Kỹ năng mềm

5 Ngôn Ngữ Tình Yêu Dành Cho Những Người Chỉ Có Một Mình

Lời giới thiệu

“Dù đã kết hôn hay còn độc thân, trẻ hay đã già thì tất cả chúng ta đều có nhu cầu quan trọng về tình cảm: Yêu và được yêu thương. Khi nhu cầu này được đáp ứng, chúng ta sẽ thể hiện trọn vẹn những đức tính tốt đẹp nhất tiềm ẩn của mình và đạt được nhiều thành quả lớn lao trong cuộc sống. Ngược lại, ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tôi tin tưởng rằng những chân lý trong cuốn sách này sẽ giúp những người độc thân học được các kỹ năng cần thiết trong việc cho và nhận tình yêu.” (Tagore)

“Một ngôi sao không thể tỏa sáng với một trái tim tan vỡ” (Luciano de Crescenzo)

“Trong những lúc khó khăn nhất của cuộc sống, đừng tập trung vào những bất hạnh để quên rằng những gì bạn có chính là hạnh phúc mà bao người bất hạnh ước mơ cũng không thể có được” (Khuyết danh)

“Chính trong tình yêu trọn vẹn, ta nhận ra sự tự do của chính mình” (Tagre)

Ebook

NguồnChọn định dạng
SachvuiEPUB
TVEEPUB, MOBI, PDF
Link dự phòngChưa cập nhật

Đọc sách

Phiên bản đọc thử giúp đọc giả tham khảo trước khi mua sách giấy.

NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH ĐỘC THÂN: CHÂN DUNG VÀ NỖI NIỀM

Nếu bạn chọn đọc cuốn sách này, rất có thể bạn vẫn đang độc thân hoặc quen biết với một người độc thân nào đó. Theo thống kê, hơn bốn trong số mười người Mỹ trưởng thành vẫn còn độc thân – tức là có tới 92 triệu người độc thân trên toàn nước Mỹ(*). Sự thực là Mỹ có nhiều người độc thân hơn tất cả các nước khác trên thế giới, trừ Trung Quốc và Ấn Độ.

(*) Thống kê của Bộ Dân số Hoa Kỳ vào ngày 16/7/2007.

Dĩ nhiên, sẽ không chính xác nếu xếp tất cả người độc thân vào một nhóm. Có ít nhất 5 nhóm người độc thân. Phần lớn trong số này là người chưa từng kết hôn (là đối tượng chính mà cuốn sách này hướng tới). Tuy nhiên, 4 nhóm còn lại cũng cần được quan tâm xứng đáng. Sau đây là 5 nhóm người độc thân đó:

1. Chưa từng kết hôn. Tính riêng ở Mỹ, từ 18 tuổi trở lên, nhóm này bao gồm khoảng 49 triệu người. Độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu đã tăng lên, 25 tuổi đối với nữ giới và 27 tuổi đối với nam giới. Cứ mỗi 5 người từ 18 đến 24 tuổi thì có 4 người chưa từng kết hôn (78%).

2. Đã ly hôn. Ngày nay, trên thế giới có 10% người trưởng thành đã từng ly hôn(*). 20% số vụ ly hôn thuộc về các cặp vợ chồng đã kết hôn 5 năm; 1/3 trong số chúng thuộc về các cặp vợ chồng kết hôn được khoảng 10 năm và 43% thì xảy đến với các cặp đã kết hôn khoảng 15 năm.

3. Ly thân nhưng chưa ly hôn. Đây là những người vẫn chưa chính thức ly hôn nhưng không còn sống chung với nhau nữa. Cuộc sống của họ giống một người độc thân hơn là người đang có gia đình. Tuy nhiên tình trạng ly thân này chỉ là tạm thời. Những người này hoặc sẽ hòa giải với vợ/chồng của mình, hoặc sẽ hợp thức hóa sự chia tay này bằng việc chính thức ly hôn.

(*) Số liệu thống kê của Trung tâm Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ năm 2001.

4. Ở góa. Việc ở góa rõ ràng là có sự khác biệt giữa hai giới. Cứ 5 người sống độc thân do bạn đời của mình qua đời thì có đến 4 người là phụ nữ. Gần 1/2 những người phụ nữ từ 65 tuổi trở lên là góa phụ, trong khi ở nam giới, con số này chỉ là 14%.

5. Cha mẹ đơn thân. Một trăm năm trước, chỉ có dưới 1% số người trưởng thành là phụ huynh đơn thân của trẻ vị thành niên. Nhưng ngày nay, có đến hơn 12 triệu phụ huynh đơn thân đang chăm sóc ít nhất một trẻ em dưới 18 tuổi – chiếm gần 1/3 tổng số gia đình. Rõ ràng, số lượng phụ huynh đơn thân đã từng ly hôn là rất lớn. Nhưng bên cạnh đó, số lượng phụ huynh đơn thân chưa từng kết hôn cũng không ngừng gia tăng. Trong số những người mẹ đơn thân thì có đến 40% là chưa từng kết hôn với cha của con mình.

