Kinh doanh - đầu tư

Nghệ Thuật Theo Đuổi Sự Tối Giản

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Greg McKeown

Download sách Nghệ Thuật Theo Đuổi Sự Tối Giản ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KINH TẾ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Người theo chủ nghĩa tối giản

Sống đời thông thái tức là biết loại bỏ những điều không cần thiết

− Lâm Ngữ Đường −

Sam Elliot(1), một quản trị viên đầy năng lực ở Thung lũng Silicon luôn cảm thấy quá tải sau khi công ty của ông bị một tập đoàn lớn thâu tóm.

Là một người đầy trách nhiệm trong công việc và luôn muốn khẳng định mình ở môi trường mới, ông thường chấp nhận nhiều yêu cầu đưa ra cho mình mà không thực sự suy nghĩ về chúng. Hậu quả là ngày nào ông cũng phải tham dự hết cuộc họp này đến hội thảo khác để cố gắng làm mọi người hài lòng và hoàn thành tất cả những việc được giao. Những căng thẳng của ông ngày càng gia tăng, trong khi chất lượng công việc lại giảm sút. Giống như việc bạn chỉ tập trung vào các hoạt động vụn vặt khiến chất lượng công việc không được như ý muốn, làm thất vọng những người mà bạn đang hết sức cố gắng để làm hài lòng.

Sau đó, đại diện của tập đoàn đã đến gặp và đề nghị ông nghỉ hưu sớm. Tuy nhiên, Sam mới chỉ ngoài 50 tuổi và chưa có ý định về hưu. Ông đã tính đến việc thành lập một công ty tư vấn thuộc chuyên ngành của mình và thậm chí còn dự định cung cấp dịch vụ này cho công ty hiện nay với vai trò tư vấn. Mặc dù vậy, những lựa chọn này không mấy thú vị nên ông đã tham khảo ý kiến một cố vấn dạn dày kinh nghiệm và người này đã cho ông một lời khuyên khá ngạc nhiên: “Hãy ở lại công ty, nhưng chỉ làm việc như một tư vấn viên và không nhận thêm việc gì cả. Đừng kể với ai về điều này”. Nói một cách khác, người cố vấn đã khuyên ông chỉ làm những việc mà ông thấy cần thiết và từ chối những công việc được giao khác. Sam đã thực hiện theo lời khuyên này và kiên quyết nói “Không” với những việc không cần thiết. Ông bắt đầu từ chối nhiều lời đề nghị: lúc đầu, ông còn ngập ngừng và đánh giá các đề nghị đó dựa trên những tiêu chuẩn khá dễ chịu: “Mình có thể thực hiện được công việc này với thời gian và khả năng cho phép không?” Nếu câu trả lời là “Không”, ông sẽ từ chối. Ông khá ngạc nhiên và hài lòng khi phát hiện ra rằng mặc dù mới đầu mọi người có vẻ hơi thất vọng nhưng dường như họ tôn trọng sự thẳng thắn của ông. Được khích lệ bởi những thắng lợi bước đầu đó, ông từ chối nhiều hơn. Giờ đây, khi có một đề nghị dành cho mình, ông sẽ dành thời gian cân nhắc đề nghị đó với những tiêu chuẩn khắt khe hơn: “Đây có phải là điều quan trọng nhất mà mình nên làm với thời gian và khả năng hiện có của mình?” Nếu không thể trả lời “Có” một cách chắc chắn, ông sẽ từ chối lời đề nghị. Ông vui mừng phát hiện ra rằng ban đầu đồng nghiệp có vẻ thất vọng, nhưng chẳng bao lâu sau họ bắt đầu tôn trọng ông hơn vì đã từ chối.

