Kỹ năng mềm

Cẩm Nang Việc Làm

cam-nang-viec-lam-ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nhiều tác giả

Download sách Cẩm Nang Việc Làm ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sách kỹ năng sống

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời nói đầu

Hằng năm, Việt Nam đón nhận khoảng một trăm nghìn sinh viên tốt nghiệp từ các ngành nghề khác nhau, chủ yếu vẫn là từ các ngành học thuộc khối kinh doanh và kinh tế. Trong khi các doanh nghiệp khối tư nhân, kể cả các công ty nước ngoài kêu than không ngừng về việc thiếu hụt nhân lực thì lực lượng lao động trẻ thất nghiệp vẫn chiếm gần 50% trên tổng số người thất nghiệp của cả nước. “Nghịch cảnh” trên là một thực tế nhức nhối đã làm tốn biết bao bút mực tìm lời giải của các cơ quan, ban ngành hữu quan.

Ngoài nguyên nhân khách quan, có một nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng trên đó là định hướng nghề nghiệp chưa tốt, tính chủ động và kỹ năng tìm kiếm việc làm của sinh viên chúng ta chưa cao. Vì thế, với kinh nghiệm hơn 20 năm làm việc trong thị trường lao động Việt Nam, chúng tôi mong muốn cung cấp cho các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên một cái nhìn tổng quan về thị trường lao động Việt Nam – những xu hướng trong tương lai, những kỹ năng cần thiết đối với từng công việc cụ thể. Đặc biệt là về những công việc và các ngành nghề mang tính phổ biến, chủ yếu sử dụng lao động có trình độ cao đẳng và đại học. Đồng thời, qua cuốn sách này, chúng tôi hy vọng có thể giúp các bạn trẻ có những định hướng nghề nghiệp tốt hơn dựa trên chính năng lực của cá nhân song hành với các xu hướng mới của kinh tế trong và ngoài nước, giúp các bạn chủ động hơn trong việc tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp và tự trang bị hành trang vào đời cho bản thân.

Chúng tôi mong rằng, thay vì ngồi chờ những thay đổi mang tính vĩ mô từ các cấp quản lý, các bạn trẻ hãy chủ động hơn nữa trong việc tự định vị bản thân, thể hiện rõ khát khao và hoài bão của tuổi trẻ bằng những hoạch định mang tính dài hạn dựa trên những nền tảng thông tin có cơ sở. Và chúng tôi cũng hy vọng, trong chuyến hành trình đi tới tương lai đó, cuốn sách nhỏ mang tên Cẩm nang Việc làm sẽ là một trong những người bạn đồng hành thân thiết của các bạn!

Xin gửi lời cám ơn đến Công ty Cổ phần Sách Alpha vì đã đề xuất thực hiện và giúp chúng tôi phát hành cuốn sách. Xin cám ơn các công ty đạt giải Vietnam HR Awards 2014 vì đã cung cấp tư liệu và những lời khuyên hữu ích dành cho các bạn trẻ. Cám ơn các chuyên gia của Talentnet vì đã hỗ trợ nghiên cứu và tư vấn về nội dung cuốn sách. Cuối cùng, xin trân trọng cám ơn các Giám đốc nhân sự và các bạn sinh viên đã tham gia vào các cuộc khảo sát của chúng tôi để cuốn sách mang tính thực tiễn nhất có thể.

Trong quá trình thu thập tư liệu để viết quyển sách này, chúng tôi có tham khảo thông tin qua các bài viết đăng tải trên báo chí trong và ngoài nước như Financial Times, Forbes, Nhịp cầu Đầu tư, Tạp chí Tài chính, VietNam Economics Times… cùng các trang thông tin điện tử khác.

ĐỌC THỬ

Chương I Toàn cảnh thị trường lao động Việt Nam năm 2016

Tăng trưởng kinh tế – những con số biết nói.

Năm 2015, kinh tế Việt Nam tăng trưởng với tốc độ ấn tượng nhất trong 5 năm gần đây: GDP đạt mức tăng trưởng cả năm là 6,68%, vượt chỉ tiêu 6,20% mà Chính phủ đề ra vào đầu năm. Xuất khẩu mạnh, đầu tư nước ngoài đạt mức kỷ lục và thị trường tiêu dùng nội địa khởi sắc là những nhân tố tạo nên mức tăng trưởng tích cực này.

Bên cạnh đó, chất lượng tăng trưởng cũng được nâng lên. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng từ 81,88% năm 2014 lên 82,5% năm 2015; Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm từ 48,4% xuống 45%; Năng suất lao động bình quân tăng 3,8%/năm; Vốn đầu tư được sử dụng hiệu quả hơn. Trong chín tháng đầu năm 2015, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 28,5% và vốn đăng ký tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2014.

Vốn giải ngân các dự án đầu tư nước ngoài17,4%

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2015 đã khép lại với vốn giải ngân cao kỷ lục: 14,5 tỷ đô-la, tăng 17,4% so với năm 2014, và cao hơn từ 1,5-2 tỷ đô-la so với mức giải ngân bình quân trong vài năm gần đây.

Số liệu thống kê cũng cho thấy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút FDI lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 15,23 tỷ đô-la, chiếm 69,8% tổng số vốn đăng ký. Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,8 tỷ đô-la; ngành kinh doanh bất động sản đạt gần 2,4 tỷ đô-la; các ngành còn lại đạt 2,4 tỷ đô-la.

Tổng quan về nguồn lao động.

Theo báo cáo điều tra lao động việc làm quý 2 năm 2015 của Tổng cục Thống kê, cả nước có hơn 70,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên, trong đó có 53,7 triệu người thuộc lực lượng lao động. Trong đó, lao động nam ước đạt 27,66 triệu người.

Xét về cấp bậc, gần một nửa người lao động (48,88%) nằm ở nhóm nghề kỹ thuật trung bình, 11% ở nhóm nghề kỹ thuật cao và 40,12% còn lại ở nhóm nghề kỹ thuật thấp.

Xét theo ngành nghề kinh tế, ngành nông lâm thủy sản đang là ngành thu hút nhiều lao động chính thức nhất ở nước ta với tỷ lệ 44,7% – tương ứng hơn 23 triệu người. Sản xuất đứng thứ 2, chiếm 15,3% và theo sau là ngành bán buôn, bán lẻ với tỷ lệ 12,6%.

Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi lao động tại Việt Nam lại khá cao: 2,36% trong chín tháng đầu năm 2015. Trong đó, tính đến quý 2, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi từ 15-24 tuổi là 6,68%, cao hơn ba lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước, đặc biệt là ở thành thị. Số lao động thanh niên thất nghiệp hiện đã chiếm tới 50,3% tổng số lao động thất nghiệp cả nước. Lao động thanh niên thiếu việc làm hiện chiếm hơn 1/4 tổng số lao động thiếu việc làm cả nước.

Bên cạnh đó, sức cạnh tranh của lao động Việt Nam khi đặt cạnh các quốc gia trong khu vực cũng cho thấy những con số đáng giật mình hơn nữa. Dù liên tục nâng cao năng suất lao động, song năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore, bằng 1/6,5 so với Malaysia, bằng 1/3 Thái Lan và Trung Quốc (số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO năm 2013).

Theo Hãng Tư vấn McKinsey, trong giai đoạn 2005-2010, hai yếu tố gia tăng số lao động và dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp đã đóng góp 2/3 vào tốc độ tăng trưởng cho Việt Nam, 1/3 còn lại đến từ việc cải thiện năng suất lao động.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank), chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 châu Á.

Việt Nam đã và đang tham gia một cách tích cực vào tiến trình hội nhập quốc tế thông qua việc ký kết các hiệp định đối tác kinh tế với các nước trong khu vực như Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành vào cuối năm 2015. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp mới sẽ ra đời. Với xu hướng này, các ngành thuộc lĩnh vực tiêu dùng nhanh (FMCG), công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến và phụ trợ, dệt may, xây dựng, vận tải và nông sản xuất khẩu sẽ hưởng lợi. Những lĩnh vực cơ khí, xây dựng, công nghệ thông tin, dịch vụ, y tế, du lịch, điện tử, điện – điện công nghiệp – điện lạnh… sẽ là những ngành “nóng”. Ứng viên có ngoại ngữ tốt sẽ có nhiều cơ hội hơn và lĩnh vực giáo dục đào tạo như dạy ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh cũng được hưởng lợi từ xu hướng này. Theo Ngân hàng Thế giới, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 8% và xuất khẩu tăng thêm 17% trong vòng 20 năm.

