Kỹ năng mềm

Chánh Niệm Thực Tập Thiền Quán

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nhiều tác giả

Download sách Chánh Niệm Thực Tập Thiền Quán ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KỸ NĂNG SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download Ebook         

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


Mục đích của quyển sách này là trình bày phương pháp thực hành thiền quán vipassana. Tôi lặp lại, phương pháp thực hành. Đây là một kim chỉ nam thiền tập, là những lời hướng dẫn chi tiết, từng bước từng bước một cho phương pháp thiền quán (insight meditation).

Tôi thấy chúng ta đã có khá nhiều những quyển sách bàn về các khía cạnh triết lý và lý thuyết của thiền tập Phật giáo. Có nhiều quyển rất hay. Nhưng đây là một quyển sách viết về thực hành. Tôi viết quyển sách này cho những người muốn thực tập thiền quán, và nhất là cho những ai muốn bắt đầu ngay bây giờ. Ý định của tôi là muốn trao cho bạn những dữ kiện căn bản cần thiết, để giúp bạn có thể khởi đầu cho suôn sẻ. Tôi nghĩ, chỉ có những ai thật sự thực hành theo những lời chỉ dẫn ở đây, mới có thể nói là tôi đã thành công hay thất bại. Và chỉ có những ai thực hành đều đặn và tinh tấn, mới có thể phê bình nỗ lực của chúng tôi mà thôi. Tôi nghĩ, không có bất cứ một quyển sách nào lại có thể trình bày được hết tất cả những vấn đề mà một thiền sinh có thể gặp phải. Cuối cùng rồi chúng ta cũng cần phải tìm đến một vị thầy có khả năng. Nhưng trong lúc này, đây là những quy luật nền tảng và căn bản mà tôi muốn chia sẻ với bạn. Hiểu rõ được những gì tôi trình bày trong những trang kế, sẽ giúp bạn tiến được những bước thật xa trên con đường thiền tập.

Có nhiều phương pháp thiền tập (meditation) khác nhau. Trong bất cứ một truyền thống tôn giáo lớn nào, cũng có những phương cách mà ta thường gọi là tĩnh tâm, hoặc thiền, danh từ này thường được dùng với tính cách chung chung. Cũng xin bạn hiểu rằng, trong quyển sách này chúng tôi chỉ đặc biệt nói về thiền vipassana trong truyền thống Phật giáo Nam tông mà thôi. Vipassana thường được dịch từ tiếng Pali sang là Minh Sát Tuệ, hay còn gọi là thiền quán. Mục đích của loại thiền này là mang lại cho hành giả một tuệ giác, hiểu được tự tính của mọi vật và nhìn thấy sâu sắc được sự vận hành của tất cả mọi hiện tượng trong cuộc sống.

Một đạo Phật toàn vẹn thật ra khác xa với lại một đạo Phật tôn giáo triết học mà đa số chúng ta thường biết. Nó là một cánh cửa dẫn ta bước thẳng vào cảnh giới tâm linh hoặc siêu hình, mà không cần phải nhờ vào sự giúp đỡ của bất cứ một vị thần linh hoặc một trung gian nào khác. Mùi vị của đạo Phật có tính chất gần với môn tâm lý học thực nghiệm, hơn là cái mà ta gọi là tôn giáo. Trong đạo Phật, con đường tu tập là một sự quán chiếu thực tại không ngừng nghỉ, luôn luôn xem xét tỉ mỉ mọi tiến trình của tri giác. Mục đích là để lọc bỏ đi những gì sai lầm và giả dối, vén lên tấm màn che phủ thực tại, để ta có thể tiếp xúc trực tiếp được với tự tính của mọi sự vật chung quanh mình. Và pháp môn thiền quán vipassana này là một phương cách cổ truyền và mầu nhiệm, giúp ta có thể thực hiện được việc ấy.

Phật giáo Nam tông, Theravada, đã cung hiến cho chúng ta một phương pháp khai phá nội tâm rất hiệu quả, thật ra nó còn giúp ta tiếp xúc được với ngay chính gốc rễ tâm thức của mình nữa. Và truyền thống này là kết quả tự nhiên của hơn 2.500 năm phát triển, một trong những nền văn hóa truyền thống tốt đẹp nhất của Nam Á và Đông Nam Á.

Trong quyển sách này, tôi sẽ cố gắng tách biệt ra những gì là trang sức với cái nền tảng thật sự, để trao cho bạn một sự thật đơn sơ nhất. Đối với những bạn nào thích về nghi lễ, bạn có thể tìm đọc thêm về truyền thống Phật giáo Nam tông trong những quyển sách khác, chắc chắn bạn sẽ tìm được một gia tài phong phú đầy những nghi thức, cúng lễ, rất đẹp và đầy ý nghĩa. Và đối với những bạn nào có khuynh hướng thực tiễn, bạn có thể chỉ chọn phương pháp thực hành thiền tập, và có thể đem áp dụng nó vào bất cứ một lĩnh vực nào của cuộc sống mà bạn muốn. Vấn đề chính ở đây là sự thực hành.

Điểm khác biệt giữa thiền quán (vipassana) và những loại thiền khác rất là quan trọng, mà chúng ta cần phải hiểu điều này cho thật rõ. Trong đạo Phật có hai loại thiền (meditation) khác nhau. Chúng khác nhau về phương pháp thực hành, về cách hoạt động, và về những trạng thái tâm thức. Hai loại thiền ấy là thiền quán (vipassana) và thiền định (samatha).

