Kinh doanh - đầu tư

Quy Tắc Số 1

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Phill Town

Download sách Quy Tắc Số 1 ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  SÁCH KINH DOANH – ĐẦU TƯ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Làm giàu không khó

“Khi bạn thay đổi cách suy nghĩ, bạn đang thay đổi thế giới của mình”
— NORMAN VINCENT PEALE
(1898 – 1993)

Cuốn sách này là một hướng dẫn đơn giản giúp bạn thu được mức lợi nhuận trên 15% khi kinh doanh trên thị trường chứng khoán mà không gặp rủi ro. Trên thực tế, đầu tư theo Quy tắc số 1 sẽ giúp bạn tránh khỏi những ảnh hưởng từ sự thăng trầm của thị trường chứng khoán. Tôi sẽ chứng minh cho các bạn điều này ở phần cuối cuốn sách.

Ngày nay, việc đầu tư theo Quy tắc số 1 có vai trò rất quan trọng bởi nhiều lý do. Dễ thấy nhất là vì những người sinh sau Thế chiến thứ hai chỉ có trung bình 50.000 đô-la gửi ngân hàng để dành cho hai mươi năm nữa, khi họ nghỉ hưu. Họ nghĩ họ cần 1 triệu đô-la vào thời điểm nghỉ hưu, nhưng họ sẽ không kiếm được chừng đó. Thế hệ những người trẻ hơn thì chật vật với việc thanh toán các khoản nợ, tiết kiệm tiền, nhưng họ cũng nghĩ đến việc đầu tư vào thị trường chứng khoán. Nếu mọi người chỉ đầu tư vào trái phiếu chính phủ ít rủi ro với lãi suất 4%/năm(1), họ khó có thể bảo đảm cuộc sống cho mình khi bước vào tuổi nghỉ hưu. Mặt khác, cố gắng kiếm được 15% lợi nhuận bằng cách phỏng đoán đầu tư (còn gọi là “đầu cơ”) cũng dễ khiến bạn thua lỗ. Quy tắc số 1 giúp giải quyết vấn đề làm thế nào đạt được lợi nhuận cao nhưng ít rủi ro, và quy tắc này cũng giúp bạn kiếm được khoản dự trữ hưu trí mong muốn nhanh hơn, với khoản đầu tư ít hơn nhiều so với hình dung của bạn.

Tôi không phải là người phát minh ra Quy tắc số 1. Quy tắc số 1 lần đầu tiên được Benjamin Graham ở Trường đại học Columbia thiết lập và sau đó được phát triển bởi một người rất nổi tiếng, học trò của Graham và cũng là nhà đầu tư chuyên nghiệp thành công nhất trên thế giới – Warren Buffett. Theo Buffett “Chỉ có hai Quy tắc đầu tư: Quy tắc số 1: Tránh thua lỗ… và Quy tắc số 2: Đừng quên Quy tắc số 1”.

Tôi viết về Quy tắc số 1 vì tôi không phải là Buffett hoặc Graham. Nếu phải là một thiên tài mới có thể sử dụng được Quy tắc số 1 thì chẳng có gì để nói. Tôi là một người bình thường giống như các bạn. Tôi thích mọi thứ đơn giản và dễ hiểu. Tôi không học tại trường kinh doanh hoặc làm việc trên Phố Wall2. Tôi nhận biết được tầm quan trọng của Quy tắc số 1 khi phải trải qua những giai đoạn khó khăn. Nếu bạn có thể đầu tư mà không lo thua lỗ, bạn có sẵn sàng tự mình kiểm soát và tiến hành đầu tư không?

Rõ ràng, câu trả lời là có. Đó là lý do tôi được mời đi thuyết trình cho ít nhất 500.000 người mỗi năm để họ thấy rằng áp dụng Quy tắc số 1 thật dễ dàng. Tôi cũng thuyết trình về Quy tắc số 1 trên diễn đàn lớn vòng quanh nước Mỹ do Peter Lowe tổ chức có tên gọi “Hãy tự khởi động”. Tại đó, tôi được giới thiệu là “người đã giảng dạy về cách thức đầu tư cho nhiều người nhất tại nước Mỹ”. Trong chuyến đi đó, tôi có những buổi diễn thuyết cùng với Rudy Giuliani, Bill Clinton, George H.W. Bush, Gerald Ford, Jimmy Carter, Magaret Thatcher, Colin Powell, Mikhail Gorbachev, tướng Tommy Franks và thuyết trình Quy tắc số 1 cho hơn 2 triệu người. Bây giờ là lúc tôi nói với các bạn về Quy tắc số 1.

Trước khi tôi biết Quy tắc số 1 và bắt đầu chuyến du thuyết, tôi rất nghèo và không dám mơ tới việc mua những bất động sản đắt tiền hoặc du lịch vòng quanh thế giới. Tôi từng làm nhiều công việc như đào cống rãnh, làm sạch các thiết bị cho thuê, bơm xăng, lái xe tải, làm bồi bàn, may những chiếc dây đeo quần. Tôi tốt nghiệp trung học loại trung bình và phải thi đến bốn lần mới đỗ vào trường cao đẳng. Trong suốt bốn năm phục vụ trong quân ngũ, tôi có hai năm phục vụ trong lực lượng đặc biệt (thường được gọi là lính mũ nồi xanh) và có bốn tháng tham gia cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

Ngày 1/3/1972, tôi kết thúc nghĩa vụ quân sự tại Việt Nam và trở về Mỹ. Ngày cuối cùng trong quân ngũ, khi tôi rảo bước từ sân bay SeaTac tại Seattle, tự hào trong bộ đồng phục quân nhân với chiếc mũ nồi xanh thì một người đàn ông chạy lại, nhổ nước bọt vào tôi rồi chạy đi. Tôi rời xa nước Mỹ khá lâu để rồi không hề biết gì về việc người Mỹ khinh miệt tôi đến mức nào do những gì tôi làm khi được gửi ra nước ngoài chiến đấu. Sau nhiều năm phục vụ trong quân ngũ, tôi chỉ cần vài ngày ngắn ngủi làm một thường dân để nhận ra rằng nhiều người Mỹ nghĩ tôi thật ngu ngốc (hoặc còn tồi tệ hơn thế) khi dấn thân ra chiến trường.

Tôi bị thất nghiệp, nhưng cuối cùng tôi cũng tìm được việc làm hướng dẫn viên trên sông. Sau một vài năm làm việc tại California, Utah và Idaho, tôi chuyển tới làm việc tại Grand Canyon. Khi đó, tôi cũng để tóc dài như mọi người, mặc bộ đồ da đen, để chòm râu dê, sống trong một căn lều trong rừng gần Flagstaff, Arizona, và lái một chiếc Harley Davidson màu đen có tiếng động cơ kêu ầm ĩ khiến mọi người khiếp sợ. Cuộc sống của tôi cách xa Phố Wall và thế giới đầu tư chứng khoán. Lúc đó tôi đã ý thức rằng việc kiếm sống rất khó khăn.

Cuộc sống của tôi thay đổi vào năm 1980 khi tôi dẫn các thành viên quản trị của Outward Bound đi xuống hẻm núi trong vòng hai tuần. Outward Bound là một chương trình giáo dục thử thách con người ở mọi độ tuổi trong các môi trường khác nhau, thường là những cuộc thám hiểm tới những vùng hoang vu đầy mạo hiểm, để họ có thể học cách làm việc theo nhóm, cách làm lãnh đạo, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, tự khám phá v.v… Bởi vì Outward Bound để cho những người tham gia tự làm tất cả các công việc của họ nên chúng tôi quyết định cũng làm như vậy với các thành viên quản trị; thay vì chèo thuyền chở họ xuôi dòng sông, chúng tôi để họ tự chèo những chiếc bè nhỏ. Sau bảy ngày, chúng tôi tới Crystal, thác nước nguy hiểm nhất ở Grand Canyon. Mỗi giây 2.400m<sup>3</sup> nước đổ thẳng từ vách đá granít cao hơn 10m. Tại vách đá, độ cao và khối lượng của nước tạo ra một xoáy nước khổng lồ (được gọi là “Hố xoáy”). Trong tất cả các chuyến hướng dẫn xuôi theo hẻm núi, tôi chưa bao giờ tới gần hố xoáy, và người duy nhất tôi biết đã tới gần xoáy nước phải cố gắng lắm mới sống sót được. Anh nổi lên mặt nước với những vết rách sâu và lưng gần như bị gãy. Chúng tôi luôn luôn lái thuyền về phía phải của xoáy nước và tránh nó ra. Nhưng lần này, chúng tôi đang chèo thuyền, và tôi cần các thành viên khác giúp đỡ để lái con thuyền sang mé phải con sông. Chúng tôi khởi đầu khá suôn sẻ, thuyền trôi xuôi dòng về mé phải, nhưng khi tôi yêu cầu mọi người trên xuồng chèo về phía bờ phải, con thuyền gần như đứng tại chỗ. Trên thực tế, chúng tôi đang chèo ngày càng gần đến hố xoáy. “Hãy chèo hết sức! Mạnh lên nào! Cuộc sống của các bạn phụ thuộc vào đó!”

Thế nhưng, chúng tôi ngày càng bị cuốn gần hố xoáy. Lúc đó, tôi yêu cầu mọi người chèo mạnh hơn nữa như thể cuộc sống của tôi phụ thuộc vào đó, và điều đó khiến mái chèo của họ va vào nhau. Những mái chèo cứ khua trong không khí còn con thuyền vẫn bị kéo ngược lại. Con thuyền xoay vòng và ngày càng tiến thẳng đến hố xoáy. Thế này thì một số người trong chúng tôi có thể sẽ chết. Ngay lúc đó, tôi nhận thấy có một dòng nước chảy giữa vách núi và hố xoáy. Tôi kêu to, át cả tiếng ồn của dòng thác, gọi thuỷ thủ đoàn của tôi chèo hết sức có thể về phía mép trên của hố xoáy với ý nghĩ có thể lướt qua ngọn sóng phía trên ghềnh đá. Đó là sự liều mạng và tôi chợt nghĩ chúng tôi có thể bị nghiền nát khi va chạm vào ghềnh đá trước khi bị nhấn chìm bởi hố xoáy. Có thể mọi người trên thuyền cũng thấy điều đó hoặc họ cuối cùng cũng nhận ra hố xoáy là điểm kết liễu. Dù nghĩ thế nào đi nữa, mọi người đã chèo chiếc xuồng lướt bay đi và chúng tôi trượt dọc theo vành của hố xoáy. Tất cả chúng tôi khi đó đều ngoái lại nhìn chằm chằm vào xoáy nước đang cuồn cuộn như những chú chuột nhìn vào chiếc máy giặt đang hoạt động. Tới bây giờ, tôi vẫn không hiểu làm sao chúng tôi có thể xoay xở để vượt qua thác nước đó. Chúng tôi đã chèo xuống dòng chảy nhỏ an toàn, vượt qua bờ đá, vượt qua cả hố xoáy và lên bờ bên kia. Thậm chí chúng tôi không bị ướt. Thật phấn khích. Khi cập vào bờ, một trong số những người đi trên thuyền nôn thốc nôn tháo trong lúc tôi phải giải thích cho chủ hãng, người tình cờ tham gia cùng chúng tôi trong chuyến đi này rằng thực sự tôi không có lỗi trong việc đưa sáu vị khách quan trọng của hãng tới bên bờ thảm hoạ trong một chuyến đi vui vẻ.

