Kỹ năng mềm

50 Điều Trường Học Không Dạy Bạn

Lời giới thiệu

Đứa trẻ nào cũng được dạy ở trường rằng, một đứa trẻ ngoan phải biết yêu thương mọi người; kính trọng, lễ phép với ông bà, cha mẹ và thầy cô giáo; hoà nhã, thân ái với bạn bè, v.v… Một học sinh giỏi phải biết giải các bài toán khó, biết làm những bài văn hay, phải thuộc bài, v.v… Nhưng không có trường lóp nào nói với chúng là “các em không hoàn hảo nhưng cũng không cần phải tỏ ra là người hoàn hảo”; chẳng có bài học nào rèn luyện cho chúng bản lĩnh để đối mặt với những bất công trong cuộc sống; cũng không có trang sách nào dạy chúng biết rằng “một lần bị bẽ mặt, các em sẽ trưởng thành hơn”… Vậy bọn trẻ phải học những điều đó từ đâu?

Thành công trong nhà trường, trở thành một học sinh, sinh viên giỏi không đồng nghĩa với thành công trong cuộc sống. Ngay cả Bill Gates – người đã bỏ dở chương trình đại học tại Harvard… cũng từng coi nhiều điều trong số đó là lời khuyên cho chính mình. 50 điều nói trong cuốn sách không chỉ viết cho bọn trẻ, mà còn dành cho các bậc phụ huynh và cả những người thầy. Ngay cả những người đã tốt ngiệp đại học, đã đi làm cũng thấy học hỏi được nhiều từ những lời khuyên này.

Hãy đọc cuốn sách 50 điều trường học không dạy bạn để biết bạn đã Không đuợc học những gì trong nhà trường. Hãy đọc để trưởng thành hơn và thành công hơn. – “Ra trường, việc đầu tiên tôi làm là bắt tay vào tìm một công việc. Nhưng mọi việc không đơn giản như tôi nghĩ. Có rất nhiều điều mới lạ của cuộc sống thực tế mà cả trường học và cha mẹ tôi chưa từng dạy cho tôi bao giờ. Nó khiến tôi lúng túng và loay hoay cho đến khi đọc cuốn 50 điều trường học không dạy bạn…” – Ngọc Trâm – Designer Báo Sinh viên Việt Nam

Ebook

File ebook hiện chưa có . Comment tại trang này email của bạn để Downloadsach gửi link ngay khi tìm kiếm được trên Internet. Gợi ý : Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Đọc sách

Phiên bản đọc thử giúp đọc giả tham khảo trước khi mua sách giấy.

LỜI GIỚI THIỆU

Đứa trẻ nào cũng được dạy ở trường rằng, một đứa trẻ ngoan phải biết yêu thương mọi người; kính trọng, lễ phép với ông bà, cha mẹ và thầy cô giáo; hòa nhã, thân ái với bạn bè, v.v… Một học sinh giỏi phải biết giải các bài toán khó, biết làm những bài văn hay, phải thuộc bài, v.v… Nhưng không có trường lớp nào nói với chúng là “Các em không hoàn hảo nhưng cũng không cần phải tỏ ra là người hoàn hảo”; chẳng có bài học nào rèn luyện cho chúng bản lĩnh để đối mặt với những bất công trong cuộc sống; cũng không có trang sách nào dạy chúng biết rằng “một lần bị bẽ mặt, các em sẽ trưởng thành hơn”… Vậy các em phải học những điều đó từ đâu?

Câu trả lời đã được Charles J. Sykes − chủ nhân nổi tiếng của chương trình Talk Show trên Đài phát thanh Milwaukee (Mỹ), một nhà báo, giảng viên đại học – đúc rút lại trong 50 điều trường học không dạy bạn (50 Rules Kids Won`t Learn in School). Từ những trải nghiệm cá nhân, thấu hiểu những bỡ ngỡ, nhầm tưởng của con trẻ khi bước chân vào thế giới thực – nơi không phải lúc nào cũng có vòng tay chở che của bố mẹ, kết hợp với những lời khuyên bổ ích của người thân và đồng nghiệp, Charles J. Sykes đã phát triển từ 10 điều nhỏ nhặt đầu tiên lên thành 12, 14 và cuối cùng là 50 điều trong cuốn sách.