Ngược lại, những nghề nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính – ngân hàng sẽ là đối tượng ít được chú ý đến. Nguyên nhân có lẽ xuất phát từ quá trình mua bán, sáp nhập và tái cấu trúc của ngành.

Từ bức tranh toàn cảnh nói trên, có thể thấy rằng, cơ cấu dân số Việt Nam vẫn là dân số trẻ và lao động nữ đang dần ở thế cân bằng với lao động nam. Tuy nhiên, đại đa số lao động vẫn đang tập trung ở nhóm nghề kỹ thuật thấp, vì vậy, vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài ở những nhóm ngành nghề đòi hỏi trình độ và kỹ thuật cao, làm cản trở tiến trình nâng cao vị thế của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Thêm vào đó, hơn 1/2 tỷ lệ thất nghiệp lại rơi vào nhóm thanh thiếu niên dẫn đến sự mất cân đối trong cơ cấu lao động, khó tạo ra giá trị tốt nhất cho xã hội.

Cũng nhờ vào việc gia nhập TPP, AEC, Việt Nam đang đón nhận những thay đổi tích cực từ luồng sóng đầu tư nước ngoài, kéo theo rất nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, đặc biệt ở các ngành nghề: sản xuất (cơ khí, chế tạo, chế biến, điện tử, điện – điện công nghiệp – điện lạnh); hàng tiêu dùng nhanh; xây dựng; công nghệ thông tin; dịch vụ; y tế; du lịch… Cơ cấu lao động của Việt Nam tại các nhóm ngành này không thiếu, tuy nhiên vẫn chỉ dừng lại ở nhóm trình độ thấp, kỹ năng thô sơ… Vì vậy, để nâng cao hiệu quả và hiệu suất lao động, nâng cao “giá trị cạnh tranh” đòi hỏi cả một chiến lược dài hơi từ chính sách và chương trình giáo dục của Việt Nam, từ sự chuẩn bị và tự học hỏi của người lao động, từ sự đầu tư và nâng cấp của các doanh nghiệp.

Nhu cầu tuyển dụng – những cơ hội có một không hai.

Qua sự phân tích tổng quan của nền kinh tế, có thể thấy rằng bắt đầu từ năm 2014 cho đến 2018, các ngành nghề giàu tiềm năng phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ đại học – cao đẳng nhiều nhất là: khối ngành sản xuất (công nghiệp, chế biến, chế tạo, điện, điện tử, cơ điện lạnh…); khối ngành bất động sản và xây dựng; khối ngành bán lẻ; khối ngành công nghệ thông tin (đặc biệt là gia công phần mềm); khối ngành giáo dục; khối ngành dịch vụ, du lịch và khách sạn.

Khối ngành Sản xuất

Bảng xếp hạng “Điểm dừng chân cho các nhà sản xuất năm 2015” (Where in the World? Manufacturing Index 2015) do Công ty Tư vấn Bất động sản Cushman & Wakefield (C&W) công bố cho thấy, Việt Nam tiếp tục phát triển và trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho ngành sản xuất sau khi nhảy một bậc (so với năm 2014) để leo lên vị trí đứng đầu bảng xếp hạng “Chỉ số phát triển của các quốc gia mới nổi trong ngành sản xuất” (Growth Index).

Bảng xếp hạng thể hiện rõ lợi thế của Việt Nam trên phương diện chi phí cạnh tranh. Việt Nam đã bắt đầu được hưởng lợi từ việc chi phí sản xuất tại Trung Quốc ngày càng tăng, cụ thể vốn đầu tư nước ngoài cho ngành sản xuất và chế biến tại Việt Nam tăng gấp đôi kể từ năm 2012 đến năm 2014, tương đương 71% tổng số vốn FDI đăng ký. Trong năm 2015, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 15,23 tỷ đô-la, chiếm 66,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Tuy nhu cầu lao động trong khối sản xuất tăng cao, nhưng nguồn cung vẫn không đáp ứng đủ cầu. Các vị trí đang được săn lùng ráo riết bao gồm: kỹ sư lành nghề (kỹ thuật cao), kỹ sư điện, kỹ sư cơ khí, kỹ sư bảo trì (kỹ thuật cao) tại Thành phố Hồ Chí Minh, kỹ sư lập trình tại Hà Nội – những lao động có từ 3-5 năm kinh nghiệm làm việc, trình độ tiếng Anh tốt, có năng lực tự học hỏi, tự phát triển.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trong khối sản xuất cũng gặp phải thực trạng thiếu nhân lực cấp trung và cấp cao, những người có thể sẵn sàng di chuyển và làm việc tại các tỉnh thành trong nước. Đây là nét khác biệt trong văn hóa của Việt Nam và nước ngoài. Người Việt Nam có xu hướng chỉ làm việc ở hai thành phố lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội trong khi hầu hết nhà máy lại được đặt tại các tỉnh thành không sầm uất.

Trước thực trạng cung không đáp ứng được cầu, hơn hai năm qua, các doanh nghiệp và nhà máy đã rất chủ động trong việc tuyển dụng các sinh viên mới ra trường. Sau đó, họ cung cấp các chương trình đào tạo bao gồm kiến thức và kỹ năng chuyên môn, cùng những kỹ năng mềm nhằm tạo nên một đội ngũ kế thừa sẵn sàng cho nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trong vài năm tới đây, dự kiến hai ngành điện tử và dệt may sẽ phát triển mạnh, kéo theo sự gia tăng nhanh chóng trong nhu cầu tuyển dụng nhân lực cho hai ngành này, đặc biệt là khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập vào cuối năm 2015 và TPP chính thức ký kết vào ngày 04 tháng 02 năm 2016. Rõ ràng, việc gia nhập vào cộng đồng và hiệp định kinh tế trong khu vực cũng như thế giới đã đem đến cho nguồn nhân lực Việt Nam nhiều cơ hội làm việc trong và ngoài nước.

Đây chính là cơ hội việc làm có một không hai. Trước đây, khi các ứng viên trong ngành sản xuất chọn việc làm, mức lương luôn là yếu tố quyết định. Nhưng hiện nay, vì có nhiều lựa chọn, nên họ lại có xu hướng tìm hiểu sâu hơn về môi trường làm việc trước khi cam kết sẽ cống hiến lâu dài cho một doanh nghiệp nào đó. Các ứng viên càng ngày càng chủ động tìm cho mình một công việc thích hợp, thể hiện ở việc họ trực tiếp liên lạc với những công ty săn đầu người, đăng thông tin lên LinkedIn và tham dự các buổi hội thảo để xây dựng mối quan hệ với nhà tuyển dụng. So với những nghề khác, kỹ sư sản xuất vẫn còn thiếu thông tin về thị trường nói chung và ngành sản xuất nói riêng, vì vậy, việc họ nhờ cậy những công ty săn đầu người đã trở nên quá phổ biến. Những công ty này có thể cung cấp cho họ các thông tin cần thiết như nhu cầu và kỳ vọng của các doanh nghiệp, các kỹ năng cần có và mức lương trung bình trên thị trường hiện nay.

Tuy nhiên, để nắm bắt được những cơ hội này, các kỹ sư sản xuất phải có trình độ tiếng Anh cao và kỹ năng mềm tốt. Đối với các vị trí như chuyên gia và nhân viên thì tiếng Anh, hiểu biết về công nghệ mới và cập nhật kiến thức chuyên môn chính là những yếu tố cần thiết. Những nhân viên này nên tự tin và chủ động tạo mối quan hệ với đồng nghiệp, thường xuyên tham dự hội thảo và sự kiện nhằm nắm bắt kịp thời những thông tin mới nhất. Các nhân sự cấp quản lý thì cần tập trung hơn vào kỹ năng giao tiếp và lãnh đạo, cách tạo động lực và quản lý nhân viên, đây là những năng lực còn yếu trong ngành sản xuất. Ngoài ra, hiệu quả làm việc và năng suất của các kỹ sư Việt Nam vẫn chưa cao so với các nước khác.

