Kỹ năng mềm

Ai Cũng Là Nghệ Sĩ

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Austin Kleon

Download sách Ai Cũng Là Nghệ Sĩ ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KỸ NĂNG SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download Ebook         

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


Cuốn sách Ai cũng là nghệ sĩ của tác giả Austin Kleon sẽ đưa ra 10 chiêu sáng tạo chưa ai từng hé lộ cho bạn.

Cuốn sách gồm 10 bí kíp sáng tạo được tác giả đúc kết sau hơn chục năm lăn lộn với công việc sáng tạo của mình, rồi phát hiện ra rằng những bí kíp này không chỉ dành cho những người mang danh “nghệ sĩ” mà dành cho tất cả mọi người, “cho dù bạn là ai, bạn làm ra thứ gì”.

Đó là những chiêu rất đơn giản như:

–    Đừng chờ tới lúc biết mình là ai mới bắt đầu;

–    Hãy viết ra cuốn sách bạn muốn đọc;

–    Làm tốt việc mình và chia sẻ với mọi người;

–    …

Cuốn sách sẽ mang đến cho bạn đọc không chỉ những mẹo mực đơn thuần mà còn khiến cho mọi người hứng thú hơn với công việc, kết nối tốt hơn với bạn bè, và giảm bớt căng thẳng trong đời sống.

Cuốn sách đã được dịch ra mười lăm thứ tiếng, thu hút hàng triệu độc giả trên thế giới, được coi là bản tuyên ngôn về sáng tạo trong thời đại số, độc giả Việt Nam sẽ thấy mình trong bức tranh toàn cảnh về việc tìm đường đi trong quá trình sáng tạo. Đó là sự đe dọa xâm lấn về thông tin của Internet, sự tiện dụng của công nghệ giết chết tư duy sáng tạo của người nghệ sĩ… Những bí kíp đối phó với vấn đề mang tính toàn cầu này sẽ giúp bạn đọc tìm ra lối đi cho riêng mình.

Cuốn sách cũng truyền đến bạn đọc thông điệp của tác giả Austin Kleon rằng, “Bạn không cần phải là một thiên tài, chỉ cần bạn muốn được là chính mình”, vì vậy cuốn sách này dành cho tất cả chúng ta.

BẢN TUYÊN NGÔN VỀ SÁNG TẠO TRONG THỜI ĐẠI SỐ

Cho dù không phải là nghệ sĩ nhưng ai trong số chúng ta cũng từng bị thôi thúc bởi ham muốn sáng tạo – đó là tạo ra dấu ấn riêng của mình trong công việc đang đảm trách, từ một người bán hàng cho tới một nhân viên công sở, từ một người công nhân cho tới một kỹ sư. Việc tạo ra dấu ấn không phải là để được vinh danh, được nổi tiếng mà điều chúng ta mong mỏi nhất là nhìn thấy thành quả sáng tạo của mình.

Trong hơn chục năm mày mò để có được thành quả đó, Austin Kleon – một cây viết trẻ và cũng là một họa sĩ, đã đúc kết và “trình làng” ý tưởng về sáng tạo giờ đây gói gọn trong hơn một trăm trang sách đang bày trước mắt bạn đọc. Đúng như tác giả đã nói, những chiêu này “không chỉ dành riêng cho nghệ sĩ. Mà là cho tất tật mọi người.” Và “Những ý tưởng này áp dụng được cho bất cứ ai đang gắng sức thổi vào đời sống và tác phẩm của mình ít nhiều sáng tạo.”

Xin bạn đọc đừng vội hoang mang, bởi có thể từ “sáng tạo” nghe có vẻ lớn lao quá, nhưng thực chất đó chỉ là kết quả trong công việc của bạn mà thôi. Với người bán hàng thì đó là làm sao để người tiêu dùng biết đến sản phẩm của mình nhiều nhất, với nhân viên công sở là làm sao để trong tám giờ vàng ngọc nơi bàn giấy giải quyết được công việc hiệu quả nhất…

Thật là thú vị khi chúng ta ngộ ra rằng mình sáng tạo mỗi ngày trong quá trình làm việc, và “chân tướng” sáng tạo lộ ra thật đáng kinh ngạc, từ “chôm chỉa” tới “không có gì là nguyên thủy”…

Chúng tôi hy vọng việc xuất bản cuốn sách này sẽ mang đến cho các bạn không chỉ những mẹo mực để khiến công việc hiệu quả hơn mà còn khiến các bạn hứng thú với công việc, kết nối tốt hơn với bạn bè, và giảm bớt căng thẳng trong đời sống.

