Kinh doanh - đầu tư

Tài Năng Thôi Chưa Đủ

Tai nang thoi chua du1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : John C. Maxwell

Download sách Tài Năng Thôi Chưa Đủ ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH KINH DOANH – ĐẦU TƯ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Nhân tài, ở mọi thời đại, được đánh giá rất cao. Chúng ta thán phục người tài, thừa nhận và ngưỡng mộ đóng góp xã hội của họ. Tuy nhiên, tài năng thiên bẩm, món quà hào phóng của Thượng đế, chỉ là lợi thế khởi điểm, điều quyết định là hành động và biết cách sử dụng tài năng đó.

Hầu hết các nhân tài được thế giới ghi danh đều trải qua một quá trình nỗ lực bền bỉ không ngừng, thậm chí không ít lần thất bại trước khi trở thành tấm gương tham chiếu hay thần tượng của nhiều thế hệ và thời đại.

Talent Is Never Enough (Tài Năng Thôi Chưa Đủ) của John C. Maxwell, chuyên gia hàng đầu thế giới về thuật lãnh đạo, cùng chúng ta dõi theo hành trình của nhiều người trong số đó, những người có ảnh hưởng lớn trên thế giới và thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: chính trị, văn học, âm nhạc, hội họa, kinh doanh, thể thao, v.v… Tìm hiểu cuộc sống và sự nghiệp của họ, từ những người đã thuộc về lịch sử như Thomas Jefferson, Winston Churchill, Charles Dickens, Leonardo da Vinci… đến những người sống cùng thời với chúng ta, như nhà hoạt động cộng đồng Rueben Martinez, cầu thủ Joe Namath, vận động viên Vonetta Flowers, huyền thoại dòng nhạc country Johny Cash…,

John C. Maxwell đúc kết 13 điểm mấu chốt (lựa chọn, niềm tin, niềm đam mê, sự tập trung, lòng kiên trì, sự can đảm…) mà mỗi người cần có hay thực hiện để phát huy ở mức tối ưu những khả năng Trời phú, để trở thành người “trên cả tài năng”.

Nhìn vào thực tế Việt Nam, các nhà tuyển dụng vẫn luôn gặp khó khăn khi tìm nguồn nhân lực, đặc biệt là cho cấp lãnh đạo và quản lý. Thiếu hụt nhân tài dường như đang trở thành một vấn đề đáng lo ngại đối với sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, chưa và sẽ không bao giờ thiếu tài năng; chúng ta chỉ thiếu những công cụ cần thiết để phát triển tối đa tài năng. Xu thế mới là không tìm tài năng bên ngoài mà khơi dậy khả năng tiềm ẩn trong mỗi người. Điều ABC (vỡ lòng) của quản trị nhân lực và nhân tài là khơi dậy tài năng ẩn chứa (A) bên trong (B) và chưa được khai thác (C) ấy.

Còn bạn, bạn cũng khát khao trở thành nhân tài? Bạn cũng muốn tài năng của mình được công nhận? Vậy bạn đã tự đặt cho mình những câu hỏi về bản thân? Bạn muốn làm nghề gì? Bạn sẽ học đến trình độ nào? Bạn muốn và có thể làm gì với ngày hôm nay? Với ngày mai? Và, thế nào là nhân tài?… Lựa chọn mới chính là quyền năng lớn nhất mà bạn có. Một trong những lựa chọn quan trọng nhất là quyết định bạn sẽ trở thành người như thế nào. Lựa chọn đúng sẽ xây dựng nền móng cho sự phát triển toàn vẹn nhất của tài năng trong bạn. Bạn đã có điều kiện cần – tài năng thiên phú? Tài Năng Thôi Chưa Đủ sẽ giúp bạn thấy đâu là những điều kiện đủ.

Chúc bạn thành công và trở thành nhân tài theo cách của bạn!

John C. Maxwell là một chuyên gia về lãnh đạo ở Mỹ. Ông đã giảng dạy về các nguyên tắc lãnh đạo của mình tới 500 tập đoàn lớn nhất nước Mỹ, Viện Quân sự Hoa Kỳ ở Miền Tây, và cả các Hiệp hội thể thao như: NCAA, NBA và NFL. Ông cũng là tác giả của hơn 40 cuốn sách nổi tiếng thế giới như: 21 nguyên tắc vàng của nghệ thuật lãnh đạo, 17 nguyên tắc bất biến của làm việc nhóm, Nhà lãnh đạo 360 độ, Tài năng thôi chưa đủ….

Mục Lục :

Chương 1: Niềm tin nâng cánh tài năng

Chương 2: Đam mê tiếp năng lượng cho tài năng

Chương 3: Đi đầu kích hoạt tài năng

Chương 4: Tập trung định hướng tài năng

Chương 5: Sự chuẩn bị định vị tài năng

Chương 6: Luyện tập mài giũa tài năng

Chương 7: Kiên trì giữ vững tài năng

Chương 8: Lòng can đảm thử thách tài năng

Chương 9: Tinh thần học hỏi mở rộng tài năng

Chương 10: Tính cách bảo vệ tài năng

Chương 11: Các mối quan hệ ảnh hưởng đến tài năng

Chương 12: Trách nhiệm tăng cường tài năng

Chương 13: Tinh thần đồng đội gia tăng tài năng.

ĐỌC THỬ

1. NIỀM TIN NÂNG CÁNH TÀI NĂNG

Trở ngại đầu tiên và lớn nhất ngăn cản hầu hết mọi người đến với thành công chính là việc họ thiếu niềm tin vào bản thân. Một khi mọi người tìm ra vùng thế mạnh của mình (lĩnh vực họ cảm thấy mình có khả năng nhất), điều thường hạn chế họ không phải là do thiếu tài năng. Đó chính là sự thiếu niềm tin vào bản thân – một hạn chế do họ tự đặt ra cho mình. Đối với tài năng, việc thiếu niềm tin giống như trần nhà vậy. Tuy nhiên, khi con người tin vào bản thân, họ giải phóng sức mạnh trong họ cũng như các nguồn lực xung quanh và gần như ngay lập tức chúng sẽ đưa họ tới một cấp độ cao hơn. Tiềm năng của bạn giống như một bức tranh mà bạn có thể trở thành. Niềm tin sẽ giúp bạn xác định và hướng tới bức tranh ấy.