Thiền quán, vipassana, còn được dịch là thiền Minh Sát, có nghĩa là một ý thức, một cái thấy rõ ràng và chính xác về những gì đang xảy ra. Thiền định (samatha) còn được dịch là thiền tĩnh lặng hay thiền chỉ, có nghĩa là dừng lại. Đây là một trạng thái khi tâm ta tập trung vào một đối tượng duy nhất nào đó, dừng lại, và không đi ra ngoài đối tượng ấy. Khi làm được như vậy, một trạng thái an lạc sẽ lan tỏa khắp thân tâm hành giả. Một trạng thái tĩnh lặng rất sâu sắc mà ta phải tự chính mình kinh nghiệm mới có thể hiểu được. Và đa số thì những phương pháp thiền của chúng ta đều được dựa trên yếu tố định này. Theo phương pháp này thì hành giả tập trung tâm ý mình vào một đối tượng duy nhất nào đó, như là một lời cầu nguyện, một bài kinh, một ngọn nến, hoặc là một linh ảnh nào đó, và loại bỏ hết tất cả những tư tưởng và nhận thức khác ra khỏi tâm thức của mình. Và kết quả là hành giả sẽ cảm thấy một sự hỷ lạc rất lớn, nhưng nó chỉ có mặt cho đến khi ta xả thiền. Cảm giác ấy rất là nhiệm mầu, tốt đẹp, nhiều ý nghĩa, và lôi cuốn, nhưng nó cũng chỉ là tạm bợ mà thôi.

Thiền quán (vipassana) thì chú tâm vào yếu tố kia: tuệ giác. Hành giả thực tập thiền quán chỉ dùng yếu tố định như là một phương tiện, giúp cho chánh niệm của họ có thể lần hồi đục vỡ đi bức tường vô minh, đã hằng che ngăn ánh sáng của thực tại. Đây là một tiến trình từ tốn và đều đặn. Nó mất nhiều năm tháng, nhưng rồi sẽ có một ngày, một nhát búa của hành giả sẽ làm bức tường vô minh ấy sụp đổ, và không gian chung quanh sẽ ngập tràn ánh sáng. Con đường chuyển hóa được hoàn tất. Ta gọi đó là giải thoát và nó sẽ rất vững bền. Giải thoát là mục tiêu của mọi trường phái trong đạo Phật. Nhưng con đường đi đến đó có rất nhiều lối rẽ khác nhau.

Trong đạo Phật có rất nhiều trường phái khác biệt nhau. Chúng được phân chia ra làm hai dòng tư tưởng lớn là Bắc tông (Mahayana) và Nam tông (Theravada). Phật giáo Bắc tông được truyền qua khắp các vùng Đông Nam Á, ảnh hưởng sâu rộng đến nền văn hóa của những quốc gia như là Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản, Tây Tạng và Việt Nam. Một tông phái lớn của đại thừa là Zen, được truyền bá sâu rộng ở Nhật Bản, Đại Hàn và Việt Nam. Và Phật giáo Nam tông thì được du truyền qua những quốc gia miền Nam Á và Đông Nam Á như là Tích Lan, Thái Lan, Malaysia, Lào và Campuchia. Và quyển sách này đặc biệt nói về phương pháp hành thiền của Phật giáo Nam tông.

Những kinh điển thuộc truyền thống Nam tông đều có nói đến cả hai phương pháp hành thiền: định (samatha) và quán (vipassana). Kinh điển Pali có nói đến 40 đề mục thiền khác nhau. Đây là những đề mục dành cho cả thiền định và thiền quán giúp dẫn đến tuệ giác. Nhưng quyển sách này là một kim chỉ nam căn bản, vì vậy chúng ta sẽ giới hạn đề mục của thiền quán vào một đối tượng chủ yếu và cơ bản nhất: hơi thở. Quyển sách này sẽ giới thiệu đến các bạn một phương pháp thực tập chánh niệm qua sự chú ý đơn thuần, và một ý thức rõ ràng về tiến trình của hơi thở. Chỉ cần dùng hơi thở làm một đối tượng thiền quán, là hành giả cũng có thể quán chiếu được hết toàn thể tiến trình nhận thức trong vũ trụ riêng của chính mình. Hành giả sẽ nhìn thấy được những thay đổi đang xảy ra trong mọi kinh nghiệm vật lý, cảm thọ, và tri giác, cũng như những biến chuyển trong chính tâm thức của mình. Tất cả những đổi thay này lúc nào cũng đều đang có mặt trong mỗi kinh nghiệm của chúng ta, trong mỗi giây và mỗi phút.

Thiền (meditation) là sự sống. Nó là một sinh hoạt mà không thể nào được đem ra giảng dạy như một môn học chỉ có tính cách hàn lâm. Trái tim của thiền học phải được xuất phát từ những kinh nghiệm bản thân của chính vị thầy. Tuy vậy, chúng ta may mắn đã có được một số lượng lớn tài liệu về thiền học, được trao truyền bởi những vị có tuệ giác lớn đã từng bước đi trên mặt đất này. Số văn liệu này là một kho tàng quý giá giúp cho sự tu học của chúng ta. Đa số những điểm được nêu ra trong quyển sách này đã được lấy ra từ Tam tạng kinh (Tipitaka), đó là ba bộ kinh điển chứa đựng toàn bộ giáo lý của đức Phật. Tam tạng kinh gồm có Giới luật (Vinaya), những giới cấm dành cho các hàng tăng, ni và cư sĩ, Kinh (suttas), những bài giáo pháp của Phật, và Luận (Abhidhamma), những giáo lý về môn tâm lý học Phật giáo.

