Kỹ năng mềm

Dạy Con Dạy Cha

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Phúc Lai

Download sách Dạy Con Dạy Cha ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sách kỹ năng sống

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Một ngày nọ khi đi đón con trai, lúc đó cậu chàng mới học lớp Một, cậu ta tò mò nhìn người bán xổ số ở đầu ngõ và hỏi, mình trả lời và câu chuyện đầu tiên Niềm hy vọng ra đời. Câu chuyện được post lên diễn đàn Webtretho với tên topic là Chuyện con chuyện cha đơn thuần chỉ là ghi chép lại những gì đã nói chuyện với con và thêm một số ngẫm nghĩ của mình về cuộc sống.

Quay lại với quá khứ một chút – mình có một tuổi trẻ vất vả. Mẹ mình mất sớm, bố yếu mất sức lao động, lại không có nhà ở nên phải ở nhờ nhà ông bà nội, mình thì ở nhà của ông bà ngoại cho mẹ mình. Lúc mẹ mất, em trai mình mới tám tuổi. “Chưa có vợ đã có con…” câu chuyện đúng là như vậy, mình quá trẻ để đóng vai trò dạy dỗ một người mà mình không đẻ ra. Các cụ nói “quyền huynh thế phụ” nhưng với một thanh niên hai mấy tuổi, nhiều cái nó khó lắm. Tất cả khó khăn dồn lên vai, cơm áo gạo tiền… Mấy năm cuối của bệnh ung thư, mẹ mình thương thằng em còn quá nhỏ, dồn hết yêu thương cho nó và cũng được chiều quá, cậu ta đâm ra sinh khó bảo. Đến “thời ông anh,” ông ấy dữ đòn, đánh em như cơm bữa… cứ thế, ngày càng nghiêm trọng. Đến khi cậu ta học lớp 8, lớp 9, những vụ việc càng nghiêm trọng hơn, vướng cả với pháp luật. Không biết bao quán nét, bao chỗ chơi bời của thanh niên mình thuộc nằm lòng. Nhiều khi sự nhọc nhằn đã làm cho những giọt nước mắt chảy ra mà không kìm được. Cũng là một người có trách nhiệm, nhiều đêm khi đã nằm xuống rồi, muốn ngủ vì một ngày vất vả, lại vùng dậy đi tìm em về. Có những lúc tưởng như đã vĩnh viễn mất nó, không phải mất vì cái chết, mà mất vì em sẽ hư hỏng hẳn. Chỉ đến khi cậu ta 18 tuổi, mình cũng học Phật được một thời gian và ý thức được bản thân mình phải thay đổi, tất cả những phương pháp cũ không còn áp dụng được nữa. Nhà mình phúc còn to bằng cái đình – em trai quay lại học rồi thi đỗ đại học và nay đã thay đổi rất nhiều, có thể nói là 180 độ. Cậu ta cũng theo Phật, ăn chay, tu thiền…

Điều quan trọng là mình luôn luôn muốn bù đắp cho em những thiệt thòi trong quá khứ, vì với mình cậu ta đã là một phần của cuộc sống, không thể thiếu. Quan trọng hơn, là các con của mình được hưởng cái phúc của chú chúng nó, chính từ câu chuyện của cậu em trai, mình biết sẽ không nên có thêm một kiểu sống như vậy nữa. Những câu chuyện mình viết lại, chính là những suy nghĩ thật nhất và cũng là những chuyện mình tự dạy mình.
Người theo học Phật thường phải phát nguyện một điều gì đó, như phát nguyện ăn chay trường… mình thì không, vì còn một bữa ăn mặn với vợ và con vào buổi tối. Đã phát nguyện là phải thực hiện được, không thì cũng tai hại lắm. Theo Phật cả chục năm, thế mà chưa bao giờ phát nguyện làm gì cả, cũng lạ. Suốt mấy năm ghi chép những chuyện trò với con, mình vẫn nóng nảy, vẫn quát tháo con, dù không nhiều nhưng vẫn còn.

Mới cách đây 2, 3 tháng gì đó thôi, một câu chuyện làm mình khó ngủ, mình đã viết lại trong truyện Con gái lấy nước mắt làm đầu. Chợt nhận thấy nếu cứ tiếp tục mắng con như hiện nay, bây giờ thì chúng nó sợ đấy, nhưng đến lúc nào đó chúng nó sẽ không còn sợ nữa mà chỉ là sự chống đối. Cái mốc mười mấy tuổi của con trai lớn, chỉ còn 2, 3 năm nữa thôi – mình đã trải nghiệm quá rõ ràng rồi, và không bài học nào đắt giá hơn. Cần phải tiếp tục thay đổi chính bản thân mình để chuẩn bị cho cái mốc quan trọng đó. Mình muốn làm bạn thân của con, để nó có thể chia sẻ tất cả những vấn đề của nó. Nhớ hồi mới post bài lên Webtretho, có bạn chia sẻ: “Con nhà em nó chẳng hỏi gì bao giờ cả…” thực ra những bạn nhỏ như thế ít lắm. Hỏi hay không chính là do chúng ta – nếu như chúng ta thường xuyên trả lời “Không biết, hỏi gì lắm thế!” thì chúng nó sẽ không hỏi nữa.

