Kinh doanh - đầu tư

Warren Buffett: Quá Trình Hình Thành Một Nhà Tư Bản Mỹ

warren buffet qua trinh hinh thanh sach ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Roger Lowenstein

Download sách Warren Buffett: Quá Trình Hình Thành Một Nhà Tư Bản Mỹ ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  SÁCH KINH DOANH – ĐẦU TƯ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời đầu tiên tôi muốn gửi lời cám ơn đến Alpha Books một nhà xuất bản có nhiều đầu sách hay đã tiếp tục dày công tuyển chọn “Buffett: Con đường hình thành một nhà tư bản Mỹ” của Loger Lowenstein do Minh Diệu – Phương Lan dịch để giới thiệu với bạn đọc yêu thích doanh nhân nói riêng và bạn đọc Việt nam nói chung. Tôi cũng chân thành cảm ơn Alpha Books đã tin cậy, mời tôi giới thiệu cuốn sách này. Nhận làm việc này, tôi đã đạt được 3 điều tốt đẹp mà tôi tâm đắc muốn làm, đó là giới thiệu được một tác phẩm hay với độc giả, được chia sẻ đôi điều suy nghĩ và hiểu thêm về một trong những nhân vật là thần tượng của mình – Warren Buffett, và đáp ứng sự tin cậy của anh em với mình.

Xuyên qua 750 trang sách, bằng cách viết ngắn gọn và ngôn từ phong phú, Roger Lowenstein không chỉ đã vẽ nên những hình ảnh rất thật về Warren Buffett, một người Tài giỏi mà không Xa cách, Giàu có mà không Kiêu sa, một người Kỳ dị trong đầu tư, Dung dị trong phong cách và Giản dị trong cuộc sống mà qua đó còn giúp cho người đọc hiểu hơn về nền kinh tế tư bản của Hoa Kỳ với xương sống để vận hành là các hoạt động và thị trường tài chính.

Quyển sách này dễ đọc ở lối hành văn và lời dịch, mặc dù chuyển ngữ luôn có những giới hạn nhất định. Theo tôi, sách cần thiết không chỉ cho những người đang làm quen và dấn thân vào thị trường chứng khoán, mà hơn nữa cho các doanh gia nghiệp chủ cần có khả năng tổng hợp và phân tích tài chính, cần có cách tư duy chiến lược và cả cho những người không làm trong lĩnh vực kinh doanh hiểu hơn về kinh doanh và con người làm kinh doanh chân chính. Tôi đặc biệt đánh giá tốt đến thần tượng Buffett không phải ở kết quả, hiệu quả việc kinh doanh mà đặc biệt là về nhân cách của nhà hiền triết của Omaha, phù thủy về đầu tư chứng khoán và một nhà từ thiện vĩ đại ẩn danh Warren Buffett.

Có thể thấy chính nền kinh tế và xã hội Mỹ đã là cái nôi tốt để người xuất chúng như Warren Buffett ra đời và phát triển, dù thế nào, giữa bộn bề số đông chạy theo các giá trị ngắn hạn và chỉ lướt sóng kiếm lời trên sàn chứng khoán thì Buffett thực sự là một trường hợp rất cá biệt. Câu chuyện cổ tích về ông trong đầu tư chứng khoán và sự thành công lớn, chắc chắn, ổn định và vững bền của Buffett đã tạo hứng khởi cho nhiều nhà sản xuất hay những người không được giàu từ trong trứng thêm vững niềm tin. Khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, chỉ bằng cách lựa chọn đúng các cổ phiếu để đầu tư, Buffett đã tích lũy và ông ở vào số ít người có tài sản đồ sộ nhất thế giới trong thế kỷ XX, cũng có người bảo là may mắn thôi, nhưng với tôi may mắn là từ của người thành công khiêm tốn và là lý do ngụy biện của kẻ không thành công, ở trường hợp của Buffett nếu xem xét kỹ thì quãng thời gian kéo dài đến năm thập kỷ mà mức lợi nhuận rất ấn tượng (gần gấp ba mức trung bình), hơn thế nữa lại có tính ổn định cao, ít rủi ro và chưa có thua lỗ nặng nề, điều mà các nhà đầu tư khác luôn mơ ước và các học giả luôn cho rằng không thể đạt được kể cả khi may mắn, chắc cũng đủ để nói may mắn là điều không dễ dàng có với trường hợp của ông.

Điều tôi đặc biệt ấn tượng là câu chuyện thuở thiếu thời của Buffett, từ việc ông bắt đầu “tập kiếm tiền” bằng cách bán 5 lon Coca-cola với giá 6 xu / lon khi mua 5 xu /lon lúc ông mới chỉ lên 6 tuổi, rồi ngay cả trong lúc ốm rất nặng, ông vẫn say mê ghi những con số thể hiện cho ước mơ làm giàu của mình để nói với các cô y tá, không chỉ vậy, ông thực hiện cả việc hùn hạp để bán nước chanh ở nhà người bạn thân Rusell, rồi qua các trò chơi với các nắp chai và con số để không chỉ rèn luyện và làm giàu trí tuệ mà cả việc hiểu được thị trường và làm quen với tư duy kinh doanh qua việc hiểu thị phần và sự phát triển của các thương hiệu. Không chỉ vậy điều đáng trân trọng ở Buffett là tính kiên định mục tiêu và kiên trì hành động không chỉ ở công việc mà cả trong tình yêu, theo tôi đây mới chính là những điều cần chú ý học hỏi nhất. Một trong những việc mà quỹ đầu tư của Buffett quan tâm và thường làm là “Tái bảo hiểm”, trong khi mọi người đổ xô đi săn bắn cơ hội thì ông rất kiên trì nuôi trồng việc kinh doanh của mình. Một lần nữa, câu chuyện này cùng các câu chuyện về cuộc đời và lời khuyên của các vĩ nhân khác khẳng định điều tôi luôn vững tin đó là work hard – làm việc cần cù theo mục tiêu tốt đẹp và positive thinking – suy nghĩ tích cực là cách tốt nhất để có thể work smart – làm việc thông minh và trở thành người thành công.

Hình ảnh của Warren Buffett càng lung linh hấp dẫn hơn vì dù ngay ở một quốc gia có tính chính trị rất cao trong mối quan hệ xã hội như Mỹ quốc, thì ông vẫn rất bình dị và chính trực trong suy nghĩ, lời nói và hành động của mình, ông có sức hút lớn khiến nhiều người Mỹ tin và nghe theo từ những câu nói hóm hỉnh và sâu sắc đầy khí chất rất đàn ông có vẻ cổ điển của ông. Qua diễn giải của mình, Buffett biến những vấn đề phức tạp với số đông trở nên đơn giản dễ hiểu, ông có thể hài hước hóa các câu chuyện nặng nề với những quan hệ nghiêm túc như ông từng phát biểu “chính các chủ nhà băng mới là những người nên đeo mặt nạ” hay ông nói với một người bạn vừa nhận được công việc trong ngành tài chính rằng “đi theo làn đường chính trên Phố Wall, anh sẽ không phải gặp nhiều xe cộ đâu.”, “tôi chưa bao giờ gặp được ai có thể tiên đoán được thị trường” hay “nếu nghe lời của một chủ ngân hàng đầu tư về việc có nên thực hiện một thương vụ nào đó hay không bởi nó giống như là hỏi người thợ cắt tóc xem mình có nên cắt tóc hay không”. Tính kỷ luật và nghiêm túc với chính mình của Warren Buffett đã giúp ông thành công và hiển nhiên là một tấm gương sáng cho mỗi chúng ta.

Tài năng của ông bắt nguồn từ sự độc lập trong tư duy và khả năng tập trung cao độ vào công việc mà không cần quan tâm đến thế giới, ông đi ra từ gia đình bình thường ở một vùng khốn khó của nước Mỹ. Bằng cách sống của mình, ông làm cho người ta cảm được Buffett “cao” mà không “xa”, có “tầm” ảnh hưởng lớn mà vẫn rất đời “thường”. Nhiều người tôn sùng ông và tin theo lời ông, ngay cả dân tài chính ngân hàng chuyên nghiệp phố Wall cũng mê Warren như điếu đổ và nâng niu từng bài phân tích tài chính, chen chỗ để lắng nghe cách ông bình luận và đầu tư, phải chăng cũng từ nhân cách như vậy?

Dù ở vị trí nào, tuổi nào và giàu thế nào, Buffett vẫn làm hết tất cả các ngày trong tuần và làm việc đến hơn 14h/ngày, thật phi thường! Có thể sẽ có người bảo rằng Buffett quá máy móc, nhưng thật ra ông quá tập trung, tập trung cao độ vào mục tiêu công việc và mục đích cuộc sống đến mức dễ quên những điều bình thường mà nhiều người khác vẫn phải nặng lòng, phân tâm. Đọc về ông, bạn sẽ hiểu hơn vì sao một con người có năng lực thuyết giáo phi thường mà lại rất kín đáo, một con người nhiệt huyết vô cùng mà lại rất điềm tĩnh, một con người khi phân tích đầu tư tính đến cả những điều tưởng như nhỏ nhặt nhưng lại là người hào phóng làm từ thiện với lời nguyện hiến dâng hầu hết tài sản của mình mà không đòi hỏi – thậm chí cấm – người khác đặt tên mình vào các chương trình hay công trình từ thiện. Ông, hình tượng của thành công như nhiều người vĩ đại, luôn là người kết hợp nhuần nhuyễn các khái niệm tưởng như trái nghịch nhau.

Làm thế nào để hiểu hơn về cuộc đời và con đường thành công của một người có nhiều đặc điểm và đức tính như trên đã từ một em bé bán mấy lon Coca-cola giá 6 xu để thành một trong ba nhân vật có tài sản được công bố giàu trong hàng TOP3 của thế giới với sự kiên định đầu tư? Chắc hẳn như không muốn biết tỷ số trước khi xem trận đấu, tin rằng các bạn sẽ cho phép tôi dừng phần giới thiệu ở đây, để chính bạn là người khám phá những điều thú vị về nhân vật kiệt xuất này trong những trang sách của Alpha Books.

