Kinh doanh - đầu tư

Những Đỉnh Cao Chỉ Huy

nhung-dinh-cao-chi-huy-daniel-yergin-joseph-stanislaw1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Daniel Yergin & Joseph Stanislaw

Download sách Những Đỉnh Cao Chỉ Huy ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH KINH DOANH – ĐẦU TƯ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI GIỚI THIỆU

Tại sao phải chuyển sang cơ chế thị trường? Tại sao và như thế nào mà sự chuyển đổi từ kỷ nguyên, trong đó, chính phủ các quốc gia luôn tìm cách nắm giữ và kiểm soát nền kinh tế nhà nước sang kỷ nguyên với những ý tưởng về cạnh tranh, mở cửa, tư nhân hóa và bãi bỏ các phép tắc đã và đang thống trị tư tưởng kinh tế thế giới?

Cách đây 8 năm (năm 1998), công trình nghiên cứu Từ thần kỳ tới khủng hoảng – những bài học có ích cho Việt Nam của Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Hà Nội về cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ Đông Á 1997-1998 đã đưa ra một khuyến cáo gây sự chú ý đặc biệt. Đó là khuyến cáo về “thất bại nhà nước” trong việc điều hành nền kinh tế thị trường, được UNDP coi là nguyên nhân chính gây ra sự sụp đổ của hàng loạt nền kinh tế “thần kỳ” ở Đông Á. Đối với nhiều người trong giới nghiên cứu và hoạch định chính sách ở Việt Nam lúc đó, lời cảnh báo này có phần gây “sốc”. Đơn giản vì nó đưa ra một luận điểm khá mới mẻ so với nhận thức phổ biến trong xã hội, mang tính chuẩn mực giáo khoa nhưng lại khá thiên lệch, quy mọi thứ bất ổn xảy ra trong nền kinh tế thị trường cho cái gọi là “thất bại thị trường”. Công trình nghiên cứu này cho rằng “thất bại nhà nước” vẫn thường xảy ra và gây tai họa to lớn không kém “thất bại thị trường”.
Thực ra, câu chuyện “thất bại nhà nước” và “thất bại thị trường” hay mối quan hệ “nhà nước” – “thị trường” không phải chủ đề nghiên cứu mới hay của riêng công trình do UNDP thực hiện. Nó chỉ góp thêm một tiếng nói, rất thiết thực và bổ ích, trực tiếp cho người Việt Nam lúc đó mới “chập chững” bước vào kinh tế thị trường – một thị trường mới mở cửa (mới được mươi năm kể từ khi đổi mới), nhằm làm sáng tỏ thêm một vấn đề có thể coi là “xưa cũ”, một vấn đề đã từng đeo đẳng, giày vò loài người nhiều thế kỷ mãi cho tới tận ngày hôm nay.
Cuốn sách mà các bạn đang cầm trên tay cũng là một công trình được viết trong nỗi ám ảnh của sự giày vò đó. Nó cũng bàn về vấn đề “nhà nước – thị trường”. Như hàng ngàn cuốn sách khác, nó bàn về một trong những vấn đề lớn nhất, phức tạp nhất, gây nhiều “phiền hà” nhất, do đó, cũng là thú vị nhất của lịch sử phát triển nhân loại.
Nhưng dù là bàn về một chủ đề “xưa cũ”, đây vẫn là một cuốn sách đáng đọc vì giá trị xuyên suốt lịch sử vấn đề, vì sự mổ xẻ kỹ càng bản chất vấn đề từ các chiều cạnh khác nhau của nó, đáng đọc vì tính mục đích và tính định hướng tương lai của cuốn sách. Tựa đề cuốn sách: Những đỉnh cao chỉ huy: Cuộc chiến vì nền kinh tế thế giới – đã bao hàm những giá trị đó. Đọc một cuốn sách có độ dày hơn 800 trang, trong thời đại mà “văn hóa nghe nhìn” đang lấn lướt “văn