Kinh doanh - đầu tư

Xu Thế Chi Tiêu Mới

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nhiều Tác Giả

Download sách Xu Thế Chi Tiêu Mới ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KINH DOANH – ĐẦU TƯ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

 Đại khủng hoảng kinh tế 2008 xuất phát từ Mỹ – thành trì tưởng như kiên cố nhất của nền kinh tế tư bản toàn cầu. Nước Mỹ từng cực kỳ kiêu ngạo với những sứ mệnh tự gán cho mình, nay đã trở nên dễ tổn thương hơn bao giờ hết. Tài sản của người dân bị cuốn phăng, nhưng trên hết, là niềm tin của dân chúng vào cả Chính phủ lẫn mô hình kinh tế thị trường đều suy sụp hẳn.

Cả thế giới đều dõi theo cuộc khủng hoảng của nước Mỹ. Hàng ngàn bài báo, phân tích, bình luận phủ kín các phương tiện truyền thông. Tất cả đều tập trung tường thuật, tìm kiếm nguyên nhân vĩ mô, săm soi những sai lầm của Chính phủ và Cục dự trữ Liên bang, đối sách của Tổng thống Obama… Tuy nhiên, nhân vật chính của nền kinh tế Mỹ, chịu ảnh hưởng nặng nề, trực tiếp nhất, chính là nhân dân Mỹ, thì ở đâu trong bức tranh phức tạp này?

Cuốn sách này kể cho chúng ta nghe về họ, những câu chuyện về cách một dân tộc đối phó với khủng hoảng kinh tế. Dường như một khuôn mặt khác của kinh tế Mỹ đang dần hé lộ. Những “giá trị Mỹ” từng đem lại vị thế siêu cường cho họ giờ đang được khôi phục. Có lẽ đây chính là con đường để nền kinh tế Mỹ hồi sinh từ đống tro tàn.

Cuốn sách cũng vẽ nên một bức tranh để so sánh với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Tuy chưa khủng hoảng, nhưng rõ ràng nền kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải. Chúng ta cần phải làm gì để phát triển vững vàng giữa bối cảnh thế giới đầy khó khăn hiện nay?

Kinh tế là câu chuyện không phải chỉ ở tầm vĩ mô, thuộc về Chính phủ, Bộ Tài chính hay Ngân hàng Trung ương. Nó nằm trong cuộc sống của mỗi người dân. Nếu mọi người đều cùng ý thức được vai trò của mình, chủ động thay đổi bản thân, trung thành với những giá trị đích thực, thì có lẽ chúng ta sẽ thấy cuộc sống luôn còn đầy hy vọng.

Xuyên suốt quyển sách là chuyến đi qua 8 tiểu bang của nước Mỹ. Qua mỗi điểm dừng, ta lại được chiêm nghiệm thêm nhiều câu chuyện của người dân, nhiều phương thức kinh doanh mới đầy sáng tạo, nhiều bài học để ngẫm nghĩ, để rồi chốt lại là thông điệp đầy niềm tin từ các tác giả, rằng biết đâu, Đại khủng hoảng lại chính là điều tuyệt vời nhất từng xảy đến cho lịch sử kinh tế Mỹ. Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách rất bình dị nhưng cực kỳ cập nhật và thú vị này tới quý vị độc giả!

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 4/2011

Trịnh Hoàng Kim Phượng

 Lời giới thiệu

Trong quyển Chaotics  [1]  , tôi đã bàn về một thế giới trong đó việc kinh doanh phải thích nghi với Kỷ nguyên Kinh tế mới. Một thực tế trong đời sống kinh doanh là chúng ta đang dần tiến vào thời đại rất hỗn loạn. Những nhà quản lý thời nay phải làm việc trong môi trường bấp bênh khôn cùng. Bối cảnh mới của thế giới đầy rẫy những biến đổi không ngưng nghỉ và đôi khi rất mạnh mẽ.

Nhiều bài học đang khiến các nhà tiếp thị phải cực kỳ tỉnh táo. Giá trị thương hiệu thay đổi chóng mặt. Những đòn cạnh tranh xảy ra không hề báo trước. Người tiêu dùng ngày càng có nhiều quyền lực và khó đoán biết hơn. Đối với những doanh nghiệp đang chực ăn mừng vị trí dẫn đầu hoặc lợi thế cạnh tranh vượt trội trên thị trường, khả năng hàng hóa của họ trở thành thứ phổ biến  [2]  là rất dễ xảy ra.

