Kỹ năng mềm

21 Bí Mật Của Những Nhà Diễn Thuyết Tài Ba Nhất Lịch Sử

Lời giới thiệu

Abraham Lincoln, Winston Churchill, Martin Luther King, Margaret Thatcher… là những chính trị gia nổi tiếng trên thế giới. Họ được đông đảo công chúng biết tới vì những gì họ đã làm cho đất nước, cho lý tưởng họ theo đuổi hay những thành công trong sự nghiệp. Để thành công, họ không chỉ cần tài năng mà cần thành thạo những kĩ năng cần thiết của một nhà lãnh đạo. Một trong số đó là nghệ thuật diễn thuyết trước công chúng. Cuốn sách mỏng của Giáo sư về Ngôn ngữ và Lãnh đạo tại Đại học Nam Colorado, James C. Humes, người từng soạn các bài diễn văn cho năm vị Tổng thống của nước Mỹ, là tập hợp 21 kĩ năng trong nghệ thuật diễn thuyết, bao gồm nghệ thuật tạm dừng trước khi phát biểu, nghệ thuật nói lời mở đầu, nghệ thuật thể hiện phong thái, nghệ thuật thể hiện thông điệp… với nhiều câu chuyện minh họa thực tế, sinh động từ các diễn giả lừng danh trên thế giới.

Demosthenes, vị diễn giả nổi tiếng nhất thành Athens, khi được hỏi đâu là ba thử thách dành cho một diễn giả vĩ đại đã trả lời rằng: “Hành động, hành động và hành động!”. Winston Churchill, chính trị giả nổi tiếng với vai trò Thủ tướng Anh, là một “chú Sư tử” mạnh mẽ. Khi nước Anh kiệt quệ do chiến tranh, ông đã biến ngôn từ của mình thành vũ khí và làm Đức quốc xã khiếp sợ, khiến chúng chùn bước không dám xâm chiếm Anh quốc. Chiếc kính gọng đen nặng mà ông đeo khi đọc diễn văn, điếu xì gà ve vẩy trên tay trái và ngón tay đặt hình chữ “V chiến thắng” được giơ lên bằng tay phải là những dấu hiệu mang tính chính trị rõ nét. Abraham Lincoln, vị Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, nổi tiếng với bài diễn văn Gettysburg chỉ dài hai phút, không hề đọc bài phát biểu viết sẵn, thậm chí cũng không hề nhìn vào tờ giấy. Ông tập trung vào khán giả và nói chuyện trực tiếp với họ, như thể những lời nói đó được lấy ra từ trái tim mình.

Cùng với Benjamin Franklin, một trong những người thành lập đất nước nổi tiếng của Hoa Kỳ và Ronald Reagan, vị Tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ, họ đều là những bậc thầy về kể chuyện. Martin Luther King, một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ cũng như lịch sử đương đại của phong trào bất bạo động, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1964, người da màu trong thế giới da trắng của người Mỹ, đã tìm ra cách để được lắng nghe. Ông nổi tiếng với các bài phát biểu đậm chất thơ, nắm vững nghệ thuật nói lời kết cho các bài phát biểu… Napoleon, một trong những nhân vật có sức ảnh hưởng lớn trong lịch sử thế giới, bởi ngoài những ưu thế khác thì ông còn rất biết cách tạo sức thu hút đối với mọi người. Giống như Juarez, luật sư và chính trị gia của Mexico sống vào thế kỷ XIX, Napoleon không có lợi thế về dáng người, và khi truyền đạt với quân đội Pháp, ông nói bằng giọng đặc tiếng Ý của đảo Corse, hòn đảo nơi ông sinh ra. Nhưng ông thường đứng yên lặng trong khoảng 40 đến 50 giây trước khi phát biểu. Như thể cứ mỗi giây ông chờ đợi thì trong mắt binh lính ông lại cao thêm 1cm. Nhà quân sự -­­ chính trị này đã sử dụng nghệ thuật tạm dừng trước khi phát biểu như chiếc chìa khóa nâng cao tầm quan trọng cho thông điệp của mình.

Cho dù họ là chính khách, nhà quân sự, diễn giả lừng danh hay nhà hoạt động xã hội… thì không phải tất cả những cá nhân đó đã vĩ đại ngay từ lúc sinh ra. Họ đều là những người nghệ sĩ không ngừng mài giũa các kỹ năng thuyết trình để củng cố thông điệp. Họ đều sở hữu những bí mật diễn thuyết tuyệt vời để thành công trong vai trò lãnh đạo, vượt qua nhiều rào cản chính trị và kêu gọi được sự ủng hộ đông đảo của công chúng.

