Kinh doanh - đầu tư

Tầm Nhìn Thay Đổi Quốc Gia

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Mohammed bin Rashid Al Maktoum

Download sách Tầm Nhìn Thay Đổi Quốc Gia ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KINH TẾ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời mở đầu

Nhân danh Allah, Đấng khoan dung nhất, độ lượng nhất.

Trong 10 ngày cuối của tháng lễ Ramadan(1), một nhà báo hỏi tôi: “Nếu Thánh Allah ban phước cho ngài thấy được Đêm Định mệnh (Laylat al Qadr)(2), ngài sẽ ước điều gì?”.

Tôi đã định trả lời: “Tôi ước ngài ban phúc cho vị thế, sự thịnh vượng của Các Tiểu vương quốc Ả Rập và người dân”, nhưng sau một thoáng do dự và suy xét, tôi tự hỏi liệu như vậy mình có lấy mất cơ hội của chính những người mà tôi muốn dành điều ước này cho họ, dù tôi ở gần người dân của mình hơn với người dân các quốc gia Ả Rập khác.

Nhà tiên tri Mohammed đã từng nói:“Không ai có được đức tin thực sự cho đến khi người đó mong muốn anh em của mình có được những điều tốt lành như mong cho chính bản thân”(3). Tôi mong mọi điều tốt lành cho người dân của tôi cũng như cho toàn bộ các quốc gia Ả Rập. Tôi mong họ có thể đạt được trình độ tiên tiến như các quốc gia phát triển. Tôi mong họ chủ động, vượt trội và xâm nhập vào mọi lĩnh vực. Đây cũng chính là những gì chúng tôi đang cố gắng làm ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) nói chung và Dubai nói riêng. Mặc dù rất tự hào về những thành tựu trong quá khứ, song chúng tôi vẫn phải cố gắng để đạt được những thành tựu lớn hơn nữa. Và, chúng tôi sẽ chưa thỏa mãn chừng nào tất cả các quốc gia Ả Rập chưa thịnh vượng, thành công và vượt trội.

(1) Tháng thứ 9 trong lịch của đạo Hồi, là tháng ăn chay của người Hồi giáo.

(2) Là đêm mà khổ đầu của kinh Qu’ran được tiết lộ cho nhà tiên tri Mohammed (PBUH) và là đêm mà các lời cầu nguyện được chấp nhận.

(3) Sahih Bukhari, kể bởi Mohammed Ibn Ismail Al Bukhari, và được dịch tự do từ tiếng Ả Rập.

 

Càng ngày tôi càng thấy buồn vì những sự vụ đáng tiếc đang diễn ra ở các quốc gia Ả Rập. Chỉ có ý thức lạc quan kiên định về một tương lai tươi sáng hơn mới giúp tôi xoa dịu nỗi buồn của mình. Tôi luôn nhắc mọi người và tự nhủ với bản thân rằng tất cả những tuyệt vọng, bi quan và sợ hãi này chỉ là thoáng qua, như đám mây cô đơn bay qua bầu trời trong sáng và chúng sẽ sớm biến mất. Những đặc tính giúp gắn kết các quốc gia Ả Rập nổi bật hơn hẳn những khác biệt giữa những quốc gia này, dù ta thường thấy điều ngược lại diễn ra ở các quốc gia khác. Nhưng chúng ta vẫn có thể thấy nhiều quốc gia có những khác biệt vẫn đang tiến tới đoàn kết và hội nhập.

Những bất đồng dai dẳng ở thế giới Ả Rập là điều không bình thường, bởi vì trong những hoàn cảnh thông thường, chúng ta phải là một khối thống nhất. Chúng ta không bao giờ có thể đạt được điều này nếu để những thứ lặt vặt thống trị các mối quan tâm chính yếu và để thái độ tiêu cực tiếp tục lấn át những điều tích cực. Đội ơn Thánh Allah, cuộc khủng hoảng của Ả Rập ngày nay không liên quan đến tiền bạc, nhân lực, tinh thần, đất đai hay tài nguyên, bởi chúng ta có những nguồn lực phong phú và được hỗ trợ bởi một thị trường tiêu dùng rộng lớn. Cuộc khủng hoảng thực sự nằm ở cách lãnh đạo, sự quản lý và tính tự tôn cố hữu.

Đây là loại khủng hoảng sẽ xảy ra khi ham muốn quyền lực lấn át tình yêu thương và sự chăm lo cho người dân, khi mà lợi ích và số phận của một cá nhân trở nên quan trọng hơn so với quyền lợi và vận mệnh của toàn bộ quốc gia. Khủng hoảng cũng xảy ra khi một số nhà lãnh đạo chỉ phục vụ lợi ích của một số nhóm và bè phái nhất định thay vì phục vụ lợi ích của toàn dân. Nói cách khác, khủng hoảng thật sự xảy ra khi bạn đặt người dân vào vị thế phải phục vụ chính quyền – điều đối lập hoàn toàn với lẽ thường.

Bản thân tôi, tôi tự hào về tôn giáo, quốc gia và dân tộc của mình. Tôi tự hào về các lãnh đạo tiền bối của mình: Tiên vương Sheikh Zayed bin Sultan Al Nahyan(4); cha tôi, – Tiên vương Sheikh

(4) Sheikh Zayed bin Sultan Al Nahyan (1918-2004) là Tổng thống đầu tiên cùa UAE, quốc vương của Abu Dhabi. Cùng với Sheikh Rashid, ông nắm giữ vị trí lãnh đạo trong việc sáp nhập bảy tiểu vương quốc thành Liên bang UAE vào năm 1971.

 

Rashid bin Saeed Al Maktoum(5); hoàng huynh của tôi, – Tiên vương Sheikh Maktoum bin Rashid Al Maktoum(6). Tôi tự hào về các hoàng huynh và hoàng đệ của mình, hoàng thân Sheikh Hamdan bin Rashid Al Maktoum(7) và hoàng thân Sheikh Ahmad bin Rashid Al Maktoum(8), về gia đình tôi, về những công dân của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và các công dân Ả Rập ở khắp mọi nơi.

Kinh nghiệm phát triển đặc biệt của UAE là ví dụ điển hình về những gì có thể đạt được khi Thánh Allah ban phước cho một quốc gia vì họ có những nhà lãnh đạo không vị kỷ, luôn phấn đấu vì lợi ích của người dân chứ không phải vì lợi ích cá nhân. Người lãnh đạo tốt là người luôn đặt lợi ích của cộng đồng nói chung lên trước lợi ích của bất kỳ phe nhóm nào.

Lòng tin đối với nhà lãnh đạo chỉ có thể được thiết lập thông qua hành động chứ không phải bằng lời nói. Tôi đang nhắc đến loại hành động để phân biệt nhà lãnh đạo coi người dân là tài sản quý giá nhất của quốc gia, chứ không phải nhà lãnh đạo coi nhân dân là gánh nặng. Có sự khác biệt vô cùng lớn giữa sự lãnh đạo lấy tình yêu thương, sự tôn trọng làm gốc và sự lãnh đạo dựa trên nỗi sợ hãi.

