Kỹ năng mềm

Con Đường Thăng Tiến

con-duong-thang-tien-ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Matsushita Konosuke

Download sách Con Đường Thăng Tiến ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sách kỹ năng mềm

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời nói đầu

Trong thời đại ngày nay, nền khoa học kỹ thuật liên tục được cách tân và phát triển nhanh đến chóng mặt. Cùng với tiến trình phát triển của thời đại, xu thế của những sự cách tân đó cũng không ngừng biến đổi, đồng nghĩa với việc hàng loạt những nguy cơ mới xuất hiện. Vì vậy, chủ doanh nghiệp và người làm thuê cũng phải đổi mới về mọi phương diện, nâng cao bản lĩnh, không ngừng rèn luyện kỹ năng và đúc rút kinh nghiệm cho bản thân nhằm theo kịp sự thay đổi chóng mặt của thời đại công nghệ.

Mặt khác, nhu cầu sống của con người cũng ngày một cao lên, ai cũng phải đối mặt với đủ thứ áp lực và khó khăn chưa từng có. Sống trong thời đại này, điều quan trọng đối với mỗi người là cần cố gắng để nâng cao năng lực bản thân, trực tiếp đương đầu với thử thách, cảm nhận niềm vui từ công việc mang lại để có một cuộc đời thật ý nghĩa, đầy màu sắc và thú vị.

Ai đi làm thuê cũng ấp ủ rất nhiều ước mong; người nào làm càng lâu thì càng hăng say, càng đam mê và càng cảm nhận được sức hút tiềm ẩn bên trong điều mà chúng ta vẫn gọi là “công việc”. Nếu mỗi người trong chúng ta ai cũng nỗ lực lao động từng ngày, tiến bộ từng bước, tích lũy kinh nghiệm từng giờ, năng lực bản thân mỗi lúc một nâng cao, thì sẽ gặt hái được nhiều thành quả. Khi một người nỗ lực làm tốt phần việc của mình, người đó vừa lao động cho bản thân, vừa cống hiến cho xã hội thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Điều này khiến mọi người cảm nhận sâu sắc giá trị của cuộc sống, sự tốt đẹp của cuộc đời và niềm vui cứ chầm chậm, nhẹ nhàng lan tỏa.

Cuốn sách này tổng hợp những điều tâm đắc, những bí quyết quan trọng mà tôi cho rằng bất kỳ nhân viên làm thuê nào cũng nên biết. Đó là những kinh nghiệm mà tôi đúc kết trong quá trình làm việc nhiều năm trời và tôi vẫn thường trao đổi những kinh nghiệm này với nhân viên công ty mình. Đây là những kinh nghiệm vô cùng đơn giản dễ hiểu, bao gồm những quy định và nguyên tắc cơ bản nhất, quan trọng nhất về mặt hành vi con người mà nhân viên cần phải tuân thủ. Đặc biệt, trong thời đại thay đổi nhanh đến chóng mặt hiện nay, việc thực hành những nguyên tắc cơ bản này trong thực tế càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tôi hy vọng những điều mà tôi đúc kết ở đây sẽ hữu ích đối với người lao động, người làm thuê trong hành trình thay đổi bản thân, khơi dậy tiềm năng của chính mình; đồng thời giúp mọi người đột phá và vượt qua những khó khăn trong công việc, sống một cuộc đời có ý nghĩa.

Đương nhiên, khi làm việc trong một môi trường cụ thể, sẽ còn có vô số kinh nghiệm, phương pháp cần thiết khác nữa nằm ngoài cuốn sách này. Bên cạnh đó, tôi cũng từng trình bày một số phương pháp và kinh nghiệm khác trong những cuốn sách trước đây của mình như: Bí quyết bán hàng, Bí quyết trong kinh doanh, Triết lý kinh doanh thực tiễn, Điều kiện của người lãnh đạo… Tôi hy vọng đây sẽ là những tài liệu hữu ích để tu dưỡng cá nhân, khuyến khích sự phát triển của một lực lượng lao động có nhận thức sâu sắc và giàu năng lực.

ĐỌC THỬ

Chương 1 Kinh nghiệm dành cho nhân viên mới đi làm

Nhận ra chân lý của vận mệnh.

Nếu mới gia nhập công ty, điều quan trọng nhất bạn cần ghi nhớ trong lòng chính là: “Ắt hẳn là nhờ duyên trời định nên mình mới đi làm cho công ty này.”

Sau khi tốt nghiệp đại học và bắt đầu cầm trên tay lá đơn xin việc, chắc chắn các bạn từng hỏi ý kiến, tham khảo cha mẹ, thầy cô, đàn anh đàn chị đi trước rồi mới quyết định vào công ty mà mình mong muốn. Bên cạnh đó, công ty nào cũng cần phải tuyển dụng người tài, những người mà công ty thực sự cần. Vì vậy, việc đầu tiên mà một người mới gia nhập công ty cần làm là xây dựng sự đồng thuận, thống nhất giữa nguyện vọng của bản thân và nguyện vọng của công ty.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp một người muốn làm ở công ty này, nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà không được nhận vào công ty người đó mong muốn.

Ngược lại, cũng có những công ty vô cùng muốn thu nạp người tài, nhưng lại không được người tài để mắt đến. Do đó, việc một nhân viên mới gia nhập công ty có trở thành nhân viên chính thức hay không được quyết định bởi sự đồng thuận về nguyện vọng và ý chí giữa công ty và người được tuyển dụng. Hơn nữa, để nguyện vọng của cả hai phía đi đến thống nhất với nhau, cần có sự thúc đẩy từ một nguồn năng lượng vô hình. Có lẽ, đó chính là “vận mệnh”.

