Kỹ năng mềm

Đàm Phán Giải Phóng “Con Tin”

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : George Kohlrieser

Download sách Đàm Phán Giải Phóng Con Tin ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KỸ NĂNG SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download Ebook         

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


Mỗi người đều có cách chọn và mua cho mình những cuốn sách tâm đắc. Một trong những cách chọn sách thú vị của tôi là dựa vào lời khuyên của những người bạn thân thiết và những người có uy tín. Tôi có được cuốn Đàm phán giải phóng “con tin” của George Kohlrieser là nhờ lời khuyên của người bạn thân, anh Stephen Gandy, Phó Chủ tịch Metso Automation, Hoa Kỳ. Sau khi đọc xong bản tiếng Anh, tôi quyết định mua bản quyền và xuất bản cuốn sách này tại Việt Nam để nhiều người có thể tiếp cận được nó hơn.

“Đàm phán giải phóng con tin” không giống với những cuốn sách khác viết về nghệ thuật lãnh đạo. Với kinh nghiệm lâu năm và sự hiểu biết sâu sắc của mình, George Kohlrieser viết rất sinh động và hấp dẫn. Bằng cách tiếp cận độc đáo, tác giả đã thật sự lôi cuốn tôi vào các tình huống xúc động, thậm chí đôi lúc là gay cấn để làm nổi bật luận điểm của mình. Các kết quả, nhiều ví dụ, những phân tích của George Kohlrieser hoàn toàn thuyết phục tôi ngay lần đầu tiên đọc cuốn sách này.

Cuốn sách thật sự là cuốn cẩm nang, là sách gối đầu giường của nhiều nhà lãnh đạo, nhất là những ai luôn phải đối đầu và giải quyết các mâu thuẫn, cần gây ảnh hưởng đến đám đông và mong muốn doanh nghiệp của mình phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Tôi đã áp dụng triệt để những gì George Kohlrieser trình bày trong cuốn sách này vào công việc lãnh đạo, quản lý, thậm chí cả cuộc sống của mình và nhận thấy hiệu quả thật đáng ngạc nhiên. Tôi cũng đã khuyên nhiều doanh nhân khác đọc và áp dụng vào việc quản trị doanh nghiệp cũng như việc kinh doanh để rồi tạo nên nhiều điều kỳ diệu trong công việc của chính họ. Càng ngày tôi càng nhận ra được sức mạnh của phương pháp đàm phán giải phóng “con tin” mà George Kohlrieser đã đưa ra trong cuốn sách. Tôi đặc biệt ấn tượng với cách nhấn mạnh vào các yếu tố như giải quyết xung đột, các mối liên hệ cảm xúc và đối thoại – những điều giúp tôi và các doanh nhân khác vượt qua rất nhiều rào cản để lãnh đạo thành công .

Tôi đọc cuốn sách này lần đầu tiên khi đang làm quản lý tại Công ty FPT. Trong suốt thời gian lăn lộn trên thương trường với bao dự án cùng các thách thức, tôi có cơ hội làm việc trực tiếp với rất nhiều doanh nghiệp và cơ quan khác nhau. Nhờ áp dụng các nguyên lý của Đàm phán giải phóng “con tin”, tôi đã đúc kết cho mình một niềm tin mãnh liệt rằng bí quyết của những cá nhân và tổ chức thành công nhất là luôn hướng về các khả năng, chứ không phải là những giới hạn, sự kìm hãm hay các trở ngại. Tôi biết rằng ai cũng có những thời khắc hứng khởi đến tột cùng rồi lại nhụt chí đến tột độ. Tôi càng khẳng định thêm rằng chính nhờ đó mà ta phân biệt được những nhà lãnh đạo kiệt xuất với những người khác. Và rằng những ai vượt qua được giai đoạn khó khăn này sẽ không bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh, không bao giờ chấp nhận bị coi là nạn nhân. Chính họ chứ không phải ai khác là những người giành được chiến thắng cuối cùng.

Cuốn sách đã có ảnh hướng lớn đến những người bạn của tôi, hiện đang điều hành các doanh nghiệp lớn khác ở Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới. Nhà lãnh đạo tài năng cần phải có khả năng tác động, thúc đẩy và truyền cảm hứng cho nhân viên để họ và chính doanh nghiệp đó tạo nên sự khác biệt. Tầm nhìn xa, tinh thần lạc quan, niềm tin mãnh liệt chính là những phẩm chất để nhận ra các nhà lãnh đạo xuất sắc. Và họ là những người luôn có tư duy “không có gì là không thể”. Đây là nhân tố chính giải phóng chúng ta khỏi lối suy nghĩ của “con tin”.

George Kohlrieser cũng hướng dẫn chúng ta cách giải quyết các xung đột xảy ra hàng ngày xung quanh chúng ta. Tác giả đã chỉ ra rằng lãnh đạo là phải “đặt cá lên bàn”. Trước các tình huống xung đột, chúng ta phải xác định lại các vấn đề khúc mắc, những khó khăn gặp phải, đồng thời không ngần ngại nói chuyện một cách cởi mở, thẳng thắn, thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau. Lãnh đạo không thể lẩn tránh, chờ đợi hay “nhảy múa quanh vấn đề”.

George Kohlrieser giúp đỡ các nhà lãnh đạo vượt qua mọi trở ngại trong đàm phán và giải quyết xung đột bằng cách khuyến khích họ sử dụng những cuộc đối thoại như một phương tiện để giải quyết vấn đề. Mặc dù ai cũng biết rằng lãnh đạo phải là những bậc thầy về nghệ thuật lắng nghe và đối thoại nhưng trong Đàm phán giải phóng “con tin”, George Kohlrieser đã chỉ ra rằng, trong thực tế họ lại thường vô tình phá vỡ cuộc đối thoại hoặc thậm chí trở thành “con tin” khi người khác chấm dứt đối thoại. Nhiều nhà lãnh đạo không hề biết rằng nếu quản lý tốt, chính những cuộc đối thoại và cách giải quyết xung đột lại có thể giúp gây dựng một đội ngũ vững mạnh hơn cũng như giúp nhân viên cảm nhận được rõ nét sợi dây ràng buộc chặt chẽ giữa từng cá nhân với nhau.

Những gì được nêu trong Đàm phán giải phóng “con tin” đã khẳng định thêm rằng những tổ chức hoạt động hiệu quả nhất là những tổ chức được lãnh đạo bởi một cá nhân xuất sắc, biết cách khai thác những mặt mạnh nhất của từng thành viên. Những nhà lãnh đạo này có bí quyết riêng mà các đối thủ cạnh tranh không thể sao chép được.

George Kohlrieser cũng đã chỉ ra rằng thách thức đầu tiên mà tất cả các tổ chức dù lớn hay nhỏ đều phải đối mặt là làm thế nào để nhân viên cảm thấy mình được trao quyền quyết định, phóng tầm mắt ra khỏi các giới hạn và hành động như những người chiến thắng chứ không phải là những “con tin” đang bị bắt giữ. George đã đưa ra cách giải quyết: Các nhà lãnh đạo cần tạo ra cho nhân viên của mình một trạng thái tinh thần mạnh mẽ, giúp họ luôn tiến về phía trước và hướng họ tới những mục tiêu của tổ chức.

Cuốn sách Đàm phán giải phóng “con tin” không chỉ đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật lãnh đạo nói chung và sự phát triển của các doanh nghiệp nói riêng mà còn làm thay đổi công việc kinh doanh, cách nhìn và tương lai của rất nhiều doanh nghiệp. Tôi xin cảm ơn George Kohlrieser đã viết ra những trải nghiệm quý báu của ông. Tôi biết ơn Stephen Gandy đã giới thiệu cuốn sách này và xin cảm tạ tất cả những ai đã góp công sức, thời gian và trí tuệ để chuyển thể cuốn sách này sang Việt ngữ, đặc biệt là dịch giả Hà Minh Hoàng.

ĐỌC THỬ

Chương 1BẠN ĐANG BỊ BẮT LÀM CON TIN MÀ KHÔNG HỀ HAY BIẾT?