Tầm nhìn của chúng tôi nhạy bén, mục tiêu của chúng tôi rõ ràng, nguồn lực của chúng tôi to lớn, ý chí của chúng tôi mạnh mẽ và chúng tôi luôn sẵn sàng đối mặt với những thách thức phía trước. Nhiệm vụ của chúng tôi là đưa Dubai trở thành trung tâm quốc tế tiên phong của sự ưu tú và sáng tạo, chúng tôi đang nỗ lực biến Dubai trở thành trung tâm thương mại hàng đầu thế giới, điểm đến của du lịch và dịch vụ trong thế kỷ 21. Chúng tôi tự tin có thể đạt được mục tiêu đầy tham vọng này nhờ sự lãnh đạo tận tâm, bằng việc cung cấp cơ sở hạ tầng và môi trường thiết yếu. Nhưng từng đó là không đủ. Chúng tôi còn muốn Dubai dẫn đầu về an ninh, an toàn và phát triển năng động, không bỏ qua yếu tố quan trọng hơn mọi thứ là niềm tin – điều mà chúng tôi quyết duy trì xuyên suốt trong các cộng đồng doanh nghiệp ở địa phương, khu vực và quốc tế. Dubai sẽ không chấp nhận bất kỳ vị trí nào, ngoài vị trí dẫn đầu.

(5) Sheikh Rashid bin Saeed Al Maktoum (1912-1990) là Phó tổng thống và Thủ tướng cùa UAE và Quốc vương của Dubai.

(6) Sheikh Maktoum bin Rashid Al Maktoum (1943-2006) là Phó tổng thống và Thủ tướng của UAE và Quốc vương của Dubai.

(7) Sheikh Hamdan bin Rashid Al Maktoum (sinh 1945) là Phó thống lĩnh Dubai và là con trai thứ hai của cố Quốc vương Rashid bin Saeed Al Maktoum.

(8) Sheikh Ahmad bin Rashid Al Maktoum (sinh 1950) là con trai thứ tư và trẻ nhất của cố Quốc vương Rashid bin Saeed Al Maktoum.

Điều cần thiết hơn cả để đạt được những mục tiêu này là phải chỉ cho người dân thấy định hướng đúng đắn và nuôi dưỡng tiềm năng của họ về sự đổi mới, sáng tạo, tự tin, quyết tâm và tố chất lãnh đạo. Những thủ lĩnh chỉ biết lãnh đạo từ đỉnh của kim tự tháp xuống sẽ chỉ quanh quẩn với nhóm quần thần phía trên đỉnh, đó không phải là cách nên làm để có được sự phát triển toàn diện.

Bởi vì sự phát triển là nỗ lực chung – cần sự phối hợp và đòi hỏi có sự lãnh đạo chung – nên một thủ lĩnh thực sự nên chọn ra người lãnh đạo từ nhiều cấp thần dân của mình. Sau khi chọn được những người lãnh đạo phù hợp, vị lãnh tụ sẽ cùng họ tham gia trong hành trình tiến tới điểm đích cuối cùng.

Tôi viết cuốn sách này để cung cấp những lời khuyên và giải thích kinh nghiệm của chúng tôi và chân thành hy vọng rằng nó sẽ hữu ích cho nhiều quốc gia khác. Mặc dù thất bại là người thầy vĩ đại, nhưng chúng ta không có đủ thời gian để học hỏi từ những thất bại của mình. Xã hội con người không thể lệ thuộc vào một quá trình như vậy.

Chúng ta phải lựa chọn một kinh nghiệm phát triển thành công và một cách tiếp cận khoa học có thể áp dụng với tất cả. Dubai đang phát triển một cách bền vững, thực hiện những kế hoạch phát triển đầy tham vọng, dịch chuyển một cách nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực phát triển và không ngừng học hỏi. Tuy nhiên, những lời khuyên của chúng tôi không nên bị khái quát về cách tiếp cận và cũng không nên trở thành một yêu cầu đòi hỏi

 

mọi người làm nhiều hơn khả năng của mình. Bất cứ điều gì đã học được cho đến nay, chúng tôi đã học được từ quá trình thử nghiệm và thất bại. Chúng tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm để mọi người có thể áp dụng nó trên con đường tiến tới thành công – điều mà họ luôn mong muốn và cũng chính là mong muốn của chúng tôi.

Phát triển thành công có thể đã từng là một giấc mơ trong quá khứ, nhưng điều đó không còn là giấc mơ ở hiện tại.

Cuốn sách này sẽ giải thích lý do tại sao.

– Mohammed bin Rashid Al Maktoum

ĐỌC THỬ

Chương một: SƯ TỬ VÀ LINH DƯƠNG

Ở  châu Phi, mỗi ngày mới, linh dương thức dậy và hiểu rằng hoặc là nó phải chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất, hoặc là nó sẽ bị ăn thịt. Cùng lúc đó, con sư tử tỉnh giấc, duỗi thân mình và biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con linh dương nhanh nhất, hoặc là nó sẽ chết đói. Điều này không khác với cuộc đua tranh của con người. Cho dù bạn nghĩ mình là linh dương hay sư tử, đơn giản bạn phải “chạy” nhanh hơn những người khác để tồn tại.

Kể từ khi thành lập vào năm 1971, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đã phát triển với tốc độ nhanh chưa từng có – làm cả thế giới phải kinh ngạc, và hiện tại quốc gia này vẫn đang phát triển với tốc độ nhanh hơn.

Quốc gia trẻ và năng động này đã đạt được rất nhiều thành tựu kể từ năm 1971. Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đã cạnh tranh tại tất cả các cấp độ trong nhiều lĩnh vực đa dạng và dẫn đầu thế giới trong nhiều dự án tiên phong. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm. Chúng tôi không thỏa mãn để ngủ quên với vòng nguyệt quế, và nằm phơi mình trong vinh quang đã đạt được; chúng tôi luôn nỗ lực để tiến lên phía trước, để nắm bắt thời cơ và tận dụng mọi cơ hội đến với chúng tôi trong một thế giới toàn cầu hóa nhanh chóng.

Cho đến nay, những thành tựu đạt được đã giúp chúng tôi bắt kịp với phần còn lại của thế giới trong xu thế toàn cầu hóa. Quá trình này đã bắt đầu chậm chạp trong suốt hai thập niên cuối của thế kỷ 20, trước khi nó tăng tốc theo cấp số nhân trong thiên niên kỷ mới và bây giờ đã có thể được ví như một khúc dạo đầu trong cuộc chạy đua kinh tế quan trọng nhất mà thế giới đã từng chứng kiến. Phần thưởng là “miếng bánh” lớn chưa từng thấy và không có chỗ cho sự thất bại.

Để đảm bảo thành công, chúng tôi phải tham gia cuộc đua và chiến thắng. Suy cho cùng, sẽ chẳng có ai nhớ đến người về nhì – dù kẻ về nhì đó là người chinh phục đỉnh Everest hay đặt chân lên mặt trăng.

Tuy nhiên, sự phát triển của một quốc gia không ngẫu nhiên xảy ra qua một đêm hay nhờ sự may mắn tình cờ. Sự phát triển của một quốc gia cũng không bao giờ dừng lại một khi quá trình phát triển đã bắt đầu.