Có thể lấy một ví dụ cụ thể thế này: Tôi là người Nhật Bản, sinh ra ở Nhật Bản, lớn lên ở Nhật Bản; thế nhưng, những điều này không phải do ý chí của bản thân tôi quyết định mà là do những những thế lực siêu nhiên quyết định. Những thế lực siêu nhiên này được gọi bằng một danh từ, đó là “vận mệnh”.

Tương tự, việc bạn gia nhập một công ty nào đó và trở thành nhân viên chính thức của họ là một kết quả hoàn toàn tự nhiên mà chúng ta có thể coi như sự sắp đặt của số phận.

Nhắc đến vận mệnh, các bạn trẻ có thể cho là vô căn cứ. Thế nhưng, điều tôi muốn nói với các bạn là: Trong chúng ta, nếu ai thuận theo sự sắp đặt của số phận, người đó sẽ nhận được một nguồn năng lượng thần kỳ và nguồn năng lượng đó sẽ ngày càng được khuếch trương mạnh mẽ hơn trong quá trình làm việc.

Cho dù mới gia nhập công ty, nhưng các bạn cũng có thể làm việc tại đó trong mười mấy năm trời. Trong khoảng thời gian dài đằng đẵng như vậy, dù là ai cũng khó tránh khỏi những lúc gặp vô vàn khó khăn, vướng vào rất nhiều phiền toái. Đặc biệt, khi chức vụ càng cao, trách nhiệm càng nặng thì áp lực cũng không ngừng kéo tới; đó là những điều không thể tránh được trong quá trình làm việc. Có người vì không kham nổi trọng trách nặng nề mà từ bỏ hoặc rút lui, nhưng cũng có người ngày càng trưởng thành sau những sóng gió và tiến bộ trong quá trình rèn luyện. Điều quan trọng là mỗi người cần chuẩn bị tâm thế để đối mặt với hoàn cảnh khó khăn và thử thách.

Khi gặp khó khăn và vấp ngã, các bạn nên xem đó là sự sắp đặt của số phận mà thản nhiên đón nhận. Khi ấy, nội tâm của chúng ta sẽ càng trở nên mạnh mẽ và kiên định, có thể dùng tâm thế tích cực để đối mặt với nghịch cảnh, chuyển hóa khó khăn thành nguồn năng lượng thần kỳ giúp bản thân trưởng thành và tiến bộ hơn. Nếu có được tâm thế đó, chúng ta sẽ không còn cảm thấy áp lực trước khó khăn và vào những thời khắc quyết định, chúng ta sẽ trở nên xuất sắc nổi bật và đưa sự nghiệp của bản thân đi đến thành công.

Vì vậy, để có được sự nghiệp thành công, một trong những điều quan trọng cần ghi nhớ là: Hãy tìm ra ý nghĩa của công việc đối với cuộc đời mình và xem công việc chính là sự sắp đặt của số phận.

Tin tưởng vào công ty.

Một điều cực kỳ quan trọng đối với mọi nhân viên mới gia nhập công ty là phải có niềm tin vào công ty, nơi các bạn sẽ làm việc.

Dù kiến thức và khả năng của bản thân có sâu, rộng, xuất chúng đến mấy, thì khi mới gia nhập công ty, mỗi người cũng chưa thể hiểu rõ về mô hình hoạt động, quy chế, quy định của công ty, chưa quen với công việc mới, chưa kết giao với nhiều người làm lâu năm trong công ty. Khi đó, nhân viên mới sẽ gặp phải cảm giác lo lắng, bất an. Cách tốt nhất là hãy rũ bỏ mọi nghi ngờ, lo lắng, bất an trong lòng và trao cho công ty sự tin tưởng gần như tuyệt đối, toàn tâm toàn ý làm việc chăm chỉ. Niềm tin đó sẽ giúp bạn cảm thấy an tâm, dễ hòa đồng và làm việc cùng mọi người hiệu quả hơn.

Ngược lại, chính công ty và những nhân viên lâu năm cũng không nên tỏ thái độ, hay thể hiện suy nghĩ tiêu cực với nhân viên mới. Cần phải hoan nghênh, chào đón nhân viên mới và làm cho họ thấy rằng mình vô cùng mong chờ họ. Hãy suy nghĩ tích cực về người mới, vừa quan tâm vừa chỉ dạy cho họ những điều liên quan đến công ty.

Hơn ai hết, những người làm quản lý trong công ty nên theo sát và quan tâm đến sự trưởng thành của nhân viên mới, vì nhân viên mới luôn hy vọng cống hiến cho công ty trong thời gian sớm nhất. Đừng đơn thuần theo sát hay quan tâm suông; những người làm quản lý cần phải truyền ngọn lửa nhiệt huyết và nỗ lực để những nhân viên mới có điều kiện phát triển bản thân. Trong khi đó, nhân viên mới đừng bao giờ biến mình thành một “chiếc máy” làm việc, lao động đến cạn kiệt sức lực một cách mù quáng. Thái độ làm việc tiêu cực như vậy không chỉ làm cho bản thân cảm thấy nhàm chán, mệt mỏi mà công ty cũng không đạt được thành tựu gì cụ thể. Đó là điều không thể chấp nhận được ở bất kỳ công ty nào.

Sự cạnh tranh trong công ty chính là sự cạnh tranh giữa nhân tài với nhau. Không chỉ kỳ vọng nhân viên của mình tiến bộ và trưởng thành từng ngày, các công ty còn phải tạo điều kiện tối đa để nhân viên được sáng tạo. Có thể nói, nếu công ty không có chính sách, kế hoạch bồi dưỡng nhân tài, công ty đó đã không hoàn thành chức trách của một công ty tốt và giá trị của công ty trong tương lai sẽ suy giảm trầm trọng vì đánh mất những nhân tài xuất sắc.