Một bé gái chín tuổi về thăm ông bà ở Kansas. Vì ông đi vắng nên cô ngủ với bà. Nửa đêm cô bé bỗng tỉnh giấc và phát hiện thấy bà mình đang ngồi trên giường, bị một gã đàn ông người ướt sũng nước mưa với cây gậy đánh gôn làm bằng gỗ trên tay lăm lăm đe dọa. Hoảng sợ, đứa trẻ tội nghiệp định hét lên thật lớn nhưng liền bị bà ấn mạnh vào tay, cô bé không dám la lên nữa. Một cảm giác tĩnh mịch đáng sợ bao trùm lên cả căn phòng. Bà cô bé cất tiếng nói với người đàn ông lạ mặt: “Tôi vui mừng vì anh đã tìm được nhà của chúng tôi. Anh đã tới đúng chỗ rồi đấy. Ở đây, anh được chào đón. Thật là tồi tệ nếu phải ở ngoài trời lúc này. Anh đang bị đói, rét và ướt hết cả người rồi kìa. Trong bếp có củi, anh hãy vào đó nhóm lò lên. Trong lúc đó, tôi sẽ đi mặc quần áo, sau đó tôi sẽ đi kiếm cho anh vài bộ đồ khô, hâm cho anh một chút thức ăn, chuẩn bị một chỗ ngủ cho anh ở đằng sau chiếc lò sưởi, nơi đó sẽ dễ chịu và ấm áp hơn.” Nói đoạn bà ngừng lại, rồi yên lặng chờ đợi. Sau một lúc do dự, gã đàn ông kia hạ chiếc gậy xuống và nói: “Tôi sẽ không làm gì khiến bà bị đau đâu”. Lát sau, bà cô bé gặp lại hắn trong bếp, nấu thức ăn, đưa cho hắn một bộ quần áo khô và sắp xếp cho hắn một chỗ ngủ sau cái lò. Cuối cùng bà trở lại giường, cùng với đứa cháu tiếp tục ngủ cho tới sáng. Buổi sớm hôm sau, khi họ tỉnh dậy thì không thấy người đàn ông lạ mặt đâu nữa, hắn đã bỏ đi tự lúc nào.

Khoảng 10 giờ sáng, với sự trợ giúp của chó nghiệp vụ, cảnh sát đã lần ra dấu vết của gã đàn ông kia và tới ngôi nhà. Họ thực sự không tin vào mắt mình khi thấy hai bà cháu vẫn còn sống. Kẻ đột nhập vào nhà kia chính là một tên giết người mắc bệnh tâm thần vừa trốn khỏi tù đêm hôm trước. Hắn đã sát hại dã man gia đình người hàng xóm thân cận nhất của hắn.

Người bà kì lạ kia đã tạo ra nhiều sự liên kết cảm xúc với kẻ sát nhân đến nỗi hắn không thể xuống tay sát hại bà. Người bà dũng cảm ấy đã đối xử với hắn bằng tất cả lòng tốt và sự tôn trọng. Chính điều đó đã làm tiêu tan thú tính của hắn. Con người ta không bao giờ giết đồng loại mình, họ chỉ giết súc vật hoặc những vật đáng khinh mà thôi.

Câu chuyện rất đáng chú ý này được trích ra từ cuốn sách của Joseph Chilton Pearce có tên Magical Child (tạm dịch: Đứa trẻ có phép thần thông). Bạn hãy dừng lại và suy nghĩ một chút nhé. Bạn sẽ làm gì nếu bị bắt làm con tin? Hãy hình dung rằng bỗng nhiên bạn phải đối mặt với tình huống bị bắt giữ, trước mắt là một khẩu súng đang thử thách ý chí của bạn. Bạn sẽ phản ứng và cảm thấy như thế nào? Bạn sẽ làm gì, nói gì với những kẻ đang bắt giữ mình?

May mắn thay khi các vụ bắt cóc con tin “thực sự” không thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều có thể bị bắt làm con tin theo cách “giả định” – hay nói một cách khác là bị các ông chủ, đồng nghiệp, khách hàng, các thành viên trong gia đình hoặc một người nào đó đe dọa, lừa lọc và ngược đãi. Như vậy có nghĩa là chúng ta hoàn toàn có thể trở thành con tin trong các tình huống, các bối cảnh vẫn thường thấy trong cuộc sống hàng ngày. Không chỉ có vậy, đôi khi chúng ta còn là con tin của chính mình, bị chính các trạng thái tinh thần, cảm xúc cũng như các thói quen của chúng ta bắt giữ.

Chúng ta thường bị bắt làm con tin “giả tưởng” trong các tình huống thường gặp sau đây:

• Bạn đang lái ô tô tới nơi làm việc thì bất ngờ bị một tài xế khác cắt ngang ngay trước mũi xe. Ngay lập tức, bạn cảm thấy tức giận và căm thù “kẻ ngu xuẩn” đang ngồi trong chiếc xe kia. Cảm giác này có thể kéo dài và khiến tâm hồn bạn nặng trĩu trong suốt cả ngày đẹp trời đó.

• Bạn bị bà chủ chỉ trích và bạn phản ứng lại bằng cách đưa ra những lí lẽ bảo vệ chính mình hoặc thậm chí công kích lại bà ta, tạo ra một tình huống “chiến tranh leo thang” căng thẳng. Cuộc xung đột này sẽ hằn sâu vào trong tâm trí của cả hai người, khiến cả hai đánh mất niềm tin vào nhau.

• Bạn sắp phải đi công tác xa nhà. Trước lúc khởi hành những giọt nước mắt của đứa con yêu quý khiến bạn cảm thấy tội lỗi và tự cho mình là những ông bố (bà mẹ) tồi tệ. Trong suốt cuộc hành trình sau đó, bạn cảm thấy chán nản và thậm chí có cảm giác thất vọng.

• Gặp một đồng nghiệp, bạn chào anh ta, nhưng anh ta lại không chào lại. Sau đó bạn sẽ bắt đầu phàn nàn với mọi người về đồng nghiệp, công việc và công ty của mình. Rất nhanh chóng, bạn có suy nghĩ rằng: “Ở đây, chẳng có ai quan tâm đến mọi người xung quanh cả.”

Người ta thường nổi điên lên vì người khác, vì ách tắc giao thông, hành lý thất lạc, mất việc, chuyến bay bị hoãn, hoặc thậm chí chỉ vì… thời tiết. Bất kì sự cố bên ngoài nào nằm ngoài khả năng kiểm soát của bạn đều có thể biến bạn thành một con tin “bất đắc dĩ”. Nếu như không nhận thức được những tình huống này, liệu có bao nhiêu người trong số chúng ta cam chịu để cho chúng điều khiển? Bạn đã từng cảm thấy khó chịu chỉ vì kì nghỉ của bạn bị hủy bởi thời tiết xấu? Bạn đã bao giờ trải qua tình trạng tính khí thất thường chỉ vì thái độ tiêu cực của người khác? Đã bao giờ bạn hét lên với một người nào đó rằng “Biến đi! Anh đang làm cho tôi phát điên lên đấy.”? Nếu câu trả lời là có thì bạn đang tự biến mình thành một con tin “giả tưởng” rồi đấy.

Tôi đã làm việc với nhiều nhà quản lý có chỉ số thông minh (IQ) cao nhưng trí tuệ cảm xúc (EQ) của họ lại phát triển chưa tương xứng. Họ chỉ quan tâm tới công việc, các con số, những điều vụn vặn mà ít chú ý tới cảm xúc, suy nghĩ cũng như những động cơ thúc đẩy của các cộng sự. Ngay như các thuật ngữ hard facts, the soft stuff (chỉ quan tâm tới kết quả, không quan tâm tới quá trình) thường được sử dụng trong các doanh nghiệp với ngụ ý rằng: dù sao đi chăng nữa thì số liệu vẫn là cái hiển hiện trước mắt trong khi những cảm xúc chỉ là thứ yếu và ít quan trọng hơn. Tôi đã từng chứng kiến nhiều trường hợp trong đó các nhà quản lý hà khắc làm cho nhân viên của mình chịu nhiều vết thương dai dẳng, khổ sở chỉ vì nhu cầu điều khiển cả con người lẫn hoàn cảnh của họ. Và ngược lại, đôi khi chính nhân viên cũng có thể biến ông chủ của mình thành con tin, làm giảm khả năng thành công và khiến công việc trở thành thảm họa.

Tâm lý “mình phải là số một” của nhiều lãnh đạo và các giám đốc có thể đẩy họ tới các tình huống mà thay vì hợp tác, họ lại đi ganh đua với chính nhân viên của mình hoặc với các bộ phận khác. Khi chuyện này xảy ra, vấn đề không được đưa ra bàn bạc một cách minh bạch sẽ khiến xung đột không những không được giải quyết mà còn tạo ra bầu không khí khó chịu, thù địch hoặc thậm chí là sợ hãi.