Chúc bạn sẽ đọc được thêm một cuốn sách hay và tin rằng cuốn sách này sẽ làm giàu thêm kho thông tin phong phú và phát triển hơn những kiến thức bổ ích cho cuộc sống của bạn!

Sài Gòn, ngày giỗ tổ Hùng Vương,

LÝ TRƯỜNG CHIẾN – Chuyên gia kinh tế cao cấp, tư vấn tái cấu trúc, quản trị chiến lược & phát triển nguồn lực

ĐỌC THỬ

Chương 1: OMAHA

Giống như viên kim cương lớn nạm vào bờ sông Missouri, Omaha là thành phố kỳ diệu của miền Tây và là điều kỳ diệu của kinh doanh, khả năng và sự tiến bộ.

— QUẢNG CÁO CỦA CÔNG TY ĐIỆN THOẠI, NĂM 1990

Gần như từ ngày bác sĩ Pollard đỡ cậu chào đời, sớm năm tuần và chỉ nặng có sáu cân Anh, Warren Buffett đã mang trong mình niềm đam mê với những con số. Khi còn bé, vào những buổi chiều, cậu và Bob Russell thường ngồi trước cửa nhà trông ra một đại lộ đông đúc của gia đình Russell và ghi lại biển số của những chiếc xe đi ngang qua. Khi trời tối, cả hai vào nhà và mở tờ Omaha World Herald ra, đếm xem mỗi từ xuất hiện bao nhiêu lần và điền vào cuốn vở dày đặc những chuỗi số, cứ như thể chúng nắm giữ câu trả lời cho những câu đố của Euclide. Thông thường, Russell sẽ lấy một cuốn niên giám và đọc to một loạt các thành phố. Sau mỗi cái tên, Buffett sẽ phải cho biết dân số của thành phố đó là bao nhiêu. Nửa thế kỷ sau, Russell hồi tưởng lại: “Tôi đọc tên một thành phố, cậu ấy sẽ nói trúng phóc. Tôi có thể đọc cả những cái tên [lúc đó còn xa lạ] như Davenport, Iowa; Topeka, Kansas; Akron, Ohio. Nếu tôi nói tên 10 thành phố, cậu ấy sẽ trả lời đúng tất cả.” Rồi cả kết quả bóng chày, tỷ lệ tiền cược đua ngựa – mọi con số đều có thể được sử dụng cho trò chơi trí nhớ đầy thách thức này. Ngồi trong nhà thờ Giáo hội Trưởng lão Dundee khi đầu tóc đã chải mượt và quần áo gọn gàng, Buffett dành thời gian đi lễ ngày Chủ Nhật để tính toán tuổi thọ của những người soạn nhạc cho giáo hội. Cậu cũng thường ở trong phòng khách với vợt và bóng, đếm hết giờ này đến giờ khác. Cậu dường như đang một mình chơi trò chơi kéo dài vô tận là đếm sự giàu có tưởng tượng của mình.

Với đôi mắt xanh, nước da sáng và hai má luôn ửng hồng, Buffett không chỉ bị các con số hấp dẫn mà còn bị cả tiền bạc hớp hồn. Tài sản đầu tiên của cậu là một túi đựng tiền do dì Alice tặng vào dịp Giáng sinh và từ đó trở đi cậu luôn tự hào đeo nó ở ngay thắt lưng. Lên 5 tuổi, cậu mở một quầy bán kẹo cao su trên vỉa hè nhà mình và bán kẹo Chiclet cho người đi đường. Sau đó, cậu chuyển sang bán nước chanh – nhưng không phải trên con đường yên ắng của nhà Buffett nữa mà là trước nhà Russell, nơi có nhiều người qua lại hơn.

Lúc 9 tuổi, Warren và Russell đi đếm nắp chai từ những máy bán sôda tự động tại trạm xăng đối diện nhà Russell. Đây hoàn toàn không phải là trò chơi ngớ ngẩn của trẻ con mà là một loại nghiên cứu thị trường thô sơ. Có bao nhiêu nắp Orange Crush? Bao nhiêu nắp Coca? Bao nhiêu nắp nước giải khát không gas? Hai đứa chở những chiếc nắp về bằng xe đẩy và cất chúng dưới tầng hầm của nhà Warren. Ý tưởng của chúng là tìm hiểu xem nhãn hàng nào có doanh số bán ra cao nhất? Công ty nào là công ty tốt nhất?

Ở cái tuổi mà chỉ có một số ít đứa trẻ có thể hiểu được một công ty là gì thì Warren đã được xem hàng tá cuộn băng giấy ghi chú của cha mình, vốn là một nhà môi giới chứng khoán. Cậu bày chúng la liệt trên sàn nhà và giải mã những ký hiệu xếp hạng từng công ty mà cha mình đã đánh dấu giống như cách của Standard & Poor. Cậu thường tìm kiếm tại sân golf địa phương những trái banh cũ nhưng vẫn còn có thể bán được. Cậu cũng đến đường đua Nebraska và lùng sục trên những sàn nhà đầy mùn cưa tìm kiếm những cuống vé rách bị vứt lại và thi thoảng lại có được một tấm vé thắng giải vô tình bị quẳng đi. Vào những ngày mùa hè oi ả của Nebraska, Warren và Russ thường đi mang gậy golf cho những quý ông giàu có tại câu lạc bộ Omaha Country và kiếm được 3 đô-la mỗi ngày. Vào những lúc nhá nhem tối, khi hai đứa ngồi đánh đu ở hiên trước nhà Russell trong thời khắc chạng vạng tối ở miền Trung Tây, những đoàn xe Nash và Studebaker cũng như tiếng vang rền của động cơ xe điện thường làm hiện lên trong đầu Warren một suy nghĩ. Tất cả những chiếc xe đó đều di chuyển ngay qua nhà của gia đình Russell, giá mà có cách gì để kiếm ra tiền từ chúng. Mẹ của Russell, bà Evelyn hồi tưởng lại về Warren 50 năm sau đó rằng cậu thường nói với bà: “Nhiều xe cộ như thế cơ mà. Thật tiếc là con không kiếm được tiền từ chúng.” Cậu nói cứ như thể gia đình Russell có thể dựng một quầy thu phí đường bộ ngay trước cửa nhà mình vậy.

Nhưng lấy đâu ra vốn?

Warren là thứ hai trong số ba người con, và là con trai duy nhất trong nhà. Mẹ ông là một người phụ nữ nhỏ nhắn và hoạt bát, xuất thân từ một thị trấn nhỏ thuộc Nebraska. Bà rất nhanh nhẹn và, cũng như rất nhiều phụ nữ khác, rất tận tâm với vai trò chăm lo cho gia đình, đặc biệt là “rất giỏi với những con số”. Cha của Warren là một người nghiêm nghị nhưng rất tốt bụng, ông có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời cậu con trai. Chính ông đã mở cánh cửa ra thế giới cổ phiếu và trái phiếu cho Warren. Về mặt này thì ông đã gieo một hạt giống tốt, thế nhưng sự nhạy bén của Buffett cha trước những con số lại không bằng con trai mình. Và cả khát vọng làm giàu của ông cũng vậy. Nhưng rồi điều gì đã khiến Warren không mấy thiết tha với ngôi nhà đẹp đẽ và thoải mái của mình mà lại lang thang trên các đường đua ngựa cứ như thể đó là một thảm ngọc trai? Điều gì có thể khiến cho nhiều năm sau đó, cậu làm sững sờ những người đồng nghiệp của mình – hết lần này đến lần khác – bằng việc tính nhẩm trong đầu hàng dãy các con số và nhắc lại khối lượng dữ liệu khổng lồ một cách dễ dàng như trước đây cậu nhớ dân số của thành phố Akron? Em gái của cậu, Roberta đã khẳng định rằng: “Điều đó nằm ở trong máu anh ấy.”

Những người xung quanh đều thấy ở gia đình Buffett một tính cách chung rất tiêu biểu đó là sự hoà nhã và dễ chịu. Họ rất có tài trong kinh doanh nhưng cũng rất kỹ lưỡng khi tiêu xài tiền bạc. Người đầu tiên của dòng họ Buffett được biết đến ở Mỹ chính là John Buffett, ông là người Pháp theo đạo Tin lành và là một người thợ dệt vải. Ông kết hôn với Hannah Titus tại Huntington nằm về bờ biển phía bắc của Long Island vào năm 1696. Gia đình Buffett tiếp tục ở lại Long Island và làm nghề nông cho đến tận sau cuộc Nội chiến. Tuy nhiên, trong con người họ luôn ẩn dấu nhiều tham vọng, thứ vốn vẫn mâu thuẫn với tính cách tằn tiện của gia đình. Năm 1867, Sidney Homan Buffett được thuê khai khẩn đất đai cho chính ông nội mình là Zebulon Buffett. Sau khi nghe mức lương được trả là 50 xu một ngày, Sidney đã cảm thấy vô cùng phẫn nộ. Anh đã từ bỏ cả nghề nông để đi về miền Tây. Anh theo nghề lái xe ngựa ở Omaha và vào năm 1869 mở một cửa hiệu tạp hoá mang tên S. H Buffett. Khi ấy thành phố Omaha non trẻ vẫn còn đang ở giai đoạn phát triển ban đầu và công việc kinh doanh của nhà Buffett vì thế cũng chỉ gói gọn trong đời sống thương mại của thành phố, nơi chỉ cách khu rừng mà sau này trở thành văn phòng làm việc của người đàn ông giàu nhất nước Mỹ có một dặm rưỡi.

Ở Omaha ngày đó nhà cửa được xây bằng khung gỗ, nằm dựa lưng vào những dốc đứng gồ ghề dọc sông Missouri. Mặc dù trước cửa các ngôi nhà đều có vẻ bằng phẳng song cả thị trấn lại nằm trên một vùng đất có địa hình đồi núi. Khu vực này vẫn còn là một nơi vắng vẻ tiêu điều cho đến tận năm 1854, khi một hiệp ước với những người da đỏ Maha (sau này là người Omaha) cho phép dân nhập cư đến sống trong lãnh thổ Nebraska. Nhưng thời điểm có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của Omaha sau này lại là năm 1859, Abraham Lincoln, khi ấy còn là một luật sư trong ngành đường sắt, năm đó đã viếng thăm vùng này và cắt lấy một phần đất của nó để làm tài sản bảo đảm cho một khoản vay không có khả năng thanh toán. Vài năm sau đó, Tổng thống Lincoln đã chỉ định thành phố này là ga phía Đông của tuyến xe lửa Union Pacific[1].