Khác biệt nhưng thống nhất

Dù thuộc nhiều nhóm khác nhau nhưng giữa những người trưởng thành độc thân vẫn có nhiều điểm tương đồng. Hầu hết họ đều gặp khó khăn trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như đời sống vật chất, đạo đức, các mối quan hệ… Nếu bạn là một người trưởng thành độc thân, tôi nghĩ có thể cũng như nhiều người khác, bạn luôn muốn thấu hiểu bản thân cũng như vị trí của mình trong xã hội. Và nguồn gốc sâu xa của vấn đề này chính là nhu cầu muốn cho đi và nhận lại tình yêu thương.

Là một người độc thân, dù thuộc nhóm nào thì bạn cũng muốn được những người quan trọng trong đời mình yêu thương và tin rằng họ cần tình yêu của bạn. Cho đi và nhận lại tình yêu luôn là niềm hạnh phúc của tất cả mọi người, nhất là người trưởng thành độc thân. Một khi cảm nhận được tình yêu thương cũng như vị trí của mình đối với những người xung quanh, bạn sẽ vượt qua được mọi áp lực của cuộc sống. Nhưng nếu thiếu vắng tình yêu, cuộc sống sẽ trở nên thật lạnh lẽo và trống vắng.

Người thanh niên có chiếc vòng kim loại trên đầu

Tôi quen Rob trong chuyến đi đến Grand Canyon(*). Ở rìa phía Nam, gần Bright Angle Trail, tôi nhìn thấy Rob và hai người lớn tuổi khác đang đứng cạnh nhau. Tôi chú ý đến Rob vì anh có đeo một cái nẹp lưng dính liền với vòng bằng kim loại quanh đầu. Tôi gật đầu và mỉm cười chào anh.

(*) Grand Canyon hay Hẻm núi lớn là một khe núi hùng vĩ, dựng đứng được tạo thành do sự xâm thực của sông Colorado ở bang Arizona, Hoa Kỳ, từ hàng triệu năm về trước. Grand Canyon có độ dài 446 km, rộng từ 0,4 đến 24 km và sâu hơn 1.600 mét. Đây là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất tại Mỹ. Theo các ghi chép thì Grand Canyon được nhà thám hiểm García López de Cárdenas người Tây Ban Nha tìm thấy vào năm 1540.

Rob đáp lại: “Chào anh, chúc một buổi sáng tốt lành”. Nụ cười của Rob khiến tôi cảm thấy ấm áp và muốn bắt chuyện. Sau đó, tôi biết được rằng anh đã bị chấn thương cột sống trong một tai nạn khi đi leo núi. Hai người lớn tuổi kia chính là cha mẹ của anh.

Rob cho biết cách đây hai năm, gia đình anh đã lên kế hoạch tham quan hẻm núi này. Nhưng năm đầu tiên, họ gặp vấn đề về tài chính nên chuyến đi phải hoãn lại. Năm thứ hai, Rob gặp tai nạn nên họ không thể rời khỏi nhà. Bây giờ, khi sức khỏe của Rob đã khá hơn, hành trình của họ mới được bắt đầu. Khi lên kế hoạch, họ dự định sẽ đi vào đến tận chân hẻm núi. Giờ đây, ước mơ của họ tuy có thay đổi nhưng vẫn không hoàn toàn biến mất. Họ dự tính sẽ dành ra cả tuần để tận hưởng phong cảnh nơi đây.

Rob chậm rãi lăn chiếc xe lăn của mình tới địa điểm có thể nhìn thấy toàn bộ khung cảnh hẻm núi. Tôi thật sự ngưỡng mộ gia đình anh khi nhìn thấy cả ba đang đắm mình trong cảnh sắc tuyệt vời của thiên nhiên. Họ đã không bỏ cuộc trong hoàn cảnh khó khăn nhất.

Về phần mình, hai cha con tôi cũng đã dành ra suốt cả tuần lễ để khám phá rặng núi. Cuối tuần đó, tôi lại gặp Rob ở sảnh khu nhà nghỉ Bright Angel Lodge. Vì đã quen nhau từ trước nên chúng tôi chào hỏi như những người bạn cũ. Chúng tôi trò chuyện suốt 2 giờ đồng hồ. Rob kể cho tôi nghe về tai nạn của anh và nỗ lực của mọi người khi họ cố gắng mang anh lên trực thăng cứu hộ. Anh kể về nỗi đau thể xác và tinh thần mà anh đã trải qua. Anh đã từng chán nản đến mức tuyệt vọng, đánh mất một cơ hội việc làm mới và phải trải qua nhiều tuần liền trong phòng vật lý trị liệu.

