Kinh doanh - đầu tư

Sự Trở Lại Của Kinh Tế Học Suy Thoái Và Cuộc Khủng Hoảng Năm 2008

Su tro lai cua kinh te hoc suy thoai - Paul Krugman1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Paul Krugman

Download sách Sự Trở Lại Của Kinh Tế Học Suy Thoái Và Cuộc Khủng Hoảng Năm 2008 ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH KINH DOANH – ĐẦU TƯ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Giới thiệu

Krugman viết cuốn Sự trở lại của kinh tế học suy thoái vào năm 1999. Sau đó đúng 10 năm, cuốn sách được tái bản với nhiều phần bổ sung. Sự trở lại của cuốn sách giờ đã mang một ý nghĩa khác hẳn, không chỉ bởi tác giả của nó vừa mới đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2008, mà còn bởi, cũng năm ấy, một cuộc khủng hoảng kinh thiên động địa đã trở lại như những dự phóng của ông.

Hài hước và bình dân, Krugman đã không dùng những thuật ngữ và mô hình hàn lâm để lý giải khủng hoảng. Ông viết bằng thứ ngôn ngữ đời thường để những người bình thường có thể hiểu được những gì đang diễn ra trong một thế giới kinh tế phức tạp. Thi thoảng, Krugman đơn giản hóa thế giới đó bằng những ẩn dụ và so sánh ngộ nghĩnh.

Krugman đã khảo sát các cuộc khủng hoảng kinh tế và ông nhận thấy dường như mọi cuộc khủng hoảng đều có một điểm chung: niềm tin tiêu cực tự nó biến thành sự thật. Cho dù niềm tin tiêu cực thể hiện ở thị trường tiền tệ, thị trường tài chính, thị trường bất động sản hay thị trường hàng hóa tiêu dùng thì chúng cũng tạo ra những hệ luỵ nguy hiểm cho nền kinh tế. Suy thoái chìm sâu vào suy thoái, khủng hoảng lại tạo ra khủng hoảng.

Cuộc khủng hoảng năm 2008 cũng hoàn toàn tương tự như thế, nó là sự tổng hợp nhiều đặc điểm của toàn bộ những cuộc khủng hoảng đã từng diễn ra. Và cho tới bây giờ, vẫn thấy chỉ có liều thuốc là các gói kích thích kinh tế, mở rộng tín dụng.

Krugman cũng không đưa ra được giải pháp nào mới trong ngắn hạn ngoài việc kêu gọi kích thích tín dụng: “nếu những gì đã làm là chưa đủ, phải tiếp tục làm và làm cả những việc khác, cho đến khi tín dụng bắt đầu chẩy và nền kinh tế thực bắt đầu hồi phục.”

Trong dài hạn, Krugman cũng chỉ nhấn mạnh sự cần thiết của việc điều tiết thị trường tài chính và quản lý quá trình toàn cầu hóa tài chính sao cho chúng không đi theo những quỹ đạo rủi ro quá mức. Đây cũng không phải là những ý mới.

Thế giới thực tất nhiên phức tạp hơn nhiều so với vườn trẻ trong giả định của Krugman. Quản lý nền kinh tế thực chắc chắn cũng phức tạp hơn hợp tác xã giữ trẻ giả định trên. Nhưng có vẻ các suy thoái trong hai thế giới đó khá giống nhau về bản chất tự nhiên của chúng và giải pháp loại trừ khủng hoảng cũng không có gì cao siêu ngoài việc “bơm” coupon nhiều hơn nữa. Cho dù, lịch sử đã chứng minh biện pháp đó không phải lúc nào cũng hiệu quả và thực hiện được.

Nếu thế thì, 2008 sẽ chưa thể là cuộc khủng hoảng cuối cùng và Krugman cũng không tự “vơ” vào mình trách nhiệm kê ra “toa thuốc miễn dịch” khủng hoảng cho bất kỳ nền kinh tế nào, điều ông làm được, có chăng là những kiến giải minh triết và đi vào bản chất mà thôi.