Sidney Buffett mở cửa hiệu của mình vào thời điểm thật thích hợp, chỉ ba tháng sau khi các tuyến đường ray tại đây được nối với các vùng lân cận. Omaha trở thành điểm xuất phát lý tưởng cho các đầu máy xe lửa chạy xuyên qua các vùng đồng bằng. Nó nhanh chóng tràn ngập những người đến định cư, những người đầu cơ, cựu binh sĩ thời nội chiến, nhân viên đường sắt, những kẻ được ra tù và cả gái mại dâm, nhiều người trong số họ tình cờ đến với cửa hàng của Buffett, nơi anh bán đủ thứ từ thịt chim cút, vịt rừng cho đến gà gô. Người ông Zebulon rất hoài nghi về triển vọng của cậu cháu trai. Trong bức thư viết cho đứa cháu 21 tuổi của mình, Zebulon nhấn mạnh rằng sự thận trọng trong kinh doanh là khẩu hiệu của dòng họ Buffett:

Cháu đừng mong có thể kiếm được nhiều tiền ở đó, ông chỉ hy vọng công việc kinh doanh của cháu sẽ tốt đẹp hơn vào mùa xuân. Nhưng nếu cháu không thể làm được điều đó, hãy từ bỏ kịp thời để thanh toán hết nợ nần và giữ lại chữ tín cho mình, bởi vì nó còn quan trọng hơn cả tiền bạc.

Tuy nhiên, khi thành phố non trẻ trở nên thịnh vượng, Sidney cũng phất lên cùng nó. Vào những năm 1870, Omaha đã có những ngôi nhà với kiến trúc bằng sắt và một nhà hát kịch lớn. Vào lúc chuyển giao thế kỷ, nó đã có những toà nhà chọc trời, tháp treo và dân số 14.000 người với tốc độ phát triển nhanh chóng. Sidney dựng một cửa hiệu lớn hơn và đưa hai con trai mình vào con đường kinh doanh. Người con trai bé hơn, Ernest – sau này là ông nội của Warren – có tài năng kinh doanh xuất sắc nhất trong gia đình. Cậu đã cãi vã với anh trai vì một cô gái và rồi kết hôn được với cô ấy; chính vì thế mà sau này họ không bao giờ nói chuyện với nhau nữa. Năm 1915, Ernest rời khỏi cửa hàng ở trung tâm thành phố và mở một cửa hàng mới – có tên là Buffett & Son – ở khu phía Tây.

Một lần nữa, việc xác định thời điểm của nhà Buffett thật là sắc sảo. Người dân Omaha lúc đó đang dịch chuyển dần từ phía Đông sang phía Tây. Cảm nhận được những cơ hội tiềm tàng ở vùng ngoại ô, Ernest đã gây dựng việc kinh doanh giao hàng và trả tiền sau. Chẳng bao lâu, những người đầu bếp của các gia đình giàu có trong vùng đều gọi điện tới cửa hàng Buffett & Son để đặt hàng. Công việc kinh doanh phát triển song Ernest vẫn tiếp nối phong cách chi tiêu chặt chẽ của gia đình. Ông chỉ trả những người coi kho hàng có 2 đô-la cho mỗi ca làm 11 giờ mà vẫn kèm theo một bài diễn thuyết về sự xấu xa của quy định đồng lương tối thiểu và sự vô lý của cái gọi là nhiệm vụ phải đóng góp cho một xã hội công bằng. Với dáng người cao lớn và oai vệ, Ernest không điều hành cửa hàng mà cai trị nó.

Nhưng Howard, con trai của Ernest và cũng là cha của Buffett lại không hề hứng thú với vai trò làm ông chủ thế hệ thứ ba của cửa hiệu. Ông cũng có đầu óc độc lập giống như cha mình, nhưng thân thiện hơn và không bao giờ quát tháo. Ông đã làm kỹ sư trong một thời gian ngắn tại đường ống dẫn dầu ở Wyoming, nhưng điều thực sự thu hút tâm trí ông lại là lao động trí óc. Tại đại học Nebraska ở Lincoln, Howard làm biên tập cho tờ Daily Nebraska và luôn khao khát có được sự nghiệp trong ngành báo chí. Mặc dù không quá đẹp trai, chàng thành niên này có mái tóc đen nhánh và cái nhìn lôi cuốn. Là chủ tịch hội sinh viên, anh hoàn toàn có thể chọn lựa những cô gái thuộc tầng lớp thượng lưu. Nhưng vào năm học cuối, Howard lại gặp một cô gái nông thôn, hoàn toàn không có dòng máu quý tộc.

Leila Stahl lớn lên tại West Point, bang Nebraska, một thị trấn hẻo lánh, hoang vắng với dân số 2.200 người. Cha của cô, ông John Ammon Stahl, sở hữu một tờ tuần báo có tên là Cuming Country Democrat. Hầu hết mọi người trong thị trấn đều là người Đức, vì vậy mà gia đình Stahls có nguồn gốc từ Anh quốc bị coi là người ngoài. Mẹ của Leila cảm thấy hết sức cô độc và thường xuyên ốm liệt giường hoặc ở trong tình trạng bị trầm cảm. Leila cùng em trai và hai em gái phải tự lo cho mình; Leila còn phải phụ giúp bố tại tờ Country Democrate. Từ năm lớp 5 trở đi, Leila thường phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu cao, sắp chữ bằng tay và sau đó là bằng máy lino. Thỉnh thoảng khi có một đoàn tàu lửa dừng lại tại West Point, cô lao vội lên tàu phỏng vấn hành khách để lấp đầy các cột tin tức. Còn vào các ngày thứ Năm thì cô bé mảnh khảnh thường phải đứng cạnh đuôi của một chiếc máy in lớn, ôm chặt những tờ giấy in báo và cẩn thận kéo từng tờ ra rất đúng lúc. Cũng chính vì thế mà sau này Leila mắc chứng đau đầu nặng do phải gắn chặt với việc in ấn tờ Country Democrat quá lâu.

Sau khi tốt nghiệp trung học, ở tuổi 16, Leila phải làm việc thêm ba năm nữa để có đủ tiền theo học tại trường Lincoln. Cô đến văn phòng của Howard Buffett để tìm một công việc tại tờ Daily Nebraska sau khi đã trải qua thời niên thiếu khắc nghiệt và vì thế có cái giọng điệu chua cay và một tính cách hài hước đầy châm biếm. Cô chỉ cao có hơn thước rưỡi, khá xinh xắn với những đường nét nhẹ nhàng và mái tóc nâu gợn sóng. Như cô nói, chuyên ngành của cô là “xây dựng gia đình” – đó không phải là điều hoàn toàn bất hợp lý đối với một cô gái đang đối mặt với nguy cơ phải trở về quê ở West Point.

Howard thuê cô và nhanh chóng đề nghị được hẹn hò với cô. Cả hai người dường như đều bị hút hồn ngay từ cái nhìn đầu tiên. Khi sắp đến ngày tốt nghiệp, Howard cầu hôn Leila. Cha cô là John Stahl, một người đàn ông có học thức, luôn hy vọng con gái mình sẽ hoàn tất chương trình đại học, nhưng vẫn chúc phúc cho đôi trẻ. Đám cưới được tổ chức tại West Point một ngày sau lễ Giáng sinh năm 1925 trong cái lạnh âm 10oC. Theo cuốn hồi ký mà Leila viết cho những đứa cháu mình thì Howard sau đó đã nói với bà rằng: “Khi anh cưới em, đó là điều tốt đẹp nhất mà anh đã từng làm.” Chẳng có ai kịp nghĩ tới tuần trăng mật. Ngay sau khi đám cưới kết thúc, họ lập tức lên xe buýt tới Omaha.

Howard được mời làm cho một tờ báo, công việc mà anh mong muốn, nhưng một người bạn của cha anh đã để dành cho anh một công việc với mức lương 25 đô-la một tuần trong một công ty bảo hiểm. Sự nhượng bộ của Howard là điều dễ hiểu. Như Leila nói: “Anh ấy chiều theo ý của cha, người đã trang trải hết chi phí học hành cho anh.”

Hai vợ chồng chuyển tới ngôi nhà một tầng làm bằng ván che màu trắng có lò sưởi đốt than đá trên đại lộ Barker. Đối với Leila, đó là một khởi đầu khó khăn. Lớn lên dưới sự nuôi nấng của một người mẹ ốm yếu, cô đã không được chuẩn bị cho vai trò nội trợ trong gia đình. Vì Howard sử dụng chiếc xe hơi nên Leila phải đi bộ ra đón xe điện để đi làm khi cô nhận việc in ấn hay làm thư ký tạm thời – công việc đôi khi còn kiếm được nhiều tiền hơn cả Howard trong những năm tháng đầu tiên đó. Sau giờ làm cô lại trở về với hàng đống việc nhà. Năm 1927, Leila trải qua một ca phẫu thuật mắt, sau ca phẫu thuật này chứng đau đầu của cô lại tái phát. Một năm sau đó, khi Doris, đứa con gái đầu lòng của họ chào đời, Leila đã bị sốt cao tới 40,5oC, khiến mọi người hoảng hốt. Nhưng hai năm sau, cô lại sinh hạ một cậu con trai, đặt tên là Warren Edward. Đó là một ngày hè ẩm ướt – ngày 30/8/1930 – một cơn mưa bất chợt làm dịu đi cái nóng 32oC.

Ngay từ khi còn bé, Warren đã tỏ ra cẩn trọng hơn so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Khi cậu nhóc học đi, hai đầu gối cậu lúc nào cũng cong khuỵ xuống, như để chắc chắn rằng cậu sẽ không bị ngã đau. Khi mẹ cậu đưa cậu và chị Doris đi lễ nhà thờ, Doris thường khám phá lung tung và bị lạc trong khi Warren chỉ đứng khép nép bên cạnh mẹ. Leila viết rằng: “Tôi chẳng gặp rắc rối nhỏ nào với thằng bé cả.”