Trong bối cảnh hậu khủng hoảng, với viễn cảnh u ám về tình trạng thất nghiệp quay trở lại cùng sức mua yếu kém, người tiêu dùng chính họ, đang phải trải nghiệm sự hỗn loạn này. Tuy nhiên vẫn có những thông tin mới đầy hy vọng rằng người dân đang tái thiết cuộc sống của họ, hồi sinh những giá trị cốt lõi, như tính cần cù, tằn tiện, công bằng, và trung thực. Mọi người phân biệt nhu cầu với ý thích, và càng cẩn trọng hơn trong việc tách bạch sản phẩm và thương hiệu. Người tiêu dùng hiện nay đang thiên về những thương hiệu có ý nghĩa – trung thực, có trách nhiệm với xã hội, và quan trọng nhất là phải bền vững.

Chủ nghĩa tiêu dùng dựa trên các quan điểm giá trị mới này hoàn toàn không phải là một thị trường nhỏ bé và cô lập. Quá nửa dân số Mỹ hiện nay đang tin vào sự chuyển đổi về giá trị này. Họ tìm kiếm những gì  tốt hơn  thay vì  nhiều hơn  ,  phẩm chất  thay vì  khoa trương  , và  trải nghiệm  chúng thay vì tin vào những  hứa hẹn  . Sau cuộc khủng hoảng, người tiêu dùng đã ý thức quá rõ về thị trường, đồng thời được trang bị thêm sức mạnh từ các luồng ý kiến trái chiều và các mối quan hệ trong xã hội. Họ đã trở thành một thế lực mạnh mẽ, khó đoán biết nơi thương trường. Họ không chỉ tìm kiếm giá trị sử dụng, mà cả những giá trị đạo đức.

Tôi tình cờ nảy ra những ý tưởng này trong khi trò chuyện với John Gerzema và Guy Kawasaki tại một hội thảo về tiếp thị ở Las Vegas mùa thu 2009. Suốt bữa sáng, chúng tôi trò chuyện về ý nghĩa đằng sau hành vi của người tiêu dùng trong bối cảnh hồi phục kinh tế. Khảo sát của John – dựa trên kho dữ liệu lớn nhất thế giới: BrandAsset® Valuator – đã đưa ra bằng chứng đáng tin cậy rằng người tiêu dùng đang có sự chuyển đổi về quan niệm giá trị và cách thức chi tiêu, và nhiều doanh nghiệp nhanh nhạy đã bắt đầu thích ứng với tinh thần đó.

Tuy vậy, Gerzema không hề tiên liệu về một thời đại bán sỉ đạm bạc hay “thoái trào trong chi tiêu” nào. Trái lại, dữ liệu của ông cho rằng thương hiệu – trong một thế giới thiếu thốn niềm tin để ràng buộc – ngày  càng  trở nên quan trọng hơn. Các doanh nghiệp có thể tìm kiếm những dạng lợi thế cạnh tranh mới bằng cách thấu hiểu và chia sẻ những giá trị tinh thần mà người tiêu dùng ngày càng coi trọng, chẳng hạn như đạo đức, tính cộng đồng, sự cảm thông và tinh thần trách nhiệm.

Những bài học từ quyển sách này hữu dụng cho bất kỳ ai đang nghiền ngẫm chiến lược kinh doanh thời hậu khủng hoảng. Chúng giải thích về tinh thần mới, về các chuyển dịch trong giá trị ảnh hưởng đến thói quen chi tiêu ngày nay của người dân Mỹ. Gerzema cùng với cộng sự, Michael D’Antonio – tác giả, ký giả từng đoạt giải Pulitzer – sẽ mổ xẻ những chiến lược mẫu của các doanh nghiệp đa quốc gia cũng như các công ty nhỏ. Ông vừa chia sẻ cách thức thích nghi để phát triển của các công ty trong nhóm Fortune 500, vừa giúp chúng ta tìm hiểu về những công ty mới thành lập ăn nên làm ra từ sự dịch chuyển giá trị trong bối cảnh thị trường mới này.