Khánh Duy

(Nguồn: Báo Tuần Việt Nam)

ĐỌC THỬ

1. “VẤN ĐỀ TRỌNG TÂM ĐÃ ĐƯỢC GIẢI QUYẾT”

Năm 2003, ông Robert Lucas, giáo sư Đại học Chicago và là người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1995, đọc bài phát biểu với tư cách Chủ tịch tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Kinh tế Mỹ (American Economic Association). Sau khi giải thích rằng kinh tế học vĩ mô (macroeconomics) được hình thành nhằm đáp lại những đòi hỏi đặt ra trong thời Đại suy thoái, ông này tuyên bố rằng nay đã đến lúc lĩnh vực này phải phát triển thêm nữa, bởi “vấn đề trọng tâm – ngăn ngừa suy thoái – trên thực tế đã được giải quyết xong”.

Lucas không có ý nói rằng chu kỳ kinh tế, bao gồm những đợt suy thoái và tăng trưởng nối tiếp nhau bất thường mà chúng ta đã chứng kiến ít nhất là một thế kỷ rưỡi vừa qua, đã đi qua. Nhưng ông ta cho rằng chu kỳ này đã được chế ngự đến mức chẳng cần phải làm gì thêm nữa, bởi việc nỗ lực dẹp bỏ hoàn toàn những “lắc lư” trong tăng trưởng kinh tế hầu như không đem lại mấy lợi ích cho cái chung. Thay vào đó, nên chuyển sự tập trung sang những vấn đề như tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Mà cũng chẳng phải chỉ có mình Lucas tin rằng vấn đề phòng ngừa suy thoái đã được giải quyết trọn vẹn. Một năm sau Ben Bernanke (cựu Giáo sư trường Princeton, sau này tham gia Hội đồng thống đốc và hiện là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang) trong bài phát biểu cực kỳ lạc quan mang tên “Thời kỳ ôn hòa vĩ đại” (The great moderation) cũng nói tương tự như Lucas, đại ý rằng chính sách kinh tế vĩ mô trong thời hiện đại đã giải quyết vấn đề chu kỳ kinh tế, hay nói chính xác hơn là giảm thiểu độ ảnh hưởng của nó xuống chỉ còn là một sự phiền phức vặt vãnh, chứ không phải là một vấn đề bức thiết nữa.

Chỉ vài năm sau, khi cả thế giới đang vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính rất giống những năm 1930, khi nhìn lại chúng ta có thể thấy những tuyên bố nói trên dường như ngạo mạn đến mức khó tin. Điều đáng kinh ngạc nhất về sự lạc quan thái quá đó chính là việc ngay từ thập niên 1990, những vấn đề kinh tế tương tự như hồi Đại suy thoái đã xuất hiện tại một số quốc gia, trong đó có cả Nhật – nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.

Đến những năm đầu thế kỷ XXI này, các vấn đề suy thoái vẫn chưa ảnh hưởng tới nước Mỹ, trong khi lạm phát – nỗi kinh hoàng của những năm 1970 – lại có vẻ đã được kiểm soát tốt. Trong khi đó, những tin tức khá êm dịu về kinh tế lại hòa quyện với một bối cảnh chính trị rất dễ khiến người ta lạc quan: trong suốt 9 thập kỷ gần đây, thế giới chưa bao giờ lại thuận lợi cho kinh tế thị trường hơn thế!

Sự thành công của Chủ nghĩa tư bản

Đây là cuốn sách về kinh tế học, nhưng kinh tế học tất nhiên diễn ra trong một bối cảnh chính trị cụ thể. Do đó, bạn sẽ không thể cắt nghĩa sự lạc quan về kinh tế nói trên nếu không xét tới một sự kiện chính trị căn bản của thập niên 1990: đó là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội, không chỉ như một hệ tư tưởng chủ đạo, mà còn với tư cách một ý tưởng có thể làm thay đổi tư duy của mọi người.