Đã có nhiều trang thư điện tử, website và nhiều tờ báo giới thiệu về cuốn sách này. Không ít chính trị gia và người nổi tiếng đã tìm đọc “bộ sưu tập” 50 nguyên tắc này. Thành công trong nhà trường, trở thành một học sinh, sinh viên giỏi không đồng nghĩa với thành công trong cuộc sống. Ngay cả Bill Gates − người đã bỏ dở chương trình đại học tại Harvard – cũng từng coi nhiều điều trong số đó là lời khuyên cho chính mình. 50 điều nói trong cuốn sách không chỉ viết cho bọn trẻ, mà còn dành cho các bậc phụ huynh và cả những người thầy. Ngay cả những người đã tốt nghiệp đại học, đã đi làm cũng thấy học hỏi được nhiều từ những lời khuyên này.

Hiện nay, các chương trình giáo dục ở Việt Nam vẫn mang nặng tính lý thuyết, khiến không ít học sinh, sinh viên sau khi ra trường cảm thấy bỡ ngỡ, lúng túng trước thực tế của cuộc sống. Nhận thức được sự cần thiết phải trang bị cho giới trẻ những kiến thức có tính thực tiễn hơn, Alpha Books đã mua bản quyền và tiến hành biên soạn cuốn sách này với sự cộng tác của Nhà báo Tô Lan Phương (báo Công Lý). Với giọng văn hài hước, hóm hỉnh của tác giả, được lồng ghép thêm các ví dụ gần gũi từ thực tế cuộc sống của giới trẻ trong nước, chúng tôi tin rằng cuốn sách nhỏ này sẽ là một món quà tinh thần rất hữu ích cho những bạn trẻ còn đang cắp sách tới trường, và cả những người đã trưởng thành.

Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn cuốn sách 50 điều trường học không dạy bạn. Hãy đọc để biết bạn đã KHÔNG ĐƯỢC HỌC những gì trong nhà trường. Hãy đọc để trưởng thành hơn và thành công hơn.

Tháng 1 năm 2009

CÔNG TY SÁCH ALPHA

Điều 1

Hãy cảm ơn sự “giám sát” của bố mẹ.

Bạn đã tốt nghiệp phổ thông trung học. Bạn bắt đầu hát câu “đã qua đi rồi tuổi thơ” (Trong bài hát Xa rồi tuổi thơ – Ngọc Lễ) với cảm giác kiêu hãnh pha chút ngậm ngùi của kẻ “trưởng thành”. Bạn tin là mình đã lớn và hoàn toàn có khả năng kiểm soát cuộc sống cũng như tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Vậy mà dường như bố mẹ bạn không chịu nhìn ra điều đó. Họ vẫn giữ thói quen như thời bạn lên một lên hai, họ rầy la bạn vào bất cứ lúc nào họ muốn. Họ vẫn kiểm soát việc bạn làm gì, đi đâu, với ai, bao giờ về và mặc gì.

Nếu cha mẹ bạn làm phiền bạn bằng những câu hỏi đó, đừng càu nhàu, hãy trả lời họ. Điều đáng sợ nhất trong cuộc sống chính là nhận được sự thờ ơ của những người ruột thịt. Bạn chỉ nên buồn khi bố mẹ bạn không thèm quan tâm xem bạn đang làm gì, nghĩ gì. Những thanh niên bị bắt vì đua xe vào một hay hai giờ sáng, tụ tập hút chích thường thú nhận rằng họ làm thế để khỏa lấp nỗi cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Nếu bố mẹ không hỏi han bạn, bạn sẽ cảm thấy như mình bị bỏ rơi và buồn bã với ý nghĩ  họ không còn yêu thương bạn nữa.