Ebook

File ebook hiện chưa có . Comment tại trang này email của bạn để Downloadsach gửi link ngay khi tìm kiếm được trên Internet. Gợi ý : Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Đọc sách

Phiên bản đọc thử giúp đọc giả tham khảo trước khi mua sách giấy.

Khả năng nói chuyện và quảng bá về công ty của giám đốc điều hành chính là nhân tố then chốt trong việc quyết định giá trị của công ty đó trên thị trường. Harold Burson, người sáng lập kiêm lãnh đạo của một trong những công ty về quan hệ công chúng lớn nhất Hoa Kỳ, Burson & Marsteller, đã tiến hành một cuộc khảo sát. Kết quả cho thấy 86% các chuyên gia phân tích đều nói rằng họ “sẽ mua cổ phiếu dựa trên danh tiếng của CEO công ty đó”. Burson kết luận rằng chính nhân cách và khả năng bán hàng của CEO mới là nhân tố then chốt cho sự phát triển lành mạnh của công ty. Nếu vị giám đốc điều hành không thể thuyết phục, đảm bảo và quảng bá về thế mạnh độc nhất cũng như tương lai của công ty thì công ty đó sẽ đứng bên bờ vực thẳm.

Burson cũng khẳng định rằng những dịch vụ mà một công ty quan hệ công chúng cung cấp, chẳng hạn công ty của ông, không thể tự nó biến vị CEO đó thành một ngôi sao bán hàng hay trở thành nhân tố đưa sản phẩm thâm nhập thị trường quan trọng bậc nhất của công ty.

Các chuyên gia quan hệ công chúng có thể giúp viết lời thuyết trình cho một CEO, chuẩn bị thông cáo báo chí tạo ra các hình ảnh minh họa trực quan, giúp CEO thực hành cách phát âm chuẩn và khiến giọng địa phương của vị CEO đó bớt nặng. Họ cũng có thể dựng lên những câu chuyện viết trong tờ Wall Street Journal hay Forbes, nhưng họ không thể tạo ra một nhân vật công chúng xuất sắc được.

Ngày nay, 60% các công ty từng có mặt trong danh sách Fortune 500 vào năm 1970 đã không còn tồn tại. Giá trị cổ phiếu của các công ty vào thời đó được đánh giá theo giá trị các bất động sản công ty nắm giữ, các nhà máy, công xưởng, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển, khả năng đi lại thông với đường quốc lộ cũng như những yếu tố vật lý khác. Còn trong thời kỳ “cách mạng thông tin” như ngày nay thì những tài sản hữu hình từng có giá trị trong quá khứ nay không còn nữa, do đó chúng không được tính đến. Vậy bạn tính giá trị của một phần mềm bằng cách nào? Làm thế nào bạn có thể áp một giá trị cụ thể lên một thông tin nhất định nào đó?

Trong bối cảnh với nhiều thay đổi nhiễu loạn này, khả năng thuyết phục của lãnh đạo cấp cao chính là nhân tố đo lường then chốt nhất. Ví dụ khi Steve Jobs quay trở lại làm việc cho Apple, cổ phiếu công ty này tăng lên 200% trong một ngày bởi trong ông toát lên năng lực cũng như sự tự tin.

Hãy tự hỏi mình điều này: Tôi có các kỹ năng giao tiếp để đi đến đỉnh cao không? Tôi có năng lực của một ngôi sao để giúp công ty mình liên tục phát triển không?

Kỷ nguyên của cá nhân kiệt xuất

Nếu ngày nay là một thế giới của sự thay đổi thì nó cũng là kỷ nguyên của sự sùng bái cá nhân kiệt xuất.

Những người sáng lập tạp chí Time hiểu rõ điều đó. Tạp chí People, sinh sau đẻ muộn sau Time, nhưng giờ lại bán chạy hơn tờ cha chú của nó nhiều lần.

Hollywood biết rõ điều này. Năng lực của một ngôi sao thể hiện ở khả năng cung cấp tài chính và tiếp thị cho một bộ phim mới. Kịch bản và cốt truyện hầu như không có liên quan.

