Kinh doanh - đầu tư

Steve Jobs – Hành Trình Từ Gã Nhà Giàu Khinh Suất Đến Nhà Lãnh Đạo Kiệt Xuất

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Brent Schlender, Rick Tetzeli

Download sách Steve Jobs – Hành Trình Từ Gã Nhà Giàu Khinh Suất Đến Nhà Lãnh Đạo Kiệt Xuất ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Quản trị – kinh doanh

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI GIỚI THIỆU

(Cho bản tiếng Việt)

Khi được hỏi theo bạn, công ty nào đã thay máu toàn bộ ngành công nghiệp máy tính toàn cầu, chúng tôi tin rằng đa phần các bạn đều khẳng định đó chính là Apple. Apple không chỉ thay đổi ngành công nghiệp máy tính, nó còn làm được điều mà con người chưa từng hình dung đến trước khi nó ra đời, thay đổi hoàn toàn lối sống thường ngày của hàng tỉ người trên toàn thế giới. Nhờ ai và làm như nào, Apple thực hiện được sứ mệnh đó? Câu trả lời thường gắn liền với tên tuổi của phù thủy công nghệ, người vẫn được cho là “nửa thiên thần, nửa ác quỷ” – Steve Jobs.

Câu chuyện về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Steve Jobs chưa bao giờ ngừng thu hút, chưa bao giờ ngừng gây tò mò đối với những tín đồ của Apple. Đã có rất nhiều cuốn sách, dày có, mỏng có, viết về cuộc đời của Steve, tái hiện hình ảnh một con người xuất chúng với bộ óc thiên tài, một người độc đoán, coi trọng bản thân hơn tất thảy, có thể đạp bằng mọi thứ xung quanh, bất chấp cả tình bạn, tình yêu để đạt được điều mình muốn. Nhưng chúng tôi biết, chưa bao giờ những lời nhận xét có phần phiến diện đó thỏa mãn được độc giả – những người vẫn luôn tin rằng ở góc nào đó trong cuộc đời của Steve là những nét tính cách khác, những tính cách của “con người nhân văn” – yếu tố cơ bản để làm nên những tuyệt phẩm công nghệ cho đời, bởi chắc chắn không một “hôn quân” nào có thể làm nên một đế chế vĩ đại, tạo ra những kiệt tác nghệ thuật mà tất cả nhân loại đều say đắm như một “tôn giáo” riêng. Chính vì thế, với Steve Jobs – Hành trình từ gã nhà giàu khinh suất đến nhà lãnh đạo kiệt xuất, chúng tôi muốn mang đến cho các bạn một hình ảnh hoàn toàn khác về Steve: một Steve tình cảm, giàu lòng trắc ẩn với con người, trân quý nhân tài với khả năng dùng người siêu việt, thiết tha với cái đẹp bằng “sự hoàn mỹ đã được định hình hoàn chỉnh” từ khi còn rất trẻ, tôn thờ các chuẩn mực đỉnh cao, một Steve ương ngạnh, nông nổi, ngông cuồng, một Steve thất bại, nhưng rồi biết học hỏi, biết nỗ lực vượt bậc để thành một trong những thiên tài sáng giá nhất thời đại chúng ta. Như Jim Collins đã nói khi nhận xét về Steve: “Không một nhà lãnh đạo nào xuất chúng ngay từ ban đầu, tất thảy họ đều phải trưởng thành dần dần qua năm tháng. Và Steve cũng vậy!”

Steve Jobs – Hành trình từ gã nhà giàu khinh suất đến nhà lãnh đạo kiệt xuất được hai trong số những nhà báo kỳ cựu nhất của Thung lũng Silicon viết nên, một trong hai người – Brent Schlender – là bạn của Steve Jobs trong 25 năm, đồng thời có quan hệ tốt với những người thật sự thân thiết với Steve. Những câu chuyện được vẽ ra trong cuốn sách này chân thực, sống động như thể đang diễn ra trước mắt chúng ta, và là những chia sẻ chưa bao giờ được tiết lộ với báo giới từ những nhân vật nổi tiếng như Tim Cook, Eddy Cue, Larry Ellison, Jony Ive… Thông qua những câu chuyện này, độc giả có thể thấy được những sáng tạo, những nỗ lực chưa bao giờ ngừng nghỉ của Steve nhằm đạt tới những tiêu chuẩn cao nhất trong mọi việc mình làm, những trăn trở và lòng trắc ẩn chưa bao giờ nguôi của Steve đối với con người, khao khát mang đến cho con người những điều mà bản thân họ chưa từng hình dung đến, như ông từng nói: “Khách hàng không bao giờ biết họ muốn gì cho đến khi chúng ta chỉ ra cho họ.”