KHÔNG CHỈ LÀ TÀI NĂNG LỚN

Có một câu chuyện đã trở thành huyền thoại trong làng thể thao Mỹ. Người ta gọi đó là sự đảm bảo. Vào thời kỳ đó, câu chuyện này chỉ giống như một lời tuyên bố thái quá. Đó là việc một cầu thủ môn bóng bầu dục có thành tích thi đấu xuất sắc tỏ ra can trường khi đội của anh ta thua cuộc trước một trận đấu lớn. Vào ngày 9 tháng 1 năm 1969, chỉ ba ngày trước trận chung kết giải Super Bowl  lần thứ ba, Joe Namath, tiền vệ đội Jets, đã khẳng định với tám từ đơn giản: “Jets thắng trận ngày Chủ nhật. Tôi đảm bảo.”

Giờ đây lời tuyên bố khoác lác đó có thể không đáng chú ý. Kể từ thời Muhammad Ali, những tuyên bố chắc nịch của các vận động viên đã trở nên phổ biến. Nhưng trước đó, người ta chưa được nghe thấy những lời nói kiểu như thế từ bất kỳ ai trong Liên đoàn Bóng bầu dục Hoa Kỳ. Với tuổi đời tám năm, liên đoàn này bị coi là kém cỏi và trong hai giải vô địch thế giới trước, các đội bóng Mỹ đều thất bại nặng nề. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng sẽ phải mất nhiều năm nữa để một đội bóng thuộc Liên đoàn Bóng bầu dục Hoa Kỳ có thể thi đấu ngang hàng với bất kỳ đội bóng nào thuộc Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia. Đội Colts thuộc Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia được dự đoán là sẽ thắng trong trận chung kết lần thứ ba này với sự cách biệt 18 hoặc 19 điểm.

Sự đảm bảo của Namath có vẻ thái quá, nhưng nó có ý nghĩa hơn một lời khoác lác rỗng tuếch. Đó cũng không phải là điều trái với tính cách của anh. Dù Namath thường nhanh chóng nhận lỗi trong các buổi phỏng vấn khi đội Jets thua trận nhưng anh luôn thể hiện một niềm tin hết sức mạnh mẽ. Anh tin vào bản thân, tin vào đội bóng của mình, tin vào khả năng họ có thể giành chiến thắng. Đức tính ấy có thể thấy rõ trong suốt thời thơ ấu của anh.

NHỮNG DẤU HIỆU THỜI THƠ ẤU

Joe Namath sở hữu tài năng điền kinh bẩm sinh. Cậu xuất thân từ một gia đình có truyền thống thể thao. Những huấn luyện viên đầu tiên của cậu chính là các thành viên trong gia đình. John, cha cậu, dành rất nhiều thời gian chỉ cho cậu cách ném, đánh và chặn bóng cũng như cách xử lý trong các tình huống khác nhau. Các anh trai cũng góp công dạy cậu. Anh Bobby bắt đầu dạy cậu về vị trí tiền vệ khi Joe mới sáu tuổi. Còn anh Frank rèn luyện cho Joe tính kỷ luật và sẵn sàng thụi cậu nếu cậu không thi đấu tốt trong các buổi tập luyện gia đình.

Đến tuổi trưởng thành, trông Joe vẫn nhỏ bé và nhẹ cân so với tuổi của mình. Đôi khi cậu bị mọi người đánh giá thấp vì điều đó. Khi Joe học tiểu học, một lần, có một đám nhóc bất trị ở vùng lân cận thách thức cậu bạn Linwood Alford của Joe tham gia trận bóng rổ hai chọi hai. Linwood và Joe nhận lời. Linwood nhớ lại: “Tất cả chúng nó cười như thể nói: Thằng nhóc gầy nhẳng này là đứa nào vậy? Chúng mày làm sao có thể thắng được với thằng nhóc như thế chứ?” Trông Joe giống như một đứa bé dễ bị đánh bại, nhưng không phải vậy. Alford nhận xét: “Nếu bị đánh ngã, cậu ấy đứng dậy ngay. Joe là một cậu bé mạnh mẽ.” Joe và Linwood đã nhanh chóng đánh bại hai đứa trẻ kia và khiến chúng phải kiêng nể.

Joe dường như không biết sợ hãi là gì. Cậu và Lindwood thường tới khung đường ray tàu hỏa gần nhà và treo mình lơ lửng trên đó khi tàu lao ầm ầm phía dưới. Nhưng ban đầu, tính liều lĩnh đó vẫn chưa được thể hiện trong lĩnh vực thể thao. Điểm mấu chốt giải phóng niềm tin để chắp cánh cho tài năng của cậu là năm cậu tám tuổi. Đó là lần đầu tiên Joe mặc bộ đồng phục đội Liên đoàn Bóng chày Thiếu nhi vùng Elks trở về nhà. Trong cuốn tiểu sử của Namath, có ghi lại một cuộc trò chuyện giữa cậu bé Joe và cha mình là John:

“Cái đó thật tuyệt đấy con trai ạ! Rất vừa với con!”

Joey là cậu bé nhỏ nhất trong đội. Cậu cũng là cậu bé nhỏ tuổi nhất, có thể là ít hơn những đứa trẻ khác khoảng gần một tuổi. “Bố biết đấy, các bạn khác quá giỏi”, cậu nói, “Chúng cũng lớn hơn con… Con không có lấy một cơ hội.”

“Vậy thì con hãy cởi bộ đồng phục đó ra ngay bây giờ,” cha cậu nói, “Hãy đem trả lại người quản lý và nói với ông ấy con không thể tham gia đội vì những cậu bé khác giỏi hơn con.”

Joey nhìn cha với đôi mắt buồn bã, mơ màng: “Ôi, không, cha! Con không thể làm thế!”

“Nếu con không thể tham gia đội, vậy giữ lại bộ đồng phục này có ích gì?”

“Nhưng, cha,” cậu nói, “các bạn ấy quá giỏi!”

“Con cũng chơi hay, Joe ạ! Con có thể chặn những cú bóng sát đất. Con có thể đánh trúng bóng. Con biết phải chạy tới vị trí nào.”

Ông John đặt cậu bé trước một sự lựa chọn: trả lại đồng phục hoặc luyện tập với đội bóng. Nếu sau quá trình luyện tập, cậu bé không cảm thấy mình giỏi hơn những đứa trẻ khác, cậu có thể từ bỏ.

Joey nói cậu sẽ thử.

Và điều đó đã diễn ra, cậu trở thành cầu thủ xuất sắc nhất của đội Elks.

John Namath đã không nhầm khi cố gắng truyền niềm tin cho cậu con trai. Người cha đã tổng kết sự nghiệp của Joe tại Liên đoàn Bóng chày Thiếu nhi bằng một câu chuyện về một trận đấu đặc biệt thể hiện đầy đủ khả năng của con trai mình. John nhớ lại hôm đó ông đến muộn và phải hỏi một người có mặt từ đầu trận đấu về tỷ số. Chưa có cú đánh trượt nào, tỷ số là 3-3 và tất cả các góc đều có người. “Nhưng đừng lo,” người đàn ông nói, “họ vừa đưa cậu nhóc Namath vào sân.” Joe nhanh chóng làm đối phương đánh trượt ba lần, bao gồm cả lần loại khỏi sân đấu cầu thủ giỏi nhất của đối phương, cầu thủ đó hơn Joe hai tuổi. Sau đó, khi đến lượt mình đánh bóng, Joe đã đánh trúng cú bóng quyết định chiến thắng của đội.

