Kinh doanh - đầu tư

Bí Quyết Để Trở Thành Nhân Viên Bán Hàng Bậc Thầy

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Jeffrey J. Fox

Download sách Bí Quyết Để Trở Thành Nhân Viên Bán Hàng Bậc Thầy ebook PDF/PRC/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH KINH DOANH – ĐẦU TƯ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI NÓI ĐẦU

Trở thành một người bán hàng không khó. Ở nhiều công ty, để nhận được công việc bán hàng, bạn chỉ cần một chút khôn khéo và hầu như không gặp phải trở ngại nào. Nhưng trở thành một nhân viên bán hàng bậc thầy lại không phải là điều đơn giản. Để có được vị trí này, bạn cần phải học tập, rèn luyện, thực hành cho đến khi thành thạo và trở nên chuyên nghiệp. Nhân viên bán hàng bậc thầy phải là chuyên gia trong mọi lĩnh vực, từ nhỏ đến lớn.

Trong những công ty mà nhân viên bán hàng làm việc trực tiếp với khách hàng, nhân viên bán hàng bậc thầy là những người thiết lập giao dịch. Họ đem lại doanh thu cao và những khoản lợi nhuận khổng lồ. Họ mang về những hợp đồng mới và những khách hàng mới. Nhân viên bán hàng bậc thầy bán những ứng dụng mới, sản phẩm mới và lợi nhuận cứ thế tăng theo doanh số. Họ chính là những người làm nên những con số kỳ diệu. Hơn thế nữa, nhân viên bán hàng bậc thầy còn tự kiếm cho mình những khoản tiền lớn. Họ luôn được trả lương hậu hĩnh, và chẳng có gì lạ khi nhân viên bán hàng bậc thầy thuộc nhóm nhân viên được hưởng lương cao nhất công ty.

Không phải ai cũng có thể là nhân viên bán hàng bậc thầy, nhưng những người này lại có mặt ở khắp nơi. Họ có thể là những nhân viên bán hàng siêu hạng trong các doanh nghiệp, là người bán hàng hưởng hoa hồng, là doanh nhân, chủ doanh nghiệp nhỏ, là những người hành nghề tự do, đại lý, người môi giới hay thành viên ban quản trị của các công ty.

Giữa nhân viên bán hàng bậc thầy và nhân viên bán hàng chỉ có một khác biệt duy nhất: nhân viên bán hàng bậc thầy bán được nhiều hàng hơn, và dĩ nhiên có doanh thu cao hơn hẳn. Dù điều kiện kinh tế thuận lợi hay khó khăn, dù cạnh tranh khốc liệt hay giá cả có biến động đến đâu, thậm chí nội bộ doanh nghiệp đang có nhiều vấn đề nan giải, nhân viên bán hàng bậc thầy vẫn bán được nhiều hàng. Bí quyết nằm ở chỗ họ luôn làm những việc mà những nhân viên bán hàng khác chẳng mấy khi hoặc chẳng bao giờ làm.

Cũng như trong bóng chày, cầu thủ ném bóng phải chạy về các chốt khoảng bốn lần trong suốt trận đấu – điều này đồng nghĩa với việc anh ta nhất thiết phải chạy về chốt thứ nhất từ ba đến bốn hoặc năm lần trong trận đấu, dù có đánh trúng hay không. Vì chạy như vậy không quyết định toàn bộ cục diện trận đấu nên một số cầu thủ không trông mong gì vào cú đánh, cho rằng mình sẽ đánh bóng ra ngoài và uể oải chạy tới chốt. Còn nhân viên bán hàng bậc thầy không bao giờ nghĩ mình sẽ thất bại. Sau mỗi lần đánh bóng, nhân viên bán hàng bậc thầy đều chạy hết tốc lực, vì chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, trước khi đối phương vụng về bắt bóng hay trước khi bóng chạm đất, anh ta hoặc cô ta đã có mặt ở chốt nhà. Nhân viên bán hàng bậc thầy không bao giờ rời bỏ vòng quay bán hàng. Họ luôn chạy nước rút và luôn nỗ lực để thực hiện các cuộc giao dịch. Đây chính là lý do nhân viên bán hàng bậc thầy thường được tôn vinh là “những tay ném bóng cừ khôi’’.

