Kinh doanh - đầu tư

Sự Tuyệt Chủng Của Con Người Kinh Tế

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Michael Shermer

Download sách Sự Tuyệt Chủng Của Con Người Kinh Tế ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  KINH DOANH – ĐẦU TƯ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

 

Lời giới thiệu

Vì sao tiền không mua được hạnh phúc?

Vì tiền và hạnh phúc là hai phạm trù không liên quan với nhau.

Khám phá này nghe qua chắc không khiến bạn sửng sốt đến nỗi có thể làm rơi thìa khi đang ăn, hoặc rớt vỡ đĩa khi đang cầm, nhưng nó chính là bí mật ẩn sâu trong tiềm thức của bạn – một sự kết nối vô hình. Cũng giống như phần thịt thừa trên bàn tay loài gấu trúc có liên quan đến khái niệm sự thích nghi từ trước vậy. Một cụm từ khiến ta phải trăn trở đến chiều sâu ý nghĩa của nó, để rồi trong khi tìm hiểu điều bí ẩn ấy, ta bắt gặp rất nhiều điều bí ẩn khác. Và, tựu trung lại, bạn sẽ hiểu rằng quá trình tiến hoá của sự sống cũng giống như của công nghệ tuân thủ một trật tự khắc nghiệt: tuyệt chủng mới là quy luật, còn sống sót chỉ là ngoại lệ.

Đến đây, đã đủ làm bạn cảm thấy bí mật đan xen bí mật, điều tưởng đã biết dường như vừa có thêm tầng ý nghĩa mới chưa?

Đó chính là cách tiếp cận vấn đề rất tuyệt của tiến sĩ Michael Shermer, một nhà văn khoa học Mỹ, nhà nghiên cứu lịch sử khoa học, người sáng lập Hiệp hội Hoài nghi, hiện đang có hơn 55.000 thành viên, và Tổng biên tập tạp chí Hoài nghi.

Trong cách trình bày vấn đề của mình, ông hay đặt độc giả vào những tình huống hết sức khó chịu. Ví như, phải đối diện với vấn đề đạo đức cá nhân khi gặp một tình huống cần giúp đỡ, bạn sẽ chọn hại một người để cứu nhiều người; hay, bạn chọn sẽ thay đổi một thứ gì đó để cứu nhiều người? Dĩ nhiên, đa số chúng ta đều chọn không làm hại người khác để cứu một người khác. Vấn đề đặt ra là, khó chịu hơn một chút nữa, nếu bạn chỉ có một lựa chọn hại người khác để cứu nhiều người, bạn sẽ làm gì?

Nếu những vấn đề trình bày trong cuốn sách này là thế, phải chăng đây là một cuốn sách rao giảng về đạo đức. Không, bạn đừng vội lo lắng quá. Vì ngay ở chương hai cuốn sách, tác giả đã đề cập đến vấn đề “Trực giác kinh tế trong ta”? Chắc chắn, đây là một cuốn sách về kinh tế. Nhưng hãy cẩn thận, vì Shermer sẽ thuyết minh cho bạn quan điểm riêng về vấn đề tiền bạc, được minh họa bằng công trình nghiên cứu của hàng loạt các giáo sư khả kính – những bậc thầy kinh tế mà giải Nobel là một đảm bảo chắc chắn. Nhưng đồng thời, ông cũng phê phán việc con người đã dùng cái xúc cảm nhạy bén và quá ư thiên kiến của mình để định nghĩa về chúng.

Bạn sẽ phân vân giữa ngã ba đường, rằng quyển sách này hướng dẫn bạn điều gì? Nên định nghĩa lại các giá trị đạo đức hay chỉ dẫn bạn cách tiêu tiền dựa trên sai lầm tinh tế của cảm xúc mà bạn đã phạm phải trong quá khứ?

Nếu vội vàng xem chương kết luận, bạn sẽ dễ nhầm lẫn nghỉ mọi người được tự do lựa chọn hành động cho bản thân. Nhưng, hãy lật giở từng trang từ đầu cuốn sách, đọc từng dòng, từng dòng… để lối hành văn kể chuyện liệt kê, mạch lạc dẫn dắt lôi cuốn, bạn sẽ thấy dường như có một trình tự nào đó đã từ từ nắm bắt, điều chỉnh suy nghĩ của bạn.

Xin mời bạn cùng bước vào cuộc phiêu lưu.

ĐỌC THỬ

1. Bước nhảy vọt

Dọc bờ sông Orinoco, ranh giới giữa Brazil và Venezuela, có bộ tộc Yanomamö sinh sống bằng nghề săn bắt-hái lượm với mức thu nhập bình quân đầu người hàng năm ước tính chỉ vào khoảng 100 đô-la. Nếu bạn đến thăm một ngôi làng của người Yanomamö và đếm số công cụ bằng đá, giỏ, mũi tên, cung tên, chỉ sợi, võng dệt bằng dây leo, ấm đất, dược thảo, vật nuôi, đồ ăn, vải vóc và những thứ tương tự như thế, bạn sẽ thu được con số chừng ba trăm. Hơn mười ngàn năm trước, với số tài sản này, bất kỳ ngôi làng nào trên trái đất cũng có thể được coi là giàu có. Nếu như loài người có lịch sử 100 ngàn năm thì ngót 90 ngàn năm chúng ta sống với điều kiện kinh tế giản đơn như vậy.