Ngoài những dữ liệu sắc bén và đầy đủ, có lẽ gây ấn tượng hơn cả là những câu chuyện mà hai tác giả chiêm nghiệm được từ chuyến đi khắp nước Mỹ. Từ đó, Gerzema và D’Antonio sẽ giúp chúng ta hiểu được ảnh hưởng kéo dài của cuộc khủng hoảng đến các gia đình trung lưu, các chủ doanh nghiệp nhỏ, doanh nhân, lẫn các CEO. Họ cũng giúp chúng ta hiểu thêm về những chiến lược đang được dùng để thúc đẩy phát triển. Cũng giống như  kết quả bầu cử, thói quen tiêu dùng phản ánh tâm trạng chung của toàn xã hội. Cách thức chúng ta sử dụng tiền, thời gian, cũng như công sức và nỗ lực bỏ ra sẽ phản ánh chân thực cách thức sự dịch chuyển giá trị đang tái định hình chủ nghĩa tư bản.

Xu thế chi tiêu mới  đưa ra những luận điểm và hiểu biết về việc cuộc sống của chúng ta đang thay đổi như thế nào sau cuộc Đại khủng hoảng. Quyển sách giải thích những động thái mới của người tiêu dùng, điều mà bạn nên nắm bắt, bất kể bạn nhắm tới nhóm khách hàng nào. Quyển sách cũng phát triển những ý tưởng của tôi trong quyển  Chaotics  , mang đến cho các nhà quản lý, tiếp thị và doanh nhân sự thấu hiểu sâu sắc và cách thức để đáp ứng người tiêu dùng thời kỳ hậu khủng hoảng.

Philip Kotler

Giáo sư danh dự ngành Marketing Quốc tế

Trường Quản lý Kellogg – Đại học Northwestern

ĐỌC THỬ

Biên giới mới của nước Mỹ: Detroit, Michigan

Khi mặt trời mọc vào ngày thứ sáu đầu tiên của tháng mười hai, nhóm làm phim thuộc một mạng lưới truyền hình châu Âu đã choán hết hành lang ốp gỗ sồi trong quán trọ ở phố Ferry thuộc Detroit, lỉnh kỉnh hàng đống các túi đen chứa giá đỡ máy quay, đèn, micro tăng âm. Trong khi khách khứa bực bội chen lấn xung quanh để lấy cà phê trong gian phòng của căn nhà kiểu Victoria được phục chế rất trang nhã, thì nhóm làm phim trò chuyện đầy phấn khởi về những tấm hình tuyệt hảo chụp được và những đoạn phỏng vấn đầy thuyết phục được quay.

Chỉ một tuần kể từ lúc bắt đầu cuộc săn đuổi đề tài “Nước Mỹ trong cơn suy sụp” – theo mô tả của một thành viên trong nhóm làm phim, họ đã chộp được câu chuyện “gây sốc” của Detroit giai đoạn 2010, và đang trên đường trở về nhà với tư thế của những thợ săn tranh giải bước đi cùng chiếc cúp. (Chẳng biết trong những chiếc túi kia thực sự có cái đầu hươu nào không nhỉ?) “Sẽ không ai tin nổi đây là câu chuyện về Thành phố xe hơi  [27]  ,” ông nói, “nhưng đó là một thảm hoạ, và chúng tôi đã thấy hết.”

Bên ngoài, tiếng còi báo hiệu chiếc xe van đã tới để chở đoàn làm phim ra phi trường, chiếc cuối cùng trong số nhiều chiếc đến ghi chép biên niên sử về sự chết chóc của thành phố. Một kỹ sư càu nhàu về cái lạnh kéo dài suốt đêm trong lúc vật lộn mang chiếc túi to kềnh ra, nhưng mỉm cười để ra hiệu rằng mình rất vui vì được ra về với nhiệm vụ đã hoàn thành.

