Kỹ năng mềm

365 Tình Huống Ứng Xử – Mẹ Chồng Nàng Dâu

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Cao Tuấn Việt

Download sách 365 Tình Huống Ứng Xử – Mẹ Chồng Nàng Dâu ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KỸ NĂNG SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download Ebook         

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

 

Lời giới thiệu


Trong nhà có một người đàn bà thì yên, có hai người đàn bà thì dễ rối.” – Hai nguời đàn bà đó là mẹ chồng, nàng dâu.

Nhà nào cũng có vấn đề mẹ chồng – nàng dâu. Mẹ chồng, nàng dâu là hai người đàn bà xa lạ, không có quan hệ máu mủ, cũng không có cơ sở tình cảm đồng điệu, mà lại khác nhau rất nhiều, lớn là môi trường sinh trưởng, tính nết và chuẩn mực hành xử); nhỏ là thói quen ăn-mặc-ở, đi lại, vệ sinh… Vì cùng yêu một người đàn ông, hai người không hẹn mà ở chung một mái nhà, nên sự thích ứng với nhau không khỏi gặp nhiều khó khãn và cần có thời gian.

Trong đời sống thực tế, quan hệ mẹ chồng – nàng dâu có thể trở thành mối đe dọa hạnh phúc gia đình nhỏ, cũng như đe dọa bầu không khí đầm ấm hòa mục của gia đinh lớn. Tác hại của nó chỉ sau ngoại tình.

Có người ví quan hệ mẹ chồng – nàng dâu như “khối u ác tính” trên cơ thể hôn nhân và gia đình, coi đó là một trong những tác nhân chủ yếu dẫn đến mâu thuẫn gia đình. Nó là “bài học” khó nhất đối với những người phụ nữ khi bước vào hôn nhân.

Có người nói mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu là bẩm sinh, không thể điều hòa. Nói như vậy có lẽ hơi quá một chút, nhưng cũng có cái lý của nó. Vì theo lẽ trời đất, mâu thuẫn là động lực thúc đẩy sự phát triển. Ở đâu có sự sống, ở đó có mâu thuẫn.

Trong mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu không tồn tại vấn đề ai đúng ai sai, cũng không nhất thiết phải truy cứu trách nhiệm. Mâu thuẫn đó chẳng qua là sự tác động của tâm lý, hoàn toàn có thể hóa giải bằng trí thông minh của bạn. Vậy trí thông minh đó là gì? Cuốn sách này sẽ đưa ra lời giải đáp.

ĐỌC THỬ

Chương IÝ THỨC – NGUYÊN NHÂN KHIẾN MẸ CHỒNG, NÀNG DÂU XA CÁCH

T

rong dân gian có câu ngạn ngữ: “Mười cặp mẹ chồng – nàng dâu thì chín cặp lục đục”. Quả thật, hàng ngàn năm qua, vấn đề quan hệ mẹ chồng – nàng dâu đã làm cho nhiều phụ nữ e ngại, nhiều đàn ông đau đầu khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Rõ ràng, không có cặp vợ chồng trẻ nào lại muốn xảy ra bất hòa mẹ chồng – nàng dâu, nhưng do sự khác biệt về ý thức và thói quen dẫn đến sự khác biệt trong ứng xử đã làm nảy sinh mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu. Biểu hiện cụ thể là mẹ chồng không hài lòng, con dâu cảm thấy oan ức, con trai lúng túng không biết giải quyết như thế nào, các cháu hoang mang sợ hãi, khiến gia đình lục đục không yên. Làm thế nào để hóa giải mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu, đó là vấn đề mà mỗi gia đình đều gặp phải và cần tìm cách giải quyết.

1. Vượt qua tâm lý coi nhau là người ngoài

Cần phải nói rằng, giữa mẹ chồng và nàng dâu thiếu hẳn cảm giác thân thiện trời phú. Trong dân gian có câu: “Rể hiền là nửa đứa con trai của mẹ vợ”, nhưng không có câu: “Dâu hiền là nửa đứa con gái của mẹ chồng”. Chính vì vậy, những chuyện rất bình thường giữa mẹ và con gái, rơi vào quan hệ mẹ chồng – nàng dâu thì thành ra chuyện ngay.

Các nàng dâu đều biết rằng, nếu bị mẹ đẻ mắng mỏ, dù mắng thậm tệ, tự mình cảm thấy rất ấm ức nhưng không bao giờ để bụng. Nhưng nếu bị mẹ chồng nói vài câu, dù chỉ là nói chứ không phải mắng, tự mình cũng cảm thấy bực và cho rằng mẹ chồng cố tình bới lông tìm vết, thế là cãi lại, chống lại, thậm chí “để bụng suốt đời”.

Trong khi đó, mẹ chồng cũng có cảm giác tương tự. Nếu bực mình với con gái, vài ngày sau là hết, nhưng nếu bực mình với con dâu, thì nỗi bực bội đó cứ canh cánh trong lòng, dần dần đóng băng thành định kiến.

Rõ ràng, giữa mẹ chồng và nàng dâu thiếu hẳn cảm giác thân thiện máu mủ, hơn nữa, do họ cùng là phụ nữ nên trong bản tính đã tồn tại sự bài xích. Cho nên, lý thuyết “nếu mẹ chồng coi con dâu là con đẻ, con dâu coi mẹ chồng là mẹ đẻ, thì quan hệ mẹ chồng – nàng dâu sẽ trở nên tốt đẹp”, chỉ là một ước mơ, một ước ao đầy thiện chí mà thôi. Trên thực tế, giữa mẹ chồng và nàng dâu luôn có chút khách sáo, không thể thân mật như ruột thịt máu mủ. Muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp mẹ chồng – nàng dâu thì phải giữ quan hệ là mẹ con nhưng không hẳn là mẹ con. Về phía nàng dâu, cần phải hiếu thuận với mẹ chồng và ý tứ, hết sức tế nhị, không nên nghĩ gì nói nấy, càng không nên giận hờn như con gái với mẹ đẻ. Về phía mẹ chồng, phải thương con dâu như con gái, nhưng thận trọng hơn so với thương con gái, trong ứng xử không nên “bộc tuệch bộc toạc” như với con gái, càng không nên trách mắng. Như vậy, mẹ chồng, nàng dâu sẽ hiểu nhau hơn và hạn chế mâu thuẫn.

Con dâu có nên nói chuyện với mẹ chồng về khó khăn của mình trong công việc không? Theo tôi thì nên, vì có trao đổi mới có sự thông cảm, có sự thông cảm mới có thể thắt chặt tình cảm mẹ con. Chẳng phải bạn thường xuyên nói chuyện với mẹ đẻ về công việc của mình đấy ư? Vậy tại sao không trao đổi với mẹ chồng? Nếu mẹ chồng biết được tâm tư của nàng dâu, nỗi lo của nàng dâu, bà sẽ thông cảm hơn, quan tâm và có nhiều sự giúp đỡ hơn, để gia đình con trai được đầm ấm. Giả thiết mẹ chồng không biết tình trạng làm việc của con dâu, chỉ thấy con dâu đăm chiêu, buồn rầu thì sẽ không khỏi sinh lòng nghi kỵ, hiểu nhầm, sự nghi kỵ này có thể sâu sắc lên theo thời gian, đến mức không xóa bỏ được nữa.

Mẹ chồng – nàng dâu cần phải suy xét bản thân, xem cách ứng xử của mình đã phù hợp chưa. Mẹ chồng thì suy nghĩ xem mình đã thương con dâu đến mức thương con gái chưa; nàng dâu thì xem mình đã hiếu thuận với mẹ chồng như hiếu thuận với mẹ đẻ chưa. Cho dù quan hệ mẹ chồng – nàng dâu trước mắt rất tốt thì hàng ngày đều phải vun đắp tình cảm, không nên lơ là, xem nhẹ những việc nhỏ nhặt. Trên thực tế, phần lớn các nàng dâu chỉ cần nói năng nhẹ nhàng tình cảm, biết quan tâm đến mẹ chồng là có thể tạo dựng và duy trì được mối quan hệ tốt đẹp với mẹ chồng, thỉnh thoảng nên tặng mẹ chồng những món quà nhỏ thể hiện sự quan tâm, vào ngày lễ tết bày tỏ tình cảm hiếu thảo, bảo đảm sẽ có hiệu quả tốt. Là con dâu, bạn hãy nhớ, đừng để quan hệ mẹ chồng – nàng dâu từ “vết rạn” biến thành lỗ hổng rồi mới vội vàng tìm cách vá víu, đến lúc này thì đã quá muộn, dù bạn xin lỗi, tặng quà để lấy lòng bà đi chăng nữa thì cũng rất ít có tác dụng.

Coi mẹ chồng như mẹ đẻ

Từ ngày đi làm, Lan đã nghe chị em trong phòng phàn nàn về nỗi nhọc nhằn trong ứng xử mẹ chồng – nàng dâu. Ngày tìm hiểu, Lan từng nghe các bà hàng xóm cảnh báo mẹ chồng tương lai sẽ khó chiều như thế nào. Lan tự nhủ, mình không sợ, mình không tin rằng mình lại có thể đi theo vết xe đổ của nhiều người.

Không ngờ, mới bước về nhà chồng, Lan đã gặp rắc rối. Hôm đó Lan đang ngồi nhặt rau, cô nhặt bỏ hết lá ngoài. Mẹ chồng nhìn thấy, liền kêu lên: “Sao con lãng phí thế? Những cái lá ấy ăn được mà, bọn trẻ bây giờ đểnh đoảng quá!” Nghe mẹ chồng nói thế, Lan rất bực mình. Ở nhà mình có bao giờ ăn những lá này đâu! Sao lại bảo mình đểnh đoảng chỉ vì cái này. Đúng là lắm chuyện! Lan định cãi lại, những chợt nghĩ, ở nhà mẹ mình vẫn thường la lối mình những chuyện nhỏ nhặt như vậy, tại sao mình không thấy bực mình, mà mẹ chồng mới nói mình đã định nổi đóa lên? Có thể mình vẫn coi mẹ chồng như người xa lạ, chưa coi bà như mẹ đẻ.

Nghĩ như vậy, lòng Lan dịu xuống, cô nói: “Dạ, thưa mẹ, ở nhà con không mấy khi làm rau, mẹ dạy thế, con biết rồi ạ”. Bà mẹ chồng nghe Lan biết điều như thế, vui vẻ nói: “Ấy là mẹ nói vậy, chứ mẹ không có ý gì đâu, con đừng để bụng nghe con”. Nghe mẹ chồng dịu giọng nói tình cảm như vậy, Lan thấy mát lòng mát dạ.

Từ đó, mẹ chồng có lúc vì chuyện gì đó nói nặng lời với Lan thì Lan cũng thản nhiên chấp nhận, không để bụng. Cô nghĩ, hai mẹ con sáng tối gặp nhau, bát đũa có khi còn va chạm nữa là. Nếu việc gì cũng để ý thì làm sao sống yên ổn lâu dài được? Cứ coi lời trách móc của mẹ chồng là lời của mẹ đẻ thì mọi nỗi uất ức sẽ tan thành mây khói.

Mẹ chồng tần tảo từ nhỏ, hay bày việc may vá. Lan khuyên bà: “Những thứ này ra siêu thị mua được ngay, mẹ làm làm gì cho vất vả, cứ nghỉ ngơi cho khỏe mẹ ạ”. Bà cười: “Không phải mẹ tiếc tiền mà ngồi nhà buồn chân buồn tay, làm một tí cho nó khỏe người”. Lan nghĩ cũng phải, mẹ mình ở nhà cũng thế, không bao giờ chịu ngồi yên, hết làm cái này lại tới cái kia. Lan đành thôi, để mặc mẹ chồng, miễn là bà cảm thấy vui vẻ. Nói là nói vậy, có lúc có việc cũng không tránh khỏi bực mình.

Biết Lan có mang, mẹ đẻ liền may cho cháu ngoại tương lai chiếc áo bông. Khi Lan mang áo về nhà, mẹ chồng nhìn thấy nhưng không nói gì. Mấy hôm sau bà mới bảo Lan đưa áo cho bà xem. Bà lật đi lật lại xem rất kỹ, rồi lẩm bẩm: “Bông nhồi không đều, chỗ dày chỗ mỏng, đường kim mũi chỉ cũng không đều…”. Nghe mẹ chồng nói Lan thấy bực, nhưng cô không cãi lại mẹ chồng. Ai ngờ, mấy hôm sau đi làm về, Lan thấy bà ngồi trên giường, mắt đeo kính lão, đang tỉ mẩn tháo chiếc áo bông ra làm lại. Thấy thế, Lan cáu lắm, nghĩ bụng, chiếc áo ấy là tấm lòng của bà ngoại, nếu bà chê mẹ mình may vụng thì bà cứ việc chê, hà cớ gì phải tháo nó ra mà không nói với mình một câu! Nếu mẹ mình nhìn thấy chiếc áo bà vất vả may cho cháu bị tháo ra, bà sẽ nghĩ thế nào? Lan cảm thấy nỗi tức giận tràn ngập trái tim, rần rật chạy khắp cơ thể, cô chỉ chực xông lên giằng lấy chiếc áo. Nhưng cô đã kiềm chế, song mấy hôm liền không nói chuyện với mẹ chồng, nét mặt không lộ vẻ bực tức nhưng lạnh lùng. Một tuần trôi qua, nỗi bực tức trong lòng mới nguôi ngoai. Lan nghĩ, bà nội làm như thế chắc không nhằm chê bà ngoại, bà muốn cháu bà có chiếc áo mặc vào dễ chịu, âu cũng là do thương cháu mình. Bà muốn sửa thì cứ để bà sửa, thôi thì cứ coi như không biết. Nếu vì việc này mà hai mẹ con bất hòa thì không những mình và mẹ chồng sẽ cảm thấy khó chịu mà còn làm cho chồng mình khó xử, bầu không khí trong nhà thêm căng thẳng, trăm hại mà không có một lợi.

Nghĩ vậy, Lan cảm thấy nhẹ lòng, tự nhiên nụ cười hiện ra khi nhìn thấy mẹ chồng.

Tục ngữ có câu: “Gốc cây nhiều rễ, người già nhiều lời”. Hồi mới về nhà chồng, Lan khó chịu vì mẹ chồng hay nói, nhưng nghĩ lại, chẳng phải mẹ mình cũng nhiều lời đó sao, tại sao mình chịu được? Chắc chắn là mình coi mẹ chồng là người ngoài rồi. Nghĩ vậy, tự nhiên thấy dễ chịu.

Sáng nào cũng vậy, khi Lan và chồng chuẩn bị đi làm, mẹ chồng lại hỏi: “Đồ đạc đã cho vào túi cả chưa? Điện thoại di động đã mang đi chưa? Có mang theo tiền lẻ không? Giầy da đã đánh bóng chưa…”. Cứ thế, ngày nào cũng như ngày nào, dần dần Lan thấy mệt và bực mình, nhất là những hôm sắp muộn giờ đi làm, Lan đã vội, mẹ chồng lại hỏi, sốt ruột, giọng trả lời không khỏi cứng nhắc, mẹ chồng ngừng ngay, nét buồn thoáng hiện trên khuôn mặt loáng thoáng đồi mồi. Nhưng hôm sau bà lại đến nhắc nhở.

Ngồi trên ô tô, Lan nghĩ miên man. Hồi nhỏ mình đi học, ngày nào mẹ cũng dặn dò: đi đường con phải cẩn thận, không được cãi nhau với bạn học, trên lớp phải chú ý nghe thầy cô giảng bài, tan học phải về nhà ngay… Nghĩ đến đây, Lan bỗng nghiệm ra rằng đằng sau những lời lặp lại là tấm lòng thương con của mẹ, trên đời này còn gì quý hơn tình cảm đó?

Lần ấy mẹ chồng sưng phổi vào nằm viện, chồng Lan bận công việc không vào viện trông nom mẹ được, người em gái ở xa chưa về kịp, Lan nghĩ, mẹ chồng đau ốm nằm viện, không có con gái ở bên cạnh chăm sóc chắc buồn lắm. Hơn bao giờ hết, lúc này bà cần con cháu ở bên cạnh. Lan bèn xin nghỉ việc, vào viện thăm mẹ chồng.

Thời gian đó Lan thường xuyên vừa gọt hoa quả vừa nói chuyện đùa kể bà vui. Bà đi vệ sinh, Lan dìu bà đi; bà ăn uống, Lan chuẩn bị chu đáo. Hàng ngày cô chải đầu, rửa mặt, lau người, rửa chân cho bà. Mỗi lần bà ho, Lan kề khăn giấy bên miệng, đợi bà khạc đờm ra lau sạch miệng cho bà.

Do quan hệ tốt với mẹ chồng, Lan hầu như chưa lần nào cãi nhau với chồng, trừ thỉnh thoảng to tiếng vì một số chuyện vặt. Tối hôm đón bà từ bệnh viện về, chồng Lan giang tay ôm vợ vào lòng, nói: “Lấy được em làm vợ, may cho anh quá, số anh sao mà hên thế”. Lan cảm thấy sung sướng và hạnh phúc, mọi cố gắng của cô đã được chồng ghi nhận và tán thưởng, tỏ lòng yêu thương. Để có bầu không khí gia đình hài hòa và đầm ấm như thế này, dù có mệt Lan cũng cam lòng.

