Kỹ năng mềm

21 Phẩm Chất Vàng Của Nhà Lãnh Đạo

Lời giới thiệu

21-pham-chat-vang-cua-nha-lanh-dao-ebookBạn mơ ước điều gì? bạn thấy mình đang làm gì trong giấc mơ lớn của chính mình? Điều gì đang ngăn cách bạn và ước mơ đó? Câu trả lời chính là nghệ thuật lãnh đạo. Tiến sĩ John Maxwell, tác giả cuốn sách này khẳng định: “mọi thành bại đều do nghệ thuật lãnh đạo, song biết cách lãnh đạo mới chỉ làm nên nửa cuộc chiến. Hiểu nghệ thuật lãnh đạo và thật sự lãnh đạo là hai việc hoàn toàn khác nhau”. Chìa khóa biến bạn từ người nắm vững nguyên tắc lãnh đạo thành nhà lãnh đạo đích thực nằm ngay trong tính cách của bạn. Những phẩm chất, tính cách sẽ khơi nguồn, thúc đẩy tài năng lãnh đạo, và tạo dựng thành công cho bạn. Một phần năng lực phát triển mà nhà lãnh đạo có được là nhờ học hỏi các nguyên tắc. Đó là những công cụ rất hiệu quả. Nhưng muốn đạt đến cấp độ lãnh đạo cao nhất, bạn phải dựa vào sức mạnh nội tại – những phẩm chất làm nên con người bạn. Khi nghiên cứu về những nhà lãnh đạo vĩ đại, bạn sẽ thấy tất cả họ đều sở hữu 21 phẩm chất được đề cập trong cuốn sách này: sứs hút, lòng cản đảm, sự tận tâm, thái độ tich cực, tinh thần trách nhiệm… Nếu bạn có thể trở thành nhà lãnh đạo theo cách bạn nên làm từ bên trong, bạn có thể trở thành nhà lãnh đạo theo cách bạn muốn ở bên ngoài. Mục đích của cuốn sách này là giúp bạn khám phá, sàng lọc và phát huy những tố chất cá nhân cần thiết của một nhà lãnh đạo thực thụ, mẫu người mà tất cả mọi người đều muốn đi theo.

Ebook

NguồnChọn định dạng
SachvuiEPUB
TVEEPUB, MOBI, PDF
Link dự phòngChưa cập nhật

Đọc sách

Phiên bản đọc thử giúp đọc giả tham khảo trước khi mua sách giấy.

LỜI MỞ ĐẦU

Điều gì khiến mọi người muốn đi theo một nhà lãnh đạo? Tại sao mọi người miễn cưỡng tuân theo người này, trong khi lại có thể rong ruổi cùng một viên thủ lĩnh khác? Điều gì tạo nên sự khác biệt giữa một người chỉ giỏi lý thuyết với một nhà lãnh đạo thực thụ? Câu trả lời nằm trong những phẩm chất và tính cách của mỗi cá nhân.

Liệu bạn có sở hữu những phẩm chất cần thiết để trở thành nhà lãnh đạo tài ba mẫu người có thể lôi cuốn người khác và làm nên việc lớn không? Tức là, nếu dành thời gian suy ngẫm về bản thân, liệu bạn có thấy những tố chất cần thiết để thổi sức sống vào những giấc mơ táo bạo nhất của mình không? Đó chính là câu hỏi mà mỗi chúng ta cần phải đặt ra và tự trả lời nếu muốn phát huy tiềm năng thật sự.

Mục đích của cuốn sách này là giúp bạn khám phá, sàng lọc và phát huy những tố chất cá nhân cần thiết của một nhà lãnh đạo thực thụ, mẫu người mà tất cả mọi người đều muốn đi theo. Nếu đã đọc cuốn The 21 Irrefutable Laws of Leadership (21 nguyên tắc vàng của nghệ thuật lãnh đạo), bạn sẽ hiểu rằng, trở thành một nhà lãnh đạo cần có thời gian. Theo Nguyên tắc Tiến trình, năng lực lãnh đạo phải được bồi đắp mỗi ngày, chứ không phải chỉ trong một ngày. Sự phát triển đó một phần nhờ vào việc học hỏi nguyên tắc lãnh đạo, vì đó là những công cụ chỉ ra cách thức hoạt động của công việc lãnh đạo. Tuy nhiên, hiểu thuyết lãnh đạo, và thật sự làm lại là hai việc hoàn toàn khác nhau.