Câu chuyện mà đoàn có được là mảnh ghép dễ thấy nhất của bức tranh “nền kinh tế trong khủng hoảng” mà giới phóng viên có thể truy lùng được vào năm 2009. Detroit, đã suy sụp về kinh tế lâu nay, càng hoang vu hơn bởi Đại khủng hoảng bắt đầu năm 2007. Giá một căn nhà trung bình đã rớt từ mức dưới 60 nghìn đô xuống còn chưa đến 8 nghìn vào tháng 8 năm 2005  [28]  . Bất động sản thương mại còn mất giá thê thảm hơn, minh chứng là vụ mua bán sân vận động Silverdome sức chứa 80 nghìn chỗ ngồi ở gần Pontiac với giá 583 nghìn đô – chỉ xấp xỉ giá một căn hộ có kèm xưởng làm việc ở Manhattan  [29]  . Tỉ lệ thất nghiệp trong vùng, chủ yếu bởi tình trạng bê bết của ngành ô tô, được ước tính ở mức 28,9% (không tính những người đã từ bỏ hy vọng tìm việc) so với tỉ lệ 10,2% trên cả nước  [30]  . Quá cần việc làm, nhiều cư dân Detroit đã bỏ đi. Dân số thành phố – vốn đạt mức cao nhất: 1,8 triệu vào năm 1950 – được ước tính chỉ còn chưa đến 900 nghìn  [31]  .

Còn ấn tượng hơn hẳn những con số thống kê là quang cảnh thành phố: những nhà máy bỏ hoang, cao ốc thương mại trống trơn, các khu nhà ở chỉ có ba phần tư số hộ cư trú, cháy xém, hoặc bị ủi sập. Ở các khu dân cư hoang tàn nhất, người ta thậm chí chạy xe qua nhiều dãy nhà mà chẳng thấy được bao nhiêu dấu hiệu sinh sống – ngoại trừ những chú chó hoang và thỉnh thoảng, một con sói đồng. Vài căn nhà đã bị bỏ hoang lâu đến nỗi cây bụi, dây leo mọc che kín hết tường vách.

Sự suy tàn kinh khủng của Detroit đã trở thành đề tài ưa thích của giới nhiếp ảnh vốn luôn để mắt đến những cảnh quang đổ nát, như Nhà hát Michigan – nơi xe hơi giờ có thể đỗ trong những hành lang có mái vòm được trang hoàng lộng lẫy, hay Michigan Central Railroad Depot – trạm tàu lửa Trung tâm Michigan, giờ đây vắng tanh không một bóng người. Từng là một trong những trạm tàu lửa tiếng tăm nhất, bây giờ toà cao ốc mười tám tầng lẫy lừng ấy bên trong trống trơn, và bị quây lại đằng sau hàng rào an ninh. Mà ngay cả hàng rào đó cũng không thể ngăn bọn trộm đánh cắp những dây đồng, ống nước, hay bất cứ thứ gì có giá trị còn sót lại. Toà nhà hoang tàn đứng nơi mé Tây thành phố chẳng khác nào một bóng ma trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng.

Nhìn vào bức tranh đổ nát đó, bất cứ khách du lịch hay ai lần đầu đến Detroit vào cuối năm 2009, thoạt tiên lái xe quanh thành phố cũng sẽ ít nhiều e ngại viễn cảnh một nhóm cướp bóc Mad Max lộng hành trên phố trong những chiếc chiến xa Allison chế tạo thủ công và chạy bằng dầu diesel. Sự hoang tàn, mất mát bao trùm cả thành phố, đến mức chẳng cần phải có con mắt của một nhà quay phim người ta cũng thấy được. Nhưng nếu nhìn gần hơn, ta sẽ thấy điều mà hầu hết những người ngoài cuộc đều bỏ sót: một Detroit đầy sức sống, sáng tạo và tràn đầy lạc quan.

Vào chính buổi sáng mà đoàn làm phim nước ngoài rời khỏi quán trọ ở phố Ferry, một nhóm người dân đang tụ tập trong một quán cà phê, nơi có thể cho họ chút thoải mái hiếm hoi, chỉ cách đó vài dặm, ngay giữa trung tâm thành phố hoang tàn. Đây là phần câu chuyện về Detroit mà phần nhiều các phóng viên chưa bao giờ chứng kiến hoặc thừa nhận. Một điểm kinh doanh phát đạt tại một nơi mà mọi người đều xem là đất hoang, biểu tượng cho tinh thần thép của con người giữa sức ép kinh khủng của Đại khủng hoảng, ngay tại nơi thiệt hại nặng nề nhất. Đó cũng đồng thời là điểm dừng chân đầu tiên cho chuyến hành trình đầy ấn tượng để vén bức màn về sự thật rằng: một thành phố trên bờ vực tai ương cũng có thể là ranh giới hiện tại cho những cơ hội.