Vào thế kỷ I, có một nhà học Phật nổi tiếng tên là Upatissa, viết quyển Giải Thoát Đạo (Vimuttimagga), trong đó ông tóm tắt lại hết những giáo lý của đức Phật đã dạy về thiền tập. Vào thế kỷ V, có một học giả nổi danh khác là ngài Buddhaghosa, cũng đã viết thêm một bộ luận rất quan trọng về thiền tập, đó là quyển Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), mà cho đến ngày nay vẫn được xem là một quyển sách gối đầu giường của các thiền giả.

Trong quyển sách này, chúng tôi có ý muốn trình bày với các bạn những lời chỉ dẫn rõ ràng và chính xác nhất về phương pháp thiền quán vipassana. Quyển sách này sẽ giúp bạn đặt một bước chân thật vững vàng trên ngưỡng cửa của thiền tập. Còn những bước chân kế tiếp trên con đường khai phá ra ta là ai và ý nghĩa của sự sống, là hoàn toàn tùy thuộc ở chính bạn. Và đây là một hành trình rất quan trọng. Tôi chúc bạn sẽ thành công.

ĐỌC THỬ

Chương 1TẠI SAO TA CẦN PHẢI THIỀN?

Thiền không dễ. Nó đòi hỏi thời giờ và công sức. Nó cũng còn đòi hỏi một sự chịu đựng, bền bỉ và kỷ luật. Tóm lại, thiền tập đòi hỏi ở nơi ta những phẩm chất mà thường thường chúng ta cho là không có gì là thú vị, và nếu như càng tránh được bao nhiêu thì lại còn càng tốt nữa. Ta có thể nói rằng thiền tập đòi hỏi ở ta một dũng lực. Ngồi thoải mái trên chiếc ghế bành để xem ti vi thì có dễ dàng mà lại còn thú vị hơn không! Thế thì tại sao ta lại cần phải ngồi thiền? Tại sao ta lại phải bỏ phí bao nhiêu là thời giờ và công sức của mình, trong khi ta có thể ngồi đó hưởng thụ được bao nhiêu là những sự vui thú khác? Tại sao thế? Giản dị lắm. Vì chúng ta là con người! Và vì sự thật rằng chúng ta là con người, nên ta đã tự động thừa hưởng cái tính chất bất toại nguyện của cuộc sống, và nó sẽ không bao giờ đi mất. Bạn có thể đè nén cảm giác bất mãn ấy trong giây lát, bạn có thể chối bỏ nó trong một vài giờ, nhưng rồi chắc chắn nó sẽ trở lại, và thường khi là vào những lúc bất ngờ nhất. Sẽ có một giây phút nào đó, đột nhiên bạn giật mình tỉnh dậy, nhìn lại những gì mình đang có và thấy rõ được tình trạng của chính mình.

Trong giây phút ấy, đột nhiên ta nhận thấy mình đã bỏ ra trọn cuộc đời, mà thật sự chỉ là mới cố gắng để sống. Ta lúc nào cũng ráng giữ một bề ngoài tốt đẹp. Ta cố gắng để giải quyết mọi vấn đề và giữ cho mình lúc nào cũng có vẻ tươi tốt. Nhưng vào những lúc thất vọng, những khi ta cảm thấy mệt mỏi và chán nản, ta lại chỉ muốn giữ kín cho riêng mình. Trong ta là một nỗi cô đơn, buồn chán, và ta biết rất rõ điều ấy. Nhưng chúng ta giấu rất kín và rất tài. Thật ra, sâu kín trong tâm hồn, ta tin rằng phải có một cái gì đó tốt đẹp hơn, một lối sống hạnh phúc hơn, một cái nhìn cao rộng hơn, một con đường mà ta có thể tiếp xúc được với sự sống này trọn vẹn hơn. Và thỉnh thoảng ta cũng có cơ hội nếm được cái hương vị ấy: khi ta tìm được một công việc tốt. Khi ta biết yêu. Ta thắng cuộc. Trong những giây phút ấy tất cả bỗng nhiên đều thay đổi. Cuộc sống này dường như thấy tươi sáng hơn, có ý nghĩa hơn, khiến những muộn phiền và buồn tẻ hằng ngày đều tan biến mất. Trong giây phút ấy dường như tất cả đều thay đổi, và ta tự nhủ, “Bây giờ là được rồi đó, mình sẽ là một người hoàn toàn có hạnh phúc.” Nhưng rồi nó cũng qua, như một làn sương mờ trong buổi sáng sớm. Ta chỉ còn lại chút ký ức nhỏ nhoi và một ý thức mơ hồ rằng cuộc đời này dường như có một sự bất an nào đó.

Chúng ta có cảm giác rằng cuộc đời này phải có một cái gì đó sâu sắc hơn, ý nghĩa hơn, nhưng sao mình vẫn không thấy được. Ta cảm thấy như mình bị cắt lìa. Ta cảm thấy như mình bị cô lập. Ta không tiếp xúc được với sự sống đang thật sự có mặt chung quanh mình. Nhưng rồi những thao thức đó, những ý nghĩ đó cũng phai mờ đi, và rồi ta lại trở về với tình trạng xưa cũ của mình. Cuộc đời nhiều khi cũng giống như một chuyến tàu lượn siêu tốc (roller coaster) của cảm xúc, ta mất nhiều thì giờ ở phía dưới con dốc mong chờ, ao ước những giây phút được lên trên đỉnh cao.

