Kỹ năng mềm

Dẫn Đầu Hay Là Chết

dan-dau-hay-la-chet-ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Grant Cardone

Download sách Dẫn Đầu Hay Là Chết ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sách kỹ năng

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

GIỚI THIỆU

Tầm quan trọng của vị trí đầu tiên

Mặc dù khái niệm đầu tiên hay cuối cùng nghe có vẻ không công bằng và khó chấp nhận đối với một số người, nhưng trong thực tế, cho dù bạn kinh doanh cái gì hay sự nghiệp của bạn như thế nào, vị trí tiên phong bao giờ cũng mang tính quyết định. Đó là vị trí giúp bạn vượt qua mọi cơn bão, được chú ý vượt trội và trở thành mục tiêu của sự cạnh tranh chứ không phải chạy theo cạnh tranh với những đối thủ khác. Nhưng, hãy thử đối diện với sự thật: nếu bạn chưa từng nhượng bộ, thì giờ bạn đã ở vị trí đầu tiên, thay vì bất kỳ một vị trí nào khác, đúng không? Lựa chọn giữa vị trí đầu tiên và một vị trí bất kỳ nào khác, chúng ta đều biết vị trí nào được ưa thích hơn rồi.

Trong các hệ thống hoặc các nền văn hóa, mọi người được tặng thưởng chỉ đơn giản vì họ tham gia vào đó, mà không tính đến nỗ lực của họ, khả năng của họ hay thậm chí là hiệu quả làm việc của họ. Trong kinh doanh không giống như vậy, vị trí duy nhất có ý nghĩa quyết định và cũng là vị trí được tưởng thưởng cao nhất, tất nhiên – chính là vị trí đầu tiên. Nếu bạn không đứng ở vị trí thống lĩnh thị trường, có nghĩa là bạn đang đứng trước mọi sự rủi ro nguy hiểm. Khi nền kinh tế bắt đầu có sự cạnh tranh, thì công ty nắm vị trí tiên phong vẫn tiếp tục thu hút được khách hàng, bành trướng quy mô và tần suất xuất hiện của mình, trong khi những đối thủ yếu hơn thì nhận được miếng bánh càng ngày càng bé hơn, nhờ vào tính chất thuận lợi của thị trường. Tuy nhiên, khi giai đoạn thuận lợi này qua đi, công ty thống lĩnh thị trường sẽ được lợi bởi vị trí tiên phong của mình và hớt lấy thị phần từ tay tất cả các đối thủ khác, trong khi những công ty đang ở các vị trí khác phải lãnh đủ.

Từ điển Merriam-Webster định nghĩa vị trí đầu tiên là “vượt qua tất cả những người khác về cả thời gian, thứ tự, lẫn tầm quan trọng”. Là người đầu tiên trong thị trường không quan trọng bằng việc đứng số một trong thị trường đó. Bạn không nhất thiết phải là công ty đầu tiên giới thiệu một sản phẩm là lựa chọn tuyệt nhất trong tâm trí người mua. Thứ tự và vai trò có tầm quan trọng sống còn hơn nhiều so với thời điểm ra đời. Có sự khác biệt lớn giữa việc đứng ở vị trí thứ nhất và thứ ba trong các kết quả tìm kiếm của Google, ví dụ như công ty hàng đầu Intel và những công ty hạng hai như Advanced Micro. Tính đến tháng 12 năm 2009, tổng doanh thu của Intel đạt 32,7 tỉ đô la và có trong tay khoảng 13 tỉ đô la tiền mặt, trong khi đó Advanced Micro có 4,92 tỉ đô la doanh thu và 2,5 tỉ đô la tiền mặt. Hãy thử nhìn lại cuộc chạy đua vũ trang vào Nhà Trắng (năm 2008) giữa Barack Obama và John McCain, chỉ cần một chút điểm khác biệt cũng đủ để đưa một cái tên đi vào lịch sử. Có thể nói, Tổng thống Obama không phải người đầu tiên trong thị trường, thậm chí thực tế ông ấy còn sinh sau đối thủ của mình đến 25 năm và có kinh nghiệm ít hơn rất nhiều. Tuy vậy, ông ấy đã chiến thắng, đã giành được không chỉ là vị trí số một, mà còn là vị trí quyền lực nhất thế giới.

Vì vậy, hãy ngừng thỏa hiệp và bắt đầu tính toán sao cho “hợp lý”. Hãy cố gắng – qua từng khoảnh khắc mỗi ngày – giành lấy vị trí số một trong ngành nghề của bạn. Bạn phải đứng đầu khi nền kinh tế hưng thịnh và hốt lấy thị phần khi nó thoái trào.

Nền kinh tế đang chuyển mình

Các doanh nhân, nhân viên bán hàng, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và các CEO đều sợ kinh tế suy thoái và điều này cũng rất dễ hiểu. Họ cho rằng khi nền kinh tế bước vào giai đoạn thu hẹp, khách hàng sẽ bắt đầu cắt giảm các dự án, giảm chi tiêu và tệ hơn là hy sinh chất lượng để tìm kiếm những người bán hàng/nhà cung cấp giá thấp nhất. Sẽ càng ngày càng khó huy động vốn đầu tư, khó chốt giao dịch và đưa ra những dự đoán chính xác có ảnh hưởng đến việc hoạch định ở tất cả các cấp. Mọi người trở nên quá tải với những nghi ngờ, những điều không chắc chắn, những thứ có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng đưa ra quyết định của họ. Những thăng trầm của nền kinh tế có thể đôi khi cũng là sự đòi hỏi những sự chuyển đổi quan trọng trong các kỹ năng của chúng ta, đặc biệt là khi theo sau những giai đoạn phát triển. Sự đòi hỏi này phổ biến đối với đội ngũ quản lý, lực lượng bán hàng và những nhân viên chưa được trang bị một cách thích hợp cho sự chuyển đổi trong nền kinh tế đang chuyển mình.

Có thể dễ quan sát thấy rằng động lực và những kỹ năng của con người đã bị thui chột dần qua những giai đoạn kinh tế tăng trưởng kéo dài. Cũng giống như một đấu sĩ chuyên nghiệp, sau hàng loạt những cuộc so găng dễ dàng thì anh ta bắt đầu đánh mất sự nhạy bén, sức mạnh và thậm chí là cả những khả năng phán đoán cơ bản nhất. Khi nền kinh tế tươi đẹp và thuận lợi, người ta có khuynh hướng phụ thuộc vào những cơ hội, những khoản vay dễ dàng, việc kiếm tiền dễ dàng và phát triển một quan điểm không hiện thực về tất cả mọi mặt. Khi nền kinh tế thay đổi và bắt đầu thắt chặt, cơn gió rủi ro sẽ không thổi từ sau lưng bạn nữa mà nó sẽ thổi thẳng vào mặt bạn. Khi thời thế khó khăn hơn, từng điểm yếu trong cơ cấu sẽ gây thiệt hại gấp nhiều lần so với trước. Từng lỗi nhỏ sẽ gây ra nhiều tốn kém hơn, mỗi giao dịch sẽ trở nên có tính sống còn và thất bại có khả năng trở thành hiện thực đối với cả cá nhân lẫn doanh nghiệp không có khả năng chuyển đổi theo kịp bước chuyển mình của nền kinh tế mới.

Thời điểm tôi bắt đầu viết cuốn sách này là lúc thế giới đang bước vào một trong những đợt khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong lịch sử, kể từ sau cuộc Đại khủng hoảng năm 1929. Trong suốt những giai đoạn nền kinh tế thực hiện những bước chuyển mình, mọi người đều ngay lập tức cảm thấy sợ hãi, bối rối, choáng ngợp, giận dữ, tuyệt vọng vì không biết phải làm gì. Người ta không chắc liệu họ nên làm gì vào lúc này. Trong những khoảng thời gian như vậy, người ta đột nhiên nhận ra rằng doanh nghiệp của họ, thu nhập của họ và tương lai của họ, tất cả đều đang nguy khốn. Có vẻ như, thế giới đang gầm lên để đánh thức mỗi người chúng ta rằng, các bạn vẫn rất dễ bị tổn thương và có thể biến mất bất cứ lúc nào!