Dọc bờ sông Hudson, ranh giới giữa New York và New Jersey, những người tiêu dùng và thương nhân Manhattan đang sinh sống với mức thu nhập hàng năm ước tính lên tới 40.000 đô-la. Nếu bạn đến Manhattan và đếm những sản phẩm bày bán tại các cửa hiệu, nhà hàng, đại lý, siêu thị, bạn sẽ thu được con số khoảng mười tỷ. Đây là một cách so sánh dị thường, lần đầu tiên được nhà Eric Beinhocker đưa ra trong nghiên cứu toàn diện Nguồn gốc của giàu có. Đã có một biến chuyển nào đó trong mười ngàn năm trở lại đây, khiến thu nhập của những người săn bắt, hái lượm tăng lên bốn trăm lần.

Nhưng con số này sẽ hoàn toàn lu mờ nếu ta so sánh đời sống của những người săn bắt-hái lượm với những người tiêu dùng và thương nhân qua số lượng hàng hóa.

Để đo lường thông số này, kinh tế học hiện đại sử dụng đơn vị hàng tồn kho (Stock Keeping Units – SKUs) để tính số hàng hóa sẵn có ở một cửa hàng. Theo thống kê, mỗi ngày có bảy trăm loại hàng hóa mới được tung ra thị trường, tương đương với một phần tư triệu loại mỗi năm. Năm 2005, chỉ riêng lĩnh vực thực phẩm và đồ gia dụng đã xuất hiện thêm 26.893 loại hàng hóa mới, trong đó bao gồm 187 loại thực phẩm làm từ ngũ cốc dùng cho bữa sáng, 303 loại nước hoa phụ nữ và 115 loại sản phẩm khử mùi. Giữa con số ba trăm SKUs của bộ tộc Yanomamö và mười tỷ SKUs của cư dân Manhattan có sự chênh lệch lên đến 33 triệu lần.

Sự khác biệt 400 lần về thu nhập và 33 triệu lần về lượng hàng hóa quả là không còn lời nào để tả. Để hiểu được sự chênh lệch quá khập khiễng này, cần phải lấy một ví dụ tương tự. Ngược lại với khoảng cách thu nhập, bề ngang rộng nhất của hòn đảo Manhattan chỉ vẻn vẹn 3,7 ki-lô-mét, bạn hoàn toàn có thể đi hết quãng đường này trong vòng chưa đầy một giờ, vừa đi vừa ngắm các cửa hiệu và các tòa nhà chọc trời. Nhân con số này với 400 bạn sẽ có 1.480 ki-lô-mét, dài hơn một chút so với khoảng cách từ New York tới Atlanta, nếu đi bộ với tốc độ vừa phải, không ngừng nghỉ, bạn phải mất 261 giờ (10,9 ngày) để vượt qua quãng đường này. Sự khác biệt còn rõ rệt hơn nữa khi chúng ta so sánh thông qua SKUs. Chiều dài Manhattan là 21,5 ki-lô-mét. Nhân con số này với 33 triệu, con số thu được sẽ là 709.500.000 ki-lô-mét, xấp xỉ khoảng cách từ Trái Đất đến Sao Mộc khi hai hành tinh này đang quay trên quỹ đạo và ở cùng phía so với mặt trời. Để đi bộ hết chiều dài thành phố Manhattan bạn chỉ cần một ngày nhưng một phi hành gia, dù bay với tốc độ khủng khiếp lên đến trên 51.000 ki-lô-mét một giờ, cũng cần một năm rưỡi mới tới được Sao Mộc.

Đây quả thực là một bước nhảy vọt, có thể so sánh với sự tiến hóa của động vật đi bằng hai chân, sự phát triển của đại não và ý thức; nó có ý nghĩa lớn lao giống như sự phát minh ra lửa, ngành in ấn và Internet; đồng thời cũng xứng đáng xếp ngang hàng với các cuộc Cách mạng Nông nghiệp, Cách mạng Công nghiệp và Cách mạng Số. Bước nhảy vọt này không diễn ra dần dần. Số liệu cho thấy mức thu nhập bình quân hàng năm tương đương 100 đô-la chỉ được nâng lên khoảng 150 đô-la vào năm 1000 trước Công nguyên – cuối thời đồ đồng và vào thời vua David. Con số này cũng không qua khỏi mốc 200 đô-la cho đến sau năm 1750, khi Cách mạng Công nghiệp bắt đầu manh nha. Nói cách khác, phải mất đến 97 nghìn năm để đưa mức thu nhập bình quân hàng năm của loài người từ 100 lên 150 đô-la, và mất thêm 2.750 năm nữa để chạm mốc 200 đô-la, nhưng cuối cùng, chỉ trong vòng 250 năm, con số này đã vọt lên 6.600 đô-la trên toàn thế giới – đối với những người giàu nhất tại các nước giàu nhất, sự thay đổi thậm chí còn ngoạn mục hơn nhiều. Nếu thu gọn quãng thời gian 100 nghìn năm đó vào một năm, 250 năm thịnh vượng của loài người chưa dài bằng một ngày. Nếu thu gọn cả một trăm thiên niên kỷ đó trong 24 tiếng đồng hồ, kỷ nguyên sản xuất công nghiệp và kinh tế thị trường của chúng ta mới tồn tại chưa đến 3,6 phút. Nói khác đi, thời đại chúng ta đang sống và coi nó bình thường như thế giới vốn có, thực chất chỉ là góc phần tư của một phần trăm lịch sử nhân loại.