Chúng tôi tin rằng, cuốn sách này, ngoài tinh thần chung là mang đến cho độc giả sự thông hiểu sâu sắc hơn, toàn vẹn hơn về con người Steve, về những sự kiện, biến động, thành công và cả thất bại đã tạo hình nên một Steve vĩ đại về sau, thì còn truyền tải một thông điệp đến tất cả mọi người, dù công việc bạn đang làm là gì, đó là: hãy luôn đặt ra tiêu chuẩn cao nhất cho tất thảy mọi thứ mình làm.

Chúng tôi hy vọng rằng, cuốn sách sẽ mang đến cho các bạn một cái nhìn bao quát hơn, chân thực và nhân văn hơn về Steve, hiểu rõ hơn những gì đã giúp ông xây dựng nên một Apple vĩ đại, hùng mạnh và tinh tế như ngày nay, bởi báo chí và những cuốn sách khác đã tạo nên hình ảnh một con người mà như Tim Cook nói trong cuốn sách này: “Con người mà tôi đọc được trong cuốn sách đó là người tôi chưa bao giờ muốn làm việc cùng trong suốt thời gian qua.”

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn ông Trần Trọng Thành – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vinapo, đơn vị nghiên cứu phát triển Alezaa.com – người đã gợi ý và hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong việc hoàn thành cuốn sách này.

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Hà Nội, tháng 9 năm 2015

TS. Nguyễn Mạnh Hùng

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Sách Thái Hà

LƯU Ý CỦA TÁC GIẢ

Cuốn sách này là công trình của hai tác giả. Hai chúng tôi đã làm việc với nhau trong nhiều năm, từ thời cùng làm ở tạp chí Fortune. Với cuốn sách Steve Jobs – Hành trình từ gã nhà giàu khinh suất đến nhà lãnh đạo kiệt xuất, chúng tôi đã bỏ ra ba năm để cùng nhau nghiên cứu, phỏng vấn, gỡ băng, viết và biên tập. Và để thuận tiện cho độc giả, trong câu chuyện bạn sắp đọc dưới đây, chúng tôi quyết định sử dụng ngôi thứ nhất số ít xuyên suốt cuốn sách để ám chỉ Brent. Brent là người có mối quan hệ mật thiết với Steve Jobs gần một phần tư thế kỷ, vậy nên việc sử dụng đại từ Tôi sẽ giúp chúng tôi kể câu chuyện của mình dễ dàng hơn.

LỜI NÓI ĐẦU

“Anh là người mới phải không?” – đó là những từ đầu tiên anh nói với tôi. (Lời cuối cùng, 25 năm sau, là “Tôi xin lỗi”.) Anh ấy đã đổi vai trò với tôi. Xét cho cùng, tôi là một phóng viên. Người được cho là sẽ đặt ra các câu hỏi.

Tôi đã được cảnh báo về những thử thách có một không hai khi phỏng vấn Steve Jobs. Buổi tối trước đó, trên bàn nhậu, các đồng nghiệp mới của tôi ở văn phòng San Francisco của tạp chí Wall Street Journal đã cảnh báo tôi nên mặc áo chống đạn trong buổi gặp đầu tiên này. Một trong số họ nói, nửa đùa nửa thật, rằng việc phỏng vấn Jobs giống một cuộc chiến nhiều hơn là đặt câu hỏi. Đó là tháng 4 năm 1986 và Jobs đã là một huyền thoại của tạp chí. Trong văn phòng còn lưu truyền một truyền thuyết khẳng định rằng Steve đã mắng mỏ một phóng viên khác bằng cách đặt câu hỏi thẳng tuột: “Anh không hiểu một chút nào sao, không một chút gì về những điều chúng ta đang thảo luận?”

Tôi có nhiều kinh nghiệm với những chiếc áo chống đạn thật sự khi làm công việc đưa tin ở Trung Mỹ trong suốt những năm đầu thập niên 1980. Tôi chủ yếu có mặt ở El Salvador và Nicaragua, nơi tôi phỏng vấn mọi người từ tài xế lái xe tải băng qua khu vực chiến tranh, tới các cố vấn quân sự của Mỹ giữa rừng nhiệt đới, tới các chỉ huy của lực lượng chống đối tại nơi ẩn náu, hay tới các Tổng thống trong phủ của họ. Trong các nhiệm vụ khác, tôi đã gặp và nói chuyện với các tỉ phú như T. Boone Pickens, H. Ross Perot và Lý Gia Thành, với người đoạt giải thưởng Nobel như Jack Kilby, với các ngôi sao nhạc rock hay thần tượng điện ảnh, những cá nhân từ bỏ chủ nghĩa đa thê hay thậm chí bà của những người thích làm ra vẻ mình là kẻ ám sát. Tôi không phải là người dễ bị hăm dọa. Tuy nhiên, trong toàn bộ chuyến đi kéo dài 20 phút từ nhà ở San Mateo, California tới trụ sở của NeXT Computer ở Palo Alto, tôi đã nghiền ngẫm và bứt rứt về việc làm thế nào để phỏng vấn Jobs một cách tốt nhất.