Như vậy thì ta có vấn đề gì đây? Tại sao mình lại là như thế này? Thật ra thì ta không có một vấn đề gì hết. Ta chỉ là một con người, thế thôi! Ta mang một chứng bệnh chung của cả nhân loại. Trong mỗi người chúng ta có một con quái thú với nhiều cánh tay dài, chúng là sự căng thẳng tinh thần, thiếu tình thương chân thật đối với kẻ khác, ngay cả những người gần gũi nhất với mình nhất, những cảm xúc đóng kín, và sự khô cằn tình cảm. Con quái thú ấy có nhiều, rất nhiều cánh tay. Và trong chúng ta không ai có thể thoát được nó. Ta có thể chối bỏ nó. Ta có thể cố gắng đè nén nó. Chúng ta còn xây cả một nền văn hóa để tự bảo vệ mình, để núp phía sau đó và giả vờ như mọi việc đều bình thường. Chúng ta tự tìm những xao lãng trong những mục đích, qua các dự án, và những lo lắng về địa vị của mình trong xã hội. Nhưng con quái thú ấy vẫn có mặt. Trong mỗi ý nghĩ, mỗi suy tưởng của ta, lúc nào cũng có một giọng nói nhỏ xen vào, “Như vậy cũng chưa đủ. Cần phải có thêm nữa. Cần phải làm cho tốt hơn nữa. Phải ráng đạt thêm nữa.” Nó là một con quái thú, một con quái thú có mặt ở khắp mọi nơi, biểu hiện qua những hình dạng rất tinh tế.

Bạn đi đến một buổi tiệc. Lắng nghe những tiếng cười giòn tan biểu lộ một sự vui thú bên trên, và một nỗi sợ hãi nằm ở phía dưới. Cảm thấy một sự căng thẳng, đè nén. Không có một ai là thật sự thoải mái. Tất cả mọi người đều giả tạo. Bạn đi đến xem một trận đá bóng. Nhìn những khán giả trên các hàng ghế. Nhìn những cơn nóng giận bộc phát. Nhìn những tức tối, bực dọc xuất phát từ mọi người, nhưng được trá hình dưới danh nghĩa của sự hâm mộ, hăng hái, tinh thần ủng hộ đội nhà. Những la ó, lăng mạ, tự tôn núp dưới danh xưng của sự trung thành với đội mình, say rượu, đánh nhau – tất cả chỉ là những cách để người ta giải tỏa sự căng thẳng của mình. Họ là những người bên trong có rất nhiều những bất an. Xem tin tức trên ti vi. Lắng nghe những lời ca của các bài nhạc đang thịnh hành. Bạn sẽ thấy tất cả đều cùng đang lặp đi lặp lại chung một đề tài: ghen tỵ, khổ đau, bất mãn và căng thẳng.

Sự sống dường như là một cuộc tranh đấu không ngừng nghỉ, một nỗ lực chống lại những nghịch cảnh. Và giải pháp của chúng ta là gì? Chúng ta tự than, “Nếu phải chi…” Nếu phải chi tôi có nhiều tiền hơn, tôi sẽ có hạnh phúc. Nếu phải chi tôi tìm được một người thật sự yêu mình. Nếu phải chi tôi sụt đi chừng mười kí. Nếu phải chi tôi có một cái ti vi màu, một bồn tắm nước nóng, một mái tóc cong… và danh sách ấy sẽ không bao giờ chấm dứt. Nhưng những cái đó phát xuất từ đâu, và quan trọng hơn nữa, chúng ta có thể làm gì được với chúng? Nó phát xuất từ một tâm thức bị điều kiện. Nó là một thái độ tâm lý đã bị điều kiện sâu xa, lâu đời, cũng giống như một gút mắc được dần dà cột thắt bởi nhiều mối thật chặt, và bây giờ cũng vậy, muốn mở ra thì ta cũng phải biết từ từ tháo gỡ ra từng mối một. Chúng ta cần thắp lên ngọn đèn của ý thức, vớt lên từ chiều sâu tâm thức từng mảnh vụn nhỏ, và mang ra đặt dưới ánh sáng của chánh niệm. Chúng ta có thể làm vô thức trở thành ý thức, thật từ tốn, mỗi lần một chút.

Bản chất của mọi kinh nghiệm của chúng ta là thay đổi. Sự thay đổi ấy không bao giờ ngừng nghỉ. Trong mỗi giây, mỗi phút, sự sống trôi chảy và biến đổi liên tục, không bao giờ đứng yên. Chính sự chuyển biến không ngừng ấy là bản chất của cái vũ trụ tri giác này. Một tư tưởng khởi lên và chưa đến nửa giây, nó đã biến mất. Rồi một tư tưởng khác khởi lên, rồi cũng biến mất. Một âm thanh chạm vào tai ta, rồi thinh lặng. Mở mắt ta ra, cả thế giới tuôn tràn vào trong, nhắm mắt lại và tất cả mất hết. Có những người đã đến và đi trong đời ta. Bạn bè rời xa, người thân mất. Thời vận của ta lên rồi lại xuống. Đôi khi ta thắng, nhưng thường khi là thua. Tất cả là một sự biến chuyển bất tận: đổi thay, đổi thay và đổi thay, không bao giờ lại có hai giây phút giống như nhau.

Nhưng thật ra thì không có gì là vấn đề với việc ấy hết. Tự tính của vũ trụ này là vậy. Nhưng có điều là văn hóa nhân loại đã dạy cho chúng ta có một phản ứng khá kỳ cục đối với sự thay đổi này. Chúng ta xếp loại những kinh nghiệm của mình. Mỗi khi có bất cứ một nhận thức, một sự đổi thay nào xảy ra, chúng ta tự động bỏ nó vào một trong ba hộc tủ khác nhau: tốt, xấu hoặc trung hòa. Và tùy theo ta sắp nó vào hộc tủ nào mà ta sẽ có những phản ứng nhất định về nó. Nếu đó là một nhận thức được ta cho là tốt, ta sẽ cố gắng níu kéo cho thời gian dừng lại. Ta nắm bắt, ôm cứng lấy nó, không cho nó thoát đi. Và khi ta biết rằng mình không thể giữ được nó mãi, ta sẽ tìm đủ mọi cách để mang lại kinh nghiệm nào mà đã khơi dậy nhận thức ấy. Chúng ta hãy gọi thái độ tâm lý này là “nắm bắt”.