Xây dựng quốc gia là kết quả của những nỗ lực mạnh mẽ nhằm tạo lập một cộng đồng, một tổ quốc; là một nhiệm vụ phi thường không thể xem nhẹ, nhưng phải do chính phủ của một quốc gia, các thành phần kinh tế công và tư, cũng như người dân của chính quốc gia đó gánh vác. Tất cả phải sẵn sàng để đối phó với các điều kiện biến đổi mau lẹ đang diễn ra khắp thế giới với tốc độ chóng mặt.

Để đạt được điều này, một cơ sở hạ tầng hiện đại là không đủ; chúng ta phải có tầm nhìn và sự linh hoạt trước các thay đổi, phải liên tục thích ứng và cải thiện hiệu suất cũng như cam kết phục vụ. Điều này sẽ cho phép chúng ta mở rộng thị trường và thúc đẩy năng lực cạnh tranh của mình trên trường quốc tế. Để làm được những điều này đòi hỏi thời gian, sự cống hiến và sự chăm chỉ.

Tất nhiên là chính phủ đã cam kết phụng sự cho lợi ích chung của UAE. Chúng tôi tin rằng nhiệm vụ của chúng tôi là phục vụ và thấu hiểu nguyện vọng của cộng đồng, cả trong hiện tại và trong tương lai, bằng cách đảm bảo với người dân sự phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, an ninh, sự ổn định, sự tiện nghi, cơ hội nghỉ ngơi và được tự do đi lại. Điều này tạo ra môi trường thuận lợi nhất để chúng tôi đạt được mục tiêu đảm bảo hệ thống phúc lợi và một tương lai tươi sáng. Tất cả những thành viên làm việc trong chính phủ phải hiểu rõ nhiệm vụ sắp tới và luôn sẵn sàng đối mặt với những thách thức.

Để đặt nền móng vững chắc cho tương lai của đất nước, chúng tôi phải xây dựng dựa trên những thành tựu do các nhà lập quốc tạo ra – những thành quả không chỉ dừng lại ở thế hệ chúng tôi, mà còn tiếp tục được duy trì bởi các thế hệ tương lai. Lịch sử cho thấy không có lòng thương xót cho những kẻ yếu đuối. Sheikh Zayed và cha tôi – Sheikh Rashid, những cố lãnh đạo yêu quý của chúng tôi, không bao giờ mong đợi lịch sử sẽ ghi lại những chiến công của họ; họ đã chủ động làm nên lịch sử của bản thân mình và khi làm như vậy họ đã tạo ra những tiền đề để chúng tôi noi theo.

Tiến bộ và thoái lui

Trong thế giới cạnh tranh ngày nay, nếu bạn không dẫn đầu, bạn sẽ bị tụt hậu. Khi rớt lại phía sau, có thể bạn sẽ bị một người nào đó năng lực kém hơn, ít sáng tạo và được chuẩn bị kém hơn bạn chiếm mất vị trí. Điều này có thể diễn ra rất nhanh, và cuộc đua tranh cũng là một thử thách đối với khả năng chịu đựng. Nếu bạn vấp ngã một hai lần, đừng lo lắng, bạn có thể rút ra những bài học giá trị để không lặp lại những sai lầm tương tự. Bị ngã không có nghĩa là thất bại, thất bại nằm lại tại vị trí bạn đã ngã và thất bại lớn nhất là khi bạn quyết định không đứng lên nữa.

Các nhà lãnh đạo UAE hiểu rõ rằng nếu quốc gia của mình tụt hậu về mặt kinh tế so với các quốc gia khác, UAE sẽ bị bỏ rơi lại phía sau. Các nhà lãnh đạo cũng biết rằng sự phát triển ở phạm vi lớn không chỉ giúp nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia, mà còn xóa bỏ nạn thất nghiệp, sự ngu dốt, nghèo nàn và bệnh tật.

Khi quốc gia không thể phát triển, quốc gia đó sẽ dễ sụp đổ về an ninh và bị mất ổn định, mất đi những nền tảng thịnh vượng đang có. Quốc gia đó có nguy cơ bị khuất phục bởi sự độc tài và thiên kiến. Sau một vài năm suy thoái, quốc gia đó sẽ mất hết những nguồn lợi, vị thế và sự tôn trọng mà nó đã có được qua nhiều thập kỷ phát triển.

Trước khi đảm nhiệm vị trí Phó Tổng thống, Thủ tướng UAE và Quốc vương Dubai, tôi từng là Bộ trưởng Quốc phòng của UAE, tôi hiểu rất rõ sự tàn phá của chiến tranh. Chiến tranh không cung cấp các giải pháp hoặc chấm dứt các vấn đề, mà ngược lại. Thế giới của chúng ta còn cách rất xa thế giới lý tưởng, và nhìn vào bất cứ nơi đâu, chúng ta sẽ thấy vô số ví dụ về sự đau khổ, ngay cả trong khu vực của chúng ta. Chúng ta có thể nói về chiến tranh một cách kịch liệt như một số người khác vẫn làm, nhưng vì đức tin của chúng ta, cũng như của tất cả người Hồi giáo, chúng ta muốn nói về hòa bình. Khi chúng ta chào hỏi mọi người hay nói lời tạm biệt, chúng ta nói assalaam alaykum (nghĩa là chúc bạn an lành).

Những bí mật đằng sau sự vĩ đại của một quốc gia không nằm ở sức mạnh quân sự. Lịch sử đương đại phơi bày các ví dụ về các quốc gia hùng mạnh nhờ quân đội, song thực tế lại hoàn toàn bất lực vì nền kinh tế non yếu. Ngược lại, có những quốc gia có lực lượng quân sự nhỏ, nhưng lại là siêu cường kinh tế. Quốc gia này chỉ có thể vượt qua quốc gia khác nhờ sức mạnh kinh tế chứ không phải là nhờ sức mạnh quân sự, điều này đã được lịch sử chứng minh.

Chúng ta, những người Ả Rập, có một quá khứ quân sự hào hùng. Đức tin của chúng ta vào Thánh Allah và quyết tâm vượt qua các quốc gia khác đã dẫn dắt chúng ta mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình. Chúng ta đã cố gắng đạt được những chiến thắng vĩ đại nhất mà lịch sử quân sự thế giới từng biết đến, và nhờ đó, chúng ta đã trở thành cường quốc vĩ đại nhất thế giới. Tuy nhiên, sức mạnh quốc gia lên xuống theo từng thời kỳ, và điều không tránh khỏi là các tiểu quốc gia của chúng ta có thể bị suy yếu, hư hại dần dần cho đến khi không còn gì sót lại từ những vinh quang quá khứ ngoại trừ các di sản.

Phân tích kỹ quá khứ lẫy lừng của chúng ta để thấy người Ả Rập không chỉ có một sức mạnh vượt trội về quân sự. Chúng ta còn là một siêu cường về kinh tế và hàng hải, tầm cỡ như người Phê-ni-xi, Hy Lạp và La Mã trong lịch sử cổ đại; châu Âu trong lịch sử hiện đại và gần hơn là Hoa Kỳ.

Khi Abu Jafar Al Mansur tìm nơi thích hợp để xây dựng thủ đô của triều đại Abbasid, ông không chọn Baghdad vì nó bất khả xâm phạm, dễ bảo vệ hay phù hợp để sử dụng như bàn đạp chiến tranh, ông đã chọn Baghdad vì một thực tế đơn giản, nó nằm giữa ngã tư thương mại và hàng hải thời đó.