Nghe tin bà ra viện, hàng xóm đến thăm, ai cũng khen bà có phúc, có con dâu hiếu thuận hết mực. Bà vui vẻ nói: “Phải, phải, nhưng nó không phải con dâu, nó là con đẻ của tôi đấy!” Nghe mẹ chồng khen mình trước mặt mọi người, Lan vô cùng xúc động, nước mắt cứ thế ứa ra.

Thực tình mà nói, bà vất vả cả đời, đến tuổi già con cháu hiếu thảo để bà được sống những ngày yên vui là lẽ đương nhiên. Huống hồ bà đã sinh thành một người đàn ông để mình có thể gửi gắm cả cuộc đời, mình chẳng phải đã cảm ơn bà lắm rồi? Lan nghĩ, vì chồng con mình, mình đã lựa chọn cách ứng xử khoan dung và nhường nhịn mẹ chồng. Lan hiểu, tình cảm của cô với mẹ chồng chưa thân thiết được bằng mẹ đẻ, nhưng bà đã cố gắng coi mình như con gái, mình cũng đang cố gắng coi bà như mẹ đẻ. Sự chuyển biến tình cảm này giữa hai mẹ con không thể hoàn thành một sớm một chiều, mà phải được xây dựng lâu dài trong quá trình chung sống dưới một mái nhà. Trong cuộc sống thường nhật, tình cảm này không ngừng sâu sắc thêm, không ngừng thăng hoa. Vì hạnh phúc gia đình, Lan nguyện hết lòng vun đắp tình cảm này.

Đừng kiệm lời khen mẹ chồng

Hoa lấy chồng và hai vợ chồng cô ở chung với mẹ chồng, vì chưa hiểu tính nhau, mẹ chồng dường như lo lắng sau này con dâu sẽ lạnh nhạt với mình nên rất để ý đến lời ăn tiếng nói của con dâu đối với mình. May mà trước khi xuất giá, mẹ Hoa đã dạy cô cách ứng xử với mẹ chồng nên cô rất biết giữ ý tứ trước mặt mẹ chồng. Tuy làm như vậy khiến Hoa cảm thấy mệt mỏi, nhưng cô hiểu rằng nàng dâu mới về nhà chồng, muốn thiết lập mối quan hệ tốt với mẹ chồng tất phải trải qua quá trình vất vả này. Hiểu được điều đó, cô thấy trong lòng thanh thản, lời ăn tiếng nói tự nhiên trở nên mềm mại, ấm áp, cung cách hành xử tự nhiên trở nên hết sức uyển chuyển. Vì vậy, ở nhà, hai mẹ con gặp nhau bất cứ lúc nào, Hoa đều quay sang mẹ chồng, nở nụ cười rồi hồn nhiên gọi: “Mẹ”. Bà mẹ chồng vốn sợ bị con dâu lạnh nhạt bỗng hết lo lắng, trở nên cởi mở vì cảm thấy mình được quan tâm, được tôn trọng.

Người già hay dậy sớm. Hàng ngày, vợ chồng Hoa xuống dưới nhà đã thấy bà chuẩn bị xong bữa sáng. Món ăn sáng bảo đảm trong hai, ba ngày không lặp lại. Hoa vừa ăn vừa xuýt xoa: “Chà, món cháo ngon quá, vừa nhuyễn vừa thơm. Con không tài nào nấu được cháo ngon như thế này”. Thực ra, đó chỉ là bát cháo bình thường, nhiều lúc còn nấu bằng cơm nguội. Nghe con dâu khen, bà mẹ chồng cười rất vui: “Ngon thì con cứ ăn đi, trong nồi còn nhiều lắm”. Hoa nói: “Con cảm ơn mẹ!”. Lúc này, bà mẹ chồng hớn hở giới thiệu với con dâu cách nấu cháo, như cho bao nhiêu gạo, bao nhiêu nước, đun bao nhiêu thời gian với ngọn lửa như thế nào… Bữa sáng trở nên vui vẻ, mọi người đều cảm thấy phấn khởi.

Khen bà nấu cháo ngon, một lời khen đơn giản như vậy nhưng thường bị các cô con dâu quên nói. Một lời nói mộc mạc của con dâu có thể khiến mẹ chồng cảm thấy thân thiết, cảm thấy sự quan tâm của bạn, cảm thấy sự bận rộn của mình là xứng đáng, có người trông cậy ở mình. Lời nói dịu ngọt này các bà mẹ chồng rất thích nghe và ghi nhận.

Một dạo, trước khi làm cơm, mẹ chồng hay hỏi Hoa thích ăn gì. Hoa liệt kê vài món, bà làm y như thế. Nửa tháng sau, Hoa bỗng nghĩ, mình cũng phải học cách lấy lòng mẹ chồng chứ. Thế là Hoa hỏi chồng ngày thường mẹ thích ăn rau gì, món gì. Khi bà hỏi, Hoa nói những món đó, bà phấn khởi lắm, hễ gặp người quen là khoe: “Mẹ con tôi có duyên lắm, mà duyên sâu sắc lắm, đến việc thích ăn món gì cũng giống hệt nhau. Thật là may phúc cho tôi”. Một hôm, Hoa nói với mẹ chồng: “Mẹ ơi, hôm nay con nấu cơm nhé, để mẹ nghỉ ngơi, nhưng ngon hay không mẹ chịu khó ăn nhé”. Cơm nước chuẩn bị xong, Hoa mời bà lên ăn cơm, cô nói: “Mẹ có bệnh đau chân, mẹ cố ăn nhiều vào, có sức khỏe rồi tự nhiên bệnh sẽ khỏi. Không biết mấy món con làm hôm nay có hợp khẩu vị của mẹ không, sau này mẹ dạy con nấu nhé!” Mẹ chồng nghe Hoa nói mà mở cờ trong bụng, cười rạng rỡ. Sau khi khỏi bệnh, bà nghĩ ra nhiều cách chế biến, làm nhiều món ngon cho con dâu ăn.

Một hôm, Hoa đi làm về, thấy mẹ chồng đang giặt chăn, liền nói: “Sao mẹ không cho vào máy giặt?” Bà phàn nàn: “Có nhiều vết bẩn, phải vò xà phòng trước kẻo giặt không sạch”. Hoa vội vào nhà thay quần áo, rồi ra bảo: “Mẹ để đấy con giặt cho. Sao mẹ không để con giặt, cưới vợ cho con trai, con dâu là con đẻ mẹ ạ. Mẹ mệt rồi phải không, thôi mẹ vào nhà nghỉ ngơi, con làm loáng một cái là xong ấy mà”. Lời nói của Hoa khiến bà hả dạ, bà đứng dậy nhường ghế cho con dâu rồi đứng đó âu yếm nhìn con dâu làm.

Mẹ chồng thích xem chèo, nhưng mỗi khi Hoa vào phòng khách là bà lại đưa điều khiển cho con dâu, ý là con thích xem gì thì cứ bật mà xem. Hoa tất nhiên không làm thế, cô nói, con cũng thích xem chèo, chỉ hiềm nỗi không có thời gian. Mẹ chồng phấn khởi nói: “Thế hả, vậy con ngồi xuống đây xem với mẹ”. Hôm sau, chồng Hoa trêu vợ: “Hồi theo đuổi em, anh không thích ăn ốc luộc, thế mà ngày nào cũng phải chiều em ra quán, đến nỗi nổi da gà khắp người. Bây giờ đến lượt em chịu trận rồi nhé!” Hoa nguýt chồng, nhưng cô hiểu rằng, chồng cô đang vui lắm.

Mẹ chồng bị viêm túi mật, đến bệnh viện khám rồi mang về nhiều thuốc. Bà uống thuốc đúng giờ, nhưng khi nào thấy hơi đỡ là bà lại bỏ uống thuốc. Hoa nói với mẹ chồng: “Mẹ phải uống thuốc đúng giờ bệnh mới khỏi được, nếu không phải đi mổ đấy”. Bà miệng nói: “Phải, phải” nhưng không làm. Chồng Hoa cũng khuyên nhiều lần nhưng bà vẫn đâu vào đấy. Hai vợ chồng đang lo lắng, không biết nên làm thế nào thì Hoa nghĩ ra một kế.

Kế đó là cần phải làm cho mẹ chồng hiểu rằng con dâu rất cần sự giúp đỡ của mẹ, nếu không, con dâu sẽ rất vất vả và không biết xoay sở ra sao. Bà không coi trọng sức khỏe của mình sẽ khiến cho con dâu lo lắng, đó là nỗi lo lớn nhất. Nghĩ ra đối sách rồi, khi mẹ chồng không chịu uống thuốc, Hoa giả vờ tỏ vẻ hờn dỗi: “Mẹ hay thật đấy, mẹ không chịu uống thuốc nhỡ mẹ ốm nặng thì con làm thế nào?

Con bỏ mẹ ở nhà một mình đi làm hay xin nghỉ không lương ở nhà trông nom mẹ? Nếu chẳng may mẹ làm sao thì con biết bấu víu vào đâu…”. Ban đầu Hoa cố tình nói mủi lòng như vậy, nhưng không ngờ càng nói cô càng tủi thân, chưa nói hết lời đã khóc thành tiếng. Bà mẹ chồng không nỡ để con dâu buồn, liền vui vẻ uống thuốc. Từ đó, bà tự giác uống thuốc đúng giờ, sức khỏe hồi phục nhanh chóng.

Lời nói của Hoa không những khiến mẹ chồng cảm động mà chồng cô cũng thấy rất cảm kích vợ.

Khi mẹ chồng chỉ nhìn thấy ưu điểm của con dâu

Mọi người thấy quan hệ giữa Thủy với mẹ chồng rất hài hòa, đều lấy làm khâm phục và hỏi: “Cậu có bí quyết gì nói cho mình biết với, để mình học hỏi, tạo mối quan hệ tốt với mẹ chồng”. Thủy thành thật nói: “Thực ra mình cũng không biết đâu, nhưng may gặp được mẹ chồng tốt và tâm lý, bà chỉ nhìn thấy ưu điểm của mình thôi”.

Chồng Thủy đi công tác xa, ở nhà chỉ có Thủy và bố mẹ chồng. Bố chồng hiền lành, dễ gần, mẹ chồng tháo vát nhanh nhẹn, khoan dung, nên quan hệ giữa Thủy và mẹ chồng rất hài hòa.

Trước khi lấy chồng, Thủy nghe bạn bè kháo nhau: Mẹ chồng, nàng dâu khó hòa thuận lắm, dù có tốt với bà như thế nào đi nữa, bà cũng coi mình như cái gai trong mắt, phải hành hạ cho biết phận làm dâu. Cho nên, khi mới bước vào nhà chồng, Thủy rất nhút nhát, kiệm lời, né tránh ánh mắt thân thiện của mẹ chồng. Xuất thân từ cán bộ công đoàn, mẹ chồng Thủy rất tâm lý, nhẹ nhàng nói với con dâu: “Con đừng e ngại, nếu chúng ta đều mong muốn gia đình êm ấm thì sẽ không có mâu thuẫn lớn đâu, tuy nhiên va chạm nhỏ thì khó tránh khỏi. Con mới về nhà mình làm đâu, cần có thời gian làm quen”. Nghe mẹ chồng nói, Thủy biết bà là người thẳng tính, tốt bụng nên cô dần dần mạnh dạn hơn. Mẹ chồng rất nhanh nhẹn, nhưng cũng rất tâm lý, còn Thủy thì được chiều từ nhỏ, vụng về trong khâu làm việc nhà. Nhưng mẹ chồng không bao giờ chê cô, chỉ động viên: “Không sao, con cứ làm thong thả, không đi đâu mà vội”. Đi làm về, Thủy vào bếp giúp mẹ chồng, vừa để bày tỏ thành ý của mình, vừa chia sẻ niềm vui phục vụ gia đình, nhưng Thủy thường lóng ngóng làm hỏng việc. Bà kiên nhẫn động viên: “Không sao, làm như thế nào ta ăn thế ấy. Rồi dần dần sẽ quen, con có ý thức giúp mẹ, thế là mẹ đã vui lắm rồi”. Lời nói chân tình của mẹ chồng khiến Thủy cảm thấy yên tâm, không còn cảm giác căng thẳng, nỗi lo cũng biến mất. Nhìn mẹ chồng bận bịu, hết làm cái này lại làm cái khác, Thủy thấy rất áy náy, cô nói: “Con định giúp mẹ để mẹ được thảnh thơi, nhưng con vụng về quá, chỉ làm vướng chân vướng tay mẹ, khiến mẹ mệt thêm”. Mẹ chồng vui vẻ nói: “Mẹ cám ơn lòng tốt của con. Làm bữa cơm có gì mà mệt, miễn là cả nhà ăn ngon miệng. Vả lại, con đã giúp mẹ nhiều rồi”. Thủy ngạc nhiên hỏi: “Con giúp gì ạ?” Mẹ chồng tươi cười: “Thì con hướng dẫn mẹ vi tính, lên mạng. Bây giờ lúc nào rảnh rỗi là mẹ lên mạng, vừa xem thông tin vừa xem mục nấu nướng. Thích lắm”. Lời nói hồn nhiên của mẹ chồng khiến Thủy ngượng nghịu: “Mẹ lúc nào cũng thế, khéo lấy ưu điểm che lấp sự vụng về của con dâu.”

Bạn của Thủy nghe nói mẹ chồng tốt với Thủy, ai cũng muốn đến nhà chơi. Thủy về thưa với mẹ: “Mẹ ơi, bạn con muốn đến nhà chơi, mẹ thấy thế nào ạ?” Mẹ chồng vui vẻ nói: “Thế thì tốt quá, mẹ thích cảnh đông vui, con mời các bạn đến chơi đi”. Hôm ấy, các bạn đến rất đông, mẹ chồng ân cần chào hỏi từng người, rồi làm ra vẻ không vui, trách yêu các bạn sao mua nhiều quà thế này. Mẹ chồng một mình bận rộn trong bếp, các bạn liền bảo, mời bác ra uống nước, để chúng cháu nấu nướng ạ. Mẹ chồng tươi cười nói: “Cảm ơn các cháu, các cháu cứ nói chuyện, bác làm một lúc là xong ấy mà”. Các bạn đều ngạc nhiên, thấy bà quả là một người độ lượng. Thủy vào bếp, định vừa giúp mẹ chồng vừa nói chuyện để bà khỏi buồn, nhưng bà lại nói khẽ vào tai Thủy: “Như vậy không tốt đâu, các bạn con ít khi đến nhà chơi, không nên lạnh nhạt, con ra tiếp các bạn đi, tối qua mẹ đã chuẩn bị xong cả rồi, mẹ làm một mình được mà”. Thủy nghe vậy mới sực nhớ ra, tối qua Thủy nằm ngủ, thấy mẹ chồng một mình loay hoay trong bếp, hóa ra là chuẩn bị cho bữa cơm hôm nay. Mẹ vất vả quá.

Dọn cơm xong, các bạn mời mẹ chồng Thủy ngồi ăn cùng cho vui, bà âu yếm nói: “Các cháu cứ ăn đi, bác đã để phần dưới bếp, lát nữa bác ăn”. Các bạn không chịu, nài cho bằng được mẹ chồng Thủy ngồi vào mâm. Bà vừa tiếp thức ăn cho các bạn, vừa thành thật nói: “Con Thủy nhà bác thật thà lắm, không biết nịnh ai đâu, nếu nó có làm ai phật lòng, các cháu bỏ qua cho nó nhé”. Thủy nghe mà mủi lòng, mắt rưng rưng. Các bạn khen Thủy hiền lành, bảo, bác cứ yên tâm, ở cơ quan ai cũng quý mến Thủy. Các bạn tíu tít khen Thủy có phúc, có được mẹ chồng tuyệt vời như vậy. Nghe thế, mẹ chồng Thủy phấn khởi lắm, bà ăn vài miếng rồi đứng dậy, dặn Thủy chăm sóc chu đáo, để các bạn ăn uống vui vẻ.

Tối hôm đó mẹ chồng nói với Thủy: “Các bạn con hay lắm, lúc nào rảnh rỗi con mời các bạn đến chơi nữa nhé. Mẹ khỏe, không dùng đến những thứ tẩm bổ này, mẹ con không được khỏe, con mang về cho bà bên nhà nhé!”. Thủy từ chối: “Ấy, không được, những thứ tẩm bổ này là bạn con biếu mẹ, mẹ cứ để ở nhà dùng”. Mẹ chồng ân cần nói: “Mẹ biết con thương mẹ, nhưng mẹ con cần những thứ này hơn. Thôi, không tranh cãi nữa, khi nào rảnh rỗi con mang về cho mẹ con, nếu không mẹ giận đấy”. Mẹ chồng đã nói vậy, Thủy đành im lặng, cảm ơn mẹ chồng vất vả cả ngày vì bạn bè của Thủy. Ai ngờ bà lại cảm ơn Thủy: “Mẹ phải cảm ơn con, qua việc này mẹ mới biết con dâu mẹ có nhân duyên tốt như thế nào và mẹ biết mình chưa già, mẹ còn có thể giúp con nhiều thứ”.