Thế giới chính trị gia hiểu điều đó. John Major, Thủ tướng Anh từ năm 1990 đến 1997, đã bị đánh bại cách biệt trong chiến dịch tái tranh cử. Một số người cho rằng thất bại của ông là do vướng phải những vụ bê bối tình dục. Mặc dù những vụ bê bối tình dục đó không ảnh hưởng được đến ông, nhưng với tư cách là người lãnh đạo đảng cầm quyền, ông là con cừu bị “làm thịt” trong vụ giết mổ chính trị đó. Vì sao? Bởi sự xuất hiện của một nhân vật kiệt xuất ở phía đối lập với ông, Tony Blair.

***

Trong bài báo số ra ngày 2 tháng 2 năm 2001, tờ New York Times đã đăng tin Tony Blair là vị Thủ tướng Anh nổitiếng nhất trong lịch sử, hơn cả Churchill hay Thatcher. Tuy nhiên, bài báo cũng trích lời của một quan sát viên cho rằng Thủ tướng Blair thể hiện “phong cách trình bày quá khéo léo, hay hơn cả bản thân bài phát biểu”. Bài báo còn nói rằng cách thể hiện của ông là “quá khéo léo khi nói về những thành tựu chứ không phải bản chất thực sự của những thành tựu đó”.

Tony Blair là nghệ sĩ về thuyết trình. Người đồng cấp là Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton thân thiết của ông cũng vậy. Bất chấp những lời gièm pha, buộc tội hay vụ bê bối tình ái Monica Lewinsky (chưa kể tới vụ “Whitewater”, “Filegate” và “Travelgate”), danh tiếng của Clinton vẫn vang dội – tất cả là nhờ ông biết cách thể hiện phong cách chiến thắng của mình.

Trong thế giới của các tập đoàn, cũng tương tự như thế giới chính trị, những người như George H. W. Bush sẽ không thể nào sống sót. Một lần, khi tôi đang soạn thảo bài phát biểu cho ông, ông đã nói với tôi rằng: “Mọi bài phát biểu chỉ là thứ nhảm nhí!” Nhưng cái “thứ nhảm nhí” đó có thể lại chính là ngôn ngữ của lãnh đạo. Tổng thống Bush không hiểu được sức lôi cuốn của Reagan, người làm chủ được nghệ thuật thuyết trình.

Nhện và Sư tử

Thời kỳ của một CEO “nhện” – làm việc không biết mệt mỏi, luôn cống hiến, quản lý hướng tới chi tiết, những người miệt mài thêu dệt nên cấu trúc của công ty và quản lý nó – nay đã tàn. Những người có vẻ đang sở hữu ít nhất tám cái chân nhện giăng khắp các hướng không còn tiếng nói nữa. Đó là Harold Geneen của AT&T và John Akers của IBM, những lãnh đạo của công ty dựa trên nền tảng tài sản ngày một lỗi thời.

Trong thời đại cách mạng thông tin này, phải là Sư tử chứ không phải Nhện mới có thể sống sót ra khỏi khu rừng các tập đoàn và leo tới đỉnh cao nhất. Không có gì ngạc nhiên khi một công ty hoạt hình khổng lồ lại chọn hình ảnh chú sư tử làm biểu tượng cho mình. Chú sư tử với bộ bờm dầy và chiếc đầu to thể hiện quyền lực và những tiếng gầm với âm thanh mạnh mẽ.

Những vị lãnh đạo có khả năng đưa sản phẩm ra thị trường là những người chiến thắng. Nắm bắt được nghệ thuật thuyết trình có thể giúp biến một vị lãnh đạo “nhện” thành lãnh đạo “sư tử”.

Franklin Roosevelt(1) chính là chú Sư tử đó. Phương thức điều hành của ông không giúp nước Mỹ thoát khỏi khủng hoảng. Chiến tranh đã làm điều đó. Nhưng chính nghệ thuật thuyết trình của ông lại giúp nước Mỹ có thêm niềm vui và hi vọng, giúp ông bốn lần đắc cử Tổng thống.

Winston Churchill(2) cũng là một chú Sư tử khác. Khi nước Anh kiệt quệ do chiến tranh, ông đã biến ngôn từ của mình thành vũ khí và làm Đức quốc xã khiếp sợ, khiến chúng chùn bước không dám xâm chiến Anh Quốc. Churchill đã làm chủ được nghệ thuật thuyết trình.