Bản chất của vấn đề đó là nếu bạn không phải là người đi đầu trong lĩnh vực của bạn, thì bạn sẽ bị đặt trong tình huống bấp bênh và nguy hiểm vô cùng. Nếu bạn không phải người đầu tiên, thì cho dù bạn có đang đứng ở đâu trên đường đua, bạn cũng sẽ là người lãnh đủ. Những lúc thế này sẽ cho chúng ta thấy sự nguy hiểm tới mức nào khi bị buộc chặt hay quá phụ thuộc vào nền kinh tế. Thay vào đó, bạn muốn rằng mình có thể đứng ở một vị trí quyền lực trong thị trường của mình để có thể tận dụng được tình trạng hiện tại của nền kinh tế.

Cuốn sách này viết về cách làm thế nào để bạn có thể nâng sứ mệnh và mục tiêu của mình lên một tầm cao mới, không phải trong tư thế cố gắng kiểm soát, mà là đứng ở vị trí thống lĩnh cuộc chơi và cả thị trường. Dù cho sản phẩm của bạn là gì, dịch vụ bạn cung cấp là gì, hay bạn có ý tưởng gì – mặc cho nền kinh tế có thay đổi thế nào đi chăng nữa – bạn vẫn luôn là người dẫn đầu và luôn cố gắng để duy trì vị trí đó. Trong công ty hay trong sự nghiệp của mình, bạn phải cố gắng chiếm lĩnh lấy vị trí mà bạn sẽ không dễ dàng bị tác động khi nền kinh tế đình trệ và hãy bắt đầu tư duy theo hướng tạo ra một hệ thống tài chính riêng cho mình. Tôi không muốn bạn sống theo kiểu qua ngày hoặc là luôn phải lo lắng về tình hình tài chính của mình. Tôi mặc kệ nền kinh tế đấy! Tôi chọn con đường tự cải thiện chính mình, chinh phục và gặt hái thành công và làm mọi điều có thể để đạt đến vị trí đứng đầu. Cuốn sách của tôi sẽ cho bạn thấy chính xác làm thế nào để thành công và sở hữu vị trí dẫn đầu quyền lực đó. Bạn sẽ tìm thấy những hành động cụ thể, tuân theo những bước nhất định để nâng tầm chính mình, nâng tầm công ty của mình, phát triển ý tưởng của mình và luôn là người dẫn đầu.

Khi thời kỳ dễ chịu chuyển thành giai đoạn khó khăn

Khi nền kinh tế thay đổi, chuyển từ tươi sáng lạc quan (giai đoạn mở rộng) sang khó khăn và tiêu cực (giai đoạn thu hẹp), con người có những phản ứng khác nhau. Ở một mặt nào đó, những phản ứng này khá giống với những gì chúng ta đã trải qua khi chịu đựng cảm giác mất đi một người mình yêu thương. Chúng ta bắt đầu cảm thấy như thể bị từ chối, rồi giận dữ, oán hận; và (với vài trường hợp) trở nên lãnh đạm, rồi cuối cùng là tự xốc lại chính mình. Nhưng đối với những người thành công trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế thì những thử thách này lại là những khoảnh khắc đầy cảm hứng, khơi dậy trong họ những giải pháp mới mẻ và sức sáng tạo mạnh mẽ.

Tôi có thể đoán chắc với bạn rằng tình hình kinh tế này không phải là vô vọng và bạn không nên từ bỏ. Vẫn có những bước đi và những hành động chính xác giúp bạn đảm bảo được phần thắng về mình. Đây là một cơ hội lớn cho những người đã sẵn sàng để nâng những kế hoạch, thái độ và trách nhiệm của mình lên một tầm cao mới. Sứ mệnh của tôi, trong 25 năm qua, chính là giúp các bạn – những người luôn khao khát tiến bộ và thành công – có thể thực hiện được điều đó. Điều thú vị nhất trong công việc của tôi là được làm việc với những con người xuất sắc nổi trội, họ luôn cố gắng để vươn lên vị trí đầu tiên và chiếm lĩnh thị trường.

Trong cuốn sách này, tôi có nhắc đến những bài học mà tôi đã góp nhặt được từ những con người như vậy, thông qua những trải nghiệm gian nan và khó khăn của bản thân, để chứng minh cho bạn thấy chính xác những điều bạn phải làm để tạo ra thành công, bất chấp điều gì đang diễn ra trong nền kinh tế. Nó sẽ dẫn đường cho bạn, chỉ cho bạn làm thế nào để mở rộng, làm thế nào để vượt qua và thậm chí là cách tận dụng những thử thách ấy để đạt được lý tưởng của mình. Bạn sẽ tìm thấy những hành động đơn giản, khả thi và chi tiết vô cùng, giúp bạn và doanh nghiệp của bạn chiến đấu và bạn cũng sẽ học được một cách cụ thể rằng làm thế nào để chiếm thị phần từ tay đối thủ. Bạn sẽ nhìn ra chính xác rằng bạn phải làm gì mỗi ngày để thống lĩnh thị trường và tạo ra thành công – thành công lớn đến nỗi mà không một sự đình trệ nào trong nền kinh tế có thể tác động tiêu cực đến bạn. Bạn sống, làm việc và tạo ra thành công hoặc thất bại trong khuôn khổ nền kinh tế, nhưng bạn sẽ không còn phải phụ thuộc vào tình trạng của nền kinh tế nữa. Bạn có thể tận dụng những lợi thế của một nền kinh tế đang suy yếu, chớp lấy thị phần từ những đối thủ ít lợi nhuận hơn và tận dụng những sự kiện kinh tế thắt chặt để tạo ra vị thế tài chính bạn muốn cho mình, cho công ty mình, hoặc cho gia đình – và trở nên độc lập với nền kinh tế địa phương, quốc gia, hay thậm chí là nền kinh tế thế giới. Trên thực tế thì có nhiều lợi thế rất lớn trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế; một khi bạn biết cách tận dụng những cơ hội này, bạn sẽ có thể tiến lên, trong khi những đối thủ của bạn chao đảo, khuất phục và dần biến mất. Nếu bạn cho rằng nền kinh tế sẽ chỉ thỉnh thoảng trở nên khó khăn thôi, nhưng bạn vẫn muốn tìm hiểu và thực hiện bất cứ điều gì cần thiết để thúc đẩy tiến trình kinh doanh của mình, thì chắc hẳn là bạn sẽ tiến bộ thần tốc khi áp dụng vào thực tế những điều đã được học trong cuốn sách này. Và bạn cũng sẽ không bao giờ đơn độc; vô số người ngoài kia cũng đang tìm kiếm cho mình một câu trả lời trong thời buổi kinh tế đầy biến động như ngày nay. Tuy nhiên, tồn tại sự khác biệt lớn giữa những người luôn tìm kiếm câu trả lời với những người luôn sẵn lòng học hỏi và thực hiện chính xác những bước đã học để có thể đảm bảo thành công. Phần lớn bạn bè và gia đình của bạn đã không còn tin rằng còn thứ gì đó cần thiết mà họ có thể làm được, nhưng bạn thì không. Chúc mừng bạn vì điều đó, vì bạn vẫn đang tìm kiếm câu trả lời.

Cảnh báo về những cuốn sách

Thật không may là, hiện nay có không ít người mua rất nhiều sách nhưng chẳng bao giờ đọc hết. Tôi nghĩ nguyên nhân có thể là một trong ba lý do sau: (1) bởi đầu tư tài chính cho một cuốn sách rất nhỏ, nên chúng ta dễ dàng mua được cả tá sách về nhà, nhưng lại chẳng bao giờ đọc hết cả; (2) chúng ta không phải ký một cam kết là phải đọc xong sách vào một ngày cụ thể nào cả; và (3) nhiều cuốn sách có chứa những từ khó hiểu.

Tôi muốn các bạn hãy cố gắng đọc xong cuốn sách này. Tôi đảm bảo rằng nếu bạn đọc hết nó, bạn có thể tạo lập ra một nền kinh tế và thành công mà bạn muốn cho chính mình, cho công ty và cho gia đình của mình – và đứng ở vị trí số một trong lĩnh vực mình đang hoạt động.

Vì thế, chúng ta hãy cùng mổ xẻ một chút những lý do được đề cập trên đây. Thứ nhất, con người thường tiếp cận một cuốn sách theo cách xứng đáng với cái giá mà họ trả để mua nó về, thay vì coi những thông tin chứa đựng trong đó có thể đáng giá cả triệu đô la. Cuốn sách này có thể sẽ đáng giá cả triệu đô đối với bạn, vậy nên hãy cố gắng đọc nó với cách nhìn đó và tiếp cận mỗi phần trong đó như thể nó sẽ tạo ra cả triệu đô cho bạn (vì nó hoàn toàn có thể làm được như thế).