Một phần băn khoăn của tôi do thực tế rằng, đó là lần đầu tiên trong trải nghiệm là một nhà báo, tôi đi phỏng vấn một lãnh đạo doanh nghiệp xuất chúng trẻ hơn mình. Tôi bấy giờ 32 tuổi, còn Jobs 31 và đã nổi tiếng khắp thế giới. Cùng với Bill Gates, anh được săn đón vì đã sáng lập nên ngành công nghiệp máy tính cá nhân. Rất lâu trước khi chứng nghiện Internet bắt đầu sinh ra hàng loạt tài năng trẻ, Jobs đã là ngôi sao sáng chói độc nhất vô nhị trên bầu trời công nghệ, với bản lý lịch hoành tráng. Các bảng mạch mà anh ấy cùng Steve Wozniak lắp ráp tại ga-ra ô tô ở Los Altos là khởi nguồn của một công ty tỉ đô. Máy tính cá nhân dường như có tiềm năng vô hạn, và với tư cách là nhà sáng lập Apple Computer, Steve Jobs là gương mặt đại diện cho tất thảy các tiềm năng đó. Nhưng rồi, vào tháng 9 năm 1985, anh từ chức, không lâu sau khi thông báo với ban điều hành của công ty rằng anh đang lôi kéo một vài nhân viên chủ chốt của Apple tham gia cùng anh thành lập công ty mới sản xuất máy tính “trạm” (computer “Workstations”). Các phương tiện truyền thông ăn khách đã mổ xẻ cặn kẽ sự ra đi của anh, cả hai tạp chí Fortune và Newsweek đều đặt sự kiện nhục nhã đó lên trang bìa của họ.

Trong vòng sáu tháng sau, chi tiết về công ty khởi nghiệp mới của Steve được giữ kín, một phần vì Apple đệ đơn kiện để ngăn chặn việc anh bòn rút nhân viên của họ. Nhưng cuối cùng thì Apple cũng dừng việc kiện tụng. Và bấy giờ, theo một nhân viên thuộc phòng quan hệ công chúng của Jobs, người đã gọi cho sếp của tôi ở Journal, Steve đang muốn thực hiện một cuộc phỏng vấn với các xuất bản phẩm lớn trong giới kinh doanh. Anh đã sẵn sàng khởi động điệu múa quạt giữa chốn công cộng để bắt đầu tiết lộ chi tiết về điều NeXT thực sự đang làm. Tôi đã hoàn toàn bị mê hoặc, nhưng đồng thời cũng cảm thấy cần phải thận trọng; tôi không muốn gục ngã trước quý ngài Jobs có sức lôi cuốn đặc biệt mà thiên hạ ai cũng biết.

ĐỌC THỬ

CHUYẾN ĐI VỀ PHÍA NAM tới Palo Alto là cuộc hành trình xuyên qua lịch sử của Thung lũng Silicon. Từ Đường 92 tại hạt San Mateo qua tới quốc lộ Interstate 280, con đường tám làn với khung cảnh “đồng quê” chạy dọc theo các hồ San Andrea và Crystal Springs Reservoir, nơi chứa nước uống cho San Francisco được dẫn từ dãy núi Sierras; qua khu dân cư đầy phô trương của những ông chủ quỹ đầu tư mạo hiểm dọc theo đường Sand Hill Road ở Menlo Park và băng qua trung tâm nghiên cứu cơ bản quốc gia Stanford Linear Accelerator quanh co kéo dài khoảng 1,6 km, phòng nghiên cứu này nằm phía dưới con đường không thu phí và rạch một vết vào phong cảnh xung quanh giống như một nếp đứt gãy do áp lực; qua kính thiên văn vô tuyến “chiếc đĩa của Stanford” và những cây sồi được trang trí công phu nằm rải rác lấm tấm trong vành đai xanh rộng phía sau khu vực trường đại học. Những cơn mưa đông và xuân đã làm cỏ thảo nguyên trên các quả đồi sống lại, trong phút chốc biến từ màu vàng xám xịt thường thấy thành màu xanh như một sân gôn và điểm xuyết vào đó là những mảng hoa dại màu cam, tím và vàng. Tôi vẫn còn lạ lẫm với khu vực Vịnh tới mức chưa nhận ra rằng đây là khoảng thời gian đẹp nhất trong năm để lái xe tới đây.