Cuốn sách này sẽ tiết lộ bí quyết của những nhân viên bán hàng bậc thầy đó – bí quyết bán được nhiều hàng và kiếm được nhiều tiền hơn các đồng nghiệp trong giới bán hàng. Hãy làm theo những gì họ đã làm và kiếm nhiều tiền như họ đã kiếm.

TỪ LÍNH MỚI ĐẾN NGƯỜI BÁN HÀNG BẬC THẦY – BẢN TRƯỜNG CA VỀ SỰ NGHIỆP

Một chàng trai sau khi tốt nghiệp đã tìm được công việc đầu tiên: bán hàng… Anh bắt đầu công việc vào thứ Hai. Chưa từng được huấn luyện bán hàng, chỉ với vài cuốn sách giới thiệu sản phẩm, một tập danh thiếp và vài lời chỉ dẫn, chàng trai trẻ được yêu cầu ra phố, gặp gỡ những người không quen biết để chào hàng. Mỗi ngày anh thực hiện tới 100 cuộc chào hàng như vậy. Thế nhưng, sự thật tàn nhẫn trong những ngày đầu bán hàng là đến 90%, thậm chí đôi lần 100%, những cuộc gặp mặt đều bị từ chối. Lúc đó chàng trai không hề biết rằng chào hàng cho mọi đối tượng khách hàng nhiệm vụ mà anh được giao, là biện pháp bán hàng kém hiệu quả nhất. Tuy nhiên, những lời từ chối xem ra cũng có giá trị. Chàng trai trẻ học được cách không e ngại những lời từ chối. Bị từ chối là điều bình thường khi bán hàng. Thậm chí, hơi kỳ quặc, chàng trai bắt đầu thấy thích thú với những lời khước từ. Với anh, mỗi lần bị từ chối là một cơ hội để suy ngẫm lại, để thử nghiệm những lời phúc đáp hay để tôi luyện tính kiên trì, dù cho người quản lý không ngừng thúc giục “đi nhiều hơn nữa”, và chàng trai trẻ bắt đầu suy nghĩ. Kiểu chào hàng bất ngờ đối với khách hàng như vậy cũng giống như một canh bạc. Từ chối cũng có nhiều dạng: khách hàng có thể đi vắng, viện cớ đang họp, quá bận rộn, chỉ gặp những người có hẹn trước, hay không bao giờ lắng nghe hoặc chịu gặp những người bán hàng. Chàng thanh niên chủ trương hẹn gặp khách hàng qua điện thoại, lời nhắn hay các chuyến viếng thăm. Tuy nhiên, giờ đây những cuộc gặp gỡ không còn là những cuộc gặp không mong đợi đối với khách hàng. Tỷ lệ thành công rất cao và tỷ lệ thuận với sự thăng tiến của anh.

Ngay từ khi lựa chọn công việc này, chàng trai đã quyết định rằng nghiêm túc là chưa đủ mà cần phải thật sự nghiêm túc. Người bán hàng này đã tận dụng mọi cơ hội để kết giao với những người bán hàng thành công thuộc mọi lĩnh vực kinh doanh. Anh còn trau dồi kiến thức thông qua sách vở, xem băng hình và tham gia các khóa huấn luyện bán hàng chuyên nghiệp. Tình cờ anh đọc được cuốn Làm thế nào để trở thành một nhân viên bán hàng bậc thầy – cuốn sách đã trở thành bí quyết bán hàng của anh. Và từ đó, chàng trai trẻ nuôi mơ ước trở thành một nhân viên bán hàng bậc thầy đích thực.