Một dạo, Thủy gặp nhiều rắc rối trong công việc. Do quan hệ với mẹ chồng như mẹ đẻ nên Thủy không cần giữ ý, ở cơ quan bực bội chừng nào thì về đến nhà vẫn bực tức chừng ấy. Trước kia, mẹ chồng đợi Thủy về đến nhà mới bắt đầu xào rau, Thủy thay quần áo ra phòng ăn thì cơm canh đã sẵn sàng. Thủy ngồi vào bàn, xới cơm cho bố mẹ chồng, cả nhà ngồi ăn vui vẻ. Nhưng mấy hôm nay Thủy buồn bực, ngồi vào mâm đã thấy nhạt miệng, cô nói: “Bố mẹ cứ ăn trước đi, con không muốn ăn”. Mẹ chồng lo lắng nói: “Con thích ăn gì để mai bố con đi mua, hôm nay ăn tạm những thứ này đã”. Thủy buồn rầu nói: “Con thấy mệt trong người, không muốn ăn”, rồi về phòng nằm ngủ. Mấy lần mẹ chồng gặng hỏi, Thủy đều im lặng. Bà khuyên Thủy phải chịu khó ăn uống kẻo hại đến sức khỏe, Thủy chỉ ầm ừ cho qua chuyện. Một hôm, đang ngủ mê man, Thủy nghe thấy mẹ chồng nói chuyện qua điện thoại: “Nó không chịu nói với mẹ, mẹ không bắt ép nó được, cũng không thể trách mắng nó, con phải gọi điện về khuyên can, động viên nó…” Thì ra bà đang gọi điện cho chồng Thủy, hai giọt nước mắt lăn ra, Thủy cảm thấy khóe miệng mằn mặn.

Sau khi nhận được điện thoại của chồng, Thủy chủ động tâm sự với mẹ chồng về vướng mắc của mình trong công việc, Thủy nói: “Con xin lỗi mẹ, mấy hôm nay con làm mẹ lo lắng”. Mẹ chồng vui vẻ nói: “Có gì đâu mà xin lỗi hả con, mẹ chỉ lo cho con thôi, nhưng lại không thể thúc giục, ép buộc con nói ra nỗi phiền muộn của mình. Làm như thế chỉ gây xích mích bất hòa giữa mẹ chồng – nàng dâu”.

Thủy ôm lấy mẹ chồng, xúc động nói trong nước mắt: “Con cám ơn mẹ, sự khoan dung độ lượng của mẹ đã kéo con ra khỏi phiền muộn”.

Khi mẹ chồng không hiểu nàng dâu.

Đúng là năm tuổi, làm gì cũng không thuận, Hà nghĩ.

Lấy chồng đã muộn, ngoài 30 tuổi mới có mang, thế mà đến bệnh viện kiểm tra lại mang thai ngoài dạ con, phải đi nạo. Hà khóc, mẹ chồng khóc, chồng buồn rười rượi. Nỗi đau mất con chưa hết, nỗi đau khác đã kéo đến. Gặp thời buổi tinh giảm biên chế, Hà mất việc làm. Hà buồn, chồng buồn, không cho mẹ chồng biết.

Hàng ngày Hà vẫn quần áo chỉnh tề ra khỏi nhà, để giấu mẹ chồng, làm ra vẻ đi làm, thực ra là đi tìm việc. Trong 8 tiếng đồng hồ khó chịu nhất trong ngày ấy, cô lang thang hết phố này đến phố khác, xem có tìm được việc làm không, hoặc vào siêu thị giết thời gian bằng cách lân la xem hàng.

Buổi trưa ăn cơm ngoài phố, cô tiết kiệm hết mức, lúc thì mua chiếc bánh mì, lúc thì ăn bát phở, không dám như trước kia chê cơm hộp. Cà phê cũng bỏ, bây giờ không kiếm được tiền, mình phải tằn tiện, không nên thêm gánh nặng cho chồng.

Lòng cô nặng trĩu, không biết bao giờ mới thoát khỏi cảnh này.

Bạn bè bảo, ngoài chợ còn vài ba cái quầy chưa ai thuê, cậu ra hỏi xem. Hà nghĩ, mình không biết nghề gì, nhưng mở quầy bán quần áo chắc không khó. Cô về bàn với chồng, vay mẹ chồng khoản tiền nộp tiền thuê quầy nửa năm, nhờ bạn bè nhập một ít hàng, bắt đầu làm nghề kinh doanh. Nhưng do không có kinh nghiệm, cộng với các yếu tố như mẫu mã, màu sắc quần áo, vị trí quầy hàng, nửa năm sau, hàng ế ẩm quá, đến tiền thuê quầy cũng không thu lại được. Hà buồn, ở lì trong nhà, không ăn uống. Mặc cho chồng an ủi, khuyên can, động viên, Hà vẫn không chịu ra khỏi phòng.

Mẹ chồng thấy con dâu suốt ngày ủ rũ, hỏi thì không nói, an ủi thì không nghe, bà bắt đầu cáu: “Chị làm sao thế, không chịu đi làm, suốt ngày nằm lì ở nhà, ai làm gì chị hả?”

Hà vốn ít nói, nhưng khi mẹ chồng hỏi, lẽ ra cô nên nói với bà về nỗi khổ tâm của mình, như vậy vừa xóa đi sự hiểu lầm của mẹ chồng, vừa giúp bản thân vơi bớt nỗi khổ, thanh thản, tiếp tục vươn lên. Đáng tiếc là cô không làm như vậy, cũng không nghĩ là phải làm như vậy. Cô đã bỏ lỡ cơ hội trao đổi để hiểu và thông cảm, khiến cho sự hiểu nhầm của mẹ chồng càng trầm trọng thêm.

Thì ra Hà sợ. Cô nghĩ, trước đây mình mất việc không dám nói cho mẹ chồng biết, vì ngại, sợ mẹ chồng lo, sợ mẹ chồng chê mình ăn bám chồng, càng sợ mẹ chồng bắt mình làm việc nhà. Chuyện làm ăn thất bát, mình cũng giấu mẹ chồng, vì sợ bà coi thường mình, sợ bà tiếc món tiền cho mình vay, sợ gia đình lục đục, sợ bà bắt chồng lựa chọn mình hoặc lựa chọn bà. Thà để bà hiểu nhầm còn hơn là để bà bắt mình ly dị.

Ba tháng sau, Hà tìm được việc làm ở một công ty nước ngoài. Nhưng khi có được niềm vui đi làm, cô phát hiện mình đã mất đi niềm vui gia đình: Mẹ chồng không hỏi han cô, lúc nào cũng mặt nặng mày nhẹ với cô, vì sự hiểu nhầm đã làm xơ cứng quan hệ mẹ chồng – nàng dâu.

2. Mẹ chồng cần tôn trọng địa vị “bà chủ” của con dâu

Các cụ dạy: trong nhà có một người đàn bà thì yên, có hai người đàn bà thì dễ rối, cho nên cần phải phân rõ chủ thứ, trên dưới giữa mẹ chồng và nàng dâu. Thực tế cho thấy, nhiều mâu thuẫn giữa mẹ chồng, nàng dâu có nguồn gốc từ việc mẹ chồng thường xuyên lấn át con dâu, luôn tranh giành “quyền làm chủ” với con dâu.

Hai mẹ con ở chung một nhà, không tránh khỏi có sự va chạm, là mẹ chồng, nên suy nghĩ thông thoáng. Vợ chồng trẻ đã trưởng thành, đủ khả năng quyết định việc nhà, mẹ chồng cần tự nguyện chuyển từ vai trò “phụ huynh” sang vai trò “cố vấn”, không nên một mực đòi chi phối con dâu. Ngược lại, cần phải tôn trọng nhân cách cũng như địa vị độc lập của con dâu, đối xử bình đẳng với con dâu. Sau khi con trai lấy vợ, con dâu là “bà chủ” đích thực của gia đình mình. Mẹ chồng quyết định thay con dâu chỉ khiến con dâu khó chịu, ấm ức và để lại sự xung khắc tiềm tàng mà thôi.

Chẳng may gặp phải mẹ chồng hay làm theo ý mình, con dâu cần ứng xử khôn khéo, phải đạo. Có việc có thể nói thẳng với mẹ chồng, nhưng giọng nói phải dịu dàng, ý tứ phải mạch lạc. Có việc nên để chồng nói, nhưng phải để mẹ chồng hiểu rằng đó là ý kiến của cả hai vợ chồng chứ không phải của riêng con dâu. Có việc con dâu nên nói với chồng trước sự chứng kiến của mẹ chồng. Nhưng dù với bất cứ hình thức nào, cũng chỉ nhằm mục đích làm cho mẹ chồng hiểu rằng con dâu có quyền làm “chủ” gia đình, tuy nhiên phải với điều kiện không để xảy ra mâu thuẫn lớn giữa mẹ chồng – nàng dâu. Dù ở hoàn cảnh nào, con dâu cũng phải nhớ rằng gia đình là gia đình của mình, không thể vì quan hệ mẹ chồng – nàng dâu mà bỏ mặc gia đình.

Đối với người chồng, trong khi yêu cầu vợ thực hiện nghĩa vụ tôn trọng mẹ chồng cũng phải chủ động làm công tác tư tưởng cho mẹ mình rằng, trong gia đình của con, vai trò của mẹ là “cố vấn” chứ không phải “bà chủ”. Tuy nhiên, không ai muốn rút khỏi trung tâm vũ đài gia đình. Người phụ nữ đi lấy chồng, nếu không được chi phối cuộc sống gia đình mình thì cuộc hôn nhân còn có ý nghĩa gì nữa? Nếu các đức ông chồng không đứng trên tầm cao này để nhìn nhận vấn đề mẹ chồng – nàng dâu, một mực đòi hỏi vợ tôn trọng và nhường nhịn mẹ chồng thì gia đình sẽ không thể có được cuộc sống hạnh phúc.

Quan hệ mẹ chồng – nàng dâu ảnh hưởng tới quan hệ vợ chồng như vậy đấy.

Khi mẹ chồng tự quyết định mọi việc Mấy hôm nay cô Khanh xinh đẹp và hoạt bát bỗng dưng trầm hẳn xuống. Nụ cười tươi rói làm cho vẻ mặt đầy sức quyến rũ ngày thường của cô biến đâu mất, cô trở nên đăm chiêu, buồn bực. Người được bạn bè cho là may mắn nhất, có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc nhất, tại sao lại trầm tư như thế này? Thì ra mấy hôm trước, khi Khanh lấy quần áo trong tủ ra phơi nắng để khử mùi ẩm mốc thì phát hiện chiếc váy cưới mà cô trân trọng cất dưới đáy tủ không còn nữa. Cô rất thích chiếc váy cưới đó, định giữ suốt đời làm kỷ niệm, giờ thấy nó bỗng dưng biến mất! Cô vội gọi điện cho chồng, nhưng mấy lần không có ai bắt máy. Không biết chiếc váy ở đâu, thật bực quá!

Khanh ngồi bệt xuống salon. Mắt cô bỗng nhìn thấy lọ hoa để trên bàn, mấy bông hoa hồng đã héo úa. Số hoa hồng đó do mẹ chồng mang sang, bà có chìa khóa nhà Khanh. Hay là gọi điện cho mẹ hỏi xem?

“Mẹ à, con, Khanh mẹ ạ. Con muốn hỏi mẹ một việc, mẹ có biết bộ váy cưới của con ở đâu không?” “À, mẹ quên nói với con. Con Đào ở quê sắp lấy chồng, mẹ đem cho nó rồi, coi như là quà cưới.”

“Sao mẹ không bàn với con trước?” “Con còn cần nó làm gì nữa, chả lẽ muốn cưới lần hai?”

“Nhưng đó là đồ của con. Con rất thích và muốn giữ làm kỷ niệm.”

“Con cái đã lớn rồi, để thứ ấy làm gì cho chật tủ!”

“Sao mẹ lại nói vậy, dù sao mẹ cũng phải tôn trọng con, hỏi ý kiến của con chứ.”

“Một cái váy cũ, cho lúc nào chả được, đúng là khéo vẽ chuyện!” Chưa nói dứt lời bà đã bỏ máy xuống.

“Sao lại thế… chả lẽ mình lại sai rồi sao?” Bấy lâu nay mẹ chồng mỗi lần đến nhà Khanh, khi về thế nào cũng tiện tay lấy một số đồ về, phần lớn là đồ sinh hoạt hàng ngày, tuy không vui nhưng Khanh cố kiềm chế, không nói gì. Còn lần này… Khanh thấy tấm tức nghẹn ở ngực.

Và còn một chuyện nữa, khoảng hai, ba năm trước.

Bố Khanh từ nước Anh mang về cho con gái chiếc váy. Kiểu dáng, màu sắc, chất liệu chiếc váy Khanh đều ưng ý. Chồng Khanh thấy thế, nói đùa: “Cất kỹ vào nhé, kẻo mẹ lại mang đi cho đấy”.

Đúng là gở miệng! Chiếc váy ấy Khanh chỉ diện có vài lần, mà lần nào cũng mặc trong trường hợp đi dự cuộc vui với chồng, cô muốn làm mát mặt chồng mà. Bạn bè trông thấy, ai cũng trầm trồ khen ngợi: “Khanh mặc gì cũng đẹp, nhưng với chiếc váy này thì ăn đứt hoa hậu rồi nhé.”

Có hôm, Khanh bận không thể ra trường đón con, chồng lại đi công tác xa, Khanh đành gọi điện nhờ mẹ chồng đón cháu. Tám giờ tối, Khanh nhận được điện của bà, nói là cháu đã ngủ, bà về.

Khanh về tới nhà, thấy mẹ chồng thu dọn nhà cửa sạch sẽ gọn gàng. Vì mẹ chồng có tật hay lấy đồ đạc nên Khanh để ý kiểm tra một lượt. Đồ dùng thì không thiếu, nhưng chiếc váy không còn nữa.

Trưa hôm sau, tranh thủ thời gian nghỉ trưa, Khanh đến nhà mẹ chồng, cố nén cơn bực bội, nhẹ nhàng hỏi: “Mẹ đem váy của con ra cửa hàng giặt là rồi ạ?”

Mẹ chồng ngẩng đầu, cười nói: “Mẹ thấy con mặc hơi chật, đem đi sửa thì phí quá, nên mẹ đem cho em con rồi, để trong tủ chật chỗ”.

“Sao mẹ lại lấy đồ của con đem đi cho người khác!”, Khanh buột miệng thốt lên!

“Thì cho em chồng, lọt sàng xuống nia, có gì đâu mà cô kêu lên thế.”

“Mẹ…”, Khanh định nói mẹ điên rồi, nhưng cô kiềm chế, để mặc hai dòng nước mắt tủi hờn chảy xuống má.

Khanh về kể cho chồng nghe chuyện này, anh xin lỗi cô rồi khuyên: “Theo anh việc này cho qua, dù sao không phải vấn đề mang tính nguyên tắc. Nếu bây giờ đặt vấn đề đòi lại, sẽ làm cho cả nhà mất hòa khí”.

Khanh bực mình nói: “Anh không bênh vợ, anh toàn đi bênh người nhà anh!”.

Chồng Khanh đỏ mặt, nói dỗi: “Em nói hay nhỉ, từ giờ em cứ khóa mọi thứ lại, cấm cửa mẹ đi, xem cái nhà này có được yên không nào!”.

Khanh thấy chồng bắt đầu nổi cáu, ngồi thừ ra, không nói gì nữa. Trong nhà im ắng lạ thường.

Thực ra, chồng Khanh đã nhiều lần nói với mẹ khi thấy mẹ vui: “Bên mẹ thiếu gì, mẹ cứ nói với con để con đi mua cho”. Hoặc: “Mẹ thấy nhà con có gì mẹ cần dùng, mẹ cứ nói với nhà con một tiếng”. Nhưng không hiểu sao bà mẹ chồng cứ thích lấy đồ bên nhà Khanh mang đi, không bàn bạc với Khanh, không tôn trọng cô. Khanh không khỏi suy nghĩ và tự hỏi: “Đây là nhà mình, ai là chủ của cái nhà này?”

3. Không nên can thiệp vào sinh hoạt riêng tư của vợ chồng trẻ

Vợ chồng ra ở riêng, nàng dâu thường mua quà, hai vợ chồng đưa con về thăm bà nội. Nhưng phần lớn nàng dâu thích về bên ngoại chứ không thích về bên nội, nếu về bên nội phần lớn cũng vì tình thế bắt buộc, không thể không đi. Vì ở bên ngoại họ cảm thấy tự do thoải mái hơn, ở bên nội thường bị gò bó, thậm chí chuyện riêng tư của hai vợ chồng trẻ cũng không có được sự kín đáo cần thiết.

Không ít nàng dâu cho biết, tình thương “vô bờ bến” của mẹ chồng đối với con trai thường đẩy họ vào tình thế trớ trêu, nhiều trường hợp không thể chịu nổi.