MỌI VIỆC ĐÂU SẼ VÀO ĐẤY

Sự tự tin trong thi đấu đã trở thành chuẩn mực của Namath. Khi chơi bóng rổ ở trường trung học, anh thi đấu rất nhanh nhẹn, không chỉ có khả năng ném rổ còn có thể úp rổ. Khi tham gia đội tuyển bóng đá, anh đã dẫn dắt đội Beaver Falls giành chức vô địch Liên đoàn Thể thao các trường trung học miền Tây Pennsylvania. Một lần, Joe bị sưng mắt cá chân và không thể tham gia trận đấu tới, cầu thủ tiền vệ đầy tự tin và cũng là người chuyên chuyền bóng bổng cho các đồng đội đã an ủi vị huấn luyện viên lúc này đang rất lo lắng: “Đừng lo lắng, huấn luyện viên, trong trận này chúng ta không cần những đường chuyền bổng đâu.”

Namath được tuyển mộ từ trường phổ thông và nhiều người đã coi anh là tiền vệ học sinh xuất sắc nhất nước Mỹ. Sau đó anh chơi cho Trường Đại học Alabama. Tại đây anh đã trở thành một ngôi sao và dẫn dắt đội Crimson Tide giành chức vô địch quốc gia.

Khi tham gia giải chuyên nghiệp, một lần nữa Namath lại được coi là tiền vệ xuất sắc nhất. Có tin cho rằng đội New York Giants thuộc Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia rất muốn có anh nhưng đội New York Jets thuộc Liên đoàn Bóng bầu dục Hoa Kỳ lại có được anh trước. Năm 1965, Namath ký một bản hợp đồng dài hạn nhất trong lịch sử các môn thể thao chuyên nghiệp của nước Mỹ tính đến thời điểm đó.

Trong ba năm, Namath đã nếm trải nhiều thử thách, bỏ lỡ nhiều kỷ lục, trải qua nhiều ca phẫu thuật đầu gối và dẫn dắt đội bóng trong các mùa giải thất bát. Nhưng anh không bao giờ đánh mất niềm tin vào bản thân. Anh biết anh có thể thi đấu và dẫn dắt đội bóng của mình giành chiến thắng. Vào mùa giải năm 1968, mùa giải thứ tư của anh, cuối cùng anh đã dẫn dắt đội bóng bước lên bục vinh quang trong trận tranh chức vô địch Liên đoàn Bóng bầu dục Hoa Kỳ. Anh không quan tâm đến việc tất cả mọi người cho rằng Jets không có một cơ hội chiến thắng nào trước đội vô địch giải Liên đoàn Quốc gia. Anh tin vào bản thân và khả năng giành chiến thắng của mình. Anh cũng tin tưởng vào sức mạnh của toàn đội bóng. Hầu như không ai biết Namath đã dành hàng tiếng đồng hồ để xem các cuộn băng ghi các trận đấu của đội Colts, việc mà anh vẫn thường làm với mọi đối thủ. “Con quỷ một mắt này không bao giờ nói dối”, Namath thường nói như vậy về chiếc máy chiếu anh đặt trong căn hộ của mình. Anh chỉ cho các đồng đội những phát hiện của mình. Họ có thể thắng trận đó. Và chính xác đấy là những gì họ đã làm. Jets đánh bại Colts với tỷ số 16 7. Đó được coi là bất ngờ lớn nhất trong lịch sử giải Super Bowl.

Điều gì có thể xảy đến với Joe Namath nếu hồi đó cha anh không thách thức anh tin vào bản thân cũng như khả năng của mình khi anh mới tám tuổi? Có thể anh đã có kết cục giống các anh trai của mình, những vận động viên tài năng phải rời bỏ trường phổ thông hoặc trường đại học để làm việc tại nhà máy hoặc cửa hàng cơ khí địa phương. Hoặc có thể cuối cùng anh sẽ trở thành một người chơi bi da ăn tiền. Thật khó nói trước được điều gì! Nhưng có một điều chắc chắn: anh sẽ không thể được ghi danh vào Bảo tàng Danh vọng  ở Canton, bang Ohio. Để tới đích, ngoài tài năng còn cần có niềm tin.

NIỀM TIN ĐÁNG TIỀN MUA

Tôi không biết tài năng của bạn là gì nhưng tôi chắc chắn một điều: Tài năng sẽ không được phát huy tối đa nếu bạn không có niềm tin. Chỉ tài năng thôi không bao giờ là đủ. Nếu bạn muốn hoàn thiện bản thân, bạn cần tin vào điều đó. Bạn cần:

  1. Tin vào tiềm năng của mình

Tiềm năng của bạn chính là bức tranh mà bạn có thể trở thành. Nhà phát minh Thomas Edison nhận xét: “Nếu chúng ta làm tất cả những gì có thể, chúng ta sẽ thật sự ngạc nhiên về bản thân.”

Chúng ta thường chỉ nhìn sự việc như nó vốn có chứ không phải như nó có thể có. Khi Joe Namath còn nhỏ, mọi người chỉ thấy một đứa bé gầy gò, nhỏ thó. Khi cậu học cấp ba, họ thấy một cậu bé lạc lõng giữa bạn bè và là một học sinh không chịu làm bài tập về nhà. Khi cậu chơi bóng ở giải chuyên nghiệp, họ chỉ thấy một gã có cặp đầu gối tồi tệ. Nhưng cậu tự thấy mình là một nhà vô địch. Nếu bạn có thể tự nhìn nhận tiềm năng thật sự trong con người mình, bạn sẽ thay đổi tới mức không nhận ra chính mình.

Con gái tôi, Elizabeth, đã tặng tôi một tấm ảnh tuyệt đẹp của nó khi cô bé còn học phổ thông. Lúc bấy giờ đó là mốt. Người ta thường đến phòng chụp và được hóa trang giống một ngôi sao điện ảnh. Khi nhìn tấm ảnh lần đầu tiên, tôi đã nghĩ: Đó không phải là con bé hàng ngày, nhưng đó là Elizabeth. Đúng là con bé. Điều đó cũng tương tự như khi bạn nhìn nhận và tin vào tiềm năng của mình. Nếu bạn nhìn nhận bản thân theo hướng tích cực, bạn sẽ trông tuyệt hơn những gì bạn từng tưởng tượng. Tôi chỉ ước mình có thể chỉ cho bạn thấy hình ảnh của bạn với tiềm năng trọn vẹn.