Đêm hôm đó, một trong số những tay chèo đã ôm chặt lấy tôi đầy cảm động và nói: “Không biết tôi phải cảm ơn anh như thế nào vì đã cứu sống tôi?” Tôi không đủ can đảm để nói với ông ấy rằng tôi suýt làm ông mất mạng. Người đàn ông đó, người mà tôi gọi là “Wolf” là một triệu phú tự thân lập nghiệp. Rất tự nhiên, khi ông bắt chuyện và cảm ơn tôi, tôi nghĩ rằng có lẽ ông ấy sẽ cho tôi một ít tiền vì “cứu sống” ông ấy. Tuy nhiên, thay vì điều đó, ông kể cho tôi câu chuyện cũ về con cá và chiếc cần câu. Bạn biết đấy đưa con cá cho một người, bạn giúp anh ta no được một ngày. Nếu dạy người đó câu cá, bạn giúp anh ta no ấm suốt đời. Tôi thật sự không chú ý nghe lắm. Ông ta có thể giữ lại con cá. Còn tôi chỉ muốn có tiền. Tuy nhiên, ông nhất định dạy tôi cách đầu tư, và không chấp nhận sự thờ ơ và khó chịu của tôi khi trả lời ông.

Ngồi bên ngọn lửa trong đêm hôm đó, ông hỏi tôi kiếm được bao nhiêu tiền. Tôi kể với ông rằng, tôi kiếm được 4.000 đô-la trong mùa chèo thuyền và tôi thất nghiệp trong sáu tháng còn lại của năm. Điều này khiến ông phải suy nghĩ trong một vài ngày. Nhưng ông rất kiên nhẫn gợi tính tò mò của tôi và cuối cùng khiến tôi quyết định đầu tư. Tôi vay 1.000 đô-la và năm năm sau, tôi trở thành triệu phú. Đến thời điểm đó, tôi rất thông thạo về những điều cơ bản mà tôi gọi là đầu tư theo Quy tắc số 1. Lúc đó, tôi không biết rằng quy tắc này đã có từ 80 năm trước và được những nhà đầu tư thành công nhất trên thế giới sử dụng. Tất cả những điều tôi biết là quy tắc này giúp tôi kiếm tiền. Đây cũng chính là lý do tại sao tôi hướng dẫn các bạn Quy tắc số 1 thông qua cuốn sách này.

Có nhiều cách để trở nên giàu có. Bạn có thể học cách đánh bóng chày và ký hợp đồng với một câu lạc bộ chuyên nghiệp; phát minh ra một thứ gì đó có ích; mua một vé số rồi trúng thưởng; hoặc tập luyện để trở thành nghệ sĩ được trả lương cao nhất ở Hollywood. Tuy nhiên, đối với phần lớn những người giống như tôi và các bạn, làm thế nào để đạt được các mục tiêu này? Học cách đầu tư theo Quy tắc số 1 sẽ dễ dàng thành công hơn nhiều. Tôi đã làm như vậy. Bạn cũng không cần phải là người quá thông minh vì quy tắc này rất đơn giản.

Phần lớn người Mỹ đều tham gia vào các quỹ đầu tư. Các quỹ này kiểm soát được những biến động trên thị trường, đa dạng hoá danh mục đầu tư nhằm giảm thiểu rủi ro. Họ tham gia thị trường với mục đích kiếm lợi nhuận dài hạn và hoạt động theo tư vấn của các chuyên gia. Tuy nhiên, nếu thị trường xuống dốc, các quỹ này vẫn bị thua lỗ. Hãy xem xét trường hợp sau: Vào năm 1906, chỉ số công nghiệp Dow Jones – một chỉ số chính cho biết sự tăng giảm của thị trường chứng khoán – đạt đến con số 100 điểm. Vào năm 1942, chỉ số này cũng ở mức 100 điểm. Nói cách khác, trong giai đoạn 1906 – 1942, nếu bạn có một danh mục đầu tư đa dạng hoá với nhiều loại chứng khoán, lợi nhuận bạn thu được sẽ bằng 0 hoặc âm (và thường là âm). Khoảng thời gian này kéo dài suốt 36 năm. Từ năm 1942 đến năm 1965, thị trường biến động, các nhà đầu tư thu được tỷ suất lợi nhuận gộp đáng kể (11% trong khoảng thời gian 22 năm, không tính cổ tức). Tuy nhiên, sau đó, chỉ số Dow Jones đạt mức 1.000 điểm và không hề vượt qua mức này trong vòng 18 năm, cho đến năm 1983. Thời gian tiếp theo, thị trường chứng khoán bùng nổ, chỉ số tăng từ 1.000 lên 11.000 điểm trong vòng 17 năm. Nhưng hiện nay, thị trường lại gần như chững lại. Rõ ràng là với những nhà đầu tư nghiệp dư như chúng ta, thị trường chứng khoán thường có giai đoạn bùng nổ (lúc đó giá các chứng khoán tăng vọt) rồi lại có lúc chững lại trong khoảng thời gian từ hai đến ba thập kỷ. Xin lưu ý đơn vị đo thời gian là thập kỷ.

Tất nhiên, cũng có những khả năng khác xảy đến đối với thị trường chứng khoán ngoài việc chững lại. Khi tôi viết cuốn sách này, Tổng thống Mỹ đang cố gắng sửa đổi điều luật về an sinh xã hội bằng việc chuyển 2 ngàn tỷ đô-la vào tay công nhân để họ có thể tự mình đầu tư. Nếu chính sách của ông thành công, nguồn tiền này sẽ chảy vào các quỹ đầu tư, khiến thị trường chứng khoán tăng vọt trong một giai đoạn nhất định. Sau đó, khi thế hệ những người sinh sau Thế chiến thứ hai bắt đầu bước vào độ tuổi nghỉ hưu, họ có thể rút hàng ngàn tỷ đô-la khỏi thị trường chứng khoán, khiến thị trường này rơi tụt xuống mức năm 2002. Một số người lập luận rằng, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là những thị trường mạnh, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục tăng lợi nhuận, và do vậy giá chứng khoán sẽ tăng. Nhưng liệu các bạn có hy vọng vào điều đó hay không? Tình trạng thăng trầm hỗn loạn này sẽ buông tha những nhà đầu tư nhỏ, tầm thường như bạn và tôi không? Nó sẽ ít ảnh hưởng đến chúng ta nếu chúng ta áp dụng duy nhất một cách đầu tư – sử dụng Quy tắc số 1 – trong bối cảnh thị trường hiện nay.

Như Buffett từng điều chỉnh các quy tắc đầu tư nhằm ứng phó với những thay đổi của thị trường, tôi cũng phải điều chỉnh Quy tắc số 1 khi xem xét ba nhân tố ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trong vòng 20 năm qua: (1) Tác động của tiền đầu tư theo tổ chức, ví dụ như các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, quỹ ngân hàng và quỹ bảo hiểm; (2) Tác động của Lý thuyết thị trường hiệu quả (tôi sẽ giải thích ở phần sau); và (3) Tác động của mạng Internet và máy tính cá nhân đối với khả năng tiếp cận thông tin của các cá nhân với chi phí rẻ và sử dụng những thông tin này vì lợi ích cá nhân.

Quy tắc số 1 là kết quả của chiến lược đầu tư đã được thử nghiệm và thành công, đáp ứng sự kiểm soát thị trường của các thể chế tài chính vào thời điểm mà các công cụ đầu tư sẵn có với bất cứ ai sở hữu một chiếc máy tính. Lần đầu tiên trong lịch sử, một người không có đủ tám giờ đồng hồ mỗi ngày để thực hiện những nghiên cứu tốn nhiều công sức về thị trường chứng khoán, có thể áp dụng Quy tắc số 1, và các công cụ sẵn có trong máy tính giúp bạn có thể trở thành một nhà đầu tư thành công khi đầu tư theo Quy tắc số 1 chỉ với 15 phút mỗi tuần. Ngày nay, bạn đang có nhiều tiện ích được cài đặt sẵn. Từ những gì bạn biết và thông tin bạn có thể tiếp cận được, bạn có thể nhanh chóng gia nhập hoặc rút khỏi thị trường. Toàn bộ những tiện ích này giúp bạn đầu tư hiệu quả hơn cả những chuyên gia. Nếu bạn là một người mua hàng giỏi biết tìm mua những món hàng tốt với mức giá hấp dẫn, bạn sẽ không gặp khó khăn khi học Quy tắc số 1, quy tắc này được xây dựng dựa trên cùng một khái niệm như vậy.

ĐỌC THỬ

1 – Những quy tắc đầu tư hoang đường

Chuyên gia là người tránh được những sai lầm nhỏ nhưng lại mắc sai lầm lớn
– BENJAMIN STOLBERG –
(1891 – 1951)

Tiêu chuẩn vàng của đầu tư ít rủi ro là đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ, cách đầu tư này có thể đem lại lợi nhuận 4% vào thời điểm cuốn sách này được viết ra. Nếu không đầu tư vào đâu khác ngoài trái phiếu kho bạc thì bạn sẽ kiếm được khoản lợi nhuận 4%. Vấn đề duy nhất của chiến lược đầu tư này, đặc biệt đối với thế hệ những người sinh ra sau Thế chiến thứ hai và sắp bước vào độ tuổi nghỉ hưu, là với lợi nhuận 4% thì phải cần đến 18 năm mới có thể tăng gấp đôi số tiền bạn có. Hơn nữa, sau 18 năm, dù tỷ lệ lạm phát chỉ khoảng 2 – 3%/năm, thì phần lớn lợi nhuận thu được cũng chỉ đủ để bù đắp cho tình trạng trượt giá. Do đó, sức mua chỉ cao hơn một chút so với sức mua thời điểm 18 năm trước. Bất chấp thực tế này, nhiều nhà đầu tư vẫn đổ hàng tỷ đô-la vào loại trái phiếu đem lại 4% lợi nhuận này.