Các doanh nghiệp sẽ có hàng loạt những cơ hội kinh doanh mới, và dĩ nhiên, họ cũng không thể tránh khỏi tình trạng “chảy máu nhân tài”. Áp lực này bắt buộc Hội đồng Quản trị, trưởng bộ phận và phòng nhân sự phải áp dụng những chính sách nhân sự cụ thể và thích hợp để giữ chân người tài. Các chính sách về lương thưởng và phúc lợi, chương trình đào tạo và phát triển cũng như xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp phải được phát huy và thực hiện một cách linh hoạt và sáng tạo. Đây vẫn là những điểm yếu mà doanh nghiệp trong ngành sản xuất cần khắc phục. Tuy nhiên, phòng nhân sự của các công ty sản xuất có rất ít thời gian để đưa ra những chính sách nhân sự mang tính chiến lược do khối lượng công việc của họ ở nhà máy đang quá tải. Để chuẩn bị cho tương lai, các doanh nghiệp phải hiểu được mong muốn của nhân viên và kỳ vọng của mỗi cấp bậc công việc. Nhờ đó, họ sẽ có đột phá mới trong việc xây dựng những kế hoạch và chính sách nhân sự. Các doanh nghiệp cũng nên hợp tác với chuyên gia nhân sự để luôn được cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình nhân sự trên thị trường, học hỏi thêm kinh nghiệm từ những doanh nghiệp khác để đảm bảo rằng họ vẫn giữ vững năng lực cạnh tranh.

Không thể phủ nhận AEC và TPP chính là cơ hội cho cả doanh nghiệp và ứng viên trong ngành sản xuất. Một khi đã hiểu rõ thị trường, xác định được chiến lược và tầm nhìn dài hạn, tập trung chuẩn bị kỹ càng, thì doanh nghiệp và ứng viên có thể an tâm về năng lực cạnh tranh của mình tại sân nhà, giữ vững vị thế riêng trên thị trường thế giới.

Khối ngành Bất động sản và Xây dựng

Nếu như năm 2014, câu chuyện đóng băng của bất động sản đã đi đến hồi kết, thì trong năm 2015, thị trường chứng kiến sự tăng tốc ngoạn mục của ngành này. Dòng tiền chảy mạnh vào bất động sản không chỉ dừng lại ở nguồn tín dụng mà còn từ dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp của nước ngoài.

Trong năm qua, không chỉ có dòng kiều hối đóng góp vào bất động sản tăng (những người Việt xa quê muốn mua nhà tại quê hương), mà những điều chỉnh tích cực từ Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi vừa được thông qua cũng đã mở rộng hơn đối tượng người nước ngoài tham gia vào thị trường. Như vậy, phân khúc khách hàng được bổ sung, đối tượng có nhu cầu nhà ở tăng lên, tạo tiền đề cho việc tiêu thụ sản phẩm địa ốc cao cấp trong thời gian tới.

Một trong những đòn bẩy khác của bất động sản là thu nhập tăng cao, đời sống vật chất của người dân tốt hơn cùng với sự phát triển của kinh doanh ở thế hệ này đã tạo ra một nguồn cầu lớn đối với các dự án địa ốc văn phòng. Tính đến năm 2015, cả nước có hơn 94.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 26,6% so với năm 2014. Dự kiến trong tương lai, nhu cầu này sẽ càng tăng mạnh khi thị trường Việt Nam còn rất trẻ và các loại hình kinh doanh dịch vụ cũng như sản phẩm chưa được khai thác triệt để.

Do thị trường bất động sản bất ngờ vực dậy trong năm 2015, ngành xây dựng cũng trở nên sôi động hơn trong thời gian qua. Các nhà tuyển dụng phải giải quyết những nhân lực cấp thiết trước mắt để đẩy mạnh kinh doanh, nhằm cạnh tranh với các công ty khác. Đặc biệt, trong lĩnh vực bất động sản, chuyên viên kinh doanh đang là vị trí cực kỳ hấp dẫn trong năm 2015 và có thể kéo dài đến năm 2018. Tuy nhiên, do nhu cầu tăng cao, nên các doanh nghiệp bất động sản vẫn chỉ tập trung vào việc thu hút nhân lực từ các công ty trong ngành bằng chiết khấu và hoa hồng dựa trên dự án chứ chưa thật sự có một chiến lược bài bản để nâng cao chuyên môn cũng như kỹ năng cho các vị trí này nhằm giữ người lâu dài. Nếu như vào năm 2015, nhu cầu tuyển dụng các vị trí kinh doanh, marketing và tư vấn chiếm tỷ trọng lớn của ngành thì trong khoảng 10 năm nữa, khi thị trường bắt đầu ổn định nguồn cung và nguồn cầu, có thể nhu cầu đối với nhân sự cấp cao, cấp quản lý và bộ phận chăm sóc khách hàng lại tăng mạnh, nhất là đối với các dự án địa ốc, văn phòng kinh doanh. Chính vì vậy, nhiều nhà địa ốc đã ráo riết chuẩn bị đội ngũ nhân lực trong tương lai để có thể đảm bảo sự ổn định lâu dài của doanh nghiệp.

Đối với lĩnh vực xây dựng, các vị trí chuyên môn như quản lý dự án, kỹ sư xây dựng… vẫn luôn là những vị trí khó tìm được người đảm đương trong thị trường lao động Việt Nam những năm gần đây.

Khối ngành Bán lẻ

Tổ chức Tư vấn AT Kearney (Mỹ) nhận định, với quy mô gần 90 triệu dân, thị trường bán lẻ của Việt Nam có mức tăng trưởng rất hấp dẫn, khoảng 23%/năm. Theo khảo sát cho thấy, phần lớn các thương hiệu bán lẻ trong năm 2014 chọn Việt Nam ngang bằng với Hồng Kông, Singapore, thậm chí cao hơn cả Indonesia và Malaysia. Ba thành phố lớn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng thuộc top 10 thị trường bán lẻ sôi động nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương do có dân số đông và trẻ, mức thu nhập sau thuế tăng trưởng mạnh, mạng lưới bán lẻ chất lượng nên hấp dẫn các doanh nghiệp đa quốc gia.

Bên cạnh đó, việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức có hiệu lực vào ngày 31 tháng 12 năm 2015 đã cho phép các dòng tài nguyên, hàng hóa, vốn nhân lực… di chuyển tự do và thuận lợi trong nội khối. Chưa kể tới, Hiệp định TPP với 12 nước tham gia vừa được ký kết chính thức. Với hiệp định này, hơn mười nghìn loại hàng hóa từ các nước thành viên sẽ được loại bỏ thuế quan hoàn toàn, cho thấy “miếng bánh” thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn, vấn đề là các doanh nghiệp bán lẻ làm cách nào để nắm bắt được thời cơ, làm chủ được trận địa.

Theo số liệu của Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, tính đến cuối năm 2013, Việt Nam đã có 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại các loại, cùng vài trăm cửa hàng bán lẻ tiện lợi. Các nhà bán lẻ tên tuổi trong nước như Saigon Co-op, hệ thống Fivimart, Hapro hay mới đây là Vinmart vẫn đang chiếm thị phần khá tốt tại kênh phân phối siêu thị. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đầu tư bán lẻ vẫn đang tăng lên với tốc độ chóng mặt. Ngoài Metro và Big C là những thương hiệu lâu năm đã khẳng định được vị trí vững chắc trên thị trường, sự nhập cuộc của các nhà bán lẻ như Lotte (Hàn Quốc), AEON (Nhật Bản) hay Central Group (Thái Lan) đang đẩy cuộc cạnh tranh trong ngành bán lẻ trở nên nóng hơn bao giờ hết.

Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bán lẻ, không chỉ diễn ra ở thị phần, khách hàng hay số lượng chi nhánh mà còn len lỏi sang cả lĩnh vực nhân sự. Nguyên nhân chủ yếu là vì nguồn nhân sự cho ngành bán lẻ vẫn còn thiếu.

Siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích ra đời ngày càng nhiều mà nguồn cung thì lại quá ít so với cầu, nên các doanh nghiệp đang có xu hướng lôi kéo và tuyển dụng nhân sự của chính các đối thủ cạnh tranh. Biện pháp đó được xem là cách nhanh nhất và an toàn nhất, có thể đảm bảo sự thành công của các doanh nghiệp mới tham gia thị trường. Bởi lẽ, họ không có nhiều thời gian để đào tạo nhân sự trước sức ép phải mở rộng càng nhanh càng tốt.

Nhu cầu tuyển dụng cao của ngành bán lẻ đặc biệt rơi vào nhóm nhân sự cấp cao và cấp trung từ các vị trí quản lý trở lên. Sự thiếu hụt về nhân sự trải đều trên nhiều lĩnh vực từ quản lý mua hàng (buyer), quản lý ngành hàng (floor manager), dịch vụ khách hàng (customer service)… Đặc biệt, do các doanh nghiệp bán lẻ có xu hướng chỉ tuyển nhân sự có kinh nghiệm, đã từng hoạt động trong ngành nên để tìm kiếm ứng viên phù hợp là không hề dễ dàng.

Đánh giá về chất lượng nhân sự ngành bán lẻ Việt Nam, chúng ta dễ dàng nhận ra ưu điểm là chịu khó và ham học hỏi. Tuy nhiên, đa phần nhân sự cấp cao vẫn thiếu kỹ năng phát triển nhân viên. Một phần do thực trạng cung – cầu bất đối xứng nên một vài nhân sự “nhảy” việc liên tục trong khi chưa đạt đến độ “chín muồi” trong vai trò quản lý. Thêm vào đó, do tính chất cạnh tranh mạnh của ngành nên vấn đề đào tạo kỹ năng mềm chưa phải là ưu tiên trước mắt của các doanh nghiệp hiện nay. Điển hình là việc khi một người quản lý được bổ nhiệm, người này có xu hướng tập trung vào vai trò của mình trong khi chưa thực sự quan tâm nhiều đến việc phát triển nhân viên. Bên cạnh đó, khả năng thích ứng với yêu cầu của công việc chưa cao cũng là một hạn chế của người lao động Việt Nam. Chưa kể, việc bị điều chuyển đi các chi nhánh khác nhau trong một thời gian ngắn thường xảy ra trong ngành này cũng là lý do khác khiến các quản lý khó “trụ” lâu ở một doanh nghiệp.

Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có một trường lớp, hay một chuyên ngành đào tạo chính quy dành cho ngành bán lẻ. Chính vì thế, người lao động làm trong ngành lâu năm có thể vươn từ vị trí cấp thấp lên một vị trí cấp cao khi họ thể hiện được năng lực và tích lũy đủ kinh nghiệm. Ở góc độ nào đó, điều này đang khiến cho ngành bán lẻ không thực sự hấp dẫn đối với những ứng viên đã có kinh nghiệm từ các ngành nghề khác. Đối với những sinh viên học về quản trị, marketing hay kinh tế, công việc trong ngành bán lẻ thường không phải là lựa chọn hàng đầu.

Đối với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, tên tuổi và vị thế của họ dường như vẫn là một thỏi nam châm trong việc thu hút ứng viên. Một số doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài cũng được biết đến nhờ các chính sách, chương trình đào tạo và phát triển nhân sự hiệu quả. Về phần mình, các doanh nghiệp trong nước lại chưa thực sự có nhiều chính sách để thu hút ứng viên ngoài việc trả mức lương cạnh tranh cho một số trường hợp đặc biệt. Chẳng hạn, để thu hút một quản lý cấp cao của doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, một doanh nghiệp trong nước đã chấp nhận trả cho ứng viên mức lương cao hơn mức lương cũ từ 40-50%.

Cạnh tranh về nhân sự gay gắt như vậy khiến các doanh nghiệp bán lẻ nhận thức rõ việc cần phải xây dựng một chế độ lương thưởng hợp lý và giàu tính cạnh tranh. Ghi nhận của Talentnet cho thấy, nếu như trước đây, các doanh nghiệp bán lẻ chưa thật sự đầu tư vào cấu trúc lương, thì bây giờ đã chủ động tham gia vào các cuộc khảo sát lương nhằm có cơ sở để sử dụng và quản lý quỹ lương hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, trả lương cao chỉ góp phần giải quyết bài toán trước mắt của các doanh nghiệp bán lẻ trong cơn khát nhân sự. Nguyên tắc cơ bản của ngành bán lẻ nằm ở khâu đào tạo phát triển nhân viên, nên sớm hay muộn, các doanh nghiệp cũng cần phải xây dựng được các chương trình đào tạo phát triển nhân viên, qua đó, giúp họ vừa thu hút vừa giữ chân người tài.

Khối ngành Công nghệ thông tin (CNTT)

Theo thống kê trong năm vừa qua, ngành CNTT của nước ta có tốc độ tăng trưởng 16%. Việt Nam cũng đứng trong top 5 nước tăng trưởng CNTT nhanh nhất thế giới. Trong lĩnh vực gia công phần mềm, Việt Nam còn được xếp ở vị trí hàng đầu. Chưa kể tới hiện tượng hàng loạt cá nhân, doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) mới của chúng ta cũng có những sản phẩm được “cả thế giới thừa nhận” – như nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Trong ba lĩnh vực chính của ngành CNTT Việt Nam gồm công nghệ phần cứng, phần mềm và semi-conductor (bán dẫn), công nghệ phần mềm đang được xem là ngành có độ nóng vào loại bậc nhất ở thời điểm hiện tại. Xét riêng trên lĩnh vực này, các công ty phần mềm của Việt Nam đang dần hội nhập vào quy trình sản xuất quốc tế, cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực. Riêng Ấn Độ, một quốc gia rất phát triển ở lĩnh vực công nghệ phần mềm và đang tiến lên những phân khúc cao hơn của ngành, cũng đã dành các hợp đồng gia công có mức độ phức tạp chưa cao nhiều hơn cho các công ty của Việt Nam. Việt Nam cũng được đánh giá là đang có những lợi thế nhất định so với Trung Quốc nhờ chi phí nhân công rẻ hơn và mối quan hệ với bạn hàng quan trọng bậc nhất là Nhật Bản tốt hơn. Ngoài ra, thị trường gia công phần mềm của Việt Nam có ưu thế về quy mô hơn so với Philippines. Vì thế, nguồn cầu của ngành đã tăng lên đáng kể.

Trong vòng ba năm qua, số lượng công việc thuộc ngành IT tại Việt Nam đã tăng trung bình 47%/năm. Nhưng số lượng nhân sự ngành này chỉ tăng 8%/năm. Cụ thể, từ đây đến năm 2020, nếu tiếp tục tăng trưởng nhân lực IT ở mức 8%, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 78.000 kỹ sư công nghệ mỗi năm. Trong khi đó, mỗi năm, các trường đại học, cao đẳng tại thành phố đào tạo khoảng 18.000- 20.000 sinh viên ngành CNTT, nhưng hầu như sinh viên không biết lĩnh vực hành nghề. Theo nhiều nhà tuyển dụng chia sẻ, con số hơn 20.000 sinh viên IT tốt nghiệp mỗi năm như hiện nay vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp. Một số công ty lớn như CSC cho biết họ muốn tuyển khoảng 100 ứng viên trong năm nay, nhưng chỉ đạt chưa tới 50% chỉ tiêu. Cụ thể, hơn 70% sinh viên không có kinh nghiệm thực hành, hơn 40% thiếu kỹ năng làm việc nhóm và chỉ có khoảng 15% sinh viên ra trường đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp.

Nhu cầu tuyển dụng cao của ngành công nghệ phần mềm tại Việt Nam rơi vào nhóm các kỹ sư chất lượng cao có từ ba năm kinh nghiệm trở lên, trình độ ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Nhật tốt. Yêu cầu là vậy, nhưng các công ty vẫn khó tuyển người vì nguồn cung cho ngành không được dồi dào hay nói cách khác là phần lớn lao động Việt Nam vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Nhân lực phần mềm Việt Nam được đánh giá là thông minh, năng động, có khả năng làm việc cường độ cao, mức độ cam kết trong công việc cao và có giá nhân công thấp. Nhưng điểm hạn chế lớn nhất của họ là kỹ năng chuyên sâu và khả năng ngoại ngữ. Trong nhiều trường hợp, do đặc thù nghề nghiệp và các yếu tố khách quan khác, lao động phần mềm của Việt Nam cũng đang bị cho là thiếu những kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và đặc biệt là kỹ năng giải quyết vấn đề.