Công ty giao cho anh nhiệm vụ mới: giành một khách hàng tiềm năng từ tay một nhà cung cấp khác. Trước đó, chưa từng có ai trong công ty được mời gặp mặt dù chỉ để chào hàng. Chàng trai cũng tiếp cận khách hàng này theo chiến lược bán hàng của công ty. Tuy nhiên anh đã phạm sai lầm khi lặp lại điều mà những người tiền nhiệm đã làm. Anh bị từ chối thẳng thừng. Thậm chí, anh đã nghĩ đến việc bỏ cuộc. Giống như trường hợp của những chuyến chào hàng không được mong đợi, chàng trai bắt đầu suy nghĩ và nghiên cứu. Sau khi đọc lại các dữ liệu bán hàng cũng như những ghi chép về các cuộc gọi bán hàng, anh nhận thấy cả mình và những nhân viên bán hàng trước đây đều làm những việc như nhau. Họ cùng gọi cho một loại khách hàng, viết những lá thư như nhau và hỏi những câu hỏi chẳng khác gì nhau. Những việc làm này đều thất bại nhưng họ vẫn không thay đổi phương pháp. Chàng trai tự hỏi: ‘’Nhân viên bán hàng bậc thầy sẽ làm những gì?’’ Những điều nhân viên bán hàng bậc thầy làm khác hẳn những gì một nhân viên bán hàng vẫn làm: họ không chấp nhận thất bại; họ tự thích nghi, thay đổi và chấp nhận mạo hiểm sau khi đã tính toán kỹ. Chàng thanh niên quyết định đổi mới cách thức làm việc và chuẩn bị kiếm thật nhiều tiền. Anh đưa ra một chiến lược bán hàng hoàn toàn mới. Cuối cùng, chính quyết định này đã thay đổi cuộc đời anh, cả trên phương diện tài chính lẫn sự nghiệp.

Chàng trai này biết rằng mình nên bắt đầu bán hàng cho các nhà lãnh đạo cao nhất của khách hàng. Những nhân viên dưới quyền đã từ chối người bán hàng vài lần và ai cũng bảo hãy hỏi cấp trên của họ, đó là các tổng giám đốc điều hành (CEO), giám đốc điều hành (COO), giám đốc tài chính (CFO), giám đốc thông tin (CIO). Trước đó, chàng trai chưa từng làm việc trực tiếp với các nhân vật cao cấp. Anh quyết định làm bằng được điều này, dù có thể sẽ khiến những người anh tiếp cận đầu tiên cảm thấy bị xúc phạm. Hơn nữa, anh chưa từng hợp tác với công ty này, do vậy anh xác định chẳng có gì để mất. Chàng trai trẻ tự giam mình trong văn phòng, nghiên cứu mọi thông tin liên quan đến công ty kia, từ lĩnh vực kinh doanh, đối thủ cạnh tranh cho đến khách hàng và website. Anh nhận thấy rằng người thật sự đưa ra quyết định quan trọng trong công ty, nhưng rất ít xuất hiện, chính là các CFO. Anh tập suy nghĩ giống một CFO. Và anh đã biết được những gì về việc điều hành một công ty đa quốc gia trị giá hàng tỷ đô-la? Bản thân các CFO cũng gặp khó khăn khi phải thanh toán các hóa đơn đúng hạn. Mối quan tâm hàng đầu của những người này là các vấn đề tài chính, đặc biệt là giải pháp để giảm được chi phí. Dựa vào nghiên cứu của mình, anh đã đi đến kết luận: công ty mình sẽ giúp đối tác tiết kiệm 50.000 đô-la/năm bằng cách giảm chi phí vận hành hàng ngày. Anh tìm số điện thoại của vị CFO đó và hẹn gặp bằng được. Ngay tiếng chuông đầu tiên, vị CFO đã nhấc máy. Sau khi tự giới thiệu, người bán hàng nói ngay rằng cuộc gọi này sẽ kết thúc trong vòng một đến hai phút. Anh cũng nói mình tự tin có thể giúp công ty của ông ta tiết kiệm tới 50.000 đô-la, và hỏi ông có mang theo sổ tay công tác không. Vị giám đốc đồng ý và họ sắp xếp một cuộc hẹn. Cuộc gặp gỡ này hoàn toàn mới mẻ và xa lạ, vì thế chàng trai đã lên kế hoạch rất cẩn thận. Anh đi tới cuộc hẹn cùng với một chuyên gia phân tích tình hình hoạt động của công ty mình. Người ta không bao giờ đề cập tới sản phẩm ngay trong cuộc gặp đầu tiên, vì những câu hỏi của người bán hàng thường tập trung vào việc khách hàng sẽ nhận được gì từ sản phẩm của mình chứ không phải công nghệ hay đặc tính và tiện ích của sản phẩm. Người bán hàng trong câu chuyện trên đề nghị tiến hành một cuộc “kiểm tra nhằm tiết kiệm chi phí” để nhận dạng những quy trình thừa, cũng như những yếu tố gây lãng phí khác. Mặc dù về nguyên tắc, khách hàng phải trả tiền cho những cuộc kiểm tra như vậy, nhưng người bán hàng đã đưa ra một đề nghị khiến vị CFO không thể từ chối: cuộc kiểm tra sẽ hoàn toàn miễn phí nếu không tìm ra quá trình cắt giảm chi phí nào.