Khi tôi hỏi điều gì đã giúp anh vượt qua thử thách và giữ vững tinh thần trong lúc khó khăn đó, Rob trả lời rất đơn giản: “Đó chính là Tình yêu”. Anh nói tiếp: – Tình yêu là thứ duy nhất giúp tôi vượt qua được tất cả. Bố mẹ đã luôn ở bên tôi, và tôi còn có một người bạn gái… Tuy đó không phải là quan hệ yêu đương nhưng trong suốt thời gian đầu tôi bị tai nạn, cô ấy luôn đến thăm tôi mỗi ngày. Nếu không có cô ấy, có lẽ tôi đã không vượt qua được. Cô ấy đem lại cho tôi hy vọng. Cô ấy cổ vũ tôi trong quá trình chữa trị và thường cầu nguyện cùng tôi. Tôi chưa từng cầu nguyện cùng với cô gái nào trước đó cả. Cách cô ấy nói chuyện với Chúa đã mang lại cho tôi hy vọng. Những lời nói của cô ấy giống như cơn mưa tưới mát tâm hồn đang khô nẻ của tôi. Đến bây giờ, chúng tôi vẫn là bạn tốt của nhau. Chính tình yêu của cô ấy và những người thân xung quanh đã giúp tôi vượt qua tất cả.

Rồi Rob nói tiếp:

– Hy vọng một ngày nào đó, tôi sẽ có thể giúp đỡ được người khác như cách mọi người đã từng giúp đỡ tôi.

Sức mạnh tình yêu

Rob là minh chứng thuyết phục cho cả sức mạnh tình yêu lẫn nhu cầu yêu và được yêu của một người trưởng thành độc thân. Tình yêu chính là nền tảng cho mọi mối quan hệ của con người. Nó ảnh hưởng lớn đến những giá trị vật chất và đạo lý. Tôi cũng tin rằng tình yêu chính là mục tiêu quan trọng nhất trong quá trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống của một người độc thân.

Chính vì thế, tôi cảm thấy mình cần phải viết cuốn sách này. Những gì bạn sắp đọc được sau đây có thể sẽ giúp bạn củng cố được tất cả các mặt trong đời sống. Việc đọc hết cuốn sách này sẽ tốn của bạn một chút thời gian, nhưng tôi tin rằng nó mang lại cho bạn một kết quả rất xứng đáng. Có lẽ cũng như nhiều người khác, bạn đã từng đầu tư thời gian để học cách gửi tin nhắn, lướt net hay kết bạn qua các mạng công cộng. Và không may là hầu hết những người độc thân (và cũng gần như tất cả mọi người) đều hiểu về những thứ đó hơn là hiểu về tình yêu. Lý do rất đơn giản: họ dành nhiều thời gian để nghiên cứu về công nghệ hơn là để tìm hiểu về tình yêu.

Điều còn thiếu

Tôi rất đồng ý với ý kiến của Tiến sĩ Leo Buscaglia rằng:

“Các nhà tâm lý học, tâm thần học, xã hội học, nhân chủng học và giáo dục học đã tuyên bố trong các nghiên cứu của mình rằng tình yêu là “một phản ứng, một cảm xúc có điều kiện”… Nhưng đa phần mọi người đều xử sự như thể tình yêu không phải được rèn luyện mà đã nằm sẵn đâu đó trong mỗi người, và chỉ cần chờ tới tuổi biết nhận thức thì tình yêu sẽ nảy nở một cách tự nhiên. Rất nhiều người đã chờ đợi điều đó cả đời. Dường như chúng ta luôn từ chối đối mặt với sự thật hiển nhiên rằng rất nhiều người đã dành cả đời để đi tìm một tình yêu đích thực, cố gắng để có được nó nhưng đến khi chết đi vẫn chưa thực sự khám phá ra được nó”.

Hơn 30 năm qua, tôi đã dành nhiều thời gian để giúp mọi người kết nối cảm xúc – làm thế nào để chủ động cho đi và đón nhận tình yêu chứ không phải ngồi chờ may mắn xảy đến một cách thụ động. Tôi có thể tự tin nói với tất cả người độc thân – cho dù người đó chưa từng, đã một lần hay nhiều lần kết hôn – rằng nếu bạn đọc và áp dụng những thông tin được đưa ra trong các chương tiếp theo đây, bạn sẽ học được cách trao đi và nhận lại tình yêu một cách hiệu quả. Bạn sẽ khám phá ra điều còn thiếu trong những mối quan hệ trước đó và sẽ học được cách xây dựng một mối quan hệ lành mạnh, tích cực bằng cách sử dụng ngôn ngữ tình yêu cơ bản của người khác cũng như hiểu rõ hơn về ngôn ngữ tình yêu của mình.

Những nỗi đau bắt nguồn từ sự đổ vỡ của các mối quan hệ đều có nguồn gốc sâu xa: rất nhiều người trong chúng ta không thực sự tìm hiểu nghiêm túc về tình yêu. Chúng ta chưa từng coi trọng nó, đủ để tìm hiểu nguyên lý hoạt động của nó. Ở những trang tiếp theo, bạn sẽ được gặp rất nhiều người độc thân đủ các nhóm và ở mọi lứa tuổi – những người đã nhận thức được rằng việc tìm hiểu một cách nghiêm túc về tình yêu có thể sẽ thay đổi được thế giới – hay nói ngắn gọn hơn, thay đổi các mối quan hệ cá nhân.