Ở lối ra – đường Page Mill – là địa chỉ của Hewlett-Packard, tập đoàn ALZA ban đầu là nhà tiên phong về công nghệ sinh học, các công ty phát triển nhanh chóng của Thung lũng Silicon như hãng tư vấn Andersen (nay gọi là Accenture), và hãng luật Wilson Sonsini Goodrich & Rosati. Nhưng đầu tiên bạn sẽ tới Công viên Nghiên cứu thuộc quyền sở hữu của Đại học Stanford, với những lùm cây của các phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) thấp, nằm sát mặt đất cùng nhiều không gian rộng phủ đầy cỏ. Trung tâm nghiên cứu Palo Alto danh tiếng của Xerox (PARC), nơi lần đầu tiên Steve nhìn thấy chiếc máy tính với con chuột và giao diện màn hình “nhị phân” sinh động. Đây là nơi anh ấy chọn để đặt trụ sở của NeXT.

Một cô gái trẻ thuộc hãng chịu trách nhiệm về mảng quan hệ công chúng cho NeXT – Allison Thomas Associates – dẫn tôi qua tòa văn phòng hai tầng chật hẹp xây bằng kính và bê tông tới một phòng hội thảo nhỏ, nhìn ra bên ngoài là một bãi đỗ xe còn trống một nửa. Steve đang đợi ở đó. Anh gật đầu chào đón tôi, đề nghị cô gái ra ngoài và trước khi tôi tìm thấy chỗ ngồi, anh dạm hỏi tôi với câu hỏi đầu tiên đó.

Tôi không chắc liệu Steve có muốn một câu trả lời ngắn ngọn kiểu “đúng” hoặc “không đúng”, hay anh chỉ tò mò một cách thành thật về con người và xuất xứ của tôi. Tôi cho là ý thứ hai, nên bắt đầu liệt kê những nơi và lĩnh vực tôi viết cho Journal. Ngay sau khi lấy bằng sau đại học tại Đại học Kansas, tôi chuyển tới Dallas để làm báo, tại đây tôi viết về hàng không và điện tử, vì các tập đoàn sản xuất hàng điện tử Texas Instruments và Radio Shack đặt tại đó. Trong thời gian này, tôi được nhiều người biết tới nhờ bài về tiểu sử của kẻ đã ám sát Tổng thống Reagan năm 1981, John Hinckley, người con được thừa kế sự giàu có từ người cha buôn bán dầu mỏ vùng Texas.

“Anh tốt nghiệp trung học phổ thông năm nào?”, anh xen vào lời tôi. “Năm 1972”, tôi trả lời, “và tôi đã mất bảy năm học ở trường đại học nhưng chưa bao giờ lấy được bằng thạc sĩ”. “Đó cũng là thời điểm tôi tốt nghiệp phổ thông trung học”, anh ngắt lời. “Vậy là chúng ta trạc tuổi nhau”. (Về sau tôi phát hiện ra rằng anh đã nhảy một lớp.)

Rồi tôi giải thích rằng tôi dành hai năm ở Trung Mỹ và Hồng Kông để viết và đưa tin về các vấn đề địa chính trị cho Journal, và một năm ở Los Angeles, trước khi lanh lợi kiếm được công việc mơ ước ở San Francisco. Đến đây, câu chuyện bắt đầu giống một cuộc phỏng vấn tuyển dụng. Trừ một điều rằng Jobs không mấy phản ứng trước tất cả các câu trả lời của tôi.

“Vậy anh có biết bất cứ thứ gì về máy tính không?”, anh hỏi, một lần nữa lại ngắt lời tôi. “Không có phóng viên nào của các tờ báo lớn biết chút gì về máy tính cả”, anh thêm vào và lắc đầu với vẻ chiếu cố. “Người cuối cùng viết về tôi cho tạp chí Wall Street Journal thậm chí còn không phân biệt được bộ nhớ máy tính và một chiếc đĩa mềm!”

Đến lúc đó tôi cảm thấy chân mình đứng vững hơn đôi chút. “À, một cách chính thức thì tôi học chuyên ngành ngôn ngữ, nhưng tôi đã lập trình một vài trò chơi điện tử đơn giản và thiết kế những cơ sở dữ liệu liên quan trên hệ thống máy tính ở trường đại học”. Mắt anh đảo ngược, lộ vẻ chán nản. “Trong một vài năm, tôi đã làm việc nhiều đêm bên chiếc máy tính nhỏ NCR, xử lý các giao dịch hàng ngày cho bốn ngân hàng”. Anh bắt đầu nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ. “Và tôi đã mua một chiếc máy tính IBM ngay trong ngày đầu nó ra lò. Tại hãng bán lẻ Businessland. Ở Dallas. Số thứ tự của nó bắt đầu với tám con số 0. Và tôi đã cài đặt hệ điều hành CP/M trước tiên. Tôi chỉ cài MS-DOS khi tôi bán nó trước khi chuyển tới Hồng Kông, theo mong muốn của người mua.”