hóa đọc hiểu”, lại về một chủ đề không mới, quả thật là mạo hiểm. Nhưng khi đã cầm cuốn sách và đọc nó, mọi người sẽ thấy ngay từ trang đầu tiên rằng đó là một sự mạo hiểm đáng giá. Hơn 800 trang là độ dày cần thiết và có thể chấp nhận. Đọc từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng của cuốn sách, điều ta cảm nhận được sẽ là một bức tranh toàn cảnh đủ chân thực, rất phong phú và sinh động về lịch sử phát triển của loài người trong suốt thế kỷ XX, một thế kỷ biến động nhất của lịch sử, được dựng lên xuyên qua một cái trục quan trọng bậc nhất của nó là trục nhà nước – thị trường.
Như chính các tác giả viết, cuốn sách có nhiệm vụ trả lời những câu hỏi lớn của lịch sử hiện đại: “Tại sao phải chuyển sang cơ chế thị trường? Tại sao và như thế nào mà sự chuyển đổi từ kỷ nguyên, trong đó, chính phủ các quốc gia luôn tìm cách nắm giữ và kiểm soát nền kinh tế nhà nước sang kỷ nguyên với những ý tưởng về cạnh tranh, mở cửa, tư nhân hóa và bãi bỏ các phép tắc đã và đang thống trị tư tưởng kinh tế thế giới? Liệu những thay đổi này có phải là không thể đảo ngược? Chúng có phải là một phần của quá trình phát triển và tiến hóa liên tục? Hơn thế nữa kết quả và viễn cảnh chính trị, xã hội, kinh tế của sự thay đổi căn bản này trong mối quan hệ giữa chính phủ và thị trường là gì?”
Giải thích thêm cho việc lựa chọn những câu hỏi đó, cũng là để xác định một cách tiếp cận đến các câu trả lời, các tác giả cho rằng “ranh giới giữa chính phủ và thị trường không thể được phân định dứt khoát bởi một số cuộc hội thảo ôn hòa. Đây là chủ đề của các cuộc chiến lớn nhỏ về trí tuệ và chính trị trong suốt một thế kỷ. Các cuộc chiến nói chung đã tạo nên một trong những vở kịch lớn định hình thế kỷ XX. Ngày nay, mâu thuẫn giữa thị trường và sự kiểm soát của chính phủ đã trở nên sâu rộng đến mức đang làm thay đổi cả thế giới và làm nền cho thế kỷ XXI”.
Theo cách tiếp cận như vậy, cuốn sách chính luận này làm một cuộc khảo sát lại lịch sử tiến triển, cũng là sự thăng trầm, của các “đỉnh cao chỉ huy” trong sự giằng co nhà nước – thị trường, giúp nhận diện rõ hơn thực chất lý luận của quá trình này. Chúng ta sẽ tìm thấy qua các chương của cuốn sách những diện mạo khác nhau của nhà nước và thị trường. Đó là những diện mạo khác nhau trong các giai đoạn phát triển của lịch sử, giữa các hệ thống chính trị – xã hội, giữa các châu lục với các nền văn hóa và truyền thống khác nhau, giữa các trường phái khác nhau. Chân dung lịch sử của nhà nước, cũng như của thị trường, được cuốn sách vẽ lại từ nhiều chiều cạnh, góc độ và trong mối tương quan so sánh.
Cuốn sách đáng trân trọng vì nó cung cấp một cái nhìn khách quan và công bằng về lịch sử, về một đối tượng có tầm quan trọng sống còn của lịch sử, về một mối quan hệ có một số phận rất thăng trầm, dễ bị phán xét một cách phiến diện, thiên lệch, theo kiểu “giậu đổ bìm leo”. Nhà nước và mối quan hệ nhà nước – thị trường trong đa số trường hợp, cho đến nay vẫn thường là “nạn nhân” của sự phán xét như vậy.