ĐỌC THỬ

NHÂN VIÊN BÁN HÀNG BẬC THẦY KHÔNG CÓ ĐỐI THỦ

Những nhân viên bán hàng khác và những công ty khác muốn có khách hàng của bạn. Họ cũng cung cấp những sản phẩm và dịch vụ giống bạn. Thậm chí, một vài sản phẩm và dịch vụ còn có giá thành thấp hơn. Một số sản phẩm lại có những đặc điểm, công nghệ, màu sắc, kích thước hay hệ thống vận chuyển khác với sản phẩm của công ty bạn. Những người khác nhòm ngó công việc bạn đang làm, nhưng họ không phải là đối thủ cạnh tranh của bạn. Đối thủ thật sự của bạn là sự dửng dưng của khách hàng.

Khi bạn tin tưởng vào kế hoạch bán hàng, hay những giá trị quy ra tiền mặt mà khách hàng sẽ nhận được khi sử dụng sản phẩm, và tin rằng ở địa vị một khách hàng, bạn cũng sẽ lựa chọn sản phẩm bạn đang bán, bạn không có đối thủ. (Việc quy về giá trị tiền mặt là biện pháp xác định giá trị thật sự mà sản phẩm mang lại, thường bằng đô-la và xu. Chẳng hạn, giá trị quy đổi của việc giảm phế phẩm kim loại trong quá trình vận chuyển rác có thể vào khoảng 10.000 đô-la.) Khách hàng có thể không biết đến hay hoài nghi về giá trị quy đổi tiền mặt mà bạn mang tới cho họ. Khách hàng không biết tại sao giải pháp của bạn lại tối ưu nhất. Nhiệm vụ của bạn là giúp cho họ hiểu và biến sự dửng dưng của họ thành sự am hiểu, đồng tình. Thông qua việc đưa ra các câu hỏi và luôn luôn lắng nghe, bạn phải xác định được khách hàng cần gì, họ đã biết và chưa biết những gì. Nhiệm vụ của bạn là giải đáp những thắc mắc sao cho khách hàng thấy được cả quan điểm của bạn trong câu trả lời. Hãy xin lỗi vì đã không cung cấp cho khách hàng những thông tin mới – điều này sẽ giúp họ đưa ra quyết định và nâng cao vị thế của bạn trong mắt khách hàng.

Bạn không thể kiểm soát những điều người khác sẽ làm. Hơn nữa họ cũng trung thực, chăm chỉ và khôn ngoan không kém. Dẫu vậy, đừng thừa nhận sự tồn tại của các đối thủ. Không bao giờ nhắc tới đối thủ cụ thể, cũng đừng bao giờ sử dụng từ “đối thủ”. Gọi tên đối thủ đồng nghĩa với việc bạn đang đề cao họ.

Tuyệt đối không chỉ trích đối thủ, vì làm như vậy bạn sẽ xúc phạm khách hàng (khách hàng sẽ nghĩ bạn có ý nói họ thật ngốc nghếch nếu lựa chọn một nhà cung cấp khác). Phê bình đối thủ cũng hạ thấp hình ảnh của bạn trong mắt khách hàng.

Đừng để ý tới những người khác, hãy đến gần khách hàng của bạn và chứng minh cho họ thấy bạn có thể mang lại những gì cùng sản phẩm. Khi đó, những người khác sẽ phải hành động.

Khi bạn tin rằng mình không có đối thủ, việc bán hàng có tốt hay không và doanh thu có cao hay không sẽ hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của bạn.

Khi bạn tin rằng mình không có đối thủ, việc bán hàng có tốt hay không và doanh thu có cao hay không sẽ hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của bạn.