Lý do thứ hai mà mọi người thường không thể đọc hết một cuốn sách là vì họ không bao giờ tự đặt cho mình một cái đích nào đó để hoàn thành. Đối với tôi thì điều đó thật dở hơi; bạn sẽ không bao giờ làm được gì nếu không lên kế hoạch cẩn thận, đúng không? Một người trung bình đọc khoảng 200 từ mỗi phút, nên nếu không bị làm phiền, người đó có thể đọc xong cuốn sách này trong thời gian chưa tới 5 tiếng đồng hồ. Trước khi bắt đầu một điều gì đó, dù cho là đọc một quyển sách hay xây thêm một phần nào đó cho ngôi nhà, tôi đều luôn cố gắng đưa ra một cái đích để hoàn thành. Vì thế, hãy ngừng đọc lại ngay và tự đưa ra một cam kết về hạn chót bạn phải đọc xong cuốn sách này. Chỉ cần viết ngày hôm nay và ngày mà bạn dự định đọc xong nội dung chính của cuốn sách thôi.

Lý do cuối cùng khiến bạn không thể đọc xong một cuốn sách đó là vì nó đề cập tới những từ mà bạn không hiểu và bạn chọn cách ngừng lại. Đối với lý do này, tôi đã chú giải những thuật ngữ mở rộng trong bảng thống kê cuối sách. Bảng thuật ngữ không bao gồm tất cả những cách sử dụng thuật ngữ đó trên thế giới: nó chỉ được sử dụng trong ngữ cảnh tôi đề cập đến trong cuốn sách này. Hãy dành thời gian tra cứu ý nghĩa của mỗi từ, kể cả từ mà bạn chỉ cảm thấy có một chút xíu nghi ngờ thôi. Ghi nhớ: thành công của bạn trong một lĩnh vực sẽ phụ thuộc vào mức độ bạn am hiểu những thuật ngữ được sử dụng trong lĩnh vực đó!

Vậy nên, hãy đối xử với cuốn sách này như thể nó đáng giá cả triệu đô la đối với bạn; đặt ra ngày hoàn thành đọc cuốn sách và đừng bỏ qua bất cứ từ nào bạn không hiểu. Mỗi lần bạn đọc xong một bước hành động nào đó, hãy chắc chắn rằng bạn đã hiểu hết và hiểu chính xác điều tôi đang giải thích trong bước đó. Rất nhiều bước hành động có vẻ như khá rõ ràng, nên lý do duy nhất mà bạn không nắm được đó chính là vì bạn không hiểu. Đừng thờ ơ hay bỏ qua bất cứ bước hành động nào, tôi đảm bảo rằng bạn sẽ chiếm lĩnh được thị trường của mình và cuốn sách này sẽ trở thành nguồn tham khảo không phải chỉ cho mỗi bạn mà còn cho tất cả mọi người trong tổ chức của bạn.

Thông tin chứa đựng trong quyển sách này sẽ giúp bạn vượt qua một khủng hoảng bất kỳ nào đó, cho dù nó có tồi tệ và kinh hoàng, hay kéo dài thế nào đi chăng nữa. Tôi biết điều đó, bởi tôi đã sử dụng chính xác những kỹ thuật này để tự mình vượt qua ba đợt khủng hoảng kinh tế – và sau đó tôi trở nên mạnh mẽ, thiện chiến và tạo ra nhiều lợi nhuận hơn bao giờ hết. Ngay trong hiện tại, tôi tiếp tục sử dụng chúng để nâng cao vị thế của mình trong thị trường, thâu tóm thị phần từ tay đối thủ và thực sự chiếm được phần trong những thị trường mà tôi chưa từng đặt chân tới trước đây.

Sụp đổ hay đau khổ đều là lúc để bùng nổ

Rất nhiều nhà kinh tế, học giả và cả những chương trình truyền thông đều suốt ngày dự đoán về sự sụp đổ, sự tan tành hay viễn cảnh ngày tận thế. Họ tập trung hoàn toàn vào vấn đề này, rồi quy trách nhiệm cho một người nào đó, mà không thể đưa ra bất cứ một gợi ý nào về giải pháp cho sự sống còn và phát triển. Có thể bạn đã từng trải qua một đợt kinh tế đình trệ nào đó, vì việc kinh doanh gần đây liên tục bị thu hẹp ở khắp nơi trên thế giới. Tôi nghĩ có lẽ bạn cũng đã nhận ra được hiệu ứng của việc này và tôi nghĩ bạn không hề thích nó chút nào. Sự thực là tôi hy vọng bạn không thích nó và tôi cũng khuyến khích bạn căm ghét nó, mạnh mẽ đến mức có thể sẵn lòng đứng lên chống lại nó. Mặc dù chúng ta vẫn đang ở trong tình trạng chấp nhận được khi mà rất nhiều người bị ảnh hưởng – với hàng triệu người thất nghiệp, công ty phá sản và thậm chí cả một ngành nào đó biến mất; thì bạn vẫn phải coi đây là thời điểm để học hỏi và sử dụng những chiến lược cụ thể để lội ngược dòng. Những công ty mới, sản phẩm mới và thậm chí những ngành kinh doanh mới sẽ ra đời giữa những thách thức của nền kinh tế như vậy. Tôi muốn khi thức dậy mỗi sáng sớm, bạn phải khao khát trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực của mình, để không phải trở thành nạn nhân của những điều đang diễn ra trong thực tế, mà trở thành người tạo ra một hiện thực mới từ những cơ hội và những tàn dư của thời kỳ trước. Bằng cách thực hiện những bước đi chính xác, đúng đắn, bạn hoàn toàn có thể chiến đấu với bất kỳ đợt khủng hoảng kinh tế nào và gặt hái thành công mà bạn khao khát. Bạn có thể tiếp tục mở rộng và tiếp tục cố gắng, nâng mục tiêu và mơ ước của mình lên cao hơn nữa và tạo ra một nền kinh tế mới của riêng bạn, theo đúng nghĩa đen của nó. Thực ra, không cần đến cả một cuộc khủng hoảng hay thắt chặt kinh tế mới làm nảy sinh vấn đề về kinh doanh hay tài chính trong doanh nghiệp. Tôi nghĩ chắc là bạn biết cũng kha khá người, dẫu cho có đang ở trong thời kỳ kinh tế mở rộng đi chăng nữa, cũng làm không tốt. Sự thắt chặt về kinh tế mở đường cho hàng loạt những vấn đề khác nhau cho mọi người và những vấn đề này cũng yêu cầu mức độ suy nghĩ, chấp nhận khác nhau và chúng tương ứng với những bước hành động khác nhau. Những khó khăn về tài chính xuất hiện là do bạn không thể bán được sản phẩm và dịch vụ của mình, với số lượng lớn và giá cao đủ để doanh nghiệp có thể đứng vững và có lợi nhuận.

Có rất nhiều lý do cho việc bạn không thể đưa sản phẩm và dịch vụ của mình vào thị trường – và lý do bào chữa còn có nhiều hơn. Sự thật là doanh nghiệp nào cũng trải qua những thăng trầm trong quá trình phát triển và nền kinh tế nào cũng có chu kỳ hoạt động của nó. Trên con đường tạo ra thành công và sự đảm bảo cho thành công đó, bạn phải đưa ra những điều chỉnh để thích ứng được với những yếu tố thay đổi không ngừng của thị trường. Một doanh nghiệp không thể luôn hoạt động tốt mà không phải nếm trải những khó khăn trong các giai đoạn biến động kinh tế. Một vài sự thoái trào này có thể tệ hơn một số thoái trào khác: nó có thể kéo dài, có thể ngắn, có thể gây ra thiệt hại kinh khủng, nhưng cũng có thể chỉ là một cơn gió thoáng qua. Nhưng nói chung là bạn có hai tin tốt: (1) có những bước hành động chính xác và cụ thể mà bạn có thể sử dụng để chống chọi lại bất cứ một đợt thắt chặt kinh tế nào và (2) thắt chặt kinh tế có thể trở thành những cơ hội tuyệt vời cho bạn mở rộng và chiếm lĩnh thị phần. Hãy khiến sự sụp đổ và tan vỡ ấy trở thành thời điểm cho bạn tỏa sáng!