Tại sao tất cả mọi người đều muốn đầu tư vào các loại trái phiếu mà tỷ suất lợi nhuận thu được chỉ đủ để bù đắp trượt giá và không đem lại lợi nhuận trên thực tế? Đó là vì phần lớn mọi người đều cho rằng lợi nhuận cao luôn đi liền với rủi ro lớn. Họ lo sợ mất tiền nếu cố gắng kiếm được lợi nhuận cao hơn là lo sợ không có khả năng đảm bảo một cuộc sống hưu trí sung túc.

Trên thực tế, tỷ suất lợi nhuận cao hơn không nhất thiết đi liền với nhiều rủi ro hơn. Tôi sẽ giải thích điều này cho các bạn.

Lợi nhuận cao hơn không nhất thiết đi liền với nhiều rủi ro hơn

Trong buổi diễn thuyết tại Diễn đàn Tây Mỹ tổ chức ở Phoenix, bang Arizona, tôi hỏi các thính giả “Những ai đã đi xe riêng tới đây hôm nay?”. Phần lớn mọi người đều giơ tay. “Rất tốt, phần lớn mọi người. Vậy có ai gặp phải rủi ro lớn trong lúc lái xe đến đây không?” Chỉ một vài cánh tay giơ lên. “Các bạn gặp rủi ro lớn khi lái xe đến đây?” Tôi hoài nghi hỏi. “Dù cho các bạn không thực sự gặp rủi ro và chỉ giơ tay cho vui, hay chúng ta chỉ ra vấn đề yếu kém của giao thông tại Phoenix, tức là những người vừa giơ tay đều không biết lái xe, phải không?” Tất cả mọi người đều bật cười. “Được rồi. Như vậy, việc lái xe đến đây cũng không đến nỗi đáng sợ lắm. Nhưng bây giờ, hãy tưởng tượng bạn đang trên đường đến đây và thay vì chính bạn lái xe thì đứa cháu trai mới 11 tuổi của bạn lại ngồi sau tay lái. Có phải bây giờ bạn đang gặp rất nhiều rủi ro không?” Mọi người đều bật cười và gật đầu đồng ý. “Chuyến đi vẫn vậy, vẫn là đi từ địa điểm A đến địa điểm B. Nhưng khi bạn để một người không biết lái xe ngồi sau tay lái thì một chuyến đi tương đối an toàn đã trở thành chuyến đi đầy rủi ro.”

Điều này cũng tương tự như chuyến hành trình tìm kiếm sự dư dả về tài chính. Nếu bạn không biết mình đang làm gì, chuyến đi sẽ rất chậm hoặc đầy nguy hiểm. Đó là lý do tại sao phần lớn mọi người nghĩ rằng việc đi nhanh (tương tự như kiếm được tỷ suất lợi nhuận cao) là rất nguy hiểm – bởi vì họ không biết cách lái chiếc xe tài chính đó, chứ không phải vì đi nhanh luôn gắn liền với rủi ro lớn. Nó chỉ nguy hiểm khi bạn không biết mình đang làm gì. Và bản chất của Quy tắc số 1 là cần phải biết bạn đang làm gì – nếu bạn đầu tư khi hiểu biết rõ ràng, bạn sẽ không bị mất tiền!

Có thể bây giờ bạn đang tự hỏi “Thế còn các quỹ đầu tư thì sao? Rồi các kỹ xảo mà chúng ta học để giảm thiểu rủi ro và tối đa hoá lợi nhuận?”. Thưa các bạn, tôi không muốn trở thành người đem đến những tin xấu, nhưng sự thật là thế này: nhà đầu tư thông qua các quỹ đầu tư sẽ gặp nhiều rủi ro hơn nhà đầu tư theo Quy tắc số 1. Việc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư cũng giống như trao chìa khoá xe cho một đứa trẻ 11 tuổi vậy.

Ý đồ của các quỹ đầu tư

Nếu các quỹ đầu tư mà bạn đầu tư vào đang cố gắng đánh bại thị trường, và bạn hy vọng rằng nhà quản lý quỹ có thể giúp bạn có được cuộc sống sung túc sau khi nghỉ hưu thì có lẽ bạn đã trở thành nạn nhân của một mưu đồ lớn. Không chỉ có bạn, 100 triệu nhà đầu tư khác cũng trong hoàn cảnh đó. Theo tạp chí Fortune, từ năm 1985, chỉ có 4% trong tổng số các nhà quản lý quỹ đầu tư vượt được chỉ số S&P 500 (Standard & Poor’s 500 Index, chỉ số bao gồm chứng khoán của 500 công ty có mức vốn hoá thị trường lớn nhất, đa phần là công ty của Mỹ), và những người này chỉ thu được lợi nhuận rất nhỏ. Nói cách khác, gần như không có nhà quản lý quỹ nào thắng được thị trường. Sự thật này không được chú ý trong suốt hai thập kỷ 1980 và 1990, thời kỳ thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ với tỷ lệ tăng trưởng hai con số. Chính xu hướng phát triển của thị trường giúp các nhà quản lý quỹ dễ dàng thu lợi nhuận. Tuy nhiên, khi giai đoạn thị trường phát triển mạnh mẽ qua đi, các nhà đầu tư bắt đầu nhận ra rằng những nhà quản lý quỹ khá vô dụng. Đây không phải là điều mới mẻ.

Một vài năm trước, Buffett nói về các nhà quản lý quỹ như sau: “Các chuyên gia trong những lĩnh vực khác, ví dụ như các nha sĩ, đem lại nhiều lợi ích cho người dân, nhưng người ta không thu được gì khi trao tiền vào tay những chuyên gia quản lý tiền tệ”. Chú ý là họ không thu được gì. Vậy, bạn đã làm gì? Bạn trao những khoản tiền khó khăn lắm mới kiếm được vào tay các nhà quản lý quỹ với hy vọng họ đem lại cho bạn 15% lợi nhuận hoặc hơn – giống mức bạn thu được trong thập niên 1990. Tại sao? Vì bạn không muốn tự mình đầu tư và bởi vì bạn đã bị toàn bộ ngành dịch vụ tài chính thuyết phục rằng mình không thể tự làm điều đó.

Hãy nhận ra thực tế là từ năm 2000 đến năm 2003, các quỹ đầu tư đã mất một nửa giá trị. Bạn có thể mất 50% số tiền của mình nếu không có sự trợ giúp của một chuyên gia. Trên thực tế, vào năm 1996, một nhà đầu tư nghiệp dư đã thi tài với những nhà quản lý quỹ giỏi nhất tại New York. Hiệu quả làm việc của nhà đầu tư nghiệp dư này vượt xa các nhà quản lý quỹ trong hai năm liền. Khi tôi kể lại câu chuyện này cho thính giả tại Los Angeles, một người từ hàng ghế đầu tại sân khấu Arrowhead Pond thốt lên, “Tên nhà đầu tư đó là gì?”. Có thể thấy rằng một số người sẽ làm bất kỳ điều gì để tránh phải tự đầu tư tiền của mình.

Peter Lynch, một trong những nhà quản lý quỹ thành công, kiếm được lợi nhuận cao hơn mức bình quân thị trường rồi sau đó rời bỏ thị trường trước khi thị trường đảo chiều, viết trong cuốn sách One Up on Wall Street (Trên đỉnh phố Wall) rằng một nhà đầu tư nghiệp dư hiện có “rất nhiều lợi thế, những lợi thế nếu được khai thác tốt sẽ đem lại kết quả cao hơn hẳn mức bình quân thị trường và hơn hẳn kết quả các chuyên gia đạt được.” Nói cách khác, bạn có thể tự mình đầu tư. Nhưng các bạn lại không làm như vậy. Lý do là vì những nhà quản lý quỹ luôn thuyết phục các nhà đầu tư tin vào ba quy tắc rất hoang đường, khiến các nhà đầu tư tiếp tục gắn bó với họ mặc dù hiệu quả hoạt động của họ luôn ảm đạm nếu tính theo những chu kỳ dài.

Ba quy tắc đầu tư hoang đường

Quy tắc 1. Bạn cần phải là một chuyên gia quản lý tiền của mình

Quy tắc hoang đường đầu tiên tôi muốn phá vỡ là: Cần phải có nhiều thời gian và kiến thức chuyên môn để quản lý tiền của mình. Điều này sẽ đúng nếu đầu tư là một môn học khó hoặc cần rất nhiều thời gian thu thập thông tin để đi tới quyết định. Tôi sẽ chứng minh cho các bạn thấy rằng điều này không đúng, dù toàn bộ ngành dịch vụ tài chính muốn chúng ta tin vào điều đó. Những nhà tư vấn tài chính tiếp tục thu được hàng tỷ đô-la tiền hoa hồng, tiền lệ phí nếu họ có thể làm cho các bạn tiếp tục tin rằng các bạn không thể tự mình đầu tư.

Mạng Internet làm thay đổi tất cả. Giờ đây, các công cụ từng có giá lên đến 50.000 đô-la đã trở nên sẵn có với chi phí chưa đến 2 đô-la/ngày và chỉ cần mất một vài phút trong ngày để sử dụng thay vì 50 giờ/tuần. Các công cụ được cung cấp qua mạng Internet hiện cũng hoạt động chính xác hơn, đúng thời gian hơn và dễ dàng ứng dụng hơn bất cứ công cụ nào mà nhà quản lý quỹ của bạn sử dụng một vài năm trước đây. Tất cả những gì bạn cần là một chút hướng dẫn và một thời gian ngắn để học. Tuy nhiên, nếu muốn tự mình đầu tư, bạn đừng làm phiền các nhà môi giới chứng khoán, nhà lập kế hoạch/tư vấn tài chính, các kế toán viên công chứng (CPA) hoặc các nhà quản lý quỹ của bạn. Bạn chắc hẳn đã biết những gì họ sẽ nói. Đại loại là một điều gì đó như: “Nhưng đó là công việc tôi sẽ làm cho bạn, do đó bạn sẽ không cần phải lo lắng về nó”. Không phải vậy, bạn cần phải lo lắng về việc đầu tư của mình. Bạn sẽ lo lắng nhiều về nó. Đó là tiền của bạn và bạn là người duy nhất thực sự quan tâm đến những gì xảy ra với tiền của mình.