________________

Le Petit Zinc chiếm một khoảng nhỏ nơi góc giao nhau của phố Trumbull và Howard, tại một khu trung tâm có rất nhiều tiệm cơ khí, trung tâm tái phục hồi chức năng cho người nghiện, và nhà kho ven sông. Bản thân toà nhà cũng rất khó lòng miêu tả được, nó là một khối hình chữ nhật xây từ thứ gạch vàng bám đầy bụi bặm – kiểu gạch dùng để xây vô số trường trung học cơ sở hồi những năm 1950. Thực ra, lần gần đây nhất, nó được dùng làm trường mẫu giáo và trung tâm giữ trẻ ban ngày, và người sở hữu – Charles Sorel – đã tận dụng dãy rào bằng xích từng vây quanh sân chơi. Ông tạo ra một bãi đỗ xe an toàn, rất hữu dụng cho việc kinh doanh tại nơi trung tâm thành phố nay rất vắng vẻ và đi bộ không còn là điều thực tế lắm. Trong khoảnh sân có mái che gần cửa ra vào, ông trồng một vườn rau và nhiều loại thảo mộc, với một bể nước sủi bọt và một cái ghế ngồi ngoài trời. Kinh doanh nhưng cũng là một nghệ sĩ, Sorel sơn tấm biểu ngữ phía trước với hình ảnh chú gà trống hoạt bát – biểu tượng của tinh thần Pháp. Ông cũng thiết kế nội thất cho quán, chào đón khách hàng với màu vàng ấm áp cùng sắc lam tươi sáng theo phong cách Cote d’Azur.

Vào ngày thứ Sáu lộng gió này, Sorel thức dậy khi chưa tới năm giờ để tắm và uống trà trước khi có mặt tại quán vào lúc sáu giờ. Tại đó, có thêm một đầu bếp – Molly Motor (tên thật đấy), và cô phục vụ Rachel Harkai. Chỉ ít phút, chiếc lò nóng và máy pha cà phê đã làm cả căn quán thơm lừng mùi hương của bữa sáng, khiến cái lạnh đọng thành hơi ấm trên những ô cửa kính. Vị khách đầu tiên của Sorel là một thẩm phán địa phương rất ưa thích sự tĩnh lặng cùng hương vị tuyệt vời của bánh sừng bò, bánh mì baguette, và cà phê espresso. Đến tám giờ, Le Petit Zinc (từ lóng tiếng Pháp có nghĩa “quán địa phương”) đã tấp nập các vị khách quen và cả những người lần đầu đặt chân tới. Nhờ hiệu ứng truyền miệng và những bài phê bình đánh giá tốt, quán giờ không chỉ thu hút khách du lịch mà cả dân ưa khám phá từ vùng ngoại ô.

Sau buổi sáng đông đúc, ông Sorel bốn mươi tám tuổi nghỉ ngơi tại một trong những chiếc bàn tự tay mình đóng. Ông sinh ra tại Martinique, nhưng lớn lên tại Pháp, gầy và cao lêu nghêu, có nguồn gốc châu Âu lẫn châu Phi, và nói thứ tiếng Anh đứt quãng bằng một giọng điệu nhịp nhàng, du dương. Mái tóc đen xoăn của ông lốm đốm bạc, hơi rối. Phong cách bụi bặm đó khiến ông trông luôn hăng hái và đầy sức sống. Và thực sự ông chính là như thế. Rất năng nổ, tháo vát, và lạc quan vô cùng, Sorel là kiểu di dân luôn có thể tiếp thêm cho nền kinh tế Mỹ năng lượng và niềm say mê cuộc sống.

Cái chết của bố vợ (vợ ông, Karima, là người ở Detroit) đã mang Sorel đến với thành phố. Ban đầu ông ngỡ ngàng, cũng như hầu hết những người mới tới khác, về tình trạng của nơi đây. Tuy nhiên, Sorel từng thành công với một quán cà phê ở Brooklyn (nơi đầu tiên ông sinh sống khi tới Mỹ vào năm 1989) nên quyết định ở lại thử vận may thêm lần nữa. “Chúng tôi phải sống chứ,” ông trả lời với vẻ bối rối khi được hỏi tại sao lại mở một quán ăn nhỏ kiểu Pháp tại nơi muốn tìm một cái hamburger ra trò cũng đã là việc khó. “Tôi phải nuôi gia đình, và ở đây thì tôi làm gì có bằng cấp nào khác.”