Các bà mẹ chồng cần phải hiểu rằng gia đình là do hai người yêu nhau tạo nên, họ có thể tự do nghỉ ngơi thoải mái, nhận được sự an ủi và động viên của một nửa kia của mình, là nơi có thể sống hoàn toàn theo ý thích của mình. Cho nên, sáng dậy có gấp chăn hay không, đó là chuyện riêng của hai vợ chồng trẻ. Nếu mẹ chồng vô tình hay hữu ý can thiệp vào những chuyện nhỏ đó ắt sẽ gây ra những xung khắc nghiêm trọng không đáng có.

Do hai vợ chồng trẻ có lối sống riêng, thói quen riêng và cách giải quyết việc nhà riêng, vì thế mẹ chồng không nên đánh giá theo tiêu chuẩn của mình và yêu cầu con dâu nhất thiết phải làm theo ý mình. Mẹ chồng nên tôn trọng thói quen và lối sống của vợ chồng trẻ, không nên can thiệp chuyện riêng tư của đôi uyên ương, hãy để cho đôi vợ chồng trẻ có khoảng không gian tự do nhiều hơn, dành cho họ sự thông cảm nhiều hơn.

Có thể khẳng định, các nàng dâu dù nhiều dù ít đều gặp rắc rối nói trên, do mẹ chồng vô ý hoặc cố tình gây ra. Phần lớn các nàng dâu không thể nhịn được cơn giận trong lòng, thành ra nghĩ ngợi lung tung, càng nghĩ càng thấy bực tức, do đó mà thổi phồng sai lầm của mẹ chồng và không nhận ra một phần trách nhiệm của mình trong đó. Nguyên nhân dẫn đến điều này có lẽ là do nàng dâu cảm thấy cô đơn, không có ai bênh vực mình, từ đó nảy sinh hành động phòng chống bản năng, phản ứng nhạy cảm thái quá đối với sự việc liên quan tới mình.

Khi mẹ chồng thiếu sự tinh tế và ý tứ Tuyết không thích ở nhà mẹ chồng qua đêm. Sau lễ cưới, hai vợ chồng Tuyết về ở với bố mẹ chồng. Nhà có hai phòng ngủ, một phòng khách, hai vợ chồng ở một phòng. Từ ngày sinh con, vợ chồng Tuyết dọn về bên ngoại có ba phòng, thỉnh thoảng về bên nội chơi, ngủ lại phòng cũ.

Hôm ấy, hai vợ chồng Tuyết đến nhà bạn chơi, trời tối rồi nên ngại về nhà, vì nhà bạn gần nhà mẹ chồng, cô bèn gọi điện về bên ngoại nhờ bà ngoại trông cháu rồi ở lại nhà bà nội. Về đến nhà, thấy bà nội đã đi ngủ, hai vợ chồng không muốn đánh thức bà, lặng lẽ đi ngủ.

Nửa đêm, Tuyết bỗng bị tiếng động sột soạt đánh thức. Trong phòng tối om, Tuyết thoáng nhìn thấy một bóng đen lom khom bên giường chỗ chồng nằm, cô giật mình ngồi bật dây. Bóng đen bị bất ngờ, cũng giật mình đứng thẳng dậy.

Tuyết đang định lên tiếng thì bóng đen nói trước: “Mẹ, mẹ đây mà”. Nghe vậy, Tuyết mới hết sợ hãi, cô tụt xuống giường, lấy chân quờ quạng tìm giày rồi ra bật đèn. Cô thấy mẹ chồng nhìn cô, vẫn thản nhiên như không.

“Mẹ không đi ngủ ạ?” “Mẹ dậy đi vệ sinh, nghe tiếng ngáy trong phòng, biết vợ chồng con về. Chồng con hồi nhỏ hay đạp chăn xuống đất, mẹ vào ém chăn cho nó kẻo bị cảm lạnh”.

Tuyết vừa bực mình vừa buồn cười, nhưng không tài nào chợp mắt được nữa, thức trắng cả đêm.

Còn một việc nữa khiến Tuyết ngượng chín người.

Đang cùng chồng và mẹ chồng ngồi xem phim, Tuyết đột nhiên muốn gần gũi chồng, cô liếc nhìn anh, anh hiểu ý cô. Hai vợ chồng Tuyết đứng dậy, vào phòng riêng, để mẹ ngồi xem phim một mình. Bình thường, hai vợ chồng ít có dịp ở riêng với nhau, một là vì có con nhỏ, tối gần gũi nhau không tiện, hai là phòng ngủ cách âm không tốt, rất không thoải mái. Bây giờ ở nhà bà nội, hai vợ chồng có chút không gian riêng tư!

Nhưng đột nhiên cửa phòng mở ra, bà nội đứng trước cửa, tay cầm phích nước.

Thì ra hai vợ chồng quên cài then cửa. “Sao mẹ không gõ cửa?”, chồng Tuyết trách mẹ, còn Tuyết thì ngượng chín người.

“Mẹ tưởng các con chưa ngủ, sợ hai đứa khát, mang phích nước…” Mẹ chồng có vẻ tủi thân, bà bỏ phích nước xuống đất, quay ra cửa, miệng lẩm bẩm: “Đi ngủ sớm đi, kẻo lại ốm ra đấy, ngày tháng còn dài rộng!”

Lại một chuyện nữa. Thứ bảy mùa đông năm ngoái, cả nhà Tuyết về thăm bà nội.

Cơm tối xong, cả nhà ngồi xem tivi. Cô Hoan em gái chồng về thăm mẹ. Từ khi ly dị, cô thường về thăm mẹ, tối ngủ lại phòng Tuyết. Cô Hoan rất sạch sẽ, mỗi khi ra về đều thu dọn phòng gọn gàng.

Hàn huyên một lúc, Tuyết định về phòng ngủ, bà mẹ chồng vội đứng dậy nói, mẹ con mình ngủ ở phòng lớn, phòng nhỏ để cho cô Hoan. Một giường sao ngủ được bốn người, Tuyết quay sang chồng, thấy chồng gật đầu. Thế là mẹ chồng, Tuyết và cháu ngủ chung một giường, chồng Tuyết kê ghế nằm ở phòng khách. Thấy chồng to cao nằm co ro trên hàng ghế nhỏ, nếu không cẩn thận là ngã lăn xuống đất, Tuyết lo lắm. Cô lấy làm khó hiểu: tại sao mẹ chồng lại không thể ngủ chung giường với con gái?

Từ đó, mặc dù ngày lễ ngày tết cả nhà Tuyết vẫn về thăm mẹ chồng nhưng không bao giờ ở lại qua đêm nếu không có gì đặc biệt. Họ không dám qua đêm nhà bà mẹ chồng nữa.

4. Chị dâu – em chồng đoàn kết, mẹ chồng – nàng dâu đằm thắm

Trong cuộc sống thường nhật, hiện tượng quan hệ chị dâu em chồng mâu thuẫn làm cho mẹ chồng – nàng dâu bất hòa khá phổ biến.

Tục ngữ có câu: “Mẹ con (con gái) vốn là cỏ đồng tâm”. Các nàng dâu cần phải nhớ rằng, em gái chồng là con đẻ của mẹ chồng, mọi hành vi lời nói của nàng dâu đối với em chồng đều lọt vào mắt mẹ chồng một cách nhạy cảm, và bà đặc biệt để ý chuyện này. Như vậy là trong nhà có ba người đàn bà biểu diễn trên sân khấu, một người đàn ông ngồi ở dưới xem. Là vai chính trên sân khấu, biểu hiện của nàng dâu quyết định thái độ của hai vai phụ kia: thân thiện hay ghét bỏ.

Cùng một câu nói, em gái chồng là con gái của mẹ chồng, bạn chỉ là con dâu của mẹ chồng, xét từ khía cạnh máu mủ và tình cảm, dù mẹ chồng rất thoáng đạt, trong suy nghĩ của bà, bạn không thể có điểm ngang bằng em gái chồng được, đó là sự thật khách quan không thể thay đổi. Tuy nhiên, bạn không nên vì thế mà chấp nhặt. Ngược lại, bạn cần cố gắng để “ghi điểm” trong mắt mẹ chồng. Mẹ chồng chiều chuộng em chồng âu cũng là lẽ thường tình. Là nàng dâu, bạn không nên vì thế mà suy bì hay tỏ ra bất mãn. Nếu không, bạn không những khiến mẹ chồng giận mà còn làm cho em gái chồng khó chịu với bạn. Trước tình trạng này, chồng bạn dù có yêu bạn thế nào đi chăng nữa cũng chẳng giúp được gì. Em gái, vợ, mẹ đẻ, đều là người thân của chàng, mà sự việc thì chẳng có gì to tát, cũng không phải vấn đề phải trái, bạn xem chồng bạn biết nói ai bây giờ? Chồng bạn bị kẹt ở giữa, biết xoay sở ra sao? Nếu tình huống không được giải tỏa, hiểu nhầm và mâu thuẫn sẽ ngày càng chồng chất, vấn đề ngày càng trở nên phức tạp, thử hỏi trong nhà còn yên vui được không? Nguy cơ tiềm ẩn đó sẽ ảnh hưởng xấu đến tình cảm vợ chồng.

Là nàng dâu, do tuổi còn trẻ và có hiểu biết, bạn có thể tự thay đổi hành vi của mình để thích ứng với các mối quan hệ trong gia đình, để tạo không khí gia đình đầm ấm. Bạn hãy coi em gái chồng là em gái ruột thịt của mình, thường xuyên quan tâm việc học hành, công tác và chuyện trăm năm của em. Khi em gặp khó khăn, bạn nên kịp thời giúp đỡ với khả năng của mình. Nếu muốn có được sự mến phục và gần gũi thật sự của em chồng, ngày thường, trước mặt cô, bạn phải làm gương trong mọi sinh hoạt, nói đi đôi với làm. Nếu không may nảy sinh mâu thuẫn với cô, bạn nhất định phải học cách ứng xử khoan dung, độ lượng, khiêm tốn và nhường nhịn, không nên suy bì thiệt hơn trước mắt, chú ý trao đổi thông tin kịp thời với thái độ hòa nhã, chân thành bày tỏ quan điểm và ý kiến của mình, gác lại bất đồng, tìm ra những điểm chung hai bên có thể chấp nhận. Bạn không nên né tránh mâu thuẫn hoặc đem lòng nghi kỵ oán giận, càng không nên ném đá giấu tay. Chỉ khi nào chị dâu em chồng thành thật với nhau thì mới có thể rút ngắn khoảng cách giữa hai người, tạo ra bầu không khí thân thiện, đầm ấm trong gia đình. Khi chị dâu độ lượng và tinh tế Hoan có mối quan hệ rất tốt với cô em chồng, có thể nói hai chị em không có gì là không nói với nhau, khiến mẹ chồng phấn khởi hết sức. Hoan nói: “Quan hệ giữa tôi với em chồng tốt hơn quan hệ giữa anh trai cô với cô. Nhà tôi muốn biết chuyện gì của em gái còn phải đến hỏi tôi đấy”. Hoan có bí quyết gì không? Chúng ta hãy nghe cô kể nhé.

Khi tôi đi lấy chồng, em gái chồng đang học đại học, cô ấy ở lại trường, ngày thường ít khi về nhà, nên giữa chúng tôi không có sự trao đổi, tất nhiên cũng không có mâu thuẫn gì. Nhưng tôi biết, chị dâu em chồng bất hòa còn hại hơn là mẹ chồng – nàng dâu bất hòa. Huống hồ em chồng là ruột thịt của mẹ chồng, được mẹ chồng hết sức chiều chuộng. Mẹ chồng sẽ rất chú ý cung cách ứng xử của tôi đối với cô, và cách ứng xử đó chi phối mối quan hệ nàng dâu – mẹ chồng ở mức độ khá cao. Cho nên, mỗi khi đến ngày lễ tết, tôi đều chủ động đến trường đón cô về, làm nhiều món ăn ngon. Trong bữa cơm, tôi thường ân cần hỏi han cô, rất tự nhiên tiếp thức ăn cho cô, mẹ chồng ngồi cạnh thấy thế hết sức cảm động. Khi cô chào cả nhà về trường, tôi lại cho cô tiền trước mặt mẹ chồng và căn dặn ở trường phải chú ý giữ gìn sức khỏe, năng tham gia hoạt động thể thao, chú ý bồi dưỡng cơ thể, cái gì đáng tiêu thì cứ tiêu, đừng tiết kiệm quá. Tôi ân cần quan tâm đến cô như đối với em gái ruột của mình. Lâu rồi cô biết tôi thật sự thương yêu cô nên dần dần thân mật với tôi, việc gì cũng nói cho tôi biết. Gặp chuyện gì rắc rối cô đều hỏi ý kiến của tôi, coi tôi như người bạn thân nhất. Mỗi lần cô tâm sự, tôi đều chân thành nói ý kiến của mình từ góc độ bảo vệ lợi ích của cô, không bao giờ ậm ừ cho qua chuyện. Những việc này mẹ chồng đều chú ý theo dõi và để bụng, tôi càng tốt với cô bao nhiêu, bà càng quý mến tôi bấy nhiêu.

Cô em chồng tốt nghiệp đại học, chẳng bao lâu sau có được việc làm, cả nhà đều mừng cho cô, tôi đề nghị tổ chức bữa ăn thịnh soạn chúc mừng cô. Ngày đầu tiên cô đi làm, tôi vui vẻ đưa cô đến cơ quan. Trên đường, tôi trao đổi với cô kinh nghiệm làm việc của mình, nào là làm việc phải cần mẫn, cẩn thận, không được lười biếng, qua loa xong chuyện; nào là phải khiêm tốn học hỏi đồng nghiệp, nhanh chóng nắm bắt kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ, không được không biết hoặc biết nửa vời; nào là phải làm tốt quan hệ với lãnh đạo, đồng nghiệp, không nên nói xấu người khác… Cô cười, nói: “Chị ơi, em nhớ rồi, chị tốt với em quá, anh em cũng chưa quan tâm tới em bằng chị.” Tôi nói: “Anh của em cũng quan tâm đến em lắm đấy, anh chị đều muốn em được vui vẻ, hạnh phúc”. Đến cơ quan, cô vẫy tay chào tôi rồi vui vẻ vào làm việc, tôi cảm thấy yên tâm và sung sướng.

Trong cách ứng xử với em gái chồng, bình thường tôi khéo léo áp dụng một số sách lược thích đáng nhằm lấy lòng cô từ kinh tế và tình cảm. Phụ nữ ai cũng thích đi chơi và mua sắm nên vào cuối tuần tôi thường rủ cô đi chơi phố, thăm cửa hàng, mua cho cô những thứ cô thích như quần bò, khăn voan, mỹ phẩm. Khi em chồng buồn, tôi dành thời gian rủ cô đi ăn món chô thích hoặc đi xem phim.

Cô em gái chồng nhan sắc tầm tầm, dáng người hơi thấp và mập, chưa có người yêu. Cô thường vì chuyện này than ngắn thở dài, tỏ ý sốt ruột. Bà mẹ chồng cũng tỏ ra lo lắng. Làm thế nào se duyên cho em gái chồng để giải tỏa nỗi lo của mẹ chồng, việc đó khiến tôi đau đầu. Tôi vừa an ủi em và mẹ chồng, vừa động viên chồng và bạn bè để ý giới thiệu, cứ như lo việc của bản thân vậy. Cuối cùng thì cô em chồng tìm được người ưng ý, cô vui sướng, mẹ chồng vui sướng, còn tôi như trút được nỗi lo.

Dân gian có câu: “Chị dâu em chồng quý nhau, quý như vàng mười”. Em gái chồng cho rằng tôi tốt hơn anh trai cô, bà mẹ chồng gặp ai cũng khoe con trai lấy được vợ hiền thục hiếu thảo. Bố mẹ nào cũng yêu thương con cái của mình, nàng dâu không thể đòi hỏi mẹ chồng yêu quý mình như với con đẻ của bà, song bạn có thể thay đổi hành vi của mình để thích ứng với mẹ chồng. Nếu yêu chồng, bạn phải tìm cách thích ứng với hoàn cảnh nhà chồng, giống như khi đi làm bạn phải tuân thủ quy chế của cơ quan vậy. Hãy lấy trái tim mình để yêu thương và nhận được sự yêu thương.

5. Giải tỏa bất đồng bằng trí thông minh

Mẹ chồng, nàng dâu là hai người phụ nữ trưởng thành trong môi trường hoàn toàn khác nhau, cho nên có tư duy, cách ứng xử và tính cách khác xa nhau. Ngoài ra, thói quen ăn uống, vệ sinh và ăn mặc cũng khác nhau. Hai người đàn bà khác biệt nhiều như vậy phải chung sống dưới cùng một mái nhà, sớm tối gặp nhau, quá trình thích ứng nhau rõ ràng dài hơn và khó khăn hơn quá trình thích ứng giữa vợ chồng với nhau. Thông thường, quan hệ mẹ chồng – nàng dâu không phân thắng bại, cao thấp, cũng không thể khẳng định ai đúng ai sai. Mỗi nhà mỗi cảnh, mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu muôn màu muôn vẻ. Nhưng chúng ta có thể tin rằng không có mẹ chồng – nàng dâu nào lại thực sự muốn kình địch nhau. Muốn giải quyết mâu thuẫn giữa họ không thể chỉ dựa vào lòng khoan dung độ lượng mà còn phải căn cứ vào tình hình cụ thể, nghiên cứu đưa ra biện pháp thiết thực.