PHƯƠNG CHÂM CỦA NHÂN VIÊN BÁN HÀNG BẬC THẦY

Phương châm hành động là những nguyên tắc sống và làm việc. Các tổ chức nổi tiếng đều có phương châm riêng. Chẳng hạn, phương châm của Hiệp hội Hướng đạo sinh là ”Hãy sẵn sàng”, trong khi Tổ chức Giám hộ bờ biển Hoa Kỳ chọn ” emper Paratus” (Luôn sẵn sàng), còn tập đoàn IBM lại chọn “Suy nghĩ”.

Nhân viên bán hàng bậc thầy đề cao các phương châm vì chúng nhắc họ những việc cần làm để kiếm những khoản lợi nhuận khổng lồ. Một số nhân viên bán hàng bậc thầy có nhiều phương châm, số khác chỉ có một phương châm duy nhất, cũng có nhiều phương châm không rõ ràng. Nhưng khi thăm dò bất kỳ một nhân viên bán hàng bậc thầy nào, bạn cũng sẽ tìm được một hoặc nhiều phương châm. Dưới đây là một vài phương châm phổ biến của các nhân viên bán hàng bậc thầy:

  1. “Ngủ sớm, dậy sớm, siêng năng bán hàng và quy đổi các giá trị thành tiền mặt.”

Nhân viên bán hàng bậc thầy mang lại cho khách hàng sự hài lòng hoặc tiền bạc, đôi khi là cả hai. Nhân viên bán hàng bậc thầy không bán hàng hóa hay dịch vụ, không bán đặc tính, lợi ích của sản phẩm hay công nghệ, họ bán cho khách hàng những tiện ích của sản phẩm hay công nghệ đó. Nói cách khác, họ bán giá trị quy đổi thành tiền mặt mà sản phẩm đem lại. Khi nhân viên bán hàng bậc thầy cung cấp cho khách hàng một giải pháp khắc phục khó khăn, giải pháp đó luôn được quy đổi thành tiền. Nhân viên bán hàng bậc thầy luôn nhắc nhở khách hàng để họ ý thức được họ sẽ mất bao nhiêu tiền nếu không có những giải pháp này.

Nhân viên bán hàng bậc thầy rất độc lập. Họ làm việc chăm chỉ để bán được nhiều hàng và luôn trong vòng quay bán hàng.

  1. “Nếu ngài không cộng tác với tôi, chúng ta sẽ cùng thất bại.”

Nhân viên bán hàng bậc thầy hoàn toàn tin rằng mình luôn giúp cải thiện tình trạng hiện tại của khách hàng. Họ biết nếu khách hàng không sử dụng dịch vụ của mình thì khách hàng sẽ bỏ qua thứ gì đó, còn mình sẽ mất doanh thu.

  1. “Tôi bán hàng ngay khi tỉnh giấc.”

Nhân viên bán hàng bậc thầy luôn luôn trong cuộc. Những người khác bán hàng để sống, nhân viên bán hàng bậc thầy sống để bán hàng. Khi đồng hồ báo thức đổ chuông vào lúc năm giờ sáng, thay vì một giai điệu hay những tiếng chuông, âm thanh duy nhất cất lên trong đầu anh ta là: “Này nhân viên bán hàng bậc thầy, hãy tỉnh dậy và bắt tay ngay vào bán hàng!” Với họ, bất kỳ lúc nào cũng có thể là thời điểm bán hàng.

  1. “Cạnh tranh từng ly, từng tấc.”

Giống như các vận động viên chuyên nghiệp, nhân viên bán hàng bậc thầy phải cạnh tranh từng ly, từng tấc. Họ sắp xếp nhiều cuộc hẹn hơn, chuẩn bị nhiều kế hoạch hơn và làm việc siêng năng hơn những nhân viên bán hàng khác. Họ chú ý tới từng chi tiết. Không có ai đánh máy thư thay họ, và họ cũng chẳng bao giờ mang theo bút máy trong túi áo sơmi. Họ làm việc chuyên nghiệp trong từng động tác vì họ ý thức được rằng chỉ “sẩy một ly” sẽ “đi một dặm”.

  1. “Tương lai là ngay lúc này.”

Đó chính là lý do tại sao nhân viên bán hàng bậc thầy phải luôn luôn và trước hết là duy trì được công việc hiện tại của mình. Nhân viên bán hàng bậc thầy say mê bán hàng và họ luôn kiếm được lợi nhuận. Họ luôn cố hoàn thành mục tiêu chỉ trong một cuộc gặp mặt, họ gợi ý về đơn đặt hàng trong mọi cuộc hẹn, và hiện tại họ không dựa vào những mối quan hệ lâu dài để bán hàng theo kiểu truyền thống. Hiện tại nghĩa là ngay bây giờ, ngay hôm nay.