Cuốn sách cho người đọc thấy rằng nhờ nắm được “các đỉnh cao chỉ huy”, nhà nước đã từng đóng vai trò rất to lớn trong sự phát triển quốc gia. Vai trò này không chỉ thể hiện ở các nước xã hội chủ nghĩa – kế hoạch hóa tập trung trước đây mà còn đặc biệt rõ ràng trong các nền kinh tế thuộc hệ thống tư bản chủ nghĩa, từ các nước phát triển cao nhất cho đến các nước kém phát triển. Các tác giả đã chứng minh không bác bỏ được rằng thậm chí ngay cả ở những nước tư bản phát triển nhất, tức là nơi có nhiều thị trường nhất, thì nhà nước cũng đã từng – và hiện vẫn đang – đóng vai trò to lớn, không chỉ là vai trò quan trọng mà còn là yếu tố quyết định sự phát triển, trong những giai đoạn lịch sử xác định. Lịch sử các nước Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, của các nền kinh tế thần kỳ Đông Á, của Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, và của rất nhiều nước khác đã xác nhận điều đó. Dựng lại lịch sử, cuốn sách làm một việc là giúp người đọc thấy rõ hơn “bàn tay hữu hình”, tức là nhà nước, quan trọng đến nhường nào đối với loài người, cả trong hệ thống XHCN “cũ” lẫn hệ thống TBCN hiện đang tồn tại. Trong sự biện chứng của lịch sử, các chứng cứ thực tiễn được cuốn sách nêu ra khẳng định một điều: bàn tay vô hình của thị trường chỉ thực sự hữu ích một khi nó kết hợp với bàn tay hữu hình của nhà nước nhằm mục tiêu phục vụ sự phát triển của nền kinh tế thị trường.
Vì những công lao to lớn, nhà nước xứng đáng được nhận những bản tụng ca đẹp nhất. Cuốn sách đã đưa ra nhiều luận cứ, nhiều bằng chứng để chứng minh một cách thuyết phục nhận định đó. Người đọc, dù đứng trên lập trường nào, cũng sẽ cảm nhận được sự công bằng lịch sử của phán xét này.
Nhưng xét về bản chất, cuốn sách này được viết ra không phải để ngợi ca nhà nước. Nó không phải là bản tụng ca về nhà nước. Nó mổ xẻ thực tiễn và chứng tỏ rằng bên cạnh những “công lao” to lớn, nhà nước còn phạm không ít sai lầm, gây ra nhiều hậu quả, kể cả những hậu quả làm rung chuyển lịch sử. Sự sụp đổ của hệ thống XHCN thế giới dựa trên nền tảng cơ chế kế hoạch hóa tập trung hay gần đây hơn, cuộc khủng hoảng của các nền kinh tế “thần kỳ” của Đông Á cách đây một thập niên là những ví dụ điển hình minh chứng cho điều đó. Những sai lầm của nhà nước, như cuốn sách chỉ ra, hiện diện trong tất cả các hệ thống kinh tế, ở khắp các châu lục, trong mọi giai đoạn phát triển và có nguồn gốc lý luận từ các quan niệm khác nhau về vai trò của nhà nước và thị trường.
Tất nhiên, kể ra đầy đủ, toàn diện “lỗi lầm” của các loại nhà nước không phải là cách mà các tác giả sử dụng để xóa nhòa các ranh giới, làm mờ đi bản chất của nhà nước. Mục tiêu của cuốn sách là rõ ràng: cần phải chỉ ra thất bại nhà nước mà không bị sự chi phối của các thiên kiến, làm rõ các nguyên nhân lịch sử của chúng để giúp nền kinh tế thị trường vận hành hiệu quả hơn.
Thiết nghĩ cuốn sách đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình. Nhưng cũng cần nói thêm rằng đây là cuốn sách dựng lại chân dung lịch sử để hướng tới tương lai.