ĐỌC THỬ

CHƯƠNG 1 BỐN PHẢN ỨNG TRƯỚC SỰ THẮT CHẶT VỀ KINH TẾ

Về cơ bản, trong giai đoạn thắt chặt kinh tế, người ta thường phản ứng lại theo bốn cách sau đây – và chỉ tính đến một trong số đó:

  1. Phản ứng kiểu đội trưởng đội cổ vũ: “Tôi từ chối tham gia!”
  2. Phản ứng trường phái cổ điển: “Chẳng có thứ gì thực sự thay đổi cả; thôi chúng ta hãy quay lại những cái căn bản”.
  3. Phản ứng kiểu hèn nhát: “Tôi chẳng thể làm được gì cả, chắc là tôi chỉ nên ngồi đợi điều gì đó xảy ra thôi”.
  4. Tiến lên và chinh phục: “Mọi năng lực bạn có đều sẽ tiến bộ và trở nên thiện chiến, trong khi những người khác sẽ bị thu hẹp và tụt hậu”.

Tôi sẽ giải thích một chút, một khi bạn có thể vượt qua từng giai đoạn phục hồi và bắt đầu xây dựng lại việc kinh doanh của bản thân, bạn sẽ đứng trước những lựa chọn về cách phản ứng. Phản ứng của bạn trước những thắt chặt về kinh tế thực ra chính là kết quả từ niềm tin của bạn và sức ảnh hưởng của môi trường xung quanh. Bạn đã từng nghe và/hoặc chứng kiến những kiểu phản ứng như trên từ công ty của bạn. Chúng ta hãy cùng nhìn lại bốn phản ứng này và khảo sát từng kiểu một, xem chúng diễn ra như thế nào và liệu có điều gì đó không đúng đang kéo bạn lại hay không.

Phản ứng kiểu đội trưởng đội cổ vũ

Kiểu phản ứng đầu tiên – kiểu “đội trưởng đội cổ vũ” – đơn giản chỉ là bạn từ chối tham gia. Tôi rất thích thái độ này và thực tế thì tôi còn đồng ý với nó trên nhiều cấp độ nữa. Tuy nhiên, kiểu phản ứng này lại chia thành hai loại, một loại thì rất hiệu quả, nhưng loại kia thì không. Loại thứ nhất là không tham gia vào trong bất cứ suy nghĩ, hành động và cư xử của những người đồng tình với việc thắt chặt kinh tế. Tôi đồng ý rằng đó là cách tốt nhất để không tự rước lấy những cảm xúc tiêu cực lan tràn; tuy nhiên nếu cứ giữ lấy một thái độ hoàn toàn tích cực và lạc quan – và xét trên một mặt nào đó thì hơi không tưởng một chút – trong suốt thời gian kinh tế thắt chặt, thì chính là một trạng thái từ chối tạm thời. Điều đó giống như thể bạn đang cố gắng (trong nhiều trường hợp đó là một cố gắng không thành công) để tự thuyết phục mình “không can dự” và rồi bằng cách nào đó, mình sẽ ổn thôi. Tôi cho rằng mình là một người rất lạc quan và thần trí đủ minh mẫn để đạt được thành công, nhưng nếu cứ khăng khăng cho rằng nền kinh tế sẽ khác đi chỉ bằng cách tự lên dây cót tinh thần như thế thì thật là thiếu trách nhiệm và không hiệu quả chút nào. Bạn phải thực sự LÀM một điều gì đó! Không thể phủ nhận rằng các khoản vay càng ngày càng bị siết chặt và người cho vay thì lại đang hạ dần hạn mức tín dụng, các doanh nghiệp và cá nhân ngày càng tiêu dùng ít hơn và người dân thì thất nghiệp nhiều hơn. Tôi không biết liệu có công ty hay ngành kinh doanh nào không bị cắt giảm doanh thu không nữa. Những điều rất thực như thế đã diễn ra và nếu chỉ tự động viên tinh thần để vượt qua và từ chối can dự vào những thay đổi đó thì cũng chả có tác dụng gì.

Khi tôi viết cuốn sách này, 20% thanh thiếu niên trên khắp nước Mỹ đang thất nghiệp; do đó nếu sản phẩm hay dịch vụ bạn đang kinh doanh phụ thuộc vào bộ phận khách hàng đó, việc kinh doanh của bạn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Hơn 10% lực lượng lao động hiện tại đang thất nghiệp. Ở một vài nơi, con số đó thậm chí còn vượt quá 15% và vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Những con số thống kê này thực sự dấy lên một làn sóng sợ hãi và có ảnh hưởng tiêu cực đến những người hiện tại vẫn chưa tìm được việc làm.

Đó là còn chưa kể đến những thiệt hại về tài chính do sự sợ hãi, sự lo lắng, thiếu chắc chắn và thiếu tự tin gây ra. Những thiệt hại này thậm chí còn có sức phá hủy hơn cả những sự thật và con số thực tế. Số lượng ô tô bán ra đã giảm đến 40%, doanh số bán lẻ đã chạm đáy thấp nhất trong 25 năm qua, số lượng nhà bị tịch thu đã cao đến mức lịch sử, một lượng khổng lồ tài sản đã biến mất cùng với sự giảm mạnh của giá bất động sản, người dân chứng kiến quỹ hưu trí của họ sụt giảm chỉ còn một nửa, các ngân hàng phá sản với tỉ lệ đáng báo động và tín dụng thì bị đóng băng. Những câu nói tích cực hay quan điểm sống lạc quan không thể giúp gì được chúng ta lúc này.

Tôi không phải đang cố thức tỉnh bạn, mà tôi đang cố gắng cho bạn thấy rằng sự tự cổ vũ, tự động viên đơn thuần này thực ra rất không tưởng. Chúng ta nhận được rất nhiều lời thức tỉnh chúng ta hằng ngày; những người phản ứng lại bằng những hành động đúng đắn chắc chắn sẽ tiến lên, còn những người cứ ngồi ì ra đó mà chẳng làm gì chắc chắn sẽ phải gánh chịu thiệt hại.

Để tôi dẫn cho bạn một ví dụ. Tôi sống ở Los Angeles. Không giống như vùng Duyên hải Vịnh Mexico(1), nơi tôi sinh ra, thảm họa thiên nhiên chính ở Los Angeles là động đất, chứ không có bão. Sự khác biệt cơ bản giữa hai loại thảm họa này đó là động đất thì không hề có báo trước và chỉ kéo dài trong một vài giây (thay vì là vài giờ). Tôi giả định bạn đang sinh sống hoặc là bạn đang đi du lịch Los Angeles và có một trận động đất lớn diễn ra ở đây – khoảng 8,5 độ richter. Lúc này dù cho bạn có là người bán hàng giỏi đến thế nào đi nữa, bạn cũng sẽ gặp khó khăn trong việc thuyết phục ai đó – bao gồm cả bạn nữa – rằng chỉ cần bình tĩnh là được. Lần đầu tiên trong đời, bạn chứng kiến và cảm nhận mặt đất dưới chân bạn đang đứng rung chuyển, nhìn thấy những tòa nhà đang chao đảo, tin tôi đi, bạn sẽ không bao giờ có thể cổ vũ cho mình vui lên được. Trong những khoảnh khắc căng thẳng, như kiểu cuồng phong hay động đất, giá cổ phiếu lao dốc hay kinh tế khủng hoảng, chúng ta dễ dàng bị choáng ngợp, sợ hãi và có xu hướng làm quá lên những gì đang thực sự diễn ra. Phản xạ điển hình đầu tiên trước những thay đổi mang tính bạo lực chính là “đóng băng,” không biết làm gì, hoặc trốn chạy, với một vài người thì đơn giản là từ chối công nhận hiện thực những gì đang diễn ra. Con người thường không được chuẩn bị và trang bị đủ để đối mặt với những thay đổi như thế và sẽ không muốn đối mặt với những thiệt hại và những phiền muộn trong cuộc sống.

Tuy nhiên, nếu bạn đang ở một nơi có động đất, chắc chắn sẽ không thể nào thay đổi được sự thật là bạn nên làm một điều gì đó để tự bảo vệ mình và sẽ thực hiện hàng loạt hành động cụ thể để bảo vệ sự an toàn và sống còn của bản thân. Ví dụ, bạn có thể chuyển sang một con đường khác lộ trình thông thường bạn hay đi, để có thức ăn, nước và xăng, bởi đường xá, cầu cống, phương tiện truyền thông, điện, Internet đều đã bị tắc nghẽn hoặc gián đoạn. Tất cả mọi thứ mà bạn mặc nhiên là của mình, theo đúng nghĩa đen, đều sẽ bị ảnh hưởng và không sẵn có như trước nữa. Động đất xảy ra rất nhanh và thường là không có cảnh báo trước. Những người biết cách phản ứng lại khi có động đất sẽ có thể tiến lên, trong khi những người không biết phải làm gì thì sẽ tự động thoái lui.