Tôn trọng sự phát triển của từng nhân viên chính là trách nhiệm xã hội mà mỗi công ty cần phải đảm nhiệm. Công ty là nơi người đi làm gửi gắm nhiều ước mơ, hy vọng. Đó cũng là ước mơ, hy vọng của quốc gia và rộng hơn là của cả thế giới. Để đáp lại những ước mơ, hy vọng đó, mỗi công ty cần phải nỗ lực để mọi nhân viên mới có cơ hội và môi trường để sáng tạo, phát triển, trưởng thành. Điều đó cũng sẽ giúp công ty phát triển mạnh mẽ hơn.

Tất nhiên, quy mô của các công ty lớn nhỏ khác nhau, năng lực nhân viên giữa các công ty cũng không đồng đều nên chắc chắn điều kiện mà mỗi công ty dành cho nhân viên của mình cũng không giống nhau. Tuy nhiên, tất cả những nhân viên mới đi làm cần phải hiểu một điều: Hầu hết các công ty đều hy vọng nhân viên của mình trở nên xuất sắc và mau chóng thành tài. Vì vậy, nhân viên mới phải tin tưởng vào công ty, nỗ lực cố gắng để trở thành một nhân viên xuất sắc trên cương vị của mình và đóng góp cho xã hội tùy theo khả năng. Khi đã có niềm tin này, nhân viên mới nhất định sẽ có động lực mạnh mẽ hơn để tiến bộ và trưởng thành. Mỗi người hãy xem đó chính là kế hoạch của bản thân trong tương lai.

Bí quyết để thành công.

Khi mới vào công ty, chắc chắn sẽ có lúc bạn phải làm quen hay tình cờ gặp giám đốc. Bí quyết để làm quen với giám đốc cũng không khác nhiều so với bí quyết để kết thân với trưởng phòng. Hãy bắt đầu từ việc báo cáo, xin phép như người trong gia đình với nhau, trong ngày đầu tiên tới công ty cũng như khi tan sở.

Ngày đầu tiên làm việc ở công ty thường có một buổi lễ gặp mặt. Trong buổi lễ này, giám đốc cùng các cấp quản lý sẽ dành thời gian để dặn dò nhân viên mới và giới thiệu về định hướng công việc, lịch sử phát triển của công ty. Sau khi tham dự buổi lễ và trở về nhà, chắc chắn cha mẹ và các thành viên trong gia đình bạn sẽ hỏi bạn rằng: “Con thấy công ty đó thế nào?” Khi ấy, bạn sẽ phải suy nghĩ nên nói như thế nào với cha mẹ và gia đình. Nếu bạn nói: “Con không thích công ty này lắm”, các bậc sinh thành sẽ rất lo lắng. Nếu bạn nói: “Con thấy cũng bình thường ạ”, cảm giác lo lắng tất nhiên sẽ giảm đi. Và nếu bạn trả lời với giọng điệu mạnh mẽ: “Cụ thể như thế nào thì con chưa rõ lắm, nhưng hôm qua, con được nghe rất nhiều chuyện thú vị từ giám đốc và quản lý của công ty. Bản thân con thấy công ty này rất tốt. Về môi trường làm việc và đãi ngộ, con thấy cũng được. Con muốn thử làm việc ở đây xem sao”, cha mẹ sẽ cảm thấy an lòng và vui mừng nói rằng: “Vậy thì tốt rồi, hãy ráng lên con.” Cách chúng ta trả lời và báo cáo với gia đình về ngày đi làm đầu tiên cũng là một bí quyết để thành công.

Ngược lại, những người cảm thấy khó khăn khi nói ra những suy nghĩ trong lòng thường rất khó thành công, tôi cho là như vậy. Không nên suy nghĩ rằng: “Dù mình chẳng nói điều đó ra thì cha mẹ cũng sẽ hiểu mà.” Hãy suy từ chính bản thân, nếu bạn nghĩ rằng mình đã gia nhập một công ty chẳng ra làm sao, nếu công ty đó không đúng như kỳ vọng của bạn, thì càng nên dùng ngữ khí chân thành và điềm đạm để trấn an đấng sinh thành: “Chuyện này không có gì đâu, cha mẹ cứ yên tâm.” Theo quan niệm của tôi, khi chúng ta suy nghĩ trong lòng như thế nào thì nói ra cũng nên thành thật như vậy.

Sau khi đã đi làm, chắc chắn sẽ có lúc bạn gặp gỡ, trò chuyện với bạn bè. Có thể họ cũng sẽ hỏi những câu như:

“Chỗ cậu làm thế nào?”

Bạn trả lời:

“Tớ rất vui vì đã vào một công ty tốt. Chế độ đãi ngộ cũng rất tốt.”

“Chỗ cậu làm tốt đến thế cơ à”?

“Đúng thế. Tớ mong có thể làm việc hết sức mình, cống hiến để giúp công ty đi lên.”

Các bạn sẽ trầm trồ: “Cậu may mắn thật đấy.”

Như vậy, cả bạn bè cũng được bạn cảm hóa.

Cũng có lúc bạn đến nhà của người thân và họ cũng hỏi những câu tương tự, chẳng hạn như: “Công ty cháu như thế nào?” Bạn đáp: “Công ty cháu làm ra những sản phẩm rất tốt.” “Vậy à, nếu thế chúng ta sẽ mua hàng ủng hộ công ty cháu.” Qua những câu trả lời của bạn, cha mẹ, gia đình và bạn bè sẽ có ấn tượng tốt về công ty bạn đang làm việc. Từ đó, mọi người sẽ kể cho nhau về công ty của bạn, góp phần phát triển danh tiếng và giúp công ty bán được nhiều sản phẩm hơn.