Đọc cuốn sách này bạn sẽ khám phá ra những bí mật của các bậc thầy về lãnh đạo, từ thời cổ đại như Demosthenes cho tới các nhân vật nổi tiếng hiện đại như Reagan, từ các chiến binh như Napoleon cho tới các bậc thần thánh như Jesus. Bạn sẽ tìm thấy những công cụ và cách thức mà các bậc lãnh đạo đó phát triển, trau chuốt và mài giũa, những thứ mà họ coi là phương pháp bí mật giúp họ củng cố thêm quyền lực.

Không phải tất cả những cá nhân trên đã vĩ đại ngay từ lúc sinh ra.

Dáng người thấp bé của Napoleon(3) trở thành phương thức thể hiện khả năng ra lệnh.

Lincoln(4) tìm ra cách khắc phục âm thanh nói như rít và giọng đặc địa phương của mình.

Churchill phát triển các kỹ năng khắc phục chứng nói ngọng và nói lắp. Ông khiến bài phát biểu của mình tỏa sáng như kim cương.

Martin Luther King Jr(5), người da màu trong thế giới da trắng của người Mỹ, đã tìm ra một cách để được lắng nghe.

Margaret Thatcher(6), người phụ nữ giữa những người đàn ông ở Quốc hội đã vượt qua những định kiến mạnh mẽ về giới.

Những người nghệ sĩ trong lĩnh vực thuyết trình đó đã mài giũa các kỹ năng thuyết trình để củng cố vóc dáng và thông điệp của mình.

Vóc dáng, tư thế và năng lực

Hai mươi mốt bí mật về nghệ thuật thuyết trình nêu trong cuốn sách này sẽ tiết lộ những cách thức giúp nâng cao sức thu hút của những người truyền đạt vĩ đại nhất trong lịch sử đó. Không cần phải quá vất vả bạn cũng có thể học được. Một số bí mật có thể học ngay tức khắc, một số học trong một tiếng và số khác học trong một ngày. Phần lớn chúng đơn giản như việc mua một chiếc cà vạt hay thoa một lớp son mới. Việc áp dụng hai mươi mốt kỹ năng này sẽ giúp trang bị cho bạn về vóc dáng, tư thế và năng lực để tạo sức hút cho bài thuyết trình của mình.

NGHỆ THUẬT TẠM DỪNG TRƯỚC KHI PHÁT BIỂU

Nơi tôi đứng lại chính là nơi tôi bắt đầu.

– WILLIAM SHAKESPEARE

Đối với hầu hết những người có khả năng trở thành lãnh đạo, dáng vẻ bề ngoài là tài sản tối quan trọng. Nhưng Benito Juarez, Tổng thống Đảng Dân chủ đầu tiên của Mexico (người đầu tiên không phải là độc tài) lại cao dưới một mét rưỡi và khá xấu xí. Những kẻ giàu có nhạo báng ông là “Juarez tội nghiệp nhìn như con cóc vậy”. Juarez cũng là vị Tổng thống đầu tiên không phải là người Tây Ban Nha mà mang dòng máu thuần thổ dân châu Mỹ.

Làm cách nào mà một người không được yêu mến lại có thể vượt qua được những định kiến của tầng lớp vương giả – trong số đó toàn những người Creole (huyết thống thuần Tây Ban Nha)? Làm sao mà người đó có thể được những người gốc Tây Ban Nha lai thổ dân chấp nhận, trong khi họ là người coi khinh những thổ dân làm nghề nông? Mặc cho dáng hình thấp bé và những bài thuyết trình chính trị được đọc với giọng đặc tiếng thổ dân Zapotec, Juarez vẫn lên được vị trí cao nhất của Mexico.

Tạo sự mong đợi từ phía khán giả

Ở tuổi 26, Juarez tranh cử cho vị trí tại cơ quan lập pháp của Mexico. Khi chàng trai thổ dân nhỏ bé và chất phác bước lên phát biểu, phần lớn khán giả tỏ thái độ coi thường, nhưng Juarez vẫn có cách tạo dấu ấn riêng về sự hiện diện của mình. Anh không nói ngay lúc đó mà quan sát khuôn mặt của khán giả và buộc từng khán giả kẻ cả đó phải bắt gặp ánh mắt của anh. Những tiếng xì xầm của đám đông lặng xuống thành im bặt khi Juarez đứng gần một phút nhìn chăm chú vào khán giả, nhẩm lại trong đầu phần mở đầu bài thuyết trình của mình. Anh biết rằng rất nhiều khán giả có thể sẽ cho rằng lời mệnh lệnh của anh là không thuyết phục nên đã tạm dừng khá lâu với mục đích củng cố sự mong đợi của họ.

