Kinh doanh - đầu tư

Những Người Làm Chủ Số 1 Việt Nam


nhung-nguoi-lam-chu-so-1-viet-nam-dam-linh1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Đàm Linh

Download sách Những Người Làm Chủ Số 1 Việt Nam ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH KINH DOANH – ĐẦU TƯ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Với một ước mong mãnh liệt là mang lửa của thế hệ đi trước truyền lại cho lớp trẻ phía sau, cuốn sách Những người làm chủ số 1 Việt Nam hướng tới mọi đối tượng độc giả: những người trẻ và những người đã bớt trẻ, những người quan tâm đến kinh tế cùng những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam cũng như mong muốn được truyền cảm hứng từ những doanh nhân hàng đầu VN…

Muốn khám phá một phần con người họ đằng sau công việc? Muốn lắng nghe tâm sự của những người đi trước, bao gồm cả doanh nhân lẫn học giả, gửi gắm cho thế hệ sau?

Muốn có cái nhìn tổng quan về những công ty hàng đầu Việt Nam cũng như tìm kiếm những thông tin thống kê về ngành và vĩ mô cập nhật?

Muốn thêm tin, thêm yêu và hy vọng? Hoặc hơn thế?

Những người làm chủ số 1 Việt Nam là cuốn sách viết về những doanh nhân “số 1” Việt Nam như: Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FPT, Đặng Lê Nguyên Vũ- Người sáng lập, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, Lý Ngọc Minh – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Minh Long I, Giản Tư Trung – Hiệu trưởng trường Doanh nhân PACE, Mai Kiều Liên – Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam…

Cuốn sách nằm trong Dự án xã hội về sách do một nhóm các bạn trẻ khởi xướng từ đầu 2013, với mong muốn:

– Hình thành một tuyển tập sách “Made in Vietnam”, về người Việt Nam và cho người Việt Nam.

– Hướng tới việc giúp độc giả có cơ hội tìm hiểu nhiều chiều và chính thống về các doanh nhân – doanh nghiệp “dẫn đầu” bên cạnh những gì các phương tiện truyền thông đã khai thác.

– Khơi nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ khi bước chân vào thương trường khốc liệt và tự tin khởi nghiệp với những kinh nghiệm và bài học quý giá.

– Tôn vinh những doanh nhân – doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam và làm cầu nối tri thức giữa những nhân vật với độc giả.

ĐỌC THỬ

Trương Gia Bình

“Trên đường tìm con chim xanh”

“Rốt cuộc, Con chim xanh cũng vỗ cánh bay đi. Nhưng các bạn trẻ của chúng ta đã hiểu rằng hạnh phúc chỉ nằm trong tầm tay với nếu chúng ta biết trân quý những điều tầm thường và giản dị trong cuộc sống.”

(Con chim xanh – Georgette Leblanc)

Trong câu hỏi về hạnh phúc, PGS.TS Trương Gia Bình nói với chúng tôi: Với anh, hạnh phúc cũng giống như câu chuyện của nữ nhà văn Pháp nọ, nó không hẳn là “con chim xanh”, mà là những trải nghiệm trên con đường tìm kiếm. Và tôi biết, một phần tư thế kỷ vừa qua, những “tìm kiếm” không mệt mỏi của anh đã “kiến tạo” nên một trong những câu chuyện hay nhất về “giấc mơ” của người Việt. Điểm đặc biệt là sức lan tỏa của giấc mơ ấy lại nằm ở chỗ, nó giản dị, nhưng thấm thía biết bao. Từ anh, ta học được những bài học về ước mơ, tình yêu cuộc sống và công việc ta làm; bài học về lòng dũng cảm và cách ta lựa chọn thái độ sống trước thời cuộc… Những bài học có thể khiến chúng ta, sau những bế tắc và “loanh quanh” thường nhật, sẽ lại thấy tin, thấy yêu và không thôi hy vọng về những “màu xanh”.

Cũng như, về những con đường…

Từ những câu hỏi “Tại sao?”

“Chúng tôi rất vui mừng khi hợp tác với một tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam là FPT. Tôi tin tưởng sự hợp tác này sẽ phát triển hơn nữa trong thời gian tới.”

— Bill Gates – Microsoft

2012, FPT chạm mốc ¼ thế kỷ với những con số ấn tượng: Tổng doanh thu đạt 25.350 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.407 tỷ đồng, số lượng nhân viên đạt gần 15.000 người trải khắp 14 quốc gia trên toàn cầu và riêng tại Việt Nam là 46 tỉnh thành; FPT tiếp tục giữ vị trí số 1 Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, tích hợp hệ thống; là một trong ba nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cố định, Internet hàng đầu Việt Nam; là đơn vị quảng cáo trực tuyến số 1 Việt Nam với hơn 50% thị phần quảng cáo trực tuyến… Nhưng khi chia sẻ về động lực làm việc và cống hiến tại FPT, Trương Gia Bình chỉ (nhún vai) nói với tôi đơn giản:

“Anh vẫn chưa hài lòng!”

“Vậy tại sao?”

Có lẽ, nó đã bắt đầu từ những câu hỏi mà Trương Gia Bình tự đặt ra cho chính mình.