Thế nhưng, trên thực tế, có nhiều người không biết cách để nói tốt cho công ty mình. Trong một thời gian dài, tôi từng gặp rất nhiều nhân viên thể hiện ra mặt thái độ bất bình, không hài lòng với công ty mình đang làm việc: “Công ty này chán lắm.” Có người lại nói: “Công ty này tốt thật đấy, nhưng tớ không muốn làm mãi ở chỗ này đâu.” Tuy nhiên, cho dù bạn có thể hiện sự bất mãn, ghét bỏ hay nói ra những điều không mang tính xây dựng, thì bạn cũng không thể trở thành người quan trọng hơn trong công ty. Trong khi đó, những nhân viên có suy nghĩ, thái độ tích cực về công ty sẽ luôn được coi trọng ở bất kỳ công ty nào mà người đó làm. Và đó cũng là người mà công ty thực sự mong muốn tìm kiếm. Họ là người xứng đáng để công ty bổ nhiệm vào những vị trí như trưởng phòng và giám đốc hơn ai hết. Nếu không tìm kiếm được những người như thế thì người lãnh đạo của công ty đó cũng chưa hoàn thành vai trò của mình.

Dù có tin bí quyết mà tôi bật mí ở đây hay không, thì cũng mong bạn đừng nghi ngờ mà cứ mạnh dạn thử một lần xem sao.

Cách cư xử với cấp trên và những tiền bối khó tính.

Bất kỳ ai mới vào công ty, dù là ở vị trí nào, cũng đều cần cấp trên và người đi trước hướng dẫn về công việc. Đó là chuyện đương nhiên, thế nhưng tính cách của các vị cấp trên và những bậc tiền bối cũng rất đa dạng, không ai giống ai. Sẽ có người khá thân thiện, chỉ dạy cho bạn chi li từng chút một về mọi khía cạnh của công ty. Ngược lại, cũng sẽ có người có tính đố kỵ, không nhiệt tình, hay cáu bẳn, chỉ hướng dẫn và chỉ dạy qua loa, sơ sài.

Vậy cấp trên và người đi trước lý tưởng phải là người như thế nào?

Thông thường, hầu hết mọi người đều mong muốn gặp được người đi trước giỏi giang. Tục ngữ có câu: Thầy giỏi thì trò giỏi. Bất luận là trong học tập hay công việc, nếu may mắn gặp một ông thầy hay cấp trên có năng lực xuất sắc hơn người, thì bản thân chúng ta không chỉ có cơ hội nâng cao trình độ nghiệp vụ mà còn học hỏi được nhiều điều bổ ích trên những phương diện khác. Được làm học trò của một người thầy tôn trọng người khác, vừa giỏi về nghiệp vụ, vừa hết sức chân thành và niềm nở trong công việc thực sự là một niềm hạnh phúc vô giá. Có thể nói, vai trò của người thầy giỏi đã quá rõ ràng. Tôi hoàn toàn đồng ý với điều này.

Tuy nhiên, chuyện gì cũng có hai mặt. Một người thầy xuất sắc chính là tấm gương để học sinh noi theo. Hầu hết học sinh luôn cho rằng đạt đến trình độ của thầy chính là mục tiêu cuối cùng, nên khó có sự đột phá mạnh mẽ về trình độ. Thầy giỏi chưa chắc đã đào tạo được những học sinh có kỹ thuật xuất sắc, giỏi giang và tay nghề cũng vững hơn bình thường. Đây chính là một điểm bất lợi.

Ngược lại, những ông thầy khó tính, khó gần, không theo lẽ thường mới chính là những người có thể đào tạo nên những học trò giỏi chuyên môn, tinh thông nghề nghiệp. Việc gặp phải những ông thầy khó tính, suy nghĩ viển vông, không thực tế chút nào hóa ra lại là chuyện đáng mừng chứ không phải đáng lo. Có những người còn khó tính đến mức học trò không được phép làm sai, nếu làm sai sẽ bị mắng, bị phạt ngay lập tức. Đa số những học trò gặp phải người thầy như thế này thường cảm thấy bất lực, nản chí và muốn bỏ cuộc. Lúc ấy, bạn phải nhẫn nhịn và kiên trì học hỏi. Trên thực tế, chỉ có một số ít người có tư duy một cách độc lập và sáng tạo mới có thể đào tạo nên những học sinh xuất sắc hơn thầy. Và hầu hết những người có tài nghệ hoặc những nhân vật xuất chúng có kỹ thuật, tài năng đầy mình chưa chắc đã nổi tiếng. Đây chính là một hiện tượng vô cùng thú vị, cho thấy cuộc đời có những điều chúng ta không thể lường hết được.

Tương tự, nếu gặp được người đi trước giỏi giang thì bạn là một người rất may mắn đấy. Tuy nhiên, nếu gặp một vị tiền bối khó gần, bạn cũng đừng nản chí. Hãy tự nhủ rằng: “Đây chính là cơ hội để mình có thể rèn luyện bản thân.” Hãy dùng tâm thế tích cực để đối mặt với những tính cách đặc biệt. Nếu làm được như vậy, càng ngày bạn sẽ càng trở nên xuất sắc hơn, mạnh mẽ hơn.

Lịch sử phát triển của công ty.

Mọi người dân phải biết về lịch sử truyền thống của nước mình là chuyện đương nhiên. Chỉ khi nào hiểu rõ về nguồn gốc và quá trình phát triển của đất nước, chúng ta mới biết được mình cần phải sống như thế nào, xây dựng ra sao.