Bức tranh nhân sự của Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể so với thời kỳ đầu những năm 2000, khi CNTT là ngành được các sinh viên tài năng mới tốt nghiệp theo đuổi. Hơn năm năm trở lại đây, ngành này không còn là ngành “thời thượng” trong định hướng nghề nghiệp của nhiều bạn trẻ nếu đặt bên cạnh những ngành học khác như quản trị kinh doanh, kiểm toán hay ngân hàng tài chính. Bản thân những sinh viên đang theo học CNTT cũng cho rằng đây là một ngành “học khó, làm khổ”, ra trường khó xin việc và mức lương không cao.

Trên thực tế, đối với lao động tay nghề cao, người sử dụng lao động cũng không ngại đưa ra mức lương cao hay chế độ phúc lợi tốt. Nhiều công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty mới vào thị trường, thường chấp nhận trả mức lương ưu đãi hơn mặt bằng chung khoảng 30-50% cho nhân lực chất lượng cao. Cho dù như thế, thì ưu tiên của người tìm việc cũng đã thay đổi. Nếu như trước đây, yếu tố lương thưởng giữ vị trí số một khi quyết định lựa chọn công việc trong ngành phần mềm của các ứng viên thì nay, việc được làm đúng với đam mê, sở thích và sở trường là yếu tố tiên quyết để ứng viên gắn bó lâu dài với công việc. Vì lẽ đó, thị trường ghi nhận tỷ lệ “nhảy” việc trong ngành này vào những năm gần đây có chiều hướng giảm hơn trước.

Đáng chú ý, “cơn khát” nhân sự trong ngành cũng khiến các công ty hướng sự tập trung đến những ứng viên tiềm năng là sinh viên nhiều hơn. Theo đó, những chương trình hợp tác giữa công ty với trường đại học để tuyển dụng, đào tạo và phát triển dành cho sinh viên năm thứ 3, thứ 4 cũng ra đời ngày một nhiều hơn. Đối với các nhân viên mới, các công ty cũng có những chương trình đào tạo về chuyên môn, đặc biệt phổ biến là hình thức tutor (người kèm cặp) giúp họ nhanh chóng thích nghi với công việc. Khách quan mà nói, cho dù các công ty vẫn đang phải “kêu ca” nhiều về trình độ ngoại ngữ và kỹ năng mềm của nhân lực ngành phần mềm Việt Nam, thì các chương trình đào tạo của họ chưa đi vào giải quyết các điểm yếu này mà vẫn thiên về chuyên môn thuần túy.

Dự báo, sau sự kiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành từ cuối năm 2015, nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành CNTT nói chung và công nghệ phần mềm nói riêng sẽ càng ngày càng nóng. Việc gia nhập AEC được đánh giá là tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp hơn là cho người lao động Việt Nam. Đối với một ngành được cho là đang “khát” các nhân sự cấp cao, ngành CNTT của Việt Nam sẽ có thêm một nguồn cung lao động có kinh nghiệm, tay nghề từ các nước trong khu vực. Nhưng để tuyển dụng lao động nước ngoài, các doanh nghiệp CNTT của Việt Nam cũng đứng trước một số thách thức trong quá trình tuyển dụng bởi lẽ chế độ cho nhân sự nước ngoài chắc chắn sẽ có những khác biệt với nhân sự trong nước và nó hoàn toàn có khả năng tác động đến bài toán chi phí của doanh nghiệp. Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam cũng nên tăng cường làm việc với các công ty tư vấn nhân sự để cập nhật những thông tin trên thị trường lao động trong và ngoài nước, qua đó, có thể dễ dàng thu hút ứng viên nước ngoài hơn.

Nếu so sánh nhu cầu lao động phần mềm của Việt Nam hiện tại với lực lượng lao động trong nước có khả năng dịch chuyển ra nước ngoài, thì tình trạng chảy máu chất xám ít có khả năng diễn ra. Nhưng về phía người lao động, việc gia nhập AEC sẽ khiến họ bị cạnh tranh quyết liệt ngay trên sân nhà. Chính vì vậy, lao động Việt Nam cần trang bị tốt hơn nữa kỹ năng chuyên môn, khả năng ngoại ngữ và các kỹ năng mềm.

Dù được dự báo là sẽ có nhiều thuận lợi hơn là bất lợi nhưng mở cửa thị trường ASEAN không phải là giải pháp bền vững để ngành CNTT Việt Nam giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực. Về lâu về dài, đảm bảo nhân lực nội địa vẫn được ưu tiên hơn cả, vì như vậy vừa giải quyết nhu cầu việc làm cho lao động Việt Nam, vừa đảm bảo tính độc lập, ổn định tương đối của ngành trong bối cảnh hội nhập khu vực.

Khối Giáo dục

Nói đến giáo dục thì chắc hẳn phải bàn đến hệ thống giáo dục chính quy từ trung học đến đại học, vốn dĩ là nhiệm vụ của Nhà nước. Thế nhưng, những năm gần đây, sự mở rộng phát triển của các trường tư nhân và các trường học có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần khuấy động thị trường. Chính sự cạnh tranh tăng cao trong thị trường giáo dục đã giúp các sản phẩm tới tay người tiêu dùng tốt hơn, người tiêu dùng được trải nghiệm sản phẩm tốt nên cảm thấy an tâm hơn và bắt đầu tin tưởng vào những ngôi trường tư nhân, “sức mua” tăng lên, vì thế có nhiều doanh nghiệp muốn nhảy vào thị trường “béo bở” này và cứ thế lặp lại.

Trong bối cảnh số người gia nhập tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều, và khi văn hóa Việt Nam còn chịu ảnh hưởng bởi tâm lý ganh đua trong giáo dục, các vị phụ huynh sẵn sàng đầu tư cho con em những khoản tiền lớn để được đào tạo tốt hơn, với hy vọng con em không thua thiệt bạn bè. Không chỉ đối với tầng lớp trung lưu, các gia đình khó khăn nhưng với truyền thống hiếu học cũng sẵn sàng theo đuổi đến cùng để con mình có thể ít nhất tốt nghiệp đại học. Theo một điều tra sơ bộ, các gia đình ở Việt Nam chi trên 54% ngân sách gia đình cho việc học hành – một con số không hề nhỏ. Nhu cầu học chương trình quốc tế của học sinh đang tăng lên rất nhanh. Theo khảo sát, mỗi năm Việt Nam dành ba tỷ đô-la cho giáo dục tại nước ngoài.

Khi hệ thống giáo dục chính quy thiên về lý luận nhiều hơn thực tiễn và vì tâm lý thích chọn đại học danh tiếng hơn là chọn ngành yêu thích, nên trong một thời gian dài, nguồn lao động trẻ Việt Nam vẫn còn luẩn quẩn trong mê cung “làm trái ngành học” và “thiếu kỹ năng thực tế”. Theo nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 70% sinh viên ra trường làm trái ngành nghề đã học. Khi đi làm, để bắt kịp với môi trường làm việc đầy căng thẳng và cạnh tranh, các bạn trẻ bắt buộc phải đi học thêm để bổ sung kiến thức chuyên ngành còn thiếu và trau dồi thêm kỹ năng sống thông qua việc tham gia các khóa học cụ thể. Chính điều này mở ra nhu cầu lớn không chỉ đối với sinh viên mà còn đối với những người đi làm, vốn là những khách hàng đã tự chủ được tài chính bản thân và tự do hơn trong những quyết định học tập.

Như vậy, thị trường giáo dục còn rất rộng và đầy tiềm năng khi hầu hết khách hàng ở độ tuổi nào cũng có nhu cầu: từ học sinh, sinh viên, người đi làm và thậm chí cả những bậc phụ huynh lớn tuổi. Nếu như ở các thế hệ trước, khách hàng giáo dục thường là cá nhân thì ở bối cảnh hiện đại, ngành giáo dục còn khai thác thêm khách hàng doanh nghiệp. Kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và sự hội nhập khu vực mở ra nhiều thách thức về nhân sự đối với doanh nghiệp ở bất kỳ ngành nghề hay lĩnh vực nào. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng chi ngân sách nhiều hơn để mua các gói đào tạo cho nhân viên, hoặc hỗ trợ tài chính để nhân viên tham gia các khóa học bắt buộc mà công ty đề ra, nhằm tăng hiệu quả kinh doanh cũng như giữ chân nhân tài trong tương lai.