Nhà chính khách Ấn Độ Mohandas Gandhi từng nói: “Sự khác biệt giữa những gì chúng ta làm và những gì chúng ta có thể làm sẽ đủ để giải quyết hầu hết các vấn đề của thế giới.” Gần hơn nữa, nó cũng sẽ đủ để giải quyết phần lớn các vấn đề cá nhân của chúng ta. Nếu chúng ta muốn làm những gì có thể, trước tiên chúng ta phải tin vào tiềm năng của mình.

Nhiều người đã dừng lại quá xa so với tiềm năng thật sự của mình. John Powell, tác giả cuốn sách The Secret of Staying in Love (Bí quyết để sống trong tình yêu), ước tính rằng người bình thường chỉ đạt 10% tiềm năng, chỉ chiêm ngưỡng được 10% vẻ đẹp xung quanh mình, nghe được 10% nhạc và thơ, ngửi được 10% các mùi và nếm được 10% các hương vị ngọt ngào. Phần lớn mọi người thường không nhìn thấy hoặc không nắm bắt được các tiềm năng đó.

Huấn luyện viên điều hành Joel Garfinkle nhắc lại một câu chuyện của nhà văn Mark Twain, kể về một người đàn ông vừa qua đời và được gặp Thánh Peter tại cửa thiên đường. Nhanh chóng nhận ra Thánh Peter, vị thánh trí tuệ và uyên bác, người đàn ông liền hỏi: “Thưa Thánh Peter, con quan tâm tới lịch sử quân đội nhiều năm rồi. Xin hãy cho con biết ai là vị đại tướng vĩ đại nhất mọi thời đại!”

Thánh Peter nhanh chóng trả lời: “Ồ, đây là một câu hỏi đơn giản. Đó chính là người đàn ông ở ngay đằng kia.”

“Hẳn là ngài nhầm rồi ạ!” người đàn ông, lúc này trở nên rất bối rối, “Khi còn sống con biết người đàn ông đó và ông ta chỉ là một người lao động bình thường.”

“Đúng đấy anh bạn ạ,” Thánh Peter trấn an, “ông ta đã có thể trở thành vị đại tướng vĩ đại nhất mọi thời đại nếu ông ta là đại tướng.”

Charles Schulz, họa sĩ tranh hoạt hình, đã đưa ra sự so sánh: “Cuộc đời là chiếc xe với mười thang tốc độ. Phần lớn chúng ta đều có những thang tốc độ không bao giờ dùng tới.” Chúng ta để dành những thang đó để làm gì? Nếu đi hết cuộc đời mà không đổ chút mồ hôi nào, cuộc đời thật không còn ý nghĩa. Vậy vấn đề là gì? Hầu như đó luôn là những giới hạn do chúng ta tự tạo ra. Chúng có tác động mạnh như những giới hạn thật sự. Cuộc sống vốn đã nhiều khó khăn. Chúng ta lại làm nó trở nên khó khăn hơn khi chúng ta áp đặt cho mình thêm những giới hạn khác nữa. Charles Schwab, nhà tư bản công nghiệp, nhận thấy: “Khi một người đặt giới hạn cho những gì mình sẽ làm tức là đã đặt giới hạn cho những gì mình có thể làm.”

Trong cuốn sách If It Ain’t Broke… Break it! (Nếu nó không vỡ… Hãy đập vỡ nó!), Robert J. Kriegel và Louis Patler viết:

Chúng tôi không có manh mối cho thấy giới hạn của con người là gì. Tất cả các bài kiểm tra, các đồng hồ bấm giờ và các vạch đích trên thế giới không thể đo được tiềm năng của con người. Khi một ai đó định theo đuổi giấc mơ của mình, họ có thể vượt rất xa những gì dường như là giới hạn của họ. Tiềm năng tồn tại trong chúng ta là vô hạn và phần nhiều chưa được chạm đến… Khi bạn nghĩ tới giới hạn, đó cũng chính là lúc bạn tạo ra chúng.

Chúng ta thường nhấn mạnh quá nhiều các thử thách và trở ngại về thể chất, dành quá ít sự quan tâm tới các vấn đề tâm lý và cảm xúc. Sharon Wood, người phụ nữ Bắc Mỹ đầu tiên leo lên đỉnh Everest, đã rút ra nhiều bài học sau khi leo lên đỉnh núi thành công. Cô nói: “Tôi phát hiện ra rằng sức mạnh thể lực không phải là vấn đề mà đó là sức mạnh tâm lý. Đó là cuộc chinh phục nằm trong tâm trí tôi để vượt qua những rào cản, những giới hạn tôi tự đặt ra và hướng đến điều tốt đẹp − chính là tiềm năng − nhưng có tới 90% tiềm năng đó chúng ta ít khi dùng đến.”

Năm 2001, tôi được mời tới Mobile, bang Alabama để nói chuyện với 600 huấn luyện viên và hướng đạo sinh thuộc Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia tại trận tranh cúp Senior Bowl (Cúp dành cho sinh viên năm cuối). Họ được mời tham gia vì người ta tin họ có tiềm năng chơi cho Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia. Vào buổi sáng, tôi dạy họ những điều trong cuốn sách The 17 Indisputable Laws of Teamwork (17 quy tắc bất biến của làm việc nhóm) vừa mới xuất bản. Vào buổi chiều, tôi tham dự một buổi tập thể lực của các cầu thủ. Họ được kiểm tra về tốc độ chạy, thời gian phản ứng, khả năng nhảy, v.v…

Trong khi tôi đang quan sát, một trong những huấn luyện viên có mặt ngày hôm đó, ông Dick Vermeil, đã nói với tôi: “Ông biết đấy, chúng tôi có thể đo được rất nhiều kỹ năng của họ nhưng không thể đo lòng nhiệt huyết của họ. Chỉ có các cầu thủ mới xác định được.”

Tiềm năng của bạn thật sự tùy thuộc vào bạn. Người khác nghĩ gì không quan trọng. Những gì bạn từng nghĩ về mình trước đây lại càng không quan trọng. Quan trọng là những gì nằm trong con người bạn và liệu bạn có định khám phá nó hay không.

Có câu chuyện kể về một cậu bé sống ở nông trại vùng Colorado. Cậu thích đi bộ đường dài và leo núi đá. Một hôm, khi đang leo núi, cậu phát hiện thấy một tổ đại bàng và trong đó có một quả trứng. Cậu mang quả trứng về nhà và để cho một con gà mái ấp quả trứng đó cùng với những quả trứng gà khác.