Đối diện với loài người là một thế giới ngày càng toàn cầu hóa. Trong thế giới đó, không gian thu hẹp lại, thời gian được rút ngắn lại, các hàng rào biên giới hạ thấp, và thế giới trở thành một “ngôi làng”. Khi đó, nền kinh tế thị trường vận hành với nhiều quy tắc mới. Toàn cầu hóa, như các tác giả viết, là một thách thức đối với nhà nước. Vì vậy mà vai trò và chức năng của nhà nước chắc chắn cũng sẽ có những thay đổi mạnh mẽ. Quyền lực nhà nước bị giới hạn trong phạm vi quốc gia có thể sẽ xung đột với quá trình toàn cầu hóa các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội. Khi đó, câu hỏi đặt ra sẽ là: “những đỉnh cao chỉ huy” mà các nhà nước – quốc gia luôn muốn chiếm lấy để “khống chế” nền kinh tế thị trường liệu có những giá trị nào? Nhà nước sẽ tham gia vào quá trình phát triển mang tính toàn cầu với những công cụ và phương cách nào?
Đó là những câu hỏi rất lớn đang đặt ra. Cũng là về nhà nước – thị trường, về “những đỉnh cao chỉ huy” nhưng với nội dung rất mới. Cuốn sách tiếp cận đến các câu hỏi này không chỉ để gợi suy. Nó còn là những câu trả lời. Có thể những câu trả lời hãy còn xa mới đầy đủ và đúng đắn. Song tất cả những gì hiện có trong cuốn sách là rất bổ ích, cả từ góc độ nhận thức luận lẫn phương pháp luận.
Đối với Việt Nam chúng ta, một đất nước đã 20 năm đi vào quỹ đạo phát triển kinh tế thị trường và mở cửa theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình này, nhiều “đỉnh cao chỉ huy” đã được Nhà nước bàn giao lại cho Thị trường. Nhờ đó, nền kinh tế đã gặt hái được nhiều thành công ngoạn mục. Nhưng dường như quá trình này vẫn chưa hoàn thành. Khuynh hướng muốn “giành lại”, “ôm chặt” lấy các “đỉnh cao chỉ huy” vẫn còn rất mạnh. Trên thực tế, vẫn đang tồn tại tình trạng “thiếu và thừa” nhà nước. Thiếu ở nơi cần, thừa ở nơi đã đủ. Đó là một nghịch lý phát triển mà chúng ta đang chấp nhận và phải trả giá. Tham nhũng, hiệu quả đầu tư thấp, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh chậm được cải thiện, cải cách thị trường bị phanh hãm, v.v… có nguồn gốc từ nghịch lý này.
Giờ đây, khi quá trình cải cách thị trường vẫn chưa hoàn thành, nền kinh tế nước ta lại bước vào một giai đoạn phát triển mới về chất: hội nhập sâu hơn và toàn diện hơn vào nền kinh tế thế giới. Cơ hội nhiều hơn, lớn hơn. Nhưng rủi ro, thách thức cũng gay gắt và khốc liệt hơn. Số phận của nền kinh tế đang tùy thuộc vào chỗ cái nào trong số đó – cơ hội hay thách thức – sẽ trở thành hiện thực sớm hơn.
Chắc chắn trong việc giải quyết vấn đề sinh tử này, Nhà nước sẽ đóng một vai trò lớn chưa từng thấy. Nhưng vai trò đó thực sự là gì? Và bằng cách nào để thực hiện nó đúng đắn?
Những khó khăn mà chúng ta đang gặp phải trong quá trình cải cách hành chính, hay rộng hơn, cải cách nhà nước và hệ thống chính trị, cho thấy rõ mức độ phức tạp của việc trả lời các câu hỏi mà đất nước đang bắt buộc phải trả lời đó.
Trong lộ trình đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó, có thể tin rằng cuốn sách này là một người bạn tốt.