Có thể nói đó là một sự thay đổi mang tính cách mạng – mình phát nguyện sẽ không bao giờ mắng con nữa, mà chỉ nhắc nhở, vẫn nghiêm khắc, nhưng không mắng. Sẽ khó khăn hơn, phải chú ý đến con nhiều hơn, thường xuyên hơn. Từ đó đến nay đã hơn hai tháng rồi, không mắng con một câu nào. Mình sẽ làm được.
Mình chưa bao giờ (và chắc không bao giờ) nghĩ rằng có ngày, mình có một cuốn sách được in, và càng không dám nghĩ rằng nó sẽ có ích cho ai đó.

Mình sẽ không nói về tai họa nếu như trong nhà có một đứa con hư hỏng thôi, sự đau khổ của cha mẹ sẽ lớn nhường nào. Mình nghĩ nhiều về cuộc sống, về những nhọc nhằn của cơm áo, gạo tiền… những trải nghiệm cuộc sống, thậm chí cả cái bờ vực tai họa mình đã từng gần kề chỉ vì quá ham kiếm tiền. Thế đấy các bạn, mình đã có thâm niên đi họp phụ huynh hai chục năm nay và xin đừng nghi ngờ rằng tại sao mình chưa già, mà lại nhiều chuyện để viết lại đến vậy… Cuốn sách này, mặc dù là tình cảm dành cho gia đình riêng, nhưng cũng là những chia sẻ rất chân thực và thành tâm của mình với ông bố, bà mẹ trẻ. Con chúng ta có thể không phải là thiên tài nhưng chúng hoàn toàn có thể là những người tốt, biết sống có ích cho xã hội. Khi con còn trong vòng tay chúng ta, chúng ta còn nguyên cơ hội để làm được điều đó.

ĐỌC THỬ

Chiều đẹp trời

Kết thúc kỳ thi giữa học kỳ, anh cu con được thưởng như ba mẹ đã hứa. Đó là một bộ Lego Chima đang chờ đợi ở tận Lương Văn Can. Hai anh em háo hức từ hôm qua, em được đón sớm và chỉ cần túm được anh là cả ba ba con lên đường đón “bạn ý” về.

Chiều hôm nay xầm xì muốn mưa, nằng nặng, ẩm ẩm và khá nóng. Ba ba con trên một chiếc xe “Dream” lò dò đi, mua xong là về ngay vì ở nhà còn bao nhiêu là việc. Đường về vẫn đông – ngã tư Trần Phú – Điện Biên Phủ sao mà đông thế, phải qua hai đèn xanh mới đi được. Ba ba con đỗ lại bên trái một chú người Âu hay Mỹ gì đó, đi cái xe tay ga đã trở thành bé xíu so với khổ người cao lớn. Chú này chỉ khoảng hai mấy tuổi, tay trái đang cầm điếu thuốc, thoáng thấy “anh già” chở hai bé con, ngay lập tức chuyển ngay điếu thuốc sang tay kia, và mỗi lần phì ra khói, anh chàng cúi xuống phía bên phải, nhẹ nhẹ thở ra từ từ…

Mình thực sự lấy làm cảm kích trước ý thức của anh chàng, mặc dù bộ dạng quần áo không sạch sẽ lắm, cái quần soóc bò rách, áo nỉ cũ, đôi dép xỏ ngón và cái ba lô nhàu nát bẩn bẩn… Mình khều khều và nói (bằng tiếng Anh, dịch nôm sang tiếng Việt thế này):

– Anh muốn cảm ơn chú.

– Vì cái gì?

– Vì anh thấy chú chuyển điếu thuốc sang tay phải và quay mặt đi.

– À vầng, là em sợ khói thuốc ảnh hưởng lũ trẻ.

– Đúng thế, anh nhận thấy điều đó và rất cảm kích, một lần nữa cảm ơn chú!

– Dạ không có gì đâu anh, bái bai!

– Bái bai chú!