Thật kỳ lạ khi sự sụp đổ này bắt đầu từ Trung Quốc. Đến nay, người ta vẫn cảm thấy kỳ lạ khi nhận ra rằng Đặng Tiểu Bình đã dẫn dắt đất nước của ông đi theo con đường kinh tế thị trường từ năm 1978, chỉ ba năm sau khi những người cộng sản thắng lợi trong cuộc chiến Việt Nam, hai năm sau thất bại của những người Mao-ít cấp tiến đang muốn khôi phục lại Cách mạng Văn hóa. Có lẽ chính ông Đặng cũng không nhận ra con đường đó lại dẫn đất nước của ông đi xa đến vậy so với những tư tưởng kinh tế lúc đầu của họ; và phần còn lại của thế giới đã mất một thời gian khá dài để nhận ra rằng hơn một tỷ người Trung Quốc đã “lẳng lặng” đi theo kinh tế thị trường! Thực sự mà nói, mãi cho đến đầu thập niên 1990 công cuộc cải cách của Trung Quốc vẫn chưa được giới trung lưu[4] và những người quan tâm đến chính trị – xã hội trên thế giới nhận ra và đánh giá đúng đắn. Trong các sách vở bán chạy nhất thời kỳ đó, kinh tế thế giới vẫn được cho là cuộc đối đầu trực diện giữa Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Còn Trung Quốc nếu có được nghĩ đến thì vẫn với tư cách một đối thủ hạng hai, cùng lắm chỉ là một phần của khối “yên Nhật” (yen bloc) đang trỗi dậy mà thôi.

Tuy nhiên, lúc đó mọi người đều nhận thấy quả là có một điều gì đó đang diễn ra. “Điều gì đó” chính là sự sụp đổ của Liên bang Xô viết.

Không ai thực sự hiểu điều gì đã xảy ra với chế độ Xô viết. Ngày nay, khi mọi việc đã qua, chúng ta có thể thấy cấu trúc của nó có nhiều vấn đề đến mức chắc chắn cuối cùng sẽ sụp đổ. Thế mà chế độ đó đã từng đứng vững qua nội chiến và nạn đói, đã từng chiến thắng chủ nghĩa phát xít, đã từng có khả năng tập trung và huy động những nguồn lực khổng lồ về khoa học và công nghiệp để thách thức sức mạnh hạt nhân của nước Mỹ. Việc siêu cường này tan rã một cách đầy bất ngờ không dưới sức ép của một “cú đánh” nào quả là một trong những câu hỏi khó trả lời nhất của kinh tế chính trị học. Có lẽ đó chỉ đơn thuần là vấn đề thời gian; bởi dường như nhiệt tình cách mạng và sự sẵn sàng tiêu diệt mọi đối thủ vì một lợi ích cao cả nào đó không thể kéo dài quá một vài thế hệ. Hoặc bởi vì chế độ đó dần dần bị xói mòn do phe tư bản chủ nghĩa mãi không chịu suy thoái và tan rã. Cá nhân tôi thì có một quan điểm riêng (hoàn toàn không dựa trên chứng cứ nào!) rằng chính sự trỗi dậy của các nền kinh tế tư bản châu Á đã, một cách tinh tế nhưng rất sâu sắc, làm nản lòng chế độ Xô viết, bằng việc làm cho tuyên bố của họ về việc nắm được quy luật lịch sử (trong phát triển kinh tế xã hội) trở nên kém tin cậy hơn bao giờ hết. Cuộc chiến gây hao tổn tài lực mà không thể kết thúc thắng lợi tại Afghanistan và việc thất bại rõ ràng của nền công nghiệp trong cuộc chạy đua vũ trang với chính quyền Reagan cũng khiến quá trình sụp đổ của họ diễn ra nhanh hơn. Dù lý do gì đi nữa, vào năm 1989 khối phụ thuộc Liên Xô tại Đông Âu thình lình tan rã, và hai năm sau đó thì chính Liên bang Xô viết cũng sụp đổ luôn.