Nửa cuối thế kỷ XX với đủ những thăng trầm từ sự giao thoa của tàn dư phong kiến và thuộc địa, từ dư âm cuộc chiến tranh “thần thánh” của dân tộc đánh Pháp, đuổi Nhật, đương đầu Mỹ, từ tranh đấu sang hòa bình, từ khủng hoảng vươn mình ra đổi mới… cũng là giai đoạn mà Trương Gia Bình sinh ra và lớn lên. Chỉ riêng những khó khăn, phức tạp của đời sống cũng đủ khiến người ta phải loay hoay ít nhiều để tìm cách thích nghi và vượt lên. Nhưng với chàng thanh niên Trương Gia Bình lúc ấy, chỉ có khoa học và giấc mơ về những tấm gương Einstein, Newton… là quan trọng. Kể về những năm tháng tuổi trẻ, mắt anh lại sáng lấp lánh và đôi tay người lãnh đạo lại không thôi khua lên hào hứng. Trong ký ức của Trương Gia Bình, đó là những năm tháng say mê học, say mê chơi và với những người sinh ra trong chiến tranh thì cuộc chiến khốc liệt ấy, cứ như một điều tất nhiên, chẳng hề khiến các anh sợ sệt hay ngần ngại. Trương Gia Bình bảo, thế hệ cùng thời với anh, mọi người đều đi qua những năm tháng tuổi trẻ như thế, thấm thía khó khăn, nhưng niềm tin vào tương lai, đặc biệt vào tương lai đất nước hòa bình, thì luôn có. Ở đó, các trí thức trẻ được đào tạo bài bản, ai ai cũng mang trong mình nhiệt huyết sẽ được cống hiến tài năng bản thân vào công cuộc tái thiết và dựng xây đất nước.

Một năm trước ngày đất nước thống nhất, Trương Gia Bình cùng nhiều bạn bè được học bổng du học. Gác lại những vần thơ Tố Hữu, những suy tư triết lý, những bữa cơm vàng khè vì ngô nhiều hơn gạo, Trương Gia Bình chính thức nhập học Đại học Tổng hợp Moscow (MGU). Không ai có thể ngờ rằng, chàng sinh viên, sau này trở thành nghiên cứu sinh rồi Tiến sĩ khoa học ấy, lại có thể trở thành một trong những doanh nhân được ngưỡng mộ nhất tại Việt Nam, và nếu không quá là ở châu Á, với bằng chứng là Giải thưởng Nikkei Châu Á 2013 vừa rồi.

Nhưng Moscow không chỉ mang đến cho Trương Gia Bình và bạn bè anh không gian của một “lâu đài tri thức”, mà nó còn mở ra trong anh những suy tư sâu xa khác. Những câu hỏi “Tại sao?” bắt đầu xuất hiện trong đầu chàng sinh viên giữa những buổi thơ thẩn vặt táo xanh trên đồi Lenin: “Điều gì khiến một dân tộc anh hùng như Việt Nam khi ra thế giới bị khinh thường tới vậy? Điều gì khiến người Hung, người Tiệp, người Nga, rồi người Đức… có thể ngang nhiên chửi rủa, thậm chí là đánh đập tàn nhẫn người Việt Nam, khi họ mua hàng gửi về nước? Và điều gì khiến người Việt, những con người vừa mới đây thắng Pháp, thắng Nhật, thắng Mỹ, phải chịu nhục, chịu hèn đến thế?”

Đồng thời với những câu hỏi, là một cái gì đó dù chưa rõ ràng cũng bắt đầu manh nha trong đầu Trương Gia Bình: Phải rửa nỗi nhục nghèo hèn!

Những lần gặp anh Nguyễn Văn Đạo – Viện phó kiêm Tổng thư ký Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam lúc đó sang công tác với câu chuyện “xóa nghèo” từ những hợp đồng khoa học kỹ thuật, đã nhen nhóm lên hy vọng mới trong đầu óc chàng sinh viên Trương Gia Bình lúc ấy!

1985, sau mười một năm học tập và nghiên cứu khoa học, Trương Gia Bình và nhiều nghiên cứu sinh tốt nghiệp từ Liên Xô về nước, vẫn với niềm tin năm nào về một viễn cảnh tươi sáng, về việc đất nước đang cần họ, đất nước có chỗ cho họ cống hiến và đóng góp dựng xây. Thì ngay năm sau đó (1986), đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế – xã hội trầm trọng. Lạm phát đạt mức “kỷ lục” 774,7% và kéo theo hàng loạt những hệ lụy nặng nề khác. Một trong những hệ lụy đó là nghịch lý những trí thức trẻ như Trương Gia Bình và nhiều bạn bè được đào tạo bài bản ở các trường đại học danh tiếng của Liên Xô, Hungary… về nước nhưng không thể nuôi nổi bản thân, và những tri thức khoa học cũng chưa thể ứng dụng vào thực tiễn…

Nhưng có phải, nghịch cảnh chính là cơ hội tuyệt vời để nảy sinh những ý tưởng lớn lao?

Tháng 06 năm 1986, do yêu cầu ký kết các hợp đồng kinh tế, nhóm Trao đổi Nhiệt Chất (TĐNC) thuộc Viện Cơ học được thành lập dưới sự chỉ đạo của GS.TS Nguyễn Văn Đạo, GS.TS Nguyễn Văn Điệp, do anh Trương Gia Bình đứng đầu, cùng với sự tham gia của các anh Nguyễn Thành Nam, anh Đỗ Cao Bảo, anh Bùi Quang Ngọc… Thuở ban đầu, tại địa chỉ số 208D Đội Cấn – trụ sở Viện Cơ học, nhóm đã đưa ra mục tiêu: Thực hiện hợp đồng, kiếm được tiền nuôi nhau làm khoa học.