Chú thanh niên thì đi thẳng và mình thì rẽ phải về phía Lăng Bác. Lập tức phải nói chuyện với hai bạn nhỏ về câu chuyện vừa qua… “Đó các con thấy không, chú rất có ý, và mình thấy vậy, cũng phải cảm ơn. Người khác làm việc tốt cho mình, phải cảm ơn và làm ngay, không bỏ lỡ cơ hội…”

Người anh em ạ, cảm ơn cậu đã cho tớ một cơ hội tặng cho các con một bài học về sự lịch sự và biết ơn người khác, dù là việc nhỏ nhất. Hơn thế nữa, còn là bài học về sự quan tâm đến người khác, biết làm thế nào để không làm phiền đến những người xung quanh.

Người anh em ạ, đất nước của chúng tớ đang ở một giai đoạn rất khó khăn, đang phải xuất khẩu ra nước ngoài nhiều cô gái chỉ để bán thân, xuất khẩu cả những người đi chôm đồ gửi về bán cho những người mê hàng “xách tay” giá rẻ. Chúng tớ chỉ là những người dân hết sức bình thường, có lẽ chúng tớ bất lực trước những điều đáng xấu hổ đó, và cũng chẳng biết tại ai mà nên nông nên nỗi…

… nhưng tớ vẫn muốn bằng một vài việc làm bé xíu thôi, chứng minh cho thế giới thấy, người Việt Nam chúng tớ vẫn lịch sự, văn minh, biết ơn những điều tử tế người khác đem lại cho mình. Hãy giúp tớ đem điều đó đến với thế giới, thế nhé!

Trời vẫn xầm xì, nhưng thực sự đây là một buổi chiều đẹp, rất đẹp.

Cái can nhựa

Bôn Ba Nhi Bá sinh hoạt nhóm Kỹ năng sống cùng với bạn Pi, mà Pi, là con nhà chú Tùng – bạn của ba. Hôm qua Chủ nhật, cả hai bạn cùng có một chương trình đi dã ngoại, cắm trại “điền dã” tận trên đồi thông Sóc Sơn.

Hai bố con chú Tùng và bạn Pi có một cái can nhựa trắng, trước đây nó vốn dùng để đựng sữa dê tươi Ba Vì, nay mang theo đựng nước uống. Trời nắng nóng, ngoài nước mang đi chung cho cả đoàn, ai cũng lo xa mang theo một vài bình nước, cái can nhựa của nhà Pi thật là hữu dụng, gọn gàng, hai lít nước vừa vặn cho hai bố con, thiếu thì uống nước chung, còn thiếu nữa mới phải mua ngoài hàng, vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo vệ sinh.

Ba của Nhi Bá nhìn nhìn cái can, thấy nhãn mác “Sữa dê tươi Ba Vì” liền hỏi chú Tùng:

– Nhà sao có cái can nhựa đẹp thế?

– Là nhà tôi thường mua sữa này về cho trẻ con uống, một tuần mua hai can là bốn lít. Bây giờ nhà có đến mười mấy cái.

– Ờ thế thì hôm sau mang đi cho tôi xin vài cái đựng một số thứ cần thiết (định tráng phim đen trắng, xin can về đựng hóa chất)

– Ừ, tuần sau mang đi cho vài cái – chú Tùng đồng ý ngay.

Đến chiều, hết buổi dã ngoại, tất cả dọn dẹp gói ghém đồ đạc để mang ra xe, chú Tùng bảo Pi “có uống nốt nước không, bố còn cất can” – thì ba của Nhi Bá nói ngay:

– Mang về làm gì, đưa đây luôn cho tôi cái đó, tuần sau mang đi cho xin thêm một hai cái!

Chú Tùng đồng ý luôn, và ba của Nhi Bá thì đang bận với mớ cọc lều, nhờ Nhi Bá cầm hộ ba chiếc can. Chú Tùng thì hỏi Pi:

– Ở nhà Pi có bao nhiêu cái can như thế này?

– Pi có 5 cái can

– Như thế thì Pi sẽ cho Nhi Bá mấy cái?

– Con cho bạn 3 cái!

– Vậy kết quả như thế nào?

– Con còn 2 cái, Nhi Bá có 3 cái!

– Làm toán đúng rồi! – Tất cả cùng cười vui vẻ.

Trên đường đi vòng quanh đồi thông để ra xe, Nhi Bá đi cùng bạn Thái, hai bạn nói chuyện gì vui lắm. Đến chỗ ô tô đỗ thì thấy Thái đã cầm cái can, còn Nhi Bá thì tay không.

– Con cho bạn Thái cái can rồi ba ạ!

– Cái can đó của ba nhờ con cầm cơ mà, sao con chưa hỏi ba lại cho bạn?