Và hộc tủ kế bên được dán nhãn hiệu là “xấu”. Khi ta nhận diện cái gì là xấu, ta sẽ xô đẩy nó đi. Chúng ta cố gắng chối bỏ nó, xa lánh nó, xua đuổi nó bằng đủ mọi cách. Thật ra là chúng ta đang chống cự lại kinh nghiệm của chính mình. Chúng ta đang chối bỏ một phần của chính chúng ta. Chúng ta hãy gọi thái độ tâm lý này là “xua đuổi”. Và giữa hai thái độ ấy là một hộc tủ thứ ba: “trung hòa”. Trong hộc tủ này, chúng ta bỏ vào những kinh nghiệm nào mà ta nhận thấy không tốt cũng chẳng xấu. Những gì ta cảm thấy nhạt nhẽo, nhàm chán, hoặc vô vị. Chúng ta sắp những kinh nghiệm ấy vào hộc tủ này để ta có thể quên đi, và đem sự chú ý của mình trở về những gì là lý thú hơn, nói một cách khác ta trở lại chạy theo vòng quay bất tận của những sự thương và ghét. Và vì vậy, những kinh nghiệm “trung hòa” này bị chúng ta bỏ bê, không hề được chú ý gì đến. Ta hãy gọi thái độ này là “lơ là”. Và kết quả trực tiếp của những thái độ điên rồ này là ta như một người chạy trên một chiếc máy chạy tập thể dục (treadmill), cứ cắm đầu phóng tới mà chẳng đi về đâu. Hễ có những gì ưa thích thì ta tìm cách nắm giữ, và gặp những gì khó chịu thì ta lẩn trốn, và bỏ lơ đi gần 90% kinh nghiệm còn lại của đời mình. Và rồi chúng ta lại tự hỏi vì sao cuộc đời này lại vô vị đến thế. Nói tóm lại, thái độ phản ứng máy móc đó của chúng ta sẽ không thể nào mang lại cho chúng ta hạnh phúc.

Cho dù bạn có nỗ lực theo đuổi những thú vui và thành đạt đến đâu, rồi có lúc bạn sẽ gặp thất bại. Cho dù bạn có chạy trốn nhanh và khôn kéo đến đâu, sẽ có lúc những khổ đau bắt kịp bạn. Và giữa những giai đoạn đó, cuộc sống này nhàm chán đến độ bạn có thể thét lên được. Tâm ta chứa đầy những phê bình và thành kiến. Chúng ta tự xây lên cho mình những bức tường kiên cố để tự bảo vệ, và rồi vô tình tự giam mình vào ngôi nhà tù làm bằng những ưa thích và ghét bỏ của chính ta. Và ta khổ.

Khổ là một danh từ rất to tát trong đạo Phật. Đây là một ý niệm quan trọng mà chúng ta cần phải hiểu cho rất rõ. Chữ dùng trong tiếng Pali là dukkha, và nó không chỉ có nghĩa là sự đau đớn, dày vò của thân xác mà thôi. Nó còn mang một ý nghĩa thâm sâu, tinh tế hơn về một cảm giác bất toại nguyện (dissatisfaction) của mỗi ý tưởng, mà chúng là kết quả trực tiếp của những phản ứng máy móc của ta. Bản chất của sự sống là khổ, dukkha, đức Phật dạy thế. Mới nghe qua thì nó như có vẻ rất bi quan và chán đời. Mà dường như nó cũng không hoàn toàn đúng với sự thật nữa. Dầu sao thì cuộc sống này cũng đâu có thiếu gì những giây phút mà mình cảm thấy vui thú. Phải thế không bạn? Nhưng không, sự thật không phải vậy. Nó chỉ có vẻ là như vậy mà thôi. Bây giờ bạn hãy thử lựa ra một giây phút nào đó mà bạn nghĩ là mình thật sự cảm thấy đầy đủ nhất, rồi nhìn kỹ lại đi. Bên dưới niềm vui ấy, bạn sẽ thấy có một sự căng thẳng, muộn phiền, biết rằng cho dù giây phút này có trọn vẹn đến đâu, nó rồi cũng sẽ chấm dứt. Cho dù bạn có thu đạt được nhiều đến đâu chăng nữa, chắc chắn rồi bạn cũng sẽ đánh mất đi, hoặc bỏ hết ngày tháng còn lại để bảo vệ những gì mình có và tính toán làm sao để được nhiều hơn nữa. Nhưng cuối cùng cuộc đời bạn sẽ còn lại gì? Cái chết! Cuối cùng, rồi ta cũng sẽ buông bỏ hết tất cả. Tất cả chỉ là những tạm bợ mà thôi.

Nghe có vẻ bi đát quá bạn nhỉ? Nhưng may mắn thay, sự thật không phải vậy. Nó chỉ bi đát nếu ta nhìn bằng con mắt của cuộc đời, một cái nhìn chỉ có sự nắm bắt hoặc xua đuổi. Nhưng chúng ta còn có một cái nhìn khác nữa. Với cái nhìn này, chúng ta không cần phải bắt thời gian dừng lại, không cần phải nắm bắt một kinh nghiệm nào trôi ngang qua, và cũng không cần phải ngăn chặn hoặc làm lơ trước bất cứ một kinh nghiệm nào khác. Nó là một mức độ kinh nghiệm nằm trên những ý niệm về tốt và xấu, vượt lên trên sự vui sướng và đớn đau. Lối nhìn ấy về cuộc đời là một lối nhìn rất nhiệm mầu, và ta có thể học được. Lẽ dĩ nhiên không phải là dễ, nhưng ta có thể làm được.

