dưới nhiều dạng thức khác nhau mà chúng thể hiện.

Phần còn lại của cuốn sách sẽ tập trung vào một số vấn đề thực tế mà những ảo tưởng này gây ra trong cuộc sống của chúng ta. Phần 2 xem xét những ảo tưởng này nổi lên trong các mối quan hệ giữa người-với-người của chúng ta ra sao và vai trò từng ảo tưởng nắm giữ trong cuộc sống của chúng ta. Thay vì duy trì những khuôn mẫu đã được trao sẵn cho ta và sai khiến cách ta thực hiện vai trò làm mẹ, làm cha, đàn ông, đàn bà, người yêu, chồng/vợ, người làm thuê, hay ông chủ, ta có thể tiếp cận những vai trò này từ lập trường ý thức yêu thương và thực hiện những vai trò ấy hiệu quả hơn, vui tươi hơn và giàu trắc ẩn hơn khi nào hết. Phần 3 cung cấp những gợi ý cụ thể để thể hiện ý thức yêu thương trong thế kỷ mới vận động mau lẹ và đổi thay chóng vánh mà ta đang sống.

Những cảnh báo soi đường cho bạn

Trước khi khởi hành, ta có thể tự chuẩn bị cho mình bằng cách nuôi dưỡng lối tư duy nhất định và bỏ bớt những cách tư duy cản trở mình. Những chỉ dẫn tiếp sau đây sẽ tạo lập nền tảng cho cuộc đời của bạn trong ý thức yêu thương. Khi nào cảm thấy bản thân hoang mang hay tràn ngập nghi ngờ, bạn có thể tìm lại những chỉ dẫn này để đưa bản thân trở về trạng thái tiếp thu. Đồng thời, rất nhiều chỉ dẫn trong số này sẽ xuất hiện trở lại theo tiến trình của sách, và đây là một việc tốt – nhắc lại tạo ra sự thống nhất.

Tập trung vào niềm vui

Việc đầu tiên ta cần làm là bắt đầu tập trung vào niềm vui – vào vẻ đẹp, sự trong sáng, tán thưởng, tình thương và hàm ơn vốn tồn tại trong từng khoảnh khắc. Chẳng phải đã đến lúc ta làm việc đó thường xuyên hơn?

Niềm vui có hình dạng ra sao? Điều tuyệt vời ở niềm vui là nó không hề có dạng thức nào cố định. Hình dạng của nó chỉ là một sự rung động rỗng không. Niềm vui tựa như dòng suối chốn núi non: những bong bóng sủi tăm, trào lên dồi dào bất tận từ sâu thẳm. Sự tự sinh vĩnh cửu của nó nuôi dưỡng và làm cho mới mẻ, tuôn chảy và tràn đầy trở lại.

Niềm vui không tìm kiếm xem có gì sai trái. Nó không phê phán những gì ngoại vi để truy tìm kẻ tội đồ gây ra những thử thách và khó khăn. Nếu làm vậy, nước nguồn của nó chẳng mấy chốc sẽ ứ đọng, biến màu và không còn sinh khí. Niềm vui mở ngỏ với yêu thương, sẵn sàng hóa thân thành tình yêu ấy. Nó không hề có một ý niệm định sẵn xem tình yêu ấy nên thế nào và nên dành tặng cho ai.

Thay vì đợi chờ sự thỏa mãn từ bên ngoài – đợi chờ sự hài lòng toại ý, đợi chờ thứ tiếp theo để tiêu xài, hay một trò chơi mới để tiêu khiển – hãy trở thành chính niềm vui ấy. Rồi hãy vươn ra thế giới ngoài kia để chia sẻ cùng nhân loại.

An trú trong hiện tại

Niềm vui tồn tại ngay trong khoảnh khắc hiện tại, vậy nên, xin hãy ngừng lang thang mãi nơi quá vãng hoặc tương lai – chúng đã ngốn đủ thì giờ của bạn rồi, xin cảm ơn. Đã đến lúc tặng cho nơi đây và lúc này – chính là hiện tại, nơi cuộc sống đang thực sự diễn ra – một chút lưu tâm cực kỳ cần thiết.

Tìm lại vẻ hồn nhiên thơ trẻ

Con trẻ cao tay hơn hẳn người lớn xét về khoản hạnh phúc – chúng tiếp cận mọi thứ như thể mới là lần đầu tiên, tuyệt nhiên không hề bị giới hạn bởi những gì đã có từ trước đó. Chúng thấy được phép màu và điều diệu kỳ ở mọi chốn chúng nhìn vào. Bạn tưởng tượng xem sẽ nhẹ nhõm biết bao nhiêu nếu quay trở về trạng thái ấy?

Khi tôi còn là một nhóc tì, tôi cứ thế mà thôi. Tôi chẳng quan sát bản thân mình hay cân đong đo đếm phản ứng của những người xung quanh; tôi chẳng gắng sức để thao túng, lôi kéo hay kiểm soát bằng bất cứ cách nào; chỉ là tôi thôi đã đủ rồi. Tôi chẳng có khái niệm cái gì là nực cười hay nghiêm túc: nếu thấy vui thì tôi cười; nếu thấy buồn là tôi khóc. Một điều cốt yếu: Tôi không băn khoăn về hành động của mình. Tôi cứ thế mà thôi. Tôi chính là sự sống, tôi sống. Vác trên mình hành trang trưởng thành tích tụ, với những quan điểm, nỗi sợ hãi, nhận thức lầm lạc, ta đã đánh mất thói tự nhiên này.