Vì nở ra giữa một bầy gà, chú đại bàng nghĩ mình là gà. Chú học các hành vi của gà từ “mẹ” và bới mồi trong sân cùng với “những người anh em” của mình. Chú không biết gì hơn thế. Đôi khi cảm thấy có những kích động lạ lùng trong người nhưng chú không biết phải làm gì với những cảm giác đó, vì thế chú lờ đi hoặc kìm nén lại. Rốt cục, nếu là gà thì chú nên cư xử như một con gà.

Rồi một ngày nọ, có một con đại bàng bay qua nông trại đúng lúc chú đại bàng sống trong khu trại gà ngước lên và trông thấy. Vào khoảnh khắc đó, chú nhận ra mình muốn được như chú đại bàng kia. Chú muốn bay cao. Chú muốn vươn tới những đỉnh núi xa mà chú thường trông thấy từ sân khu trại gà. Chú thử sải đôi cánh của mình, đôi cánh giờ đây đã rộng và mạnh mẽ hơn đôi cánh của những “người anh em”. Đột nhiên chú hiểu rằng mình giống chú đại bàng trên bầu trời kia. Dù trước đó chưa từng bay nhưng chú có bản năng và khả năng để làm điều đó. Chú sải đôi cánh của mình một lần nữa và bay lên, lúc đầu còn chấp chới nhưng dần dần mạnh mẽ và vững chãi hơn. Khi bay vút lên, chú biết rằng cuối cùng mình đã tìm thấy cái tôi thật sự.

Phillips Brooks, tác giả bài hát O Little Town of Bethlehem (Ôi, thành phố Bethlehem bé nhỏ!), nhận xét: “Khi bạn phát hiện mình mới chỉ sống nửa cuộc đời, nửa còn lại sẽ ám ảnh bạn cho đến khi bạn mở đường tới nó.” Tôi muốn nói thêm điều này: Nếu không đạt đến mức tiềm năng của bạn thì đó thật sự là một bi kịch. Để đạt được điều đó, trước hết bạn phải tin vào tiềm năng của mình và quyết định sống một cuộc sống trên mức trung bình.

  1. Tin vào bản thân

Có một điều để tin đó là bạn đang sở hữu một tiềm năng đáng kể. Một điều nữa để có đủ niềm tin vào bản thân đó là bạn cần nghĩ bạn có thể phát huy tối đa tiềm năng đó. Khi tin vào bản thân, một số người trở nên hoài nghi tất cả! Đó không chỉ là một sự hổ thẹn, nó còn ngăn cản quá trình phấn đấu của họ. William James, nhà tâm lý học và triết học, nhấn mạnh: “Chỉ có duy nhất một nguyên nhân dẫn tới việc loài người thất bại, đó là sự thiếu lòng tin vào cái tôi thật sự của mình.”

Những người tin vào bản thân nhận được các công việc tốt hơn và làm tốt hơn những người không có niềm tin đó. Giáo sư Martin Seligman thuộc Bộ môn Tâm lý học, Trường Đại học Pennsylvania, đã làm một số nghiên cứu tại một công ty bảo hiểm nhân thọ lớn và thấy rằng những nhân viên bán bảo hiểm có hy vọng thành công bán được lượng bảo hiểm nhiều hơn 37% so với những người không có hy vọng như vậy. Tác động của niềm tin ở mỗi cá nhân bắt đầu từ rất sớm. Một số nhà nghiên cứu khẳng định rằng thành tích học tập trong nhà trường có mối quan hệ chặt chẽ với sự tự tin hơn là với chỉ số thông minh.

Kerry Randall, luật sư và là chuyên gia thị trường, nhận thấy: “Những người thành công tin vào bản thân, đặc biệt khi những người khác không làm như vậy.” Điều này thể hiện rõ ràng trong lĩnh vực thể thao. Các huấn luyện viên từng nói với tôi rằng sự tự tin của các cầu thủ đặc biệt quan trọng trong các trận đấu bóng căng thẳng. Trong suốt những phút cuối của trận đấu, một số cầu thủ muốn giữ bóng. Những người khác lại muốn tránh. Những người có xu hướng tự tin, giống như Namath, sẽ giữ bóng cho tới giây cuối cùng trong một trận bóng rổ, mặc dù khi đó đội của cậu đang thua một điểm. Khi người ghi bàn hàng đầu của đội liên tục hét lên: “Chuyển bóng sang đây!”, Namith vẫn bình tĩnh và ném chính xác quả bóng vào rổ, giành chiến thắng cho đội mình vào phút cuối cùng.

Những người tự tin luôn có phương châm sống:

“Nếu bạn nghĩ mình bị đánh bại, đúng vậy!

Nếu bạn nghĩ mình không dám, đúng thế!

Nếu bạn muốn thắng, nhưng nghĩ mình không thể

Gần như chắc chắn bạn sẽ thua…

Không hẳn, cuộc chiến trong đời

Thuộc về những người mạnh hoặc nhanh hơn

Nhưng sớm hay muộn, người thắng cuộc

Là người nghĩ mình có thể chiến thắng.”

Đây cũng là phương châm của Arnold Palmer, một vận động viên golf nổi tiếng.

Với niềm tin vào bản thân, bạn có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình.

  1. Tin vào nhiệm vụ của mình

Bạn cần điều gì nữa để nâng cánh tài năng? Đó là niềm tin vào những gì bạn đang làm. Niềm tin sẽ giúp bạn ngay cả khi có quá nhiều bất lợi ngăn cản bạn đạt được những gì mình mong muốn. William James khẳng định: “Điều duy nhất đảm bảo kết quả thành công của một công việc không đảm bảo độ chắc chắn chính là niềm tin ngay từ lúc đầu.” Vậy niềm tin này có ích như thế nào?

Niềm tin vào nhiệm vụ sẽ tiếp sức mạnh cho bạn. Có niềm tin vào những gì bạn đang làm sẽ tiếp cho bạn sức mạnh để đạt được nó. Kiến trúc sư Frank Lloyd Wright nhận thấy: “Sự việc luôn diễn ra khi bạn thật sự tin vào nó; và niềm tin vào một điều gì đó sẽ khiến nó xảy ra.” Người tự tin thường có thể đánh giá một nhiệm vụ trước khi đảm nhận nó và biết liệu họ có thể làm được việc đó hay không. Trong trường hợp đó, niềm tin có sức mạnh to lớn.

Niềm tin vào nhiệm vụ sẽ khuyến khích bạn. Một người phụ nữ với ý chí chiến thắng sẽ luôn phải nghe những lời tiêu cực. Một người đàn ông đang thực hiện nhiệm vụ sẽ luôn phải nghe những lời phê bình. Vậy điều gì đã cho phép những người như thế tiến bước trong một môi trường tiêu cực? Đó chính là niềm tin vào nhiệm vụ.