Khi đang đề cập tới những hệ điều hành thuở ban đầu đó và sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, anh tỏ vẻ hăng hái hẳn lên. “Tại sao anh không dùng một chiếc Apple II?”, anh hỏi.

Một câu hỏi hay, nhưng nghiêm túc mà nói… tại sao tôi lại để anh chàng này phỏng vấn mình?

“Tôi chưa bao giờ mua sản phẩm của Apple”, tôi thừa nhận, “nhưng bây giờ tôi đang ở đây, tôi đã nói chuyện để tạp chí Journal mua cho tôi một chiếc Fat Mac”. Tôi đã thuyết phục những ông chủ ở New York rằng nếu để tôi viết về Apple, tôi sẽ thân thuộc hơn với những chiếc máy mới nhất của họ. “Tôi đã sử dụng nó được vài tuần. Cho đến bây giờ, tôi thích nó hơn chiếc máy tính cá nhân nhiều”.

Tôi dần mở được ổ khóa. “Hãy đợi cho đến khi anh quan sát thấy thứ mà chúng tôi sắp chế tạo ở đây”, anh nói với tôi. “Anh sẽ muốn tống khứ cái Fat Mac đó đi”. Cuối cùng chúng tôi cũng chạm tới điểm quan trọng của cuộc phỏng vấn, cái đích mà Steve muốn ngay từ lúc đầu – anh có thể kể cho tôi nghe cách anh sẽ vượt qua được công ty do mình sáng lập và chiến thắng những người, đáng chú ý nhất là Tổng giám đốc điều hành của Apple – John Sculley – người đã trục xuất anh khỏi vương quốc của mình.

Bây giờ đến lượt anh nhận các câu hỏi của tôi, mặc dù không phải lúc nào anh cũng trả lời chúng một cách trực tiếp. Chẳng hạn, tôi tò mò về trụ sở trống rỗng một cách kì lạ. Liệu mọi người thực sự sẽ lắp ráp những chiếc máy tính ở đây? Trông nó không hề giống một nơi sản xuất. Liệu anh sẽ đầu tư toàn bộ hay kêu gọi một vài nhà đầu tư? Bán tất cả cổ phiếu Apple, chỉ giữ lại một cổ phiếu, mang lại cho anh khoản lợi nhuận 70 triệu đô la, nhưng như vậy là chưa đủ để nuôi một công ty tham vọng đến nhường này. Đôi lúc, anh đổi hướng câu chuyện sang những chủ đề hoàn toàn không liên quan. Giữa lúc nói chuyện, anh uống nước nóng bốc khói trong một chiếc cốc thủy tinh chuyên dùng để uống bia. Anh giải thích rằng một ngày nọ khi hết trà, anh chợt nhận ra là mình cũng thích nước thật nóng. “Nó làm tôi dịu đi theo cùng một cách”, anh nói. Cuối cùng anh cũng hướng cuộc hội thoại quay trở lại chủ đề cũ: giáo dục cao hơn cần những chiếc máy tính tốt hơn, và chỉ có NeXT cung cấp được sản phẩm này. Công ty đang làm việc cùng với Stanford và Carnegie Mellon, hai trường đại học có các khoa Khoa học máy tính rất uy tín. “Họ sẽ là những khách hàng đầu tiên của chúng tôi.”

Bất chấp sự lẩn tránh không trả lời một cách trực tiếp và sự quyết tâm theo đuổi một thông điệp duy nhất, Jobs vẫn thể hiện một dáng vẻ đầy sinh động. Niềm tin mãnh liệt vào bản thân của Steve làm tôi như cuốn theo từng lời nói của anh. Steve sử dụng những câu nói có cấu trúc chặt chẽ, ngay cả khi cố gắng trả lời một câu hỏi bất ngờ. 25 năm sau, tại lễ tưởng niệm Steve, vợ anh, Laurene, đã xác nhận rằng anh sở hữu “sự hoàn mỹ đã được định hình hoàn chỉnh” từ khi còn rất trẻ. Sự tự tin vào óc phán đoán và khiếu thẩm mỹ đó của bản thân đến từ những câu trả lời của anh. Nó cũng thể hiện qua thực tế, khi tôi nhận ra từ diễn biến của cuộc nói chuyện, rằng anh quả là đang phỏng vấn tôi, kiểm tra tôi để xem liệu tôi có “thẩm thấu” được điều đặc biệt về những gì anh đã, đang và sẽ làm ở NeXT không. Sau này, tôi mới nhận ra rằng đó là vì Steve muốn bất cứ cái gì viết về anh, về công việc của anh đều phải đạt tiêu chuẩn chất lượng cao do chính anh đặt ra. Ở giai đoạn này của cuộc đời, anh nghĩ rằng anh có khả năng làm công việc của người khác tốt hơn họ làm – đây là thái độ hẳn nhiên sẽ khiến các nhân viên của anh phải lo lắng.

