Kinh doanh - đầu tư

Những Cuộc Phiêu Lưu Trong Kinh Doanh

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK 

Tác giả : John Brooks

Download sách Những Cuộc Phiêu Lưu Trong Kinh Doanh ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KINH TẾ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng ebook                  

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


“Không lâu sau lần đầu gặp Warren Buffet vào năm 1991, tôi có hỏi về cuốn sách quản trị kinh doanh yêu thích nhất của ông. Không mất đến nửa giây suy nghĩ, ông trả lời: ‘Đó là Những cuộc phiêu lưu trong kinh doanh của John Brooks, tôi sẽ gửi cho cậu cuốn của mình.’

Đến nay đã hơn hai mươi năm kể từ ngày Warren cho tôi mượn cuốn sách đó ‒ và hơn bốn mươi năm kể từ khi nó được xuất bản lần đầu tiên ‒ Những cuộc phiêu lưu trong kinh doanh vẫn là cuốn sách quản trị kinh doanh hay nhất mà tôi từng đọc.” Bill Gates

Những cuộc phiêu lưu trong kinh doanh với 12 câu chuyện thú vị và không kém phần kịch tính về những sự kiện nổi tiếng tại Phố Wall này sẽ vén màn những âm mưu cũng như bộc lộ bản chất thất thường của thế giới tài chính. Xuyên suốt cuốn sách là những báo cáo chi tiết và sắc sảo của John Brooks, dù đó là sự kiện thị trường chứng khoán sụp đổ năm 1962, thất bại của một công ty môi giới danh tiếng, hay nỗ lực táo bạo của các ngân hàng Mỹ nhằm cứu vãn đồng bảng Anh. Sau tất cả, những câu chuyện này vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự để giúp chúng ta nắm bắt được tính phức tạp của đời sống kinh doanh.

Những cuộc phiêu lưu trong kinh doanh thực sự là những phân tích tài chính sống động và xuất sắc nhất từ trước đến nay.

ĐỌC THỬ

1BẬP BỀNH LÊN-XUỐNG

THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN – một thước phim phiêu lưu dài tập chiếu ban ngày của giới thượng lưu – sẽ không phải là thị trường chứng khoán nếu không có những thăng trầm trong đó. Bất kỳ ai trên ngồi ghế lãnh đạo từng say mê truyền thuyết về Phố Wall hẳn đã nghe đoạn đối đáp mà người ta đồn là của J. P. Morgan1 (lớn) khi một người bạn ngây thơ của ông đã mạo muội hỏi nhân vật vĩ đại này về việc liệu thị trường sẽ diễn biến như thế nào. Morgan trả lời tỉnh queo: “Lên-xuống rồi lại xuống-lên!”. Và còn nhiều những đặc thù đặc trưng khác. Bên cạnh những lợi thế và bất lợi kinh tế của những giao dịch chứng khoán – lợi thế: tạo ra một dòng chảy tự do về vốn để trang trải cho việc mở rộng sản xuất; bất lợi: tạo ra một con đường quá đỗi dễ dàng để cho những người cả tin, thiếu thận trọng và kém may mắn vuột mất đi số tiền của mình – sự phát triển những giao dịch này đã tạo ra một hệ thống hành vi xã hội, toàn diện với các tập quán, ngôn ngữ cùng những phản ứng có thể dự đoán được trước từng sự kiện cụ thể. Ngoạn mục nhất là ở tốc độ bung nở hết cỡ của hệ thống hành vi này sau sự kiện Sở giao dịch chứng khoán trọng yếu đầu tiên trên thế giới được thành lập năm 1611, trên một khoảng sân không mái che ở Amsterdam và mức độ mà hệ thống này duy trì (tất nhiên, cùng với những biến thể của nó) trên Sở giao dịch chứng khoán New York vào thập niên 1960. Chứng khoán Mỹ ngày nay là một tổ chức khổng lồ liên quan tới hàng triệu km đường dây điện báo riêng, các máy tính có thể đọc và sao chép niêm giám điện thoại thành phố Manhattan trong ba phút và hơn 20 triệu cổ đông, dường như đối lập hoàn toàn với cảnh tượng một nhúm người Hà Lan đội mưa cò kè mua bán với nhau hồi thế kỷ XVII. Nhưng những biểu hiện trên hiện trường thì vẫn giống nhau. Thật trùng hợp là sàn chứng khoán đầu tiên là một phòng thí nghiệm, nơi người ta khám phá ra những phản ứng mới của con người và Sở giao dịch chứng khoán New York cũng giống như vậy, một “ống nghiệm” xã hội học, muôn đời đóng góp vào quá trình tự giác ngộ về bản thân của loài người.

1 J.P. Morgan (1837-1913): Nhà kinh doanh, tài chính, từ thiện và sưu tập nghệ thuật người Mỹ, có vai trò to lớn trong nền tài chính và công nghiệp Hoa Kỳ cuối thế kỷ XIX. (Biên tập) (Từ đây, những chú thích nào có ghi (BT) là chú thích của Biên tập, còn lại là của dịch giả.)

Hành vi của những người Hà Lan tiên phong trong kinh doanh chứng khoán được khéo léo ghi chép lại trong cuốn sách có tựa đề Confusion of Confusions (Rắc rối của những rắc rối của tác giả Joseph de la Vega, một nhà đầu cơ tại thị trường Amsterdam, được xuất bản lần đầu năm 1688 và vài năm trở lại đây được trường Kinh doanh Harvard dịch và tái bản bằng tiếng Anh. Về phần những nhà đầu tư và môi giới chứng khoán của Mỹ ngày nay, với những đặc tính giống như tất cả những nhà kinh doanh chứng khoán khác song thường bị thổi phồng trong những giai đoạn khủng hoảng, ta có thể làm sáng tỏ hành vi của họ bằng việc xem xét những hoạt động của họ trong suốt tuần cuối cùng của tháng 5 năm 1962, thời điểm mà thị trường chứng khoán trải qua những biến động mạnh. Vào thứ Hai, ngày 28 tháng 5, chỉ số Dow-Jones trung bình của 30 cổ phiếu công nghiệp hàng đầu (từ năm 1897, từng giao dịch cổ phiếu mới bắt đầu được tính toán cụ thể) giảm tới 34,95 điểm hay nói cách khác, giảm kỷ lục nhất so với bất kỳ ngày giao dịch nào khác (trừ ngày 28 tháng 10 năm 1929 với mức sụt giảm 38,33 điểm). Khối lượng giao dịch ngày 28 tháng 5 là 9.350.000 cổ phiếu, đạt mức doanh thu trong ngày lớn thứ bảy trong lịch sử thị trường chứng khoán. Vào thứ Ba ngày 29 tháng 5, sau một buổi sáng đáng báo động khi hầu hết các cổ phiếu tụt giảm xuống mức thấp hơn nhiều so với mức giá lúc đóng cửa của buổi chiều thứ Hai, thị trường bất ngờ đổi hướng, tăng vọt đến mức kinh ngạc, và kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Dow-Jones tăng khá cao, tận 27,03 điểm, tuy chưa phải là mức phá kỷ lục. Mức tăng gần chạm kỷ lục của ngày thứ Ba này nằm ở khối lượng giao dịch: 14.750.000 cổ phiếu được trao tay, bổ sung thêm vào kỷ lục doanh-số-một-ngày lớn nhất từng có, chỉ đứng sau ngày 29 tháng 10 năm 1929 với hơn 16 triệu cổ phiếu được giao dịch. (Sau này, vào những năm 1960, 10 triệu, 12 triệu, hay thậm chí 14 triệu cổ phiếu được giao dịch mỗi ngày là phổ biến. Kỷ lục năm 1929 bị phá vỡ vào ngày 1 tháng 4 năm 1968 và trong mấy tháng tiếp sau đó, kỷ lục mới liên tiếp được thiết lập). Sau đó, vào thứ Năm ngày 31 tháng 5 (trước đó là thứ Tư, cả nước Mỹ nghỉ làm việc vì lễ Tưởng niệm chiến sĩ hi sinh nơi chiến trận) là vừa hoàn tất chu trình ấy; chỉ số Dow-Jones trung bình tăng 9,40 điểm trên tổng số 10.710.000 cổ phiếu được giao dịch (khối lượng lớn thứ năm trong lịch sử chứng khoán), nhỉnh hơn số điểm trước khi bắt đầu xảy ra toàn bộ tình trạng kích động.

Cuộc khủng hoảng chỉ kéo dài ba ngày nhưng ai cũng biết, phần “khám nghiệm tử thi2” sẽ còn kéo dài mãi sau đó. Một trong những quan sát mà de la Vega đúc rút về các thương nhân Amsterdam là: Họ “rất khôn khéo bịa ra lý do” để lý giải cho sự tăng hay giảm giá đột ngột của cổ phiếu và chắc chắn các chuyên gia Phố Wall cần vận hết trí tuệ mới có thể lý giải vì sao ngay giữa một năm thịnh vượng như thế, thị trường đột nhiên tụt dốc thảm hại tới mức lập kỷ lục thứ hai trong lịch sử tính tới thời điểm đó. Bên cạnh những giải thích này, mà đứng đầu là việc Tổng thống Kennedy thẳng tay dập tắt kế hoạch tăng giá của ngành thép – thì không thể tránh khỏi việc các cuộc “khám nghiệm tử thi” thường so sánh ngày 28 tháng 5 năm 1962 với ngày 29 tháng 10 năm 1929. Riêng con số về biến động giá cả và khối lượng giao dịch cũng đủ để người ta đi đến sự so sánh này, cho dù hai ngày kinh hoàng tồi tệ nhất trong hai tháng ấy không hề trùng nhau theo lối ma mị hay có điềm báo trước như một số người nghĩ. Nhưng thật ra phải thừa nhận, nếu so sánh hai ngày này, người ta sẽ thấy thuyết phục trước những điểm tương phản hơn là những điểm tương đồng. Trong thời kỳ từ năm 1929 đến năm 1962, những quy định về phương thức giao dịch và những hạn chế về vay tín dụng đối với khách mua cổ phiếu đã khiến cho người ta khó lòng – nếu không nói là không thể – nướng sạch tiền vào chứng khoán. Tóm lại, hình dung của de la Vega về thị trường chứng khoán Amsterdam vào những năm 1680 – ông gọi nó là “ổ cờ bạc” mặc dù rõ ràng là ông yêu nó – gần như không mấy phù hợp với thị trường New York trong thời kỳ 33 năm giữa hai lần sụp đổ.

2 Cách nói ví von để chỉ việc mổ xẻ phân tích, tổng kết sau khi mọi việc đã xảy ra xong rồi.

Vụ sụp đổ năm 1962 không phải đến mà không báo trước, dù rất ít nhà quan sát đọc được chính xác những cảnh báo ấy. Ngay thềm năm mới, cổ phiếu đã bắt đầu sụt giảm dần đều và tốc độ này leo thang đến đỉnh điểm: tuần giao dịch trước đó – từ ngày 21 tháng 5 đến ngày 25 tháng 5 – trở thành tuần tồi tệ nhất của Sở giao dịch kể từ tháng 6 năm 1950. Vào sáng thứ Hai ngày 28 tháng 5, các nhà môi giới và nhà buôn chứng khoán đã có lý do để suy tư. Cổ phiếu đã chạm đáy chưa? Hay sắp chạm? Nhìn lại thì thấy có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau. Tờ tin Dow-Jones (cung cấp tin tức tài chính tâm điểm cho người đặt báo dài hạn qua máy telex) phản ánh sự lo ngại nhất định trong khoảng thời gian từ lúc tờ này bắt đầu phát tin lúc 9 giờ cho tới khi Sàn giao dịch bắt đầu mở cửa lúc 10 giờ. Băng tin rộng ‒ cách người ta thường gọi bản tin Dow-Jones in theo chiều dọc giấy khổ 15×0,6cm để phân biệt với băng tin báo giá của Sở giao dịch được in theo chiều ngang và chỉ dài 1,9cm) ‒ bình luận rằng, nhiều nhà kinh doanh chứng khoán cuối tuần bận rộn với việc gửi yêu cầu đến các khách hàng mua chịu, hiện sở hữu những cổ phiếu đang xuống giá, cần bổ sung thế chấp ngay. Bản tin này nhận xét, việc bán tống bán tháo vội vã giống tuần trước đó là “hành động đã nhiều năm nay xa lạ với Phố Wall”. Bản tin này tiếp tục đưa ra một số tin thương mại đáng khích lệ như công ty Westinghouse mới nhận được một hợp đồng Hải quân mới. Tuy nhiên, như de la Vega đã nói, “trong thị trường chứng khoán, những tin tức [kiểu như vậy] thường chẳng mang lại ý nghĩa gì cả”; trong tình thế hiện tại, tâm trạng nhà đầu tư mới là điều đáng nói.

Tâm trạng này càng trở nên rõ nét chỉ trong vài phút sau khi thị trường mở cửa. Lúc 10 giờ 11 phút, băng tin thông báo “lúc mở cửa, giá cổ phiếu hỗn hợp và giao dịch nhộn nhịp vừa phải”. Đây là một thông tin mang tính chấn an vì “hỗn hợp” có nghĩa là vừa có tăng vừa có giảm và nói chung một thị trường sụt giá, sẽ ít rủi ro hơn khi khối lượng giao dịch chỉ ở mức vừa phải chứ không quá lớn. Nhưng niềm an ủi này chỉ kéo dài chớp nhoáng vì đến 10 giờ 30 phút, băng tin của Sở giao dịch (đăng tin tức về giá và khối lượng cổ phiếu của mỗi giao dịch diễn ra trên sàn) không những đăng các mức giá cũ, thấp hơn, với tốc độ tối đa 500 ký tự/phút mà còn đăng trễ tận sáu phút. Sự chậm trễ của băng tin cho thấy rõ ràng, chiếc máy đã không thể bắt kịp với những giao dịch đang diễn ra tít mù. Thường thì khi một giao dịch trên sàn của Sở giao dịch hoàn tất, một nhân viên của Sở sẽ ghi lại chi tiết lên một mẩu giấy và gửi nó qua một ống khí nén tới một căn phòng trên tầng 5 của tòa nhà; từ đây, một nhân viên nữ sẽ đánh máy mẩu giấy vào máy điện báo để truyền đi. Quãng thời gian chờ hai đến ba phút từ khi có giao dịch trên sàn và khi giao dịch xuất hiện trên băng tin được Sở giao dịch xem là bình thường; khái niệm “trễ” chỉ được sử dụng để mô tả bất kỳ một sự trì hoãn nào khác ngoài hai đến ba phút đấy tính từ khi tờ phiếu bán hàng lên được đến tầng 5 và được chiếc máy điện báo dung nạp được nó (de la Vega phàn nàn là Sở giao dịch không cẩn thận khi dùng từ “trễ”). Băng tin thường xuyên xảy ra tình trạng “trễ” một vài phút vào những ngày giao dịch tấp nập nhưng từ năm 1930, khi loại máy điện báo thịnh hành vào năm 1962 được lắp đặt, những vụ trễ lớn cực kỳ hiếm khi xảy ra. Ngày 24 tháng 10 năm 1929, khi băng tin bị trễ 246 phút, máy đang in với tốc độ 285 ký tự/phút; từ tháng 5 năm 1962 trở về trước, khoảng trễ lớn nhất từng xảy ra trên chiếc máy mới là 34 phút.

Rõ ràng, giá cổ phiếu đang giảm và giao dịch đang tăng lên nhưng tình thế chưa đến nỗi tuyệt vọng. Tính tới 11 giờ, người ta có thể xác nhận sự sụt giảm của tuần trước vẫn tiếp tục diễn ra với tốc độ giảm dần đều. Nhưng khi nhịp độ giao dịch tăng lên, độ trễ của băng tin cũng tăng lên. Lúc 10 giờ 55 phút trễ 13 phút, lúc 11 giờ 14 phút trễ 20 phút, lúc 11 giờ 35 phút trễ 28 phút, lúc 11 giờ 58 phút trễ 38 phút, lúc 12 giờ 14 phút trễ 43 phút. (Để chí ít ra cũng nêm “gia vị” cho những thông tin cập nhật nhất trên băng tin mỗi khi tin bị trễ từ năm phút trở lên, Sở giao dịch thường dừng thông tin đang đăng tải để chèn vào đó các bảng niêm yết giá hiện tại của một vài cổ phiếu dẫn đầu. Tất nhiên, thời gian cho việc này càng kéo dài thêm độ trễ). Tổng kết giữa trưa về chỉ số công nghiệp Dow-Jones trung bình cho thấy chỉ số này giảm 9,86 điểm.

Những dấu hiệu hoảng loạn trong công chúng bắt đầu xuất hiện vào giờ ăn trưa. Một biểu hiện là từ 12 giờ tới 2 giờ, thời điểm khi thị trường luôn ế ẩm nhất, không chỉ giá cổ phiếu tiếp tục đà giảm mà khối lượng giao dịch vẫn tiếp tục tăng lên, gây ra tác động tương ứng trên băng tin. Khi chỉ còn vài phút là kim đồng hồ nhảy sang 2 giờ chiều, độ trễ băng tin là 52 phút. Việc người ta mang cổ phiếu đi bán vào giờ lẽ ra đang ngồi ăn trưa được xem là một vấn đề vô cùng hệ trọng. Một điềm báo thuyết phục không kém nữa là cơn giận dữ sắp bùng nổ tại văn phòng công ty Merrill Lynch, Pierce, Fenner & Smith – gã khổng lồ Gargantua3 của ngành môi giới chứng khoán mà ai cũng biết – trên Quảng trường Thời đại (số 1451 đại lộ Broadway). Văn phòng này phải chịu một “nạn dịch” rất kỳ quái: nằm ngay ở vị trí trung tâm nhất nên cứ vào giờ ăn trưa hàng ngày, nơi đây được viếng thăm bởi một lượng khổng lồ những vị khách mà giới môi giới gọi là “người đi dạo”, họa hoằn nếu có thì rất ít người trong số ấy đến để mua cổ phiếu thực sự, chủ yếu là những kẻ hiếu kỳ đến tham quan bầu không khí của một văn phòng môi giới với những con số nhảy nhót lên xuống, đặc biệt là trong những đợt khủng hoảng trên thị trường chứng khoán. (“Nhìn thoáng là đọc vị được ngay bác nào vào xem cho vui, ông nào chơi máu me thật” – theo de la Vega). Từ kinh nghiệm lâu năm của mình, Samuel Mothner, vị giám đốc điềm đạm người Georgia của văn phòng, đã học cách nhận biết sự tương quan mật thiết giữa mức độ quan tâm hiện tại của công chúng đối với thị trường và số lượng “người đi dạo” tại văn phòng của ông; vào trưa ngày 28 tháng 5, đám người này xuất hiện dày đặc và theo trực giác đã qua tôi luyện của ông, họ giống như một đám “kền kền” báo trước một thảm họa sắp xảy ra.

3 Gã khổng lồ Gargantua: Một nhân vật trong tác phẩm Gargantua và Pantagruel của nhà văn Pháp nổi tiếng thời Phục Hưng Francois Rabelais. (BT)

Những rắc rối của Mothner, cũng giống như rắc rối của những người môi giới từ San Diego hay Bangor, không chỉ dừng lại ở những dấu hiệu và điềm báo xấu. Một quá trình bán tống ồ ạt đã diễn ra. Trong văn phòng của Mothner, số lệnh khách hàng đặt nhiều gấp năm, sáu lần so với mức trung bình và gần như toàn bộ trong đó đều là lệnh bán. Trên bình diện chung, dân môi giới đang thúc giục khách hàng bình tĩnh và vẫn giữ cổ phiếu nhưng ít nhất tới thời điểm hiện tại, không thể thuyết phục đại bộ phận trong số đó. Một văn phòng Merrill Lynch khác ở trung tâm thành phố, số 61 đường West Forty-eight, nhận được một bức điện rất ngắn gọn của một khách hàng giàu có sống ở Rio de Janeiro: “Hãy bán hết cổ phiếu của tôi đi”. Không còn thời gian để thương lượng từ xa về việc khoan nhượng, Merrill Lynch không có lựa chọn nào khác ngoài việc buộc phải y lệnh. Đến đầu giờ chiều, các đài phát thanh và truyền hình “đánh hơi” được tin này nên đã cho dừng chương trình thường lệ để đăng tin nóng về tình hình. Một ấn phẩm của Sở giao dịch khi ấy mỉa mai: “Chính sự quan tâm thái quá đối với thị trường chứng khoán của những bản tin này càng đổ thêm dầu vào lửa đối với các nhà đầu tư”. Và rắc rối mà các nhà môi giới gặp phải khi thực hiện một cơn lũ lệnh bán ra càng trở nên trầm trọng hơn gấp bội phần vì vấn đề kỹ thuật. Độ trễ băng tin, mà tính đến 2 giờ 26 phút đã lên tới 55 phút, có nghĩa rằng phần lớn các máy điện báo đang phát đi giá cổ phiếu của một giờ trước đó, và trong nhiều trường hợp, giá này cao hơn giá hiện hành từ 1 đến 10 đô-la/cổ phiếu. Một người môi giới khi nhận được lệnh bán từ khách hàng gần như sẽ không thể báo ngay cho khách về mức giá mà anh ta kỳ vọng. Một số công ty môi giới đang cố gắng khắc phục độ trễ này bằng cách sử dụng hệ thống báo cáo tạm thời của riêng họ, trong đó phải kể đến Merrill Lynch. Các tay môi giới của Merrill Lynch sau khi hoàn tất một vụ giao dịch, nếu không quên và có thời gian, thường sẽ hét to kết quả vào chiếc máy điện thoại ở góc mỗi tầng được kết nối với một chiếc loa thùng khổng lồ đặt tại trụ sở chính của công ty, số 70 đường Pine. Đương nhiên, cách làm việc tùy tiện như thế kiểu gì cũng không tránh khỏi sai sót.

Trên sàn giao dịch, không có chuyện giá lên trở lại mà toàn bộ cổ phiếu đều sẽ chỉ sụt nhanh và sụt từ từ, trên một khối lượng giao dịch lớn. Như de la Vega mô tả tình huống này, thực chất là nói rất văn vẻ về một tình huống tương tự: “Người bán khống (người đầu cơ giá hạ) đang chết lặng trong sợ hãi, lo lắng và bồn chồn. Thỏ biến thành voi, những cuộc cãi lộn tại quán rượu biến thành những cuộc ẩu đả, những bóng dáng mơ hồ với họ là dấu hiệu của sự hỗn loạn.” Một khía cạnh không kém phần lo ngại chính là, các cổ phiếu thượng hạng, đại diện cho cổ phần tại các công ty lớn nhất nước Mỹ, đang nằm ngay giữa trung tâm của sự sụt giảm. Đúng vậy, công ty Telephone & Telegraph của Mỹ – công ty lớn nhất và có số cổ đông lớn nhất – đang dẫn toàn bộ thị trường lao xuống dốc. Trên một khối lượng cổ phiếu giao dịch lớn nhất so với bất kỳ 1.500 loại đang giao dịch trên Sàn (với giá trị phần lớn các cổ phiếu đó chỉ bằng một phần rất nhỏ so với giá trị của cổ phiếu Telephone), Telephone đang bầm dập với từng đợt sóng bán ra khẩn cấp liên tiếp trong suốt cả ngày, cho tới 2 giờ chiều thì dừng ở 104,75 – giảm 6,875 trong cả ngày – và vẫn tiếp tục giảm. Luôn giữ vai trò gần như một “chú cừu đầu đàn”, Telephone được theo dõi chặt chẽ hơn bao giờ hết và việc cổ phiếu của công ty này bị giảm dưới một điểm cũng đủ là tín hiệu báo hiệu sự sụt giảm sâu hơn trên toàn bộ thị trường. Trước 3 giờ, cổ phiếu của công ty IBM giảm 17,5 điểm; cổ phiếu của công ty Standard Oil của New Jersey, vốn luôn miễn nhiễm với những sụt giảm nói chung, đã giảm 3,25. Ngay bản thân cổ phiếu của Telephone cũng đã tụt nhanh một lần nữa, xuống còn 101,125. Ấy thế mà vẫn chưa thấy đáy ở đâu.

Tuy nhiên, không khí trên sàn giao dịch, như những người có mặt ở đó mô tả, chưa điên loạn lắm hay chí ít, mọi sự điên loạn đều được kiểm soát rất tốt. Nhiều nhà môi giới vi phạm nghiêm trọng nội quy cấm chạy trên sàn của Sở giao dịch và một số gương mặt toát lên những biểu cảm mà một quan chức Sở giao dịch bảo thủ mô tả là “căng thẳng”; song vẫn có những chuyện trêu chọc, đùa cợt, công kích nhau như thường lệ. (“Bông đùa… tạo nên điểm hấp dẫn chính cho ngành này.” – de la Vega) Nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. “Tôi nhớ nhất là cảm giác rệu rã hết cả người”, một nhà môi giới trên sàn nói. “Trong ngày xảy ra khủng hoảng, có khi chúng tôi đi đi lại lại trên sàn khoảng 16, 17km – đo bằng máy đếm bước hẳn hoi. Nhưng không phải chỉ kiệt sức vì khoảng cách mà còn bởi va chạm cơ thể. Người người xô đẩy, trèo quẹo qua người nhau. Rồi cả mớ âm thanh – tiếng xuýt xoa thường thấy khi giá sụt. Mức sụt giảm càng mạnh thì những tiếng xuýt xoa càng lớn. Khi thị trường lên, những âm thanh ấy lại khác hẳn. Khi đã quen được với sự khác biệt này thì dù nhắm mắt lại, anh cũng có thể biết thị trường đang như thế nào. Dĩ nhiên, những trò đùa bỡn vẫn tiếp diễn nhưng có thể hơi gượng gạo hơn bình thường một chút. Khi tiếng chuông reo lên báo hiệu đóng cửa thị trường lúc 3 giờ 30 phút thì sàn giao dịch nhao nhao tiếng reo hò. Ai nấy bình phẩm như thế này: “Vâng, chúng tôi không reo hò vì thị trường xuống giá mà vì tất cả đã kết thúc rồi!”

Nhưng có thật là đã kết thúc? Câu hỏi này vẫn làm trăn trở cả Phố Wall và cộng đồng đầu tư quốc gia suốt buổi chiều và buổi tối hôm ấy. Buổi chiều, chiếc máy điện báo ì ạch của Sở giao dịch lọc cọc lọc cọc ghi lại nghiêm túc giá các cổ phiếu mà lúc trước đã lạc hậu (tại thời điểm đóng cửa, độ trễ là 69 phút và đến 5 giờ 58 phút mới in xong những giao dịch trong ngày). Nhiều nhà môi giới bám trụ trên Sàn giao dịch cho đến 5 giờ chiều, tính toán chi tiết giao dịch, sau đó về lại phòng làm việc của mình để làm quyết toán. Những gì băng tin đưa ra, khi cập nhật, là một câu chuyện cũng không kém phần buồn thảm hơn. Lúc đóng cửa, cổ phiếu công ty American Telephone là 100,625 điểm, giảm 11 điểm trong cả ngày, Philip Morris là 71,5 điểm, giảm 8 một phần tư điểm, Campbell Soup là 81 điểm, giảm 10,75 điểm, IBM là 361 điểm, giảm 37,5 điểm… Tại các văn phòng môi giới, nhân viên luôn tất bật, nhiều người bận bịu thâu đêm với đủ thứ việc đặc biệt, cấp bách nhất là gửi đi các lệnh yêu cầu ký quỹ bổ sung. Lệnh này yêu cầu khách hàng vay nợ để mua cổ phiếu từ người môi giới nhưng hiện tại số cổ phiếu ấy của họ có giá trị thấp hơn khoản họ đã vay và cần phải thế chấp bổ sung ngay. Nếu khách hàng không sẵn lòng hoặc không có nguồn lực để có thể ký quỹ bổ sung theo lệnh, nhà môi giới của người đó sẽ bán các cổ phiếu ký quỹ càng sớm càng tốt; việc bán ra như vậy có thể làm các cổ phiếu khác sụt giá sâu hơn, kéo theo nhiều lệnh gọi ký quỹ bổ sung, dẫn đến tình trạng cổ phiếu bán ra ào ạt hơn; cứ như thế, các cổ phiếu theo đà cùng kéo nhau xuống hố. Năm 1929, cái hố này tỏ ra “không có đáy” vì khi ấy chưa có lệnh hạn chế của liên bang về tín dụng thị trường chứng khoán. Kể từ đó, người ta dựng một cái “sàn” cho nó nhưng thực tế, những yêu cầu tín dụng vào tháng 5 năm 1962 vẫn là: một khách hàng có thể chờ người ta gửi lệnh gọi bổ sung khi cổ phiếu người ấy mua ký quỹ đã rớt giá xuống khoảng 50 đến 60% so với giá trị tại thời điểm mua. Tại thời điểm đóng cửa giao dịch vào ngày 28 tháng 5, gần như cứ bốn cổ phiếu thì có một cổ phiếu sụt giá so với mức cao của nó vào năm 1961. Sở giao dịch ước tính trong khoảng thời gian từ 25 đến 31 tháng 5, 91.700 cuộc gọi ký quỹ bổ sung được thực hiện, chủ yếu bằng điện tín. Có thể suy luận rằng phần lớn những cuộc gọi này được thực hiện vào buổi chiều, buổi tối hoặc suốt đêm chứ không phải chỉ trong nửa đêm ngày 28 tháng 5. Nhiều khách hàng lần đầu nghe được tin về cuộc khủng hoảng này – hay lần đầu nhận thức được sức mạnh gần như ma quái của nó – là khi bị một lệnh gọi ký quỹ bổ sung đánh thức trước khi bình minh của ngày thứ Ba kịp ló rạng.

Hiểm họa từ hệ lụy của việc bán ký quỹ năm 1962 còn xa mới bằng hồi 1929 nhưng hiểm họa từ một góc độ khác – từ việc các quỹ tương hỗ bán cổ phiếu ra – lại nghiêm trọng hơn gấp tỉ tỉ lần. Quả vậy, nhiều chuyên gia Phố Wall hiện nay cho biết, ở đỉnh cao của đợt khủng hoảng hồi tháng 5, chỉ nghĩ đến tình hình của các quỹ tương hỗ thôi đã khiến họ rùng mình. Hàng triệu người Mỹ đã mua cổ phiếu của các quỹ tương hỗ trong tầm hai thập kỷ qua đều biết rằng các quỹ này đều mở đường để các nhà đầu tư nhỏ quy hết nguồn lực của họ về một bàn tay quản lý chuyên nghiệp; các nhà đầu tư nhỏ mua cổ phiếu của một quỹ và quỹ này sử dụng tiền đó để mua cổ phiếu, sẵn sàng thanh toán hoàn trả cổ phiếu cho nhà đầu tư căn cứ theo giá trị tài sản lưu động của các cổ phiếu ấy bất cứ khi nào người ấy muốn. Ở một thị trường chứng khoán sụt giảm nghiêm trọng, ta có thể lý giải thế này: Các nhà đầu tư nhỏ sẽ muốn rút tiền của mình ra khỏi thị trường chứng khoán, do đó, họ sẽ yêu cầu hoàn trả cổ phiếu khác của mình; để huy động tiền mặt đủ để đáp ứng các yêu cầu hoàn trả này, các quỹ tương hỗ sẽ phải bán một số cổ phiếu của họ; những cuộc bán chác này sẽ dẫn tới việc thị trường chứng khoán tiếp tục sụt giảm sâu hơn, khiến nhiều người nắm giữ cổ phiếu của quỹ cũng đòi được hoàn trả cổ phiếu của mình; thế là tất cả tiếp tục lại rơi xuống cái hố không đáy phiên bản thời đại mới. Cả tập thể cộng đồng đầu tư sẽ còn rùng mình khiếp hãi hơn trước triển vọng này bởi một thực tế: chưa từng có ai kiểm định nghiêm túc năng lực của các quỹ tương hỗ trong việc khuếch đại thêm tình trạng suy thoái của thị trường. Từ chỗ gần như không tồn tại vào năm 1929, quỹ đã gây dựng được một khối tài sản đáng kinh ngạc gồm 23 tỷ đô-la vào mùa xuân năm 1962 và thị trường chưa bao giờ sa sút mạnh như lúc này. Rõ ràng, nếu lúc này 23 tỷ đô-la tài sản hay một tỷ trọng lớn bất kỳ của con số đó được tung ra thị trường, nó có thể gây ra một sự sụp đổ khiến cho vụ sụp đổ của năm 1929 chỉ là “một cú vấp loạng choạng”. Charles J. Rolo, một nhà môi giới chín chắn, đồng thời từng là nhà phê bình cuốn Atlantic (Đại Tây Dương) trước khi tham gia nhóm văn học Phố Wall năm 1960, đã nhớ lại mối đe dọa từ cuộc khủng hoảng hình trôn ốc do các quỹ gây ra cùng với việc dân tình hoàn toàn mù mờ về việc sẽ có hay không có mối đe dọa này là “đáng sợ đến nỗi người ta thậm chí còn không nhắc tới chủ đề này.” Là một người có sự nhạy cảm của văn chương vững vàng trước sự thô bỉ nức tiếng của đời sống kinh tế, Rolo chứng kiến nhiều khía cạnh khác nhau của tâm trạng con người trong khu thương mại Phố Wall lúc chập choạng tối của ngày 28 tháng 5. Sau này, ông kể: “Có cái gì đó thật hão huyền. Theo chỗ tôi biết thì không một ai mảy may biết về việc đáy sẽ tụt xuống tận bao nhiêu điểm. Vào thời điểm đóng cửa của ngày hôm đó, chỉ số Dow-Jones trung bình giảm gần 35 điểm, xuống còn khoảng 577. Ngày nay ở Phố Wall, người ta vẫn kín đáo phủ nhận điều này nhưng hồi ấy, nhiều vị chóp bu kháo nhau về cái đáy là 400 điểm – nếu xảy ra như thế hẳn sẽ là một thảm họa. Người ta nghe thấy hai chữ ‘bốn trăm’ được lặp đi lặp lại; thế nhưng nếu bây giờ hỏi lại, họ sẽ nói là ‘năm trăm’. Và cùng với những sự e dè đó là một cảm giác tuyệt vọng sâu sắc rất đặc trưng trong giới môi giới. Chúng tôi biết rằng khách hàng của mình – không phải tất cả đều giàu có – đã phải chịu tổn thất lớn từ các hành động của chúng tôi. Nói thật nhé, thật là quá sức vô lý khi đánh mất tiền của người ta! Hãy nhớ rằng điều này xảy ra vào thời gian cuối trong thời kỳ 12 năm cổ phiếu liên tục tăng giá. Sau hơn một thập kỷ, dù ít dù nhiều thường xuyên mang lại lợi nhuận liên tục cho bản thân và khách hàng, anh có thể nghĩ mình đang làm khá tốt. Anh đang ở đỉnh cao. Anh có lãi và thế là xong. Cuộc khủng hoảng làm bộc lộ một yếu điểm. Nó làm cho người ta gần như mất đi niềm tin, mà niềm tin khi đã mất đi thì khó mà nhanh chóng lấy lại. Có vẻ như bấy nhiêu là quá đủ để một nhà môi giới ước ao rằng giá như họ tuân theo nguyên tắc ‘vàng’ của de la Vega: ‘Không bao giờ “xúi” ai mua hay bán cổ phiếu’ bởi vì khi đã không còn sáng suốt, ngay cả một lời khuyên nhân đạo nhất cũng có thể gây hậu quả khôn lường.”

Sang đến sáng thứ Ba, những thua lỗ của thứ Hai đã trở nên quá rõ ràng. Người ta tính toán, trên giấy tờ, khoản lỗ lên tới 20.800.000.000 đô-la trên toàn bộ cổ phiếu niêm yết ở Sở giao dịch. Đây là con số kỷ lục của mọi thời đại, ngay cả ngày 28 tháng 10 của năm 1929 cũng chỉ lỗ 9.600.000.000 đô-la; nhưng mấu chốt nằm ở chỗ tổng giá trị của các cổ phiếu niêm yết trên Sàn năm 1929 nhỏ hơn rất nhiều so với tổng giá trị của năm 1962. Kỷ lục mới này cũng chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng thu nhập quốc gia của Mỹ – gần 4%. Trên thực tế, tổn hại của nước Mỹ có thể ví như việc chỉ trong một ngày, nước Mỹ bị mất đi tổng giá trị sản phẩm của hai tuần. Và tất nhiên, việc này tác động trở lại thị trường nước ngoài. Tại châu Âu, chênh lệch múi giờ dẫn tới việc người ta phản ứng với Phố Wall chậm mất một ngày. Thứ Ba là ngày xảy ra khủng hoảng thì đến 9 sáng hôm đó tại New York, tức là đã gần kết thúc một ngày giao dịch tại châu Âu, gần như tất cả các sàn giao dịch hàng đầu châu Âu đang chứng kiến những cuộc bán tống bán tháo mà nguyên nhân đích thị là vì cuộc khủng hoảng tại Phố Wall. Milan lỗ nhiều nhất trong 18 tháng gần nhất, Brussels bị thiệt hại nhiều nhất tính từ năm 1946 khi Trung tâm chứng khoán Bourse được mở cửa trở lại sau chiến tranh, London thì trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong vòng ít nhất là 27 năm. Ở Zurich, đầu giờ sáng có tới 30% được bán tháo ra nhưng đang được cắt lỗ bởi những người săn cổ phiếu giá rẻ bắt đầu nhảy vào thị trường. Và luồng phản ứng dữ dội khác – không trực tiếp bằng nhưng về khía cạnh con người lại nghiêm trọng hơn rõ rệt – xảy ra ở một số nước nghèo hơn trên thế giới. Ví dụ, trên thị trường hàng hóa New York, với mỗi đợt xuất khẩu tháng 7, giá đồng giảm 0,44 xu trên mỗi cân Mỹ4. Số tiền thiệt hại có vẻ không đáng kể nhưng lại là rất “to” tại một đất nước nhỏ bé, phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu đồng. Trong cuốn sách The Great Ascent (Cú lội dòng ngoạn mục), Robert L. Heilbroner đã nêu một ước tính, nếu chỉ cần giá đồng trên thị trường New York giảm một xu thì ngân khố của Chile đã tổn thất tới 4 triệu đô-la Mỹ theo tính toán này, riêng với đồng không thôi, Chile đã tổn thất tới 1.760.000 đô-la.

1 cân Mỹ = 0,4536kg.

Nhưng có lẽ việc biết những gì đã xảy ra không tồi tệ bằng nỗi lo ngại không biết sẽ còn xảy ra chuyện gì nữa. Tờ Times bắt đầu một bài xã luận khiến người ta nôn nao với tuyên bố: “Hôm qua, một thứ tựa như động đất đã tấn công vào thị trường chứng khoán”, rồi dành gần nửa cột báo để cổ vũ tinh thần bằng lời khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Bất chấp những lên xuống của thị trường chứng khoán, chúng tôi đang và sẽ vẫn làm chủ số phận kinh tế của mình”. Băng tin Dow-Jones – sau giờ mở cửa vào lúc 9 giờ với lời chào vui vẻ quen thuộc “Chào buổi sáng” – gần như ngay lập tức đi vào những báo cáo đầy lo lắng về tin tức thị trường từ nước ngoài. Và đến 9 giờ 45 phút, tức là chỉ 15 phút tới giờ mở cửa Sàn giao dịch, tờ này vẫn đang hoang mang tự hỏi: “Khi nào thì xuất hiện việc bán phá giá cổ phiếu? Chưa xảy ra đâu.” Và kết luận, mọi dấu hiệu dường như đều chỉ ra rằng áp lực bán ra “còn xa mới thành sự thực”. Trong toàn bộ thế giới tài chính, những tin đồn xấu xí đang lan truyền về tình trạng sắp phá sản của nhiều công ty chứng khoán khác nhau, làm trầm trọng thêm bầu không khí vốn đã ảm đạm. (Việc trông ngóng một sự kiện để lại một ấn tượng còn sâu sắc hơn nhiều… chính sự kiện ấy” — theo de la Vega). Tin tức về cuộc khủng hoảng chỉ trong một đêm đã lan rộng khắp các thành phố trên nước Mỹ, và thị trường chứng khoán đã trở thành mối bận tâm của cả nước. Tại các văn phòng, môi giới làm nghẽn mạng tổng đài bởi những cuộc gọi đến, những quầy khách hàng đông nghẹt khách vãng lai, nhiều chỗ thì đông nghịt các phóng viên truyền hình. Trên Sàn giao dịch, ai làm việc tại đây đều đến từ sớm, sẵn sàng trực chiến đối phó với cơn bão đã được dự báo và đội ngũ nhân viên văn phòng trên tầng cao hơn của số 11 Phố Wall được huy động giúp phân loại từng núi đơn đặt hàng. Vào giờ mở cửa, hành lang đón khách chật như nêm, tới mức những chuyến tham quan có người hướng dẫn đã lên lịch trước như thường lệ phải bị tạm hoãn lại cả một ngày. Chen chân vào được hành lang buổi sáng ngày hôm ấy là một tốp học sinh lớp 8 của trường Corpus Christi Parochial, phố West 121. Cô giáo Sister Aquin, giáo viên của lớp, phân trần với phóng viên rằng, từ hơn hai tuần trước, nhóm học sinh của cô đã chuẩn bị cho chuyến tham quan này với việc thực hiện những dự án đầu tư chứng khoán giả định, mỗi em đầu tư một số tiền giả định là 10.000 đô-la. “Bọn chúng lỗ hết sạch tiền”, cô Sister Aquin nói.

Theo hồi ức của nhiều người buôn bán chứng khoán, kể cả một số người sống sót qua được cuộc khủng hoảng năm 1929: sau khi sàn giao dịch vừa mở cửa là 90 phút đen tối nhất. Trong mấy phút đầu tiên, tương đối ít cổ phiếu được giao dịch nhưng sự trầm lắng này không phản ánh thực trạng mọi người đang bình tĩnh tính toán; trái lại, nó phản ánh áp lực bán ra lớn đến nỗi tạm thời làm tê liệt hành động. Để giảm thiểu những cú tăng đột ngột trong giá chứng khoán, Sở giao dịch yêu cầu cử ra một quan chức trên sàn chuyên phụ trách việc cấp phép, cụ thể là đứng tên cá nhân cho mỗi giao dịch trao tay ở mức giá chênh lệch so với giao dịch trước đó là 1 hoặc hơn 1 điểm cho một cổ phiếu có giá dưới 20 đô-la, hoặc 2 hoặc hơn 2 điểm cho một cổ phiếu có giá trên 20 đô-la. Hiện tại, người bán thì đông như kiến, người mua thì hiếm hoi như lá mùa thu nên hàng trăm cổ phiếu sẽ phải mở với mức giá chênh lệch lớn như thế hoặc hơn thế, do đó không thể tiến hành giao dịch đối với những cổ phiếu này chừng nào chưa tìm ra được một quan chức phụ trách sàn giữa đám đông đang hò hét kia. Trong trường hợp những đợt phát hành cổ phiếu then chốt, như IBM., sự chênh lệch giữa số người bán và số người mua lớn đến nỗi không thể thực hiện giao dịch ngay cả khi vị quan chức kia cấp phép và chẳng thể làm gì ngoài việc chờ đợi cho đến khi triển vọng có được giá hời nhử thêm người mua tham gia vào thị trường cho đủ lượng. Bảng tin Dow-Jones, dường như cũng bị choáng váng, đang cà giật thông báo giá cổ phiếu ngẫu nhiên và những mẩu tin tức. Vào lúc 11 giờ 30 phút, bảng tin thông báo có “ít nhất bảy” cổ phiếu Sàn giao dịch chứng khoán New York vẫn chưa mở bán. Sau này, khi bức màn được vén lên, con số thực tế rõ ràng còn lớn hơn thế nhiều.) Trong khi đó, chỉ số Dow-Jones trung bình rớt thêm 11,09 điểm ngay trong giờ giao dịch đầu tiên và giá trị chứng khoán bị lỗ của ngày thứ Hai đã tăng vài tỷ đô-la, người người xôn xao về sự hoảng loạn này.