Cả thế giới, với những mức độ nhiều ít, rõ ràng hay kém rõ ràng khác nhau, đều cảm thấy tác động của những sự kiện nói trên. Và tất cả những tác động, ảnh hưởng của chúng đều có lợi cho sự ưu thắng về chính trị và tư tưởng của chủ nghĩa tư bản.

Trước hết, hàng trăm triệu người trước đây sống trong các nước xã hội chủ nghĩa nay trở thành công dân của những nước sẵn sàng đón nhận và thử áp dụng kinh tế thị trường. Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là điều này hóa ra lại là hậu quả ít quan trọng nhất của sự sụp đổ (của Liên Xô) nói trên. Ngược với kỳ vọng của nhiều người, các nền kinh tế chuyển đổi tại Đông Âu không hề nhanh chóng trở thành một lực lượng quan trọng và có tiếng nói trên thị trường toàn cầu, hay trở thành một đích đến được đánh giá cao của đầu tư nước ngoài. Thời gian chuyển đổi của họ nhìn chung rất khó khăn, chẳng hạn với nước Đức thống nhất thì Đông Đức trở thành một vùng tương tự như vùng Mezzogiorno[5] của nước Ý – chậm phát triển và gây ra những quan ngại về xã hội và tài chính. Đến nay, tức là chỉ sau hai thập kỷ kể từ ngày khối Xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, một số nước như Ba Lan, Estonia và Cộng hòa Sec mới bắt đầu có vẻ thành công. Bản thân nước Nga thì trở thành một nguồn bất ổn về chính trị và tài chính cho phần còn lại của thế giới. Nhưng thôi, chúng ta hãy quay trở lại câu chuyện này trong Chương 6.

Một hậu quả trực tiếp nữa của sự sụp đổ của Liên Xô là việc một số chính phủ vốn quá phụ thuộc vào viện trợ hào phóng của siêu cường này từ nay phải tự xoay xở một mình. Trước đây những quốc gia này vẫn được những đối thủ của chủ nghĩa tư bản lý tưởng hóa, thậm chí thần tượng hóa; còn bây giờ sự nghèo khó đột ngột cùng những hé lộ về sự phụ thuộc của họ vào Liên Xô trong quá khứ đã khiến những phong trào phản đối chủ nghĩa tư bản trở nên kém giá trị và bị xói mòn. Cuba chẳng hạn, trước kia là biểu tượng hấp dẫn cho phong trào cách mạng tại châu Mỹ Latinh, khi nước này hiên ngang và đơn độc thách thức Mỹ – một biểu tượng đẹp hơn nhiều so với những quan chức quan liêu tại Moscow. Giờ đây, một nước Cuba thời hậu Xô viết gặp rất nhiều khó khăn đã chỉ rõ rằng hình ảnh và vị thế quả cảm của họ trước kia được hỗ trợ rất rất nhiều bởi chính những quan chức quan liêu đó! Tương tự, cho đến tận những năm 1990, Chính phủ Bắc Triều Tiên vẫn còn mang vẻ kỳ bí và hấp dẫn với những người cấp tiến trong giới sinh viên Hàn Quốc. Còn giờ đây, khi người dân Bắc Triều Tiên đang thật sự khó khăn vì thiếu viện trợ của Liên Xô, sức hấp dẫn đó cũng đã bay đi!