Cuộc phỏng vấn kéo dài 45 phút. Các kế hoạch mà anh vạch ra cho NeXT mới chỉ ở dạng phác thảo; hóa ra đây là một dấu hiệu cảnh báo sớm về những bất ổn mà công ty sẽ phải đối mặt trong những năm về sau. Tuy nhiên, có một điều hữu hình mà anh rất muốn thảo luận: logo của NeXT. Anh đưa cho tôi một cuốn sách quảng cáo nhỏ giải thích sự phát triển sáng tạo của biểu tượng trang nhã mà Paul Rand đã thiết kế. Cuốn sách cũng được thiết kế bởi chính Rand, với những chiếc lá mờ ảo bóng bẩy, tách biệt những trang giấy dày và mịn, được dập nổi với hướng dẫn từng bước cách anh đi tới quyết định sử dụng một hình ảnh được nói trong “nhiều ngôn ngữ thị giác khác nhau”. Logo là một hình lập phương đơn giản với từ NeXT được viết lần lượt theo thứ tự chữ cái với “màu đỏ tươi tương phản với đỏ hồng và xanh lá cây, màu vàng tương phản với màu đen (sự tương phản màu sắc mạnh nhất có thể)”, và “lơ lửng ở một góc 28 độ”, theo như diễn tả trong cuốn sách nhỏ. Lúc bấy giờ, Rand được xem là một trong những nhà thiết kế đồ họa hàng đầu của Mỹ; ông nổi tiếng vì đã tạo ra logo cho IBM, ABC Television, UPS, Westinghouse cùng nhiều công ty khác. Để có cuốn sách nhỏ này và bản nháp của một chiếc logo còn chưa chính thức được chọn, Jobs sẵn lòng nói lời từ biệt với 100.000 đô la. Sự phung phí đó, mặc dù để theo đuổi sự hoàn hảo, là phẩm chất không giúp ích gì được cho Jobs tại NeXT.

***

TÔI ĐÃ KHÔNG viết câu chuyện nào sau buổi gặp gỡ đó. Một chiếc logo đầy hình tượng cho một công ty còn trong trứng nước chưa đủ để được coi là một bản tin, dù người đặt và người thiết kế nó có là ai đi nữa. (Bên cạnh đó, bấy giờ tạp chí Wall Street Journal cũng chưa bao giờ xuất bản tranh ảnh; thực tế thì tờ báo không bao giờ in bất cứ thứ gì có màu sắc. Vì vậy ngay cả khi tôi muốn viết về chiếc phù hiệu mới sáng bóng của Steve thì vẻ đẹp tinh tế, huyền ảo của nó cũng khó mà truyền tải được tới các độc giả, những người lúc đó ít quan tâm tới việc thiết kế hình ảnh.)

Không viết một bài đặc biệt nào là phát súng đầu tiên trong sự đàm phán kéo dài suốt 25 năm đánh dấu mối quan hệ của chúng tôi. Như với hầu hết các mối quan hệ phóng viên/nguồn tin khác, có một lý do khiến Steve và tôi muốn liên lạc với nhau: Chúng tôi có thứ mà người kia cần. Tôi có thể đưa anh lên trang nhất của Wall Street Journal và, sau đó là trang bìa của tạp chí Fortune; còn anh ấy có câu chuyện mà độc giả của tôi muốn đọc. Tôi muốn viết tốt hơn và sớm hơn tất cả các phóng viên khác. Anh thường muốn tôi viết về các sản phẩm mới; còn độc giả của tôi muốn biết về anh, nếu không hơn thì cũng nhiều như muốn biết về sản phẩm. Anh muốn tôi chỉ ra tất cả ưu điểm của sản phẩm, đặc tính và vẻ đẹp trong quá trình sáng tạo ra nó; còn tôi thì muốn đứng sau cánh gà và theo dõi những sóng gió mà công ty của Steve phải đối mặt khi cạnh tranh để đưa tin. Đây là chủ đề ngầm trong hầu hết các giao dịch giữa chúng tôi: một sự trao đổi trong đó mỗi người hy vọng sẽ thuyết phục bằng cách tâng bốc người kia vào một dạng giao dịch có lợi. Đối với Steve, điều này giống như trong trò chơi bài, nơi mà có hôm tôi cảm thấy chúng tôi cùng phe trong trò chơi bốn người nhưng hôm sau lại thấy mình chỉ như một kẻ non nớt cầm trên tay bộ bài có lá bài cao nhất chỉ là tám trong trò xì tố(1). Thường thì anh ấy làm tôi cảm thấy như thể anh nắm đằng chuôi – dù điều này có thể đúng hoặc không.