Người ta có thể nói nhiều điều về thứ Ba ngày 29 tháng 5, song điều người ta sẽ ghi nhớ mãi đó là ngày chứng kiến một cái gì đó gần như sụp đổ hoàn toàn của tổ hợp kỹ thuật siêu việt phục vụ kinh doanh chứng khoán tại một đất nước khổng lồ, nơi gần như cứ sáu người trưởng thành thì có một người chơi chứng khoán. Nhiều lệnh được thực hiện ở mức giá khác xa so với mức giá theo thỏa thuận của khách đặt lệnh; nhiều lệnh bị thất lạc trong quá trình truyền đi hoặc lẫn lộn trong núi giấy tờ phủ ngập sàn giao dịch và không bao giờ được thực hiện. Đôi khi các công ty môi giới gặp trở ngại trong việc thực hiện lệnh giao dịch chỉ vì lý do không thể liên lạc được với những người ở trên sàn. Càng về cuối ngày, những kỷ lục về khối lượng giao dịch của ngày thứ Hai không chỉ bị phá vỡ mà còn bị tầm thường hóa; một chỉ số đáng chú ý nữa là độ trễ lúc đóng cửa trên bảng tin của Sàn vào ngày thứ Ba là 2 giờ 23 phút so với 1 giờ 9 phút ngày thứ Hai. Cơ may như từ trên trời rơi xuống, đúng lúc Merrill Lynch, công ty chuyên xử lý hơn 13% tất cả các giao dịch mở bán công khai trên sàn, vừa mới lắp đặt một chiếc máy tính 7074 mới. Thiết bị này cho phép sao chép toàn bộ thư mục của công ty Telephone chỉ trong vòng 3 phút và nhờ sự hỗ trợ của nó, Merrill Lynch đã ghi chép lại được hết các số liệu giao dịch. Một hệ thống mới và được lắp đặt kịp thời khác của Merrill Lynch là hệ thống chuyển mạch điện báo tự động, to bằng nửa khu phố và được dự định thực hiện việc liên lạc giữa nhiều văn phòng khác nhau của công ty. Các công ty khác thì kém may mắn hơn và nghe nói, một số nhà môi giới, do đã quá mệt mỏi sau khi cố gắng lấy bảng báo giá chứng khoán mới nhất hoặc kết nối với đối tác trên sàn giao dịch không thành, đã buông xuôi, bỏ ra ngoài uống nước. Cách ứng xử kém chuyên nghiệp đó có thể đã cứu cho khách hàng của họ một khoản tiền lớn.

Nhưng đỉnh điểm trớ trêu hôm đó chắc chắn được tiếp sức bởi diễn tiến của bảng tin trong giờ ăn trưa. Ngay trước buổi trưa, cổ phiếu xuống mức thấp nhất, chỉ số Dow-Jones trung bình giảm 23 điểm. (Tại thời điểm đen tối nhất, điểm trung bình đạt 553,75 – khoảng cách an toàn so với mốc 500 điểm mà gần đây các chuyên gia khẳng định là mức đấy.) Sau đó, cổ phiếu bắt đầu phục hồi đột ngột mạnh mẽ đến ngỡ ngàng. Và lúc 12 giờ 45 phút – tính đến thời khắc ấy, việc hồi phục đã trở thành một cuộc tranh cướp điên cuồng để mua vào – băng tin trễ 56 phút. Vì vậy, bên cạnh gợi ý mơ hồ từ những biểu giá “chớp sáng”, bảng tin vẫn miệt mài thông báo cho cộng đồng chứng khoán hiện tượng hoảng loạn bán ra trong khi những gì đang thực sự diễn ra là sự hoảng loạn mua vào.

Cú quay đầu ngoạn mục vào cuối giờ sáng đã diễn ra theo một kịch bản có thể hấp dẫn với bản chất lãng mạn của de la Vega: đột ngột và khá kịch tính. Cổ phiếu chủ đạo tham gia là American Telephone & Telegraph, vốn được đông đảo mọi người theo dõi và đang chi phối rõ nét toàn bộ thị trường như ngày hôm trước. Nhân vật chủ chốt, căn cứ theo đặc thù công việc của ông ta, là George M. L. La Branche (bé), đối tác cao cấp của công ty La Branche và Wood & Co., vốn đang giữ vai trò chuyên gia tại sàn của Telephone. (Chuyên gia tại sàn là những nhân viên môi giới hay đại lý chịu trách nhiệm duy trì trật tự thị trường đối với các cổ phiếu cụ thể mà họ được phân công. Trong quá trình thực hiện trách nhiệm đó, họ thường có một hành động kỳ lạ là liều đánh cược tiền của chính mình dựa trên suy xét sáng suốt của chính họ. Gần đây, nhiều cơ quan chức năng, trong nỗ lực nhằm làm giảm yếu tố sai sót do con người gây ra trên thị trường, đã cố gắng tìm cách thay thế các chuyên gia bằng máy móc nhưng đến nay vẫn chưa thành công. Chướng ngại lớn nhất dường như là vấn đề: nếu các chuyên gia “máy móc” cướp mất miếng cơm manh áo của con người thì ai sẽ bù đắp cho những tổn thất của họ?) La Branche, 64 tuổi, người thấp, tóc muối tiêu, hoạt bát, sắc sảo, rất thích khoe mẽ chiếc chìa khóa “hàng hiếm” của ông do Hội học thuật Phi Beta Kappa trao tặng, thứ ít người trên Sàn giao dịch có được. Ông từng là chuyên gia từ năm 1924 và công ty của ông từng cố vấn cho Telephone kể từ cuối năm 1929. Nơi làm việc đặc trưng của ông, nơi ngày ngày ông bám rễ suốt năm tiếng rưỡi đồng hồ, là ở ngay trước mặt Trạm 15, một góc của Sở giao dịch, bị che khuất nếu nhìn từ hành lang vào và thường được gọi là “ga ra ô tô”5. Ở đó, ông phải đứng tấn thật vững để ngăn bất kỳ làn sóng đột ngột của người-sẽ-mua hoặc người-sẽ-bán, chuyên tâm với cây bút chì đặt trên một cuốn sổ cái sắp bung giấy ra trông rất lôi thôi, trong đó ghi chép tất cả các đơn đặt hàng mua-bán cổ phiếu Telephone đang lưu hành ở các mức giá khác nhau. Cho nên chẳng ngạc nhiên khi cuốn sổ cái được gọi là sổ cái Telephone. Tất nhiên, La Branche trở thành trung tâm của sự náo động trong ngày thứ Hai đó, khi Telephone dẫn thị trường đi xuống. Là một chuyên gia, ông đã đứng mũi chịu sào như một chiến binh ‒ hay theo cách vận dụng ví von bay bướm hơn của ông là “ngoi ngóp như nút chai trên những con sóng đại dương cuồn cuộn”. Sau này, La Branche tâm sự: “Telephone cũng không khác gì một đại dương. Đại dương đang hiền hòa, đột nhiên, một cơn gió lớn ào đến và cuộn lên một con sóng khổng lồ. Con sóng ập đến nhấn chìm mọi người, sau đó rút đi. Anh phải sống chung với nó. Anh không thể chống lại nó, không hơn gì vua Canute6.” Sáng thứ Ba, sau vụ nhấn chìm làm giảm tới 11 điểm, con sóng lớn vẫn tiếp tục cuồn cuộn; chỉ riêng việc phân loại và khớp số lệnh ào ào đến vào lúc nửa đêm, chưa kể việc tìm một quan chức của Sở giao dịch để xin cấp phép của ông – đã kéo dài tới mức cuộc giao dịch đầu tiên tại Telephone không thể thực hiện cho đến gần một giờ sau khi Sở giao dịch mở cửa. Khi Telephone nhảy vào cuộc chơi, lúc 11 giờ kém 1 phút, giá cổ phiếu của nó là 98%, giảm 2% so với mức đóng cửa hôm thứ Hai. Trong khoảng 45 phút, khi thế giới tài chính đang đau đáu chống mắt dõi theo như thuyền trưởng theo dõi phong vũ biểu trong cơn bão, cổ phiếu Telephone dao động giữa mức 99% (đạt được trong những lúc tăng nhẹ trở lại) và mức 98% (dường như là đáy của nó). Trong ba phiên khác nhau, cổ phiếu bị tụt xuống thấp hơn nữa, xen vào giữa đó là những lần tăng trở lại – một thực tế mà La Branche đã đề cập đến như thể điều đó có một ý nghĩa thần kỳ hoặc huyền bí. Mà có lẽ cũng thần kỳ và huyền bí thật; dù sao đi nữa, sau lần trượt giá thứ ba, người mua cổ phiếu Telephone bắt đầu xuất hiện ở Trạm 15, lúc đầu thì rải rác và rụt rè, sau đó thì càng ngày càng đông và hung hăng hơn. Vào lúc 11 giờ 45 phút, các cổ phiếu được bán ở mức 98,75 điểm; vài phút sau đó là mức 99; lúc 11 giờ 50 phút, ở mức 99,375; và cuối cùng, lúc 11 giờ 55 phút ở mức 100.

5 Vì chỗ làm việc của ông bí và luôn đóng kín nên bị gọi như vậy.

6 Vua Canute cai trị nước Anh đầu thế kỷ XI. Theo sử gia Henry của Huntingdon, vua Canute là người rất khiêm tốn. Có lần vua làm một việc lạ lùng là tập hợp tất cả quần thần ở bờ biển, rồi dõng dạc ra lệnh sóng biển phải ngưng xô bờ. Nhưng lệnh vua ban ra mà sóng biển không ngừng đập vào bờ, làm vua bị ướt hết. Để dạy quần thần và toàn dân, vua đã tổ chức buổi họp ở bờ biển đó và nói: “Quyền hành của tôi chẳng có giá trị. Chỉ một mình Chúa là Đấng tạo hóa mới có quyền trên trời dưới đất, mới được mọi người tôn vinh quý trọng. Còn tôi, tôi chỉ là tạo vật thấp hèn của Người”.

Nhiều nhà bình luận cho rằng đợt bán Telephone đầu tiên với mức 100 điểm đánh dấu cột mốc toàn bộ thị trường bắt đầu chuyển hướng. Vì Telephone là một trong số những cổ phiếu được xuất hiện nhấp nháy trên bảng điện trong thời gian băng tin phát trễ nên cộng đồng tài chính nắm được thông tin về giao dịch gần như tức thì và đúng thời điểm những gì họ nghe được đều là những tin rất xấu. Về nguyên lý, sự thực không thể chối cãi là Telephone lấy lại được 2 điểm và tình huống chỉ đơn thuần là may-rủi – tác động tâm lý liên quan tới con số 100 tròn trịa, may mắn – kết hợp với nhau để lấy lại thăng bằng cho cán cân. Trong khi đồng tình rằng sự tăng giá của Telephone đóng góp rất nhiều vào xu hướng cùng tăng trở lại, La Branche lại không nhất trí ở điểm giao dịch nào là giao dịch quyết định. Đối với ông, đợt bán ra ở mức 100 đầu tiên không phải là bằng chứng đầy đủ về sự phục hồi lâu dài vì nó chỉ liên quan tới một số lượng nhỏ các cổ phiếu (theo ông nhớ là 100). Ông biết sổ của mình, có ghi các lệnh bán ra gần 20.000 cổ phiếu của Telephone với mức giá 100. Nếu không còn người có nhu cầu mua cổ phiếu ở mức giá ấy trong khi vẫn còn tồn một lượng lớn cổ phiếu trị giá tới hai triệu đô-la, giá của Telephone sẽ giảm một lần nữa, có thể sẽ thấp xuống mức 98,125 lần thứ tư. Và La Branche, một người quen tư duy bằng ngôn ngữ hàng hải, đã liên tưởng lần đi xuống thứ tư như là lần sau cùng.

Điều đó đã không xảy ra. Một số giao dịch nhỏ ở mức 100 diễn ra theo một chuỗi rất nhanh, kế tiếp là một số giao dịch quy mô lớn nữa. Tổng cộng có khoảng một nửa cổ phiếu tồn ở mức giá đó đã được giải phóng khi John J. Cranley, đối tác sàn của Dreyfus & Co., kín đáo lách vào đám đông tại Trạm 15 và trả giá 100 cho 10.000 cổ phiếu của Telephone – vừa đủ để bán tống tồn kho và dọn đường cho triển vọng tăng giá mới. Cranley không nói mua trên danh nghĩa của công ty – một trong những khách hàng của Telephone – hay trên danh nghĩa của quỹ Dreyfus – một quỹ tương hỗ mà Dreyfus & Co. quản lý thông qua một trong các công ty con của nó; nhưng quy mô của lệnh mua này tiết lộ người chủ ở đây là quỹ Dreyfus. Trong mọi trường hợp, La Branche chỉ cần hô “bán” và ngay sau khi hai người này ghi lại giao dịch, giao dịch được hoàn tất. Và thế là Telephone không thể được mua ở mức 100 nữa.

Lịch sử đã từng có một tiền lệ (dù không phải từ thời của de la Vega) chỉ một giao dịch chứng khoán lớn của Sở giao dịch là có thể hoặc chủ định chuyển hướng thị trường. Lúc 1 giờ 30 phút ngày 24 tháng 10 năm 1929, cái ngày khủng khiếp đã đi vào lịch sử tài chính là “thứ Năm đen tối”, Richard Whitney, khi ấy là quyền giám đốc của Sở giao dịch và có lẽ là nhân vật nổi tiếng nhất trên sàn, hùng hổ (một số người nói là “hùng dũng”) tiến đến trạm đang giao dịch mã U.S. Steel và trả giá 205, giá của đợt bán cuối cùng – cho 10.000 cổ phiếu. Thế nhưng có hai sự khác biệt quan trọng giữa giao dịch năm 1929 và năm 1962. Thứ nhất, trong khi việc trả giá khoa trương của Whitney là một nỗ lực có tính toán nhằm tạo ra hiệu ứng, hành động của Cranley được tiến hành không phô trương mà rõ ràng chỉ là một động thái để mua rẻ cho quỹ Dreyfus. Thứ hai, sau cuộc giao dịch năm 1929 chỉ diễn một sự tăng trở lại chớp nhoáng, những thua lỗ của tuần sau đó khiến cho ngày thứ Năm đen tối chẳng qua mới chỉ là “xám xịt” mà thôi; còn sau cuộc giao dịch của năm 1962, một sự phục hồi thực sự vững chắc đã diễn ra. Người ta có thể rút ra bài học: những động thái tâm lý trên sàn giao dịch phát huy hiệu quả nhất khi chúng vừa không có chủ đích, vừa không thực sự cần thiết. Nói chung, một sự hồi phục chung được bắt đầu gần như ngay lập tức. Sau khi bứt ra khỏi mốc 100, Telephone bứt phá điên cuồng: lúc 12 giờ 18 phút, cổ phiếu này được giao dịch ở mức 101,25; lúc 12 giờ 41 phút là 103,5; và lúc 1 giờ 05 phút là 106,25. General Motors nhích từ 45,5 lúc 11 giờ 46 phút lên 50 lúc 1 giờ 38 phút. Standard Oil của New Jersey nhích từ 46,75 lúc 11 giờ 46 phút lên 51 lúc 1 giờ 28 phút. U.S. Steel nhích từ 49,05 lúc 11 giờ 40 phút lên 52,375 lúc 1 giờ 28 phút. IBM., đi theo lối riêng, là trường hợp kịch tính nhất trong số tất cả các công ty. Cả buổi sáng, cổ phiếu của IBM. không được phép giao dịch bởi số lệnh bán ra chiếm ưu thế áp đảo và người ta dự đoán mốc cuối của IBM lúc khai sàn rất khác nhau, dao động từ giảm 10 đến 20 hoặc tới 30 điểm; bây giờ, với trận “lở núi tuyết” lệnh mua như vậy, dường như, cuối cùng đã đủ điều kiện kỹ thuật khả thi cho phép tiến hành giao dịch. Ngay khi đồng hồ vừa điểm 2 giờ, giá cổ phiếu lúc mở cửa nhích lên 4 điểm trên khối lượng khổng lồ gồm 30.000 cổ phiếu. Lúc 12 giờ 28 phút, chưa đầy nửa giờ sau vụ giao dịch Telephone quy mô lớn, bản tin Dow-Jones chắc chắn đã có đầy đủ thông tin về những gì xảy ra để tuyên bố dứt khoát: “Thị trường đã lên giá mạnh.”

Quả đúng vậy, nhưng tốc độ của cú lội ngược dòng mang lại nhiều điều trớ trêu hơn. Khi băng tin có dịp đăng một mục tin mở rộng, chẳng hạn như bài phát biểu của một nhân vật lỗi lạc, nó thường chia nhỏ mục tin thành loạt các đoạn ngắn, để có thể phát ngắt quãng, chừa thời gian cho các tin chính như những cập nhật mới nhất từ sàn giao dịch. Đầu giờ chiều ngày 29 tháng 5, bài phát biểu của H. Ladd Plumley, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại câu lạc bộ Báo chí quốc gia cũng như vậy, bắt đầu được phát trên băng tin Dow-Jones lúc 12 giờ 25 phút, gần như cùng lúc với băng tin tuyên bố thị trường đã lên giá mạnh mẽ. Bài phát biểu được chia nhỏ ra từng phần trên băng tin rộng đã tạo hiệu ứng vô cùng kỳ lạ. Băng tin mở đầu với việc dẫn lời Plumley kêu gọi “ghi nhận sâu sắc việc mất lòng tin trong kinh doanh ngày nay.” Đến đây, bài phát biểu bị ngắt vài phút để nói về giá cổ phiếu, tất cả các cổ phiếu đều tăng cao rõ rệt. Sau đó, băng tin trở lại với Plumley – bắt đầu vào vai hăng hái hơn – đổ lỗi cho sự tụt giảm nhanh chóng của thị trường chứng khoán là do “tác động ngẫu nhiên của hai yếu tố làm xáo trộn lòng tin: kỳ vọng lợi nhuận kém lạc quan và việc Tổng thống Kennedy quyết tâm ngăn cản giá thép tăng.” Sau đó, băng tin lại gián đoạn một khoảng dài hơn, đầy ắp sự kiện và con số trấn an. Cuối cùng, Plumley lại trở lại trên băng tin, hăng hái với chủ đề của mình với giọng điệu: “Tôi đã bảo rồi mà!” Băng tin dẫn lời ông này: “Chúng tôi đã có một minh chứng thật tuyệt: môi trường kinh doanh phù hợp đâu phải sáo ngữ dễ phủi đi của Madisonmà là một hiện thực đáng ao ước”. Suốt đầu giờ chiều, mọi chuyện cứ tiếp diễn như vậy; hẳn là một thời điểm đáng ăn mừng cho những người theo dẫn tờ Dow-Jones; giờ đây, họ có thể tha hồ nhẩn nha niềm hoan hỉ như người ta nhâm nhi trứng cá muối từ việc giá cổ phiếu lên, hay thích thú như người ta nhấp từng ngụm sâm panh đối với những chỉ trích của Plumley dành cho chính quyền của Tổng thống Kennedy.

7 Biểu tượng của kinh tế New York.

Trong một tiếng rưỡi cuối cùng của ngày thứ Ba, giao dịch tại Sở giao dịch diễn ra điên cuồng nhất. Khối lượng giao dịch được ghi lại sau 3 giờ (tức là nửa giờ giao dịch cuối cùng) lên đến hơn bảy triệu cổ phiếu – không rơi vào lúc cao điểm như người ta xếp loại vào năm 1962 – kỷ lục mà một ngày giao dịch trọn vẹn cũng chưa từng đạt tới. Khi tiếng chuông đóng cửa vang lên, một tràng reo hò từ sàn vỡ òa – và lần này người ta la to hết cỡ còn hơn cả hôm thứ Hai vì chỉ số trung bình Dow Jones lấy lại được 27,03 điểm, có nghĩa là ba phần tư số lỗ của ngày thứ Hai đã được bù lại; trong số tiền 20.800.000.000 đô-la vèo biến mất vào ngày thứ Hai, 13.500.000.000 đô-la đã xuất hiện trở lại. (Những con số phấn khởi này xuất hiện sau khi đóng cửa vài giờ đồng hồ nhưng những người sành sỏi chứng khoán với trực giác trời ban đã đưa ra những thống kê chính xác đáng ngạc nhiên. Một trong số đó nói rằng vào giờ đóng cửa hôm thứ Ba, họ gần như chắc chắn chỉ số Dow-Jones tăng trên 25 điểm và khẳng định này của họ là chắc như đinh đóng cột, không cần bàn.) Tâm trạng khi ấy của mọi người là vô cùng hân hoan, nhưng ba mươi chưa phải là Tết. Khối lượng giao dịch đang nhiều lên nên máy điện báo vẫn kêu “tích tích”, đèn vẫn sống thâu đêm, còn muộn hơn cả hôm thứ Hai. Băng tin trên Sàn không in ra giao dịch cuối cùng trong ngày cho đến mãi tận 8 giờ 15 phút tối, tức là 4 giờ 45 phút sau khi giao dịch đã xảy ra rồi. Những chuyên gia lão niên khôn ngoan của Phố Wall cho rằng, tình cờ ngày nghỉ lễ Tưởng niệm chiến sỹ hi sinh (vào thứ Tư) trùng vào lúc cuộc khủng hoảng đang lên đến đỉnh điểm chính là cơ hội để xoa dịu những cảm xúc đang sôi trào; đây có thể là nhân tố lớn nhất giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng không biến thành thảm họa. Một sự thật không thể phủ nhận là sự kiện này cho Sở giao dịch chứng khoán và các tổ chức thành viên (tất cả các tổ chức này đã được chỉ đạo phải bám trụ trong kỳ nghỉ) cơ hội “thu dọn tàn cuộc để khôi phục lại từ đầu”.

Những ảnh hưởng nguy hiểm của việc băng tin bị chậm trễ cần phải được giải thích với hàng ngàn khách hàng ngây thơ vẫn nghĩ rằng họ đã mua cổ phiếu U.S. Steel với một cái giá, ví dụ 50, rồi sau đó mới biết mình phải trả tới 54 hay thậm chí 55. Khiếu nại của hàng ngàn khách hàng khác không hề dễ dàng giải đáp. Một nhà môi giới phát hiện ra, hai lệnh ông ta gửi lên sàn vào cùng một thời điểm, một để mua Telephone với giá mua vào lúc đó, một để bán ra cùng số lượng ấy và cũng với giá bán ra lúc đó, khiến người bán nhận được 102 điểm cho mỗi cổ phiếu mà mình sở hữu và người mua phải trả 108 cho mỗi cổ phiếu anh ta mua. Quá chấn động trước tình huống này, người ta buộc phải nghi ngờ giá trị của quy luật cung cầu và tiến hành dò lại tin tức để rồi phát hiện ra trong lúc rối ren, lệnh mua của ông đã tạm thời bị thất lạc và không đến được Trạm 15 cho đến khi giá của nó tăng lên 6 điểm. Sai sót này không phải do lỗi của khách hàng nên công ty môi giới phải bồi thường cho khách hàng số tiền chênh lệch. Về phía Sở giao dịch chứng khoán, họ đã có một loạt vấn đề cần phải đối phó vào hôm thứ Tư, trong đó có việc tiếp đãi một nhóm của Tập đoàn truyền thông Canada từ Montreal bay sang chụp ảnh những hoạt động hôm thứ Tư trên Sàn giao dịch. Đồng thời, các quan chức Sở giao dịch cũng phải xem xét vấn đề chậm trễ tai tiếng của băng tin hôm thứ Hai và thứ Ba mà ai nấy đều nhất trí cho là trọng tâm – hay đúng ra là nguyên nhân – gây nên cuộc khủng hoảng kỹ thuật gần như là thảm họa trong lịch sử. Theo những gì Sở giao dịch tự biện hộ thì quả thực, chẳng khác nào Sở phàn nàn rằng cuộc khủng hoảng đến quá sớm, sớm những hai năm. “Sẽ là sai lầm khi cho rằng tất cả các nhà đầu tư đều được phục vụ với tốc độ và hiệu quả thường với các trang thiết bị hiện có,” Sở giao dịch thừa nhận với một sự bảo thủ đặc trưng và bổ sung thêm là một máy điện báo với tốc độ gần gấp đôi chiếc máy hiện tại dự kiến sẽ được lắp đặt trong năm 1964. (Trên thực tế, chiếc máy điện báo mới và nhiều thiết bị tự động hóa khác được lắp đặt gần như đồng thời và đúng lúc tỏ ra hiệu quả khác thường tới mức nhịp độ giao dịch ngoạn mục của tháng 4 năm 1968 được xử lý với độ trễ gần như bằng 0). Câu chuyện của năm 1962 khi bão tấn công trong khi hầm tránh bão vẫn chưa xây xong hay “mất bò mới lo làm chuồng” được Sở đúc kết là “khá khôi hài”.

Vẫn còn rất nhiều nguyên nhân để người ta phải lo ngại vào sáng thứ Năm. Sau một thời kỳ hoảng hốt, thị trường có xu hướng hồi phục đáng kể và sau đó lại trượt dài. Có hơn một nhà môi giới nhớ lại ngày 30 tháng 10 năm 1929, ngay sau đợt sụt giảm kỷ lục kéo dài suốt hai ngày, ngay trước khi xảy ra đợt trượt dốc thảm họa tiếp tục trong nhiều năm và trù bị cho một cuộc suy thoái lớn, chỉ số Dow-Jones tăng 28,40 điểm, thể hiện sự tăng trở lại giống năm 1962. Nói cách khác, thị trường đôi lúc vẫn bị cái bệnh de la Vega gọi là “ngược của ngược” – xu hướng tự đảo ngược, sau đó lại đảo ngược lại cái ngược trước đó, cứ tiếp tục chu kỳ như thế. Một người theo dõi hệ thống “vòng lặp” giống hiện tượng “ngược của ngược” trong phân tích chứng khoán có thể kết luận rằng thị trường hiện nay đã sẵn sàng cho một cuộc lao dốc khác. Tất nhiên, theo những gì diễn ra thì nó lại không như thế. Thứ Năm là ngày cổ phiếu tăng giá ổn định, có trật tự. Chỉ vài phút sau khi mở cửa lúc 10 giờ, băng tin thông báo các nhà môi giới ở khắp mọi nơi đang ngập trong các lệnh mua mà nhiều trong số đó đến từ Nam Mỹ, châu Á và các nước Tây Âu bình thường vẫn tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán New York. “Lệnh vẫn đổ vào từ mọi hướng,” băng tin hồ hởi công bố ngay trước khi kim đồng hồ nhích sang 11 giờ. Số tiền đã mất như có phép màu xuất hiện trở lại và còn nhiều tiền nữa tiếp tục đổ về. Khi chỉ còn vài tích tắc là bước sang 2 giờ, băng tin Dow-Jones từ trạng thái phởn phơ sang lãnh đạm, trong khi chạy báo cáo thị trường chèn vào một lời nhắc về chương trình đấu quyền anh giữa Floyd Patterson và Sonny Liston. Thị trường châu Âu, phản ứng đồng điệu với thị trường New York khi lên cũng như khi xuống, đã tăng mạnh. New York đã lấy lại hơn 80% số thua lỗ của nguyên ngày thứ Hai và sáng thứ Ba, vì vậy ngân khố của Chile đã gần như được giải cứu. Chỉ số công nghiệp Dow-Jones lúc đóng cửa đạt 613,36, nghĩa là thiệt hại của tuần trước đó gần như đã bị xóa sổ hoàn toàn hoặc chỉ còn rất ít. Cuộc khủng hoảng đã qua. Theo cách nói của Morgan thì thị trường đã dao động; còn theo cách nói của de la Vega, đây chính là minh chứng của thuyết “ngược của ngược”.

Suốt mùa hè năm đó và thậm chí sang năm sau, các nhà phân tích chứng khoán cùng các chuyên gia khác nhanh chóng đưa ra lý giải về những chuyện đã xảy ra; tính logic, tính nghiêm túc và tính chi tiết của những “chẩn bệnh” ấy lớn đến nỗi chúng chỉ bị mất đi chút thuyết phục bởi thực tế, hầu như không có tác giả nào trong số đó biết, dù chỉ một chút về những điềm báo trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra. Có lẽ bản báo cáo mang tính học thuật và chi tiết nhất về việc ai là người thực hiện vụ bán ra châm ngòi cho cuộc khủng hoảng được cung cấp bởi chính Sở giao dịch chứng khoán New York. Sở này lập tức gửi bản câu hỏi điều tra chi tiết tới thành viên của mình, cả cá nhân lẫn doanh nghiệp, ngay sau khi cơn chấn động qua đi.

Sở này tính toán, trong ba ngày diễn ra khủng hoảng, khu vực nông thôn của cả nước tham gia thị trường tích cực hơn hẳn mọi khi; nhà đầu tư nữ bán ra lượng cổ phiếu nhiều gấp 2,5 lần so với nhà đầu tư nam; các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực hơn thường lệ, chiếm 5,5% tổng khối lượng giao dịch và cũng là những người bán ra nhiều. Ấn tượng nhất trong đó, mà Sở giao dịch gọi là “cá nhân công khai” để phân biệt với những nhà đầu tư của tổ chức, đóng một vai trò lớn đến kinh ngạc trong toàn bộ sự việc, chiếm một tỷ lệ lớn chưa từng có: 56,8% tổng khối lượng giao dịch. Chia nhỏ đối tượng “cá nhân công khai” theo nhóm thu nhập, Sở giao dịch tính toán rằng những người có tổng thu nhập gia đình; hơn 25.000 đô-la/năm bán ra số lượng lớn nhất và dứt khoát nhất; những người có tổng thu nhập gia đình dưới 10.000 đô-la, sau khi bán ra vào thứ Hai và sáng thứ Ba lại mua quá nhiều cổ phiếu vào thứ Năm đến nỗi họ thực sự trở thành người mua ròng liên tiếp trong ba ngày. Ngoài ra, theo những tính toán của Sở giao dịch, khoảng một triệu cổ phiếu – tương đương 3,5% tổng lượng giao dịch của ba ngày – được bán ra bởi các cuộc gọi ký quỹ. Tóm lại, nếu có một kẻ chơi khăm nào đó, một nhà đầu tư tương đối giàu, không làm trong ngành chứng khoán rất có thể là một người phụ nữ ở nông thôn, ở nước ngoài, người này rất có khả năng đã thao túng thị trường dựa trên số tiền vay mượn.

Thật ngạc nhiên, vai chính ấy lại do một thế lực đáng sợ nhất trong số các thế lực không được kiểm chứng trên thị trường nắm giữ: các quỹ tương hỗ. Số liệu thống kê của Sở giao dịch cho thấy, vào thứ Hai, khi giá đang tụt giảm mạnh, các quỹ này mua vào nhiều hơn số họ bán ra; còn vào thứ Năm, khi các nhà đầu tư nói chung đang giành nhau để mua được cổ phiếu thì các quỹ tương hỗ, sau khi cân nhắc, đã bán ra 375.000 cổ phiếu. Nói cách khác, không những không làm gia tăng biến động, các quỹ này còn thực sự đóng vai trò như một lực lượng bình ổn thị trường. Chính xác thì hiệu ứng tốt lành bất ngờ từ trên trời rơi xuống này xảy ra như thế nào vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Chưa thấy ai ám chỉ tinh thần vì nước vì dân trong cuộc khủng hoảng nên ta có thể quả quyết nhận định rằng các quỹ này mua vào thứ Hai bởi vì các sếp đánh hơi thấy giá hời và bán ra vào thứ Năm bởi vì họ chớp thấy có cơ hội kiếm lời. Còn đối với vấn đề các khoản phải hoàn trả, như người ta đã từng lo sợ, rất nhiều cổ đông của quỹ tương hỗ yêu cầu được hoàn trả hàng triệu đô-la tiền mặt khi thị trường sụp đổ nhưng dường như các quỹ tương hỗ có sẵn quá nhiều tiền mặt đến mức, trong hầu hết trường hợp, họ có thể hoàn trả hết tiền cho cổ đông mà không cần phải bán một khối lượng cổ phiếu đáng kể nào. Tóm lại, các quỹ này chứng tỏ được sự giàu mạnh và được quản lý rất cẩn trọng của mình, đến nỗi họ không chỉ có thể đập tan cơn bão, mà vô tình có thể làm được điều gì đó xoa dịu tính chất khốc liệt của thảm họa. Liệu trong những hoàn cảnh tương tự, những điều kiện giống như thế có tồn tại hay không thì đã và đang là một câu chuyện khác.

Trong phân tích cuối cùng, nguyên nhân của cuộc khủng hoảng năm 1962 vẫn là điều bí ẩn; chỉ biết rằng nó đã xảy ra và một điều tương tự như thế có thể xảy ra một lần nữa. Như một trong số các nhà tiên tri luống tuổi, giấu tên gần đây nhận định: “Tôi quả có lo ngại, nhưng chưa bao giờ nghĩ nó sẽ là một vụ lịch sử lặp lại của năm 1929. Tôi chưa bao giờ nói chỉ số Dow-Jones sẽ xuống thấp hơn 400. Mà tôi nói là 500. Điều quan trọng bây giờ là trái ngược với năm 1929, chính phủ, hoặc đảng Cộng hòa, hoặc đảng Dân chủ, cần nhận ra rằng phải quan tâm tới các nhu cầu của doanh nghiệp. Sẽ không bao giờ có những công ty nhỏ lẻ kiểu “bán táo” trên Phố Wall nữa8. Liệu những gì đã xảy ra vào tháng Năm có thể xảy ra một lần nữa hay không thì dĩ nhiên là có. Tôi nghĩ rằng một hai năm sau đấy, con người có thể sẽ thận trọng hơn rồi chúng ta lại có thể chứng kiến một cuộc đầu cơ khác dẫn tới một cuộc hoảng khác, cứ như thế cho đến khi Chúa trời làm cho con người bớt tham lam đi.”

8 Apple sellers: Thời kỳ đầu của cuộc Đại khủng hoảng (Đại suy thoái) diễn ra từ năm 1929 tới tận đầu thập niên 1940 trên toàn cầu, Hiệp hội Vận chuyển táo quốc tế (International Apple Shippers Association) của Mỹ quyết định bán táo chịu cho người dân mua để mang đi bán. Ngóc ngách phố phường đều thấy những người bán táo 5 xu, thậm chí cả một số triệu phú sa cơ cũng bán loại táo 5 xu này. Năm 1930, chỉ riêng ở New York đã có tới 6.000 người bán táo.

Hay như de la Vega nói: “Thật ngớ ngẩn khi nghĩ rằng anh có thể rút khỏi sàn chứng khoán một khi anh đã được nếm vị ngọt ngào như mật của nó.”

2SỐ PHẬN CỦA EDSEL TĂNG TRƯỞNG VÀ NỞ HOA

TRONG CUỐN LỊCH ĐỜI SỐNG KINH TẾ MỸ, năm 1955 là năm của ngành xe hơi. Trong năm này, các nhà sản xuất ô tô Mỹ bán được hơn 7 triệu xe, nhiều hơn tổng sản lượng bán ra của mỗi năm trước đó hơn 1 triệu chiếc. Cùng năm này, General Motors bán ra công chúng 325 triệu đô-la trị giá cổ phiếu phổ thông và toàn bộ thị trường chứng khoán do General Mortors dẫn đầu vụt bứt phá với tốc độ điên cuồng tới mức Quốc hội phải mở cuộc điều tra về công ty này. Cũng năm đó, công ty Ford Motor quyết định sản xuất một loại ô tô có tên gọi mỹ miều là ô tô tầm trung, giá từ 2.400 đến 4.000 đô-la, họ bắt tay vào triển khai và thiết kế nó theo đúng thời trang lúc bấy giờ: loại xe đi đường trường, rộng rãi, trang trí sang trọng bằng crôm, tích hợp vô vàn tiện ích, động cơ với công suất đủ để phi thẳng vào quỹ đạo! Hai năm sau, vào tháng 9 năm 1957, công ty Ford tung ra thị trường dòng xe mới của mình là Edsel, trống rong cờ mở hơn hẳn bất kỳ chiếc xe mới nào kể từ khi Model A của công ty này được xuất xưởng 30 năm về trước. Người ta công bố tổng chi phí cho Edsel tính đến khi bản thử nghiệm đầu tiên được tung ra thị trường là 250 triệu (một phần tư tỷ) đô-la Mỹ; dự án đầu tư này, theo như Business Week tuyên bố và chẳng ai buồn phủ nhận, tốn kém hơn bất kỳ sản phẩm tiêu dùng nào khác trong lịch sử. Bước khởi đầu tiến tới thu hồi vốn, Ford tính toán trong năm đầu tiên phải bán được ít nhất là 200.000 chiếc Edsel.

Còn về sự thật của việc này, hẳn chỉ có thổ dân sống tít tắp đâu đó trong một khu rừng nhiệt đới xa xôi may ra mới không biết. Nói trắng ra, 2 năm 2 tháng và 15 ngày sau đó, Ford chỉ bán được 109.466 chiếc Edsel và đương nhiên, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn trong số những người mua đó là giám đốc điều hành, nhà môi giới, nhân viên kinh doanh, nhân viên quảng cáo, công nhân lắp ráp của chính công ty Ford cũng như một số đối tượng có sở thích chứng kiến sự thành công của Ford. Con số 109.466 còn xa mới đạt đến tỷ lệ 1% số lượng xe ô-tô ở Mỹ trong thời kỳ đó; vào ngày 19 tháng 11 năm 1959, theo một số ước tính bên ngoài, Ford lỗ khoảng 350 triệu đô-la vào Edsel nên công ty quyết định vĩnh viễn đình chỉ việc sản xuất loại xe này.

Làm sao chuyện này có thể xảy ra? Làm sao một công ty hùng hậu về tài chính, kinh nghiệm và những bộ óc lỗi lạc, lại phạm một sai lầm lớn đến như vậy? Ngay cả trước khi Edsel bị ngưng sản xuất, những người giỏi ăn nói của cộng đồng yêu xe đã có ngay một đáp án cho câu hỏi ở trên; một đáp án vô cùng đơn giản và có vẻ hợp lý, dù chưa phải là một đáp án duy nhất được đưa ra, nhưng càng ngày càng được công nhận rộng rãi như một chân lý. Họ lập luận rằng việc thiết kế, đặt tên, quảng cáo và quảng bá cho Edsel đều bám sát vào kết quả của các cuộc thăm dò dư luận và các nghiên cứu về động cơ mua (người “anh em họ” của điều tra thăm dò dư luận) và kết luận: khi công chúng bị “tán tỉnh” một cách có tính toán, họ có xu hướng quay lưng lại và để mắt tới những “anh chàng trồng cây si” chăm chút cho họ theo kiểu hào hoa một cách tự nhiên hơn. Mấy năm trước, đối mặt với sự dè dặt có thể hiểu được của Ford Motor, cũng như bất kỳ công ty nào khác không thích ghi lại những sai lầm ngớ ngẩn của mình, tôi tự gắng sức tìm hiểu về sự sụp đổ của Edsel và những điều tra này dẫn tôi tới chỗ tin rằng những gì chúng ta có trong tay chưa phải là toàn bộ sự thật.

Vì cho dù Edsel được cho là được quảng cáo hay quảng bá nghiêm túc trên cơ sở số phiếu ủng hộ trong các cuộc điều tra dư luận thì len lỏi vào đó vẫn có một số phương pháp lạc hậu, kiểu “bán dầu rắn”9 theo cảm tính chứ không dựa trên khoa học. Và cả cách đặt tên nữa, chủ định là đặt tên theo kết quả điều tra dư luận, song đến phút cuối “khoa học” bị xếp xó và Edsel được đặt theo tên cha đẻ của ngài chủ tịch công ty, không khác gì cách người ta đặt tên cho một loại siro ho hay một loại xà phòng làm sạch da thú hồi thế kỷ XIX. Còn về thiết kế, bản thiết kế cuối cùng được đưa ra không hề có động thái hỏi ý kiến công luận mà dựa trên một phương pháp nhiều năm qua đã trở thành chuẩn mực cho việc thiết kế ô tô: chỉ bằng cách thu thập ý kiến dựa trên cảm tính của nhiều ủy ban khác nhau. Nếu kiểm điểm lại thì lối lý giải phổ biến về thất bại của Edsel hóa ra chủ yếu là “hoang đường” theo đúng nghĩa thông tục của từ đó. Nhưng những câu chuyện của trường hợp này có thể xứng đáng trở thành huyền thoại biểu trưng về câu chuyện “thành công ngược” của nước Mỹ thời hiện đại.

9 Snake oil (Tiếng lóng ở Mỹ): Cụm từ ban đầu ám chỉ những sản phẩm sức khỏe hoặc thuốc gian dối chưa được kiểm chứng, sau được mở rộng ra ám chỉ bất kỳ sản phẩm nào có nghi vấn về chất lượng, lợi ích và chưa được kiểm chứng. Nói rộng ra, người bán dầu rắn là một kẻ cố ý bán các sản phẩm giả dối hoặc kẻ đó chính là một kẻ lừa gạt, lang băm, bịp bợm hoặc đại loại như vậy.

Lịch sử ra đời của Edsel bắt đầu từ mùa thu năm 1948, bảy năm trước khi đi đến quyết định sản xuất, khi Henry Ford II (giữ vai trò chủ tịch và ông chủ hợp thức tuyệt đối khi ngài Henry, cha của ông qua đời một năm trước đó) đề xuất trước ủy ban điều hành công ty bao gồm Ernest R. Breech, phó Chủ tịch điều hành, việc cần tiến hành nghiên cứu xem liệu có sáng suốt khi tung ra một dòng xe mới, tầm trung, khác biệt hoàn toàn vào thời điểm bấy giờ. Các nghiên cứu được thực hiện. Và lý do cho việc này dường như rất chính đáng. Thời bấy giờ, thịnh hành tập quán là chủ nhân thu nhập thấp của những chiếc xe Plymouths và Chevrolets lập tức bỏ ngay những chiếc xe “hạng hai” khi thu nhập của họ tăng lên hơn 5.000 đô-la/năm để “lên đời” một chiếc xe tầm trung. Ford cho là điều này quá tốt, quá ổn, ngoại trừ một điểm là không hiểu vì lý do nào, những chủ nhân xe Ford thường không lên đời với chiếc Mercury, nhãn hiệu tầm trung duy nhất của Ford, mà vươn lên dòng xe tầm trung của các đối thủ lớn như Oldsmobile, Buick và Pontiac (mấy dòng chủ yếu của hãng General Motors), một số ít thì chọn Dodge và De Soto (hai nhãn hiệu của Chrysler). Lewis D. Crusoe, khi ấy là phó Chủ tịch của Ford Motor, không hề ngoa ngôn về việc này khi phát biểu: “Chúng ta đang nuôi béo khách hàng cho General Motors”.

Chiến tranh Triều Tiên năm 1950 bùng nổ, đồng nghĩa với việc Ford không còn bất kỳ sự lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục nuôi khách hàng cho những đối thủ của mình bởi khi ấy, việc tung ra dòng xe mới là việc bất khả thi. Ban giám đốc công ty tạm gác lại những nghiên cứu do Chủ tịch Ford đề xuất và mọi chuyện im lìm ở đó suốt hai năm. Nhưng đến cuối năm 1952, riêng việc chiến tranh kết thúc cũng đủ ngầm báo rằng công ty sắp sửa bắt đầu từ chỗ còn dang dở và những nghiên cứu cũ được hăm hở lôi ra bởi một nhóm có tên là Ủy ban hoạch định xúc tiến sản phẩm, ủy ban này trình phần lớn những hạng mục đã lên chi tiết cho bộ phận Lincoln-Mercury đặt dưới sự dẫn dắt của Richard Krafve (đọc là Kraffy), trợ lý Tổng giám đốc của bộ phận. Krafve, một người oai phong, tẩm ngẩm tầm ngầm với vẻ mặt lúc nào cũng “đăm chiêu”, khi ấy khoảng 45 tuổi. Ông là con trai ông chủ nhà in một tờ nhật báo trang trại nhỏ ở Minnesota, từng là kỹ sư kinh doanh và nhà tư vấn quản lý trước khi đầu quân cho Ford vào năm 1947 và dù chưa thể nào biết nguyên do vì sao nhưng ông sắp sửa có lý do để “đăm chiêu” như thế. Là người chịu trách nhiệm trực tiếp về Edsel và những vận hội của nó, hưởng thụ vinh quang ngắn ngủi và chăm lo cho nó lúc nguy khốn thập tử nhất sinh, Krafve gắn số phận của mình với Edsel.

Tháng 12 năm 1954, sau hai năm làm việc, ủy ban hoạch định xúc tiến sản phẩm trình lên ban điều hành một tập báo cáo đồ sộ gồm sáu tập tóm lược những phát hiện của ủy ban. Dựa trên số liệu thống kê, báo cáo dự đoán năm 1965 sẽ là thiên niên kỷ của Mỹ, hay một cái gì đại loại như thế. Đến khi ấy, theo ước tính của ủy ban hoạch định xúc tiến sản phẩm, GNP sẽ là 535 tỉ đô-la/năm – tăng tới 135 tỉ đô-la trong một thập kỷ. (Trên thực tế, phần này của “thiên niên kỷ” đến nhanh hơn những gì các nhà hoạch định ước tính. Năm 1962, GNP vượt mốc 535 tỉ đô-la và năm 1965 lên tới 681 tỉ đô). Lượng xe lưu hành sẽ là 70 triệu, tăng 20 triệu chiếc. Hơn một nửa số gia đình tại Mỹ sẽ có thu nhập hơn 5.000 đô-la/năm và hơn 40% tổng lượng xe bán ra là xe giá tầm trung hoặc cao hơn. Bức tranh nước Mỹ năm 1965 có những tình tiết rất giống với hiện trạng của thành phố Detroit: các ngân hàng ở Detroit chảy tiền ra ào ào, đường phố, xa lộ kẹt cứng với những chiếc xe hơi tầm trung to bự, bóng loáng, lớp công dân nhà giàu mới nổi, “giàu tham vọng”, luôn đau đáu với những khao khát có nhiều hơn những điều đó. Bài học đã quá rõ. Nếu đến lúc đó, Ford không thể tung ra một mẫu xe giá tầm trung thứ hai không chỉ mới về kiểu dáng mà mới từ trong ra ngoài và biến nó trở thành chiếc xe hơi được ưa chuộng trên thị trường, công ty sẽ mất thị phần trên đất Mỹ.