Hạnh phúc và an lạc là những vấn đề trọng đại của con người. Đó là những gì chúng ta đang thật sự tìm kiếm. Nhưng thật ra rất khó mà thấy được điều đó, vì cái ước mơ căn bản ấy thường bị che lấp bởi các tầng lớp của những mong muốn trên bề mặt. Chúng ta muốn thực phẩm, giàu sang, sắc dục, thú vui và danh vọng. Nhiều khi ta còn nói rằng, ý niệm về “hạnh phúc” trừu tượng quá. “Tôi là một con người rất thực tế. Cho tôi đủ tiền bạc, tôi sẽ mua được hết những hạnh phúc mà tôi cần.” Điều không may là chuyện ấy không thể nào có được. Bạn hãy thử nhìn cho sâu sắc về mục đích của các hạnh phúc đó, bạn sẽ thấy rằng chúng rất là nông cạn. Bạn muốn có thực phẩm. Để làm gì? Vì tôi đói. Nếu bạn đói thì sao? Thì nếu tôi ăn, tôi sẽ hết đói, và khi hết đói rồi thì tôi sẽ cảm thấy dễ chịu. À, thì là vậy! Bạn muốn được “cảm thấy dễ chịu”: chính đây mới là lý do chân thật. Những gì chúng ta muốn tìm, chúng không nằm trong những mục đích trên bề mặt, vì đó chỉ là những phương tiện dẫn ta đến cứu cánh mà thôi. Cái mà ta thật sự tìm kiếm là cái cảm giác nhẹ nhõm đi theo sau, khi ước muốn của mình đã được thỏa mãn. Một cảm giác nhẹ nhàng, thư thả, không còn bị căng thẳng nữa. Hạnh phúc và an lạc – khi không còn những khát khao.

Thế thì hạnh phúc này là gì? Đối với phần lớn chúng ta thì ý niệm về một hạnh phúc hoàn toàn là có được hết những gì mình muốn và có khả năng kiểm soát được hết tất cả, như là một Caesar1, bắt cả thế giới này phải nhảy múa theo mỗi sở thích của chính mình. Nhưng cũng thế, chuyện ấy cũng không thể nào có được. Hãy thử nhìn lại lịch sử của thế giới, bạn sẽ thấy thật ra cũng có những người đã có được những quyền uy rộng lớn đó. Nhưng họ không hề là những người có hạnh phúc. Chắc chắn một điều là họ không có được an lạc với chính mình. Tại sao thế? Vì họ có khát vọng muốn làm bá chủ thế giới này một cách tuyệt đối, và họ không thể nào làm được việc ấy. Họ muốn kiểm soát hết tất cả mọi người, nhưng vẫn có những người không chịu bị kiểm soát. Họ có những quyền hành to tát nhưng vẫn không kiểm soát được những vì sao trên trời. Mưa vẫn rơi, mây vẫn bay, lá vẫn rụng. Họ vẫn ngã bệnh. Họ vẫn phải chết.

(1) Gāius Jūlius Caesar (phát âm như “Gai-us Giu-li-us Xê- da”; trong tiếng Latin như “Khai-xơ”; 12 tháng 7 hoặc 13 tháng 7 năm 100 TCN – 15 tháng 3 năm 44 TCN) là một lãnh tụ quân sự và chính trị của La Mã và là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử thế giới. Ông đóng một vai trò then chốt trong sự chuyển đổi Cộng hòa La Mã thành Đế chế La Mã.

Ta không bao giờ có thể có được hết những gì mình muốn. Đó là chuyện bất khả. Nhưng may thay, ta vẫn có một sự lựa chọn khác. Ta có thể học cách làm chủ được tâm ý của mình, bước ra ngoài vòng xoay bất tận của sự ham muốn và ghét bỏ. Ta có thể thực tập không muốn những gì mình ham muốn, nhận diện những tham vọng nhưng không bị nó sai xử. Nhưng điều ấy không có nghĩa là từ nay chúng ta sẽ nằm xuống giữa đường, và để mặc cho ai bước ngang qua chà đạp ta thì cứ việc. Nó chỉ có nghĩa là ta vẫn tiếp tục sống đời sống bình thường của mình, nhưng sống với một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ. Chúng ta sẽ làm những gì một người bình thường vẫn làm, nhưng ta có tự do, không bị thúc đẩy, lôi cuốn bởi những ham muốn của mình. Ta có thể muốn một cái gì đó, nhưng không phải chạy đeo đuổi theo nó. Ta có thể sợ hãi một điều gì, nhưng không cần phải đứng đó mà run rẩy. Thái độ ấy không phải là dễ. Nó đòi hỏi rất nhiều năm tháng thực tập. Nhưng ta biết rằng cố gắng kiểm soát hết mọi việc trên đời này là một chuyện không thể nào có được. Thế thì giữa hai cái, ta chọn cái khó khăn còn hơn là cái không thể nào có được.