Trong một bức hình chụp khi Warren lên 2 tuổi, trông cậu chắc mập với mái tóc vàng hoe, đi giày buộc dây và tất trắng, một tay nắm chặt một cục gỗ hình lập phương, thoáng mỉm cười và mắt nhìn đăm đắm. Tóc cậu lúc đầu có màu đỏ vàng, sau thì chuyển thành nâu nhưng tính khí thì vẫn không hề thay đổi. Cậu không đi lang thang đến những chỗ mình không biết và cũng không bao giờ gây rắc rối hay đánh nhau. Roberta, cô em gái nhỏ hơn Warren 3 tuổi sẽ bảo vệ cậu khỏi những kẻ hay bắt nạt. Có lần Howard mang về nhà vài đôi găng tay đấm bốc và gọi một cậu bé hàng xóm về để thi đấu với cậu. Leila kể lại rằng: “Sau này Warren chẳng bao giờ đụng đến chúng nữa.” Cậu hiền lành đến nỗi các chị gái và những người khác trong gia đình luôn có bản năng bảo vệ cho cậu. Cậu dường như chẳng bao giờ sẵn sàng để đánh nhau.

Những năm đầu của Warren cũng là thời gian khó khăn đối với gia đình Buffett. Howard làm nhân viên kinh doanh cổ phiếu tại ngân hàng Union Street Bank. Ông Ernest với tính cách chặt chẽ luôn cho rằng đó là một nghề không chắc chắn. Ông thu gọn suy nghĩ của mình trong một bức thư gửi cho chú Clarence của Warren như sau:

Ta biết tất cả những gì cần phải biết về chứng khoán, và nói ngắn gọn lại thì nó có nghĩa là bất kỳ kẻ nào đủ kiên nhẫn để dành dụm từng đồng đô-la cho tới tận khi hắn ta 50 tuổi chỉ là một gã ngu ngốc chết tiệt trên thị trường.

Howard viết nguệch ngoạc ngoài lề bức thư: “Một người ủng hộ nhiệt thành cho công việc kinh doanh của tôi.” Tuy nhiên, cùng năm đó ông Ernest đã tỏ rõ khả năng phán đoán chính xác của mình. Ngày 13/8/1931 – chưa đầy hai tuần trước sinh nhật đầu tiên của Warren – cha cậu đi làm về và cho biết rằng ngân hàng nơi ông làm việc đã phải đóng cửa. Sự việc đó chính là dấu hiện đầu tiên cho thấy lòng tin vào triển vọng của nền kinh tế đang lụi tắt dần trước bóng ma đen tối của cuộc Đại Khủng hoảng. Bị mất việc, tiền bạc dành dụm được cũng ra đi. Ernest chỉ cho con trai mình chút ít thời gian để thanh toán các khoản nợ nần – một liều thuốc cay đắng, vì Howard thừa hưởng thái độ làm cao không thèm vay mượn của dòng họ Buffett. “Hãy giữ lấy chữ tín, bởi vì nó quan trọng hơn tiền bạc.” Mọi việc trở nên u ám đến nỗi ông đã phải cân nhắc đến chuyện chuyển cả gia đình về lại West Point.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Howard tuyên bố công ty Buffett, Sklenicka & Co đã mở văn phòng tại toà nhà ngân hàng Union Street Bank trên đường Farnam – cũng là nơi sau này Warren sống và làm việc. Howard và cộng sự là George Sklenicka quảng cáo khắp nơi: “Chứng khoán đầu tư, Trái phiếu địa phương và các Công ty dịch vụ công cộng, cổ phiếu và trái phiếu.” Giờ đây Howard bỏ tiền đầu tư vào sự can đảm và ý chí của mình, vì sự sụp đổ của thị trường đã làm dân chúng hoàn toàn mất lòng tin. Thoạt đầu Omaha dường như vẫn bình an vô sự trước cuộc Đại Suy thoái, nhưng đến năm 1932, lúa mì mất giá nghiêm trọng và những người nông dân bắt đầu phải đến các bếp ăn từ thiện. Thành phố Omaha trung thành với chủ nghĩa cộng hoà đã bỏ phiếu cho Roosevelt với chiến thắng áp đảo; năm kế tiếp, 11.000 người đã đăng ký được cứu trợ. Ra đời trong thời gian khó khăn nhất, công ty Buffett Sklenicka thoạt đầu dường như chỉ tồn tại như một cái tên – một nơi để Howard có chỗ đến và làm chút việc để được hưởng hoa hồng. Những thương vụ đầu tiên của ông đến rất thưa thớt và các khoản hoa hồng thì nhỏ bé. Ernest, khi đó là chủ tịch của tổ chức Omaha Rotary, nói với những hội viên của ông rằng đứa con trai có thiện chí của mình không biết gì về cổ phiếu, ông khuyên họ không nên giao phó tiền của mình cho Howard. Leila phải xoay sở vất vả để sửa soạn bữa tối, vậy mà cô vẫn thường hay nhịn đói để dành phần ăn cho chồng con. Gia đình của họ túng quẫn đến nỗi Leila phải thôi không đi lễ nhà thờ nữa vì muốn tiết kiệm 29 xu để mua một pound cà phê.

Gia đình Buffett còn phải chịu đựng sự khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên miền Trung Tây, thứ dường như đang bị cuộc Đại suy thoái làm cho tồi tệ thêm. Leila viết: “Cuộc Đại suy thoái bắt đầu với cái nóng kinh khủng 44,5oC.” Những cơn bão cát thổi vào từ Oklahoma vào khiến người dân Omaha phải đóng kín cửa nhà lại để ngăn châu chấu mà vẫn không mấy tác dụng. Trong ngày sinh nhật lần thứ tư của Warren, một cơn gió cực kỳ khô hanh đã thổi bay những chiếc đĩa giấy và khăn ăn khỏi bàn và chôn vùi hàng hiên trước nhà trong bụi đỏ. Warren và Doris chịu đựng cái nóng nghẹt thở bên ngoài, đợi người bán kem xuất hiện từ chiếc xe ngựa để mua những miếng kem mút. Thế nhưng thứ còn tồi tệ hơn cả cái nóng chính là cái lạnh buốt giá vào mùa đông. Mặc kín quần áo, Warren và chị gái thường phải đi bộ qua tám dãy nhà dài để tới trường Columbia trong thời tiết lạnh tê cóng, đến nỗi những người bán hàng đều phải để xe của họ tiếp tục nổ máy khi ghé thăm nơi nào đó vì sợ sẽ không thể khởi động lại được động cơ.

Nhưng khi Warren bắt đầu đến trường thì gia cảnh nhà cậu đã khá lên nhiều. Khi cậu được 6 tuổi, gia đình Buffett chuyển tới một ngôi nhà gạch rộng rãi kiểu Tudor có mái dốc lợp ván trên đường 53 Phía Bắc ở vùng ngoại ô. Kể từ đó, những khoảng thời gian khó khăn của gia đình không bao giờ được nói đến; chúng đã bị quẳng ra khỏi tâm trí.

Tuy nhiên, chúng dường như lại ảnh hưởng nặng nề đến Warren. Những năm tháng đầu tiên đầy khó khăn đó đã nuôi dưỡng trong cậu một khát vọng là phải trở nên rất, rất giàu có. Cậu bắt đầu nghĩ đến điều này khi chưa đầy 5 tuổi. Và kể từ đó, cậu hầu như không bao giờ thôi nghĩ về nó.

Khi Warren lên 6, gia đình Buffett có một chuyến đi nghỉ hiếm hoi đến hồ Okoboji, phía bắc Iowa. Ở đó, cậu đã cố mua bằng được một lốc 6 lon Coca với giá 25 xu và dạo quanh khắp khu nghỉ mát, bán chúng với giá 5 xu mỗi lon để kiếm chút lời. Trở lại Omaha, vào những tối mùa hè, cậu mua đồ uống có ga từ cửa hàng tạp hoá của ông nội và đến tận cửa nhà mọi người để bán chúng trong khi những đứa trẻ khác rong chơi trên đường.

Từ đó trở đi, những nỗ lực của Warren không bao giờ chấm dứt. Và việc kiếm tiền của cậu là hoàn toàn có mục đích. Cậu không nghĩ đến việc kiếm chút tiền tiêu vặt mà nghĩ đến việc thực hiện khát vọng vĩ đại của mình.

Khi Warren 7 tuổi, cậu phải nhập viện vì một cơn sốt không rõ nguyên nhân. Các bác sĩ đã cắt bỏ ruột thừa nhưng cậu vẫn yếu đến nỗi các bác sĩ sợ rằng cậu sẽ không qua khỏi. Thậm chí khi cha cậu mang món mì mà cậu thích nhất đến, Warren cũng không chịu ăn. Vậy mà khi còn lại một mình trên giường bệnh, cậu lấy ra một cây bút chì và điền đầy các con số vào một tờ giấy. Cậu nói với cô y tá chăm sóc mình rằng những con số này tượng trưng cho tài sản của cậu trong tương lai. Warren nói một cách vui vẻ: “Giờ thì cháu không có nhiều tiền, nhưng một ngày nào đó cháu sẽ có được số tiền lớn như trong tờ giấy này.” Trong cơn nguy kịch, cậu bé Warren đã tìm kiếm sự nâng đỡ không phải từ món mì mà là từ giấc mơ về sự giàu có.

Howard Buffett thề sẽ không để Warren phải trải qua những tháng ngày gian khổ như mình. Ông cũng cho rằng là một người cha, ông sẽ không bao giờ theo gương ông Ernest là làm mất đi sự kính trọng của con trai. Ông lúc nào cũng bày tỏ sự tin tưởng ở Warren và ủng hộ con trong mọi việc cậu làm. Và mặc dù Warren rất giống mẹ ở tính cách hoạt bát, nhưng thế giới đối với cậu lại xoay quanh người cha.