Khi trải nghiệm cuộc sống hằng ngày, hãy tiếp tục xáo tung chiếc bảng vẽ tâm trí và nhìn mọi thứ như là một đứa trẻ − không kỳ vọng hay buộc tội. Hãy thử nhìn nhận mỗi người như thể lần đầu tiên. Khi một người lang thang đến khẩn nài một xu lẻ, hãy tặng anh ta một nụ cười thay vì cách khước từ ngày thường – có thể đó là tất cả những gì người ấy thực tâm mong mỏi. Khi bà mẹ chồng tẻ ngắt gọi điện đến, chớ trả treo với những quở trách và than phiền của bà. Khi sếp gọi bạn vào phòng, chớ tự động trông chờ cô ta trừng phạt bạn – có thể cô ta tăng lương cho bạn đấy! Chúng ta cứ luôn luôn cảnh giác, liệu chừng rằng có gì đó không ổn. Thay vào đó, hãy áp dụng sự trống rỗng và hồn nhiên thoải mái của một đứa trẻ; hãy cởi mở bản thân đón nhận niềm vui.

Vui lên và thoải mái đi nào

Một trong những điều đáng buồn nhất ở xã hội hiện đại là chúng ta coi mọi sự quá nghiêm trọng. Ta cảm thấy thúc bách phải tuân theo những gì mà ta “nên”, những gì ta nghĩ thế gian này trông đợi ở ta. Ta thầm nghĩ, Chớ có lố bịch thế. Đừng có lên tiếng khi chưa được hỏi. Không được bồng bột thế. Đừng có nói thật những gì trong đầu ta – họ sẽ nghĩ thế nào chứ? Tự kiềm chế và tự phê phán đã trở thành lối sống của ta, và chúng rút cạn sự thoải mái và năng lực tự do thể hiện bản thân của ta.

Ta buộc phải học lại cách bày tỏ từ tâm can – để bản thân ta được ngốc nghếch, được nhảy nhót tự do, được dừng lại và nhắc nhở ta rằng cuộc sống chính là nụ cười và niềm vui nhẹ nhõm. Xin hãy thử. Có khi bạn sẽ thích đấy.

Từ bỏ nhu cầu giành phần đúng

Khi ta khư khư bám lấy quan điểm của mình, nó sẽ trở nên quan trọng với ta hơn bất cứ thứ gì. Kết quả là, ta cảm thấy nhu cầu bức thiết phải giành phần đúng, mà thường đòi hỏi chứng tỏ người khác sai, từ đó nảy sinh mâu thuẫn. Bất cứ lúc nào ta cảm thấy nhu cầu chứng tỏ quan điểm này, ta đã đánh mất mối liên hệ với niềm vui của khoảnh khắc hiện tại.

Thật dễ chỉ ra khi nào một ý kiến hoặc quan điểm dựa trên nỗi sợ: nó đi kèm với nhu cầu bênh vực, bảo vệ ý kiến trước những người không tán thành. Đây chính là cội rễ của sự cuồng tín. Ngược lại, yêu thương không cần phòng thủ. Đó là một cơ hội sống động, tươi mới để nắm bắt quan điểm của người khác.

Khi từ bỏ nhu cầu giành phần đúng, bạn đã học cách xuôi chảy theo thế gian. Để làm được điều này, bạn không cần phải cho rằng mình sai. Bạn chỉ cần cởi mở đón nhận khả năng rằng quan điểm của bạn có thể không phải là chân lý tuyệt đối; rằng trong cả hệ thống vạn vật rộng khắp, điều đó chẳng đáng kể gì; rằng trên thực tế, quan điểm mà bạn nâng niu trân trọng ấy chỉ là một suy nghĩ khác, một cấu trúc khác của trí não mà thôi. Đơn thuần khuất phục trước sự linh hoạt ấy dẫn dắt bạn tới chỗ dễ dàng lĩnh hội nhiều hơn.

Tôi không biết là một trong những lời bày tỏ quyền năng nhất trên hành trình phát triển nội tâm. Khi bạn nhận thức được rằng bạn không biết điều gì đó, bạn sẵn sàng để tiếp nhận.

Hãy quan sát chính mình. Khi nào thì những quan điểm của bạn quan trọng hơn cả bình yên, hơn cả hài hòa? Hãy tự hỏi bản thân, Ta có đang đấu tranh bảo vệ ý kiến của mình, hay ta đang cởi mở để thấy được một góc nhìn mới, để tiến hóa vượt trên hiểu biết hiện tại của ta? Tôi không có ý là phải từ bỏ những lý tưởng của bản thân, mà hãy chú ý xem điều gì thực sự quan trọng. Hãy luôn xuất phát từ lập trường yêu thương.

Lắng nghe tiếng nói từ trái tim

Trí tuệ loài người mang lại rất nhiều lợi ích: nó đã sản sinh vô số khám phá, tiện ích, phát kiến đang tiếp tục đổi mới cho thế giới mà ta sống. Thế nhưng, bất chấp tính phức tạp phi thường này, nó bị bó hẹp trong sự hạn chế của tính hai mặt. Tích cực và tiêu cực, kẻ tấn công và con mồi, hạn hán và lũ lụt – những sự đối lập này hình thành nên nguyên lý chi phối trí tuệ. Nếu ta mong ước trải nghiệm sự trống rỗng, ta buộc phải vượt ra khỏi địa hạt trí tuệ. Ta phải thoát ra khỏi cái đã biết, và tiến vào cái trống không.

Những bức tường tư tưởng đã xây lên kìm ta trong giới hạn. Ta đã quá quen với chúng đến mức chúng khiến ta cảm thấy an toàn, nhưng những bức tường ấy cũng cầm tù ta trong nỗi bất toại ý. Tính hiếu kỳ thiên bẩm của ta sẽ luôn lôi kéo mè nheo ta từ trong tiềm thức, khuyến khích ta vượt khỏi những gì quen thuộc và tìm kiếm điều gì hơn thế. Hãy cho ta được khuất phục trước sự lôi kéo ấy, khát khao tìm tòi và khám phá ấy từ nội tâm, vượt khỏi tất cả những gì ta vẫn biết tới bây giờ để mạo hiểm một trải nghiệm sống mới.