Đôi khi, bạn nóng nảy, bực tức vì sự tra xét kỹ càng đó. Bạn cho rằng mình không còn là một đứa trẻ để cha mẹ “kèm cặp” như thế. Vậy, bạn hãy học cách chứng tỏ sự trưởng thành của mình đi! Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, tìm các cơ hội để có học bổng hay tìm một công việc thích hợp, kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Điều đó ý nghĩa hơn nhiều so với việc bạn chỉ biết khẳng định “con đã lớn rồi” mà không làm gì cả.

Hãy ra khỏi nhà và kiếm đủ tiền mua cho bố mẹ bạn một ngôi nhà mới!

Điều 2

Đừng  thờ ơ với những gì bạn có thể làm cho người khác

Thực tế, bị đẩy vào tình huống khó xử không phải là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với bạn, và chắc chắn nó không tệ hơn những điều mà bạn có thể làm do bị cám dỗ, hoặc không làm vì gia đình, bạn bè và những người quen của bạn để tránh bị khó xử. Bạn tỏ thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm khi không đến thăm bà ốm đang nằm viện, không sửa xe giúp bạn gái hay phớt lờ người quen khi thấy họ gặp tai nạn trên đường… Sự thờ ơ này còn đáng xấu hổ hơn bất cứ tình huống khó xử nào mà bạn có thể tránh được.

Đôi khi, bạn cố tỏ ra thờ ơ với mọi người vì cho rằng, nếu bạn cư xử nhã nhặn, sẵn sàng giúp đỡ người khác, đám bạn bè “tân tiến” sẽ bảo “con bé đó hay bày trò phúc đức quá”. Nhìn thấy một người ngã xe, bạn cũng muốn đứng lại đỡ người ta dậy, nhưng không hiểu sao bạn lại cảm thấy ngượng ngập. Hoặc giả là bạn bình thản bỏ đi với ý nghĩ không có bạn thì cũng sẽ có một ai đó làm điều này. Tại sao “một ai đó” lại không phải là bạn nhỉ? Bạn đã tuyên bố với bố mẹ là mình lớn rồi, vậy đây chính là lúc để bạn chứng tỏ sức mạnh và sự tận tâm của người trưởng thành.

Bạn giận dỗi bố mẹ và bỏ nhà đi, nhưng nghe tin bố ốm nặng, bạn không biết phải hành động ra sao. Có nên về thăm bố không? Nếu về nhà tức là bạn đã chịu “thua” bố khi làm hòa trước. Lòng hiếu thắng của bạn có thể sẽ giết chết tình cảm đẹp đẽ giữa hai bố con. Hãy thử tưởng tượng đến cảnh bạn đang bị ốm. Khi đó bạn muốn gì? Tất nhiên, bạn sẽ rất muốn được nhìn thấy ánh mắt yêu thương, lo lắng của người thân. Bạn muốn được hỏi han, chăm sóc và không còn thời gian cho những tự ái vặt vãnh nữa. Vậy thì bố của bạn cũng đang có cảm giác như vậy. Bạn có thể làm được rất nhiều điều cho bố nếu bạn có thể dẹp bỏ lòng tự trọng để trở về. Chắc chắn bạn không cần phải giải thích nhiều, bố bạn cũng sẽ tự hiểu là bạn đã lớn, bạn đủ sức gánh vác những phần việc của mình và của cả người khác.

Bất kể mọi người nói gì, đừng thờ ơ trước những người đang cần đến sức vóc, trí tuệ và tình cảm của bạn.

Điều 3

Khói thuốc không làm nên một người trưởng thành.

Một đứa trẻ 11 tuổi tập tọe hút thuốc chỉ vì muốn mọi người nhìn mình như một người đã 20 tuổi. Một người 20 tuổi thì lại muốn biết được cách vẩy tàn thuốc điệu nghệ như các minh tinh màn bạc. Nhiều cô gái nghĩ việc hút thuốc khiến mình trở nên hấp dẫn và cá tính. Liệu bạn có là một trong những người đang cầm điếu thuốc trên tay rồi nghĩ về chuyện tập làm người lớn và cố chứng tỏ mình là người cá tính hay không?