Tương tự, với công ty nơi chúng ta làm việc cũng nên như vậy. Khi gia nhập một công ty, nếu muốn gây dựng sự nghiệp tại đây, trước tiên bạn phải hiểu được những vấn đề liên quan đến lịch sử phát triển của công ty đó. Mỗi công ty đều có quá trình phát triển từ lúc khởi đầu cho đến khi thành công rực rỡ, từ không đến có, từ nhỏ đến lớn. Ví dụ, công ty bạn đang làm có lịch sử phát triển hơn 30 năm; nếu so sánh các giai đoạn phát triển với nhau, bạn sẽ phải bất ngờ vì sự thay đổi nhanh đến chóng mặt này. Có không ít công ty là do những người bạn thân cùng chung chí hướng lập ra. Trải qua nhiều năm gian khổ trong kinh doanh, nhờ sự nỗ lực chung của cả bộ máy quản lý và nhân viên, công ty mới có thành tựu như ngày hôm nay. Cho dù quy mô công ty lớn hay nhỏ, lịch sử dài hay ngắn, hầu hết đều trải qua quá trình như vậy.

“Không biết lịch sử, có nghĩa là bạn sẽ chẳng biết làm gì trong tương lai” – câu nói này nghe có vẻ hơi cực đoan. Tuy nhiên, quá trình phát triển của công ty là kết tinh của trí tuệ và sự nỗ lực của rất nhiều người đi trước, là tài sản quý báu vô giá. Mỗi nhân viên phải hiểu được quá trình phát triển của công ty thì mới có thể hiểu được tương lai công ty sẽ đi theo hướng nào và đích đến là ở đâu. Mỗi người phải dựa vào quá khứ mới có thể sáng tạo và phát triển công việc của hiện tại. Vì thế, việc hiểu về lịch sử phát triển của công ty là con đường tất yếu mà một nhân viên mới sẽ phải đi qua, nếu muốn trở thành nhân viên chính thức.

Hôm nay bạn là nhân viên mới, thì sau một hai năm, thậm chí sau năm năm, mười năm, bạn sẽ trở thành nhân viên kỳ cựu, từng trải của công ty và sẽ lại hướng dẫn, chỉ dạy những bạn trẻ mới đến. Đến lúc ấy, nguồn vốn để bạn hướng dẫn người khác là gì? Đó chính là sự hiểu biết về lịch sử phát triển của công ty.

Cho nên, bất kỳ ai đang từng bước tiến đến cương vị làm việc mới đều cần tìm hiểu lịch sử phát triển của công ty bằng mọi phương pháp, qua đó tiếp thu và phát huy kinh nghiệm quý báu của các bậc tiền bối đi trước.

Lễ nghi phép tắc giúp mọi việc diễn ra dễ dàng hơn.

Dạo gần đây, tôi thường nghe mọi người than thở: “Bọn trẻ thời nay chẳng còn biết lễ nghi phép tắc gì nữa!” Thực ra, không chỉ trong cuộc sống xã hội mà trong công việc, chúng ta cũng gặp phải những vấn đề tương tự.

Nguyên nhân chính là, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các gia đình và trường học ở Nhật Bản không còn coi trọng lễ nghi, không còn tuân thủ nghiêm ngặt những quy tắc cũ nữa. Không thể phủ nhận rằng, những bạn trẻ thích đọc sách và hiểu biết lễ nghi phép tắc thực ra không hề ít. Thế nhưng, do cả xã hội đang hô hào khẩu hiệu mối quan hệ giữa học sinh và giáo viên là quan hệ bạn bè, chứ không còn là quan hệ thầy trò, nên nhiều bạn trẻ khi bước ra xã hội không còn tôn trọng người đi trước. Đây chính là sự thật mà chúng ta không thể không thừa nhận.

Trong cuộc sống xã hội, tôi cho rằng cần yêu cầu mọi người tuân thủ lễ tiết, noi theo quy củ. Đối với những bạn trẻ không được học hỏi, tìm hiểu kỹ càng về lễ nghi, phép tắc khi còn ngồi trên ghế nhà trường, việc này có phần hơi nghiêm khắc, gò bó.

Các bạn hãy thử nghĩ mà xem, nếu một ngày nào đó, bản thân mình cũng gặp những người trẻ hơn nhưng lại không hiểu tôn ti trật tự, lễ nghi phép tắc gì cả, thì các bạn sẽ có cảm giác như thế nào?

Tôi cho rằng, lễ nghi không phải là yêu cầu gì quá hà khắc, cũng không phải là chủ nghĩa hình thức đơn thuần, mà là chất xúc tác giúp cho quan hệ xã hội trở nên thuận lợi hơn.

Trong đại gia đình mang tên “xã hội”, mỗi người chúng ta cũng giống như bánh răng được sử dụng trong máy móc, luôn tự động quay không ngừng theo khớp có sẵn. Nếu thiếu chất dầu bôi trơn, bánh răng sẽ rất dễ bị mài mòn và gỉ sét, làm giảm tuổi thọ của máy móc. Quan hệ giữa người với người cũng cần chất dầu bôi trơn như vậy.

Mỗi doanh nghiệp là một tập thể bao gồm những người khác giới tính, chênh lệch về tuổi tác và khác biệt về suy nghĩ. Để mọi người có thể làm việc, hợp tác cùng nhau vui vẻ, đoàn kết trong mọi tình huống, đương nhiên cũng cần phải có chất dầu bôi trơn. Lễ nghi phép tắc ứng xử nơi công sở sẽ có tác dụng giống chất dầu bôi trơn đó.

Lễ nghi không chỉ là biểu hiện bên ngoài, mà phải xuất phát từ nội tâm của mỗi người. Một khi lễ nghi đã có ở trong tâm, chúng ta mới cần đến hình thức hoặc phương pháp nào đó để biểu hiện ra bên ngoài nhằm cảm hóa người đối diện, xây dựng quan hệ tốt đẹp với họ. Đặc biệt, nhân viên mới đến công ty làm việc cần nhanh chóng nắm bắt những lễ nghi phép tắc cần thiết, rồi tự giác thể hiện nó thông qua lời nói, hành động và cử chỉ để công việc diễn ra một cách trôi chảy.