Chúng tôi cũng muốn được truyền đến bạn đọc thông điệp của Austin Kleon rằng, “Bạn không cần phải là một thiên tài, chỉ cần bạn muốn được là chính mình.” Và Steal like an artist với ấn bản tiếng Việt mang tựa đề Ai cũng là nghệ sĩ vốn được coi là một bản tuyên ngôn về sáng tạo trong thời đại số, đã được dịch ra mười lăm thứ tiếng, thu hút hàng triệu độc giả trên thế giới, sẽ là một cuốn cẩm nang chi tiết với những thông điệp rõ ràng, những hình ảnh và minh họa sinh động, các ví dụ hóm hỉnh đưa người đọc thẳng tiến vào lĩnh vực sáng tạo của mình.

Chúc các bạn thành công.

Hà Nội, tháng 11 năm 2012

ĐỌC THỬ

KHUYÊN NHỦ GÌ CŨNG CHỈ LÀ KỂ LỂ

Một trong những lý thuyết của tôi là: khi mọi người cho bạn lời khuyên này nọ, chẳng qua là họ đang tự nói chuyện với mình trong quá khứ.

Cuốn sách này chính là tôi tự nói chuyện với một phiên bản của mình ngày trước.

Đây là những điều tôi học được trong suốt gần chục năm gắng tìm cách sáng tạo nghệ thuật, nhưng một điều khôi hài xảy tới – ấy là tôi nhận ra, rằng chúng không chỉ dành riêng cho nghệ sĩ. Mà là cho tất tật mọi người.

Gã 19 tuổi là tôi đây có thể xài vài bí quyết…

Những ý tưởng này áp dụng được cho bất cứ ai đang gắng sức thổi vào đời sống và tác phẩm của mình ít nhiều sáng tạo. (Câu này ắt miêu tả tất cả chúng ta.)

Nói cách khác: Cuốn sách này là dành cho bạn.

Bất kể bạn là ai, dù bạn làm ra thứ gì.

Cùng bắt đầu thôi.

1CHÔM CHỈA NHƯ NGHỆ SĨ

Cách nhìn thế giới như một nghệ sĩ

Mọi nghệ sĩ đều được hỏi một câu, “Anh lấy ý tưởng từ đâu ra thế?” Một nghệ sĩ thành thực sẽ đáp rằng, “Tôi ăn cắp.”

Một nghệ sĩ nhìn thế giới ra sao?

Trước hết, anh tìm xem có thứ gì đáng chôm, rồi chuyển ngay sang bước kế tiếp.

Mọi việc chỉ giản đơn là vậy.

Khi nhìn thế giới theo cách này, bạn sẽ khỏi phải lo chuyện cái gì “hay” với cái gì là “dở” – chỉ có thứ đáng chôm và thứ chẳng đáng chôm.

Mọi thứ đã bày sẵn để tóm lấy. Nếu hôm nay bạn thấy thứ này chưa đáng chôm, thì rất có thể, ngay ngày mai, hoặc một tuần hay một năm sau nữa, bạn sẽ thấy nó đáng để cuỗm về.

“Tác phẩm nghệ thuật duy nhất mà tôi học hỏi là thứ tôi có thể chôm chỉa.”

– David Bowie –

Không có gì là nguyên thủy

Nhà văn Jonathan Lethem từng nói, khi mọi người phán rằng thứ gì đó là “nguyên thủy”, thì mười lượt đến chín, chẳng qua vì họ không biết nơi tham khảo, hay những nguồn nguyên thủy có liên quan.

Điều một nghệ sĩ giỏi nằm lòng, ấy là chẳng có gì từ trên trời rơi xuống. Mọi tác phẩm sáng tạo đều dựng trên những thứ có trước. Không gì là nguyên thủy hoàn toàn.

Nó rành rành ngay trong Kinh thánh: “Không có gì mới mẻ dưới ánh mặt trời.” (Thánh thư 1:9)

Có người thấy ý tưởng này thật não lòng, nhưng nó lại khiến tôi ngập tràn hy vọng. Như văn hào Pháp André Gide đã bảo, “Mọi thứ cần nói thì đã nói cả rồi. Nhưng vì chẳng ai chịu nghe, nên mới phải nhắc lại lần nữa.”

Nếu thoát khỏi gánh nặng phải độc đáo “trăm phần trăm”, ta có thể thôi tìm cách tạo ra thứ gì đó từ số không, ta có thể nắm bắt những ảnh hưởng, thay vì phải trốn chạy khỏi nó.