Người đứng đầu các công ty, xí nghiệp cũng thường hiểu sai vai trò của quyền lực trong việc lãnh đạo. Vì không có đủ khả năng để đối mặt với những mối lo ngại và e sợ cá nhân mà họ thường có khuynh hướng sử dụng quyền lực được hợp thức hóa của mình để quản lý nhân viên. Trong môi trường làm việc, điều này rất dễ dẫn tới khả năng họ đã vô tình biến nhân viên hoặc chính họ thành các con tin để lẩn tránh các cuộc nói chuyện căng thẳng. Trong khi ngược lại, chính những cuộc hội thoại cởi mở, thẳng thắn lại rất cần thiết để gây dựng một môi trường làm việc có thể phát huy tối đa khả năng từng cá nhân và xây dựng một tập thể vững mạnh. Bằng việc tạo ra một bầu không khí tin tưởng trong tổ chức, các lãnh đạo có thể thúc đẩy nhân viên của mình làm việc bằng tất cả tiềm năng của họ. Gạt bỏ qua một bên những ganh đua cá nhân, hướng mọi nỗ lực vào mục đích chung có thể mang lại cho bất kì tổ chức nào, bất kì đội ngũ nào những thành tựu rực rỡ nhất.

Điều trớ trêu là những lãnh đạo học được cách kiểm soát bản năng ganh đua lại nhận ra rằng, nhờ giúp đỡ người khác phát triển mà họ gặt hái được nhiều thành công hơn so với khi chỉ tập trung vào chăm lo sự nghiệp của bản thân mình.

Bộ từ điển American Heritage Dictionary (tái bản lần thứ tư) định nghĩa “con tin là người bị điều khiển bởi mệnh lệnh của người khác.” Tại nơi làm việc, các nhà quản lý cũng như đội ngũ nhân viên đôi lúc có cảm giác sợ hãi của một con tin khi bị mắc kẹt giữa hỏa lực dồn dập của tổng giám đốc, khách hàng và đồng nghiệp. Chẳng hạn, một ông chủ doanh nghiệp vừa phải sa thải 25 nhân viên, có thể bị khống chế bởi chính những cảm xúc của mình và cảm thấy đau đớn vì quyết định bất đắc dĩ đó. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện nay giúp con người có khả năng truy cập trên toàn cầu, chúng ta có thể ngồi một chỗ và điều khiển công việc ở khắp mọi nơi trên thế giới. Điều này có thể khiến công việc xâm nhập vào cuộc sống gia đình và cá nhân của mỗi người, đến mức người ta cảm thấy mình bị công việc bắt làm con tin, từ đó gây ra những vết thương nghiêm trọng người khác và cho chính bản thân mình. Những ông chủ hàng ngày phải đối diện với các nhân viên đã mất động lực làm việc hoặc thường xuyên phải hứng chịu những lời giễu cợt từ các đồng nghiệp sẽ dần dần hình thành cảm giác rằng công việc ông ta đang làm không hề có chút giá trị nào. Kết quả là họ bị biến thành con tin cho lòng thiếu nhiệt huyết của nhân viên và tính hoài nghi của đồng nghiệp.

Trong khi khả năng chúng ta bị một khẩu súng chĩa vào đầu là rất nhỏ, những tình huống chúng ta có cảm giác bị điều khiển, công kích và ép buộc lại xảy ra như cơm bữa trong cuộc sống hàng ngày. Những trường hợp như vậy có thể dẫn tới tình trạng leo thang, cảm giác tiến thoái lưỡng nan và khiến người trong cuộc trở thành con tin tự lúc nào không hay.

Cảm giác con tin thường xuất hiện trong mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau khi cấp trên lợi dụng thái quá sức mạnh, quyền lực hoặc địa vị của mình, còn cấp dưới lại e sợ quá mức. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Tại sao lại có nhiều người cam chịu những hoàn cảnh bất hạnh như vậy? Tại sao họ lại chấp nhận các mối quan hệ ngược đãi với cả các cộng sự trong công việc hay với bạn bè trong cuộc sống? Có rất nhiều lí do giải thích cho vấn đề này, nhưng tựu trung lại, nguyên nhân là họ đã đánh mất khả năng điều khiển trí não của mình trong việc tìm ra những giải pháp khác và sử dụng năng lực của bản thân để thực hiện các giải pháp đó.

ĐIỀU KHIỂN TRÍ NÃO: CHÌA KHÓA CỦA VẤN ĐỀ

Theo nhà thần kinh học Paul MacLean, não bộ con người bao gồm ba phần riêng biệt nhưng được nối liền với nhau: não bò sát (Reptilian Brain), hệ viền hay còn gọi là hệ não rìa hoặc não của động vật có vú (limbic system), và cuối cùng là phần tân vỏ não (neo–cortex).

Ở mức cơ bản nhất, bộ não con người có chức năng điều khiển các hành động tấn công và tự vệ. Cơ chế tấn công hay bỏ chạy được điều khiển bởi não bò sát chứ không phải là phần não bộ sản sinh ra lý trí. Với chức năng kiểm soát các bản năng tồn tại cơ bản của con người như tấn công, tự vệ, cảm giác đói và sợ hãi, não bò sát tập trung vào một mục đích duy nhất: duy trì sự sống sót. Nó vận hành một cách tự động, như một chiếc máy phản hồi lại các tác nhân kích thích của nội tạng. Các phản ứng này được lập trình sẵn, lặp đi lặp lại mà không hề rút kinh nghiệm từ những sai lầm trong quá khứ. Luôn luôn cảnh giác cao độ với các nguy hiểm rình rập của môi trường sống, não bò sát không bao giờ dừng hoạt động ngay cả trong giấc ngủ sâu. Tên gọi “bò sát” bắt nguồn từ việc mô hình giải phẫu cơ bản của nó cũng được tìm thấy ở loài bò sát.

Hệ viền ở não người cũng xuất hiện ở mọi động vật có vú, nó điều khiển suy nghĩ và cảm xúc. Mọi thứ trong hệ này hoặc là đồng ý hoặc là từ chối và những cái còn lại phụ thuộc vào việc lẩn tránh nỗi đau và lặp lại niềm vui thích. Hệ viền là trung khu thần kinh đầu tiên phát sinh cảm xúc, sự chú ý và những kí ức có liên quan tới cảm xúc. Nó hoạt động như một thẩm phán ngồi đối diện với vỏ não, quyết định sự tốt, xấu của ý nghĩ. Hệ viền biểu lộ chính bản thân nó dưới dạng cảm xúc.

Tân vỏ não (neo–cortex) là phần bộ não cũng tồn tại ở những loài khỉ bậc cao như tinh tinh, gorilla và đười ươi nhưng tất nhiên vỏ não người phức tạp hơn rất nhiều. Chính tại đây, chúng ta xử lý các suy nghĩ trừu tượng, ngôn ngữ, kí hiệu, tính logic và cảm nhận thời gian. MacLean coi phần não bộ này là “người mẹ của óc phát minh và người cha của suy nghĩ trừu tượng.” Mặc dù tất cả các loài động vật đều có tân vỏ não, nhưng bộ phận này của chúng tương đối nhỏ và không có nhiều chức năng lắm. Chẳng hạn, một con chuột không có tân vỏ não vẫn có thể hoạt động gần như bình thường, trong khi con người thiếu nó sẽ sống ở trạng thái thực vật. Tân vỏ não được chia thành hai bán cầu: trái và phải, thường được biết đến bằng cái tên: não trái và não phải. Nửa bên trái điều khiển nửa người bên phải và ngược lại. Não trái thiên về lý trí và ngôn ngữ còn não phải lại thiên về cảm nhận không gian và nghệ thuật.

Chúng ta có thể bị bắt làm con tin bởi cơ chế tấn công hay chạy trốn của não bò sát hoặc bởi các cảm xúc phát sinh từ hệ viền. Nếu bị bắt giữ theo cách này, chúng ta sẽ không chống đỡ nổi trước cái mà Daniel Goleman gọi là “cuộc bắt cóc của hạch hạnh nhân.” (Hạch hạnh nhân là một cơ cấu nhỏ của bộ não, một bộ phận của hệ viền; xem thêm chương 8 của cuốn sách này.) Điều này xảy ra khi chúng ta phản ứng thái quá, bốc đồng và hoàn toàn không tự chủ được, gây ra những hậu quả tiêu cực. Tân vỏ não có thể chế ngự những cảm xúc phát sinh từ hai phần não bộ còn lại, từ đó cho phép chúng ta có quyền lựa chọn xem mình có bị bắt giữ làm con tin của những phản ứng vô thức, dễ gây xúc động hay không.