Phần lớn cách mọi người tiếp cận với những thay đổi trong nền kinh tế cũng tương tự như trong động đất. Đơn giản vì họ không được chuẩn bị trước cho việc này. Nhất là sau những khoảng thời gian tươi đẹp kéo dài, con người đã trở nên khá là máy móc và thậm chí là lười biếng. Họ quên hết cách sử dụng các cơ bắp của mình, quên hết tính kỷ luật, sự kiên trì, năng lượng và óc sáng tạo mà mình đã từng sử dụng để thống trị. Họ không biết phải làm thế nào khi mọi thứ đột nhiên thay đổi, nên họ chỉ phản xạ như vậy. Phần lớn các cá nhân, quản lý, hay các CEO đã quen với việc làm kinh doanh trong môi trường kinh tế ổn định; do vậy họ thực ra cũng không biết cách để phản ứng lại một cách thích hợp khi mọi thứ đang khó khăn trở lại.

Hiếm khi người ta đưa ra được những hành động hợp lý cần thiết để duy trì tình trạng hiện tại của chính họ và công ty của họ. Và khi khủng hoảng diễn ra – giống như cái cách mà nó đang diễn ra và trong tương lai sẽ diễn ra – rất nhiều người bán hàng, quản lý, doanh nghiệp, chuyên viên và CEO sẽ thấy rằng họ không được trang bị về cả kỹ năng lẫn kiến thức để chống lại những thắt chặt về kinh tế này. Người ta có cả tỉ kiểu phản ứng rất kỳ lạ khi họ không được chuẩn bị trước cho những sự kiện kiểu này. Rất nhiều bước hành động bạn đã làm chỉ đơn thuần là phản chiếu lại sự suy giảm về kinh tế và với suy nghĩ đó bạn đã phản ứng lại bằng hành động, điều này có thể khiến tình trạng của bạn càng lún sâu hơn, hoặc tệ hơn. Phần lớn mọi người thường sẽ xử lý suy giảm kinh tế bằng sự cắt giảm sâu hơn, phủ nhận, hoặc thờ ơ hoàn toàn, trong khi những người khác (đã được đề cập trên đây) thì lại hoàn toàn từ chối tham gia vào đó. Loại phản ứng như thế thực ra là hoàn toàn trái ngược với quyết định phải-làm-người-dẫn-đầu thị trường và chiếm lĩnh cuộc chơi.

Phản ứng theo trường phái cổ điển

Loại phản ứng thứ hai chính là kiểu theo trường phái cổ điển, “quay về cái căn bản”. Quan điểm này cho rằng, chẳng có thứ gì là thực sự thay đổi; và nếu chỉ đơn giản là chúng ta quay trở về với cái “gốc”, thì mọi việc sẽ tốt cả thôi. Trước đây tôi đã có thời gian làm việc với một nhóm chuyên viên tại công ty ô tô nọ, có một người trong nhóm nói với tôi rằng: “Grant, chả có cái gì thực sự thay đổi đâu ông ạ, chúng ta chỉ cần quay lại cái căn bản đầu tiên là ổn rồi!”. Tôi thầm nghĩ trong đầu, cả cái ngành sản xuất ô tô của ông đã trượt dài từ 16 triệu chiếc xe mới được bán ra mỗi năm xuống còn 9 triệu (con số thấp nhất trong vòng 25 năm trở lại đây). Mỗi người làm nghề môi giới ở Mỹ hiện tại chỉ trông chờ vào quảng cáo để tăng lượng bán xe, mà hiệu quả quảng cáo thì lại là một thứ mà anh ta không thể nào đánh giá được chính xác và đội ngũ bán hàng cũng không biết làm gì để bán được hàng. Hơn hết, ngân hàng cũng đang siết chặt lại các tiêu chí cho vay và truyền thông thì cứ luôn miệng khuyên mọi người là đừng tiêu tiền nữa! Và rồi phản ứng của bạn chính là quay về cái cơ bản ban đầu và rồi 95% những người làm việc cho bạn thậm chí còn không biết bao nhiêu “cơ bản” là đủ để cú chuyển mình mạnh mẽ của nền kinh tế tạo ra được sự khác biệt?

Tôi ủng hộ khái niệm chung là quay về những yếu tố nền tảng của ngành nghề – và cực kỳ đồng ý rằng những điều căn bản là thiết yếu để đạt tới thành công – tuy nhiên bạn không thể nào chỉ đi xe đạp nếu bạn chỉ còn 3 phút để đến công ty cách đó vài cây số. Nói một cách khác, bạn không thể tiến lên trong kinh doanh nếu chỉ có trong tay phần căn bản, giống như thể bạn phải chuẩn bị một màn trình diễn lớn trong thời gian ngắn. Cách duy nhất để tỏa sáng trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng chính là thực hiện những hành động tưởng như không hợp lý để thống trị. Quay về với những điều căn bản chỉ có thể đưa bạn quay về vị trí bạn đang đứng – nhưng nên nhớ, mục tiêu của bạn là vị trí đầu tiên. Và đây không phải lúc để nói suông, mà là thời điểm đưa ra những bước hành động lớn.

“Căn bản” thực ra có rất nhiều mức độ phải vượt qua trước khi bạn có thể thực sự chạm tới cái nền tảng cuối cùng: đó có thể là một hướng đi cho bạn trong cái thị trường hay thay đổi này. Bạn cũng nên hiểu rằng tuổi tác, kinh nghiệm và sự tiến bộ trong công nghệ cũng đều có ảnh hưởng nhất định đến việc con người ta coi “cái cơ bản” là như thế nào. Tôi giả sử bạn là một người bán hàng giữa cuộc khủng hoảng dầu vào những năm 1970 và một người khác thì chỉ bán trong giai đoạn 1998-2008, định nghĩa của bạn về những giá trị căn bản sẽ hoàn toàn khác biệt. Định nghĩa về sự căn bản của người bán bách khoa toàn thư theo hình thức bán hàng trực tiếp sẽ rất khác so với người bán thiết bị công nghệ mới nhất, được mọi người ưa chuộng nhất đến mức không biết bao nhiêu cho đủ. Công ty đầu tiên của tôi hoạt động buôn bán trực tiếp với doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ và tôi kinh doanh vào đúng giai đoạn xã hội đang chịu ảnh hưởng từ một cuộc khủng hoảng nặng nề. Người ta không tự tìm mua dịch vụ của tôi, mà tôi phải đi gõ đến hàng nghìn cánh cửa đóng chặt, chỉ để cho người khác biết đến mình. Tôi không đủ sức để quảng cáo hay tổ chức những chương trình marketing hoành tráng, mà tôi cũng không có nổi một đội ngũ bán hàng để làm điều đó cho mình. Tôi là một món hàng vô danh và không được công nhận. Nhưng bằng cách đi gõ cửa từng nơi để bán hàng như thế, tôi học được những kỹ năng mà không ai có thể lấy từ tôi được và về sau này, nó đã giúp định hình vị thế của tôi trong kinh doanh. Tôi đã gặp rất nhiều người muốn trở thành người diễn thuyết trước công chúng và tôi luôn nói với họ một điều rằng: “Dễ lắm, chỉ cần bạn học cách làm sao để trở thành một khán giả thôi!”. Nhưng phần lớn những người muốn nói cho khán giả nghe đó lại không sẵn lòng làm những điều có thể thu hút khán giả. Người ta khẳng định rằng mình nói rất hay nhưng vấn đề ở đây là không có ai muốn ngồi nghe họ nói cả.

Điều tôi đang cố gắng đề cập ở đây là, để khẳng định một tổ chức có cần phải quay lại những yếu tố căn bản hay không, cũng giống như việc những người muốn trở thành diễn giả đó không có khán giả chịu ngồi nghe vậy. Bạn phải đặt mình, công ty mình tập trung vào việc tạo ra một tương lai mới, thay vì chỉ chăm chú vào việc quay lại những thứ trong quá khứ. Bạn phải thề là sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để thu hút được khán giả và đi xa thêm một bước nữa, là làm bất cứ điều gì mà đối thủ của bạn từ chối thực hiện, thì bạn mới có thể trở nên khác biệt so với những người cũng muốn như bạn.