ĐỌC THỬ

Tại sao phải chuyển đổi?

Tại sao lại phải chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường? Tại sao và như thế nào mà sự chuyển đổi từ kỷ nguyên, trong đó chính phủ các quốc gia luôn tìm cách nắm giữ và kiểm soát nền kinh tế nước mình sang kỷ nguyên với những ý tưởng về cạnh tranh, mở cửa, tư nhân hóa và bãi bỏ các phép tắc đã và đang thống trị tư tưởng kinh tế thế giới? Câu hỏi này lại tiếp tục làm nảy sinh những câu hỏi khác: Liệu những thay đổi này có phải là không thể đảo ngược? Chúng có phải là một phần của quá trình phát triển và tiến hóa liên tục? Những kết quả và viễn cảnh về chính trị, xã hội, kinh tế của sự thay đổi căn bản này trong mối quan hệ giữa chính phủ và thị trường là gì? Đó là những câu hỏi cơ bản mà cuốn sách này sẽ trả lời.

Chắc chắn rằng ranh giới giữa chính phủ và thị trường chưa bao giờ được giải quyết chỉ bởi vài cuộc hội thảo ôn hòa. Đây là chủ đề của các cuộc chiến lớn về trí tuệ và chính trị cũng như những cuộc đụng độ liên tiếp trong suốt thế kỷ. Các cuộc chiến nói chung đã tạo nên một trong những vở kịch vô danh định hình diện mạo thế kỷ XX. Ngày nay, mâu thuẫn giữa thị trường và sự kiểm soát của chính phủ đã trở nên sâu rộng đến mức đang làm thay đổi cả thế giới, và là động lực cho bức tranh của thế kỷ XXI.

Ranh giới này không những xác định đường biên giới giữa các quốc gia mà còn phân chia vai trò trong nội bộ mỗi quốc gia đó. Trách nhiệm và lĩnh vực nào trong nền kinh tế thuộc về nhà nước và kiểu bảo hộ nào mà nhà nước có thể dành cho công dân của mình? Đâu là lĩnh vực mà khối tư nhân không được phép hoạt động và đâu là trách nhiệm của từng cá nhân? Ranh giới này cũng không rõ ràng và không được xác định chính xác, luôn thay đổi và thường là mơ hồ. Tuy nhiên, phần lớn thời gian trong thế kỷ XX này, nhà nước luôn chiếm ưu thế và đang ngày càng mở rộng tầm kiểm soát tới tận những lĩnh vực trước đây do thị trường điều tiết. Sự thắng thế này được thúc đẩy bởi các cuộc cách mạng và hai cuộc Thế chiến, bởi cuộc Đại Khủng hoảng, cùng những tham vọng của các nhà chính trị và chính phủ các quốc gia. Điều này còn do nhu cầu của công chúng ở những nước công nghiệp dân chủ về chế độ an ninh tốt hơn. Nó cũng xuất phát từ nhu cầu phát triển cũng như sự bức thiết cần phải cải thiện đời sống ở những nước đang phát triển, và do cần có pháp luật và sự công bằng. Đằng sau tất cả những lập luận này là lời cáo buộc rằng các thị trường đã đi quá xa, rằng chúng có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào, có quá nhiều nhu cầu và dịch vụ mà chúng không thể đáp ứng được và những rủi ro và chi phí về con người và xã hội quá lớn, cũng như khả năng bị lợi dụng quá lớn. Kết quả của những thay đổi lớn diễn ra trong nửa đầu thế kỷ XX là các chính phủ đã mở rộng những nghĩa vụ và trách nhiệm hiện có tới tận người dân và đề ra các nghĩa vụ, trách nhiệm mới. “Tri thức chính phủ” – tri thức tập thể của một số lãnh đạo trung ương – được coi trọng hơn “tri thức thị trường” – tri thức phân tán của những nhà sản xuất và người tiêu dùng trên thị trường.

Ở một thái cực, Liên bang Xô Viết, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và các nước cộng sản khác đã tìm cách kìm nén sự phát triển của trí tuệ thị trường và sở hữu tư nhân, thay vào đó là kế hoạch hóa và sở hữu nhà nước. Nhà nước biết tất cả. Ở nhiều nước công nghiệp phương Tây và phần lớn các nước đang phát triển thì mô hình được áp dụng là “nền kinh tế hỗn hợp”, trong đó nhà nước thể hiện tri thức của mình và giữ vai trò quyết định nhưng không hoàn toàn loại bỏ cơ chế thị trường. Nhà nước có thể tái cơ cấu, hiện đại hóa và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhà nước cũng có thể đảm bảo sự công bằng, tạo cơ hội và mang lại một cuộc sống tươm tất. Để có thể đạt được những điều trên, chính phủ của nhiều quốc gia đã tìm cách thâu tóm và kiểm soát những ngành quan trọng trong nền kinh tế – “những đỉnh cao chỉ huy”.