Người Mỹ có một thành ngữ diễn tả ý “giận quá mất khôn” là “going postal”. Nó ám chỉ tình thế khi hệ viền vượt lên làm chủ bộ não, gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Thành ngữ này xuất hiện sau khi một nhân viên bưu điện trở lại nơi làm việc, dùng súng bắn xối xả vào đồng nghiệp. Ngày nay, nó thường được sử dụng để chỉ tình huống khi ai đó đang nổi cơn thịnh nộ. Những sự việc như vậy xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, mặc dù chỉ biểu hiện qua những lời qua tiếng lại và các biểu lộ cảm xúc hơn là những hành động bạo lực. Nếu hoạt động ở mức phản ứng thô của bộ não, chúng ta sẽ đẩy chính mình vào những tình huống mà chúng ta lặp đi lặp lại cùng một phản ứng, hệ quả là phải trải qua cùng một vấn đề nhiều lần. Tuy nhiên, nếu sử dụng tân vỏ não, chúng ta có thể vượt qua được những cảm giác này và có các cách giải quyết tình huống khác nhau. Chúng ta có thể học được cách chế ngự cảm xúc cũng như cách điều tiết cơn bốc đồng của nó. Chẳng hạn, khi hành lý của bạn bị thất lạc ở sân bay, thay vì quát tháo, làm ầm lên ở phòng tìm kiếm hành lý, bạn nên kiểm soát cơn giận dữ của mình rồi hợp tác với người ở bộ phận này để giải quyết vấn đề.

BẤT LỰC: LIỀU THUỐC ĐỘC CHẾT NGƯỜI

Cảm giác bất lực là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy bạn đang ở trong tình trạng của một con tin. Nó đầu độc chúng ta qua cảm giác bị lừa dối, không làm chủ được bản thân, từ đó tạo ra một vòng lẩn quẩn khiến chúng ta liên tục có những suy nghĩ tiêu cực về thực tại.

Sau đây là một vài câu cửa miệng mà một “con tin” hay sử dụng:

• “Tôi không còn lựa chọn nào khác.”

• “Tôi bị mắc lừa.”

• “Tôi cảm thấy thật kinh khủng.”

• “Tôi ghê tởm điều đó.”

• “Dạo này, tôi không còn là chính mình nữa.”

Những từ ngữ như vậy thường xuất hiện trong những cuộc tự sự xuất phát từ thế giới nội tâm của con người. Các cuộc độc thoại này hoặc là biến chúng ta thành con tin hoặc là giúp chúng ta kiểm soát được vấn đề. Cảm giác bị bắt giữ khởi đầu bằng trạng thái tinh thần bị cưỡng ép phải làm những việc chúng ta không hề mong muốn, hệ quả là thái độ tiêu cực xuất hiện. Chúng ta có thể nắm bắt được các độc tố đang đầu độc tâm hồn thông qua việc lắng nghe những từ ngữ chúng ta sử dụng hàng ngày. Trạng thái tâm lý của con tin khiến chúng ta phủ định chính bản thân mình khi liên tục nhắc đi nhắc lại rằng: “Mình không thể làm được bất cứ việc gì đâu, không tự lực được đâu và sẽ chẳng bao giờ nhận được thứ mà mình mong muốn cả.” Nghiên cứu của chuyên gia ngôn ngữ học ứng dụng Robert Schrauf đưa ra một kết luận khá thú vị: ở bất kì môi trường văn hóa và thời đại nào, chúng ta đều có nhiều từ ngữ để diễn tả những cảm xúc tiêu cực hơn là tích cực. Nghiên cứu 37 ngôn ngữ, các nhà nghiên cứu nhận thấy có bảy từ diễn tả cảm xúc có nghĩa tương đương với nhau: thích thú, sợ hãi, tức giận, buồn bã, phẫn nộ, xấu hổ và tội lỗi. Trong số bảy từ này, có duy nhất từ “thích thú” mang nghĩa tích cực. Nghiên cứu này rất đáng được chú ý vì nó giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng của việc tìm những cách tích cực để diễn tả các trải nghiệm cảm xúc. Chính sợi dây liên kết giữa những cuộc tự sự và khả năng quản lý cảm xúc sẽ quyết định xem liệu chúng ta có là con tin hay không.

Những lời qua tiếng lại trong cuộc họp giữa Mary và quản lý James đã khiến cô cảm thấy bối rối trước các đồng nghiệp. Chính vì vậy, Mary đã tìm gặp James để phân trần: “Tôi nghĩ anh đã thực sự đi quá giới hạn khi công kích tôi như vậy.” James ngay lập tức phản bác lại: “Nghe này, tôi chỉ nói lên sự thật mà thôi, còn nếu cô không chấp nhận điều đó, lúc nào cô cũng có thể tách ra khỏi nhóm.”

Phản ứng hung hăng, mang tính tự vệ của James chỉ ra rằng anh ta đang bị bắt làm con tin. Trong hoàn cảnh của James, bạn nên làm gì? Tìm cơ hội nói chuyện trực tiếp nhằm làm rõ khúc mắc của mỗi người. Thể hiện sự nhượng bộ hoặc thậm chí xin lỗi cô gái trẻ. Bạn có thể nói rằng: “Mary, hãy giúp tôi biết được cô không chấp nhận điều gì trong những lời tôi nói?” hoặc “Cô có muốn biết ý định của tôi không?” hoặc “Tôi lấy làm tiếc vì đã nói rằng cô có thể tách khỏi nhóm, đó thực sự là đã đi quá giới hạn rồi.”

Trong những tình huống như vậy, một người lãnh đạo thực thụ sẽ hành động để không làm sứt mẻ mối quan hệ với nhân viên, chế ngự ý định trả đũa bằng cách tập trung vào nhu cầu của nhân viên, tập thể và của chính mình. Một lãnh đạo thành công là người có khả năng giải quyết vấn đề theo cách thức này một cách bản năng, hoàn toàn vô thức. Các nhà quản lý thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng để giải quyết hiệu quả các tình huống như vậy, có thể học được rất nhiều từ kỹ thuật đàm phán con tin.

Như chúng ta đã thấy trong trường hợp của James và Mary, nếu ai đó khiến chúng ta phải phản ứng trong khi không điều khiển được bản thân thì chúng ta rất dễ trở thành một con tin “giả tưởng”. Mối quan hệ xã hội bị sứt mẻ sẽ kéo chúng ta vào một chuỗi các phản ứng tiêu cực, có thể dẫn tới thái độ hoài nghi và tự tách khỏi mối đoàn kết tập thể. Cuối cùng, các trạng thái tiêu cực này làm chúng ta không hiểu nổi bản thân vì chúng cắt đứt các mối liên hệ xã hội và ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất qua nhiều con đường khác nhau.

Vì vậy, chúng ta cần phải duy trì cảm giác tự kiểm soát thông qua việc luôn làm chủ trạng thái tinh thần cũng như những từ ngữ chúng ta sử dụng. Đây chính là phương pháp được các nhà đàm phán con tin sử dụng thành công. Khó khăn mà chúng ta cần vượt qua là vừa phải hành động đúng đắn vừa phải thể hiện hành động một cách tự nhiên. Ví dụ sau đây sẽ chỉ ra tầm quan trọng của trạng thái tinh thần khi chúng ta kiểm soát được tình huống.

Bạn đang đi bộ trên đường, bất chợt một người đàn ông lạ mặt tiến tới từ phía sau, chĩa súng vào đầu bạn: “Tao sẽ giết mày.” Về mặt hình thức mà nói, rõ ràng là bạn đã bị bắt làm con tin, nhưng bạn vẫn chưa xuất hiện cảm giác này bởi vì bạn vẫn có thể suy nghĩ, nói và hít thở. Bạn có thể hỏi kẻ đang bắt giữ mình rằng: “Làm ơn hãy cất khẩu súng của anh đi, tôi sẽ làm theo yêu cầu của anh.” Nếu câu trả lời của hắn là: “Còn lâu, tao sẽ giết mày ngay lập tức.” Bạn sẽ thay đổi mục tiêu bằng một câu hỏi khác: “Làm ơn, tôi xin anh năm phút thôi, hãy nói cho tôi biết anh muốn gì? Tôi là George, tôi còn bốn đứa con thơ dại ở nhà.” Khẩu súng vẫn chưa hạ xuống. “Không đời nào, tao sẽ giết mày ngay bây giờ.” Quyết không từ bỏ, bạn nói với hắn: “Vậy thì bốn phút thôi. Tôi thực sự muốn giúp anh thực hiện điều anh muốn.” Nhưng câu trả lời mà bạn nhận được vẫn là: “Không bao giờ, tao sẽ giết mày ngay đây.”