Abu Jafar Al Mansur đã nói với phụ tá của mình rằng: “Đây là một địa điểm tốt để làm thủ đô. Nơi đây có dòng sông Tigris chảy qua và không có gì cản trở con đường đến Trung Quốc, giúp cung cấp cho chúng ta tất cả các mặt hàng chúng ta cần bằng đường biển, trong khi đó, chúng ta có thể thu mua lương thực qua khu vực Jazeera và Armenia. Bên cạnh đó, sông Euphrates sẽ mang lại tất cả những gì ta cần từ vùng Cham và Riqqah và các vùng phụ cận”.

Ngày nay kinh tế vẫn giữ nguyên vai trò như trong quá khứ và sẽ vẫn như vậy trong tương lai – vai trò trung tâm đầu não của đời sống. Nền kinh tế là trụ cột của một quốc gia. Nó là sự ổn định, thịnh vượng và chính trị. Nó cũng phản ánh bản chất các mối quan hệ và lợi ích giữa các quốc gia. Sự hiện diện của tất cả các yếu tố này cùng một lúc có thể khơi nguồn cho sự sáng tạo của một số dân tộc và dẫn dắt họ theo đuổi một tầm nhìn. Đây là cách mà các nền văn minh được tạo dựng.

Mặc dù nhiều nền văn minh không tồn tại đủ lâu để có những dấu ấn lâu dài trong lịch sử, nhưng một số nền văn minh đã đồng hóa những ý tưởng của họ với ý tưởng có từ trước đó, và cuối cùng họ có được những thời kỳ phát triển vượt trội. Điều này cũng xảy ra khi người dân một quốc gia hợp thành một nhóm làm việc thống nhất, hoặc khi Thánh Allah ban cho họ nhà lãnh đạo với tư tưởng cởi mở, do vậy, sẽ mang lại sự tự do hoàn toàn cho những người tiên phong và những người sáng tạo để họ tạo ra những thứ độc đáo. Đây là công thức tạo dựng nên các nền văn minh – và một trong những nền văn minh đó đã cung cấp bản kế hoạch chi tiết để phát triển UAE và Dubai.

Tiếng Ả Rập hiện nay đứng thứ 6 trong số các ngôn ngữ được dùng phổ biến của hơn 6 tỷ dân trên thế giới. Đã có thời tiếng Ả Rập là ngôn ngữ chung cho khoa học, toán học, y học, chính trị và ngoại giao. Các nhà khoa học, toán học, kiến trúc sư, bác sĩ hay sử gia người Ả Rập và Hồi giáo đã là những giảng sư, triết gia và khoa học gia hàng đầu thế giới trong hơn một thiên niên kỷ.

Nền văn minh hiện đại hoàn hảo hơn nhiều, được cấu thành từ thương mại, sản xuất, xây dựng và hàng trăm hoạt động khác. Nhưng liệu có nơi nào trên thế giới mà chúng ta có thể tìm thấy một nhà thờ Hồi giáo xinh đẹp và vĩnh cửu như nhà thờ Hồi giáo Lớn của Cordoba ở Andalusia hay một lăng mộ rực rỡ như Taj Mahal ở Ấn Độ?

Nói như vậy, tôi không muốn cố ý hay vô tình gợi lại những vết thương cũ, tôi muốn tránh cả hai. Người Ả Rập tôn trọng nền văn minh của các quốc gia khác và thừa nhận những đóng góp của họ đối với di sản của nhân loại. Chúng ta đánh giá cao niềm tự hào của các quốc gia khác về nền văn minh của họ, cũng giống như tôi luôn hết sức tự hào về nền văn minh Ả Rập. Vào thời khắc tôi nghe được cụm từ “Nền văn minh Ả Rập”, tôi biết chính xác điều đó có nghĩa gì. Tôi có thể trích dẫn các nguyên tắc của nền văn minh Ả Rập mặc dù tâm tưởng của tôi chỉ luôn nghĩ về một tọa độ cụ thể, tất cả được tóm tắt chỉ trong một từ “tiên phong”, một từ mà tôi sẽ thảo luận kỹ hơn ở phần sau của chương này.

Khi phải đối mặt với một thách thức đòi hỏi một giải pháp hay một quyết định, bạn có hai sự lựa chọn – hoặc là bắt chước những bài học kinh nghiệm của người khác, hoặc sử dụng sự sáng tạo và trí tuệ của mình để đưa ra ý tưởng mới. Cả hai nguyên tắc này được áp dụng ngang nhau trong sự phát triển của đất nước chúng tôi. Rất nhiều ý tưởng tuyệt vời đã lưu truyền trên thế giới và các quốc gia đã nhân bản ý tưởng của mình nhiều tới mức những ý tưởng đầy cảm hứng một thời nay đã trở thành tầm thường. Tuy nhiên, những ý tưởng “cũ” không dành cho chúng tôi, tại UAE này. Chúng tôi phải dẫn đầu chứ không theo sau.

Gốc rễ của bất kỳ dự án mới nào đều bắt nguồn từ ý tưởng, nếu chúng tôi không thể tìm thấy ý tưởng mới cho một dự án, chúng tôi sẽ không triển khai nó vì dự án sẽ không thể đạt được những gì chúng tôi mong đợi. Chúng tôi tin rằng con đường ngắn nhất tiến đến tương lai tươi sáng mà chúng tôi đang tìm kiếm nằm ở phương pháp tiếp cận sáng tạo và tiên phong.

Sự ghi nhận chúng tôi có được từ cộng đồng quốc tế thể hiện qua việc một số quốc gia đã nghiên cứu và vận dụng các giải pháp của chúng tôi. Mặc dù UAE chỉ là một quốc gia nhỏ, nhưng chúng tôi đã mở rộng quan hệ quốc tế từ sớm, và hiện đang triển khai một số dự án lớn tại các quốc gia quan trọng như Ấn Độ, Hàn Quốc, Hồng Kông và một số nước Ả Rập khác.

Chính sách phát huy vị thế cá nhân của chúng tôi đã đạt kết quả tốt, minh chứng rõ ràng cho nó là lượng lớn những người có óc sáng tạo, có trình độ cao và đầy động lực đang dẫn dắt, điều phối các nhóm làm việc của chúng tôi. Chúng tôi sẽ luôn cố gắng giữ đây là chính sách ưu tiên hàng đầu vì chúng tôi tin rằng công dân của UAE non trẻ là tài sản quý giá nhất, là chìa khóa của thành công trong tương lai. Khi tôi biết được các chủ doanh nghiệp đang phàn nàn về việc thiếu cán bộ có trình độ, tôi tự hỏi sao họ có thể kết luận như vậy trong khi tôi đã tiếp xúc, tại những dịp chính thức và không chính thức, với hàng trăm công dân UAE được đào tạo cẩn thận, có trình độ cao ở ngoài kia.

Tôi tin rằng nhiệm vụ của các nhà quản lý cần bao gồm cả việc lựa chọn một số nhân viên UAE có trình độ phù hợp để kế nhiệm. Điều này không chỉ áp dụng đối với công ty mà cả ở trong các lĩnh vực khác. Vì nhiệm vụ của nhà lãnh đạo là phát triển các kỹ năng lãnh đạo cho những người mà mình tin là phù hợp. Và khi thời điểm đến, những người này có thể chuyển giao kiến thức cho thế hệ kế cận.