Với thành công đó, không chỉ với những công việc trực tiếp giao cho mình, ông bắt đầu áp dụng phương pháp lựa chọn này vào mọi việc. Nếu trước đây ông luôn tình nguyện nhận việc chuẩn bị các phần trình bày hoặc những công việc được giao khác vào phút chót thì giờ đây ông bắt đầu biết cách từ chối chúng. Nếu trước đây ông luôn là người đầu tiên trả lời các e-mail trao đổi công việc thì giờ ông thường im lặng và để cho những người khác có ý kiến trước. Ông không tham dự các cuộc họp nếu không quan tâm lắm; không dự các buổi giao ban hằng tuần nếu thấy không cần thêm thông tin; không tham gia vào các cuộc họp đã được lên lịch sẵn nếu cá nhân ông không có đóng góp gì trực tiếp vào đó. Ông giải thích với tôi rằng: “Được mời tham dự không có nghĩa là tôi phải tham gia các buổi họp đó”. Lý luận này nghe có vẻ hơi ích kỷ nhưng nhờ chọn lọc như vậy, ông đã tạo được cho mình nhiều khoảng không hơn để tìm thấy sự tự do sáng tạo. Ông có thể tập trung nỗ lực vào một dự án, lập kế hoạch kỹ lưỡng, dự đoán trước được những trở ngại và tìm giải pháp vượt qua chúng. Thay vì cố gắng hoàn thành mọi việc, ông có thể hoàn thành tốt những công việc cần thiết. Phương pháp mà ông tìm ra − chỉ tập trung làm những việc thực sự quan trọng và loại bỏ những thứ không cần thiết khác − đã giúp ông khôi phục được chất lượng công việc của mình. Thay vì chỉ đạt được tiến bộ ít ỏi trong rất nhiều công việc khác nhau, ông bắt đầu tập trung nỗ lực hoàn thành những việc thực sự quan trọng. Sau vài tháng áp dụng phương pháp này, ông nhận ra mình không chỉ đạt được những thành công như trước đây mà còn có thêm nhiều thời gian hơn cho gia đình. Ông nói: “Tôi đã lấy lại được cuộc sống gia đình của mình! Tôi có thể về nhà đúng giờ.” Giờ đây, thay vì là nô lệ cho chiếc điện thoại, ông tắt nó đi để tập thể thao, ra ngoài ăn tối với vợ, v.v.. Ông vô cùng ngạc nhiên khi nhận ra thử nghiệm này không dẫn đến hậu quả tiêu cực nào: Cấp trên không gây khó dễ cho ông, đồng nghiệp không bực tức với ông. Trái lại, vì được giao những dự án có ý nghĩa và thực sự có giá trị đối với công ty, ông bắt đầu nhận được sự tôn trọng cũng như được đánh giá cao trong công việc hơn rất nhiều so với trước đây. Cuối năm đó, ông nhận được mức thưởng cao chưa từng có trong sự nghiệp của mình.

Ví dụ này là một minh chứng rõ ràng của chủ nghĩa tối giản: chỉ khi bạn ngừng cố gắng làm tất cả mọi việc hoặc nói “Có” với tất cả mọi người, bạn mới có thể có được những đóng góp tốt nhất cho những điều thật sự có ý nghĩa.

Đã bao lần bạn trả lời “Có” với những đề nghị mà không hề suy nghĩ về nó? Đã bao lần bạn bực bội vì đã đồng ý nhận làm việc gì đó rồi tự hỏi: “Tại sao mình lại nhận việc này nhỉ?” Bạn có thường xuyên trả lời “Có” chỉ để làm hài lòng người khác? Hay để tránh rắc rối? Hay bởi “Có” đã trở thành câu trả lời quen thuộc của bạn?

Giờ hãy trả lời các câu hỏi sau: Bạn đã bao giờ cảm thấy quá tải? Bạn đã bao giờ cảm thấy mình tuy làm việc hết sức nhưng không được trọng dụng? Bạn đã bao giờ thấy mình chỉ tập trung vào các việc nhỏ nhặt? Bạn đã bao giờ cảm thấy mình luôn bận rộn nhưng lại không đạt được hiệu quả? Giống như việc bạn luôn di chuyển nhưng chẳng đi được đến đâu cả?