Thực tế là, một quán nhỏ ấm cúng – tựa như gian bếp gia đình nơi ấm cà phê luôn sẵn sàng – là bước khởi đầu kinh doanh tuyệt vời ở bất kỳ nơi đâu, đặc biệt tại một nơi thiếu thốn tiện nghi. Từ những động vật bậc thấp cho đến con người, luôn tìm đến nhau một cách tự nhiên, và từ chốn thôn quê cho đến những thành phố lớn phía Tây, quán cà phê luôn là nơi người ta quây quần lại. Sorel nhớ lại những nơi ở Paris từng làm ông thích thú, và rồi nảy ý định bắt tay vào việc tạo ra một nơi như thế. Ông bắt đầu bằng việc tập trung đầu tư các món ăn. Detroit không có quán theo phong cách Pháp nào có cà phê Parisian thứ thiệt hay những món ăn đặc sắc, ông cho biết như thế, và nói thêm, “Mọi người đều thích chất lượng.” Rồi ông nhắc đến các nhân viên. Giữa thị trường lao động ảm đạm, ông có thể thuê được những người hăng hái nhất, có trình độ tốt nhất, nhiều kinh nghiệm nhất ở bất cứ nơi đâu. Mọi người trong quán đều một lòng cố gắng để cả các món ăn lẫn sự phục vụ của quán đều đạt tới mức “chuyên nghiệp.”

Vẫn chưa hài lòng với câu trả lời của mình, Sorel ngừng lời, nhìn quanh những chiếc bàn đông đúc. Ông nghiêng tai nghe tiếng rì rầm ấm áp của những cuộc trò chuyện, thỉnh thoảng bị chen ngang bởi âm thanh lanh canh của chén đĩa, dao thìa. Một nụ cười hiện lên gương mặt, ông nhận ra bí mật cho thành công của mình còn đơn giản hơn cả thức ăn ngon và dịch vụ tốt. Ông nói, để thành công, “Cần phải làm người ta vui.”

Niềm vui – “Chúng ta luôn luôn lạc quan” – là mấu chốt trọng tâm cho thành công của Sorel, nhưng không phải là yếu tố duy nhất tạo cảm hứng cho kế hoạch kinh doanh của ông. Từ lúc bắt tay lập kế hoạch mở quán, ông đã đặt ra một số nguyên tắc, truyền tải các tiêu chí nhất định đến cả nhân viên lẫn khách hàng. Đầu tiên, sổ sách sẽ được công khai hoàn toàn cho mọi nhân viên, để họ có thể biết tình hình kinh doanh từng tháng một. Thứ hai, công việc sẽ không được giao phó một cách cứng nhắc. Bất cứ lúc nào nhân viên cũng có thể phục vụ bàn, rửa bát, hoặc chuẩn bị thức ăn, đồ uống… Công việc không bao giờ nhàm chán. Thứ ba, tất cả nhân viên, bao gồm cả chủ quán, được trả lương như nhau. Chính sách này đồng nghĩa với việc mọi người đều có lý do chính đáng để phục vụ thật tốt với chi phí thật thấp nhằm củng cố việc kinh doanh của quán. Đồng thời, họ cũng phải tìm thấy niềm vui khác trong công việc ngoài đồng lương.

Cô phục vụ Rachel Harkai đi ngang ông chủ (thực ra tại Le Petit Zinc họ không gọi ông bằng từ đó) trên tay bê một khay đầy cà phê, bánh sừng bò, cùng món  salade de fruit frais,  cũng chêm vào một câu bình luận tếu táo, “Rõ ràng là chúng tôi đâu có đến đây làm để kiếm tiền.”

Sau khi phục vụ hết các thứ trên khay, Harkai – cô nhân viên cao ráo với mái tóc xoăn vàng – đứng lại thêm chút ít để giải thích từ “ở đây” không chỉ nói đến quán cà phê mà cả thành phố cô đã đến cư ngụ sau khi tốt nghiệp chương trình danh dự tại Đại học Michigan năm 2007.

