Kinh doanh - đầu tư

Tiếp Thị Di Động

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Vũ Hoàng Tâm

Download sách Tiếp Thị Di Động ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KINH TẾ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Nhà mạng

Việt Nam đã từng có rất nhiều nhà mạng, liệt kê theo thứ tự ra đời:

GSM : Mobifone, Vinaphone, Viettel, Beeline

CDMA : SFone, HT Mobile, EVN Telecom

Ngoài ra còn có cái tên City Phone, Gphone, HomePhone là những dịch vụ điện thoại cố định không dây, nhưng City Phone và Gphone đã rời đường đua, cuộc chơi viễn thông ở Việt Nam khắc nghiệt lắm!

Chưa hết, còn có ba cái tên Đông Dương Telecom, VTC, FPT là ba đơn vị có giấy phép hoạt động nhà mạng riêng ảo.

Mạng riêng ảo hoạt động theo tiêu chí sử dụng nền tảng và hạ tầng công nghệ của các nhà mạng đang kinh doanh để tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu. Coi như nhà mạng riêng ảo chỉ chuyên tâm lo kinh doanh, đỡ nặng đầu về tiền bạc đầu tư hơn.

Trong ba đơn vị nêu trên, chỉ có Đông Dương Telecom từng thử lửa với thị trường khắc nghiệt này bằng việc tung ra đầu số 0996 qua việc bắt tay với nhà mạng Gmobile.

Bạn có biết?

Mobifone, thành lập 1993, là nhà mạng đầu tiên của Việt Nam. Những ngày đầu phải hợp tác với tập đoàn viễn thông Comvik của Thụy Điển (từ 1995) và phải mất 12 năm ròng rã mới trở về điểm hòa vốn, trong khi nhận được sự đầu tư và hậu thuẫn rất lớn của nhà nước. Mobifone hiện trực thuộc VNPT nhưng hạch toán độc lập và đã trì hoãn IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) từ rất nhiều năm và đang rất được các nhà mạng lớn của nước ngoài như Orange, Vodafone dòm ngó và kiên nhẫn theo đuổi. Mobifone đóng góp 80% lợi nhuận và 30% doanh thu của tập đoàn VNPT. Hiện Mobifone chiếm giữ 21,04% thị phần(1).

Viettel, công ty được đánh giá là phát triển thần kỳ nhất Việt Nam về chất lượng, dịch vụ, mức độ tăng trưởng. Theo một thống kê gần đây, Viettel đã vượt xa VNPT đến 2 tỷ USD doanh thu năm 2013. Cụ thể, doanh thu của VNPT ước tính 119.000 tỷ đồng trong khi con số của Viettel là 162.886 tỷ đồng (nguồn: báo ICTNews.vn, cơ quan ngôn luận của Bộ Thông Tin và Truyền Thông). Viettel từ lâu đã qua mặt Mobifone để vươn lên vị trí số 1 về thị phần thuê bao ĐTDĐ cả nước với 44,05%(2). Viettel là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam có mặt ở khắp năm châu.

Vinaphone còn phụ thuộc nhiều vào VNPT. Hiện Vinaphone chỉ còn nắm giữ 19,88%(3) thị phần trong khi cái tên đứng thứ 4 là Vietnamobile đã tròm trèm leo lên mốc gần 11% thị phần.

Hiện nay, Việt Nam chỉ còn lại 5 nhà mạng GSM là Viettel, Mobifone, Vinaphone, Vietnamobile và Gmobile, xếp theo thứ tự về thị phần. Trước đó, đại gia Vimpelcom đến từ Nga đã từ bỏ cuộc chơi và rút luôn thương hiệu Beeline về nước – họ đã đầu tư 1 tỷ USD vào Beeline Việt Nam để rồi bán lại toàn bộ cho công ty viễn thông Toàn Cầu (Gtel), 100% vốn của Bộ Công an. GTel tiếp tục kinh doanh với thương hiệu Gmobile.

Chúng ta hãy cùng chờ xem:

Vietnamobile có bứt phá qua mặt được Vinaphone không?

Gmobile vùng vẫy tiếp không hay là bỏ cuộc?

Viettel sẽ tiếp tục nuốt thị phần của Mobifone và Vinaphone như thế nào?

Mobifone và Vinaphone có được sáp nhập để chống chọi với Viettel không?

Mobifone khi nào mới IPO đây? Hẹn lần hẹn lữa ngót chục năm rồi.

Liệu các đại gia viễn thông nước ngoài có dám bước chân vào đại dương đỏ loét(4)?

Nhà mạng Việt Nam sẽ chống chọi với OTT(5) thế nào?

Năm mới, có gì mới?

LỜI TỰA

Dân vùng quê…

Đứa cháu bé bỏng của tôi, đang học lớp mầm hay chồi gì đấy, nói chưa rành, bập bẹ bi bô. Dzậy mà khi tôi về quê thăm nhà, “móc” điện thoại Samsung Galaxy Note ra bấm bấm, nó liền nói: “Mẹ, cậu Tâm có iPhone!” – tôi phì cười.

Apple chưa từng chi một đồng quảng cáo trên TV hay tờ báo nào ở Việt Nam. Cháu tôi, nói chưa rành tiếng Việt, chắc tiếng Anh biết nó chứ nó không biết tiếng Anh. Thế sao nó nhìn cái Galaxy Note mà phán “iPhone”!?

Anh rể hỏi: Ở Sài Gòn em làm gì?

Dạ, các dịch vụ liên quan đến tin nhắn!

Mấy cái tin spam anh hay nhận được á hả?

… [Đứng hình! Đứng riết quen đến mức biết người ta sẽ nói gì sau đó!]

Chẳng trách được anh ấy, tôi tin chắc 90% người Việt Nam nghĩ đến spam khi nghe nhắc đến SMS, chứ chưa nói đến tiếp thị qua tin nhắn hay tiếp thị di động, nghe đao-to-búa-lớn quá! 10% còn lại chưa đến tuổi, hoặc đến tuổi mà chưa dùng điện thoại di động. Ủa mà tuổi nào được dùng điện thoại di động?

Dân thành thị (mà ít nhất trong ngành công nghệ hoặc tiếp thị)

Nay em làm gì?

Dạ, mobile!

Wow, cái này hot nha? Có game gì hay kể nghe em!

Phiếm thế thôi! Cuốn sách này sẽ giúp các bạn hiểu tiếp thị di động tại Việt Nam xuất phát từ đâu, nay có gì, thế giới đã có gì, Việt Nam và thế giới sẽ có thêm gì, cái gì sẽ “chết”, kiếm tiền trên “mobile” như thế nào, en-nờ chủ đề bàn về mobile bao la lắm lắm. Nghe ghiền chưa?

Tôi đã sẵn sàng (viết, à thực ra là gõ)!

Bạn đã sẵn sàng (đọc)?

Chúng ta đã sẵn sàng! Chúng ta cùng đi tìm, ai là… người chịu chơi nhất trong giới tiếp thị di động!

Thỉnh thoảng đọc nhớ ngẩng mặt lên nhìn đời, đừng ngủ quên!

Vũ Hoàng Tâm

ĐỌC THỬ

Chương 1: Tất tần tật về tin nhắn SMS

  1. Tổng đài tin nhắn(1)(SMS Gateway)

Quan trọng, lợi ích, lừa gạt

Có thể nói, dịch vụ xương sống, dịch vụ cốt lõi của tiếp thị di động và tiếp thị qua tin nhắn chính là tổng đài tin nhắn. Sau này, hễ cứ đụng chạm ngành tiếp thị di động là bạn sẽ bắt gặp đâu đó phảng phất phong vị mang tên SMS Gateway.

Tổng đài tin nhắn là dịch vụ tin nhắn hai chiều (2-ways SMS), gồm có chiều thứ nhất là người dùng nhắn tin lên tổng đài (mất phí) và chiều thứ hai là người dùng nhận được phản hồi (miễn phí).

Tổng đài tin nhắn được ứng dụng nhiều lắm, như là tra cứu kết quả xổ số, tra cứu điểm thi đại học, tra cứu số dư trong tài khoản ngân hàng, chuyển khoản cho bạn bè, ủng hộ các thí sinh thi gameshow, ủng hộ các quỹ từ thiện, đăng ký thành viên trên các website, mua hạn mức (credit) để chơi game và kể cả những tình huống bạn… bị lừa gạt như ai đó nhớ nhung tặng bạn một bài hát.

Giả sử bạn dùng ĐTDĐ, nhắn tin theo một cú pháp định sẵn lên các tổng đài 8XXX, 6XXX. Tin nhắn ấy sẽ được vận hành như sau:

MO (Mobile Originated): Nôm na cho bạn dễ hiểu, MO là tin nhắn xuất phát từ người dùng.

MT (Mobile Terminated): Cũng vậy nhé, MT dễ hiểu là phản hồi từ tổng đài sau khi MO được phát sinh.

CDR (Charged Data Record): Bản tin được tính cước.

Khi tin nhắn xuất phát từ người dùng được gửi lên tổng đài, “người” nhận là nhà mạng. Nhà mạng sẽ kiểm tra xem tài khoản của bạn còn tiền (trả trước) hay có bị khóa (trả sau) hay không. Nếu không, tin nhắn sẽ không được gửi thành công. Nếu hợp lệ, tin nhắn sẽ được chuyển tiếp sang nhà cung cấp nội dung số mà người dùng mong muốn gửi.

Bạn có thể truy cập đường dẫn này để xem danh sách các nhà cung cấp nào đang khai thác kinh doanh trên đầu số nào, để khi cần… chửi thì có ngay số điện thoại và email của giám đốc lẫn đội chăm sóc khách hàng để thực hiện nhiệm vụ cao cả ấy. Khi một tin nhắn đi từ ĐTDĐ của người dùng đến tổng đài thành công và một phản hồi ngược lại thành công, hệ thống sẽ sinh ra một bản tin được tính cước, khi đó ĐTDĐ của người dùng bị trừ tiền.

  1. Biểu phí dịch vụ tổng đài tin nhắn

Trường hợp 1: 996, 997, 998

Đây là ba đầu số khởi thủy của dịch vụ giá trị gia tăng trên tin nhắn (VAS SMS). Mức phí của ba đầu số này là:

996: 2.000 đồng/ tin

997: 1.000 đồng/ tin

998: 3.000 đồng/ tin

Tại sao không phải 6 – 7 – 8 tương ứng mức giá 1 – 2 – 3.000 đồng mà lại hơi gượng gạo như thế?