Khi tôi kể câu chuyện này cho mọi người và hỏi họ rằng liệu đây có phải là một cuộc thương lượng tốt hay không, hầu hết đều trả lời là không. Nhưng thực ra, người bị bắt làm con tin trong câu chuyện trên đã đàm phán thành công. Tại sao lại như vậy? Bởi vì bạn vẫn còn sống! Kiểm soát tinh thần, quản lý cảm xúc và sử dụng lời nói (để đặt câu hỏi và tìm kiếm giải pháp) là tất cả những gì mà một người đàm phán giải phóng con tin có thể làm. “Làm ơn hãy cho tôi ba phút?” “Không.” “Vậy hãy cho tôi hai phút thôi cũng được.” “Được rồi, ông bạn, ông có 30 giây.” Trong 30 giây đó, bạn có thể xây dựng được mối liên kết tốt hơn đồng thời tiến hành một cuộc đối thoại mà bạn chưa bao giờ làm trong đời. Nếu tinh ý, bạn có thể thấy rằng, những câu trả lời “không bao giờ” hay “không đời nào” của kẻ bắt cóc mang hàm ý nhượng bộ và phải được xem xét bằng trạng thái tinh thần tích cực. Như chúng ta sẽ thấy ở chương 7, nhượng bộ là yếu tố cơ bản của quá trình gây dựng và duy trì liên kết. Nếu chúng ta có thể đo được huyết áp và mức độ kích động của kẻ bắt cóc, chúng ta sẽ quan sát thấy rằng các chỉ số này giảm dần sau mỗi lần nhượng bộ. Lẽ dĩ nhiên, nếu có cơ hội trốn thoát, hãy ngay lập tức nắm lấy nó. Còn nếu không, bạn phải đánh cược mạng sống của mình vào lời nói. Những nhà đàm phán chuyên nghiệp thường sử dụng các câu hỏi để tìm ra động cơ của kẻ bắt cóc cũng như định hướng, dẫn dắt cuộc đối thoại.

Khoảng 2.500 năm về trước, Lão Tử, triết gia nổi tiếng người Trung Quốc đã viết rằng: “Vấn đề lớn nhất trong trời đất này là con người ta nhận thấy bản thân bất lực.” Các con tin thường có cảm giác tiêu cực, bị đặt bẫy, lực bất tòng tâm, bị chia rẽ và không có khả năng tác động hay thuyết phục người khác. Các trạng thái này sẽ không dễ dàng buông tha con tin, nó đầu độc tâm trí, cảm xúc, làm vẩn đục cả tâm hồn lẫn thể xác. Nguy hại hơn, nó còn dẫn tới thái độ phẫn uất, cay đắng vì những mất mát thương tâm như mất đi người thân, ly dị, mất việc hoặc thậm chí vì những chuyện cỏn con như phải chuyển văn phòng, to tiếng với hàng xóm do tiếng ồn, hoặc sự bất hòa giữa hai vợ chồng chỉ vì các công việc lặt vặt trong nhà.

Thật đáng buồn khi cuộc sống hàng ngày của rất nhiều người đang bị bao phủ bởi trạng thái tâm lý tiêu cực. Khi xảy ra, đám mây này sẽ dần hình thành, ngưng tụ và đầu độc tâm hồn cho đến khi các phản ứng có xu hướng không còn tỷ lệ với chính các biến cố hiện tại.

Theo hai nhà tâm lý học Martin Seligman và Steven Sauter, trong những lúc thần kinh căng thẳng, nếu chúng ta càng cảm thấy mất kiểm soát thì tổn thương càng trầm trọng. Những ai có cảm giác của một con tin sẽ có thể biểu hiện cái mà Seligman gọi là “thái độ bất lực qua học hỏi.” Đây là đặc điểm của người không còn cảm giác tự chủ, hay nói cách khác, họ thiếu cảm giác về kiểm soát thực tại.

Trong nghiên cứu về mối quan hệ giữa sự sợ hãi và quá trình học hỏi, Seligman tình cờ khám phá ra một hiện tượng nằm ngoài dự kiến khi thực hiện những thí nghiệm trên chó bằng cách sử dụng phương pháp của Pavlov (điều kiện hóa cổ điển). Nhà sinh lý học người Nga Ivan Pavlov đã phát hiện ra rằng khi đặt thức ăn trước mặt chó, chúng sẽ chảy nước dãi. Sau đó, ông nhận thấy rằng nếu lặp đi lặp lại việc rung chuông trước khi cho chó ăn thì dần dần khi rung chuông chúng sẽ chảy nước dãi thậm chí ngay cả lúc không có thức ăn trước mặt. Chúng đã học được cách liên hệ tiếng chuông với thức ăn.

Trong thí nghiệm của Seligman, thay vì sử dụng tiếng chuông để liên hệ với thức ăn, ông bố trí tiếng chuông với việc làm sốc vô hại khi nhốt con chó vào một chiếc võng trong suốt quá trình “học tập” của nó. Sau khi đã học được mối liên hệ, con chó sẽ cảm thấy sợ hãi mỗi khi nghe thấy tiếng chuông, sau đó bỏ chạy hoặc biểu hiện các hành vi lẩn trốn khác. Seligman bèn nhốt con chó “đã hình thành phản xạ có điều kiện” vào trong một chiếc lồng được chia ra làm hai ngăn bởi một vách ngăn thấp. Con chó có thể dễ dàng phát hiện thấy cái vách ngăn và nhảy qua nếu chúng muốn. Tiếng chuông rung lên, Seligman thực sự ngạc nhiên khi con chó không có phản ứng gì. Ông ta tiếp tục lặp lại thí nghiệm này nhiều lần khác nữa nhưng kết quả vẫn không hề thay đổi. Con chó vẫn nằm im trong lồng. Sau đó, khi Seligman thực hiện thí nghiệm trên một con chó chưa hình thành phản xạ với tiếng chuông, thì đúng như dự liệu, ngay lập tức nó nhảy qua ngăn lồng bên kia. Điều mà con chó đã hình thành phản xạ học được là khi ở trong tình trạng bị gây sốc, chạy trốn là vô ích. Vì vậy, nó đã không tìm cách chạy trốn ngay cả trong những tình huống mà nó có thể làm vậy. Con chó đã học được cách để trở nên bất lực và thụ động – hay nói cách khác, nó đã học được cách để trở thành một con tin.

Lý thuyết về sự bất lực qua học hỏi sau đó đã được mở rộng ra để áp dụng cho hành vi của con người. Nó cung cấp một mô hình để giải thích tâm trạng phiền muộn, một trạng thái cảm xúc biểu hiện qua việc mất kiểm soát, thờ ơ và thiếu cảm giác. Người ta đã khám phá ra rằng những người hay chán nản, thất vọng học được cách để trở nên bất lực và từ đó, họ tin rằng cho dù họ có cố vùng vẫy thì cũng không mang lại kết quả gì. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra phương pháp chữa trị cho những người như vậy. Họ cũng tìm được các trường hợp ngoại lệ – những người không hề cảm thấy phiền muộn dù phải trải qua nhiều phen sóng gió. Nghiên cứu của Seligman cũng chỉ ra rằng một người trong trạng thái lo âu, chán nản thường nghĩ về các biến cố tiêu cực theo cách bi quan hơn so với người đang vui vẻ, yêu đời.

Những người phó mặc cho suy nghĩ của mình trôi theo hướng tiêu cực gần như sẽ cảm thấy hoàn cảnh của họ bi đát hơn những người có trạng thái tinh thần tích cực. Thật không may khi rất nhiều người trong số chúng ta cam chịu làm con tin cho sự tiêu cực của chính mình, giống những chú chó của Seligman phải chịu đựng nỗi đau đớn dai dẳng, mà không nhận thức được rằng chúng ta có khả năng thay đổi tình hình ngay cả khi có một khẩu súng đặt kề bên cổ. Có những người bị giữ làm con tin với một khẩu súng chĩa thẳng vào đầu vẫn có thể bình tĩnh đối đáp, suy nghĩ và hành động. Tuy vậy, cũng có không ít người chẳng bị đe dọa bởi khẩu súng nào cả nhưng vẫn cảm thấy bị bắt giữ bởi ông chủ, đồng nghiệp, vợ (chồng), bạn bè và những người có quyền lực áp chế họ.

HỘI CHỨNG STOCKHOLM VÀ TRẠNG THÁI TÂM LÝ CON TIN

Thuật ngữ con tin thường tạo ra mối liên tưởng với các hành động bạo lực khi một người hay một nhóm người, thường được xem như những kẻ khủng bố, áp chế người khác hoặc nhóm người khác và bắt giữ họ làm tù nhân nhằm đạt được lợi ích nào đó. Câu chuyện dưới đây kể lại một sự việc bất thường xảy ra giữa con tin và kẻ bắt cóc khi giữa họ hình thành một mối liên hệ về cảm xúc.

Tháng 4 năm 2005, cảnh sát đã bắt được tên giết người Randotf Dial, kẻ đã bắt cóc cô Bobbi Parker trong một cuộc vượt ngục khỏi nhà tù ở Oklahoma và đã sống với cô 11 năm sau đó. Tại thời điểm bị bắt làm con tin, hai con gái của Bobbi mới lên tám và mười tuổi, còn chồng của cô là phụ tá cai ngục của nhà tù. Dial từng khai rằng: “Tôi đã phải mất một năm trời cố gắng giữ cho tinh thần của cô ta bình tĩnh trở lại. Tôi đã thuyết phục cô ta rằng bạn cũng là thù mà thù cũng là bạn.” Các điều tra viên tin rằng Dial đã ngăn trở Parker trốn thoát bằng cách đe dọa sẽ làm tổn hại đến người thân trong gia đình của cô. Bobbi không hề bị còng tay hay xích chân. Trong thực tế thậm chí có lúc cô còn có thể lái xe đi một mình. Bobbi đã bị bắt giữ bởi chính nỗi sợ hãi và cảm giác bất lực của mình để bảo vệ an toàn cho gia đình. Sợi dây kết nối vô hình kỳ lạ này có thể xuất hiện khi chúng ta gặp một cú sốc khủng khiếp như lo sợ bản thân mình hoặc người thân bị sát hại.