Những điều cần suy ngẫm

1. Bạn cảm thấy những người quan trọng trong đời bạn yêu thương bạn đến mức nào?

2. Trong lúc khó khăn, đã bao giờ bạn nhận được tình cảm từ một người bạn mà như Rob diễn tả là: “Nếu không có cô ấy, có lẽ tôi đã không vượt qua được”? Nếu có thì người bạn này thể hiện tình yêu đối với bạn ra sao?

3. Đã bao giờ bạn có dịp được trở thành một người bạn thực sự trong lúc bạn mình gặp khó khăn chưa? Nếu có thì bạn thể hiện tình cảm của mình thế nào?

4. Bạn đã trao đi và nhận lại sự yêu thương như thế nào?

5. Bạn có hứng thú nghiên cứu về bản chất của tình yêu cũng như học cách thể hiện tình yêu thương không?

CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG CHO NHỮNG MỐI QUAN HỆ

Con người là một sinh vật đặc biệt, luôn cần đến các mối quan hệ. Con người sống theo cộng đồng và hầu như ai cũng muốn có nhiều mối liên hệ xã hội. Trong văn hóa phương Tây, bị cô lập được xem là một trong những hình phạt nghiêm khắc nhất. Thậm chí những phạm nhân phạm trọng tội cũng không phải tất cả đều bị biệt giam.

Vậy, chất lượng của các mối quan hệ xã hội của chúng ta ra sao?

Những mối quan hệ tích cực và bền vững sẽ mang lại cho bạn niềm vui; nhưng các mối quan hệ xấu sẽ đem đến cho bạn nỗi đau nhức nhối. Thậm chí, tôi có thể khẳng định rằng: Niềm hạnh phúc lớn lao nhất trong đời mỗi người sẽ là do một mối quan hệ tốt đem lại; còn nỗi đau sâu nặng nhất trên đời cũng do mối quan hệ xấu gây ra. Nếu cảm nhận được tình yêu thương của mẹ, bạn sẽ cảm thấy thanh thản và được khích lệ. Ngược lại, nếu mối quan hệ giữa bạn và mẹ không tốt, bạn sẽ có cảm giác bị bỏ rơi. Và nếu bạn bị chính mẹ ruột của mình ngược đãi, cảm giác tổn thương, tức giận, thậm chí là lòng thù hận sẽ nảy sinh và khiến bạn nhức nhối.

Cha mẹ của chúng ta

Việc thiếu thốn tình cảm của cha mẹ khiến con cái có khuynh hướng tìm kiếm tình cảm trong các mối quan hệ khác. Thật không may, sự tìm kiếm này thường có xu hướng sai lầm và dễ dẫn đến thất vọng về sau. Con trai Derek của tôi đã làm việc với những đứa trẻ ”đường phố” trong nhiều năm. Gần đây, Derek có nói với tôi: ”Con chưa từng gặp người lang thang nào có mối quan hệ tốt với cha mẹ của họ cả”.

Một thực tế mà bạn phải chấp nhận rằng tất cả các mối quan hệ của chúng ta đều bắt nguồn và phụ thuộc vào mối quan hệ của ta với cha mẹ mình. Bản chất mối quan hệ đó sẽ có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến tất cả các mối quan hệ khác.

Rất nhiều người trưởng thành độc thân không cảm nhận được tình yêu thương từ cha mẹ họ. Để bù đắp cho cảm giác trống vắng trong tâm hồn, họ đã theo đuổi những thứ mà họ cho rằng tốt đẹp trong cuộc sống và gặt hái được nhiều thành công. Thế nhưng, họ lại thất bại hoàn toàn trong việc xây dựng mối quan hệ với người khác. Hầu như lúc nào họ cũng tự hỏi rằng: ”Làm thế nào để có thể xây dựng được một mối quan hệ thành công và tốt đẹp?”. Hiểu được Năm ngôn ngữ tình yêu sẽ giúp bạn trả lời được câu hỏi này.

Các giai đoạn của một mối quan hệ tình cảm

Các mối quan hệ thường ít khi đứng yên mà luôn thay đổi theo thời gian. Nhưng điều đáng nói là hiếm khi ta chịu tìm hiểu xem vì sao mối quan hệ đó lại xấu đi hay tốt lên như vậy. Hầu hết người độc thân đã từng ly hôn đều không nghĩ mình sẽ ly hôn trong ngày họ quyết định kết hôn. Thực tế, hầu hết mọi người đều rất hạnh phúc trong ngày cưới. Họ cho rằng cuộc hôn nhân của mình sẽ tốt đẹp, bền vững và tràn đầy tình yêu thương. Nhưng rõ ràng, đã có điều gì đó xảy ra trong mối quan hệ này. Lúc ly hôn, họ nói rằng:

”Vợ/chồng của tôi không yêu thương tôi, không quan tâm đến tôi, ích kỷ. Nói thẳng ra cô ta/anh ta quá xấu tính”. Điều nực cười là người kia cũng nhận xét về họ hệt như thế. Vậy chuyện gì đang xảy ra ở đây?

