Kinh doanh - đầu tư

Tín Hiệu Và Độ Nhiễu

tin hieu va do nhieu sach ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nate Silver

Download sách Tín Hiệu Và Độ Nhiễu ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  SÁCH KINH DOANH – ĐẦU TƯ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

Đây là cuốn sách viết về những tiến bộ thông tin, công nghệ và khoa học. Một cuốn sách viết về cạnh tranh, thị trường tự do và hành trình phát triển các ý tưởng. Cuốn sách này bao hàm những bí quyết giúp chúng ta thông minh hơn cả máy tính, và cả những sai sót do con người gây nên. Nó cũng là một cẩm nang giúp chúng ta chinh phục nguồn tri thức từ thế giới khách quan và giải thích vì sao đôi khi chúng ta nên dừng lại ngẫm nghĩ.

Đây là cuốn sách về sự dự báo, vốn là giao điểm của mọi yếu tố kể trên. Nó còn là một nghiên cứu cho thấy vì sao một số dự báo sẽ đem lại kết quả, còn một số khác lại thất bại. Qua đây, tôi cũng hy vọng rằng chúng ta có thể tìm hiểu sâu hơn về quá trình hoạch định cho tương lai và ít nhiều tránh lặp lại những sai lầm.

Thêm thông tin, thêm vấn đề

Cuộc cách mạng đầu tiên trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã không đến cùng với các mạch vi xử lý, mà gắn liền với những cuốn sách giấy. Phát minh của Johannes Gutenberg vào năm 1440 đã đưa thông tin phổ biến rộng rãi trong đại chúng và sự bùng nổ các luồng ý tưởng cũng kéo theo những hệ quả và hiệu ứng khôn lường, vượt ngoài dự liệu. Năm 1775, ánh sáng lóe lên từ cuộc Cách mạng Công nghiệp đã soi chiếu cho bước ngoặt của nền văn minh từ một quá khứ u tối – vốn không có chỗ cho tiến bộ khoa học và kinh tế – sang những bước tăng trưởng và biến đổi vượt bậc theo cấp số nhân mà ngày nay chúng ta đã quá quen thuộc. Nó cũng tạo đà cho các sự kiện dẫn đến Thời kỳ Khai sáng tại châu Âu, cũng như sự ra đời của Cộng hòa Hoa Kỳ.

Song, ngay từ buổi đầu, máy in còn kéo theo một hệ quả khác, một cuộc chiến thần thánh trải dài suốt hàng trăm năm. Từ khi nhân loại bắt đầu tin rằng họ có thể dự đoán vận mệnh và tự quyết định số phận, kỷ nguyên đẫm máu nhất trong lịch sử loài người đã được khai màn.

Sách vở đã tồn tại từ trước thời Gutenberg, nhưng chúng không được soạn thảo và tìm đọc một cách rộng rãi. Trái lại, chúng được xem là những xa xỉ phẩm dành riêng cho giới quý tộc, vốn chỉ được xuất bản mỗi cuốn một lần bằng hình thức chép tay. Chi phí tái bản 5 trang giấy chép tay rơi vào khoảng 1 florin(1); như vậy, giá một cuốn sách bạn đang cầm trên tay có thể lên đến 20.000 đô-la. Nó cũng kèm theo vô số lỗi ghi chép và do bản sao này là từ bản sao của bản sao khác, nên số lỗi sẽ được nhân lên và biến hóa gấp bội sau mỗi thế hệ.

Thực trạng này khiến cho sứ mệnh tích lũy tri thức trở nên vô cùng khó khăn. Phải cần đến một nỗ lực ghê gớm mới có thể ngăn một khối lượng lớn tri thức khỏi bị mai một từng ngày, bởi sách giấy có thể mục nát nhanh hơn tần suất chúng được tái bản. Đơn cử, Kinh Thánh – cũng như một số ít các tác phẩm kinh điển của Plato hay Aristotle – đã từng xuất hiện dưới rất nhiều phiên bản. Tuy nhiên, khối lượng tri thức thất lạc qua các thời kỳ là không thể đếm xuể và cũng chẳng có nguồn khích lệ nào giúp chúng được lưu giữ lâu hơn trên mặt giấy.

Công cuộc theo đuổi tri thức tưởng như đã rơi vào bế tắc, nếu không nói là hoàn toàn vô vọng. Nếu ngày nay chúng ta cảm thấy bấp bênh vì mọi thứ thay đổi quá mau chóng, thì với những thế hệ trước đây, bấp bênh vẫn là mối bận tâm quá xa vời.

Nhưng máy in đã thay đổi tất cả – một cách triệt để và sâu sắc. Chỉ trong chớp mắt, chi phí xuất bản sách đã giảm gấp 300 lần và một cuốn sách chỉ có giá khoảng 70 đô-la so với hiện nay, thay vì 20.000 đô-la như trước. Năm 1470, sách in đã nhanh chóng lan rộng khắp châu Âu, từ nước Đức – quê hương của Gutenberg – đến Rome, Seville, Paris và Basel, trước khi phủ khắp hầu hết các thành đô lớn của châu Âu trong 10 năm tiếp theo. Số lượng sách xuất bản cũng gia tăng đến chóng mặt, cao gấp 30 lần so với một thế kỷ trước khi máy in ra đời. Kho tri thức của nhân loại lại bắt đầu được góp nhặt với tốc độ vũ bão…

ĐỌC THỬ

CHƯƠNG 1. Thảm họa dự báo

Ngày 23 tháng 10 năm 2008, thị trường chứng khoán rơi tự do, lao dốc gần 30% so với 5 tuần trước đó. Các công ty lừng danh một thời như Lehman Brothers(4) đều đi đến phá sản. Các thị trường tín dụng bị tê liệt. Nhà đất tại Las Vegas sụt giảm đến 40% giá trị. Tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh chóng. Hàng tỉ đô-la được đổ vào các doanh nghiệp tài chính đang sa sút. Chỉ số lòng tin đối với chính phủ rơi xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Trong khi chỉ 2 tuần nữa, cuộc bầu cử tổng thống sẽ được diễn ra.

Quốc hội – vốn vẫn luôn im ắng tận sát ngày bầu cử – bắt đầu nhộn nhịp hoạt động. Những gói cứu trợ mà họ đã thông qua chắc chắn sẽ chịu chỉ trích và họ cần gấp rút tạo động thái rằng những kẻ phạm pháp phải bị trừng trị. Ban Giám nghị Hạ viện đã cho triệu tập người đứng đầu thuộc ba cơ quan xếp hạng tín dụng – gồm Standard & Poor’s (S&P), Moody’s và Fitch Ratings(5)– nhằm lấy lời khai. Các cơ quan xếp hạng này vốn chịu trách nhiệm đánh giá khả năng vỡ nợ của hàng nghìn tỉ đô-la bảo lãnh. Và theo điều tra, có vẻ như họ đã lường gạt.

Lời dự báo tệ nhất từ kẻ kém cỏi

Ngày nay, cuộc khủng hoảng cuối những năm 2000 vẫn thường được quy cho sai lầm trong thể chế chính trị và tài chính của chúng ta. Quả thực, đó là một thất bại kinh tế trên diện rộng. Đến tận năm 2011 – 4 năm sau khi cuộc Đại Suy thoái chính thức mở màn – nền kinh tế Mỹ vẫn còn kém xa tiềm năng sản xuất 800 tỉ đô-la.

Tuy nhiên, tôi đoán chắc rằng cách nhìn nhận đúng đắn nhất đối với cuộc khủng hoảng tài chính chính là phải thừa nhận thất bại trong đánh giá – hay sai lầm khủng khiếp trong dự báo. Những dự báo thất bại này vô cùng phổ biến; chúng diễn ra trong hầu hết mọi giai đoạn từ trước, trong và sau cuộc khủng khoảng, đồng thời liên lụy đến tất cả, từ các tay môi giới thế chấp cho đến Nhà Trắng.

Những dự báo thất bại gây thiệt hại nặng nề nhất thường có nhiều điểm chung. Chúng ta chỉ tập trung vào những dấu hiệu phác họa toàn cảnh theo mong muốn của mình, chứ chưa thật sự nhìn vào bản chất. Chúng ta bỏ qua những rủi ro khó đo lường nhất, thậm chí khi chúng tỏ rõ là mối nguy lớn nhất đối với đời sống bản thân. Chúng ta đặt ra những con số ước chừng và giả định về một thế giới vốn dĩ luôn tàn nhẫn hơn tưởng tượng. Chúng ta căm ghét sự mơ hồ, dù đó là một phần tất yếu trong vấn đề ta đang giải quyết. Nếu muốn chạm đến điểm mấu chốt của cuộc khủng hoảng tài chính, chúng ta phải bắt đầu từ việc xác định thất bại dự báo ghê gớm nhất, một dự báo bao hàm toàn bộ những thiếu sót.

Như thường lệ, các cơ quan xếp hạng đã dành riêng mức đánh giá AAA cho số ít chính phủ có khả năng thanh toán cao và các doanh nghiệp hoạt động tốt nhất trên thế giới – được áp dụng với hàng nghìn cổ phiếu bảo lãnh và công cụ tài chính cho phép nhà đầu tư đặt cược vào khả năng vỡ nợ của người khác ngay tại nhà. Các thứ hạng do những công ty này công bố chẳng khác gì phép dự báo rằng: chúng đơn giản là ký hiệu ước lượng khả năng mà một khoản nợ không thể thanh toán hết. Chẳng hạn, S&P đã giải thích với nhà đầu tư rằng khi họ đánh giá một loại chứng khoán đặc biệt phức tạp như trái phiếu “nghĩa vụ nợ thế chấp”(6) ở mức AAA, đồng nghĩa chỉ có 0,12% (tương đương khoảng 1/850) khả năng loại chứng khoán này không thể thanh toán trong vòng 5 năm tới. Nó được cho là phương án an toàn tương đương trái phiếu doanh nghiệp hạng AAA, và an toàn hơn cả trái phiếu Ngân khố Hoa Kỳ – theo nhận định của S&P. Ngoài ra, các cơ quan xếp hạng sẽ không cho điểm các loại chứng khoán từ cao đến thấp.

Rốt cuộc, theo thống kê nội bộ của S&P, khoảng 28% các trái phiếu CDO đạt mức AAA đều đã vỡ nợ. (Một số tính toán độc lập thậm chí còn cho tỷ lệ cao hơn) Điều này cũng đồng nghĩa khả năng vỡ nợ thực tế của trái phiếu CDO cao gấp 200 lần so với S&P dự đoán.

Đây đích thực là thất bại toàn diện nhất trong lịch sử ngành dự báo: hàng nghìn tỉ đô-la vốn đầu tư từng được cam đoan chắc chắn an toàn, nay hóa ra đều bất ổn. Chẳng khác nào bản tin thời tiết dự báo một ngày nắng đẹp nhưng lại hóa thành một trận bão tuyết.