Điều tôi muốn đề cập ở đây không phải là vấn đề hút thuốc có hại như thế nào. Chắc chắn rằng vấn đề này đã được giới truyền thông liên tục cảnh báo. Tôi chỉ muốn cùng bạn tìm hiểu động cơ của việc cầm điếu thuốc trên tay.

Bạn có thể hút thuốc nếu không sợ bị sạm da, vàng răng, hôi miệng, tốn tiền hoặc viêm đường hô hấp, ung thư phổi. Bạn có thể hút thuốc nếu điều đó giúp bạn tập trung vào công việc hơn và không bị tăng cân. Chỉ có điều, đừng vì muốn chứng tỏ mình đã trưởng thành hay cá tính hơn người khác mà phải khổ sở hít khói thuốc. Tôi đã từng nhìn thấy rất nhiều nam thanh nữ tú tụm năm tụm ba để tập cách vẩy tàn thuốc lá, nhả thuốc hình chữ O. Hình ảnh ấy khiến tôi nghĩ: “Thật buồn cười, lũ trẻ đang học làm người lớn đây”.

Khi đi xin việc, cán bộ nhân sự yêu cầu bạn phải đảm bảo về độ tuổi lao động, sức khỏe, trình độ học vấn, chứ không ai quan tâm đến việc bạn hút thuốc một cách cá tính cả. Và hãy nhớ, nếu không đủ dũng khí từ bỏ khói thuốc thì bạn nên tìm một vị trí thích hợp để hút thuốc. Tránh xa nơi công cộng, bệnh nhân, những bà bầu, em bé và các văn phòng đang bật điều hòa… Đừng khiến người khác khốn khổ vì thú vui của cá nhân bạn.

Không có thành công đáng giá nào từ việc bắt chước những thói hư tật xấu của người khác. Vì thế, hút thuốc lá hay xăm mình cũng không làm bạn đẹp hơn khi bạn mới 15 tuổi.

Điều 4

Gầy hay béo chỉ là chuyện thứ yếu. Quan trọng là bạn như thế nào

Ở một góc độ hẹp, ngành công nghiệp thời trang phải chịu trách nhiệm một phần trong việc cổ xúy hình ảnh “siêu gầy”. Cuối thập niên 1990, hãng đồng hồ Accurist Watches tung ra chiến dịch quảng cáo với hình ảnh một người mẫu ốm mảnh mai đến mức người ta có thể thấy “ba cái xương sườn” dưới lớp áo len và cổ tay của cô nhỏ đến mức không thể mang đồng hồ mà phải đeo ở… bắp tay.

Sau công nghiệp thời trang, đến lượt Hollywood bắt đầu chứng kiến xu hướng các diễn viên nữ không thích hình ảnh đầy sức sống như cách đây vài thập niên. Họ đang tự biến mình thành những “bóng ma dật dờ” còm cõi trên sàn diễn, sân khấu với thân hình khẳng khiu ″siêu mỏng”.

Nhưng bạn đừng nhầm tưởng rằng ″bộ xương di động” thì vẫn quyến rũ, trừ phi bạn định nghĩa quyến rũ là chết đói, rượu chè be bét, dạ dày luôn trống rỗng, yếu ớt và cơ thể gầy mòn. Bạn cũng đừng bao giờ nhầm lẫn giữa hình ảnh của một người nổi tiếng với cơ thể thực ngoài đời của họ. Đối với bạn, điều này có thể khó nhận ra, vì có thể bạn chưa bao giờ “tận mắt” nhìn thấy họ trong tình trạng khỏa thân.

Nhiều bạn trẻ tự hỏi tại sao mình lại bị ám ảnh bởi cái nhìn của Keira Knight − nữ diễn viên người Anh sở hữu thân hình “siêu phẳng” và thường bị dư luận đồn thổi rằng cô mắc chứng bệnh biếng ăn trầm trọng nên mới trở thành “slim-lady” như hiện nay. Thật đáng buồn là có vô số bạn trẻ thần tượng những ngôi sao siêu gầy như Mary-Kay Olsen hay Lara Flynn Boyle, và cho rằng thân hình của họ như thế là bình thường, thậm chí là hoàn hảo.