Câu trả lời là: Bạn tên gì? Ví dụ bạn tên Duy. Ơ vì sao gọi là Duy? Ừ thì nó là Duy nên gọi là Duy. Nó là cái chai thì gọi là cái chai. Nó là cái chi chi thì gọi là cái chi chi. 998 thích thu 50.000 đồng được không? Được, lên hệ thống đổi cái rụp là xong!

997 là đầu số rất phổ biến đối với các bác xe ôm, người lao động phổ thông. Với họ, nó là cơ may đổi đời, nhắn lên tra kết quả xổ số biết đâu có ngày trúng.

Trường hợp 2: 8XXX, 6XXX, 7XXX

Các đầu số dịch vụ tin nhắn hay gọi là shortcode (đầu số ngắn, trong khi đó ví dụ 1900XXXXXX là đầu số dài) thường có định dạng 8XXX, 6XXX, 7XXX. Và biểu phí cụ thể như sau:

Đối với từng ký tự trong đầu số 8XXX:

Số 8 chả có ý nghĩa gì mấy. Giống như số SIM điện thoại của chúng ta, 09XXXXXXXX hay 01XXXXXXXXX thì số 9 và số 1 chẳng có ý nghĩa gì cả. Thực ra cả số 0 cũng chả có ý nghĩa gì, chỉ để nhận biết đang gọi khác mạng cho nhau. Cùng mạng cứ thế mà bỏ số 0 vẫn cứ gọi khỏe re! Giờ mới biết vụ này đúng không? ☺

Chữ X thứ hai là “ý nghĩa” nhất, vì nó đi liền khúc ruột. Cứ đối chiếu chữ X thứ hai với cột thứ 2 ở bảng trên là biết ngay ta phải tiêu tốn bao nhiêu cho một tin nhắn. Bạn có hay nhắn ủng hộ cho các thí sinh trên các cuộc thi như Vietnam Idol, Cặp đôi hoàn hảo…? Bạn có nhớ là lúc ấy nhắn vào đầu số nào, giá bao nhiêu không?

Vietnam Idol: Dải số là 6358, mức phí là 3.000đ/ tin nhắn.

Cặp đôi hoàn hảo: Dải số 7557, mức phí là 5.000đ/ tin nhắn.

Hai chữ XX cuối cùng để dân trong ngành nhìn vô biết đấy là công ty nào làm chương trình này. Nói trắng ra là thằng nào đã cướp miếng ăn của mình. Ví dụ vài đầu số tiêu biểu nhé:

8X00 và 8X13: FPT

8X01: VC Corp

8X30: VTC

8X49: VNPay – Bác này trùm trong lĩnh vực ngân hàng

8X77: Bluesea

8X88: VDC

8X99: VASC

6X89: Incom

Như vậy, 8XXX sẽ “chạy” từ 8X00 đến 8X99, mỗi đầu số thuộc một công ty. Như vậy sẽ có 100 công ty SMS. Riêng FPT sở hữu hai đầu số vì thực ra lúc xin đầu số, đó là hai công ty con khác nhau của tập đoàn FPT, dù rằng giờ hai công ty ấy đã sáp nhập lại thành FPT Online. Trên thực tế còn có một số công ty khác sở hữu nhiều hơn một đầu số như quy định. Ôi, chuyện ấy thì dân làm kinh doanh ai cũng hiểu vì sao lại được “ưu ái” như thế!

Giả sử có công ty thứ 101 muốn làm ngành này thì họ lấy đầu số ở đâu ra để kinh doanh?

Một là, thuê lại từ 100 bạn đầu tiên.

Hai là, xin cấp dãy số mới, vì vậy 6XXX và 7XXX ra đời. Lại một câu hỏi, 8XXX hết, tại sao 6XXX ra đời trước 7XXX. Quay lại câu hỏi về “996, 997, 998” nhé!

5 cột cuối cùng trong bảng trên nói về tỷ lệ % mà nhà mạng sẽ bỏ túi mỗi khi có tin nhắn lên các đầu số 8XXX, 6XXX, 7XXX.

Ví dụ, bạn nhắn một nội dung lên 86XX từ một thuê bao của Viettel. Bạn bị trừ 10.000 đồng, nhà mạng hưởng 5.500 đồng (55%) và công ty cung cấp đầu số trong tình huống này hưởng 4.500 đồng (45%). Sẽ có mục riêng nói về 45% ấy sẽ chia năm xẻ bảy như thế nào, cho những ai, bao nhiêu…

Trường hợp 2’: Công ty ABC

Chúng ta hay lấy ví dụ là “một công ty abc” để ám ý một công ty chung chung nào đó. Tuy nhiên, trong ngành VAS này có công ty tên là ABC thật. Thậm chí, bạn sếp bên này còn mở thêm công ty XYZ. Những cái tên thế này thế mà lại hay nhỉ!

Công ty ABC trong ngành này có một điều đặc biệt là đầu số ngắn của họ rất đặc biệt. Theo và cũng không theo quy tắc ở Trường hợp 2. Đó là, giả sử công ty VNPay có đầu số 8X49 thì X sẽ là từ 0 đến 7, lần lượt là 8049, 8149 đến 8749. ABC vẫn căn cứ ký tự thứ 2 để thu mức phí tương tự nguyên tắc chung, tuy nhiên các dải số của họ được gọi là dải số gánh.

Ví dụ: 8118, 8228, 8338, 8448, 8558.

Bạn sẽ thấy được điều này khi xem đường dẫn này.

Trường hợp 3: Công ty Smart Media, đầu số 9889

Đầu số này rất đặc biệt, không có ký tự X để người dùng nhận định giá cả. Ngay cả các bậc thầy trong ngành cũng sẽ không biết dịch vụ nào, Smart Media sẽ thu bao nhiêu tiền.

Thay vì quy định giá cước theo dải số, Smart Media sẽ quy định giá cước theo cú pháp.

Ở trường hợp 2, bạn soạn GAME gửi 6589 bạn biết rằng mình sẽ bị trừ 5.000 đồng nhưng với Smart Media bạn sẽ không biết là mình bị trừ bao nhiêu. Cú pháp GAME ứng với mức phí bao nhiêu là do nội bộ Smart Media quy định, có thể là 500 đồng và cũng có thể là 15.000 đồng. Rất mơ hồ! Họa may, họ có quảng bá thêm giá cước bên cạnh cú pháp thì may ra, nhưng phải nhấn mạnh là họ phải truyền thông trung thực chứ truyền thông là 500 đồng mà thu 15.000 đồng thì…

Đối với thuê bao Vinaphone, hết sức cảnh giác với đầu số 9889 của Smart Media vì tối đa họ có thể thu 100.000 đồng/ tin nhắn lận đấy!

Sở dĩ Smart Media có được đặc quyền “bá đạo” như vậy là do nó là đứa con chung của VNPT, Mobifone, VTV, Goldsun và Tập đoàn WPP. Dân quảng cáo không ai là không biết WPP.

Cách đây chừng 4 năm, Smart Media tham vọng nhảy vào thị trường game mobile rất ban sơ và màu mỡ ở Việt Nam bằng cổng game (game portal) mang tên Aulac.vn với giao diện giống hệt ông lớn Amazon.com. Tuy nhiên, đây là sản phẩm yểu mệnh và Smart Media cũng không còn mặn mà với ngành này và chuyển sang làm phim, ví dụ Bộ tứ 10A8.

Trường hợp 4: Các đầu số do nhà mạng tự kinh doanh

Các đầu số ở các trường hợp kể trên là do nhà mạng cung cấp cho nhà cung cấp nội dung số để nhà cung cấp tự kinh doanh. Và có một số đầu số do nhà mạng tự mở ra để tự kinh doanh mà không thông qua nhà cung cấp hoặc nhà cung cấp chỉ đóng vai trò cung cấp nội dung, còn người triển khai quảng bá, kinh doanh chính là nhà mạng.

Có rất nhiều dịch vụ nội dung số do nhà mạng tự kinh doanh. Mà nói thật, đa số là dịch vụ nhảm nhí, chả đâu ra đâu, thậm chí là lừa đảo.

Các đầu số của nhà mạng, trong tình huống này tôi ví dụ Mobifone. Thường sẽ có format là 9XXX. Ví dụ 9209, 9223, 9224, 999… nói chung là thường bắt đầu bằng số 9 để tránh nhầm lẫn với các đầu số khác của nhà cung cấp. Và là đầu số nhà mạng nên nhà mạng muốn thu bao nhiêu tiền cũng được.

Ở các dịch vụ như đăng ký/ hủy 3G, đăng ký/ hủy chuyển vùng quốc tế… chẳng hạn, bạn phải nhắn một cú pháp về 999 với mức cước 200 đồng/ tin nhắn. Dịch vụ mPlus thì dùng đầu số 9209 nhưng lại thu 3.000 đồng/ tin nhắn chứ không phải 2.000 đồng/ tin nhắn.

Ngoài ra, Mobifone còn có đầu số lên đến 5 ký tự là 32665 dành cho dịch vụ Facebook SMS để cập nhật Facebook qua tin nhắn: [www.FBSMS.vn][link5].

Tương tự, Viettel thì hay có các đầu số 131, 191 trong khi Vinaphone thì là 333, 555.

  1. Kinh doanh nội dung số như thế nào?

Để kinh doanh nội dung số cần có các chủ thể: bên có đầu số, bên có nội dung và bên triển khai kinh doanh. Tất nhiên không thể thiếu thành phần quan trọng nhất là khách hàng – người sẽ trả tiền cho ba chủ thể kể trên.

![][photo3]

Bên có đầu số: Bạn có thể vào link trên Mobifone mà tôi hay giới thiệu để tìm nhà cung cấp nào đáng tin cậy để chọn thuê, nếu bạn không có đầu số riêng.

Có nên tự trang bị cho mình đầu số riêng không?

– Không!

Vì sao?

– Phần sau sẽ rõ!

Giá cước bạn đã biết, tỷ lệ nhà mạng lấy đi bạn cũng đã biết. Bạn cần biết thêm là khi đi thuê như vậy hiển nhiên bạn phải trích một phần doanh thu cho đơn vị mà bạn thuê.