Mặt khác, các ông chủ ở Ford biết quá rõ về những rủi ro cực kỳ lớn khi tung ra thị trường một chiếc xe mới. Chẳng hạn, họ biết rằng trong 2.900 loại xe của Mỹ được tung ra kể từ khi bắt đầu Kỷ nguyên ô tô, trong đó có Black Crow (1905), Averageman’s Car (1906), Bug-mobile (1907), Dan Patch (1911) và Lone Star (1920), chỉ có khoảng 20 dòng trong số ấy hiện vẫn đang được lưu hành. Họ biết về những cái chết trong ngành ô tô sau Thế chiến II, trong đó phải kể đến Crosley là chết hẳn và Kaiser Motors – cho dù đến năm 1954 vẫn còn thoi thóp – cũng đang giẫy chết. (Các thành viên của ủy ban hoạch định xúc tiến sản phẩm hẳn sẽ ái ngại liếc nhau khi mà một năm sau đó, trong diễn văn chia tay của mình, Henry J. Kaiser viết: “Chúng tôi dự định tung 50 triệu đô-la xuống “ao ô-tô” nhưng không trông đợi chỗ tiền đó biến mất không sủi tăm!”) Các vị ở Ford cũng biết rằng, trong Bộ Tam hùng mạnh của ngành là Ford, General Motors và Chrysler, không hãng nào mạo hiểm tung ra dòng xe mới với kích thước tiêu chuẩn kể từ sau chiếc La Salle của General Motors năm 1927 và chiếc Plymouth của Chrysler năm 1928; ngay cả Ford cũng không có ý định thử dấn thân vào vụ này kể từ năm 1938 khi tung ra chiếc Mercury.

Nhưng những con người của Ford cảm thấy đầy lạc quan, cực kỳ lạc quan đến nỗi họ đã quyết định ném vào cái ao đó một số tiền gấp năm lần số tiền Kaiser có. Tháng 4 năm 1955, Henry Ford II, Breech và những thành viên khác trong ủy ban điều hành chính thức phê chuẩn những nghiên cứu của ủy ban hoạch định xúc tiến sản phẩm và để thực hiện những nghiên cứu đó, ủy ban này cho lập một bộ phận khác có tên là phòng sản phẩm đặc biệt, đứng đầu là ngài Krafve bất hạnh. Thế là công ty chính thức bật đèn xanh cho những nỗ lực của các nhà thiết kế, mấy tháng ròng nguệch ngoạc bản kế hoạch cho chiếc xe mới. Vì cả đội ngũ thiết kế lẫn đội hình mới thành lập của Krafve khi tiếp quản đều không có, dù chỉ là một chút mơ hồ những gì đang có mặt trên bản vẽ của họ sẽ được gọi tên như thế nào nên những người ở Ford, ngay cả trong những thông cáo báo chí của công ty, đều gọi đó là xe E, được giải thích là viết tắt chữ cái đầu của từ “Experimental” (thử nghiệm) trong tiếng Anh.

Người phụ trách trực tiếp việc thiết kế, nếu theo ngôn ngữ đao to búa lớn của thương mại là “tạo mẫu” cho E-Car, là một người Canada chưa đến 40 tuổi tên là Roy A. Brown. Người này, trước khi bắt tay vào làm E-Car (và sau khi học thiết kế công nghiệp tại Học viện Nghệ thuật Detroit), đã có kinh nghiệm thiết kế đài phát thanh, thuyền động cơ, sản phẩm kính màu, Cadillacs, Oldsmobiles và Lincolns. Gần đây, Brown có dịp hồi tưởng lại những khát vọng của mình khi bắt tay vào dự án mới lúc bấy giờ. “Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một chiếc xe thật độc đáo với kiểu dáng hoàn toàn khác biệt so với 19 loại xe khác đang lưu thông vào thời điểm bấy giờ.” Ông đã viết những dòng này từ nước Anh khi đang được mời làm nhà tạo mẫu trưởng cho công ty Ford Motor chuyên chế tạo xe tải, máy kéo và xe hơi nhỏ. “Chúng tôi còn cẩn thận tiến hành nghiên cứu bằng hình chụp từ xa của 19 loại ô tô này và từ khoảng cách vài trăm mét thì đương nhiên, chúng đều nhang nhác nhau, đến mức gần như không thể phân biệt được cái nào với cái nào… Giống nhau như ‘hai giọt nước’ vậy. Chúng tôi quyết định lựa chọn một phong cách ‘mới toe’ theo nghĩa vừa độc đáo vừa thân quen.”

Trong khi chiếc E-Car vẫn đang nằm trên bản vẽ tại xưởng tạo hình của Ford, đặt tại trụ sở Dearborn của công ty, ngay ngoại ô Detroit, thì những công việc liên quan đến nó vẫn đang được triển khai trong các điều kiện bảo mật đầy kịch tính, hay nói cách khác là cực kỳ bất khả thi, vốn luôn được áp dụng cho những hoạt động kiểu đó trong ngành ô tô: ổ khóa cửa xưởng cho phép có thể thay ngay trong vòng 15 phút nếu chìa khóa bị lọt vào tay đối thủ; lực lượng an ninh canh gác 24/24 giờ quanh cơ sở; một chiếc kính viễn vọng được lập trình định kỳ theo dõi những kẻ nào đang rình rập trên các cao điểm gần đó. (Tất cả những biện pháp cơ mật dù có vẻ rất thông minh ấy lại có nguy cơ thất bại vì không biện pháp nào trong số đó phòng ngự được “Con ngựa thành Tơ-roa” phiên bản “thành Detroit”, bởi lẽ nhà thiết kế tạo mẫu cho chiếc xe này là người siêu “nhảy việc”, chỉ cần ông ta có ý định phản bội cũng đủ tạo cơ hội cho các công ty đối thủ dễ bề nắm bắt được diễn biến của công cuộc cạnh tranh. Dĩ nhiên, không ai rõ điều này hơn chính những đối thủ ấy, còn những thủ tục “kín kín hở hở” kia giống như là chiêu thức quảng cáo và càng hấp dẫn công chúng.) Mỗi tuần cứ độ một hai lần, Krafve đầu cắm xuống đất, đi đến xưởng tạo mẫu để hội ý với Brown, kiểm tra tiến độ công việc, đưa ra những lời gợi ý, động viên. Krafve không phải là tuýp người vẽ ra mục tiêu kiểu chớp mắt; trái lại, ông “mổ xẻ” tạo hình cho E-Car thành vô vàn phương án nhọc công và tỉ mỉ: tạo hình chắn bùn ra sao, dùng hoa văn nào đi với chất liệu crôm, sử dụng tay nắm cửa loại nào… Nếu trong quá trình thi công bức tượng cẩm thạch Vua David, nhà điêu khắc Michelangelo10 từng chỉ một mình thêm thắt phương án này kia thì với Krafve, một con người có tư duy máy móc trong kỷ nguyên máy tính siêu chính xác, sau này tổng kết lại: để đúc ra khuôn mẫu cho chiếc E-Car, ông cùng các cộng sự đã phải tìm lời giải đáp cho không dưới 4.000 bài toán. Ngày ấy, ông tính là, nếu ê-kíp của ông đi đến câu trả lời có – không, với mỗi bài toán ấy thì cuối cùng, chắc chắn họ sẽ chế tạo được chiếc xe tuyệt đỉnh về mặt tạo hình, hay chí ít cũng tạo ra được một chiếc xe “vừa mới lạ, vừa thân quen”. Sau này, Krafve thú nhận khó mà gò ép quy trình sáng tạo theo cái “gông” của hệ thống đó, chủ yếu bởi vì trong số 4.000 phương án, có nhiều phương án khá du di. Ông nói: “Khi đã có đề tài chủ đạo rồi, ta bắt đầu lọc bỏ dần. Ta lại tiếp tục sửa, sửa và sửa tiếp những cái vừa sửa. Phải chốt vài phương án, vì hạn cuối sắp đến rồi. Và nếu không có cái hạn cuối này thì có lẽ, chúng tôi sẽ còn sửa nữa, sửa mãi, sửa đến muôn đời.”

10 Michelangelo di Lodovico Buonarroti Simoni (1475 – 1564), thường được gọi là Michelangelo, là một họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhà thơ và kỹ sư thời Phục Hưng ở Ý. Dù ít có những đột phá bên ngoài nghệ thuật, sự uyên bác của ông trong các lĩnh vực đạt tới mức khiến ông được coi là một người xứng đáng với danh hiệu Nhân vật thời Phục Hưng, cùng với đối thủ, cũng là người bạn, Leonardo da Vinci. Hai trong số các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Đức Mẹ sầu bi và Vua David.

Trừ những chỉnh sửa nho nhỏ sau này trên những cái đã sửa và sửa, đến giữa mùa hè năm 1955, chiếc E-Car đã được tạo hình hoàn thiện. Và hai năm sau đó, như cả thế giới đều biết, chiếc xe chỉ có một điểm khác biệt duy nhất nằm ở tấm lưới tản nhiệt mới toanh hình chiếc vòng cổ ngựa, dựng thẳng đứng ngay giữa phần đầu trước thấp, rộng bằng tiêu chuẩn thông thường, một sự kết hợp giữa lạ và quen mà ai cũng nhìn thấy, nhưng chưa đến độ phải trầm trồ. Nhưng Brown hay Krafve, hay cả hai, đều không tạo ra được đặc điểm quen thuộc với hai bộ phận nổi bật nhất: chiếc đuôi xe độc đáo, nổi bật với cửa xe sải rộng theo chiều ngang, cực kỳ không ăn nhập gì với đuôi xe dài lượt thượt đang làm mưa làm gió trên thị trường lúc bấy giờ và cụm nút điều khiển truyền động tự động trên trục vô lăng. Trong bài diễn thuyết trước công chúng không lâu sau khi chiếc xe ra mắt công chúng lần đầu tiên, Krafve lỡ miệng hé lộ một vài chi tiết về tạo mẫu, mà theo ông khác biệt tới mức nhìn bên ngoài và từ mặt trước, mặt cạnh hay đằng sau, đều nhận ra ngay; còn bên trong là “hình ảnh thu nhỏ của kỷ nguyên nút bấm mà không cần mấy thứ lằng nhằng phức tạp kiểu Buck Rogers ‒ người hùng không gian thế kỷ XXV của tương lai11.” Cuối cùng cũng đến ngày chiếc xe được ra mắt những vị sếp cao nhất trong bộ máy quản lý Ford. Nó gây ra một hiệu ứng gần như là khải huyền. Ngày 15 tháng 8 năm 1955, trong nghi lễ bí mật tại trung tâm tạo mẫu, Krafve, Brown và các trợ tá đứng bên nhau, nở nụ cười trong khi lòng thì ngổn ngang tơ vò, hai tay bứt rứt vò vào nhau trong không khí; trong khi đó, các thành viên của ủy ban hoạch định xúc tiến sản phẩm, trong đó có cả Henry Ford II và Breech, nghiêm trang theo dõi bức rèm được vén lên, lộ ra một chiếc E-Car to như thật làm bằng đất sét và giấy thiếc để mô phỏng cho nhôm và crôm. Theo những người chứng kiến cho biết, toàn bộ cử tọa nhất tề sững sờ á khẩu giống như một phút mặc niệm, rồi ào ào nổ ra tràng pháo tay giòn giã tán thưởng. Chuyện như thế này chưa từng xảy ra tại buổi ra mắt liên công ty tại Ford kể từ năm 1896, khi cụ Henry cài chốt “cỗ xe ngựa không ngựa kéo” của cụ12.

11 Buck Rogers là người hùng không gian của thế kỷ XXV, nhân vật hư cấu lần đầu tiên xuất hiện trong một tiểu thuyết ngắn có tựa đề Armageddon 2419 A.D của Philip Francis Nowlan, đăng trên số ra tháng 8 năm 1928 của Tạp chí Amazing Stories dưới cái tên Anthony Rogers.

12 Sau nhiều năm tìm tòi và thử nghiệm, vào mùa hè năm 1896, Henry Ford đã hoàn thành chiếc xe ôtô chạy hơi nước đầu tiên của mình. Cho dù chỉ chạy được với tốc độ trên 10km/giờ và không có khả năng đi lùi hay quay đầu nhưng chiếc xe thử nghiệm của Henry Ford là một kỳ tích gây chấn động dư luận lúc đó. Phải thêm hai năm nữa Henry Ford mới chế tạo thành công chiếc xe ô tô đơn giản nhưng có khá đầy đủ chức năng để có thể lưu thông trên đường.

Một trong những lời giải thích thuyết phục nhất và hay được viện dẫn nhất về thất bại của Edsel là: Edsel là nạn nhân của “sự chậm trễ” giữa quyết định sản xuất và hành động tung ra thị trường. Dễ dàng nhận ra điều này khi mấy năm sau đấy, các dòng xe hơi nhỏ hơn, công suất thấp hơn, được gọi với cái tên hoa mỹ “siêu nhỏ gọn” trở nên quá thịnh hành, đủ để lật úp chiếc thang thứ hạng trong ngành ô tô, biến Edsel trở thành một bước trượt dài sai lầm; thế nhưng, không dễ nhận ra điều đó vào năm 1955 khi các dòng xe bốn bánh như vậy bùng nổ. Trí tuệ nước Mỹ, từng sản xuất đèn điện, máy bay, ô tô giá rẻ, bom nguyên tử và thậm chí là cả một hệ thống thuế cho phép một người, tùy theo điều kiện, có thể trốn thuế bằng cách quyên góp từ thiện vẫn chưa tìm ra được cách đưa chiếc ô tô từ bản vẽ ra thị trường vào một thời điểm hợp lý; mất chừng hai năm để làm ra những bàn ren, thông báo tới các nhà bán lẻ, chuẩn bị các chiến dịch quảng cáo, quảng bá, xin cấp trên phê duyệt cho mỗi động thái kế tiếp cùng vô vàn thủ tục đến chóng mặt vốn được coi là quan trọng sống còn tại Detroit và vùng lân cận. Với những người được phân chịu trách nhiệm hoạch định cho những thay đổi hàng năm cho các mẫu xe đã xuất xưởng, dự đoán thị hiếu tương lai đã khó đưa ra một sáng tạo hoàn toàn mới, như chiếc E-Car chẳng hạn, còn khó hơn bội phần; giống như phải chắp nối nhiều động tác cực kỳ phức tạp để dựng thành một tiết mục khiêu vũ, tạo ra cho nó một cá tính, chọn cho nó một cái tên thích hợp, đấy là chưa nói tới việc phải tham vấn nhiều nhà tiên tri để quyết định xem liệu đến thời điểm cắt băng khánh thành mẫu xe mới có phải là một ý tưởng hay với hiện trạng nền kinh tế quốc dân lúc đó hay không?

Kiên trì thực hiện những thủ tục như đã được “kê đơn”, phòng sản phẩm đặc biệt đã mời David Wallace, Giám đốc phụ trách Kế hoạch nghiên cứu thị trường, để ông xem có thể làm gì để tạo cá tính riêng và đặt cho E-Car một cái tên. Wallace người gầy nhẳng, cằm thô, hay hút tẩu, có lối nói chuyện nhẹ nhàng, thong thả, sâu sắc, ấn tượng như một giáo sư đại học cho dù nền tảng học vấn của ông không thiên về hàn lâm. Trước khi đầu quân cho Ford năm 1955, ông đã học hết Đại học Westminster tại bang Pennsylvania, vượt qua cơn khủng hoảng dưới thân phận một công nhân xây dựng tại thành phố New York, sau đó có 10 năm làm nghiên cứu thị trường cho tờ Times. Nhưng ấn tượng quả là điều quan trọng và Wallace thú nhận, trong nhiệm kỳ của ông tại Ford, ông cố ý nhấn mạnh “vẻ giáo sư” của mình bởi ngoại hình này mang lại cho ông một lợi thế để đương đầu với những nhân vật vô cùng thực tế, thô tục, không màu mè tại Dearborn. “Phòng của chúng tôi được xem là “một nửa bộ tham mưu,” ông nói với một sự hài lòng nhất định. Điển hình là ông nhất mực chỉ sống ở Ann Arbor để được tắm trong bầu không khí học thuật của Đại học Michigan hơn là sống ở Dearborn hay Detroit mà ông tuyên bố là quá ngưỡng chịu đựng ngoài giờ làm việc. Khi xây dựng hình ảnh cho chiếc E-Car, dù thành công của ông ở mức độ nào đi chăng nữa thì với những điều lập dị nho nhỏ của mình, dường như ông đã làm được một điều tuyệt vời với việc xây dựng hình ảnh “ngài Wallace”. “Tôi không cho rằng động cơ của Dave13 khi làm cho Ford chỉ đơn thuần là tiền bạc,” Krafve nói. “Dave là tuýp người của học thuật và tôi nghĩ ông ta xem công việc là một thách thức thú vị.” Khó ai có thể tìm ra được bằng chứng nào về một hình chiếu trung thực hơn thế nơi ông.

13 Tên thân mật của David Wallace.

Wallace hẳn đang điểm lại lý do đích thực đã dẫn dắt ông và cộng sự đi tìm cá tính thực sự cho chiếc E-Car. “Chúng tôi tự nói với nhau: ‘Thật ra là Chevrolet 2.000 đô-la hay Cadillac 6.000 đô-la thì khác quái gì nhau về cấu tạo cơ bản’” ông nói. ‘“Bỏ qua mấy mớ quảng cáo rùm beng ấy đi! Và ta sẽ thấy những chiếc xe đó thực sự không khác nhau là mấy. Tuy nhiên, chắc chắn phải có gì đó trong ‘bản ngã’ của một cá nhân khiến họ khao khát sở hữu chiếc Cadillac cho dù giá của nó có cao ngất ngưởng, hoặc cũng có khi chính vì cái giá cao ngất đó mà họ mới thèm khát.’ Chúng tôi kết luận xe hơi là phương tiện để thực hiện ước mơ. Mỗi người đều có trong mình một điều gì đó phi lý trí khiến họ thèm khát chiếc xe hơi này hơn chiếc xe hơi kia, điều gì đó không liên quan tới cấu tạo mà tới cá tính của chiếc xe như khách hàng vẫn hằng mường tượng. Theo lập luận này, điều chúng tôi muốn làm là tạo cho chiếc E-Car một cá tính điển hình khiến nhiều người thèm muốn nó. Chúng tôi thấy mình có lợi thế hơn rất nhiều so với nhiều nhà sản xuất xe hơi giá tầm trung khác bởi chúng tôi không phải bận tâm cải tạo từ những cái cũ, mà có thể là một nhược điểm đáng ghét nào đó được tùy ý làm từ A đến Z theo đúng lý tưởng của chúng tôi”.

Trong bước đầu nỗ lực tìm kiếm cá tính cho E-car, Wallace quyết định đánh giá cá tính của các xe giá tầm trung và cả một số dòng xe giá rẻ (vì một số mẫu xe rẻ tiền của năm 1955 bỗng tăng giá vọt lên gần bằng giá xe tầm trung) đang lưu hành trên thị trường. Để xúc tiến, ông thuê Khoa Nghiên cứu ứng dụng xã hội thuộc Đại học Columbia phỏng vấn 800 người mới mua xe tại Peoria, bang Illinois cùng 800 người mua xe khác tại San Bernardino, bang California về hình ảnh tinh thần họ nhìn thấy ở các loại xe đang được điều tra. (Khi tiến hành dự án kinh doanh này, Đại học Columbia duy trì tính độc lập hàn lâm của mình bằng cách giữ bản quyền cho việc xuất bản những phát hiện của họ.) “Chúng tôi có ý tưởng thu thập ý kiến phản hồi từ các nhóm dân cư tại các thành phố trên,” Wallace cho biết. “Chúng tôi không cần những thứ ‘phiến diện’. Cái chúng tôi cần là thứ gì đó đại diện cho yếu tố liên con người. Chúng tôi chọn Peoria là địa điểm trung tâm phía Bắc Hoa Kỳ, kiểu rập khuôn điển hình, không chứa đựng những yếu tố không trực tiếp liên quan, ví dụ như một nhà máy sản xuất kính của General Motors chẳng hạn. Chúng tôi chọn San Bernardino bởi lẽ Bờ Tây đóng một vai trò rất quan trọng trong ngành thương mại ô tô và thị trường ở đó khá khác biệt với xu thế người tiêu dùng thích mua các dòng xe hào nhoáng hơn.”

Những câu hỏi mà các nhà nghiên cứu ở Columbia đặt ra tại Peoria và San Bernardino chỉ tuyệt đối tập trung vào những gì liên quan tới xe hơi, ngoại trừ những vấn đề như giá bao nhiêu, an toàn cỡ nào và xe có chạy ổn không. Cụ thể, Wallace muốn biết cảm tưởng của người được phỏng vấn về mỗi loại xe đang lưu hành. Theo họ, đối tượng nào chỉ nhất nhất muốn mua xe Chevrolet, Buick hay một loại xe nhất định nào đó? Họ bao nhiêu tuổi? Nam hay nữ? Địa vị xã hội của họ như thế nào? Từ những phản hồi này, Wallace có thể dễ dàng vẽ lên một bức ký họa cá tính cho mỗi kiểu xe. Chiếc Ford nổi bật với đặc tính tốc độ, nam tính, không quá khoe mẽ, hợp với chủ trại súc vật hay thợ cơ khí ô tô. Ngược lại, Chevrolet trông cổ hơn, thông minh hơn, chậm chạp hơn, ít nam tính hơn và có phần nào đó tao nhã hơn, hợp với đối tượng là giáo sĩ. Còn Buick có vẻ mang phong cách của phụ nữ trung niên hay ít nhất cũng “la già” hơn Ford, không hẳn là nam tính hay nữ tính, nhưng vẫn khá bốc và người bạn đồng hành lý tưởng của chiếc xe này sẽ là luật sư, bác sỹ, hay trưởng nhóm nhạc nhảy. Còn với Mercury, gần như có một sự cải tiến rõ rệt, kiểu dành cho các tay chơi ưa tốc độ; do đó, mặc dù giá niêm yết cao hơn, nó vẫn được cho là phù hợp với đối tượng có thu nhập không cao hơn thu nhập trung bình của những người sở hữu xe Ford, vì vậy không có gì lạ khi chủ xe Ford không đổi sang Mercury. Sự khác biệt không đáng kể giữa hình ảnh và thực tế, cộng với thực tế là cả bốn chiếc xe đều rất giống nhau và động cơ đều có gần như cùng mã lực, chỉ để củng cố cho lập luận của Wallace rằng, người mua xe, cũng giống như chàng trai si tình đang yêu, chẳng biết cân đong đo đếm đồ vật mình yêu thích theo một cách tương tự như bằng lý trí.

Đến khi các nhà nghiên cứu khoanh vùng được hai thành phố Peoria và San Bernardino để thực hiện điều tra, họ đã thu về những câu trả lời không phải chỉ cho bản câu hỏi của họ mà cho cả những vấn đề khác nữa, dường như chỉ có mấy nhà tư tưởng xã hội học thâm thúy nhất mới có thể hiểu chúng có liên hệ gì với loại xe giá tầm trung đang được nghiên cứu. “Thú thực chẳng khác gì đi câu,” Wallace nói. “Kiểu như ta quăng đại cái lưới xuống mà khi kéo lưới lên, ta vớt được đủ thứ vụn vặt”.

Wallace mơ mộng về một chiếc E-Car cực kỳ xinh đẹp, ông sung sướng khi những câu trả lời tầm phào về khả năng người mua cứ ùn ùn đổ về văn phòng của ông tại Dearborn. Nhưng khi càng sát thời hạn phải đi đến quyết định cuối cùng, ông càng nhận ra là phải gạt sang một bên những vấn đề ngoài lề kiểu như khả năng pha chế cocktail thành thạo và cần tập trung trở lại vào vấn đề muôn thuở: hình ảnh. Và về mặt này, với ông, dường như cạm bẫy lớn nhất là cám dỗ phải hướng đến ‒ cái mà ông cho là xu thế của thời đại ‒ đỉnh cao nhất về độ nam tính, trẻ trung và tốc độ. Quả thực, đoạn văn dưới đây trích từ một trong những báo cáo Columbia, như ông giải thích, mang một lời cảnh báo cụ thể về việc làm “điên rồ” như vậy:

Chúng ta thường hay võ đoán phụ nữ lái xe ô tô thường là những người đi làm, cơ động hơn những người không có xe và lấy làm vui thú với việc làm chủ vai trò xưa nay vốn thuộc về nam giới. Nhưng… sự thật 100% là bất kể họ hài lòng như thế nào với chiếc xe hơi của mình, bất kể hình ảnh xã hội họ gắn cho chiếc xe như thế nào, phụ nữ vẫn luôn muốn mình thật nữ tính. Có chăng chỉ là thực dụng hơn, nhưng vẫn là phụ nữ.

Đầu năm 1956, Wallace bắt tay vào việc tổng kết toàn bộ nghiên cứu của khoa trong một tập báo cáo gửi lên cấp trên của ông tại phòng sản phẩm đặc biệt. Tập báo cáo nặng trịch có tựa đề “Thị trường và các mục tiêu cá tính của E-Car” bao gồm dữ liệu và số liệu thống kê, ken dày đặc những đoạn rất ngắn được in nghiêng hoặc viết hoa đánh dấu ý chính sao cho một ông sếp đang trong lúc cấp bách nhất có thể nắm được ý chính chỉ trong vài giây. Báo cáo mở đầu với những triết lý lan man vô bổ rồi đi tới kết luận:

Chuyện gì xảy ra khi một người chủ xe nhìn thấy mẫu xe của mình đầy vẻ nữ tính trong khi anh ta là đàn ông? Mâu thuẫn rõ rệt giữa hình tượng chiếc xe và cá tính của người mua sẽ chi phối kế hoạch mua xe của người đó? Câu trả lời khá chắc chắn là có. Khi có sự bất đồng giữa tính cách của người mua xe và hình ảnh của chiếc xe, người mua thường có ý định chuyển sang mẫu xe khác. Nói cách khác, khi thấy mình thuộc tuýp người hoàn toàn khác so với tuýp người được cho là phù hợp với mẫu xe đó, người mua xe sẽ muốn đổi sang mẫu khác mà tự thâm tâm anh ta thấy thoải mái hơn.

Cần lưu ý rằng khái niệm “bất đồng” được dùng ở đây có thể thuộc hai loại. Nếu chiếc xe toát lên vẻ mạnh mẽ, cá tính mạnh thì nó sẽ mâu thuẫn với chủ nhân có những cá tính trái ngược hoàn toàn. Nhưng “bất đồng” cũng có thể xảy ra khi chiếc xe có vẻ quá điển hình hoặc có cá tính quá mờ nhạt. Trong trường hợp này, người chủ xe cũng bị đặt vào vị thế bất mãn không kém bởi không có được chiếc xe có bản sắc theo ý anh ta.

Khi ấy, câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để trung hòa giữa chiếc Scylla cá tính mạnh mẽ và chiếc Charybdis cá tính nhạt nhòa. Bản báo cáo đưa ra câu trả lời cho bài toán đó như sau: “Lợi dụng sự yếu kém trong cạnh tranh về mặt hình ảnh” và về định hướng tuổi tác, chiếc E-Car nên mang hình tượng không quá trẻ, không quá già mà nên tầm trung niên giống như chiếc Olds-mobile; về vị thế xã hội, có thể nói “chiếc E-Car nên đứng ở vị trí đâu đó ngay dưới Buick và Oldsmobile”; về vấn đề nhạy cảm giới tính, cần cố gắng tạo cho nó sự lưỡng tính và điểm này cũng giống dòng xe Olds đa năng. Tóm lại, nguyên văn theo đúng định dạng lối trình bày của Wallace như sau:

Cá tính có lợi thế nhất cho E-Car có lẽ là CHIẾC XE THÔNG MINH CHO LÃNH ĐẠO TRẺ HOẶC GIA ĐÌNH ĐI LÀM ĐANG TRÊN ĐÀ THĂNG TIẾN.

Xe hơi thông minh: chủ nhân chiếc xe được thiên hạ công nhận là rất có gu và phong cách.

Trẻ hơn: thu hút những tay ưa mạo hiểm đầy sục sôi nhưng có tinh thần trách nhiệm.

Nhà quản lý hay người nhà nghề: hàng triệu người ra vẻ ta đây đang ở địa vị này dù chưa biết họ có đạt vị thế đó hay không.

Gia đình: không chỉ dành cho phái nam mà có vai trò “trung dung”.

Trên đà thăng tiến: “Chiếc E-Car đặt niềm tin vào cậu đấy, chàng trai ạ; chúng tôi sẽ giúp cậu làm được điều đó!”

Tuy nhiên, trước khi những người ưa mạo hiểm sục sôi nhưng có tinh thần trách nhiệm có thể tin tưởng vào E-Car, nó cần phải có một cái tên. Ngay từ buổi bình minh của chiếc xe, Krafve đã đề xuất với các thành viên gia đình Ford nên đặt tên cho chiếc xe là Edsel Ford theo tên người con trai duy nhất của cụ Henry, chủ tịch của hãng Ford Motor từ năm 1918 tới khi cụ qua đời năm 1943, đồng thời là cha đẻ của hậu duệ nhà Ford gồm ba anh em Henry II, Benson và William Clay. Song cả ba anh em nhà Ford đều kiến nghị rõ ràng với Krafve là ông cụ thân sinh của họ không thích tên của ông quay tít thò lò trên hàng triệu chiếc nắp tròn đậy trục bánh xe; họ đề xuất phòng sản phẩm đặc biệt tìm ngay một tên khác thay thế. Phòng này ngay lập tức xúc tiến với sự hăng hái không kém cuộc “Thập Tự Chinh” đi tìm cá tính cho xe. Vào cuối hè và đầu thu năm 1955, Wallace thuê vài cơ quan nghiên cứu phái đi một loạt những người phỏng vấn, trên tay lăm lăm một bản danh sách gồm 2.000 cái tên dự kiến, để đi chưng cầu dân ý với đám đông đi bộ tại New York, Chicago, Willow Run và Ann Arbor. Khi phỏng vấn, người phỏng vấn không chỉ đề nghị đối tượng được hỏi phát biểu cảm tưởng về những cái tên như Mars, Jupiter, Rover, Ariel, Arrow, Dart hay Ovation, mà còn đề nghị họ thử có những liên tưởng gì đối với mỗi cái tên ấy; khi đã nhận được câu trả lời, người phỏng vấn lại yêu cầu họ nêu ra những từ hay cụm từ có tính chất đối lập với mỗi cái tên ấy, trên nền tảng lý luận rất cao siêu là cái tên và những gì đối lập với nó đều quan trọng như hai mặt của một đồng xu. Cuối cùng, phòng sản phẩm đặc biệt kết luận: kết quả thu được chưa thuyết phục. Trong khi ấy, Krafve và cộng sự liên tục tổ chức các cuộc họp kín trong phòng tối, với sự hỗ trợ của đèn pha, căng mắt soi soi, lật giở từng tấm bìa các tông trên viết các cái tên. Một vị hô lên: “Phoenix” (chim Phượng hoàng) bởi cái tên này có nghĩa là sự bay lên, một vị khác lại thích cái tên “Altair” hơn bởi vì ở ngoài đời, cái tên bắt đầu bằng chữ A đứng đầu bảng ABC các loại xe nên sẽ có lợi thế giống như trường hợp con lợn đất (aardvark) trong vương quốc động vật. Rồi có lúc mơ mơ màng màng, ai đó đột nhiên dừng tráo các tấm bìa và hỏi đầy hoài nghi: Có phải vừa nãy có cái tên “Buick” không nhỉ?” Ai nấy đều nhìn Wallace, “ông bầu” của các buổi họp. Ông rít một hơi từ tẩu thuốc, vừa nở nụ cười hàn lâm, vừa gật đầu.

Các cuộc họp lật thẻ tên cũng tỏ ra vô hiệu lực giống như các cuộc phỏng vấn ngoài đường; và chính vào giai đoạn này của cuộc chơi, với quyết tâm thử và “vắt” từ bộ óc thiên tài – mà một bộ óc bình thường nghĩ mãi vẫn chưa ra – Wallace xúc tiến trao đổi thư từ với nhà thơ Marianne Moore liên quan tới công cuộc đặt tên lẫy lừng ấy. Quá trình đó sau này được đăng trong tờ The New Yorker và được thư viện Morgan xuất bản dưới dạng sách.) “Chúng ta cần phải thích cái tên này… để thông qua việc liên tưởng hay phép thần chú nào đó, truyền tải được cảm xúc về sự duyên dáng, năng động, tính năng và thiết kế tiên tiến,” khi viết cho cô Moore như vậy, Wallace cũng tự cảm thấy có cái gì đó rất duyên dáng trong những dòng thư của ông. Nếu có ai đó hỏi vị “Chúa” nào trong số các vị thần của Dearborn bỗng hứng thú và nảy ra cảm hứng thuê cô Moore tham gia vào sự nghiệp này thì câu trả lời, theo Wallace, là chẳng phải “Chúa” nào hết mà là vợ của một trong những phụ tá cấp dưới của ông, một quý cô trẻ tuổi mới tốt nghiệp trường Cao đẳng Mount Holyoke, ngôi trường mà cô gái ấy được nghe cô Moore giảng bài. Nếu sếp của chồng cô đi một bước xa hơn và thực sự đón nhận một trong nhiều phương án đặt tên của cô Moore, chẳng hạn như Intelligent Bullet, Utopian Turtletop, Bullet Cloisonné, Pastelogram, Mongoose Civique hay Andante con Moto (“Mô tả về một chiếc xe tốt?” Cô Moore thắc mắc về cái tên cuối cùng), thì chẳng thể nói E-Car có thể đã vươn tới những tầm cao nào, trong khi trên thực tế chiếc xe đã chẳng vươn đến tầm cao nào hết. Không thỏa mãn với ý tưởng của cả nhà thơ nữ kia lẫn của chính họ, các vị cốt cán trong phòng sản phẩm đặc biệt sau đó cho mời vào cuộc Foote, Cone & Belding, công ty quảng cáo mới được ký hợp đồng thầu vụ E-Car. Với sức mạnh đặc trưng của trung tâm quảng cáo Đại lộ Madison, Foote, Cone & Belding đã tổ chức một cuộc thi giữa các nhân viên văn phòng tại New York, London và Chicago, treo giải thưởng ít nhất là một trong những chiếc xe mới toanh cho bất kỳ ai nghĩ ra được một cái tên chấp nhận được. Chẳng mấy chốc, Foote, Cone & Belding đã có trong tay 18.000 cái tên, trong số đó phải kể đến những biệt danh như Zoom, Zip, Benson, Henry và Drof (nếu bạn nghi ngờ, xin hãy viết ngược lại). E ngại rằng các ông sếp ở Phòng Sản phẩm đặc biệt sẽ thấy danh sách này khá cồng kềnh, công ty này lại tiếp tục lọc xuống còn 6.000 cái tên và trình lên các vị sếp kia trong buổi họp giám đốc. “Đây thưa quý vị,” một người trong công ty Foote, Cone & Belding đắc thắng nói, đoạn đặt phịch tập giấy lên trên bàn. “6.000 cái tên, xếp theo ABC có kèm cả chú thích.”

Krafve há hốc mồm. “Nhưng chúng tôi đâu cần 6.000 cái tên,” ông nói. “Chúng tôi chỉ cần một cái mà thôi!”

Tình thế vô cùng nguy nan, vì sắp phải bắt đầu làm khuôn cho chiếc xe mới, mà trong số ấy một số khuôn phải rập tên của chiếc xe. Vào một ngày thứ Năm, Foote, Cone & Belding bác bỏ mọi đơn xin nghỉ phép và triệu tập một chương trình cấp tốc, chỉ thị cho các văn phòng ở New York và Chicago từ lúc ấy đến cuối tuần phải thực hiện độc lập việc rút gọn 6.000 tên xuống còn 10 tên. Ngay trong mấy ngày cuối tuần, hai văn phòng Foote và Cone đã trình lên phòng sản phẩm đặc biệt bản danh sách riêng của mình với 10 cái tên và thật tình cờ đến khó tin, tất cả mọi người tham gia đều khẳng định là ngẫu nhiên, hai danh sách có bốn cái tên trùng nhau một cách kỳ diệu: Corsair, Citation, Pacer và Ranger. “Corsair có vẻ được nhất so với những cái tên kia,” Wallace nói. “Cùng với các yếu tố thuận lợi khác, Corsair cũng đồng thời thắng lợi ngoạn mục trong các cuộc phỏng vấn ngoài đường phố. Những liên tưởng tự do từ cái tên Corsair cũng có hơi hướng lãng mạn – ‘cướp biển’, ‘phiêu lưu giang hồ’ hay đại loại như thế. Nghĩa đối lập của tên này là những hàm ý đại loại như ‘công chúa’ hay cái gì khác hấp dẫn tương tự. Đích thị những gì chúng ta cần.”

Corsair hay Co-xiếc gì thì chiếc E-Car cũng được đặt tên là Edsel vào đầu xuân năm 1956 và đến tận mùa thu của năm sau, sự việc này mới đến tai công chúng. Quyết định mang “tầm vóc thời đại” như vậy được chốt tại cuộc họp ban điều hành của Ford khi cả mấy anh em Ford đều vắng mặt. Chủ tịch công ty Ford không có mặt và buổi họp do Breech, người được bầu làm Chủ tịch ủy ban điều hành Ford năm 1955 chủ trì. Hôm ấy, ông ta rất cộc cằn, không có tâm trạng bàn ra, tán vào về cướp biển hay công chúa. Sau khi nghe mấy phương án lựa chọn cuối cùng, ông tuyên bố: “Tôi chẳng thích cái nào cả. Thử xem mấy cái khác đi.” Họ cùng ngồi lại rà soát những phương án từng được yêu thích nhưng đã bị gạt bỏ, trong số đó, cái tên Edsel – mà ba anh em nhà Ford đã giải thích rất tường tận về ý nguyện gần như chắc như đinh đóng cột của ông cụ thân sinh ra họ – đã được giữ lại như “chết đuối vớ được cọc”. Breech dẫn dắt cộng sự kiên trì tiến hành cuộc “thanh trừ” cho tới khi gặp cái tên “Edsel”. “Chốt cái tên này đi,” Breech bình thản đưa ra kế luận. Sẽ có bốn mẫu E-Car chính, mỗi mẫu có những biến tấu riêng và Breech xoa dịu đồng nghiệp khi nói thêm rằng bốn cái tên ma thuật – Corsair, Citation, Pacer và Ranger – nếu thích, vẫn có thể được sử dụng làm tên phụ cho từng mẫu. Một cú điện thoại được gọi cho ngài Henry II đang đi nghỉ tại Nassau. Henry II nói nếu ban điều hành đã chọn cái tên Edsel, ông cũng sẽ theo, chỉ cần ông có được sự nhất trí của toàn bộ thành viên trong gia đình. Chỉ vài ngày sau, ông có được quyết định này.

Ít lâu sau đó, Wallace viết cho cô Moore như sau: “Chúng tôi đã chọn được một cái tên. Nghe không kêu lắm, không hoan hỉ lắm, không nhiệt huyết lắm như chúng ta hằng tìm kiếm. Nhưng nó có hàm ý về sự tôn sùng tước vị cá nhân và có ý nghĩa với nhiều người trong chúng tôi ở đây. Cái tên mà chúng tôi chọn, cô Moore thân mến, là Edsel. Hy vọng cô hiểu cho.”

Có thể nói, cái tên được đặt cho E-Car gieo rắc một nỗi thất vọng nào đó với những con người ở Foote, Cone & Belding vốn thích một cái tên nghe kêu hơn – không ai trong công ty trúng được chiếc xe miễn phí, càng thất vọng hơn trước sự thật là cái tên “Edsel” đã bị loại khỏi cuộc đấu trí ngay từ đầu. Nhưng cảm giác thất vọng vẫn chưa là gì so với sự ảm đạm bao vây các nhân viên phòng sản phẩm đặc biệt. Một số người cảm thấy tên của ngài cựu chủ tịch, thân sinh của ngài chủ tịch đương nhiệm mang hàm ý về triều đại, không phù hợp với xu hướng người Mỹ. Những người khác, trong đó có cả Wallace, tin vào những lời châm biếm của đám đông thiếu ý thức, cũng cho rằng “Edsel” là một thảm họa bất hạnh của việc phối hợp âm tiết. Những liên tưởng tự do của cái tên Edsel có thể là gì? Pretzel (bánh quy xoắn), diesel hay hard sell (khó bán). Và trái nghĩa của nó là gì? Dường như là không có. Thế nhưng, ván đã đóng thuyền và chẳng còn phải làm gì ngoài việc tạo cho nó một diện mảo bảnh bao nhất có thể. Ngoài ra, không phải toàn bộ ê kíp của phòng sản phẩm đặc biệt đều phản đối điều này, dĩ nhiên, Krafve cũng nằm trong số những người không phản đối cái tên đó. Kể cả sau này ông cũng không phản đối điều đó, không hùa vào cùng với đội quân hùng hậu những kẻ luôn khẳng định sự suy tàn và sụp đổ của Edsel có thể tính từ giây phút nó được “ban tên Thánh”.

Thực ra, Krafve quá hài lòng với cục diện của vấn đề đến nỗi vào 11 giờ sáng ngày 19 tháng 11 năm 1956, sau một mùa hè dài âm thầm thai nghén, khi công ty Ford thông cáo ra thế giới tin vui là chiếc E-Car đã được đặt tên là Edsel, ông cũng có những cử chỉ dang tay vẫy lia lịa chào đón phụ họa cho lễ thông cáo này. Ngay từ chính thời khắc ấy, các tổng đài viên trên lãnh địa của Krafve bắt đầu chào mừng người gọi đến là: “Phòng Edsel nghe đây!” thay vì “Phòng sản phẩm đặc biệt nghe đây!”; tất cả những giấy tờ với đầu thư in tên “Phòng sản phẩm đặc biệt” đã biến mất, thay vào đó là từng chồng giấy in “Phòng Edsel”; bên ngoài tòa nhà, một tấm biển bằng sắt không gỉ khổng lồ ghi “Phòng Edsel” nằm ngạo nghễ trên nóc tòa nhà. Bản thân Krafve cũng cố gắng tỏ ra mình đang ở dưới mặt đất, dù ông có những lý do riêng để cảm thấy như đang trên mây. Ghi nhận sự lãnh đạo của ông đối với dự án E-Car tính đến thời điểm đó, người ta tặng ông danh hiệu oai phong: Phó Chủ tịch Tập đoàn Ford Motor và Tổng giám đốc Phòng Edsel.