Vạn vật luôn luôn thay đổi và sự thay đổi cũng yêu cầu mọi hành động vượt xa khỏi những thứ căn bản. Nếu bạn không thay đổi cùng thời cuộc, bạn sẽ bị tụt hậu ngay lập tức. Và rồi đến cuối cùng thì ngay cả những điều căn bản cũng thay đổi theo thời gian. Chắc chắn chúng ta không nên khinh thường những nguyên tắc căn bản của thành công, chúng ta vẫn rất cần phải vun trồng những điều căn bản mà chúng ta đang sử dụng đó. Có một sự thật là những điều căn bản trong thời gian kinh tế mở rộng sẽ khác so với thời kỳ kinh tế khủng khoảng – đó là bởi vì bạn không dám phạm sai lầm. Khi nền kinh tế trì trệ, bạn không được bỏ lỡ dù chỉ là một cơ hội; bạn phải tăng cường các hoạt động của mình và cách bạn thích ứng với từng hoạt động tương tác phải thật ngoan cường.

Hãy nhớ lại thời điểm khi bạn hừng hực động lực để vươn tới thành công và hãy thể hiện tốt hết mức có thể. Đơn giản chỉ là bạn phải có một thành quả nào đó; vì vậy bạn có thể sẽ vượt lên những thứ cơ bản và chuyển sang một trạng thái thể hiện nghiêm túc hơn. Việc bạn chỉ đơn thuần quay về với những điều cơ bản trong suốt khoảng thời gian nền kinh tế bất ổn sẽ không thể thay đổi được sự thật là bạn không có bất kỳ một cơ hội nào để tận dụng, con người ta càng ngày càng có ít tiền, tín dụng bị thắt chặt, nỗi sợ hãi lan tràn khắp mọi nơi và khách hàng của bạn có nhiều băn khoăn hơn bao giờ hết khi đứng trước quyết định có nên mua sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn hay không. Bạn vẫn phải nghe những phàn nàn, vẫn phải đứng sau những quầy bán hàng như trước và lý do để khách hàng không mua hàng của bạn cũng giống như những lời bạn đã từng nghe trước đây, khi mọi thứ vẫn tốt, nhưng giờ đây, khách hàng của bạn sẽ trở nên “cứng” và chắc chắn hơn rất nhiều và việc kinh doanh của bạn sẽ phải phụ thuộc vào điều đó.

Sự thật là có rất nhiều người – nếu không muốn nói là hầu như tất cả những người làm việc cùng với bạn – không bao giờ bán hàng trong khi nền kinh tế đang khó khăn. Vậy nên việc khuyên họ quay về với những giá trị căn bản sẽ không khiến họ làm những việc cơ bản để đạt được kết quả bạn muốn, mà là khiến thị phần của họ giảm bớt. Mà chúng ta thì không hứng thú lắm với việc đi ngược đường như thế trong cuốn sách này. Chúng ta chỉ tiến về phía trước thôi.

Trong suốt quãng thời gian kinh tế phát triển, việc kinh doanh có thể trở nên dễ dàng đến nỗi mọi cá nhân và công ty đều bị ru ngủ trong một ảo tưởng tự thổi phồng lên khả năng của chính mình. Họ rơi vào một nhận thức sai lầm rằng những thứ thực sự tạo nên lợi nhuận là mặc nhiên phải có, đồng tiền dễ kiếm, tín dụng thông thoáng, cơ hội cho sản phẩm của bạn thừa thãi và một thế giới vận hành mà không phải lo lắng gì tới các vấn đề về tài chính hay các mối bận tâm. Rồi sau đó, một cách đột ngột, bạn sẽ rơi vào một tình trạng hoàn toàn trái ngược. Mọi cá nhân trong lực lượng lao động, nếu muốn thành công, đều phải có một cái nhìn mới về việc thế nào mới thực sự là quay trở về căn bản, phát triển hoặc tự học lấy một kỹ năng mới và bắt đầu thực hiện những hành động mà chúng ta đã không làm rất nhiều năm rồi và thậm chí nhiều người còn không biết rằng nó là cần thiết.

Phản ứng trốn tránh

Kiểu phản ứng thứ ba là kiểu của những kẻ hèn nhát, họ nghĩ rằng họ chẳng thể làm gì và cứ thế ngồi chờ cho tình hình kinh tế tồi tệ trở nên khá lên, trở lại bình thường vào một lúc nào đó và rồi khi ấy họ sẽ quay về làm việc lại bình thường. Nhóm người này sẽ bị vùi dập không thương tiếc cả về tài chính lẫn tinh thần. Họ sẽ tiêu tốn hết tiền mặt của mình, sau đó phát hiện ra rằng nền kinh tế eo hẹp có thể kéo dài lâu hơn rất nhiều so với họ dự tính – trong một vài trường hợp có thể là 18 tháng hoặc lâu hơn. Họ có thể sẽ bị khủng hoảng tinh thần khi bị tách ra khỏi lực lượng lao động, thậm chí khi mọi thứ đã trở lại bình thường, họ vẫn cảm thấy rất khó khăn để quay về làm việc, bởi họ đã không chủ động làm việc trong khoảng thời gian dài rồi.

Những kẻ trốn chạy này về cơ bản thực chất chỉ là những kẻ “ăn hôi”, sống phụ thuộc vào nền kinh tế tốt đẹp để có đủ tiền trang trải cho cuộc sống của mình. Họ đi từ vùng này đến vùng khác và làm việc trong những ngành đang phát triển tốt đẹp nhưng không bao giờ thực sự cố gắng để phát triển bản thân mình. Họ giỏi nhất là hái những quả chín ở cành thấp – kinh doanh những mặt hàng dễ – và không thể, hoặc là không sẵn lòng đào sâu để tìm vàng. Họ sẽ không bao giờ có thể thực sự tích lũy được sự giàu có, bởi họ không có đạo đức nghề nghiệp cần thiết để thành công. Tôi sẽ không bao giờ thuê những người trong nhóm này làm việc cho mình bởi họ sẽ gây ảnh hưởng xấu đến những người khác trong tập thể. Một kẻ bỏ trốn hiện thực có thể sẽ không cầm cuốn sách này lên đọc và khả năng anh ta thực hiện những hành động trong này thậm chí còn thấp hơn. Và nếu một người như vậy đã trót mua nó, tôi rất xin lỗi phải nói một lời hơi xúc phạm rằng có lẽ họ nên ném nó vào thùng rác đi!

Phản ứng tiến lên và chinh phục

Bây giờ, là trường phái suy nghĩ cuối cùng: phản ứng tiến lên và chinh phục. Đây là trường phái tôi ủng hộ nhất, tôi cho rằng đây là phản ứng đúng đắn duy nhất nên làm. Tôi khuyến khích các bạn tâm niệm rằng thị trường thì rất khác biệt và vẫn đang thay đổi, bạn phải nhận thức được rằng việc bán sản phẩm và dịch vụ sẽ tương đối thử thách (nhưng không có nghĩa là không thể); phát triển kinh doanh hay thậm chí là giữ lại được công việc bạn đang làm cũng khó khăn như thế. Tất cả yêu cầu bạn phải có một ý thức hoàn toàn độc đáo và khác biệt về năng lượng làm việc, đạo đức nghề nghiệp, tư duy và hành động.