Thường, bạn sẽ mất đi 15 – 20% số tiền đã trừ cho nhà mạng cho bên cho thuê đầu số.

![][photo4]

Thế khi nào chỉ mất 15% và khi nào mất đến 20%? Tùy doanh thu mà bạn đem về cao hay thấp. Cao thì nhà cung cấp nội dung số (CP) sẽ ưu ái lấy 15% thôi. Ngược lại, họ phải lấy 20% cho đủ “sở hụi” chứ nếu lấy 15% trên một con số tuyệt đối có giá trị thấp thì cũng căng. Thường trong ngành sẽ dùng ranh giới 100 triệu đồng doanh thu/ tháng (tất nhiên là đã trừ đi phần của nhà mạng) để phân định 15% hay 20%.

Làm kinh doanh đầu số khá vất vả. Trên thì bị nhà mạng chèn ép từ chính sách, đối soát, thời hạn thanh toán. Dưới thì bị CP cạnh tranh lẫn nhau, phá giá… Nếu bạn lấy 15%, sẵn sàng có bạn khác chỉ lấy 14%, 13%, 12%, thậm chí tôi còn biết có bạn chỉ lấy 8% và dành đến 92% cho đối tác, nhưng đến khi đòi tiền thì có thể dùng từ là “chảy máu mắt”. Của rẻ là của ôi và cái gì cũng có cái giá của nó cả bạn à!

Đổi lại, chúng tôi từng cho đối tác thuê và lấy về tỷ lệ đến 25% mà đối tác vẫn hài lòng. Quan trọng là bạn phải biết cách làm cho người ta hài lòng. Trong tình huống này, chúng tôi đã cầm tay chỉ việc, chỉ dẫn họ từng đường đi nước bước trong cái ngành này. Coi như họ hài lòng nhường thêm cho chúng tôi 5% “học phí”. Cái thứ “học phí” hết sức an toàn vì sau này có doanh thu nhiều thì chia nhiều, ít chia ít, không có thì không chia. Có chỗ nào cho bạn học theo kiểu an toàn thế không?

Tại sao khi đủ lông đủ cánh, họ không nhảy qua CP khác để có nhiều tiền hơn? Bởi thế mới nói kinh doanh còn cần cái đạo đức nữa!

Làm sao “chọn mặt” đơn vị đầu số để “gửi vàng”?

Thứ nhất, rà soát uy tín của đơn vị ấy trong ngành để kiểm tra từ tỷ lệ ăn chia, thời hạn và uy tín trong thanh toán, kế đến là sự nhiệt tình giải quyết khi có sự cố.

Cách tốt nhất là bạn hỏi những người quen đã làm ngành này, kế đến là hỏi Google.

Bạn đang cần tôi đưa ra lời khuyên luôn đúng không?

CP lớn nhất Việt Nam là VMG (được tập đoàn NTT Docomo của Nhật Bản đầu tư khoảng 240 tỷ đồng). Công ty Incom, VNPay là những lựa chọn tốt. VHT thì không chú trọng lắm đến việc dùng đầu số ngắn để kinh doanh nội dung số. Chúng tôi chủ yếu dùng tổng đài tin nhắn để phục vụ các chương trình tiếp thị như đăng ký tham dự chương trình khuyến mãi, đăng ký tài khoản trên các microsite, tham gia các gameshow trên đài truyền hình mà qua đó mục tiêu quan trọng nhất là các nhãn hàng sẽ có được cơ sở dữ liệu khách hàng.

Bên có nội dung: Nội dung (nội dung số) ở đây bao gồm kết quả xổ số, điểm thi đại học, nhạc, hình, game và nhiều, rất nhiều loại khác nữa.

Kết quả xổ số: Có một vài CP lớn như VMG, Icom, Incom, Bluesea… thuê đội ngũ vài ba bạn, cứ đến 4 giờ chiều là bật radio lên để nghe kết quả miền Nam và 7 giờ tối là nghe kết quả miền Bắc. Sau đó, họ sẽ đóng gói các kết quả này dưới dạng API để bán cho những CP không đầu tư con người để ngồi nghe kết quả.

Điểm thi đại học thì liên hệ với “ai đó” bên Bộ/Sở Giáo dục – Đào tạo để lấy điểm thi của học sinh – sinh viên ra mà kinh doanh rồi ăn chia với các bác ấy là đẹp cả đôi đường.

Nhạc à? RIAV[*][note9] nè, VNG (Zing MP3) nè, Nhaccuatui nè… cứ liên hệ các bên ấy thế nào cũng ra đầu mối cho bạn thuê nhạc về mần ăn qua con trăng!

Hình thì hơi trừu tượng! Ở Việt Nam mà tìm được ai là tác giả của tấm hình nào để xin phép đi kinh doanh quả vô cùng khó khăn.

Game cũng không khá hơn hình là mấy. Chỉ cần bạn tung (hay làm lộ) file jar hay file apk của bạn lên mạng, “sau 3 nốt nhạc” là thấy bản “nhái” xuất hiện trên mạng và đau khổ nhất là đầu số để thu tiền trong game đã bị thay đổi sang cái đơn vị đã “đục” game của bạn. Thậm chí, phiên bản gốc do bạn làm ra miễn phí hoàn toàn nhưng bản “mới” vẫn thu phí! Hây da… Cho nên, các studio game(2) chỉ có nước tự phân phối hoặc chỉ “gửi vàng” cho những “mặt” đủ và đáng tin cậy!

Khi thuê nội dung, bạn thường sẽ mất thêm khoảng 30% cho đơn vị cung cấp nội dung. Phần liền sau phần này sẽ nói rõ hơn.

Chốt lại, sau khi trừ cho nhà mạng. Phần CP nhận được ví như là 100% đi thì trong đó bên đầu số sẽ lấy 15%, bên (sản xuất) nội dung lấy 30% nữa là 45%. Bạn bỏ túi 55% để trang trải phí quảng cáo, phí hoạt động và là tiền lời của bạn. Nghe cũng không đến nỗi nào phải không các bạn!?

Bên quảng cáo: Hẹn bạn 2 phần nữa nói rõ hơn!

  1. Thuê nội dung, lưu ý gì?

Quay lại biểu phí của đầu số ngắn tí. Giá cước là từ 500 – 15.000 đồng, tuy nhiên bạn có thắc mắc khi nào thu 500, khi nào thu 5.000 hay khi nào thu 15.000 đồng từ khách hàng không?

Nhà mạng chỉ quy định 8 mức cước thế thôi. Còn khi nào thu bao nhiêu là do bạn quy định. Bạn tự cân đo đong đếm giá trị mà bạn đem lại cho khách hàng để biết rằng khách hàng sẵn lòng trả cho bạn bao nhiêu tiền.

Ví dụ, bạn có sẵn lòng trả 10.000 đồng để tra kết quả xổ số? Tất nhiên là không vì 10.000 đồng tương đương giá mua của một tờ vé số. Vì vậy bạn sẽ hay thấy các dịch vụ tra kết quả xố số, ngày trước thì thu 1.000 đồng/ lần tra cứu, giờ còn 500 đồng thôi vì nhà cung cấp nội dung số (CP) cạnh tranh với nhau gay gắt lắm.

Ngược lại, những dịch vụ bạn làm cho thị trường vàng, chứng khoán, bất động sản thì 15.000 đồng họ cũng chẳng nề hà chứ đừng nói dăm ba ngàn đồng. Cái họ cần trong tình huống này là khớp lệnh nhanh, chỉ cần nhanh hơn đối thủ tích tắc họ có thể lãi hàng chục, hàng trăm triệu thậm chí hơn. Nề hà chi ba đồng lẻ!

Bởi vậy mới nói, tin nhắn yêu cầu và tin nhắn phản hồi trong hai tình huống trên cũng vẫn chỉ là những ký tự đơn giản nhưng ý nghĩa của nó thì không đơn giản tí nào. Chênh lệch đẳng cấp khá lớn đấy!

Vậy, nội dung số, ta bán bao nhiêu cũng được? Hên xui!

Kết quả xổ số nếu do bạn tự nhập liệu thì có thể bán bao nhiêu cũng được. Giả sử bạn đi thuê của VMG, bạn VMG bảo rằng mỗi lần có ai truy vấn kết quả thì trả cho bạn ấy 100 đồng. Bạn có dám thu phí ở mức 80XX không?

80XX = 500đ. Mobifone & Vinaphone lấy 79% tương đương 395đ, bạn còn lại 105đ và trả cho 100đ, lợi nhuận còn lại 5đ/lần truy vấn của khách hàng. Để đủ uống ly nước mía vào năm 2014 (giá 7.000đ/ ly), bạn cần có 1.400 lượt nhắn. Kinh doanh kiểu này “cạp đất mà ăn” chắc luôn!

Chưa kể, Vietnamobile lấy đến 90% cho đầu 80XX. Càng buôn càng lỗ thì nghỉ khỏe!

Giả sử bạn sử dụng nhạc của Hồ Ngọc Hà để kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ và cô ấy ra giá là cứ mỗi lần có một lượt tải, cho cô ấy xin 1.000đ thôi. Bạn phải bán giá bao nhiêu mới “được”?

– Giả sử bán 2.000đ: Nhà mạng lấy 60%, CP còn lại 40% tương đương 800đ. Nghỉ chơi!

– Giả sử bán 3.000đ: Nhà mạng lấy 60%, CP còn lại 40% tương đương 1.200đ. Trả cho cô ấy 1.000đ thì còn lại 200đ. Chẳng thấm vào đâu, nghỉ chơi luôn!

– Giả sử bán 4.000đ: Nhà mạng lấy 60%, CP còn lại 40% tương đương 1.600đ. Ta thu về 600đ. Nghe cũng tàm tạm nhưng chưa khoái lắm. Vậy, chỉ cần cô ấy “ho” một tiếng 1.000 đồng thôi mà ít nhất bạn phải thu khách hàng 4.000đ hoặc 5.000đ mới “ấm túi” được.

Như vậy giá bán phần lớn dựa trên việc có phải trả phí cho nội dung đó hay không và trả bao nhiêu!