Gần đây, tôi có nói chuyện với một người bạn là Bill Freeman hiện là giám đốc của Watkins Associated Industries tập đoàn xe tải tư nhân lớn nhất nước Mỹ. Bill là một nhà điều hành xuất sắc, và giống như tất cả những nhà lãnh đạo giỏi khác, anh không ngừng tìm kiếm những phương thức học hỏi và phát triển mới.

“Tôi đang đọc cuốn sách 21 nguyên tắc vàng của nghệ thuật lãnh đạo”, Bill nói với tôi. “Nó có ảnh hưởng khá lớn tới tôi”. Sau đó, Bill kể ra một vài ảnh hưởng: “Để tôi cho anh biết, tôi đọc cuốn sách này như thế nào. Mỗi sáng, tôi đọc một chương và trong suốt ngày hôm đó, tôi suy nghĩ về nguyên tắc đã đọc. Khi làm việc, tôi ngẫm nghĩ về bản thân và tự hỏi: Tôi làm được gì với nguyên tắc lãnh đạo này? Tôi quan sát mọi người trong văn phòng và xem họ có áp dụng nguyên tắc đó không. Tôi đánh giá toàn bộ công ty theo nguyên tắc đó, quan sát, nhận xét và suy ngẫm. Mỗi sáng lại là một nguyên tắc khác nhau. Tôi đã thật sự được mở mang tầm mắt.”

Bill thật sự đã chạm tới dòng suy nghĩ của tôi. Lời nhận xét của anh đã thôi thúc tôi viết cuốn sách này. Bill phát triển năng lực lãnh đạo ngay từ bên trong. Nhà lãnh đạo tài năng thường dựa vào con người bên trong của họ những phẩm chất làm nên con người họ. Và để đạt tới trình độ lãnh đạo cao nhất, họ phải thể hiện những phẩm chất này.

Sau buổi nói chuyện với Bill, tôi đã suy ngẫm về phẩm chất của những nhà lãnh đạo hàng đầu mà tôi biết, những con người mà mọi người đều thật sự muốn đi theo. Tôi tìm kiếm những điểm chung giữa họ. Tôi nói chuyện với những nhà lãnh đạo khác và lắng nghe họ. Tôi nghiên cứu những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn và chọn ra 21 phẩm chất tất cả những nhà lãnh đạo kiệt xuất đều có.

Khi đọc cuốn sách này, bạn sẽ có cảm giác mình có thể lướt qua vài chương liền một lúc, thậm chí đọc liền một mạch cả cuốn sách. Nhưng đừng làm vậy! 21 phẩm chất vàng của nhà lãnh đạo cần được đọc theo cách của Bill Freeman: có chiến lược và có phương pháp.

Hãy gắn bó với cuốn sách này. Hãy đọc từng chương sách, và dùng nó để liên hệ, suy xét, và làm mới bản thân. Nếu phẩm chất bạn đang đọc là điểm yếu của bạn, hãy chuyên tâm vào nó trước khi chuyển sang chương tiếp theo. Bạn có thể lặp lại quá trình này vài lần trong một năm để hun đúc mỗi phẩm chất đó vào tính cách của bạn.

Mọi việc đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo. Năng lực lãnh đạo thực chất phát triển từ trong ra ngoài. Nếu bạn trở thành nhà lãnh đạo theo cách bạn nên làm ở bên trong, thì bạn có thể trở thành nhà lãnh đạo theo cách bạn muốn ở bên ngoài. Mọi người sẽ ủng hộ và đi theo bạn. Và khi đó, bạn có thể giải quyết mọi chuyện.