Có một hiểu biết vượt ra khỏi trí não. Không giống như hiểu biết của trí tuệ thông thường chỉ luôn thấy hai phe trong cuộc tranh luận, tiếng nói này không bao giờ ngờ vực. Nó tin tưởng bản thân mình hoàn toàn và lên tiếng bằng sự rành mạch tuyệt đối. Khi tới, nó sẽ tới mà không báo trước; đột nhiên bạn thấy chính mình lên tiếng mà không hiểu tại sao. Thế nhưng bạn sẽ nghe thấy chân lý trong lời lẽ của mình. Bạn sẽ cảm thấy nó. Hãy lắng nghe. Nó ở đó, ngay trong nội tâm. Bạn sẽ nghe thấy. Nó lên tiếng từ sự thông suốt, với năng lượng của yêu thương vô điều kiện.

Chớ phân tích

Khi xem một bộ phim, bạn có băn khoăn tự nhủ xem hình ảnh đi tới màn hình tivi nhà mình ra sao – nó va đập vào vệ tinh nào, làm thế nào hàng triệu điểm ảnh riêng lẻ kết hợp với nhau để tạo ra đủ mọi màu sắc? Không hề – như thế thì bộ phim quá chán! Vậy thì tại sao ta lại không thể nhìn vào cuộc đời theo cách ấy, hồn nhiên nắm lấy những điều lý thú và bí ẩn, đón lấy một chương không ngờ tới đang chực chờ sắp sửa? Sao ta lại cứ luôn phân tích và mổ xẻ từng li từng tí? Phân tích đẩy ta vào vũng bùn ngu độn và phức tạp, trong khi ý thức yêu thương thì hoàn toàn ngược lại – nó giản đơn, nhẹ nhõm và vui tươi. Nó khiến ta sẵn sàng thay đổi, trong khi phân tích chỉ tạo ra thói cứng nhắc và ì trệ lớn hơn.

Cố gắng chỉ chứng kiến cuộc sống của mình thay vì ám ảnh với câu hỏi tại sao. Sẽ thế nào nếu chẳng có tại sao? Sẽ thế nào nếu nó chỉ đơn giản thế thôi, và tất cả những gì bạn phải làm chỉ đơn giản là sống? Nếu bạn quá gắng sức để hiểu, cuối cùng bạn chỉ càng thêm bối rối! Thay vào đó, hãy gắng buông xả hơn, hồn nhiên hơn. Bạn sẽ bắt đầu thấu hiểu mọi điều từ một không gian sâu hơn, vượt khỏi những nghi ngờ và bất an, chắn chắn gắn liền với những lập luận của trí tuệ.

Nuôi dưỡng thói quen tôn giáo

Qua thời gian, con người đã sử dụng các thói quen tôn giáo để giúp bản thân vượt qua thương tổn và khai phá bình yên nội tại. Điều quan trọng là bạn hướng vào nội tâm, và sử dụng một thói quen tôn giáo để khiến việc đi vào nội tâm dễ dàng hơn nhiều. Cống hiến thời gian cho một thói quen như thế hằng ngày sản sinh khả năng tự tri và độc lập được khơi sâu liên tục.

Cầu nguyện, thiền định, tụng kinh, thực hành yoga, rèn tâm trí, luyện thái cực quyền, ghi nhật ký – những thói quen tôn giáo có thể tồn tại dưới vô số hình thức. Tôi tiến cử Hệ thống Isha, vì đó là những gì tôi đã áp dụng trên hành trình của cá nhân mình. Các khía cạnh của Hệ thống Isha là một công cụ tuyệt hảo đưa bạn vượt lên khỏi mức bề mặt của tâm trí. Hệ thống Isha và toàn bộ các khía cạnh của nó được giới thiệu trong cuốn sách Why Walk When You Can Fly? (tạm dịch: Sao lại bước khi bạn có thể bay?) Muốn biết giới thiệu tóm lược các khía cạnh, mời bạn mở đến Phụ mục 1 cuối cuốn sách này. Nếu bạn thực hành các khía cạnh trong khi đọc cuốn sách này, bạn sẽ hấp thu những bài học trong đây hiệu quả hơn nhiều.

Nắm lấy cả hành trình

Hãy tưởng tượng bạn đang ở chân núi Aconcagua, ngọn núi cao nhất của dãy Andes. Aconcagua nghĩa là “lính gác đá” trong ngôn ngữ Quechua bản địa, và ngọn núi sừng sững như một ví dụ tuyệt đẹp cho sự chinh phục nỗi sợ hãi trong tâm trí. Để chạm tới đỉnh ngọn núi, bạn buộc phải vượt khỏi nỗ sợ hãi và tập trung vào việc thưởng thức và niềm vui. Và rồi bạn có thể ngắm nhìn thế giới từ một cao điểm siêu việt, trong niềm hân hoan chan chứa trước vẻ đẹp trải ra ngay trước bạn.

Thế nhưng, để có thể vươn tới đỉnh cao, bạn buộc phải thực hiện hành trình từng bước một. Nếu quá ám ảnh với việc đặt chân tới đỉnh núi, bạn sẽ không để ý tới những đóa hoa ngay dưới chân mình. Hoặc bạn có thể bỏ qua những bông cúc dại cùng những đàn dê thảnh thơi gặm cỏ bên sườn núi (hãy tưởng tượng ra hình ảnh Julie Andrews trong phim The Sound of Music ), hoặc bạn có thể lê bước đầy nghiêm cẩn tới đích ngắm tương lai của mình, chẳng thèm để ý tới vẻ tươi đẹp xung quanh. Thế nhưng, mỗi bước đi chính là hành trình: tình yêu, niềm vui, sự phong phú dồi dào mà ta đang trải nghiệm ngay chính nơi đây, vào chính lúc này.