Với chiều cao 1 mét 82, Howard to lớn hơn rất nhiều so với các thành viên khác trong gia đình, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Ông làm việc chăm chỉ để nuôi sống gia đình, sở hữu không chỉ một công ty môi giới riêng mà còn thêm cả công ty South Omaha Feed Co., một công ty nhỏ cạnh bãi chăn nuôi gia súc lớn của Omaha. Tuy nhiên, ông không bị kích thích bởi tiền bạc; đam mê của ông là tôn giáo và chính trị. Howard là một người đạo đức, có ý thức về bản thân và có lòng tin tôn giáo mạnh mẽ, một sự bảo thủ đôi khi cực đoan. (Theo như một chủ ngân hàng địa phương thì: “Ông ấy là người chỉ đi theo lẽ phải của Chúa.”)

Cho rằng Roosevelt đang làm suy yếu đồng đô-la, Howard cho các con mình những đồng tiền vàng và mua những thứ xinh đẹp để trang trí cho ngôi nhà – đèn treo bằng pha lê, đồ dùng nhà bếp bằng bạc thật, thảm lót sàn theo kiểu phương Đông – ông làm tất cả những điều này với quan điểm rằng những vật hữu hình có giá trị hơn là tiền giấy. Ông thậm chí còn tích trữ thực phẩm đóng hộp và mua một trang trại, dự tính sẽ dùng nó làm chỗ trú ẩn cho gia đình khỏi sự tàn phá của lạm phát.

Howard cũng luôn theo đuổi một nguyên tắc còn bền vững hơn bất kỳ quan điểm chính trị nào của ông, đó là thói quen suy nghĩ độc lập. Khi những đứa con vây quanh mình, Howard thường nhắc tới câu châm ngôn mà ông rất ưa thích của Emerson:

Người vĩ đại chính là người dù ở giữa đám đông vẫn duy trì một cách hoàn hảo tinh thần độc lập như khi ở một mình.

Howard dạy cho các con mình về rất nhiều các giá trị, cả tôn giáo lẫn thế tục. Ông dạy một lớp giáo lý Chủ nhật dành cho người lớn nhưng cũng làm việc trong ban điều hành của một ngôi trường công lập. Hầu như không tuần nào ông không nhắc nhở Warren và các con gái về bổn phận của họ – không chỉ với Đức Chúa mà còn cả với cộng đồng. Ông thường nói với chúng: “Không ai buộc các con phải gánh lấy toàn bộ gánh nặng này – nhưng các con cũng không được phép bỏ phần của mình xuống.”

Có lẽ, cũng giống như những người cùng thế hệ với mình, Howard không chỉ thuộc lòng những câu cách ngôn kiểu đó mà còn cố gắng hiện thực chúng trong cuộc sống. Ông không bao giờ nhậu nhẹt hay hút thuốc. Khi cổ phiếu của một khách hàng đầy thiện chí của ông mất giá thê thảm, Howard cảm thấy muộn phiền và ông sẵn sàng mua lại chúng vào tài khoản của mình.

Khi ai đó kể với ông về một tệ nạn xã hội nào đó, ông sẽ đáp lại: “Anh là một công dân tốt. Anh sẽ làm gì trước tình trạng đó.”

Ông rất hay ngồi trên chiếc ghế da màu đỏ trong phòng khách, bên chiếc máy hát đĩa bật những bản nhạc của Stephen Foster hay những bài Thánh ca và hành khúc. Như một thói quen, vào Chủ nhật, ông thường đưa gia đình đến ăn tối tại nhà hàng dùng toàn đồ đạc bằng đất nung rất đông đúc có tên Union Station và sau đó tới tiệm kem Evans Ice Cream trên đường Center Street. Và dù luôn vận com-lê đen lịch thiệp, lúc nào người ta cũng thấy trên gương mặt ông nụ cười dễ chịu. Herbert Davis, trước kia là cộng sự của Howard nói: “Anh ấy hội tụ tất cả những tính cách mà mọi người mong muốn ở một người cha.”

Những đứa con của ông rất sợ làm ông thất vọng. Doris từ chối ngồi cùng với những đứa bạn đang uống bia vì sợ cha trông thấy và cho rằng mình cũng giống bọn chúng. Roberta nhớ lại: “Tất cả các nguyên tắc đối với ông đều là tối thượng. Bạn cảm thấy mình buộc phải là một người tốt thực sự.”

Warren lý tưởng hóa cha mình nhất. Cậu rất thân mật, thoải mái và dễ chịu khi ở gần ông. Một lần nọ, khi ở trong nhà thờ, Warren đã nói với cha mình lúc đó đang hát thánh ca sai điệu: “Cha à, cả hai cha con mình đều có thể hát nhưng chúng ta không thể hát cùng một lúc với nhau được đâu.” Howard đã trìu mến gọi con trai mình là “Quả cầu lửa.”

Khi Warren 10 tuổi, Howard dẫn cậu lên New York trên một chuyến tàu đêm. Đó là việc ông vẫn làm với từng đứa con của mình. Leila tiễn Warren ra đi trong tư thế nắm tay “người bạn tốt nhất” và cặp cuốn sách sưu tập tem to đùng của mình dưới cánh tay. Lịch trình của họ bao gồm một trận bóng chày, một buổi triển lãm các con tem và “một địa điểm có bán xe lửa đồ chơi hiệu Lionel”. Tại Phố Wall, Warren đã đi thăm sở giao dịch chứng khoán.

Trước đó Warren đã bị chứng khoán hút hồn cũng giống như những đứa trẻ khác bị những chiếc máy bay mô hình quyến rũ. Cậu bé thường xuyên ghé thăm công ty môi giới chứng khoán của cha mình, nơi lúc ấy đã trở nên thịnh vượng và vừa mới chuyển đến tòa nhà Omaha National Bank với những cột đá cẩm thạch tại đường số 17 và Farnam. Nấp sau những song sắt sơn vàng trên văn phòng của cha mình, Warren nhìn chăm chú vào các chứng chỉ cổ phiếu và trái phiếu, trong mắt cậu chúng có một sức cám dỗ kỳ diệu. Cậu thường chạy xuống công ty môi giới chứng khoán Harris Upham nằm trong cùng tòa nhà, nơi có rất nhiều người trong ngành tài chính tại Omaha lui tới để tham khảo giá cả thị trường chứng khoán. Jesse Livermore, nhà đầu cơ khét tiếng tại East Coast, thường ghé qua đó khi ông ta vào thị trấn, viết nguệch ngoạc lệnh đặt mua hay bán các cổ phiếu vào một mảnh giấy rồi lặng lẽ rời đi. Các nhà môi giới của Harris Upham còn làm cậu bé vô cùng thỏa mãn bằng cách cho phép cậu ghi giá của các cổ phiếu lên bảng lớn.

Ở nhà, Warren cũng bắt đầu tự vẽ các biểu đồ giá cổ phiếu cho mình. Cậu theo dõi sự lên xuống của chúng và mê mẩn với ý tưởng giải mã được quy luật. Khi 11 tuổi, cậu quyết định hành động và mua ba cổ phiếu của công ty Cities Service lúc đó đang được mọi người ưa thích cho mình cùng với ba cổ phiếu nữa cho chị gái Doris với giá 38 đô-la. Doris nhớ lại: “Lúc đó tôi biết cậu ấy hiểu mình đang làm gì. Cậu ấy sống và hít thở với những con số.” Nhưng cổ phiếu của công ty Cities Service sau đó rớt giá thê thảm xuống còn 27 đô-la. Họ bồn chồn lo lắng, nhưng rồi nó lại hồi phục lên 40 đô-la, lúc đó Warren quyết định bán ra và thu về một khoản lãi thực sau khi đã trừ hoa hồng môi giới 5 đô-la. Nhưng ngay sau đó, giá của cổ phiếu này lại leo lên tới tận 200 đô-la. Đó chính là bài học đầu tiên về sự kiên nhẫn dành cho cậu.

Warren còn làm tốt hơn tại trường đua ngựa. Bị hấp dẫn bởi môn xác suất trong toán học, cậu và Russ đã cho ra đời một kênh mách nước cho những người chơi cá cược đua ngựa. Sau vài ngày, nhận thấy mình đã đưa ra những chỉ dẫn đúng, hai cậu bé đã viết ra một tờ giấy những con số mà mình lựa chọn rồi gắn vào đó biểu ngữ “Sự lựa chọn của hai kẻ làm việc trong chuồng ngựa”; sau đó chúng mang cả đống bản phô tô đến trường đua Ak-sar-ben. Russell kể lại: “Chúng tôi nhận ra là mình có thể bán được những mảnh giấy đó. Chúng tôi vẫy tay mời chào mọi người với lời rao: “Hãy mua ‘Sự lựa chọn của hai kẻ làm việc trong chuồng ngựa.’ Nhưng chúng tôi không có giấy phép nên họ đã không cho chúng tôi bán thứ đó nữa.”

Những khám phá của Warren luôn dựa trên những con số, thứ mà cậu tin tưởng nhất. Cậu không hề tán thành sự sùng bái tôn giáo của gia đình. Ngay từ khi còn rất nhỏ tuổi, cậu đã quá tôn thờ các nguyên tắc toán học và logic đến nỗi không thể tiến được một bước lớn nào trong việc tiếp nhận niềm tin tôn giáo. Cậu tiếp thu những tư tưởng đạo đức của cha mình nhưng không hề tin vào thần thánh vô hình. Và với một con người, nhất là một cậu bé, vốn rất thành thật trong những suy nghĩ của mình thì những lý luận logic chưa được luyện rèn đó chỉ có thể mang đến một nỗi sợ hãi kinh hoàng – đó là cái chết. Và Warren bị ám ảnh bởi điều này.

Hàng tuần, dù tuyết có dày đến 1,2 mét thì Leila và Howard cũng bắt Warren phải đi tham dự lớp giáo lý ngày Chủ nhật. Nhưng việc này không hề cứu vớt cậu khỏi nỗi sợ hãi ấy. Khi ngồi trong nhà thờ và tính toán tuổi thọ của những giáo sĩ, cậu có một mục đích. Cậu muốn biết liệu niềm tin có giúp con người sống thọ hơn hay không. Chỉ có điều đối với cậu đó không phải niềm tin về một thế giới bên kia như của một người tín đồ mà là mong ước được sống lâu hơn trong chính thế giới này.