1. TÍNH CÁCH

Một phần của cuộc chơi

Lãnh đạo là năng lực và ý chí tập hợp mọi người theo một mục đích chung, và là tính cách khơi nguồn sự tin tưởng.

BERNARD MONTGOMERY, Nguyên soái nước Anh

Đừng bao giờ “vì sự yên tĩnh và thanh bình” mà phủ nhận kinh nghiệm và niềm tin của bạn.

DAG HAMMARSKJÖLD,

Chính trị gia, Người đoạt giải Nobel Hòa Bình

ĐIỂM HỘI TỤ

Nếu từng đi máy bay của các hãng hàng không nhỏ, hoặc có nhiều kinh nghiệm đi máy bay liên hợp, có thể bạn đã từng thấy hoặc bay trên một chiếc Lear Jet (máy bay phản lực). Tôi đã có dịp đi một vài lần, và đó quả là những trải nghiệm thú vị. Những chiếc máy bay phản lực nhỏ gọn, cực nhanh này chỉ có thể chở được năm hoặc sáu hành khách. Bạn sẽ có cảm giác như đi trên một xe điện ngầm nhỏ hẹp, với động cơ phản lực gắn đằng sau.

Nhưng điều ngạc nhiên nhất với tôi về loại máy bay này là thời gian mà tôi tiết kiệm được nhờ nó. Tôi đã bay hàng triệu dặm, và quá quen với những chuyến xe đường dài tới sân bay, việc trả xe ô tô thuê, tắc nghẽn ở sân đón khách, và dĩ nhiên cả những lần trì hoãn bất tận. Bay trên một chiếc Lear Jet có thể giúp bạn giảm một nửa thời gian đi lại.

Cha đẻ của loại máy bay này là Bill Lear. Là một nhà phát minh, một phi công, và một nhà lãnh đạo doanh nghiệp, Lear có trong tay hơn 150 bằng sáng chế, gồm cả những sáng chế về máy bay không người lái, đài radio cho ô tô, và băng thu tám trục… Lear luôn là người tiên phong , ngay từ những năm 1950, ông đã nhìn thấy tiềm năng của việc sản xuất máy bay phản lực liên hợp cỡ nhỏ. Ông đã phải mất vài năm để biến giấc mơ đó thành hiện thực. Vào năm 1963, chiếc Lear Jet đầu tiên thực hiện chuyến bay mở màn của mình, và ngay năm 1964, ông đưa sản phẩm đầu tiên đến tay khách hàng.

Thành công của Lear đến tức thì, số lượng máy bán được tăng lên nhanh chóng. Song, không lâu sau khởi đầu rực rỡ đó, hai vụ tai nạn máy bay đã khiến Lear bị sốc. Tại thời điểm đó, Lear đã bán được 55 chiếc Lear Jet và ông ngay lập tức gửi thông điệp yêu cầu tất cả chủ sở hữu tạm thời dừng sử dụng máy bay cho đến khi ông và các nhân viên kỹ thuật tìm ra nguyên nhân của những vụ tai nạn đó. Với ông, ý nghĩ rằng nhiều sinh mạng nữa có thể mất đi còn quan trọng hơn rất nhiều so với dư luận tiêu cực có thể xuất hiện trên các phương tiện thông tin.

Khi nghiên cứu hai chiếc máy bay bị nạn, Lear đã tìm ra nguyên nhân nhưng không thể chỉ rõ sự cố kỹ thuật đó. Chỉ có một cách để biết chắc đó là sự cố nên đích thân ông đã lái thử một chiếc máy bay để kiểm chứng.

Đó là một việc nguy hiểm, nhưng ông phải làm vậy. Khi lái chiếc máy bay phản lực, ông gần như mất kiểm soát và suýt chút nữa chịu chung số phận như hai viên phi công kia. Nhưng ông đã xoay sở được và vượt qua cuộc thử nghiệm, tìm ra lỗi kỹ thuật. Lear đã chế tạo ra một bộ phận mới để giải quyết vấn đề, và thay thế bộ phận đó cho toàn bộ 55 chiếc máy bay, loại bỏ được mối nguy hiểm.