Thậm chí, những chuyên gia hàng đầu như Jim Cramer, một người ủng hộ bạn và muốn bạn tự mình đầu tư, cũng thực sự không ở vào địa vị của bạn. Cũng giống như những chuyên gia hàng đầu khác của ngành tài chính, những chuyên gia cũng được đào tạo từ trường Ivy League mà Jim từng theo học, họ rất thông minh, thích chơi chứng khoán cả ngày lẫn đêm, họ sống và hít thở bầu không khí chứng khoán và không hề biết về mối bận tâm của chúng ta, những người phải làm việc miệt mài và hy vọng có cuộc sống sung túc khi nghỉ hưu. Với những con người đó, thì cũng đầu tư chỉ là một trò chơi. Một trò chơi dù nghiêm túc thì cũng vẫn là một trò chơi. Jim là một thương gia và yêu thích công việc đầu cơ. Theo hướng tiếp cận của ông, bạn sẽ phải dành ít nhất từ 5 đến 10 giờ đồng hồ mỗi tuần và bạn đang rất mạo hiểm với số tiền mà bạn không được phép đánh mất khi đối thủ của bạn là những người rất giàu, thông minh và rất chuyên tâm – những người giống như Jim.

Nếu bạn nghĩ, bạn có thể thắng trong cuộc chơi đó, hãy trở thành độc giả của tôi. Nếu bạn thắng, tôi sẽ ngả mũ kính phục bạn. Bạn thông minh hơn nhiều so với chúng tôi. Phần lớn chúng ta, bao gồm cả tôi, phải làm nhiều công việc khác. Phần lớn mọi người như chúng ta không có đủ năm tiếng một tuần dành cho việc đầu tư. Hãy lưu ý điều đó. Chúng ta phải chăm sóc, nuôi dưỡng con cái, sống và làm việc, khiến chúng ta mất nhiều thời gian. Chúng ta cũng không muốn lúc nào cũng phải dõi theo thị trường chứng khoán, hoặc trở thành một người kinh doanh chứng khoán có mặt cả ngày tại sàn giao dịch. Thế thì còn gì thú vị nữa? Chúng ta mong muốn đầu tư vào loại chứng khoán đem lại lợi nhuận lớn nhưng không có rủi ro và không tốn nhiều thời gian.

Quy tắc số 1 chính là công cụ đầu tư cho những người như chúng ta.

Quy tắc 2. Bạn không thể thắng được thị trường

Vậy, sự thật là 96% tổng số các nhà quản lý các quỹ đầu tư không có khả năng chiến thắng thị trường trong vòng 20 năm qua. Tuy nhiên, bạn không phải là nhà quản lý quỹ và bạn cũng không bị đánh giá trong việc có thắng được thị trường hay không. Kỹ năng tài chính của bạn được đánh giá thông qua việc bạn có thể sống sung túc vào độ tuổi 75 hay không. Bạn không cần quan tâm đến việc bạn có thắng được thị trường hay không. Nếu thị trường giảm sút 50% nhưng nhà quản lý quỹ của bạn chỉ thua lỗ 40% số tiền của bạn, có thể anh ta thành công trong việc đánh bại thị trường, nhưng điều đó đối với bạn đã phải là điều tốt đẹp chưa? Những nhà đầu tư theo Quy tắc số 1 mong đợi mức tỷ suất lợi nhuận gộp hàng năm ít nhất là 15% hoặc hơn. Nếu chúng ta đạt được mức đó, chúng ta không cần quan tâm đến diễn biến thị trường vì dù sao chúng ta cũng sẽ nghỉ hưu thật sung túc. Nếu đánh giá theo tiêu chuẩn này, các nhà đầu tư theo Quy tắc số 1 là những người thành công.

Quy tắc đầu tư hoang đường cho rằng bạn không thể thắng được thị trường do Giáo sư Burton Malkiel của trường đại học Princeton (cùng với một số người khác) đưa ra vào thập kỷ 1970. Ông đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu nhằm chứng minh rằng không một ai có thể thắng được thị trường (chúng ta sẽ đi sâu tìm hiểu các chi tiết trong lý thuyết của Malkiel ở phần sau cuốn sách, nhưng ở đây chúng ta cần nhắc đến ông để phá vỡ quy tắc đầu tư hoang đường này). Cuốn sách của ông với nhan đề A Random Walk Down Wall Street (Bước đi ngẫu nhiên trên phố Wall) vẫn tiếp tục được bán trên thị trường. Ông có ảnh hưởng tới cả một thế hệ các giáo sư giảng dạy ở các trường kinh doanh, những người tin vào Lý thuyết Thị trường Hiệu quả (Efficient Market Theory – EMT). Lý thuyết này cho rằng, các thị trường nói chung (và thị trường chứng khoán nói riêng) là thị trường hiệu quả, nghĩa là những thị trường này định giá hàng hoá theo giá trị của chúng. Tại thị trường chứng khoán, những thăng trầm của thị trường được tạo ra bởi các nhà đầu tư duy lý, những người từng giây từng phút phản ứng lại trước các sự kiện có thể ảnh hưởng đến việc đầu tư của họ. Theo lý thuyết EMT, thị trường hiệu quả đến mức mọi thông tin về công ty đều được phản ánh ngay lập tức thông qua giá cổ phiếu của nó. Nói cách khác, giá cổ phiếu tại mọi thời điểm đều ngang bằng giá trị của công ty.

Nếu điều này là đúng, theo cách nói của các giáo sư tin vào lý thuyết EMT, thì đơn giản là người ta không tìm thấy một cổ phiếu được định giá dưới giá trị thực và cũng không thể trả giá quá cao cho một cổ phiếu. Tại sao? Bởi vì giá cổ phiếu luôn ngang bằng giá trị thực. Theo đó, không có giao dịch trên thị trường và không có những hành vi gian lận. Những người theo lý thuyết EMT cho rằng, tình huống này giải thích cho thực tế là hầu như không một nhà quản lý quỹ nào từng thắng được thị trường. Những nhà quản lý quỹ này là những người thông minh, và nếu không một ai trong số họ thắng được thị trường trong một thời gian dài thì thị trường đang định giá tất cả mọi thứ thật hoàn hảo.

Tuy nhiên, một số người đã thắng được thị trường trong thời gian dài và mục đích của cuốn sách này là nhằm chỉ cho bạn cách làm điều đó. Bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng lý thuyết EMT là sai.

Vào năm 1984, Warren Buffett đã có một giờ giảng tại Trường Kinh doanh Columbia. Tại đó, ông chỉ ra rằng ít nhất 20 nhà đầu tư mà ông dự đoán sẽ thu được tỷ suất lợi nhuận cao, đều đạt được mục tiêu 15% lợi nhuận hoặc cao hơn trong thời gian dài hơn 20 năm. Tất cả các nhà đầu tư này đều theo học tại cùng một trường kinh doanh, ngôi trường mà ông gọi là “Graham và Doddsville” vì tất cả đều theo học Giáo sư Graham và Giáo sư Dodd, từ Buffett hoặc ai đó đã sao chép ý tưởng của Buffett – cũng giống như cách tôi học từ người thầy của mình và giờ đây đang nói lại cho các bạn. (Benjamin Graham là thầy của Buffett tại Trường Kinh doanh Columbia. David Dodd cũng là một giáo sư ở đó). Tỷ suất lợi nhuận gộp hàng năm của những nhà đầu tư này trong hơn 8 thập kỷ luôn nằm trong khoảng 18 – 33%/năm. Điều Buffett muốn nói với các sinh viên theo học tại trường Columbia là những người mà ông biết có thể thu được trên 15% lợi nhuận mỗi năm trong khoảng thời gian dài đều hành động giống nhau. Họ đều bắt đầu với Quy tắc số 1.

Sau giai đoạn 2000 – 2003, thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh. Giá trị cổ phiếu của một số doanh nghiệp hoạt động tốt giảm tới 90%. Người ta phỏng vấn Giáo sư Malkiel và như chúng ta thấy trong Chương 8, ông đã phải xem xét lại lý thuyết của mình và thừa nhận rằng “thị trường nói chung là hiệu quả… nhưng đôi lúc bất thường”. Như vậy, thị trường hiệu quả nhưng thỉnh thoảng lại không hiệu quả. Điều nực cười là, Buffett và Graham nói về điều này trong suốt 80 năm qua. Buffett châm biếm rằng, ông hy vọng các trường kinh doanh sẽ tiếp tục đào tạo ra những nhà quản lý quỹ tin vào lý thuyết thị trường hiệu quả (EMT) để rồi ông có thể tiếp tục mua được những cổ phiếu mà do thiếu thông tin, các nhà quản lý quỹ sẽ bán chúng với giá thấp và ông sẽ bán lại cho họ khi họ sẵn sàng trả giá cao.

Biểu đồ trên chỉ ra tình hình kinh doanh của các nhà đầu tư theo Quy tắc số 1 trong vài thập kỷ qua khi so sánh với các mức trung bình của chỉ số S&P 500 và chỉ số công nghiệp Dow Jones.

Các nhà đầu tư theo Quy tắc số 1 thu được kết quả thế nào so với mức bình quân của những chỉ số phổ biến nhất. Biểu đồ trên có vẻ không chính xác hoặc được cường điệu quá mức, nhưng không phải vậy. Các nhà đầu tư theo Quy tắc số 1 luôn thu được lợi nhuận vượt mức bình quân của chỉ số S&P 500 và chỉ số công nghiệp Dow Jones về tổng thể. Sự kỳ diệu của tăng trưởng gộp giải thích cho sự khác biệt lớn giữa lợi nhuận gộp 8 hoặc 9% mỗi năm và lợi nhuận gộp trên 23% mỗi năm. Thoạt nhìn thì sự khác biệt lớn này không rõ rệt lắm. Bởi vì 23% lớn gần gấp 3 lần so với 8%, mọi người lập tức nghĩ ngay là số tiền cũng sẽ gấp 3 lần. Nhưng tăng trưởng gộp không phải một đường thẳng, nó là một khái niệm hình học. Việc phức hợp làm tăng tỷ lệ lợi nhuận không chỉ trên số tiền đầu tư gốc, mà còn trên số lợi nhuận tích lũy (lãi mẹ đẻ lãi con). Vì 23% tạo ra khoản lợi nhuận lớn hơn mỗi năm, khoản này cũng có tỷ suất lợi nhuận là 23%, tổng số tiền tăng gia tốc bùng phát sau một số năm và tăng vọt so với mức lợi nhuận gộp thấp 8%.