Tại sao và bằng cách nào con người tạo nên bước nhảy vọt về kinh tế như vậy? Chúng ta có thể trả lời câu hỏi này thông qua phương pháp và kết quả nghiên cứu của nhiều lĩnh vực khoa học mới về tiến hóa, bao gồm lý thuyết phức hợp, tâm lý học tiến hóa, kinh tế học hành vi, kinh tế học thần kinh và kinh tế học đạo đức. Phải vận dụng tất cả những môn khoa học mới này, kết hợp với các khoa học truyền thống khác, chúng ta mới mong giải đáp được câu hỏi mà cho đến nay vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất của thời đại.

Để đơn giản hóa, tôi sẽ gộp chung các môn khoa học này vào nhóm Kinh tế học tiến hóa – nghiên cứu kinh tế dưới góc độ một hệ thống thích nghi và tiến hóa phức tạp mang những bản năng của con người qua quá trình tiến hóa để thích nghi và tồn tại như một động vật xã hội kể từ thời đồ đá. Đây là cách diễn đạt hoa mỹ việc xem nền kinh tế như một hệ thống phức tạp đã thay đổi và thích nghi với hoàn cảnh trong quá trình tiến hóa từ những hệ thống giản đơn hơn; việc suốt 90 ngàn năm đầu tiên, con người sống bằng săn bắt, hái lượm và tụ tập thành những bầy đàn nhỏ; và chính môi trường này đã hình thành nên trong chúng ta những tâm lý không mấy đầy đủ để hiểu và sống trong thế giới hiện đại. Thực chất, nhằm giải thích bước nhảy vọt của lịch sử nhân loại, tôi sẽ giải quyết ba vấn đề liên quan đến vấn đề: thị trường – như một thực thể sống có khả năng tư duy độc lập.

  1. 1. Quá trình hình thành một thị trường có tư duy – hay, các nền kinh tế đã tiến hóa ra sao từ săn bắt-hái lượm đến tiêu dùng-buôn bán.
  2. 2. Cách thức thị trường tư duy – hay, phương thức nào bộ não của con người, vốn tiến hóa để phù hợp với nền kinh tế săn bắt-hái lượm, nay phải thích nghi để điều hành thị trường tiêu dùng-buôn bán.
  3. 3. Tính đạo đức của thị trường có tư duy – hay, cách thức các xúc cảm đạo đức tiến hóa nhằm giúp chúng ta hợp tác và tạo điều kiện cho thương mại công bằng, tự do.

Đây quả là một vấn đề hết sức nan giải.

Từ khi tham gia khóa thiên văn học vào năm đầu đại học, tôi nhận thấy cả cộng đồng khoa học lẫn xã hội nói chung có xu hướng xếp loại khoa học thành những lĩnh vực từ “khó” (các môn khoa học tự nhiên như thiên văn học, vật lý, hóa học) đến “trung bình” (các môn sinh vật học như giải phẫu học, sinh lý học, động vật học) và “dễ” (các môn khoa học xã hội như tâm lý học, xã hội học, nhân chủng học). Lịch sử thậm chí không được coi là một môn khoa học, còn kinh tế học thì chật vật trong một lãnh địa học thuật riêng. Và như thường thấy ở các bảng xếp hạng, thứ tự trên đồng thời đánh giá tầm quan trọng của các môn khoa học, trong đó các môn khoa học khó là quan trọng nhất còn các môn khoa học dễ là ít quan trọng nhất, và kèm theo đó là mức độ trọng thị và ủng hộ tương ứng. Nhưng, nhờ được đào tạo cả về lĩnh vực khoa học tự nhiên và sinh vật học, đồng thời có kiến thức tổng quát cùng kinh nghiệm thực tế ở lĩnh vực khoa học xã hội, tôi luôn cảm thấy thứ tự xếp hạng này cần được đảo lại.

Khoa học tự nhiên khó ở chỗ các công thức tính toán cực kỳ phức tạp, song đối tượng nghiên cứu của nó dễ nắm bắt và luận giải hơn nhiều so với thế giới sự sống và các hệ sinh thái đan xen chặt chẽ, phức tạp. Nhưng xây dựng lý thuyết sinh vật học – một trong những vấn đề nan giải nhất của lĩnh vực khoa học nghiên cứu sự sống – cũng vẫn thua xa về mức độ phức tạp so với nghiên cứu trí não con người và xã hội. Theo quan điểm của tôi, khoa học xã hội là lĩnh vực khoa học khó, vì đối tượng nghiên cứu của nó phức tạp và đa dạng hơn rất nhiều.

Trong lĩnh vực thần kinh học, nghiên cứu ý thức từ lâu đã được xem là “vấn đề khó khăn”. Không dễ gì giải thích cách thức hàng tỷ neuron riêng lẻ tập hợp lại để tạo thành ý thức, khoa học gọi là “xã hội của trí tuệ”. Một vấn đề khó hơn nữa – tôi gọi là bài toán hóc búa – khoa học giải thích như thế nào về cách thức hàng tỷ con người riêng lẻ hình thành nên một hiện tượng tập thể mang tên văn hóa, hay “xã hội của văn hóa”, và thể chế kinh tế, chính trị nào nên được sử dụng nhằm đạt đến sự hài hòa về xã hội?