Những suy nghĩ tích cực đối với kẻ bắt cóc có thể hình thành một cách tự phát và hoàn toàn vô thức; đây được gọi là hội chứng Stockholm, một điều kiện giúp con tin hình thành cảm tình dẫn tới sự gắn bó chặt chẽ với kẻ bắt cóc. Các con tin trong trường hợp này thậm chí còn cảm thấy chính kẻ bắt cóc đang bảo vệ họ chống lại nhà chức trách. Đây là nỗ lực cuối cùng của con tin nhằm giữ lại mạng sống của mình.

Ngày 23 tháng 8 năm 1973, hai tên cướp có trang bị súng máy đã đột nhập vào một ngân hàng ở Stockholm, Thụy Điển. Khi bị dồn vào đường cùng, chúng đã bắt cóc bốn người, trong đó có ba phụ nữ và một đàn ông trong vòng 131 tiếng đồng hồ. Các con tin bị trói cùng thuốc nổ và bị giam giữ dưới mái vòm của nhà băng cho tới khi được giải thoát vào ngày 28 tháng 8. Trong suốt năm ngày diễn ra cuộc bao vây, các cơ quan chức năng đã lo sợ trước sự chống đối ngày càng tăng của các con tin đối với lực lượng an ninh. Những người bị bắt giữ dần dần cảm thấy chính nhóm bắt cóc đang bảo vệ họ chống lại cảnh sát. Sau khi được thả tự do, họ vẫn tiếp tục tỏ thái độ chỉ trích gay gắt lực lượng giải phóng con tin mà trên thực tế chính những kẻ bắt cóc mới là người lợi dụng, đe dọa tới mạng sống của họ. Các bài phỏng vấn được thực hiện sau đó cho thấy rằng những người bị bắt cóc đã trợ giúp những kẻ đã uy hiếp mình đồng thời rất lo sợ giới chức trách, những người đã tới để giải cứu họ. Một phụ nữ sau này còn hứa hôn với một người trong nhóm bắt cóc, người khác thì gây quỹ ủng hộ. Rõ ràng, các con tin đã có có mối quan hệ về mặt tình cảm với kẻ bắt cóc.

Có lẽ, trường hợp mắc hội chứng Stockholm được nhiều người biết tới nhất là trường hợp của cô Patty Hearst. Cô gái được thừa kế một gia tài hàng triệu đô la này bị lực lượng giải phóng Symbionese (SLA), một phong trào du kích tự phát ở Mỹ đấu tranh cho các quyền bình đẳng xã hội, bắt cóc vào tháng 2 năm 1974. Patty nhanh chóng gia nhập vào tổ chức này đồng thời còn cùng chúng thực hiện nhiều vụ cướp ngân hàng. Sau khi bị bắt và ở tù một thời gian, cô được phóng thích khi giới chức trách đã có những hiểu biết rõ hơn về hội chứng này.

Hội chứng Stockholm là một trong những hiện tượng thú vị nhất về hành vi gắn bó và liên kết của con người. Đây là cơ chế sinh tồn khiến con tin trong trạng thái hoảng loạn về cảm xúc vì phải đối diện với tử thần, bắt đầu nảy sinh cảm giác biết ơn vì vẫn được sống sót. Thêm nữa, sự biết ơn này càng trở nên sâu sắc hơn khi con tin được cung cấp thức ăn, nước uống, được phép đi lại trong phòng hay vào nhà vệ sinh. Tất cả những “đặc ân” này đã góp phần củng cố thêm mối quan hệ giữa đôi bên. Kẻ thù trước mặt bỗng chốc trở thành đồng minh. Những cuộc nói chuyện hay trao đổi xa hơn khiến con tin hiểu được động cơ của kẻ bắt cóc, từ đó họ có thể tham gia vào hành động với chúng như ta đã thấy trong trường hợp của Patty Hearst.

Tuy nhiên, không phải con tin nào cũng mắc hội chứng Stockholm, nguyên nhân hoặc là do kẻ bắt cóc, hoặc do con tin từ chối liên kết. Như đã đề cập ở trên, liên kết với kẻ bắt cóc là một chiến lược tốt để sống sót cho đến thời điểm thích hợp khi đã trốn thoát hoặc được giải cứu, đó cũng là lúc liên kết bị phá vỡ. Tuy nhiên, đối với một số con tin thì điều này nói dễ hơn làm, mất sợi dây liên kết với kẻ bắt cóc khiến họ cảm thấy đau đớn và không thể quay trở lại với cuộc sống bình thường.

Gần đây, một kẻ cướp ngân hàng trong khi bắt giữ các khách hàng làm con tin đã bị bắn hạ bởi một xạ thủ của cảnh sát. Khi hắn gục ngã xuống sàn nhà, hai phụ nữ trong số các con tin đã kéo hắn lên và lôi ra ngoài cửa để hắn hứng chịu loạt đạn khác. Về bản chất, một số người dường như miễn dịch với “cảm giác con tin” vì họ sở hữu tính cách mạnh mẽ, quyết không đầu hàng kẻ bắt cóc hoặc nếu không thì cũng có thể ngay lập tức lấy lại được sức mạnh của mình khi đã an toàn. Điểm quan trọng cần nhớ trong các tình huống kiểu này là cần có một mục đích. Bạn mong muốn điều gì? Bạn muốn đi tới đâu? Hãy xác định rõ mục tiêu và hành động theo lối tận dụng tối đa cơ hội để đạt được thành công. Trong các tình huống bị bắt làm con tin, mục đích luôn là nhân tố sống còn và chiến lược tốt nhất để đạt được mục đích là hình thành liên kết.

Trong một vài tình huống, sự kháng cự có thể gây ra một vòng luẩn quẩn mà kết cục thì chẳng mấy khi tốt đẹp. Sự kiện xảy ra tại Waco, Texas là một ví dụ minh chứng cho việc phản ứng cực đoan là nguyên nhân dẫn đến những tấn bi kịch.

Tháng 2 năm 1993, hơn 70 đặc vụ của Bureau of Alcohol, Tobacco Firearms and Explosives (ATF) – cơ quan chuyên kiểm soát rượu, thuốc lá, súng đạn và bom mìn đã tấn công ồ ạt Branch Davidians, một nhóm tôn giáo được lãnh đạo bởi giáo chủ David Koresh. ATF nghi ngờ giáo phái này có tàng trữ một lượng lớn vũ khí hạng nặng cũng như chất nổ. Theo các báo cáo, khi lực lượng của ATF thực hiện lệnh bắt giữ tại giáo đường của Davidians đặt tại Waco, cuộc đấu súng gần như đã xảy ra ngay lập tức dẫn tới cái chết của bốn nhân viên ATF và sáu tín đồ Branch Davidians. FBI nhảy vào cuộc và một cuộc vây hãm dai dẳng diễn ra. Suốt hơn 50 ngày đêm, FBI đã cố gắng thuyết phục Davidians đầu hàng. Tấn thảm kịch kết thúc vào ngày 19 tháng 4 khi một xe tăng và các phương tiện bọc thép của FBI tiến đến phun hơi cay vào tòa nhà của Davidians suốt mấy tiếng đồng hồ. Ngay sau buổi trưa, cả tòa nhà đã ngập trong biển lửa. Tới cuối ngày, hơn 70 người bị thiệt mạng, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em.

Chúng ta có thể rút ra nhiều bài học về trạng thái tâm lý của con tin từ tấn thảm kịch này. Liệu có phải sự hi sinh của bốn nhân viên ATF trong cuộc đấu súng đầu tiên cùng với tất cả lòng tiếc thương họ là nguyên nhân phát động cuộc tấn công vào trụ sở ở Waco? Nếu người ta có khả năng chế ngự được cơn giận dữ cũng như các phản ứng bản năng thì có thể nào cả ATF và FBI sẽ kiên nhẫn tiếp tục đàm phán và tiến tới một giải pháp hòa bình cho đôi bên hay không? Các cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ hiện vẫn chưa cho phép chúng ta làm sáng tỏ những nghi vấn này.