Từ góc độ hành chính, hiệu ứng “hạ bệ cái cũ, đưa cái mới lên ngôi” hầu như chỉ là màn phô trương giả tạo vô hại. Trên đoạn đường thử xe được bảo mật tuyệt đối tại Dearborn, những chiếc Edsel hoàn hảo đến từng xăng-ti-mét, chữ Edsel được in khắc lên thân xe, đang được cho chạy thử nghiệm. Brown và các đồng nghiệp tạo mẫu đã bắt tay vào thiết kế các mẫu Edsel của năm tiếp theo. Các vị trí tuyển dụng đã được ký kết với một tổ chức mới toanh gồm các đại lý bán lẻ để bán Edsel ra thị trường tiêu thụ; Công ty Foote, Cone & Belding, vừa trút được gánh nặng từ áp lực phải triển khai một chương trình khẩn cấp nhằm thu thập những cái tên, rồi lọc hết những cái tên đó giờ lại chìm đắm trong các kế hoạch quảng cáo cho Edsel, dưới sự chỉ đạo cá nhân của một cây đa cây đề không kém tầm quan trọng trong ngành là ngài Fairfax M. Cone, sếp lớn nhất của công ty. Trong khi lên kế hoạch cho chiến dịch, ngài Cone chủ yếu dựa vào cái đã được mang danh “đơn thuốc Wallace” hay công thức về cá tính Edsel do Wallace dựng nên ngay từ những ngày trước khi diễn ra “chiến dịch động não tập thể về đặt tên”; đó là: “Chiếc xe thông minh cho các nhà quản lý trẻ hay gia đình đi làm đang trên đà thăng tiến”. Cone quá hứng thú với đơn thuốc này tới nỗi ông chấp nhận nó và chỉ sửa một chỗ duy nhất – thay “nhà quản lý trẻ” bằng “gia đình thu nhập tầm trung” vì ông dự cảm là số lượng gia đình với mức thu nhập trung bình chiếm đông đảo hơn là số các giám đốc trẻ hay mặc nhận là các giám đốc trẻ. Trong tâm trạng rối ren, có lẽ từ việc kiếm được một khách hàng béo bở mang lại hợp đồng quảng cáo trị giá hơn 10 triệu đô-la một năm, Cone mô tả cho các phóng viên một số trường hợp điển hình về kiểu chiến dịch ông ta đang ủ mưu cho Edsel ‒ âm thầm, ung dung tự tại và tránh sử dụng tính từ “mới” càng nhiều càng tốt bởi vì theo ông, tính từ này tuy có tính chất quảng bá cho sản phẩm thật, song nó nhạt thếch, không có mấy ý nghĩa. Quan trọng nhất là, chiến dịch quảng cáo đặt mục tiêu thật bình lặng kiểu kinh điển. “Chúng tôi cho là sẽ thật tệ khi để cho quảng cáo lấn lướt chiếc xe,” Cone tiết lộ với báo chí. “Chúng tôi hy vọng không ai hỏi nhau: ‘Này, cậu đã xem quảng cáo Edsel chưa?’ trên bất kỳ tờ báo, tạp chí hay truyền hình; thay vào đó, hàng trăm ngàn người sẽ hỏi đi hỏi lại: ‘Này, cậu đọc về Edsel chưa?’ hay ‘Cậu nhìn thấy chiếc xe đó chưa?’ Đây là điểm khác biệt giữa quảng cáo và bán hàng.” Như thế cũng đủ thấy rõ là Cone cảm thấy tự tin về chiến dịch và Edsel. Giống như một kiện tướng cờ vua không bao giờ hoài nghi chiến thắng của mình, ông có thể cắt nghĩa thế cờ khôn ngoan của mình ngay khi dịch chuyển quân cờ.

Giới xe hơi vẫn thán phục nói với nhau về sự điêu luyện bậc thầy được thể hiện và choáng váng trước kết quả nỗ lực của Phòng Edsel trong việc “bố ráp” các đại lý bán lẻ. Bình thường, khi tung ra một dòng xe mới, một công ty đã có thương hiệu sẽ dựa vào các đại lý đang bán những mẫu xe trước đó của họ và bước đầu, đại lý sẽ nhập anh “lính mới” này để bán phụ thêm. Nhưng trường hợp của Edsel thì khác; Krafve nhận được lệnh từ cấp trên là phải dồn hết tâm huyết vào việc xây dựng một tổ chức gồm các đại lý bán lẻ bằng cách tấn công vào các đại lý đã ký hợp đồng với các nhà sản xuất khác, thậm chí với các phòng ban khác ngay trong công ty Ford như Phòng Ford và Phòng Lincoln-Mercury. (Mặc dù các đại lý Ford bị “dồn toa” này không bắt buộc phải hủy bỏ những hợp đồng cũ nhưng họ đều phải dốc toàn tâm toàn lực vào việc kiếm được hợp đồng với các đại lý bán lẻ để chỉ bán độc quyền xe Edsel). Mục tiêu đặt ra cho ngày ra mắt ‒ sau khi cân nhắc hàng trăm lần, cuối cùng cũng được xác định vào ngày 4 tháng 9 năm 1957 ‒ là phải đạt được con số 1.200 đại lý bán Edsel trên khắp các lục địa. Các đại lý này sẽ không giống với bất kỳ đại lý thông thường nào khác; Krafve chỉ định rõ là Edsel chỉ quan tâm ký kết với những đại lý có thành tích bán hàng khủng nhờ vào tài năng bán hàng đáng nể chứ không phải dùng những thủ đoạn lách luật biên giới mà gần đây đầy tai tiếng trong ngành xe hơi. “Đơn giản là chúng ta phải có những đại lý chất lượng với những cơ sở dịch vụ chất lượng,” Krafve nói. “Khách hàng mua xe xịn nhưng nhận được dịch vụ kém sẽ khiển trách đại lý. Còn với Edsel, vị khách đó sẽ chỉ đổ lỗi cho chiếc xe mà thôi.” Con số 1.200 là mục tiêu khá lớn vì không có đại lý nào, dù có đẳng cấp hay chưa, có thể có đủ lực tài chính để dễ dàng đổi sang dòng xe khác. Đại lý tầm trung phải đầu tư ít nhất là 100.000 đô-la tiền vốn, và tại các thành phố lớn, con số này còn lớn hơn nhiều. Đại lý phải thuê nhân viên bán hàng, thợ kỹ thuật, nhân viên văn phòng, tự mua dụng cụ, tài liệu kỹ thuật và bảng hiệu, ngốn tới 5.000 đô-la/hệ thống; đồng thời, họ phải trả tiền tươi thóc thật cho mỗi chiếc xe mua từ nhà máy.

Người được giao chịu trách nhiệm tập hợp lực lượng bán Edsel cùng với đội quân lớn lao ấy là J. C. (Larry) Doyle, người với vai trò Tổng Giám đốc kinh doanh tiếp thị của phòng, chỉ đứng sau Krafve. Một nhân viên kỳ cựu đã gắn bó 40 năm với Ford, khởi nghiệp tại đây từ một chân chạy trong văn phòng tại thành phố Kansas và xen kẽ thời gian chủ yếu là bán hàng, Doyle là một “chú ngựa bất kham” trong lĩnh vực của ông. Mặt khác, ông có vẻ nhân từ và thấu đáo, khiến ông đối chọi rất mạnh với những công dân tự phụ, bộp chộp của một ngàn đại lý xe hơi xuyên khắp lục địa; mặt khác, ông cũng chả buồn che giấu sự hoài nghi của một tay kinh doanh lão luyện về những thứ đại loại như phân tích về giới và đẳng cấp của xe, một sự theo đuổi mà ông mô tả là: “Khi đánh pun, tôi thích đặt một chân trên sàn.” [ý là: mộc mạc, không phô trương]. Nhưng ông biết cách làm sao để bán xe và đó là điều mà Phòng Edsel cần. Nhớ lại ngày xưa, khi ông cùng các đồng nghiệp kinh doanh áp dụng những thủ đoạn rất mạo hiểm thuyết phục những người giàu có, uy tín cao, đạt được thành công với một trong số những ngành kinh doanh “khoai” nhất, bỏ các đặc quyền kinh doanh có lợi để chuyển sang sản phẩm mới đầy rủi ro kia. Doyle cho biết, không lâu trước đó, “ngay khi mẻ Edsel mới xuất xưởng hồi đầu năm 1957, chúng tôi bày xe tại năm văn phòng bán hàng khu vực, mỗi nơi vài chiếc. Tất nhiên là chúng tôi khóa cửa văn phòng, kéo rèm kín mít. Mấy đại lý xe bán kính vài dặm xung quanh khu vực đều tò mò không biết hình hài chiếc xe mới thế nào, đó chính là đòn bẩy mà chúng tôi cần. Chúng tôi loan báo chỉ đại lý nào thực sự quan tâm hợp tác mới được xem xe, sau đó cắt cử giám đốc chuyên môn phụ trách khu vực đi tới các thị trấn lân cận, tìm cách kết nối với đại lý số 1 tại mỗi thị trấn để xem xe. Nếu không giành được Đại lý số 1 thì cố gắng giành Đại lý số 2. Vả lại, chúng tôi thu xếp để ai vào tham quan xe cũng phải nghe người phụ trách kinh doanh trình bày toàn bộ “bài rao hàng” dài một tiếng đồng hồ về toàn bộ tình hình. Việc làm này rất hiệu quả.” Hiệu quả đến nỗi vào giữa hè năm 1957, Edsel đã chắc chắn có triển vọng tìm được rất nhiều đại lý xịn vào ngày ra mắt. (Thực tế là vẫn hụt khoảng vài chục đại lý so với con số mục tiêu 1.200). Một số đại lý chuyên các dòng xe khác rõ ràng quá tin tưởng vào thành công của Edsel hoặc bị mê hoặc quá đà trước những quảng cáo của nhóm Doyle, đến nỗi sẵn sàng ký hợp đồng ngay cả khi còn chưa nhìn kỹ chiếc xe. Người của Doyle thì khuyên các đại lý nghiên cứu thật tỉ mỉ đi đã, đồng thời tiếp tục nhắc đi nhắc lại những đặc tính của xe, nhưng các đại lý tương lai của Edsel “mũ ni che tai” trước những lời gàn đó, đòi ký hợp đồng ngay tắp lự. Nhìn lại thì thấy, dường như Doyle “thổi sáo quá mùi”, tầm cỡ bậc thầy trên cả tài của Pied Piper, “người thổi sáo kỳ dị”.14

14 Pied Piper, “Người thổi sáo kỳ dị”: Câu chuyện kể về thị trấn Hamelin ở Lower Saxony, Đức năm 1284. Thị trấn phải đối mặt với nạn tàn phá của chuột, rồi một người thổi sáo mặc chiếc áo khoác sặc sỡ xuất hiện cam kết quét sạch lũ chuột để đổi lấy một khoản tiền công. Người dân thị trấn chấp nhận. Nhưng khi người thổi sáo đã diệt được lũ chuột và đuổi chúng đi bằng âm nhạc của mình, dân làng lại không tuân thủ giao kèo. Người thổi sao tức giận bỏ đi kèm theo một lời thề trả thù. Ngày 26 tháng 7 cùng năm đó, ông quay trở lại bắt hết trẻ em trong vùng đi mất tăm mất tích và không ai còn thấy các em nữa, hệt như cách ông ta đuổi chuột; chỉ còn sót lại vài ba em (tùy phiên bản) bị khuyết tật nên không thể theo kịp đoàn người.

Giờ đây, khi Edsel không chỉ là mối quan tâm của riêng thành phố Dearborn, công ty Ford không thể không xuất quân thẳng tiến. “Nếu ngài Doyle chưa xúc tiến hành động thì chỉ cần sự đồng ý của giám đốc quản lý cao nhất, chúng tôi có thể âm thầm gác bỏ toàn bộ chương trình vào bất kỳ lúc nào. Nhưng một khi đã ký hợp đồng với các đại lý, vấn đề đặt ra là anh phải tôn trọng hợp đồng, phải trưng xe ra,” Krafve giải thích. Ngay đầu tháng 6 năm 1957, công ty thông báo rằng trong số tiền 250 triệu đô-la tạm ứng cho Edsel, 150 triệu đô-la chi dùng vào các trang thiết bị cơ bản, bao gồm cải tổ các nhà máy Ford và Mercury để đáp ứng các nhu cầu cho việc sản xuất dòng xe mới; 50 triệu đô-la đầu tư mua dụng cụ chuyên dụng cho Edsel; 50 triệu đô-la đầu tư quảng cáo giới thiệu sản phẩm ban đầu. Cũng vào tháng 6, một chiếc Edsel được chọn cho buổi lễ quảng cáo trên truyền hình ngày ra mắt tương lai được lén lút chuyên chở trong một chiếc xe tải bịt kín tới Hollywood. Trên một phòng quay được khóa kín, bên ngoài được một đội an ninh tuần tra canh gác, chiếc Edsel xuất hiện trước ống kính trong sự trầm trồ của một vài diễn viên được tinh tuyển đã thề sẽ giữ kín mồm miệng từ giờ phút ấy cho tới ngày ra mắt xe. Để phục vụ cho hoạt động chụp ảnh tinh túy này, Phòng Edsel đã cẩn thận thuê hãng phim Cascade Pictures (hãng này đồng thời cũng làm cho Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Hoa Kỳ) và trên thực tế, không có chuyện vô tình rò rỉ. “Chúng tôi áp dụng mọi biện pháp phòng ngừa giống như đã áp dụng với các phim của Ủy ban này,” một quản lý của Cascade từng nói.

Chỉ trong có mấy tuần, Phòng Edsel đã có 1.800 nhân viên trong biên chế trả lương và đang nhanh chóng lấp đầy 15.000 chỗ làm trong phân xưởng tại các nhà máy mới được cải tổ. Ngày 15 tháng 7, những chiếc Edsel hoàn thiện bắt đầu lăn ra từ các dây chuyền sản xuất tại Somerville, bang Massachusetts; Mahwah, bang New Jersey; Louisville, bang Kentucky và San Jose, California. Cùng ngày, Doyle lập một kỳ tích quan trọng với việc ký giao kèo với Charles Kreisler, một đại lý ở Manhattan vốn được xem là một trong những đại lý xuất sắc nhất trong ngành này tại Mỹ, từng đại diện cho Oldsmobile (một trong những đối thủ Edsel mặc nhận) trước khi bị mê hoặc và lao đến “bài hát Mỹ nhân ngư”15 vẳng đến từ Dearborn. Ngày 22 tháng 7, bài quảng cáo đầu tiên cho Edsel xuất hiện trên tạp chí Life. In tràn hai trang đen trắng với vẻ cực kỳ cổ điển và điềm đạm, bài quảng cáo in hình chiếc xe bay nhanh trên con đường cao tốc nông thôn, thần tốc đễn nỗi chỉ như một cái bóng mờ di động không hình hài. “Gần đây, người ta thấy một loại ô tô bí ẩn chạy trên đường,” dòng tít minh họa viết. Đoạn quảng cáo này tiếp: “Cái bóng này có vẻ như là một chiếc Edsel đang được chạy thử và kết luận chắc nịch: “Edsel xuất hiện rồi.” Hai tuần sau đó, tin quảng cáo thứ hai xuất hiện trong Life với hình ảnh một chiếc xe nhìn rất ma quái, phủ tấm khăn trắng, đặt ngay lối vào của trung tâm tạo mẫu Ford. Lần này tít báo chạy: “Tại thành phố của quý vị, một người mới có một quyết định sẽ làm thay đổi cuộc đời anh ta!” Bài báo giải thích quyết định ở đây là quyết định làm đại lý cho Edsel. Ai đó viết ra quảng cáo này hẳn là không thể biết phát ngôn của anh ta mới đúng làm sao!

15 Mỹ nhân ngư (Siren) là những nhân vật trong thần thoại Hy Lạp. Họ là những sinh vật có đuôi cá và nguy hiểm vì có thể quyến rũ các thủy thủ bằng âm nhạc du dương và giọng nói mê hoặc của mình để khiến những người này say đắm từ đó mất cảnh giác và làm đắm tàu, phải trôi dạt trên bờ biển, lạc vào những hòn đảo của họ. Cũng có khi những con sóng mang giọng hát của họ tới các con tàu để dự báo về những hiện tượng thời tiết xấu sắp diễn ra .

Trong suốt mùa hè căng thẳng năm 1957, người đàn ông được trọng vọng tại Edsel là C. Gayle Warnock, Giám đốc Quan hệ công chúng với nhiệm vụ không chỉ thu hút sự quan tâm của công chúng đối với sản phẩm sắp ra lò, mà còn rất nhiều nhiệm vụ khác nữa, chẳng hạn như duy trì sự quan tâm ấy luôn ở mức cuồng nhiệt và sẵn sàng chuyển thành khát khao mua một trong những chiếc xe mới vào đúng hoặc sau ngày ra mắt, hay “Ngày Edsel” như công ty vẫn gọi. Warnock là một quý ông bảnh bao, nhã nhặn với chòm râu quai nón nhỏ, quê ở Converse, bang Indiana. Ông đã làm các chương trình quảng cáo cho các hội chợ khu vực trước khi được Krafve chiêu mộ về từ văn phòng Ford ở Chicago; nền tảng này tạo điều kiện để ông vừa có được cái ngọt êm như mật của người làm nghề quan hệ công chúng hiện đại, vừa có được tinh thần không chút dè dặt của một người đi bán tại hội chợ quê ngày xưa. Warnock hồi tưởng lại ngày được mời tới Dearborn: “Mùa thu năm 1955, lúc thuê tôi, Dick Krafve bảo: “Tôi muốn anh xây dựng chương trình quảng cáo cho E-Car từ nay tới ngày ra mắt.” Tôi hỏi lại: “Dick, ý anh là ‘chương trình’ gì?” Ý ông ta là xây dựng kế hoạch cho từng chặng, bắt đầu từ chặng cuối, theo kiểu giật lùi. “Điều này thực sự mới mẻ đối với tôi. Tôi quen với việc tự do vô tổ chức, thích làm lúc nào thì làm, nghỉ lúc nào thì nghỉ, nhưng rồi nhanh chóng nhận ra Dick nói rất đúng. Khuyếch trương quảng cáo cho Edsel quả thực dễ như trở bàn tay. Đầu năm 1956, khi chiếc xe vẫn còn được đặt tên là E-Car, Krafve cũng có một bài nói chuyện nho nhỏ ở Portland, Oregon. Chúng tôi cũng không nỗ lực nhiều ngoài việc cho đăng một kịch bản trên tờ báo địa phương, nhưng mấy hãng thông tấn đánh hơi thấy câu chuyện và cứ như thế nó lan truyền khắp cả nước. Những đoạn cắt ra từ báo xuất hiện nhiều như sao sa. Ngay lúc ấy, tôi liền nhận ra những rắc rối chúng tôi có thể phải đối đầu. Công chúng đã thèm xem xe đến phát điên, họ hình dung nó sẽ là một chiếc xe trong mơ, một thứ họ chưa bao giờ nhìn thấy. Tôi bảo với Krafve: ‘Nếu biết nó cũng chỉ có bốn bánh và một động cơ, giống như chiếc xe sắp tới, họ chắc chắn sẽ rất thất vọng.’”

Người ta nhất trí là cách “đi xiếc thăng bằng” an toàn nhất giữa quá cường điệu hay quá xem nhẹ chiếc Edsel sẽ là không đả động gì về toàn thể chiếc xe mà hé lộ từng chút, từng chút đặc trưng riêng của nó ‒ kiểu như “thoát y xe hơi” (một cụm từ mà Warnock đường hoàng không thể tự mình nói ra mà chỉ vui vẻ chứng kiến tờ New York Times sử dụng). Sau này, chính sách “thoát y từ từ” này, hoặc vô tình, hoặc hữu ý, vẫn bị vi phạm. Thứ nhất, khi mùa hè diễn ra “tiền sự kiện Edsel” lững lờ trôi đi, đám phóng viên thuyết phục Krafve hãy ủy quyền cho Warnock cho phép từng người trong số họ lần lượt xem mặt mũi Edsel xem nó ra làm sao, theo phương thức mà Warnock gọi là “chơi ú òa” hay “hé mắt xem rồi quên luôn”. Thứ hai, những chiếc xe tải chất đầy xe Edsel chuyên chở về các địa lý được trùm vải kín từ đầu tới đuôi xe, như thể kích thích sự thèm thuồng của người đam mê ô tô nườm nượp xuất hiện trên các đường quốc lộ. Mùa hè năm đó cũng là thời điểm đọc diễn văn của bộ tứ Edsel gồm Krafve, Doyle, J. Emmet Judge (Giám đốc lên kế hoạch sản phẩm và mua bán hàng hóa) và Robert F. G. Copeland (Trợ lý tổng giám đốc bán hàng phụ trách quảng cáo, tăng doanh số và đào tạo). Xông pha ngang dọc khắp cả nước, bốn nhà hùng biện di chuyển quá nhanh, quá tích cực đến nỗi Warnock sợ không định vị được họ, phải ghim những chiếc ghim sặc sỡ lên tấm bản đồ trong phòng làm việc để đánh dấu lịch trình của họ. “Đây, Krafve đi từ Atlanta tới New Orleans, Doyle từ Council Bluffs tới Salt Lake,” Warnock sẽ trầm ngâm suy tưởng trong một buổi sáng ở Dearborn, nhâm nhi tách cà phê thứ hai, đoạn đứng dậy nhổ những cái ghim ra để đặt chúng vào vị trí mới.

Cho dù phần đông khán giả của Krafve là các ông chủ ngân hàng và đại diện các công ty tài chính được kỳ vọng sẽ cho các đại lý bán Edsel vay tiền, nhưng bài phát biểu của ông vào mùa hè năm đó, không om sòm như những gì người ta vẫn vọng tưởng mà giống kiểu chính khách, có phần thận trọng, thậm chí ảm đạm, đến tiền đồ của chiếc xe mới. Và tiền đồ có vẻ như thế thật, vì những diễn biến của kinh tế đại cục đang buộc những con người lạc quan hơn cả Krafve cũng phải đau đầu. Vào tháng 7 năm 1957, thị trường chứng khoán lao dốc, đánh dấu sự khởi đầu của cái vẫn được hồi tưởng là cuộc suy thoái năm 1958. Sau đó, đầu tháng Tám, sự suy giảm toàn bộ doanh số bán của tất cả các dòng xe giá tầm trung xuất hiện, và cục diện toàn cục như đang lao dốc không phanh tới mức, trước khi kết thúc tháng Tám, tờ Automotive News đã tổng kết: tất cả các đại lý bán các loại xe khác nhau đang khép lại mùa bán hàng với sản lượng xe mới ế kỷ lục thứ hai trong lịch sử. Nếu trong những chuyến công tác đơn thương độc mã của mình, Krafve từng xem xét đến việc lánh tạm về Dearborn để khuây khỏa thì giờ ông bị buộc phải từ bỏ ý niệm đó ra khỏi đầu, khi mà cũng vào tháng Tám, Mercury ‒ “chú ngựa cùng chuồng” với Edsel ‒ thông báo rằng họ sẽ chèn ép kẻ mới tới mức gắt gao nhất, với việc tiến hành một chiến dịch quảng cáo dài 30 ngày, chi tới một triệu đô-la hướng thẳng vào “đối tượng người mua quan ngại nhất về giá cả”, ám chỉ tới chiếc Mercury năm 1957. Khi ấy, hầu hết các đại lý bán Mercury đều chiết khấu mạnh tay cho khách hàng, rẻ hơn giá ước tính của một chiếc Edsel mới. Cùng thời điểm đó, doanh số bán ra của xe Rambler, chiếc xe nhỏ duy nhất chế tạo tại Mỹ khi ấy còn đang sản xuất, lại bắt đầu tăng lên một cách đáng e ngại. Trước toàn bộ những điềm gở này, Krafve sinh ra thói quen kết thúc mỗi bài phát biểu của mình bằng một giai thoại khá thương tâm về ông chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty thức ăn cho chó thua lỗ đã nói với các giám đốc cấp dưới rằng: “Thưa quý vị, xin hãy nhìn vào thực tế: lũ chó không thích mặt hàng của chúng ta! Như chúng ta đều biết, việc mọi người có thích xe của chúng ta hay không sẽ còn phụ thuộc vào nhiều thứ.” Trong ít nhất là một dịp, Krafve đã nói thêm như vậy về bài học đó với một sự rành rọt đáng khâm phục.

Nhưng hầu hết những đối tượng khác ở Edsel đều không mấy ấn tượng trước những lo ngại của Krafve. Người ít ấn tượng nhất có lẽ là Judge, người giữ vai trò diễn giả lưu động trong khi chuyên môn của ông là về các nhóm cộng đồng và dân sự. Không bị xuống tinh thần trước những giới hạn của chính sách “thoát y”, Judge thắp sáng những bài diễn thuyết của mình với một mớ bùng nhùng biểu đồ, hình vẽ, sơ đồ, tranh ảnh về các bộ phận của chiếc xe sống động, tất cả đều được chiếu trên màn hình CinemaScope; cử tọa của ông toàn về được nửa đường mới chợt ngộ ra là mình chưa được xem tí gì về Edsel. Judge bồn chồn đi đi lại lại quanh khán phòng, vừa nói vừa đảo loạn các hình ảnh trên màn hình với sự trợ giúp của một bộ phận tự động chuyển cảnh. Mỗi “tiết mục của Judge”, như cái tên mà người ta biết đến và gọi những màn trình diễn này, tiêu tốn của Phòng Edsel 5.000 đô-la (bao gồm tiền thù lao và chi phí thuê đội kỹ thuật đến sớm trước một đến hai ngày để lắp đặt mạng điện). Vào phút cuối, đầy kịch tích, Judge sẽ từ một chiếc máy bay đáp xuống thành phố, vội vã lao đến hội trường và bắt đầu nhập vai. “Một trong những khía cạnh lớn nhất của toàn bộ chương trình Edsel là triết lý về sản phẩm và việc mua bán đằng sau đó,” Judge sẽ bắt đầu, vừa đá chân loạn xì ngầu vào công tắc này, công tắc kia. “Tất cả chúng tôi thực sự tự hào về nền tảng này và háo hức chờ đợi thành công khi chiếc xe được ra mắt vào mùa thu năm nay… Sẽ chẳng bao giờ chúng ta được tham gia vào cái gì to lớn và giàu ý nghĩa như chương trình đặc biệt này… Đây là hình ảnh thoáng qua của chiếc xe sẽ xuất hiện trước công chúng nước Mỹ vào ngày 4 tháng 9 năm 1957 [đến chỗ này, Judge sẽ mở ra một trang trình chiếu rất “khêu gợi” về một chiếc nắp đậy trục bánh xe hay một góc tấm chắn bùn]… Một chiếc xe khác biệt về mọi phương diện nhưng lại có cái gì đó rất thủ cựu làm cho nó có sức hấp dẫn tột bậc… Phong cách đầu trước rất đặc biệt, kết hợp với những đường nét như tạc trong xử lý bên sườn xe…” Và cứ thế, Judge sẽ khoa trương, không ngừng tuôn ra những cụm từ đao to búa lớn như “tấm kim loại được điêu khắc”, “cá tính nổi bật” và “các đường nét duyên dáng, uyển chuyển”. Cuối cùng là đoạn diễn văn hào hùng: “Chúng ta tự hào siết bao về Edsel!” Ông sẽ hô to, chân đạp loạn xạ công tắc trái, công tắc phải. “Khi được ra mắt mùa thu này, chiếc xe sẽ có một chỗ đứng trên các đường phố và xa lộ của Mỹ, mang một vinh quang mới cho công ty Ford. Đó là câu chuyện về Edsel.”

Đỉnh điểm của công cuộc “thoát y” trống giong cờ mở liên hồi kì trận là một cuộc duyệt trước kéo dài ba ngày của báo giới về Edsel, vén lộ ra từ mũi xe vát nhọn cho tới phần đuôi chói lọi, được tổ chức tại thành phố Detroit và Dearborn vào ngày 26, 27 và 28 tháng 8 với 250 phóng viên khắp cả nước tới tham dự. Nó khác với những lễ hội xe hơi cùng quy mô trước đó ở chỗ các nhà báo được mời tháp tùng cả phu nhân đến dự và nhiều người trong số họ mang phu nhân theo. Đến khi tàn cuộc, tính ra chi phí mà Ford bỏ ra lên tới 90.000 đô-la. Tuy hoành tráng như thế, song toàn bộ lễ nghi là một sự thất vọng đối với Warnock. Ông là người đề xuất ba địa điểm (song đều bị bác bỏ) mà ông cho là sẽ mang lại một bầu không khí lý thú thế nhiều: tàu chạy hơi nước trên sông Detroit (họ gạt đi và phán “không đúng hình ảnh biểu trưng”), Edsel, bang Kentucky (họ phê “không có những con đường phù hợp cho xe hơi”) và Haiti (“bác bỏ thẳng thừng ngay”). Trục trặc như vậy nên Warnock không thể làm gì tốt hơn cho các phóng viên cùng phu nhân khi tất cả đám đông đó đứng tràn sân khấu Detroit vào tối Chủ nhật ngày 25 tháng 8, ngoài việc tập hợp bọn họ tại khách sạn được đặt một cái tên rất quen thuộc là Sheraton-Cadillac, sắp xếp cho họ nghe và đọc những chi tiết từng được ngóng chờ từ lâu về toàn bộ “vụ thu hoạch” của Edsel vào chiều ngày thứ Hai ‒ 18 chủng loại khác nhau, chia thành bốn dòng chính (gồm Corsair, Citation, Pacer và Ranger), khác nhau chủ yếu về kích thước, công suất và trang trí. Sáng hôm sau, các bản mẫu được tiết lộ với phóng viên trong một nhà tròn của trung tâm tạo mẫu và Henry II phát biểu mấy lời tri ân với phụ thân của ông. “Phu nhân của họ không được mời đến lễ vén màn,” một người của Foote, Cone giúp lên kế hoạch cho toàn bộ sự việc này, nhớ lại. “Một sự kiện quá long trọng và nghiêm trang đối với các vị phu nhân. Mọi việc diễn ra tốt đẹp. Cả những người làm báo chai lỳ cảm xúc nhất cũng cảm thấy háo hức.” (Nội dung câu chuyện mà hầu hết các nhà báo hứng khởi đăng lên là Edsel dường như là một chiếc xe tốt, mặc dù không phải quá cấp tiến như những gì quảng cáo nói.)

Đến buổi chiều, các phóng viên được “lùa” hết ra đường thử nghiệm để xem tổ lái xe đóng thế đang đưa những chiếc Edsel qua các vòng thử thách. Sự kiện này được trù tính là sẽ rất ngoạn mục, hóa ra còn trên cả ngoạn mục, tới mức dựng tóc gáy; thậm chí, với một số người nó còn có chút gì đó điên rồ. Được chỉ thị là không nên nói quá nhiều về tốc độ và mã lực bởi mới mấy tháng trước đó, toàn bộ ngành công nghiệp xe hơi đã hô quyết tâm cao cả là tập trung vào sản xuất xe chứ không phải sản xuất “bom nổ chậm”. Do đó, Warnock đã quyết định nhấn mạnh vào sự sinh động của Edsel thông qua hành động hơn là lời nói và để đạt được điều này, ông đã thuê một tổ lái đóng thế. Edsel leo hai con dốc cao hơn nửa mét chỉ bằng hai bánh, vượt những dốc cao hơn thế bằng cả bốn bánh, đi hình chữ chi, sượt qua nhau với tốc độ 95-110 km/giờ và khép vòng tròn ở tốc độ 80 km/giờ. Trong lúc đó, giọng của Neil L. Blume, kỹ sư trưởng của Edsel, có thể được nghe thấy qua chiếc loa phóng thanh, đang rè rè nói về “tính năng, an toàn, vạm vỡ, tính cơ động và chất lượng vận hành của những chiếc xe mới này”. Vào thời khắc một chiếc Edsel chồm lên một con dốc cao suýt thì lật nhào, sắc mặt của Krafve tái mét như người chết; sau này, ông nói rằng ông không hề biết những màn trình diễn liều lĩnh ấy lại rùng rợn đến cực điểm như thế, ông vừa lo ngại cho tiếng tăm tốt đẹp của Edsel vừa lo sợ cho sinh mạng của những người cầm lái. Nhìn ra nỗi lo lắng của sếp mình, Warnock tiến lại hỏi Krafve xem có thích màn trình diễn không. Krafve trả lời cụt lủn là ông sẽ đưa ra câu trả lời khi màn diễn kết thúc và tất cả mọi người đều an toàn. Nhưng tất cả mọi người dường như đều có những khoảnh khắc tuyệt vời. Người của Foote, Cone & Belding nói: “Hãy nhìn lên quả đồi Michigan xanh tươi này, những chiếc Edsel lộng lẫy đang biểu diễn bản hợp xướng huy hoàng. Thật đẹp. Giống như những vũ công Rockettes. Thật là thú vị. Tinh thần lên rất cao.”

Sự phấn chấn của Warnock đã đưa ông lên những thái cực thậm chí còn hoang dại ngoài sức tưởng tượng. Màn biểu diễn xe ngoạn mục, giống như tiết mục ra mắt được xem là quá máu lửa so với thần kinh của những bà vợ nhưng ngài Warnock năng nổ lại sẵn sàng chiều họ với một màn trình diễn thời trang mà ông hy vọng không kém phần vui nhộn. Ngôi sao của buổi trình diễn ‒ mà theo giới thiệu của Brown (nhà tạo mẫu của Edsel) là một nhà thiết kế thời trang của Paris, vừa xinh đẹp vừa tài năng ‒ khi hạ màn mới ngã ngửa đó là một phụ nữ chuyên đóng thế ‒ một sự thật mà Warnock, để nâng tầm cái vẻ “như thật” của vở diễn, đã không hé lộ trước cho Brown. Từ đó mối quan hệ giữa Brown và Warnock chưa bao giờ được như cũ, nhưng các bà vợ của hai người này vẫn bàn ra tán vào rất bực dọc về những câu chuyện giữa hai người.

Tối hôm đó, một đêm gala lớn dành cho tất cả mọi người đã được tổ chức tại trung tâm tạo mẫu mà bình thường được thiết kế dưới dạng một hộp đêm chuyên tổ chức sự kiện kiểu này, được bổ sung một thác nước chuyển động theo tiếng nhạc của ban nhạc Ray McKinley với biểu tượng “GM”, viết tắt của hai chữ cái đầu tên của ca sĩ quá cố Glenn Miller, được gắn trên giá nhạc của mỗi nhạc sỹ. Sáng hôm sau, tại cuộc họp báo bế mạc do các nhà quản lý của Ford tổ chức, Breech tuyên bố về Edsel: “Thật là một chàng trai vạm vỡ và như tất cả các ông bố, bà mẹ mới khác, chúng tôi nổ tung vì tự hào”. Sau đó 71 phóng viên cầm vô lăng 71 chiếc Edsel và lái như bay về thẳng showroom của các đại lý Edsel tại địa phương. Hãy để Warnock mô tả những điểm nhấn trong bài diễn văn hoa mỹ cuối cùng này: “Xảy ra vài sự cố không may mắn. Một người hơi sơ suất và đâm phải một vật gì đó, làm vỡ xe. Vụ này không phải lỗi của Edsel. Một chiếc khác bị mất máng dầu, nên đương nhiên là xe chết máy. Lỗi này có thể xảy ra với chiếc xe xịn nhất. Thật may, vào thời điểm xảy ra sự cố, lái xe đang đi qua một thị trấn đẹp nức tiếng ‒ hình như là Paradise, bang Kansas ‒ và nhờ điều này, bài vở, tin tức về Edsel mang một văn phong khá tích cực và dễ thương. Đại lý gần nhất giao cho một tay phóng viên chiếc Edsel mới và trên đường về nhà, anh ta còn leo lên cả đỉnh Pikes16. Sau đó một chiếc xe bị mất phanh và đâm thẳng vào một trạm thu phí cầu đường. Thật tồi tệ. Nghe thì thật buồn cười nhưng điều mà chúng tôi lo ngại nhất, là đám tài xế khác vì quá tò mò muốn dòm chiếc Edsel có thể chèn chúng tôi xuống vệ đường, lại chỉ xảy ra có một lần. Đó là trên cung đường cao tốc (Turnpike) Pennsylvania. Một phóng viên của chúng tôi đang lái rất thư thả thì một tay lái chiếc Plymouth đi lên song song để dòm vào và len sát đến nỗi chiếc Edsel bị quét ra lề đường. Xe bị hỏng hóc nhỏ.”

16 Bang Colorado.

Cuối năm 1959, ngay sau sự sụp đổ của Edsel, tờ Business Week tuyên bố trong một buổi họp báo lớn, một giám đốc điều hành của Ford đã chia sẻ với một phóng viên rằng: “Nếu không phải vì đã dấn thân quá sâu, công ty chúng tôi sẽ không bao giờ tung xe ra vào thời điểm ấy.” Tuy nhiên, vì suốt hơn hai năm sau, tờ Business Week quên không xuất bản tuyên bố cực kỳ giật gân này nên đến tận bây giờ, tất cả cựu giám đốc điều hành lớn của Edsel luôn khẳng định, cho tới ngày ra mắt, và thậm chí một thời gian ngắn sau khi ra mắt Edsel, họ vẫn luôn mong đợi Edsel thành công. Thật vậy, trong khoảng thời gian giữa các buổi họp báo và ngày ra mắt Edsel, tinh thần của tất cả mọi người có liên quan dường như đều lạc quan cuồng nhiệt. “Oldsmobile, tạm biệt!” ‒ một quảng cáo chạy tiêu đề lớn trên tạp chí Free Press tại Detroit cho một đại lý đang chuyển từ bán Olds sang bán Edsel tuyên bố. Một đại lý ở Portland, Oregon báo cáo đã bán được hai chiếc Edsel mà không nêu bằng chứng để chứng minh. Warnock “khai quật” được một công ty pháo hoa ở Nhật Bản sẵn sàng làm cho ông 5.000 quả pháo hoa bắn ra những chiếc xe Edsel dài gần 3m làm từ giấy gạo, nở phình lên và đáp xuống như những chiếc dù; đầu óc chỉ xoay quanh những ảo mộng về việc lấp đầy bầu trời cũng như đường cao tốc của Mỹ với toàn bộ xe Edsel vào ngày ra mắt, Warnock vừa định thảo ngay một đơn đặt hàng thì Krafve đăm chiêu lắc đầu phản đối.

Ngày 3 tháng 9, trước ngày ra mắt một ngày, giá của các mẫu xe Edsel khác nhau đã được công bố; đối với những mẫu phân phối tại New York, giá dao động từ dưới 2.800 đô-la đến hơn 4.100 đô-la một chút. Vào ngày ra mắt, những chiếc Edsel cập bến. Tại Cambridge, một nhóm dẫn đầu một đoàn mô tô hào nhoáng hộ tống những chiếc xe mới toanh đi lên đại lộ Massachusetts. Bay đến từ Richmond, bang California là một chiếc trực thăng được thuê bởi một trong những đại lý tưng bừng nhất mà Doyle “bẫy” được, căng một tấm biển Edsel khổng lồ trên vịnh San Francisco; trên toàn đất nước, từ các nhánh sông Louisiana đến đỉnh núi Rainier và rừng Maine, người ta chỉ cần một cái đài phát thanh hay ti vi để biết không khí đang rung lên với sự hiện diện của các chiếc Edsel. Âm hưởng chung cho “trận bão tuyết quảng cáo” của ngày ra mắt Edsel với công chúng được tạo nên từ một quảng cáo xuất bản trên báo chí toàn quốc, trong đó Edsel cũng là tâm điểm cùng với chủ tịch của công ty Ford và ngài Breech. Trong quảng cáo đó, Ford trông giống như một ông bố trẻ đạo mạo, Breech giống một quý ông tôn quý đang chơi Poker, giữ bài Xẩn không xong, mà giữ bài Cù lũ cũng chẳng nổi17 [tiến thoái lưỡng nan, không thể cứu vãn], còn Edsel thì vẫn là Edsel. Đoạn văn bản kèm theo tuyên bố rằng quyết định sản xuất xe hơi được “dựa trên những gì chúng tôi biết, phỏng đoán, cảm nhận, tin tưởng và nghi ngờ về quý vị. QUÝ VỊ là lý do đằng sau chiếc Edsel”. Giọng điệu bình thản và tự tin. Dường như không có nhiều chỗ để hoài nghi về hiện thực của phòng họp chật kín đó.

17 Xì tố hay xì pé (poker) là một trò chơi bài trong đó một phần (ví dụ Texas Hold’em) hoặc tất cả các con bài (ví dụ Draw) không được mở và người chơi có thể tố (raise) vào gà (pot). Vì thế xì pé kiểu Hồng Kông trong ngôn ngữ miền Nam cũng gọi là bài tố và thấy hay gọi “cây bài” là “pé bài”. Ai có bộ bài tốt nhất sẽ được ăn gà, trường hợp khác là người tố được ăn nếu mọi người chơi khác không theo (call). Xẩn (Straight) là năm lá bài trong một chuỗi số (nhưng không đồng chất). Cù lũ (Full House) là một bộ ba và một bộ đôi.

Trước khi mặt trời lặn, người ta ước tính, 2.850.000 người đã nhìn thấy chiếc xe mới tại các showroom đại lý. Ba ngày sau, tại Bắc Philadelphia, một chiếc Edsel đã bị đánh cắp. Có thể chí lý khi cho rằng vụ trộm này đánh dấu mức độ chấp nhận cao nhất của công chúng đối với chiếc Edsel; nhưng chỉ vài tháng sau đó thì bất kỳ tên trộm nào, cho dù dễ tính nhất, cũng chẳng thèm đếm xỉa đến nó.

SUY THOÁI VÀ SỤP ĐỔ

Đặc trưng vật lý nổi bật nhất của Edsel là tấm lưới tản nhiệt của nó. Trái ngược với lưới tản nhiệt rộng và theo chiều ngang của 19 dòng xe hơi Mỹ khác cùng thời điểm, lưới của Edsel thanh mảnh và thẳng đứng. Được làm từ thép mạ crôm, có hình dạng hao hao một quả trứng, tấm lưới này nằm ngay giữa mặt trước của xe, được gắn bảng tên “Edsel” bằng nhôm. Người ta chủ định làm đầu xe phía trước hao hao giống bất kỳ một đầu xe nào thời kỳ 20 hay 30 năm về trước, hay giống hầu hết các đầu xe hiện đại châu Âu, để nó phải toát lên yếu tố thời trang và tinh tế ngay tức thì. Vấn đề là trong khi đầu trước của các dòng xe cổ và xe châu Âu cao và hẹp, thì đầu xe Edsel rộng và thấp, giống như đầu xe của tất cả các đối thủ cạnh tranh tại Mỹ. Như thế là hai bên của lưới tản nhiệt đều có các khoảng rộng được lấp đầy bằng những tấm lưới mắt cáo crôm giống hệt nhau và nằm ngang như thông thường. Đó là hiệu ứng của một chiếc Oldsmobile với mũi của một chiếc Pierce-Arrow, hay nói văn hoa hơn, giống như một cô hầu gái đang đeo chiếc vòng cổ của nữ công tước. Các nỗ lực hướng đến sự tinh tế quá tính toán tới nỗi hết cả dễ thương.

Nhưng nếu lưới tản nhiệt của Edsel hấp dẫn bởi có lưới mà như không lưới thì phần đuôi xe lại là một vấn đề khác. Đã có một sự đột phá đáng kể từ các thiết kế thông thường của thời ấy. Thay vì kiểu đuôi xe khét tiếng bấy lâu, chiếc xe đã có cái đuôi, đối với người lãng mạn thì nhìn giống như đôi cánh, còn đối với những người thực tế hơn thì trông giống như một cặp lông mày. Các đường nét của nắp cốp xe và chắn bùn, hướng lên trên và ra ngoài, có phần nào giống như đôi cánh của một con mòng biển đang bay nhưng sự tương đồng này đã bị phá hỏng bởi hai chiếc đèn dài, hẹp ở đuôi xe, một phần gá vào cốp xe và một phần gá vào chắn bùn tạo ra những hình ảnh hết hồn, đặc biệt là vào ban đêm, giống một người mắt xếch đang cười ngoác đến tận mang tai. Nhìn từ đằng sau, chiếc xe trông có vẻ láu cá, có hơi hướng phương Đông, tự mãn, vượt trội ‒ có khi có đôi chút hoài nghi và khinh khỉnh nữa. Như thể ở giữa lưới tản nhiệt và tấm chắn bùn phía sau, một sự thay đổi nham hiểm trong cá tính chiếc xe xảy ra.

Còn ở những khía cạnh khác, thiết kế phong cách bên ngoài của Edsel không khác bình thường là mấy. Các mặt của nó được phủ lượng crôm ít hơn mức trung bình, khác biệt với một rãnh khía hình viên đạn mở rộng về phía trước từ tấm chắn bùn phía sau một khoảng bằng một nửa chiều dài của chiếc xe. Nằm giữa dọc theo đường rãnh này, chữ “Edsel” được hiển thị với các chữ cái làm bằng crôm; ngay dưới cửa sau được trang trí giống một tấm lưới tản nhiệt nhỏ, trên đó nổi bật nhất là cái tên “Edsel”. Về phần nội thất, Edsel phấn đấu mãnh liệt để đạt được dự báo của Tổng Giám đốc Krafve rằng chiếc xe sẽ là “hình ảnh thu nhỏ của kỷ nguyên nút bấm”. Edsel đã đạt đến lời tiên tri này với một tập hợp các tiện ích hiểm mà hiếm, hoặc chưa từng bao giờ. Trên hoặc gần bảng điều khiển của Edsel bao gồm: một nút nhấn bật mở nắp cốp xe; một cái cần để bật mở mui xe; một đòn bẩy để nhả phanh khi đỗ xe; một đồng hồ tốc độ lóe đỏ khi tài xế lái xe vượt quá tốc độ tối đa đã lựa chọn; một phím điều khiển duy nhất cho cả điều hòa nóng-lạnh; một đồng hồ tốc độ theo phong cách xe đua xịn nhất; nút để vận hành hoặc điều chỉnh ánh sáng, độ cao của ăng-ten radio, máy sưởi-quạt gió, gạt nước kính chắn gió và bật lửa châm thuốc lá; một hàng tám đèn đỏ nháy cảnh báo khi động cơ quá nóng hay không đủ nóng, dynamô đang trong tình trạng xấu, đang nhấn vào phanh đỗ xe, cửa xe chưa đóng chặt, áp suất dầu thấp, mức dầu cạn, mức xăng cạn (về điểm cuối cùng này người lái xe hoài nghi có thể xác nhận bằng cách xem đồng hồ đo khí, cách đó vài xăng-ti-mét). Tiêu biểu cho “kỷ nguyên nút bấm” là chiếc hộp điều khiển truyền động tự động ‒ nằm rất ấn tượng ngay giữa vô-lăng trên đó nổi lên một cụm gồm năm nút bấm nhạy đến nỗi chạm nhẹ que tăm cũng được.