Việc chuyển giao nêu trên hầu như diễn ra liên tục, đáng tiếc là vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Một số nhà quản lý không quan tâm đến – hoặc sẽ không dung hòa. Họ cho rằng một người có kỹ năng hay có trình độ là mối lo cạnh tranh hoặc là nguyên nhân bị mất việc của họ. Mặc dù ở một mức độ nào đó, điều này là có thể hiểu được, nhưng tôi vẫn không đồng ý với nhà quản lý đó; vì một nhà lãnh đạo thực sự nên nhận thấy rằng mình không thể có mặt ở mọi nơi mọi lúc để thực hiện tất cả các nhiệm vụ. Nhà lãnh đạo cần phải học cách trao quyền cho người khác. Khi một nhà lãnh đạo không biết cách trao quyền, anh ta sẽ thấy mình bị lôi kéo vào rất nhiều chi tiết và những chi tiết này sẽ áp đảo anh ta, kéo anh ta đi chệch khỏi nhiệm vụ chính (phát triển kinh doanh cho doanh nghiệp và tìm kiếm các giải pháp sáng tạo hơn cho các vấn đề của doanh nghiệp) cho tới khi người lãnh đạo này đánh mất đại cục.

Vậy rốt cuộc, đại cục là gì?

Đại cục là sự sinh tồn – động lực của cuộc sống và là lý do tại sao tất cả sinh vật trên thế giới tìm cách săn mồi hoặc thoát khỏi kẻ đi săn hàng ngày. Sinh tồn không thể đạt được bằng duy ý chí. Tăng trưởng liên tục đòi hỏi phải có nỗ lực rất lớn, chú tâm và luôn cảnh giác với những mối nguy hiểm tiềm tàng.

Mặc dù chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh, nhưng thế giới kinh doanh vẫn như trong rừng thẳm. Các doanh nhân thành đạt đã học được cách hoãn binh và đợi cho tới khi có cơ hội để thể hiện. Ở đây không có chỗ cho sai sót hoặc tình cảm ủy mị vì nó chính là sự khác biệt giữa tăng trưởng và suy thoái, giàu có và phá sản, sinh tồn và diệt vong.

Để minh họa điều này tôi sẽ lấy ví dụ về cuộc họp Nội các nhằm xem xét các mục tiêu cho sáng kiến về chính phủ điện tử và thương mại điện tử trong bối cảnh những diễn biến mới nhất trên thế giới. Tại đó, tôi đã giải thích lý do tại sao chúng tôi cần phải dẫn đầu trong việc tận dụng tối đa các cơ hội mà nền kinh tế toàn cầu mang lại. Một số Bộ trưởng cho rằng điều này là không cần thiết, và nói rằng chúng tôi có thể thực hiện những việc này khi mà nền kinh tế của chúng tôi vững chãi hơn.

Tôi phản biện với lập luận vững chắc rằng: “Tiến bộ ở đâu khi chúng ta chỉ đang bắt kịp trong cạnh tranh? Nếu mục tiêu duy nhất của chúng ta là đạt ở mức độ người khác đã đạt được thì chúng ta đã đặt mục tiêu quá thấp. Chúng ta phải thực sự bắt tay vào cuộc. Không thể tự đánh lừa bản thân rằng chúng ta đang đi lên khi chúng ta chỉ bắt nhịp kịp với xu hướng chung, trong khi những cơ hội thực sự đang trượt khỏi tay”.

Chúng ta phải dẫn đầu và chủ động vượt lên số phận. Tương lai sẽ mang lại những khó khăn, những thách thức không lường trước được và chúng ta phải sẵn sàng đối mặt với bất cứ điều gì.

Có một giai đoạn người Ả Rập chỉ là những người theo sau và quốc gia của họ bị nô dịch. Nhưng khi vận may thay đổi, họ đã trở thành quốc gia nổi bật, đạt được thịnh vượng trong các lĩnh vực thương mại, kiến trúc, khoa học, nghệ thuật và công nghiệp. Các quốc gia khác nhìn vào họ và được truyền cảm hứng để học tập theo họ.

Việc chuyển đổi xảy ra khi các quốc gia Ả Rập làm chủ được một từ, từ này thể hiện toàn bộ bản chất của nền văn minh Ả Rập:

“Tiên phong”. Khái niệm này xuất hiện trong mọi khía cạnh của cuộc sống – trong hòa bình, chiến tranh, hành chính, khoa học, kiến trúc, thương mại, y học, lịch sử, công nghiệp và ngoại giao – trở thành một triết lý dẫn đường. Tinh thần này tiếp tục không suy giảm, không chỉ trong hai thập kỷ hay năm thế kỷ, mà trong hơn 1.000 năm, và là cơ sở cho quan điểm lịch sử về nền văn minh Hồi giáo Ả Rập như là những người tiên phong xuất sắc.

Tất nhiên, nhu cầu chính là mẹ đẻ của các phát minh. Người Ả Rập đề cao tinh thần tiên phong không chỉ để ca ngợi những thành tựu đạt được trong quá khứ mà còn là để phục vụ nhu cầu cơ bản để tổn tại, tiến bộ và phát triển thịnh vượng.

Người dân Ả Rập đón nhận và phát triển hệ thống hành chính kiểu La Mã, bao gồm cả hệ thống bưu chính, tiền tệ như một phương thức để quản lý các sự vụ của một xã hội đông dân và lãnh thổ của mình. Khi người Ả Rập phát minh ra cánh buồm hình tam giác, họ làm vậy để giúp thuyền đi nhanh hơn kể cả khi không thuận gió. Kết quả là các thương nhân Ả Rập đã tận dụng sáng kiến này và vận chuyển hàng hóa đến các cảng thuộc khu vực Old World (châu Á, châu Phi và châu Âu) nhanh hơn so với các tàu dùng buồm vuông. Chính nhờ có điều này, họ đã tích lũy được khối tài sản đáng kể và tạo ra những cơ hội việc làm mới.

Có rất nhiều ứng dụng khoa học được người Hồi giáo phát minh. Họ rất xuất sắc về địa lý và thiên văn, đặc biệt phải kể đến các ứng dụng trong kỹ thuật lập bản đồ biên giới dọc theo tuyến đường thương mại. Nó cho phép các thương gia đi thuyền vào ban đêm, sử dụng vị trí của các ngôi sao và các hành tinh để dẫn đường, thay vì chờ đợi cho đến khi mặt trời mọc mới tiếp tục cuộc hành trình. Thay vì phải chèo thuyền sát bờ biển, sự ra đời của la bàn cho phép thủy thủ Ả Rập tiếp tục chèo thuyền vào ban đêm ngay cả trong thời tiết nhiều mây và sóng lớn trên biển.

Thương mại Ả Rập khởi sắc là thành quả của những sáng chế này, nhờ đó các thương gia đã có thể nhanh chóng vận chuyển hàng hóa giữa các cảng, bao gồm cả hàng hóa dễ hỏng như quả sung, được xuất khẩu từ Malacca ở Málaga đến các thị trường Moorish tại Maghrib và phương Đông. Các thương gia Ả Rập đã có mặt tại tất cả các cảng của thế giới cổ đại, họ giành quyền kiểm soát các tuyến đường biển quốc tế và các điểm ra vào trải dọc theo một tuyến đường thương mại dài hơn 10.000 km từ phía bắc của Trung Quốc đến Mombasa ở bờ Đông châu Phi.