Khi loài người chuyển từ đời sống săn bắt-hái lượm sang tiêu dùngbuôn bán, các nhóm người đã tiến hành hàng trăm cuộc thực nghiệm xã hội nhằm giải bài toán hóc búa trên. Các bầy đàn, thị tộc, bộ lạc, nhà nước, đế chế đã lần lượt ra đời. Các chế độ thần quyền, tài phiệt, quân chủ và dân chủ đã được thử nghiệm. Các tư tưởng trung thành với bộ lạc, trung ương tập quyền, xã hội chủ nghĩa và nay là toàn cầu hóa không ngừng nối tiếp nhau. Từ chỗ không có thương mại tiến tới thương mại công bằng và thương mại tự do, dường như các trật tự kinh tế đã không ngừng hoán vị, với mức độ thành công khi nhiều khi ít. Suốt hàng thiên niên kỷ, các triết gia và học giả thuộc mọi tầng lớp, từ khắp mọi nơi trên thế giới đã nỗ lực giải quyết bài toán hóc búa này song không đạt được nhiều đồng thuận. Liệu khoa học hiện đại có làm tốt hơn?

Tiến hóa là một quá trình phức tạp thể hiện qua các hành vi giản đơn của các thực thể nhằm tồn tại và duy trì nòi giống. Nền kinh tế là các hệ thống phức tạp thể hiện qua hành vi giản đơn của con người nhằm kiếm sống và nuôi dạy con cái. Vì thế, khi giải thích (1) các nền kinh tế đã tiến hóa ra sao từ săn bắt-hái lượm đến tiêu dùng-buôn bán, (2) làm sao để trí não con người, vốn tiến hóa để phù hợp với nền kinh tế săn bắt-hái lượm, nay phải điều hành thị trường tiêu dùng-buôn bán, và (3) cách thức các xúc cảm đạo đức tiến hóa nhằm giúp chúng ta hợp tác và tạo điều kiện cho thương mại công bằng, tự do; về thực chất chúng ta cần nghiên cứu (1) hành vi của thị trường và nền kinh tế, (2) sự vận hành của tâm lý con người trong thị trường và nền kinh tế , và (3) khía cạnh đạo đức của thị trường và nền kinh tế.

Sự tiến hóa và nền kinh tế không chỉ tương đồng đơn thuần, thực chất chúng là hai ví dụ khác nhau về cùng một hiện tượng bao quát hơn mang tên các hệ thống thích nghi phức tạp, trong đó mỗi yếu tố, bộ phận, thực thể hay con người tương tác, trao đổi thông tin và thích nghi hành vi của mình với sự thay đổi điều kiện sống. Đây là các hệ thống luôn học hỏi và phát triển trong quá trình tiến hóa từ giản đơn đến phức tạp, đồng thời có tính tự xúc tác, nghĩa là chúng bao gồm các vòng phản hồi tự truyền động (giống như hệ thống phóng thanh tạo ra một vòng phản hồi giữa loa và micrô, khiến cường độ và âm lượng nhanh chóng tăng lên). Sau đây là một vài ví dụ về các hệ thống thích nghi phức tạp và những gì phát triển từ chúng, khi đặc tính tự xúc tác nội tại khiến chúng có khả năng tự tổ chức:

Sự sống thể hiện đặc tính tự tổ chức nổi bật của các hóa chất tiền sinh, được tập hợp theo một phương thức giúp chúng có khả năng tự duy trì, nhân bản và sinh sản.

Sự sống phức tạp thể hiện đặc tính tự tổ chức nổi bật của dạng sống giản đơn, khi các tế bào không nhân kết hợp với nhau tạo thành các tế bào nhân chuẩn phức tạp hơn – cơ thể chúng ta được cấu tạo bởi loại tế bào này – chúng bao gồm các hạt cơ quan từng là tế bào không nhân (chẳng hạn các ty lạp thể có DNA riêng).

Dạng sống đa bào thể hiện đặc tính tự tổ chức nổi bật của các dạng sống đơn bào, hợp nhất với nhau nhằm mục đích tồn tại và sinh sản.

Miễn dịch thể hiện đặc tính tự tổ chức nổi bật của hàng tỷ tế bào trong hệ thống miễn dịch nhằm chống lại vi khuẩn và virus.

Ý thức thể hiện đặc tính tự tổ chức nổi bật của hàng tỷ neuron thần kinh hoạt động theo những cơ chế phức tạp của não bộ.

Ngôn ngữ thể hiện đặc tính tự tổ chức nổi bật của hàng ngàn từ ngữ phát ra trong giao tiếp giữa những người sử dụng ngôn ngữ.

Luật pháp thể hiện đặc tính tự tổ chức nổi bật của hàng nghìn phép tắc và cấm cản bất thành văn, qua thời gian được soạn thảo thành những luật lệ và quy tắc thành văn nhằm phù hợp với các xã hội ngày càng to lớn, phức tạp.

Nền kinh tế thể hiện đặc tính tự tổ chức nổi bật của hàng triệu con người theo đuổi lợi ích cá nhân mà không nhận ra chính họ đang tạo ra một hệ thống phức tạp, to lớn hơn.

Các hệ thống thích nghi phức tạp dường như được hình thành từ trên xuống dưới, song thực tế trong quá trình tiến hóa các đối tượng được xây dựng từ dưới lên thông qua sự thích nghi theo chức năng – nó sẽ hoạt động, tồn tại và tái sinh ra hình mẫu tương lai của sự sống và văn hóa. Từ những dạng sống sơ khai nhất trong chuỗi phức hợp, chúng ta chứng kiến sự tiến hóa bắt đầu từ khi các tế bào giản đơn hợp thành các tế bào phức tạp, cấu tạo nên các dạng sống đa bào, và từ đó hình thành các quần thể, đơn vị xã hội, ý thức, ngôn ngữ, luật pháp và nền kinh tế.