Warren và Bob Russell thường ngồi ở hiên trước nhà Russell, trong sự tĩnh mịch của buổi chiều. Trong một lần như thế, dường như được một cơn gió xoáy miền thảo nguyên bất ngờ thôi thúc, Warren đã thốt lên: “Russ à, có một thứ mà tớ sợ. Tớ sợ chết.” Hầu như năm nào cũng có lần cậu nói đến chuyện đó – thường xuyên đến nỗi nó khắc sâu vào trí nhớ của Russ. Nó dường như tách biệt với những thứ khác mà Russell biết về Warren, một người vốn rất sôi nổi và hoạt bát. Thỉnh thoảng Russell lại bỏ thức ăn vào đáy một hộp sữa và bẫy một con chim vào đó, và lần nào cũng vậy Warren năn nỉ bạn mình đừng làm hại nó. Russell có thể kéo sợ dây buộc nắp hộp sữa và thả cho con chim ra. Nhưng cậu lại không thể giải phóng được Warren khỏi chính nỗi sợ hãi trước sự hữu hạn của cuộc sống.

Russell thường nói: “Nếu cậu làm những việc mà Chúa ban cho cậu tài năng để làm thì cậu sẽ thành công và giúp đỡ những người khác. Như thế cậu sẽ chết thanh thản.”

Nhưng Warren đáp lại: “Mình chỉ sợ.”

Russell, một người theo đạo Thiên Chúa thì lại không hiểu được nỗi sợ hãi đó. Cậu ta thường hỏi nó xuất phát từ đâu, tại sao một người đã đạt được nhiều thứ như vậy lại phải lo lắng đến thế. Nhưng có một nguyên do khác nằm trong cuộc sống gia đình của Warren mà Russell không biết tới.

Nhìn bề ngoài, gia đình Buffett có vẻ là một gia đình lý tưởng: khá giả, có đạo đức tốt và biết yêu thương nhau. Và đó là sự thực. Leila thường nói về ngày mình gặp Howard là “ngày may mắn nhất cuộc đời tôi.”

Cô đối xử với chồng như với một vị vua – một vị vua nhân từ, nhưng dù thế nào vẫn là kẻ thống trị. Là một phụ nữ thực tế, Leila cũng có những quan điểm của riêng mình về cổ phiếu, nhưng cô không bao giờ nói với Howard những điều này. Thậm chí ngay cả khi bị đau đầu trầm trọng, Leila cũng cẩn thận không quấy rầy hoặc làm phiền chồng trong khi đang đọc sách. Mục đích của cô là làm một người vợ hoàn hảo. Bạn bè của Howard biết đến cô như một phụ nữ nhỏ nhắn và vui vẻ với một nụ cười tươi – dịu dàng và thân thiện, luôn luôn nói năng ríu rít giống như bà phù thủy tốt bụng của phương Bắc.

Nhưng khi việc cố gắng làm một người vợ hoàn hảo khiến cô quá căng thẳng, cô thường đổ mọi chuyện lên đầu các con mình trong sự phẫn nộ cùng cực. Không hề cảnh báo trước, người mẹ vui vẻ này có thể trở nên rất giận dữ trong giây lát và quát tháo những đứa trẻ không thương xót, đôi khi liên tục trong hàng giờ đồng hồ. Cô chửi rủa và chê bai những đứa con mình. Chẳng có thứ gì chúng làm là tốt đẹp cả. Cô so sánh, chỉ trích và bới móc mọi lỗi lầm của chúng mà cô có thể tưởng tượng ra.

Trong cơn thịnh nộ, cô dường như bị quỷ dữ chế ngự. Không điều gì mà Warren và những người chị của cậu làm có thể thoát khỏi con mắt của cô; cô không bỏ qua bất kỳ một sự vi phạm nào, cho dù nhỏ bé đến đâu và bao giờ cũng quở trách rất dữ dội. Thậm chí ngay cả khi chúng không hề làm điều gì sai, cô cũng tự tưởng tượng ra lỗi lầm của chúng.

Theo như Warren và các chị cậu thì tâm trạng của mẹ Leila hoàn toàn không thể đoán trước được. Chính vì thế mọi chuyện càng trở nên đáng sợ hơn. Nếu bị cô phát hiện thì chắc chắn chúng sẽ không có đường thoát. Cô là một phụ nữ mạnh mẽ, mạnh mẽ giống như cô bé đã sử dụng được máy đánh chữ Linotype khi mới ở tuổi 11. Nếu những đứa trẻ muốn trốn khỏi những lời quát nạt của mẹ, cô sẽ cáu lên: “Mẹ chưa nói xong mà.” Nhưng rồi đột nhiên, cơn thịnh nộ tan biến. Và cô lại trở về hình hài một người phụ nữ nhỏ nhắn dịu dàng.

Một lần nọ, trong những năm tháng sau này, một trong số những người con của Warren đang ở nhà do được nghỉ học đã gọi điện cho bà Leila để thăm hỏi. Nhưng bà đã đột nhiên trút lên cậu tất cả sự giận dữ. Bà gọi cậu bé là một kẻ tệ hại khi không gọi điện hỏi thăm mình thường xuyên hơn và liệt kê chi tiết vô số những điều mà bà cho là xấu xa trong tính cách của cậu bé, cứ như thế liên tục trong hai giờ liền. Khi cúp điện thoại xuống, cậu bé đã khóc. Warren chỉ nói giọng nhẹ nhàng: “Bây giờ con đã biết bố cảm thấy mỗi ngày trong đời mình như thế nào rồi đó.”

Một thời gian sau khi Leila rời khỏi West Point, gia đình cô đã gặp phải những thảm kịch liên tiếp. Một người chị của cô tự vẫn; một người chị khác cùng với mẹ thì bị đưa vào trại từ thiện. Nhưng may mắn thay, sau những cơn điên khùng và mất cân bằng cảm xúc nghiêm trọng, Leila cũng đã qua khỏi được.

Warren và các chị gái luôn phải tự mình đối phó với những cơn thịnh nộ của mẹ. Hoàn toàn không có ai trong gia đình Buffett bàn luận về vấn đề này. Một buổi sáng nọ, khi Warren còn nhỏ, Howard đi xuống cầu thang và cảnh báo cậu: “Mẹ con lại đang giận dữ đấy.” Nhưng thường xuyên sau khi Howard đã rời khỏi nhà, Warren và các chị sẽ lắng nghe giọng nói của mẹ và cảnh báo cho nhau. Cha mẹ chúng không hề cãi vã, xung đột là chuyện giữa Leila và những đứa trẻ. Và đó là một cuộc xung đột mà Warren và các chị của cậu không bao giờ có cơ hội chiến thắng.

Warren đối phó với cuộc chiến vô vọng này bằng cách không chống trả lại. Chị Roberta của cậu nhớ lại: “Cậu ấy không điên lên mà giữ nó trong lòng.” Jerry Moore, người sống bên kia đường, quan sát thấy Warren không đấu tranh với ai. Cậu tránh xa mọi va chạm thường tình trong khu xóm – tránh bất kỳ kiểu xung đột nào.

Cậu không tâm sự về chuyện nhà mình với bạn bè, và cũng không có điều gì trong tính cách lạc quan của cậu làm lộ ra những điều đó. Nhưng một vài người bạn nhận thấy Warren thường dành nhiều thời gian ở nhà chúng hơn là ở nhà của chính cậu. Mẹ Russell thường hay nói: “Tôi hết cho nó đi ra ngoài với con mèo và rồi lại sai đem vào bịch sữa.” Byron Swanson, một người bạn cùng lớp, thường về nhà – trong khoảng thời gian thanh bình khi những người Mỹ đi ra ngoài mà không cần khóa cửa – và thấy Warren đang ngồi một cách ngây thơ trong căn bếp nhà mình, uống Pepsi và ăn khoai tây chiên. Walter Loomis cho hay mẹ cậu thường phải đuổi khéo Warren ra ngoài khi cha của Loomis về để cả nhà có thể dùng cơm tối. (Mỗi khi hồi tưởng lại, Loomis nói: “Thật tồi tệ, chúng tôi đã phải đuổi cậu ấy ra ngoài.”)

Sau này, cậu con trai Peter của Warren tự hỏi rằng phải chăng thành công của bố mình một phần là do được thôi thúc bởi khát khao thoát khỏi ngôi nhà đó. Câu hỏi này không có câu trả lời, nhưng rõ ràng là ông có khao khát được ở một nơi nào đó khác. Warren thường ngồi ở thang thoát hiểm tại trường tiểu học Rosehill và tuyên bố dứt khoát với những người bạn thân của mình rằng cậu sẽ trở nên giàu có trước tuổi 35. Cậu chưa bao giờ là một kẻ khoe khoang, khoác lác hay tự cao tự đại. Đó là điều duy nhất câu để lộ về bản thân mình.

Warren thường vùi đầu vào cuốn sách ưa thích của mình có tên Một nghìn cách để kiếm 1.000 đô-la, đó là một lời cổ vũ cho những tỷ phú tương lai với những câu chuyện như Tạo dựng một công việc kinh doanh tại nhà và Bà MacDougall biến 38 đô-la thành một triệu đô-la như thế nào. Warren tưởng tượng về mình một cách sinh động như thể chính cậu là nhân vật trong phần minh họa – đứng bên một núi tiền xu cao ngất ngưởng, thứ sẽ mang lại cho cậu nhiều hạnh phúc hơn bất kỳ núi kẹo nào. Rõ ràng cậu là người đọc được những giấc mơ của tác giả – cậu cũng nắm bắt tốt những lời khuyên trong cuốn sách để bắt đầu bất kỳ kế hoạch nào mà cậu chắc chắn sẽ không chờ đợi lâu.