Nhà viết kịch Neil Simon từng khuyên: “Đừng nghe những người nói: ‘Nó không được làm theo cách đó.’ Có thể điều đó đúng, nhưng có thể bạn vẫn sẽ làm theo cách đó. Đừng nghe những người nói: ‘Bạn đang nhận một cơ hội quá lớn.’ Michelangelo đã vẽ được các bức họa trên Nhà nguyện Sistine dù nó có bị thời gian mài mòn.” Simon hẳn đã biết điều đó. Ông đã được nhận 17 giải Tony , 5 giải Drama Desk  và 2 giải Pulitzer .

Hiển nhiên là ông tin vào những gì mình làm.

Niềm tin vào nhiệm vụ mở rộng khả năng của bạn. Bạn càng tin tưởng vào tiềm năng, bản thân và nhiệm vụ của mình, bạn càng có khả năng thành công. Nếu bạn giữ vững niềm tin, một ngày nào đó bạn sẽ thấy mình làm được những việc mà trước đây bạn cho là không thể.

Nam diễn viên Christopher Reeve là một minh chứng tiêu biểu cho những người có được tầm nhìn đó. Anh đã từng nói với các khán giả của mình rằng:

Nước Mỹ có một truyền thống có thể khiến nhiều nước phải ghen tị: chúng ta thường đạt được những điều không thể. Đó là một phần tính cách dân tộc. Nó giúp chúng ta thực hiện cuộc hành trình từ hết bờ biển này sang bờ biển khác. Nó biến chúng ta thành nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Nó đưa chúng ta lên mặt trăng. Căn phòng của tôi có treo bức tranh về một con tàu vũ trụ được phóng vào không gian, trên bức tranh có chữ ký tặng của tất cả các phi hành gia làm việc ở NASA. Phía trên bức tranh đề: “Chúng tôi thấy không có gì là không thể”. Câu nói này cũng nên là khẩu hiệu của chúng ta… Đó là điều mà cả đất nước phải cùng nhau thực hiện. Rất nhiều giấc mơ của chúng ta lúc đầu dường như là không tưởng, rồi dường như là không thể, và khi chúng ta tập trung ý chí, những giấc mơ ấy nhanh chóng biến thành điều chắc chắn sẽ xảy ra. Nếu chúng ta có thể chinh phục thế giới bên ngoài thì chúng ta cũng có thể chinh phục thế giới bên trong. Ranh giới của bộ não, hệ thần kinh trung ương và tất cả các giới hạn của cơ thể đã tàn phá bao nhiêu cuộc đời và cướp đi… quá nhiều tiềm năng.

Bạn có tin vào sứ mệnh của mình? Bạn có tự tin rằng mình có thể hoàn thành những nhiệm vụ lớn lao? Bạn có hy vọng sẽ đạt được các mục đích của mình? Đây là các yếu tố cần thiết để nâng cánh tài năng của bạn từ mức tiềm năng tới mức đạt thành quả.

Tôi cần nói thêm một điều nữa về nhiệm vụ. Nó phải bao gồm nhân tố con người. Một cuộc đời sống vì người khác mới là cuộc đời đáng sống. Khi bạn hoàn thành nhiệm vụ của mình, liệu những người xung quanh sẽ nói:

“Kết quả là cuộc sống của tôi tốt đẹp hơn”, hay

“Kết quả là cuộc đời tôi tồi tệ hơn”?

Nếu bạn nghĩ câu trả lời không phải là câu thứ nhất thì nhiệm vụ đó có thể không đáng làm.

Một trong những món đồ quý giá nhất của tôi là một chiếc chặn giấy bằng pha lê đơn giản. Nó không có hình vẽ gì đặc biệt. Nó cũng không có giá trị đặc biệt về tiền bạc. Nhưng nó rất có ý nghĩa với tôi bởi những gì được khắc bên trong và bởi người đã tặng nó cho tôi. Trong đó khắc:

John

Người cố vấn tinh thần,

Người thầy thông thái, Người bạn

“Cảm ơn vì đã tin tưởng tôi!”

Yêu mến

Dan

Đó là món quà của Dan Reiland, người đã làm việc với tôi trong hai mươi năm với tư cách một nhân viên, phó chỉ huy và sau đó là phó chủ tịch cấp cao tại một trong những công ty của tôi. Dan là người tôi đặc biệt tin tưởng. Anh giống như người em trai của tôi. Nhiệm vụ chúng tôi cùng theo đuổi khiến cả hai chúng tôi đều trở nên tốt hơn. Đó là kiểu người bạn muốn hợp tác và cũng là kiểu kết quả mong muốn của bạn.

TÀI NĂNG + NIỀM TIN = MỘT NGƯỜI TÀI NĂNG ÁP DỤNG CÔNG THỨC TÀI NĂNG VÀO HOẠT ĐỘNG

Vậy làm thế nào để bạn trở thành người tài năng? Hãy gõ vào một chuỗi tự nhiên các hành động bắt đầu là niềm tin và kết thúc là hành động tích cực:

Niềm tin xác định sự mong đợi

Nếu bạn muốn phát huy tối đa tài năng của mình, việc đầu tiên không phải là tập trung vào nó, bạn cần bắt đầu bằng việc “đóng cương” sức mạnh tinh thần của mình. Niềm tin của bạn kiểm soát mọi thứ bạn làm. Thành tựu không chỉ là vấn đề làm việc chăm chỉ hơn hay khôn ngoan hơn. Đó còn là vấn đề tin tưởng một cách tích cực. Người ta gọi đó là hội chứng “đủ chắc chắn”. Nếu bạn nghĩ mình sẽ thất bại, đủ chắc chắn rằng bạn sẽ thua. Nếu bạn hy vọng sẽ thành công, đủ chắc chắn rằng bạn sẽ thắng. Bề ngoài của bạn sẽ thể hiện niềm tin trong bạn.

Các đột phá mang tính cá nhân bắt đầu với một sự thay đổi trong niềm tin. Tại sao? Vì niềm tin quyết định sự mong đợi và sự mong đợi quyết định hành động. Niềm tin là một thói quen của tinh thần trong đó sự tự tin trở thành niềm tin mà chúng ta bấu víu. Về lâu dài, niềm tin không chỉ là ý tưởng mà con người sở hữu. Nó là ý tưởng chiếm hữu con người. Benjamin Franklin nói: “Hạnh phúc thay những ai không mong đợi điều gì vì họ sẽ không bao giờ thấy thất vọng.” Nếu bạn muốn đạt được điều gì đó trong đời, bạn sẽ phải sẵn sàng cho cảm giác thất vọng. Bạn cần hy vọng mình thành công. Điều đó có nghĩa rằng bạn sẽ luôn luôn như vậy? Không! Bạn sẽ thất bại. Bạn sẽ mắc lỗi. Nhưng nếu bạn hy vọng mình chiến thắng, bạn sẽ phát huy tối đa tài năng của mình và tiếp tục cố gắng. Và rồi giống như Joe Namath, cuối cùng bạn sẽ thành công.