Trong bốn dòng xe Edsel, hai dòng lớn hơn và đắt tiền hơn là Corsair và Citation đều dài 5,5m hoặc dài hơn 5cm so với chiếc lớn nhất của dòng Oldsmobiles; đều rộng 2m, tương đương chiều rộng nhất từng có của dòng xe khách; tương đương đều cao 1,4m, tất cả chiếc xe giá tầm trung khác. Ranger và Pacer, hai dòng Edsel nhỏ hơn ngắn hơn 15cm, hẹp hơn 2,54cm và thấp hơn 2,54cm. Corsair và Citation được trang bị động cơ 345 mã lực, làm cho chúng mạnh hơn bất kỳ chiếc xe nào khác của Mỹ tại thời điểm ra mắt. Ranger và Pacer thì rất cừ với 303 mã lực, gần như đi đầu trong các loại xe đồng hạng. Chỉ chạm nhẹ như chạm que tăm vào nút “Drive”, một chiếc Corsair hay Citation (mỗi chiếc nặng hơn hai tấn) có thể ‒ nếu điều khiển đúng cách ‒ “cất cánh” nhanh như chớp đến nỗi trong 10,3 giây nó sẽ đạt vận tốc 1,6km/phút và trong 17,5 giây nó sẽ chạy được 1,2km. Nếu bất cứ điều gì hay bất cứ ai tình cờ chắn ngang đường khi “cái tăm” chạm vào các nút bấm, mọi sự còn tồi tệ hơn rất nhiều.

Khi gỡ bỏ lớp bọc, Edsel nhận được những gì giới phê bình gọi là hai chiều thông tin. Trong tờ Detroit Free Press, Fred Olmstead viết, các biên tập viên ô tô của các tờ nhật báo chủ yếu bám vào mô tả thẳng thắn về chiếc xe, đưa ra một vài từ đánh giá, một số khá mơ hồ (“Sự khác biệt trong phong cách thật ngoạn mục,” Joseph C. Ingraham viết trên New York Times) và một số tỏ ra công khai ưu ái (“Anh chàng bảnh bao với nắm đấm thép mới”). Motor Trend, tờ chuyên san tháng lớn nhất về ô tô thông thường, dành tám trang số tháng 10 năm 1957 đăng những phân tích và phê bình về Edsel của Joe H. Wherry, biên tập viên tờ Detroit. Wherry thích diện mạo, tiện nghi nội thất và các tiện ích của Edsel, dù không phải lúc nào ông cũng nêu lý do tại sao; khi ca ngợi các nút hộp số trên trụ lái, ông viết: “Bạn không cần phải rời mắt khỏi con đường một tích tắc nào.” Ông thừa nhận có “vô vàn cơ hội… để cho ra nhiều phương thức tiếp cận độc đáo”, nhưng lại tóm gọn ý kiến của mình bằng một câu gồm toàn những phó từ mỹ miều dành cho Edsel: “Edsel vận hành ngon, chạy cừ, và dễ thao tác”. Tom McCahill của Tạp chí Mechanix Illustrated thường ngưỡng mộ cái “túi đinh ốc,” như cách ông trìu mến gọi Edsel, nhưng cũng có chút dè dặt. “Trên những đường bê tông có gờ”, ông viết, “mỗi khi tôi tăng ga cấp kỳ, các bánh xe quay như chiếc máy xay sinh tố hiệu Waring Blendor. Ở tốc độ cao, đặc biệt là đi qua các chỗ cua gấp, tôi thấy hệ thống giảm xóc giống như là ngồi trên lưng ngựa… Tôi không thể không tự hỏi cái ‘xúc xích Italia này’ thực sự sẽ như thế nào nếu nó có đủ độ bám đường.”

Một phân tích có trọng lượng thẳng thừng nhất đến nay, và có thể là tai hại nhất mà Edsel nhận được trong những tháng đầu tiên khi ra mắt, được đăng trong số tháng 1 năm 1958. Trên tờ tạp chí tháng của Liên hiệp người tiêu dùng mang tên Consumer Reports có 800.000 người đặt mua định kỳ, có lẽ trong số đó, có nhiều người mua Edsel tiềm năng, song chẳng bao giờ lật giở các tờ chuyên san ô tô như Motor Trend18 hay Mechanix Illustrated19. Sau khi đã để chiếc Corsair trải qua một loạt các cuộc kiểm tra trên đường, Consumer Reports tuyên bố:

18 Motor Trend: Tạp chí ô tô của Mỹ ra đời tháng 9 năm 1949 do Công ty xuất bản Petersen Los Angeles phát hành, mang tagline “Tạp chí cho Thế giới ô tô”. Công ty Petersen được bán cho Nhà xuất bản EMAP của Anh năm 1998 và cơ quan xuất bản này bán tạp chí Petersen cho Primedia năm 2001. Kể từ 2007, tạp chí này do TEN: The Enthusiast Network (tiền thân là Source Interlink Media) xuất bản. Số lượng phát hành mỗi tháng là hơn 1 triệu bản định kỳ.

19 Mechanix Illustrated: Tờ tạp chí ra đời nửa đầu thế kỷ XX để cạnh tranh với hai tờ ra đời trước là Popular Science và Popular Mechanics. Được quảng cáo là tạp chí “Hướng dẫn cách làm”, Mechanix Illustrated (MI) có sứ mạng hướng dẫn bạn đọc làm nhiều việc từ sửa sang nhà cửa, tư vấn sửa chữa cho tới tự lắp đặt mô hình (xe thể thao, kính viễn vọng, trực thăng…) Từ khi ra mắt năm 1928, tạp chí này đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau như Modern Mechanics and Inventions, Modern Mechanix and Inventions, Modern Mechanix, Mechanix Illustrated và cuối cùng là Home Mechanix.

Edsel không có lợi thế cơ bản đáng kể nào so với các nhãn xe khác. Kết cấu gần như hoàn toàn thông thường. Độ rung lắc của thân xe Corsair trên những con đường gồ ghề ‒ chẳng mấy chốc đã phát ra những tiếng cọt kẹt, lách cách ‒ đều vượt xa bất kỳ giới hạn nào có thể chấp nhận được. Corsair vận hành lờ đờ, bẻ lái quá chậm, rung lắc khi ngoặt, cảm giác xe không bám đường. Hiển nhiên, kết hợp với xu hướng rung lắc như trạch, Edsel đại diện cho một sự giật lùi hơn là tiến bộ. Nhấn ga để tăng tốc khi đang lưu thông hay để vượt các xe khác, hoặc chỉ để cảm nhận sự thú vị của sức mạnh sức lao của xe, sẽ làm cho những cái xi lanh to tướng đó uống xăng ừng ực… Theo Liên hiệp người tiêu dùng, phần chính giữa của vô-lăng không phải là nơi lý tưởng để bố trí các nút bấm. Muốn nhìn vào các nút bấm của Edsel, người lái xe buộc phải rời mắt khỏi đường. Chiếc Edsel “sang trọng từ trong ra ngoài” ‒ như một bìa tạp chí mô tả Edsel ‒ sẽ làm hài lòng bất kỳ ai nhầm lẫn giữa khái niệm rườm rà và khái niệm sang trọng thực sự.

Ba tháng sau, trong đợt tổng kết các mẫu xe 1958, Consumer Reports lại nhắc đến Edsel và gọi nó là “công suất dư thừa không cần thiết, trang trí quá rườm rà, treo quá nhiều phụ kiện đắt tiền hơn so với bất kỳ chiếc xe cùng mức giá khác” và xếp Corsair, Citation vào hạng bét trong bảng xếp hạng cạnh tranh. Giống như Krafve, Consumer Reports xem Edsel là một hình mẫu; song khác với Krafve, tạp chí này cho rằng chiếc xe dường như là “hình mẫu của quá nhiều cái quá tải”, theo đó các nhà sản xuất Detroit đang ngày càng bỏ qua nhiều khách mua xe tiềm năng.

Nhưng ở một khía cạnh nào đó, Edsel không quá tệ đến vậy. Nó thể hiện được nhiều tinh thần thời đại, chí ít là trong thời điểm nó được thiết kế vào đầu năm 1955. Nó thô thô, hùng dũng, không trang nhã, vụng về, thiện chí ‒ một người phụ nữ kiểu de Kooning20. Rất ít người, ngoại trừ các nhân viên của Foote, Cone & Belding được trả tiền để làm như vậy, không tiếc lời ca tụng lên mây xanh khả năng của chiếc xe hòng dỗ dành, đùa bỡn những chủ xe khốn đốn, khiến họ cảm thấy phấn chấn hơn. Ngoài ra, các nhà thiết kế của một số xe đối thủ, trong đó có Chevrolet, Buick và Ford, “chú ngựa cùng toa” với Edsel, sau đó tâng bốc thiết kế của Brown bằng cách bắt chước ít nhất một trong số nhiều đường nét bị người ta chửi bới của chiếc xe: cánh đuôi. Edsel rõ ràng bị “nguyền rủa”, nhưng nói rằng Edsel bị “nguyền rủa” bởi mỗi thiết kế thôi thì quá thiếu sót bởi nó bị quá tải nghiên cứu về động cơ mua xe. Thực tế là trong quãng đời ngắn ngủi, bất hạnh của Edsel, một số yếu tố khác cũng góp phần vào sự thất bại toàn tập về thương mại của nó. Một trong số đó là một thực trạng vô cùng khó tin: rất nhiều chiếc Edsel đầu tiên, những chiếc rõ ràng dành cho sự quan tâm của công chúng nhất, lại khiếm khuyết một cách trầm trọng. Với chương trình xúc tiến và quảng cáo sơ bộ, công ty Ford đã thu hút được sự quan tâm cao nhất của công chúng đối với xe Edsel, làm cho sự xuất hiện của nó được báo trước và bản thân chiếc xe được háo hức, tò mò đón đợi hơn bất kỳ chiếc xe nào trước đó. Vậy mà rốt cục, chiếc xe không có gì xuất sắc. Vài tuần sau khi ra mắt, các sai sót của Edsel là đề tài đàm tiếu của thiên hạ. Những chiếc Edsel xuất xưởng đã bị rỉ dầu, mui xe bị kẹt, thân xe không mở, nút điều khiển không những không thể mở nhẹ bằng một cây tăm mà dùng búa nện còn chưa nhúc nhích. Một người đàn ông quẫn trí, lảo đảo đi vào một quán bar bên sông Hudson rồi kêu tướng lên rằng bảng đồng hồ chiếc Edsel mới toanh của mình vừa bốc cháy. Tờ Automotive News tổng kết, các xe Edsel lứa đầu tiên đều gặp lỗi sơn kém, vỏ xe kim loại hàng phế phẩm, các phụ kiện bị lỗi và trích lời than thở của một đại lý về một chiếc Edsel đầu tiên ông ta nhận được: “Đầu xe thiết kế dở tệ, cửa ra vào bị vênh, các thanh ngang trên kính trước bị cắt sai góc độ, còn lò xo thân trước bị chùng.” Công ty Ford thật vô cùng xui xẻo khi bán cho Liên hiệp người tiêu dùng, đơn vị này mua xe thử nghiệm của Ford tại thị trường tự do để được “ưu ái” những mẫu xe đã được nắn chỉnh hoàn hảo, một chiếc Edsel với trục sai tỷ lệ, một ống trong hệ thống làm mát bị tung ra, bơm trợ lực lái bị rò rỉ, các bánh răng cần sau xe kêu rất to, lò sưởi khi tắt vẫn còn phả ra các luồng khí nóng. Một cựu giám đốc của Phòng Edsel đã ước tính chỉ có khoảng một nửa số Edsel của mẻ đầu tiên thực sự vận hành ổn thỏa.

20 Họa sỹ Willem de Kooning (1904 – 1997): họa sỹ với loạt tranh xấu xí và đầy tai tiếng về phụ nữ (WOMAN) ra đời vào những năm 1950, khai mở cho khuynh hướng nghệ thuật biểu hiện trừu tượng Mỹ, cũng như được xếp vào loại nghệ thuật phi hình thể, cho dù mọi hình ảnh đều được hiện diện một cách rõ ràng. Cái liếc mắt dâm dật kỳ dị và nét bút cuồng loạn đã làm công chúng bất bình. Các nhà phê bình đã từng tin tưởng rằng nghệ thuật trừu tượng là thứ nghệ thuật cuối cùng, cũng bị choáng váng trước những cái xấu xí này. Họ không biết liệu các nghệ sĩ còn muốn đẩy biên độ nghệ thuật đến đâu. Tuy nhiên, cái sự to bè xấu xí lại ít nhiều tạo cho các phụ nữ vẻ đàn ông của thời đại công nghiệp. Sự ra đời hàng loạt các tác phẩm Woman của De Kooning càng khẳng định thêm dụng ý này của ông.

Cho dù xấu xí và man rợ, loạt tranh phục nữ của Willem de Kooning hiện được treo một cách trang trọng trong Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại New York. Ngày nay, nó được xếp vào hàng các tác phẩm có giá trị nhất của hội hoạ Mỹ thập niên 50 thế kỷ XX.

Một người không có chuyên muôn không thể không tự hỏi làm thế nào mà công ty Ford, với tất cả quyền lực và vinh quang của mình, có thể phạm phải sai lầm thường nhật kiểu “lên voi, xuống chó” giống như phim của đạo diễn Mack Sennett21. Krafve vàng vọt vì lao lực, vẫn vui vẻ giải thích, khi một công ty đưa ra bất kỳ mẫu xe hơi mới nào ‒ thậm chí kể cả mẫu xe cũ và đã thử nghiệm ‒ những chiếc đầu tiên ra lò thường có trục trặc. Một giả thuyết còn gây sửng sốt hơn ‒ cho dù chỉ là giả thuyết ‒ có thể đã có một thế lực phá hoại bốn nhà máy lắp ráp Edsel, vì trong đó có tới ba nhà máy trước đây và hiện tại cũng đang lắp ráp Ford hoặc Mercury. Trong khâu tiếp thị Edsel, công ty Ford học theo cách tập đoàn General Motors trong nhiều năm qua đã thành công trong việc cho phép, thậm chí khuyến khích các nhà sản xuất và đại lý bán Oldsmobiles, Buicks, Pontiacs và các mẫu xe Chevrolet cao cấp hơn cạnh tranh nhau để giành giật khách hàng một cách không thương tiếc; phải đối mặt với cùng một loại cạnh tranh nội bộ như vậy, một số nhân viên Phòng Ford và Lincoln-Mercury của công ty Ford ngay từ đầu đã công khai hy vọng về sự sụp đổ của Edsel. (Ý thức được những gì có thể xảy ra, Krafve đã đề đạt chỉ cho lắp ráp Edsel tại các nhà máy nội bộ công ty, nhưng sếp của ông đã bác bỏ ý kiến này). Tuy nhiên, với thẩm quyền của một người kỳ cựu trong ngành công nghiệp ô tô cũng như thẩm quyền của một tổng tư lệnh đứng thứ hai sau Krafve, Doyle bác bỏ ngay ý kiến cho rằng Edsel là nạn nhân của trò phá hoại tại các nhà máy. “Tất nhiên, các Phòng Ford và Lincoln-Mercury không muốn nhìn thấy một chiếc xe khác của công ty Ford được tung ra thị trường,” ông nói, “nhưng theo như những gì tôi biết, tất cả những gì họ đã làm ở cấp độ quản lý và cấp độ nhà máy đều tuân thủ những tiêu chuẩn về cạnh tranh. Mặt khác, ở cấp độ phân phối và đại lý, ta hay có những đấu đá nội bộ nảy lửa như ngồi lê đôi mách và phát tán thông tin. Nếu ở trong những đơn vị khác, tôi cũng sẽ làm những điều tương tự.” Chưa từng có một vị tướng bại trận, kiêu hãnh nào phát ngôn nghĩa hiệp như thế.

21 Mack Sennett (1880 – 1960): Đạo diễn, diễn viên người Mỹ gốc Canada, nổi danh với vai trò là người sáng lập ra kịch hề tếu trong phim. Lúc sinh thời, có lúc ông mang biệt danh “Vua Hài kịch”. (BT)

Đây là một dạng tri ân đối với các quý ông đã quảng cáo hùng hồn cho Edsel đến nỗi mặc dù những chiếc xe có xu hướng rung lắc, trở chứng và rụng rời thành những đống rác lóng lánh vẫn tiếp tục chui ra từ các dây chuyền lắp ráp, ban đầu mọi thứ không hề diễn biến xấu. Doyle cho biết vào ngày ra mắt, cả lượng đơn đặt hàng và mua thực là 6.500 chiếc Edsel. Đó là một dấu hiệu tốt, nhưng cá biệt cũng có những dấu hiệu tiêu cực. Ví dụ, một đại lý tại New England có một phòng trưng bày bán Edsel và một phòng trưng bày chuyên bày bán Buick cho biết, có hai vị khách hàng tiềm năng bước vào phòng trưng bày Edsel, liếc qua chiếc xe một chốc rồi lập tức đặt hàng mua Buicks tại chỗ.

Vài ngày sau đó, doanh số bán giảm mạnh nhưng đây là điều đã được dự báo trước, một khi cao trào đã qua đi. Lượng bán ra cho các đại lý ô tô, một trong những chỉ số quan trọng trong ngành xe hơi, thường được tính toán bằng chu kỳ 10 ngày một và trong 10 ngày đầu tiên của tháng Chín (chỉ bán trong sáu ngày) chỉ bán được tổng cộng 4.095 chiếc Edsel; con số này thấp hơn so với con số trong ngày đầu tiên của Doyle vì nhiều khách đầu tiên chọn kết hợp kiểu xe-màu xe không có sẵn trong kho, phải chờ nhà máy lắp ráp theo đơn đặt hàng. Tổng lượng bán trong 10 ngày tiếp theo giảm nhẹ và trong 10 ngày sau nữa, giảm xuống chỉ còn dưới 3.600. Trong 10 ngày đầu tiên của tháng Mười (chín ngày làm việc bình thường, một ngày nghỉ), chỉ bán ra 2.751 xe, tức là trung bình một ngày chỉ bán được hơn 300 xe. Để bán được 200.000 chiếc một năm và thu về lợi nhuận, trung bình mỗi ngày giao dịch, công ty Ford phải bán được 600 đến 700 chiếc, một con số rất lớn so với 300 chiếc/ngày. Vào đêm Chủ nhật ngày 13 tháng 10, Ford làm một chương trình quảng cáo Edsel lớn trên truyền hình, thay cho chương trình Ed Sullivan vẫn hay chiếu vào giờ đó, nhưng dù chương trình ngốn tới 400.000 đô-la với hai ngôi sao Bing Crosby22 và Frank Sinatra23, nó đã không gây ra được bất kỳ sự bứt phá mạnh nào trong doanh số bán hàng. Vậy là đã rõ, mọi việc diễn ra không tốt đẹp chút nào.

22 Harry Lillis “Bing” Crosby, Jr. (1903 – 1977): Ca sĩ, diễn viên Mỹ. Chất giọng nam trung trầm ấm áp là thương hiệu của Crosby, làm cho ông trở thành một trong những ca sỹ thu âm có đĩa bán chạy nhất ở thế kỷ XX, phát hành hơn nửa triệu đĩa. (BT)

23 Francis Albert “Frank” Sinatra (1915 – 1998): Ca sĩ kiêm đạo diễn, diễn viên và nhà sản xuất Mỹ. (BT)

Giữa các cựu giám đốc Phòng Edsel có sự bất đồng ý kiến về dấu hiệu rõ nét nhất báo hiệu ngày tận thế của Edsel bắt đầu xảy ra từ khi nào. Krafve cho là khoảng cuối tháng Mười. Wallace, phó trưởng ban cố vấn của Edsel, đi một bước xa hơn với việc khẳng định ngày khởi đầu thảm họa là ngày 4 tháng 10, trùng với ngày Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo Sputnik đầu tiên vào vũ trụ, đánh tan huyền thoại về nền kỹ thuật vượt trội của nước Mỹ và châm ngòi cho phản ứng của công chúng đối với mấy thứ phù phiếm của thành phố Detroit. Giám đốc Quan hệ công chúng Warnock cho rằng sự nhạy bén với tâm trạng của công chúng giúp ông xác định được cái ngày đó từ sớm, từ giữa tháng Chín. Ngược lại, Doyle cho biết ông vẫn tiếp tục lạc quan cho đến giữa tháng Mười một, đến lúc ấy ông trở thành người đàn ông duy nhất trong bộ phận không kết luận rằng cần có một phép lạ để cứu Edsel. “Trong tháng Mười một,” theo Wallace, về mặt xã hội học, “có sự hoảng loạn và hệ lụy đồng thời của nó là sự phản kháng của quần chúng.” Cuộc phản kháng đám đông này diễn ra như sau: tất cả mọi người cùng hùa vào đả kích thiết kế là nguyên nhân chính gây ra toàn bộ thảm họa này. Những quý ông của Edsel trước đây vốn chẳng tiếc lời vung vít khen ngợi xa hoa cho lưới tản nhiệt và đuôi xe, thì giờ không ngừng càu nhàu là đến kẻ ngốc cũng có thể nhìn ra hai bộ phận này thật lố bịch. Nạn nhân thí tốt rõ ràng là Brown, người nắm giữ số cổ phiếu vượt trần tại thời điểm thiết kế của ông được tung hô như đế vương vào tháng 8 năm 1955. Giờ đây, chưa cần làm gì xa hơn, bất kể là tốt hay xấu, người đàn ông tội nghiệp trở thành tội đồ của công ty. “Từ đầu tháng 11, không ai nói chuyện với Roy,” Wallace cho biết. Ngày 27 tháng 11, như thể còn chưa đủ tệ hại, Charles Kreisler, đại lý độc quyền duy nhất của Edsel tại Manhattan, tổ chức chương trình giải thưởng, thông báo rằng ông ta đang nhượng quyền kinh doanh của mình vì doanh số bán quá tệ; có tin đồn rằng ông ta còn nói thêm: “Công ty Ford Motor đã thất bại thảm hại.” Liền ngay sau đó, ông ta ký hợp đồng làm đại lý bán xe Rambler của hãng American Motors, dòng xe nhỏ nội địa duy nhất khi ấy trên thị trường nên nó sở hữu một “đường cong bán hàng tăng vọt”. Doyle bình luận chắc như đinh: Phòng Edsel “chẳng sợ” cuộc đào ngũ của Kreisler.

Vào tháng Mười hai, sự hoảng loạn tại Edsel đã dịu xuống, đủ để các vị đỡ đầu của Edsel có thể ngồi lại với nhau, bắt đầu thảo luận cách thúc đẩy doanh số bán hàng đi lên trở lại. Ngài Henry Ford II, đích thân xuất hiện trước các chủ đại lý Edsel trên truyền hình cáp, kêu gọi họ giữ bình tĩnh, hứa rằng công ty sẽ hỗ trợ họ hết mình, khẳng định dứt khoát: “Edsel vẫn sống đấy thôi!” Một triệu rưỡi lá thư với chữ ký của Krafve được gửi tới các chủ nhân dòng xe giá trung, mời họ ghé đến đại lý địa phương để thử nghiệm xe Edsel; Krafve hứa bất kỳ ai thử xe, dù mua hay không mua, sẽ được tặng một chiếc xe mô hình bằng nhựa dài 20cm. Phòng Edsel phải bỏ tiền túi ra trả cho việc sản xuất những chiếc xe mô hình này, triệu chứng của sự tuyệt vọng cao độ vì trong hoàn cảnh bình thường, không một nhà sản xuất ô tô nào có động thái “tặng quà” như thế ngay cả đối với đại lý của mình. (Tính đến thời điểm đó, theo thông lệ, các đại lý vẫn phải trả tiền cho tất cả trang thiết bị). Phòng Edsel cũng bắt đầu cung cấp cho các đại lý những gì được gọi là “tiền thưởng doanh số”, nghĩa là các đại lý có thể chiết khấu từ 100-300 đô-la trên giá mỗi chiếc xe không trừ vào lợi nhuận. Krafve bộc bạch với một phóng viên rằng, tính đến thời điểm đó, doanh số bán hàng đạt được ở mức đúng như ông đã dự tính, mặc dù không như những con số mà ông đã kỳ vọng. Trong sự kích động không muốn người ta thấy được, dường như ông đang nói rằng mình đã dự kiến Edsel sẽ thất bại. Chiến dịch quảng cáo của Edsel, bắt đầu với sự tính toán cẩn trọng, xuất hiện một nốt nhạc “chênh phô lạc điệu”. “Tất cả những người đã nhìn thấy chiếc xe đều biết ‒ cũng giống như chúng tôi ‒ rằng Edsel là một thành công,” một quảng cáo báo chí tuyên bố; trong quảng cáo sau đó, cụm từ này được lặp đi lặp lại hai lần, giống như thần chú: “Edsel là một thành công. Đó là một ý tưởng mới, ‘ý tưởng của bạn’ trên những con đường của Mỹ… Edsel là một thành công.” Ngay sau đó, các chủ điểm quảng cáo ít khoa trương hơn, đáng tin cậy hơn về giá cả và địa vị xã hội bắt đầu chêm vào những dòng kiểu như: “Họ sẽ biết là bạn đến khi bạn lái một chiếc Edsel” và “Điều thực sự mới mẻ là đó là chiếc xe giá rẻ nhất!” Tại các khu vực tinh tế hơn của đại lộ Madison, quảng cáo theo cách hô khẩu hiệu thường được coi là hạ sách hay một biểu hiện của sự thiếu thẩm mỹ do thiếu tiền đầu tư.

Từ các biện pháp rầm rộ và tốn kém áp dụng trong tháng Mười hai, Phòng Edsel thu được chút “lộc” nhỏ: trong khoảng 10 ngày đầu tiên của năm 1958, có thể nói, doanh thu tăng 18,6% so với kỳ 10 ngày cuối cùng của năm 1957. Trận thắng này, như tờ Wall Street Journal tỉnh táo ghi nhận, là do kỳ này số ngày làm việc nhiều hơn kỳ trước một ngày, thế nên xét về thực tế, hầu như không có sự gia tăng nào. Dù gì đi nữa, những tung hô giả tạo hồi đầu tháng Một hóa ra là hành động cuối cùng của Phòng Edsel. Ngày 14 tháng Giêng năm 1958, công ty Ford Motor thông báo sắp sửa sáp nhập Phòng Edsel vào Phòng Lincoln-Mercury để lập ra phòng Mercury-Edsel-Lincoln dưới sự quản lý của James J. Nance, người đang quản lý Phòng Lincoln-Mercury. Đây là lần đầu tiên một trong những công ty ô tô lớn sáp nhập ba đơn vị thành một kể từ khi General Motors sáp nhập Buick, Oldsmobile và Pontiac trong thời kỳ Đại suy thoái (1929). Với những con người của Phòng Edsel đã bị xóa sổ, ý nghĩa của bước chuyển dịch cơ cấu này đã quá rõ ràng. “Với sự cạnh tranh gắt gao như thế trong một bộ phận, Edsel sẽ chẳng đi đến đâu cả,” Doyle nói. “Nó đã trở thành một đứa con riêng.”

Sau khi ra đời và tồn tại một năm mười tháng, Edsel đúng là con riêng chính hiệu: thường bị bỏ quên, ít được quảng cáo và chỉ được duy trì với mục đích tránh càng nhiều càng tốt việc công khai sai lầm ngớ ngẩn của Edsel và hy vọng thật tuyệt vọng rằng biết đâu sau này, nó có thể đi đến đâu đó. Edsel thực hiện quảng cáo theo cách đầy viển vông để đảm bảo với ngành ô tô rằng mọi thứ đều tuyệt vời nhất. Vào giữa tháng Hai, một quảng cáo trên Automotive News trích lời Nance phát biểu như sau:

Kể từ khi thành lập Phòng M-E-L24 tại công ty Ford Motor, chúng tôi đã phân tích với một sự quan tâm sâu sắc tới tiến độ bán Edsel. Chúng tôi nghĩ trong năm tháng kể từ khi ra mắt, doanh số bán Edsel đã tăng hơn doanh số bán trong năm tháng đầu tiên của bất kỳ thương hiệu xe hơi mới toanh nào khác từng được tung ra lưu thông trên đường phố Mỹ… Tốc độ phát triển đều của Edsel có thể là khởi nguồn của sự hài lòng và một động cơ lớn cho tất cả chúng ta.

24 M-E-L viết tắt của: Mercury-Edsel-Lincoln. (BT)

Tuy nhiên, so sánh của Nance gần như không có ý nghĩa, bởi không một nhãn xe mới toanh nào từng được tung ra thị trường một cách khoa trương như vậy, với giọng điệu tự tin đầy vẻ giả tạo như kiểu “thùng rỗng kêu to”.

Rất có thể Nance chưa bao giờ chú ý tới một bài viết của S. I. Hayakawa, nhà ngữ nghĩa học, được in vào mùa xuân năm 1958 trong tạp chí quý ETC: ETC: A Review of General Semantics (Phê bình ngữ nghĩa học đại cương) dưới tiêu đề: “Vì sao Edsel thất bại thảm hại?” Hayakawa, nhà sáng lập và biên tập viên của ETC, giải thích trong đoạn mở đầu rằng ông xem xét chủ đề này từ nhãn quan của ngữ nghĩa học đại cương bởi xe ô tô giống như từ vựng, là những “biểu tượng… quan trọng trong văn hóa Mỹ”, và tiếp tục lập luận rằng sự thất bại của Edsel có thể được quy cho các giám đốc điều hành của công ty Ford, những người đã “nghe quá lâu từ những người nghiên cứu động lực”; trong nỗ lực cho ra một chiếc xe thỏa mãn những ảo tưởng về giới của khách hàng và những đối tượng tương tự của họ đã không thể mang lại phương tiện vận chuyển thực dụng và hợp lý, do đó sao nhãng đi “nguyên tắc thực tế”.

“Những gì mà nhà nghiên cứu động lực đã không nói với khách hàng của họ… là chỉ có những người bị tâm thần và loạn thần kinh nặng mới để lộ ra những điều phi lý và ảo tưởng đền bù của họ,” Hayakawa lên án Detroit mạnh mẽ và nói thêm: “Vấn đề với việc bán ra các món đắt đỏ ‘thỏa mãn tượng trưng’, ví dụ như chiếc… Edsel ái nam ái nữ… chẳng hạn là cuộc cạnh tranh với những hình thức ‘thỏa mãn tượng trưng’ rẻ tiền hơn, chẳng hạn như một tờ Playboy (50 xu một bản), tiểu thuyết Astounding Science Fiction (35 xu một bản) và truyền hình (miễn phí).”

Bất kể có sự cạnh tranh từ Playboy hay không, Edsel vẫn tiếp tục lăn bánh ‒ nhưng hầu như rất thưa thớt. Chiếc xe vẫn chuyển động, như nhân viên bán hàng nói, mặc dù không phải chỉ cần chạm bằng một que tăm. Trên thực tế, khi trở thành “con riêng”, Edsel vẫn được tiêu thụ bằng với mức khi còn là “con cưng”, điều đó cho thấy việc dựng lên tất cả những quảng bá om sòm ấy, cho dù là thỏa mãn tượng trưng hay chỉ đơn thuần về mã lực động cơ, đều không có mấy tác dụng. Số lượng xe Edsel mới đăng ký với Cục xe cơ giới của các bang khác nhau trong năm 1958 đạt con số 34.481, một con số khiêm tốn đáng kể so với các xe mới của hãng đối thủ và chiếm chưa tới một phần năm mốc 200.000 chiếc/năm (mức tối thiểu để Edsel sinh lợi nhuận), nhưng vẫn đại diện cho một sự đầu tư trị giá hơn 100 triệu đô-la của người chơi xe. Bức tranh thực sự trở nên tươi sáng vào tháng 11 năm 1958, với sự ra đời của các mẫu xe Edsel năm thứ hai. Được thu ngắn lại tới 20cm, giảm trọng lượng tới 225kg, và động cơ có công suất giảm tới 158 mã lực, các mẫu xe này có giá thấp hơn từ 500 đến 800 đô-la so với các mẫu đời trước đó. Lưới tản nhiệt thẳng đứng và đuôi xe mắt xếch vẫn được giữ nguyên nhưng công suất khiêm tốn nhất và các tỷ lệ cân xứng đã thuyết phục Consumer Reports bớt nghiêm khắc và có lời khen: “Công ty Ford Motor, sau ‘tai tiếng’ với mẫu Edsel của năm trước, đã làm ra một chiếc xe khá khẩm, thậm chí đáng yêu.” Khá nhiều tay lái dường như đồng ý với điều đó; nửa đầu năm 1959, số lượng Edsel được tiêu thụ nhiều hơn cùng kỳ năm 1958 là 2.000 chiếc và đầu mùa hè năm 1959, chiếc xe được tiêu thụ với tốc độ khoảng 4.000 chiếc/tháng. Cuối cùng, cũng có tiến bộ, doanh số bán vươn lên chiếm gần một phần tư thay vì chỉ một phần năm của tỷ suất lợi nhuận tối thiểu.

Ngày 1 tháng 7 năm 1959, đã có 83.849 chiếc Edsel lưu thông trên mọi nẻo đường nước Mỹ. Số lượng nhiều nhất (8.344) là ở California, nơi quanh năm suốt tháng lúc nào cũng có lượng lưu thông lớn nhất, thưa thớt nhất là ở Alaska (122), Vermont (119) và Hawaii (110). Xét cho cùng, Edsel dường như đã tìm thấy một chỗ cho chính mình như một vật thể kỳ lạ đầy lý thú. Công ty Ford ‒ nơi tiền của cổ đông vẫn biến mất hàng tuần vào Edsel, trước thực trạng dòng xe nhỏ đang lên ngôi đã tranh thủ túm lấy cơ hội bên ngoài và đến giữa tháng 10 năm 1959 đã đưa ra loạt thứ ba các mẫu xe thường niên. Chiếc Edsel đời 1960 xuất hiện hơn một tháng sau chiếc Falcon, dự án mạo hiểm đầu tiên và thành công ngay lập tức của Ford trong lĩnh vực xe nhỏ, gần như chẳng giống chiếc Edsel chút nào: bỏ đi kiểu lưới tản nhiệt thẳng đứng, đuôi xe ngang, những gì được giữ lại trông giống như “con lai” giữa Ford Fairlane và Pontiac. Doanh số bán ban đầu của chiếc Edsel 1960 rất hạn chế; đến giữa tháng Mười một chỉ còn một nhà máy ở Louisville, bang Kentucky vẫn còn sản xuất, nhưng chỉ khoảng 20 chiếc Edsel/ngày. Ngày 19 tháng 11, Quỹ Ford, vốn đang có kế hoạch bán bớt một khối lượng lớn trong đống cổ phiếu sở hữu tại công ty Ford Motor, ban hành một bản cáo bạch theo đúng yêu cầu pháp luật và dưới phần mô tả sản phẩm công ty đã chú thích rằng Edsel đã được “ra mắt vào tháng 9 năm 1957 và dừng lại vào tháng 11 năm 1959.” Cùng ngày, sự thừa thực khẽ khàng này đã được xác nhận và khuếch đại bởi một phát ngôn viên của công ty Ford. “Nếu biết lý do tại sao mọi người không mua Edsel, chúng tôi nhất định đã làm một cái gì đó,” ông nói.

Bảng tổng kết lượng bán cuối cùng cho thấy, từ ngày đầu cho tới ngày 19 tháng 11, 110.810 chiếc Edsel đã được xuất xưởng và 109.466 chiếc đã được tiêu thụ. (Còn lại 1.344 chiếc, gần như tất cả đều là mẫu xe năm 1960, được bán tháo nhanh nhờ chương trình giảm giá mạnh.) Ai cũng biết, xe Edsel đời 1960 chỉ sản xuất có 2.846 chiếc và sẽ nằm trong bộ sưu tập của các nhà sưu tầm tiềm năng. Tất nhiên, phải mất nhiều thế hệ nữa thì các mẫu Edsel đời 1960 mới trở nên hiếm hoi như chiếc Bugatti Type 41 khi vào cuối thập niên 1920 chỉ có hơn 11 chiếc được làm ra và chỉ được bán cho các ông hoàng xe hơi thực sự; những lý do để chiếc Edsel đời 1960 trở thành của hiếm không hẳn là chấp nhận được về mặt xã hội hay thương mại giống như đối với chiếc Type 41 của Bugatti. Thế nhưng, câu lạc bộ những người sở hữu Edsel 1960 vẫn có thể sẽ xuất hiện.

Bản cáo bạch tài khóa cuối cùng về sự thất bại của Edsel có lẽ sẽ không bao giờ được biết đến vì các báo cáo công khai của công ty Ford Motor không bao gồm các thống kê chi tiết lãi và lỗ trong từng bộ phận riêng lẻ. Tuy nhiên, giới say mê tài chính ước tính, công ty bị mất đâu đó khoảng 200 triệu đô-la vào Edsel sau khi nó xuất hiện; cộng vào khoản chi phí chính thức công bố là 250 triệu đô-la trước khi nó xuất hiện, trừ đi khoảng 100 triệu đô-la đầu tư vào nhà máy và thiết bị thu hồi lại được cho mục đích sử dụng khác, số lỗ ròng là 350 triệu đô-la. Nếu những con số ước tính này là đúng, mỗi chiếc Edsel mà công ty sản xuất bị lỗ khoảng 3.200 đô-la, tức là tương đương với nguyên giá một chiếc xe khác. Nói một cách nghiệt ngã hơn, Ford có thể tránh cho mình được khoản tiền này, nếu ngay từ năm 1955, công ty quyết định không cho sản xuất Edsel nữa mà chỉ cần bán 110.810 chiếc Mercury, dòng xe ngang giá với Edsel.

Sự cáo chung của Edsel khởi nguồn cho một làn sóng thức tỉnh muộn màng được đăng tải trên báo chí. Tờ Times công bố: “Edsel là một trường hợp điển hình về ‘thiên thời, địa lợi, nhân hòa’ không thuận lợi. Nó cũng là một ví dụ điển hình của những hạn chế trong công tác nghiên cứu thị trường, với những ‘phỏng vấn sâu’ và thần tượng hóa nghiên cứu ‘động lực’”. Tờ Business Week ngay trước khi Edsel xuất đầu lộ diện đã mô tả nó với sự long trọng hùng hồn cùng sự ủng hộ mạnh mẽ, giờ quay sang tuyên bố nó quả là “một cơn ác mộng” và công kích thêm với một số chỉ trích sâu cay đối với nghiên cứu của Wallace, thứ đang nhanh chóng trở thành mũi nhọn bị tấn công giống như trường hợp thiết kế của Brown. (Nhảy lên nhảy xuống trên những nghiên cứu về động lực đã và đang là “môn thể thao tuyệt vời” thật đấy; nhưng hiển nhiên, ngụ ý chi phối hoặc thậm chí gây ảnh hưởng lên thiết kế của Edsel của nghiên cứu đó đều sai chệch hoàn toàn, vì chương trình nghiên cứu được thiết kế chỉ nhằm cung cấp chủ đề cho quảng cáo và xúc tiến sản phẩm.) Cáo phó cho Edsel trên tờ The Wall Street Journal đưa ra một quan điểm mà có lẽ đúng đắn và độc đáo hơn:

Các tập đoàn lớn thường bị buộc tội gian lận thị trường, lũng đoạn giá cả, nếu không cũng là kẻ độc tài bức chế người tiêu dùng [Tờ này quan sát]. Và hôm qua, công ty Ford Motor đã thông cáo dự án thử nghiệm kéo dài hai năm với chiếc Edsel giá tầm trung của họ đã đi đến hồi kết chung… vì thiếu người mua. Điều này chứng tỏ các nhà sản xuất xe hơi đâu thể lừa đảo thị trường hay ép buộc người tiêu dùng phải chấp nhận những điều họ muốn người tiêu dùng phải chấp nhận… Và lý do thật đơn giản, vì mỗi người một thị hiếu, chẳng ai giống ai… Khi nói đến kẻ độc tài, người tiêu dùng đúng là kẻ độc tài vô song không có địch thủ.

Còn những lý giải “hậu kỳ” về Edsel của các cựu giám đốc điều hành Edsel đều đáng chú ý ở tinh thần tự kiểm điểm bản thân ‒ như kiểu của một võ sĩ quyền anh thi đấu vì tiền bị đo ván, mở mắt ra thấy chiếc micrô của người thông báo gí vào mặt của mình. Trên thực tế, giống như nhiều võ sĩ quyền anh chuyên nghiệp bị hạ gục, Krafve đổ lỗi cho việc tính sai thời điểm của mình; ông cho rằng nếu đã có thể công phá kế hoạch của ngành cơ khí và kinh tế học thành phố Detroit và bằng cách nào đó đã có thể tung Edsel ra vào năm 1955, thậm chí năm 1956, khi thị trường chứng khoán và thị trường xe giá tầm trung đang lên cao, chiếc xe hẳn đã có thể bán chạy và sẽ vẫn tiếp tục bán chạy. Nghĩa là, nếu thấy trước cú đấm giáng tới, ông sẽ cúi xuống né đòn. Krafve không đồng tình với một nhóm khá lớn các công dân có xu hướng quy chụp cái chết của Edsel là do quyết định đặt tên nó là Edsel thay vì một cái tên linh lợi, dễ nghe hoặc một biệt danh khác rút gọn hơn như “Ed” hoặc “Eddie” và không chứa những hàm ý về triều đại. Krafve vẫn nói cái tên Edsel không gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào, dù là cỏn con đến vận mệnh của nó.

Brown cũng đồng tình với Krafve rằng sai lầm chính là ở chỗ tính sai thời điểm. “Tôi thực sự cho là kiểu dáng của một chiếc xe hoàn toàn không, hoặc nếu có thì rất hãn hữu, mới có liên quan đến thất bại của nó,” ông nói sau đó và sự thẳng thắn này dường như không bị ai bác bỏ. “Dự án Edsel, giống như bất kỳ dự án nào khác được lên kế hoạch cho thị trường trong tương lai, đều được dựa trên những thông tin tốt nhất có được vào thời điểm các quyết định được đưa ra. Con đường đến địa ngục được lát bằng những chủ định tốt!”

Doyle, với trực giác bẩm sinh của một chuyên viên bán hàng đối với khách hàng của mình, nói chuyện như một người bị bạn phản, bạn ở đây là công chúng Mỹ. “Đích thị là một cuộc biểu tình của “người mua”, ông nói. “Mọi người không thích Edsel. Còn tại sao lại không thì đó vẫn là một bí ẩn với tôi. Những gì họ đã và đang mua trong nhiều năm qua khuyến khích ngành công nghiệp xe hơi làm ra đúng chiếc xe mà họ cần này. Chúng tôi tạo ra điều đó cho họ thì họ lại không chấp nhận! Trời ơi, họ không nên hành động như thế. Đâu thể thức tỉnh ai đó chỉ trong một ngày và nói với họ: “Dừng lại ngay, anh chạy sai hướng rồi.” Vì sao họ làm vậy? Chúa ơi, ngành xe hơi quần quật phấn đấu trong mấy năm qua, bỏ cơ cấu sang số, đầu tư thêm tiện nghi nội thất, tăng cường hiệu suất để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp! Và giờ người ta lại muốn những con bọ tí hon này. Tôi thật không sao hiểu nổi!”

Giả thuyết tàu vũ trụ Sputnik của Wallace đưa ra câu trả lời cho thắc mắc của Doyle về việc tại sao mọi người không thích Edsel và hơn nữa, có tầm vóc vũ trụ xứng với một phó cố vấn. Giả thuyết này cũng giúp Wallace tự do biện hộ cho tính hợp lệ của các nghiên cứu động lực của ông. “Tôi không nghĩ rằng chúng ta chưa biết đến hiệu ứng tâm lý mà lần phóng đầu tiên tác động đến tất cả chúng ta,” ông nói. “Ai đó đã vượt trước chúng ta với thành quả công nghệ quan trọng và ngay lập tức thiên hạ bắt đầu tung ra các bài báo chê bai sản phẩm của Detroit tồi tệ ra sao, đặc biệt là những chiếc xe mang biểu trưng vị thế xã hội và giá tầm trung. Năm 1958, khi không một chiếc xe nào trong số dòng xe nhỏ được tung ra, ngoại trừ Rambler, thì công ty Chevy gần như chi phối toàn bộ thị trường vì hãng đó đưa ra chiếc xe đơn giản nhất. Người dân Mỹ đã tự đặt cho mình một chương trình thắt lưng buộc bụng. Không mua Edsel là chiến lược ‘bóp bụng’ của họ.”