Việc yêu cầu khách hàng tạm thời ngừng sử dụng máy bay đã gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho Lear. Và sự kiện này cũng khiến những khách hàng tiềm năng cảm thấy e ngại và do dự. Do vậy, ông phải mất hai năm để gây dựng lại công việc kinh doanh. Song, Lear chưa từng hối hận vì quyết định của mình. Ông sẵn sàng đánh đổi sự thành công, giàu có, và thậm chí cả mạng sống để tìm ra nguyên nhân của việc rơi máy bay. Điều đó có được nhờ cá tính của ông.

BỒI ĐẮP

Cách nhà lãnh đạo giải quyết tình huống trong cuộc sống cho bạn biết nhiều điều về tính cách của người đó. Biến cố không nhất thiết tạo nên tính cách, nhưng sẽ hé mở nhiều điều về tính cách. Ngã ba đường khiến người ta phải chọn một trong hai con đường: tính cách hay sự thỏa hiệp. Mỗi lần tính cách được chọn, người đó sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, dù cho sự lựa chọn đó đem lại hệ quả xấu. Như nhận định của Alexander Solzhenitsyn – người từng đoạt giải Nobel: “Khác với suy nghĩ của chúng ta, ý nghĩa của sự tồn tại không nằm ở thành công, mà nằm trong sự phát triển của tâm hồn.” Sự phát triển tính cách là phần quan trọng nhất trong sự phát triển của chúng ta, không chỉ đối với một người lãnh đạo, mà còn với một con người.

Những điều cần biết về tính cách con người:

1. Tính cách không chỉ là lời nói

Ai cũng có thể nói rằng mình chính trực, nhưng hành động mới thật sự là thước đo. Tính cách quyết định bạn là ai. Bạn là ai quyết định điều bạn thấy. Điều bạn thấy quyết định việc bạn làm. Đó là lý do không bao giờ tách biệt được tính cách và hành động của một nhà lãnh đạo. Nếu hành động và ý định của một nhà lãnh đạo liên tục “lệch pha” nhau, hãy xem tính cách của anh ta để biết tại sao.

2. Tài năng là một món quà, nhưng tính cách là một chọn lựa

Chúng ta không thể kiểm soát được mọi chuyện. Chúng ta không được lựa chọn bố mẹ, nơi sinh ra và lớn lên, năng khiếu hay IQ của chúng ta. Song, chúng ta có thể lựa chọn tính cách của mình. Thực tế, chúng ta có thể tạo ra nó mỗi lần đưa ra sự lựa chọn ₋ né tránh hay đào xới một vấn đề nan giải, bóp méo sự thật hay gánh chịu sức ép của nó, chấp nhận một món hời hay trả đúng giá cho nó. Qua những lựa chọn trong cuộc sống, bạn không ngừng tạo dựng tính cách của mình.

3. Tính cách mang lại thành công lâu dài

Tài năng lãnh đạo đích thực luôn thu hút được những người khác. (Ngạn ngữ về lãnh đạo có câu, nếu bạn nghĩ mình đang dẫn lối nhưng chẳng ai đi theo bạn, thì thực ra bạn chỉ đang đi dạo mà thôi). Mọi người thường không tin tưởng những nhà lãnh đạo không có tính cách tốt đẹp, và họ sẽ không tiếp tục ủng hộ những người như thế.

4. Nhà lãnh đạo không thể vượt qua hạn chế trong tính cách của họ

Bạn đã từng thấy những tài năng kiệt xuất bất chợt sụp đổ khi họ đạt tới một mức thành công nào đó chưa? Điểm mấu chốt của hiện tượng đó là tính cách. Steven Berglas, nhà tâm lý học thuộc trường y Harvard và tác giả cuốn The Success Syndrome (Hội chứng thành công), cho rằng những người đạt thành tích cao, nhưng thiếu nền tảng tính cách để giúp họ kiên cường trước áp lực, sẽ dẫn tới thảm họa. Ông tin rằng số phận họ gắn với một hoặc hơn một trong bốn nét tính cách sau: ngạo mạn, cảm giác đau khổ của sự cô đơn, thói kiếm tìm sự mạo hiểm tiêu cực, hoặc ngoại tình. Mỗi đặc tính là một cái giá mà bạn phải trả cho mỗi điểm yếu trong tính cách.