Khi bạn du hành qua cuốn sách này – và trong suốt chặng đường đời còn lại – hãy chú tâm vào niềm vui quanh bạn trong mọi khoảnh khắc, và bạn sẽ nhận ra rằng mình đã cán đích rồi.

ĐỌC THỬ

Phần 1PHÁ TAN CÁC ẢO TƯỞNG

Đến giờ ta đã lựa chọn được thái độ đúng đắn, thái độ cởi mở và đón nhận, ta đã sẵn sàng bắt tay vào phá bỏ những ảo tưởng ngăn trở ta thức tỉnh.

Phá bỏ. Nghe có vẻ như điều gì đó tiêu cực, nhưng sự thật là, lẽ khôn ngoan bắt nguồn từ phá bỏ. Trống rỗng bắt nguồn từ việc phá bỏ mọi huyên náo – những ý tưởng, quan điểm, định kiến và khái niệm cố tranh giành chiếm chỗ hàng đầu để thu hút sự chú ý của ta. Chính tiếng ồn trắng, thứ ồn ào tĩnh này là điều khiến ta xao lãng, đui mù, không hay biết bản chất thực sự của ta, về sự lộng lẫy và vẻ đẹp của bản ngã. Ngay chính trong bản ngã là nơi sự diệu kỳ bắt nguồn. Sự sống – không cần bất cứ thứ gì khác, chỉ sự sống thuần khiết – chính là nơi thỏa nguyện nảy sinh. Trong sự trống rỗng ấy, ta khám phá ra cái mơ hồ và đạt được mọi thứ ta đã gồng mình hòng nỗ lực đạt tới, để trở thành ai đó, để vươn lên. Nó đã luôn luôn có mặt ở đó, đợi chờ ta vung đôi tay cuồng loạn và cuối cùng là ngừng mọi tranh đấu, kiểm soát, giành giật và phiền trách – để rốt cục ngừng tìm kiếm sự hoàn thiện ở bên ngoài bản ngã của ta.

Khi nhận ra trạng thái nội tại ấy, niềm vui của ý thức yêu thương bắt đầu lan tỏa vào mỗi giây khắc, mỗi hành động của chúng ta. Ta trở thành nghệ sĩ, nhà sáng tạo, dâng tặng màn trình diễn độc nhất của ta cho thế gian. Ta không gắng sức giành lấy; ta cũng không tập trung chú ý xem có thể kiếm lợi ra sao. Ta trao tặng, ta hòa thêm hương vị của riêng mình vào hỗn hợp. Chính trong việc chia sẻ bản ngã này, ta bắt đầu tìm thấy niềm vui và sự thỏa nguyện.

Trong phần này, bằng việc phá bỏ những ảo tưởng che mờ khả năng nhìn nhận bản thân và thế giới, ta sẽ học cách biến đổi từ vị thế nạn nhân sang khả năng sáng tạo, khám phá những giới hạn của an nhàn, phá bỏ ý niệm thiếu thốn sai lầm, chinh phục tính bị động, vượt qua thói buộc tội, xuyên thấu sự ngăn cách bề ngoài, vượt trên thói tự phê phán, thấu hiểu bản chất ngột ngạt của sự kiểm soát, và bắt đầu giải thoát bản thân khỏi cái ách đè nèn của chính chúng ta.

Chương 1ẢO TƯỞNG – 1: TÔI LÀ NẠN NHÂN

Thể hiện trong niềm tin: Mọi thứ xảy ra với tôi khiến tôi chẳng thể hài lòng.

Thực tế: Tôi là kẻ kiến tạo quyền năng vô biên.

Những tình cảnh hình thành nên cuộc đời của mỗi chúng ta cũng độc nhất vô nhị và riêng biệt hệt như tính cách của ta vậy – chẳng có hai người nào tính cách giống hệt nhau. Thế nhưng khả năng trưởng thành như một cá nhân độc lập, để phát triển thành những con người biết cảm thông, đầy yêu thương và có ý thức hơn, không phụ thuộc vào những gì xảy ra với ta, mà phụ thuộc vào thái độ của ta trước những tình cảnh đó. Khi đối mặt với gian khó, ta gục ngã hay bước lên? Ta chối bỏ hay nắm lấy tình cảnh để trưởng thành?

Suy đến cùng, có hai loại thái độ ta có thể lựa chọn trong đời: thái độ của nạn nhân và thái độ của người kiến tạo.

Kẻ nạn nhân không thể nhìn thấy vẻ đẹp, sự phong phú hoặc sự hoàn mỹ vốn có trong từng khoảnh khắc vì anh ta đã có sẵn ý tưởng rằng mọi thứ phải như thế nào, một ý tưởng chắc chắn đã bị xâm phạm, một ý tưởng xung đột với những gì vốn có. Cảm giác bất hòa hợp này sản sinh cáu giận – cáu giận với cuộc đời, với đấng chí tôn – nhưng nó lại biểu hiện ở nạn nhân kia bằng nỗi chán nản, trì trệ thụ động, làm suy yếu và có vẻ bất cần, giống với buồn phiền hơn là cáu giận. Cuối cùng, nó thể hiện sự căm ghét bản thân, cưỡng bức bản thân. Đó chính là sự chối bỏ cao nhất với những gì vốn có: cưỡng bức cuộc sống.