  1. Vai trò của bên quảng cáo

Như đã hứa ở hai phần trước, phần này dành để chia sẻ nhiều và kỹ lưỡng hơn về bên quảng cáo trong cuộc chơi về kinh doanh nội dung số. Có hai góc nhìn về chủ thể này.

Tiêu cực: Kỳ công đi quảng cáo, về chia cho nhà mạng 55%, rồi lại chia cho bên đầu số và bên nội dung. Bóc lột quá!

Tích cực: Bạn đang tay không bắt giặc còn muốn gì nữa! Không có nội dung, không có hạ tầng về đầu số, cũng chẳng có tập khách hàng của riêng mình.

Nhà cung cấp nội dung số (CP) nào cũng than vãn là nhà mạng lấy 55% là quá nhiều!

Thực ra ngày trước họ chỉ lấy 27% thôi nhưng vì một chuyện thâm cung bí sử mà họ tăng từ 27% lên 55% đấy. Cứ bình tĩnh, rồi bạn sẽ được đọc câu chuyện thâm cung bí sử đó!

Họ lấy nhiều nhưng bạn có biết là bạn đang khai thác kinh doanh trên tập khách hàng của người khác chứ không phải của bạn. “Người khác” ở đây cụ thể là nhà mạng. Những người dùng SIM 090, 091, 098… họ là khách hàng của Mobifone, Vinaphone và Viettel chứ có phải của bạn đâu. Các nhà mạng bỏ ra tiền triệu, tiền tỷ (USD) để xây dựng hệ thống, thương hiệu, thuê hàng ngàn người vận hành doanh nghiệp để bạn vào kinh doanh.

Rồi. Quán triệt tư tưởng, đừng có than vãn nữa nhé!

Ngày trước, kinh doanh nội dung số là nghề thời thượng và khá là dễ làm giàu. Đàm phán xong với bên đầu số và nội dung thì bạn quay sang đàm phán với nhà đài (đài truyền hình), báo chí… đủ các kênh, theo một phương thức: Ăn chia!

4 – 5 năm trước, bạn thấy nhan nhản các quảng cáo nhạc – hình – game trên truyền hình, thực chất là nhà đài và CP bắt tay với nhau. Nhà đài đóng góp kênh truyền thông, CP lo những khâu còn lại. Được doanh thu thì ta chia nhau. Chứ CP mà đi qua cách mua lần quảng cáo (spot) để phát sóng quảng cáo kiểu đó thì (nói kiểu dân dã) chỉ có “vỡ mồm”. Báo chí cũng vậy, và nói chung bên nào có kênh truyền thông là các bạn CP sẽ lân la làm quen, chào mời.

Ngày nay, khó khăn hơn nhiều, các đơn vị ấy không chịu ăn chia nữa vì doanh thu tụt thê thảm nên chia ra chẳng được bao nhiêu nên quay về bán spot quảng cáo cho xong. Thành ra CP phải tự nghĩ lấy cách quảng cáo cho mình, nào là spam qua tin nhắn, xây các chợ ứng dụng để giữ khách hàng lâu dài, như kiểu Socbay iMedia, Xalo.vn, Yupii… và dần dà, chúng ta thấy quảng cáo của các dịch vụ này ngày càng thưa thớt. Phần nào đó là do trào lưu smartphone ra đời.

Hiện nay, nơi mà ta hay thấy quảng cáo các dịch vụ nội dung số này nhất là các đài truyền hình địa phương. Riêng game thì thấy nhiều nhất trên Facebook Ads. Ngoài ra còn có một kênh khác nữa là Mobile Ad Network mà chúng ta sẽ có rất nhiều nội dung nói về quảng cáo trên di động theo mạng lưới (Mobile Ad Network) với những cái tên ngoại như Admob, iAd, Airpush, Appier… và những cái tên nội như Admicro, SoSmart, CleverNet… với những kênh này, bạn (với vai trò là CP) sẽ không còn cơ hội hợp tác ăn chia nữa mà phải “tiền trao cháo múc”, trả tiền để được xuất hiện quảng cáo. Mà quảng cáo rồi có “ăn” không thì “sống chết mặc bây”. Có lối thoát nào cho ngành nội dung số? Có, chuyên đề “Cùng nhau kiếm tiền từ game” ở những phần sau sẽ nói rõ hơn!

6.Cú pháp, cánh cửa tâm hồn

Đôi mắt là “cửa sổ tâm hồn” còn cú pháp là cánh cửa tâm hồn để mở toang cơ hội nhà cung cấp nội dung số (CP) thu tiền người dùng. Tất cả các giao dịch trong ngành dịch vụ giá trị gia tăng thì có đến khoảng 80% là liên quan đến cú pháp: Nạp tiền, truy vấn số dư, bla bla bla… đều phải nhắn một cái gì đó về 8XXX / 6XXX. “Cái gì đó” chính là cú pháp.

Ta cùng mổ xẻ một vài “cái gì đó”, mổ xẻ xong tôi tin chắc là bạn không cần định nghĩa theo kiểu hàn lâm cũng sẽ hiểu cú pháp là gì, làm gì, tổng đài tin nhắn là gì và làm gì!

Giả sử bạn là khách hàng của ngân hàng Đông Á, cần chuyển tiền sang số tài khoản khác cũng thuộc Đông Á. Bạn cần nhắn tin theo nội dung như sau:

![][photo31]

Trong đó, DAB chính là cú pháp kỳ diệu mà ta hay nhắc đến. DAB là viết tắt của Đông Á Bank.

0101256230: Là số tài khoản của tôi – Vũ Hoàng Tâm – tại Đông Á Bank, bạn nào có nhã ý thử dịch vụ này xin cứ tự nhiên ☺

500000: Ở đây đang hàm ý là chuyển 500.000đ

8149: Là dải số có mức phí 1.000đ/ tin nhắn thuộc đầu số 8X49

XXXXXX: Hiện nay ngân Hàng Đông Á đang áp dụng mật khẩu tĩnh trong giao dịch như thế này là 6 ký tự. Khi bạn ra ngân hàng đăng ký dịch vụ SMS Banking, các bạn nhân viên quầy của Đông Á sẽ cấp cho bạn 6 số huyền bí này. Nếu bị lộ 6 số này có nguy cơ bị mất tiền không? Có, mật khẩu bị lộ thì gặp nguy là đúng rồi. Tuy nhiên bạn yên tâm là sau khi nhắn tin nhắn yêu cầu như trên, Ngân hàng Đông Á sẽ trả về cho bạn một tin nhắn phản hồi như sau:

![][photo6]

Trong hình trên, 257639 được gọi là mật khẩu dùng một lần (OTP – One Time Password). Hai mục nữa sẽ nói kỹ hơn về mật khẩu dùng một lần. Và, bạn sẽ tốn thêm 1.000đ nữa, nhắn thêm một tin nữa để hoàn tất giao dịch:

![][photo7]

Riêng DAB gọi là cú pháp. Còn lại 0101256230, 500000 và XXXXXX lần lượt được gọi là tham số 1, 2 và 3. Những ký tự liền nhau, đứng trước khoảng cách đầu tiên, gọi là cú pháp. Cú pháp không bị giới hạn số lượng nhưng chúng ta cần chọn cú pháp theo những tiêu chí: Ngắn gọn, dễ nhớ và liên tưởng dịch vụ. Bạn thử nghĩ xem thay DAB bằng ACB thì có chuyển tiền được như trên không? Thay XSVL bằng ABC để tra kết quả xổ số của tỉnh Vĩnh Long được không? Thay DTDH bằng TTT để tra cứu điểm thi đại học được không? Tất cả đều được, về mặt kỹ thuật! Ta muốn cú pháp nào biểu trưng cho dịch vụ gì đều được nhưng như những tình huống trên thì có vẻ không logic.

Tôi có một “kỷ niệm” liên quan việc chọn cú pháp cùng khách hàng. Vào năm 2011, nhãn bột giặt Viso tung ra chương trình “Loại bỏ sắc ngả vàng – Tái tạo vẻ trắng sáng”. Golden Digital là đơn vị “thầu” chương trình này và VHT hân hạnh được chọn làm nhà thầu phụ để cung cấp tổng đài tin nhắn của chương trình. Cụ thể làm gì tôi sẽ chia sẻ ở phần Case Study còn kỷ niệm mà tôi muốn nói ở đây liên quan đến cú pháp.

Khoan nhắc đến tham số, nếu là bạn, bạn sẽ chọn cú pháp gì cho Viso trong chương trình này? Đáp án là VISO. Bạn chọn tương tự chứ?

Nhưng trong quá trình brainstorm với nhau, tôi được một bạn bên Golden Digital bảo rằng khách hàng muốn chọn cú pháp là: Loaibosacngavang.

Trời ơi là trời! Nghe thông tin này tôi chỉ muốn nói với bên đó rằng “dm” (dẹp mau!)

(Nhưng tôi thích cái từ mà bạn đang nghĩ).

Một bạn đồng hành của tôi khi nhận được email này, nói: Ủa, chiến dịch này của khách hàng nào mà cú pháp dài vậy, “loại bò sát ngà vàng” là cái gì???

Bạn thử tự phân tích vài tình huống nhé! Tôi không cần các bạn chú trọng yếu tố đúng – sai, logic là được!

Tin nhắn yêu cầu: ACB TG nghĩa là gì?

Tin nhắn yêu cầu: ACB LS nghĩa là gì?

Tin nhắn yêu cầu: ACB LS 30/01/2014 nghĩa là gì?

Tin nhắn yêu cầu: ACB TC nghĩa là gì?

Đáp án, xem trang sau!

Đáp án

Chống chỉ định: Nếu đã tự tin với logic của mình, bỏ qua luôn trang này để tiết kiệm thời gian. ☺

Tin nhắn yêu cầu: ACB TG nghĩa là gì?

Diễn giải đơn giản nhất là tra cứu tỷ giá tại thời điểm hiện hành của ngân hàng ACB. Tỷ giá thì thay đổi liên tục vì vậy đáp án sẽ là tỷ giá gần nhất. Và phổ biến nhất thì người Việt Nam cũng chỉ hay đề cập tỷ giá USD/ đồng. Ngoài ra, ta có thể thêm tham số thứ hai vào để tra cứu tỷ giá theo một thời gian cụ thể. Ví dụ: ACB TG 30/01/2014 hoặc ACB TG 30/01/2014 15:00 gửi 8XXX.