“Tôi hai mươi bốn tuổi, vào đời ngay thời điểm bùng nổ kinh tế đã chấm dứt, và phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhưng điều đó khiến chúng tôi thay đổi nhiều tiêu chuẩn trong cuộc sống.” Được đào tạo về sáng tác, Harkai từng hình dung mình trở thành tác giả tự do hay giáo viên. Cô không hề chờ đợi để đạt được điều đó khi đến Detroit. Với 440 đô la mỗi tháng, bao gồm cả chi phí dịch vụ công cộng, cô đủ khả năng thuê một căn hộ lớn có văn phòng, xưởng làm việc, cả một vườn rau trong khu nhà bỏ trống ngay cạnh bên. Chẳng mấy chốc, cô trở thành người đọc sách tại Detroit Artists Market, một phòng triển lãm được thành lập trong thời kỳ Đại khủng hoảng, đến giờ là một trong những điểm giao lưu nghệ thuật tiếng tăm nhất vùng Midwest. Một chương trình văn học địa phương đã biến cô thành tác giả quen thuộc tại những trường học của Detroit. Thế là cô bắt đầu cho ra đời  Model D  , một tạp chí văn hóa địa phương trên mạng. Làm việc tại Le Petit Zinc giúp cô có thêm thu nhập ngoài lương đi dạy và viết lách. Công việc cũng giúp cô nối kết với mọi người trong vùng.

Harkai nói thêm, với một người trẻ mới bắt đầu cuộc sống, Detroit là lựa chọn rất kinh tế thay vì Chicago hay các thành phố biển. Tại những nơi đó, người ta dễ tan lẫn vào đám đông những người cố gắng làm nên chuyện. Tại đây, chi phí để lập nghiệp rất rất thấp, bất kể là kinh doanh, nghệ thuật, hay giáo dục. Gần như ai cũng được chào đón thử thách bản thân. Thất bại chỉ đem lại thêm các cơ hội khác. Tất nhiên, không nhiều người dân Detroit dành nhiều thời gian suy tưởng về điều Harkai gọi là yếu tố kinh tế tầm vĩ mô – thứ biến thành phố này thành biên giới thành thị theo khía cạnh nào đó. Mọi người đều quá bận rộn xoay sở cuộc sống. “Đôi khi tôi cảm giác việc sống ở đây có thể rất khó khăn,” cô nói thêm. “Nhưng cũng có lúc tôi cảm thấy chúng tôi là những người thông minh nhất nước Mỹ khi chọn sống ở đây.”

Nếu Harkai và những người đồng trang lứa với cô thực sự thông minh, thì đó là kiểu thông minh tập trung vào việc sống cho đúng nghĩa hơn là kiếm và tiêu tiền. Cũng như các nhân viên khác tại quán, cô có lời cam kết với cộng đồng bằng cách hứa sẽ sống thật đàng hoàng tại thành phố, không chuyển ra vùng ngoại ô. Ý này nhằm mục đích khiến mọi người kiếm tiền/tiêu tiền trong địa phận thành phố, và chống lại nỗi sợ đã lôi kéo mọi người rời khỏi đây. Đây không hẳn là một chiến thuật, mà hơn thế, là thái độ, biểu hiện của hy vọng rằng về lâu dài, những ai chọn ở lại trung tâm thành phố sẽ được chứng kiến sự hồi sinh của nó.

Sự thôi thúc này nhất quán với xu hướng khởi phát từ trước cuộc Đại khủng hoảng và phát triển nhanh dần: quá trình phi toàn cầu hóa. Được đánh dấu bởi sự sụt giảm xuất khẩu – giảm 12% trong năm 2009 – và tụt dốc rất nhanh trong mảng kinh doanh ngoại tệ, quá trình này bị lèo lái bởi nhận thức rằng nhiều nền kinh tế địa phương, nếu không muốn nói là kinh tế cả nước, đang chịu phần thua trên mặt trận cạnh tranh quốc tế và cần có thời gian củng cố lại sức mạnh  [32]  . Trong vô thức, người dân Detroit cũng không khác mấy những người dân tại các quốc gia nghèo trên thế giới – quan tâm đến những người ngay bên cạnh, những đồng hương của mình hơn là chiến thắng trên đấu trường thương mại quốc tế. Họ muốn tạo ra những việc kinh doanh phục vụ cộng đồng địa phương, khiến nơi mình sống nhộn nhịp, vui vẻ.

Charles Sorel nói, “Ước mơ của tôi là va phải ai đó trên đường phố Detroit.”