Trở lại di sản trong những ngày sống còn của ngành xe hơi tại Mỹ của thế kỷ XIX, có vẻ kỳ lạ khi Wallace vẫn còn hút tẩu và ngồi phân tích thảm họa hủy diệt một cách hòa nhã đến như vậy. Câu chuyện của Edsel rõ ràng là câu chuyện về cú ngã của một công ty xe hơi khổng lồ, nhưng đáng ngạc nhiên là người khổng lồ ‒ và đại bộ phận những người ngã xuống cùng gã ta ‒ không bị vỡ vụn hay trọng thương bởi cú ngã. Nhờ sự thành công của bốn dòng xe khác là Ford, Thunderbird, sau này là Falcon nhỏ, Comet rồi Mustang, công ty Ford vẫn sống sót hoành tráng. Đúng thế, công ty đã có thời điểm tồi tệ vào năm 1958, một phần vì Edsel làm khiến thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu của hãng giảm từ 5,40 xuống còn 2,12 đô-la, cổ tức mỗi cổ phiếu giảm từ 2,40 xuống còn 2,00 đô-la, và giá thị trường của cổ phiếu từ đỉnh cao năm 1957 là khoảng 60 đô-la rơi xuống mức thấp của năm 1958 là dưới 40 đô-la. Nhưng tất cả thiệt hại ước tính lại được hồi phục cao hơn vào năm 1959, khi thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu là 8,24 đô-la, cổ tức trên mỗi cổ phiếu là 2,80 đô-la và giá cổ phiếu đạt mức cao, khoảng 90 đô-la. Năm 1960 và 1961, mọi thứ thậm chí còn trở nên tốt đẹp hơn. Vì vậy, 280.000 cổ đông Ford niêm yết trong sổ sách năm 1957 chẳng có gì phải phàn nàn, trừ khi họ đã bán tống cổ phiếu vào lúc cực điểm của sự hoảng loạn. Mặt khác, sau khi 6.000 nhân viên văn phòng bị buộc thôi việc khi ba đơn vị Mercury- Edsel-Lincoln sáp nhập, số lượng nhân sự trung bình của Ford đã giảm từ 191.759 năm 1957 xuống còn 142.076 năm 1958 và tăng nhẹ trở lại lên 159.541 vào năm 1959. Và tất nhiên, những đại lý đã từ bỏ quyền kinh doanh béo bở cho các nhãn xe khác để bán Edsel rồi khánh kiệt hẳn sẽ không thể nào vui nổi với câu chuyện này. Theo điều khoản sáp nhập của các Phòng Lincoln, Mercury và Edsel, hầu hết các đại lý của ba thương hiệu xe này đều được sáp nhập. Trong cuộc sáp nhập này, một số đại lý Edsel bị buộc phải đào thải, điều này có thể là một sự an ủi nhỏ cho những người bị phá sản khi biết được rằng, cuối cùng khi công ty Ford cho dừng việc sản xuất xe và đồng ý thanh toán cho những đồng nghiệp cũ của họ ‒ những người đã vượt qua được cuộc khủng hoảng ‒ một nửa chi phí ban đầu: từ số tiền họ phải chi đầu tư vào biển hiệu quảng cáo bán Edsel và khấu trừ tỷ lệ lớn nếu họ mua xe Edsel tồn kho tại thời điểm đã ngừng sản xuất. Nhưng vẫn có chuyện các đại lý ô tô bị phá sản kể cả với những chiếc xe hơi được ưa chuộng nhất. Và trong số những người sống nhờ vào thế giới các phòng trưng bày và bán ô tô, nhiều người sẽ thú nhận rằng công ty Ford, một khi nhận ra khuyết điểm, đã làm những gì hợp lý hợp tình nhất để vực dậy các đại lý đã đánh cược số phận của mình với Edsel. Một phát ngôn viên của Hiệp hội đại lý ô tô quốc gia đã tuyên bố: “Theo những gì chúng tôi biết đến nay, các đại lý Edsel nhìn chung hài lòng với cách họ được đối xử.”

Foote, Cone & Belding cũng vấp phải kết cục mất tiền vào Edsel vì hoa hồng quảng cáo thu về từ Edsel không bù đắp hết được các chi phí phát sinh mà công ty đã bỏ ra khi thuê 60 nhân viên mới và mở một văn phòng sang trọng tại Detroit. Nhưng những khoản lỗ này không phải là không thể khắc phục; thời điểm không còn Edsel để quảng cáo, Foote, Cone & Belding được thuê quảng cáo cho xe Lincoln; dù hợp đồng này không kéo dài bao lâu nhưng công ty này vẫn vui vẻ sống sót để ca tụng nồng nhiệt những khách hàng của mình như General Foods, Lever Brothers và Trans World Airways. Một biểu tượng khá cảm động về lòng trung thành mà các nhân viên của Foote, Cone & Belding dành cho cựu khách hàng chính là việc một vài năm sau năm 1959, bãi đỗ xe riêng của công ty có trụ sở đặt tại Chicago vẫn lác đác có xe Edsel. Tình cờ là những tay lái xe trung thành này không phải là duy nhất. Nếu những chủ nhân của Edsel chưa tìm ra phương tiện thỏa mãn ước mơ, từng phải chịu đựng những trục trặc máy móc kinh hoàng, nhiều người trong số họ hơn một thập kỷ sau vẫn trân trọng chiếc xe giống như trân trọng những tờ tiền của Liên minh miền Nam; tại chợ xe cũ, Edsel là một món hàng cao cấp, điều chỉ một số ít xe được trao tặng.

Nhìn chung, các cựu giám đốc điều hành Edsel không chỉ may mắn lấy lại phong độ, thậm chí họ còn vượt phong độ. Tất nhiên không ai có thể buộc tội công ty Ford trút giận theo cách truyền thống với việc “cắt cổ” (sa thải) cả loạt. Krafve được phân công trợ giúp cho Robert S. McNamara, tại thời điểm đó là Phó Chủ tịch của phân khu Ford (sau này là Bộ trưởng Quốc phòng) được vài tháng, thì chuyển sang làm nhân sự tại trụ sở chính của công ty khoảng một năm rồi nghỉ việc, trở thành Phó Chủ tịch của công ty Raytheon, công ty điện tử hàng đầu tại Waltham, bang Massachusetts. Tháng 4 năm 1960, ông được bầu làm chủ tịch. Vào giữa những năm 1960, ông chuyển công tác, làm nhà tư vấn quản lý đắt giá tại Bờ Tây. Doyle cũng được mời làm việc nhân sự cho Ford, nhưng sau một chuyến công du nước ngoài và đắn đo cân nhắc kỹ, ông quyết định nghỉ hưu. “Vấn đề là quan hệ giữa tôi với các đại lý,” ông giải thích. “Chính tôi đã động viên họ là công ty luôn ủng hộ Edsel và tôi không thấy mình là đối tượng phải đi nói với họ là công ty đã không như thế.” Sau khi nghỉ hưu, Doyle vẫn luôn bận rộn như thế, chăm nom một loạt cơ sở kinh doanh khác nhau, thiết lập nhiều quan hệ và mở một cơ sở tư vấn riêng tại Detroit. Khoảng một tháng trước khi sáp nhập Edsel với Mercury và Lincoln, Warnock, nhân vật quan hệ công chúng, đã rời công ty ô tô để trở thành Giám đốc thông tấn cho hãng International Telephone & Telegraph Corp tại New York, một vị trí mà ông cũng từ bỏ vào tháng 6 năm 1960 để trở thành Phó chủ tịch Ban cố vấn Truyền thông, nhánh quan hệ công chúng của McCann- Erickson. Từ nơi này, ông trở lại Ford với vai trò trưởng phòng xúc tiến khu vực miền Đông cho Lincoln-Mercury. Đây là trường hợp cái đầu không bị “trảm” mà thay vào đó được “xức dầu thánh”. Brown, một nhà thiết kế sẵn sàng xông pha, có một thời gian làm ở Detroit với vai trò nhà thiết kế chính cho các dòng xe thương mại của Ford và sau đó sang làm cho công ty Ford của Anh, cũng với vai trò nhà tạo mẫu chính. Ông được giao chỉ đạo thiết kế cho các loại xe Consuls, Anglias, xe tải và máy kéo. Ông quả quyết vị trí này không đại diện cho phiên bản Ford của Siberia. “Tôi thấy đó là một trải nghiệm hài lòng nhất và một trong những bước đi hay nhất tôi đã từng thực hiện trong sự nghiệp của mình”, ông tuyên bố hùng hồn trong một lá thư viết từ Anh. “Chúng tôi đang xây dựng một văn phòng thiết kế và đội quân thiết kế số một ở châu Âu.”

Wallace, phó cố vấn được mời tiếp tục phụ tá cố vấn cho Ford và vì không thích sống ở Detroit cũng như sống gần Detroit, ông được cho phép chuyển sang New York và làm việc hai ngày/tuần tại trụ sở chính. (“Họ dường như không còn quan tâm đến việc tôi ngồi làm việc từ đâu”, ông nói khiêm tốn.) Cuối năm 1958, ông nghỉ làm cho Ford và kể từ đó toại nguyện với lòng mình, dành toàn bộ thời gian làm học giả và dạy học. Ông có dự định lấy bằng tiến sỹ xã hội học tại Columbia, viết luận văn về thay đổi xã hội tại Westport, bang Connecticut, nơi ông đã thực hiện những kế hoạch phỏng vấn tất bật vời người dân. Trong khi đó, ông dạy môn “Động lực học hành vi xã hội” tại Viện Nghiên cứu Xã hội mới, Greenwich ville. “Tôi chấm dứt nghề đó (ô tô) rồi!” Có lần người ta nghe thấy ông tuyên bố như vậy với một sự mãn nguyện rõ ràng khi lên tàu đi Westport cùng xấp bảng câu hỏi kẹp nách. Đầu năm 1962, ông trở thành Tiến sỹ Wallace.

Cuộc sống thảnh thơi về sau của những cựu lãnh đạo Edsel dường như không chỉ hoàn toàn xuất phát từ thực tế sống sót về mặt vật chất, mà dường như còn giàu có về mặt tinh thần. Họ thích kể về trải nghiệm với Edsel ‒ ngoại trừ những người vẫn đang làm việc với Ford, càng ít nhắc về chuyện này càng tốt ‒ đầy cao hứng, sôi sục như những đồng chí cùng sát cánh chiến đấu trong chiến dịch ly kỳ nhất đời họ. Doyle có lẽ là người hoài cổ nhiệt tình nhất trong cả nhóm. “Tôi chưa từng hay chưa bao giờ trải qua điều gì hay ho hơn thế,” ông kể như thế với một người khách của ông vào năm 1960. “Chắc là vì tôi đã làm việc vất vả nhất. Tất cả chúng tôi đều như thế. Một tập thể tốt. Những người đến với Edsel biết rằng họ đang nắm bắt một cơ hội và tôi thích những người sẽ nắm bắt cơ hội. Đúng thế, thật là một trải nghiệm tuyệt vời cho dù có những điều không may đã xảy ra. Và chúng tôi đã đi đúng đường, đúng thế! Lúc gần về hưu, tôi đến châu Âu và thấy ở đó toàn dòng xe hạng nhẹ, thế mà vẫn tắc nghẽn giao thông trầm trọng, vẫn có những vấn đề về đỗ xe, tai nạn. Chỉ cần thử lên – xuống những chiếc taxi lùn mà không bị cộc đầu, hoặc cố gắng để không bị va đầu vào trần khi xe đang đi quanh Khải Hoàn Môn. Chiếc xe hạng nhẹ này sẽ không bền lâu đâu. Tôi không thể nghĩ đám lái xe người Mỹ sẽ hài lòng được lâu với việc phải vào số kiểu thủ công và xe chạy kém như thế. Con lắc sẽ quay trở lại!”

Warnock, giống như nhiều người làm PR trước ông, tuyên bố công việc đã mang lại cho ông một cái “ung nhọt”. “Nhưng tôi đã vượt qua nó”, ông nói. “Đội ngũ Edsel vĩ đại đó, tôi chỉ muốn xem đội ấy có thể làm gì nếu đưa ra sản phẩm chuẩn vào đúng thời điểm. Chắc chắn là đã kiếm triệu triệu đô-la! Đây là hai năm trong cuộc đời mà tôi sẽ không bao giờ quên. Một giai đoạn lịch sử vô cùng quan trọng. Chẳng phải toàn bộ điều đó đã cho quý vị biết một điều gì đó về nước Mỹ của những năm 50 ‒ kỳ vọng quá cao và chưa thỏa vọng sao?”

Krafve, chỉ huy trưởng của “nỗi thất vọng tày đình”, hoàn toàn sẵn sàng chứng thực rằng có nhiều điều trong câu chuyện từ những “người lính” của ông hơn là những câu chuyện huyền hoặc, viển vông tiểu thuyết của đồng đội cũ. “Thật là một nhóm tuyệt vời để làm việc chung,” cách đây không lâu, ông đã nói thế. “Họ thực sự đặt cả tâm can vào công việc. Tôi thích làm việc với một ê kíp có động lực mạnh mẽ và đội Edsel là một ê kíp như thế. Trong công việc, có lúc thăng lúc trầm, nhưng anh sẽ hồi phục chừng nào con người anh không chịu khuất phục. Có lúc tôi thích bù khú với ai đó ‒ với Gayle Warnock hay một người nào khác trong số họ ‒ và ôn lại những câu chuyện hài, những bi kịch…”

Cho dù hồi ức của những con người Edsel về chiếc xe này có chiều hướng hài hước hay bi đát, đó cũng là một hiện tượng đáng để chúng ta suy ngẫm. Có thể chỉ đơn thuần là họ nhớ ánh đèn quảng cáo lần đầu tiên được đắm chìm rồi quằn quại trong đó, hoặc điều đó có thể mang ý nghĩa đã đến thời điểm như trên sân khấu kịch thời Nữ hoàng Elizabeth, nhưng rất hiếm trong kinh tế Mỹ trước đó: thất bại có một vẻ huy hoàng nhất định mà thành công chưa bao giờ có được.

– Từ “styling” (tạo phong cách) ở đây giống như một cây cỏ bám rễ sâu trong khu vườn về ô tô. Theo nghĩa thông dụng, động từ “tạo phong cách” có nghĩa là đặt tên, do đó những nỗ lực huyền thoại của phòng sản phẩm, đặc biệt là khi chọn ra một cái tên cho chiếc E-Car, thực sự là chương trình tạo phong cách. Những gì mà Brown và cộng sự phấn đấu đạt đến lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Trong nghĩa thứ hai của từ “styling”, từ điển Webster định nghĩa: “tạo ra một phong cách… được người ta chấp nhận”; đó chính là điều mà Brown ‒ người vốn hi vọng đạt được điều gì đó độc đáo ‒ đang nỗ lực để tránh không làm, chính vì thế nên chương trình của Brown hẳn là chương trình đi ngược lại với tạo phong cách (antistyling).

Xem chi tiết sản phẩm sáng tạo quốc gia này trong Chương 3.

3THUẾ THU NHẬP LIÊN BANG

I

Chẳng có gì ngạc nhiên khi nhiều người Mỹ giàu có, mang vẻ ngoài tri thức những năm gần đây làm những chuyện mà đến một quan sát viên khờ khạo cũng thấy thật kỳ quặc, nếu không muốn nói là rồ dại. Một số người được thừa kế tài sản lớn, bất chấp sự lên án của chính phủ dưới mọi hình thức, đã tỏ ra quan tâm cuồng nhiệt đến quá trình đầu tư tài chính của các chính quyền tiểu bang và chính quyền thành phố; họ đã đóng góp những khoản tiền kếch xù cho mục đích này. Hôn nhân giữa những người có thu nhập siêu cao với những người có thu nhập tương đối cao có xu hướng nhộn nhịp nhất vào thời điểm gần cuối tháng Mười hai và trầm lắng nhất vào khoảng tháng Một. Một số cá nhân thành công ngoại lệ, nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật, được các nhà tư vấn tài chính khuyên chớ có làm cái gì ra tiền nữa, dù là trong tình huống nào, cho đến hết năm dương lịch hiện tại; và họ làm theo lời khuyên này, dù có khi lời khuyên đó xuất hiện ngay từ tháng Năm hoặc tháng Sáu. Diễn viên và những đối tượng có thu nhập cao khác từ các dịch vụ cá nhân vẫn theo mốt trở thành những ông chủ bà chủ của các doanh nghiệp cát-sỏi, sàn bowling, dịch vụ trả lời điện thoại; như vậy, đương nhiên, họ đã thổi một luồng sinh khí nhất định cho những cơ sở dịch vụ tẻ nhạt này. Giới làm phim điện ảnh, như một cỗ máy đồng hồ quay đều quanh chu kỳ ra-đi-rồi-lại-quay-về, dứt đất mẹ ra nước ngoài định kỳ 18 tháng một lần, để rồi đến tháng thứ 19 lại trở về ôm lấy đất mẹ. Các nhà đầu tư dầu khí khoan chọc ngổn ngang trên mảnh đất Texas những giếng “nghi có dầu”, gia tăng những rủi ro vượt xa tầm vẫn dự đoán theo phán xét kinh doanh thông thường. Người ta lại bắt gặp suốt ngày cảnh các doanh nhân cưỡi máy bay, đi bằng taxi, hay đi ăn tối tại nhà hàng dù chẳng muốn nhưng vẫn ghi ghi chép chép các “bút toán” đó vào các cuốn sổ nhỏ. Tuy nhiên, còn khuya họ mới là những hậu duệ tinh thần của Samuel Pepys25 hay Philip Hone26 mà chỉ đơn giản là họ đang ghi lại mọi thứ chi phí. Ông bà chủ xị hoàn toàn hay chỉ sở hữu một phần các doanh nghiệp tìm cách chia quyền sở hữu cho những đứa con vị thành niên của mình, thậm chí còn trong bụng mẹ; trên thực tế, có ít nhất một trường hợp hợp đồng “cổ đông” kiểu này phải hoãn lại, đợi cho đến ngày chào đời của “cổ đông” kia.

25 Samuel Pepys (23/2/1633 – 26/5/1703): nhà quản trị hải quân và là thành viên Quốc hội người Anh, nổi tiếng với cuốn nhật ký duy trì suốt một thập niên từ thời vẫn còn khá trẻ. Cuốn nhật ký chi tiết được Pepys viết từ năm 1660 đến năm 1669, xuất bản lần đầu vào thế kỷ XIX, và là một trong những nguồn tư liệu chính và quan trọng nhất về thời kỳ Khôi phục chế độ quân chủ ở Anh (English Restoration). Cuốn nhật ký vừa là những tiết lộ mang tính cá nhân, vừa là những câu chuyện mục sở thị về những sự kiện trọng đại như đại dịch hạch London, chiến tranh Anh-Hà Lan lần thứ hai và trận đại hỏa hoạn London.

26 Philip Hone (25/10/1780 –5/5/1851): Thị trưởng thành phố New York giai đoạn1825-1826, nổi tiếng với cuốn nhật ký chi tiết viết từ năm 1828 cho tới khi qua đời vào năm 1851. Cuốn nhật ký này được cho là cuốn chi tiết nhất, bao quát nhất về thời đại thế kỷ XIX tại Mỹ.

Hầu như ai cũng biết nguyên nhân trực tiếp gây ra tất cả những hành động kỳ quặc này là vô số quy định trong luật thuế thu nhập liên bang. Các quy định này tập trung vào ngày sinh, kết hôn, công việc, lối sống, địa bàn sinh sống nên có vẻ như nó đã tác động sâu sắc đến xã hội. Tuy nhiên, vì chỉ giới hạn trong các vấn đề của người giàu, chúng không toát lên tác động kinh tế của luật này. Trong gần 63 triệu bản khai thu nhập cá nhân trong năm 1964, một năm điển hình gần đây, không có gì ngạc nhiên khi luật thu nhập cá nhân thường được nhắc đến là luật địa phương có ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều cá nhân nhất. Và khi doanh thu từ thuế thu nhập chiếm gần ba phần tư tổng mức thuế của chính phủ Mỹ, cũng dễ hiểu vì sao thuế thu nhập được xem là biện pháp tài khóa duy nhất quan trọng. (Trong 112 tỷ đô-la tổng thu từ các nguồn trong năm tài khóa kết thúc vào ngày 30 tháng 6 năm 1964, doanh thu thuế thu nhập cá nhân chiếm gần 54,5 tỷ và doanh thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp là 23,3 tỷ.) Hai giáo sư kinh tế William J. Shultz và C. Lowell Harriss tuyên bố trong cuốn sách của họ mang tên American Public Finance (Tài chính công Mỹ); “Trong suy nghĩ của quảng đại quần chúng, thuế này chỉ đơn giản là ‘THUẾ’”, còn nhà văn David T. Bazelon thì nói tác động kinh tế của thuế có sức càn quét rộng đến độ tạo ra hai loại tiền tệ Mỹ hoàn toàn riêng biệt: tiền trước thuế và tiền sau thuế. Cụ thể, không có công ty nào từng được thành lập, cũng không có bất kỳ hoạt động nào của công ty được thực hiện, dù chỉ một ngày, mà không phải đau đầu cân nhắc nghiêm túc về thuế thu nhập; và gần như mọi nhóm thu nhập đều thi thoảng nghĩ về nó mỗi ngày. Dĩ nhiên, cũng lại có một số đối tượng khuynh gia bại sản hoặc hủy hoại thanh danh hoặc cả hai vì không tuân thủ thuế này. Ở xa lắc xa lơ như Venice, mấy năm trước, một du khách Mỹ từng té ngửa khi đọc trên tấm bảng đồng gắn trên hộp quyên tiền cho quỹ duy trì nhà thờ Basilica ở San Macro dòng chữ: “Có thể giảm trừ cho các mục đích thuế thu nhập của Mỹ”.

Người ta quan tâm rất nhiều đến thuế thu nhập đó là bởi loại thuế này vừa bất hợp lý, vừa bất công: nó quy định đánh thuế vào thu nhập với các mức lũy tiến siêu cao, rồi sau đó cung cấp một loạt các “lối thoát hiểm” tiện lợi đến mức gần như chẳng một ai, dù giàu đến đâu, phải nộp mức cao nhất hoặc gần như thế. Năm 1960, người có thu nhập trung bình trước thuế dao động từ 200.000 đến 500.000 đô-la nộp khoảng 44%, trong khi rất nhiều người với thu nhập trước thuế hơn 1 triệu đô-la cũng chỉ nộp mức thấp hơn ngưỡng 50% nhiều – tức là cũng chỉ bằng mức một người thu nhập 42.000 đô-la.

Một lời buộc tội khá quen thuộc khác coi: thuế thu nhập là con rắn trong Vườn Địa đàng nước Mỹ, bày ra những cám dỗ lách thuế, làm nhà nước bị “thất sủng” cứ mỗi tháng Tư về. Nhưng một nhóm chỉ trích khác thì cho rằng vì tính chất như mê cung (Luật Thu nhập Thuế trong nước năm 1954 dài tới hơn 1.000 trang kèm theo các phán quyết tòa án và các quy định của Sở thuế vụ hướng dẫn thực thi làm nó kéo dài tới 17.000 trang), thuế thu nhập không chỉ dẫn tới hệ lụy “ngớ ngẩn” như các diễn viên kiêm thêm sản xuất sỏi hay những “cổ đông” còn đang ở trong bào thai; nó còn là thứ luật công dân không thể tự thân tuân thủ nổi. Các nhà phê bình tuyên bố tình huống này dẫn tới thực trạng thiếu dân chủ, vì chỉ người giàu mới có tiền tìm đến dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp cắt cổ để hợp pháp hóa việc giảm thuế tới mức tối đa.

Toàn bộ luật thuế này gần như chẳng có nổi một người bênh vực cho nó, dù những nhà nghiên cứu đầu óc sáng suốt nhất của đề tài này cũng nhất trí rằng trong nửa thế kỷ qua, kể từ khi đi vào hiệu lực, luật này đã mang lại tác động tái phân phối phúc lợi lớn và lành mành. Khi nói tới thuế thu nhập, hầu như ai cũng muốn cải tổ nó. Tuy nhiên, phần lớn chúng ta lại bất lực với nó, lý do chính là: i) sự phức tạp đến choáng váng của chủ đề này; chỉ cần nhắc đến nó, trí óc con người đã trở nên trống rỗng; ii) sự ủng hộ nhiệt thành, am tường, cụ thể của từng nhóm nhỏ về những điều khoản nhất định có lợi cho họ. Giống như bất kỳ một luật thuế nào, luật của chúng ta gần như miễn dịch với cải cách; của cải mà con người tích lũy được thông qua các công cụ trốn thuế có thể – và thường xuyên – được sử dụng để chống lại việc xóa bỏ những công cụ ấy. Những sự chi phối đó kết hợp với nhu cầu ngân sách khốc liệt từ ngân khố cho chi tiêu quốc phòng và các chi phí gia tăng khác của chính phủ (dù chưa tính đến các cuộc chiến tranh căng thẳng như chiến tranh ở Việt Nam), đã mang lại hai chiều hướng rõ rệt: Tại Mỹ, việc nâng mức thuế và áp dụng các công cụ tránh thuế là khá dễ, trong khi việc giảm thuế và xóa bỏ các công cụ trốn thuế lại khá khó. Hay sự thể có vẻ như vậy cho đến năm 1964, khi một nửa quy luật chính trị tự nhiên này bị thách thức ngoạn mục bởi một pháp chế, ban đầu do Tổng thống Kennedy đề xuất và sau này được Tổng thống Johnson triển khai tiếp: giảm thuế cơ bản cá nhân theo hai giai đoạn, mức thấp nhất từ 20% xuống 14%, mức cao nhất từ 91% xuống 70% và giảm mức cao nhất đánh vào các tổng công ty từ 52% xuống còn 48%. Nói chung, đây là mức cắt giảm lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Tuy nhiên, nửa còn lại của quy luật kia vẫn giữ nguyên không suy chuyển. Những đề xuất về thay đổi thuế do Tổng thống Kennedy đề xướng bao gồm một chương trình với những cải cách đáng kể nhằm xóa sổ các công cụ trốn thuế bị phản đối ghê gớm đến nỗi chính Kennedy phải lập tức bãi bỏ phần lớn số đó và gần như không cải cách nào trong số đó được ban hành.

“Hãy đối mặt với nó, Clitus, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên thuế. Cái gì cũng thuế và thuế,” một luật sư nói với đồng nghiệp trong tập truyện ngắn của Louis Auchincloss mang tên Powers of Attorney (Quyền lực của luật sư) và luật sư kia, người theo chủ nghĩa truyền thống, chỉ có thể chêm vào một sự phản đối chiếu lệ. Tuy nhiên, nếu xét đến sức lan tỏa rộng rãi của thuế thu nhập trong đời sống Mỹ, có thể thấy một điều kỳ quặc là hiếm khi tiểu thuyết Mỹ nhắc tới nó. Sự thiếu sót này có lẽ cho thấy sự thiếu duyên văn học của đề tài này, nhưng cũng có thể phản ánh một sự bức bối trên toàn quốc về thuế thu nhập: chúng ta đã cầu cho nó tồn tại nhưng lại không cầu cho nó chết đi, một sự hiện diện không hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu, mà thực chất là quá to lớn, quá vô nhân đạo và quá nhập nhằng về mặt đạo đức đến mức ngoài sức tưởng tượng của con người. Hẳn có người sẽ hỏi trên thế giới thì sao, có phải mọi chuyện cũng đã như thế?

Thuế thu nhập chỉ thực sự phát huy hiệu quả tại một quốc gia công nghiệp có nhiều người làm công ăn lương và lịch sử đánh thuế là tương đối ngắn và đơn giản. Các loại thuế phổ biến thời cổ đại, giống như thuế đã buộc Đức Mẹ Mary và ngài Joseph tới Bethlehem trước ngày ra đời của Chúa Hài đồng, vẫn luôn là thuế đinh, đánh cố định trên mọi đầu người, chứ không hẳn là thuế thu nhập. Khoảng trước năm 1800, chỉ có hai nỗ lực quan trọng để xây dựng thuế thu nhập được thực hiện: một ở Florence hồi thế kỷ XV, và một ở Pháp hồi thế kỷ XVIII. Nói chung, cả hai đều là hiện thân cho những nỗ lực của giai cấp thống trị tham lam muốn bóc lột bề tôi. Theo nhà sử học lỗi lạc nhất về thuế thu nhập, ngài Edwin R. A. Seligman quá cố, nỗ lực của người Florence nhanh chóng chết yểu bởi chính quyền thối nát và bất tài. Thuế của Pháp thời kỳ trước cách mạng Pháp do Louis XIV ban hành năm 1710 là 10%, sau này được cắt giảm xuống còn một nửa nhưng chưa kịp thời nên chính quyền cách mạng đã thanh trừng thuế này cùng những người đặt ra thuế đó. Trước tấm gương đó, Anh ban hành thuế thu nhập năm 1798 để trang trải chi phí tham chiến trong các cuộc chiến tranh cách mạng tại Pháp và xét trên một số khía cạnh, thuế này của Anh là thuế thu nhập đầu tiên trong lịch sử cận đại. Thứ nhất, nó chia ra nhiều mức tịnh tiến, bắt đầu từ miễn thuế cho các mức thu nhập hàng năm dưới 60 bảng, 10% cho mức thu nhập từ 200 bảng trở lên. Thứ hai, thuế này công phu, bao gồm 124 mục, dài tới 152 trang. Tức thời, quần chúng rầm rầm phản đối và liền sau đó, các loại sổ tay nhỏ lên án nó ra đời. Một người viết loại sách này, dường như muốn nhìn lại những hành động dã man thời cổ đại từ góc nhìn năm 2000, đã nói về những người thu thuế thu nhập ngày xưa là lũ “tay sai”, “lũ súc sinh tàn nhẫn…. với tất cả sự man rợ của sự xấc láo và dốt nát tự cao tự đại”. Sau khi chỉ đạt doanh thu thuế khoảng 6 triệu bảng một năm trong ba năm, nó được bãi bỏ năm 1802 – phần lớn là vì nạn trốn thuế tràn lan, sau khi có Hiệp ước Amiens. Nhưng năm tiếp theo, khi ngân khố Anh lại một lần nữa rơi vào cảnh túng quẫn, Nghị viện ban bố một luật thuế thu nhập mới. Luật mới này đi trước thời đại một cách ngoạn mục: nó quy định về việc trích lại thu nhập từ nguồn và có lẽ bởi lý do này, nó còn bị ghét thậm tệ hơn luật thuế trước đó, cho dù mức cao nhất của thuế mới chỉ bằng một nửa mức cao nhất của thuế cũ.

Thế nhưng dần dần bất chấp nhiều lần thất bại, thậm chí nhiều thời kỳ dài bị lãng quên hoàn toàn, thuế thu nhập ở Anh bắt đầu khởi sắc. Cái gì cũng vậy, vấn đề vẫn chỉ đơn giản là thói quen. Lúc đầu, người ta la ó phản đối ở mức chói tai nhất, táo tợn nhất. Năm tháng trôi qua, khi thuế này có đà phát triển mạnh mẽ hơn, tiếng nói từ những kẻ thù của nó bị bịt lại. Thuế thu nhập của Anh, bị bãi bỏ một năm sau chiến thắng Waterloo, được miễn cưỡng sửa đổi vào năm 1832, được ngài Robert Peel bảo trợ nhiệt thành một thập kỷ sau đó và duy trì hiệu lực kể từ đó về sau. Mức thuế cơ bản trong nửa sau của thế kỷ XIX đao động trong khoảng 5% và dưới 1%, tính đến cuối năm 1913 mức này chỉ là 2,5%, cộng với tỷ lệ phụ áp dụng đối với khung thu nhập cao. Ý tưởng của Mỹ về việc đánh thuế thật cao cho khung thu nhập cao cuối cùng cũng được áp dụng ở Anh, mặc dù đến giữa thập niên 1960, khung thuế cao nhất của Anh là hơn 90%.

Đâu đó trên thế giới – hay chí ít là tại các nước kinh tế phát triển – Các nước đang dựa trên tín hiệu này của Anh để xây nên thuế thu nhập trong thế kỷ XIX. Thời hậu cách mạng, Pháp nhanh chóng ban hành thuế thu nhập, rồi bãi bỏ và suốt nửa sau thế kỷ XIX vẫn xoay xỏa mà không cần loại thuế này. Cuối cùng, khi tổn thất từ việc mất đi nguồn thuế này đã lên đến mức không thể chịu nổi, người ta lại đưa nó vào áp dụng và nó trở thành rường cột bất di bất dịch trong nền kinh tế Pháp. Thuế thu nhập là một thành quả đầu tiên, nếu không nói là ngọt ngào nhất, của sự đoàn kết dân tộc nước Ý; trong khi đó, một số bang ly khai khỏi Ý để định sáp nhập vào Đức đã áp dụng thuế thu nhập từ trước khi thống nhất vào Đức. Đến năm 1911, thuế thu nhập cũng đã xuất hiện tại Áo, Tây Ban Nha, Bỉ, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Hà Lan, Hy Lạp, Luxembourg, Phần Lan, Australia, New Zealand, Nhật Bản và Ấn Độ.

Còn đối với nước Mỹ, quy mô khổng lồ của doanh thu từ thuế thu nhập tại đây và sự ngoan ngoãn thấy rõ của những người nộp thuế là niềm ghen tỵ của chính quyền khắp mọi nơi. Quốc gia này lạch bạch đi sau trong vấn đề thiết lập thuế thu nhập và mất nhiều năm lập-bỏ thuế thu nhập. Thực tế, thời thuộc địa Mỹ tồn tại nhiều hệ thống thu thuế khác nhau phảng phất có nét tương đồng với thuế thu nhập. Ví dụ, từng có thời điểm ở Rhode Island, mỗi công dân có nhiệm vụ dự đoán tình hình tài chính, xét cả thu nhập và tài sản của 10 người hàng xóm của mình, để lấy căn cứ cho việc tính thuế. Nhưng những chương trình như vậy vừa không hiệu quả vừa khó tránh khỏi việc tạo ra những cơ hội lạm dụng và đều sớm chết yểu. Người đầu tiên đề xuất thuế thu nhập liên bang là Bộ trưởng Tài chính, Alexander J. Dallas, dưới thời Tổng thống Madison. Ông đề xuất loại thuế này vào năm 1814 nhưng mấy tháng sau đó, chiến tranh năm 1812 kết thúc, nhu cầu đối với doanh thu công giảm đi và người ta phản đối quyết liệt đề xuất của ông đến nỗi chủ đề này không được nêu lại cho đến thời điểm xảy ra Nội chiến, khi cả Liên bang miền Bắc lẫn Liên minh miền Nam đều ban bố các dự thảo về thuế thu nhập. Trước năm 1900, rất ít loại thuế thu nhập được ban hành mới mà không kích động chiến tranh. Các loại thuế thu nhập quốc gia đã từng – và cho đến khá gần đây vẫn như vậy – là những biện pháp chiến tranh và quốc phòng. Tháng 6 năm 1862, kích động trước quan ngại của nhân dân về khoản nợ công đang ngày càng phình to lên với tốc độ 2 triệu đô-la/ngày, Quốc hội Mỹ miễn cưỡng thông qua luật quy định áp thuế thu nhập lũy tiến, tối đa là 10% và vào ngày 1 tháng 7, Tổng thống Lincoln ký ban hành luật này cùng với một dự luật trừng phạt tội đa thê. (Ngày hôm sau, cổ phiếu trên Sàn giao New York rớt xuống đáy, đương nhiên không phải do dự luật về đa thê.)

“Tôi được đánh thuế thu nhập! Tuyệt làm sao! Suốt đời này tôi chưa bao giờ cảm thấy mình quan trọng đến thế!” Mark Twain viết trên tờ Territorial Enterprise xuất bản tại Virginia City, bang Nevada, sau khi ông thanh toán hóa đơn thuế thu nhập cá nhân đầu tiên cho năm 1846 trị giá 36,82 đô-la, bao gồm khoản tiền phạt 3,12 đô-la vì nộp chậm. Mặc dù chẳng mấy người nộp thuế tỏ ra hồ hởi như nhà văn nhưng luật thuế này vẫn giữ nguyên hiệu lực cho đến năm 1872. Tuy nhiên, nó cũng trải qua chu kỳ biến thiên lên – xuống và sửa đổi nhiều lần, trong đó vào năm 1865, luật này xóa sổ các mức lũy tiến dựa trên một lập luận rất thú vị rằng việc áp thuế 10% đối với thu nhập cao và dưới 10% với thu nhập thấp chính là nguyên nhân gây phân biệt đối xử vô lý trong phân phối của cải. Doanh thu từ thuế hàng năm nhảy vọt từ 2 triệu đô-la năm 1863 lên 73 triệu đô-la vào năm 1866, sau đó giảm mạnh. Trong hai thập kỷ, bắt đầu từ thập niên 1870, thuế thu nhập là điều không lọt vào đầu người Mỹ. Vào năm 1893, khi sự thể đã rõ là nước Mỹ đang dựa vào một hệ thống thuế lạc hậu, đánh thuế quá nhẹ cho doanh nhân và giới chuyên gia, Tổng thống Cleveland đã đề xuất thuế thu nhập. Đề xuất này liền sau đó vấp phải sự la ó đến chói tai. Thượng nghị sĩ John Sherman bang Ohio, cha đẻ của Đạo luật chống độc quyền Sherman, gọi đề xuất đó là “học thuyết ác hiểm”, một thượng nghị sĩ khác thì cay nghiệt: “Giáo sư với mớ sách vở… [và] kẻ vô chính phủ với những quả bom của họ”, trong khi đó ở Nhà Trắng, một nghị sĩ bang Pennsylvania thì chẳng cần úp mở:

Thuế thu nhập! Một loại thuế quá tởm đến mức không chính quyền nào dám đặt ra, trừ phi có chiến tranh… Thật kinh tởm không lời tả xiết về khía cạnh đạo đức và vật chất. Nó không thuộc về một đất nước tự do. Nó là luật của giai cấp… Có phải các vị đang muốn trọng thưởng cho sự dối trá và khuyến khích khai man? Việc áp thuế đó sẽ làm băng hoại con người. Nó sẽ mang theo hệ quả là những kẻ gián điệp và kẻ chỉ điểm. Nó sẽ đẻ ra một bầy quan chức với quyền lực thẩm tra. Thưa ngài Thủ tướng, thông qua dự luật đó đi và Đảng Dân chủ đang ký vào bản án tử hình của chính mình đấy.

Đề xuất châm ngòi làn sóng phẫn nộ này là về một loại thuế thống nhất ở mức 2% đối với thu nhập trên 4.000 đô-la, được ban hành vào năm 1894. Đảng Dân chủ sống sót, còn luật mới đó thì không. Trước khi có thể đi vào hiệu lực, luật này bị Tòa án tối cao bác bỏ, dựa trên lập luận rằng nó vi phạm điều khoản của Hiến pháp quy định cấm các loại thuế “trực tiếp” trừ phi được phân bổ theo bang dựa trên quy mô dân số (thật lạ khi điểm này chưa từng bị vạch ra đối với thuế thu nhập thời Nội chiến) và vấn đề thuế thu nhập lại chết thêm một lần nữa, lần này kéo dài một thập kỷ rưỡi. Năm 1990, theo cái mà quan chức thuế Jerome Hellerstein gọi là “một trong những bước ngoặt mỉa mai nhất trong các sự kiện chính trị trong lịch sử Mỹ”, Tu chính án số 16 cuối cùng đã trao cho Quốc hội quyền áp thuế không cần phân bổ theo bang được đề xuất bởi Đảng viên Cộng hòa. Những kẻ thù kiên trung của thuế thu nhập vốn xem bước đi này như là một động thái chính trị; họ tự tin rằng Tu chính án này sẽ không bao giờ được các bang thông qua. Rủi thay cho họ, năm 1913, Tu chính án này được thông qua và cuối năm đó, Quốc hội ban hành thuế lũy tiến áp dụng với cá nhân trong hạng mức từ 1% đến 7% và một thuế đồng loạt 1% áp cho các lợi nhuận ròng của các tổng công ty. Thuế thu nhập hiện diện trong cuộc sống Mỹ kể từ đó đến nay.

Nhìn chung, từ năm 1913, lịch sử của thuế này là lịch sử của tăng thuế và sự xuất hiện rất đúng lúc những điều khoản đặc biệt để cứu cho nhóm bị đánh thuế cao khỏi việc phải trả những mức thuế này. Đợt tăng mạnh đầu tiên diễn ra trong thời kỳ Thế chiến I, đến năm 1918, mức đáy là 6%, còn mức kịch trần áp dụng cho thu nhập chịu thuế trên 1 triệu đô-la là 77%, tức là cao hơn nhiều so với bất kỳ mốc nào chính phủ trước đó từng mạo hiểm đánh vào một khung thu nhập. Nhưng chiến tranh chấm dứt, “đời sống trở lại bình thường” đã đưa đến một xu thế hoàn toàn trái ngược, đi cùng với nó là một kỷ nguyên áp thuế thấp như nhau cho cả người giàu lẫn người nghèo. Các mức thuế được giảm theo từng cấp độ cho đến năm 1925, khi thang thuế tiêu chuẩn dao động từ mức thấp nhất 1,5% đến mức cao nhất là 25%. Hơn nữa, đại đa số người làm công hưởng lương được miễn bất kỳ loại thuế nào khi chính sách cho phép mức miễn trừ cá nhân (trong thuế thu nhập) là 1.500 đô-la đối với cá nhân độc thân, 3.500 đô-la đối với cặp đã kết hôn và 400 đô-la đối với mỗi người lệ thuộc. Chưa hết, vì trong thập niên 1920, các điều khoản về lợi ích đặc thù bắt đầu xuất hiện. Điều khoản quan trọng đầu tiên được thông qua năm 1922, lập nên nguyên tắc ưu đãi với lãi vốn; có nghĩa là, tiền kiếm được nhờ việc tăng giá trị của các khoản đầu tư lần đầu tiên được đánh thuế ở mức thấp hơn tiền kiếm được từ lương hoặc từ các dịch vụ. Sau đó, vào năm 1926, xuất hiện một kẽ hở mà không hồ nghi gì nữa, đã khiến những người không được hưởng màu mè gì từ đó phải “nghiến răng” hơn nữa – khấu trừ cạn kiệt tài nguyên27 áp dụng cho xăng, theo đó cho phép một chủ giếng dầu được hưởng khấu trừ trong thu nhập chịu thuế của anh ta lên đến tới 27,5% tổng thu nhập hàng năm từ giếng dầu và tiếp tục khấu trừ như thế cho các năm sau, ngay cả khi chi phí ban đầu của cái giếng đã được khấu trừ hết sạch. Chẳng biết thập niên 1920 có phải là thập niên vàng cho người Mỹ nói chung hay không, nhưng đích thị là thập niên vàng cho người nộp thuế ở Mỹ.

27 Depletion allowance: khấu trừ cạn kiện hay miễn thuế để tái tạo mỏ hay trợ cấp phòng chống hao hụt. Trong luật thuế Mỹ, đây là khoản khấu trừ mà bất kỳ ai có lợi ích kinh tế trong một mỏ khoáng sản hoặc gỗ chưa thu hoạch đều có thể đòi hỏi được hưởng. Nguyên tắc của việc này là: tài sản chính là một khoản đầu tư vốn (một tài khoản cạn kiệt/tài khoản hao mòn dần) và do đó được hưởng phần bù trừ cho khấu hao này (dưới dạng tổn thất vốn) trong thu nhập.