Bất chấp thực tế rằng Journal không đăng bất cứ bài gì về Steve vào lúc đó, Steve nói với Cathy Cook, một cựu binh ở Thung lũng Silicon đang làm việc cho Allison Thomas, rằng cuộc phỏng vấn diễn ra tốt đẹp và anh ấy nghĩ tôi cũng “ổn đấy”. Thỉnh thoảng, anh ấy lại yêu cầu Cathy mời tôi tới NeXT để cập nhật thông tin. Một cách thẳng thắn thì không có nhiều thứ đáng để đưa tin, ít nhất theo quan điểm của Journal – tôi đã không viết gì đáng kể về NeXT cho đến năm 1988, khi Steve cuối cùng cũng tiết lộ chiếc máy tính trạm đầu tiên của công ty. Nhưng các chuyến viếng thăm luôn kích thích trí tò mò và tiếp thêm sinh lực cho tôi.

Một lần anh gọi tôi tới, hồ hởi báo về việc thuyết phục Ross Perot đầu tư 20 triệu đô la vào NeXT. Từ vẻ bề ngoài mà nói, họ là một cặp đôi cọc cạch nhất: Perot, một cựu binh hải quân để tóc húi cua, bảo thủ, cực kì yêu nước, đang đầu tư vốn cho một người nguyên là dân hip-pi, vẫn thích đi chân trần, ăn chay và không tin vào việc sử dụng chất khử mùi. Tuy nhiên, giờ đây tôi đã biết về Steve đủ để hiểu rằng anh và Perot, người tôi từng phỏng vấn vài lần, thực ra là những tâm hồn đồng điệu: cả hai đều là những người tự học theo trường phái duy tâm, có phong cách riêng. Tôi nói với anh rằng anh nhất thiết phải tới thăm Perot ở phòng làm việc tại Electronic Data Systems (EDS) ở Dallas, nếu không vì một lý do nào khác thì cũng là ngắm bộ sưu tập đồ sộ những công trình điêu khắc đại bàng và dãy cờ Mỹ dàn hàng theo con đường lái xe ở trụ sở chính. Steve cười và đảo mắt đầy thích thú: “Đã ở đó và làm vậy”. Anh hỏi liệu tôi có nghĩ rằng anh bị điên vì thích Perot không. “Làm sao người ta có thể không thích Perot một chút nào sau khi đã gặp ông ấy?”, tôi trả lời. “Ông ấy vui tính đấy.” Steve cười khúc khích đồng ý, rồi thêm vào: “Một cách nghiêm túc thì tôi nghĩ mình có thể học hỏi nhiều điều từ ông ấy”.

Trải qua thời gian, việc chúng tôi cùng độ tuổi trở thành một chiếc cầu nối hơn là rào chắn. Steve và tôi đều trải qua những sự kiện trọng đại của tuổi thanh niên giống nhau. Tôi có thể nói điều tương tự về Bill Gates, người mà tôi cũng theo dõi và đưa tin một cách rộng rãi, nhưng anh ấy không phải là sản phẩm của những trường công hay sự giáo dục của tầng lớp lao động. Cả ba chúng tôi né tránh được bom đạn trong cuộc chiến tranh Việt Nam vì nghĩa vụ quân sự bắt buộc được bãi bỏ khi chúng tôi 18 tuổi. Tuy nhiên, so với Bill thì Steve và tôi là sản phẩm rõ ràng hơn của một thế hệ phản đối chiến tranh, ưa chuộng tình yêu và hòa bình. Chúng tôi là những người thích âm nhạc, mê tít những máy móc cải tiến và chúng tôi không ngại thử nghiệm những trải nghiệm và ý tưởng mới lạ. Steve là con nuôi, và chúng tôi thỉnh thoảng có nói về chuyện này, nhưng khía cạnh giáo dục đó gần như chưa từng có tác động lớn nào lên trí tuệ và sự phát triển văn hóa của Steve giống như bối cảnh chính trị, xã hội – và chiếc hộp cát đồ chơi công nghệ cao – rộng lớn hơn gắn liền với tuổi thơ của chúng tôi.