Một số tự hỏi tại sao các quốc gia Ả Rập không biến mất trong thế kỷ 13, khi Pháp và Tây Ban Nha chiếm Andalusia, khiến khoảng hai triệu người vô gia cư, hoặc khi người Tartar chinh phục Ả Rập phương Đông vào năm 1258 sau công nguyên, phá hủy hoàn toàn Baghdad và giết chết Abbasid Caliph Al Musta’sim. Họ sống sót bởi vì họ vẫn thống trị tuyến đường thương mại trên biển phía đông, vào thời đó, tuyến đường này đã đảm bảo cho sự sống còn của họ, dẫu cho các quốc gia khác có thể thắng thế trên chiến trường.

Những tuyến đường thương mại trên biển phía đông vẫn thuộc quyền kiểm soát của người Ả Rập cho đến thế kỷ thứ 16, khi hải quân Bồ Đào Nha chiếm được một số cảng thương mại ở đó. Của cải và sự kiểm soát trên tuyến đường thương mại này của người Ả Rập dần mất đi và kỷ nguyên mới của đói nghèo và dốt nát bắt đầu. Nghèo đói, sự ngu dốt và một thời gian dài kém phát triển ấy chỉ mới kết thúc một vài thập kỷ trước.

Mặc dù người Bồ Đào Nha thống trị bởi sức mạnh quân sự tuyệt đối và sự hủy diệt, thì tàu của họ ở vùng Vịnh, biển Ả Rập và Ấn Độ vẫn sử dụng các phương pháp hoặc những công cụ làm ra từ những phát minh của người Ả Rập, trong đó có công cụ tìm hướng như thước đo độ cao thiên thể, một công cụ được sử dụng trước khi phát minh ra kính lục phân – kính này cũng là phát minh của người Ả Rập. Hàng trăm ví dụ về những phát minh đầu tiên có thể được tìm thấy ở các bảo tàng ở châu Âu và Bắc Mỹ. Ngay cả những tuyến đường biển đến vùng Vịnh và Ấn Độ được cho là do nhà hoa tiêu Ả Rập nổi tiếng, Ahmad Ibn Majid tiết lộ cho người Bồ Đào Nha.

Điểm quan trọng cần nhớ ở đây là người châu Âu tiến bước tiên phong được là nhờ dựa vào công sức của người Ả Rập, trong khi đó chính người Ả Rập lại đánh mất tinh thần sáng tạo của mình. Người Bồ Đào Nha đã trở thành một quốc gia đi biển, tiến hành giao thương mang tính cách mạng và thống trị lĩnh vực này đến khi người Ma Rốc hạ sát đức vua Bồ Đào Nha, vua Sebastian, trong cuộc chiến tại lâu đài Grand (Al Qasr al–Kabeer) năm 1578.

Khi các quốc gia đánh mất tinh thần tiên phong của mình, nỗ lực khôi phục tinh thần ấy là dường như không thể. Vì vậy, ngay cả khi nếu người Bồ Đào Nha thất bại trong việc tiêu diệt hoàn toàn tuyến thương mại biển của người Ả Rập, người Ả Rập sẽ vẫn thua trong cuộc chiến thương mại bởi vì tinh thần tiên phong của họ đã bị dập tắt.

Mặc dù cánh buồm tam giác có tính quyết định trong một thời kỳ và giúp cho người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha tiếp cận và xâm chiếm Tân thế giới, nhưng phát minh này không thể cạnh tranh khi động cơ hơi nước và động cơ đốt trong ra đời. Buồm tam giác trở thành biểu tượng của quá khứ.

Khi người Ả Rập thua trong cuộc chiến thương mại thì họ cũng bắt đầu thua các cuộc chiến khác, cũng như đánh mất sự độc lập của mình. Họ đã trở thành những kẻ bắt chước, những người theo đuôi. Như Ibn Khaldoun đã từng nói: “Những kẻ bại trận luôn thích bắt chước phương châm, trang phục, tín ngưỡng và các phong tục khác của người thắng trận”.

Trong khi những phát minh vĩ đại bắt đầu khiến bộ mặt của phương Tây thay đổi, thế giới Ả Rập vẫn còn sống trong thời Trung Cổ. Phương Tây đã nổi lên như lực lượng dẫn đầu, phát triển mạnh mẽ, đồng thời chinh phục toàn bộ các quốc gia khác, biến những nơi đó thành thị trường cho các sản phẩm và phục vụ mục đích riêng của họ.

Ả Rập đã tiên phong một lần và chúng ta sẽ trở lại một lần nữa. Thế kỷ 21 mang đến một cơ hội lịch sử để biến giấc mơ của chúng ta thành một tầm nhìn cụ thể, miễn là chúng ta tìm lại được yếu tố cốt lõi mà chúng ta đã đánh mất – tinh thần tiên phong.

Nền kinh tế mới

Mặc dù một số trong chúng ta có thể thích nhắm mắt làm ngơ về thời đại toàn cầu hóa, đây không phải là một lựa chọn, chúng ta phải toàn tâm toàn ý nắm lấy cơ hội này. Chúng ta không thể bỏ qua ảnh hưởng của nó vì dù chúng ta có làm gì thì toàn cầu hóa vẫn luôn hiện diện. Để thu hẹp khoảng cách rất lớn giữa các quốc gia công nghiệp phát triển và chính chúng ta, chúng ta phải chấp nhận những khía cạnh tích cực của toàn cầu hóa, trong khi đánh giá và loại bỏ những tiêu cực.

Toàn cầu hóa là con đường phía trước. Đó là môi trường mà sự tương tác quốc tế sẽ diễn ra trong hiện tại cũng như tương lai, và nó đã bắt rễ trong nền kinh tế, năng suất, truyền thông, công nghệ tiên tiến. Chúng ta không phải lo sợ về cuộc đua toàn cầu, bởi vì cách tiếp cận và thông điệp của người Hồi giáo là phổ quát, nền văn minh Ả Rập là toàn cầu trong bản chất và sự ứng dụng của nó. Tầm nhìn của chúng tôi cho Dubai đã thể hiện trong quan niệm, sự xuất sắc và khả năng cạnh tranh.

Áp dụng một lập trường toàn cầu trong thương mại, kinh tế, khoa học và nhận thức mang lại cho người Ả Rập và người Hồi giáo vô số lợi ích cũng như vị thế trong quá khứ và điều này có thể lặp lại lần nữa nhờ toàn cầu hóa. Nếu chúng ta được soi sáng và chuẩn bị để đón nhận toàn cầu hóa, chúng ta có thể được hưởng phần xứng đáng sự giàu có của thế giới. Từ chối nó thì chúng ta vẫn còn loay hoay trong bóng tối.

Khi xem xét lịch sử kinh tế thế giới, chúng ta thấy các đặc điểm riêng biệt của hai thời đại mà chúng ta đã trải qua –“thời đại nông nghiệp” và “thời đại công nghiệp”. Tuy nhiên, hai thập kỷ qua đã chứng kiến sự xuất hiện của một thời đại kinh tế thứ ba, được một số người gọi là “nền kinh tế thông tin”.