Suy thoái và chính sách kinh tế mới28 kéo theo xu thế tăng mức thuế và giảm mức miễn trừ thuế, dẫn tới kỷ nguyên cách mạng thực sự trong hệ thống thuế thu nhập liên bang: kỷ nguyên của Thế chiến II. Đến năm 1936, chủ yếu do tốc độ tăng quá nhanh của chi tiêu công, thuế áp cho nhóm thu nhập cao gần như tăng gấp đôi so với các mức hồi cuối thập niên 1920 và mức cao nhất là 79%; trong khi đó, ở nhóm dưới của chiếc thang, các mức miễn thuế cá nhân lại giảm xuống tới mốc mà một cá nhân buộc phải trả một khoản thuế nhỏ cho dù thu nhập của anh ta chỉ là 1.200 đô-la. (Thực tế, vào thời điểm đó, hầu hết thu nhập của công nhân trong các ngành công nghiệp không vượt quá 1.200 đô-la). Năm 1944 và 1945, bảng thuế cá nhân đạt tới mức kỷ lục trong lịch sử – 23% cho đối tượng thu nhập thấp và 94% cho đối tượng thu nhập cao – trong khi thuế thu nhập đánh vào các tổng công ty, nhích dần từ mức sơ khởi 1% của năm 1913, đã lên đến điểm trong đó nhiều công ty sẽ phải chịu mức thuế 80%. Tuy nhiên, điều mang tính cách mạng về hệ thống thuế thời chiến không nằm ở việc đánh những mức thuế cao đối với các nhóm thu nhập cao; thực tế, năm 1942, khi làn sóng này dẫn lên đến đỉnh, một phương thức trốn thuế mới dành cho nhóm chịu thuế cao xuất hiện: thời hạn mà cổ phiếu hay các tài sản khác phải được giữ lại để được hưởng lợi từ điều khoản về thuế thu nhập lãi vốn bị giảm từ 18 tháng xuống còn 6 tháng. Sự cách mạng nằm ở chỗ tăng tiền lương các ngành công nghiệp và mở rộng các mức thuế suất đáng kể đối với người hưởng lương, làm cho người đó lần đầu tiên trở thành người đóng góp quan trọng cho doanh thu của nhà nước. Đột nhiên, thuế thu nhập trở thành thuế hàng loạt.

28 Chính sách kinh tế mới (New Deal) là tên gọi của một tập hợp các đạo luật, chính sách, giải pháp nhằm đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc Đại suy thoái kinh tế 1929-1933. Chính sách kinh tế mới gắn liền với tên tuổi của vị Tổng thống thứ 32 của Mỹ, Franklin Delano Roosevelt (gọi tắt là FDR).

Và thuế này được duy trì lưu hành kể từ đó. Mặc dù thuế thu nhập áp cho doanh nghiệp lớn và vừa đã ổn định ở mức đồng loạt là 52%, nhưng mức giảm đối với cá nhân không thay đổi gì nhiều từ năm 1945 đến năm 1964. (Nghĩa là, tỷ lệ cơ bản không thay đổi nhiều; có 5 đến 17 đợt hoàn thuế trong thời kỳ từ 1946 đến 1950) và phạm vi dao động là từ 20%-91% tính đến năm 1950. Thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên, người ta chứng kiến tỷ lệ này tăng nhẹ, nhưng sau đó về lại mức cũ vào năm 1954. Năm 1950, một con đường trốn thuế quan trọng khác dưới danh nghĩa “quyền mua cổ phiếu hạn chế” mở ra, tạo điều kiện cho một số giám đốc điều hành doanh nghiệp chỉ bị đánh thuế cho phần tiền vượt ngưỡng của họ ở mức thuế lãi vốn thấp. Sự thay đổi đáng kể, không nhìn thấy được qua bảng mục tính thuế, là sự tiếp nối của cách tính cũ triển khai từ thời kỳ chiến tranh. Ví dụ, sự tăng gánh nặng thuế tương ứng mà nhóm thu nhập trung bình và thấp phải cáng đáng. Nghịch lý có vẻ nằm ở chỗ, cuộc cách mạng trong thuế thu nhập của chúng ta đi từ chỗ áp dụng mức thuế thấp (phụ thuộc vào doanh thu) đối với nhóm thu nhập cao chuyển thành áp mức thuế cao đối với các nhóm thu nhập trung bình và dưới trung bình. Thuế trong thời gian Nội chiến, chỉ áp dụng cho 1% dân số, rõ ràng là thuế nhà giàu và thuế năm 1913 cũng được liệt vào dạng tương tự. Ngay cả năm 1918, đỉnh điểm của việc thắt lưng buộc bụng ngân sách do hệ quả của Thế chiến I, chỉ có chưa đầy 4,5 triệu người Mỹ trên tổng dân số 100 triệu phải điền và nộp tờ khai thuế. Năm 1933, khi đang ở cao trào khủng hoảng, chỉ có 3,75 triệu tờ khai thuế được điền và năm 1939, chỉ giới tinh tú bao gồm 700.000 người nộp thuế trên tổng dân số 130 triệu người (chiếm chín phần mười toàn bộ doanh thu thuế thu nhập), trong khi vào năm 1960 có khoảng 32 triệu người nộp thuế (khoảng hơn một phần sáu tổng dân số) đóng góp khoảng chín phần mười tổng thu, và với con số to đùng như vậy mà chỉ thu về khoảng 35,5 triệu đô-la, so với gần 1 tỷ đô-la vào năm 1939.

Nhà sử học Seligman viết vào năm 1911 rằng, lịch sử của việc đánh thuế thu nhập trên thế giới nhất thiết bao gồm “tiến trình hướng tới việc tính thuế dựa trên khả năng nộp thuế”. Có người tự hỏi, nếu vẫn còn sống, không biết ông ta sẽ còn bổ sung tiêu chí gì nữa không, trên cơ sở trải nghiệm tại Mỹ kể từ thời đó. Dĩ nhiên, lý do mà những người có thu nhập trung bình phải trả thuế nhiều hơn trước kia là vì có thêm rất nhiều người có thu nhập như vậy. Những thay đổi trong cấu trúc kinh tế-xã hội của Mỹ – cũng giống như cơ cấu của thuế thu nhập – là nguyên nhân chính đối với việc chuyển dịch. Nhưng trên thực tế, có thể là thuế thu nhập bản địa của năm 1913 tính các mức thuế cá nhân dựa trên khả năng chi trả của từng người nghiêm ngặt hơn so với thuế thu nhập ngày nay.

Cho dù luật thuế thu nhập của Hoa Kỳ có khiếm khuyết gì đi chăng nữa, thì có một sự thật không phải bàn cãi là thuế của Hoa Kỳ được tuân thủ tốt nhất thế giới; các thuế thu nhập hiện nay áp dụng khắp mọi nơi, từ phương Đông tới phương Tây, từ Bắc cực đến Nam cực. (Trên thực tế, toàn bộ mấy chục quốc gia mới thành lập trong những năm gần đây đều ban hành các biện pháp về thuế thu nhập. Walter H. Diamond, biên tập viên của ấn phẩm Foreign Tax & Trade Briefs (Tóm lược thương mại và thuế ngoại quốc) đã lưu ý rằng khoảng năm 1955, ông có thể đọc vanh vách tên của 20 nước cả lớn cả bé không đánh thuế cá nhân; nhưng đến năm 1965, những cái tên ông có thể đọc được chỉ còn là vài nước thuộc địa của Anh như Bermuda và Bahamas, một số nước cộng hòa nhỏ như San Marino và Andorra, ba nước Trung Đông có trữ lượng dầu mỏ lớn: Vương quốc Muscat, Vương quốc Oman, Kuwait và Qatar; hai nước khá hiếu khách: Monaco và Ả Rập Saudi, chỉ đánh thuế thu nhập của người ngoại quốc đang lưu trú chứ không đánh vào công dân nước mình. Thậm chí các nước cộng sản cũng áp dụng thuế thu nhập, dù phần thu từ thuế này chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong toàn bộ nguồn thu. Nga áp dụng các mức thuế khác nhau tùy theo ngành nghề: chủ cửa hàng và giáo sĩ xếp vào nhóm cao nhất, nghệ sĩ và nhà văn xếp vào nhóm gần mức trung bình, người lao động và thợ thủ công thuộc nhóm đáy). Có vô vàn bằng chứng về tính hiệu quả siêu việt của hệ thống thu thuế ở Mỹ, ví dụ như chi phí quản lý hành chính và thực thi chỉ chiếm khoảng 44 xu trong mỗi 100 đô-la thu được, so với con số gấp đôi ở Canada, gấp ba ở Anh, Pháp và Bỉ, và gấp nhiều lần ở những nơi khác. Đến cuối nhiệm kỳ của mình, Mortimer M. Caplin, Giám đốc Sở thuế vụ Hoa Kỳ từ tháng 1 năm 1961 đến tháng 7 năm 1964, tổ chức tham vấn với các nhà quản trị thuế hàng đầu của sáu nước Tây Âu và câu hỏi được hỏi đi hỏi lại là: “Làm cách nào các ông làm được như thế? Có phải ở nước ông người dân thích nộp thuế chăng?”

Dĩ nhiên là họ không thích nhưng, như Caplin trả lời lúc đó: “Chúng tôi có nhiều lợi thế mà người châu Âu không có.” Một lợi thế đó là truyền thống. Thuế thu nhập của Mỹ ra đời và phát triển không phải từ những âm mưu của các đế vương chỉ muốn nhồi đầy két của mình bằng xương máu của bầy tôi, mà là nỗ lực của một chính quyền được bầu cử lên để phục vụ lợi ích chung của dân tộc. Một luật sư thuế cách đây không lâu đã phát biểu: “Ở hầu hết các nước, không thể tham gia một cuộc thảo luận nghiêm túc về các loại thuế thu nhập vì chúng không được coi là vấn đề nghiêm túc.” Ở đây, chúng được xem xét một cách nghiêm túc và một phần của lý do này là ở quyền hành cũng như năng lực của “cảnh sát thuế thu nhập”, tức là Sở thuế vụ.

Kể từ đầu năm 1965, Sở thuế vụ có tới gần 60.000 nhân viên, trong đó có 6.000 nhân viên kiểm tra thuế và hơn 12.000 nhân viên thuế, 18.000 con người này có quyền thẩm tra từng đồng từng xu thu nhập của mỗi cá nhân, từ những gì được thảo luận tại một bữa ăn để tính công vụ phí. Nhưng Sở thuế vụ còn tham gia nhiều hoạt động khác ngoài việc thu thuế thực tế và một số hoạt động này cho thấy Sở thực hiện sự chuyên chính của mình một cách công bằng, nếu không muốn nói là thật sự nhân từ. Một chương trình đáng chú ý là giáo dục người nộp thuế trên một quy mô lớn đến mức các quan chức thuế phấn khởi khoe rằng Sở thuế vụ đang vận hành trường đại học lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, Sở thuế sẽ xuất bản hàng chục ấn phẩm giải thích các khía cạnh của luật; ấn phẩm phổ quát nhất trong số này có tên “Thuế Thu nhập Liên bang của bạn” sẽ được ấn hành hàng năm, năm 1965 có thể được mua với giá 40 xu tại Văn phòng Hạt trưởng. Cuốn sách này phổ biến đến nỗi nó thường được các nhà xuất bản tư nhân tái bản, bán cho những người dễ tính với giá 1 đô-la hoặc hơn. (Vì các ấn phẩm của chính phủ không được bảo hộ bản quyền, nên điều này là hoàn toàn hợp pháp). Sở thuế cũng thực hiện “tóm tắt điều khoản” các vấn đề kỹ thuật vào mỗi tháng Mười hai hàng năm để giác ngộ cho “tập đoàn hành nghề thuế” khổng lồ, kế toán và luật sư, những người sau đó sẽ phải xử lý các bản khai thuế cá nhân và doanh nghiệp. Sở cho xuất bản các cẩm nang thuế cơ bản được in ấn riêng để phân phát miễn phí cho bất kỳ trường trung học nào có yêu cầu và theo một quan chức của Sở thuế, khoảng 85% các trường trung học Mỹ đều xin tài liệu này. Ngoài ra, ngay trước hạn chót nộp thuế hàng năm, Sở thuế vụ sẽ đăng tải trên truyền hình những điểm đáng lưu ý và trọng tâm của thuế này. Cơ quan này tự hào rằng đa số các vấn đề trọng tâm đều nhắm tới việc người nộp thuế không bị trả vượt mức.

Mùa thu năm 1963, Sở thuế có một bước đi lớn trong việc tăng cường hơn nữa hiệu quả của việc thu thuế: thành lập hồ sơ căn cước quốc gia, bao gồm việc cấp cho mỗi người đóng thuế một số tài khoản (thường cũng chính là số an ninh xã hội của người đó) nhằm triệt tiêu toàn bộ vấn đề gây ra bởi những người không chịu kê khai nguồn thu nhập từ lợi tức công ty hay từ lãi suất tài khoản ngân hàng hay trái phiếu, một hình thức trốn thuế đã làm thâm hụt Ngân khố quốc gia hàng trăm triệu đô-la mỗi năm. Nhưng không chỉ có thế, khi người khai nhập số tài khoản vào tờ khai, họ lập tức được xác nhận “có” cho khoản thuế khai báo và phải nộp; đồng thời, bất kỳ sự hoàn thuế nào cũng sẽ được nhanh chóng ghi “có” trong tài khoản”. Sau đó, Sở thuế vụ bắt đầu có một bước đi khổng lồ khác: ban hành một hệ thống tính toán tự động cho phần lớn quy trình kiểm tra thuế, theo đó bảy máy tính khu vực sẽ thu thập và đối chiếu các dữ liệu được nhập vào máy chủ xử lý dữ liệu trung tâm tại Martinsburg, bang Tây Virginia. Hệ thống thực hiện 250.000 so sánh trong một giây này đã được gọi là “yêu quái Martinsburg” ngay từ trước khi được đưa vào vận hành chính thức. Năm 1965, khoảng bốn đến năm triệu tờ khai một năm được kiểm toán toàn diện và toàn bộ các tờ khai đều được đối chiếu xem có bị nhầm số liệu hay không. Một số khâu tính toán được thực hiện bằng máy tính, một số do con người thực hiện nhưng đến năm 1967, khi hệ thống máy tính hoạt động hết công suất, toàn bộ các khâu tính toán được làm bằng máy, tạo điều kiện cho nhiều nhân viên Sở rảnh tay để kiểm soát chi tiết một lượng tờ khai còn lớn hơn thế. Theo một ấn phẩm được ủy quyền bởi Sở thuế vụ hồi năm 1963, “công suất và bộ nhớ của hệ thống [máy tính] sẽ giúp người nộp thuế (hoặc quên mất những khoản dư năm trước của mình hoặc chưa được hưởng quyền lợi theo luật”. Tóm lại, hệ thống sẽ trở thành một con yêu quái thân thiện.

Nếu chiếc mặt nạ mà Sở trưng ra cho đất nước những năm gần đây mang một vẻ nhân từ ma quái thì một phần là bởi thực tế, Caplin là một người hướng ngoại vui vẻ, một chính trị gia thiên bẩm, và ảnh hưởng của ông vẫn tiếp tục âm vang dưới thời của người kế nhiệm vào tháng 12 năm 1964, một luật sư Washington trẻ tuổi tên là Sheldon S. Cohen. Cohen đảm nhiệm vị trí này sau quãng thời gian chuyển giao sáu tháng, trong khi đó một chuyên gia ở Sở là Bertrand M. Harding giữ quyền Giám đốc. Caplin được công chúng xem là một trong những giám đốc tài ba nhất trong lịch sử của Sở thuế và ít nhất cũng hơn đứt hai người đồng nhiệm gần nhất: một người chỉ ít lâu sau khi rời nhiệm sở bị kết án và phạt tù giam hai năm vì tội trốn thuế cá nhân, người kia về sau tranh cử vào một chức lớn nhưng trên bình diện phản đối bất kỳ loại thuế thu nhập liên bang nào. Những thành tựu mà Mortimer Caplin, người đàn ông nhỏ bé, hoạt ngôn, năng động lớn lên ở thành phố New York, cựu Giáo sư luật Đại học Virginia, đạt được trong vai trò Giám đốc Sở thuế là xóa bỏ tập quán – mà trước đó bị tố cáo là từng tồn tại – ép chỉ tiêu thu thuế cho các nhân viên Sở thuế. Với đội chức sắc lớn nhất Sở, ông tạo ra ấn tượng không cần bàn cãi của một người liêm trực. Nhờ thế mà ông thu được thuế với một phong cách nhất định, kiểu như một tiểu “Biên giới mới”29, hay như ông gọi, “Định Hướng Mới”. Mũi tiến công chủ đạo của Định Hướng Mới là tăng cường giáo dục để nâng cao sự tự giác tuân thủ luật thuế, thay vì tập trung vào việc săn tìm và truy tố những người vi phạm có chủ ý. Trong một bản tuyên ngôn mà Caplin gửi tới “bầy quan chức” của mình vào mùa xuân năm 1961, ông viết: “Tất cả chúng ta cần hiểu rằng Sở không chỉ đơn giản là nhắm vào việc tạo ra hai tỉ đô-la từ việc định giá đánh thuế bổ sung, thu được một tỉ nữa từ tài khoản quá hạn và truy cứu vài trăm kẻ trốn thuế. Nhiệm vụ của Sở là điều hành hệ thống tự định mức thuế khổng lồ, thu được hơn 90 tỉ đô-la từ những gì người dân tự kê khai trên tờ khai thuế của mình và tự nguyện trả và thêm hai hay ba tỉ đô-la khác đến từ các hoạt động thi hành trực tiếp. Tóm lại, chúng ta không được phép quên rằng 97% tổng doanh thu của chúng ta đến từ sự tự định mức thuế hoặc tuân thủ nộp thuế tự nguyện và chỉ có 3% đến từ việc ép thi hành trực tiếp. (Sứ mệnh chính của chúng ta là khuyến khích và đạt được sự tuân thủ tự nguyện hiệu quả hơn…) Định Hướng Mới thực sự là một sự chuyển dịch trọng tâm. (Nhưng đó là một sự chuyển dịch rất quan trọng.) Có vẻ tinh thần thực thụ của Định Hướng Mới toát lên chuẩn xác hơn trên bìa cuốn sách có tựa đề The American Way in Taxation (Cách đánh thuế kiểu Mỹ) do Lillian Doris chủ biên, xuất bản năm 1963 với sự đề tựa của Caplin. “Đây là câu chuyện hấp dẫn về một tổ chức thu thuế hiệu quả nhất và lớn nhất mà thế giới từng biết – Sở thuế vụ Hoa Kỳ!” trích một phần lời dẫn ở tay gấp sách. “Đây là những sự kiện khuấy đảo, những trận chiến lập pháp cay đắng, những công chức mẫn cán đã hành quân xuyên thế kỷ và để lại một dấu ấn không thể xóa mờ với đất nước chúng ta. Bạn sẽ tràn trề phấn khích với trận chiến pháp lý huyền thoại nhằm ‘giết chết’ thuế thu nhập…. và sẽ ngạc nhiên trước các kế hoạch tương lai của Sở thuế. Bạn sẽ thấy những chiếc máy tính khổng lồ, hiện đang nằm trên bản vẽ, sắp sửa tác động như thế nào đến hệ thống thu thuế và chi phối cuộc sống của nhiều quý ông, quý bà Mỹ theo một cách mới và khác thường!” Lời giới thiệu y hệt lời quảng cáo của một gánh xiếc.

29 “Biên giới mới” (New Frontier) là thuật ngữ Kennedy sử dụng cho chính sách đối nội của mình. Với nhiều tham vọng, chương trình này hứa hẹn cung cấp ngân sách liên bang cho các đề án giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho người già, và chính phủ sẽ can thiệp để kìm hãm đà suy thoái. (BT)

Vấn đề gây tranh cãi là khẩu hiệu “Tự nguyện tuân thủ” của Định Hướng Mới liệu có thể thích hợp để sử dụng cho việc mô tả hệ thống thu thuế mà theo đó khoảng ba phần tư doanh thu từ thuế cá nhân được khấu trừ ngay từ gốc; theo đó Sở thuế và con Yêu quái Martinsburg của nó sẽ rình rập để bắt những người trốn thuế đang lơ là cảnh giác và hình phạt cho hành động trốn thuế là năm năm tù giam cho mỗi vi phạm, cộng với khoản phạt tài chính cực nặng. Tuy nhiên, Caplin dường như chẳng cảm thấy quan ngại chút nào về phương diện này. Với một sự hài hước không mệt mỏi, ông thăm viếng thường xuyên các tổ chức của doanh nhân, kế toán, luật sư của Mỹ, tổ chức các bữa tiệc trưa; khi đó, ông khen ngợi các tổ chức này xưa nay vẫn luôn tự nguyện thi hành thuế và hô hào họ nỗ lực hơn nữa trong tương lai, cam đoan với họ rằng tất cả đều vì sự nghiệp chung cao cả. “Chúng tôi vẫn đang phấn đấu vì chủ nghĩa nhân văn trong việc điều hành thuế của chúng ta,” tuyên bố trên bìa mẫu khai thuế 1964 do Caplin cùng vợ soạn ra. “Tôi thấy công việc này có nhiều điều hài hước lắm,” ông nói với một khách đến chơi sau khi nhận xét về một cuộc họp ăn trưa tại câu lạc bộ Kiwanis tại khách sạn Mayflower, bang Washington. “Năm ngoái kỷ niệm 50 năm sửa đổi thuế thu nhập trong Hiến pháp nhưng Sở thuế chẳng hiểu sao dường như chẳng nhận được chiếc bánh sinh nhật nào.”

Cohen, vị giám đốc kế nhiệm Caplin, vẫn còn tại nhiệm vào giữa năm 1968. Sinh ra và lớn lên tại Washington, năm 1952, Caplin tốt nghiệp thủ khoa lớp tại trường Luật Đại học George Washington. Sau khi tốt nghiệp, ông làm nhân viên ở Sở thuế trong bốn năm. Sau đó, ông hành nghề luật tại Washington trong bảy năm. Cuối cùng, ông trở thành cổ đông của hãng Arnold, Fortas & Porter danh tiếng. Đầu năm 1964, ông trở lại Sở trong vai trò trưởng tư vấn pháp luật. Và một năm sau, ở tuổi 37, ông trở thành ủy viên trẻ nhất trong lịch sử Sở thuế vụ. Cohen đi lên từ văn phòng luật sư chính, sự nổi tiếng đã nâng được vị thế cho văn phòng này cả về triết lý và thực tế; ông chịu trách nhiệm cho cuộc tái cơ cấu hành chính được ngợi khen rộng rãi như hiện thực hóa quá trình ra quyết định nhanh hơn và được biết đến với yêu cầu Sở thuế vụ phải kiên định lập trường pháp lý trong những vụ xử kiện người nộp thuế (ví dụ như tránh kiểu giữ lập trường ủng hộ một mục phạt trong Bộ luật tại Philadelphia nhưng lại chống lại cũng mục đó tại Omaha). Nói chung, khi nhậm chức Cohen nói ông có ý định tiếp nối các chính sách của Caplin: nhấn mạnh vào “sự tuân thủ tự nguyện” để đạt được những mối quan hệ dễ chịu, hay chí ít cũng không khó chịu với người dân nộp thuế… Tuy nhiên, ông ít giao du và thâm trầm hơn Caplin; sự khác biệt này có những tác động đến toàn bộ Sở thuế. Ông gần như dính chặt lấy bàn làm việc, đẩy hết cho thuộc cấp những tiệc ăn trưa “động viên tinh thần”. “Mort rất tuyệt ở những việc như vậy,” Cohen nói như thế vào năm 1965. “Hiện dư luận đang đánh giá cao về Sở, nhờ vào cú huých của ông theo hướng đó. Chúng tôi muốn duy trì dư luận tốt mà không cần phải vận động gì thêm về phía tôi. Dẫu sao đi nữa, tôi không giỏi làm việc đó, tôi không có năng khiếu.”

Văn phòng Giám đốc Sở thường xuyên và đến nay vẫn bị lên án là có quá nhiều quyền lực. Giám đốc không có thẩm quyền đề xuất thay đổi về mức thuế hay khởi xướng các luật thuế mới bởi nó thuộc về Bộ trưởng Tài chính, và người có thể hoặc không cần tham vấn với Giám đốc về vấn đề này; còn việc ban hành và thông qua các luật thuế, dĩ nhiên, là công việc của Quốc hội và của Tổng thống. Nhưng do thuế này bao trùm quá nhiều tình huống nên nó nhất thiết phải được viết theo ngôn ngữ chung chung và Giám đốc Sở là người duy nhất chịu trách nhiệm (có thể bị tòa bác bỏ) việc viết ra các quy định nhằm giải thích chi tiết cho luật. Đôi khi chính bản thân các quy tắc cũng tối nghĩa và trong trường hợp như vậy, người có đủ tư cách giải thích chúng chính là tác giả, Giám đốc Sở thuế. Do đó, thường có chuyện gần như mỗi từ được phát ngôn từ Giám đốc, cho dù tại bàn làm việc hay qua cuộc họp mặt ăn trưa, đều lập tức được vài cơ quan xuất bản về thuế phát tán cho các nhân viên kế toán thuế và luật sư khắp cả nước, được họ ngốn ngấu nuốt chửng luôn mà không phải lúc nào cũng trùng khớp với nhận xét của một quan chức được chính thức chỉ định. Vì vậy, một số người xem Giám đốc Sở là một bạo chúa thực sự. Những người khác, trong đó có các chuyên gia thuế lý thuyết và thực tế, lại không thấy thế. Jerome Hellerstein, một giáo sư luật tại Khoa Luật, Đại học New York đồng thời là chuyên gia tư vấn thuế, cho rằng “phạm vi quyền hạn phân cho Giám đốc Sở là khá lớn và đúng là ông ta có thể làm những việc ảnh hưởng tới sự phát triển của kinh tế quốc gia cũng như số mệnh kinh tế của các cá nhân và công ty. Nhưng nếu ông ta chỉ có phạm vi tự do hành động nhỏ, điều đó sẽ dẫn tới sự cứng nhắc và mặc định trong việc lý giải, khiến những người hành nghề thuế như tôi dễ dàng bẻ cong luật theo hướng có lợi cho khách hàng của họ. Phạm vi quyền hành của Giám đốc Sở tạo cho ông ta cái chất không thể đoán định hợp lý.”

Tất nhiên Caplin không chủ tâm lạm dụng quyền lực và Cohen cũng vậy. Khi gặp Caplin và sau đó là Cohen tại văn phòng Giám đốc, tôi thấy cả hai đều toát lên ấn tượng là những người có trí tuệ siêu phàm đang sống với sự căng thẳng tinh thần cao độ, như Arthur M. Schlesinger, Jr. từng nói về Thoreau30. Và lý do của sự căng thẳng tinh thần này gần như chắc chắn xuất phát từ việc điều khiển nhân dân tuân thủ, dù tự nguyện hay không tự nguyện, một bộ luật người ta không ủng hộ nhiệt tình cho lắm là vô cùng khó khăn. Năm 1958, khi Caplin xuất hiện với vai trò người làm chứng thông thạo về các vấn đề thuế, chứ không phải là một Giám đốc Sở thuế trước Ủy ban Tài chính và Thuế vụ của Hạ viện, ông đề xuất một chương trình cải tổ toàn diện, bao gồm trong số nhiều việc như xóa sổ hoàn toàn hoặc kiềm chế mạnh mẽ việc ưu đãi cho lãi vốn, hạ thấp mức khấu trừ tối đa đối với xăng và các khoáng chất khác; bỏ việc thuế đánh vào cổ tức và cổ phần; dự thảo cuối cùng cho một luật thuế thu nhập hoàn toàn mới để thay cho Thuế năm 1954, mà theo ông sẽ dẫn đến những nỗi “cơ cực, phức tạp và các cơ hội trốn thuế”. Ngay sau khi Caplin mãn nhiệm, ông giải thích tường tận về luật thuế lý tưởng của ông. So với luật thuế hiện tại, nó sẽ tối giản hết mức, những kẽ hở sẽ bị xóa sổ và phần lớn khấu trừ miễn giảm cá nhân cũng bị triệt tiêu hết, thang các mức dao động từ 10-50%.

30 Henry David Thoreau là triết gia, nhà thơ, người viết luận, người ủng hộ bãi nô, theo chủ nghĩa tự nhiên, người chống thuế, người chỉ trích sự phát triển, sử gia, chuyên viên đồ bàn… người Mỹ.

Trong trường hợp của Caplin, việc giải quyết căng thẳng tinh thần, không phải hoàn toàn nhờ vào kết quả của phân tích lý trí. “Một số người chỉ trích có cái nhìn hoàn toàn hoài nghi về thuế thu nhập,” có lần ông trăn trở về phần việc với vai trò Giám đốc của mình. “Họ nói nó ‘quá là bung bét, chẳng làm gì với nó được nữa’. Tôi không thể đồng tình với điều đó. Đúng, nhất thiết còn phải thỏa hiệp nhiều lần và sẽ tiếp tục như vậy. Nhưng tôi không thể chấp nhận thái độ của kẻ bại trận. Từ quan điểm kỹ thuật, cho dù nó có thể tồi tệ đến đâu đi nữa, hệ thống này vẫn có một sức sống nhờ mức độ tuân thủ rất cao.” Ông ngưng một lúc lâu, có lẽ đã nhìn ra một thiếu sót trong lập luận của mình; trong quá khứ, xét cho cùng, việc cộng đồng tuân thủ rộng rãi một bộ luật không phải lúc nào cũng là một dấu hiệu cho thấy nó thông minh hay công bằng. Rồi ông nói tiếp: “Điểm lại mấy năm qua, tôi nghĩ chúng ta sẽ đâu vào đó cả thôi. Có lẽ một thời điểm khủng hoảng nào đó sẽ giúp chúng ta nhìn vượt ra những lợi ích vị kỷ của bản thân. Tôi lạc quan rằng từ nay đến 50 năm nữa chúng ta sẽ có một luật thuế khá tốt.”

Còn với Cohen, ông đang làm trong bộ phận dự thảo luật của Sở thuế vụ vào thời điểm Luật hiện tại đang được soạn thảo và ông cũng góp tay vào việc soạn thảo này. Người ta có thể cho là việc này sẽ khiến ông có cảm giác sở hữu nhất định về nó nhưng thực tế thì không. “Nhớ cho rằng khi ấy chúng ta có một chính quyền Cộng hòa, trong khi tôi là người Dân chủ,” ông nói vào một ngày của năm 1965. “Khi soạn thảo một quy chế, bạn có chức năng của một kỹ thuật viên. Sau đấy, dù bạn có thể cảm thấy tự hào như thế nào thì cũng chỉ là về năng lực kỹ thuật.” Ông bi quan hơn Caplin về việc liệu có thể tìm ra câu trả lời trong sự đơn giản hóa thuế hay không. “Có lẽ chúng ta có thể hạ mức thuế xuống và bỏ đi một số điểm khấu trừ,” ông nói “nhưng khi ấy, chúng ta lại có thể thấy cần những mức khấu trừ mới để tạo ra sự công bằng. Tôi ngờ rằng một xã hội phức tạp sẽ cần một luật thuế phức tạp. Nếu chúng ta đưa vào một luật định đơn giản hơn thì trong một vài năm tới, có khi nó sẽ lại trở thành phức tạp.”

II

“Mỗi quốc gia có một chính phủ mà nó xứng đáng có được,” đó là tuyên bố của nhà văn, nhà ngoại giao người Pháp, Joseph de Maistre vào năm 1811. Tuyên bố trên hàm ý rằng mỗi quốc gia có những luật pháp mà nó xứng đáng có. Đối với trường hợp các chính phủ tồn tại bằng sự đồng thuận của toàn dân, điều này dường như có sức thuyết phục hoàn toàn. Nếu trong pháp lệnh toàn thư của Hoa Kỳ, luật có ý nghĩa quan trọng nhất là luật thuế thu nhập thì xét theo đó, người Mỹ phải có luật thuế thu nhập họ xứng đáng có. Nhiều cuộc thảo luận dài tập về luật thuế thu nhập những năm gần đây xoay quay trọng tâm là những vi phạm thuần túy với luật này, trong đó có việc khai khống các tài khoản chi tiêu doanh nghiệp được hưởng khấu trừ thuế, vấn đề thu nhập chịu thuế chưa khai được trên các tờ khai thuế, gian lận… với con số ước tính cao vút, 25 tỉ đô-la/năm, và vấn đề tham nhũng trong hàng ngũ Sở thuế vụ, mà một số quan chức tin là khá phổ biến, ít nhất là tại các thành phố lớn. Tất nhiên, những hình thức chống lại pháp luật như vậy phản ánh những điểm hạn chế của con người mọi thời đại và trên toàn thế giới. Tuy nhiên, bản thân luật này có những đặc điểm nhất định gắn bó mật thiết với một thời điểm và địa điểm nhất định và nếu de Maistre nói đúng, những đặc điểm này cần phải phản ánh được bản sắc của dân tộc. Như vậy, luật thuế thu nhập ở một mức độ nào đó cần phải là chiếc gương soi của quốc gia.

Phải nhắc lại lần nữa, bộ luật cơ bản theo đó các thuế thu nhập được áp dụng ngày nay là Luật thuế nội vụ năm 1954, được mở rộng bởi vô số các quy định do Sở thuế vụ ban bố, được giải thích chi tiết bằng vô số quyết định tư pháp và được sửa đổi bởi một số Đạo luật của Quốc hội, trong đó có Luật Thu nhập năm 1964. Dài hơn cả bộ Chiến tranh và hòa bình, luật này không tránh khỏi sử dụng các cụm kiểu biệt ngữ làm ong đầu. Một câu khá tiêu biểu định nghĩa về khái niệm “employment” xuất hiện gần cuối trang 564 dài tới hơn 1.000 từ với 19 dấu chấm phẩy, 42 dấu ngoặc đơn, 3 ngoặc đơn trong ngoặc đơn và thậm chí một chấm câu ngắt lưng chừng rất kỳ quặc, kết thúc với một dấu chấm dứt khoát, gần trên cùng của trang 567. Chỉ đến khi đọc đến phần về thuế xuất-nhập khẩu (cùng với các thuế bất động sản và một vài thuế nhập khẩu khác của liên bang) thì ta mới đọc được một câu dễ hiểu và thú vị như: “Mỗi người xuất khẩu bơ oleomargarine31 sẽ đóng dấu ‘Oleomargarine’ trên từng chiếc bồn, thùng nhỏ, hoặc bất kỳ bao bì nào chứa mặt hàng này bằng ký tự La Mã đơn giản kích thước không nhỏ hơn 0,5 inch32.” Nhưng một điều khoản ở trang 2 của luật này lại rõ ràng và thẳng thắn như người ta mong đợi: nó xây dựng (không rối rắm) các mức thu nhập của từng cá nhân sẽ phải nộp thuế như 20% cho thu nhập chịu thuế không vượt quá 2.000 đô-la; 22% cho thu nhập chịu thuế cao hơn 2.000 đô-la nhưng không quá 4.000 đô-la; cứ tiếp tục như vậy cho tới mức cao nhất 91% cho thu nhập chịu thuế hơn 200.000 đô-la. (Các mức thuế này được điều chỉnh thấp xuống vào năm 1964 với mức cao nhất là 70%). Ngay từ buổi đầu, luật này đã đưa ra tuyên bố về nguyên tắc và nếu phán xét theo bảng mức thu, rõ ràng mang tính quân bình, đánh thuế người nghèo tương đối nhẹ, người khá giả ở mức vừa phải và người rất giàu ở mức gần tỷ lệ tịch thu.

31 Bơ thực vật có tên gốc tiếng Anh là margarine, tên này xuất phát từ oleomargarine của Hippolyte và sau này bằng sáng chế ra margarine đã được Hippolyte bán lại cho một công ty Hà Lan có tên là Jurgens vào năm 1871 (công ty này là tiền thân của Unilever hiện nay). Ngày nay, từ margarine nói chung trên thế giới được dùng để chỉ cho tất cả các chất thay thế cho bơ, không chỉ được sản xuất bởi mỡ bò và dạ dày heo mà còn được sản xuất từ dầu thực vật như dầu hoa hướng dương, dầu đậu nành… nên mới hay được gọi là bơ thực vật.

32 1 inch = 2,14cm.

Nhưng lại phải nhắc lại một điểm đã quá quen thuộc: luật này chưa thực sự đạt được các nguyên tắc của chính mình. Bằng chứng nằm ngay trong một số bảng công-nợ thuế thu nhập – một hệ thống các tập có tựa đề Statistics of Income (Thống kê thu nhập), được Sở thuế vụ xuất bản hàng năm. Năm 1960, người nào có tổng thu nhập rơi vào khoảng 4000 đến 5000 đô-la, sau khi đã tận trừ hết các khoản khấu trừ, miễn giảm cá nhân và tận dụng mọi quy định cho phép các cặp vợ chồng đã kết hôn và các chủ hộ gia đình được hưởng mức thuế thấp hơn so với cá nhân độc thân – cuối cùng nhận được trát tiền thuế tương tương tổng thu nhập chịu thuế, trong khi đối tượng ở khoảng thu nhập 10.000 đến 15.000 đô-la nộp khoảng một phần bảy (tương đương 14%), đối tượng ở khoảng thu nhập 25.000 đến 50.000 đô-la là chưa đầy một phần tư (< 25%), và đối tượng ở khoảng thu nhập 50.000 đến 100.000 đô-la là khoảng một phần ba (33,33%). Rõ ràng đến chỗ này, chúng ta đã thấy có một sự tịnh tiến theo khả năng nộp thuế, như biểu thuế đã chỉ ra. Tuy nhiên, sự tịnh tiến này đột ngột dừng lại khi đến nhóm thu nhập cao nhất, chính là mốc được giả định là có sự khác biệt nhất. Vào năm 1960, các nhóm thu nhập trong khoảng 150.000 đến 200.000 đô-la, 200.000 đến 500.000 đô-la, 500.000 đến 1.000.000 đô-la và trên 1 triệu đô-la phải nộp chưa đến 50% thu nhập chịu thuế. Bằng chứng này được khẳng định trong Thống kê Thu nhập năm 1961, trong đó các số liệu về số tiền nộp thuế được chia nhỏ theo từng nhóm thu nhập cho thấy dù có tới 7.487 người nộp thuế khai báo có tổng thu nhập là 200.000 đô-la hoặc hơn, song trong số đó, chưa đến 500 người trong đó bị đánh thuế ở mức 91% trên thu nhập ròng. Xuyên suốt vòng đời của thuế này, tỷ lệ 91% là một liều thuốc an thần cho dân chúng, làm cho ai ở trong khung thu nhập thấp hơn sẽ cảm thấy là may mắn khi không thuộc lớp người giàu, đồng thời không làm tổn hại gì đến người giàu cho lắm. Và, đỉnh cao câu chuyện khôi hài này là có những người thu nhập cao nhất chỉ phải nộp mức thuế thấp nhất, nghĩa là những người có thu nhập hàng năm là 1 triệu đô-la hoặc hơn đã xoay xỏa tìm những các thức tuyệt đối hợp pháp để không phải trả một xu thuế thu nhập nào. Theo Thống kê Thu nhập, năm 1960 có 11 người như thế trên tổng số 306 triệu người có thu nhập sáu con số mỗi năm và năm 1961 có 17 trên tổng số 398 trường hợp. Nói trắng ra thì thuế thu nhập gần như không có lũy tiến gì cả.

Lý giải cho sự cách biệt giữa bề ngoài và thực tế khiến luật này bị nhiều người buộc tội là đạo đức giả chính là từng ngoại lệ cụ thể đối với các mức tiêu chuẩn thông thường, thường được gọi là những điều khoản về lợi ích đặc biệt, hay nói trắng ra là lỗ hổng. Đáng lưu ý là kẽ hở này không có trong luật thuế thu nhập đầu tiên hồi năm 1913. Làm cách nào những kẽ hở này trở thành luật và vì sao vẫn còn là luật là những câu hỏi liên quan cả đến chính trị và có thể là cả siêu hình học, nhưng cơ chế hoạt động thực tế của chúng thì lại khá đơn giản và dễ hiểu. Đến nay, phương pháp đơn giản nhất để tránh thuế thu nhập, ít nhất cho những ai luôn sẵn vốn lớn trong tay, đó là đầu tư vào trái phiếu của các bang, đô thị, cơ quan quản lý cảng và đường có thu phí lưu thông. Trong những năm gần đấy, lãi từ những trái phiếu cao cấp tăng từ 3 lên 5% nên một người đầu tư 10 triệu đô-la vào trái phiếu có thể thu về từ 300.000 đến 500000 đô-la một năm, miễn thuế, mà không gây ra cho bản thân hay luật sư thuế của mình bất kỳ rắc rối gì dù là nhỏ nhất. Nếu anh ta ngốc nghếch đến nỗi đổ tiền vào các đầu tư thông thường chỉ sinh lợi nhuận tầm 5% chẳng hạn, anh ta sẽ có một thu nhập chịu thuế là 500.000 đô-la. Và với mức thuế của năm 1964, giả định rằng anh ta độc thân, không có thu nhập nào khác và không lợi dụng thủ thuật lách thuế nào, anh ta sẽ phải trả tiền thuế là gần 367.000 đô-la. Hầu như các vị bộ trưởng tài chính đều đã xem xét việc miễn giảm này với một sự không tán thành, nhưng chưa ai có cách để làm cho nó bị bác bỏ.

Có lẽ điều khoản lợi ích đặc biệt quan trọng nhất trong luật này là điều khoản liên quan tới lãi vốn. Bộ máy của Ủy ban Kinh Tế kết hợp của Quốc hội đã viết trong một báo cáo năm 1961 như sau: “Đãi ngộ đối với lãi vốn đã trở thành một trong những kẽ hở lớn nhất trong cơ cấu thuế liên bang.” Về bản chất, điều khoản này quy định, một người nộp thuế có khoản đầu tư vốn (vào bất động sản, công ty, cổ phiếu khối lượng lớn hay bất kỳ hạng mục nào khác), duy trì vụ đầu tư đó ít nhất là sáu tháng, sau đó bán đi có lãi thì phải chịu thuế đối với khoản lãi đó thấp hơn mức thuế đánh vào lợi nhuận thông thường, cụ thể hơn là chỉ bằng một nửa mức thuế cao nhất mà người đó phải trả hoặc một phần tư của mức nào thấp hơn. Bài toán này có ý nghĩa thế nào đối với một người có thu nhập bị buộc vào khung thuế rất cao thật quá rõ ràng: anh ta phải tìm một cách để hợp thức hóa thu nhập đó dưới hình thức lãi vốn càng nhiều càng tốt. Hệ quả là “trò chơi” tìm cách biến lợi tức thông thường thành lợi tức vốn trở nên rất được ưa chuộng trong một, hai thập kỷ vừa qua. Thường thì ai chơi cũng thắng mà không mất nhiều công sức. Trên một chương trình truyền hình buổi tối giữa thập nhiên 1960, David Susskind đã hỏi sáu đại triệu phú đang có mặt là có ai trong số họ xem thuế là một chướng ngại vật cản trở con đường đi đến vinh hoa ở Mỹ hay không. Một sự im lặng kéo dài, cứ như thể đây là một ý niệm mới mẻ đối với các vị đó, một lúc sau, một người, đề cập đến quy định về lãi vốn và nói rằng ông ta không xem thuế là nguyên nhân chính của việc đó. Buổi tối hôm đó họ không bàn luận gì thêm về mức thuế cao.

Nếu quy định về lãi vốn và việc miễn thuế cho một số trái phiếu nhất định giống nhau ở chỗ có lợi chủ yếu cho người giàu thì chúng lại khác nhau ở các khía cạnh khác. Ví dụ, người ta hay nghĩ rằng một người nộp thuế sẽ cần phải có vốn trước khi anh ta có lãi vốn. Nhưng một cách được khám phá ra và được phê chuẩn thành luật vào năm 1950 đã khiến người này có thể có lãi vốn trước khi có vốn. Đây là điều khoản quyền cổ phiếu. Theo điều khoản của luật này, một công ty có thể cho các giám đốc điều hành của mình quyền mua cổ phiếu công ty vào bất kỳ thời điểm nào trong một thời gian quy định, chẳng hạn năm năm, với giá bằng hoặc gần bằng giá thị trường công khai vào thời điểm mở bán cổ phiếu. Sau này, như vẫn thường xảy ra, nếu giá cổ phiếu tăng cao chất ngất, các giám đốc điều hành này có thể lựa chọn mua cổ phiếu ở giá cũ, để sau đó bán ra ngoài thị trường tự do với mức giá mới, hoặc chỉ trả lãi vốn cho mức chênh lệch. Cái hay của nó, theo quan điểm của vị giám đốc, một khi cổ phiếu đã tăng mạnh về giá trị thì quyền của ông ta trở thành một hàng hóa có giá trị, từ đó, ông ta có thể vay lượng tiền mặt cần thiết để thực hiện quyền này; khi đã mua cổ phiếu và bán lại, ông ta có thể trả hết nợ và có lãi vốn sinh sôi từ việc đầu tư không mất vốn. Cái hay của nó, nếu nhìn từ góc nhìn của công ty, là họ có thể đền bù một phần cho các giám đốc này bằng khoản tiền mặt bị đánh thuế ở mức tương đối thấp. Dĩ nhiên, toàn bộ kế hoạch này sẽ phá sản nếu cổ phiếu của công ty rớt giá, điều này đôi khi vẫn xảy ra, nhưng cho dù như thế thì vị giám đốc vẫn có cơ hội thắng lớn và hầu như không bị nguy cơ mất mát gì.