Vào thời điểm năm 2013, nghe tới bát cơm B52, nồi hầm, chậu nhôm, quạt máy Liên Xô… nhiều người sẽ không thể nào tưởng tượng ra. Nhưng nếu là những năm cuối thập kỷ 80, tài sản quý giá nhất với những nhà khoa học từ Liên Xô trở về lại chính là những lần mua được nồi hầm, quạt tai voi, bàn là Liên Xô… mang về nước ấy. Để có tiền trang trải cho những “thương vụ đầu tiên” của nhóm TĐNC với đối tác ở khắp Việt Nam, không ít lần, Trương Gia Bình đã phải “bán hết va-li Gia Bình đi đánh Tây”  – đem hết nồi hầm, bàn là… đi bán, nhờ máy bay quân sự đi Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Đồng Nai, Thanh Hóa… Để rồi kết quả là nhiều hợp đồng với lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt về tải nhiệt, lắp đặt hệ thống sấy lạnh nhà máy thuốc lá Đồng Nai, điều hòa ở nhà máy thuốc lá Thanh Hóa, lắp đặt nhà máy kem Bỉm Sơn… đã được ký kết.

Với những kết quả ban đầu đó, Trương Gia Bình cùng những “đồng đội” của anh đã nỗ lực để chứng minh cho xã hội thấy rằng, giữa giai đoạn kinh tế bao cấp, những cán bộ nghiên cứu khoa học cơ bản không chỉ biết đọc sách và tranh luận những điều xa vời, họ còn biết đứng lên làm kinh tế – và chắc chắn, họ nuôi được chính bản thân mình!

Nhưng nỗ lực để nuôi sống bản thân và chứng minh năng lực của một nhà khoa học trong làm kinh tế ở “buổi phôi thai”  ấy, hẳn chưa phải tất cả những “giấc mơ” mà một người như Trương Gia Bình tìm kiếm. Trong anh, dường như những câu hỏi tại sao mới lại bắt đầu, quyết liệt hơn, lớn lao hơn.

Và như thế, cuộc đời mở ra…

Người dám làm lớn

“Chỉ sau một năm có quyết định cho phép doanh nghiệp cùng cạnh tranh Internet, FPT đã chiếm được 30% thị phần. Tôi rất mừng và thở phào bởi từ lúc này, không ai có thể đóng Internet vì cả xã hội đã thấy được sức mạnh quá lớn của nó.”

— Ông Mai Liêm Trực

Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông

Nhiều người nói Trương Gia Bình say mê tới ngây thơ trước các ý tưởng mới, thậm chí đôi lúc thành cả tin. Nhưng chúng tôi băn khoăn tự hỏi, nếu không có cái say mê đôi khi hết sức “lãng mạn” ấy, liệu FPT có được như ngày hôm nay, hay đang đi ngang với những con số và kết quả an toàn, thực tế?

Trương Gia Bình bồi hồi nhớ lại: Đầu năm 1988, trong bối cảnh Liên Xô vẫn còn chịu cấm vận, Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo đã ký kết với Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô một hợp đồng trao đổi thiết bị: Ta cung cấp máy tính hiện đại cho Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, để đổi lấy vật tư sắt thép thiết bị và phương tiện vận tải. Nhận thấy cơ hội nhóm TĐNC có thể được giao nhiệm vụ nêu trên cũng như thực tế nếu giữ nguyên hình thức tổ chức và phương thức hoạt động cũ thì sẽ khó đáp ứng được yêu cầu, Trương Gia Bình, trên cương vị người đứng đầu nhóm, đã ngay lập tức suy nghĩ tới việc xây dựng một tổ chức độc lập, có tên riêng và tư cách pháp nhân phù hợp.

Năm đó Trương Gia Bình vừa bước qua ngưỡng “tam thập nhi lập” của cuộc đời.

Tới mùa hè năm 1988, sau Đại hội Tin học Việt Nam lần thứ nhất, Trương Gia Bình càng suy nghĩ nung nấu hơn về ý tưởng thành lập một công ty từ nhóm TĐNC. Sau khi thu hút được lực lượng và xây dựng bộ khung của công ty, ngày 13/09/1988, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia đã ký Quyết định số 80-88 QĐ/VCN thành lập công ty lấy tên là Công ty Công nghệ thực phẩm và giao cho Trương Gia Bình làm Giám đốc. Mặc dù tên gọi và định hướng của công ty ban đầu là về công nghệ thực phẩm, nhưng ngay tại thời điểm đó, bộ khung của FPT đã được cơ cấu theo ba nhóm rõ ràng: Nhóm TĐNC, nhóm Cơ Điện Lạnh và nhóm Tin học. Số 13 bắt đầu gắn với FPT như một tín ngưỡng từ đó.