Quy tắc 3. Cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro là đa dạng hoá và nắm giữ cổ phiếu trong thời gian dài

Mọi người đều biết đa dạng hoá và nắm giữ cổ phiếu là cách an toàn nhất để đầu tư vào thị trường chứng khoán, phải vậy không? Tuy nhiên, điều này cũng giống như trước đây mọi người nghĩ rằng trái đất là một mặt phẳng. Sự thật là việc đa dạng hoá danh mục đầu tư trong khoảng thời gian dài đem lại tỷ suất lợi nhuận bằng không trong vòng 37 năm từ 1905 đến 1942, trong 18 năm từ 1965 đến 1983, và từ 2000 đến 2005. Tất cả là 60 năm trong số 100 năm. Nếu bạn biết cách đầu tư, nghĩa là bạn hiểu Quy tắc số 1 và biết cách tìm mua chứng khoán của một công ty làm ăn tốt với mức giá hấp dẫn, thì bạn sẽ không đa dạng hoá khi đầu tư khoản tiền của mình vào việc mua 50 loại chứng khoán hoặc vào một quỹ đầu tư đầu tư theo chỉ số chứng khoán. Bạn sẽ tập trung đầu tư vào một số doanh nghiệp bạn hiểu rõ. Bạn sẽ mua vào khi những ông lớn này – những nhà quản lý quỹ kiểm soát thị trường – đang lo ngại, và bạn sẽ bán ra khi họ muốn mua chúng. Điều này có khiến bạn kinh ngạc không? (Nếu bạn không hiểu tôi ngụ ý gì, bạn sẽ hiểu khi đọc đến hết cuốn sách này. Tôi hứa với bạn điều đó).

Ngày nay, hơn 80% số tiền trên thị trường chứng khoán được đầu tư thông qua các nhà quản lý quỹ (các quỹ lương hưu, các quỹ ngân hàng, các quỹ bảo hiểm và các quỹ đầu tư). Như tôi nói trong phần giới thiệu, các khoản tiền này được xem là “tiền đầu tư theo tổ chức”. Trong số 17.000 tỷ đô-la đầu tư, các quỹ đầu tư quản lý trên 14.000 tỷ đô-la. Nói cách khác, các nhà quản lý quỹ chính là thị trường. Khi họ đổ hàng tỷ đô-la vào một loại chứng khoán, giá của chứng khoán này sẽ tăng. Khi họ rút tiền khỏi chứng khoán này, giá nó sẽ sụt giảm. Tác động của những quỹ này đến thị trường lớn đến nỗi nếu họ đột nhiên quyết định bán, họ có thể làm thị trường sụp đổ. Hiểu được điều này chính là trọng tâm của Quy tắc số 1: Các nhà quản lý quỹ kiểm soát giá của gần hết các loại chứng khoán trên thị trường, nhưng họ không thể dễ dàng rút khỏi thị trường ngay khi họ muốn. Nhưng bạn và tôi có thể gia nhập và rút khỏi thị trường gần như ngay lập tức. Trong Chương 11, chúng ta sẽ khám phá chi tiết hơn ý nghĩa của điều này đối với việc đầu tư của chúng ta.

Vậy điều gì sẽ xảy ra về lâu dài nếu khoản tiền đầu tư của thế hệ những người sinh sau Thế chiến thứ hai, khoản tiền đã làm thị trường tăng giá, được rút ra khi họ đến tuổi về hưu? Hoặc sẽ thế nào nếu những sự kiện khác làm các khoản tiền chảy ra khỏi thị trường? Khi các quỹ đầu tư bị giảm giá trị, các nhà đầu tư sẽ phản ứng lại bằng cách nhanh chóng rút tiền ra khỏi đó, việc này rốt cục sẽ làm thị trường rơi tự do. Trớ trêu là trong khi trên lý thuyết, việc đầu tư dài hạn thông qua các quỹ đầu tư đa dạng hoá sẽ giảm thiểu rủi ro thì trên thực tế chiến lược đầu tư như vậy lại làm tăng rủi ro. Trên thị trường chứng khoán, không hề có một “danh mục đầu tư cân bằng” giúp bạn giảm thiểu rủi ro, dù cho các nhà kinh doanh trong ngành dịch vụ tài chính ra sức rao giảng về điều đó.

Nếu bạn cho rằng sự sụp đổ của cả thị trường là khó có thể xảy ra trong nền kinh tế hiện đại, xin hãy nghĩ lại. Điều này vừa xảy ra với Nhật Bản trong 10 năm qua, khi thị trường chứng khoán mất đến 85% giá trị trong khoảng thời gian từ 1992 đến 2002. Hiện tại, thị trường này vẫn chưa hồi phục. Thế hệ những người sinh sau Thế chiến II ở Nhật có độ tuổi cao hơn khoảng 10 năm so với thế hệ này ở Mỹ (các nhân tố kinh tế và chính trị đã khiến dân số bùng nổ tại Nhật trước Thế chiến thứ hai). Nếu thị trường Mỹ sụt giảm 85%, chỉ số Dow Jones sẽ giảm còn khoảng 1.500. Điều này từng xảy ra trong thập kỷ 1930. Và nó có thể lặp lại.

Việc đa dạng hoá khiến bạn ôm đồm quá nhiều và chỉ đảm bảo mức lợi nhuận thị trường, đồng nghĩa với việc những gì xảy ra với thị trường sẽ xảy ra với bạn. Rõ ràng, có hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh tốt để lựa chọn mua, nhưng nếu bạn có một công việc, một gia đình và không muốn lúc nào cũng phải gắn chặt với cái máy vi tính thì bạn không có đủ thời gian để theo đuổi quá nhiều loại chứng khoán. Nếu bạn mua những cổ phiếu mà bạn không thể theo dõi kỹ càng, ở một mức nào đó, bạn rõ ràng đã vi phạm Quy tắc số 1, làm cho tổng lợi nhuận của bạn giảm xuống.

Là người mua theo Quy tắc số 1, chúng ta sẽ chỉ lựa chọn một vài doanh nghiệp trong những lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, dù không “đa dạng hoá” như những nhà quản lý các quỹ đầu tư bằng cách mua hàng chục hoặc hàng trăm loại cổ phiếu của nhiều công ty cùng một lúc, chúng ta vẫn thiết lập một danh mục đầu tư phản ánh những phạm trù khác nhau của các công ty. Nhưng chính xác bạn có thể mua bao nhiêu loại cổ phiếu phụ thuộc vào việc bạn có bao nhiêu tiền để đầu tư. Tôi sẽ nói cho bạn biết tỷ lệ phân bổ đúng trong đầu tư.

Việc đa dạng hoá dành cho những nhà đầu tư có thể đầu tư trong khoảng thời gian tới 30 năm, không muốn học cách đầu tư, hài lòng với tỷ suất lợi nhuận 8%/năm và mức sống tối thiểu khi nghỉ hưu. Mục tiêu của chúng ta là tìm mua cổ phiếu của những công ty làm ăn tốt với mức giá thực sự hấp dẫn, và để thị trường tự điều tiết. Điều này có nghĩa là cuối cùng thị trường định giá cổ phiếu của các công ty đó theo đúng giá trị của chúng. Chỉ trong vòng một vài tuần, vài tháng hoặc vài năm chúng ta sẽ trở nên giàu có hơn nhiều so với hiện nay. Đó là điều chúng ta muốn làm. Tuy nhiên, để làm được điều đó, chúng ta không nên trở thành những nhà đầu tư thờ ơ bị toàn bộ ngành dịch vụ tài chính lợi dụng, và phải bắt đầu làm một nhà đầu tư theo Quy tắc số 1 có kiến thức. Chúng ta không là con mồi mà sẽ trở thành người đi săn.

Giữa những năm 60, bố tôi gợi ý tôi nên đầu tư tiền vào một quỹ đầu tư. Tôi đã đầu tư 600 đô-la và quên mất khoản đầu tư này. Mười tám năm sau, khoản đầu tư của tôi chỉ còn lại 400 đô-la. Hãy tưởng tượng nếu thời gian đó, tôi 45 tuổi và tôi đã đầu tư 60.000 đô-la chứ không phải là 600 đô-la. Liệu tôi sẽ cảm thấy thất vọng thế nào sau 18 năm khi phát hiện ra khoản tiền 60.000 đô-la chỉ còn lại 40.000 đô-la thay vì số tiền 240.000 đô-la tôi lên kế hoạch cho việc nghỉ hưu? Mục tiêu của cuốn sách này là nhằm tránh cho bạn phải chứng kiến vực thẳm tài chính đó.

Phương pháp trung bình hoá chi phí đầu tư sẽ không bảo vệ bạn

Mặc dù phương pháp trung bình hoá chi phí đầu tư (Dollar cost averaging – DCA) không phải là điều bí ẩn, tôi vẫn nhận được nhiều câu hỏi về nó và luôn phải chứng tỏ với mọi người rằng đó không phải là chiếc phao cứu hộ cho các nhà đầu tư. Là một công cụ được các nhà quản lý quỹ và các nhà môi giới chứng khoán ưa dùng, DCA là chiến lược tháng nào cũng mua chứng khoán hoặc chứng chỉ quỹ của các quỹ đầu tư với số tiền như nhau, bất kể giá của chứng khoán và chứng chỉ quỹ đó như thế nào. Ví dụ bạn mua 100 đô-la cổ phiếu của Microsoft mỗi tháng, không quan tâm đến giá mỗi cổ phiếu là bao nhiêu. Vậy nếu giá xuống, số tiền của bạn sẽ mua được nhiều cổ phiếu hơn. Nếu giá lên, bạn sẽ mua được ít cổ phiếu hơn. Mục tiêu của phương pháp trung bình hoá chi phí đầu tư là nhằm tối thiểu hoá rủi ro thông qua việc làm giảm chi phí bình quân cho mỗi loại cổ phiếu.