Nhân lực cho ngành giáo dục cũng chính là một trong những điểm quan trọng để tồn tại và cạnh tranh trên thị trường Việt Nam. Trong đó, có thể nói, nguồn nhân lực giảng dạy là yếu tố quan trọng nhất vì ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của sản phẩm và cũng chính là nguồn nhân lực tương tác với khách hàng nhiều nhất. Nhu cầu cho nguồn giảng viên rất đa dạng, bên cạnh các giảng viên có bằng cấp sư phạm thì nhu cầu chiêu mộ các nhân sự cấp cao, cấp quản lý từ nhiều ngành nghề cũng rất phổ biến ở các trung tâm đào tạo kỹ năng và chuyên ngành.

Thế nhưng, lực lượng nhân sự này không chỉ gói gọn ở đội ngũ giảng dạy mà trải đều các vị trí, từ nhân viên kinh doanh, tiếp thị đến nhân sự, tài chính kế toán, hành chính và các vị trí quản lý, đặc biệt đối với nhóm các trường học thuộc khối tư nhân. Cũng chính vì nguyên nhân có rất nhiều loại hình giáo dục mới xâm nhập vào thị trường Việt Nam chỉ trong một thời gian quá ngắn, nên thị trường giáo dục tuy chưa “đủ chín” hay bão hòa nhưng lại có dấu hiệu thiếu tập trung và quá tải đối với người tiêu dùng. Lúc này, chính những nhà kinh doanh giáo dục lại gặp thách thức trong việc “giáo dục” tư tưởng và nhận thức của người dân để trở nên nổi bật trước nhiều đối thủ trực tiếp hoặc gián tiếp. Vì lẽ này mà bộ phận tiếp thị cũng như bộ phận bán hàng/tư vấn khách hàng lại trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đặc biệt, khi phân khúc ngoại ngữ và những loại hình giáo dục mới từ nước ngoài đang trên đà phát triển mạnh, các doanh nghiệp rất cần nhân lực chất lượng cao giỏi ngoại ngữ để có thể giao tiếp tốt với các quản lý (thường là) người nước ngoài. Dự đoán trong nhiều năm tới, khi thị trường giáo dục vẫn còn rải rác và chưa tập trung, cơ hội cho những bạn trẻ có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh là rất lớn.

Khối Du lịch và Khách sạn

Năm 2015, theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, du lịch Việt Nam đón 7,9 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 57 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 338 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, song Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch – ông Nguyễn Văn Tuấn vẫn kỳ vọng trong năm 2016, ngành du lịch sẽ tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy sự phát triển của ngành, thể hiện bằng việc tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016 của ngành du lịch là phấn đấu đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 60 triệu lượt khách du lịch nội địa, trong đó, khách có sử dụng lưu trú đạt 31 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 370 nghìn tỷ đồng.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, trong năm 2016, ngành du lịch tiếp tục chiến lược marketing tập trung vào các hoạt động E-Marketing (tiếp thị qua mạng, tiếp thị trực tuyến); thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình Hành động Quốc gia về du lịch và chương trình xúc tiến du lịch quốc gia, truyền thông, quảng bá tới các thị trường được cho là trọng điểm của du lịch Việt như Tây Âu, Bắc Mỹ, ASEAN, Trung Đông…

Năm 2016, Thỏa thuận “Thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch” (MRA-TP) trong ASEAN chính thức có hiệu lực. Tại Việt Nam, do đặc thù, lao động ngành du lịch sẽ chịu tác động không nhỏ từ thỏa thuận này, bao gồm cả thách thức và cơ hội.

Việc triển khai MRA-TP giúp cho ngành du lịch và khách sạn Việt Nam cũng như các nước ASEAN có thêm nhiều cơ hội tuyển lao động lành nghề, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, cải thiện năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức đối với nhân lực ngành du lịch và khách sạn trong nước.

Theo đánh giá của các đơn vị tuyển dụng thì chất lượng nguồn nhân lực trong ngành du lịch nói chung và kinh doanh khách sạn nói riêng hiện nay chưa đáp ứng chuẩn mực quốc tế. Nên doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này rất khó tìm được nhân lực đã qua đào tạo bài bản, phong cách chuyên nghiệp và giỏi ngoại ngữ… ngoại trừ một nhóm thiểu số đến từ các khách sạn, resort mang tiêu chuẩn quốc tế 5 sao.

Đội ngũ cán bộ quản lý về du lịch tại các địa phương còn hạn chế về số lượng và chất lượng, công tác quản lý Nhà nước về du lịch chưa phát huy hiệu quả; tình trạng tự phát kinh doanh, không tuân thủ các quy định của pháp luật vẫn còn xảy ra.

Theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất của ngành du lịch Việt Nam chính là sự chuyên nghiệp của đội ngũ cung cấp dịch vụ, bao gồm: tác phong, thái độ phục vụ, kỹ năng nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm cộng đồng. Chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp theo chuẩn quốc tế là yếu tố cần thiết cho sự phát triển bền vững và cạnh tranh với các nước trong khu vực cũng như toàn cầu. Ngoài ra, nguồn quản lý trung và cao cấp còn hạn chế về năng lực lãnh đạo. Việc đào tạo nghệ nhân, giám đốc cùng những chức danh quản lý cao cấp khác… chưa được chú trọng đầu tư. Nguồn nhân lực sơ cấp thì kiến thức và kỹ năng nghề chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế, hệ quả là họ thiếu tự tin khi làm việc trong môi trường quốc tế.

Thêm vào đó, nhóm nhân lực du lịch và khách sạn là những lao động trực tiếp tiếp xúc với khách du lịch đến từ khu vực và thế giới. Vì vậy, họ cần có kiến thức nhất định về lịch sử, địa lý, văn hóa và đây cũng là một trong những điểm chưa mạnh của nhân lực Việt Nam so với các nước khác.

Thời đại mới cùng những thách thức lớn mở ra từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) buộc Việt Nam phải quan tâm đặc biệt đến vấn đề nguồn nhân lực du lịch nếu muốn phát triển ngành này một cách bền vững.

Bên cạnh những ngành sẽ có nhu cầu lao động tăng đột biến trong các năm tới, một vài ngành vẫn giữ vững phong độ qua các năm vì luôn là những ngành có ảnh hưởng trực tiếp vào nhu cầu căn bản của người dân, mang tính bền vững lâu dài. Đó là:

  1. Khối ngành y tế, dược phẩm;
  2. Khối ngành hàng tiêu dùng nhanh;
  3. Khối ngành tài chính, bảo hiểm và ngân hàng.

Sự phát triển của các ngành nghề này một phần là do nhu cầu của người dân, đặc biệt là người dân ở thành thị ngày càng đòi hỏi những dịch vụ chất lượng cao ngang tầm với tiêu chuẩn và chất lượng sống của họ. Bên cạnh đó, đây là những khối ngành nghề mang tính dài hơi và là nhu cầu thiết yếu của người dân Việt Nam nhưng lại chưa được đầu tư đúng mức trong thời gian trước đây. Ngoài ra, ngay cả khi xét theo những tiêu chuẩn căn bản, thì các lĩnh vực này của Việt Nam trước đây vẫn còn thua kém so với các nước trong khu vực, huống chi hiện nay, khi nhu cầu của người dân ngày càng cao do sự mở rộng cả kiến thức và chất lượng sống.

Khối ngành Y tế, Dược phẩm

Việt Nam có hơn 90 triệu dân, hệ thống y tế công đã quá tải nhiều năm nên hàng trăm bệnh viện tư đang mọc lên đón đầu cơ hội. Theo số liệu của Bộ Y tế, thị trường chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh tại Việt Nam giá trị khoảng 10 tỷ đô-la Mỹ mỗi năm. Tuy nhiên, cũng theo thống kê của Bộ Y tế, trong thời gian gần đây, ước tính mỗi năm, người Việt ra nước ngoài khám chữa bệnh với tổng chi phí hơn 2 tỷ đô-la. Cả nước hiện có 174 bệnh viện tư nhân, chủ yếu phân bổ ở các thành phố lớn.