SUY NGẪM

Nếu nhận thấy mình đang vướng vào một trong số bốn đặc điểm mà Berglas chỉ ra, hãy dành cho mình một kỳ nghỉ. Hãy làm gì đó để có thể thoát khỏi sự căng thẳng sau thành công của bạn, và tìm sự giúp đỡ chuyên nghiệp. Đừng nghĩ rằng tình huống bạn đang gặp phải sẽ dần qua đi cùng với thời gian, tiền bạc, hay vị thế cao hơn. Những vết nứt gãy trong tính cách sẽ chỉ càng sâu thêm, và tiêu cực hơn theo thời gian.

Nếu không có bốn điều kể trên, bạn vẫn nên kiểm tra tình trạng tính cách của mình. Hãy tự hỏi liệu trong mọi tình huống, lời nói và hành động của bạn có khớp nhau không? Khi bạn nói mình sẽ hoàn thành một công việc, bạn có thực hiện được điều đó không? Nếu bạn hứa với lũ trẻ rằng bạn sẽ tới xem một buổi diễn hay trận đấu của chúng, bạn có thật sự đến đó không? Liệu mọi người có thể tin tưởng vào cái bắt tay của bạn khi ký một hợp đồng pháp lý không?

Khi lãnh đạo người khác hãy nhớ rằng tính cách của bạn là vốn quý nhất. G.Alan Bernard, giám đốc của công ty Mid Park, đã phát biểu: “Người lãnh đạo phải có được sự tôn trọng bằng đạo đức trong sáng của mình. Một nhà lãnh đạo không chỉ đứng trên vạch đúng sai, mà còn phải giữ được mình khi ở trong vùng ‘ranh giới đó’.”

ĐÚC KẾT

Để cải thiện tính cách của mình, hãy:

• Dò tìm sai sót. Hãy dành chút thời gian nhìn lại những mảng lớn trong cuộc sống của bạn (công việc, hôn nhân, gia đình…), và xác định những thời điểm bạn không thành thật, thỏa hiệp, hoặc làm ai đó thất vọng. Hãy viết ra từng sự kiện trong vòng hai tháng qua.

• Tìm kiếm khuôn mẫu. Xem xét kỹ những điều vừa viết. Liệu bạn có điểm yếu, hay một kiểu vấn đề nào đó luôn gặp phải không? Những khuôn mẫu như vậy sẽ giúp bạn chẩn đoán những vấn đề tính cách.

• Đối mặt. Việc sửa đổi tính cách chỉ bắt đầu khi bạn dám đối mặt với những lỗi lầm của mình, nói lời xin lỗi, và khắc phục những hậu quả từ hành động của bạn. Viết ra danh sách những người cần xin lỗi rồi xin lỗi họ bằng những lời xin lỗi chân thành.

• Tái dựng. Đối mặt với những việc làm và lỗi lầm trong quá khứ là một việc. Gây dựng con đường phía trước lại là một việc khác. Khi đã nhận ra những điểm yếu của mình, hãy lập kế hoạch để không tái phạm những lỗi đó.

BÀI HỌC MỖI NGÀY

Một người đàn ông đưa đứa con gái nhỏ tới một lễ hội, cô bé ngay lập tức chạy tới một quán hàng và đòi mua kẹo bông. Khi người bán hàng đưa cho cô bé một cái kẹo khổng lồ, người cha hỏi: “Con yêu, con có chắc sẽ ăn hết chỗ đó không?”

“Cha đừng lo”, cô bé trả lời: “Bụng con lớn hơn vẻ bên ngoài nhiều.”

Đó chính là ý nghĩa thật sự của tính cách tốt đẹp – bên trong lớn hơn bên ngoài.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button