Phương pháp này có hai nhược điểm: (1) Trong giai đoạn thị trường bình ổn hoặc suy giảm, chiến lược trung bình hoá chi phí đầu tư rất giống với chiến lược mua và nắm giữ cổ phiếu; và (2) để chiến lược DCA có hiệu quả, bạn phải mua một khoản tiền nhất định mỗi tháng, bất kể ra sao. Vì thế, trong giai đoạn 1929 – 1930, khi 100.000 đô-la giá trị cổ phiếu giảm còn 10.000 đô-la, bạn vẫn phải sẵn sàng mua vào. Trong giai đoạn 2000 – 2002, khi chỉ số Nasdaq giảm 85% giá trị, bạn vẫn phải sẵn sàng mua vào trong lúc giá rớt xuống thảm hại. Thứ nhất, giả sử rằng bạn có một công việc và có khoản tiền nhàn rỗi đầu tư vào chứng khoán trong thời kỳ thị trường suy giảm hoặc suy thoái, và thứ hai, giả sử rằng bạn vẫn sẵn sàng ném tiền vào đầu tư sau khi bị thua lỗ theo cách đó. Thay vì tin tưởng vào chiến lược DCA, những nhà đầu tư theo Quy tắc số 1 biết được giá trị thực của những công ty làm ăn tốt và mua cổ phiếu của những công ty này khi chúng bị định giá thấp. Nói cách khác, như tôi sắp chỉ ra đây, chúng ta mua một cổ phiếu trị giá 1 đô-la với giá chỉ 50 xu và tiếp tục làm như vậy. Chúng ta sẽ không mua một cổ phiếu trị giá 1 đô-la với giá 10 đô-la để rồi hy vọng rằng sự hoang phí đó sẽ được bù đắp lại bằng cơ hội được mua cùng loại cổ phiếu đó với mức giá rẻ vào một thời điểm nào đó.

Với việc sử dụng phương pháp DCA, từ năm 1905 đến 1942, tỷ suất lợi nhuận của bạn khi đầu tư vào một quỹ đầu tư chỉ số Dow Jones là 1% so với con số 0% nếu đầu tư theo cách mua và nắm giữ. Từ 1965 đến 1983, tỷ suất lợi nhuận sẽ là 2% thay vì 0%. Từ năm 2000 đến 2005, tỷ suất lợi nhuận sẽ là 3% thay vì 0%. Nói cách khác, đối với phần lớn thời gian của 100 năm đầu tư chứng khoán vừa qua thì việc mua trái phiếu chính phủ rồi bỏ đó còn tốt hơn là đầu tư theo chiến lược DCA thông qua một quỹ đầu tư dựa trên chỉ số Dow Jones.

Vì các nhà đầu tư theo Quy tắc số 1 cần phải thu được 15% lợi nhuận nên chúng ta sẽ bỏ qua những chiến lược đã thất bại trong việc đạt được mức lợi nhuận tối thiểu nói trên trên tất cả các thị trường. Do thất bại trong việc đạt được ngay cả tỷ suất lợi nhuận như của trái phiếu chính phủ trong những lúc thị trường bình ổn của 100 năm qua nên chiến lược DCA không thể là chiến lược đầu tư hữu ích đối với các nhà đầu tư theo Quy tắc số 1.

Sự thật là ngành dịch vụ tài chính quan tâm đến tiền của bạn chỉ vì nó kiếm được các khoản hoa hồng và lệ phí dù nó có giúp bạn kiếm lợi nhuận hay không. Ngành tài chính luôn khiến bạn tin vào ba quy tắc đầu tư hoang đường và tán dương những ưu điểm của phương pháp trung bình hoá chi phí đầu tư để bạn và tôi trao tiền cho những nhà quản lý quỹ. Họ không muốn bạn đầu tư thành công. Họ muốn bạn tin rằng bạn sẽ thua lỗ nếu tự mình đầu tư. Họ hy vọng, do sợ thua lỗ bạn sẽ buộc phải tiếp tục trao tiền cho họ, bất chấp thực tế là hiệu quả đầu tư của họ còn kém hơn bạn.

Đầu tư theo Quy tắc số 1 khi so sánh với Đầu tư vào Bất động sản

Có thể bạn không tin vào những quy tắc đầu tư hoang đường, nhưng bạn lại thực sự tin vào một điều hoang đường là đầu tư vào bất động sản tốt hơn so với đầu tư vào các công ty. Tôi sẽ cho bạn thấy rằng bạn đã sai. Nếu bạn nghĩ rằng bất động sản sẽ giúp bạn tăng nhanh số tiền bạn đầu tư, thu được tỷ suất lợi nhuận cao hơn nhiều so với đầu tư vào một công ty/cổ phiếu và đó là nơi tốt hơn để những người mới đầu tư đổ tiền vào, thì hãy suy nghĩ lại.

Suy nghĩ trên của nhiều người hoàn toàn sai. Tôi sở hữu nhiều bất động sản, từ những khu đất cho đến những trang trại lớn, những căn hộ, những bất động sản có mục đích thương mại và những ngôi nhà biệt lập. Tôi đầu tư vào các thị trường bất động sản có tốc độ tăng trưởng nhanh như Del Mar, California, Jackson Hole, Wyoming, và vào cả những thị trường bất động sản có tốc độ tăng trưởng chậm như Fairfield, Iowa. Nếu chúng ta so sánh lợi nhuận thu được từ sở hữu bất động sản với sở hữu công ty/cổ phiếu, chúng ta có thể so sánh lợi nhuận tại những thị trường bất động sản tăng trưởng nhanh nhất với lợi nhuận cao nhất mà những nhà đầu tư theo Quy tắc số 1 thu được. Nhưng có lẽ tốt hơn hết, chúng ta nên sử dụng tỷ lệ tăng trưởng trung bình của thị trường bất động sản và sử dụng kết quả trung bình của một nhà đầu tư theo Quy tắc số 1.

Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm vào loại khá cao của một thị trường bất động sản trong một giai đoạn hơn 30 năm vào khoảng 4%. Trong cùng giai đoạn, tỷ suất lợi nhuận hàng năm ở mức khá cao của một nhà đầu tư theo Quy tắc số 1 là khoảng 15%. Trên thực tế, các thị trường bất động sản như Jackson Hole và Del Mar tăng giá khoảng 10%/năm trong vòng 30 năm (trong những cơn sốt giá bất động sản). Trên thực tế, các nhà đầu tư theo Quy tắc số 1 có kinh nghiệm thu được tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROI) bình quân 25%/năm. Tuy nhiên, đây là những trường hợp đặc biệt.

ROI (Return on Investment) là lợi nhuận bạn kiếm được khi đầu tư một khoản tiền – số tiền chênh lệch giữa số tiền bạn đầu tư và số tiền bạn có được sau một khoảng thời gian nhất định – con số phản ánh lãi hoặc lỗ. Nó thường được thể hiện bằng tỷ lệ %. Ví dụ, nếu bạn đầu tư 100 đô-la vào một cổ phiếu và bạn thu được 150 đô-la sau năm đầu tiên, khi đó ROI của bạn là 50%. Trong tính toán, ROI được tính bằng cách chia tổng số tiền bạn đầu tư cho lợi nhuận bạn thu được (Thông tin thêm: ROI hơi khác so với ROIC (Thu nhập trên vốn đầu tư – chỉ số có cách tính phức tạp hơn nhiều được dùng để xác định dòng tiền vào và ra. Các bạn sẽ nghiên cứu ROIC ở phần sau, đây là một chỉ số rất tốt cho thấy tình trạng của doanh nghiệp).

Vậy hãy xem sự khác biệt giữa việc đầu tư 50.000 đô-la ngay lúc này vào bất động sản với đầu tư 50.000 đô-la vào một loại cổ phiếu theo Quy tắc số 1. Sự so sánh này sẽ rất thú vị nếu giả sử rằng thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản có thể không tăng trong vòng 15 năm tới. (Nếu điều này xảy ra, ví dụ về bất động sản dưới đây có thể là quá lạc quan).

Sau đây là số liệu minh hoạ: Chúng ta mua một căn hộ trị giá 250.000 đô-la và trả 50.000 đô-la trong lần trả đầu tiên, khoản tiền còn lại sẽ trả dần với lãi suất 6%/năm trong vòng 30 năm. Số tiền chúng ta phải trả là 1.200 đô-la/tháng nhưng chúng ta sẽ cho thuê căn nhà với giá 1.200 đô-la và khoản tiền này đủ để bù đắp chi phí trả chậm. Tuy nhiên, chúng ta sẽ phải trả tiền bảo hiểm, tiền duy tu bảo dưỡng, tiền quảng cáo và thuế.

Nói một cách khác, hãy giả sử chúng ta không bao giờ bị chậm tiền thuê nhà và có thể tăng tiền thuê nhà 4%/năm. Đến năm thứ chín, số tiền cho thuê nhà có thể bù đắp tất cả các chi phí. Từ đó cho đến năm thứ 30, chúng ta có lãi là dòng tiền mặt. Tiếp đó, chúng ta bán căn nhà đi. Tại thời điểm đó, ngôi nhà có giá 811.000 đô-la và số tiền được trả một lần. Cũng trong khoảng thời gian này, chúng ta bỏ túi khoản thu nhập từ tiền cho thuê nhà mà chúng ta đã đầu tư thông minh và thu được tỷ suất lợi nhuận tương tự như việc đầu tư mua nhà – khoảng 10%/năm – thu được thêm 230.000 đô-la. Như vậy, tổng lợi nhuận là 1.041.000 đô-la. ROI gộp của chúng ta trong khoảng thời gian 30 năm là 10,6% – một con số rất ấn tượng. Tuy nhiên, ở đây tôi chưa đề cập đến chi phí quản lý và duy tu bảo dưỡng, điều mà tôi cho rằng bạn sẽ tự thực hiện. Đây cũng là vấn đề gây đau đầu không ít và việc thu lại những đồng đô-la đầu tư theo cách này không hề đơn giản. Chúng ta phải làm việc rất nhiều với hy vọng có thể thu được tỷ suất lợi nhuận 11%. Tuy nhiên, hãy so sánh với tỷ suất lợi nhuận tối thiểu một nhà đầu tư theo Quy tắc số 1 có thể thu được là 15%.