Với hàng ngàn hàng triệu cuộc ly hôn diễn ra mỗi năm, tôi nghĩ có lẽ đã đến lúc ta nên dừng lại và tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Tại sao một cuộc hôn nhân đang tốt đẹp lại trở nên xấu đi như vậy? Tại sao người ta lại quay về tình trạng độc thân? Sau 30 năm làm chuyên viên tư vấn hôn nhân, tôi hiểu rằng câu trả lời là do mọi người đều đã hiểu nhầm bản chất của tình yêu.

Xã hội phương Tây thường coi trọng những mối quan hệ yêu đương lãng mạn. Nếu không tin, bạn cứ thử nghe những bản nhạc và xem những bộ phim đang ăn khách hoặc tìm hiểu về doanh số của những cuốn tiểu thuyết tình yêu lãng mạn mà xem. Nói cách khác, họ thường bỏ qua bản chất thật của tình yêu khi cho rằng nó là cái gì đó thần tiên, cuốn hút và tràn đầy niềm vui. Nếu bạn có được nó, nghĩa là bạn có được nó. Ngược lại, nếu bạn không có được nó thì bạn sẽ chẳng bao giờ làm khác đi được. Khái niệm này có thể chính xác nhưng nó chỉ đúng với giai đoạn đầu của một mối quan hệ yêu đương. Nó không diễn tả được giai đoạn thứ hai – giai đoạn quan trọng nhất của tình yêu. Hãy cùng tôi xem xét hai giai đoạn trong một mối quan hệ.

Giai đoạn 1: Giai đoạn ảo tưởng trong tình yêu

Bạn có biết đã có nhiều bài nghiên cứu về thời ”đang yêu” – giai đoạn ảo tưởng của tình yêu? Cố giáo sư Dorothy Tennov có viết một cuốn sách kinh điển về tình yêu nhan đề Love and Limerenc. Trong cuốn sách này, bà kết luận rằng giai đoạn này thường kéo dài khoảng 2 năm. Trong giai đoạn tình yêu ảo tưởng, chúng ta sống với ảo giác rằng người mình yêu vô cùng hoàn hảo, hay ít nhất là hoàn hảo đối với ta. Bạn bè ta có thể nhận ra các thói tật của người ấy, nhưng ta thì không. Có thể khi mẹ bạn nói: “Con yêu, con có từng nghĩ đến việc 5 năm nay cậu ta chưa có công việc nào ổn định không?”; bạn sẽ trả lời rằng: ”Thôi mà mẹ, anh ấy đang chờ cơ hội đến”. Hay khi đồng nghiệp bạn nói: ”Cậu có cân nhắc việc cô ấy đã từng kết hôn đến 4 lần rồi chứ?”; và bạn sẽ đáp lại rằng: ”Tại mấy gã đàn ông ấy đều là những kẻ tồi tệ. Người phụ nữ như cô ấy đáng được hạnh phúc. Và tôi sẽ là người đem đến hạnh phúc cho cô ấy”.

Trong giai đoạn này, chúng ta thường có nhiều suy nghĩ vô lý kiểu như: “Mình sẽ không bao giờ có được hạnh phúc nếu không được ở bên người ấy. Trên đời này không có gì quan trọng hơn tình cảm của mình và người ấy hết”. Suy nghĩ này dẫn đến thực trạng nhiều bạn trẻ bỏ học để làm đám cưới hoặc sống thử trước khi kết hôn. Khi ấy, những khác biệt giữa hai người thường được xem nhẹ hoặc bỏ qua. Ta chỉ biết rằng mình đang hạnh phúc và chưa bao giờ hạnh phúc như thế. Và ta mong mình sẽ hạnh phúc như thế suốt đời.

Giai đoạn này không đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực nhiều. Một buổi trưa nọ, khi tôi đang ở sân bay quốc tế Philadelphia thì có một người phụ nữ bước lại gần và bắt chuyện. Cô ấy giới thiệu tên là Carrie và nói rằng chúng tôi đã từng gặp nhau tại một hội nghị hai năm trước. Trong lúc nói chuyện, cô nói với tôi rằng 6 tuần nữa cô sẽ kết hôn. Chồng sắp cưới của cô đang làm việc tại căn cứ hải quân gần Chicago và cô đang trên đường đến đó. Khi tôi nói rằng mình đang trên đường đến một buổi nói chuyện chuyên đề về hôn nhân, cô hỏi tôi:

– Ông sẽ nói gì ở đó?

– Tôi giúp các cặp vợ chồng giải quyết các vấn đề trong hôn nhân.

– Tôi không hiểu. – Carrie đáp. – Tại sao lại phải giải quyết các vấn đề trong hôn nhân? Nếu có vấn đề cần giải quyết thì chẳng phải không kết hôn ngay từ đầu sẽ tốt hơn sao?

Carrie đã nói lên điều mà rất nhiều người tin tưởng về tình yêu. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Thuở mới yêu, ta chẳng cần lo lắng nhiều. Chúng ta không cần phải giải quyết các vấn đề để có thể yêu. Tình yêu luôn đến một cách tự nhiên.