Luật sư Kerry Randall đã nói: “Trái với ý kiến thông thường, cuộc đời không tốt hơn nhờ cơ hội, nó tốt hơn nhờ sự thay đổi. Và sự thay đổi này luôn diễn ra bên trong; đó là sự thay đổi trong suy nghĩ để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.” Muốn cải thiện cần có sự thay đổi, nhưng sự thay đổi đòi hỏi sự tự tin. Vì lý do đó, đối với bản thân, bạn cần ưu tiên sự tự tin. Bạn cần ưu tiên đầu danh sách sự tin tưởng vào tiềm năng, vào bản thân, nhiệm vụ của mình và cả nhân loại. Tổng thống Franklin Delano Roosevelt khẳng định: “Giới hạn duy nhất cho nhận thức của ngày mai là những nghi ngờ của chúng ta ngày hôm nay.” Đừng để những nghi ngờ kết liễu những mong ước của bạn.

Harvey McKay, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng, đã kể câu chuyện về một vị giáo sư đứng trước một lớp học gồm ba mươi sinh viên năm cuối ngành Sinh học phân tử. Trước khi phát bài kiểm tra cuối cùng, ông nói: “Tôi đã có vinh dự được là người hướng dẫn các em học kỳ này và tôi biết các em đã học hành chăm chỉ như thế nào để chuẩn bị cho bài thi hôm nay. Tôi cũng biết mùa thu tới hầu hết các em chuẩn bị vào trường y hoặc học cao học. Tôi cũng biết rõ các em phải chịu áp lực lớn như thế nào để có thể đạt kết quả trung bình khá, và bởi vì tôi tin các em biết tài liệu này nên tôi sẵn sàng cho tất cả những ai lựa chọn không tham gia bài kiểm tra cuối này điểm B.”

Rất dễ nhận thấy những tiếng thở phào nhẹ nhõm. Một số sinh viên nhảy ra khỏi bàn của mình, cảm ơn vị giáo sư vì đó chính là chiếc phao cứu sinh đối với họ.

“Còn ai nữa không?” ông hỏi, “Đây là cơ hội cuối cùng.”

Một sinh viên nữa quyết định đi ra.

Sau đó, vị giáo sư phát bài kiểm tra, trong đó có hai câu: “Chúc mừng, em được nhận điểm A cho môn này. Hãy tiếp tục tin vào bản thân.” Đó là phần thưởng công bằng dành cho những sinh viên chăm chỉ và tự tin vào bản thân.

Sự mong đợi quyết định hành động

Theo đức cha Fred Smith, một trong những cố vấn tinh thần của tôi và là tác giả cuốn sách Leading with Integrity (Dẫn đầu tuyệt đối), một nhà ngôn ngữ học và các dịch giả cuốn sách Kinh thánh Wycliffe đã nói với ông rằng trong hai mươi ngôn ngữ cổ nhất thế giới, từ tương đương với từ niềm tin có nghĩa gần với từ làm. Chỉ khi trở nên “tinh vi” hơn, con người mới bắt đầu phân biệt nghĩa của từ này với từ kia. Chi tiết đó rất đáng chú ý vì hầu hết mọi người đều tách biệt niềm tin khỏi hành động. Vậy làm thế nào để hợp nhất hai khái niệm này? Hãy thể hiện thông qua niềm mong đợi của chúng ta.

Chúng ta không thể sống không nhất quán với những mong đợi về bản thân. Điều đó không xảy ra. Tôi từng nghe một câu chuyện về người đáng lẽ là tiên phong trong ngành hàng không, anh ta đã chế tạo ra máy bay một năm trước khi anh em nhà Wright thực hiện chuyến bay lịch sử của mình tại Kitty Hawk. Chiếc máy bay nằm im lìm trong nhà kho của nhà phát minh này vì anh ta không dám cho nó bay. Có thể vì anh ta cho rằng trước đó chưa có ai làm điều này. Có thể vì anh ta nghĩ mình sẽ thất bại – tôi không rõ. Người ta nói rằng sau khi nghe tin về Orville và Wilbur Wright, anh ta mới cho chiếc máy bay của mình hoạt động. Trước đó anh ta không đủ tự tin vào bản thân để chấp nhận mạo hiểm.

Trên thế giới này có hai kiểu người: những người muốn làm mọi thứ và những người không muốn mắc lỗi. Anh em nhà Wright thuộc kiểu thứ nhất. Nhà phát minh đáng lẽ là người tiên phong cho ngành hàng không thuộc kiểu người thứ hai. Nếu bạn là kiểu người thứ nhất, bạn đã sẵn sàng tin vào bản thân và chấp nhận thử thách. Nhưng làm nếu bạn thuộc kiểu người thứ hai? Một tin tốt là: bạn có thể phát triển.

Một câu chuyện trong cuốn sách có nhan đề Tough Times Never Last, but Tough People Do! (Khó khăn không bao giờ kết thúc, nhưng người mạnh mẽ có thể làm được điều đó!) của Robert Schuller kể về Edmund Hillary, người đầu tiên trèo lên đỉnh núi Everest cùng với Tenzing Norgay, một người Tây Tạng. Trước khi chinh phục thành công đỉnh Everest, Hillary là thành viên của một đoàn leo núi khác, đoàn này không những không trèo lên tới đỉnh mà còn để mất một thành viên. Tại một buổi tiếp đón dành cho các thành viên trong đoàn tại London, Hillary đứng phát biểu trước các khán giả. Đằng sau bục phát biểu là bức tranh đỉnh núi Everest rất lớn. Hillary quay mặt về phía bức tranh và hét lớn: “Everest, ngươi đã đánh bại chúng ta. Nhưng ta sẽ quay lại. Và ta sẽ chiến thắng ngươi. Bởi vì ngươi không thể lớn hơn nữa nhưng ta thì có thể.”

Tôi không biết những thử thách bạn phải đối mặt. Chúng có thể lớn hơn qua từng ngày, hoặc chúng có thể đã to lớn đến mức tối đa, như đỉnh núi Everest. Nhưng tôi biết chắc điều này: cách duy nhất bạn có thể vươn lên đối mặt với thử thách một cách hiệu quả là hãy mong chờ nó. Bạn không thể vượt qua thử thách bằng cách làm nó nhỏ đi mà bằng cách làm mình to lớn hơn!