Nói như vậy có nghĩa là ông hy vọng một ngày nào đó, vỉa hè, công viên nơi đây sẽ đông đúc, và khu mua bán sẽ thật sầm uất. Tuy nhiên, vào lúc này, Sorel vẫn đang cố gắng tạo thêm sức sống cho thành phố bằng cách tổ chức những sự kiện cho người dân tại quán. Sự kiện thành công nhất tới nay là “Debate Nights” vào năm 2008. Lần đó, ông để quán mở cửa đến khá trễ để mọi người có thể xem các ứng viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa tranh luận trong chiến dịch vận động bầu cử vào Nhà Trắng.

Chính trị rất quan trọng đối với Sorel, cũng như mọi người khác đặt cược vào tương lai cho Detroit. Với Sorel, ý nghĩ rằng nước Mỹ là vùng đất của những cơ hội luôn hiển hiện trong tâm trí ông. Tại đây, ông khám phá ra rằng, bất chấp vốn tiếng Anh vấp váp và thiếu kinh nghiệm, ông vẫn được sự ủng hộ của mọi người nhờ tôn chỉ đạo đức kinh doanh và lòng nhiệt tình. Ông yêu cái văn hóa biết chấp nhận, và tình yêu này khiến ông trăn trở muốn gìn giữ nó.

Ông lại nói thêm, “Chúng tôi rất lạc quan, luôn luôn như thế. Nhưng chúng tôi cũng rất thiếu thốn.” Mối bận tâm chính của ông là hệ thống trường học. Các trường học cần phải được sửa chữa để bọn trẻ được trang bị cho tương lai của Detroit. “Đây là nước Mỹ, nơi tất cả mọi người, trung lưu hay bất kỳ ai, đều được cho cơ hội.” Tốt nhất là những nhà cầm quyền được bầu chọn của thành phố sẽ mở đường cho sự xuất hiện của những trường học tốt hơn cùng sự phục hưng của Detroit. Nhưng Sorel cho biết, tình trạng của bộ máy cầm quyền thành phố khiến ông e rằng họ chỉ nói những lời dối trá. Ông không muốn chờ đợi, và những cư dân tiên phong trên ở biên giới Detroit rất quyết tâm biến nơi đây thành một cộng đồng tốt hơn bằng chính sức họ.

Về phần mình, Sorel tạo ra một công việc kinh doanh hỗ trợ năm nhân viên cùng những người phụ thuộc vào họ. Với chính sách thuê nhân công của Sorel, năm nhân viên này cũng phải sống ở Detroit, do đó sẽ hỗ trợ thành phố bằng chính đồng tiền, công sức của họ. Trong những tháng gần đây, ông thấy rằng những người khác cũng đánh giá cao năng lượng và cơ hội tại thành phố lớn thứ 11 toàn quốc (lớn hơn cả Boston, Seattle lẫn Denver). Một nhóm nhà đầu tư đã đến mua hai mươi căn nhà. Nhóm khác mua ba mươi cao ốc, dãy nhà. Những người này đang đặt cược cho tương lai lâu dài của Detroit. Phấn khởi hơn nữa là có những doanh nhân trẻ có niềm tin mạnh mẽ và sẵn lòng cống hiến cuộc sống cho nơi đây.

Sorel nói, “Tôi rất phấn khởi khi trông thấy mình không phải là người duy nhất lạc quan.”

Detroit của ngày hôm nay, đối với Sorel, giống như chốn thành đô của cơ hội. Giống như những biên giới địa lý khác, nó đầy thách thức, thiếu thốn rất nhiều sự hỗ trợ người ta có thể tìm được ở những nơi có hạ tầng, thể chế đầy đủ hơn. Tại đây, các dịch vụ công như chữa cháy, cảnh sát, công sở, giáo dục đều rất hiếm hoi, và sự hỗ trợ kinh doanh từ nhà đầu tư hay ngân hàng không hề tồn tại. Mặt khác, giá nhà đất rẻ vô cùng, và lao động thì nhiều đến mức bất cứ ai có năng lượng và ý tưởng đều có thể bắt tay vào thực hiện. Và nói đến tinh thần cộng đồng thì, có lẽ không còn chỗ nào trên nước Mỹ là tốt hơn nữa cho những tay kinh doanh táo bạo.

“Vì quá khao khát được sống lại niềm hy vọng, mọi người đều mong bạn được thành công”, Sorel nói, “thậm chí cả khi bạn là đối thủ của họ”.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button