Trong các cơ thể sống, hệ thống thích nghi phức tạp của tiến hóa được định hướng bởi chọn lọc tự nhiên, hay chọn lọc bằng tích lũy biến dị. Những chữ cái do một con khỉ gõ ngẫu nhiên vào bàn phím máy tính sau hàng tỷ năm cũng không thể trở thành Hamlet, hay đơn giản chỉ là “To be or not to be” (Sống hay không sống). Nhưng nếu thêm yếu tố chọn lọc tích lũy không ngẫu nhiên vào phương trình nhằm giữ lại những chữ gõ đúng và xóa bỏ những lỗi đánh máy:

wieTskewkOsdfeB92uE2OseRdl7jeNkseOdseTe3r22TsweOsxBwxseE…

Lập tức các ký tự vô nghĩa trên trở thành:

TOBEORNOTTOBE…

Nhằm chứng minh sức mạnh của chọn lọc tích lũy, người bạn và là đồng nghiệp của tôi, Richard Hardison, đã viết một chương trình máy tính minh họa chính xác quá trình này, trong đó, các chữ cái được gõ ngẫu nhiên và được “lựa chọn” dựa trên câu thoại nổi tiếng của Shakespeare. Trung bình chỉ với hơn 90 giây và 335,2 lần thử, máy tính đã chọn xong các chữ cái hợp thành câu thoại đó, trong khi nếu kết hợp ngẫu nhiên, chúng ta sẽ cần khoảng 2613 lần thử. Nghiên cứu song song và độc lập với Hardison, Richard Dawkins đã thiết kế một hệ thống chọn lọc tích lũy theo câu thoại nổi tiếng khác của Shakespeare METHINKSITISLIKEAWEASEL (Tôi thấy nó giống con chồn). Sau này khi chúng tôi nhận ra sự trùng hợp về kết quả nghiên cứu, Dawkins đã viết như sau.

Nếu ai thấu hiểu tầm quan trọng tột bậc của phép chọn lọc tích lũy nghiêm ngặt trong học thuyết Darwin, khi đối diện với cuộc tranh luận về tính phi xác xuất của tiến hóa, hẳn sẽ nghĩ ngay đến loài khỉ nổi tiếng vốn thường được dùng làm ví dụ nhằm tăng kịch tính cho cuộc tranh luận này. Đây là cách mô phỏng hiển nhiên nhất nhằm giải thích cho những ai còn hồ nghi. Sự chọn lọc này có thể được minh họa dễ dàng qua một chương trình khá đơn giản mà cả tôi và Hardison đã thực hiện gần như cùng lúc vào năm 1984 và 1985. Xét về bề mặt, những con khỉ phiền toái kia đã gõ nên tác phẩm Hamlet trứ danh của Shakespeare. “To be or not to be” là câu thoại nổi tiếng nhất trong vở kịch đó. Lẽ ra tôi cũng chọn câu này, song tôi nghĩ cuộc đối thoại giữa Hamlet và Polonius về hình thù các đám mây hẳn sẽ là một lời giới thiệu ngắn gọn, vì thế tôi chọn câu “Me thinks it is a Weasel.”

Trong tự nhiên, đột biến gene ngẫu nhiên và sự kết hợp gene của cha mẹ trong con cái sẽ hình thành biến dị, chính quy trình chọn lọc biến dị thông qua sự tồn tại của chủ thể mang gene sẽ thúc đẩy quá trình tiến hóa. Quá trình chọn lọc có hướng và tự tổ chức này hình thành nên tính phức tạp và đa dạng của sự sống. Chính vì thế tiến hóa là hiện tượng mang tính tự tổ chức rõ rệt.

Sự tiến hóa của nền kinh tế vật chất cũng diễn ra theo cách tương tự thông qua quá trình sản xuất, chọn lọc rất nhiều biến dị của vô số sản phẩm. Mười tỷ sản phẩm ở Manhattan mới chỉ đại diện cho các biến dị khiến chúng được tung ra thị trường, vì thế luôn có một quá trình chọn lọc bởi chính các nhà sản xuất nhằm dự đoán đúng nhu cầu của thị trường. Khi những lựa chọn này được đưa ra thị trường, quá trình chọn lọc tích lũy sẽ diễn ra để chọn lựa sản phẩm được ưa thích và đánh giá cao nhất về độ hữu dụng. Quá trình này được người tiêu dùng trên thị trường thực hiện thông qua “lá phiếu” bằng đồng đô-la, quyết định sản phẩm nào sẽ tồn tại: VHS thay thế Betemax, DVD thay thế VHS, đĩa CD thay thế băng từ, điện thoại nắp gập thay thế điện thoại “cục gạch”, máy tính thay thế máy đánh chữ, Google thay thế Altavista, xe hơi thể thao thay thế xe ngựa, sách in (vẫn) chưa bị sách điện tử thay thế và báo điện tử (sẽ sớm) thay thế mạng lưới thông tin truyền thống. Các sản phẩm được mua sẽ “tồn tại” và “sinh sôi” trong tương lai nhờ quá trình sử dụng và tái sản xuất lặp đi lặp lại.