Khi đưa ra một dự báo không chính xác, bạn sẽ phải chọn cách lý giải nó. Một trong số đó là đổ lỗi cho hoàn cảnh bên ngoài – như chúng ta vẫn gọi là “thiếu may mắn”. Đôi khi đây là một lựa chọn hợp lý, thậm chí vô cùng chính xác. Khi Ban Thời tiết Quốc gia dự báo 90% trời quang, nhưng thực tế trời lại mưa và phá hỏng chuyến chơi golf của bạn, thật sự bạn không thể đổ lỗi cho họ. Theo dữ liệu thu thập từ nhiều thập kỷ trước đây, mỗi khi Ban Thời tiết thông báo rằng 10% trời sẽ mưa, thì thực tế là trời đã mưa trong 10% trường hợp suốt một thời gian dài.

Tuy nhiên, lời giải thích trên sẽ trở nên không đáng tin nếu người dự báo thiếu thông tin lịch sử về những lần dự báo chính xác, hoặc nếu tần suất mắc lỗi của anh ta quá nhiều. Trong trường hợp này, lỗi thường sẽ thuộc về cách người dự báo mô phỏng thế giới xung quanh anh ta, chứ không phải ở bản thân sự vật.

Quay lại câu chuyện về trái phiếu CDO, các cơ quan xếp hạng không có đánh giá cơ sở nào trong quá khứ: Đây đều là những trái phiếu mới và hết sức khác thường; đồng thời, tỷ lệ vỡ nợ do S&P công bố cũng không dựa trên dữ liệu lịch sử, mà chỉ là những giả thuyết căn cứ trên một mô hình thống kê sai lầm. Trong khi đó, mức độ nghiêm trọng của sai sót này lại quá khủng khiếp: Các trái phiếu CDO hạng AAA trên có khả năng vỡ nợ thực tế cao gấp 200 lần so với trên lý thuyết.

Hành động chuộc lỗi của các cơ quan xếp hạng lẽ ra phải là thừa nhận các mô hình vẫn còn thiếu sót và sai lầm thuộc về họ. Tuy nhiên, trong phiên điều trần trước Quốc hội, họ né tránh trách nhiệm và khẳng định mình đã thiếu may mắn. Họ đổ lỗi cho một biến cố bên ngoài, bong bóng nhà đất.

“Không chỉ riêng S&P bị bất ngờ vì sự sụt giá nghiêm trọng trên thị trường nhà đất và thế chấp,” Deven Sharma, người đứng đầu Standard & Poor’s đã phát biểu như vậy trước Quốc hội vào tháng 10 năm đó. “Hầu như không một ai, từ người sở hữu nhà, các tổ chức tài chính, cơ quan xếp hạng, giới hành pháp cho đến nhà đầu tư có thể lường trước những gì sắp xảy ra.”

Không ai nhận thấy nó sắp xảy ra. “Nếu bạn không thể chứng minh mình vô tội, hãy tỏ ra ngờ nghệch” thường là lời biện hộ đầu tiên khi xuất hiện một dự báo sai lầm. Tuy nhiên, xét trên những gì Quốc hội đã từng chứng kiến như: “Tôi không quan hệ tình dục với người phụ nữ đó” hay “Tôi không dùng chất kích thích”, thì tuyên bố của Sharma vẫn là dối trá.

Điều đáng chú ý ở bong bóng nhà đất chính là đã có những người nhận thấy nó sắp xảy ra – và một số đã cảnh báo từ trước. Robert Shiller, nhà kinh tế học tại Đại học Yale, đã sớm lưu ý về các nguồn cơn trong cuốn sách Tăng tưởng phi lý (xuất bản năm 2000). Tháng 8 năm 2002, Dean Baker, một học giả cay nghiệt tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, cũng đã viết về bong bóng này. Một phóng viên tại tạp chí Economist, người thường được biết đến với những bài báo nhàm chán, vô vị, cũng đánh giá đây là “bong bóng lớn nhất lịch sử” vào tháng 6 năm 2005. Đến tháng 8 cùng năm, Paul Krugman, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel, đã viết về bong bóng này và hậu quả không thể tránh khỏi của nó. Về sau, Krugman chia sẻ với tôi: “Nó đã manh nha từ trong hệ thống. Sự sụp đổ của thị trường nhà đất không phải một biến cố, mà đã hiển hiện rõ như ban ngày.”

Nhiều người Mỹ bình thường cũng tỏ ra lo lắng. Số lượng tra cứu cụm từ “bong bóng nhà đất” trên Google đã tăng gấp 10 lần từ tháng 1 năm 2004 đến mùa hè 2005. Lượng quan tâm nhiều nhất tập trung tại các bang như California, nơi từng chứng kiến giá nhà đất tăng kịch trần – và cũng là bang rớt giá thê thảm nhất thời điểm đó. Quả thực, chủ đề bàn tán về bong bóng này đã lan nhanh một cách khủng khiếp. Các tài liệu chứa từ khóa hai chữ “bong bóng nhà đất – housing bubble” đã tăng vọt từ 8 bản tin (năm 2001) lên 3.447 nguồn tham khảo (năm 2005). Nhiều tờ báo và tạp chí danh tiếng cũng nhắc đến bong bóng nhà đất những 10 lần mỗi ngày.

Thế nhưng, các cơ quan xếp hạng – với nhiệm vụ đánh giá rủi ro trên thị trường tài chính – chỉ đáp trả rằng họ đã bỏ qua nó. Điều đó chứng tỏ họ đã nghĩ rằng, “đây là lời biện hộ tốt nhất của mình”. Và vấn đề xảy ra với những dự báo của họ lại càng trầm trọng hơn.

“Tôi không nghĩ họ muốn dừng lại!”

Trong số các nhà kinh tế và nhà đầu tư mà tôi đã trao đổi về chương này, không ai có cái nhìn thiện cảm đối với các cơ quan xếp hạng. Nhưng họ vẫn không rõ việc xếp hạng kém như vậy phản ánh điều gì. Sự ngu dốt hay thói vụ lợi – liệu các cơ quan này có biết nhiều hơn không?

Có lẽ chỉ Jules Kroll mới xứng đáng đứng ra xem xét câu hỏi trên bởi ông đang đích thân điều hành một cơ quan xếp hạng. Được thành lập năm 2009, Kroll Bond Ratings đã đưa ra mức đánh giá đầu tiên – dành cho một khoản vay thế chấp các tòa nhà thuộc khu trung tâm mua sắm rộng lớn tại Arlington, Virginia – cùng thời điểm tôi gặp ông tại văn phòng New York năm 2011.

Kroll phê phán các cơ quan xếp hạng chủ yếu vì họ luôn thiếu sự “giám sát”. Đó quả là một khái niệm chua chát từ Kroll, người trước khi lấn sân sang lĩnh vực đánh giá đã từng có chút tiếng tăm (cùng khối tài sản không khiêm tốn chút nào) với công ty đầu tiên, Kroll Inc. – một cơ quan điều tra chuyên khám phá những trò lường gạt của doanh nghiệp.

Họ biết phải làm gì để phát hiện một âm mưu – như vụ những kẻ bắt cóc đã bắt một tỉ phú quỹ đầu tư mạo hiểm làm con tin, nhưng rồi tự khiến mình bị bại lộ vì dùng thẻ tín dụng của ông ta để thanh toán pizza. Khi tôi gặp Kroll, ông đã 69 tuổi, nhưng bản năng “đánh hơi” của ông vẫn lợi hại như xưa – và chúng lại được dịp thể hiện khi ông bắt đầu xem xét hành vi của các cơ quan xếp hạng.

“Giám sát là thuật ngữ chuyên môn trong giới đánh giá,” Kroll cho biết. “Đồng nghĩa anh phải đảm bảo nhà đầu tư luôn được thông tin về những gì anh đang chứng kiến. Mỗi tháng, anh sẽ thu được một ‘cuốn băng’(7) về các trường hợp như vỡ nợ thế chấp, thế chấp trả trước – và tập hợp được rất nhiều dữ liệu. Đó chính là lời cảnh báo trước (rằng mọi thứ sẽ tiến triển tốt hay xấu) và tất cả mọi người đều trông đợi anh công bố chúng.”

Nói cách khác, các cơ quan xếp hạng lẽ ra phải là những người đầu tiên phát hiện thấy vấn đề trên thị trường nhà đất. Họ sở hữu nguồn thông tin tốt hơn tất thảy: đó là dữ liệu mới nhất về hàng nghìn người vay đang tìm cách thanh toán đúng hạn. Nhưng đến năm 2007, họ đã bắt đầu xem thường hàng khối dữ liệu khổng lồ về chứng khoán bảo lãnh thế chấp – thời điểm vấn đề trở nên rõ ràng hơn và khả năng bị tịch thu tài sản cũng tăng gấp đôi.

“Những gã này không ngốc,” Kroll khẳng định. “Họ biết. Nhưng tôi không nghĩ họ muốn dừng lại.”

Kroll Bond Ratings là một trong mười tổ chức xếp hạng thống kê đạt chứng nhận quốc gia (hay “NRSRO – nationally recognized statistical rating organization”), gồm các doanh nghiệp được Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch cấp phép nhằm đánh giá chứng khoán được bảo lãnh nợ. Moody’s, S&P và Fitch cũng là ba trong số đó và họ chiếm gần như toàn bộ thị phần. S&P và Moody’s từng đánh giá gần 97% trái phiếu CDO được phát hành trước khi khủng hoảng tài chính diễn ra.

Lý do giúp S&P và Moody’s xuất hiện áp đảo trên thị trường đơn giản vì từ lâu họ đã là “thành viên trong nhóm”. Họ là một phần của hệ thống độc quyền nhóm hợp pháp, giữa lúc chính phủ hạn chế đầu vào đối với nền công nghiệp. Bên cạnh đó, con dấu phê chuẩn của S&P và Moody’s cũng thường nhân danh các quy chế trong ngành và quỹ bồi thường – khoảng 2/3 các quỹ bồi thường này luôn yêu cầu S&P, hoặc Moody’s, hoặc cả hai đánh giá một khoản nợ trước khi quyết định mua lại nó.

S&P và Moody’s đã lợi dụng vị thế được chọn của họ hòng thu lợi bất thường, bất chấp việc chọn ra những hồ sơ từng bị Phố Wall loại bỏ(8). Từ năm 1997 đến 2007, lợi nhuận của Moody’s trên lĩnh vực xếp hạng tài chính thỏa thuận đã tăng hơn 800% và dần đại diện cho phần lớn hoạt động xếp hạng của họ trong những năm bong bóng tồn tại. Các dịch vụ này đã giúp Moody’s trở thành công ty thuộc danh sách S&P, đạt lợi nhuận biên cao nhất trong suốt 5 năm liền diễn ra bong bóng nhà đất. (Thậm chí vào năm 2010, khi bong bóng vỡ và vấn nạn của các cơ quan xếp hạng bị vạch trần, Moody’s vẫn đạt lợi nhuận 25%.)