Tất cả bắt đầu từ cảm giác ”rộn ràng”. Từ vẻ ngoài cho đến cách nói chuyện, cách thể hiện cảm xúc hay cách sống của người ấy đều khiến ta “rộn ràng”. Đó là cảm giác khiến ta muốn mời người ấy đi uống nước. Tuy nhiên đôi lúc, cảm giác rộn ràng này mất đi ngay sau cuộc hẹn đầu tiên. Có thể họ đã nói hay làm điều gì đó khiến ta bực mình. Hoặc cũng có thể ta phát hiện ra một vài thói quen của người đó mà ta không chấp nhận được. Sau lần đi uống nước cùng họ, ta chẳng còn thấy muốn gặp người đó nữa. Vậy nên, dù sau này không gặp người đó nữa, ta thấy cũng chẳng sao. Cảm giác rộn ràng tan biến một cách nhanh chóng và tự nhiên.

Nhưng đôi khi, với một người nào đó, mỗi lần đi uống cà phê với họ lại mang đến cho ta một điều thú vị mới. Sau cuộc hẹn đó, ta lại mong có cuộc hẹn tiếp theo. Bỗng dưng ta thấy mình yêu đời hẳn lên! Cảm giác rộn ràng ngày càng lớn mạnh và cảm giác ám ảnh bắt đầu xuất hiện. Mỗi sáng thức giấc, ta đều nhớ đến người ấy. Trước khi đi ngủ, ta cũng nghĩ đến người ấy. Suốt cả ngày, ta luôn tự hỏi người ấy đang làm gì. Ta mong được gặp lại người ấy thật nhanh và mỗi lần ở bên nhau, mọi thứ đều thật hoàn hảo.

Cuối cùng, ta sẽ nói với họ rằng: “Anh/em nghĩ là mình đã yêu em/anh”. Đó chính là lúc ta cố dò xét xem liệu người ấy có cảm giác giống mình không. Nếu ta nhận được phản ứng tích cực, kiểu như: ”Như thế có gì là không tốt?”, cả hai sẽ nhìn vào mắt nhau thật lâu. Và đến đúng thời điểm, ta sẽ thốt lên câu: ”Anh/em yêu em/anh” và mong chờ nhận được câu trả lời: ”Em/anh cũng yêu anh/em”. Từ khoảnh khắc đó, cảm giác ảo tưởng ngày càng lớn dần trong ta, khiến ta nghĩ mình muốn chung sống với người ấy suốt quãng đời còn lại. Thông thường, mọi người sẽ kết hôn hoặc bắt đầu chung sống với nhau ngay trong giai đoạn ảo tưởng này. Khi ấy, mối quan hệ của họ không đòi hỏi bất kỳ nỗ lực nào. Chúng ta đã bị cuốn theo những ảo tưởng ”đang yêu” dâng trào. Đó là lý do khiến Carrie không thể hiểu được vì sao phải giải quyết vấn đề trong hôn nhân. Cô ấy cho rằng cuộc sống hôn nhân vẫn sẽ êm đềm và hạnh phúc như giai đoạn đang yêu, rằng hai người vẫn sẽ tự hy sinh cho nhau và xem đối phương là người quan trọng nhất trong cả vũ trụ.

Vậy, còn giai đoạn thứ hai trong tình yêu?

Trong khi Carrie đã hiểu được giai đoạn 1 của tình yêu, cô ấy lại không có chút khái niệm nào về giai đoạn 2. Thậm chí, cô còn không biết đến sự tồn tại của giai đoạn 2.

Quan niệm về tình yêu của Carrie điển hình cho cả người độc thân lẫn người đã có gia đình trong văn hóa phương Tây. Chính vì thế, hiểu rõ Năm ngôn ngữ tình yêu là điều vô cùng cần thiết nếu bạn muốn có một mối quan hệ lâu dài. Nó sẽ giúp bạn duy trì được cảm giác yêu thương sau khi đã đi qua giai đoạn tình yêu ảo tưởng.

Việc thiếu hiểu biết về vấn đề này đã khiến 4 trong 5 người từng ly hôn tái hôn và lại lặp lại cái vòng luẩn quẩn của mình với người bạn đời khác.

60% số người tái hôn sẽ lại ly dị và lại quay về cuộc sống độc thân lần nữa. Nhưng mọi chuyện sẽ thay đổi nếu họ hiểu được bản chất của tình yêu để chuyển từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2.

Giai đoạn 2: Giai đoạn thỏa hiệp trong tình yêu

Tôi thích gọi giai đoạn thứ hai của tình yêu là giai đoạn ”thỏa hiệp”. Nó rất khác với giai đoạn 1 – giai đoạn mà tôi gọi là tình yêu “đam mê” hoặc tình yêu ”ám ảnh”. Tất nhiên, tôi không có ý nói rằng tình yêu thỏa hiệp thì không có đam mê bởi trong giai đoạn này, sự đam mê cần được vun đắp và nuôi dưỡng. Mọi thứ sẽ không còn dễ dàng như trước nữa bởi chúng ta vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ trong khi cảm giác ảo tưởng dành cho nhau bắt đầu tan biến. Khi ấy, cả hai nhận ra rằng cuộc sống còn nhiều thứ để mình theo đuổi hơn là cứ theo đuổi nhau. Ảo ảnh về sự hoàn hảo bắt đầu tan biến và bạn chợt nhớ lại lời mẹ: ”5 năm nay cậu ta chưa từng có nghề nghiệp gì ổn định” hay lời của đồng nghiệp: ”Cô ấy đã từng kết hôn đến 4 lần rồi”. Và bây giờ, bạn bắt đầu thầm đồng ý với mẹ và đồng nghiệp. Bạn tự hỏi tại sao từ trước đến giờ mình lại mù quáng đến mức không nhận ra thực tế phũ phàng đó.