Không ít mẹ chồng có tư tưởng cải tạo con dâu. Là nàng dâu, bạn nên thông cảm với bà chứ không nên tìm cách chống lại. Vì bà mẹ nào cũng mong muốn con mình sống hạnh phúc, sức khỏe dồi dào, kinh tế sung túc và mong muốn truyền đạt cho con dâu kinh nghiệm tề gia của mình. Quan niệm này được hình thành trong quá trình trưởng thành của hai thế hệ, nàng dâu nên hiểu và thông cảm.

Là nàng dâu, bạn có thể không tiếp thu (kinh nghiệm của mẹ chồng), nhưng không nên bác bỏ hoàn toàn chỉ vì tâm lý chống đối, bạn nên đánh giá (kinh nghiệm của mẹ chồng) một cách công tâm, điều gì có ích thì tiếp thu, điều gì không phù hợp có thể bỏ qua. Đối với những vấn đề không thuộc phạm trù nguyên tắc, bạn có thể nhường nhịn để tạo ra sự thân thiện rộng lớn hơn. Đó mới là hành vi sáng suốt. Nói chung, mẹ chồng thường cố chấp với bản năng cần kiệm, đó là dấu ấn của cuộc sống kham khổ trước kia. Họ không thể tiếp thu cái mới, điều đó thật sự khiến các nàng dâu đau đầu. Do không thể chấp nhận quan niệm giá trị và tiêu dùng hiện đại, các bà mẹ chồng cố chấp mất đi cảm giác an toàn và hay tỏ ra bất mãn với nàng dâu thích tiêu xài, đánh giá nàng dâu là người xa xỉ, không biết thu vén gia đình.

Các bà mẹ chồng cần thừa nhận một sự thật, thu nhập của các con bây giờ cao hơn trước rất nhiều, giá cả cũng đắt hơn trước rất nhiều. Thói quen tiêu dùng được quyết định bởi mức thu nhập. Nếu các con chi tiêu trong phạm vi thu nhập cho phép, mẹ chồng không nên can thiệp. Quan niệm tiêu dùng của phương Tây “tiêu tiền ngày mai vào việc hôm nay” đã du nhập vào trong nước và ăn sâu vào ý thức của tầng lớp thanh niên nước ta. Việc vay tiền ngân hàng đi học, mua xe, mua nhà đã trở thành phổ biến. Đối với các bà mẹ chồng, điều này trước kia mơ cũng không dám.

Là nàng dâu, bạn không nên nóng vội, đòi hỏi mẹ chồng chấp nhận quan niệm giá trị và tiêu dùng của bạn trong một sớm một chiều. Sự thay đổi tâm thức ở mẹ chồng phải tiến hành từ từ, từng bước một, lâu rồi sẽ có sự thay đổi thật sự. Nếu ép buộc mẹ chồng thích ứng với bạn là không công bằng đối với bà, sẽ khiến bà cảm thấy mình bị mất đi quyền tự chủ trong cuộc sống, cảm thấy người bề dưới không tôn trọng người bề trên. Một khi làm nẩy sinh tâm lý chống đối thì việc thay đổi tâm thức tiết kiệm và thói quen của bà sẽ cực kỳ khó khăn. Bên cạnh đó, các nàng dâu cũng cần phải hiểu rằng, truyền thống cần kiệm trong cuộc sống gia đình cần được duy trì, lời dạy của các cụ: Ăn không nghèo, mặc không nghèo, không biết cần kiệm mới nghèo là hoàn toàn đúng đắn.

Quan hệ gia đình không phải là mâu thuẫn đối kháng, quan hệ mẹ chồng – nàng dâu không phải là bên nào áp đảo bên nào, đó là mối quan hệ thân tình giữa hai thế hệ. Mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu nhiều khi bắt nguồn từ tình yêu thương, nếu tìm ra và sửa lỗi này thì sẽ gặt hái được kết quả tốt đẹp. Khi nàng dâu hiểu được điều này và thông cảm với hành vi của mẹ chồng, biết giải tỏa mâu thuẫn bằng trí tuệ của mình thì sẽ có được niềm vui và cảm thấy nhẹ nhõm. Muốn xoa dịu mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu bạn cần có trí tuệ, đức tính độ lượng, lòng khoan dung và khiêm nhường.

Khi nàng dâu biết chiều ý mẹ chồng Đầu tuần, sau ngày nghỉ, gặp lại nhau, chị em trong phòng dường như cảm thấy thân thiết hơn và có nhiều tâm sự muốn thổ lộ hơn. Câu chuyện rôm rả nhất vẫn là mẹ chồng – nàng dâu, ai đó bắt chước giọng của mẹ chồng khiến mọi người ôm bụng cười nắc nẻ. Riêng Thúy không cười.

Trước đây Thúy cũng từng phàn nàn về mẹ chồng, còn bây giờ, thời gian trôi đi, tâm thức bức bách của Thúy đã lắng dịu, qua cuộc sống thực tế cô đã học được nhiều điều về nhân tình thế thái, thái độ đối với con người trở nên khoan hòa hơn. Những điều mẹ chồng làm Thúy bực mình trước kia bị quên lãng, ngược lại, những điều mẹ chồng làm Thúy cảm động, ấm lòng luôn hiện lên trước mắt.

Mẹ chồng Thúy sống qua giai đoạn đói nghèo của đất nước nên hình thành thói quen hết sức tằn tiện. Thế hệ 8x sống đầy đủ vật chất như Thúy không thể hiểu nổi, thậm chí còn cho là bà ky bo. Mẹ chồng không những sống tằn tiện mà còn đòi hỏi hai vợ chồng trẻ, nhất là con dâu nhất thiết phải tằn tiện như mình. Khi Thúy mua sắm cho chồng, bà có thể im lặng, nhưng nếu Thúy mua sắm cho mình cái gì, thế nào bà cũng phàn nàn Thúy tiêu xài hoang phí. Vào ngày lễ tết, nếu Thúy chểnh mảng thăm hỏi là bà khó chịu ra mặt. Hồi mới về nhà chồng, Thúy đã nhiều lần rơi vào tình huống trớ trêu đó, thường bắt gặp nét mặt lạnh như tiền của mẹ chồng. Do biết rút kinh nghiệm và cư xử khôn khéo nên mâu thuẫn giữa Thúy với mẹ chồng giảm dần.

Ban đầu Thúy không để ý đến ngày sinh nhật của mẹ chồng, do không có thói quen tổ chức sinh nhật. Đến ngày sinh nhật mẹ chồng, em trai chồng và em dâu mua bánh ga tô và hoa quả về nhà, bà cười nói vui vẻ với chú thím, đồng thời liếc ánh mắt sắc lạnh về phía Thúy, khiến cô nổi da gà. Thúy định chạy ra phố mua quà sinh nhật, nhưng lại thấy làm thế không tiện, chỉ còn biết âm thầm trách chồng không nhắc nhở mình. Khi hỏi nhỏ mới biết chồng cũng không nhớ.

Thúy vốn tính xuề xòa, ít khi để tâm thứ gì, nhưng từ đó cô quyết tâm thay đổi mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu bằng tình cảm chân thành của mình. Ngoài sinh nhật của bà, Thúy còn nhớ biếu quà vào những ngày lễ tết như tết Nguyên tiêu, Đoan ngọ, Trung thu… Đó là những ngày âm lịch, Thúy không nhớ rõ, cô bèn ghi vào sổ, lưu vào điện thoại di động. Cứ thứ, đến “hẹn” là tặng quà bà với lời nói ngọt ngào.

Vào mùa đông, Thúy ra cửa hàng mua thuốc bổ và quần áo rét biếu mẹ chồng. Bây giờ các cụ cũng thích mặc áo sáng màu, đúng mốt. Thấy mẹ chồng thích nhưng lại ngại người ta cười, Thúy bèn rủ mẹ chồng ra phố, chỉ cho mẹ chồng xem các cụ bà mặc áo hoa sặc sỡ, rồi rẽ vào cửa hàng mua chiếc áo thời trang biếu bà. Con người ai cũng có tình cảm, mình đối xử tốt với người ta, người ta khó lòng thờ ơ với mình, dần dà mẹ chồng bắt đầu cởi mở tấm lòng với Thúy.

Có lần, Thúy vứt cái vỏ hộp bánh bằng sắt vào sọt rác, hôm sau đã thấy nó được đặt trong nhà tắm. Thúy mở ra xem, thấy trong đó đựng bột xà phòng. Thúy đoán chắc là mẹ chồng nhặt lại vỏ hộp. Sau đó Thúy chân thành nói với bà: “Mẹ để bột xà phòng vào hộp sắt là đúng lắm, xà phòng đỡ bị tung tóe như trước kia mỗi khi vỏ bao bị rách”. Mẹ chồng Thúy cười: “Khỏi phải nói, đó gọi là tận dụng phế liệu, đài báo chẳng nói thế là gì”. Có dạo, mẹ chồng nhặt nhạnh túi nilon để ngoài ban công. Lâu rồi nó to như quả núi, chiếm hết chỗ phơi. Thấy thế, Thúy khó chịu, nói với mẹ: “Mẹ nhặt những thứ này về làm gì! Nó là phế liệu, có độc đấy, mẹ vứt hết đi cho con”.

Bà mẹ chồng nghe thế lạnh lùng nói: “Tôi có bắt cô ăn đầu mà bảo độc. Những cái túi này còn dùng được, đựng rác, đựng chai lọ, đựng quần áo bẩn… mang đi bán cũng được tiền đấy”.

Kể ra bà nói cũng phải, nhưng hàng ngày nhìn thấy một đống túi nilon cũng khó chịu, Thúy bèn dịu giọng bàn bạc với mẹ chồng: “Hay là mẹ nhặt cái túi dày ra để dùng, còn đống túi mỏng và xanh đỏ kia đem bán đi. Sau này không giữ túi mỏng và xanh đỏ nữa, nhà mình chưa đến nỗi…”.

Sau đó mẹ chồng quả thật làm theo ý kiến của con dâu.

Buổi chiều, Thúy đi làm về, cả nhà ngồi ăn cơm, mẹ chồng hay đem chuyện hàng xóm ra kể. Chồng Thúy bèn đứng dậy ra phòng khách xem tivi. Thú thực, những chuyện ấy Thúy cũng chẳng thích nghe, nhưng vẫn buộc phải ngồi lại nghe mẹ chồng kể lể, thỉnh thoảng còn bình luận một đôi lời để mẹ chồng biết Thúy đang lắng nghe bà nói. Thực ra, nhiều lúc người già giống như trẻ con, họ không cần bạn mua đồ đắt tiền cho họ, cũng chẳng cần bạn biếu họ nhiều tiền mà chỉ cần bạn quan tâm đến họ, coi trọng sự có mặt của họ.

Là nàng dâu, bạn nhất thiết phải chân thành, đối xử tốt với mẹ chồng, khi cần chi tiêu nhất thiết không được bủn xỉn.

Như gia đình Thúy, chồng Thúy yêu Thúy, Thúy yêu chồng, thì sao lại không đối xử tốt với mẹ chồng? Kiếp này có duyên mới chung sống dưới một mái nhà, vì vậy phải thương yêu nhau để tạo nên bầu không khí gia đình ấm cúng mà người đời ai cũng hằng mơ ước.

Khi nàng dâu biết lựa lời mà nói Hùng rất hài lòng về quan hệ mẹ chồng – nàng dâu ở nhà mình. Anh khoe với bạn bè: “Vợ mình khôn lắm, biết làm cho mẹ chồng lúc nào cũng cười tít mắt”.

Lấy chuyện săn sóc con trai mình làm ví dụ nhé. Vợ mình sinh con trai, bà nội phấn khởi lắm, cứ đòi sang chăm cháu trai. Ban đầu, hai mẹ con thường mâu thuẫn nhau vì chuyện chăm cháu, luôn xung khắc nhau xung quanh chuyện ăn uống, tã lót, quần áo của cháu, thậm chí một ngày đưa cháu ra ngoài trời mấy lần cũng thành chuyện.

Mẹ mình thì một mực đòi làm theo cách của bà, chả là bà đã nuôi hai đứa con khôn lớn, khỏe mạnh và thông minh!

Vợ mình thì cho rằng nên nuôi con theo khoa học, như thế đứa trẻ sẽ phát triển toàn diện về trí tuệ, sức khỏe và vóc dáng.

Trong thâm tâm tôi tán thành ý kiến của vợ hơn, nhưng lại không dám nói thẳng với mẹ, chỉ sợ mẹ cho rằng mình bênh vợ, tủi thân bỏ bề thì khổ. Lúc ấy có giải thích, mời mọc, nài nỉ bà ở lại thì cũng rất khó, mình sẽ mang tội “lấy vợ rồi quen mẹ đẻ”. Mình bí quá, không biết xoay sở ra sao?

Đúng lúc ấy, vợ mình đã khéo “lừa” được bà. Tất nhiên, phải đến sau này mình mới vỡ lẽ đó là mưu mẹo của vợ.

Hôm đó bà nội bế cháu ra ban công sưởi nắng, bỗng tiếng chuông điện thoại reo lên. Vợ mình nhấc ống nghe và bật phím loa. Thì ra là bà ngoại gọi, bà ngoại nhắc nhở con gái phải chăm cháu thế này thế này (giống y như quan điểm của bà nội), con gái ung dung bác bỏ từng điểm một với lý lẽ khoa học và viện dẫn ví dụ nhãn tiền (mà bà nội cũng biết). Cuối cùng bà ngoại thừa nhận phương pháp nuôi con của mình không phù hợp với thời nay. Sau lần nói chuyện điện thoại ấy, mâu thuẫn giữa vợ mình và mẹ mình về chuyện chăm con bớt hẳn, có thể mẹ mình cho rằng con dâu nói có lý, hoặc bà thấy con dâu bác bỏ lại quan niệm của mẹ đẻ thì chắc phải quyết tâm nuôi con bằng cách của mình. Sau này mẹ mình thấy cháu khỏe mạnh, kháu khỉnh, ít ốm vặt, bèn rỉ tai mình nói: “Vợ anh nuôi con khéo đấy, còn biết giữ thể diện cho tôi nữa!”.

Một hôm, hai vợ chồng mình không muốn ăn cơm, bèn nấu nồi cháo, rán hai quả trứng gà. Hai vợ chồng đang ăn thì mẹ đến chơi, vợ mình hàn huyên với mẹ một lúc rồi đứng dậy, vào bếp. Mình biết mẹ chỉ tạt qua thăm vợ chồng rồi còn phải về chăm bố, không ở lâu được. Mình đang băn khoăn không hiểu tại sao vợ mình lại bỏ vào bếp thì mẹ mình nhìn vào mâm cơm hỏi: “Con ăn thế này thôi à? Đi làm cả ngày, ăn thế này sao bảo đảm sức khỏe?” Mẹ vừa nói vừa liếc mắt nhìn vào bếp, mình hiểu mẹ mình nói thế để con dâu nghe. Mình đang định giải thích, thì từ trong bếp vợ mình đã lên tiếng trách: “Anh chỉ được cái háu ăn, em đã bảo đợi 10 phút nữa chân giò mới nhừ, đợi một lát cũng không chịu”. Nhà mua chân giò lúc nào? Mình đang định hỏi, thấy vợ đứng sau cửa bếp nháy mắt với mình. A, mình hiểu rồi.

Mẹ mình nghe con dâu nói vậy, liền tươi cười thỏa mãn. Vợ mình vội ra khỏi bếp, nói với mẹ: “Mẹ ở lại ăn cơm với chúng con, còn có món bánh bao đấy”. Mẹ mình xua tay nói: “Thôi thôi, mẹ còn phải về, không biết bố con ở nhà ra sao”. Mẹ mình đi ra cửa, vừa đi vừa quay đầu lại nói với vợ mình: “Con cũng ăn một ít chân giò, món đó lợi sữa lắm đấy!”. Đợi mẹ ra khỏi nhà, hai vợ chồng ôm bụng cười chảy cả nước mắt. Vợ mình nói: “Anh mà bảo với mẹ anh chán cơm, muốn ăn bát cháo cho mát, thế nào mẹ cũng không tin, cho rằng anh bênh vợ, còn em hành hạ con trai mẹ”.

Mình nói: “May mà em nhanh trí, không thì nguy to. Nhưng anh lo quá, chỉ sợ mẹ vào bếp thì lòi cái đuôi nói dối ra!”.

Vợ mình nói: “Em cũng thế, mồ hôi rịn ướt cả sống lưng. Em chỉ sợ mẹ vào bếp, nên phải chạy ra ngoài, em biết mẹ không thể ở lại ăn với vợ chồng mình nên nói đại thế”.