Với nguồn lợi nhuận lớn bị kìm hãm quá lâu giữa lúc các trái phiếu CDO liên tục được phát hành, trong khi các nhà đầu tư vô phương thẩm định độ chính xác của thứ hạng trước khi quá muộn, những cơ quan này đã không còn động lực cạnh tranh dựa trên chất lượng. Raymond McDaniel, CEO của Moody’s, đã tuyên bố dứt khoát với ban lãnh đạo rằng: “Chất lượng đánh giá là yếu tố ít quan trọng nhất giúp công ty thu về lợi nhuận.”

Thay vì thế, công thức của họ rất đơn giản. Các cơ quan xếp hạng được nhà phát hành trái phiếu CDO trả tiền cho mỗi lần đánh giá; càng nhiều trái phiếu, càng nhiều lợi nhuận. Và họ gần như có thể tạo ra số lượng trái phiếu CDO vô cùng tận bằng cách kết hợp nhiều loại thế chấp khác nhau – hoặc kết hợp hai loại CDO khác nhau thành chứng khoán phái sinh dành cho cổ phiếu khác, nếu thấy nhàm chán. Hiếm khi nào các cơ quan xếp hạng từ chối cơ hội đánh giá một trái phiếu. Sau này, một cuộc điều tra của chính phủ đã phanh phui giao dịch qua tin nhắn nhanh giữa hai quan chức cao cấp thuộc Moody’s, trong đó một người đã tuyên bố rằng chứng khoán này “có thể thỏa thuận bằng tiền” và Moody’s sẽ đánh giá nó. Trong một số trường hợp, các cơ quan này thậm chí còn đi xa hơn khi xúi giục các nhà phát hành nợ thao túng thứ hạng. Trong một động thái được cho là chấp thuận minh bạch, S&P đã cung cấp cho các nhà phát hành bản sao phần mềm xếp hạng của họ. Nhờ thế, nhà phát hành có thể xác định chính xác cần bổ sung bao nhiêu khoản thế chấp xấu vào quỹ chung mà không làm giảm thứ hạng.

Do đó, khả năng xảy ra bong bóng nhà đất và khả năng bong bóng vỡ chính là hiện thân của nguy cơ đối với con ngỗng vàng của các cơ quan xếp hạng. Con người chúng ta sở hữu một khả năng phi thường: đó là phớt lờ những nguy cơ đe dọa đến sinh kế của họ, dù nó sẽ khiến họ phải trả giá. Như vậy, nhiều khả năng tuyên bố của Deven Sharma không hẳn là bất hợp lý – có lẽ các cơ quan xếp hạng đã thật sự bỏ qua bong bóng nhà đất, dù những người khác không giống như họ.

Tuy nhiên, các cơ quan trên quả thực đã xem xét kỹ lưỡng khả năng xảy ra bong bóng nhà đất. Họ đã bất ngờ kết luận rằng chuyện này chẳng có gì to tát. Catherine Mathis, phát ngôn viên của S&P, đã cung cấp cho tôi một bản ghi nhớ, trong đó nêu chi tiết S&P đã tiến hành mô phỏng vụ việc vào năm 2005 và tiên đoán được giá nhà đất trong nước sẽ giảm 20% trong vòng 2 năm – không quá chênh lệch so với mức sụt giá nhà đất thực tế 30% từ năm 2006 đến năm 2008. Bản ghi nhớ cũng khẳng định rằng các mô hình hiện tại của S&P “sẽ bắt kịp rủi ro suy thoái” một cách thỏa đáng và các cổ phiếu xếp hạng cao của họ sẽ “dè chừng cuộc suy thoái nhà đất mà không gây thiệt hại đến xếp hạng tín dụng”.

Vấn đề thậm chí sẽ còn rắc rối hơn nếu các cơ quan xếp hạng hoàn toàn bỏ qua bong bóng nhà đất. Trong cuốn sách này, tôi sẽ bàn về sự nguy hiểm của những điều “mãi không thể nhận ra” – hay những rủi ro chúng ta không ý thức được. Có lẽ mối đe dọa duy nhất vượt trên những rủi ro này chính là việc chúng ta nghĩ rằng có thể khống chế chúng, nhưng sự thật thì không(9). Trong trường hợp này, chúng ta không chỉ tự dối lòng, mà sự tự tin lầm lạc đó còn có thể lan sang kẻ khác. Riêng đối với các cơ quan xếp hạng, vấn nạn nói trên sẽ lây nhiễm cho toàn bộ hệ thống tài chính. Trong cuốn Cẩm nang chu du Ngân hà của Hitchhiker, Douglas Adams đã viết: “Điểm khác biệt lớn nhất giữa điều có thể sai và điều không thể sai chính là khi điều không thể sai hóa ra lại sai, nó thường sẽ trở thành lỗi lầm không thể sửa chữa.”

Nhưng làm thế nào các mô hình của cơ quan xếp hạng vốn bao gồm mọi thuật dự đoán mang tính khoa học, lại diễn giải thực tế theo cách kém cỏi đến như vậy?

Các cơ quan xếp hạng sai lầm ra sao?

Chúng ta phải đào sâu hơn một chút nếu muốn tìm ra gốc rễ của vấn đề. Đáp án sẽ đòi hỏi một chút thông tin chi tiết về phương thức cấu trúc của các công cụ tài chính như trái phiếu CDO, cùng một chút hiểu biết về sự khác biệt giữa rủi ro và điều chưa chắc chắn.

Trái phiếu CDO là một tập hợp các khoản nợ thế chấp được phân thành nhiều quỹ chung khác nhau (hay nhiều “khoanh”), trong đó, một số được cho là khá rủi ro và số khác được đánh giá gần như an toàn. Anil Kashyap, bạn tôi, giảng viên môn khủng hoảng tài chính tại Đại học Chicago, đưa ra một ví dụ đơn giản hóa về CDO và tôi sẽ áp dụng phiên bản đó ngay tại đây.

Hãy hình dung bạn đang có trong tay 5 khoản thế chấp và giả định mỗi khoản có 5% khả năng sẽ vỡ nợ. Bạn có thể đặt ra một số phép cược về tình trạng của các khoản thế chấp trên, khi độ rủi ro của mỗi khoản dần tăng lên.

Phép cược an toàn nhất – tôi gọi đó là Quỹ chung Alpha – sẽ luôn sạch nợ, trừ khi cả 5 khoản thế chấp đều vỡ nợ. Trong khi đó, phép cược rủi ro nhất – Quỹ chung Epsilon – sẽ khiến bạn điêu đứng nếu chỉ 1 trong 5 khoản vỡ nợ. Đến đây, chúng ta sẽ chuyển sang bước kế tiếp.

Vì sao nhà đầu tư lại thích đặt cược vào vào Quỹ chung Epsilon hơn Quỹ chung Alpha? Rất đơn giản – vì đặt cược vào rủi ro cao hơn bao giờ cũng rẻ hơn. Tuy nhiên, giả sử bạn là nhà đầu tư ngại rủi ro – như một quỹ bồi thường chẳng hạn – và quy chế ngành cũng không cho phép bạn đầu tư vào chứng khoán thứ hạng thấp. Nếu bạn quyết định đầu tư, thì đó sẽ là Quỹ chung Alpha, với thứ hạng AAA vững chắc.

Quỹ chung Alpha bao gồm 5 khoản thế chấp, mỗi khoản chỉ có 5% khả năng vỡ nợ. Bạn chỉ thua cược khi cả 5 khoản thực tế đều vỡ nợ. Vậy rủi ro sẽ xảy ra thế nào?

Thực chất, đây không phải câu hỏi đơn giản – vì bản thân nó đã xuất hiện vấn đề. Các giả thuyết và ước đoán bạn chọn sẽ dẫn đến những đáp án vô cùng khác biệt. Nếu giả định sai, mô hình của bạn có thể đi chệch hướng rất xa.

Một giả thuyết cho rằng mỗi khoản thế chấp đều độc lập với nhau. Theo kịch bản này, rủi ro của bạn sẽ được phân tán. Chẳng hạn, nếu một thợ mộc tại Cleveland vỡ nợ vì thế chấp, điều đó sẽ chẳng can hệ gì đến một nha sĩ tại Denver. Nói cách khác, khả năng bạn thua cược sẽ cực kỳ thấp – tương đương với đổ xúc xắc được “nhất-nhất” (hai mặt 1 điểm) 5 lần liên tiếp. Đặc biệt, khả năng này sẽ ngang với 5% lũy thừa 5, đồng nghĩa nó chỉ xảy ra một lần trong 3,2 triệu trường hợp. Phương pháp đa dạng hóa được xem là kỳ diệu này chính là cách các cơ quan xếp hạng áp dụng nhằm khẳng định các khoản thế chấp dưới chuẩn với thứ hạng trung bình B+ (thường để ám chỉ chứng khoán có khả năng vỡ nợ trên 20%) gần như không có khả năng vỡ nợ khi được nhóm chung lại với nhau.

Thái cực còn lại chính là giả định rằng các khoản thế chấp trên đều sẽ có biểu hiện giống hệt nhau, chứ không hoàn toàn độc lập. Như vậy, cả 5 khoản hoặc sẽ vỡ nợ cùng lúc, hoặc không. Thay vì ném xúc xắc thành 5 lượt, lúc này, bạn sẽ đặt cược vào một lượt ném duy nhất. Sẽ có 5% khả năng bạn ném được nhất-nhất và toàn bộ các khoản thế chấp đều sẽ vỡ nợ – đồng nghĩa phép cược của bạn sẽ rủi ro gấp 160 nghìn lần so với kịch bản ban đầu.

Giả thuyết nào trong số các kịch bản trên có tính xác thực cao hơn sẽ còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế. Nếu tình hình kinh tế và thị trường nhà đất ổn định, kịch bản thứ nhất – cả 5 khoản thế chấp đều không ảnh hưởng đến nhau – sẽ là ước đoán hợp lý hơn. Các trường hợp vỡ nợ sẽ xảy ra hết lần này đến lần khác khi xúc xắc dừng ở các con số xui rủi. Ai đó có thể bị đánh gục bởi một hóa đơn y tế khổng lồ, hoặc họ sẽ mất việc. Tuy nhiên, nguy cơ vỡ nợ của một cá nhân sẽ không mấy ảnh hưởng đến kẻ khác.