Ngay hôm nay hãy làm điều gì đó. Đừng chần chừ. Hãy gọi ngay cho khách hàng. Ngay bây giờ.

Nhân viên bán hàng bậc thầy đề cao các phương châm vì chúng nhắc họ những việc cần làm để kiếm những khoản lợi nhuận khổng

KHÔNG THỂ BÁN BIA MÀ CHỈ NGỒI MỘT CHỖ

Nemesio Diez Riega, nhà quản lý bán hàng huyền thoại của Groupo Modelo (nhà phân phối hàng đầu thế giới của các nhãn hiệu bia như Corona Extra, Corona Light và Modelo), đã huấn luyện các nhân viên của mình phải bán hàng trên đường phố và tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Trừ phi bạn là một nhân viên tiếp thị qua điện thoại, nếu không càng dành thời gian ở văn phòng bao nhiêu, bạn càng kiếm được ít tiền bấy nhiêu. Với những kế hoạch hoàn hảo trước mỗi cuộc hẹn và khả năng chuyên môn hàng đầu, bạn càng làm việc trực tiếp nhiều với nhiều khách hàng, doanh thu của bạn càng cao. Có hàng triệu lý do giải thích vì sao để gặp được những người đưa ra quyết định cuối cùng lại khó khăn đến vậy. Chỉ ngồi một chỗ làm những việc tốn thời gian mà không thu được kết quả gì, chần chừ, hồi hộp chờ chuông điện thoại reo và đùa cợt với chính mình… là một trong hàng triệu lý do. Nếu khách hàng không tìm đến với bạn, hãy tự tìm đến họ. Văn phòng của bạn có thể là một ghế ngồi trên máy bay hay trong ô tô và bàn làm việc là chiếc cặp sách. Ngày làm việc của bạn kéo dài 24 tiếng và một tuần làm việc của bạn có bảy ngày.

Khi tìm việc, mọi người thường trao đổi thông tin, tìm kiếm và làm theo những lời chỉ dẫn, gửi thư, gửi sơ yếu lý lịch, gọi điện thoại, hẹn gặp và phỏng vấn. Công việc bán hàng cũng giống như tìm việc làm: bán hàng cũng cần có dự định bổ sung những khách hàng mới, bán những ứng dụng mới của một sản phẩm đang lưu hành hay dự định mở rộng thị trường, giữ những khách hàng quan trọng. Hãy đầu tư nhiều sức lực vào việc bán hàng như bạn vẫn làm khi cạnh tranh cho một vị trí được trả lương hậu hĩnh.

Những cuộc gặp trực tiếp với khách hàng nắm quyền quyết định thường rất hiếm. Số nhân viên bán hàng yêu cầu cam kết từ khách hàng thậm chí còn ít hơn. (Các nghiên cứu đã chỉ ra có đến 90% số nhân viên bán hàng không bao giờ hỏi về đơn đặt hàng.) Điều này có nghĩa là những người bán hàng có nhắc đến đơn đặt hàng trong quá trình gặp gỡ khách hàng thường có lợi thế cạnh tranh lớn hơn. Thường thì khi được hỏi, khả năng đồng ý của khách hàng sẽ cao hơn so với khi không được hỏi, đặc biệt là trong một cuộc gặp mặt trực tiếp. Đó chính là lý do khiến nhân viên bán hàng bậc thầy rời văn phòng của mình và đi đến nơi làm việc của khách hàng.

Bạn không thể bán bia mà chỉ ngồi một chỗ. Bạn không thể rao mời quảng cáo, hay bán bảo hiểm, các máy MRI, các phần mềm… mà chỉ ngồi tại bàn làm việc. Bạn sẽ không thể bán được nhiều hàng nếu không gặp gỡ khách hàng.

 

Trừ phi bạn là một nhân viên tiếp thị qua điện thoại, nếu không càng dành thời gian ở văn phòng bao nhiêu, bạn càng kiếm được ít tiền bấy nhiêu.