Sự việc tương tự còn xảy ra vài lần, vợ mình đều khôn khéo hóa giải. Mẹ mình quý con dâu ra mặt, gặp ai cũng khen con dâu ngoan, biết điều.

Một lần, mẹ mình ốm nặng phải vào viện, không ai trông nom. Mình bàn với mẹ thuê một người giúp việc, mẹ không chịu vì sợ tốn kém. Vợ mình bảo: “Anh khỏi lo, để em”.

Cô nói với bà: “Con có người bà con họ đằng xa, ra thành phố trông con cho con gái. Bây giờ cháu đi học rồi, ở nhà rỗi lắm, hay là con nhờ bà ấy ra trông nom mẹ, khi nào bố vào viện thì bảo bà ấy về nghỉ, mỗi ngày chỉ mất ít tiền cơm thôi, không tốn kém gì đâu”. Mẹ thương bố vất vả nên đồng ý. “Người bà con họ xa” vào viện chăm mẹ, hàng ngày chải đầu, lau người, phục vụ cơm nước vệ sinh chu đáo, lúc rỗi còn ngồi nói chuyện vui với mẹ. Tình hình sức khỏe của mẹ khá dần, vài tháng sau đã xuống giường chống gậy đi lại trong phòng. Một thời gian sau, mẹ có thể bỏ gậy đi lại, bố bàn với mẹ, hay là thôi người giúp việc đi? Mẹ không đồng ý, nói bà này tốt lắm, hai người bây giờ thân nhau như chị em, sau này dù phải bỏ tiền túi ra cũng giữ ở lại nhà giúp việc. Một năm sau, mẹ thuê người đó làm người giúp việc thật, còn khen vợ mình khéo chọn, tìm cho bà một người chị em tâm đầu ý hợp.

Lúc này vợ mình mới nói thật với mình, người ấy không phải bà con họ xa, trước đây bà là người giúp việc cho một đồng nghiệp, vì thấy bà tốt tính, chăm làm, nấu nướng lại khéo, nghe nói bà mình ốm nằm viện mới giới thiệu cho em. Một tháng em trả bà ấy 500 ngàn, dặn mình đừng nói với mẹ, kẻo mẹ lại áy náy.

Mưu kế vòng vo “cứu mẹ” của vợ mình thật tuyệt, tấm lòng của vợ mình thật là thơm thảo, đến mình cũng cảm động huống chi mẹ già…

Khi nàng dâu biết thông cảm Mới về nhà chồng được mấy ngày, giữa Phương và mẹ chồng đã nảy sinh nhiều vấn đề, nhưng đó chỉ là những mâu thuẫn bắt nguồn từ sự khác biệt về thói quen sinh hoạt, do nhận thức được điều đó nên Phương đã dễ dàng vượt qua, đem lại bầu không khí thanh bình cho cuộc sống gia đình.

Trước ngày lấy chồng, Phương đã nấu ăn rất ngon vì cô thích làm, bố mẹ cũng thích ăn cơm cô nấu. Từ ngày về nhà chồng, mẹ chồng làm hết việc bếp núc, bà bảo, con đi làm cả ngày mệt rồi, cứ nghỉ đi, để mẹ làm cho. Thực tình, Phương thấy “tay nghề” nấu nướng của mẹ chồng kém cả về khoản dầu mỡ lẫn hương vị. Nghĩ đi thì cũng nên nghĩ lại, đi làm về có cơm nóng vào ăn kể cũng thích, ngoài việc cảm kích mẹ chồng ra, Phương còn biết nói gì? Một hôm, Phương nói với mẹ chồng: “Mẹ để con trổ tài một bữa nhé”. Bà vui vẻ đồng ý. Khi Phương vào bếp, bà cũng lẽo đẽo đi vào. Phương bắc chảo lên bếp, đợi chảo nóng đến 6-7 phần, đang định cho dầu ăn vào thì mẹ chồng đã ngăn lại: “Ôi, đừng, để chảo nóng già hãy cho, như vậy mới tiết kiệm gas”. Khi Phương đổ dầu vào chảo, bà kinh ngạc nói: “Ôi, con gái, con đổ một lần đủ cả nhà ăn hai ngày”. Nói xong, bà rót dầu ra một cái bát, chỉ để lại một ít dính chảo. Đổ rau vào, mới đảo qua vài lần, đã thấy có lá rau bị xém. Vì mất hứng, nên món xào này Phương làm không được như ý. Phương đang định cho nước vào chảo để rửa, chuẩn bị món xào thứ hai thì mẹ chồng ngăn lại, nói con không phải rửa chảo đâu, đáy chảo còn dầu mà. Phương chán quá, nói thác là muốn đi vệ sinh, liền ra khỏi bếp, để mặc mẹ chồng muốn làm thế nào thì làm. Từ đó, Phương từ bỏ ý định vào bếp trổ tài. Còn chuyện rửa bát, Phương có thói quen cho vài giọt nước rửa bát vào bát, dùng khăn hòa tan rồi rửa hết lượt bát đũa, sau đó mở vòi nước để nước chảy xối từng cái một, rửa như vậy vừa sạch vừa không có mùi nước rửa bát sót lại. Mẹ chồng chê Phương lãng phí nước, giành lấy việc rửa bát. Bà lấy nửa chậu nước, nhỏ mấy giọt nước rửa bát vào chậu nước, bỏ tất cả bát đũa vào chậu, rửa một lượt rồi vớt ra, lấy một chiếc khăn lau sạch là xong, bà không bao giờ xối rửa dưới vòi nước. Rửa rau cũng vậy, không biết trong rau còn sót lại bao nhiêu dư lượng thuốc trừ sâu? Phương nhiều lần góp ý nhưng mẹ chồng không nghe. Có lần cô phát hiện trên bát mẹ rửa còn có vết dầu, bèn lén rửa lại, không may bị mẹ chồng nhìn thấy, bà lạnh lùng nói: “Sao lại lãng phí nước như thế!”. Sau đó, Phương nghĩ ra một cách. Lần ấy bị cảm cúm, Phương đề nghị được dùng bát riêng để khỏi lây cho cả nhà. Mẹ chồng khen Phương biết ý. Sau khi khỏi bệnh cúm, Phương vẫn dùng bát riêng, trước khi ăn cơm cô vẫn rửa bát riêng, mẹ chồng biết thế nhưng không nói gì.

Ở nhà, quần áo vợ chồng Phương và mẹ chồng giặt riêng. Phương thường dồn quần áo bẩn của hai vợ chồng và con vào chủ nhật để giặt một thể. Mỗi lần cô giặt giũ, mẹ chồng lại tới xem, chỉ sợ con dâu lãng phí nước. Bà thường xuyên nhắc nhở Phương, đồ nhỏ như quần áo lót, bít tất, khẩu trang phải giặt bằng tay, như thế vừa sạch sẽ vừa tiết kiệm nước, không nên dùng máy giặt.

Ngoài ra, mẹ chồng còn luôn miệng nói, trước khi để quần áo bẩn vào máy giặt, con phải vò xà phòng trước, như vậy sau khi để quần áo vào máy, con chỉ cần bật nút “giũ”, không cần bắt đầu từ nút “giặt”, vừa tiết kiệm nước lại tiết kiệm điện. Bà thậm chí còn để hai cái thùng to ở vòi xả nước của máy giặt, tích nước đó để dùng cho nhà vệ sinh và lau nhà. Lấy nước giặt dùng cho nhà vệ sinh thì còn khả dĩ, nhưng để lau nhà thì không hợp vệ sinh, nhất là nước giặt đầu tiên, nhưng mẹ chồng lại cho rằng trong đó còn nhiều xà phòng bột chưa được hòa tan. Mẹ chồng chỉ nghĩ đến việc tiết kiệm nước, bà không biết rằng bàn tay mượt mà búp măng của con dâu nếu thường xuyên đụng vào xà phòng, còn gì là đẹp? Không những bị chị em cùng cơ quan chê cười, con trai bà nắm tay vợ cũng cảm thấy nhám tay. Nghĩ thế, Phương không nghe theo mẹ chồng, cô đợi khi nào mẹ chồng ở nhà thì giặt đồ nhỏ, đợi mẹ chồng đi chợ hay đi vắng, cô giặt bằng máy. Thế là hai mẹ con bình an vô sự.

Mẹ chồng hết sức tiết kiệm điện. Hồi mới về nhà chồng, Phương chưa biết mẹ chồng có thói quen đi vệ sinh không bật đèn. Lần ấy thấy nhà vệ sinh tối đèn, Phương nghĩ là không có người, cô đẩy cửa bước vào, không ngờ mẹ chồng đang ở đó. Cô vội lui ra. Đợi mẹ chồng ra ngoài, Phương hỏi: “Mẹ đi vệ sinh sao không bật đèn?” Bà thản nhiên nói: “Đèn phòng khách sáng trưng, ánh sáng chiếu cả vào nhà vệ sinh, bật đèn cho tốn điện à?”

Đôi lúc hai vợ chồng Phương ngồi nán lại cùng xem tivi với bố mẹ, mẹ chồng cứ đòi tắt đèn phòng khách. Phương khuyên: “Xem tivi không bật đèn, lâu rồi hại mắt lắm mẹ ạ”. Bà cười: “Tivi bật lên khác gì bật đèn? Các con thật không biết tằn tiện là gì”.

Mẹ chồng tỏ ra khó chịu khi Phương mua sắm đồ đắt tiền, Phương rút kinh nghiệm, sau này mua những thứ này tốt nhất không để mẹ chồng nhìn thấy hoặc biết giá để khỏi gây ra sự tranh cãi không cần thiết.

6. Thích cháu trai khiến mẹ chồng giận nàng dâu

Bao nhiêu năm qua, quan niệm “nối dõi tông đường” đã ăn sâu vào tư tưởng của người phương Đông. Đặc biệt, ở nông thôn, địa vị xã hội của phụ nữ rất thấp, ngoài việc nhà họ còn phải tham gia việc đồng áng. Gia đình nào thiếu lao động chính, nguồn thu của gia đình ấy sẽ bị ảnh hưởng. Cho nên, sinh con trai được coi là tạo nguồn thu tương lai quan trọng cho gia đình, là sự bảo đảm cho tuổi già. Xã hội thậm chí quan niệm rằng, con gái không phải thế hệ sau của gia đình, không thể làm nhiệm vụ “nối dõi tông đường”. Gia đình nào không có con trai là gia đình “tuyệt tự”, bị người đời chê cười. Xã hội ngày nay tuy đã đả phá mạnh mẽ quan niệm trọng nam khinh nữ, “nối dõi tông đường”, song không ít người vẫn khư khư giữ lấy tàn dư tư tưởng đó. Nhiều phụ nữ sinh con gái bị bố mẹ chồng, chồng hành hạ, bản thân họ cũng lấy làm đau buồn. Một số phụ nữ do bệnh tật không sinh được con, mẹ chồng còn bắt nhờ người sinh hộ. Nàng dâu gặp mẹ chồng bảo thủ thì thật là khổ.

Chỉ vì nàng dâu quyết sinh con gái Sau lễ cưới, vợ chồng Bình ra ở riêng, Bình ít khi tiếp xúc với mẹ chồng nên quan hệ mẹ chồng – nàng dâu khá thuận hòa. Nhưng sau khi Bình có thai, mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh.

Bình còn nhớ, hồi Bình mang thai tháng thứ tư, mẹ chồng đến thăm. Bà hỏi: “Con thấy thế nào?”

Bình chưa kịp trả lời, bà đã nói vẻ huyền bí: “Mẹ có bạn làm ở khoa sản bệnh viện tỉnh, mẹ đưa con đến đó kiểm tra nhé, nếu là con trai thì để, con gái thì con phải phá thai, đằng nào con cũng còn trẻ, hai, ba năm nữa có con cũng không muộn”.

Bình không tỏ thái độ, chỉ nói là đợi chồng về, hai vợ chồng bàn bạc đã.

Mấy hôm sau, mẹ chồng lại đến thăm, giục Bình đi kiểm tra. Chồng Bình hôm đó ở nhà, đồng ý đi bệnh viện kiểm tra, nhưng mục đích là xem thai có khỏe mạnh không.

Kết quả kiểm tra là con gái. Mẹ chồng tỏ vẻ không vui, bảo Bình, đằng nào cũng đến bệnh viện rồi, con phá thai rồi hãy về nhà. Bình không muốn phá thai, vì đây là con của cô, hơn nữa Bình cũng thích con gái. Bình trao đổi với chồng, chồng cô bảo con trai con gái đều thế cả.

Mẹ chồng nghe nói, sa sầm nét mặt, nói dằn giọng: “Anh chị còn trẻ, chưa nuôi nổi con đâu, thôi cứ phá thai đi”. Thấy vợ chồng Bình vẫn muốn giữ đứa con lại, mẹ chồng nổi giận: “Anh chị thích thì cứ giữ lấy, nhưng tôi nói trước tôi không trông cháu đâu, cũng không có khả năng giúp đỡ cho anh chị!” Nói xong bà bỏ đi, để mặc hai vợ chồng trẻ đứng đó.

Đến tối mẹ chồng lại gọi điện, vẫn kiên quyết đòi con dâu phá thai. Chồng Bình kiên nhẫn giải thích, 30 phút sau, mẹ chồng bực mình ngắt máy, chồng Bình bỏ ống nghe xuống, thở dài: “Kiểu này là gay đấy, đẻ cũng tội mà không đẻ cũng tội”.

Bình đứng cạnh chồng, hai dòng nước mắt chảy xuống. Cô là người phụ nữ hiền lành, cảm thấy lo lắng khi mẹ chồng một mực đòi phá thai. Tương lai con sẽ ra sao, cuộc sống vợ chồng sau này, quan hệ với mẹ chồng sẽ ra sao? Cô cảm thấy hoang mang và lo lắng.

Mang thai đến tháng thứ 6, căn nhà của vợ chồng Bình nằm trong diện giải phóng mặt bằng, hai vợ chồng buộc phải dọn về nương tựa mẹ chồng. Bà chấp nhận vì dù sao đó cũng là con của con trai bà, nhưng ba bữa ăn thì đạm bạc quá, không đủ dinh dưỡng.

Chồng Bình mua về con cá chép để bồi dưỡng cho vợ, anh không biết làm, nhờ mẹ làm hộ. Món cá bưng lên, Bình không tài nào nuốt nổi, vì món cá quên cho muối, gia vị cũng không đủ, nhạt và tanh vô cùng.

Bình thấy thèm món chao, bảo chồng ra chợ mua một lọ, mỗi bữa cơm ăn một ít cho đỡ nhạt miệng. Mẹ chồng nghe nói thế liền xua tay: “Ấy, đừng có mua, tôi không chịu nổi cái mùi ấy, ngửi vào đã thấy nhức đầu”. Thế là đành thôi.

Sắp đến ngày sinh, mẹ chồng bảo Bình: “Chị về đằng nhà ở cữ”. Bình im lặng. Hai hôm sau, mẹ chồng lại hỏi. Bình nói: “Con chưa hỏi mẹ con”. Mẹ chồng cau mày: “Bây giờ chị không lên tiếng, nhỡ vỡ ối ra đấy ai trông nom chị. Tôi đã giao hẹn trước rồi đấy nhé, tôi không có thời gian trông cháu”. Bình nói: “Mẹ có phải đi làm đâu”. Mẹ chồng to tiếng: “Sức khỏe yếu nên tôi mới phải nghỉ ở nhà. Tôi còn muốn có người đến hầu hạ tôi đây này. Mẹ chị vốn tính cẩn thận, trông con hộ chị vài năm, khi nào lớn tôi sẽ trông giúp, dù sao ông bà ngoại cũng trẻ hơn”.

Bình nói: “Mẹ biết rồi đấy, nhà mẹ con cũng nằm trong quy hoạch giải phóng mặt bằng, nhà anh con chật chội, con không thể chen chân nữa”. Mẹ chồng nói mát: “Ở đông thế càng vui, càng ấm cúng”.

Bình không muốn nói gì nữa, cô biết nếu tiếp tục đấu khẩu, hai mẹ con khó mà nhìn mặt nhau sau này.

Bình sinh con gái, nằm viện một tuần, trong thời gian nằm viện, chủ yếu là mẹ cô và chồng cô thay nhau vào chăm cô. Mẹ chồng có đến thăm, nhưng chẳng giúp gì. Hôm thì bà phàn nàn thấy mệt trong người, ngồi chưa ấm chỗ đã ra về; hôm thì cố tình bắt chuyện với chị nằm giường bên, nựng con họ, còn cháu gái mình thì không quan tâm đến. Có hôm trước khi về bà còn nhắc Bình, khi nào ra viện hãy về thẳng bên ngoại, bà dạo này yếu lắm, không chịu nổi tiếng trẻ khóc đêm.

Mấy ngày nằm viện, hễ nghĩ đến chuyện mẹ chồng là Bình khóc. Càng nghĩ Bình càng tủi thân, từ đó sinh bệnh trầm uất hậu sản.

Mẹ chồng không cho về nhà, chồng không muốn căng thẳng với mẹ, Bình đành thuê nhà ở. Đang mùa đông giá rét, trong nhà không có lò sưởi, đã lạnh càng thêm lạnh.