Đầu tiên, là nhà đầu tư theo Quy tắc số 1, chúng ta không phải chi trả chi phí quản lý – một lợi thế rất lớn. Chúng ta chỉ phải sử dụng 15 phút/tuần và chỉ có vậy. Tất nhiên, chúng ta cần phải học cách vận dụng Quy tắc số 1 trong đầu tư và một khi bạn thấy được những lợi thế của nó, việc học quy tắc này sẽ dễ hơn nhiều so với việc học cách đầu tư vào bất động sản. Chúng ta mua 50.000 đô-la cổ phiếu của một công ty có kết quả làm ăn tốt với một mức giá hấp dẫn. Tiếp đó, chúng ta bán lại khi nó không còn hấp dẫn và mua vào loại cổ phiếu khác. Chúng ta thực hiện điều này trong 30 năm với lợi nhuận trung bình 15%/năm (như ví dụ bất động sản ở trên, chúng ta không phải trả thuế đối với lợi nhuận thu được. Trong trường hợp này, chúng ta mua và bán dựa trên tài khoản hưu trí cá nhân miễn thuế, loại tài khoản mà bạn sẽ học ở phần sau). Sau 30 năm, khoản đầu tư sẽ trở thành 3,3 triệu đô-la. ROI gộp khoản tôi thu được trong khoảng thời gian 30 năm là 15%, cao hơn 4% so với giao dịch bất động sản, nhưng tôi có thêm 2 triệu đô-la trong tài khoản ngân hàng.

Rõ ràng, đầu tư vào chứng khoán có lợi hơn. Bây giờ hãy so sánh hai phương án đầu tư kể trên khi bạn 60 tuổi và nghỉ hưu. Nếu bạn đầu tư vào bất động sản, điều bạn làm lúc này là có 1,2 triệu đô-la và đầu tư số tiền này vào loại trái phiếu có lãi suất 5%, theo đó sẽ đem lại mức thu nhập 5.000 đôla/ tháng. Sau khi trừ thuế, bạn còn 4.000 đô-la, tính theo giá trị tiền hiện nay, số tiền này xấp xỉ 1.650 đô-la/tháng. Có thể tốt hơn nữa nếu bạn vẫn nhận được lương hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội. Hoặc bạn tiếp tục kinh doanh bất động sản, tìm kiếm người thuê nhà và tự tay lắp những cuộn giấy vệ sinh trong toa lét, và khoản tiền thuê nhà chính là thu nhập của bạn, khoảng 3.800 đô-la/tháng. Bạn chỉ có một lựa chọn khác là tăng số tiền đầu tư và mua thêm bất động sản – điều này hoàn toàn khác so với việc nghỉ hưu, phải vậy không?

Nhưng nếu bạn là một nhà đầu tư theo Quy tắc số 1, sẽ không mất nhiều thời gian khi chỉ dành 15 phút/tuần cho việc đầu tư. Theo đó, bạn tiếp tục đầu tư 3,3 triệu đô-la với mức lãi 15%/năm và sống dư dả với số tiền lãi đó. Điều này đồng nghĩa với việc bạn có thu nhập 40.000 đô-la/tháng. Con số trên không phải là lỗi in ấn. Tất nhiên, bạn sẽ phải trả thuế cho khoản thu nhập này. Bạn sẽ còn lại 30.000 đô-la/tháng khi nghỉ hưu, tính theo giá trị tiền hiện nay là 12.000 đô-la/tháng. Liệu bạn có cảm thấy thích thú khi có thu nhập 12.000 đôla/ tháng, cao hơn nhiều so với việc chỉ có 1.650 đô-la/tháng không?

 

Ít nhất giờ đây bạn biết một sự thật: Bất động sản là đáng giá và tôi đã đầu tư rất nhiều tiền vào đó. Tuy nhiên, nó không thể so sánh được với 15% lợi nhuận khi đầu tư theo Quy tắc số 1. Do đó, lời khuyên của tôi là: Hãy tìm mua cổ phiếu của một công ty làm ăn tốt với mức giá hấp dẫn và sống như một ông hoàng khi nghỉ hưu.

Đây là những điều tôi nhận thấy. Bạn có thể tiếp tục bỏ qua Quy tắc số 1, chỉ muốn đầu tư vào bất động sản và cố gắng sống với khoản thu nhập từ đó đến suốt quãng đời còn lại hoặc bạn có thể trở thành một nhà đầu tư theo Quy tắc số 1.

Còn chần chừ gì mà không học Quy tắc số 1?

Sẽ không thừa khi tôi luôn nói rằng: Lý do đầu tiên bạn nên học Quy tắc số 1 là bạn có thể thu được ít nhất 15% lợi nhuận mỗi năm mà hầu như không có rủi ro, và điều này sẽ thay đổi cuộc sống của bạn và gia đình bạn vĩnh viễn. Bạn không thể làm được điều đó nếu đầu tư vào bất động sản, vào một quỹ đầu tư hoặc bằng cách chọn lựa ngẫu nhiên các cổ phiếu để mua. Lý do thứ hai là khi bạn đầu tư theo Quy tắc số 1, số tiền ban đầu là bao nhiêu không quan trọng. Trong vòng 20 năm, bạn có thể nghỉ hưu thoải mái và sung túc. Hãy quan sát bảng dưới đây.

Tương tự như việc so sánh kết quả đầu tư theo Quy tắc số 1 với đầu tư vào bất động sản, nếu bạn có thể nghỉ hưu với thu nhập luôn được duy trì ở mức 70.000 đô-la/năm trong vòng 20 năm kể từ bây giờ với số tiền đầu tư ban đầu chỉ là 1.000 đôla, liệu bạn có muốn học cách làm được điều đó không? Như chúng ta thấy, điều này là hoàn toàn có thể nếu bạn tích luỹ tiền trong vòng 20 năm và bắt đầu từ thời điểm đó sử dụng lợi nhuận kiếm được, giữ nguyên số tiền gốc. Do đó, nếu số tiền đầu tư ban đầu là 1.000 đô-la, số tiền bạn có sau 20 năm là gần 500.000 đô-la, và nếu bạn tiếp tục duy trì tỷ suất lợi nhuận 15%/năm, bạn sẽ có 70.000 đô-la/năm dành cho chi tiêu – vẫn giữ nguyên khoản tiền 500.000 đô-la ban đầu. Nếu bạn bắt đầu với số tiền là 50.000 đô-la, số tiền bạn có sau 20 năm là 1,45 triệu đô-la, cho phép bạn sử dụng số tiền lãi 215.000 đôla (15%) mỗi năm. Hãy nghĩ về thời điểm nghỉ hưu khi đó. Vấn đề chính là bạn cần tích luỹ số lãi 15%/năm hoặc hơn từ khoản tiền bạn cóp nhặt được trong vòng 20 năm đầu (và những năm sau đó), điều này sẽ giúp đem lại lợi nhuận cao hơn. Nếu bạn không nghĩ bạn có đủ 20 năm làm việc trước khi nghỉ hưu, bạn vẫn có thể tạo ra một khoản tiền kha khá khi đầu tư theo Quy tắc số 1. Hãy để những đồng tiền đó làm việc cho bạn trong thời gian bạn nghỉ hưu.

Gặp gỡ Doug và Susan Connelly

Hãy quan sát bức tranh tổng thể về việc đầu tư theo Quy tắc số 1 trong thực tế.

Đó là thời điểm năm 2003, Doug và Susan Connelly là một cặp vợ chồng ở độ tuổi 40 có hai con đang học trung học. Tổng thu nhập của họ là khoảng 60.000 đô-la/năm. Doug là nhân viên bán hàng cho một hãng kinh doanh nhỏ còn Susan là giáo viên của một trường tư. Họ đã nghe tôi phát biểu tại một buổi hội thảo và quyết định học Quy tắc số 1.

Họ quyết định tự mình đầu tư, đơn giản là vì họ muốn có một cuộc sống khấm khá sau khi nghỉ hưu. Tại thời điểm đó, họ chỉ có 20.000 đô-la trong IRA (tài khoản hưu trí cá nhân), mặc dù họ sẽ bán ngôi nhà trị giá 200.000 đô-la vào thời điểm chuẩn bị nghỉ hưu. Họ nghĩ rằng, họ có thể tích luỹ thêm 5.000 đô-la/năm thu nhập chưa đóng thuế và gửi vào tài khoản. Đây là vấn đề của họ: Họ biết rằng, nếu đầu tư 20.000 đô-la cộng với 5.000 đô-la/năm vào một loại trái phiếu có lãi suất 4%, họ sẽ chỉ có 190.000 đô-la khi nghỉ hưu vào thời điểm 20 năm sau. Số tiền 190.000 đô-la trong tài khoản hưu trí cá nhân với lãi suất 4% khi đó sẽ chỉ đem lại cho họ khoản thu nhập chưa đóng thuế 650 đô-la. Tính thêm cả bảo hiểm xã hội và giá trị ngôi nhà, họ có thể sống tạm ổn. Tuy nhiên, đó không phải là cuộc sống họ mong muốn. Họ muốn đi du lịch, ăn uống tại những nhà hàng ưa thích, lái một chiếc xe không bao giờ bị chết máy. Doug muốn chơi gôn và đây là môn thể thao khá tốn kém. Susan muốn đi thăm New York, xem buổi diễn ở Broadway, tuy nhiên giá vé ở đó là 100 đô-la/ghế, tiền ăn tối là 100 đô-la/người, giá thuê phòng khách sạn là 250 đô-la/đêm. Susan biết rằng, chi phí cho những chuyến đi như vậy là quá đắt đỏ so với thu nhập của họ.

Điều quan trọng hơn đối với Doug và Susan là họ có thể chi trả các hoá đơn y tế. Họ biết chi phí chăm sóc sức khoẻ ngày càng cao hơn và bảo hiểm y tế là không đủ. Họ đã đọc một bài báo trên tạp chí Newsweek trong đó phỏng vấn những người nghỉ hưu, những người đang phải chi trả 600 đôla/ tháng cho các loại thuốc không được bảo hiểm y tế. Gia đình Connellys không muốn tạo gánh nặng cho con cái và họ không muốn mất tất cả hoặc bị buộc phải sống tại các nhà dưỡng lão vì những vấn đề sức khoẻ. Họ biết họ cần nhiều tiền hơn.