Với sự thiên vị lãi vốn hơn so với thu nhập thông thường, luật này đưa ra hai khái niệm rất thiếu minh bạch: loại hình thu nhập phi lao động xứng đáng hơn bất kỳ hình thức thu nhập từ lao động nào khác, người có tiền để đầu tư thì xứng đáng hơn người không có tiền. Hầu như chẳng ai đồng tình với sự biện minh rằng việc ưu đãi dành cho lãi vốn là dựa trên cơ sở công bằng và có khuynh hướng đồng ý với Hellerstein: “Từ quan điểm xã hội học, có rất nhiều thứ để biện hộ cho sự đánh thuế lợi nhuận từ việc tăng giá trị của tài sản nhiều hơn lợi nhuận từ thu nhập dịch vụ cá nhân.” Thứ nhất, có một thuyết kinh tế đúng đắn ủng hộ sự miễn trừ hoàn toàn lãi vốn trong thuế thu nhập lập luận rằng trong khi lương và cổ tức hay lãi từ đầu tư là trái ngọt của cái cây vốn, do đó là thu nhập chịu thuế, thì lãi vốn đại diện cho sự tăng trưởng của chính cái cây, nên nó không phải là thu nhập. Sự phân biệt này thực tế được áp dụng trong các luật thuế của một số quốc gia, chủ yếu nhất là trong luật thuế của Anh với nguyên tắc không đánh thuế vào lãi vốn cho đến năm 1964. Một lập luận khác cho rằng điều khoản về lãi vốn là cần thiết để khuyến khích người dân mạo hiểm với vốn của mình. (Tương tự, những người ủng hộ quyền cổ phiếu cho rằng các công ty cần nó để thu hút và giữ chân lãnh đạo tài năng.) Cuối cùng, gần như toàn bộ quan chức thuế đều nhất trí rằng việc đánh thuế đối với lãi vốn trên cùng một cơ sở như những thu nhập khác, việc mà hầu hết các nhà cải cách đều cho rằng nhất thiết phải thế, sẽ vướng vào những khó khăn khủng khiếp về mặt kỹ thuật.

Các đối tượng cụ thể là người giàu và người hưởng lương cao có thể tận dụng nhiều con đường trốn thuế khác, trong đó có kế hoạch hưu trí của các doanh nghiệp, đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề thuế của các giám đốc; các quỹ miễn thuế trá hình được dựng lên cho các mục đích từ thiện và giáo dục, trong đó hơn 15.000 người cùng góp sức để giảm gánh nặng thuế cho các nhà hảo tâm, cho dù các hoạt động nhân đạo và giáo dục của một số quỹ có phần nào đó vô hình; các công ty cổ quyền tư hữu, ràng buộc bởi những quy định khá chặt chẽ, tạo điều kiện cho các cá nhân với những thu nhập rất cao từ các dịch vụ cá nhân như viết lách và diễn xuất giảm các khoản thuế của mình bằng với khoản tiền góp vốn vào công ty. Tuy nhiên, trong loạt những kẻ hở của luật này, kẽ hở bị căm ghét nhất có lẽ là khoản khấu trừ cạn kiệt tài nguyên đối với dầu mỏ. Khi thuật ngữ “cạn kiệt” được sử dụng trong luật, ám chỉ việc cạn kiệt ngày càng gia tăng của những tài nguyên tự nhiên không thể thay thế, nhưng khi được sử dụng vào tờ khai thuế của người làm dầu mỏ, nó là cách nói văn vẻ của cái bình thường vẫn được gọi là khấu hao. Khi một nhà sản xuất có thể đòi tiền khấu hao cho máy móc dưới dạng khấu trừ thuế chỉ khi người đó đã khấu trừ chi phí gốc của máy, một nhà đầu tư dầu lửa vẫn có thể tiếp tục đòi được hao giảm theo tỉ lệ phần trăm vô thời hạn trên một giếng dầu đang hoạt động, cho dù điều đó có nghĩa là chi phí gốc của giếng dầu đã được hoàn lại rất nhiều lần rồi. Tỷ lệ khấu trừ cạn kiệt dầu là từ 27,5%/năm đến mức tối đa là 50% tổng thu nhập ròng của nhà đầu tư dầu (tỷ lệ này áp dụng cho các tài nguyên thiên nhiên khác là nhỏ hơn, chẳng hạn 23% trên uranium, 10% trên than đá và 5% trên vỏ sò, vỏ trai); tác động của khấu trừ này trên thu nhập chịu thuế của một nhà đầu tư dầu, đặc biệt là khi cộng hưởng với tác động của các công cụ tránh thuế khác, thật đáng kinh ngạc! Ví dụ, năm năm gần đây, một nhà dầu mỏ có thu nhập ròng là 14,333 triệu đô-la thì ông ta phải nộp 80.000 đô-la thuế hay 0,6%. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi khoản khấu trừ cạn kiệt tài nguyên này luôn bị công kích, nhưng cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi nó được bảo vệ mạnh mẽ, đến nỗi ngay cả Tổng thống Kennedy trong những đề xuất sửa đổi thuế năm 1961 và 1963 cũng không dám đề xuất bác bỏ nó. Lập luận thường thấy là việc tính hao giảm theo tỷ lệ phần trăm này là yếu tố cần thiết để bồi hoàn cho người làm dầu trước những rủi ro liên quan đến việc khoan thăm dò, do đó bảo đảm đủ nguồn cung dầu cho cả nước. Nhưng nhiều người cảm thấy luận điểm này như muốn nói: “Ưu đãi thuế tài nguyên là một sự bao cấp rất cần thiết và đáng mong muốn của liên bang dành do ngành dầu khí”. Tuy nhiên, vì việc bao cấp cho các ngành riêng lẻ hầu như không phải là nhiệm vụ thích hợp của thuế thu nhập.

Luật thuế thu nhập 1964 gần như không làm gì để bịt lại kẽ hở này, nhưng đã vô hiệu nó được phần nào, việc giảm mạnh các mức thuế đánh vào thu nhập cao có lẽ đã khiến một số người nộp thuế thuộc nhóm này không còn phải loay hoay với những mánh lới kém thuận tiện hoặc kém hiệu quả. Chừng nào dự luật thuế mới thu hẹp được khoảng cách giữa lời hứa và thành quả của luật, thì, nó mới là hiện thân của một loại hình cải cách tự sinh. (Một cách để khắc phục triệt để việc trốn thuế thu nhập sẽ là bác bỏ thuế thu nhập.) Tuy nhiên, luật này có những đặc điểm có thể nhận thức rõ và gây xáo trộn nhất định vẫn chưa được sửa đổi và có lẽ đặc biệt khó thay đổi trong tương lai. Một số đặc điểm có liên quan tới các phương pháp cho phép và không cho phép khấu trừ đối với các khoản chi đi lại-giải trí của những cá nhân cũng làm doanh nghiệp riêng, hay của những người làm công ăn lương nhưng không được hoàn trả công tác phí – các khấu trừ tương đối gần đây ước tính rơi vào khoảng 5 đến 10 tỷ đô-la/năm, dẫn đến doanh thu thuế liên bang bị co lại 1 đến 2 tỷ đô-la. Vấn đề đi lại-và-giải trí, hay T & E (viết tắt của “Travel and Entertainment” trong tiếng Anh) như người ta vẫn quen gọi, đã diễn ra từ khá lâu và ngoan cố trụ vững trước nhiều nỗ lực giải quyết khác nhau. Một trong những điểm mấu chốt trong lịch sử T & E diễn ra vào năm 1930, khi các tòa án tuyên án diễn viên kiêm nhà soạn nhạc George M. Cohan ‒ đồng nghĩa với việc bất kỳ ai khác tương tự ‒ có quyền được giảm trừ chi phí công tác trên cơ sở ước tính hợp lý cho dù ông ta không thể đưa ra bất kỳ bằng chứng nào chứng minh đã trả khoản tiền đó hay thậm chí có thể trình ra cả một bảng kê chi tiết về khoản đó. Nguyên tắc Cohan vẫn duy trì hiệu lực trong hơn ba thập niên. Mỗi mùa xuân về, hàng nghìn doanh nhân lại cầu khấn nó thành kính như tín đồ đạo hồi hướng tới Mecca. Trong những thập niên ấy, khấu trừ chi phí kinh doanh được ước tính tăng trưởng chóng mặt khi các nhà ước tính trở nên mạnh dạn hơn, dẫn tới nguyên tắc Cohan và các điều khoản linh hoạt khác nằm trong các quy định về T & E phải chịu công kích của các nhà cải tổ tương lai. Các dự thảo xóa bỏ một hoặc hoàn toàn quy định Cohan được trình lên Quốc hội vào năm 1951 và một lần nữa vào năm 1959, đều bị bác bỏ. Trường hợp đầu tiên sau khi dân tình la ó rằng cải cách T & E có nghĩa là chấm dứt Kentucky Derby; lần thứ hai là vào năm 1961, Tổng thống Kennedy đề xuất luật không chỉ bác bỏ luật Cohan, mà thông qua việc giảm từ 4 đến 7 đô-la/ngày trên số tiền một người có thể khấu trừ vào tiền mua thức ăn, đồ uống, luật này sẽ gần như đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên “cho phép khấu trừ” trong đời sống Mỹ. Tuy nhiên, thông qua một loạt sửa đổi do Quốc hội thông qua vào năm 1962 và đi vào hiệu lực nhờ một loạt các quy định do Sở Thuế vụ ban hành năm 1963, các đề xuất của Kenedy thực sự dẫn tới việc bãi bỏ luật Cohan và đặt ra điều kiện rằng, nói chung, tất cả các khấu trừ trong kinh doanh, dù nhỏ đến đâu, sẽ phải được chứng minh bằng số liệu trên giấy tờ nếu không trình được biên lai thực tế.

Chỉ cần nhìn sơ sơ luật này kể từ khi nó ra đời và tồn tại, ta có thể thấy các quy định mới được cải cách của T & E đều không lý tưởng – nó chứa đựng nhiều cái vô lý và dựa trên nền móng của chủ nghĩa vật chất. Chi phí đi lại muốn được khấu trừ phải được xếp vào mục đích công việc chứ không phải đi chơi và phải là “đi ra khỏi nhà” – nghĩa là, không chỉ đơn thuần là di chuyển. Quy định “ra khỏi nhà” làm nảy sinh một vấn đề về xác định đâu là nhà và dẫn tới khái niệm “nhà bị đánh thuế” – tức là đương sự phải đi khỏi nơi đó thì mới được tính là đủ điều kiện để được khấu trừ chi phí đi lại. Một ngôi nhà bị đánh thuế của một doanh nhân – cho dù người đó có bao nhiêu điền trang, điền trang săn bắn hay bao nhiêu văn phòng chi nhánh – không hẳn là một tòa nhà cụ thể hay tại nơi làm việc chính của người đó. Kết quả là, với những cặp vợ chồng đi lại làm việc tại hai thành phố khác nhau, mỗi người lại có một “nhà bị đánh thuế” riêng; may thay, luật vẫn công nhận quan hệ vợ chồng của họ ở chỗ cho phép họ được hưởng ưu đãi thuế giống như các cặp vợ chồng kết hôn khác. Dù đã có những cuộc kết hôn vì thuế, song ly hôn vì thuế thì vẫn là chuyện của tương lai.

Còn đối với việc giải trí, giờ đây khi những người soạn ra các quy chế cho Sở Thuế vụ đã bị tước đoạt khỏi tay luật Cohan đang có tầm ảnh hưởng rộng rãi, họ buộc phải học cách phân biệt được sự tinh vi về mặt lý thuyết và kết quả cuối cùng của việc phân biệt này là nhấn mạnh tầm quan trọng của thói quen – mà một số người vẫn phần nào coi là quá thông dụng trong nhiều năm – nói chuyện công việc cả ngày lẫn đêm và trong mọi loại hình công ty. Ví dụ, các hội viên doanh nghiệp sẽ được hưởng khấu trừ cho việc giải trí tại hộp đêm, nhà hát, hòa nhạc chỉ khi trước, trong hoặc sau chương trình giải trí đó họ có “một cuộc thảo luận công việc có tầm quan trọng và ngay tình”. Mặc khác, một doanh nhân tiếp khách trong một “bối cảnh công việc yên ắng” chẳng hạn như ở tại một nhà hàng (không có tiết mục trình diễn nào) thì có thể yêu cầu được hưởng khấu trừ cho dù họ chỉ thực sự bàn chuyện công việc rất ít hoặc chẳng bàn tí nào, miễn là cuộc họp đó có mục đích công việc. Nói chung, khung cảnh càng ồn ào, phức tạp, phân tán tập trung càng đồng nghĩa với việc cuộc nói chuyện đó tập trung vào công việc hơn; đặc biệt quy định này xếp tiệc cocktail vào hạng mục ầm ĩ-và-phân tán tập trung, theo đó buộc phải có rất nhiều các cuộc bàn thảo công việc trước, trong và sau đó, dù một bữa ăn chiêu đãi tại nhà chủ nhà dành cho đối tác làm ăn của mình có thể được khấu trừ mà không cần có bất kỳ cuộc bàn thảo nào như vậy. Tuy nhiên, trong trường hợp thứ hai, như Viện Thuế J. K. Lasser lưu ý trong một bản hướng dẫn phổ biến có tên “Thuế thu nhập của bạn”, bạn phải “sẵn sàng chứng minh rằng động cơ của bạn… có tính thương mại hơn là tính xã hội.” Nói cách khác, để chắc ăn, bạn nên tìm cách nào đó để nói chuyện công việc. Hellerstein đã viết: “Từ nay trở đi, chắc chắn những người làm thuế sẽ giục thân chủ của mình nói chuyện công việc mọi lúc mọi nơi và yêu cầu họ bảo ban các bà vợ không được phản đối chồng nói chuyện công việc nếu các bà còn muốn được tiếp tục cuộc sống phong lưu trước giờ.” Giải trí ở mức sang trọng không được khuyến khích trong những quy định sau năm 1963, nhưng như tập sách nhỏ Lasser có lưu ý: “Quốc hội không phê chuẩn cụ thể thành luật quy định cấm giải trí quá xa hoa, ầm ĩ”. Thay vào đó, Quốc hội ra sắc lệnh, một người chủ kinh doanh có thể được khấu trừ cho chi phí khấu hao và chi phí hoạt động đối với một “phương tiện giải trí, chẳng hạn như một du thuyền, khu nghỉ dưỡng săn bắn, bể bơi, bãi đánh bowling hay máy bay – với điều kiện quá bán thời gian sử dụng phương tiện là dành cho mục đích công việc.” Trong cuốn sách nhỏ có tựa “Kê khai chi tiêu 1963”, một trong nhiều cẩm nang cho cán bộ tư vấn thuế và được Commerce Clearning House, Inc. (Cơ quan Thu thập Thông tin Thương mại) ấn hành định kỳ, quy định này được giải thích thông qua ví dụ sau:

Một du thuyền được duy trì… nhằm mục đích giải trí cho khách. 25% thời gian sử dụng của nó là vào mục đích giải trí… 75% thời gian còn lại của nó được sử dụng cho mục đích công việc, nghĩa là được sử dụng chủ yếu cho việc thúc đẩy doanh nghiệp của người nộp thuế và 75% chi phí duy trì… được xếp vào chi phí có thể khấu trừ dành cho phương tiện kinh doanh giải trí. Nếu chiếc du thuyền này chỉ được sử dụng 40% thời gian cho công việc thì không được hưởng khấu trừ gì.

Phương pháp để người có du thuyền căn cứ vào đó tính toán thời gian công việc và thời gian giải trí thì lại không được quy định cụ thể. Có lẽ, thời gian chiếc du thuyền nằm ở xưởng cạn hoặc lênh đênh trên nước mà không có khách ngoài thủy thủ đoàn cũng sẽ không được khấu trừ, cho dù có thể có người cãi rằng biết đầu người chủ có thú vui giản dị là ngắm du thuyền của mình đung đưa trên bến đậu. Khi ấy, thời gian được phân bổ sẽ là thời gian người chủ và khách ngồi hết trên thuyền và có lẽ cách hiệu quả nhất để người chủ tuân thủ theo luật sẽ là lắp hai đồng hồ bấm giờ, trên bến và trên mạn phải của thuyền, một trong suốt thời gian tàu chạy vì mục đích công việc, một chạy trong suốt thời gian du hành để giải trí. Thuận gió tây chiếc đại du thuyền có thể về đích sớm hơn một tiếng; nhưng cũng có khi gặp trận gió to tháng Chín; nó lại về chậm ở chặng cuối của hành trình, do đó kéo dài tỷ lệ thời gian “công tác” lên hơn 50%. Có lẽ người trốn thuế cầu khấn những luồng gió kịp thời như thế, vì phần khấu trừ đối với chiếc du thuyền có thể tự làm tăng gấp đôi thu nhập sau thuế của ông ta cho cả năm. Tóm lại, luật này thật vô nghĩa.

Một số chuyên gia cảm thấy rằng thay đổi trong những quy định T & E có lợi cho xã hội chúng ta bởi vì khá nhiều người nộp thuế – có xu thế gian lận thuế một chút dưới những điều khoản chung như quy định Cohan – không cam tâm diệt trừ các điều khoản gian lận cụ thể. Nhưng những gì “được” theo cách tuân thủ có khi bị “mất” trong sự suy thoái phẩm cách nhất định trong đời sống chúng ta. Hiếm có phần nào của luật thuế lại hăng hái thúc ép việc thương mại hóa giao tế xã hội, hoặc gây bất lợi đến tinh thần tài tử mà Richard Hofstadter tuyên bố trong cuốn sách Anti-Intellectualism in American Life (Chống lại việc tôn thờ chủ nghĩa tôn thờ công việc trí óc trong đời sống Mỹ) của ông, đặc trưng cho những người đặt nền móng cho nền cộng hòa. Có lẽ mối nguy hiểm lớn nhất trong số này, là với việc giành được khấu trừ cho các hoạt động mà về mặt kỹ thuật là công việc nhưng thực chất là giao tế, một người có thể tự rẻ rúng cuộc sống của mình trong chính mắt của anh ta.

Người ta cho rằng bộ luật có thành kiến đối với công việc trí óc; bằng chứng rõ nhất là trong khi luật cho phép khấu trừ đối với mọi tài sản (hiện vật) có thể cạn kiệt và khấu trừ cạn kiệt đối với các tài nguyên thiên nhiên, các nghệ sĩ sáng tạo và nhà phát minh lại không được phép đòi bất kỳ khoản khấu trừ nào trong trường hợp họ bị suy kiệt năng lực tinh thần hay óc sáng tạo, cho dù những hiệu ứng của suy nhược đầu óc đôi khi thể hiện rất rõ ràng trong các sáng tác về sau và trong thu nhập của những cá nhân đó. Người ta cũng tranh luận rằng các vận động viên chuyên nghiệp cũng bị phân biệt đối xử, khi luật không có quy định khấu trừ hao mòn thân thể của họ. Các tổ chức như Authors League of America (Hội Nhà văn Mỹ) đã cho rằng, luật cũng không công bằng cho các tác giả và những đối tượng sáng tác khác bởi tính chất công việc và tính kinh tế của việc tiếp thị tác phẩm, thu nhập của họ dao động điên cuồng theo từng năm; những năm kiếm được nhiều thì họ bị đánh thuế cùng kiệt, chẳng còn lại mấy để tích lũy trong những năm thất bát. Một điều khoản của dự luật 1964 xây dựng để xử lý tình huống này mang đến cho các nghệ sĩ sáng tác, nhà phát minh và những người bất thình lình được thừa hưởng thu nhập lớn công thức bình quân cho bốn năm để làm giảm bớt phần thu nhập tính thuế của năm bội thu nhất.

Nếu luật có chống lại lao động trí óc thì có lẽ chỉ là tình cờ mà thôi. Bằng cách trao cho các quỹ từ thiện một quy chế được miễn thuế, bộ luật tạo điền kiện cho các quỹ này trao giải thưởng trị giá nhiều triệu đô-la mỗi năm – nếu không thì sẽ nộp vào ngân khố chính phủ – dành cho chi phí đi lại và sinh hoạt phí cho các ứng viên tham gia giành học bổng trong quá trình thực hiện các dự án nghiên cứu thuộc nhiều loại hình khác nhau. Và với việc đưa ra những quy định đặc biệt liên quan tới quà tặng là tài sản gia tăng, dù có chủ ý hay tình cờ, bộ luật này có xu hướng không chỉ đẩy giá các tác phẩm của các họa sỹ và nhà điêu khắc lên mà còn khiến hàng nghìn tác phẩm chảy ra khỏi các bộ sưu tập cá nhân để vào các bảo tàng nhà nước. Cơ chế của quy trình này đến nay đã quá nổi tiếng với vài gạch đầu dòng thế này: một nhà sưu tầm tặng một tác phẩm nghệ thuật cho một bảo tàng có thể khấu trừ trên bản khai thuế thu nhập của người đó một giá trị hợp lý của tác phẩm vào thời điểm đem tặng và không cần phải trả khoản thuế doanh lợi nào cho bất kỳ giá trị gia tăng của tác phẩm kể từ thời điểm anh ta mua nó. Nếu việc gia tăng giá trị này là lớn và người sưu tầm nằm trong khung thuế rất cao, người đó có thể thu được lãi khủng trong thương vụ này. Những quy định này có xu hướng tái sinh hình ảnh xưa cũ, thời thuế này chưa sinh ra: các tay thế phiệt chơi nghệ thuật kiểu lãng tử. Trong những năm gần đây, một số người thuộc nhóm bị đánh thuế cao bắt đầu có thói sưu tầm theo chu kỳ: một thời gian là các tác phẩm của họa sỹ hậu hiện đại, sau đó là ngọc Trung Hoa, rồi sau đó là tranh hiện đại Mỹ. Kết thúc mỗi thời kỳ, nhà sưu tập bán toàn bộ bộ sưu tập và khi tính số thuế mà người đó phải trả, người đó chẳng mất xu nào trong phi vụ đầu tư mạo hiểm ấy.

Giá trị của những đóng góp từ thiện của người có thu nhập cao, cho dù dưới dạng tác phẩm nghệ thuật hay chỉ đơn giản là tiền mặt và các tài sản khác, là một trong những thành quả kỳ quặc nhất của bộ luật. Trong số tiền gần 5 tỷ đô-la mỗi năm mà người khai đòi khấu trừ trên các tờ khai thuế thu nhập cá nhân, đến nay, phần lớn trong số đó đều dưới hình thức tài sản nào đó đang tăng về giá trị và thuộc về những cá nhân với thu nhập rất cao. Ví dụ, một người thuộc 20% khung thuế cao nhất tặng tiền mặt trị giá 1.000 đô-la phải chịu phí tổn là 800 đô-la. Một người thuộc 60% khung thuế cao nhất cũng tặng cùng số tiền mặt trên thì chịu phí tổn là 400 đô-la. Nếu thay vào đó, người ở khung thuế cao này tặng 1000 đô-la dưới dạng cổ phiếu mà ban đầu người đó mua với giá 200 đô-la, anh ta chỉ phải chịu phí là 200 đô-la mà thôi. Chính nhờ sự khích lệ nhiệt tình của bộ luật với công tác từ thiện quy mô lớn mà hầu hết các đối tượng thu nhập đến con số triệu đô-la mỗi năm không phải nộp một đồng thuế nào; theo một trong những điều khoản kỳ dị nhất, bất kỳ người nào có cả thuế thu nhập và đóng góp gộp lại có giá trị lên tới 90% hoặc nhiều hơn giá trị thu nhập đánh thuế của người đó trong tám phần mười năm trước đó thì được quyền (đây là một phần thưởng) bất tuân thủ những hạn chế thông thường đối với giá trị các khoản đóng góp có thể khấu trừ và có thể tránh được 100% thuế.

Như vậy, các điều khoản của thuế thu nhập thường xúc tiến việc thao túng thuế mạo danh dưới chiếc mặt nạ từ thiện và càng chứng minh cáo buộc cho rằng bộ luật này là một sự u mê, thậm chí trì nộn. Những điều khoản này cũng phát sinh sự u mê trong những trường hợp khác. Ví dụ, những năm gần đây, khi kêu gọi mạnh thường quân trong các cuộc vận động gây quỹ lớn, người trong cuộc phải phân thân giữa việc kêu gọi hành động thiện nguyện và giải thích về những điểm lợi về thuế cho các mạnh thường quân. Một ví dụ điển hình là cuốn sách nhỏ thấu đáo rất được ngợi khen có tựa đề “Tiết kiệm thuế hơn nữa…Một cách tiếp cận mang tính xây dựng” được Đại học Princeton sử dụng trong một cuộc vận động gây quỹ vốn lớn. (Tương tự, nếu không muốn nói là gần như giống hệt nhau, các tập sách nhỏ đã được Harvard, Yale và nhiều cơ sở khác sử dụng). “Trách nhiệm trong việc lãnh đạo đều là những trọng trách, nhất là trong một kỷ nguyên mà các chính khách, nhà khoa học, nhà kinh tế học phải có những quyết định gần như chắc chắn có ảnh hưởng tới nhân loại trong nhiều thế hệ sau.” Lời tựa của cuốn sách này mở đầu hào hùng như vậy, sau đó giải thích: “Mục đích chính của cuốn sách là thúc giục tất cả những nhà hảo tâm tương lai suy nghĩ nghiêm túc hơn về cách thức mà họ quyên tặng… Có nhiều cách khác nhau để giúp các nhà hảo tâm đóng góp những món quà giá trị lớn với chi phí tương đối thấp. Quan trọng là các mạnh thường quân có triển vọng tranh thủ được những cơ hội này”. Các cơ hội này được dẫn giải cụ thể trong những trang tiếp theo, bao gồm: những cách thức tiết kiệm thuế thông qua hình thức tặng quà như chứng khoán, tài sản công nghiệp, hợp đồng thuê mướn, tác quyền, trang sức, đồ cổ, quyền cổ phiếu, nơi thường trú, bảo hiểm nhân thọ và hàng tồn trữ, hoặc thông qua việc sử dụng các quỹ quản thác. Tại một thời điểm, người ta đề xuất là, thay vì thực sự cho đi cái gì, người chủ của chứng khoán tăng giá có thể mong muốn bán chúng cho Princeton với giá gốc mua vào lấy tiền mặt; đối với những người suy nghĩ đơn giản thì điều này có vẻ chỉ là một giao dịch thương mại nhưng cuốn sách chỉ ra dưới con mắt của bộ luật, sự chênh lệch giữa giá thị trường hiện tại của cổ phiếu và giá bán thấp hơn cho Princeton chính là làm từ thiện 100% và cũng có thể được khấu trừ toàn vẹn y như đối với từ thiện. “Trong khi đặt nặng tầm quan trọng của việc quy hoạch thuế một cách cẩn trọng,” đoạn cuối cùng viết – “chúng ta hy vọng sẽ không ai suy luận rằng tư tưởng và tinh thần của việc cho đi có phần nào đó bị chi phối bởi những suy tính về thuế”.

Để kết thúc việc phân tích bản chất của bộ luật này, xin nhắc đến một trong những đặc điểm nổi bật nhất của bộ luật: sự phức tạp chịu trách nhiệm cho một số tác động xã hội có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất của luật. Gần như người nộp thuế không tránh khỏi việc tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn nếu họ muốn giảm thiểu những khoản thuế của mình một cách hợp pháp, dịch vụ tư vấn hàng đầu thì đắt và cũng khan hiếm nên người giàu vẫn có lợi thế hơn người nghèo; do đó, bộ luật càng thiếu dân chủ trong hành động so với lý thuyết. (Và thực tế, các phí tư vấn thuế cũng được khấu trừ đồng nghĩa với việc tư vấn thuế cũng là một khoản mục bổ sung vào danh mục dài dằng dặc những thứ ngày càng nhận được nhiều ưu đãi hơn.) Tất cả các dự án giáo dục người nộp thuế và hỗ trợ người nộp thuế miễn phí do Sở Thuế vụ Hoa Kỳ mở ra ‒ đều trên quy mô rộng và có thiện chí ‒ rất khó cạnh tranh nổi với những dịch vụ của một chuyên gia thuế độc lập, giỏi giang và được trả lương, bởi với bổn phận quan trọng nhất là thu thuế, Sở thuế mắc vào một xung đột lợi ích rõ rệt khi phải giải thích cho mọi người cách làm thế nào để trốn thuế. Thực tế là khoảng một nửa doanh thu thuế trên các tờ khai cá nhân năm 1960 đến từ tổng thu nhập đã điều chỉnh là 9.000 đô-la hoặc ít hơn không thể quy trách nhiệm hoàn toàn ở những quy định của luật, mà một phần là do thực trạng người nộp thuế thuộc nhóm thu nhập thấp không có khả năng thuê dịch vụ để được tư vấn giảm thuế.

Một đội quân khổng lồ những người làm công việc tư vấn thuế là một hiệu ứng phụ kỳ lạ, phức tạp của bộ luật. Theo một thống kê gần đây, khoảng 80.000 cá nhân, trong số ấy chủ yếu là luật sư, kế toán và cựu nhân viên Sở Thuế có thẻ hành nghề do Bộ Tài chính cấp, được chính thức hành nghề tư vấn thuế và trình diện tại Sở Thuế với vai trò này. Ngoài ra còn vô số những người không có chứng chỉ và thường không có đủ năng lực, chuyên điền tờ khai thuế lấy tiền, một dịch vụ mà bất kỳ ai cũng có thể làm một cách hợp pháp. Còn với các luật sư, nếu không phải là những nhà quý tộc xịn của ngành tư vấn thuế, gần như hiếm có một luật sư nào tại Mỹ không liên quan tới thuế lúc này hay lúc khác trong năm và mỗi năm qua đi, càng có nhiều luật sư chẳng bận tâm tới mối quan tâm nào khác ngoài thuế. Bộ phận thuế của Đoàn Luật sư Mỹ gần như hoàn toàn là luật sư thuế, với khoảng 9.000 người. Trong một cơ quan luật lớn, điển hình tại New York, cứ năm người thì có một người dành toàn bộ thời gian cho các vấn đề về thuế. Tại khoa Thuế của Trường Luật, Đại học New York, quy mô còn lớn hơn quy mô của toàn bộ trường luật. Những bộ óc chuyên bày tính về trốn thuế – nhìn chung ai cũng biết là bao gồm cả những bộ óc pháp luật xuất sắc nhất hiện có – chính là sự lãng phí nguồn lực quốc gia, người ta vẫn thường hay mặc nhận như vậy – và sự mặc nhận này được một số luật sư thuế đầu bảng vui vẻ đón nhận. Họ dường như sung sướng khi xác nhận: một là năng lực tinh thần của họ quả thực quá vô song và hai là nguồn năng lực này thực sự đang được phí phạm vào chuyện tầm phào. “Luật có chu kỳ của nó,” gần đây một trong số họ giải thích như vậy. “Ở Mỹ, đến khoảng năm 1890, vấn đề trọng đại vẫn là luật tài sản, sau đó đến thời kỳ luật doanh nghiệp và giờ là nhiều chuyên ngành khác nhau, quan trọng nhất là thuế. Tôi vô cùng sẵn sàng thừa nhận mình đang làm công việc có rất ít giá trị xã hội. Thôi được rồi, vì sao mà tôi làm công việc về thuế? Thứ nhất, đó là một trò chơi trí tuệ hấp dẫn – cùng với việc kiện tụng, có lẽ đây là nhánh thách thức nhất về mặt trí tuệ. Thứ hai, thuế có thể được chuyên môn hóa ở một ý nghĩa nào đó, song ở một ý nghĩa khác thì lại không. Thuế xuyên suốt mọi lĩnh vực luật pháp. Có ngày anh có thể đang làm việc với một nhà sản xuất Hollywood, nhưng ngay hôm sau có khi là với một ông lớn ngành bất động sản, hôm sau nữa là với một CEO doanh nghiệp. Thứ ba, đây là một lĩnh vực cực kỳ béo bở.”

Ngoài mặt quân bình giả tạo nhưng bên trong lạilà một hệ thống chính trị đầu sỏ, phức tạp một cách quá đáng, phân biệt đối xử một cách bất thường, lập luận bề ngoài nghe thì có lý, nhưng ngôn từ thì vụn vặt, làm băng hoại tinh thần từ thiện, là kẻ thù của những cuộc đàm thoại nhưng lại khuyến khích nói chuyện làm ăn, một sự lãng phí tài năng, là tảng đá chống đỡ cho chủ nhân nhiều tài sản nhưng là gánh nặng lớn đối với những người thu nhập thấp, người bạn kém thủy chung của nghệ sĩ, học giả – nếu tất cả những điều đó là hình ảnh phản chiếu của thuế thì thật ra, nó còn có cả những điểm tốt. Tất nhiên không một luật thuế thu nhập khả thi nào có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Louis Eisenstein ghi lại trong cuốn sách The Ideologies of Taxation (Tư tưởng của việc đánh thuế) như sau: “Các loại thuế là sản phẩm biến thiên của một nỗ lực cấp thiết nhất nhằm làm cho mọi người nộp thuế”. Với ngoại lệ là các điều khoản lợi ích đặc biệt trắng trợn, bộ luật dường như là một văn bản được viết chân thành – tuy nhiên lại nhập nhằng – nhằm thu thập tiền từ một xã hội phức tạp theo một cách công bằng nhất có thể, khuyến khích nền kinh tế quốc dân và thúc đẩy những công cuộc đáng làm. Khi được điều hành thông minh và chu toàn, luật thuế thu nhập quốc gia của chúng ta có thể là khá công bằng so với bất kỳ nước nào trên thế giới. Nhưng ban hành ra một điều luật chẳng thỏa đáng, rồi lại cố gắng đền bù cho những thiếu sót của nó bằng việc quản lý tốt rõ ràng là một quy trình vô lý. Một giải pháp hợp lý hơn – xóa bỏ thuế thu nhập – được đề xuất chủ yếu bởi một số thành viên cánh hữu cấp tiến vẫn coi bất kỳ loại thuế thu nhập nào cũng là xã hội chủ nghĩa hoặc cộng sản chủ nghĩa và sẽ đơn thuần buộc chính phủ liên bang dừng lại việc chi tiền. Một phương sách thay thế là thuế giá trị gia tăng: theo đó, các nhà sản xuất, bán buôn, bán lẻ sẽ được áp mức thuế không giống nhau tùy theo giá trị hàng hóa họ mua vào và giá trị hàng hóa họ bán ra; những lợi thế được khẳng định từ thuế này bao gồm: nó sẽ san sẻ gánh nặng thuế công bằng hơn cho cả quá trình sản xuất so với thuế thu nhập doanh nghiệp và tạo điều kiện cho chính phủ lấy được tiền về nhanh hơn. Một số nước như Pháp và Đức có thuế giá trị gia tăng, mặc dù chỉ là bổ trợ chứ không phải thay thế cho thuế thu nhập, nhưng loại thuế này không hề có hy vọng ở Mỹ. Những đề xuất khác về phương thức làm giảm gánh nặng thuế thu nhập là: tăng số lượng mặt hàng chịu thuế hàng hóa, áp mức đồng hạng cho chúng để tạo ra thuế hàng hóa liên bang; để tăng thuế của người sử dụng, ví dụ phí thông hành qua cầu và sử dụng các phương tiện giải trí thuộc sở hữu liên bang; ban hành luật cho phép phát hành xổ số liên bang nhằm gây kinh phí cho các dự án như xây dựng trường Harvard, chiến tranh cách mạng và xây dựng nhiều trường học, cầu, đường, kênh rạch. Một bất lợi rõ rệt của tất cả những chương trình này là chúng sẽ tiến hành thu thuế mà chẳng đoái hoài gì tới khả năng chi trả và vì lý do này hay lý do khác, không số nào trong đó có triển vọng được ban hành trong một tương lai gần.

Một phương án đặc biệt được các nhà lý luận yêu thích và gần như không ai tám đồng là thuế tiêu dùng – đánh vào các cá nhân dựa trên cơ sở tổng lượng tiêu dùng hàng năm chứ không phải thu nhập của họ. Những người ủng hộ thuế này – những môn đồ ngoan cố của nền kinh tế học khan hiếm – lập luận rằng thuế này sẽ có tính chất cơn bản là sự tối giản; khuyến khích tiết kiệm; công bằng hơn thuế thu nhập vì sẽ đánh vào những gì người nộp được hưởng lợi từ nền kinh tế thay vì đánh vào những gì họ đóng góp vào đó; nó sẽ cho chính phủ một công cụ kiểm soát đặc biệt thuận tiện, nhờ đó chính phủ sẽ giữ cho nền kinh tế quốc dân không bị tròng trành. Phe phản đối thuế này cho rằng, thứ nhất, thuế tiêu dùng sẽ thực sự không đơn giản chút nào và người ta sẽ dễ dàng trốn thuế này một cách nực cười; thứ hai, nó sẽ làm cho người giàu càng giàu hơn và càng keo kiệt hơn; cuối cùng, khi sử dụng hình phạt đối với tiêu dùng kiểu này, nó sẽ đẩy kinh tế suy thoái hơn. Trong mọi trường hợp, cả hai phe đều thừa nhận, việc ban hành thuế này tại Hoa Kỳ hiện tại không khả thi về mặt chính trị. Một thuế tiêu dùng được đề xuất nghiêm túc cho nước Mỹ bởi Bộ trưởng Tài chính, Henry Morgenthau, Jr. năm 1942 và cho nước Anh bởi nhà kinh tế Cambridge có tên Nicholas Kaldor (sau này là cố vấn đặc biệt cho Ngân khố quốc gia) vào năm 1951, cho dù cả hai người đề xuất đều không yêu cầu bãi bỏ thuế thu nhập. Cả hai đề xuất của họ đều gần như bị nhất loạt phản đối. “Thuế tiêu dùng là một trang sức đẹp để ngắm,” một trong những người hâm mộ thuế này gần đây nói như vậy. “Thuế tiêu dùng sẽ tránh được gần như toàn bộ những cạm bẫy của thuế thu nhập. Nhưng đó chỉ là giấc mơ mà thôi.” Và sự thể đúng là như thế trong thế giới phương Tây; một loại thuế như thế chỉ được thi hành tại Ấn Độ và Ceylon.

Trước mắt, khi chưa có một phương án thay thế khả thi nào thì thuế thu nhập vẫn còn được duy trì và mọi hy vọng về một hệ thống tốt đẹp hơn dường như chỉ trông cậy vào những cải tiến trên thuế này mà thôi. Vì một trong những khiếm khuyết chính của bộ luật là sự phức tạp của nó nên có lẽ, công cuộc cải cách sẽ bắt đầu từ mấu chốt này. Các nỗ lực nhằm đơn giản hóa bộ luật đã được thực hiện đều đặn từ năm 1943, khi Bộ trưởng Tài chính, Morgenthau, cho thành lập một ủy ban nghiên cứu chủ điểm này và túc tắc đạt được những thành công nhỏ, ví dụ: các chỉ dẫn tối giản và một mẫu rút ngắn cho người nộp thuế muốn phân từng hạng mục khấu trừ đối với các vụ việc tương đối đơn giản đều được đưa vào ứng dụng dưới thời tổng thống Kennedy. Tuy nhiên, rõ ràng những điều này chỉ là những thắng lợi kiểu chiến tranh du kích đơn thuần. Một trở ngại để đi đến một thắng lợi toàn diện hơn là thực trạng nhiều nút thắt phức tạp của bộ luật được đưa vào áp dụng đều mang lại lợi ích lớn nhất là công bằng cho tất cả mọi người và rõ ràng không thể bị thủ tiêu mà không hi sinh sự công bằng ấy. Việc cải tiến các quy định đặc biệt về hỗ trợ hộ gia đình chính là minh chứng rõ rệt nhất về nỗi khát khao mưu cầu công bằng, đôi khi tiến thẳng tới một cái vực phức tạp. Tính đến năm 1948, thực trạng một số bang có và một số bang không có luật tài sản cộng hữu dẫn tới một lợi thế cho các cặp vợ chồng tại các bang áp dụng tài sản cộng hữu; chỉ họ mới được tính mức đóng thuế dựa trên việc chia bình quân tổng thu nhập của cả hai vợ chồng, cho dù có khi chỉ vợ hoặc chồng thực sự có thu nhập cao, còn người kia thì không hề có chút thu nhập nào. Để khắc phục bất công sờ sờ này, bộ luật liên bang được điều chỉnh để đặc quyền chia đôi thu nhập này được mở rộng ra cho tất cả các cá nhân đã kết hôn. Kết quả là, ngoài chuyện luật này định kiến đối với đối tượng người độc thân không có người phụ thuộc – mà đến nay vẫn được chính thức ghi nhận và không bị bác bỏ trong bộ luật – nó giải quyết được bất công này lại dẫn tới việc tạo ra bất công khác và khắc phục xong bất công ấy lại nảy sinh một bất công khác nữa. Người ta đã tính đến những vấn đề xác đáng đặc thù của những cá nhân mang những trọng trách gia đình cho dù họ chưa kết hôn, ví dụ như những bà mẹ đi làm với chi phí gửi con trong giờ hành chính, những người góa vợ, góa chồng. Và mỗi sự điều chỉnh lại làm cho bộ luật trở nên phức tạp hơn.

Các lỗ hổng lại là một vấn đề khác. Trong trường hợp này, sự phức tạp không phục vụ cho công bằng và sự tồn tại dai dẳng của những lỗ hổng này đại diện cho một nghịch lý khó hiểu. Những điều khoản thuế thiên vị trắng trợn cho các bộ phận thiểu số so với đại đa số khác dường như là một sự buông lỏng dây cương của nguyên tắc quyền dân chủ – một kiểu chương trình chống phân biệt đối xử để bảo vệ các triệu phú. Quy trình ra đời của một luật thuế mới như sau: một đề xuất khởi nguồn từ Bộ Tài chính hoặc một số nguồn khác, được lần lượt thông qua bởi Ủy ban Chính sách thương mại33, toàn bộ Hạ viện, Ủy ban Tài chính Thượng viện, toàn bộ Thượng viện, tiếp đến là một thỏa thuận Hạ -Thượng viện xúc tiến bởi một ủy ban hội ý, tiếp sau là sự tái thông qua tại Hạ viện và Thượng viện và cuối cùng là phải được Tổng thống ký thông qua. Đây đúng là một quy trình tra tấn, trong đó mỗi giai đoạn đều có thể khiến một dự luật bị chết yểu hoặc xếp xó. Nhưng áp lực cộng đồng, nếu có, vẫn thường có xu hướng ủng hộ hơn là phản đối chúng. Trong cuốn sách về lỗ hổng thuế có tên The Great Treasury Raid (Đột kích kho bạc), Philip M. Stern chỉ ra vài thế lực mà ông cho là đang chống lại việc ban hành các biện pháp cải cách thuế, trong đó có kỹ năng, quyền lực và tài tổ chức những người vận động chống cải cách. Sự phân tán, bất lực chính trị của những lực lượng ủng hộ cải cách trong chính phủ; sự dửng dưng của đại chúng khi hầu như không có bất kỳ sự hưởng ứng nào với cải cách thuế, có lẽ phần lớn bởi họ sững sờ trước mê cung khó hiểu và những thuật ngữ chuyên môn kì quái của toàn bộ lĩnh vực này. Theo đó, sự phức tạp của bộ luật chẳng khác nào cái ổ voi bất khả thâm nhập. Do vậy, với tư cách cơ quan chịu trách nhiệm thu thuế liên bang, Bộ Tài chính cùng với dăm nhà lập pháp có đầu óc cải cách như nghị sỹ Paul H. Douglas bang Illinois, Albert Gore bang Tennessee và Eugene J. McCarthy bang Minnesota đã tạo thành một phe co cô đơn lẻ.

33 House Ways và Means Committee: Ủy ban này vẫn có nhiều cách dịch khác nhau, không thống nhất dù cả ở Mỹ: Ủy ban Chính sách thương mại, Ủy ban Phương tiện và Chính sách, Ủy ban Tiện ích, Ủy ban Ngân sách tài chính, Ủy ban Đường lối và Phương cách…

Những người lạc quan tin rằng một số “điểm khủng hoảng” cuối cùng sẽ làm cho các nhóm được ân sủng đặc biệt vượt ra ngoài những lợi ích vị kỷ của mình, khiến phần còn lại của đất nước vượt qua sự thụ động, để thuế có thể mang lại một bức tranh quốc gia phấn chấn hơn so với hiện tại. Bức tranh thuế thu nhập lý tưởng được nhiều nhà cải cách vẽ ra cho tương lai xa sẽ đặc trưng bởi một bộ luật ngắn gọn, đơn giản với những mức thuế tương đối thấp và tiết giản tối đa những trường hợp ngoại lệ. Xét về những đặc điểm cơ cấu chính, thuế lý tưởng này sẽ có sự tương đồng thấy rõ với thuế thu nhập năm 1913, loại thuế đầu tiên từng được thi hành ở Mỹ trong thời bình. Thế nên, nếu những tầm nhìn chưa thấu tỏ của ngày hôm nay cuối cùng có thể trở thành hiện thực, thuế thu nhập sẽ trở về nơi nó từng xuất phát.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button