Mình cố tình để kệ cậu ta đó, lại phía xe để xếp đồ. Hai ba con đi hai xe khác nhau, các phụ huynh ngồi riêng, các bạn nhỏ ngồi riêng. Về đến địa điểm tập trung, đã lại thấy Nhi Bá cầm cái can nhựa ở tay rồi, tất cả giải tán vì trời đã tối. Mình định bụng, để sáng hôm sau hai ba con ăn sáng, chuẩn bị đi học, sẽ nói chuyện.

– Hôm qua con nói với bạn Thái như thế nào mà bạn lại đưa lại cái can cho con?

– Con nói là cái can đó là của ba tớ chứ không phải của tớ, cậu cho tớ xin lại, nên bạn lại trả lại cho con.

– Con có biết con phải xin lỗi những ai không?

– Có ba ạ, con phải xin lỗi ba.

– Đúng rồi, đồ đạc không phải của mình, mình không được phép tự tiện quyết định số phận của nó, như đem cho ai đó. Với ba cái can là chuyện rất nhỏ và ba còn có thể xin được vài cái nữa, nên ba chỉ nhắc con mà con thì không cần phải xin lỗi ba đâu, ba con mình nói chuyện là được rồi. Còn ai con phải xin lỗi nữa không?

Cậu nghĩ ngợi một tẹo, rồi trả lời:

– Bạn Thái ạ!

– Đúng con ạ, bạn thích bạn mới xin con, con cho mà sau đó con đòi lại thì bạn sẽ buồn, thất vọng. Con cần phải xin lỗi bạn.

– Vâng ạ – Cậu chàng đồng ý.

– Tuần sau, con đi sinh hoạt thường kỳ, gặp bạn con sẽ xin lỗi bạn và con mang theo cái can này, nếu bạn vẫn còn thích, con cho bạn. Ba sẽ xin chú Tùng cái khác, không sao cả. Con rất ngoan và tốt bụng, thấy bạn vui khi xin được cái can con cũng vui và ba cũng thấy vui vì con tốt bụng như thế. Có điều, mình phải học cách cư xử con ạ. Trong cuộc sống sau này, sẽ có nhiều tình huống tương tự như vậy xảy ra mà con phải chú ý.

Lúc sau chở anh chàng ra điểm xe ô tô trường đón, cậu ngồi sau xe máy chợt nghĩ ra:

– Nhưng ba ơi, lúc đó là con cứ tưởng Pi cho con cái can, vì Pi còn bảo cho con thêm đến 3 cái nữa!

Lúc này mình mới nhớ ra chuyện đó – đúng thế thật.

– Ừ đúng rồi nhỉ, như thế là con chỉ hiểu nhầm thôi, con nghĩ cái can đó Pi cho con là đúng, mặc dù thực tế là do ba xin chú Tùng, vì can là của chú Tùng mà! Như vậy con không có lỗi, chỉ hiểu nhầm thôi nên lần này con không phải xin lỗi ba nhưng con vẫn cần phải xin lỗi bạn Thái. Lúc con lớn rồi con sẽ thấy hiểu nhầm, rồi vô ý gây thành chuyện phiền phức thì vẫn phải xin lỗi dù mình không cố ý đâu con nhé!

– Vâng ạ.

Thế đấy – đúng là nó hiểu nhầm thật và tình huống rất nhanh đòi hỏi cha mẹ phải cư xử công minh. Việc có được “tốc độ xử lý”, thực ra không khó nếu chúng ta mỗi ngày, trong quan hệ với con cái, chú ý một chút, thì có thể nhanh chóng tìm được cách hành động đúng đắn. Quan trọng là con cái cũng có quyền đúng, có quyền được công nhận sự hiểu lầm, vô tình phạm lỗi… một cách công bằng.

Một bài học nữa cho con trai, những khái niệm đầu tiên về sở hữu – trong gia đình thì của cha mẹ, cũng là của con cái, nhất là ở Việt Nam thường có khái niệm như thế, còn đồ chơi thì anh em chơi chung. Mình hồi bé ở với mẹ và ông bà, cũng quen “nhà có tivi” – nhưng đến khi mẹ ở riêng thì tivi vẫn là của ông bà và lần đầu tiên tiếp xúc với khái niệm “nhà mình không có tivi” và muốn xem, phải sang xem nhờ nhà ông bà…

Với trẻ con thì khái niệm sở hữu được làm quen dần dần, “Nhi Bá có cái gì đó” cũng như “Nhi Bá không có cái gì đó” đều quan trọng như nhau. Con trai ạ, rồi con sẽ còn phải hiểu cái gì không có thì sẽ làm như thế nào để có được, lại còn phải hiểu, mong muốn ít thôi, biết thế nào là đủ với mình; mong muốn mà không đạt được là khổ lắm đấy con à…


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button