Tại đường số 52, mọi người biết đến Warren như một con mọt sách. Cậu còn được công nhận là người có “trí nhớ kiệt xuất”. Cậu khá to lớn hơn so với tuổi của mình và thích chơi thể thao tuy còn đôi chút lóng ngóng. Tuy nhiên, cậu lại có thể nói về những khám phá trong môn tài chính của mình với một niềm say mê rất dễ khiến người khác cũng bị cuốn hút theo. Khi Warren nói, những đứa bạn của cậu chắc chắn sẽ vểnh tai lên nghe. Cậu cũng thuyết phục những đứa bạn khác tham gia các vụ làm ăn với mình, nhưng điều đó không đáng kể gì so với sức cuốn hút mà tự bản thân cậu tạo ra với chúng – giống như cha Howard đã nói, cậu là quả cầu lửa đang thu hút bướm đêm. Warren thuê Stuart Erickson, Russell và Byron Swanson đến trường đua Ak-Sar-Ben để tìm kiếm cuống vé bị đánh rơi. Cậu lôi kéo cả nửa số người trong khu phố của mình đi thu gom banh gôn. Chẳng bao lâu sau, cậu có được những thùng lớn chứa những quả banh gôn đã được phân loại theo giá và nhãn hiệu trong phòng ngủ của mình. Người hàng xóm Bill Pritchard nhớ lại: “Cậu ta mang ra cả tá banh gôn. Chúng tôi bán chúng và cậu ấy trích từ đó ra một phần lợi nhuận cho mình.” Warren và Erickson thậm chí còn mở một quầy bán banh gôn tại công viên Elmwood cho mãi tới khi, theo Erickson nhớ lại, công việc làm ăn trở nên quá tốt, ai đó đã chỉ điểm chúng tôi và những kẻ trong nghề đã đuổi chúng tôi đi.

Trên tờ Saturday Evening Post những năm đó có đăng một bài mô tả sơ lược về Omaha, trong đó khắc họa theo lối châm biếm một thành phố hoang vu và nghèo nàn nằm ở tận cùng miền đất văn minh, vốn đã kết thúc tại Des Moines, và nơi bắt đầu của thiên nhiên hoang dã, vốn được tính từ dãy Rocky Mountains. Người ta chỉ có thể nhận ra dấu hiệu văn minh ở đây nhờ vào sự tuân thủ các luật lệ chung của xã hội. Nó cũng chẳng có gì đặc sắc ngoài thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Sự đóng góp duy nhất của nó cho văn hóa của đất nước là những bữa tối với đồ ăn của hãng thực phẩm lừng danh Swanson. Nhưng phủ lên câu chuyện về một miền đất bị văn hóa bỏ quên này lại là một cái nhìn khác lãng mạn hơn nhiều, trong đó Omaha được ví như là nơi trú ẩn duy nhất còn nguyên vẹn cho những ai muốn trốn tránh khỏi Miền Tây tội lỗi – một nơi “giản dị” và chân quê. Cũng có chút ít sự thực trong câu chuyện này, nhưng chắc chắn nó đã được phóng đại lên rất nhiều. Nó phần nào giải thích cho khuynh hướng mô tả Buffett là một người khó hiểu, thay vì là một người tài năng hay khôn ngoan, giống như việc một người dân New York vẫn thường được mô tả là “nhà Thông thái của Omaha”, hay “nhà tiên tri của Omaha.” (Tác phẩm Thiên tài của vùng đất Oz cũng bắt nguồn từ đây.)

Tuy nhiên đối với Warren, Omaha hoàn toàn không phải là một nơi cằn cỗi. Gia đình Buffett và những người láng giềng là những người văn minh, có giáo dục và là một phần trong dòng chảy văn hóa chính thống. Fred Astaire đã học khiêu vũ tại Chambers Academy trên đường Farnam. Diễn viên kiệt xuất Henry Fonda cũng bắt đầu sự nghiệp lừng lẫy của mình từ các sân khấu ở quê nhà Omaha. Thành phố Omaha của Warren là một thành phố có quy mô nhỏ – với 220.000 dân – nhưng không hề là một nơi nhỏ bé. Carl Sandburg, một công nhân xúc than tại đây đã gọi nó là: “Omaha, nơi nuôi sống quân đội, ăn và chửi thề từ khuôn mặt lấm than.”

Mùa hè năm Warren lên 11 tuổi, Howard, người vốn mong muốn những đứa con mình được nếm trải cuộc sống thanh bình nơi nông trại, đã đăng tin rao vặt tìm một căn nhà nơi đồng quê. Trong một vài tuần, Warren và Doris đã đến ở trọ tại nhà một người nông dân tên là Elmer Benne. Warren thưởng thức rất ngon lành những chiếc bánh nướng của bà Benne, nhưng những con bò và cây ngô thì cậu lại chẳng hề để tâm tới. Cái tháp cao để ủ thức ăn cho gia súc cũng lạ lẫm với cậu giống như những tòa nhà chọc trời theo kiểu kiến trúc hiện đại của Omaha lạ lẫm đối với một đứa trẻ nông thôn. Warren là một đứa trẻ thành phố.

Tại đường số 53, cậu biết từng người trong tất cả các gia đình, kể cả các ngôi nhà, mặc dù chúng đều giống nhau ở những cột chống, tường gạch nâu và ô cửa ở trung tâm. Cậu có thể nhận ra mọi thứ, từ những chiếc xe tải của cửa hàng bơ sữa Roberts, tiếng nhạc xe điện, và tiếng đoàn tàu chở hàng từ phía xa, cho đến hương vị cà phê của nhà máy nghiền trong thị trấn, thậm chí là cả cái mùi nồng nặc khó chịu của những nhà máy đóng thịt hộp khi những cơn gió thổi đến từ phía nam trong những đêm hè nóng nực. Dù đi bộ, đi xe đạp, hay xe buýt công cộng, cậu đều có thể đi vòng quanh khắp thành phố, tới sân gôn, tới văn phòng của bố mình và tới cửa hàng của ông nội. Và dù cho vấn đề của Warren với mẹ hay nỗi đau khổ phải nghĩ về cái chết mỗi khi đi nhà thờ có như thế nào đi nữa, thành phố của cậu vẫn là một thứ vĩ đại, lâu bền và không gì thay đổi được.

Cú sốc mạnh mẽ khiến toàn thể người dân Mỹ bàng hoàng đau xót diễn ra vào tháng 12/1941 cũng đã đe dọa chút ít tới cuộc sống của Warren tại Omaha. Chủ nhật ngày diễn ra sự kiện Trân Châu Cảng, gia đình Buffett đang ở thăm nhà ông nội Stahl, tại West Point. Trên đường lái xe về nhà, họ đã nghe những khúc quân nhạc bi tráng. Thế nhưng trong vài tháng sau đó, khi người Mỹ đã quen với chiến tranh, cuộc sống của Warren lại tiếp tục như trước.

Năm 1942, những người Cộng hòa tại khu vực bầu cử thứ hai của bang Nebraska đã không thể tìm được một ứng viên nào xứng tầm để đối đầu với đảng đối lập đang do một vị tổng thống thời chiến đang rất được yêu mến. Trong sự tuyệt vọng, họ đã tìm tới con người thẳng thắn vốn vẫn phản đối quyết liệt Chính sách kinh tế xã hội mới: Howard Buffett.

Howard, một người theo chủ nghĩa biệt lập thực ra không có nhiều cơ hội chiến thắng. Trong khi đi diễn thuyết, những lời lẽ chua cay của ông không nhắm vào Hitler hay Mussolini mà lại là Franklin Roosevelt.

Tôi nhận thức được đầy đủ những khó khăn mà một ứng viên Đảng Cộng hòa hiện nay phải đối mặt. Người đó sẽ phải chiến đấu chống lại cỗ máy chính trị Tammany[2] hùng mạnh nhất mà thế giới từng biết đến. Bọn người tàn nhẫn này, dưới lớp vỏ chiến tranh, đang lên kế hoạch nhằm thắt chặt xiềng xích chính trị quanh cổ người dân Mỹ.

Phản đối kịch liệt tình trạng lạm phát và bộ máy chính phủ bành trướng, Howard đã có được tư tưởng đi trước thời đại mình tới 40 năm. Tuy vậy, ở Omaha, với tư cách cá nhân, ông lại không hề xa lạ đến thế với mọi người. Ông chỉ huy động được chút tiền cho cuộc bầu cử – chi phí của ông chỉ ở con số 2.361 đô-la – nhưng ông lại vận động tranh cử rất ngoan cường.

Vào ngày bầu cử, ông đã soạn bài diễn văn chấp nhận thất bại và rút lui lúc 9 giờ. Nhưng ngày hôm sau, ông bàng hoàng nhận ra rằng mình đã trúng cử. Ông gọi nó là “một trong những bất ngờ hạnh phúc nhất” trong cuộc đời mình.

Warren nhìn rõ số phận mình trong nỗi thất vọng tràn trề. Lần đầu tiên trong suốt hơn 12 năm, cậu sẽ phải rời Omaha. Trong một tấm hình gia đình được chụp ngay trước cuộc bầu cử, Warren trông có vẻ hơi lo lắng, trên khuôn mặt điển trai của cậu hiện lên cái nhìn đăm đắm, đôi môi mím chặt chỉ để một nụ cười rất nhẹ thoáng qua.

Vào thời chiến tranh, chỗ trống tại Wasington rất hiếm hoi, nên Howard đã phải thuê một căn nhà tại thị trấn Fredericksburg xinh đẹp nhưng xa xôi tại bang Virginia. Ngôi nhà nằm trên một sườn đồi, trông ra con sông Rappahannock. Đó là một nơi vốn dành cho bọn thực dân da trắng trước kia với mái hiên phía trước và những bụi hoa hồng. Đối với Roberta, nó trông giống như “thứ gì đó trong phim”. Còn Warren thì căm ghét ngôi nhà này.

Mặc dù có khung cảnh đẹp, nhưng Fredericksburg là một nơi xa xôi cách biệt nằm về phía Nam. Bất cứ một thay đổi nào cũng đều không được Warren chào đón và việc thay đổi chỗ ở này lại còn khiến thế giới của cậu bị đảo ngược. Không chỉ phải xa cách bạn bè và những người hàng xóm mà cậu còn phải xa cha mình suốt cả tuần vì ông phải nghỉ lại khách sạn Dodge tại Wasington, cách 50 dặm về phía Bắc. Vị đại biểu quốc hội mới đắc cử nói với gia đình mình rằng ông sẽ chỉ làm một nhiệm kỳ, nhưng điều đó đã không thể an ủi được cậu con trai. Xa cách Omaha và tất cả những gì thân thiết, Warren cảm thấy “nhớ nhà vô hạn.”