Hãy giả sử một yếu tố chung nào đó sẽ xuất hiện và kết nối số phận của những người sở hữu nhà với nhau. Chẳng hạn, có một bong bóng nhà đất khá lớn xuất hiện và khiến giá nhà tăng mạnh 80%, trong khi không có động thái cải thiện rõ rệt nào về cơ bản. Lúc này, bạn đã gặp rắc rối. Nếu một người vay vỡ nợ, số còn lại cũng sẽ chịu chung số phận. Đồng thời, nguy cơ thua cược của bạn sẽ tăng lên theo cấp số nhân.

Kịch bản thứ hai bắt đầu diễn ra tại nước Mỹ vào năm 2007 (chúng tôi sẽ tiến hành một phân tích ngắn về bong bóng nhà đất trong phần sau của chương này). Nhưng đó là do các cơ quan xếp hạng đã giả định từ trước rằng các xác suất rủi ro hầu như không ảnh hưởng đến nhau. Tuy những vấn đề liên quan đến giả thuyết này đã được lý giải trong các tài liệu học thuật, cũng như qua tiết lộ của những người làm việc tại các cơ quan xếp hạng từ rất lâu trước khi bong bóng vỡ, nhưng nỗ lực xử lý của các cơ quan trước tình hình trên vẫn không đáng kể.

Đơn cử, Moody’s đã thông qua một tiến trình điều chỉnh bất thường đối với mô hình của họ, qua đó đã nâng xác suất vỡ nợ áp dụng cho chứng khoán hạng AAA thêm 50%. Có vẻ như đó là một động thái khôn ngoan. Chắc chắn một tấm chêm 50% sẽ đủ sức nện phẳng bất kỳ chỗ trũng nào trong giả thiết của một ai đó, phải thế không?

Nếu khả năng sai sót trong dự báo của họ chỉ tịnh tiến theo cấp số cộng, thì mọi thứ có lẽ vẫn ổn. Thế nhưng các đòn bẩy – hay những khoản đầu tư huy động từ nợ – có thể khiến sai sót dự báo nhân lên gấp bội, đồng thời phát sinh nguy cơ sai phạm với quy mô lớn và khó lường hơn rất nhiều. Mức điều chỉnh 50% của Moody’s lúc này chỉ như một lớp kem chống nắng, trong khi họ tuyên bố sẽ bảo vệ bạn khỏi một vụ rò rỉ hạt nhân – nói cách khác, cách giải quyết trên hoàn toàn không tương xứng với quy mô vấn đề. Xác suất ước đoán của họ không chỉ thấp hơn nguy cơ vỡ nợ 50% mà có lẽ họ đã đánh giá thấp nó đến 500% hay 5.000%. Trên thực tế, tình trạng vỡ nợ hóa ra đã nghiêm trọng hơn tuyên bố của các cơ quan xếp hạng 200 lần, đồng nghĩa với việc mô hình của họ đã đạt sai số 20.000%.

Dưới góc nhìn rộng hơn, vấn đề của các cơ quan xếp hạng chính là sự bất lực và thờ ơ trong việc nhìn nhận chính xác sự khác biệt giữa rủi ro và điều không chắc chắn.

Rủi ro, thuật ngữ được nhà kinh tế học Frank H. Knight sử dụng lần đầu tiên năm 1921, là một khả năng bạn có thể đặt cược vào nó. Giả sử, bạn sẽ thắng một ván poker nếu đối phương không ra sảnh, khả năng cho trường hợp này chính xác là 1/11. Đây chính là rủi ro. “Thua với bài mạnh trong tay” vốn chẳng dễ chịu gì, nhưng ít nhất bạn cũng nhận ra các quân lẻ và chiếm lấy chúng sớm. Về lâu dài, bạn có thể kiếm lời khi đối thủ ra bài yếu hơn do không đủ quân lẻ.

Điều không chắc chắn, mặt khác, là rủi ro khó đo lường. Bạn sẽ có linh tính mơ hồ rằng nguy hiểm đang lẩn khuất đâu đây. Hay thậm chí, bạn có thể cảm thấy mình thật sự lo lắng về chúng. Nhưng bạn không thể biết có bao nhiêu mối nguy đang rình rập và khi nào chúng sẽ xuất hiện. Phép tính nhẩm của bạn có thể còn thiếu một hệ số 100, hay một hệ số 1.000 mà bạn không biết chắc được. Đó là điều không chắc chắn. Rủi ro bôi trơn bánh xe của nền kinh tế thị trường tự do, còn điều không chắc chắn sẽ kìm hãm nó lại.

“Thuật giả kim” được các cơ quan xếp hạng sử dụng chính là mài nhẵn điều không chắc chắn cho đến khi nó thoạt trông giống hệt rủi ro. Họ chọn các chứng khoán hết sức mới lạ, lệ thuộc vào một số lượng lớn khả năng mơ hồ mang tính hệ thống và tuyên bố rằng họ đủ sức xác định mức độ rủi ro của chúng. Không chỉ thế, mà trong mọi kết luận khả dĩ, họ đều đi đến một kết quả trong đó mọi khoản đầu tư hầu như đều không tiềm ẩn rủi ro.

Không ít nhà đầu tư đã nhầm lẫn các kết luận “chắc chắn” trên với kết quả chính xác thật sự, nhưng lại có quá ít người chuẩn bị kế hoạch B phòng khi tất cả đi chệch hướng.

Và tuy các cơ quan xếp hạng phải chịu trách nhiệm chính cho cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng không chỉ riêng họ mắc sai lầm. Kịch bản về cuộc khủng hoảng tài chính dưới góc độ dự báo thất bại có thể chia thành 3 “hồi”.

Hồi I: Bong bóng nhà đất

Trong quá khứ, một ngôi nhà ở Mỹ chưa bao giờ là khoản đầu tư sinh lợi. Thực tế, theo số liệu do Robert Shiller và Karl Case – đồng nghiệp của ông – phát triển, giá thị trường của một ngôi nhà tại Mỹ hiếm khi tăng trưởng trong suốt thời gian dài. Sau khi điều chỉnh theo lạm phát, một khoản đầu tư 10.000 đô-la vào nhà đất trong năm 1896 sẽ đạt 10,6 nghìn đô-la vào năm 1996. Tỷ suất lợi nhuận thu về suốt một thế kỷ thậm chí còn thấp hơn lợi tức do thị trường chứng khoán sản sinh ra trong một năm tiêu biểu.

Tuy nhiên, nếu một ngôi nhà không thể sinh lời, ít nhất nó cũng là khoản đầu tư an toàn. Cho đến trước thập niên 2000, bước chuyển biến quan trọng nhất đối với giá nhà đất Hoa Kỳ đã xảy ra ngay sau Thế chiến II, với mức tăng trưởng đạt 60% so với giá kịch sàn năm 1942.

Song, giai đoạn bùng phát giá nhà hồi thập niên 1950 lại hầu như chẳng có điểm gì chung với bong bóng nhà đất những năm 2000. So sánh dưới đây sẽ chỉ rõ nguyên nhân khiến thập niên 2000 trở thành một mớ hỗn độn.

Những năm thời hậu chiến đã đi cùng với một thay đổi quan trọng trong hình mẫu đời sống. Nước Mỹ đã đứng dậy từ chiến tranh với những khoản tiết kiệm tràn ngập và bước sang kỷ nguyên mới của sự thịnh vượng. Từ đó, xuất hiện một nhu cầu cấp thiết về một không gian sinh sống rộng lớn hơn. Từ năm 1940 đến 1960, tỷ lệ sở hữu nhà đã tăng vọt từ 44% lên 62%, với phần lớn tỷ trọng tăng trưởng tập trung ở vùng ngoại thành. Không những thế, giai đoạn bùng phát của thị trường nhà đất còn gắn liền với thời kỳ bùng nổ dân số, mỗi thập niên sau chiến tranh, dân số Hoa Kỳ lại tăng mạnh với tỷ lệ 20%, gần gấp đôi mức tăng trưởng trong suốt những năm 2000. Điều này đồng nghĩa số lượng người sở hữu nhà cũng tăng thêm 80% sau mỗi thập kỷ – đồng thời chạm mức hoặc vượt ngưỡng gia tăng của giá nhà đất.

Ngược lại, đến thập niên 2000, tỷ lệ sở hữu nhà chỉ tăng ở mức khiêm tốn: từ 65% hồi thập kỷ trước đến đỉnh điểm 69% năm 2005. Một số ít người Mỹ không thể mua nổi một ngôi nhà giờ đã đủ điều kiện sở hữu một căn. Từ năm 2000 đến 2006, thu nhập hộ gia đình cũng tăng từ 40% thêm 15% danh nghĩa – tuy không đủ bù đắp lạm phát, nhưng vẫn đủ sức trang trải cho một ngôi nhà mới.

Trong khi đó, mức tăng trưởng trong giai đoạn bùng phát nhà đất lại mang tính giả tạo – qua những kẻ đầu cơ luôn tìm cách đảo ngược giá nhà và qua những khoản vay mập mờ gửi đến những con nợ thậm chí còn chẳng đáng tin bằng. Mặt khác, thập niên 2000 lại gắn liền với tỷ suất tiết kiệm thấp ở mức kỷ lục: chỉ hơn 1% trong vài năm. Song, chúng ta lại dễ dàng sở hữu một khoản thế chấp hơn bao giờ hết. Giá cả cũng không bị trói buộc với quy luật cung cầu và từ kẻ cho vay, dân mối lái cho đến các cơ quan xếp hạng – bằng cách này hay cách khác, tất thảy đều được lợi từ một hợp đồng bán nhà – đều cố gắng tiếp tục cuộc vui.

Tuy nhiên, nếu nước Mỹ chưa từng trải qua một bong bóng nhà đất như thế trước đây, thì nhiều quốc gia khác đã phải nếm trái đắng, hậu quả tựu trung đều hết sức thê thảm. Thông qua nghiên cứu dữ liệu trải khắp nhiều nước, từ Hà Lan cho đến Na Uy suốt hàng thế kỷ, Shiller đã phát hiện rằng mỗi khi giá bất động sản tăng đến ngưỡng rủi ro, thì một vụ đổ vỡ chắc chắn sẽ diễn ra sau đó. Đơn cử, bong bóng bất động sản đầy tai tiếng đầu thập niên 1990 tại Nhật Bản đã tạo nên một tiền lệ hết sức khác thường đối với bong bóng nhà đất tại Mỹ thời gian gần đây. Giá bất động sản thương mại tại Nhật đã tăng khoảng 76% trong vòng 10 năm (từ 1981 đến 1991), nhưng sau đó đã sụt giảm 31% chỉ trong 5 năm – gần sát với diễn biến giá nhà đất tại Mỹ trong và sau khi bong bóng diễn ra (xem hình 1-4).