Mỗi đợt suy giảm kinh tế tất nhiên là chướng ngại vật đối với cả doanh nghiệp lẫn cá nhân, tuy nhiên tôi sẽ chứng minh cho bạn thấy rằng đó cũng là cơ hội cho bạn. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng với số tiền ít ỏi cũng giống như là khi bạn từ nền kinh tế tuyệt đẹp rơi xuống một nơi khó khăn cùng cực. Bạn không có tín dụng, bạn không có tiền, khách hàng thì quá khó tiếp cận và không ai muốn gặp bạn cả. Mọi thứ thật là khó khăn. Tuy nhiên, điều khác biệt ở đây chính là, những thay đổi to lớn về kinh tế đó không chỉ diễn ra với mỗi một mình bạn. Tình hình tài chính của tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng, sự tự tin của tất cả mọi người đều bị thử thách và việc bán hàng nói chung đều gặp khó khăn, tín dụng bị thắt chặt hơn và cơ hội càng ngày càng hiếm hoi hơn. Bạn dễ bị vây quanh bởi những con người suy nghĩ tiêu cực, những kẻ hay phàn nàn, những cô cậu “mít ướt” và những kẻ ăn hại luôn đưa ra những ý tưởng tồi tệ và những giải pháp kém hiệu quả. Tuy nhiên – như tôi đã đề cập ở trên – khủng hoảng kinh tế có thể trở thành cơ hội cho bạn tìm kiếm những khách hàng mới, tăng doanh số bán hàng, khiến cho mình trở nên khác biệt so với các đối thủ khác trên thị trường và chiếm lĩnh thị phần. Do vậy, hãy tiến lên và chinh phục, chế ngự những yếu tố gây ảnh hưởng tiêu cực và chiếm lấy thị trường của họ. Những người sẵn sàng học hỏi những kỹ năng mới – phát triển nó đến mức thuần thục và thực hành với những bước hành động mạnh mẽ – sẽ được tưởng thưởng xứng đáng, bạn sẽ đạt được những thứ mà bạn sẽ không bao giờ có khi thời kỳ kinh tế còn rực rỡ. Bạn sẽ kiểm soát được thị trường, trong khi những người khác thì đầu hàng nó.

Tôi làm công việc bán hàng đầu tiên của mình vào những năm 1980, khi nền kinh tế đang chịu khủng hoảng nặng nề. Ở nơi tôi sống và làm việc, tỷ lệ thất nghiệp lúc ấy là trên 20% và lãi suất là 18%. Khi nhận ra được điều này, có lẽ tôi nên chuyển đi một nơi khác, nhưng tôi không có tiền để làm thế. Trong số bốn người không thể mua được sản phẩm tôi đang bán, lý do của một trong số họ là anh ta đang thất nghiệp. Nếu có bảy hay tám người thể hiện là họ thích sản phẩm của tôi thôi, thì đó cũng là may mắn cho tôi lắm rồi. Lúc đó tôi sống sót chỉ dựa vào những hành động căn bản nhất: tạo ra cơ hội và sau đó học cách xử lý tất thảy những chướng ngại, những ngăn cách, những lý do khiến người ta đi đến quyết định không mua. Tôi đã học trong hoàn cảnh như vậy và tôi thực ra chẳng có gì khác để so sánh.

Khi bạn không biết, đơn giản là bạn “không biết”. Nếu bạn lớn lên trong cái nghèo, cái đói ở một vùng xa xôi hẻo lánh, bị bao bọc bởi những gia đình nghèo đói, bạn sẽ không biết là mình nghèo. Người duy nhất biết là bạn nghèo chính là những người có nhiều hơn bạn. Bạn sẽ không thể tự nhận ra hoàn cảnh của chính mình, cho đến khi xuất hiện một thứ gì đó cho bạn so sánh. Bạn sẽ không thể biết, cho đến khi bạn nhận ra! Giữa thời điểm kinh tế đang khó khăn, khi bạn đang cố gắng bán hàng và không có gì để so sánh hết, thực ra bạn đang rất may mắn vì hoàn toàn không biết gì. Bạn sẽ cứ thế làm và điều chỉnh bất cứ thứ gì cần thiết, để thành công.

Thử thách lớn nhất mà đa số mọi người đang phải đối diện ngày nay chính là việc họ có xu hướng hay so sánh tình hình hiện tại với quá khứ và ước mong quá khứ quay trở lại. Tuy vậy, điều duy nhất đáng làm vào lúc này là tập trung vào tương lai và hãy quên quá khứ đi. Những kẻ vẫn đang tiếp tục so sánh chính mình với những người khác trong xã hội, bằng cách nhai đi nhai lại rằng họ đang “làm tốt hơn tất cả những người khác” nên nhớ một điều rằng: mục đích nhắm tới là phải thống lĩnh thị trường, chứ không phải là đi so đo với những người kém hơn. Một cách chắc chắn là bạn không bao giờ đạt được vị trí đỉnh cao chính là tự đi so sánh chính mình với những người chưa bao giờ có ý định vươn lên vị trí thứ nhất.

Sống sót sau khủng hoảng

Kể từ khi bắt đầu sự nghiệp của mình vào đầu những năm 1980, tôi đã có trong tay ba doanh nghiệp và kiên nhẫn vượt qua được những giai đoạn kinh tế khó khăn nhất và thậm chí còn phát triển thịnh vượng. Hầu hết các bạn, những người đang đọc cuốn sách này, cũng từng vượt qua những thời kỳ khó khăn như vậy, có điều các bạn đã quên những chuyện đó. Lấy một ví dụ, tôi sinh ra vào giữa đợt khủng hoảng kinh tế năm 1958, kéo dài hai năm. Sự thật là tôi đã vượt qua và tôi thậm chí còn không hề biết là chúng ta từng trải qua cuộc khủng hoảng ấy. Tôi sống sót qua một cuộc khủng hoảng khác vào khoảng thời gian 1960-1961, khi đó tôi 3 tuổi. Năm 1973, một cuộc khủng hoảng dầu mỏ diễn ra, cũng kéo dài hai năm, tôi làm việc chủ yếu trong khuôn viên trường học suốt vài mùa hè trong khi biết bao nhiêu người ngoài kia không thể nào tìm được một công việc. Từ đầu năm 1980 đến 1982, cuộc cách mạng Iran nổ ra đã làm giá dầu tăng đột biến khắp thế giới, khiến cả đất nước rơi vào một cuộc khủng hoảng tồi tệ. Tôi lại sống sót! Đầu những năm 1990, đất nước trải qua một đợt khủng hoảng kéo dài khoảng hơn một năm, những bong bóng nhà ở(2) bị vỡ và sau đó người ra thề rằng sẽ không bao giờ dính đến bất động sản lần nữa. Tôi vẫn sống sót. Năm 2000, bong bóng dotcom (tình trạng tăng trưởng quá “nóng” của các công ty công nghệ cao) bị vỡ. Chỉ một năm sau, sự kiện khủng bố tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới và Thủ phủ Pentagon xảy ra vào ngày 11/9/2001 càng làm cho mối lo sợ kinh tế sụp đổ bao trùm khắp thế giới, đặc biệt là nước Mỹ. Tôi vẫn sống sót sau cả hai sự kiện ấy. Tiếp đó là hai năm của những bê bối kế toán và thêm một đợt thắt chặt kinh tế nữa, nhưng tôi vẫn vượt qua. Sau đó, năm 2007, thế giới bắt đầu bước vào một trong những đợt suy giảm kinh tế lịch sử, bắt nguồn từ sự sụp đổ của thị trường nhà đất, dẫn đến sự phá sản của các ngân hàng Mỹ và châu Âu. Và hậu quả là ngân hàng thi nhau đóng cửa, phá sản, bị tịch thu và dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ nền kinh tế. Tất cả chúng ta vẫn sống sót. Câu hỏi đặt ra là liệu bạn có thể trở nên phát đạt trong bối cảnh khủng hoảng không?

Khủng hoảng được định nghĩa là sự sụt giảm mạnh mẽ về GDP của một đất nước trong hai quý liên tiếp, hoặc trong 180 ngày. Các cá nhân và công ty không thể thực sự nhận ra khủng hoảng, bởi họ không biết GDP. Tuy vậy, chắc chắn là họ có thể nhận ra được những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng và mức độ họ có thể tiếp nhận hay từ chối điều chỉnh sẽ quyết định việc họ tồn tại được hay không sau khủng hoảng. Tôi nói những điều này là để khuyến khích bạn và cũng là để nhắc nhở bạn rằng bạn đã sống sót, bạn hoàn toàn có thể và bạn sẽ sống sót trong bất cứ một cuộc khủng hoảng nào. Nhưng tôi muốn cho bạn thấy cách làm thế nào để tiến lên, chinh phục và chiếm lĩnh thị phần trong những thời điểm khó khăn như thế!