Môi trường là không gian của sự tiến hóa. Thị trường là không gian của nền kinh tế. Giống như tự nhiên lựa chọn các biến dị thích hợp nhất tồn tại trong một môi trường đặc thù, con người cũng lựa chọn các hàng hóa, dịch vụ đáp ứng tốt nhất mong muốn, nhu cầu của họ trong một thị trường nhất định. Cần lưu ý trong sự tiến hóa và nền kinh tế, không có một đấng sáng tạo từ trên cao bao quát toàn bộ hệ thống. Trong cuộc sống, không ai có quyền “lựa chọn” sự tồn tại hay tuyệt chủng của các sinh vật, dù đó là loài thú đẻ con hiền từ hay những tay đô tể phát xít Đức khoác áo bác sỹ. Tiến hóa là một quá trình bất khả tri giác và bất khả tiên liệu – không ai có thể biết trước sự thay đổi nào sẽ cần thiết để tồn tại. Về khía cạnh này, sự tiến hóa không tuyệt đối tương đồng với nền kinh tế, vì một số thể chế pháp luật ban hành từ trên xuống dưới thực sự cần thiết nhằm thiết lập cơ chế cho phép thương mại bình đẳng và tự do phát triển. Nhưng nếu can thiệp quá nhiều từ trên xuống, thị trường sẽ mất đi tính công bằng và tự do, điều này đã được minh chứng bằng những thất bại trong quá khứ, vì thị trường là một hệ thống vô cùng phức tạp, có tính tương tác và tự xúc tác. Năm 1922, trong cuốn Chủ nghĩa xã hội, Ludwig von Mises đã giải thích nguyên nhân của những thất bại trên, đáng lưu ý nhất là vấn đề “tính toán kinh tế” trong một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Dưới chủ nghĩa tư bản, giá cả liên tục và nhanh chóng thay đổi tùy theo quyết định từ dưới lên của các nhân tự do trao đổi trên thị trường; dưới chủ nghĩa xã hội, giá cả chậm thay đổi và được hình thành từ trên xuống theo mệnh lệnh của nhà nước. Tiền tệ giữ vai trò phương tiện trao đổi và giá cả chính là thông tin định hướng lựa chọn của người tiêu dùng. Chỉ thị trường tự do mới có khả năng xác định mức giá mà tại đó cả người mua và người bán đều hài lòng.

Các nghiên cứu cho thấy giá vé máy bay trên mạng Internet thay đổi hàng nghìn lần mỗi giờ khi khách hàng tìm kiếm mức giá hợp lý nhất cho cùng một đích đến. Các hãng hàng không sử dụng những phần mềm phức tạp để điều chỉnh giá vé dựa trên tương quan cung cầu trong từng chuyến bay, số ghế còn trống tại từng thời điểm và các biến số khác, hình thành nên “hệ thống định giá năng động.” Hãy hình dung một ủy ban nhà nước về giá máy bay phải họp mỗi buổi sáng để tính toán giá vé cho một chuyến bay từ Greensboro, Bắc California tới Wichita, Kansas trên một số trong hàng chục chiếc phi cơ, không chỉ dựa trên cung cầu thị trường và số ghế trống mà còn phải xem xét cả giờ bay, loại máy bay, hạng vé, chi phí nhiên liệu, ưu đãi cho khách hàng thường xuyên, chiết khấu giá vé, cùng rất nhiều biến số khác, và phải thực hiện phép tính này cho hàng trăm ngàn khách hàng. Đây không phải một nhiệm vụ bất khả thi và một số nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung đã nỗ lực thực hiện, song việc làm này, giống như một chú chó chỉ có hai chân, thật khiếm khuyết, vụng về và hài hước đến đau lòng.

Một ví dụ khác cũng góp phần làm rõ luận điểm của tôi. Thật vô ích làm sao khi các nhân viên nhà nước cố gắng định giá từng cuốn trong số 170 nghìn đầu sách được xuất bản hàng năm và bày bán trên các trang web Amazon.com, BarnesandNoble.com, Buy.com, eBay, Half.com,… có tính đến sự khác biệt giữa sách bìa cứng và sách bìa mềm, chiết khấu nếu mua nhiều, chi phí vận chuyển tăng thêm nếu mua ít, và tất nhiên cũng giống như cách các hãng hàng không quy định giá vé, cần tính đến cả chế độ phân biệt giá; và sau cùng hãy thử nhân quá trình tính toán trên với hàng ngàn thị trường, ngành nghề, doanh nghiệp khác nhau, bạn sẽ thấy lý do hiển nhiên tại sao không một hệ thống điều tiết từ trên xuống nào có thể đáp ứng được tính nhạy bén về giá cả so với hệ thống giá cả thích nghi phức tạp từ dưới lên đang tồn tại hiện nay. Chỉ bằng cách để hàng triệu người mua, người bán liên tục và kịp thời thương lượng với nhau, chúng ta mới có thể định giá được hàng tỷ sản phẩm và hàng trăm triệu dịch vụ được cung ứng trong nền kinh tế hiện đại.

Cũng như đối với các cơ thể sống và hệ sinh thái, nền kinh tế thoạt nhìn giống như được bàn tay hữu hình sắp đặt, vì thế chúng ta thường suy ra rằng cần một đấng sáng tạo (nhà nước) từ trên cao nhìn xuống, bao quát mọi ngõ ngách của nền kinh tế. Nhưng cũng như các cơ thể sống được hình thành từ dưới lên do chọn lọc tự nhiên, nền kinh tế cũng được xây dựng từ dưới lên nhờ một “bàn tay vô hình.”