Thời đại này bao gồm một nền kinh tế toàn cầu kết nối chặt chẽ trong hầu hết các lĩnh vực và có thể cũng do đó mà được gọi là “thời đại toàn cầu hóa”. Do thời đại này đòi hỏi phản ứng rất nhanh và phụ thuộc vào công nghệ rất tinh vi, nó còn được gọi là “thời đại công nghệ”. Đó là một nền kinh tế vô hình phát triển mạnh về kiến thức và ý tưởng sáng tạo, vì vậy có thể được gọi bằng cái tên thứ tư, “thời đại tư duy sáng tạo”. Chúng ta hãy hy vọng người ta không phát minh thêm tên gọi nào nữa gây phức tạp vấn đề hơn!

Dù gọi bằng tên gì, cũng giống như sản xuất công nghiệp không thay thế nông nghiệp, nền kinh tế thông tin sẽ không thay thế nền kinh tế công nghiệp. Thực tế, cách mạng công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, trong khi các công nghệ mới đóng vai trò tương tự trong việc thúc đẩy công nghiệp.

Tầm quan trọng của nền kinh tế thông tin do đó không giới hạn trong giá trị nội tại của nó như là một khu vực độc lập, mà bao gồm khả năng tiếp thêm năng lượng giúp tăng trưởng nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, cũng như tăng hiệu suất của các ngành này, giảm chi phí, mở ra tầm nhìn phát triển mới và tạo cơ hội mà các nền kinh tế trên không thể tự tạo ra.

Nếu điều này được thực hiện, chúng ta sẽ không còn nói về một và một nền kinh tế “mới”- “cũ”, mà về nền kinh tế “thông tin” và một nền kinh tế “truyền thống”. Những điều này bổ sung cho nhau, tạo ra một thời đại mới của nền kinh tế “toàn cầu”, từ đó chúng ta được hưởng lợi. Tận dụng cơ hội này sẽ cho phép chúng ta bù đắp lại những cơ hội đã mất trong cách mạng thương mại và công nghiệp.

Nền kinh tế mới không cần sản xuất lớn và tổ hợp sản xuất, có nghĩa là các yếu tố đảm bảo quyền lực tối cao của quốc gia công nghiệp không còn là những yếu tố giúp các quốc gia có ưu thế vào thời điểm này. Gã khổng lồ ngày nay có thể không được như vậy vào ngày mai và những nền kinh tế nhỏ hôm nay cũng có thể trở thành nền kinh tế lãnh đạo của ngày mai.

Tiêu chuẩn và những cân nhắc hiện nay không còn giống như trong quá khứ, và sự tiến bộ có thể được thực hiện bằng công nghệ cực kỳ nhanh chóng sẽ không diễn ra trong một hoặc hai giai đoạn tại một thời điểm, mà là nhảy vọt. Các nền kinh tế mới bỏ qua ranh giới địa lý và chính trị, mở cửa cho tất cả những người tham gia vào nó. Các nhà kinh doanh có thể làm việc bất cứ nơi nào mà các phương tiện và dịch vụ thiết yếu cho các doanh nghiệp của họ sẵn có.

Ai sẽ đi tiên phong trong nền kinh tế này?

Những kẻ tiên phong sẽ là những quốc gia có thể hưởng lợi từ các cơ hội do nền kinh tế mới đem lại, đồng thời sẵn sàng làm chủ những thách thức, thay đổi và các vấn đề nảy sinh bằng những cố gắng thích nghi với nó – các quốc gia sáng tạo và nhanh nhẹn phát triển mạnh trên kiến thức, thông tin và ý tưởng.

Dubai có môi trường thuận lợi cho sự thành công của các doanh nghiệp trong nền kinh tế mới. Trong số các yếu tố khác, chuyên môn của chúng tôi trong thương mại quốc tế được thừa nhận rộng rãi. Chúng tôi cũng tự hào về một số cơ sở hạ tầng hiện đại nhất trên thế giới, bao gồm khu văn phòng và các khu dân cư hiện đại. Hơn nữa, chúng tôi cũng ứng dụng công nghệ mới nhất vào nền kinh tế bằng cách tạo ra khu thương mại điện tử tự do đầu tiên ở Trung Đông, bao gồm Dubai Internet City và Dubai Media City, khánh thành vào tháng 10 năm 2000.

Nếu chúng ta muốn lãnh đạo nền kinh tế mới, chúng ta vẫn cần phải nâng cao chất lượng dịch vụ. Tôi cam kết mục tiêu này và sẽ đảm bảo để nó được thực hiện. Một tầm nhìn khác tôi muốn thực hiện – cũng không kém phần quan trọng – là đưa Dubai trở thành nơi tiên phong của tất cả các doanh nghiệp liên quan đến nền kinh tế mới, không chỉ trong nước và khu vực, mà còn trên phạm vi toàn cầu. Để hỗ trợ cho mục tiêu này, chúng tôi sẽ luôn luôn cố gắng cung cấp mọi lợi thế và tiện nghi cho cộng đồng doanh nghiệp của Dubai.

Tôi hoàn toàn hiểu được tầm cỡ của những tham vọng và những thay đổi cần thiết để đạt được chúng, nhưng tôi cũng nhận thức được tiềm năng to lớn của chúng tôi. Nếu chúng tôi muốn Dubai trở thành mũi nhọn của nền kinh tế mới, chúng tôi phải thay đổi khái niệm chính quyền và giải quyết các vấn đề của nền kinh tế mới theo một cách khác. Sự ra đời của chính phủ điện tử tại Dubai chỉ là một trong nhiều bước cần thiết chúng tôi phải thực hiện.

Chính phủ không phải là bên duy nhất bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế mới. Để duy trì thành công và vượt trội, thương mại, công nghiệp và dịch vụ cũng cần phải đáp ứng các yêu cầu quan trọng của nền kinh tế và thay đổi nếu cần thiết.

Vì chúng ta là một quốc gia giàu có, chúng ta phải hiểu rằng các quốc gia khác cũng mong muốn sự giàu có này. Các quốc gia hiếm khi có được hòa bình và ổn định. Điều này chưa từng xảy ra trong quá khứ và sẽ không xảy ra trong tương lai.

Nếu chỉ tập trung suy nghĩ về chiến tranh và những căng thẳng xung quanh chúng ta, sự tiến bộ của chúng ta sẽ dễ bị trì trệ. Chúng ta không muốn điều này xảy ra – chúng ta đã phải chịu đựng rất nhiều từ việc được nhàn rỗi quá lâu. Chúng ta phải xem xét các vấn đề của mình một cách tỉ mỉ và thiết lập đường lối đúng đắn, điều đó sẽ cho phép chúng ta vượt qua mọi cơn bão và được an toàn trước khi chúng ta phát triển và đạt được mục tiêu đề ra.