Lưu ý, USD/ đồng chứ không phải đồng/ USD nhé. Bạn biết vì sao không? Đó là quy ước của tài chính quốc tế. Đó gọi là niêm yết thuận. (VND/ USD là niêm yết nghịch. Người ta lấy USD làm đơn vị quốc tế. Có bốn đồng tiền niêm yết nghịch là AUD, NZD, GBP và EUR lần lượt là đô-la Úc, đô-la New Zealand, đồng bảng Anh và đồng Euro).

Tin nhắn yêu cầu: ACB LS nghĩa là gì?

Tương tự, tin nhắn yêu cầu này sẽ dùng để tra cứu lãi suất theo thời điểm gần nhất. Thiếu tham số nên ta cứ hiểu chung chung như là tra cứu lãi suất tiền gửi hoặc tiền vay đi cho phổ biến. Muốn chi tiết hơn phải thêm tham số vào.

Tin nhắn yêu cầu: ACB LS 30/01/2014 nghĩa là gì?

Chắc giờ thì cái này không cần giải thích thêm nữa!

Tin nhắn yêu cầu: ACB TC nghĩa là gì?

Không giải nữa nhé, bạn tự suy luận nhé. Không cần câu nệ đúng – sai, chúng chỉ là những chữ cái, chúng ám thị cho cái gì là do con người chúng ta quy định. Muốn ACB TC là tổng cộng số tiền nhận được trong tháng cũng được; muốn ACB TC là tra cứu số dư hiện tại hay tra cứu lãi suất tiền gửi cũng được; muốn ACB TC là từ chối các tin quảng cáo từ ACB cũng được.

  1. OTP là gì?

Giao dịch chuyển tiền online và một số tác vụ trên mạng, thỉnh thoảng bạn sẽ gặp thuật ngữ OTP.

Khái niệm

OTP là viết tắt ba chữ cái đầu tiên của One Time Password, tạm dịch là mật khẩu dùng một lần. Có những thứ chỉ dùng một lần, ví dụ như thiệp cưới, tăm xỉa răng hay… bao cao su.

Muốn chuyển tiền qua Internet, bạn đăng nhập, thao tác trên web/ứng dụng di động hoặc tin nhắn. Quá trình đăng nhập đã yêu cầu bạn nhập mật khẩu nhưng đó là mật khẩu cố định, hay còn gọi là mật khẩu tĩnh. Nó giống như mật khẩu Gmail, Facebook, đăng nhập vào xài cho đến khi thay đổi mật khẩu.

Nhưng, sau khi đăng nhập bằng mật khẩu tĩnh bạn vẫn chưa thể chuyển tiền. Vì lý do an toàn, hệ thống cần biết bạn là “người thật” chứ không phải các hệ thống được lập trình để hack tài khoản.

Làm sao để chứng minh ta là “người thật”?

Bước cuối cùng của giao dịch chuyển tiền, ngân hàng sẽ gửi một mã số ngẫu nhiên về, yêu cầu bạn nhập vô web/ứng dụng/tin nhắn (tùy bạn đang giao dịch bằng môi trường nào) để hoàn tất giao dịch.

Mật khẩu dùng một lần được gửi về cho bạn qua mail, tin nhắn hoặc thiết bị tạo mật khẩu dùng một lần (thiết bị này trong lĩnh vực ngân hàng gọi là token). Email, tin nhắn hay Token là thiết bị riêng tư của mỗi người, trừ khi bạn bị lộ mật khẩu hay đánh mất Token vào tay kẻ xấu, nếu không thì khó mà hack được cả mật khẩu tĩnh lẫn truy cập được cả email hay ĐTDĐ của bạn để lấy mật khẩu.

Đông Á và HSBC thì mật khẩu dùng một lần gồm 6 ký tự, ACB 7 ký tự, Vietcombank có đến 10 ký tự. Đông Á, HSBC, ACB thì hết thảy ký tự đều là các con số ngẫu nhiên từ 0 đến 9. Tính từ số nhỏ nhất đến số lớn nhất có 6 chữ số, ta sẽ có 1.000.000 kết quả. Như vậy, giả sử 1 tháng có 1.000.000 mật khẩu được sinh ra, vừa đúng bằng kho số cho phép thì Đông Á, HSBC và ACB phải làm sao khi có giao dịch mới?

Một là, lặp lại một vòng nữa. Như vậy mật khẩu này chỉ là mật-khẩu-dùng-một-lần trong vòng 1 tháng

Hai là, gia tăng độ dài của chuỗi mật khẩu lên nhiều ký tự hơn, 8, 9 hay 15 ký tự chẳng hạn

Ba là, làm như Vietcombank, trộn thêm chữ cái vào chuỗi mật khẩu sẽ cho ra nhiều kết quả hơn

Nhận mật khẩu dùng một lần như thế nào?

Ít ngân hàng chuyển mật khẩu qua email vì tính tức thì kém, nếu khách hàng xài điện thoại bình dân thì không nhận được email để giao dịch ngay, trong khi mật khẩu thường chỉ có hiệu lực trong 5 phút, sau đó sẽ vô hiệu lực, muốn giao dịch phải lấy lại mật khẩu khác. Mật khẩu qua email thường thấy ở các dịch vụ như đăng ký tài khoản, kích hoạt tài khoản, khôi phục mật khẩu.

Nhận qua tin nhắn là phổ biến nhất. Trước bạn hay nhận được mật khẩu từ 8170 nếu là khách hàng của Vietcombank, 997 nếu là ACB và 1900545464 hoặc 8149 nếu là Đông Á. Nay mật khẩu sẽ được chuyển đến ĐTDĐ của bạn thông qua tin nhắn nhưng dưới dạng tin nhắn thương hiệu như ACB, DongABank, Vietcombank, Techcombank… Cứ mỗi tin nhắn như vậy, ngân hàng phải trả cho nhà mạng 600 – 700 đồng, vì vậy các ngân hàng hay thu bạn 8.800 đồng hay 9.900 đồng / tháng là để phần nào đó chi trả cho các chi phí SMS này.

Với HSBC, bạn phải dùng token. Bằng một số thuật toán, tiêu chuẩn bảo mật, HSBC cho rằng token bảo mật hơn tin nhắn. Người dùng thì không thích token vì rườm rà, thêm một thiết bị.

![][photo8]

Theo bạn, vì sao phải dùng mật khẩu dùng một lần khi thực hiện giao dịch chuyển tiền qua Internet?

![][photo9]

  1. Một vài “gương điển hình” kiếm tiền từ tổng đài tin nhắn

Xổ số

Xổ số là con gà đẻ trứng vàng của ngành nội dung số. Bạn có thể giật mình bởi câu chuyện sau đây: VMG (Vietnamnet Media Group) – nhà cung cấp nội dung số lớn nhất Việt Nam, doanh thu hằng tháng hơn 60 tỷ cho riêng mảng nội dung số (họ còn nhiều mảng kinh doanh khác). Trong đó, 50% (tương đương 30 tỷ, tức là khoảng 1 tỷ/ ngày) là đến từ xổ số. Bạn có tin mỗi tin nhắn tra kết quả xổ số chỉ lấy của người dùng 500 – 1.000 đồng mà phải trả cho nhà mạng từ 70 – 60% (coi như chỉ còn lại 100 – 400 đồng/ tin nhắn), thế mà họ đạt doanh thu mà kể cả các ngành khác cũng phải thèm.

Thực ra, dịch vụ tin nhắn còn nhiều thể loại kiếm tiền khác.

Và dù gì đi nữa, bên trên mới chỉ là công ty VMG và Việt Nam còn có hàng trăm nhà cung cấp nội dung số khác.

Vì sao doanh thu xổ số của VMG cao như vậy?

Vì họ là đơn vị đầu tiên triển khai dịch vụ này. Họ phủ quảng cáo ở khắp mọi nơi như truyền hình, báo chí, tại quầy bán vé số (hộp đèn, cây dù, bảng kết quả…), sau lưng hộp diêm, tặng túi có in cú pháp cho những người bán vé số. Ngoài ra, hai tuyệt chiêu tiêu biểu là:

 

  • Cuống phiếu thưởng: Các đại lý vé số hay cạnh tranh bằng kiểu tự làm giải thưởng cho khách hàng mua vé tại cửa hàng của mình. Ví dụ bạn mua lốc 5, 10 hay 20 vé, trong khi nhà nước chỉ trao một số giải thưởng đã in sau mặt vé thì họ sẽ có các giải thưởng kiểu như hai, ba hay bốn số cuối mà trùng với giải đặc biệt thì được hoàn tiền hay thưởng tượng trưng một chút tiền như vài ba trăm ngàn. Vậy làm sao họ biết vé nào do họ bán ra? Họ sẽ in một cuống phiếu tựa như phiếu gửi xe, với hai số series hai bên cuống, một thì bấm vào xấp vé bán cho khách, một lưu lại để đối chiếu khi có người “trúng”.
  • In ngay trên vé số: Tuyệt chiêu độc nhất là “nhất cự li, nhì khoảng cách”. Khi bạn cầm tờ vé số trên tay chuẩn bị “dò” thì không gì lợi hại bằng in ngay cú pháp trên tờ vé số. Trước chỉ có đầu số 997 là thầu vụ này, hiện nay đã có chừng 6 đầu số trên mỗi tờ vé số. Các nhà cung cấp giành giật nhau mảnh đất màu mỡ này và phải trả cho công ty xổ số kiến thiết một số tiền không nhỏ để có đặc quyền này. Xổ số kiến thiết thiệt là “ích nước lợi nhà (xổ số)”. 6 đầu số trên đó, nếu là bạn, bạn sẽ nhắn cho đầu số nào? Hẳn nhiên là đầu số nào có vị trí đắc địa nhất và quen thuộc với bạn nhất.

![][photo10]

Chưa hết đâu, tôi còn được biết một tuyệt chiêu thuộc hàng “bá đạo của bá đạo” mà không dễ gì có được đặc quyền để làm được. Nói văn hoa (văn hoa chứ ứ phải văn hóa nha) thì là “gửi tin nhắn quảng bá đúng đối tượng và đúng thời điểm”, nói “hông-có-văn-hoa” thì là spam, vậy đi nha! Mà spam thế nào mà hay vậy?