Câu chuyện về cái tên FPT gắn với hai tiếng Food – Thực phẩm vẫn còn khiến nhiều người tò mò mãi. Nền kinh tế thị trường cởi mở đặc biệt từ khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007 một lần nữa khiến cho nhiều người cảm thấy lạ lẫm với những khó khăn của nền kinh tế bao cấp những năm tám mươi của thế kỷ trước. Một đất nước thuần nông vừa chấm dứt chế độ bao cấp, nông nghiệp vẫn là mặt trận được ưu tiên hàng đầu, một công ty trên danh nghĩa thuộc Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia đang loay hoay tìm tên gọi, một tập thể nhân sự khao khát muốn được cống hiến nhiều hơn cho công nghệ mới? Vậy còn sự kết hợp nào “hợp lý” hơn cụm từ vừa có yếu tố “Thực phẩm” vừa có yếu tố “Công nghệ” xuất hiện trong thời kỳ mới mở cửa ấy? Và rất tự nhiên, theo xu thế đặt tên tiếng Anh để giao dịch quốc tế và đảm bảo yếu tố ngắn gọn, “The Food Processing Technology Company” đã được tóm tắt lại trong ba từ: FPT.

Những ngày đầu, ít người biết để có thể tồn tại trong bối cảnh kinh tế mở cửa còn nhiều khó khăn, FPT đã phải làm tất cả các công việc: Từ làm thức ăn gia súc, buôn sắt thép, quần áo, ngoại tệ, thậm chí cả ô tô… để có tiền nghiên cứu công nghệ.

Mười năm sau, tới năm 1998, FPT đón nhận Huân chương Lao động hạng Hai trong bối cảnh khủng hoảng tài chính Đông Á đang lan rộng ảnh hưởng của mình khắp các quốc gia trong khu vực… Thông thường sau những thành công như thế thì người ta bắt đầu hưởng thụ. Nhưng PGS.TS Trương Gia Bình thì chưa muốn dừng lại ở đó!

Phát biểu tại Báo cáo công nghệ mười năm FPT, PGS.TS Trương Gia Bình cảm nhận được rằng, việc lặp lại kinh nghiệm của những năm tương đối may mắn vừa qua có thể dẫn công ty đi tới một thất bại chắc chắn và muốn đạt được thành công trong giai đoạn tiếp theo, FPT cần phải đổi mới toàn diện.

PGS.TS Trương Gia Bình vẫn còn nhớ, một đêm tháng 11 năm 1998, anh với anh Nguyễn Thành Nam ngồi ăn mì tại sân bay Bangkok trong lúc chờ chuyến bay về Việt Nam. Cả hai im lặng, tha thẩn nhai. Sau tất cả những gì đã chứng kiến ở Bangalore, Ấn Độ, dường như họ vẫn chưa hết bàng hoàng: Một đất nước còn rất nghèo, nhưng đã hé lộ sẽ là một cường quốc công nghệ thông tin (CNTT) trong thế kỷ 21. Một lúc lâu sau, anh nói với anh Nguyễn Thành Nam: “Em lấy một đội và thử đi.” Anh Nam gật đầu đồng ý.

Cuộc chiến toàn cầu hóa bắt đầu.

Cũng phải nói thêm rằng, tại thời điểm 1998, khi anh Trương Gia Bình và anh Nguyễn Thành Nam có ý định “xuất khẩu phần mềm” cũng là lúc Internet mới vào Việt Nam được một năm (cuối 1997), và lúc đó mọi người mới bắt đầu công nhận sự hiện diện của CNTT. Vậy mà những người đứng đầu FPT như anh Bình, anh Nam đã “dám” tự tin cạnh tranh với những đối thủ CNTT sừng sỏ khác trên thế giới. Hẳn phải thấy một sự tự tin và quyết tâm “làm lớn” như thế nào. Tất cả chỉ với suy nghĩ đơn giản: Người Ấn Độ làm được thì mình cũng làm được!

Cuộc chiến ấy được bắt đầu bằng những khẩu hiệu “Xuất khẩu phần mềm hay là chết”, với những phấn khích ban đầu và tất nhiên, không tránh khỏi những chia tay, bỏ cuộc, nghi ngờ của nhiều “chiến sĩ hậu phương”. Song vẫn còn quá nhiều những người mang quyết tâm sắt đá, quyết xuất khẩu trí tuệ Việt Nam, ghi tên Việt Nam lên bản đồ số thế giới. Và rồi, 611 ngày đêm chiến đấu, 450 chiến sĩ tham gia trận đánh, chuyển đổi 1.532 ứng dụng với giá trị 6,5 triệu đô-la đã được ghi nhận bằng cái gật đầu của Petronas vào năm 2008 – Công ty dầu khí lớn thứ 4 Malaysia khi họ công nhận: “Đây là hợp đồng phần mềm đầu tiên đúng hạn.”

FPT Software toàn thắng!