Mấy hôm sau, mẹ Bình nghe tin con thuê nhà ở ngoài bèn tìm đến bắt dọn về ở với bà, bà lo trong nhà nhóm lò hơi than hại đến cháu, nếu không thì lạnh như thế này cũng sẽ ảnh hưởng sức khỏe của con và cháu bà.

Bà ngoại hàng ngày tắm cho cháu, thay tã lót, pha sữa, luôn chân luôn tay mà mặt lúc nào cũng tươi roi rói, miệng thì nựng cháu thật ngọt ngào. Niềm vui của mẹ lây sang Bình, cô thấy nhẹ nhõm hơn, lòng vui lên một chút.

Trong thời gian đó, mẹ chồng không một lần gọi điện thăm hỏi chứ đừng nói tới việc đến tận nhà bà ngoại thăm cháu nội. Bình lấy làm khó hiểu, mình không nghe lời bà, bà trừng phạt mình đã đành, cháu gái bà có tội tình gì mà bà lại tuyệt tình như vậy?

Chồng Bình thấy bà ngoại vừa chăm lo cơm nước cho cả nhà, vừa phải trông cháu, anh cảm thấy áy náy vô cùng. Anh về nhà tranh cãi quyết liệt với mẹ, cuối cùng bà đồng ý để mẹ con Bình trở về. Mặc dù biết về nhà mẹ chồng không được vui vẻ, đầm ấm như nhà mẹ đẻ, nhưng vì muốn con có môi trường sống tiện nghi hơn, Bình quyết định trở về nhà chồng. Sau khi về nhà chồng, tình hình cũng chẳng sáng sủa mấy, mẹ chồng mỗi lần giặt giũ, chỉ giặt cho con trai, quần áo của Bình và cháu bà bỏ ra. Bà nói sợ giặt không sạch, bị con dâu chê bai. Mẹ chồng đánh tiếng, không biết khẩu vị con dâu bây giờ ra sao, nên cơm của Bình bà cũng không nấu. Bình vừa phải trông con, vừa phải đi chợ, giặt giũ, nấu cơm, thu dọn nhà cửa. Nhiều hôm Bình vừa bế con vừa pha sữa, thật là tội nghiệp. Bình thiếu ngủ trầm trọng, trong người lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi. Chồng Bình rất thương vợ, hễ rỗi việc là ở nhà giúp vợ. Hôm nào có chồng ở nhà, Bình mới có thời gian nghỉ ngơi.

Một hôm, Bình cần ra chợ mua mớ rau, bất đắc dĩ phải nhờ bà trông cháu một lúc. Bà đồng ý. Hơn mười phút, Bình quay về nhà, may quá, thấy cháu đang nhìn bà cười, bà cũng vui vẻ cười với cháu. Bình cảm động quá, đứng sững ngoài cửa, mẹ chồng thấy Bình về, đưa ngay cháu cho Bình rồi đi ra. Bình những mong bà bế cháu thêm vài phút nữa.

Mẹ chồng nói với Bình: “Cháu chắc đói rồi đó, sữa trong bình gần hết rồi, cũng lạnh rồi, phải pha chai mới”. Nói xong, bà ra khỏi cửa, không có ý định pha sữa cho cháu.

Cuối cùng, vợ chồng Bình phải vay tiền ngân hàng mua một căn hộ, thuê người giúp việc, sống hoàn toàn riêng biệt với mẹ chồng.

7. Mẹ chồng với nàng dâu góa bụa

“Nuôi con khôn lớn thành người, gả chồng dựng vợ, bách niên giai lão”, đó là mong muốn và ước mơ của mọi gia đình. Song cuộc sống lại không chiều theo ý người. Nhiều người chồng sớm ra đi, để lại người vợ một mình chịu đựng mọi nỗi gian truân trên đời.

Nếu con dâu ngỏ ý muốn đi bước nữa, mẹ chồng nên ủng hộ và quan tâm như một người mẹ thật sự, không nên thờ ơ, đứng nhìn như người dưng. Nếu nàng dâu có con, còn phải nhắc nhở con dâu thận trọng giải quyết vấn đề nuôi dưỡng và học hành của cháu. Phân tích cho con dâu hiểu rằng, nếu không xử lý tốt vấn đề quan trọng như con cái thì hạnh phúc gia đình mới sẽ không được bảo đảm. Nàng dâu có tình cảm sâu sắc với mẹ chồng, tuy nẩy sinh ý nghĩ tái giá nhưng không nỡ bỏ mẹ chồng vò võ một mình, muốn phụng dưỡng mẹ chồng đến lúc nhắm mắt xuôi tay, quyết định tìm anh chồng ở rể để được cả đôi đường. Trong tình huống này, mẹ chồng cần phải hiểu sự hiếu thảo của con dâu, dù tán thành cách làm của con dâu hay không cũng nên cảm kích tấm lòng thơm thảo của con dâu. Nếu tán thành, mẹ chồng nên kịp thời điều tiết tâm thức và vị trí của mình, cố gắng chia sẻ một phần trách nhiệm nuôi cháu, giúp con dâu làm một số công việc trong phạm vi khả năng cho phép.

Có một số nàng dâu ở vậy thờ chồng, nuôi con, chăm sóc mẹ chồng. Mẹ chồng cần hiểu và đối xử với con dâu như con đẻ của mình. Do con dâu phải gánh vác trách nhiệm nuôi nấng con cái nên mẹ chồng cần phải đảm trách công tác hậu cần để con dâu có thể tập trung làm việc. Lúc này, mẹ chồng một mặt phải chú ý giữ gìn sức khỏe; mặt khác cần đảm nhiệm một số việc nhà với khả năng của mình, để con dâu yên tâm làm việc.

Mẹ chồng mở đường cho con dâu đi bước nữa Bảy giờ sáng Loan mới ra khỏi phòng ngủ, ngồi vào bàn ăn sáng với mẹ chồng. Khi bà rót sữa cho Loan, cô mới phát hiện mẹ chồng già đi rất nhiều sau hơn mười ngày con trai bà, chồng Loan ra đi. Nghĩ đến mình mất chồng đã khổ, mẹ chồng càng đau: giữa đường đứt gánh, nay lại tuổi già mất con, tóc trắng tiễn đưa tóc đen, nỗi khổ ấy mới nặng nề làm sao. Vậy mà bà hàng ngày vẫn lựa lời an ủi Loan, chăm sóc Loan, âm thầm chịu đựng nỗi đau. Loan thấy mình ích kỷ quá, từ ngày chồng mất, cô chỉ biết khóc, chưa một lần an ủi mẹ chồng, bà biết chia sẻ nỗi đau với ai? Từ ngày về nhà chồng, tuy mẹ chồng – nàng dâu chưa nảy sinh mâu thuẫn gì lớn, hai mẹ con sống hòa thuận, nhưng trong thâm tâm, Loan vẫn giữ ý. Bây giờ nghĩ lại, Loan thấy mình thật quá đáng, cô quyết tâm rũ bỏ nỗi ám ảnh, phấn chấn lên, cô gắng làm việc thật tốt để mẹ chồng vui hưởng tuổi già.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, đã ba năm trôi qua. Tối hôm ấy, ăn cơm xong, Loan đang rửa bát trong bếp, mẹ chồng ngồi ngoài phòng khách nói với cô: “Con ra đây, mẹ có chuyện này muốn bàn với con. Bát để lát rửa”. Loan ngồi bên cạnh mẹ chồng, bà cầm tay Loan âu yếm nói: “Mẹ muốn bàn với con chuyện này, hệ trọng lắm. Nam nay con mới 30 tuổi, còn trẻ lắm. Là phụ nữ, mẹ biết con cần có một người đàn ông ở bên cạnh. Mẹ thấy con nên lo chuyện này đi là vừa, càng sớm càng tốt”.

Nghe mẹ chồng nói thế, Loan choáng váng, sững sờ nói: “Mẹ định đuổi con đi hay sao? Con làm việc gì để mẹ giận phải không?”

Mẹ chồng nghẹn ngào: “Đâu có, đâu có.” “Thế sao mẹ lại nói vậy, con là con gái mẹ, con muốn ở với mẹ suốt đời. Con không muốn lấy chồng đâu”.

Khóe mắt mẹ chồng long lanh giọt lệ, bà nói: “Ngốc nào. Trước đây con là con dâu của mẹ, bây giờ con là con gái của mẹ. Là con gái thì phải biết vâng lời mẹ. Mẹ không muốn con gái mẹ vì mẹ mà để lỡ cơ hội xây dựng hạnh phúc gia đình cho mình, mẹ mong con gái mẹ tìm được một người đàn ông tử tế, có được một gia đình hạnh phúc. Như vậy, mẹ mới yên tâm với bố mẹ con và con trai mẹ”.

Được mẹ chồng nhiều lần khuyên nhủ, thúc giục, trái tim khép kín của Loan mới bắt đầu hé mở cho tình yêu.

Một năm sau, cô đáp lại tình yêu của Hà, một viên chức cao cấp của một công ty liên doanh. Bốn năm về trước, vợ Hà sang Australia học rồi ở lại, hai người đã làm thủ tục ly dị. Khi đi vào giai đoạn bàn về hôn nhân, Loan bày tỏ nguyện vọng muốn Hà về ở rể, vì Loan muốn phụng dưỡng mẹ chồng, nhưng Hà từ chối thẳng thừng, anh cho rằng mình không có nghĩa vụ phụng dưỡng một người không hề quen biết, không có quan hệ ruột thịt với mình. Loan đành lùi bước, đề nghị Hà đưa mẹ ở quê lên ở cùng hai vợ chồng, như vậy về tâm lý Hà không bị hẫng, mà hai cụ lại có thêm bạn. Về phần Loan, cô thực hiện được nguyện vọng của mình, Loan không thể bỏ mặc mẹ chồng vò võ một mình! Đối với kế sách mà Loan cho là “thượng sách”, Hà nấn ná mãi, không tỏ thái độ gì. Trong thời gian ấy, đứng trước sự lựa chọn tình thương và tình yêu, Loan càng nghĩ càng cảm thấy khó khăn…

Có thể do Loan có những biểu hiện khác ngày thường, cộng với sự nhạy cảm của người phụ nữ, mẹ chồng nhận ra sự thay đổi trong trái tim con dâu. Một hôm, bà hỏi Loan phải chăng đang tìm hiểu. Đứng trước tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, Loan chỉ thưa với mẹ chồng rằng con mới làm quen với anh ấy, chưa quyết định yêu hay không. Bà khuyên Loan đừng quá kén chọn, chỉ cần người tốt, chân thành, có tinh thần trách nhiệm là có thể xem xét có nên tiếp tục tìm hiểu hay không. Cảm động trước tấm lòng bao dung của mẹ chồng, Loan đem chuyện tâm sự với mẹ.

Tối hôm sau, mẹ chồng nói với Loan, bà đã gặp Hà, đó là một người đàn ông tốt, có thể gửi gắm cuộc đời, bà với anh ấy chuyện trò với nhau khá hợp, bà thấy yên tâm và khuyên Loan có thể xem xét việc lấy anh ấy. Thái độ của mẹ chồng khiến Loan suy nghĩ khá lâu, không hiểu hai người đã nói với nhau những gì, Loan trằn trọc mãi, không tài nào chợp mắt. Tối hôm đó phòng ngủ của mẹ chồng cũng trong đèn suốt đêm…

Sáng sớm hôm sau, Loan gọi điện cho Hà hỏi thăm tình hình. Hà bảo mẹ chồng Loan hỏi han khá kỹ về hoàn cảnh của anh, kế hoạch của anh sau khi cưới vợ, cuối cùng bà lấy làm hài lòng. Loan hỏi: “Thế bây giờ anh định thế nào?”

Hà nói: “Cưới em chứ còn thế nào nữa! Anh sẽ thương yêu em hết mực, cùng em hưởng hạnh phúc”.

“Thế còn mẹ em thì sao?” “Yên tâm, việc đó đã giải quyết ổn thỏa!” Loan không ngờ vấn đề khiến Loan đau đầu bấy lâu nay mẹ chồng giải quyết nhẹ nhàng như không. Loan đã đồng ý lấy Hà làm chồng.

Sau tuần trăng mật, Loan về thăm mẹ chồng. Từ ngoài cửa cô đã gọi: “Mẹ ơi!” Trong nhà vắng tanh. Loan vào phòng ngủ, ra nhà bếp, nhà khách tìm, không thấy mẹ chồng đâu. Cô đang thẫn thờ suy nghĩ không biết mẹ chồng đi đâu nhỉ, thì nhìn thấy trên bàn có mảnh giấy. Loan có dự cảm không lành, cô cầm tờ giấy lên đọc.

“Con gái, Mẹ đi đây. Con thông cảm mẹ đi mà không chào con. Mẹ về quê với họ hàng, ở quê không khí trong lành, yên tĩnh, lợi cho sức khỏe người già. Con không phải lo cho mẹ, mẹ có lương hưu. Căn hộ mẹ để lại cho con, coi như sự đền đáp của mẹ cho sự thiệt thòi của con.

Chúc con hạnh phúc. Mẹ yêu con.” Những giọt nước mắt nóng hổi chảy xuống ướt đẫm bức thư. Lòng Loan đau đớn. Nhận thức chung mà anh Hà, chồng cô nói, là kết quả này ư? Loan òa lên khóc nức nở, hai vai cô rung mạnh.

“Mẹ ơi, sao mẹ lại bỏ con đi…” Tiếng khóc của Loan yếu dần…

8. Nỗi khổ sau cánh cửa biệt thự đại gia

Lấy con nhà giàu, đó là mong muốn của một số cô gái hiện nay, vì như vậy có thể giúp họ thực hiện một cách dễ dàng các ước mơ mà phần lớn các cô gái rất khó thực hiện. Song, với thời gian, việc lấy chồng con nhà giàu đã nổi lên những vấn đề mặt trái của nó. Đó là luật lệ gia đình hà khắc mà nàng dâu phải chịu đựng, là sự ghẻ lạnh, khắc nghiệt của mẹ chồng. Do địa vị xã hội của những gia đình này, mẹ chồng – nàng dâu có sự khác biệt rất lớn về kinh tế, văn hóa, tập tục, quan niệm sống. Đây thật sự là những yếu tố may rủi mà nàng dâu phải đối mặt. Thực ra, đối với họ – những gia đình giàu có hoặc gia đình quan chức, hôn nhân chỉ là chiếc áo khoác, mặc vào để người ngoài xem, còn nàng dâu có sống hạnh phúc không, có được tôn trọng hay không, chỉ có người trong cuộc mới hay. Trong nhiều gia đình giàu có, quan chức, quan hệ mẹ chồng – nàng dâu đã căng thẳng đến mức không thể nhìn mặt nhau nữa, mẹ chồng khinh miệt, ghẻ lạnh nàng dâu, vậy mà nàng vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Trong khi đó, cuộc sống vợ chồng cũng không hạnh phúc, thiếu sự quan tâm đến nhau.

Vỡ mộng sau ngày cưới Hương là một người phụ nữ đẹp, hiền dịu, ăn mặc nhã nhặn, hợp mốt. Chị nói: “Anh có tin không, em đã ly dị. Cuộc hôn nhân của em chỉ kéo dài hai năm ba tháng. Ly dị, đối với một người đàn bà, vừa đau khổ vừa bơ vơ không biết bấu víu vào đâu…”.

Chương, chồng cũ của em là người đẹp trai, giỏi giang, nhiều cô gái trong công ty chạy theo anh. Em cũng được xét vào hàng xinh xắn, thông minh, ở trong công ty có tiếng là sắc sảo, khiến Chương bị thu hút. Thoạt đầu, anh lấy lý do công tác để tiếp cận em, quen rồi thì mời đi xem phim, dạo phố, ăn cơm, sau cùng hai đứa yêu nhau.

Hôm anh đưa em về ra mắt bố mẹ chồng tương lai, em rất đỗi kinh ngạc. Không ngờ Chương lại có gia đình vinh hiển như thế – bố là Bộ trưởng, mẹ là Vụ trưởng. Bố em chỉ là trưởng phòng, mẹ em là một công chức bình thường. Trong cái thành phố nhà cửa chen chúc, ồn ã này, gia đình Chương sống trong một ngôi biệt thự lớn, xung quanh yên tĩnh, cách biệt với sự huyên náo của một đô thị lớn. Ngôi biệt thự rất rộng, có vườn hoa, bể cá, hòn non bộ, gara ô tô. Cây cối xanh tốt, theo hàng lối, rợp bóng mát.

Bố mẹ Chương khá khách sáo, bố Chương ân cần dùng đũa chung gắp thức ăn cho em, bảo em cứ ăn tự nhiên. Mẹ Chương vừa khoe con trai, vừa hỏi han gia cảnh nhà em, ánh mắt nhìn em có vẻ là lạ thế nào ấy.