Jack Harwell, trưởng cảnh sát quận, người đã có mối tâm giao nhiều năm với David Koresh, từng phát biểu rằng: “Tôi đã có thể có phương pháp giải quyết khác. Tôi nghĩ nếu được tôi đề nghị, ông ấy [Koresh] sẽ tới gặp tôi để trao đổi. Sau đó tôi sẽ khuyên ông ấy nên quay trở lại giáo đường để thực thi lệnh bắt giữ. Họ coi nơi ấy chính là quê hương của mình vậy.” Cảnh sát trưởng Jack Harwell đã bị gạt ra một bên và hầu như không được tham gia vào bất cứ quyết định nào từ lúc bắt đầu vụ vây bắt cho đến lúc nó kết thúc. Liệu mối liên hệ giữa ông ấy và David Koresh có thể tạo ra một kết cục khác?

Sự kiện này chứa đựng những bài học mà chúng ta có thể áp dụng vào giới doanh nghiệp. Khi xảy ra sự tranh chấp giữa các phòng, ban hay sự bất đồng ý kiến giữa các đồng nghiệp, đối thoại thường là giải pháp hữu hiệu nhất giúp tổ chức thoát khỏi tình thế bế tắc.

TẠO DỰNG LIÊN KẾT: PHƯƠNG THUỐC GIẢI ĐỘC

Những gì tôi học được từ kinh nghiệm của một nhà đàm phán giải phóng con tin là không có lý do gì khiến chúng ta, những thực thể, phải cảm thấy bất lực trong cuộc sống hàng ngày – và rằng liên kết chính là phương thuốc giải độc cho tình thế tiến thoái lưỡng nan của con tin.

Sáng sớm thứ Bảy, ngày 12 tháng 3 năm 2005, tại Atlanta, bang Georgia, Ashley Smith đã bị Brian Nichols bắt cóc tại nhà riêng. Một ngày trước đó, Nichols đã nổ súng và giết hại bốn người trong một phiên tòa bao gồm quan tòa, viên phó cảnh sát trưởng quận, người viết biên bản tại tòa và sau đó là một nhân viên an ninh liên bang khác. Ashley đã xoay xở để trốn thoát một cách bình yên vô sự. Vậy cô ấy đã vượt qua khó khăn này như thế nào? Smith đã tạo ra liên kết với Nichols. Ban đầu, Nichols trói Smith và bịt miệng cô lại. Gã đã nói với cô rằng: “Tôi không muốn làm cô bị đau. Cô biết đấy, có thể đã có người nghe thấy tiếng kêu của cô. Và nếu đúng như vậy, cảnh sát sẽ tới đây và tôi phải bắt cô làm con tin. Như thế, tôi có thể sẽ phải giết cô cùng nhiều người khác nữa trước khi tự kết liễu. Tôi thật sự không hề muốn chuyện đó xảy ra.” Sau này, trong cuốn sách Unlikely Angel của mình, Smith tiết lộ cô đã đưa cho hắn methamphetamine1trong khi hắn muốn có marijuana2. Thông tin này không thể phủ nhận một thực tế rõ ràng rằng chính sự kết nối mới là chìa khóa giữ lại mạng sống của cô.

Smith cho biết, trong suốt giai đoạn cam go đó, cô đã nhẹ nhàng trò chuyện với Nichols, và từ chỗ là con tin cô đã dần dần trở thành bạn tâm tình của hắn khi cả hai cùng nhau bàn luận về Chúa, gia đình, bánh kếp, về những cuộc truy bắt tội phạm ồ ạt đang diễn ra bên ngoài ngôi nhà của cô. Họ thậm chí còn cùng nhau xem bản tin nói về cuộc thảm sát do Nichols gây ra. Sau đó, cô còn đọc cho hắn nghe một đoạn trích trong cuốn sách The Purpose–Driven Life (tạm dịch: Sống theo mục đích) của linh mục Rich Warren, từ đó giúp hắn xác định được đâu là đích đến thực sự của cuộc đời hắn.

Trong các bản tin được phát đi sau khi sự việc này kết thúc, Smith giải thích rằng cô đã kể cho Nichols nghe về con gái của mình, và hắn cũng kể về đứa con trai vừa mới chào đời vào đêm hôm trước, từ đó đã xuất hiện một mối liên hệ giữa hai người. Chồng của Smith đã mất cách đây bốn năm, và cô nói với hắn nếu hắn giết cô, đứa con bé bỏng của cô sẽ mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Khi Nichols bày tỏ cuộc sống đối với hắn coi như đã chấm dứt, Smith đã cố gắng thuyết phục hắn rằng hắn sống tới bây giờ đã là một điều “kì diệu”. Màn đêm lặng lẽ trôi qua kéo theo những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt Nichols, hắn cởi trói cho cô. Và tới buổi sáng hôm sau, Nichols đã hoàn toàn bị lấn át khi Smith làm cho hắn những chiếc bánh kếp bằng thứ bơ hảo hạng. Hắn nói với cô rằng hắn chỉ mong có một cuộc sống bình dị. Họ tiếp tục cuộc nói chuyện có sức cảm hóa mạnh mẽ và tạo ra một sự liên kết chặt đến nỗi, trong thực tế, hắn đã không hề làm hại tới Smith và còn để cô đi gặp mặt con gái. “Cho tôi gửi lời chào tới con gái của cô” là những lời cuối cùng mà hắn nói với Smith.

Sau này, cảnh sát đã bình luận rằng Smith đã hành động rất bình tĩnh và tỉnh táo, những trường hợp như vậy rất hiếm khi xảy ra trong sự nghiệp truy bắt tội phạm của họ. “Chúng tôi đã chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất xảy ra và nhận được một kết quả không thể tốt hơn,” Darrent Moloney, nhân viên cảnh sát quận Gwinnett, cho biết.

1 Một loại ma túy tổng hợp, ở Việt Nam được gọi là hồng phiến.

2 Hay còn gọi là cần sa, một loại thuốc phiện nhẹ hơn ma túy tổng hợp nhiều lần)

Như chúng ta sẽ xem xét kĩ hơn trong chương 3, hình thành liên kết trong các tình huống bị bắt làm con tin là khả năng tạo ra một sự liên hệ về cảm xúc, ngay cả với những con người khó tính và nguy hiểm, nhằm tìm kiếm giải pháp cho các bất đồng. Ý tưởng cơ bản của việc này là gây dựng một mối quan hệ giúp chúng ta hiểu rõ những nhu cầu và mong muốn của người khác đồng thời duy trì nó bất chấp các cảm xúc bên trong đang thôi thúc chúng ta tấn công hay bỏ chạy.

Đối với các nhà lãnh đạo, các nhóm cũng như các tổ chức thì hình thành liên kết là đặc biệt quan trọng. Trái tim của mọi tổ chức khỏe khoắn đều nằm ở cường độ liên kết giữa các nhân viên với nhau và giữa nhân viên với các mục tiêu của tổ chức. Cường độ này có thể được đánh giá qua mức độ tham gia và các mối quan hệ cảm xúc của nhân viên. Dù là một gia đình, một câu lạc bộ hay một công ty thì sự gắn bó của các thành viên với nhau và với mục tiêu chung sẽ tạo ra bầu không khí làm việc thoải mái, hăng hái và tràn đầy sinh khí. Bầu không khí này giúp cho từng thành viên cảm thấy an toàn, mạnh dạn bày tỏ ý kiến và giúp tập thể giải quyết được mọi mâu thuẫn, dù là gay gắt trong nội bộ.

Khi suy nghĩ bằng tinh thần của con tin, chúng ta tin rằng tất cả những gì chúng ta làm đều chịu sự tác động của ngoại cảnh: từ việc phải nghỉ việc, chuyển nhà đến từ chức. Sức cám dỗ của “chạy trốn” có liên hệ trực tiếp tới sự hoạt động của não bộ. Bởi vì chúng ta được “lập trình” để sống sót nên về cơ bản, chúng ta luôn đi mò mẫm các mối hiểm nguy và chú ý tới những gì khiến chúng ta kinh động và sợ hãi. Hình thành liên kết thường là quá trình phản lại trực giác, đòi hỏi chúng ta phải tập trung vào nhu cầu của người khác cũng như các mong muốn của bản thân – điều này cho phép người khác tác động lên chúng ta, và ngược lại, giúp chúng ta suy đoán được phản ứng của họ.

Liên kết có sức mạnh lớn lao bởi vì nó cá nhân hóa mối quan hệ, qua đó hút hết chất độc ra khỏi quá trình. Câu chuyện về tổng thống Nam Phi Nelson Mandela dưới đây sẽ cho chúng ta thấy rõ sức mạnh này.