CHÚ Ý ĐẾN NHỮNG DẤU HIỆU MUA HÀNG ĐẦU TIÊN

Bạn có một cuộc hẹn lúc 10 giờ 15 phút. Bạn tới gặp khách hàng đúng giờ. Khách hàng mở đầu cuộc trao đổi bằng cách thông báo: “Chúng tôi đang làm việc với đối thủ cạnh tranh của các vị. Họ là một công ty tốt, sản phẩm của họ rất ổn và giá cả thì thấp hơn của các vị.” Sau đó, khách hàng khoanh tay và ngả người ra sau ghế.

Khi những điều như vậy xảy ra, nếu bạn không thật sự hiểu vấn đề và không có sự chuẩn bị, bạn rất dễ nhụt chí và rơi vào một mớ hỗn độn. Nhưng hãy lưu ý: khách hàng của bạn biết ông ta đang làm việc với công ty đối thủ của bạn. Khách hàng cũng biết nhà cung cấp hiện tại của ông ta là một công ty tốt với sản phẩm đạt yêu cầu. Và hẳn người khách này cũng đã ít nhiều có thông tin về sản phẩm của bạn và thấy rằng chúng có giá cao hơn những mặt hàng mà ông ta đang mua. Vậy tại sao vị khách hàng này vẫn đồng ý hẹn gặp bạn? Ông ta đồng ý gặp bạn vì ông ta đang có rắc rối và nghĩ rằng bạn có thể giải quyết nó.

Điều đầu tiên người khách này đang nghĩ và thật sự muốn nói là: “Thật ra tôi đã phạm sai lầm khi thuê nhà cung cấp hiện tại. Nhưng tôi không thể thừa nhận sai lầm này vì nó sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của tôi. Tôi gặp phải một rắc rối và tôi cần mang đến cho công ty một giải pháp tối ưu để không trở thành trò cười. Làm ơn hãy giúp tôi! Nhưng hãy để tôi cư xử như một kẻ khó tính, chỉ một chút thôi, hãy để cho tôi giữ thể diện. Giờ hãy nói điều gì đó để tôi có thể cho phép anh giúp tôi.”

Các dấu hiệu mua của khách hàng có thể biểu hiện trong lời nói hay những hành động có thiên hướng đồng ý, tiếp tục cuộc trao đổi và cuối cùng là mua hàng, bao gồm: tươi cười, gật đầu, đồng ý dùng thử, hỏi về kỹ thuật và sắp xếp thêm một cuộc hẹn khác. Nhưng dấu hiệu mua hàng đầu tiên là khách hàng đồng ý gặp người bán hàng, sắp xếp một cuộc hẹn và đến cuộc hẹn đó. Trong thế giới bận rộn ngày nay, khách hàng không bao giờ lên lịch cho các cuộc hẹn nếu họ không có nhu cầu. Những khách hàng bận rộn sẽ không sắp xếp các cuộc giao dịch qua điện thoại chỉ vì họ quan tâm việc người bán hàng sẽ mặc trang phục như thế nào. Họ cũng không bao giờ tham dự những cuộc gặp mặt phù phiếm. Họ đồng ý gặp mặt nghĩa là họ đang có nhu cầu.

Trước khi gọi điện, bạn đã lên một kế hoạch tổng thể và nghiên cứu kĩ về khách hàng, bạn đã có kế hoạch tỉ mỉ cho cuộc hẹn và biết rõ vì sao khách hàng nên cộng tác với mình. Bạn biết lý do tại sao nếu là khách hàng, bạn cũng sẽ sử dụng dịch vụ mà bạn đang kinh doanh, bạn có cơ sở để tin vào bản thân, vào công ty và sản phẩm của công ty mình. Bạn biết khách hàng đang thật sự nói gì. Căn cứ vào tất cả những lý do trên, bạn hoàn toàn có cơ sở để bình tĩnh trước khách hàng.

Khi đã có dấu hiệu mua hàng đầu tiên, hãy tiến ngay tới cuộc giao dịch.

Trong trường hợp trên, bạn sẽ trả lời khách hàng rằng: “Cám ơn ông/bà đã dành thời gian gặp tôi. Dựa vào kinh nghiệm làm việc với những đối tác như quý công ty và căn cứ vào những gì chúng tôi tìm hiểu, chúng tôi tự tin rằng chúng tôi sẽ giúp quý công ty tiết kiệm ít nhất 30.000 đô-la thông qua việc giảm bớt lượng nước sử dụng. Tôi tiếp tục được chứ?”