Số thứ tự năm bong bóng diễn ra

Shiller đã lật mở thêm một bằng chứng khác về bong bóng nói trên: những người mua nhà đã đưa ra các giả thuyết hoàn toàn phi thực tế về mức lợi nhuận họ có thể nhận được từ các khoản đầu tư. Một khảo sát do Case và Schiller tiến hành năm 2003 đã phát hiện ra rằng người sở hữu nhà kỳ vọng giá trị tài sản của họ sẽ tăng thêm 13% mỗi năm. Nhưng trên thực tế, trong giai đoạn 100 năm từ 1896 đến 1996 (như tôi đã đề cập ở phần trước), giá bán chỉ tăng thêm tổng cộng 6% (sau khi điều chỉnh lạm phát), tương đương với khoảng 0,06% mỗi năm.

Những người sở hữu nhà nói trên có thể được dung thứ cho sự tự tin thái quá của họ vào thị trường nhà đất. Bong bóng nhà đất đã xâm lấn sang khía cạnh văn hóa khi xuất hiện hai chương trình truyền hình riêng biệt phát sóng cách nhau 10 ngày vào năm 2005 – một có tên Hãy lật ngược ngôi nhà này (Flip This House), còn lại là Hãy lật ngược ngôi nhà đó (Flip That House). Ngay đến những người mua nhà vốn chẳng hy vọng vào một khoản lợi nhuận đầu tư lớn cũng bắt đầu đồng hành cùng gia đình Jones. “Tôi nhớ khoảng 20 năm về trước, chẳng có vụ ách tắc nào trên đường đến Sacramento cả,” George Akerlof chia sẻ với tôi; ông là đồng sự thường trực của Shiller và sở hữu một văn phòng tại Đại học California, Berkeley – trung tâm của một số vụ sụt giảm giá nhà tồi tệ nhất. “Nhưng giờ đây đã xuất hiện vô số vụ ùn tắc trên đường. Đó chính là điều mọi người đang nghĩ – nếu tôi không mua hôm nay, thì 5 năm nữa tôi sẽ mất cùng số tiền đó cho một ngôi nhà cách đường cái đến hơn 10 cây số.”

Bất chấp người sở hữu nhà có cho rằng họ sẽ không thể bỏ lỡ một ngôi nhà hoặc không thể chọn trì hoãn việc mua nhà hay không, thì các điều kiện vẫn đang ngặt nghèo hơn từng ngày. Đến cuối năm 2007, đã có nhiều dấu hiệu rõ rệt cho thấy rắc rối đang đến gần, trong đó, giá nhà đã giảm trong suốt một năm trên 20 thị trường lớn nhất. Đáng lo ngại hơn chính là số lượng giấy phép nhà đất giảm đột ngột (lao dốc 50% từ đỉnh điểm). Trong khi đó, các chủ nợ – do sau cùng đã nhận thấy rõ hậu quả từ những quy chuẩn lỏng lẻo trên thị trường vay mượn dưới chuẩn – đã dần ít hào hứng cho vay hơn trước. Các trường hợp tịch biên tài sản cũng tăng gấp đôi vào cuối năm 2007.

Phản ứng đầu tiên của các nhà hoạch định chính sách là làm xẹp bớt bong bóng. Charlie Christ, thống đốc bang Florida – một trong những bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất – đã đề xuất một khoản tín dụng 10.000 đô-la cho những người mua nhà mới. Tháng 2 năm 2008, Quốc hội Hoa Kỳ cũng tiến xa hơn trong việc thông qua một dự luật, theo đó đã mở rộng đáng kể khả năng cho vay của Hiệp hội Thế chấp Quốc gia Toàn liên bang Hoa Kỳ (Fannie Mae) và Tập đoàn Vay Thế chấp Nhà Liên bang (Freddie Mac), với hy vọng sẽ thúc đẩy thêm nhiều hợp đồng mua bán nhà. Thế nhưng, giá nhà đất vẫn tiếp tục trên đà lao dốc không thể lay chuyển và giảm thêm 20% vào năm 2008.

Hồi II: Đòn bẩy, đòn bẩy và đòn bẩy

Trong khi chỉ một số ít nhà kinh tế học nhận thức được bong bóng nhà đất đang diễn ra, thì lại càng có ít những người hiểu thấu được hậu quả của viễn cảnh sụp đổ giá nhà đất đối với nền kinh tế trên diện rộng. Tháng 12 năm 2007, các nhà kinh tế học thuộc ban dự báo của Wall Street Journal đã dự đoán chỉ 38% khả năng xảy ra một cuộc suy thoái trong năm tiếp theo. Thông tin trên thật đáng kinh ngạc, vì các dữ liệu sau này đều cho thấy nền kinh tế ngay thời điểm đó đã đứng trên đà suy thoái. Các nhà kinh tế thuộc một hội đồng đánh giá khác – nhóm Khảo sát từ Các nhà Dự báo Chuyên nghiệp (Survey of Professional Forecasters) – lại cho rằng chỉ có chưa đến 1/500 khả năng nền kinh tế sẽ sụp đổ (như những gì đã diễn ra).

Các nhà kinh tế học đã bỏ qua 2 yếu tố chủ đạo. Thứ nhất, việc giảm giá nhà đất có lẽ đã tác động đến báo cáo cân đối tài chính của một người Mỹ thông thường. Như trong năm 2007, những người Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu đã dành hơn 65% tổng tài sản để chi tiêu cho nhà cửa. Mặt khác, họ đang ngày càng nghèo khó hơn – và phải sử dụng vốn sở hữu nhà cửa như tiền gửi ATM. Những tài sản không gắn với nhà cửa – bao gồm tổng giá trị tiền tiết kiệm, cổ phiếu, các khoản trợ cấp, tiền mặt và vốn sở hữu doanh nghiệp nhỏ – đã giảm khoảng 14% trong phạm vi một gia đình trung lưu từ năm 2001 đến 2004. Khi bong bóng nhà đất nổ tung và xóa sạch gần như toàn bộ giá trị sở hữu nhà khỏi sổ sách kế toán, những người Mỹ trung lưu đã nhận ra họ đang lâm vào tình cảnh thậm chí còn tồi tệ hơn vài năm trước đó.

Sự sụt giảm trong chi phí tiêu dùng cũng là hệ quả từ việc người tiêu dùng đã có cái nhìn thực tế hơn về báo cáo tài chính của họ – như các nhà kinh tế vẫn gọi là “hiệu ứng tài sản”; tỷ lệ sụt giảm này được ước tính trong khoảng từ 1,5% đến 3,5% tổng giá trị GDP mỗi năm và đủ khả năng biến đà tăng trưởng bình quân thành một đợt suy thoái. Song, một đợt suy thoái nhẹ là một chuyện và một cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu lại là chuyện khác; chỉ duy hiệu ứng tài sản là không đủ để lý giải bong bóng nhà đất đã phát động khủng hoảng như thế nào.

Thực tế, thị trường nhà đất chỉ chiếm một phần tương đối nhỏ trong hệ thống tài chính. Năm 2007, tổng doanh thu bán nhà tại Hoa Kỳ vào khoảng 1,7 nghìn tỉ đô-la – con số chẳng bõ bèn gì nếu so sánh với 40 nghìn tỉ đô-la cổ phiếu được giao dịch mỗi năm. Tuy nhiên, trái với hoạt động đang diễn ra trên Phố Chính, Phố Wall lại náo nhiệt đầu tư vào nhà đất. Năm 2007, tổng khối lượng giao dịch chứng khoán bảo lãnh thế chấp đã đạt mức 80 nghìn tỉ đô-la. Điều này đồng nghĩa cứ mỗi đô-la ai đó muốn đưa vào thế chấp, thì Phố Wall lại đặt cược vào đó đến 50 đô-la.

Đến đây, chúng ta đã khám phá ra hậu trường của cuộc khủng hoảng tài chính, những khoản đầu tư của người mua nhà đã bị bội nhân lên gấp 50 lần. Và toàn bộ vấn đề có thể gói gọn trong một từ duy nhất, đòn bẩy.

Khi bạn vay tiền để mua lại một khoản thế chấp, hoặc để đầu tư vào chứng khoán bảo lãnh thế chấp, đó cũng là đòn bẩy.

Năm 2007, Lehman Brothers đạt tỷ suất nợ 33/1; đồng nghĩa cứ mỗi 33 đô-la họ sở hữu trong các báo cáo tài chính, thì chỉ có 1 đô-la là đồng vốn thật sự. Nói cách khác, chỉ cần danh mục đầu tư của họ sụt giảm từ 3% đến 4% giá trị, Lehman Brothers sẽ có vốn sở hữu âm và nhiều khả năng phải đối mặt với việc phá sản.

Không chỉ riêng giá trị của Lehman bị đẩy lên khá cao, mà tỷ suất nợ của nhiều ngân hàng lớn tại Mỹ cũng vào khoảng 30/1 và vẫn tăng lên đều đặn ngay trước thềm cuộc khủng hoảng tài chính. Tuy dữ liệu lịch sử về tỷ suất nợ tại các ngân hàng Mỹ vốn không đồng nhất, nhưng một phân tích do Ngân hàng Anh quốc, Vương quốc Anh thực hiện đã cho thấy tổng hạn mức nợ trong toàn hệ thống đang tiệm cận đỉnh nợ lịch sử năm 2007 hoặc có thể sẽ đạt mức chưa từng có tiền lệ.

Tuy nhiên, điểm khác biệt rõ nhất ở Lehman Brothers chính là sự thèm khát cực độ của họ đối với trái phiếu bảo lãnh thế chấp. 85 tỉ đô-la chứng khoán bảo lãnh họ nắm giữ năm 2007 đã vượt gấp 4 lần giá trị vốn cơ bản của họ, đồng nghĩa chỉ một đợt suy giảm giá trị 25% cũng đủ khiến công ty này lâm vào cảnh phá sản.

Nhìn chung, các nhà đầu tư đáng lẽ phải hết sức miễn cưỡng khi đổ tiền vào những tài sản như trên – hay ít nhất họ phải che chắn các khoản cược của mình thật cẩn trọng.

“Nếu anh tham gia thị trường và có ai đó cố gắng bán cho anh một thứ anh không hiểu rõ, thì tốt nhất anh nên nghĩ rằng họ đang bán cho anh một quả chanh chua loét.” George Akerlof chia sẻ với tôi.

Akerlof đã viết một chuyên đề khá nổi tiếng có tên Thị trường chanh chua – đã đoạt giải Nobel. Ông đã chứng minh rằng “Trong một thị trường bị ô nhiễm bởi quá nhiều thông tin nhiễu loạn, chất lượng hàng hóa sẽ suy giảm và những kẻ bán hàng lươn lẹo cùng người mua cả tin, liều lĩnh sẽ vươn lên thống lĩnh thị trường.”