Cuối cùng, sau một hồi im lặng dài, Benito Juarez cất tiếng:

Tự do, Chân lý, Lòng nhân ái…

Những câu từ đầy thuyết phục của anh được khán giả nghe một cách rõ ràng, mạch lạc và chăm chú.

Phần mở đầu của Bonaparte

Napoleon là một bậc thầy khác về nghệ thuật tạm dừng trước khi phát biểu. Cũng như Juarez, ông không có lợi thế về dáng người, và khi truyền đạt với quân đội Pháp, ông nói bằng giọng đặc tiếng Ý của đảo Corse, hòn đảo nơi ông sinh ra.

Nhưng con người có một không hai này thường đứng yên lặng trong khoảng 40 đến 50 giây trước khi phát biểu. Như thể cứ mỗi giây ông chờ đợi thì trong mắt binh lính ông lại cao thêm một cm.

Napoleon là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong lịch sử thế giới, bởi ngoài những ưu thế khác thì ông còn rất biết cách tạo sức thu hút đối với người khác. Phương pháp tạm dừng trước khi phát biểu được ông sử dụng như chiếc chìa khóa nâng cao tầm quan trọng cho thông điệp của mình.

Cố tình tạo sự yên lặng

Cho dù bạn đang giới thiệu vị chủ tịch mới của câu lạc bộ, giới thiệu một diễn giả lên nói chuyện, đưa ra lời phát biểu ngắn trong một sự kiện quan trọng, hoặc bạn đang phát biểu tại phòng thương mại, hãy cố tình tạo ra sự yên lặng nào đó trước khi nói. Giống như việc diễn viên thể hiện một nhân vật tầm cỡ, bạn cũng có thể củng cố sự tín nhiệm của bạn thông qua hành động.

Coriolanus, một nhân vật trong vở kịch cùng tên của Shakespeare là người có vẻ bề ngoài có sức ảnh hưởng lớn. Một nhân vật khác đã tả về Coriolanus thế này: “Ông ấy có đôi mắt xuyên qua được cả bộ áo giáp của hiệp sĩ.” Khi diễn vai Coriolanus trên sân khấu, diễn viên Christopher Plummer đã thể hiện tính cách đó bằng phương pháp tạm dừng trước khi phát biểu.

Bạn hãy thử tạo sự trì hoãn như vậy vào lần tới khi bạn thuyết trình bán hàng hoặc khi trả lời câu hỏi trong một cuộc hội thoại. Nếu ai đó trong số khán giả đặt câu hỏi cho bạn, thay vì nói ngay ra câu trả lời thì bạn hãy tạm dừng để có thời gian tiếp thu câu hỏi và sắp xếp ý nghĩ thành câu từ. Trước khi phát biểu, hãy định hình câu trả lời trong đầu – ở dạng câu có chủ ngữ và vị ngữ. Một câu trả lời nóng vội thể hiện rằng bạn không nghe kỹ câu hỏi. Việc cố tình tạm dừng trước khi nói sẽ có tác dụng tăng sức nặng cũng như sự thông thái cho cả câu trả lời của bạn lẫn cảm nhận của khán giả đối với câu trả lời đó. Khán giả sẽ đánh giá bạn là đã thực sự lắng nghe câu hỏi của họ thay vì vội vã đưa ra câu trả lời được soạn sẵn.

Khi chuẩn bị đưa ra câu trả lời, hãy nghĩ việc tạm dừng trước khi phát biểu như chiếc đai an toàn mà bạn cần thắt trước khi lái xe. Nó sẽ là phương thức an toàn giúp bạn tránh những sơ suất nói chuyện dông dài. Trước khi trả lời, hãy nhìn thẳng vào mắt người đặt câu hỏi và giữ ánh nhìn của họ trong một nhịp.