Mặc dù cậu chỉ muốn bỏ đi bằng mọi giá, nhưng làm trái với những người thân thuộc lại không phải bản chất của cậu. Cậu chỉ đơn thuần nói với họ rằng cậu đang mắc chứng “dị ứng” kỳ lạ và rằng cậu không thể ngủ được vào buổi tối. Tất nhiên, sức chịu đựng trước nghịch cảnh của cậu cũng khiến cho tinh thần nổi loạn dịu đi phần nhiều. Cậu thường nhớ lại: “Tôi nói với bố mẹ rằng có đôi lúc tôi cảm thấy không thể thở được. Tôi nói họ đừng lo lắng về chuyện này, rằng họ hãy cứ ngủ ngon. Còn tôi thì thường thức trắng đêm[3]. Tất nhiên, họ lo lắng đến phát sốt về cậu. Trong lúc đó, Warren viết thư cho ông nội Ernest và nói là cậu thấy buồn. Ngay sau đó, ông Ernest hồi âm và đề nghị Warren chuyển về sống với ông và dì Alice để hoàn tất lớp 8 tại Omaha. Sau một vài tuần khó khăn ở Federicksburg, bố mẹ cậu cuối cùng cũng đã phải đồng ý.

Warren trở về Omaha. Và trên tàu, cậu đã ở chung một khoang với Hugh Butler, một thượng nghị sĩ của bang Nebraska. Vào lúc rạng đông, nhận thấy người bạn đường vừa có một đêm ngon giấc, thượng nghị sĩ Butler đã nói với cậu: “Chú cứ tưởng cháu không ngủ được chứ.” Warren trả lời: “Khi ở Pennsylvania cháu đã quen với chuyện này rồi.”

Tại quê nhà, Warren như được hồi sinh. Dì Alice là một giáo viên kinh tế học tại gia rất vui vẻ và là người trông nom tốt bụng. Cô rất quan tâm đến Warren. Cũng giống như những giáo viên khác, cô bị sự thông minh và trí tò mò của cậu cuốn hút.

Ông nội Ernest, một thầy giáo bẩm sinh, cũng bất chợt thấy thích cậu bé. Lúc ấy ông đang viết một cuốn sách, và mỗi đêm ông đọc một vài trang cho Warren chép lại. Tựa đề đã được ông chọn lựa rất cẩn thận: Làm Thế Nào Để Quản Lý Một Cửa Tiệm Bách Hoá và Một Vài Điều Tôi Biết Về Câu Cá. Động lực thúc đẩy ông làm việc đó đã được tìm thấy trong một bức thư, trong đó ông Ernest tự tin tuyên bố rằng siêu thị là một thứ mốt nhất thời đã qua: “Tôi nghĩ Kroger, Montgomery & Ward và Safeway, đã đạt đến đỉnh cao của nó. Từ giờ trở đi, mô hình chuỗi cửa hàng sẽ phải trải qua một gian đoạn khó khăn.”

Thật may, tác phẩm Làm Thế Nào Để Quản Lý Một Cửa Hàng Bách Hoá đã không bao giờ được xuất bản.

Nhưng Warren thì được đến làm việc tại cửa hàng Buffett & Son, nơi cậu được trực tiếp lắng nghe những câu châm ngôn của ông nội mình. Ông Ernest còn áp dụng chúng với cả Warren bằng cách trừ ra 2 xu mỗi ngày từ tiền lương ít ỏi của cậu – một hành động mà cùng với những bài giảng về đạo đức, ông muốn khắc sâu vào đầu Warren tư tưởng về những chi phí quá lớn của các chương trình của chính phủ như Chương trình An sinh Xã hội. Đối với một cậu bé 12 tuổi, bản thân công việc này đã thật khó khăn: nâng các thùng chứa hoa quả đặt lên cao và kéo các thùng chở soda trong nhà kho ra. Cho nên Warren cũng chẳng hề bận tâm đến mục đích của ông. Cậu không thích mùi của các cửa hiệu bách hoá. Mỗi khi trái cây bị thối, cậu đều phải mang những chiếc thùng đựng chúng đi rửa sạch.

Tuy nhiên Warren yêu mến cửa hàng của ông nội. Buffett & Son là một nơi yên tĩnh và ấm cúng với những sàn gỗ sạch bong, những chiếc quạt xoay tròn, và hàng dãy kệ gỗ cao đến tận trần nhà. Khi có ai đó muốn mua một hộp ở tận kệ phía trên, Warren hoặc một nhận viên khác của cửa hàng sẽ di chuyển một cái thang trượt đến nơi thích hợp để leo lên đỉnh kệ.

Đây chính là công việc kinh doanh thành công đầu tiên mà Warren thấy. Ông chú Fred của cậu, vốn đứng sau quầy tính tiền, luôn nói những lời vui vẻ với mọi khách mua hàng. Với món bánh mì cay mới nướng, phó mát tuyệt ngon, quả hạch và bánh quy đựng trong bao còn chưa đóng kín, cửa hàng Buffett & Son có một điều gì đó thu hút khiến mọi người luôn muốn quay trở lại – có lẽ đó chính là tinh thần tiết kiệm tới từng đồng của ông nội cậu

Charlie Munger, đối tác sau này của Warren trong kinh doanh, cũng làm việc tại cửa hàng vào mỗi thứ Bảy (dù vậy mãi đến nhiều năm sau đó anh ta mới gặp Warren). Munger nhìn thấy ở cửa hàng một kiểu văn hoá rất đậm đà, như thể nó bước ra từ những bức vẽ của Norman Rockwell[4]. Không một ai tỏ ra lười nhác. “Mọi người sẽ cực kỳ bận rộn ngay từ sáng sớm cho đến tận tối mịt.” Khi Bill Buffett, anh họ của Warren đến trễ vài phút, ông nội tóc bạc trắng, đẫy đà sẽ chào đón anh với chiếc đồng hồ bỏ túi trên tay, hét lên từ ban công của tầng hai: “Billy, mấy giờ rồi?”

Trong khi sống ở gia đình ông Ernest, Warren thường đến ăn trưa tại nhà Carl Falk, người sau này là bạn làm ăn của cha cậu. Cậu thường miệt mài đọc một cuốn sách về đầu tư lấy từ phòng đọc của ông Falk trong khi bà Falk chuẩn bị bữa trưa. Cậu còn thích nó hơn cả cửa hiệu bách hoá của ông nội. Một lần nọ, trong khi Warren đang húp sùm sụp món canh gà do bà Mary Falk nấu, cậu bé tuyên bố rằng cậu sẽ trở thành tỷ phú trước tuổi 30 – và còn nói thêm một cách khó hiểu “nếu không cháu sẽ nhảy từ toà nhà cao nhất Omaha xuống.”

Bà Mary Falk cảm thấy khiếp sợ và bảo Warren không được nhắc lại điều đó nữa. Warren nhìn bà và cười. Dù sao thì bà cũng không cưỡng lại nổi sự đáng yêu đến lôi cuốn của cậu bé và luôn luôn chào đón cậu tới nhà mình. Dường như Mary Falk là người đầu tiên hỏi: “Warren, tại sao cháu lại muốn kiếm nhiều tiền đến như vậy?”

Warren trả lời: “Cháu không muốn tiền. Cháu muốn tận hưởng niềm vui khi kiếm được tiền và nhìn chúng sinh sôi nảy nở.”

Những tháng cuối cùng của năm lớp 8, Warren đã có được chút thời gian vô cùng thoải mái. Cậu gặp lại lũ bạn thân và có những cuộc dạo chơi quanh thành phố, từ cửa hàng Buffett ở khu ngoại ô phía Tây tới những con đường đầy sỏi tại các khu buôn bán của thành phố, lăng xăng nơi các chợ trời và các nhà kho bằng sắt và ngói đỏ. Đó là nơi Sidney, thành viên đầu tiên của dòng họ Buffett tại Omaha, đã mở cửa hiệu của mình, trước đó ba phần tư thế kỷ. Là thế hệ thứ tư của dòng họ Buffett tại Omaha, Warren cảm thấy đây thực sự là quê nhà của mình. Cậu có cách sống thoải mái của thành phố này, có giọng nói của vùng thảo nguyên và cũng mang cái vẻ bề ngoài điềm nhiên bí ẩn của nó. Cậu hoàn toàn không phải là một người “đơn giản”, nhưng thông qua những nét đặc trưng riêng – tính độc lập, tham vọng trở thành một người giàu có cộng với vẻ bề ngoài điềm tĩnh – ta có thể dễ dàng nhận ra cậu đích thực là một người miền Trung Tây.

Mùa thu năm 1943, Warren đã không còn lý do gì để từ chối chuyển về sống với gia đình tại Wasinghton nữa. Sự giải thoát đối với cậu đã chấm dứt.

Chú thích:

[1] Mạng lưới đường sắt lớn nhất tại Hoa Kỳ có trụ sở đặt tại Omaha, bang Nebraska

[2] Bộ máy chính trị “Tammany Hall” là một nhóm chính trị cực đoan thuộc đảng Dân chủ lúc đó đang đóng vai trò chính kiểm soát chính trường thành phố New York

[3] Nhiều năm về sau, khi được hỏi là lúc đó Warren có thức trắng đêm thật không, chị Doris của cậu đã thốt lên: “Trời ơi, không. Cậu ấy ngủ mà.”

[4] Họa sĩ nổi tiếng của nước Mỹ thế kỷ XX. Người dân Mỹ biết đến và yêu quý ông thông qua hơn 300 tranh minh họa cho bìa báo The Saturday Evening Post mà ông đã vẽ trong vòng bốn thập kỷ, trong đó ông mô tả những sự kiện bình thường vẫn diễn ra trong đời sống hàng ngày song lại thể hiện những tư tưởng văn hóa sâu sắc.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button