Cách duy nhất để phá bỏ kiểu tự biến thành nạn nhân này là đảm nhận vai trò của người kiến tạo. Người kiến tạo ngợi ca những sáng tạo của họ, còn nạn nhân thì chỉ trích. Người kiến tạo sống trong sự trân trọng; còn nạn nhân, ngược lại, chỉ sống trong than thở, không nhận trách nhiệm. Đây là hai mặt đối lập hoàn toàn. Người kiến tạo nắm lấy bất cứ thứ gì xuất hiện trước họ. Họ đáp lại mọi thứ bằng lời đồng ý, cho phép họ sống cuộc đời thật phong phú. Còn nạn nhân, thì trái lại, chỉ phẫn uất và tiêu cực. Họ không tài nào thấy được vẻ hoàn mỹ hay cái đẹp vốn có trong cuộc sống, vì họ đã có sẵn một ý niệm cứng nhắc về mọi thứ nên như thế nào. Bị che khuất dưới cái lốt bị động sục sôi, đây chính là cơn thịnh nộ cực điểm: chối bỏ sự tồn tại, phủ nhận những gì vốn có.

Bất cứ lúc nào tôi nhìn vào cuộc đời mình với thái độ phủ nhận, với một ý niệm khác về việc mọi thứ nên như thế nào, là tôi đang chối bỏ cuộc sống. Bởi vì tôi không thể kiểm soát được cuộc chơi, nên tôi sẽ không tham dự. Vì tôi không thể thấu hiểu, nên tôi sẽ không chấp nhận. Đó chính là chủ nghĩa cực đoan ám ảnh của một trí tuệ đầy sợ hãi; sự phức tạp của nó đã rút cạn mọi niềm vui trong cuộc sống. Ý thức tồn tại ngay trong sự hòa hợp của trái tim. Khi bạn sống từ tận tâm can, sẽ không còn băn khoăn nào hết. Khi bạn chính là sự tuyệt đối, thì nhu cầu tha thiết phải thấu hiểu cũng biến mất; nó đã bị nhận sâu trong chính niềm vui tràn ngập của sự sống thuần khiết. Trái tim chẳng mong muốn gì hơn nữa khi nó đã tìm thấy tình yêu.

Làm thế nào tôi biến đổi bản thân mình từ một nạn nhân sang người kiến tạo? Bằng cách tập trung vào ý thức yêu thương, vào những tầng sâu tĩnh lặng ẩn chứa trong mỗi chúng ta, cho đến khi tôi trở thành trí não vô tư lự. Tại sao? Chẳng có tại sao nào hết. Khi bạn để ý thấy bản thân mình chối bỏ những gì vốn có – nghĩ rằng, chắc phải có cái gì đó tốt đẹp hơn vào thời điểm này hoặc có gì đó phi lý ở đây – hãy buông bỏ. Nhớ rằng khi bạn chảy trôi, khi bạn quy thuận, bạn đã trở thành đấng chí tôn. Khi bạn tranh chấp, bạn sẽ trở thành một đứa trẻ oán giận chẳng chịu trách nhiệm gì. Không thứ gì có thể tốt đẹp hơn vào chính khoảnh khắc này, không có gì là phi lý, bởi đấng chí tôn là tất thảy mọi điều; bạn chính là đấng chí tôn giữa tất cả mọi điều; đấng chí tôn là niềm vui; và tất cả đều là những sáng tạo của bạn.

Giải thoát bản thân khỏi vị thế nạn nhân

Xin hiểu cho rằng tôi không hề gợi ý bạn tự thuyết phục mình trong trí óc rằng bạn không phải một nạn nhân. Ngược lại, nếu bạn cảm thấy mình giống một nạn nhân trong bất cứ khía cạnh nào của đời sống, hãy tự cho phép mình cảm nhận nó. Hãy ôm chặt lấy nạn nhân bên trong bạn. Hãy yêu thương nạn nhân bên trong bạn. Bạn sẽ không thể thoát khỏi nó bằng cách chối bỏ hoặc phê phán nó. Hãy cảm nhận những cảm xúc mà nhận thức nạn nhân khơi dậy trong bạn: buồn bã, giận dữ, oán hận. Vùi mặt vào gối mà gào thét. Khóc lóc. Đấm đá vào tấm nệm. Làm bất cứ điều gì bột phát tự nhiên. Hãy ôm chặt lấy nạn nhân bên trong bạn, và bạn sẽ sớm học được cách nhìn thấu nó. Khi bạn buông xả những cảm xúc tích tụ này, thái độ nạn nhân sẽ mất đi vai trò của nó và nhanh chóng biến mất thôi.

Buông xả nỗi oán trách

Suy cho cùng, trở thành người kiến tạo nghĩa là chịu trách nhiệm với cuộc đời của bạn. Kẻ nạn nhân coi trách nhiệm là một khái niệm phiền toái, một việc vặt vãnh: thà oán trách ai đó gây ra nỗi bất bình cho mình còn dễ hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, nó chẳng hề dễ dàng hơn: nó chỉ tước mất quyền quyết định chấm dứt khổ đau khỏi tay bạn. Cho đến khi bạn lãnh trách nhiệm với chính hạnh phúc của bản thân, bạn vẫn chỉ là nô lệ của môi trường xung quanh. Khi bạn rốt cục nhận lấy trách nhiệm, bạn tìm thấy tự do đích thực.

Ta vẫn thường nghĩ tự do nghĩa là được phép làm bất cứ thứ gì ta muốn và đi bất cứ nơi nào ta chọn. Thế nhưng định nghĩa tự do này bỏ qua một thực tế rằng: người kiểm soát và đánh giá bạn nhiều nhất chính là bản thân bạn. Tự do thực sự không phải thứ gì đó mà người khác có thể ban tặng hoặc tước bỏ: chỉ chúng ta mới có quyền năng ấy đối với bản thân mình.