Ở độ tuổi 46, Nelson Mandela bị kết án tù chung thân và bị giam trong xà lim suốt 26 năm liền. Bạn hãy thử hình dung xem ông ấy sẽ dễ nổi giận và cảm thấy cay đắng như thế nào. Mandela không thể thay đổi được tình thế và tất cả những gì ông ấy có thể làm là cam chịu với thân phận của một con tin. Nhưng không phải như vậy, ông luôn giữ thái độ lạc quan và hướng về những điều tốt đẹp, thậm chí vị cựu tổng thống Nam Phi này còn học tiếng Afrikaans1– ngôn ngữ của những người gác ngục nhờ đó ông có thể giao tiếp với họ và dễ dàng tạo ra những cuộc trò chuyện. Mandela coi quãng thời gian bị nhốt trong tù là một cơ hội để ông có thể tập dượt và chuẩn bị cho công cuộc giải phóng Nam Phi thoát khỏi sự thống trị của chủ nghĩa Apacthai. Liệu có bao nhiêu người trong số chúng ta có thể sử dụng 26 năm trong tù và coi nó như một sự tập dượt? Thể xác của Mandela có thể là một con tin trong tù nhưng tâm hồn của ông thì lại đang tự do đâu đó ngoài xà lim.

Trong thời gian bị tù đày, Mandela đã nhiều lần từ chối lời đề nghị sẽ được giảm án nếu như ông chấp nhận chính sách “homeland”2 của chính phủ Nam Phi và công nhận nền độc lập của Transkei, nơi ông cất tiếng khóc chào đời. Trong những năm 1980, Mandela lại một lần nữa khước từ lời gợi ý sẽ được trả tự do với điều kiện ông phải từ bỏ các hành động vũ trang. Để cự tuyệt, ông đã nói rằng: “Tù nhân không thể kí các cam kết. Chỉ những người tự do mới có thể đàm phán.”

Một sự kiện đáng chú ý đã xảy ra không lâu sau khi Mandela được thả tự do vào Chủ nhật, ngày 11 tháng 2 năm 1990, khi ông và những người ủng hộ đã đồng ý ngừng thực hiện các cuộc đấu tranh vũ trang. Các tài liệu đã tiết lộ rằng một vài lính cai ngục đã khóc khi ông được phóng thích. Mandela được tấn phong với tư cách là tổng thống Cộng hòa Nam Phi đầu tiên đắc cử trong một cuộc bầu cử dân chủ vào ngày mùng 10 tháng 5 năm 1994.

1 Tiếng Hà Lan được những người Nam Phi da trắng sử dụng

2 Chính sách Homeland là một cột trụ quan trọng của chủ nghĩa Apathai. Theo đó, mỗi nhóm người phi khác nhau sinh sống trên một vùng đất khác nhau gọi là “homeland”. Mỗi “homeland” này là một nhà nước độc lập với chính phủ và bộ máy cai trị riêng biệt, chịu sự quản lý chung của chính phủ Nam Phi

TÓM TẮT

Chúng ta có thể bị chính bản thân mình hoặc những người khác bắt làm con tin ở bất kì thời điểm nào và bất kì nơi đâu. Thật may mắn khi hầu hết chúng ta không bị bắt cóc bởi những kẻ có vũ khí trong tay. Tuy nhiên, chúng ta lại có thể trở thành con tin khi đánh mất đi sức mạnh của bản thân và tự cho phép mình có cảm giác bị mắc bẫy, bất lực. Cho dù hoàn cảnh đẩy chúng ta vào tình thế của con tin có thể nhỏ “bằng con kiến” như bị đồng nghiệp chỉ trích hay lớn động trời như có cuộc đấu tranh không khoan nhượng với cấp trên, thì chúng ta đều gặp vô vàn khó khăn trong việc giải quyết vấn đề theo chiều hướng tích cực.

Tính tiêu cực xuất phát từ sự bất lực là liều thuốc độc làm hại tâm hồn. Con người ta có thể dần dần tiếp thu được cảm giác bất khả kháng qua các phản ứng lặp đi lặp lại đối với cùng một vấn đề. Chúng ta tự kỉ ám thị rằng “mọi hành động đều vô vọng và không mang lại kết quả gì”, vì vậy chúng ta sẽ từ bỏ và rơi vào cảm giác của con tin. Phương thuốc giải độc cho “chứng bệnh” này là mối liên kết về mặt cảm xúc. Bằng cách kết nối với mọi người cũng như các mục tiêu, chúng ta có thể tạo ra những mối ràng buộc giúp chúng ta cảm thấy mạnh mẽ và tự tin hơn. Liên kết là cơ chế sinh tồn của loài người. Nhờ có liên kết, cuộc sống của chúng ta trọn vẹn và phong phú hơn.

Hãy khắc cốt ghi tâm rằng chúng ta luôn có cơ hội lựa chọn trong cách suy nghĩ, cảm nhận và hành động. Đời thay đổi khi trạng thái tâm hồn chúng ta thay đổi. Học cách không để bị rơi vào tình trạng con tin cho chính mình và người khác giúp chúng ta quản lý cuộc sống mà không nhất thiết phải thay đổi môi trường xung quanh. Nếu chỉ mải miết tìm kiếm sự thỏa mãn ở bên ngoài, chúng ta sẽ chỉ tìm thấy cảm giác hài lòng phù du. Để cuộc sống thực sự thay đổi, chúng ta phải nhìn sâu vào bản thân mình. Khi chúng ta quyết định lựa chọn sẽ hợp tác hay thậm chí là nhượng bộ, thỏa hiệp, chúng ta sẽ không ở trong vị thế của kẻ bị bắt cóc. Nếu nhận thức được rằng trong bất kì hoàn cảnh nào chúng ta đều có quyền lựa chọn thì chúng ta sẽ nhìn nhận hoàn cảnh đó theo chiều hướng tích cực hơn.

Chúng ta có thể chọn cách sống mà trong tất cả các mối quan hệ, chúng ta không bị lệ thuộc và làm con tin cho bất kì ai hay bất cứ điều gì. Liệu điều này có đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ không phải đối mặt với thử thách cũng như không phải chịu đựng những nỗi thất vọng? Không hoàn toàn như vậy, tự do không có nghĩa là sống tách biệt – con người vẫn cần thể hiện sự nhượng bộ với cấp trên, khách hàng, vợ (chồng), bạn bè; nhưng sự nhượng bộ đó bắt nguồn từ trạng thái tích cực chứ không phải tiêu cực cùng với lối suy nghĩ của một kẻ bất lực.

Qua thực tiễn, chúng ta có thể nhận ra rằng nếu tác động trở lại theo lối công kích hoặc tự vệ thì hậu quả là hoặc chúng ta sẽ bị bắt làm con tin hoặc chúng ta bắt người khác làm con tin. Do vậy, chúng ta phải lựa chọn phương pháp phản ứng, cần tập trung tinh thần vào từng lời nói, từng tác động qua lại với người khác.

Nếu chúng ta có khả năng nhận biết được những phản ứng xúc động luôn lặp đi lặp lại một cách vô thức thì chúng ta có thể chặn đứng được tình trạng thiếu tự chủ của bản thân. Bằng cách thấu hiểu chính mình cũng như lối vận hành của trí óc, chúng ta có thể học được cách giải phóng bản thân khỏi những mối ràng buộc tinh thần và đưa ra những quyết định đúng đắn. Những bài học này cũng có giá trị tương đương đối với bất kì tổ chức, doanh nghiệp, trường học hay nhóm người nào. Bằng cách khuyến khích, giúp đỡ mọi người xung quanh cùng thoát khỏi tình trạng bất lực của con tin, chúng ta có thể kiểm soát tất cả các khía cạnh của cuộc sống một cách hiệu quả hơn.

Những điểm chính cần ghi nhớ

1. Các trạng thái tâm lý của con tin bao gồm: cảm giác bị mắc bẫy, không nơi nương tựa, bất lực, bị cách ly, không có khả năng thuyết phục và tạo ảnh hưởng lên người khác.

2. Não bộ của con người được lập trình để sống sót bằng cách tìm kiếm những mối hiểm nguy và đau đớn. Chúng ta có thể gạt qua một bên yếu tố bản năng này của bộ não để tìm kiếm phương án khả dĩ và hành động bằng năng lực của chính mình.

3. Sự bất lực qua học hỏi và trạng thái tâm lý không thể kiểm soát khiến chúng ta hoàn toàn mất khả năng chống đỡ. Tất cả những ai đang ở trong tình trạng của con tin đều có khả năng chọn lựa cách giải quyết đối với các biến cố xảy ra trong cuộc sống hàng ngày.

4. Luôn xác định được mục tiêu và giữ thái độ “không có gì là không thể.” Nếu không thể đạt được những gì bạn mong muốn, hãy tìm ra những điểm tích cực trong sự thất bại đó. Bằng cách đó, bạn có thể vượt qua trở ngại và không bao giờ rơi vào tình trạng của một con tin.


 

 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button