“Nguyên thủy là chi? Chỉ là trò chôm chỉa chưa lộ tẩy.”

– William Ralph Inge –

Cây phả hệ ý tưởng

Ý tưởng mới chẳng qua là “hổ lốn” hoặc pha trộn của một hay nhiều ý tưởng đã có từ trước.

Đây là một mẹo người ta dạy bạn ở trường nghệ thuật. Vẽ hai đường thẳng song song trên tờ giấy:

Có bao nhiêu đường tất thảy?

Có đường thẳng đầu tiên, đường thẳng thứ hai, nhưng còn cả một đường nữa, là âm bản chạy giữa hai đường trên.

Thấy chưa? 1 + 1 = 3

Bố + Mẹ = Bạn

Di truyền

Một ví dụ hay, chính là di truyền. Bạn có mẹ và có cha. Bạn thừa hưởng các nét từ cả hai người, nhưng tổng số là bạn lại lớn hơn phần cha mẹ gộp lại. Bạn là kết quả hòa trộn giữa cha mẹ bạn và hết thảy tông ti của mình.

Cũng giống như bạn có cây tộc phả, bạn có cả một cây phả hệ ý tưởng. Bạn không chọn được gia đình, nhưng bạn có thể chọn thầy cô, chọn bạn bè, bạn có thể chọn thứ nhạc mình nghe, chọn những cuốn sách để đọc và chọn những bộ phim muốn xem. Bạn càng có nhiều lựa chọn cho những gì ảnh hưởng tới mình.

Thực ra mà nói, bạn là hỗn hợp những gì bạn chọn đưa vào đời mình. Bạn là tổng hòa những gì ảnh hưởng lên bạn. Thi hào người Đức Goethe đã nói, “Ta được nhào nặn và định hình chính bởi những gì ta yêu thích.”

“Chúng tôi là những đứa trẻ không cha… vậy nên chúng tôi tìm cha ông mình từ huyền tích, trên đường phố và trong lịch sử. Chúng tôi phải lựa ra và chọn lấy những vị tổ tông, những người khích lệ thế giới mà chúng tôi sẽ dựng nên cho chính mình.”

– Jay-Z –

Vào rác, ra cũng rác

Nghệ sĩ là nhà sưu tầm. Không phải kẻ vơ váo, xin bạn nhớ cho, cái khác là đây: Kẻ vơ váo thì ôm đồm bừa bãi, còn nghệ sĩ thì lựa chọn hẳn hoi. Họ chỉ sưu tầm những thứ họ thích thật mà thôi.

Có một học thuyết kinh tế nói rằng, nếu bạn lấy thu nhập của năm người bạn thân rồi chia trung bình, kết quả là sát sạt với thu nhập của chính bạn.

Tôi nghĩ điều tương tự cũng đúng với nguồn thu ý tưởng của bạn. Bạn sẽ chỉ đạt mức ngang ngửa với những gì bạn chọn bao quanh mình. Khi xưa mẹ tôi vẫn hay bảo, “Vào rác, ra cũng rác.” Hồi đó tôi phải nghĩ nát óc. Nhưng giờ tôi hiểu ý mẹ rồi.

Việc của bạn là sưu tầm những ý tưởng hay ho. Càng gom được nhiều ý tưởng hay,

“Hãy chôm chỉa từ bất cứ nơi nào vang dội cảm hứng hay kích động trí tưởng tượng của anh. Nghiến ngấu những bộ phim cả cũ lẫn mới, âm nhạc, sách vở, những bức họa, tấm ảnh, những bài thơ, những giấc mơ, những chuyện trò bất chợt, công trình kiến trúc, những cây cầu, bảng tên đường, cây cối, áng mây, những khối nước, ánh sáng cùng bóng tối. Hãy chỉ lựa ra để chôm về những gì chạm thẳng tới tâm hồn anh. Nếu làm được vậy, tác phẩm (và trò chôm chỉa) của anh sẽ chân thực.”

– Jim Jarmusch –

Trèo lên cây phả hệ của riêng bạn

Marcel Duchamp bảo, “Tôi chả tin nghệ thuật. Tôi tin vào nghệ sĩ.” Đây thực ra là cách học rất hay – nếu bạn cứ cố tọng cho hết lịch sử bộ môn nào đấy trong chốc lát, bạn ngộp thở là chắc.