Rồi bạn tiếp tục đặt 40 đến 50 câu hỏi mà bạn đã chuẩn bị kĩ lưỡng, đã viết ra và luyện tập.

Hãy biến dấu hiệu mua hàng đầu tiên thành một vụ mua bán thật sự.

Dấu hiệu mua hàng đầu tiên là khách hàng đồng ý gặp người bán hàng, sắp xếp một cuộc hẹn và đến cuộc hẹn đó

BIẾN SÁU CHIẾC KHUY THÀNH 60.000 ĐÔ-LA

Có một người khách ngoại tỉnh gặp phải chút rắc rối: ông ta cần đính sáu cái khuy vào chiếc dây đeo quần đắt tiền mà ông chuẩn bị mặc buổi tối hôm đó. Ông tới thăm cậu con trai đang theo học năm đầu tại một trường tư thục trong thị trấn nhân Tuần lễ Phụ huynh. Người đàn ông này đến từ và hoàn toàn xa lạ với thị trấn. Trước tiên, ông dừng lại ở một cửa hiệu giặt là để xem có ai đó có thể giúp mình đính khuy không, nhưng cửa hàng luôn mang quần áo ra ngoài sửa nên không giúp gì được cho ông. Tiếp đó ông tìm đến một tiệm may nhưng cô thợ may đang quá bận vì phải hoàn tất cho khách hàng một chiếc váy để kịp đi dự tiệc cocktail.

Cuối cùng, người đàn ông ghé vào một cửa hàng quần áo dành cho nam giới với hy vọng những người ở đó sẽ giới thiệu cho ông một thợ may. Sau khi nghe xong câu chuyện và nhu cầu của người đàn ông, người bán hàng gợi ý: “Trong cửa hàng chúng tôi có một thợ may. Anh ấy sẽ rất vui lòng đính khuy giúp ông, chúng tôi không tính tiền. Ông sẽ tiết kiệm được thời gian. Chào mừng ông đến thị trấn xinh đẹp của chúng tôi.”

Người khách trao quần và khuy cho nhân viên bán hàng. Sau khi nhìn qua những chiếc khuy, người bán hàng đề nghị: “Tôi có thể đưa ra một vài gợi ý được không? Tôi nghĩ ông nên dùng những chiếc khuy ngà rất đẹp như thế này.” Người khách trả lời: “Thế cũng được. Tổng cộng tôi sẽ phải trả anh bao nhiêu?’’ Người bán hàng trả lời: “Không mất tiền thưa ông. Hãy giữ lại những chiếc khuy của ông vì biết đâu con trai ông sẽ cần chúng khi đeo dây quần.” Chỉ trong vài phút, những chiếc khuy quần mới đã được bọc, đính và thắt nơ cẩn thận.

Ngày hôm sau, người đàn ông từ Tennessee quay trở lại cửa hàng cùng với vợ và con trai. Họ đã dành ba giờ đồng hồ để mua sắm cho cậu con trai. Họ mua quần, áo khoác, áo sơmi, và dĩ nhiên cả dây đeo quần. Đó là vụ mua bán đầu tiên với người khách đến từ Tennessee và cũng là một vụ mua bán đầy hứa hẹn. Trong vài năm sau, vị khách từ Tennessee, bạn bè của ông và bạn bè của cậu con trai đã tiêu tới 60.000 đô-la ở cửa hàng đó.

Sáu cái khuy. Mười phút. Tác phong lịch sự hiếm có. Thái độ thân thiện. Sự ý thức được rằng ai cũng có thể là khách hàng tiềm năng. Thêm một vài dịch vụ nhỏ (bọc và thắt nơ) bên cạnh những sản phẩm khuyến mãi (những chiếc khuy ngà). Đó là tất cả những gì cần để biến sáu chiếc khuy thành 60.000 đô-la.

Hãy thử tưởng tượng thêm, vợ của người đàn ông Tennessee trong câu chuyện sẽ mua váy dự tiệc cốc-tai ở đâu?

 

Ý thức được rằng ai cũng có thể là khách hàng tiềm năng.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button