Nhưng dường như PGS.TS Trương Gia Bình không chỉ “làm lớn” trong lĩnh vực CNTT và phần mềm sở trường của mình, anh trầm ngâm chia sẻ: Năm 1999, đoàn học sinh Việt Nam đi thi tin học quốc tế tại Thổ Nhĩ Kỳ giành được thành tích xuất sắc chưa từng có. Cùng năm đó bóng đá Việt Nam giành giải nhì Seagames. Đất nước đã phát cờ, trải thảm, rải hoa đón chào các cầu thủ bóng đá. Còn các cầu thủ trí tuệ cũng được chào đón nhưng không có cờ hoa… “Những sự kiện này giúp chúng tôi suy nghĩ một cách hệ thống làm sao có thể giúp các em trở thành những người thành đạt nhất trong xã hội, những nhà lãnh đạo công nghệ quốc gia trong tương lai.” Và FYT (FPT Technology Center for Young Talents) – Trung tâm bồi dưỡng tài năng trẻ FPT được thành lập gần như ngay sau những trăn trở của PGS.TS Trương Gia Bình khi ấy minh chứng cho niềm tin và tình yêu của anh dành cho những trí thức của nước nhà. Nhiều giám đốc trẻ đã được đào tạo” từ FYT như Vương Vũ Thắng – Phó Tổng Giám đốc VCCorp, Nguyễn Hòa Bình – Tổng Giám đốc Peacesoft; Vương Quang Khải – Phó Giám đốc VNG …

Tháng 09 năm 2006, lần đầu tiên một doanh nghiệp CNTT Việt Nam có trường đại học riêng của mình và tự chủ về đào tạo. Sáu năm sau, nơi ấy tiếp tục là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam đạt chuẩn 3 sao của QS Star, một trong ba chuẩn xếp hạng hàng đầu dành cho các trường đại học trên toàn thế giới. Lại một lần nữa người ta nhắc tới tên công ty từng bắt đầu bằng lĩnh vực thực phẩm: FPT. Bây giờ thì Đại học FPT đã gây dựng được uy tín và chỗ đứng riêng. Nhưng cách đây vài năm, Đại học FPT từng là “hiện tượng” trong ngành giáo dục về một điển hình đào tạo xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và yêu cầu nhân lực của chính một doanh nghiệp chuyên ngành. Và chắc hẳn đại học FPT sẽ chưa dừng ở đây khi vị Chủ tịch Tập đoàn đang có tham vọng về một Đại học FPT với “vị thế toàn cầu”.

2012 là một năm ghi dấu nhiều thành tích của FPT, khi công ty lọt Top 100 Nhà Cung cấp Phần mềm và Dịch vụ Quy trình kinh doanh hàng đầu thế giới, Top 500 doanh nghiệp phần mềm hàng đầu thế giới. Hai sản phẩm Phần mềm Quản lý tổng thể eHospital và eGov của FPT đại diện Việt Nam tham gia Giải thưởng CNTT Asean 2012 (AICTA 2012) đã xuất sắc giành giải Vàng và Bạc, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thành tích tốt nhất tại AICTA. Đồng thời, FPT Telecom cũng đã xây dựng hạ tầng và nâng cấp băng thông quốc tế, mở rộng vùng phủ ra 46 tỉnh thành trên cả nước và tiếp tục là một trong ba nhà cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng cố định lớn nhất tại Việt Nam…

Khi độc giả đọc được những dòng về Trương Gia Bình ở đây, cũng là lúc anh và FPT đang lên kế hoạch phát triển những chú robot thông minh – smartoshin dựa trên nền tảng điện toán đám mây như một hướng phát triển chiến lược của FPT trong tham vọng trở thành nhà cung cấp dịch vụ thông minh (smart services) toàn cầu.

Bên cạnh đó, năm 2012, Hội đồng quản trị FPT cũng đã quyết định dành ra 5% lợi nhuận trước thuế hàng năm cho công tác Nghiên cứu – Phát triển (R&D). Rõ ràng, “nhân vật Nikkei Asia 2013” của Việt Nam còn ấp ủ rất nhiều tham vọng cho những “một phần tư thế kỷ” tiếp theo của tập đoàn CNTT số một quốc gia này.

Với nhiều người, dường như FPT đã trả lời được hàng loạt câu hỏi “Tại sao?” của “anh Sáu”(TG – biệt danh của Chủ tịch Trương Gia Bình tại FPT) – bằng một công ty CNTT-VT hàng đầu Việt Nam, doanh thu mỗi năm hơn một tỷ đô-la (không nhiều công ty tư nhân Việt Nam đạt được con số này); bằng tập thể lãnh đạo cốt cán là những “trí thức trẻ” gắn bó với công ty từ những ngày đầu gây dựng. FPT cũng đang cùng với nhiều thương hiệu Việt khác nỗ lực gây dựng uy tín quốc gia trên bản đồ thế giới. Nhưng có vẻ người đứng đầu tập đoàn FPT vẫn chưa muốn dừng lại. Bởi với anh, tất cả những gì FPT làm được đến thời điểm hiện tại vẫn còn quá nhỏ bé, “ra ‘đường lớn’ vẫn cảm thấy chưa bằng ai, chưa là gì với thế giới” và nhìn lên, Việt Nam vẫn đang “loay hoay” trong cái bẫy thu nhập trung bình thấp và phía trước vẫn còn mấy cái “bẫy” thu nhập trung bình, thu nhập trung bình khá…

Trộm nghĩ, nếu ai cũng có được suy nghĩ như “anh Sáu”, không chịu dừng lại, hưởng thụ thành quả hiện tại mà luôn đặt ra thêm những mục tiêu mới cho bản thân và tập thể, thì cái giấc mơ “con rồng châu Á” hay “ngôi sao đang lên” của Việt Nam, biết đâu đã thành sự thật?

Hãy giản đơn. Và thành thực!