Có vài bạn làm cùng chúng tôi tại VHT một thời gian ngắn, sau đó ra mở công ty riêng, xin đầu số riêng, nghiễm nhiêm trở thành nhà cung cấp nội dung số riêng hẳn hoi, bảnh như anh sáu bảnh. Công ty này (xin phép không tiết lộ tên để các bạn ấy kiếm miếng ăn) chỉ làm một nhiệm vụ duy nhất là spam tin nhắn để kiếm sống từ dịch vụ xổ số, một và chỉ một dịch vụ.

Cách làm của họ là:

Bước 1: “thọc” vào hệ thống của một nhà mạng nọ, lấy hết tất cả những thuê bao nào từng ít nhất dù chỉ một lần nhắn tra cứu các dịch vụ liên quan xổ số như tra cứu kết quả, soi cầu, soi lô…

Bước 2: Phân loại thuê bao theo vùng miền để quảng cáo cho đúng đối tượng chứ người miền Nam (4 giờ chiều xổ kết quả) mà tưởng người miền Bắc (6 giờ chiều mới gửi “quảng cáo” thì vứt).

Bước 3: Căn cứ vào số lượng thuê bao sẽ gửi, căn cứ tốc độ gửi của hệ thống (bao nhiêu tin nhắn/ giờ) để suy ra mất bao lâu để “tiêu thụ” hết danh sách. Từ đó, ra quyết định mốc thời gian bắt đầu spam. Ví dụ: Tốc độ gửi là 400.000 tin nhắn/ giờ, nếu họ có 400.000 thuê bao miền Nam thì phải gửi từ 3 giờ chiều. Vì sao chắc bạn đã biết!

Những người thường nhắn tin cho các dịch vụ xổ số, nói thật, thường là người lao động phổ thông. Thay vì chầu chực chen chúc ở nơi xổ kết quả cũng như các đại lý, thay vì mua tờ giấy “dò” 500 đồng (mà không gặp người bán thì sao???), thay vì “en-nờ” cái lý do thay vì khác…, thôi thì đúng lúc đó tin quảng cáo đi tới, ta nhắn luôn cho rồi, đằng nào cũng mất 500 đồng, biết đâu có cơ hội đổi đời ☺

Bạn thấy cách này có xứng đáng xếp vào hàng “bá đạo của bá đạo”? Theo tôi là quá, quá và quá bá đạo vì sự “tấn công trực diện” này!

Tôi biết bạn chưa thỏa mãn đâu, muốn biết nữa phải không, thích thì chiều vậy (nhớ đừng mua sách lậu đó nha!):

 

  • Họ tốn bao nhiêu tiền cho một tin nhắn gửi đi? Bạn có thấy thị trường bán SIM 25.000 đồng – 35.000 đồng mà tài khoản hàng trăm ngàn không? 290 đồng/ tin nhắn nội mạng, rồi chia ra mỗi tin nhắn “thực chi” bao nhiêu? Thường, tài khoản 150.000 đồng và ta sẽ có 150.000 / 290 = 517 tin. Bỏ ra 25.000 đồng để gửi được 517 tin, có nghĩa bạn chỉ mất 48 đồng/ tin. Xổ số không chỉ có trò tra cứu kết quả đâu à nha!
  • Vì sao họ “thọc” được vào hệ thống của nhà mạng? Họ là hacker à? Mobifone bảo mật kém thế? Họ chẳng phải hacker mà họ tự “mở cửa” để vào đường đường chính chính luôn ấy chứ! Vì, họ là “người” của phòng kỹ thuật. Nghe hết hồn chưa? Haiz…

Chia sẻ thêm, đâu dám chắc rằng họ chỉ dừng ở một nhà mạng, phải không các bạn! Đâu biết chừng họ còn có dây mơ rễ má với các nhà mạng khác? Mà cũng không chừng các nhà cung cấp nội dung số khác cũng có “chơi chiêu” tương tự, hên xui nha! ☺

Ngoài tra cứu kết quả, xổ số còn dịch vụ gì nữa?

Soi cầu: Như một kiểu đánh đề trá hình. Đánh đề là gì thì mình không biết để chia sẻ đâu nha. Khi nhắn tin để soi cầu (Ví dụ soạn SOI gửi 85XX) giống như bạn đang “xin” một con số may mắn để mua lấy tấm vé có số giống số được “thần số” ban cho hoặc là ra bên ngoài đánh đề theo con số đó. Kiểu như dân gian là tối nằm mơ thấy con gì, mai “đánh” con đó, mỗi số ứng với một con theo một cách quy ước xa lắc xa lơ gì đó. Ví dụ: 11 & 51 là con chó, 15 & 55 là con chuột, 35 & 75 là con dê và 21 là con… Bích Chi ☺

Bạn từng nhận được tin nhắn có nội dung đại loại như thế này chưa?

![][photo11]

Ví dụ đây là màn hình bạn nhắn tin nhắn yêu cầu để nhận soi cầu:

![][photo12]

Và bạn sẽ nhận được tin nhắn phản hồi:

![][photo13]

Các chuyên gia kỹ thuật số (đề) sẽ giải thích bằng tất cả kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn toán cao cấp trường chuyên, toán đại học trường làng, cộng với xác suất thống kê từ hàng triệu kết quả đã xổ bấy lâu nay. À chưa hết, cộng thêm tí nhiệt độ, sức gió bên ngoài và tầm nhìn xa ngoài khơi vào hằng đẳng thức tuyệt vời nêu trên. Sau đó lấy căn bậc 2 (mà chả biết vì sao khai căn ở bước này), rồi bình phương (ơ là sao!??), sau đó cộng 10 và trừ 3 sau đó trừ tiếp 7 rồi nhân 8 sau đó chia 2 rồi chia 4. Rồi bước cuối, bỏ hết, lên trang Random.org (hay đại loại vậy) xin đại cái chỉnh hợp lặp chập 2 của 10 số thứ tự. Xong! Thế nào cũng ra hai số bất kỳ, 93 chứ 86 hay 15 hay số quái quỉ gì cũng sẽ được tôn lên làm thánh! Vâng, trúng thì: “Ôi, đầu số này soi chuẩn quá mày ạ!”. Và trật: “Ừ, vận may chưa đến với mình. Mai làm keo nữa xem sao!”. Đố bạn hiểu!

Thường dịch vụ này sẽ “xin” bạn ly nước mía 5.000 đồng lận chứ không còn 500 đồng nữa đâu à nha! Với 5.000 đồng, nhà mạng xin 55% (tương đương 2.750 đồng), giá-vốn-hàng-bán của nhà cung cấp trong tình huống này là 0 đồng. Vậy là nhà cung cấp bỏ túi 2.250 đồng cho mỗi lần có ai đó cầu xin chuyên gia kỹ thuật số (đề) một con số cho niềm hy vọng đổi đời!

Bạn mình ơi, thử xin phát không? ☺

Người ta nói “Nói có sách, mách có chứng”, nhưng thiệt tình là tôi không muốn các bạn tìm hiểu thêm về mấy cái thứ vớ vẩn, nhảm nhí (đối với tôi) này đâu. Ngoài soi cầu còn có phân tích bạch thủ, phân tích đặc biệt, phân tích lô tô, phân tích ăn 2 nháy, lô tô theo thứ, lô tô gan, chu kì giải đặc biệt, thống kê dàn đặc biệt, chu kì lô tô, lịch sử lô tô, thống kê đặc biệt miền Bắc… Ngộp chưa!?

Không tin thì nhấc “Ai pát” lên chui vô soicau.sms.vn coi, nhưng cẩn thận nghiện nha!

Chống chỉ định:

Người ta hay nói: Người khác làm được thì tui làm được!

Xin lỗi nha, tôi xin đính chính: Người khác làm được chưa chắc mình làm được! Đừng có tưởng bở! Cứ thử dấn thân vào đi sẽ thấy, chỉ có người trong cuộc mới hiểu cái cảnh của người ở trong… kẹt. Nói thật là ở thời điểm này, khi mà mọi thứ trong thị trường đã được an bài, thì đừng nói là tôi, mà kể cả tổng giám đốc của VMG “ra riêng” cũng chưa chắc lập lại được kỳ tích của chính ông ấy gầy dựng cho VMG. Nhất là tâm trí của người dùng, họ quen và chỉ nhớ cái số mà họ hay nhắn. Sẽ có một câu chuyện vui về chuyện nhớ-đầu-số để kể hầu quý vị cho vui!

Nhớ nhé, không có việc hay ngành nghề nào dễ ăn. Dễ thì ai cũng đi mua sách này bằng Mercedes hoặc đang nghỉ mát ở Hawaii rồi chứ có đâu mà cầm cuốn sách này đọc suốt mấy ngày ròng.

5giay.vn

Lấy 5giay.vn làm tiêu biểu cho việc kiếm tiền từ tổng đài tin nhắn, vấn đề là bạn phải học được sự tinh túy trong mô hình chứ đừng cứng nhắc rập khuôn. Khi đã hiểu được bản chất thì từ diễn đàn, trang tin, trang rao vặt hay bất cứ thứ gì bạn cũng sẽ nghĩ ra cách kiếm tiền từ tổng đài tin nhắn.

Một, hồi trước thoải mái, bây giờ mở tài khoản mới trên diễn đàn này phải nhắn tin yêu cầu lên kích hoạt tài khoản trị giá 15.000đ đấy. Đây nhé:

![][photo14]

Hai, ngày trước bạn thoải mái đăng tin rao vặt trên diễn đàn này. Nay bạn cũng phải trả 5.000đ để tin của bạn được đăng tải.

Ba, theo thời gian, tin của bạn sẽ bị trôi dần xuống phía dưới, bị các tin mới hơn che lấp. Bạn muốn tin của bạn được chú ý hơn, nhiều người nhìn thấy hơn? Bạn lại phải tiêu tiền cho diễn đàn này bằng cách nhắn tin nạp tiền để bài post của bạn được lên những vị trí cao, nhưng cũng chỉ trong một thời gian ngắn. Đây là biểu phí của việc đăng tin mà tôi chụp được trên web của 5giay.vn:

![][photo15]

![][photo16]

Bạn có thể đi dạo một vòng các chuyên mục (category) mua bán khác nhau của 5giay.vn chừng một giờ đồng hồ thôi sẽ biết doanh thu của họ “thơm” như thế nào. Không chỉ tin nhắn, họ còn khuyến khích người dùng nạp tiền bằng thẻ cào ĐTDĐ hay thẻ game các loại như Zing Xu, Vcoin… (gọi chung các loại này là thẻ), vừa “chôn vốn” của người dùng được nhiều hơn, vừa được phân chia doanh thu cao hơn.