Tự do chính là tự thừa nhận bản thân. Nó cho phép bản thân được thể hiện bản chất, bỏ qua nhu cầu tha thiết phải có được sự phê chuẩn khiến ta làm theo những chuẩn tắc xã hội khó chịu chỉ để hòa đồng. Sự phê chuẩn từ bên ngoài sẽ chẳng bao giờ đủ, chừng nào ta tiếp tục khát khao có được nó, và điều này là thật chỉ bởi một chân lý giản đơn: ta không hề tự thừa nhận bản thân. Vì lý do này, ta gắng sức để người khác làm việc đó giùm ta. Nhưng cố gắng giành lấy sự phê chuẩn từ bên ngoài thế chỗ cho việc tự thương yêu cũng giống như vặn lớn tivi để át đi tiếng khóc của đứa trẻ – một cách gây xao lãng chẳng giúp tình hình khá lên chút nào.

Tự do thực sự là thoát khỏi vị thế nạn nhân. Đó là việc lãnh trách nhiệm về bản thân, ghì chặt lấy bản thân mình và tin tưởng vào tiếng nói nội tâm của chính mình.

Hãy nhớ rằng, tôi không muốn bạn phải gắng sức noi gương những cách ứng xử này nếu bạn không cảm nhận được chúng. Chớ chối bỏ quan điểm hiện giờ của bạn chỉ nhằm phù hợp với một ý niệm sách vở nào đó về “cách cư xử đúng đắn”; thay vào đó, hãy mở rộng hiểu biết của bạn và bạn sẽ tự nhiên lựa chọn được những hành động của một nhà kiến tạo.

Nhận trách nhiệm về lựa chọn của chính ta

Xét cho cùng, chịu trách nhiệm nghĩa là nhận trách nhiệm với chính bản thân, với những lựa chọn mà ta đưa ra trong từng khoảnh khắc.

Ta thực sự không hề hay biết bản thân mình quyền năng đến thế nào. Ta có xu hướng nhìn nhận bản thân mình như những cá nhân nhỏ nhoi trong thế giới rộng lớn, gắng làm mọi cách để quẫy đạp giữa những ngọn triều ngăn cách giữa ta với những khao khát của ta. Thế nhưng, có một chân lý có thể thay đổi nhận thức này, phá bỏ cảm giác của một nạn nhân, và mang lại tự do thực sự:

Ta tập trung vào cái gì, thứ đó sẽ lớn mạnh.

Tiêu điểm ta nhắm vào tạo thành thực tại của chính ta. Nếu ta tập trung vào những gì sai trái trong cuộc đời và trong thế giới ta sống, ta sẽ nhìn thấy gì? Chỉ những thứ sai trái. Thế nhưng nếu ta tập trung vào những gì ta yêu quý, những gì tạo cảm hứng cho ta và đong đầy trong ta niềm vui, ta bắt đầu nhìn thấy vẻ đẹp mà trước kia ta không nhìn thấy. Bạn có thể biến đổi những trải nghiệm sống của mình trong chớp mắt, chỉ bằng cách hướng tiêu điểm vào bên trong. Chỉ bằng cách hướng sự chú ý vào sâu vào nội tâm, thay vì mắc kẹt giữa những bi kịch và âu lo thế sự, bạn có thể phá vỡ những khuôn mẫu bất mãn và ưu tư dai dẳng suốt đời.

Vậy nếu nó giản đơn đến thế, vì sao ta lại không làm? Tôi biết tại sao: bởi vì ta không muốn thế. Ta không muốn được hạnh phúc – ta thích đấu tranh vì những thứ ta nghĩ rằng cần được chỉnh đốn. Ta không muốn quy hàng – ta muốn chiến thắng. Ta không muốn ghì chặt lấy hiện thực – ta muốn đuổi bắt những ý tưởng của ta về việc mọi thứ nên như thế nào, thay vì chấp nhận chúng như vốn có. Vì sao? Vì ta đoan chắc rằng ta hiểu rõ nhất cuộc đời mình nên như thế nào.

Con trẻ không làm vậy. Chúng nắm chắc lấy những gì chúng có mà chẳng hề thắc mắc. Hồi tôi sống ở vùng duyên hải Columbia, các cậu nhóc bản địa chân trần đá bóng là những quả dừa. Tụi chúng không hề rầu rĩ quẩn quanh, nghĩ ngợi kiểu, Giá như mình có mấy đôi giày Nike! Thế thì mình sẽ chơi đỉnh hơn nhiều. Giá như mình có quả bóng xịn thay cho quả dừa này! Chúng không hề nghĩ như vậy. Chúng say sưa thích thú như lẽ tất nhiên, tận hưởng tất cả những gì chúng có được.

Tôi không hề phủ nhận tầm quan trọng của việc nỗ lực hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn. Tôi ngưỡng mộ bất cứ hoạt động nào giúp đoàn kết nhân loại và nâng cao chất lượng sống trên hành tinh này. Thế nhưng nếu chúng ta cứ tập trung vào những gì sai trái, dù là với mục đích chỉnh đốn cho đúng đắn, thì ta cũng đang góp phần duy trì sự bất mãn và bất tuân phục với những gì vốn có. Hãy tập trung vào những gì ta đã đạt được, vào một thế giới tuyệt vời, phi thường ta đang sống, vào những cá nhân đầy đam mê và khơi gợi cảm hứng − những người đang cống hiến hết mình cho nhân loại mỗi ngày. Hãy tập trung vào những gì ta có thể dâng tặng, những cách ta có thể sống cuộc đời vui tươi, mãn nguyện hơn. Hãy tập trung vào an trú trọn vẹn trong hiện tại, vào việc thấu hiểu, chấp nhận, và ghì chặt lấy bản thân ta. Rồi rất tự nhiên, ta sẽ chia sẻ tình yêu ấy với những người xung quanh.