Ngoài ra, một ảnh hưởng nữa là sự “biến mất” của nhiều phong trào cấp tiến, mà dù tuyên bố theo đuổi mục tiêu cách mạng cao đẹp nào đó, nhưng không thể tồn tại nếu thiếu tài trợ và cung cấp vũ khí của Moscow. Các nước châu Âu từng tuyên bố rằng những nhóm cấp tiến của thập niên 70 và 80 như Baader-Meinhof tại Đức hay Red Army Brigades tại Ý hoàn toàn không có liên hệ gì với các nước xã hội chủ nghĩa, song đến nay chúng ta đều biết rằng họ rất phụ thuộc vào khối Xô viết, nên khi khối này tan rã, những tổ chức kia cũng biến mất luôn.

Trên mọi thứ, sự sụp đổ của Liên Xô cũng làm tan vỡ luôn giấc mơ chủ nghĩa xã hội. Trong suốt một thế kỷ rưỡi trước đó, ý tưởng “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” của chủ nghĩa xã hội là ý tưởng cốt lõi cho những ai chống lại bàn tay của thị trường. Các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa quốc gia viện dẫn những lý tưởng của chủ nghĩa xã hội khi muốn ngăn cản đầu tư từ nước ngoài hay từ chối trả những khoản nợ nước ngoài; các công đoàn cũng dùng chúng khi đòi tăng lương; ngay cả một số doanh nhân cũng nói đến những nguyên tắc chủ nghĩa xã hội mơ hồ khi đòi bảo hộ bằng thuế quan hay trợ cấp cho sản phẩm của họ. Một số Chính phủ ít nhiều đi theo kinh tế thị trường cũng e ngại chính sách triệt để cam kết với thị trường hoàn toàn tự do sẽ bị xem là quá vô nhân đạo, phản xã hội (anti-social)…

Nhưng nay liệu còn ai có thể đường hoàng tự tin sử dụng những lập luận trên của chủ nghĩa xã hội nữa? Vốn là một người thuộc thế hệ bùng nổ dân số sau Thế chiến II, tôi có thể nhớ được khoảng thời gian lúc các ý tưởng về cách mạng, về những con người can đảm có khả năng thúc đẩy lịch sử đi về phía trước tươi sáng hơn có sức hấp dẫn lớn lao với mọi người. Ngày nay, sau tất cả những cuộc thanh trừng và gulag, nước Nga vẫn lạc hậu và tham nhũng như ngày trước, sau Cách mạng Văn hóa và Đại nhảy vọt, người Trung Quốc nay đã nhận ra rằng làm ra tiền của là sứ mệnh tốt đẹp nhất. Tất nhiên vẫn còn những người cánh tả cấp tiến bướng bỉnh tuyên bố rằng một chủ nghĩa xã hội thực thụ vẫn chưa được xây dựng, và những người cánh tả ôn hòa hơn khi cho rằng (không phải là không có lý) người ta có thể không đi theo lý tưởng Mác – Lênin mà không nhất thiết phải trở thành môn đệ của Milton Friedman. Nói gì thì nói, sự nhiệt tình đã biến mất khỏi những phong trào đối lập với chủ nghĩa tư bản.

Lần đầu tiên kể từ năm 1917, chúng ta nay sống trong một thế giới mà quyền tư hữu về tài sản và thị trường tự do được xem như những nguyên tắc cơ bản chứ không phải là những phương cách miễn cưỡng phải làm; còn những khía cạnh tiêu cực của thị trường như thất nghiệp, bất bình đẳng và bất công thì được chấp nhận như những thực tế của cuộc đời này. Như trong thời Victoria, chủ nghĩa tư bản được chấp nhận không chỉ vì sự thành công của nó (điều hoàn toàn là sự thực, như chúng ta sẽ xét dưới đây) mà còn vì con người hiện chẳng có giải pháp thay thế nào khả dĩ tốt hơn thế.

Tình hình này không phải mãi mãi bất biến. Sớm muộn cũng sẽ có những tư tưởng, chủ thuyết và những giấc mơ mới xuất hiện, nhất là nếu cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện tại còn kéo dài và trầm trọng thêm. Nhưng hiện tại thì chủ nghĩa tư bản vẫn thắng thế trên thế giới.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button