Hãy hình dung một người lạ tiến đến chỗ bạn trên phố và hỏi liệu bạn có thích mua chiếc xe của hắn không. Hắn chìa cho bạn giá trị chiếc xe được in trong sổ bảo hiểm, nhưng lại không cho phép bạn chạy thử. Bạn có cảm thấy nghi ngờ chút nào không?

Trong tình huống này, vấn đề cốt lõi chính là gã lạ mặt hiểu về chiếc xe rõ hơn bạn rất nhiều – từ những lần sửa chữa cho đến số km đường đã đi. Người mua sáng suốt sẽ tránh mọi giao dịch tương tự trên thị trường bằng bất kỳ giá nào. Bạn biết mình cần được chiết khấu khi mua xe từ hắn – nhưng rất khó để nắm chính xác cần chiết khấu bao nhiêu. Gã lạ mặt càng sẵn lòng hạ giá, bạn sẽ càng bị thuyết phục rằng đề nghị này quả thực là một món hời. Hãy nhớ không có cái giá nào gọi là công bằng.

Tuy nhiên, giờ hãy thử hình dung gã bán xe có một người khác đảm bảo cho hắn. Một người có vẻ khá uy tín và đáng tin cậy – như một người bạn thân của bạn, hay ai đó bạn từng hợp tác kinh doanh trước đây. Lúc này, bạn sẽ cân nhắc lại. Đây chính là vai trò của các cơ quan xếp hạng. Họ chứng nhận cho các chứng khoán bảo lãnh thế chấp bằng hàng lô lốc thứ hạng AAA và mở ra cho chúng một thị trường thậm chí chưa từng tồn tại. Thị trường trông mong họ sẽ trở thành Debbie Downer (người hay nói sự thật mất lòng) của bữa tiệc thế chấp – nhưng vai diễn của họ lại giống Robert Downey Jr. (kẻ thích làm vừa lòng người khác) hơn.

Đặc biệt, Lehman Brothers có thể đã sử dụng một tài xế được chỉ định. Trong cuộc hội đàm qua điện thoại hồi tháng 3/2007, Christopher O’Meara, Giám đốc tài chính của Lehman, đã trấn an các nhà đầu tư rằng “cơn nấc” gần đây của thị trường chẳng hề khiến ông lo lắng và Lehman hy vọng sẽ “bắt đáy” được những kẻ đang nóng vội thanh toán các khoản phân bổ của họ. Ông lý giải rằng chất lượng tín dụng của thị trường thế chấp vẫn “rất bền vững” – một kết luận chỉ có thể đưa ra nếu nhìn vào thứ hạng AAA của các chứng khoán, chứ không phải chất lượng dưới chuẩn của tài sản ký quỹ. Lehman đã mua nhầm một quả chanh.

Một năm sau, khi bong bóng nhà đất bắt đầu vỡ, Lehman đã cố gắng bán tháo các khoản đầu tư của họ trong tuyệt vọng. Thế nhưng, với phí bảo hiểm tăng vọt mà nhà đầu tư đang đòi hỏi ở các khoản hoán đổi tín dụng mặc định – bao gồm những khoản đầu tư sẽ giúp bạn sinh lời trong trường hợp vỡ nợ và do đó sẽ cung cấp cho bạn một phương án bảo hiểm cốt yếu nhằm kháng cự lại – họ chỉ có thể giảm thiểu thiệt hại khoảng 20%. Quá ít và cũng đã quá muộn; vậy nên ngày 14 tháng 9 năm 2008, Lehman đã phá sản.

Tạm nghỉ: Sợ hãi là kiểu tham lam mới

Chuỗi sự kiện chân thực kéo theo sau sự khánh kiệt của Lehman đã có thể lấp đầy một cuốn sách riêng dành cho họ (và cũng được miêu tả trong một số tác phẩm xuất sắc, như Too Big To Fail, tạm dịch: Quá lớn để sụp đổ). Chừng đó là đủ để chúng ta ghi nhớ rằng khi một công ty tài chính sụp đổ, bóng ma của nó vẫn có thể tiếp tục ám ảnh nền kinh tế thông qua “hậu kiếp” của các nghĩa vụ chưa hoàn tất.

Nếu Lehman Brothers không thể trả đứt khoản cược họ đã thua, đồng nghĩa danh mục đầu tư của ai đó sẽ bất ngờ xuất hiện một lỗ hổng to tướng. Đến lúc này, vấn đề của họ sẽ có thể lần lượt gây ảnh hưởng đến các công ty khác và là hậu quả sẽ đổ ập xuống toàn bộ hệ thống tài chính. Do lúng túng trước biến cố nhưng vẫn không chắc ai nợ ai thứ gì, các nhà đầu tư và người cho vay sẽ trở nên bất lực trong việc phân biệt giữa các công ty có khả năng thanh toán với những doanh nghiệp sống dở chết dở và chẳng còn muốn cho ai khác vay dù bất cứ giá nào – bất chấp sẽ ngăn cản các công ty đang ổn định cố hoạt động hiệu quả.

Chính lý do trên đã khiến nhiều chính phủ – với tổn thất khủng khiếp giáng xuống đầu người đóng thuế cũng như lòng mến phục của họ – đôi lúc phải đưa tay cứu vớt các công ty đang suy sụp. Thế nhưng, Quỹ Dự trữ Liên bang, vốn đã từng cứu sống Bear Stearns(10) và AIG(11), lại biểu quyết phản đối điều tương tự dành cho Lehman Brothers, bất chấp kỳ vọng của nhà đầu tư và khiến chỉ số Dow(12) lao dốc 500 điểm khi mở cửa hoạt động vào sáng hôm sau.

Lý do chính phủ cứu vớt Bear Stearns và AIG nhưng lại bỏ rơi Lehman đến nay vẫn là một ẩn số. Có người lý giải rằng Lehman đã quá vô trách nhiệm và báo cáo tài chính của họ cũng trở nên quá mục nát; chính phủ không dám chắc sẽ thu lại được gì, với cái giá ra sao; do đó không muốn tiếp tục lãng phí tiền của thêm nữa.

Larry Summers, nguyên thành viên Hội đồng Kinh tế Quốc gia, đã tiết lộ rằng nước Mỹ sẽ chẳng có kết cục tốt đẹp hơn bao nhiêu nếu đưa tay cứu vớt Lehman Brothers, vào thời điểm tôi gặp ông tại Nhà Trắng (tháng 12 năm 2009). Trong khi đó, với lượng đòn bẩy vượt quá giới hạn trong hệ thống tài chính, chúng ta chắc chắn sẽ chịu tổn thương ở mức độ nào đó.

“Lời tiên đoán đã tự phủ định chính nó,” Summers nhận xét về cuộc khủng hoảng tài chính. “Mọi người đang đặt đòn bẩy làm trọng tâm và khi đó, tình thế sẽ trở nên vô cùng mong manh; do vậy sự thỏa mãn của họ là không có cơ sở.”

Một lúc sau, ông nói tiếp: “Lehman đã châm thuốc trong một khu rừng khô hạn. Cho dù điều đó không xảy ra, thì vấn đề khác cũng có khả năng phát sinh.”

Summers cho rằng nền kinh tế Mỹ vốn là một chuỗi các vòng hồi tiếp. Một trong số đó là vòng hồi tiếp đơn giản giữa cung và cầu. Hãy thử hình dung bạn đang quản lý một quầy bán nước chanh. Bạn hạ giá nước chanh và doanh thu liền tăng lên; hoặc ngược lại, bạn tăng giá và doanh thu giảm xuống. Nếu bạn lời to vì nhiệt độ ngoài trời lên đến 38 độ C và bạn đang sở hữu quầy nước chanh duy nhất trong khu phố, thì một thằng nhóc phiền phức nào đấy sống bên kia đường nhất định sẽ mở thêm một quầy khác và tìm cách dìm giá bạn.

Cung và cầu là một ví dụ về “hồi tiếp âm”, nếu giá tăng, doanh thu sẽ giảm. Song, trái với tên gọi của nó, hồi tiếp âm là yếu tố có lợi đối với nền kinh tế thị trường. Hãy thử hình dung theo chiều ngược lại, giá tăng và doanh thu cũng tăng theo. Bạn nâng giá nước chanh từ 25 xu lên 2,5 đô-la – thay vì giảm, doanh thu vẫn cứ tăng. Đến đây, bạn tiếp tục nâng giá từ 2,5 đô-la lên 25 đô-la và doanh số lại một lần nữa tăng gấp đôi. Cuối cùng, bạn ra giá 46.000 đô-la cho một cốc nước chanh – tương đương bình quân thu nhập hàng năm của nước Mỹ – và toàn bộ 300 triệu người dân Mỹ đều lũ lượt xếp hàng giành chỗ tại khu phố nhà bạn.

Trên đây là một ví dụ về “hồi tiếp dương”. Tuy ban đầu nghe có vẻ rất tuyệt, nhưng bạn sẽ sớm nhận ra người dân trên khắp đất nước rồi đây sẽ khánh kiệt vì nước chanh. Sẽ chẳng còn ai sản xuất ra những trò chơi điện tử bạn dự tính mua với số lợi nhuận của mình.

Theo Summers, hồi tiếp âm thường chiếm ưu thế hơn hẳn trong nền kinh tế Hoa Kỳ và đóng vai trò như một bộ máy điều chỉnh nhằm tránh cho nền kinh tế đi vào suy thoái hoặc bị hâm nóng quá mức. Summers tin rằng một trong những hồi tiếp quan trọng nhất sẽ kết nối giữa sự sợ hãi và lòng tham. Một số nhà đầu tư ít khi muốn mạo hiểm, trong khi một số khác lại khao khát điều đó. Nếu giá cổ phiếu giảm vì báo cáo tài chính của một công ty đi xuống, thì nhà đầu tư sợ hãi sẽ bán cổ phiếu của anh ta cho kẻ tham lam đang chực chờ bắt đáy.

Tuy nhiên, lòng tham và sự sợ hãi là các đại lượng dễ biến đổi, cũng như có thể dịch chuyển thế cân bằng. Khi lòng tham áp đảo hệ thống, bong bóng sẽ xuất hiện. Ngược lại, khi nỗi sợ hãi lấn át, hoảng loạn sẽ xảy ra.

Nhìn chung, chúng ta sẽ có lợi nếu chịu tham vấn bạn bè và người thân trước khi ra quyết định. Tuy nhiên, nếu đánh giá của họ mang tính thỏa hiệp, thì đánh giá của chúng ta cũng vậy. Người mua có khuynh hướng ước lượng giá nhà bằng cách so sánh chúng với những ngôi nhà khác – nếu một căn nhà ba phòng ngủ tại phân khu mới của thị trấn được chào giá 400.000 đô-la, thì một ngôi nhà kiểu thuộc địa xung quanh khu phố cũng lên đến 350.000 đô-la. Trong tình huống trên, khi giá của một ngôi nhà tăng lên, nó sẽ khiến các ngôi nhà khác trông có vẻ hấp dẫn hơn.