“Tôi không muốn nói về hiệu quả kinh tế mà FPT đã đạt tới từ hai bàn tay trắng, từ cái thuở ‘ra đi, ra đi áo quần không có’ với quyết tâm cao ‘ra đi, ra đi sạch bách mới thôi’ trong cuộc chiến giành giật quyết liệt trên thương trường, bởi vì mọi người đều đã rõ. Điều gây ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi chính là lớp cán bộ trẻ, giỏi, rất năng động luôn luôn ấp ủ trong mình những ước mơ lớn của FPT, những con người đã được sinh ra và lớn lên trong khói lửa chiến tranh, được rèn luyện trong các nhà trường của chế độ ta. Họ có những suy nghĩ, việc làm đáng nể trọng. Những bài học về họ tôi tin rằng rất bổ ích cho thanh niên ta trong lúc này.”

— GS. Nguyễn Văn Đạo

Nguyên Viện phó kiêm Tổng thư ký

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Chắc hẳn sẽ có người thắc mắc, đọc câu chuyện về Trương Gia Bình, giống như đọc câu chuyện về FPT. Nhưng có một điều đơn giản hơn ở đây, một điều tưởng như cũ, nhưng dường như lúc nào cũng luôn đúng: Với PGS.TS Trương Gia Bình, “FPT chính là câu chuyện lớn nhất của cuộc đời anh!”

Nhưng chúng tôi, với tâm thế của những người trẻ đi tìm lời giải cho cả những câu hỏi “Tại sao?”, lẫn những câu hỏi “Ai?”, “Cái gì?”… còn mong muốn bên cạnh việc được lắng nghe câu chuyện của anh, còn được nghe anh gửi gắm với thế hệ mình. Giọng anh đột nhiên chùng xuống và thoáng buồn. Anh bảo, ở đất nước mình, người trẻ từ bé đã được gieo vào đầu tư tưởng không cần làm gì cả, phấn đấu gì cả, “cởi truồng” nằm dưới sông cũng gặp công chúa. Với PGS.TS Trương Gia Bình, rõ ràng, không thể trở nên giàu có hay “gặp được công chúa” mà không chịu khó học tập, làm việc chăm chỉ. Ngay cả những tấm gương như Steve Jobs và Bill Gates, để có được thành công như ngày hôm nay, họ cũng đã phải bỏ ra không ít năm tháng lao động cật lực và khổ luyện. Vẫn là những điều giản đơn, nhưng chưa biết đánh đàn đã đòi đánh hay như NSND Đặng Thái Sơn, theo “anh Sáu”, thực quả vô lý lắm!

Điều quan trọng hơn, bạn trẻ phải biết sống thành thật với ước mơ lẫn bản thân mình. Dù có thể ước mơ đó khác biệt, nhưng dẫu sao, chúng luôn quý giá và rất nên được gìn giữ, vì ước mơ là đại diện của tuổi trẻ. “Tôn chỉ của tập đoàn ngay từ những ngày đầu thành lập là: FPT muốn trở thành một tổ chức kiểu mới… Tại sao phải mới? – Mới là do bế tắc, không có đường nên phải cố gắng khác đi mà thôi.” PGS.TS Trương Gia Bình cũng mong bạn trẻ có thể hiểu rằng: Chính sự khác biệt, sự sáng tạo liên tục mới là điều kiện để tồn tại. Và trong cuộc chơi, cái TÔI chính là điểm cốt lõi tạo nên cuộc chơi ấy.

Trong tương quan với quốc tế hiện tại và câu chuyện về cơ hội cho bạn trẻ, PGS.TS Trương Gia Bình cũng cho rằng đất nước Việt Nam hiện tại có cơ hội lớn hơn các nước khác, bởi mức cạnh tranh ở các nước khác đang rất cao. Ở Việt Nam có thể mở cửa hàng trong khi ở nước khác không dễ mở được: Làm bất cứ ngành nghề gì cũng phải có giấy phép, có bằng cấp, ví như cắt tóc cũng phải có bằng, phải đi thi. Dù những thăng trầm của nền kinh tế là khó tránh khỏi, nhưng lúc nào cũng luôn tồn tại cơ hội. Anh hóm hỉnh: “Ngày anh làm FPT chỉ có một vài công ty tin học, bây giờ có hàng trăm, hàng ngàn công ty. Giới trẻ bây giờ là sướng lắm đấy! Hoàn cảnh hiện tại của các bạn trẻ bây giờ là một trong những giấc mộng của các anh ngày xưa: Sách gì cũng có, trò chơi cao cấp nào cũng có… Ngày xưa các anh học máy tính ‘cực một cách vô tội vạ’: Viết lập trình bằng Code gốc, chuyển cộng từ ô này sang ô này, phép cộng phải viết thành lệnh, viết xong rồi nhờ ai đó đánh máy… Thủ công vô cùng!”

Về những bạn trẻ có chí hướng, vị chủ tịch FPT đặt niềm tin tuyệt đối, rằng bao giờ, ở đâu cũng có những bạn đó, và các bạn đang có cơ hội tuyệt vời để bay. FYT của anh cũng ra đời từ kỳ vọng gìn giữ được những tài năng ấy, dù ở mức độ nhỏ bé. Và giờ đây, dường như anh đang định tiếp nối những gì mà thế hệ đi trước anh vì nhiều lý do thời cuộc, còn dang dở.