Ngay lúc này, bạn đang tập trung vào những gì? Vào những thất bại trong quá khứ, hay những âu lo về tương lai? Tại sao bạn không thử, chỉ hôm nay thôi, tập trung tận hưởng từng khoảnh khắc, dành tất cả những gì có thể vào mỗi tình huống đang hiển hiện trước bạn?

Hãy khám phá quyền năng của tập trung, và khi làm vậy, hãy lãnh lấy trách nhiệm với hạnh phúc của chính bạn.

Bài tập thực hành

Hôm nay, hãy tập trung vào tận hưởng từng khoảnh khắc. Khi phát hiện thấy mình lo âu hoặc hối tiếc một phút giây nào đó đã qua, chỉ cần nhìn lên trời và tự cười mình. Hãy nghĩ, “Ôi trời, mình lại thế rồi!” và đưa bản thân trở về thực tại.

Trở thành người kiến tạo: Bạn có hội đủ những gì cần thiết?

Xã hội sản sinh ý thức nạn nhân. Các phương tiện truyền thông bênh vực các nạn nhân, tranh đấu vì những kẻ thua thiệt, nuôi dưỡng ý niệm rằng chúng ta là những nạn nhân cần cứu vớt khỏi tay những kẻ áp bức. Tâm lý này đã ăn sâu bén rễ trong chúng ta đến nỗi thật khó để hiểu ra rằng ta không phải là nạn nhân. Ý tưởng ấy thậm chí còn xúc phạm chúng ta; nghe thì có vẻ tàn nhẫn hay thiếu cảm thông. Thế nhưng, coi con người như những nạn nhân chính là thái độ gây suy yếu nhất: nó níu giữ con người ta trong sự bất lực, phủ nhận khả năng thay đổi của họ. Thái độ cảm thông thường khích lệ con người hướng tới sự cao thượng, vượt trên những tình huống bên ngoài. Tôi không hề có ý chối bỏ bất công hoặc tảng lờ những nhu cầu của đại gia đình nhân loại; tôi chỉ đang gợi ý rằng cách phụng sự quan trọng và bền vững nhất mà ta có thể cống hiến chính là chữa lành cho nạn nhân ngay trong mỗi chúng ta, và kết quả kéo theo là cách nhìn nhận kiểu nạn nhân của ta đối với những người khác cũng biến đổi.

Phải có dũng khí mới trở thành được người kiến tạo. Bạn buộc phải ngự ở vị thế cao quý của chính mình và đảm nhận trọn vẹn trách nhiệm với tất cả những gì xảy ra trong thế giới của bạn, nhưng sự tưởng thưởng thật vô tận: kết quả là sự viên mãn tột bậc, với bản thân và với cuộc đời.

Cỏ lúc nào cũng xanh hơn

Một dạng tâm lý nạn nhân kinh điển nảy sinh từ chỗ đau khổ dằn vặt vì những gì ta không thể có được. Ta đã trở thành chuyên gia bới móc xem còn gì khuyết thiếu và tập trung năng lượng vào đó: Một cách chắc chắn sẽ rút cạn hạnh phúc khỏi cuộc đời. Một phụ nữ không có khả năng sinh nở có thể quên đi những khía cạnh tích cực của đời mình khi sa vào chán nản: Nàng có thể có người bạn đời lý tưởng, những điều kiện thuận lợi để nhận con nuôi nếu muốn, sự viên mãn trong công việc, tự do thỏa thích đi du lịch và theo đuổi các sở thích cá nhân. Nhưng ý niệm cứng nhắc của nàng về mọi thứ phải như thế nào, nỗi thất vọng trước những gì nàng không thể có được đã trở thành nỗi ám ảnh trong nàng, che mờ phép thần tiên và cơ may hiển hiện trong từng giây phút. Điều tương tự có thể xảy ra với bất cứ mảng nào của cuộc sống mà ta cảm thấy khiếm khuyết: thiếu một tấm tri kỷ có thể che khuất đam mê dành cho sự nghiệp, hay tình trạng thất nghiệp có thể khiến ta đui mù không thấy được sự nâng đỡ của cả một gia đình đầy yêu thương. Thậm chí thư điện tử trong mục Thư rác của tôi cũng phản ánh xu hướng tập trung vào những gì khiếm khuyết của chúng ta: Tôi luôn luôn bị dội bom tới tấp bởi những lời mời chào thuốc cường dương, và (mặc dù tôi chẳng muốn xem thường những khó khăn này hoặc cảm giác bất lực song hành cùng chúng), rõ ràng là cảm giác thiếu sót về giải phẫu cơ thể chỉ là một trong nhiều những loại dê tế thần mà ta có xu hướng đổ lỗi gây ra mọi căng thẳng và chán nản cho ta. Ta quy lỗi mọi nỗi bất mãn của mình vào một thứ không thể thay đổi. Làm như vậy, ta đã chối bỏ khả năng tìm kiếm niềm vui trong mọi điều tuyệt vời mà cuộc đời mang lại.

Phản ứng kiểu nạn nhân và phản ứng kiểu người kiến tạo trước các tình huống thật trong đời sống

Có rất nhiều tình huống mà ta có thể dễ dàng nhìn thấy sự khác biệt giữa phản ứng kiểu nạn nhân và phản ứng kiểu người kiến tạo. Các ví dụ sau đây có thể giúp bạn quan tâm hơn tới thái độ kiểu nạn nhân ở chính mình và bắt đầu đưa ra những lựa chọn mới.

Tình huống hoặc Đặc tính Tiếp cận kiểu nạn nhân Tiếp cận kiểu người kiến tạo

Quan hệ

thân tình Anh không làm tôi hạnh phúc. Tôi cần anh yêu thương tôi để tôi thấy mình đáng giá. Tôi tìm thấy niềm vui khi trao tặng cho bạn. Tôi muốn góp phần giúp bạn trở thành người tốt nhất có thể, vì tôi đã cam kết sẽ là người tốt nhất với bản thân mình. Tôi mở lòng đón nhận tình yêu của bạn, và tôi xứng đáng với tình yêu ấy.