Hoặc hãy giả sử bạn đang cân nhắc mua một loại tài sản khác như chứng khoán bảo lãnh thế chấp chẳng hạn. Loại hàng hóa này thậm chí còn khó định giá hơn. Nhưng càng có nhiều nhà đầu tư bỏ tiền vào chúng – và càng nhiều cơ quan xếp hạng chứng nhận chúng – bạn sẽ càng tự tin rằng chúng đều là những khoản đầu tư an toàn và xứng đáng. Như vậy, bạn đã đưa ra một hồi tiếp dương – và cũng là mầm họa của bong bóng.

Sau cùng, hồi tiếp âm vẫn giữ thế thống trị trong thị trường nhà đất khi không còn một người Mỹ nào đủ khả năng mua nhà ở mức giá hiện tại của chúng. Chính vì lẽ này, ngay từ ban đầu nhiều người Mỹ đã không thể chi trả cho nhà cửa họ mua trước đó và các khoản thế chấp của họ chẳng mấy chốc đã chìm nghỉm. Nhưng đến khi ấy, hàng nghìn tỉ đô-la đầu tư – với vốn vay cao và không thể tháo gỡ hòng mong tránh được thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế – đã được đặt lên bàn cược, viện dẫn rằng tất cả những ai đã mua số tài sản trên không thể nào đều sai lầm.

Năm 2009, Summers đã nói với tôi: “Chúng ta đã quá tham lam mà chẳng biết lo sợ. Để đến bây giờ, chúng ta quá khiếp hãi và chẳng thiết ham muốn gì cả.”

Hồi III: Lần này cũng chẳng khác gì!

Khi bong bóng nhà đất vỡ, những nhà đầu tư tham lam đã trở nên sợ hãi và trông thấy toàn những điều bấp bênh lẩn khuất trong mọi ngóc ngách. Tiến trình tháo gỡ khỏi cơn khủng hoảng – mỗi người đều cố gắng xác định xem ai nợ nần ai thứ gì – có thể để lại những vết tích hằn sâu trong suốt thời gian dài. Các nhà kinh tế Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff, những người đã nghiên cứu hàng tập lịch sử tài chính cho cuốn sách của họ: This Time Is Different: Eight Centuries of Financial Folly (tạm dịch: Lần này sẽ khác: 8 thế kỷ tài chính điên rồ), đã phát hiện các cuộc khủng hoảng tài chính thường khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng liên tục trong từ 4 đến 6 năm. Một nghiên cứu khác của Reinhart – tập trung vào những cuộc khủng hoảng tài chính gần đây – đã cho thấy tại 10 trong 15 quốc gia từng trải qua một cuộc khủng hoảng, tỷ lệ thất nghiệp chưa bao giờ quay lại con số trước đó. Tình trạng này trái với các cuộc suy thoái thông thường, khi đà tăng trưởng thường hồi phục trên mức bình quân trong khoảng một năm sau suy thoái, do nền kinh tế đã cân bằng trở lại và cho phép tỷ lệ lao động nhanh chóng bắt kịp. Song, nhiều mô hình kinh tế vẫn không chỉ ra được điểm khác biệt giữa hệ thống tài chính với những bộ phận khác của nền kinh tế, bất chấp ý nghĩa quan trọng của nó.

Bài học lịch sử của Reinhart và Rogoff là một trong những luận điểm Nhà Trắng đáng ra phải lưu ý. Bởi rồi đây, họ sẽ sớm phải chịu trách nhiệm về dự báo sai lầm đầy tai tiếng của mình.

Tháng 1 năm 2009, khi Tổng thống Barack Obama chuẩn bị tuyên thệ nhậm chức, dàn cố vấn kinh tế tiếp theo của Nhà Trắng – do Summers và Christina Romer, chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế dẫn đầu – đã đảm trách việc chuẩn bị bản kế hoạch chi tiết cho một gói kích thích kinh tế lớn – được kỳ vọng sẽ bù đắp cho lượng cầu giảm trong khối người tiêu dùng và doanh nghiệp. Romer cho rằng cần kêu gọi một gói kích thích 1,2 nghìn tỉ đô-la. Nhưng cuối cùng, con số này đã được duyệt xuống còn 800 tỉ đô-la, sau khi Nhà Trắng phản bác rằng Quốc hội sẽ khó lòng nuốt trôi mức giá “một nghìn tỉ”.

Nhằm thuyết phục Quốc hội và người dân cả nước tin vào gói kích thích kinh tế, Romer cùng các đồng nghiệp đã chuẩn bị một bản thông cáo nội bộ trình bày rõ mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng và gói kích thích sẽ cải thiện tình hình ra sao. Bản thông cáo cũng nêu bật một đồ thị dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ diễn tiến ra sao nếu không có gói kích thích. Theo đó, nếu không có gói kích thích, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ 7,3% (theo báo cáo cuối từ tháng 12 năm 2008) lên đỉnh 9% vào đầu năm 2010. Nhưng nếu có gói kích thích, tỷ lệ này sẽ không thể vượt quá 8% và bắt đầu giảm sớm từ tháng 7 năm 2009.

Tháng 2 năm 2009, Quốc hội đã thông qua gói kích thích trong cuộc bỏ phiếu theo nghị quyết Đảng. Thế nhưng, tỷ lệ thất nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng – chạm ngưỡng 9,5% vào tháng 7 và đạt đỉnh 10,1% vào tháng 10 năm 2009. Kết quả trên thậm chí còn tồi tệ hơn dự báo của Nhà Trắng trong kịch bản ”không kích thích”. Hàng tháng, các tay blogger bảo thủ lại cập nhật đồ thị của Romer một cách trơ trẽn – nhưng là với tỷ lệ thất nghiệp thực tế xếp trên hai đường dự báo quá đỗi lạc quan kia (xem hình 1-6).

Lúc này, mọi người sẽ cùng quan sát bản đồ thị và đi đến những kết luận khác nhau – cũng như hoàn toàn đối lập nhau trên thực tế. Paul Krugman ngay từ đầu đã phản bác rằng gói kích thích quả thực quá nhỏ và coi đây là bằng chứng cho thấy Nhà Trắng đã quá xem thường tình trạng thiếu hụt nhu cầu. “Việc tỷ lệ thất nghiệp không giảm mấy sau khi gói kích thích được áp dụng đồng nghĩa chúng ta đang phải đối mặt với cú sốc ghê gớm từ cuộc khủng hoảng tài chính,” ông cho biết. Lẽ tất nhiên, nhiều nhà kinh tế khác cũng xem đồ thị này như một bằng chứng cho thấy gói kích thích đã hoàn toàn thất bại.

Nhà Trắng có thể đưa ra lời bào chữa “tất cả đều phạm cùng một sai lầm” như S&P đã làm theo lối giải thích của họ. Những dự báo của Nhà Trắng khá trùng khớp với công bố của các nhà kinh tế độc lập cùng thời điểm. Tuy nhiên, số liệu kinh tế ban đầu đã đánh giá quá thấp mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng. Lúc đầu, chính phủ đã ước tính rằng tổng giá trị GDP sẽ suy giảm 3,8% vào mùa thu năm 2008 – đây cũng là số liệu Romer và Summers sẵn có trong tay khi họ thuyết phục mọi người về gói kích thích kinh tế. Thế nhưng, cuộc khủng hoảng tài chính đã ngoạm đứt một miếng lớn gấp đôi từ nền kinh tế. Chỉ số GDP thực tế đã giảm gần 9%, đồng nghĩa nước Mỹ đã hao hụt thêm khoảng 200 tỉ đô-la so với ước tính ban đầu của chính phủ.

Nhưng có lẽ sai lầm khó dung thứ hơn cả của Nhà Trắng chính là họ chỉ đưa ra một dự báo có-vẻ-chính-xác – cũng như không thể giúp công chúng chuẩn bị kịp cho tình huống bất ngờ khi dự báo sai. Không nhà kinh tế nào – dù trực thuộc Nhà Trắng hay từ cơ quan khác – có thể dự đoán diễn biến của các chỉ số kinh tế tối quan trọng (như tỷ lệ thất nghiệp) với khả năng thành công cao. (Tôi sẽ xem xét chi tiết hơn về dự báo vĩ mô trong chương 6.) Trong lịch sử, mức độ thiếu chắc chắn của một dự báo về tỷ lệ thất nghiệp giữa thời kỳ suy thoái thường chênh lệch trong khoảng 2%. Nên kể cả khi Nhà Trắng cho rằng tỷ lệ thất nghiệp 8% là kết quả dễ xảy ra nhất, thì con số đó vẫn có thể tăng lên thành hai chữ số (một kết cục nghiêm trọng hơn nhiều), hoặc sẽ giảm xuống còn 6%.

Sử dụng gói kích thích sao cho thật sự hiệu quả cũng là vấn đề hết sức mơ hồ. Các con số ước tính về hiệu ứng tăng gấp bội – quyết định mỗi đô-la kích thích đóng góp bao nhiêu vào mức tăng trưởng – cũng rất khác nhau giữa các nghiên cứu; chẳng hạn, có nghiên cứu khẳng định rằng 1 đô-la kích thích sẽ đóng góp 4 đô-la vào tăng trưởng GDP, trong khi số khác lại tuyên bố mức đóng góp này chỉ khoảng 60 xu/1 đô-la. Nếu xem mức độ thiếu chắc chắn cao trong việc đo lường hiệu quả của gói kích thích là yếu tố hàng đầu dẫn đến tình trạng thiếu chắc chắn cao trong việc đưa ra những dự đoán kinh tế vĩ mô dưới mọi hình thức, bạn sẽ nhận ra nguy cơ về một dự báo đang chệch hướng rất xa.

Điểm chung của các thất bại dự báo là gì?