Trong khi tôi thích được trải nghiệm những giai đoạn mở rộng của nền kinh tế, hiển nhiên là vậy, thì trên thực tế, tôi thường có xu hướng thể hiện tốt hơn trong những giai đoạn kinh tế bị thắt chặt – nghe thật là buồn cười phải không? Hiện tượng này hơi kỳ dị một chút, nhưng có vài người thực sự thể hiện tốt hơn khi họ được thử thách, bởi nó đánh thức nhu cầu sinh tồn trong con người họ và thúc đẩy hiệu quả làm việc của họ lên đến mức cao nhất. Sau đó, nhu cầu này khiến họ trở nên sáng tạo hơn trên thị trường và năng suất hơn, trong khi những người khác lại vẫy cờ trắng đầu hàng. Vì thế, đừng tuyệt vọng. Sụt giảm kinh tế không phải là ngày tàn của thế giới; dù cho nền kinh tế có xoay vần thế nào đi chăng nữa, bạn vẫn sẽ thành công.

Bạn nên hiểu rằng thắt chặt kinh tế không thể nào kéo dài mãi mãi. Những người không bỏ cuộc, mà thay vào đó là tiếp tục đào xới và vượt qua, sẽ đạt tới một cảnh giới mới, với đạo đức nghề nghiệp tốt hơn, cơ sở khách hàng vững chắc hơn và chỗ đứng trên thị trường cao hơn. Và những kẻ sống sót luôn thấm nhuần tư tưởng tự tin rằng họ có thể phát triển rực rỡ, bất chấp điều kiện kinh tế có như thế nào. Vậy nên, đừng bỏ cuộc. Bạn phải hiểu rằng, bạn có thể lựa chọn làm gì để chống lại những cú giật lùi này của nền kinh tế. Nếu hành động thông minh, bạn sẽ không phải gánh chịu bất cứ hậu quả nào về tài chính, những người khác sẽ làm điều đó thay bạn.

Châm ngôn sống của tôi là: “Khó khăn chính là cơ hội và bạn chinh phục được bao nhiêu cơ hội thì sẽ kiếm được bấy nhiêu tiền”. Nhớ rằng, khi bạn đối diện với khó khăn, đó thực ra chính là một cơ hội trá hình mà thôi. Kiên trì trong cuộc chơi, tiến về phía trước, không bao giờ bỏ chạy – và cố gắng tìm kiếm những phương pháp sáng tạo để giải quyết vấn đề. Mỗi tình huống mà bạn đã vượt qua, sau này sẽ không bao giờ còn là vấn đề đối với bạn, bạn chỉ cần nhớ lại tình huống đã được giải quyết trước đây là xong. Nhưng thật không may cho những ai lựa chọn lùi bước, bỏ chạy và dần biến mất khi nền kinh tế eo hẹp lại, họ không bao giờ có thể nhớ lại vấn đề theo cách như thế. Họ phản ứng theo một thói quen rất tiêu cực và trí não bị che mờ với suy nghĩ là họ sẽ chẳng thể phát triển hay đưa ra được giải pháp gì. Khi thị trường phục hồi, những cá nhân này sẽ càng có ít tiền hơn và ít khách hàng hơn và họ sẽ bị thị trường quên lãng, khiến cho vị trí của họ, doanh nghiệp của họ hoàn toàn bị phá hủy. Lợi thế của bạn trong thị trường này chính là có càng ít đối thủ, bạn càng có cơ hội để nổi bật lên và chiếm lấy thị phần.

Một nội dung khác ở trong cuốn sách này là những chiến lược mà bạn phải sử dụng để đảm bảo rằng doanh nghiệp của mình sẽ phát triển, sống sót và trở nên thịnh vượng mọi lúc, nhất là khi kinh tế thắt chặt. Đó là những kỹ thuật đã được chứng minh, khi được sử dụng đúng đắn, sẽ mang lại kết quả tốt. Tất cả những kỹ thuật này đều đã được áp dụng, kiểm nghiệm về tính chính xác và bao gồm những công thức cụ thể để giúp mục tiêu của bạn thành hiện thực. Tôi khuyến khích bạn sử dụng chúng chính xác như được mô tả và tránh trường hợp tự điều chỉnh cho hợp lý khi áp dụng.

Suy luận (đưa ra lý do) chính là một bài tập riêng biệt của trí não, lương tri, tổng hòa sức mạnh của khối óc và sự phán xét mạnh mẽ. “Không lý do” ở đây có nghĩa là bạn không cho phép bản thân mình bị chi phối hoặc hành động theo những lý do mà trí não đưa ra. Tôi không cần bạn phải sử dụng năng lực tư duy của mình để hiểu điều này, vì trên tất cả thì thế giới này đã đầy rẫy những kẻ thông minh nhưng chẳng chịu làm việc gì đáng kể. Thay vào đó, tôi muốn bạn hành động như thể bạn không cần một lý do nào hết, không cần phán xét suy luận gì hết – như kiểu mục đích của chàng ngốc, chỉ là khiến cho mọi việc xảy ra mà thôi. Đừng suy nghĩ gì về những hành động này, cứ làm thôi. Bạn đừng sử dụng cách nghĩ của cá nhân bạn khi bạn tiếp nhận chúng. Hãy áp dụng chúng chính xác theo những gì tôi đề cập ở đây. Sai lầm lớn nhất mà bạn có thể mắc khi áp dụng những kỹ thuật này đó chính là cố gắng điều chỉnh nó cho phù hợp với tính cách hay cách tư duy của bạn. Đừng thay đổi những hành động này theo bất cứ cách nào; bởi cuối cùng bạn sẽ chỉ có phiên bản không hoàn chỉnh của những gì đáng lẽ ra phải đạt được.

Vừa mới tuần trước thôi, tôi có làm việc với một công ty và chúng tôi có thống nhất với nhau về việc sẽ tiến hành theo dõi các khách hàng mà công ty đối thủ chưa chiếm được. Tôi cho rằng nên theo dõi khách hàng ngay khi họ rời đi, thay vì để sau mới tính, thậm chí những người bán hàng còn phải biết nhà của khách hàng ở đâu. Nghe thật điên khùng, đúng không? Ban lãnh đạo của công ty này đã phản đối: “Kỹ thuật này sẽ không thể nào hiệu quả với sản phẩm và tình trạng nhân khẩu học (demographic) của khách hàng chúng tôi”. Tôi nài nỉ họ hãy tin tưởng tôi và sử dụng kỹ thuật của tôi và trong vòng 24 giờ, họ đã liên lạc lại ngay với văn phòng của tôi để thông báo rằng: “Cách ấy không chỉ hiệu quả thôi đâu, mà các khách hàng của chúng tôi đều thích hết!”. Cả công ty như được thổi lên một sức sống mới sau khi khám phá ra một cách làm mới để mở rộng thị trường. Bây giờ, trước khi bạn bác bỏ hoàn toàn những hành động của tôi, hãy hiểu rằng phản ứng đơn lẻ của bạn có nghĩa là những người khác cũng sẽ không áp dụng những hành động này, và điều đó còn có nghĩa là những ai thực hiện những hành động như thế không còn cạnh tranh nữa mà đang thực hiện những điều thực sự khác biệt. Vào những lúc như thế, bạn không muốn cạnh tranh, bạn chỉ muốn đánh bại đối thủ thôi!

Những kỹ thuật này nên được áp dụng trong nỗ lực quảng cáo và bán hàng trong mọi điều kiện kinh tế của bạn, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra chúng chính là một loại chiến lược và tư tưởng giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn. Lúc này chính là lúc chúng ta chỉ tập trung nghĩ về cách mở rộng hoạt động và sẵn sàng thử bất cứ điều gì, thậm chí có là phá vỡ những quy tắc trước đây để cứu lấy doanh nghiệp. Và trước khi cho rằng mình đang làm tổn hại đến sự hài lòng của khách hàng khi làm những điều này, bạn nên biết rằng có những công ty tương tự như bạn đã làm và đạt được điểm tín nhiệm cao nhất của khách hàng mà họ từng có. Khách hàng nói rằng: “Chúng tôi chưa từng thấy có công ty nào lại sẵn sàng hành động nhiều hơn để có lợi cho chúng tôi như thế!”. Cách suy nghĩ và hành động này là dành cho những người từ chối đặt gia đình, công ty và tương lai tài chính của mình vào nguy hiểm – và luôn sẵn lòng làm bất cứ điều gì để đạt được vị trí cao nhất. Về điểm này hãy tin tôi và tôi đảm bảo với bạn rằng bạn sẽ được đền đáp bằng thành công. Tôi rất mong có thể được nghe bạn chia sẻ về hành trình đi đến vị trí dẫn đầu của bạn và bạn đã nhận được nhiều thành công đến thế nào khi thực hiện những kỹ thuật chống lại khủng hoảng đầy sức mạnh và hiệu quả này.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button