Hôm sau, Chương nói với em, bố mẹ nói chung là ưng em, bảo em là cô gái lễ phép, có học. Riêng mẹ Chương chưa hài lòng lắm. “Em có biết vì sao không?” – Chương nói, – “Vì mẹ anh bảo em xinh đẹp quá, sợ sau này không giữ nổi; hơn nữa bằng thấp quá, chỉ có cao đẳng…”.

Trời ơi, xinh đẹp cũng trở thành một lỗi ư? Em thật không hiểu nổi!

Em mang thai bốn tháng mới tổ chức đám cưới. Khi bước vào cánh cửa ấy, lòng em vô cùng sung sướng, em đã có tổ ấm của mình. Chương thường khoe mẹ là một người phụ nữ hiền lành, chính trực và nhiệt tình, em tự nhủ mình sẽ làm một cô con dâu hiếu thảo.

Nhưng cuộc sống sau lễ cưới không vui vẻ như em tưởng. Em phát hiện nhiều việc khiến em đau buồn nguyên nhân không ở Chương, mà ở mẹ chồng. Trước đó em tưởng hôn nhân chỉ là chuyện của hai người, chỉ cần hai người thương yêu nhau là được, bây giờ em mới biết mình đã nhầm.

Lễ cưới vừa kết thúc, mẹ chồng đã căn dặn em: “Gia đình này không như các gia đình bình thường khác, con đã bước vào nhà này, từ giờ trở đi phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của gia đình, nói gì làm gì phải suy nghĩ, không được tự làm theo ý mình, không được sai khiến chồng, phải thực hiện nghiêm túc bổn phận làm vợ, tuyệt đối vâng lời bố mẹ…”.

Nghe bà nói với giọng vô cảm, lạnh tanh, lòng em đau như bị dao cứa. Em dần nếm trải hết lượt nỗi tủi cực ẩn giấu sau cánh cửa lớn này.

Sự khinh miệt của mẹ chồng khiến em vô cùng đau đớn. Trong mắt bà, gia đình vinh hiển như nhà bà, con dâu phải là con nhà danh gia vọng tộc. Còn em, trước khi cưới đã hai lần phá thai vì Chương, hôm tổ chức lễ cưới còn đang mang thai. Bà cho rằng em đã làm tổn hại danh tiếng của gia đình bà. Từ ngày bước vào nhà Chương, tuy đang có mang nhưng em vẫn phải tự làm việc nhà, mẹ chồng không cho người giúp việc vào phòng em. Ban đầu em còn cố chịu đựng, vì cho rằng con dâu cần làm một ít việc nhà. Nhưng lâu rồi em cảm thấy tủi thân. Mẹ chồng không những thờ ơ, lạnh nhạt với em mà còn cố tình bới lông tìm vết, khắt khe với em. Bà không ưng ý cách em ăn mặc hay nói năng là sai con trai “chỉnh” em, nếu em chưa kịp sửa, bà đã nói bóng nói gió, mạt sát, chê bai đủ điều. Những gì bà không thích, em không được làm, cái gì cũng phải răm rắp theo ý mẹ chồng, nhìn nét mặt mẹ chồng mà làm.

Hôm em vào viện sinh con, mẹ chồng có đến bệnh viện, nhưng khi biết em sinh con gái, bà cau mày rồi bỏ đi. Mẹ em và anh Chương phải thay nhau vào chăm em.

Trong thời gian em nghỉ sinh, mẹ chồng lúc nào cũng nặng mày nặng mặt, chỉ cho người giúp việc giặt tã lót và đưa cơm. Một hôm, em nghe thấy mẹ chồng nói với người giúp việc ở ngoài hành lang rằng cháu gái hình như không phải con của con trai bà, rồi nói nhiều lời khó nghe. Em bực quá, chạy ra nói với mẹ chồng, cái gì em cũng có thể chịu đựng, riêng việc này thì không thể bỏ qua.

Con gái lớn dần lên, ngày càng xinh ra. Mẹ chồng theo dõi cháu gái chập chững bước đi ngoài sân, thấy cháu giống bố quá, dần dần mới chịu chấp nhận cháu mình, hai mẹ con cuối cùng cũng sống yên ổn được một thời gian. Trong quãng thời gian đó em cảm thấy nhẹ nhõm và vui vui. Mỗi lần mua mỹ phẩm và đồ bồi bổ, em đều mua thêm biếu mẹ chồng, bà vui vẻ nhận. Em không ngừng cố gắng thực hiện tâm nguyện của mình là cải thiện quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, để bà thật sự chấp nhận em từ đáy lòng.

Song mong muốn vẫn chỉ là mong muốn. Không được bao lâu, ngọn lửa bất hòa lại bùng lên. Hết thời gian nghỉ sinh, em xin thôi việc công ty, về mở một cửa hàng bán đồ gốm sứ. Thời kỳ đầu em bận túi bụi, về nhà rất muộn, con gái giao cho người giúp việc và anh Chương trông nom. Không hiểu sao, mẹ chồng dạo ấy thường xuyên “có việc” đi qua cửa hàng, rẽ vào nhìn ngó một lúc rồi về, trước khi đi còn căn dặn em phải về nhà sớm. Em thấy bà quan tâm đến mình như vậy thì hết sức cảm động. Nhưng một buổi tối, em đang bàn chuyện với khách hàng, bà đột ngột vào, hỏi khách hàng đến đây làm gì, sao lại đến muộn như vậy, khiến khách hàng phật lòng.

Em nói với Chương chuyện này. Chương vào phòng mẹ nói gì không biết, chỉ nghe giọng bà to dần lên: “Vợ anh xinh đẹp thế, bây giờ không làm cùng cơ quan, tôi không để mắt tới nó giúp anh, lỡ xảy ra chuyện trăng hoa thì đẹp mặt lắm đấy. Bà bỗng mở cửa nói lớn tiếng, mắng tôi rắp tâm chia rẽ mẹ con bà! Vì chuyện này, hai mẹ con mấy ngày không nói chuyện với nhau.

Tệ hơn là mỗi khi nhà có điện thoại, mẹ chồng lại đứng ở cửa nghe xem em nói gì, làm như hễ rời bà ra là em đi với người đàn ông khác. Nhưng Chương lại cho rằng hành động của mẹ anh thể hiện sự quan tâm đến em, sợ em làm ăn không khéo bị người ta lừa. Nhưng em thật sự không chịu nổi sự “giám sát” của mẹ chồng. Chương không những an ủi em mà còn trách em mỗi khi em “cãi lại” mẹ chồng. Chương là người con có hiếu nên lúc nào cũng khuyên em hãy chịu đựng, đừng để ý lời nói của mẹ.

Thời gian trôi, em dần hiểu ra một điều, cuộc đời ngắn ngủ, mình không thể sống mãi như vậy.

Chương tuy nói thương em nhưng mỗi khi em và mẹ có vấn đề là anh lại căn vặn em. Em nhiều lần bàn với anh ấy mua nhà ra ở riêng song anh chỉ ậm ừ, không quan tâm tới nguyện vọng của vợ. Sau nhiều lần hối thúc, Chương cáu, cằn nhằn: “Ở đây sống không tốt sao, em còn muốn gì nữa, bao nhiêu người mơ còn chẳng được!”

Nghe Chương nói mà em ngỡ ngàng. Thực ra, Chương đã không hài lòng về em từ lâu, tình cảm giữa chúng em đã có sự rạn nứt, em hiểu vết rạn đó từ đâu mà ra. Chương một mực chiều theo ý mẹ, không nghĩ đến quyền lợi của vợ, khiến tính cao ngạo coi thường em của mẹ chồng ngày càng lớn. Hôn nhân thiếu sự thông cảm và tôn trọng làm sao bền vững được. Em tủi thân nói: “Anh có biết em bây giờ sống khổ như thế nào không? Khổ về thể xác em còn chịu được, nhưng khổ trong lòng, anh có hiểu không! Anh hỏi em muốn gì ư? Em muốn anh quan tâm tới em, muốn được mẹ chồng hiểu và đùm bọc, muốn được mọi người tôn trọng nhân cách của em!”

Em đã vỡ mộng, duyên vợ chồng của em với Chương đến đó là hết, em đi ra khỏi cánh cửa đại gia nặng nề đó.

Hôn nhân là một cuộc lữ hành dài nhất của một đời người, tình yêu là nền tảng giữ cho hành trình đó đi đến nơi về đến chốn trong bầu không khí hạnh phúc. Lấy chồng nước ngoài xem ra hết sức lãng mạn, song có ai biết trong đó chứa rất nhiều nỗi niềm cay đắng. Phần lớn hôn nhân xuyên quốc gia không có nền tảng tình yêu, mà do nàng dâu mơ ước một cuộc sống đầy đủ về vật chất. Cho nên, nhiều cô gái lấy chồng nước ngoài đến nơi rồi mới phát hiện đó không phải là thiên đường, không những phải sống kham khổ mà bản thân còn bị đày đọa về thể xác và tinh thần. Hơn nữa, do sự khác biệt về văn hóa, lịch sử truyền thống, quan niệm về gia đình, các cô gái lấy chồng nước ngoài phải gánh chịu rủi ro và nhiều nỗi lo hơn các cô gái lấy chồng trong nước, có người thậm chí rơi vào bạo lực gia đình. Trong khi đó, ở nước ngoài, các nàng dâu Việt lại không hiểu luật pháp nước sở tại, không hiểu ngôn ngữ nên thường rơi vào thế yếu mỗi khi gặp rắc rối.

Vì thế, lấy chồng nước ngoài không lãng mạn ngọt ngào như chúng ta tưởng, chị em có ý định lấy chồng nước ngoài hãy thận trọng, tìm hiểu kỹ hoàn cảnh gia đình và tình trạng giáo dục của đối tượng, cân nhắc kỹ cuộc sống xa lạ mình sẽ phải trải qua, hãy quyết định lấy số phận của mình.

Mơ ước tan vỡ trước sự khác biệt về văn hóa Mẫn vừa trải qua một cuộc hôn nhân xuyên quốc gia đầy đau khổ và ngắn ngủi, cô trở về nước với tổn thương tinh thần. Cô hổ thẹn với bố mẹ, với bạn bè và không biết cuộc sống sau này sẽ ra sao… Sau khi tốt nghiệp đại học, Mẫn vào làm việc ở một công ty nước ngoài, lúc nào cô cũng mơ ước được sống ở nước ngoài.

Trước đó Mẫn đã có người yêu, khi ra nước ngoài, anh ta đã ruồng bỏ Mẫn. Mẫn rất đau khổ vì đó là mối tình đầu của cô. Nhưng với tính cách sôi nổi và cởi mở, “nỗi buồn nhanh chóng qua đi như “sấm mùa hạ”. Bố mẹ Mẫn thúc giục Mẫn lấy chồng. Nhưng Mẫn không thích những anh chàng đang theo đuổi cô, không ai tạo cho Mẫn cảm giác an toàn, và thu nhập của họ… ít quá, không có điều kiện để Mẫn di cư sang nước ngoài. Lúc đó, Mẫn cho rằng ra nước ngoài là con đường nhanh nhất để thoát khỏi cuộc sống vô vị hiện nay.

Hai năm trước, do công việc, Mẫn quen với một người Pháp hơn cô 8 tuổi, đã có một đời vợ và một cậu con trai. Mới quen nhau, anh chàng đã say mê Mẫn. Mẫn không yêu anh ta, nhưng Mẫn yêu một ước mơ, ước mơ trở thành cô vợ giàu có ở xứ người, ước mơ thay đổi cuộc sống bằng một cuộc hôn nhân xuyên quốc gia. Vì vậy, Mẫn nhận lời cầu hôn của anh ta, bất chấp sự phản đối quyết liệt của bố mẹ. Sau tuần trăng mật ngọt ngào, cuộc sống trở lại diện mạo vốn có. Do sự khác biệt về thói quen sinh hoạt và quan niệm giá trị, cuộc sống hôn nhân của Mẫn đã xuất hiện nhiều nốt nhạc lạc lõng.

Về tới Paris, Mẫn và chồng ở riêng, thỉnh thoảng về thăm bố mẹ chồng. Một lần, về thăm bố mẹ chồng, do không quen đồ ăn Pháp, nửa đêm Mẫn bị cơn đói đánh thức, cô vào bếp mở tủ lạnh lấy đồ ăn, mẹ chồng bỗng xuất hiện, nghiêm nét mặt nói: “Cô không hiểu quy củ gì cả, cô không được ăn thứ ấy, đó là bữa sáng của tôi và bố chồng cô”.

Mẫn ngượng chín mặt, để đồ ăn vào tủ lạnh, bẽ bàng trở về phòng ngủ. Cô chưa bao giờ bị ai mắng như vậy, tủi thân quá ôm mặt khóc rưng rức. Chồng Mẫn bị tiếng khóc của vợ đánh thức, nghe vợ kể xong, anh ta cười bảo: “Nhà anh là thế, ai muốn ăn gì phải tự đi mua. Vợ chồng mình về thăm bố mẹ, còn phải nộp tiền cơm nữa đấy!”

Nhớ lại nét mặt nghiêm khắc của mẹ chồng, Mẫn hỏi: “Mẹ anh không thích em phải không?”

“Không hẳn thế, nhưng mẹ anh cho rằng người phương Đông lấy chồng Tây là nhằm thoát khỏi cái đói nghèo ở trong nước hoặc hòng chia tài sản của chồng”.

Mẫn nghe chồng nói mà bực mình, định hỏi: “Thế còn anh, anh nghĩ như thế nào?”, nhưng lại nghĩ, bây giờ ván đã đóng thuyền, dù anh ta nói gì đi chăng nữa cũng thế cả thôi, nên im lặng.

Mẫn sinh con, mẹ chồng quý cháu lắm, rất thích chơi với cháu, nhưng hễ cháu khóc hoặc quấy, bà trả ngay cho Mẫn, không dỗ dành cháu. Mẫn thấy lạ, hỏi chồng, mới biết người già phương Tây quan niệm rằng bố mẹ không có nghĩa vụ giúp con trông cháu.

Con trai lên hai tuổi rưỡi, Mẫn nghĩ, nên dạy con học thêm tiếng nói của đất nước mình. Nhưng cháu còn nhỏ quá, không thích học, Mẫn ép buộc con theo ý mình. Một hôm, mẹ chồng đến chơi, thấy cháu ngồi uể oải trước bàn học, liền bảo Mẫn thôi đi. Mẫn đang định phân trần thì bà bảo: “Không được cãi lại. Tôi không muốn cháu tôi học sớm như vậy, bây giờ nó đang tuổi ăn tuổi chơi, cứ để nó vui chơi thỏa thích”. Mẫn bực lắm, nhưng cố giữ lễ phép.

Biết chuyện, chồng Mẫn an ủi: “Người Pháp không thích cho trẻ em học trước tuổi mà muốn cho chúng vui chơi thỏa thích, phải vào lớp một mới bắt đầu dạy học”. Tuy vậy, hễ có thời gian hoặc mẹ chồng đi vắng, Mẫn lại tranh thủ dạy con học chữ. Cuộc hôn nhân bước vào năm thứ ba thì lâm vào ngõ cụt. Cuộc sống của Mẫn không bằng ở trong nước. Do hai vợ chồng sống theo cơ chế AA, tiền tiết kiệm của Mẫn mang theo không còn là bao, tuy bố mẹ thỉnh thoảng có gửi tiền cho Mẫn, nhưng với mức tiêu dùng ở Pháp, số tiền đó không thấm tháp gì. Mẫn đành phải ra cửa hàng ăn người Hoa làm thêm, công việc rửa bát trông đơn giản nhưng mỗi khi xong việc, Mẫn thường rất mệt, lưng đau đến nỗi không duỗi thẳng được, chỉ muốn nằm nghỉ vài ngày. Nhưng vì sinh tồn, vì sĩ diện, Mẫn đành phải gắng sức…

Tối hôm ấy Mẫn đi làm về sớm hơn mọi khi, khi bước vào phòng, cô sững người, chồng cô và một người đàn bà trẻ đang ở trên giường.

“Cút đi!” Mẫn tức giận thét lên, xông thẳng vào người đàn bà đó. Chồng cô vội giữ cô lại, để người tình mặc quần áo rời khỏi phòng.

“Người đó là ai?” Mẫn trừng mắt hỏi chồng. “Đó là chuyện riêng của tôi, xin cô tôn trọng tôi”. Chồng cô thản nhiên nói.

“Chuyện riêng tư?” Mẫn với lấy chiếc đèn bàn ném thẳng vào mặt chồng. Anh chồng tránh được, kinh ngạc nói: “Người giúp việc và con đang ở dưới nhà, mẹ tôi cũng ở đó, cô muốn họ nghe thấy à, sao cô lỗ mãng thế?”

Mẫn không nói chuyện với anh ta, cô chạy xuống gác tìm mẹ chồng, hỏi: “Con trai mẹ đang có quan hệ với một người đàn bà khác, sao mẹ vẫn để yên?” Mẹ chồng thản nhiên nói: “Cô đừng nóng, ở Pháp, chuyện đó là bình thường. Cô tưởng cô là ai?”

Lời nói của mẹ chồng khiến Mẫn đau khổ, hai dòng nước mắt nóng hổi lăn trên má, cô như rơi xuống địa ngục.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button