Có ít nhất 4 thất bại dự báo chủ yếu gắn liền với cuộc khủng hoảng tài chính. Cụ thể như sau:

  • Bong bóng tài chính có thể xem là một dự báo kém. Người sở hữu nhà và các nhà đầu tư cho rằng giá cả tăng cũng đồng nghĩa giá trị nhà đất sẽ tiếp tục tăng, trong khi thực tế lịch sử lại chứng minh rằng tình trạng trên sẽ khiến giá nhà giảm.
  • Thất bại trong việc nhận thức mức độ rủi ro của chứng khoán bảo lãnh thế chấp thuộc về trách nhiệm của các cơ quan xếp hạng, cũng như của các ngân hàng như Lehman Brothers. Trái với những lời quả quyết của họ trước Quốc hội, vấn đề không nằm ở chỗ các cơ quan này không nhận thấy bong bóng nhà đất. Thay vì thế, các mô hình của họ luôn đầy ắp những giả định sai lầm cùng sự tự tin thiếu cơ sở về nguy cơ sụp đổ của giá nhà đất trong hiện tại.
  • Một thất bại phổ biến khác chính là không thể lường trước cuộc khủng hoảng nhà đất sẽ khơi mào cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nó xuất phát từ mức nợ cao trên thị trường, với 50 xu cược vay trong mỗi 1 đô-la người Mỹ sẵn sàng trả cho một ngôi nhà mới.
  • Cuối cùng, trước hậu quả tức thì của cuộc khủng hoảng tài chính, chúng ta còn thất bại trong việc dự đoán quy mô các vấn đề kinh tế phát sinh. Các nhà kinh tế học và nhà hoạch định chính sách chẳng hề để tâm đến phát hiện của Reinhart và Rogoff rằng khủng hoảng tài chính luôn gây nên những đợt suy thoái dai dẳng và ảnh hưởng sâu sắc.

Có một đặc điểm chung xuyên suốt các thất bại dự báo nói trên. Trong mỗi trường hợp, khi đánh giá dữ liệu, chúng ta đều bỏ qua một bối cảnh then chốt:

  • Lòng tin của người sở hữu nhà đối với giá nhà đất có thể xuất phát từ thực tế rằng chưa từng xảy ra tình trạng sụt giá nhà đất đáng kể nào tại Hoa Kỳ trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, nước Mỹ cũng chưa từng xuất hiện trường hợp tăng giá nhà lan rộng đến vậy, như đã diễn ra trước thời khắc sụp đổ.
  • Lòng tin của các ngân hàng đối với khả năng đánh giá chứng khoán bảo lãnh thế chấp của Moody’s và S&P có lẽ cũng dựa trên thực tế rằng các cơ quan này nhìn chung đều khá thành thạo trong việc đánh giá các loại hình tài sản tài chính khác. Tuy nhiên, các cơ quan xếp hạng lại chưa từng đánh giá những kiểu chứng khoán khác lạ và phức tạp như quyền lựa chọn tín dụng mặc định.
  • Lòng tin của các nhà kinh tế học đối với khả năng kháng cự lại khủng hoảng nhà đất của hệ thống tài chính có thể đã phát sinh do dao động giá nhà đất trong quá khứ nhìn chung vẫn chưa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống tài chính. Tuy nhiên, hệ thống tài chính có lẽ cũng chưa từng chịu nợ vay cao đến thế và trong quá khứ chúng cũng chưa bao giờ được dồn quá nhiều vào mảng nhà đất.
  • Lòng tin của các nhà hoạch định chính sách đối với khả năng phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế sau khủng hoảng tài chính có lẽ cũng đến từ kinh nghiệm của họ trong các đợt suy thoái gần đây, trong đó đa phần đều gắn với các giai đoạn phục hồi cấp tốc “theo đồ thị hình V”. Tuy nhiên, các đợt suy thoái nói trên lại không đi cùng với khủng hoảng tài chính, trong khi kiểu khủng hoảng này lại rất khác biệt.

Thuật ngữ chuyên môn dành cho kiểu vấn đề này chính là hiện tượng các dự báo đang được xem xét dần trượt khỏi khuôn mẫu. Khi xảy ra thất bại nghiêm trọng về dự báo, vấn đề trên thường sẽ để lại dấu vết khắp “hiện trường”.

Vậy ý nghĩa của thuật ngữ trên là gì? Ví dụ đơn giản sau sẽ giúp chúng ta lý giải nó.

Ngoài khuôn mẫu, ngoài sự hiểu biết, công thức cho một dự báo thất bại

Giả sử bạn là một tay lái rất cừ khôi. Đa số mọi người đều nghĩ họ là tay lái cừ, nhưng bạn lại có cho mình một thành tích thật sự để chứng minh điều đó. Suốt 30 năm ngồi sau vô-lăng, bạn chỉ vướng vào hai vụ va chạm nhỏ; và trong khoảng thời gian đó, bạn đã cầm lái 20.000 chuyến.

Bạn không phải kiểu người hay say sưa và một trong những điều bạn tuyệt đối không bao giờ làm chính là lái xe khi say rượu. Nhưng đến một hôm, bạn đã hơi bị cuốn vào bữa tiệc mừng Giáng sinh tại văn phòng. Một người bạn tốt của bạn sắp rời công ty và bạn đã phải chịu đựng nhiều áp lực rồi một cốc vodka chanh đã biến thành 12 cốc. Bạn say đứ đừ, đến mức chẳng còn biết trời đất là gì. Bạn sẽ lái xe về nhà hay gọi taxi?

Có vẻ đây là một câu hỏi dễ trả lời: Hãy bắt taxi và hủy cuộc họp của bạn vào sáng hôm sau.

Song, bạn có thể viện ra một lý lẽ khôi hài để tự lái xe về nhà như sau: trong số 20.000 lần cầm lái, bạn chỉ mới để xảy ra hai tai nạn rất nhỏ và về đích an toàn trong cả 19.998 lần còn lại. Đây có vẻ là tỷ lệ kèo hấp dẫn. Sao phải tốn công gọi taxi trước một bằng chứng rành rành như vậy?

Vấn đề hiển nhiên chính là: trong cả 20.000 lần cầm lái nói trên, không lần nào xảy ra giữa lúc bạn đang say khướt. Kích thước mẫu trong trường hợp lái xe khi say của bạn không phải là 20.000 chuyến, mà là con số 0 tròn trĩnh; bạn cũng không thể dùng kinh nghiệm trong quá khứ để dự đoán mức rủi ro do tai nạn được. Đây là ví dụ cho một vấn đề ngoài-khuôn-mẫu.

Tuy cách phòng tránh kiểu vấn đề nói trên dường như khá đơn giản, nhưng các cơ quan xếp hạng lại phạm đúng sai lầm này. Moody’s đã ước tính khả năng các trường hợp vỡ nợ thế chấp liên quan đến nhau bằng cách lập ra một mô hình phân tích dữ liệu trong quá khứ – cụ thể, họ đã xem xét dữ liệu nhà đất tại Mỹ từ những năm 1980. Vấn đề nằm ở chỗ: từ thập niên 1980 cho đến giữa thập niên 2000, giá nhà đất tại Hoa Kỳ luôn giữ nguyên hoặc tăng nhẹ. Với các điều kiện trên, giả thiết cho rằng “khoản thế chấp của một chủ sở hữu nhà ít có liên quan đến một khoản khác” sẽ có vẻ chính xác. Tuy nhiên, dữ liệu quá khứ lại không mô tả điều sẽ xảy ra khi giá nhà giảm đồng loạt. Vụ sụp đổ giá nhà đất là một hiện tượng ngoài-khuôn-mẫu và các mô hình của họ đều tỏ ra vô dụng khi đánh giá rủi ro vỡ nợ dưới những điều kiện như thế.

Những sai lầm đã phạm phải – và bài học từ chúng

Tuy nhiên, nỗ lực của Moody’s không phải hoàn toàn vô ích. Nếu mở rộng phạm vi đánh giá, họ đã có thể đi đến những con số ước tính đáng tin cậy hơn. Tuy nước Mỹ chưa phải trải qua một vụ sụp đổ nào trong thị trường nhà đất trước đây – nhưng nhiều quốc gia khác đã từng và phải chịu hậu quả rất thê thảm. Giá như Moody’s lưu ý xem xét tỷ lệ vỡ nợ sau bong bóng bất động sản tại Nhật Bản, họ đã có thể đi đến quan điểm thực tế hơn về tính bất ổn của chứng khoán bảo lãnh thế chấp – không đến nỗi cộp dấu AAA toàn bộ khi xếp hạng chúng.

Thế nhưng, các nhà dự báo lại thường từ chối xem xét các vấn đề ngoài-khuôn-mẫu. Khi mở rộng phạm vi mẫu và gộp thêm các hiện tượng cách xa cả về thời gian lẫn không gian, chúng ta thường sẽ đối mặt với những tình huống trong đó các mối liên hệ chúng ta đang nghiên cứu không còn giữ nguyên như thường lệ. Mô hình dường như cũng không còn hiệu quả như trước và trông kém ấn tượng hơn hẳn khi xuất hiện trên một bài thuyết trình PowerPoint (hay trên một bài báo hoặc bài blog). Chúng ta buộc phải thừa nhận mình hiểu biết về thế giới ít hơn bản thân vẫn tưởng; tuy động cơ cá nhân lẫn nghề nghiệp đa phần sẽ ngăn cản chúng ta chấp nhận điều này.

Chúng ta đã quên – hoặc cố ý phớt lờ – rằng các mô hình của chúng ta chỉ là phương thức đơn giản hóa thế giới. Chúng ta tin rằng nếu có phạm sai lầm, thì sai lầm đó cũng không quá quan trọng.

Tuy nhiên, trong các hệ thống phức tạp, sai lầm không chỉ được đo lường theo mức độ mà dựa trên mọi cấp độ nghiêm trọng. S&P và Moody’s đã đánh giá thấp nguy cơ vỡ nợ gắn liền với trái phiếu CDO với hệ số lên đến 200 lần. Các nhà kinh tế học cũng cho rằng chỉ có 1/500 khả năng xảy ra một đợt suy thoái tàn khốc như trong thực tế.

Ở phần giới thiệu, tôi đã nhắc đến một trong những rủi ro phổ biến chúng ta đang phải đối mặt trong kỷ nguyên thông tin: ngay cả khi khối lượng tri thức trên toàn thế giới gia tăng, thì khoảng cách giữa điều chúng ta thật sự biết với điều chúng ta nghĩ mình biết vẫn có thể bị nới rộng. Hội chứng này thường gắn với những dự báo có-vẻ-chính-xác nhưng thực chất lại chẳng hề xác thực. Moody’s đã thực hiện các phép tính của họ đến chữ số thập phân thứ hai – nhưng kết quả lại hoàn toàn xa rời thực tế. Chẳng khác nào bạn tự nhận mình là tay súng cừ khôi chỉ vì các đường đạn luôn nhắm quanh một vị trí – mặc dù chẳng có viên nào trúng hồng tâm (xem hình 1-7).

Các cuộc khủng hoảng tài chính – và hầu hết các trường hợp dự báo thất bại khác – đều bắt nguồn từ cảm giác tự tin sai lầm này. Các dự báo chính xác thường được ngụy trang thành dự báo xác thực, khiến vài người trong chúng ta mắc lừa và đặt gấp đôi tiền cược. Ngay khi chúng ta nghĩ mình vừa khắc phục xong các thiếu sót trong đánh giá, thì rất có thể đó là lúc một hệ thống hùng mạnh nào đó – như nền kinh tế Mỹ chẳng hạn – đang bị hãm lại rất gấp.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button