Trong những năm khởi đầu đó, Steve có một lý do quan trọng để nuôi dưỡng mối quan hệ với tôi. Trong thế giới máy tính biến động không ngừng những năm cuối thập niên 1980, việc tạo dựng sự hồi hộp, ngóng đợi đối với sản phẩm lớn tiếp theo của anh là vô cùng quan trọng để thu hút khách hàng và các nhà đầu tư tiềm năng, điều này càng ý nghĩa hơn nếu biết rằng NeXT cần tới 5 năm để sản xuất ra một chiếc máy tính có khả năng hoạt động. Trong suốt cuộc đời, Steve có một cảm giác mãnh liệt và giá trị chiến thuật của thông tin báo chí; đây chỉ là một phần mà Regis McKenna, người có lẽ là cố vấn ban đầu quan trọng nhất của anh, gọi là “năng khiếu marketing bẩm sinh của Steve. Thậm chí khi mới 22 tuổi, anh ấy đã có trực giác đó”, McKenna nói thêm. “Anh ấy hiểu điều gì là vĩ đại về Sony, về Intel. Anh ấy muốn tạo dựng mẫu hình ảnh đó cho thứ mà anh ấy sẽ tạo ra”.

Trong những năm sau đó, khi biết rằng Apple cũng là một trong những công ty mà tôi theo dõi và viết tin cho Journal, và sau đó là Fortune, Steve thường triệu tập tôi tới vào những thời điểm có vẻ như là ngẫu nhiên để cung cấp cho tôi những “tin tức tình báo” mà anh nghe được từ những đồng nghiệp cũ vẫn đang làm việc tại Apple, hay đơn giản chỉ để chia sẻ quan điểm về những màn kịch không hồi kết diễn ra tại công ty cũ đó ở Cupertino. Dần dà, tôi hiểu được rằng anh ấy là một nguồn đáng tin cậy để tìm hiểu về mớ hỗn độn tại Apple đầu những năm 1990 – và sau này tôi cũng nhận ra rằng chẳng có gì ngẫu nhiên trong những cuộc gặp đó cả. Steve luôn có một lí do không tiện nói ra: Đôi khi anh ấy hy vọng lượm lặt được thông tin về đối thủ cạnh tranh; đôi khi anh có một sản phẩm muốn tôi kiểm tra; đôi khi anh muốn trừng phạt tôi vì những thứ tôi đã viết. Anh cũng lợi dụng trường hợp sau cùng để từ chối; một lần, cuối những năm 1990, sau khi Steve trở lại công ty mà mình đồng sáng lập, tôi gửi cho anh ấy một bức thư ngắn rằng tôi nghĩ đã đến lúc viết một câu chuyện khác về Apple cho Fortune. Trước đó, tôi đã tạm ngưng liên lạc với mọi người trong một vài tháng để phẫu thuật hở tim – anh ấy có gọi điện đến bệnh viện chúc tôi mau khỏe – nhưng bấy giờ tôi đã sẵn sàng quay trở lại công việc. Thư điện tử trả lời của anh thật đơn giản: “Này Brent“, anh viết, “như tôi còn nhớ thì anh đã viết một câu chuyện khá vớ vẩn về tôi và Apple mùa hè năm ngoái. Tôi nhớ nó đã xúc phạm tới tình cảm của tôi. Sao anh lại viết một câu chuyện kinh tởm đến vậy?”. Nhưng một vài tháng sau, anh ấy đã dịu xuống và hợp tác để tôi viết một bài đặc biệt khác về công ty.

Giữa hai chúng tôi tồn tại một mối quan hệ dài, phức tạp và chủ yếu là làm vừa lòng cả hai. Khi tôi bất ngờ gặp Steve tại các sự kiện của ngành máy tính, anh giới thiệu tôi là bạn, điều này có cái gì đó bợ đỡ, kì cục, đúng sự thật nhưng không phải lúc nào cũng đúng là thế. Trong một thời gian ngắn khi anh có văn phòng ở Palo Alto gần tòa soạn của Fortune, thỉnh thoảng tôi tình cờ gặp anh đâu đó xung quanh thành phố và chúng tôi dừng lại để buôn đủ thứ chuyện. Có lần, tôi giúp anh mua quà sinh nhật cho vợ, Laurene. Tôi đến thăm nhà anh ấy đôi ba lần, không vì việc này thì cũng vì việc khác, nhưng chẳng theo một thủ tục, quy định nào giống như với các CEO khác. Tuy vậy lúc nào chúng tôi cũng giữ vai trò trong mối quan hệ một cách rõ ràng: Tôi là phóng viên, còn anh ấy là đối tượng và nguồn tin. Steve thích một vài bài viết của tôi – còn những bài khác, giống như bài đã khiến anh viết bức thư điện tử kia, lại làm anh tức điên lên. Sự độc lập của tôi và nguồn tích trữ thông tin của anh đã tạo ra biên giới cho mối quan hệ của cả hai.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button