Theo Forbes, hiện nay, ngân sách dành cho y tế của Việt Nam chiếm 6,4%, cao hơn so với các nước trong khu vực, chỉ sau Thái Lan. Đây là dấu hiệu tích cực của việc thay đổi chính sách, dành sự ưu tiên cho y tế. Là một trong những nước có tốc độ phát triển ngành y tế cao trên thế giới, nên Việt Nam là môi trường đầu tư hấp dẫn các công ty dược và thiết bị y tế nước ngoài.

Rõ ràng, trong ngành y tế, đội ngũ bác sĩ và y tá vẫn là ưu tiên hàng đầu và nhu cầu ngày càng cao hơn do bên cạnh các bệnh viện công, các phòng khám đa khoa, các bệnh viện tư nở rộ một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, các công ty dược vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, phân phối thuốc ra thị trường. Vì vậy, đang có sự cạnh tranh gay gắt về nguồn nhân lực giữa các bệnh viện, phòng khám và các công ty dược trong việc tuyển dụng đội ngũ trình dược viên.

Những sinh viên ra trường thường thích làm trình dược viên, do mức lương cao hơn nhiều so với việc đi làm trong nhà nước dù là ở vị trí quản lý, sản xuất hay công việc khác. Không chỉ có các dược sĩ mà cả các bác sĩ khi mới ra trường chưa tìm được việc cũng đi làm trình dược. Các hãng dược thì chạy đua để tuyển dụng những bác sĩ, dược sĩ tốt nghiệp loại giỏi, loại khá với mức lương rất cao. Trong khi ngành y đang thiếu nhân lực thì những doanh nghiệp dược với mức lương hấp dẫn đang thu hút toàn bộ số lượng dược sĩ, bác sĩ được đào tạo bài bản.

Tuy nhiên, bên cạnh công việc trình dược viên, Việt Nam cũng đang thiếu bác sĩ và y tá một cách trầm trọng. Không chỉ đến bây giờ, ngành y tế mới thiếu nhân lực, mà thực trạng này vẫn luôn tồn tại và dự đoán sẽ còn tiếp diễn trong vài năm tiếp theo. Theo đó, mỗi năm, nước ta cần đào tạo thêm khoảng 450 nghìn cán bộ y tế. Trong đó chiếm phần lớn là đội ngũ trình độ trung cấp được đào tạo bài bản. Chính vì luôn khan hiếm nhân lực, nên sinh viên y dược ra trường dễ có việc làm. Do đó, ngành này không chỉ có sức hút mãnh liệt với học sinh mà còn với cả những người đi làm.

Khối ngành Hàng tiêu dùng nhanh (FMCG)

Với dân số đông thứ ba khu vực Đông Nam Á, gần 70% dân số thuộc độ tuổi lao động (15-60 tuổi), Việt Nam là thị trường lớn của ngành hàng tiêu dùng nhanh. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày một sâu rộng, thu nhập bình quân đầu người ngày càng được cải thiện – là động lực thúc đẩy ngành hàng tiêu dùng nói chung và ngành hàng tiêu dùng nhanh nói riêng phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian tới.

Với sản phẩm là những nhu cầu thiết yếu, căn bản của người dân, ngành hàng tiêu dùng nhanh được xem là ngành hàng khá “miễn nhiễm” trước sự “lên xuống” của nền kinh tế. Vì thế, các công ty trong ngành hàng tiêu dùng nhanh luôn cần một lực lượng lao động lớn, đặc biệt là vị trí chuyên viên kinh doanh và tiếp thị. Đây là hai công việc luôn có nhu cầu lao động cao nhất trong ngành hàng này trong 5 năm qua và dự kiến vẫn tiếp tục duy trì độ “hot” trong các năm tới.

Do mức độ cạnh tranh cao và tính chất nhanh, dễ thay đổi, nên các công ty trong ngành này luôn có những chính sách phát triển con người rất bài bản và chuyên nghiệp để tuyển và giữ người hợp lý. Vì vậy, cơ hội làm việc tại ngành này dành cho các bạn trẻ vẫn “mở” và đây được xem như là môi trường đào tạo tốt nhất nhiều công việc khác nhau như kinh doanh, tiếp thị, nhân sự, tài chính, logistics (hậu cần)… Tuy nhiên, đi liền với cơ hội là mức độ cạnh tranh gay gắt. Vì vậy, người lao động sẽ cần phải chủ động, năng động hơn nữa; phải chứng minh được bản thân là người ham học hỏi, không ngừng sáng tạo, kỹ năng tiếng Anh lưu loát để có được vị thế cạnh tranh trong ngành này.

Khối ngành Tài chính, Bảo hiểm, Ngân hàng

Ngành bảo hiểm hiện nay được coi là một trong những ngành tiềm năng nhất đối với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, trong năm 2015, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 36.600 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2014, cao nhất trong mười năm qua. Trong tương lai, theo xu thế thế giới, ngành bảo hiểm Việt Nam sẽ còn tiếp tục phát triển khi dân trí, ý thức xã hội và đời sống của người dân được cải thiện.

Xã hội phát triển, người lao động có thu nhập ổn định, sự mở rộng của tầng lớp trung lưu – tất cả đã tạo điều kiện để người dân tiếp cận nhiều hơn với các hình thức bảo hiểm, vốn dĩ là một khoản chi khá “xa xỉ” đối với người Việt khoảng mười năm trước. Mặt khác, khi con người đang chịu áp lực về sức khỏe cũng như sự biến động và bất thường của thời tiết, thì tâm lý sợ rủi ro cũng dần dần hình thành. Song song với điều kiện sống ổn định (về nơi ở, ăn uống, công việc), tâm lý sợ rủi ro này đã dần thay đổi ý thức của người dân khi hiện nay, mọi người xem bảo hiểm là một khoản đầu tư cần thiết hơn là một khoản đầu tư dự phòng. Và nhu cầu mua bảo hiểm không chỉ giới hạn ở phía cá nhân mà còn sôi động từ phía các doanh nghiệp.

Cùng với sự phát triển vượt bậc của ngành, nhân lực bảo hiểm trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Ngành bảo hiểm luôn trong tình trạng thiếu hụt nhân sự. Sự thiếu hụt nhân sự cũng như nhân tài đã khiến các công ty bảo hiểm phải cạnh tranh mạnh mẽ về lương, thưởng, phúc lợi trong chính sách đãi ngộ nhân viên. Như vậy, trong vòng 5-10 năm tới, ngành bảo hiểm có xu hướng ưu tiên cạnh tranh người từ các công ty bảo hiểm khác bằng lương, thưởng và phúc lợi hơn là tìm người có tiềm năng để đào tạo từ từ. Chính vì thế, nguồn nhân lực tham gia ngành bảo hiểm sớm, được đào tạo sớm dễ trở thành các vị trí chủ chốt trong tương lai.

Là một ngành dịch vụ đặc biệt, trong ngành ngân hàng, yếu tố con người quyết định chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Điều dễ nhận thấy là, ngày nay, khách hàng không chỉ để ý đến các dịch vụ, sản phẩm của ngân hàng mà còn chú ý đến kỹ năng, sự chuyên nghiệp hay phong cách phục vụ của đội ngũ nhân viên ngân hàng. Chất lượng đội ngũ nhân sự càng cao thì lợi thế cạnh tranh của ngân hàng càng lớn.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa thực sự hồi phục và các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam dần đi vào quỹ đạo ổn định thì quá trình tái cơ cấu, sáp nhập ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ đã giúp cho hệ thống ngân hàng của Việt Nam phát triển ổn định hơn. Chính vì lẽ đó, không ít ngân hàng trong nước tăng cường tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu phát triển. Tuy nhiên, dù là ngân hàng trong nước hay nước ngoài thì các ngân hàng đều phải chấp nhận một thực tế là thời “ăn nên làm ra” đã qua và ít nhất trong giai đoạn này, ngân hàng không còn là một ngành thời thượng tại thị trường Việt Nam.