Khi cuộc trò chuyện gần đi tới cuối, trong những trao đổi về thế hệ trẻ và tương lai quốc gia, Trương Gia Bình đưa tay lên đầu vò trán: “Một dân tộc từng đánh thắng Mỹ, dân số đứng 13 trên thế giới mà bây giờ lại trôi trong những thứ không tên như vậy sao? Có bao chuyện bê bối như vậy, mình chìm đắm và để bê bối cuốn mình theo sao?”

Bởi theo Chủ tịch FPT, trong chính giai đoạn khủng hoảng này, nếu để ý và chịu khó nhìn khác đi, thì đây chính là cơ hội để sàng lọc những “giá trị bong bóng” và giữ lại những giá trị thật sự. Không có công thức chung nào hoàn toàn đúng trong thành công của mỗi người: Cách đây khoảng vài năm, các bạn sinh viên đổ xô theo học tài chính ngân hàng, ngân hàng cũng ào ạt tuyển người vào làm. Bây giờ, kinh tế đi xuống, không chỉ ngân hàng, nhiều ngành khác cũng đang thực hiện hàng loạt biện pháp cắt giảm nhân sự. Cho nên, cách tốt nhất là sống thật, và hết mình với con người thật của mình. Bởi có không ít những con đường hay trên thế gian này cho các bạn trẻ lựa chọn. “Chỉ cần em không từ bỏ. Mà luôn giữ vững tinh thần và ham mê sống.” – “anh Sáu” quả quyết.

“Cũng có người bảo ở FPT, Trương Gia Bình là nhân vật thường chỉ ‘tỏa sáng’ lúc khó khăn?” Anh trầm ngâm nhìn chúng tôi và mỉm cười: Đối với anh, trong điều kiện công ty hoạt động ổn định, anh hoàn toàn muốn mọi người có cơ hội tự do phát triển. Nhiệm vụ của người đứng đầu, không hẳn là “tỏa sáng” trong lúc công ty tự nó đã “tỏa sáng”, mà chính là ở chỗ biết đứng ra giải quyết trong lúc khó khăn. Thậm chí, ở FPT, chuyện mọi người góp ý “anh Sáu” là điều bình thường. Bởi anh quan niệm, những góp ý khách quan chỉ có thể là điều kiện giúp anh hoàn thiện tốt hơn. Cũng không né tránh việc thừa nhận đầu tư đa ngành là một bài học lớn, nhưng đối với PGS.TS Trương Gia Bình, điều đó không quá quan trọng, khi FPT bao gồm rất nhiều người, và FPT chắc chắn sẽ còn tiến lên, dẫu một ngày có thể anh không còn là “số 1” tại đây nữa.

Ít nhất, khi “nghỉ hưu” tại FPT, Trương Gia Bình sẽ quay về làm một thầy giáo tại Đại học FPT, tiếp tục chở những “giấc mơ” của mình đi cùng với bạn trẻ!

Chúng tôi đem tiếp những tò mò ra hỏi anh: “Vậy điều gì khiến anh đồng ý “đối thoại” với giới trẻ trong khi tâm lý chung mọi người thường né tránh việc cho đi những kinh nghiệm quý giá của bản thân?” Nụ cười tỏa sáng gương mặt “anh Sáu” khi nhắc tới câu chuyện “cho và nhận”: “Em có biết bí quyết kinh doanh của FPT là gì không? Là ‘đem cho’. Muốn đất nước hùng mạnh thì phải có người đóng góp. Trong Thiền cũng vậy, khi mình cho đi, khi mình ‘empty’ tức là rỗng thì mới có thể thu nạp cái mới.” Anh vừa nói vừa đốt thuốc, cái vẻ sảng khoái hiện rõ trên thần thái nhân vật đứng trước mặt chúng tôi. Phóng tầm mắt từ cửa kính tầng 13 – phòng Chủ tịch HĐQT của tập đoàn FPT, nắng xuân đang lấp lóa rải vàng một góc nhỏ Hà Nội ồn ào, sôi động.

PGS.TS Trương Gia Bình sắp bước vào độ tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận” – độ tuổi mà theo người xưa là đã đạt tới mức độ hiểu thấu mọi lẽ. Nhưng sao chúng tôi vẫn thấy ở anh lấp lánh một tinh thần trẻ trung lạ lùng, vẫn cứ say sưa trước tuổi trẻ và những điều mới mẻ? Phải chăng giống như bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc – “ông già vui tính” với nhiều tác phẩm hài hước đã viết: “Không có cái gọi là già, bởi vì khi 20-30 người ta còn quá trẻ, 30-40 đang trẻ, 40-50 hãy còn trẻ, 50-60 trẻ không ngờ, 60-70 trẻ lạ lùng và trên 70 là… trẻ vĩnh viễn.” Và chúng tôi mạo muội tin rằng, dù thời gian trôi đi, nếu vẫn còn cái tinh thần ấy, PGS.TS Trương Gia Bình cũng vẫn cứ là… trẻ vĩnh viễn.