Trong suốt 90 nghìn năm đầu tiên của lịch sử loài người, chúng ta đã sống cuộc đời săn bắt-hái lượm, tụ họp thành những bầy đàn nhỏ từ vài chục đến vài trăm người, vì thế tâm lý chúng ta sau quá trình tiến hóa không phải lúc nào cũng sẵn sàng để thích nghi với cuộc sống hiện đại. Những gì được xem là phi lý ngày hôm nay lại là điều hợp lý vào 100 nghìn năm trước. Nếu không đứng trên quan điểm tiến hóa, giả định về Con người kinh tế sẽ hoàn toàn vô nghĩa. Hãy lấy lợi nhuận kinh tế và tâm lý thích công bằng làm thí dụ.

Các nhà kinh tế học hành vi đã tiến hành thí nghiệm mang tên Trò chơi tối hậu thư. Thí nghiệm này diễn ra như sau. Bạn được trao 100 đô-la để chia sẻ với bạn cùng chơi. Bạn muốn phân chia theo tỷ lệ nào cũng được miễn người kia đồng ý. Khi đạt được đồng thuận, số tiền phân chia sẽ thuộc về các bạn. Bạn nên đề nghị như thế nào? Tại sao không đề nghị phân chia 90-10 nhỉ? Nếu người bạn cùng chơi duy lý, có tính tư lợi và có xu hướng tối đa hóa tiền bạc – giống như các giả thiết trong mô hình kinh tế chuẩn mực Con người kinh tế – hẳn anh ta sẽ không từ chối mười đô-la từ trên trời rơi xuống. Vậy mà anh ta sẽ từ chối! Nghiên cứu chỉ ra rằng các tỷ lệ phân chia chênh lệch hơn mức 70-30 thường sẽ không được đối phương chấp nhận.

Tại sao lại như vậy? Bởi vì những cách phân chia này không công bằng. Điều gì nhắc nhở chúng ta về sự công bằng? Đó chính là tiếng nói của xúc cảm đạo đức “vị tha tương hỗ” đã tiến hóa từ thời kỳ đồ đá, khiến chúng ta có xu hướng đòi hỏi sự công bằng khi tiến hành trao đổi. Nguyên tắc “có đi có lại” chỉ áp dụng được khi tôi biết tôi sẽ nhận được thứ gì đó tương xứng với thứ đã cho đi. Ý thức về sự công bằng đã ăn sâu vào não trạng chúng ta, trở thành xúc cảm chung của loài người và cả bộ linh trưởng. Hàng ngàn thí nghiệm tại các nước phương Tây đã đồng loạt hé lộ cảm thức về sự bất công trước những chào hàng đại hạ giá. Hơn nữa, giờ đây chúng ta đã thu thập được nguồn số liệu khá đầy đủ từ các nước khác ngoài phương Tây, trong đó ở nhiều nơi con người có điều kiện sống khá gần với thời kỳ đồ đá, và cho dù phản ứng của họ không đồng đều như những người sống trong nền kinh tế thị trường, họ vẫn thể hiện rõ mối ác cảm trước sự bất công.

Sự tiến hóa này có thể quan sát rõ hơn ở các loài cùng bộ linh trưởng với con người. Khi tiến hành nghiên cứu loài tinh tinh và khỉ mũ, nhà linh trưởng học Frans de Waal, thuộc trường Đại học Emory, nhận thấy khi hai con vật cùng nhau thực hiện công việc nhưng chỉ một con được thưởng đồ ăn và không chia sẻ với con kia, con vật bị xử tệ sẽ từ chối hợp tác trong tương lai và bày tỏ nỗi bực tức trước sự bất công. Kết quả này cho thấy, các loài thuộc bộ linh trưởng, đặc biệt bao gồm cả loài người, đã tiến hóa cùng ý thức về sự công bằng, một xúc cảm đạo đức giúp các cá nhân đánh giá một giao dịch có bình đẳng hay không. Vô số bằng chứng xác đáng ở nhiều lĩnh vực khác cho thấy, công bằng là yếu tố có tính chiến lược lâu dài nhằm duy trì sự ổn định xã hội trong các bộ lạc thời tiền sử, nơi tinh thần hợp tác được củng cố và trở thành nề nếp, còn thói ăn bám bị trừng phạt và loại trừ. Rõ ràng một lựa chọn kinh tế được xem là bất hợp lý ngày nay – từ chối mười đô la “miễn phí” vì cảm thấy không công bằng – lại từng hết sức hợp lý khi nhìn qua lăng kính tiến hóa.