Coi trọng sức khỏe cũng là một nhiệm vụ trong công việc.

Cơ thể khỏe mạnh và tư tưởng thoải mái được xem là tiền đề quan trọng nhất để làm việc hiệu quả. Dù bạn có tài năng xuất chúng đến đâu, nếu không có sức khỏe thì chẳng những khó chuyên tâm vào công việc mà còn không tận dụng được thời cơ khi nó xuất hiện.

Là một người có kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp trong nhiều năm, đã nhiều lần tôi thấy những bạn trẻ có tương lai rất xán lạn, nhưng vì bị bệnh mà phải gác lại ước mơ, thậm chí phải từ bỏ vị trí công việc mà mình đang đảm nhận. Những chuyện như vậy không chỉ là tổn thất to lớn của công ty mà còn là thiệt hại không gì bù đắp nổi đối với chính người đó.

Thông thường, công ty nào cũng muốn tạo ra một môi trường làm việc tốt nhất, nâng cao năng lực và sức khỏe cho nhân viên. Nhưng bản thân mỗi nhân viên cũng cần chủ động học cách để giữ gìn và nâng cao sức khỏe của mình.

Để duy trì một cơ thể khỏe mạnh, bạn không thể không chú trọng ba yếu tố sau: dinh dưỡng, chế độ nghỉ ngơi và thời gian vận động điều độ. Ngoài ra, bên cạnh sự khỏe mạnh về thể chất, sự khỏe mạnh về tinh thần và tư tưởng cũng quan trọng không kém. Tục ngữ có câu: “Bệnh do tâm sinh” – điều này cực kỳ đúng đắn và ý nghĩa.

Khi tâm trạng vui vẻ, hầu như chúng ta không cảm thấy mệt mỏi và hiếm khi sinh bệnh. Ví dụ, khi bạn tập môn thể thao mình thích, người khác nhìn vào sẽ cho rằng môn thể thao đó tốn rất nhiều sức, nhưng thực ra bạn lại cảm thấy vui vẻ và thoải mái, thậm chí mải tập đến mức quên cả mệt mỏi. Vì vậy, khi tinh thần vui vẻ, sảng khoái, không có bệnh tật hay sự mệt mỏi nào có thể khiến chúng ta phiền lòng.

Trong công việc cũng vậy. Nếu yêu thích, đam mê công việc, chúng ta sẽ không tiếc công sức và thời gian để hoàn thành nó. Thậm chí, dù cho có phải thức khuya dậy sớm để hoàn thành, chúng ta cũng không thấy mệt mỏi. Ngược lại, nếu không yêu thích công việc hiện tại, bạn sẽ dễ mắc phải bệnh tật. Tôi đã từng chứng kiến và nghe kể không ít về những trường hợp như vậy.

Tất nhiên, thể lực của con người có giới hạn. Tinh thần sung mãn sẽ giúp bạn tạm thời quên đi sự mệt mỏi, nhưng một khi vượt qua giới hạn nhất định chắc chắn sức khỏe của bạn sẽ bị tổn hại. Vì vậy, hãy lưu ý đừng để cơ thể mình phải làm việc vất vả trong một thời gian dài, vượt quá sức chịu đựng của nó.

Bất luận công việc các bạn đang làm là gì, đừng quên rèn luyện sức khỏe. Trong công việc, cần phải duy trì cảm giác hào hứng, chuyên tâm dốc sức vào những gì mình đang làm, đồng thời tìm phương pháp phù hợp để duy trì và bảo vệ sức khỏe.

Tích cực đề xuất kế hoạch làm việc.

Khi bắt đầu đi làm hay đảm nhận cương vị mới, thông thường mọi người cần học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước hoặc các nhân viên kỳ cựu. Hãy tích cực lắng nghe và tiếp thu những lời chỉ dạy của họ để hiểu được điểm chính trong công việc. Bạn cần thuộc lòng những lời chỉ dạy của người đi trước và bất cứ khi nào gặp vấn đề khó hiểu, cần khiêm tốn học hỏi, không được giấu dốt. Hãy tranh thủ thời gian nắm bắt và nhanh chóng thành thạo công việc để trở thành nhân viên chính thức, là người giỏi nghề, giỏi chuyên môn.

Nhưng, chẳng lẽ người mới vào làm chỉ có thể thụ động học việc như vậy thôi sao? Tôi cho rằng câu trả lời rất rõ ràng, như người ta vẫn thường nói: Vừa học vừa làm. Trong quá trình học hỏi ở công ty, nếu phát hiện ra ý tưởng gì mới, bạn hoàn toàn có thể đề xuất, đưa ra ý kiến hữu ích và nói lên suy nghĩ của mình.

Có thể bạn nghĩ rằng: Mình vẫn là nhân viên mới, còn thiếu kinh nghiệm và chưa hiểu biết nhiều về công việc nên chọn cách im lặng là tốt nhất. Tôi thì lại nghĩ khác: Trong công ty, tất cả các thành viên từ tổng giám đốc cho đến nhân viên mới đều bình đẳng. Vì vậy, không nên quá dè dặt trong quá trình làm việc.

Những người làm việc lâu năm có thể có kinh nghiệm dày dạn, nghiệp vụ thông thạo, nhưng lại có tư tưởng vào trước là chủ, quen với nếp cũ và không chịu thay đổi. Những người như vậy không nhìn ra hoặc coi nhẹ những điểm cần thay đổi, cải tiến. Ngược lại, nhân viên mới sẽ có những góc nhìn hoàn toàn mới để đánh giá công việc và họ hoàn toàn có thể đưa ra những đề xuất, ý kiến đóng góp vô cùng quý báu. Vì vậy, người quản lý cần khuyến khích nhân viên mới tích cực tham gia kiến nghị, đề xuất kế hoạch phát triển công ty.