Thay vào đó, hãy nhai nuốt từng nhà tư tưởng – nào cây viết, nghệ sĩ, nhà hoạt động hay một hình mẫu nào đó – mà bạn thật sự yêu thích. Hãy tìm hiểu tất tần tật về nhà tư tưởng đó. Rồi tiếp tục tìm ra ba người mà nhà tư tưởng ấy yêu mến, lại xem xét đủ điều về họ. Làm đi làm lại như thế càng nhiều càng tốt. Hãy trèo lên cái cây ấy cao hết mức có thể. Một khi đã dựng được cái cây, đã đến lúc bạn bắt đầu nhánh riêng cho mình.

Tự coi mình là con cháu của dòng tộc sáng tạo sẽ khiến bạn bớt cô đơn lúc bắt đầu làm ra những thứ của riêng mình. Tôi treo tranh ảnh các nghệ sĩ yêu thích ngay trong xưởng. Họ cứ như những hồn ma thân thiện. Tôi gần như có thể cảm thấy họ thôi thúc tôi tiến lên, mỗi lúc tôi gò lưng trên bàn làm việc.

Cái hay ở những vị sư phụ xa xôi hoặc đã quá cố này, là họ không cách nào từ chối bạn học việc. Bạn có thể học bất cứ thứ gì bạn muốn từ họ. Họ đã để sẵn giáo trình trong các tác phẩm của mình.

Dạy dỗ bản thân

Đến trường là một chuyện. Học hành lại là chuyện khác. Hai thứ này không phải lúc nào cũng là một. Bất kể bạn có đến trường hay không, việc của bạn là phải luôn tự bắt mình học hành tử tế.

Bạn phải luôn tò mò về thế giới bạn đang sống. Tra cứu mọi thứ. Truy tầm mọi nguồn tham khảo. Đào sâu hơn bất cứ ai – đó là cách để tiến lên phía trước.

Google mọi thứ. Ý tôi là tất tần tật. Google về giấc mơ, Google những rắc rối. Chớ vội hỏi trước khi Google. Hoặc bạn sẽ tìm ra câu trả lời, hoặc bạn sẽ đưa ra được câu hỏi hay hơn thế.

Đọc liên tục. Đến thư viện ấy. Sách vở vây xung quanh, phép thần ngay ở đấy. Hãy lạc giữa những kệ giá. Đọc các thư mục. Bạn bắt đầu với cuốn nào không quan trọng, chính cuốn sách sẽ dẫn bạn tới cuốn khác.

“Bất kể tôi có đến trường hay không, tôi vẫn luôn học tập.”

– Rza –

Gom góp sách, kể cả bạn chưa định đọc ngay lập tức. Nhà làm phim John Markers đã bảo, “Không gì quan trọng cho bằng một thư viện chưa đọc tới.”

Chớ vội lo nghiên cứu. Cứ tra cứu cái đã.

Để dành của trộm được về sau này

Kè kè cuốn sổ, cây bút bất kể bạn đi đâu. Rèn cho quen thói lôi nó ra mà ghi chép những suy nghĩ và quan sát của bạn. Chép lại ngay những đoạn bạn ưa thích trong sách. Ghi lại những chuyện trò nghe lóm được. Tranh thủ nguệch ngoạc lúc đang nghe điện thoại.

Xoay trăm phương ngàn kế để đảm bảo bạn luôn sẵn giấy trong người. Họa sĩ David Hockney2 còn nhờ thợ may chế riêng các túi lót trong áo khoác, sao cho vừa cuốn sổ phác họa. Nhạc sĩ Arthur Russell3 lại thích mặc áo có hẳn hai túi trước, hòng nhét cho thật nhiều giấy chép nhạc mới thôi.

Tàng trữ cặp tang vật. Tên thế nào, đồ đúng là như vậy – ấy là tập tài liệu ghi dấu mọi thứ bạn chôm từ người khác. Kỹ thuật số hay cặp thật –dạng nào cũng chẳng làm sao, miễn hiệu quả. Bạn có thể giữ một cuốn sổ dán ghép, để cắt rồi đính mọi thứ vào, hay chỉ cần chụp tất tật bằng máy ảnh trong điện thoại.

Thấy món gì đáng nẫng? Rước vào cặp tang vật. Cần tí chút cảm hứng? Hãy mở cặp ra xem.

Phóng viên báo chí gọi nó là “nhà xác” – tôi còn ưng cái tên này hơn ấy chứ. Nhà xác chính là nơi bạn giữ những thứ “chết khô”, để sau này bạn sẽ phục hồn trong tác phẩm của mình.

“Thà vơ lấy những thứ không thuộc về mình còn hơn mặc kệ nó vất vưởng đây đó.”

– Mark Twain –


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button