Mọi người cảnh báo tôi rằng có nhiều rủi ro trong nền kinh tế mới, tôi nhận thức được những rủi ro này. Ví dụ, internet không tốt cũng không xấu. Chúng ta chỉ nên học lấy những gì hữu ích, tốt, không tiếp nhận những gì xung đột với tôn giáo, phong tục và truyền thống của chúng ta. Cũng có những người phàn nàn rằng các mục tiêu đầy tham vọng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Tôi luôn nói rằng tôi đã nhận thức được những gì cần thiết, nhưng tiến bộ là một quá trình tích lũy. Như phương Tây chẳng hạn, họ đã không bắt đầu phát triển hạ tầng giao thông vận tải bằng cách xây dựng siêu xa lộ. Ban đầu họ xây dựng những đường một làn đơn giản.

Những người khác đã chỉ ra các bước chúng ta cần phải thực hiện trước khi có thể tận dụng những cơ hội mà nền kinh tế mới đem lại. Tôi cũng biết về những điều này. Một trong những bước cần thiết là thay đổi chương trình giảng dạy các trường học vì nó chưa đủ tập trung vào việc phát triển sự sáng tạo và kỹ năng của học sinh. Phát triển hệ thống giáo dục toàn diện là một ưu tiên ngay lập tức, để đảm bảo rằng sinh viên tốt nghiệp sẽ có trình độ phù hợp với công việc trong tương lai.

Tôi tin rằng có một số người đối mặt với tình huống mà họ có khả năng nói lưu loát về máy tính, phần mềm, internet, thương mại điện tử và các nền kinh tế mới, nhưng họ lại không thể hiểu sâu sắc về nền kinh tế mới cũng như nhu cầu thật sự của nó. Điều quan trọng nhất của các yêu cầu này là thực hiện các ý tưởng ngay lập tức.

Một số người cho rằng chúng ta có thể điều chỉnh tốc độ tiến bộ nhanh hoặc chậm, nhưng tôi tin rằng chúng ta phải bắt đầu một cách nhanh chóng và không cho phép xảy ra sai lầm. Tốc độ là cần thiết vì những gì nhanh nhất thường vượt qua những gì lớn nhất.

Chúng ta luôn phải nhớ rằng đối thủ cạnh tranh đang cố gắng để dẫn đầu như chúng ta. Trong thời đại của cách mạng công nghệ, khi thông tin di chuyển với tốc độ của ánh sáng, ý tưởng có thể cũng di chuyển với cùng tốc độ. Chúng ta phải thực hiện những ý tưởng thực tế mà không lãng phí giây phút nào. Nếu chúng ta không thực hiện những ý tưởng thực tế thì những người khác cũng sẽ làm – và họ cũng sẽ gặt hái được phần thưởng: sự giàu có, thị trường lớn, cơ hội việc làm, ổn định, chuyên môn, năng lực cạnh tranh và các điểm số lợi ích khác. Họ sẽ hướng đến một tương lai tươi sáng trong khi các quốc gia đi sau sẽ ở lại trong bóng tối.

Chúng ta đang sống trong một thời đại không có chỗ cho sự do dự. Nhiều khái niệm kinh tế, kỹ thuật và chính trị phổ biến những năm trước đây đã bị thay thế bởi các khái niệm mới, những sự thay thế này là bắt buộc. Các quốc gia lớn nhỏ đang cố gắng hết sức mình để thích nghi với thực tế mới và chuẩn bị giúp các nhà máy, các công ty và công dân của họ ứng phó với những thách thức của tương lai. Họ đang dùng đến các biện pháp cần thiết để thành công.

Đây là thời điểm các khái niệm quản lý thay đổi. Một số công ty đa quốc gia đã bất ngờ thất bại trong khoảng thời gian 5 năm sau năm 2001, cùng thời gian này, một số công ty nhỏ lại khởi sắc với tốc độ chưa từng có. Thất bại lớn và tăng trưởng nhanh thường không xảy ra từ từ. Giá trị thị trường của các công ty trị giá hàng tỷ đô la có thể bay hơi trong một vài ngày, cùng lúc đó, các công nghệ và sản phẩm mới có thể tăng thêm hàng tỷ đô la vào giá trị thị trường của các công ty nhỏ.

Nếu siêu cường quốc nhận ra rằng họ cần phải thay đổi các khái niệm, các chính sách và pháp luật của mình để thích nghi với thực tế mới thì tại sao chúng ta lại không? Nếu các công ty đa quốc gia lớn, có giá trị thị trường vượt quá GDP của một nhóm các nước đang phát triển, nhận ra sự cần thiết phải thay đổi khái niệm quản lý của họ, tại sao các công ty của chúng ta lại không? Và nếu các trường đại học, cao đẳng và các trường học ở các nước công nghiệp nhanh chóng thay đổi chương trình giảng dạy của họ để đáp ứng các yêu cầu của các nền kinh tế mới, vậy các cơ sở giáo dục của chúng ta thì sao?

Thay đổi và thích ứng với thực tế biến đổi nhanh chóng là không thể tránh khỏi. Nếu chúng ta muốn duy trì vị trí trong hàng ngũ của thế giới tiên tiến, chúng ta cần phải cùng nhịp với tốc độ thế giới phát triển. Chúng ta không cần các loại thay đổi cho phép chúng ta bắt kịp hoặc đối phó với những quốc gia khác. Chúng ta cần sự thay đổi cho phép chúng ta không chỉ giành chiến thắng trong cuộc đua hiện tại, mà còn dẫn đầu cuộc đua tiếp theo. Chúng ta đã dành đủ thời gian trong bóng tối của quá khứ, nay chúng ta cần phải hướng về phía trước và thực hiện kế hoạch trong tương lai.

Mặc dù đây là một thách thức lớn, nhưng chúng ta có được công cuộc vượt rào ở UAE. Sự tồn tại của UAE và lịch sử của nó bản thân đã là một thách thức, trong khi sự tăng trưởng và tính liên tục là một trong những thách thức quan trọng nhất đối với các nước GCC(9) và phần còn lại của thế giới Ả Rập.

Không một thách thức nào trong số đó đáng sợ khi một nhà lãnh đạo tự tin vào bản thân và người dân của mình. Ngược lại, những thách thức như thế sẽ thúc đẩy các giải pháp, các quyết định, và nảy sinh sự sáng tạo. Do đó, tôi thấy mình sẵn sàng đối mặt với mọi thách thức mà không do dự, và thấy mình may mắn được sống trong một thời đại đầy thách thức.

Thế giới của chúng ta mới và hoàn toàn khác với thế giới mà cha ông chúng ta đã biết, nhưng thế giới của họ cũng mới mẻ so với thế giới mà tổ tiên của họ biết đến. Cũng giống như chúng ta ngày nay, họ đã phải dậy sớm và vượt qua những người khác để tồn tại và phát triển thịnh vượng. Nếu họ không làm vậy, chúng ta sẽ không có mặt ở đây ngày hôm nay. Mỗi thế hệ mới phải đối mặt với những thách thức mới, nói theo cách khác, các thế hệ liên tiếp là sự nối tiếp của hàng loạt các thách thức.

Vượt qua những thách thức trong cuộc đua vươn tới sự vượt trội là bí quyết thành công. Đầu hàng các thách thức là nguyên do ẩn dưới sự thất bại và bị bỏ lại phía sau các quốc gia khác.

Lựa chọn là của chúng ta.

(9) Hội đồng hợp tác vùng Vịnh là một liên minh chính trị, kinh tế của 6 quốc gia Ả Rập vùng Vịnh Ba Tư, bao gồm: Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button