57 tuổi đời, 25 tuổi nghề cùng FPT, người đàn ông đứng trước mặt chúng tôi là sự pha trộn “đặc biệt” giữa một nhà khoa học và một nhà kinh doanh, một người anh hay cũng là một người bạn cởi mở, ham thích hội hè giao lưu, nhưng cũng là một người thầy vô cùng tận tâm và ưu ái giới trẻ. Anh không thích nói về mình, nhưng từ anh tỏa ra một điều gì đó hết sức lôi cuốn khiến người đối diện tò mò…

Sẽ có những độc giả hoài nghi về tương lai, làm sao hai tiếng Việt Nam có thể cất cánh được, làm sao hành trang chỉ là những kiến thức phổ thông hoặc tấm bằng đại học thôi có thể là chiếc chìa khóa thần kỳ mở ra những chân trời mới? Thì hy vọng câu chuyện về một nhà khoa học bỏ ngang đi làm kinh doanh, rồi giờ đây giữa lúc công việc đang độ bộn bề nhất, anh vẫn không chịu nghỉ ngơi mà còn kiêm nhiệm thêm vai trò của một người thầy tại khoa Quản trị Kinh doanh – ĐH Quốc Gia Hà Nội và chính tại FSB – Viện Quản trị Kinh doanh FPT, lặng lẽ chở những “con thuyền mơ ước” tới nhiều hơn nữa với các bạn trẻ… sẽ đọng lại trong mỗi người một ý nghĩa nào đó. Để ta biết tự tin hơn vào cái gốc Việt Nam của mình, tự tin hơn vào tài sản con người của mình, rằng bằng ý chí, niềm tin, ta sẽ làm được hết!

Box “riêng tư”

Biệt danh ở FPT: “anh Sáu”

Đi xe: Lexus (không nhớ số hiệu).

Dùng điện thoại: iPhone 4S.

Cuốn sách đọc gần nhất: “Start-Up Nation”

Cuốn sách tâm đắc nhất: “Quan khí”

Thích đọc thơ: Tố Hữu, Truyện Kiều…

Hàng ngày: Dậy lúc 6 giờ sáng.

Ngủ: 6 tiếng/ngày.

Thực đơn hàng ngày: Cà phê buổi sáng, rau buổi trưa và cơm buổi tối.

Khi sảng khoái: Hút thuốc.

Công việc của một lãnh đạo: Họp hành, ký tá, đọc sách, suy nghĩ…

Thời gian dành cho con cái: Không ít.

Về bản thân: Không “để ý” việc mình có hấp dẫn hay không.

Từng là học sinh Chuyên Toán Chu Văn An.

Tiểu sử

Trương Gia Bình

Ngày sinh: 19/05/1956.

Nơi sinh: Nghệ Tĩnh.

Trình độ học vấn:

– 1991: Phong hàm Phó Giáo sư tại Việt Nam.

– 1982: Tiến sĩ Toán Lý, Đại học Tổng hợp Moscow (MGU) – CHLB Nga.

– 1979: Cử nhân Toán học, Đại học Tổng hợp Moscow – CHLB Nga.

Quá trình công tác:

– 07/2013 – nay: Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FPT;

– 09/2012 – 07/2013: Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần FPT;

– 2009 – 09/2012: Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FPT;

– 2001 – nay: Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Việt Nam;

– 1998 – 2005: Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam;

– 1995 – 2013: Chủ nhiệm khoa QTKD (HSB) thuộc Đại học Quốc Gia Hà Nội;

– 1983 – 1985: Nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Toán học Steclov – Viện Hàn lâm Khoa học Xô Viết;

– 1982: Viện cơ học, Viện Khoa học Việt Nam.

Thành tích:

– 2013: Giải thưởng Nikkei 2013 Châu Á.

– 2012: Top 50 Người Tiên phong – VnExpress.

– 2010: Một trong 10 nhân vật có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của lĩnh vực CNTT-TT trong giai đoạn 2000 – 2009 – CLB Nhà báo CNTT.

– 2007: Một trong 10 nhân vật có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển internet của Việt Nam.

– 2001: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải do có nhiều thành tích trong phong trào Doanh nghiệp trẻ Việt Nam và quản lý điều hành Doanh nghiệp.

Công ty cổ phần FPT

Thành lập: 13/09/1988.

– Tên công ty ngày đầu thành lập: Công ty Công nghệ Thực phẩm (The Food Processing Technology Company).

– 27/10/1990: Đổi tên thành Công ty Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT (The Corporation for Financing and Promoting Technology);

– 03/2002: Cổ phần hóa. Đổi tên thành Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT;

– 13/12/2006: Chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh – HoSe. Mã cổ phiếu: FPT;

– 19/12/2008: Đổi tên thành Công ty Cổ phần FPT (FPT Corporation).

Nhà sáng lập: Trương Gia Bình.

Trụ sở chính: Tòa nhà FPT, phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam.

Lĩnh vực: Công nghệ thông tin – Viễn thông.

Vốn điều lệ: 2.738.488.330.000 đồng (Cập nhật 31/12/2012).

Cơ cấu tổ chức:

– 9 công ty thành viên;

– Hiện diện tại 46 tỉnh thành Việt Nam và 14 quốc gia trên thế giới: Nhật, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippine, Lào, Campuchia, Myanma…

– FPT Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh và Văn phòng Đại diện tại Đà Nẵng, Cần Thơ;

Nhân sự: 14.912 người (Cập nhật 31/12/2012).

Kết quả kinh doanh 2012:

– Doanh thu: 25.350 tỷ đồng.

– Lợi nhuận sau thuế: 1.985 tỷ đồng.

Khẩu hiệu: Tiếp nguồn sinh khí.

Điện thoại: (84-4) 7300 7300; Fax: 3768 9079;

Website: http://fpt.com.vn


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button