Vì sao “chôn vốn” được nhiều hơn?

Giả sử bạn đăng tin bằng tin nhắn, mỗi khi bạn đăng tin thì nhắn một tin lên 85XX, tốn 5.000đ, xong. Nhưng nếu bạn nạp tiền bằng thẻ thì bạn phải nạp vài chục ngàn đồng, dùng hết 5.000đ thì còn vài chục ngàn lưu lại trong tài khoản. Đó là chiếm dụng vốn có bài bản!

Vì sao thẻ lại được phân chia doanh thu cao hơn?

Vì nhà mạng quy định thế. Thu phí qua tổng đài tin nhắn, nhà mạng thu ít nhất 55%. Qua thẻ, nhà mạng lấy khoảng 15%. Sẽ có chuyên mục nói về chủ đề này.

  1. Xin đầu số ở đâu?

Mới nghe nói về kinh doanh dịch vụ xổ số thôi là muốn thử sức với ngành này rồi?

Tôi hay đi chia sẻ ở một số lớp học, không lớp học nào không có người hỏi tôi những câu hỏi xoay quanh đầu số: Xin đầu số có khó không “thầy”? Xin ở đâu? Thủ tục thế nào? Bao lâu? Bao nhiêu? “Bla bla bla”, “en-nờ” câu hỏi. Trật tự, đừng la ó em có em không, giải quyết từng câu một nhé!

Xin đầu số có khó không?

Tôi hỏi lại, “Đi thi đại học khó không?”. Khó? Khó sao có người đậu, khó sao có thủ khoa? Khó hay dễ là do mình có biết (điều) hay không!

Những thứ liên quan dịch vụ này hiển nhiên thuộc Bộ Thông tin – Truyền thông quản lý, tuy nhiên người nhúng tay trực tiếp lại là nhà mạng .

Để tôi kể bạn nghe quy trình ngày ấy bên công ty chúng tôi xin đầu số nhé: Vác cái công văn “đi xin” một trong ba nhà mạng lớn, cụ thể là chúng tôi ra Hà Nội xin (nghe như cơ chế xin – cho, ấy mà xin – cho thiệt chứ còn gì, năn nỉ gãy lưỡi) Mobifone cấp cho một đầu số ngắn. Khi ấy, chúng tôi được cấp đầu số 8X04 – một trong những đầu số tin nhắn sớm nhất của Việt Nam – sau đó, đem công văn chấp thuận của Mobifone sang Viettel và Vinaphone xin cấp hai đầu số tương tự. Tức là, mỗi nhà mạng tự quản lý cái 8X04 của mình, bản chất nó là 3 đầu số khác nhau thuộc 3 nhà mạng khác nhau, chỉ có điều “cùng họ cùng tên” thôi. Bạn dùng thuê bao Mobifone, nhắn lên 8X04, Mobifone tiếp nhận, xử lý và… trừ tiền bạn. Tương tự cho Viettel và Vinaphone. Không có chuyện bạn dùng thuê bao Viettel mà Mobifone trừ tiền của bạn. Vậy, trong tình huống kể trên, giả sử thuê bao Vietnamobile và Gmobile nhắn lên 8X04 thì chuyện gì xảy ra? Tôi xin miễn việc đưa ra đáp án ở đây, bạn nên suy nghĩ chút chút và nếu có đáp án hãy thư về cho tôi qua địa chỉ vuhoangtam@gmail.com với tiêu đề “Cách tính cước VNM/ Gmobile” nhé! Chúc bạn may mắn vì biết đâu có ai đáp đúng và thuyết phục tôi lại tặng quà thì sao, tôi hay tặng quà kiểu này lắm! ☺

Vì sao công ty chúng tôi xin đầu số từ Mobifone trước? Vui lòng đọc lại phần “xổ số”, nếu tinh ý bạn sẽ phát hiện ra một điều thú vị và đó chính là đáp án. Phát hiện ra bí mật ấy mà nếu thấy chưa chắc chắn cứ email cho tôi hoặc chat với tôi qua Facebook tại địa chỉ [https://facebook.com/VuHoangTam20][link6] nhé!

Xin ở đâu? Việt Nam → Hà Nội → Văn phòng nhà mạng. Văn phòng nhà mạng ở đâu? Động não tập 2 đi, cái này siêu dễ, cứ hỏi “Giáo sư Google” là ra!

Thủ tục thế nào? Cứ liên hệ trung tâm kinh doanh giá trị gia tăng của nhà mạng là sẽ được hướng dẫn. Các bạn ấy có hướng dẫn mặn mà nhiệt tình hay không thì…

Bao lâu? Hồi trước chúng tôi làm tất cả mất khoảng 6 tháng kể cả test hệ thống, chạy thử nghiệm…, một phần do văn phòng chính của nhà mạng nằm hết ngoài Hà Nội nên tốn thêm thời gian (và rất nhiều chi phí) cho việc di chuyển.

Bao nhiêu? Thời đó chúng tôi tiêu tốn khoảng 600 triệu đồng.

Bạn còn câu hỏi nào muốn hỏi, cứ email/ chat Facebook với tôi!

Có cách nào xin đầu số nhanh nhất có thể?

Bạn đang tính hỏi câu này phải không? Có! Lục lại phần “Cú pháp, cánh cửa tâm hồn” có số tài khoản của tôi trong đó, chuyển cho tôi 40 tỷ đồng, trong vòng 24 giờ kể từ lúc tôi nhận được tiền, bạn sẽ được chuyển tên sang thành giám đốc Công ty VHT với toàn bộ danh mục khách hàng có sẵn của công ty. Thích chưa? Siêu nhanh! Có thể nói là nhanh nhất ngành! ☺

  1. Có nên xin đầu số riêng?

Không! 99% là không nên, trừ 1% là khi bạn là “ông lớn” trong ngành mới cần xin đầu số riêng. Mà thời buổi này lớn thì lớn chứ cứ thuê lại sẽ tiết kiệm được khối tiền đi du lịch. Tôi sẽ minh chứng vì sao không nên sở hữu đầu số riêng và bạn sẽ tiết kiệm được gì, sinh lợi thêm được gì, bằng những con số hết sức “cụ tỉ” (cụ thể & tỉ mỉ).

Bạn dự tính kiếm được bao nhiêu doanh thu mỗi tháng? 100 triệu đồng không? Ít hả, 200 triệu nha! 300 triệu trở lên bạn bắt đầu được xếp vào hàng “sắp tuyệt chủng” rồi đó, được săn bắt ghê lắm, như… thú vậy đó!

Thứ nhất, thiết lập đầu số riêng, chúng tôi đã bỏ ra 6 tháng và 600 triệu. Bạn có muốn đánh đổi chừng đó thời gian và tiền bạc để chờ chực xin xỏ nhà mạng không? Trong khi hàng trăm nhà cung cấp nội dung số (CP) chầu chực để hân hạnh được phục vụ bạn? Đổi lại bạn chỉ mất cho họ 15%, thậm chí ít hơn, sau khi bạn biết hết chiến thuật của ngành này bằng việc đọc hết cuốn sách này.

Thứ hai, 15% là nhiều hay ít? Bạn có biết!? Khi kết nối trực tiếp, mỗi nhà mạng yêu cầu bạn cam kết doanh thu tối thiểu là 70 triệu. Như vậy với 3 nhà mạng lớn, bạn phải có 210 triệu đồng/ tháng. Hai bạn Vietnamobile & Gmobile biết mình thấp cổ bé họng nên ít khi nào phải quy với định với CP cho lắm, mọi chính sách “hành” CP thường do 3 bạn lớn mà ra. Nếu bạn không đạt 70 triệu đồng x3 cho mỗi tháng thì sao?

Thứ ba, phí duy trì hàng tháng.

Mỗi dải số, CP phải trả phí duy trì là 500.000đ/ tháng. Ví dụ 8004 là một dải số, 8704 là một dải số. Như vậy, 8X04 sẽ có 8 dải số, tương đương 4 triệu đồng/ nhà mạng/ tháng. CP mất toi 12 triệu đồng/ tháng cho ba bạn nhà mạng . Nói thiệt là trước kia không có cái phí này. Chắc các bác bị ép chỉ tiêu quá nên ép lại CP. Phí này “ra đời” vào khoảng 2011.

Hai nhà mạng Viettel và Mobifone có thêm quy định nữa là các bạn CP không được kết nối vào hệ thống bằng đường truyền Internet thông thường, mà để bảo mật hơn, bạn phải “kéo” hai đường Internet riêng tên gọi là Leased Line, mỗi đường “tèo” thêm 2 triệu đồng. Vị chi mất thêm 4 triệu đồng/ tháng cho hai nhà mạng “bự”.

Và các phí khác:

Viettel yêu cầu CP phải đặt server trong trung tâm dữ liệu (Data Center – DC) của Viettel IDC. Mà cái trung tâm này mắc hơn các trung tâm khác chừng 30%. Haiz…! Chưa từng thấy cái trung tâm nào đã tính phí thuê chỗ đặt mà tính thêm tiền điện một lần nữa trong khi các trung tâm khác (và ngay cả Viettel IDC trước đó) thì phí cho thuê trung tâm đã bao gồm tiền điện. Như vậy, Viettel IDC tính tiền điện hai lần!!!??? Bên ngoài, phí 1,5 triệu đồng/ server/ tháng thì Viettel IDC khoảng 2 triệu đồng/ server/ tháng.

Đấu nối trực tiếp với nhà mạng, bạn phải đầu tư hệ thống kha khá về hạ tầng, server, đường truyền, các thể loại bảo mật.

Làm việc với nhà mạng, bạn phải có ít nhất một bạn IT, một bạn đối soát, một bạn kế toán. Có kêu một người kiêm nhiệm nhiều vị trí cũng phải trả thêm lương cho họ.