Dĩ nhiên, trước khi đề xuất ý tưởng, thì nhân viên mới cũng cần tự đánh giá xem đề xuất của mình có thực sự giá trị hay không. Khi đưa ra ý kiến, đừng quên thể hiện thái độ kính trọng và lễ độ với những người làm lâu năm ở công ty. Sau khi đã suy nghĩ kỹ càng, nếu thấy ý tưởng của mình vẫn thực sự cần thiết cho công ty thì cứ mạnh dạn trình bày.

Mặt khác, cấp trên và những người đi trước trong công ty cũng cần xây dựng một môi trường sáng tạo thoải mái, vô tư, cho phép nhân viên mới được chia sẻ những gì mình biết và nói ra suy nghĩ của bản thân. Với những đề xuất hay, hãy nhanh chóng lựa chọn để áp dụng vào thực tế. Như vậy, nhân viên mới sẽ càng thêm tự tin, trưởng thành trong công việc, góp phần vào sự phát triển của công ty.

Hãy nhẫn nại với công việc.

Ở Nhật Bản, có một câu ngạn ngữ là: Ishi no ue nimo sannen, đại ý là dù hòn đá có lạnh thế nào đi chăng nữa, nhưng nếu ngồi lên nó trong vòng ba năm thì đến một ngày nó cũng sẽ ấm lên. Câu này có hàm ý: Để thành công, cần nhẫn nại và kiên trì. Tôi xin dành tặng câu ngạn ngữ này cho những người trẻ tuổi mới bước chân vào đời.

Gần đây, có một số bạn trẻ đi làm chưa được bao lâu đã thấy không hài lòng với công việc, chê bai công việc không phù hợp với mình và muốn tìm công việc khác. Xã hội càng phát triển thì việc làm ngày một nhiều lên, nhiều ngành nghề mới ra đời. Việc một người còn trẻ tuổi muốn tìm nghề nghiệp phù hợp với mình không có gì đáng chê trách. Tuy nhiên, tôi chỉ muốn nói với các bạn rằng, dù làm công việc gì, để thực sự biết rõ là nó có phù hợp với mình hay không thực ra không hề dễ dàng, mà cần tốn rất nhiều thời gian trải nghiệm và tìm kiếm.

Có những công việc khi mới bắt đầu thì chán ngắt, nhưng nếu cố gắng làm thì hai ba năm sau bạn sẽ dần cảm thấy sự thú vị của nó. Khi đó, bạn mới nhận ra công việc này không ngờ lại phù hợp với mình đến thế. Công việc cũng giống như rượu ngon, ngâm càng lâu thì hương vị càng đậm đà. Muốn thưởng thức “hương vị”, hay là sự thú vị trong công việc, các bạn cũng cần bỏ ra khoảng ba năm trời rèn luyện và trải nghiệm.

Khi còn trẻ, tôi thấy mọi người rất hiếm khi nhảy việc. Nguyên nhân là vì công việc hồi ấy không đa dạng phong phú như bây giờ, nhưng điều quan trọng hơn là, người ta rèn được tính “nhẫn nại”. Khi đó, chúng tôi thường được nghe các bậc tiền bối và những người xung quanh nhắc đi nhắc lại câu: Ishi no ue nimo sannen. Bản thân tôi cũng thường đem câu này ra để tự răn bản thân phải kiên trì, nhẫn nại. Sau này, tôi mới thực sự cảm nhận được “hương vị” của công việc và niềm hạnh phúc mà nó mang lại.

Trong suy nghĩ của tôi, từ quá khứ cho đến hiện tại, hình thức công việc có lẽ đã thay đổi nhiều, nhưng bản chất thì vẫn giống nhau. Khi bạn đã quyết tâm làm việc gì đó hoặc thực hiện mục tiêu nào đó, bạn phải nỗ lực ít nhất trong vòng ba năm, nhất định không được bộp chộp, hấp tấp. Thậm chí, sau khi cố gắng, dù bạn vẫn thấy rằng mình không thích hợp với công việc đã làm thì sự kiên trì, nhẫn nại của ba năm đó cũng không hề lãng phí vì những gì đã trải nghiệm trong công việc suốt quãng thời gian đó sẽ rất có ích đối với công việc mới.

Khi đảm nhận công việc mới, nếu như bạn băn khoăn không biết công việc đó có phù hợp với mình hay không là chuyện rất bình thường. Điều quan trọng là các bạn phải khắc cốt ghi tâm câu nói: Ishi no ue nimo sannen. Hãy tiếp tục làm việc, bình tâm suy xét kỹ càng để cảm nhận “hương vị” của công việc.

Lương bổng không phải là thước đo giá trị của bản thân.

Trước đây, tôi từng nói với các nhân viên trẻ tuổi trong công ty như sau:

“Như mọi người đã biết, tôi là lãnh đạo, người chịu trách nhiệm cao nhất công ty này, tiền lương cũng cao nhất. Giả sử tiền lương một tháng của tôi là một triệu yên, trong khi sự nỗ lực mà tôi bỏ ra trong một tháng cũng chỉ đáng giá một triệu yên, vậy thì những cống hiến, đóng góp của tôi đối với công ty là bằng không. Nếu nhận một triệu yên tiền lương thì tôi phải vì công ty mà làm ra mười triệu yên, một trăm triệu yên thậm chí là hai trăm triệu yên. Chỉ có như vậy, công ty mới có thể tiếp tục tồn tại và phát triển. Trong những năm gần đây, tôi thường nghĩ đến việc mình đã đóng góp, cống hiến cho công ty được bao nhiêu.”