Họ rất hứng thú với Quy tắc số 1 khi xét đến bài toán dưới đây: Nếu Quy tắc số 1 đem lại tỷ suất lợi nhuận 15% đối với tài khoản hưu trí cá nhân mà không phải đóng thuế, họ sẽ có trên 840.000 đô-la trong tài khoản này khi nghỉ hưu trong vòng 20 năm tới thay vì chỉ có số tiền là 190.000 đô-la. Thứ hai, họ có thể tiếp tục đầu tư trong lúc nghỉ hưu, đem lại tỷ suất lợi nhuận gộp 15% tính trên số tiền 840.000 đô-la. Điều này giúp họ có thêm khoản thu nhập chưa đóng thuế là 10.500 đô-la/tháng, cộng với bảo hiểm xã hội mà không phải tiêu đến khoản tiền 840.000 đô-la. Điều này tốt hơn rất nhiều so với khoản thu nhập 650 đô-la/tháng họ có thể thu được khi đầu tư vào trái phiếu. Họ nhận thấy việc học Quy tắc số 1 sẽ bảo đảm cho họ một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Sức mạnh của “công nghệ” tiền tạo ra tiền (lãi mẹ đẻ lãi con)

Doug và Susan có thể nghỉ hưu sớm hơn nhiều và có cuộc sống tốt hơn họ nghĩ vì sức mạnh của tốc độ tăng trưởng gộp: Không chỉ có tiền vốn tạo ra khoản thu nhập/vốn (ROI) mà ROI này còn tạo ra khoản thu nhập/vốn (ROI) mới. (Hãy nhớ lại sự khác biệt khi so sánh lợi nhuận gộp 8 – 9%/năm với lợi nhuận gộp 23%/năm). Đây chính là lý do của “công nghệ” tiền tạo ra tiền theo thời gian. Ví dụ: Bạn đầu tư 1.000 đô-la và khoản đầu tư này tạo ra khoản thu nhập/vốn là 10%/năm. Sau năm đầu tiên, khoản đầu tư của bạn sẽ trở thành 1.100 đô-la. Trong năm thứ hai, bạn có ROI 10% trên số lãi 100 đô-la và ROI tính trên khoản vốn đầu tư 1.000 đô-la (10%). Điều này khiến số vốn đầu tư của bạn tăng lên thành 1.210 đô-la và cứ tiếp tục như vậy. Nếu bạn duy trì tỷ suất lợi nhuận gộp 10%/năm thì sau 50 năm, khoản đầu tư 1.000 đô-la ban đầu sẽ trở thành 117.391 đô-la… và tiếp tục tăng cho đến khi bạn qua đời. Do đó, chúng ta cần đẩy nhanh tốc độ của “công nghệ” tiền tạo ra tiền. Để làm được điều đó, bạn cần phải thu được ROI cao hơn.

Lý do khiến Quy tắc số 1 trở thành nền tảng cho triết lý đầu tư của chúng ta đó là chúng ta hiểu rằng sức mạnh của việc tăng lượng tiền theo cấp số nhân với tỷ lệ 15%/năm hoặc hơn sẽ phụ thuộc vào việc chúng ta không đánh mất tiền. Một mức giảm 50% sẽ cần một mức tăng 100% để trở lại mức giá cũ. Nếu giá cổ phiếu sụt giảm 80%, cần phải tăng 400% để trở lại mức giá cũ. Cổ phiếu của Oracle có giá 40 đô-la/cổ phiếu vào năm 2000 và giảm xuống chỉ còn 10 đô-la/cổ phiếu. Đây là mức giảm 80%. Theo đó, giá cổ phiếu của Oracle cần phải tăng gấp đôi từ 10 lên 20 đô-la, rồi lại cần tăng gấp đôi, từ 20 lên 40 đô-la để trở lại mức giá cũ. Mức tăng cần thiết là 400%! Hãy nghĩ về điều này. Lấy chỉ số Dow Jones là ví dụ để thị trường tăng trưởng 400%, chỉ số Dow Jones cần phải tăng từ mức 10.000 lên 40.000. Điều này có thể phải cần khoảng thời gian ít nhất là ba thập kỷ! Khi đó, danh mục đầu tư của bạn là thảm hoạ thường trực và bạn không thể đạt được tỷ suất lợi nhuận tối thiểu 15%.

Hãy quay trở lại với Doug và Susan, nhưng giả sử lần này chỉ có Susan đến học về Quy tắc số 1 và mỗi vợ chồng có một danh mục đầu tư riêng (một cặp vợ chồng tự lập, họ thích tự mình thử nghiệm các phương pháp đầu tư hơn là nhập các tài khoản với nhau). Hãy giả sử rằng, mỗi người có 20.000 đô-la lúc này để đầu tư, cộng thêm khoản tiền 5.000 đô-la/năm, tương tự như ví dụ trên. Sau 10 năm đầu tư với tỷ suất lợi nhuận 15%/năm, Doug mất một nửa số tiền do thị trường sụt giảm mạnh. Trong khi đó, là một nhà đầu tư theo Quy tắc số 1, Susan không bị thua lỗ. Tiếp đó, Susan dạy Doug về Quy tắc số 1. Tính từ thời điểm cuối năm thứ 10, cả hai người đều thu được tỷ suất lợi nhuận là 15%/năm. Sau 20 năm kể từ bây giờ, Doug có khoản tiền là 420.000 đô-la trong khi số tiền Susan có là 840.000 đô-la. Điều này đồng nghĩa với việc Doug sẽ có khoản thu nhập 63.000 đô-la/năm trong khi Susan có khoản thu nhập lớn hơn, và do đó có mức sống sung túc hơn, là 126.000 đô-la/năm. Lý do cho sự khác biệt về thu nhập 63.000 đô-la/năm sau 20 năm là do một lần Doug đã vi phạm Quy tắc số 1.

Tuy nhiên, đây cũng chưa phải là điều xảy ra với hàng nghìn học viên của tôi, những người từng trải qua những thất bại đau thương. Ví dụ, tôi gặp Robert trong một buổi thuyết trình tại bang Texas. Ông đầu tư toàn bộ số tiền dành cho nghỉ hưu vào cổ phiếu của Enron theo sự hối thúc của những vị sếp đáng tin cậy. Ông tức giận đến nỗi khi tôi trình bày tại lớp học những bằng chứng cho thấy các nhà quản lý của Enron đang tháo chạy trong khi yêu cầu nhân viên tiếp tục ở lại, ông đã lao về phía hội trường và chỉ bình tĩnh lại sau khi đập phá một số thứ. Những sự tức giận như vậy là có thật vì chúng ta đã phải làm việc vất vả để giàu có hơn mà lại mất đi tất cả chỉ vì bỏ qua Quy tắc số 1. Không ít người trong khán phòng đồng cảm với nỗi đau và sự tức giận của Robert.

Một người khác, tôi gọi là Chris, nói với tôi việc ông bắt đầu đầu tư với số tiền 50.000 đô-la vào năm 1990 và phát triển số tiền đó lên trên 1 triệu đô-la vào năm 2000. Sau đó, ông mất tất cả chỉ đơn giản vì ông tin rằng cổ phiếu sẽ lên giá trở lại và người môi giới chứng khoán của ông liên tục thuyết phục ông áp dụng chiến lược tăng trưởng hai con số – hãy đầu tư nhiều hơn vào cổ phiếu đang giảm giá, nhờ đó sẽ kiếm bộn tiền khi cổ phiếu tăng giá trở lại. Tuy nhiên, cổ phiếu không tăng giá trở lại và ông mất tất cả. Ông bắt đầu lại với 1.000 đô-la và nhận ra rằng, thậm chí khi thị trường tăng trưởng trở lại trong lâu dài thì khoảng thời gian đó cũng rất dài, dài hơn so với thời gian ông có thể đợi.

Đây là những con người đáng khâm phục. Họ gục ngã và đã đứng dậy. Mặc dù, chúng ta ca ngợi sự can đảm và kiên nhẫn của họ, nhưng sự thật là chúng ta không muốn phải trải qua những thất bại họ đã trải qua, nếu chúng ta có thể tránh được việc đó. Tôi nghĩ rằng học Quy tắc số 1 và tránh những sai lầm tương tự chính là ưu tiên hàng đầu.

Bị đánh ngã 7 lần. Đứng dậy 8 lần.
– Ngạn ngữ Nhật Bản –

Nếu bạn chưa từng mua một cổ phiếu nào, không biết cách mở một tài khoản giao dịch chứng khoán, hoặc không biết tài khoản hưu trí cá nhân là gì thì cũng đừng lo lắng. Tôi sẽ hướng dẫn bạn trong Chương 15. Đầu tiên, tôi muốn bạn quen với phương pháp luận của Quy tắc số 1, rồi tiếp đến chúng ta sẽ giải quyết những vấn đề nhỏ, giúp bạn đúng đắn từ những bước đi đầu tiên.

Tác động của tỷ suất lợi nhuận gộp có thể giúp bạn hoặc có thể chống lại bạn. Điều đó phụ thuộc vào việc liệu bạn có thể đầu tư chắc chắn vào những công ty không làm bạn thua lỗ hay không. Chỉ khi đó, tỷ suất lợi nhuận gộp mới chắc chắn mang giá trị dương và đủ lớn để tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của bạn. Mặc dù, bất kỳ giá trị dương nào của tỷ suất lợi nhuận gộp cuối cùng cũng khiến bạn trở nên giàu có, câu hỏi đặt ra là khi nào. Rõ ràng là tỷ suất lợi nhuận gộp dương càng lớn thì bạn càng nhanh giàu có, miễn là bạn không vi phạm Quy tắc số 1.

Hãy nghĩ việc đầu tư giống như chơi một ván cờ, nếu bạn đi một nước cờ sai, bạn sẽ phải trở lại điểm xuất phát và bắt đầu lại từ đầu. Đây chính là lý do khiến các quỹ đầu tư thất bại với các danh mục đầu tư của mình. Tại một số ô trên bàn cờ, tất cả những gã khổng lồ – những nhà quản lý các quỹ đầu tư – đều đi vào. Nhiệm vụ của bạn là phải học cách tránh đi vào những ô này. Nếu bạn không bị trở về điểm xuất phát, bạn có thể nhanh chóng trở nên giàu có.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button