Tiếp đến, những khác biệt về tính cách, sở thích, lối sống trở nên rõ ràng hơn (cũng là điều mà trước đây bạn hầu như không nhìn thấy). Cảm giác thỏa mãn khiến hai người xem nhau là trung tâm vũ trụ giờ đã tan biến. Lúc này, cả hai bắt đầu chú ý đến bản thân nhiều hơn và nhận ra rằng người yêu không còn đáp ứng được nhu cầu của mình nữa. Cả hai bắt đầu đòi hỏi ở người kia nhiều hơn. Và khi người ấy từ chối đòi hỏi của bạn, bạn sẽ thoái lui hoặc tỏ ra giận dữ. Phản ứng này của bạn chỉ đẩy người yêu ra xa và càng khiến người ấy khó thể hiện tình yêu của họ hơn mà thôi.

Liệu một tình yêu đã trở nên xấu đi như thế có thể hồi sinh? Câu trả lời là “Có”. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy đến khi hai người hiểu được bản chất của tình yêu và học cách thể hiện tình yêu bằng thứ ngôn ngữ mà người kia có thể đón nhận.

Giai đoạn tình yêu ảo tưởng đã qua. Nếu hai người vẫn đang hẹn hò hoặc đã kết hôn với nhau thì chắc chắn cả hai sẽ phải tiến sang giai đoạn tiếp theo. Nếu không, mối quan hệ yêu đương của họ sẽ kết thúc tại đây.

Tình yêu thỏa hiệp là tình yêu có ý thức, có chủ đích. Đó là lời thề sẽ sống hết mình vì tình yêu cho dù có chuyện gì xảy ra chăng nữa. Nó đòi hỏi mỗi người phải suy nghĩ và hành động chín chắn hơn. Nó không chờ đợi sự khích lệ từ cảm xúc ấm áp mà chủ động tìm kiếm và chọn lựa những gì có lợi cho người yêu của mình.

Hành động của ta sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của đối phương. Sự thật là nếu ta thể hiện tình cảm của mình bằng ngôn ngữ tình yêu của người đó, họ sẽ cảm nhận được tình cảm của ta một cách rõ ràng. Và nếu người đó đáp lại bằng cách sử dụng ngôn ngữ tình yêu của ta, họ cũng sẽ mang đến cho ta những cảm nhận tương tự. Chúng ta sẽ chuyển từ cảm giác thỏa mãn của tình yêu đam mê sang cảm giác yêu thương sâu đậm của tình yêu thỏa hiệp. Hai người yêu nhau và tình yêu đó sẽ bền vững vì cả hai đã chọn nuôi dưỡng tình yêu bằng cách tìm kiếm cách thức thể hiện tình yêu hiệu quả nhất.

Qua năm tháng, tình yêu thỏa hiệp sẽ nâng đỡ mối quan hệ của các cặp vợ chồng. Một người đàn ông 50 tuổi nói về vợ của ông: ”Bây giờ tôi yêu bà ấy còn sâu đậm hơn cả hồi chúng tôi mới cưới nhau”.

Tình yêu thỏa hiệp đòi hỏi 2 yếu tố: hiểu biết về bản chất của tình yêu và quyết tâm yêu thương. Hiểu được “5 ngôn ngữ tình yêu” sẽ giúp bạn có được những thông tin cần thiết để xây dựng một mối quan hệ tình yêu thỏa hiệp lâu dài. Hy vọng rằng khi đã hiểu được bản chất của tình yêu thỏa hiệp, bạn sẽ tìm thấy quyết tâm yêu.

Những điều được đề cập đến trong cuốn sách này chính là kết tinh từ hơn 30 năm làm việc trong ngành tư vấn của tôi. Tôi tin rằng chỉ có “5 ngôn ngữ tình yêu” chủ yếu – 5 cách để thể hiện tình yêu. Ở những chương sau, chúng ta sẽ lần lượt bàn về từng ngôn ngữ. Mỗi người sẽ có một ngôn ngữ cơ bản trong năm ngôn ngữ đó. Ngôn ngữ chính sẽ có tiếng nói mạnh hơn bốn ngôn ngữ còn lại. Chúng ta có thể đón nhận tình yêu thông qua cả năm ngôn ngữ. Tuy nhiên, nếu không nhận được tình yêu bằng ngôn ngữ tình yêu cơ bản của mình, ta vẫn sẽ không cảm nhận được tình cảm mà người kia dành cho mình. Nhưng nếu người kia thường xuyên sử dụng ngôn ngữ tình yêu cơ bản của ta, thì việc sử dụng bốn ngôn ngữ còn lại sẽ làm tăng thêm hương vị cho mối quan hệ giữa đôi bên.