Nhưng mà khoan cái đã! Hạnh phúc và an lạc! Có phải đó chính là mục tiêu chính của nền văn minh chúng ta chăng? Chúng ta xây những tòa nhà chọc trời và những xa lộ. Chúng ta có những tháng nghỉ hè được trả lương, những máy ti vi màu. Chúng ta có bệnh viện miễn phí, những ngày nghỉ bệnh, an ninh xã hội và lợi dưỡng chung. Tất cả những cái đó nhằm mục đích mang lại cho chúng ta một mức độ hạnh phúc và an lạc nào đó. Nhưng dù vậy, số bệnh nhân tâm thần trong xã hội vẫn mỗi ngày một nhiều và con số phạm pháp mỗi ngày một tăng nhanh hơn. Đường phố đầy rẫy những cá nhân bạo động và thiếu quân bình. Đưa tay ra khỏi cửa nhà mình, bạn có thể bị ai kia lột mất đi chiếc đồng hồ mà không hay! Có điều gì đó không được ổn cho lắm. Một người hạnh phúc không bao giờ trộm cắp. Một người có an lạc không bao giờ biết bạo động. Ta muốn tin rằng, xã hội chúng ta đã tận dụng hết mọi lĩnh vực của kiến thức con người để đạt đến mục tiêu an lạc và hạnh phúc, nhưng sự thật không phải thế.

Chúng ta chỉ mới bắt đầu ý thức rằng, mình đã phát triển khía cạnh vật chất của sự sống quá độ, chúng ta sẵn sàng hưởng thụ nó trên sự sống tâm linh và tình cảm của mình. Và bây giờ chúng ta đang phải trả giá cho việc làm đó. Nói là một chuyện, và thật sự làm một cái gì đó để sửa đổi, lại là một chuyện khác. Nơi bắt đầu phải là từ bên trong chính mỗi người của chúng ta. Bạn hãy thử quay lại nhìn vào trong chính mình cho sâu sắc, một cách chân thật và khách quan. Bạn sẽ thấy rõ, chính ta cũng có những giây phút mà “Tôi chính là kẻ phạm pháp” và “Tôi chính là người điên rồ.” Và khi ta có thể nhận diện được chúng một cách rõ rệt, vô tư, và không phê phán hoặc trách móc, chúng ta mới có cơ hội để bước ra khỏi được.

Và chúng ta sẽ không thể nào thay đổi được bất cứ một điều gì của mình hết, trừ khi ta nhìn thấy được con người thực của mình, ngay trong giờ phút này. Chừng ấy sự chuyển hóa sẽ xảy ra một cách rất tự nhiên và trôi chảy. Bạn không cần phải nỗ lực hoặc tuân phục theo một uy quyền nào bắt buộc bạn hết. Tự động bạn sẽ thay đổi. Nhưng làm sao để ta vẫn có thể giữ được cái tuệ giác ban đầu ấy, đó mới là vấn đề khó! Bạn phải nhìn thấy được mình là ai, và như thế nào, một cách chân thật, không thành kiến, và không chối bỏ. Bạn phải thấy được chỗ đứng và ảnh hưởng của mình trong xã hội. Bạn phải thấy được bổn phận và trách nhiệm của mình đối với những người sống chung quanh, và hơn nữa trách nhiệm đối với chính mình như là một cá nhân sống chung với kẻ khác. Và cuối cùng, bạn phải thấy được rằng hết tất cả những điều ấy thật ra chỉ là một mà thôi, một cái chung toàn vẹn mà trong đó tất cả đều có liên hệ mật thiết với nhau. Tuy điều ấy nghe có vẻ rất phức tạp, nhưng thật ra nó có thể xảy ra trong một chớp mắt. Công năng của thiền tập có một sức mạnh vô song, nó có thể đem lại cho ta thứ tuệ giác này, và một hạnh phúc rất tĩnh lặng.

Kinh Pháp Cú (Dhammapada) một quyển kinh rất xa xưa của đạo Phật có viết, “Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo; Nếu với ý ô nhiễm, Nói lên hay hành động, Khổ não bước theo sau, Như xe, chân vật kéo.

Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo; Nếu với ý thanh tịnh, Nói lên hay hành động, An lạc bước theo sau, Như bóng, không rời hình.

Một khi tử thần đến, Không có con che chở, Không cha, không bà con, Không thân thích che chở.

Biết rõ ý nghĩa này, Bậc trí lo trì giới, Mau lẹ làm thanh tịnh, Con đường đến Niết bàn.

Và thiền tập là một phương pháp giúp ta làm “thanh tịnh” được tâm ý mình. Thiền tập giúp ta thanh lọc được tiến trình tư tưởng của ta, giúp ta gạn bỏ được những chất kích động tâm ý như là tham lam, sân hận và si mê, mà đã từng trói buộc ta bằng sợi dây giam hãm của tình cảm. Thiền tập sẽ mang tâm ta đến một trạng thái tĩnh lặng và tỉnh thức, một trạng thái của định và huệ.

Trong xã hội ngày nay, chúng ta đặt niềm tin rất lớn vào giáo dục. Chúng ta tin rằng học thức có thể làm một người trở nên văn minh hơn. Nhưng thật ra, văn minh và học thức chỉ đánh bóng phần bên ngoài của con người mà thôi. Bạn chỉ cần thử đem một người “học thức” và “quý phái” ấy ra đối diện với những hoàn cảnh như là chiến tranh hoặc một nền kinh tế suy sụp, và xem người ấy còn “quý phái” nữa hay không! Chúng ta tuân theo luật lệ vì không muốn chịu hình phạt và sợ hậu quả là một chuyện; còn chúng ta tuân theo luật vì mình đã được thanh tịnh, không còn lòng tham để trộm cắp, hoặc lòng sân hận để giết hại, thì đó là một chuyện hoàn toàn khác. Thảy một hòn đá xuống một dòng suối. Dòng nước chảy sẽ làm mòn đi bề mặt bên ngoài của hòn đá, nhưng bên trong vẫn y nguyên. Thảy hòn đá ấy vào một lò rèn lửa nóng, nó sẽ chảy tiêu. Cả hòn đá ấy sẽ biến dạng từ trong ra ngoài. Văn minh, học thức chỉ có thể thay đổi bề ngoài của con người mà thôi. Thiền tập sẽ chuyển hóa con người từ bên trong, và sâu sắc.