Xu hướng “bùng nổ” những người mẫu siêu gầy đã dẫn đến việc nhiều bình thường bắt chước mặc những bộ quần áo giống các cô người mẫu đó đã mặc trong các buổi trình diễn. Nắm bắt được tâm lý đó, nhiều hãng thời trang đã tung ra những kiểu áo váy dán size 0, mà thực chất là size 8. Mục đích là để đánh lừa cảm giác người mua − những người sợ béo − để họ cảm thấy mình đã gầy đi. Thậm chí, có những hãng tung ra thị trường cỡ 00. Nếu các cỡ quần áo “ảo” đó tiếp tục được ưa chuộng, chắc hẳn không bao lâu nữa, mọi loại quần áo được bày bán trên thị trường sẽ giảm dần về size “âm”. Điều đó có nghĩa gì? Một phụ nữ đi mua sắm quần áo cỡ “âm” thì thể trạng của cô ta liệu còn khỏe mạnh được bao lâu nữa? Và có còn quyến rũ được ai?

Hình ảnh các nữ minh tinh Hollywood gầy nhẳng, thiếu sức sống lại thu hút sự chú ý của nhiều bạn trẻ, thậm chí cả những phụ nữ đã có gia đình và đang sở hữu một cơ thể khỏe mạnh, cân đối. Họ cảm thấy thiếu tự tin với hình thể ″vượt chuẩn” của mình. Thật sai lầm khi họ nghĩ mình ″không phải là phụ nữ”, không hấp dẫn chỉ vì họ không gầy. Nếu cứ so sánh như thế thì hình ảnh “màu mỡ phì nhiêu” của 66% người Mỹ sẽ được xem là thừa cân hoặc béo phì.

Thật điên rồ khi có cô người mẫu nhịn ăn tới mức gục ngã trên sàn catwalk, như siêu mẫu lừng danh Carmen Kass từng ngất xỉu trong buổi trình diễn thời trang của hãng Prada, do chế độ ăn kiêng quá nghiêm ngặt. Ngày 14 tháng 11 năm 2006, người mẫu Brazil Caroline Reston, 21 tuổi, cao 1,75 m nhưng chỉ nặng không quá 40kg, đã chết tại bệnh viện bởi cơ thể suy kiệt sau một thời gian dài ăn kiêng, dẫn đến chán ăn. Sau đó vài tháng, một người mẫu Brazil khác là Galvao Vieira, 14 tuổi, cũng chết vì bệnh chán ăn. Cái chết của cô một lần nữa là hồi chuông báo động đối với việc ăn kiêng quá độ của các siêu mẫu hiện nay.

Bạn có nghĩ rằng, mình có thể sở hữu một thân hình “siêu phẳng” mà vẫn mạnh khỏe được không? Tôi nghĩ là không thể. Tôi thích người phụ nữ đầy đặn với những đường cong gợi cảm. “Tôi ghét nhìn vào tạp chí người đẹp, nơi đầy rẫy những cô gái “siêu gầy”. Trông các cô ấy như đang đói ăn vậy, điều đó sẽ là tấm gương xấu cho các cô gái đang tuổi lớn”, ngôi sao đa tài Jennifer Lopez nói.

“Người trong cuộc” đó nói rất đúng. Khỏe, đẹp và quyến rũ không phụ thuộc vào việc bạn ăn cho béo lên (mốt của thời Phục hưng) hay nhịn ăn cho gầy đi (trào lưu của thế kỷ XXI). Ăn uống điều độ, luyện tập thể thao thường xuyên và luôn yêu đời − đó mới là con đường đi tới cái đẹp. Quan trọng là bạn khỏe mạnh để đủ sức yêu bản thân và làm những việc mình yêu thích. Đừng phí thời gian vào công cuộc ép xác để được giống một ai đó.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button