Năm 2015 là năm nhiều ngân hàng đẩy mạnh việc tuyển dụng, trong đó đáng chú ý là những “ông lớn” như Vietinbank hay Vietcombank. Nếu như Vietinbank đề ra mục tiêu tuyển hơn 1.100 nhân sự cho cả năm 2015 thì nhu cầu này của Vietcombank khiêm tốn hơn một chút, ở mức 750 chỉ tiêu. Tuy nhiên, bản thân những người tìm việc cũng nhận ra bức tranh chưa thực sự sáng sủa của ngành ngân hàng trong thời gian qua. Xét trên nhiều tiêu chí, mức lương của ngành ngân hàng không hề thấp so với mặt bằng chung xã hội nhưng những áp lực công việc đi kèm với rủi ro của ngành này cao hơn rất nhiều so với các ngành nghề khác.

Nếu như trước đây, làm việc trong ngân hàng là mục tiêu của nhiều bạn trẻ thì ngày nay các vị trí tuyển dụng nhắm đến đối tượng sinh viên mới ra trường của các ngân hàng cũng không còn độ hấp dẫn như trước. Trong khi đó, các vị trí yêu cầu ứng viên phải có từ 3-6 năm kinh nghiệm lại chỉ có một số vị trí nhất định là hấp dẫn. Nhu cầu tuyển dụng của ngành ngân hàng tăng cao trong năm 2015 trong bối cảnh nguồn cung nhân lực cũng rất dồi dào do hệ quả từ việc ồ ạt đào tạo ngành này trong mấy năm qua. Tuy nhiên, hiện tại, các ngân hàng chỉ tuyển dụng những ứng viên giỏi và có năng lực thực sự. Điều này trái ngược với thời điểm năm 2007, khi nguồn cung nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu mở rộng và phát triển quá nhanh.

Trái với các ngân hàng trong nước, các ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam lại có xu hướng ổn định nhân sự và hạn chế việc tuyển dụng thêm. Dù luân chuyển công tác một số vị trí nhưng các ngân hàng này vẫn không tuyển người thay thế. Chỉ duy nhất một vị trí tuyển dụng vẫn được xem là hấp dẫn ở các ngân hàng nước ngoài hiện nay là vị trí quản trị rủi ro và tuân thủ. Bởi đây là một vị trí rất quan trọng nếu xét trên đặc tính của ngành ngân hàng nói chung và của thị trường Việt Nam nói riêng.

Ngoài lý do bối cảnh kinh tế không thuận lợi, trong một số trường hợp cụ thể, có lẽ do việc đầu tư chưa mang lại những lợi ích mong muốn nên các ngân hàng nước ngoài chưa coi thị trường Việt Nam là thị trường trọng điểm. Có một thực tế tồn tại trong nhiều năm qua ở các ngân hàng nước ngoài là rất ít nhân sự Việt Nam đảm nhiệm các vị trí quản lý cấp cao. Xét về bản chất, điều này là do tư duy logic, tầm nhìn bao quát và kỹ năng phân tích tài chính của nhân sự Việt Nam vẫn chưa đủ tốt để đảm đương các vị trí chủ chốt mang tính quyết định của ngân hàng.

Nhìn chung, với sự chuyển biến theo chiều hướng tốt dần lên của ngành ngân hàng Việt Nam, các ngân hàng trong nước sẽ tuyển dụng nhiều hơn để bù đắp lại lượng nhân viên giảm đi trong các năm trước đó.

Theo dự đoán, trong thời gian tới đây, các ngân hàng này sẽ tiếp tục tuyển mạnh nhân sự cấp trung và thấp cho nhiều chi nhánh mới trên cả nước để phục vụ kế hoạch mở rộng và phát triển kinh doanh. Một vị trí được các ngân hàng trong nước đẩy mạnh tuyển dụng là vị trí quản trị rủi ro nhằm nâng cao khả năng quản trị, khắc phục những hạn chế về kiểm soát rủi ro tín dụng, rủi ro hệ thống. Xét riêng trong nhóm ngành nghề tài chính bao gồm ngân hàng, chứng khoán và quỹ đầu tư, độ hấp dẫn của ngành ngân hàng đang có xu hướng giảm đi. Song nhân sự làm trong ngân hàng thường xây dựng cho mình định hướng và mục tiêu phát triển dài hạn. Do vậy, nhân sự cấp trung và thấp ngành này ít có sự biến động lớn.

Sự biến động mạnh trong ngành ngân hàng chỉ được thể hiện rõ ở phân khúc nhân sự cấp cao. Trong khi các ngân hàng nước ngoài không có nhu cầu tuyển những vị trí này thì ngân hàng trong nước lại đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân sự cấp cao. Do số lượng nhân sự cấp cao còn rất hạn chế, các ngân hàng trong nước đang phải thu hút, “săn đuổi” nhân sự cấp cao từ chính các ngân hàng trong nước và cả ngân hàng nước ngoài. Với làn sóng sáp nhập, hợp nhất ngân hàng đang diễn ra sôi động, sự biến động về nhân sự cấp cao được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Nhân sự của các ngân hàng tại Việt Nam chỉ thực sự đi vào ổn định khi quá trình tái cơ cấu ngân hàng được hoàn tất.

Nhu cầu tuyển dụng của các vị trí.

Theo khảo sát của Mercer – công ty khảo sát lao động và tư vấn nhân sự hàng đầu thế giới, kinh doanh và tiếp thị luôn nằm trong danh sách “hot” của thị trường Việt Nam qua các năm. Một cách rất rõ ràng, do ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng như tìm hiểu nhu cầu, tìm kiếm khách hàng, cung cấp giải pháp và giữ mối quan hệ với khách hàng, nên kinh doanh và tiếp thị là hai nhóm công việc mà bất cứ ngành nghề nào cũng có nhu cầu. Nhu cầu cao từ phía các doanh nghiệp kéo theo tình trạng “nhảy việc” của người lao động trong nhóm nghề này cũng là một điều hiển nhiên. Bên cạnh đó, số lượng sinh viên ra trường làm việc cho hai nhóm ngành này vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất so với tổng lượng sinh viên ra trường nên một phần nào đó, nguồn cung cho công việc kinh doanh và tiếp thị vẫn đáp ứng nhu cầu thị trường, miễn là các bạn sinh viên có thể tự trang bị thêm các kỹ năng mềm cũng như các kiến thức xã hội.

Bên cạnh đó, khi các nhà máy ngày càng được mở rộng, các nhóm ngành công nghệ thông tin, sản xuất… luôn là điểm đầu tư hấp dẫn từ nước ngoài thì các nhóm công việc như kỹ sư phát triển phần mềm (Software Developer), kỹ sư điện, cơ khí… các nhóm công việc chuyên môn, kỹ thuật luôn nằm trong nhóm nhu cầu cao của các doanh nghiệp. Mặc dù hằng năm luôn có lượng lớn sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng thuộc các khối ngành nghề này nhưng về căn bản, vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của các doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng.

Nhân sự là nhóm công việc tiếp theo đang có nhu cầu cao trong năm nay và các năm tiếp theo. Từ trước đến nay, vốn dĩ nhân sự chưa được đầu tư và cũng chưa có trường lớp đào tạo các kỹ năng làm nhân sự bài bản và chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, để tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, doanh nghiệp dần nhận ra con người đóng vai trò vô cùng quan trọng, là nguồn lực chính để lao động, cống hiến đưa doanh nghiệp đạt được vị thế cạnh tranh trên sân nhà và khu vực. Vì vậy, công việc nhân sự ngày càng được đầu tư, tạo nên một sợi dây văn hóa xuyên suốt cho doanh nghiệp, tổng đạo diễn và chỉ đạo trong việc tuyển dụng nhân tài, đào tạo và phát triển nhân tài một cách hiệu quả nhất.

Tương tự, luật và tuân thủ (Compliance) là hai nhóm công việc trở nên rất quan trọng trong bối cảnh giao thương và tham gia vào sân chơi khu vực và thế giới của Việt Nam như hiện nay. Việc tuân thủ, hiểu rõ và tư vấn doanh nghiệp hoạt động theo đúng pháp luật, bảo vệ doanh nghiệp trước luật chơi của thế giới được xem là một quy tắc bắt buộc trong bối cảnh ngày nay.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button