Mất mát Vì sao những thứ tồi tệ lại xảy ra với tôi? Tôi không thể nào hạnh phúc cho nổi vì tình cảnh bên ngoài không cho tôi được thế. Nếu có cơ hội tốt hơn, tôi mới cảm thấy mãn nguyện hoặc nhận ra được tiềm năng của mình. Tôi nắm chặt mọi thứ xảy ra trong cuộc đời như những cơ may để trưởng thành. Tôi tin rằng kể cả những thứ tôi không muốn xảy ra cũng đang mang lại cho tôi những điều tốt nhất. Tôi quy thuận trước những gì vốn có và buông mình theo bất cứ điều gì xảy đến. Niềm vui của tôi bắt nguồn từ nắm bắt và tận hưởng, không phải là chối bỏ và than phiền.

Khuyết thiếu Tôi không có đủ thời gian/ tiền bạc/ sự ủng hộ. Nếu hoàn toàn sống với hiện tại, tôi sẽ nhận thức được rằng mình có mọi điều cần thiết trong từng khoảnh khắc. Bằng cách tin tưởng và thuận theo tự nhiên, tôi mở lòng để tuyệt đối trân trọng những gì phong phú dồi dào luôn tuôn chảy về phía tôi.

Trao tặng Tôi phải giành lấy vì tôi không có đủ. Người ta muốn giành của tôi, nên tôi phải giữ chặt những thứ tôi có. Tôi có mặt ở đây để phụng sự; niềm vui của tôi là được trao tặng hết thảy những gì tôi có sẵn trong mình. Bằng cách trao tặng, tôi đang nhận về chính những gì đang trao tặng. Trao tặng càng nhiều, tôi nhận về càng nhiều.

Tin tưởng Ngày xửa ngày xưa, tôi cũng đã tin tưởng đấy chứ, nhưng đã phải thất vọng. Tôi biết trước rằng mọi thứ rồi sẽ sai lạc. Lòng tin xuất phát từ tin tưởng. Lựa chọn tin tưởng của tôi phản chiếu sự toàn vẹn trong tôi: nó không phụ thuộc vào kết quả bên ngoài. Nếu tôi tin tưởng, nghĩa là tôi chiến thắng, bất kể kết quả có ra sao, vì tôi đang đặt lòng tin vào chính mình.

Mắc “sai lầm” Đấy không phải lỗi tại tôi. Tôi phải giải thích cho anh hiểu tại sao đấy không phải lỗi của tôi. Tôi phải thuyết phục cho anh tin lý lẽ của tôi. Tôi không chịu trách nhiệm về hành động của tôi đâu đấy. Tôi chịu trách nhiệm với mọi thứ: nếu tôi mắc sai lầm, tôi tận dụng nó như một cơ hội để học hỏi và đưa ra những lựa chọn mới cho lần sau. Tôi không biện hộ; tôi sẵn sàng lắng nghe để có thể tiến bộ.

Tình bạn Vì tôi hiện diện bên anh như một người bạn, nên anh nợ tôi. Tôi đã tặng anh quá nhiều; anh buộc phải trả lại cho tôi. Tôi trao tặng vô điều kiện, và tôi sẵn sàng đón nhận. Tôi để mình được yếu mềm trước bạn, và tôi lắng nghe những gì bạn nói với tôi, không hề chối bỏ, vì yêu thương không cần biện hộ.

Thừa nhận Tôi cần phải được thừa nhận; tôi cần có sự thừa nhận từ anh. Tôi không thể quý chuộng bản thân mình nếu anh không tán tụng tôi. Tôi quý trọng bản thân; sự nhất quán trong hành động của tôi chính là thứ khiến tôi mãn nguyện. Nếu vấp phải sự bất đồng từ bên ngoài, tôi sẽ nhìn sâu vào nội tâm để xem tôi cảm nhận ra sao, để nhận thức được những gì bên trong mình. Ý thức về bản thân của tôi dựa trên trải nghiệm ý thức nội tại, không phụ thuộc vào những ý kiến dễ đổi thay của những người quanh tôi.

Hành động Mọi thứ khác nào một việc vặt vãnh nhàm chán. Tôi tiếp nhận mọi yêu cầu với thái độ chống đối. Tôi cẩu thả dối trá bất cứ khi nào chỉ vì lười biếng. Xoàng xĩnh thường thường là nghề của tôi! Tôi đón nhận tất cả mọi việc. Tuyệt hảo là đặc trưng cho hành động của tôi, và tôi tìm thấy niềm vui khi cống hiến hết sức mình, luôn luôn tiến theo hướng hoàn thiện hơn.

Trách nhiệm Tôi không chịu trách nhiệm về những gì xảy ra với mình. Tôi lãnh trách nhiệm về thế giới của tôi.

Suy ngẫm

– Tự hỏi bản thân, Làm thế nào ta có thể lấp đầy một khoảng trống nội tâm bằng sự thừa nhận từ bên ngoài? Làm cách nào ta có thể dựa vào sự tán tụng của người khác để bù đắp cho sự tự chỉ trích bản thân?

– Có điều gì gần đây xảy đến với bạn mà bạn lại đổ lỗi cho người khác không? Trong cuộc sống của bạn có lĩnh vực nào mà bạn cảm thấy yếu nhược hoặc bị đẩy vào tình thế nạn nhân? Liệu bạn có thể thay đổi cách nhìn nhận và bắt tay vào hành động để tự biến bản thân trở thành người kiến tạo thay vì là nạn nhân trong những lĩnh vực này?


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button