Lý thuyết cho rằng sự tiến hóa đơn thuần được thúc đẩy bởi các “gene vị kỷ” và các cơ thể sống đều cực kỳ tham lam, ích kỷ, bon chen quả là chuyện hoang đường, hệt như việc cho rằng nền kinh tế hoàn toàn do những con người cực kỳ tham lam, ích kỷ, bon chen… định hướng. Sự thật, chúng ta vừa vị kỷ vừa vị tha, vừa ôn hòa vừa hiếu chiến, vừa thích hợp tác vừa thích cạnh tranh, vừa thiên xã hội vừa phản xã hội. Trong cuộc sống và nền kinh tế đều tồn tại sự đấu tranh và tương trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, xét về tổng thể, trong bản năng chúng ta cái thiện vẫn thắng cái ác. Khi tờ báo buổi tối đưa tin về một hành vi tội ác, nên nhớ rằng còn có hàng vạn hành động hảo tâm diễn ra hàng ngày không báo chí nào ghi lại. Thị trường rất có đạo đức và các nền kinh tế hiện đại hình thành trên nền tảng bản chất hướng thiện của con người. Nếu không thế, thị trường tư bản chủ nghĩa đã cáo chung từ lâu.Đây không phải cách nhìn nhận nền kinh tế của thần Lạc quan. Tôi cũng không biện hộ rằng các doanh nghiệp hoạt động trên các thị trường tuyệt đối tự do lúc nào cũng có đạo đức. Mọi thứ đều cần có đối trọng, đó chính là nguyên tắc để xã hội tuân theo quy luật tiến hóa, tạo điều kiện cho thương mại diễn ra công bằng và tự do. Đúng như James Madison viết trong Các bài báo Liên bang số 51: “Nếu tất cả đàn ông, đàn bà đều là các thiên thần, chính phủ sẽ trở thành đồ bỏ đi. Nếu các thiên thần điều hành chính phủ, mọi biện pháp đối nội, đối ngoại sẽ trở thành thừa thãi.”

Tại sao khoa học nghiên cứu các hệ thống phức tạp về bản chất con người lại dự đoán và chứng minh tính thiện mạnh mẽ sẽ vượt lên trên mớ hỗn độn và lòng vị kỷ? Là một loài động vật có tổ chức xã hội, chúng ta đã tiến hóa để thể hiện tình hữu nghị trong cùng một nhóm và sự đối kháng với các nhóm khác, từ đó hình thành nên mối mâu thuẫn gay gắt giữa ham muốn ích kỷ cho bản thân và đòi hỏi công bằng cho nhóm, giữa đoàn kết gia đình và đoàn kết xã hội nhằm chống lại các thế lực bên ngoài. Nguyên tắc đầu tiên trong kinh tế học đạo đức chính là đặc tính di truyền phản ánh tính tương hỗ: khi được người khác ban tặng thứ gì, chúng ta thấy cần đền đáp lại bằng thứ khác.

Khi tương tác trong nhóm và giữa các nhóm, nhận thức của chúng ta về người khác, đặc biệt là nhận thức về cách người khác nghĩ về chúng ta có ảnh hưởng rất lớn; sở dĩ có điều đó là do chúng ta quan tâm đến uy tín và địa vị. Đó chính là lý do tại sao các thước đo uy tín đang phát triển nhanh chóng trên mạng Internet, thể hiện đặc tính tự tổ chức nổi bật của lòng tin. Đánh giá uy tín của người bán trên eBay, xếp hạng chất lượng sách qua các lời phê bình trên Amazon, đo lường danh tiếng các mạng xã hội nghề nghiệp như MySpace, Facebook, LinkedIn thông qua số lượng và chất lượng kết nối giữa người sử dụng mới chỉ là một vài ví dụ chứng minh nhu cầu về sự tin cậy trong bất kỳ giao dịch nào.

Chúng ta muốn được tôn trọng những người trao đổi ngay thẳng và trung thực. Nhưng chúng ta lại có tính bầy đàn khác thường, và nhận diện nhóm trở nên thiết yếu để nhận diện bản thân. Thật không may, phụ phẩm của tính bầy đàn phân biệt trong nhóm/ngoài nhóm này là tính bài ngoại. Con người luôn có mối ác cảm tự nhiên với Người khác, và biểu lộ khả năng phân loại những người xung quanh thành cùng phe/khác phe theo từng tiêu chí chi ly nhất – hãy nghĩ đến các băng nhóm như Khoai tây chiên và Máu, các xung đột sắc tộc giữa người Hutus và người Tutis, người Albany và người Serb, người Shiite và người Sunni. Dù luật pháp và giáo dục đã loại bỏ những lề thói bầy đàn cổ xưa này ra khỏi nền văn hóa, nhưng nền tảng tâm lý của chúng vẫn nằm sâu trong não trạng chúng ta từ thời đồ đá, chờ đợi thời cơ hành động. Khi thì người ta khuấy động chúng một cách thảm khốc nhằm phục vụ mục đích chính trị (trong các cuộc chiến tranh), khi thì người ta lợi dụng tính cạnh tranh của chúng nhằm phục vụ mục đích kinh tế (trong hoạt động thương mại).

Cùng lúc chúng ta tiến hóa từ các bầy đàn, bộ lạc thành các thành bang và nhà nước, các cộng đồng cũng ra sức tìm ra sự cân bằng giữa tự do và bình đẳng bằng cách thử nghiệm các kỹ thuật tổ chức xã hội khác nhau, khiến sự phân chia của cải đồng đều giữa các bầy đàn trở thành sự phân chia của cải theo thứ bậc, thể hiện địa vị và sức mạnh giữa các bộ lạc. Chủ nghĩa bình quân nguyên thủy (hoặc ít nhất là bình quân giả cách) đã tiêu biến khi các bầy đàn và bộ lạc hợp thành thành bang và nhà nước. Khi của cải trở thành biểu tượng của sức mạnh, những giá trị đạo đức được tôn vinh nổi bật lên nhằm bù đắp cho giá trị đối nghịch gắn liền với lợi ích cá nhân.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button