Thuật ngữ này đưa chúng ta trở lại thời điểm cách đây ba phần tư thế kỷ. Vào tháng 11 năm 1922, sau nửa thập kỷ lãnh đạo phe bonsevich tới thắng lợi, Vladimir Ilyich Lê-nin, lúc đó sức khỏe đã yếu, đang chuẩn bị dự Hội nghị lần thứ tư của Quốc tế Cộng sản tổ chức tại St. Petersburg, sau này là Petrograd. Đó là lần xuất hiện cuối cùng của Lê-nin trước công chúng. Một năm trước đó, trong giai đoạn giữa cuộc khủng hoảng kinh tế cho tới khi thoát ra khỏi tình cảnh khó khăn nhất, Lê-nin đã bắt đầu tiến hành Chính sách Kinh tế Mới, cho phép sự quay trở lại của tiểu thương và nông nghiệp tư nhân. Lúc đó những chiến sĩ cộng sản đã công kích Lê-nin vì thỏa hiệp với tư bản và bán rẻ cuộc cách mạng. Mặc dù sức khỏe không tốt, Lê-nin đã mỉa mai chua chát bảo vệ cho chương trình của mình. Ông tuyên bố, mặc dù chính sách trên cho phép thị trường hoạt động nhưng nhà nước vẫn nắm giữ “những đỉnh cao chỉ huy”, những yếu tố quan trọng nhất của nền kinh tế. Lê-nin đảm bảo với tất cả những người còn nghi ngờ rằng đó mới là điều quan trọng. Tất cả những điều này diễn ra trước cả thời kỳ tập thể hóa, chủ nghĩa Stalin và việc loại bỏ hoàn toàn khu vực tư nhân ở Liên bang Xô Viết.

Những năm giữa hai cuộc chiến tranh sau đó, qua những người theo học thuyết Fabian[8] và Công đảng Anh, thuật ngữ trên đã tìm được đường đến với nước Anh và sau đó được Jawaharlal Nehru[9] và Đảng Quốc đại áp dụng ở Ấn Độ và lan tới nhiều nơi trên thế giới. Cho dù thuật ngữ này có được áp dụng hay không thì mục tiêu chỉ là một: đảm bảo quyền kiểm soát của nhà nước ở những khu vực chiến lược trong nền kinh tế quốc gia, những ngành công nghiệp và công ty chủ chốt. Ở Hoa Kỳ, chính phủ kiểm soát những ngành kinh tế quan trọng không qua quyền sở hữu mà qua các quy chế kinh tế, dẫn đến sự phát triển của chủ nghĩa tư bản có thể điều chỉnh rất đặc trưng của Mỹ.

Nói chung, sự phát triển quyền kiểm soát của nhà nước dường như không thể tránh được. Những năm sau Thế chiến thứ hai, chỉ nhà nước mới có thể bố trí các nguồn lực cần thiết để tái thiết đất nước đã bị chiến tranh tàn phá. Thập kỷ 60 dường như đã minh chứng rằng các chính phủ có thể điều hành nền kinh tế có hiệu quả, và thực tế là rất tốt. Đầu thập kỷ 70, nền kinh tế hỗn hợp gần như không có đối thủ và vai trò của nhà nước tiếp tục được mở rộng. Thậm chí tại Hoa Kỳ, chính quyền của Tổng thống Richard Nixon đã tìm cách thực thi một chương trình rộng lớn để kiểm soát tiền lương và giá cả.

Tuy nhiên đến những năm 90, chính nhà nước đã rút lui. Hệ thống xã hội chủ nghĩa không những đã thất bại mà còn biến mất hẳn khỏi nơi trước đây đã từng là Liên bang Xô Viết, và ít nhất với tư cách là một hệ thống kinh tế, ở Trung Quốc, chủ nghĩa xã hội cũng bị gác sang một bên. Ở phương Tây, các chính phủ cũng giảm bớt sự kiểm soát và các trách nhiệm. Thay cho thuật ngữ “sự thất bại của thị trường”, tâm điểm chính bây giờ là “sự thất bại của nhà nước” – những khó khăn cố hữu nảy sinh khi nhà nước trở nên quá lớn, quá tham vọng và luôn tìm cách trở thành người chơi chính, chứ không phải trọng tài trong nền kinh tế. Paul Volcker, người đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát khi còn là người đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã giải thích nguyên nhân gây ra sự thay đổi trên bằng lối diễn đạt rất đơn giản: “Nhà nước đã quá tự cao”.