Có thể các bạn cũng từng nghĩ đến chuyện này rồi. Ví dụ: Một tháng lương của bạn là 100 nghìn yên và bạn chỉ tạo ra được giá trị là 100 nghìn yên cho công ty, điều đó có nghĩa là bạn không mang lại bất kỳ lợi ích nào cho công ty cả. Như thế, các cổ đông của công ty sẽ không có thu nhập nào khác ngoài lương, chưa kể còn phải bỏ tiền ra đóng thuế cho nhà nước. Cho nên, bản thân chúng ta cần phải thường xuyên tự hỏi: “Tháng này, mình đã cống hiến, đóng góp được bao nhiêu cho công ty?”

Đương nhiên, việc mỗi người phải tạo ra bao nhiêu giá trị cho công ty là chuyện không thể nói chung chung, đại khái và cũng không thể đánh đồng tất cả mọi người. Thông thường, ai nhận tiền lương khoảng 100 nghìn yên mỗi tháng thì ít nhất cũng phải làm ra được ba trăm nghìn yên cho công ty và nếu có thể đạt được tới một triệu yên thì càng tốt.

Qua những cuộc trao đổi như vậy, nhân viên sẽ hiểu rõ hơn về công việc đang làm, nâng cao giá trị của bản thân, mở ra một chân trời mới cho chính mình. Nếu mỗi nhân viên đều mang tâm thế đó mà dấn thân vào công việc thì động lực của họ sẽ càng mạnh mẽ hơn.

Đánh giá giá trị của bản thân là chuyện cực kỳ quan trọng. Hằng ngày, chúng ta chỉ biết nỗ lực làm việc, nhưng thường làm việc với tâm thế bị động, máy móc; điều đó không bao giờ là đủ đối với một nhân viên. Cần phải cố gắng để công sức mình bỏ ra được thể hiện bằng một hình thức cụ thể, có thể cảm nhận được, tạo nên một thành quả nhất định. Nếu công việc hằng ngày đều mang lại ích lợi cho xã hội, nghĩa là chúng ta đã cống hiến công sức của mình cho sự phát triển của xã hội, khi đó nỗ lực của chúng ta mới có giá trị thực sự.

Trên thế giới này có vô vàn công việc khác nhau, nên rất khó dùng tiền bạc đo lường giá trị của mỗi công việc. Thế nhưng, dù thế nào đi chăng nữa, chúng ta cũng phải học cách kiềm chế bản thân, khiêm tốn học hỏi từ người đi trước, tìm kiếm một tiêu chuẩn nhất định để đo lường giá trị công việc của bản thân. Sau đó, chúng ta hãy dùng những tiêu chuẩn đó để không ngừng nâng cao giá trị của chính mình.

Công ty là nguồn tài nguyên quý báu của xã hội.

Khi các bạn trẻ lựa chọn và gia nhập bất kỳ công ty nào chắc hẳn đều có mục tiêu và lý do riêng. Có người hy vọng được trải nghiệm thực tế và phát huy sở trường của mình; có người lại muốn được đi công tác ở nước ngoài. Vì thế, khi lựa chọn được những công ty ưng ý, chúng ta sẽ tràn đầy khí thế, khát khao cống hiến cho công ty. Trái lại, có nhiều người cố gắng làm việc chỉ vì mục đích duy trì miếng cơm manh áo.

Tục ngữ có câu: Con người có ý chí khác nhau, chuyện đó chẳng có gì là không tốt. Vậy thì các bạn trẻ hãy xác định rõ ràng mục tiêu của mình và nhận thức một cách đầy đủ về ý nghĩa của công việc đang làm. Hơn nữa, các bạn cũng cần nắm rõ ý nghĩa của những hoạt động diễn ra trong công ty. Công việc không chỉ là chuyện của cá nhân và không có gì trong công ty là sở hữu tư nhân của bất kỳ cá nhân hay bộ phận nào, mà mọi thứ đều có liên quan đến sự phát triển của toàn bộ công ty. Công việc không phải là việc riêng, mà là việc chung; công ty không phải là tài sản sở hữu tư nhân, mà là tài sản chung, tài nguyên quý báu của xã hội.

Các công ty trong xã hội rất đa dạng, liên kết với xã hội tạo thành những hệ thống phức tạp. Nếu bị tách khỏi xã hội, công ty sẽ không thể tồn tại. Những công ty không thể tạo ra ảnh hưởng trực tiếp lên xã hội sẽ mất đi giá trị tồn tại của chính mình và chỉ có những công ty có khả năng đem lại hạnh phúc cho người dân mới trường tồn mà thôi. Vậy phải chăng việc mang lại hạnh phúc cho người dân và xã hội sẽ quyết định trình độ sản xuất kinh doanh của một công ty?

Có người cho rằng, đã là công việc của mình, mình muốn làm gì thì làm, không ai quản được. Chúng tôi hoàn toàn không đồng tình với suy nghĩ này. Nhân viên là một phần của công ty, cùng gánh vác trách nhiệm về mặt xã hội. Địa vị xã hội càng cao thì trách nhiệm càng nặng nề, đòi hỏi càng nhiều.

Nhất cử nhất động của mỗi nhân viên đều ảnh hưởng đến hình tượng và sự phát triển chung của toàn công ty. Chính vì thế, khi đã trở thành một phần không thể thiếu của công ty, mỗi nhân viên mới cần ghi nhớ: Công ty đang phục vụ xã hội. Hãy cố gắng duy trì tinh thần trách nhiệm và tính tự giác của bản thân, đừng chỉ suy nghĩ cho riêng mình theo kiểu “thân ai người nấy lo”.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button