Ngôn ngữ phù hợp

Vấn đề ở đây là chúng ta phải thường xuyên sử dụng ngôn ngữ tình yêu của mình một cách tự nhiên. Chúng ta thể hiện tình cảm với người khác theo cách mà ta cảm thấy thích hợp nhất. Tuy nhiên, nếu đó không phải là ngôn ngữ tình yêu của người đó thì việc làm của ta cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Đó là lý do khiến rất nhiều cặp đôi đã cảm thấy thất vọng về nhau. Sam, một người đã từng ly hôn, kể về người phụ nữ anh đang yêu: ”Tôi không hiểu nổi cô ấy. Cô ấy nói luôn có cảm giác tôi không yêu cô ấy. Tại sao cô ấy lại có cảm giác như thế nhỉ? Ngày nào tôi cũng nói rằng tôi yêu cô ấy. Ngày nào tôi cũng khen cô ấy, rằng cô ấy thật xinh đẹp và là một người mẹ tuyệt vời. Nhưng sao cô ấy lại cảm thấy mình không được yêu?”.

Vấn đề là ngôn ngữ yêu thương chủ yếu của người yêu Sam lại là sự tận tụy chứ không phải là lời khen ngợi. Có thể cô ấy nghĩ rằng: ”Nếu anh ấy yêu mình thì anh ấy phải giúp mình làm gì đó. Lần nào ghé nhà mình anh ấy cũng ngồi xem ti-vi trong khi mình thì phải rửa bát. Anh ấy chẳng giúp được gì cho mình cả. Mình phát ngán vì mấy từ ”Anh yêu em, anh yêu em” đó rồi. Nếu anh ấy thực sự yêu mình, anh ấy phải làm gì đó. Mình làm mọi thứ cho anh ấy nhưng anh ấy thì chẳng làm gì cho mình cả”. Đây cũng chính là tình trạng của rất nhiều cặp đôi khác. Chúng ta sử dụng ngôn ngữ yêu thương của mình và không hiểu vì sao người kia lại không cảm nhận được tình yêu thương mà ta dành cho họ. Nếu muốn người kia cảm nhận được tình cảm của ta, ta phải khám phá và học cách sử dụng ngôn ngữ tình yêu của người ấy.

Rất nhiều mối quan hệ trở nên xấu đi, đặc biệt là khi hai người đã yêu nhau hơn 2 năm – khi giai đoạn ảo tưởng của tình yêu đam mê đã qua. Thông thường, các cặp này sẽ chia tay và đường ai nấy đi, không phải vì họ không thể làm người bạn đời tốt của nhau mà là do họ đã đánh mất tình cảm dành cho nhau. Tình trạng này có thể cứu vãn được khi hai người cùng khám phá và học cách sử dụng ngôn ngữ tình yêu của nhau.

Năm ngôn ngữ cho mọi mối quan hệ

Như vậy, cho tới lúc này, chúng ta đã bàn về mối quan hệ nam – nữ và các giai đoạn của tình yêu. Tuy nhiên, 5 ngôn ngữ tình yêu này có thể áp dụng cho tất cả các mối quan hệ trong cuộc sống con người. Nhiều người không cảm nhận được tình yêu từ cha mẹ, mà nguyên nhân là do cha mẹ họ đã không học được cách sử dụng ngôn ngữ tình

yêu cơ bản của con em mình. Rất nhiều người thất bại trong sự nghiệp không phải vì họ thiếu năng lực mà là do họ không học được cách thể hiện sự biết ơn và trân trọng đối với những người cùng làm việc. Khi đó, các mối quan hệ trở nên căng thẳng và năng suất lao động giảm sút. Kết quả là họ chủ động hoặc bị buộc phải tìm một công việc mới. Nhiều người cảm thấy chán nản với một mối quan hệ bạn bè kéo dài mà cả hai đều không cảm thấy được yêu thương và luôn gặp khó khăn trong việc hiểu được người kia.

Học cách thể hiện tình yêu bằng ngôn ngữ tình yêu cơ bản của đối phương chính là chìa khóa để củng cố mọi mối quan hệ. Trong 5 chương tiếp theo, chúng ta sẽ phân tích sâu hơn về từng ngôn ngữ tình yêu một. Hãy đọc và suy nghĩ kỹ lưỡng về bản thân cũng như những người quan trọng trong cuộc đời bạn.

Những điều cần suy ngẫm

1. Bạn thấy những mối quan hệ nào của mình tốt đẹp?

2. Bạn muốn thấy những mối quan hệ nào của mình được cải thiện?

3. Mối quan hệ của bạn với bố mẹ ra sao?

4. Bạn đã trải qua giai đoạn tình yêu đam mê bao giờ chưa?

5. Đã bao giờ bạn chuyển qua được giai đoạn tình yêu thỏa hiệp chưa? Tại sao?

6. Bạn có sẵn sàng dành thời gian để học “5 ngôn ngữ tình yêu”?

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button