Thiền tập còn được ví như là một vị thầy lớn. Nó là một ngọn lửa tôi luyện chúng ta, tuy chậm chạp nhưng rất chắc chắn, bằng sự hiểu biết. Khi sự hiểu biết của chúng ta càng rộng lớn bao nhiêu, thì lòng tha thứ, bao dung và tâm từ của chúng ta sẽ càng rộng mở bấy nhiêu. Chúng ta sẽ trở thành như là một bậc cha mẹ gương mẫu hay một vị thầy toàn thiện. Ta sẵn sàng tha thứ và bỏ qua hết tất cả. Ta cảm thấy thương yêu hết mọi người vì ta hiểu được họ, và sở dĩ ta có thể hiểu được họ là vì ta hiểu rõ được chính ta. Chúng ta quay lại nhìn sâu vào chính mình, và ta đã thấy được những sự giả tạo, những thiếu sót của một con người, cũng như những giới hạn của kiếp người, và từ đó ta biết tha thứ và thương yêu tất cả. Khi ta có tâm từ đối với chính mình thì tự động ta sẽ có tâm từ đối với kẻ khác. Một thiền sinh giỏi sẽ có được một sự hiểu biết lớn đối với sự sống, và từ đó họ sẽ đối xử với cuộc đời này bằng một tình thương sâu xa, và không hề phán xét.

Thiền tập cũng giống như làm ruộng vậy. Muốn có một thửa đất trống để ta trồng trọt, trước hết ta phải biết đốn cây và bứng đi hết những gốc rễ. Rồi sau đó chúng ta mới làm đất, bón phân, gieo hạt, và gặt hái. Đối với thửa ruộng tâm cũng thế, trước hết chúng ta phải dọn dẹp làm trống đi hết những yếu tố nào làm trở ngại – ta phải bứng nhổ ngay tận gốc rễ để chúng không thể nào còn mọc trở lại. Rồi chúng ta bón phân cho mảnh đất tâm: bằng sự tinh tấn và nỗ lực. Và sau đó, ta gieo xuống những hạt giống tốt, và gặt hái những quả trái của niềm tin, giới luật, chánh niệm và tuệ giác.

Niềm tin và giới luật trong đạo Phật mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Niềm tin trong đạo Phật không phải là sự tin tưởng vào kinh điển xuất phát từ một đấng thiêng liêng, hay đức tin vào những giáo lý của một bậc đạo sư nào đó. Ý nghĩa của niềm tin ở đây gần giống với một sự tự tin hơn. Chúng ta tin đó là sự thật vì chính ta đã thấy, vì tự chính mình đã kinh nghiệm được điều ấy. Và cũng thế, giới luật không phải là những nghi thức, những quy luật được đặt ra bởi một uy quyền nào đó ở bên ngoài. Thật ra giới luật là những khuôn thước hành động mà ta đã ý thức và tự nguyện hành xử theo, vì ta biết rằng chúng tốt đẹp và cao thượng hơn lối hành xử bình thường của mình trong đời sống hằng ngày.

Mục đích của thiền tập là một sự chuyển hóa tự thân. Cái “Tôi” đi vào bên này của kinh nghiệm thiền tập sẽ không phải là cái “Tôi” đi ra phía bên kia. Thiền tập sẽ thay đổi con người của ta qua một tiến trình nhận thức sâu sắc về những cảm giác của mình, nó bắt ta ý thức rõ rệt về những ý nghĩ, lời nói và hành động của ta. Lòng tự tôn sẽ tan biến và thái độ chống đối của ta cũng sẽ khô cạn đi. Tâm ta sẽ trở nên an tĩnh. Và cuộc sống cũng được suôn sẻ hơn. Thiền tập có khả năng giúp ta đối diện với những thăng trầm của cuộc đời một cách dễ dàng hơn. Nó làm giảm đi những sự căng thẳng, lo lắng và sợ hãi. Những bất an sẽ vơi đi và những đam mê cũng sẽ nhẹ nhàng hơn. Mọi việc rồi nằm yên vào vị trí của nó, và cuộc đời của ta sẽ giống với một con thuyền nhẹ lướt trên một dòng nước hơn là gập ghềnh trôi qua những con thác. Và tất cả bắt đầu bằng một sự hiểu biết.

Thiền tập sẽ giúp cho định lực và tuệ giác của ta ngày được sâu sắc thêm. Và từ đó, những động cơ thúc đẩy nằm sâu kín trong vô thức, những phản ứng máy móc của ta sẽ dần dần bị phơi bày ra. Trực giác của ta sẽ trở nên bén nhạy hơn xưa. Sự suy nghĩ của ta sẽ chính xác hơn, và dần dà ta sẽ có thể tiếp xúc trực tiếp với sự vật chung quanh mình như chúng thật sự là – như thị – không phán xét, không bị cái tưởng làm sai trật.

Như vậy thì bấy nhiêu đó lý do có đủ để trả lời cho ta rằng tại sao ta lại cần phải thiền chưa? Thật ra thì chưa thấm thía gì hết! Dầu sao thì chúng cũng vẫn chỉ là những lời hứa suông trên giấy mực mà thôi. Chỉ có một cách để bạn có thể biết được thiền có ích lợi gì cho mình không là thực hành, và thực hành cho đúng. Bạn hãy tự mình kinh nghiệm lấy.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button