Hành động quyết định kết quả

Kết quả có từ hành động. Trong lĩnh vực vật lý, điều đó có vẻ là hiển nhiên. Định luật thứ ba về chuyển động của Isaac Newton phát biểu: với mọi hành động đều có một phản lực tương đương. Tuy nhiên, trong cuộc sống, nhiều người không đưa ra sự liên kết. Họ chỉ đơn giản hy vọng vào kết quả tốt đẹp. Hy vọng không phải là một chiến lược. Nếu bạn muốn có kết quả tốt, bạn cần phải hành động hiệu quả. Để có những mong đợi tích cực, trước hết bạn phải tin tưởng. Tất cả đều quay lại điểm xuất phát đó. Paul Harvey, nhân vật nổi tiếng thuộc giới truyền thông Mỹ, nói: “Nếu bạn không sống, bạn không tin nó.” Tất cả đều bắt đầu bằng niềm tin.

Một hoạt động phổ biến dành cho khách du lịch ở Thụy Sỹ là leo núi – không phải kiểu leo núi mà những vận động viên chuyên nghiệp đẳng cấp quốc tế tham gia. Chính xác hơn, nó được gọi là đi bộ ở địa hình cao. Các nhóm du khách khởi hành từ “trại cơ sở” vào sáng sớm với dự định leo tới đỉnh núi vào khoảng giữa chiều.

Tôi đã nói chuyện với một hướng dẫn viên về kinh nghiệm của anh khi làm việc với những nhóm như thế này và được anh chia sẻ một điều thú vị. Anh nói rằng trong hầu hết các cuộc hành trình, nhóm du khách sẽ dừng chân tại một ngôi nhà khi được nửa chặng đường, họ ăn trưa, lấy lại sức và chuẩn bị cho chặng leo cuối. Thường xuyên có những thành viên trong nhóm lựa chọn sự ấm áp, thoải mái của căn nhà và họ quyết định không leo nữa. Khi các thành viên khác rời đi, những người ở lại rất vui vẻ và nói chuyện rôm rả như thể ở đây đang diễn ra một bữa tiệc thú vị. Nhưng khi bóng chiều đổ xuống, nhiều người ngước nhìn ra cửa sổ hướng về phía ngọn núi và căn phòng trở nên yên lặng. Họ cứ im lặng như vậy cho đến khi những người leo núi khác trở lại. Vì sao vậy? Họ nhận ra họ vừa mất đi một cơ hội đặc biệt. Họ sẽ không bao giờ có cơ hội trèo lên ngọn núi đó nữa. Họ đã bỏ lỡ nó.

Điều này cũng giống như khi con người không phát huy hết tài năng của mình, khi họ không tin vào bản thân và tiềm năng của mình, khi họ không hành động dựa trên niềm tin và cố gắng tận dụng tối đa mọi cơ hội.

Đừng để điều đó xảy ra với bạn! Hãy sống cuộc đời bạn muốn sống. Hãy cố nhìn nhận bản thân như khả năng mình có thể vươn tới và hãy làm mọi thứ bằng chính sức mạnh của mình để tin rằng bạn có thể. Đó là bước quan trọng đầu tiên để trở thành một người tài năng.

TÀI NĂNG + NIỀM TIN

BÀI TẬP ỨNG DỤNG

Ở cuối mỗi chương của cuốn sách sẽ có các bài tập tương tự dưới đây giúp bạn vận dụng những thông điệp trong từng chương. Học một ý kiến không đủ để giúp một người trưởng thành; bạn phải áp dụng các quan điểm vào thực tiễn để phát huy tối đa tài năng của mình và trở thành một người tài năng. Các bạn nên tạo một cuốn nhật ký trưởng thành và sử dụng nó khi bạn trả lời các câu hỏi, đồng thời ghi lại những quan sát khi bạn thực hiện nhiệm vụ. Nó sẽ giúp bạn tập trung và theo dõi được sự tiến bộ của mình.

  1. Viết một bản miêu tả ngắn về bản thân trong thời điểm hiện tại.
  2. Năm tài năng hàng đầu của bạn là gì? Nếu trước đây bạn chưa bao giờ khám phá các tài năng đó, bạn có thể phải làm một số việc để trả lời câu hỏi này. Nếu cần, hãy mua một cuốn sách như Now, Discover Your Strengths (Đã đến lúc khám phá các thế mạnh của bạn) của Marcus Buckingham và Donald O.Clifton, làm trắc nghiệm Công cụ tìm kiếm thế mạnh hoặc các bài tập trong mục Ô của bạn có màu gì? của Richard Nelson Bolles. Thêm vào đó, hãy nghĩ về các thành tích ý nghĩa nhất và bạn cảm thấy thỏa mãn nhất. Hãy tham khảo đồng nghiệp, gia đình và bạn bè thân thiết để nhận những thông tin liên quan đến tài năng của bạn. Khi bạn đã hoàn thành nghiên cứu của mình, hãy liệt kê các thế mạnh đó.
  3. Liệt kê ba hoạt động bạn thích nhất.
  4. Hãy nghĩ các cơ hội nào có thể tự đến với bạn. Những cơ hội đó có thể xuất phát từ nơi bạn sống, nơi bạn làm việc, người bạn quen biết, hoặc những gì đang xảy ra trong ngành hoặc lĩnh vực bạn quan tâm. Liệt kê càng nhiều cơ hội càng tốt.
  5. Dành một chút thời gian cân nhắc xem kiểu bức tranh nào hiện ra dựa trên các tài năng, sở thích và cơ hội này. Làm thế nào để chúng có thể kết hợp đúng lúc và đúng chỗ trong một con người, một người ít có trở ngại hoặc hạn chế? Hãy có những mơ ước lớn lao – không ý tưởng nào là điên rồ. Động não xem nếu người đó ở trong tình huống như vậy thì họ có thể làm gì và trở thành người như thế nào. Nhiệm vụ của người đó là gì? Hãy dùng một cụm từ hoặc bản miêu tả ngắn viết lại những điều đó.
  6. Bản miêu tả bạn vừa hoàn tất chính là những gì bạn có thể đạt được. Đó là bức tranh tiềm năng của bạn. Bạn nhận thấy điều gì khi so với bản miêu tả bạn viết trong bài tập đầu tiên? Hãy tin vào tiềm năng, tin vào bản thân, tin vào nhiệm vụ của mình và cả nhân loại. Làm thế nào để bạn có thể thắp sáng ngọn lửa của niềm tin và nâng mức mong đợi để trở thành một người tài năng? Hãy tự đặt cho mình một kế hoạch hành động để thực hiện nó. Hãy liệt kê những người có thể giúp đỡ bạn nếu cần.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button