Ngày nay, để ứng phó với tình hình chi phí kiểm soát quá cao mà kém hiệu quả, nhà nước đã tiến hành một bước cơ bản thông qua cuộc mua bán lớn nhất trong lịch sử thế giới: tư nhân hóa. Những tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đô-la đã được bán cho tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài hoặc trôi nổi trên các thị trường chứng khoán – từ các nhà máy luyện thép, công ty điện thoại, nhà máy điện cho tới các công ty hàng không, tập đoàn khách sạn và thậm chí cả các hộp đêm. Trong một quá trình có ảnh hưởng sâu rộng đang diễn ra, các chính phủ cũng nới lỏng dần các quy định. Ở Hoa Kỳ, điều này có nghĩa là đảo lộn và lập lại cơ cấu điều tiết đã và đang tác động tới hầu hết mọi khía cạnh của đời sống. Ở nhiều nước khác, điều này lại chỉ có nghĩa là lần đầu tiên tạo lập các quy luật của trò chơi kinh tế mà không phải dựa vào sở hữu nhà nước ở quy mô lớn. Ở mọi nơi, mục tiêu đều là tránh sự kiểm soát của nhà nước thay thế vai trò của thị trường và hướng tới sử dụng cạnh tranh trên thị trường như một công cụ hữu hiệu hơn nhằm đảm bảo lợi ích chung.

Sự chuyển đổi này cũng không phải là dấu hiệu chấm dứt vai trò của nhà nước. Ở nhiều quốc gia, hàng năm các chính phủ vẫn tiếp tục chi tiêu phần lớn thu nhập quốc dân như những năm trước. Ở các nước công nghiệp, nguyên nhân nằm ở chi phí xã hội bao gồm các khoản trợ cấp xã hội, và hầu như ở mọi nơi, nhà nước vẫn là chỗ dựa cuối cùng cho hàng loạt các nhu cầu xã hội. Tuy vậy, quy mô của chính phủ và nghĩa vụ của nhà nước trong nền kinh tế nhất định phải giảm xuống. Trên thế giới, nhà nước đã bắt đầu bớt lập kế hoạch, bớt sở hữu và bớt điều tiết hơn, thay vào đó cho phép mở rộng phạm vi tác động của thị trường. Tuy nhiên, những thách thức đối với sự dịch chuyển này cũng nảy sinh nhiều hơn.

Sự rút lui dần của nhà nước khỏi “những đỉnh cao chỉ huy” đã đánh dấu sự khác biệt lớn giữa thế kỷ XX và XXI. Quá trình này đã mở cửa nhiều quốc gia, trước đây vẫn đóng kín với thương mại và đầu tư, đẩy mạnh sự phát triển và tính hiệu quả của kinh tế toàn cầu. Sự phát triển của thị trường vốn và việc giảm bớt các trở ngại đối với thương mại đầu tư đã gắn kết các thị trường với nhau hơn và cũng thúc đẩy dòng lưu chuyển tư tưởng tự do hơn. Sự xuất hiện của các thị trường mới nổi đã tạo nên sự năng động và nhiều cơ hội lớn cho nền kinh tế thế giới. Các công ty tầm cỡ quốc gia đang tự chuyển mình thành những công ty tầm cỡ thế giới và dù có ít hay nhiều kinh nghiệm trên thương trường quốc tế, các công ty này đều đang vội vàng xây dựng chiến lược toàn cầu. Song song và hỗ trợ rất nhiều cho quá trình này là một cuộc cách mạng công nghệ với những kết quả quan trọng nhưng cũng rất thất thường. Công nghệ thông tin – qua hệ thống máy tính – tạo ra một thế giới liên kết với nhau bằng cách tăng cường thông tin liên lạc, hợp tác, hội nhập và tiếp xúc với tốc độ và quy mô thay đổi mạnh mẽ vượt ngoài phạm vi kiểm soát của bất kỳ một quốc gia riêng lẻ nào. Các mối liên kết đang tăng cường làm cho các đường biên giới quốc gia ngày càng bị thủng “lỗ chỗ” và xét về một số hình thức kiểm soát thì các đường biên này ngày càng trở nên ít tác dụng.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button