Các phí phi chính thức, bạn không thể nào yêu cầu nhân viên nhà mạng xuất hóa đơn VAT được. Thế lấy cái gì hợp thức hóa chi phí này cho doanh nghiệp? Mua hóa đơn đầu vào: Phạm luật nhé! Bị phát hiện là nguy to ơi là to! Thế giả sử không hợp thức hóa được, ta mất 10% VAT và 25% thuế thu nhập doanh nghiệp (con số 22% chỉ là con số từ 2014 khi mà doanh nghiệp chết sặc sụa rồi).

Túm lại, các chi phí khác tạm cho là 5 triệu đồng nhé!

Đi thuê lại của CP, sướng ơi là sướng, mình là khách hàng nha, mình có quyền hắt hơi sổ mũi nha. Mình không thích “thuốc cảm” như mấy bạn nhà mạng vì cũng là doanh nghiệp – doanh nghiệp với nhau cả, ai làm khó nhau kiểu ấy. Nhưng mình “bệnh” là mấy bạn ấy quan tâm tốt lắm, làm kinh doanh, mình chỉ cần thế chứ đâu cần kiếm tiền từ “liều thuốc cảm” kia.

Bạn thích được phục vụ hay đi xin xỏ? Chỉ cần bạn có nhu cầu thuê đầu số, hàng tá CP xếp hàng để phục vụ bạn! Không tin à? Soạn CRM gửi 6089 thử coi! (Đừng hỏi 6089 là bao nhiêu tiền nha!).

Cuối cùng, vấn đề đau đầu nhất của việc kết nối trực tiếp với nhà mạng: Theo hợp đồng, sau 3 tháng,nhà mạng mới trả tiền cho bạn. Không phải 3 tháng trả một lần đâu nha, sau chu kỳ 3 tháng đầu tiên vẫn trở thành trả hằng tháng nhưng là theo kiểu gối đầu.

Nhìn hình này là bạn hiểu ngay:

![][photo17]

Xin lỗi, những gì ký trên hợp đồng mà bất lợi cho CP thì nhà mạng bắt chẹt ngay, còn những gì có lợi cho CP thì nhà mạng cứ phớt lờ. 3 tháng chỉ là lý thuyết, thực tế là từ 5-6 tháng, thậm chí hơn. Được bao nhiêu doanh nghiệp làm ăn mà không vay vốn ngân hàng, bị giam 6 tháng, mỗi tháng chịu lãi suất 1,5%, đi tong thêm 9%. Chịu nổi không?

Trong khi đi thuê lại từ CP, bạn sẽ nhận được tiền sau mỗi tháng. Thậm chí 15 ngày nhận một lần. Ở cái thời buổi khủng hoảng này:

“Nội dung là Vua”

Không, tôi không nghĩ vậy. Tiền mặt mới là Vua

Bạn đồng ý với tôi chứ?

CP không thanh toán đúng hẹn với bạn thì sao? Hàng tá mà, loại 1, ta còn 11++ sự lựa chọn khác! Doanh thu của bạn ổn và đều, mà bạn ho một phát thì CP sẽ…

Rồi sao, thuê đầu số riêng không? Ai mạnh dạn trả lời có, tôi nguyện cầu cho bạn thành công nhé!

  1. Chúng tôi đã bỏ đầu số như thế nào?

Đầu năm 2012, “đi du lịch” Hà Nội đủ ngán. Chúng tôi bàn bạc kỹ lưỡng và đưa ra quyết định sáng suốt đối với chúng tôi nhưng điên khùng đối với những bậc đàn anh trong ngành đứng bên ngoài nhìn vào, kêu “Hai thằng này khùng à! Người ta xin không được, nó đi bỏ!”.

Để thành công, phải nỗ lực không ngừng, không bỏ cuộc nhưng phải biết nói KHÔNG đúng lúc!

Công ty của chúng tôi không kinh doanh nội dung số (nhạc – hình – game), chỉ một vài dịch vụ na ná, chuyển hướng sang làm giải pháp cho doanh nghiệp (cho các công ty tiếp thị số, ngân hàng, bảo hiểm…) nên doanh thu từ tổng đài tin nhắn thấp. Mà doanh thu thấp thì làm gì đủ sở hụi cho con số 33 triệu đồng tiền hụi chết hàng tháng.

Với kiến thức, kinh nghiệm và mối quan hệ trong ngành, chúng tôi đủ sức để chọn nhà cung cấp nội dung số đáng tin cậy để hợp tác chiến lược.

Và, 1 2 3 dzô! Chúng tôi quyết định bỏ đầu số 8X04. Đến bây giờ, nó là vẫn là quyết định đúng đắn của chúng tôi!

Làm sao để bỏ: Gửi công văn lên nhà mạng “có sao nói vậy, người ơi”!

Mất tiền? Vâng!

Hồi trước, chúng tôi là đơn vị cung cấp đầu số của gameshow “Chơi chữ” trên Đài truyền hình Hà Nội (HN1). Người dùng cuối cần soạn CC gửi 8304 để tham gia chương trình. Giờ đổi sang 6X89 thì phải soạn CC gửi 6389 chứ gửi 8304 thì nhận một gáo nước lạnh ngay: “Tin nhan sai cu phap. Vui long goi 1900XXXX de duoc huong dan”. Chẳng những thế, tiền còn không thuộc về mình, đó là điều quan trọng nhất!

Gọi 1900XXX cũng bị tính phí chứ có tốt lành gì. Cũng sẽ có phần chuyên sâu về dịch vụ IVR 1900 – 1800. IVR = Interactive Voice Response (tổng đài tự động).

  1. API là gì?

API = Application Programming Interface. Wikipedia dịch là Giao diện lập trình ứng dụng. Tuy nhiên dịch kiểu này thì người mới vào nghề chỉ có “potay.com”.

Hơi khó để định nghĩa về API, thôi thì tôi dẫn chứng cho bạn cách mà nó hoạt động, từ đó bạn sẽ hiểu về API và cũng không cần định nghĩa theo lối hàn lâm.

Vai trò của API trong kinh doanh nội dung số

Xổ số tiếp nhé, như ở phần xổ số tôi có liệt kê ra, chỉ có vài nhà cung cấp nội dung số (CP) tự thuê người để nghe – nhập liệu kết quả. Và CP còn lại làm sao để có kết quả?

Thuê lại, hiển nhiên, nhưng chờ các bạn CP gửi kết quả qua email à? Thủ công quá! Lúc ấy email bị sự cố thì sao?

Gửi qua Skype/ Yahoo! à? Làm việc thì phải lưu lại hết, sau này cần gì còn có cái mà đem ra đối chiếu/ đối chứng. Cài lại Windows cho laptop một phát là conversation trên hai bạn này mất tiêu. Chưa kể, giờ chả ai xài Yahoo! Messenger nữa.

Gọi điện thoại qua nghe đọc lại kết quả: Siêu thủ công!

Vai trò của API phát huy là đây! Khi các CP to nhập liệu xong, các vệ tinh (sub-CP: các CP phụ, thuê lại đầu số hoặc nội dung từ CP to) sẽ có ngay dữ liệu trên hệ thống bằng một kết nối được thực hiện trước đó. Cái đó gọi là API.

API có thể hiểu như sau: Bạn A có dữ liệu, Bạn B muốn lấy dữ liệu của Bạn A về thì phải được Bạn A đồng ý bằng việc trao-chìa-khóa cho B. Trong nhà A có thể có nhiều loại dữ liệu khác nhau đựng trong nhiều hộc khác nhau và tùy quyền lực của chiếc chìa khóa mà Bạn A trao để Bạn B được mở hộc nào, lấy dữ liệu nào.

![][photo18]

“Hình thù” của API cũng khá đơn giản, nó giống tài khoản (Account) truy cập các dịch vụ khác trên Internet. Bạn tham khảo nhé:

Code API: ksdgknA@2o03

Account: dna

From: VHT

Thêm vài ví dụ nữa nhé,

Bạn sử dụng Facebook, có khi nào thỉnh thoảng bạn truy cập một ứng dụng nào đó và thấy ứng dụng đó hỏi (xin phép) truy cập một số thông tin của bạn như là hồ sơ thông tin của bạn, danh sách bạn bè của bạn, đăng tải (post) lên Facebook của bạn nhưng thông tin đại loại như:

![][photo19]

Và thỉnh thoảng bạn sẽ thấy bạn bè mình đăng những chia sẻ kèm đường dẫn, hình ảnh của ứng dụng nào đó lên tường rất máy móc như là:

![][photo20]

Trong những tình huống như trên, Facebook đã mở công khai (public) một số API liên quan thông tin người dùng để các nhà lập trình ứng dụng được khai thác và tất nhiên là được sự cho phép của người dùng. Một số tình huống đã gây thành vấn nạn trên Facebook qua các ứng dụng nhảm, lừa đảo để khai thác thông tin người dùng rồi bán like, hành động nhỏ nhưng gây hậu quả nghiêm trọng -, vào đầu tháng 1/2014, Facebook đã xóa khoảng 2.000 fanpage tại Việt Nam dính phải những rắc rối này. Tuy nhiên, lĩnh vực này không thuộc phạm trù sách này, ta biết thế thôi. Trong những tình huống này, Facebook cho gì ta (lập trình viên) xài nấy!

Open ID: Có bao giờ bạn truy cập một trang web nào đó mà họ gợi ý bạn có thể đăng nhập ngay bằng tài khoản của Google, Yahoo! Facebook hay Zing của VNG mà không cần tạo tài khoản mới không? Đó gọi là Open ID.

![][photo21]

Vì sao một trang web không liên quan Google hay Facebook mà lại có thể sử dụng thông tin của người trên hai trang này để đăng nhập? Vì họ mở (public) API đó cho lập trình viên khai thác.

Để làm gì? Tiện lợi cho người dùng và kéo dài cánh tay với của họ.

Họ cho lập trình viên cái gì? Thường là email (username). Tất nhiên không cho password.

Chắc ba ví dụ thế là đủ để bạn hình dung về API. Giờ bạn hãy hình dung lại xem mình đã từng xài những dịch vụ nào có liên quan đến API mà trước giờ không biết, rồi sau đó hãy tự đưa ra cho chính mình một định nghĩa về API nhé!

Mở rộng,

Bạn có thể xem thêm một cách hàn lâm [ở đây][link3].


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button