Điểm nghỉ của Hitler

Adolf Hitler, người có tài hùng biện chỉ đứng sau những tội ác, là bậc thầy về việc sử dụng phương pháp tạm dừng trước khi phát biểu. Các thước phim quay lại cảnh ông ăn mặc kiểu cách với bộ ria mép, tóc rẽ gọn bên trán, trên tay cầm giấy ghi chép, khiến người khác phải sốt ruột trong khoảng năm phút khi đứng trước hàng nghìn người tại quảng trường Berlin. Rồi sau một hồi yên lặng dài thu hút được toàn bộ sự chú ý của khán giả, ông mở đầu bài phát biểu, gần như bằng một giọng thì thầm:

Chúng ta muốn hòa bình.

Củng cố uy quyền

Elizabeth Cady Stanton(1), người tiên phong đấu tranh cho quyền phụ nữ, là một nhà hùng biện tài ba, một phần cũng nhờ bà biết tận dụng sức mạnh của sự yên lặng. Stanton hiểu rằng đối với đàn ông, bất kỳ người phụ nữ nào thuyết trình hoặc thuyết giảng cho người khác đều bị họ coi như quái vật. Bà quá quen với lời nói chua cay của nhà văn nổi tiếng người Anh hồi thế kỷ 18, Dr. Samuel Johnson, rằng:

Thưa ngài, một người phụ nữ đi thuyết giảng thì cũng tựa như một con chó đi bằng hai chân sau. Nó đi không giỏi lắm nhưng ngài sẽ ngạc nhiên bởi nó đi được bằng chân sau.

Ngay cả đối với những người phụ nữ khác, họ cũng cảm thấy rằng một người phụ nữ mà có uy quyền là thứ gì đó thật khó xử. Stanton hiểu rằng bà phải cố gắng thu hút sự chú ý và tôn trọng của người nghe trước khi mở miệng nói. Nghệ thuật tạm dừng trước khi phát biểu được bà sử dụng để củng cố uy quyền của mình. Với bà nó khá hiệu quả. Bài phát biểu của Elizabeth Cady Stanton tại hội nghị họp ở Seneca Falls, New York năm 1848 vẫn còn nguyên giá trị là một kiệt tác:

Đàn ông không thể tự mình hoàn thành sứ mệnh, anh ta không thể theo đuổi cuộc đua mà không có sự trợ giúp.

Cũng giống như những họa sĩ thiên tài như Raphael hay Rembrandt cần đóng khung cho các tác phẩm của mình, một bài thuyết trình cũng cần như vậy. Nghệ thuật tạm dừng trước khi phát biểu chính là chiếc khung đó.

Cân bằng tâm lý

Khi Nữ hoàng Anh Elizabeth II, cao 1m57, đến thăm Washington vào năm 1991 và phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm ở Rose Garden, chiếc bục phát biểu vốn được điều chỉnh theo chiều cao của Tổng thống Bush, gần như cao quá đầu bà. Người ta đã nhanh chóng đặt vào một chiếc ghế đẩu để Nữ hoàng đứng lên. Sau khi đã đứng chắc chắn, Nữ hoàng ngừng lại trước khi bắt đầu phát biểu với mục đích để khán giả nhận thức được sự yên lặng của mình.

Nghệ thuật tạm dừng trước khi phát biểu có thể được dùng làm cán cân cân bằng tâm lý cho phụ nữ. Năm 1957, tôi từng được chứng kiến Nữ hoàng Elizabeth cố tình tạm dừng trước khi bắt đầu phát biểu tại dinh thự của Thống đốc ở Williamsburg, Virginia. Khoảng ngừng đó khiến khán giả hoàn toàn tập trung, và Nữ hoàng đã có một bài chào mừng trọng thể vô cùng sâu sắc. Vậy mà hôm sau, khi những lời phát biểu đó xuất hiện trên mặt báo thì đọc lại khá nhàm chán. Nghệ thuật tạm dừng trước khi phát biểu mà Nữ hoàng sử dụng đã đảm bảo rằng khán giả sẽ chú ý lắng nghe và củng cố sức mạnh cho những câu chữ của bà.

Đàn ông cũng như phụ nữ, dù cao hay thấp thì cũng đều đạt được tầm vóc đáng kể thông qua chiến thuật giữ im lặng. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2000, nghệ thuật tạm dừng trước khi nói đã củng cố cho những bài phát biểu tiếp theo của không chỉ ứng viên Gary Bauer – người cao 1m65 mà còn cho cả ứng viên Bill Bradley – người cao hơn 1m7.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button