Nếu câu trả lời là “Có” cho tất cả các câu hỏi này thì giải pháp chính xác dành cho bạn là hãy trở thành “Con người tối giản”.

ĐỌC THỬ

PHƯƠNG CHÂM CỦA NGƯỜI THEO CHỦ NGHĨA TỐI GIẢN.

Dieter Rams là nhà thiết kế chính của công ty Braun trong nhiều năm. Ông luôn được thôi thúc bởi ý tưởng rằng hầu hết mọi thứ trong cuộc sống đều là tín hiệu nhiễu và có rất ít điều là thực chất. Công việc của ông là lọc các tín hiệu đó cho đến khi đạt được đến điểm cốt lõi của nó. Năm ông 24 tuổi, công ty yêu cầu ông cải tiến thiết kế của chiếc máy quay đĩa. Vào thời đó, mâm quay ở chiếc máy quay đĩa tiêu chuẩn thường được phủ một lớp gỗ hay thậm chí tích hợp chiếc máy như một món đồ gỗ trang trí trong phòng khách.

Thay vì đi theo lối thiết kế cũ, ông và các đồng nghiệp đã bỏ đi những chi tiết thừa và thiết kế chiếc máy quay đĩa chỉ với một lớp nhựa mỏng phía trên mà không có thêm bộ phận nào khác. Đó là lần đầu tiên, một kiểu máy được thiết kế như vậy và nó mang tính cách mạng đến nỗi nhiều người lo lắng rằng thiết kế này sẽ khiến công ty phá sản vì không ai mua sản phẩm đó. Việc cần phải có lòng can đảm để loại bỏ những thứ không cần thiết là lẽ đương nhiên. Vào những năm 1960, mẫu thiết kế thẩm mỹ nhưng đơn giản này đã thu hút được rất nhiều sự chú ý và chẳng bao lâu sau đã trở thành mẫu thiết kế mà mọi máy quay đĩa đều phỏng theo.

Tiêu chuẩn thiết kế của Dieter có thể được tóm tắt bởi một nguyên tắc cô đọng đặc trưng bằng ba từ tiếng Đức Weniger aber besser, có nghĩa là “ít nhưng chất”. Khó có định nghĩa nào về chủ nghĩa tối giản có thể mô tả nó chính xác hơn thế.

Phương châm của những người theo chủ nghĩa tối giản là theo đuổi một cách không mệt mỏi cái “ít hơn nhưng tốt hơn”. Điều này không có nghĩa áp dụng nguyên tắc đó một cách cứng nhắc, mà là theo đuổi nó một cách có kỷ luật.

Phương châm này không có nghĩa rằng người theo chủ nghĩa tối giản xác định mục tiêu trong năm tới của mình là từ chối nhiều hơn hay thực hiện một chiến lược mới về quản lý thời gian. Nó là việc họ thường xuyên tạm dừng để tự hỏi “Mình có đang đầu tư vào một việc đúng đắn hay không?” Cơ hội và các hoạt động trong cuộc sống là vô hạn nhưng thời gian và nguồn lực của chúng ta lại có hạn. Mặc dù nhiều cơ hội trong số đó là tốt, thậm chí rất tốt nhưng thực tế, rất ít trong số chúng cần thiết cho bạn. Người theo chủ nghĩa tối giản học cách nhận biết sự khác biệt đó, cân nhắc các lựa chọn và chỉ làm những việc thực sự cần thiết.

Chủ nghĩa tối giản không phải là tìm cách để làm được nhiều việc hơn mà là làm điều gì thực sự cần thiết với bạn. Điều đó cũng không có nghĩa bạn chỉ cần làm ít đi mà là bạn cần đầu tư thời gian và công sức của mình một cách hợp lý và sáng suốt để đóng góp được ở mức cao nhất bằng cách chỉ làm những việc cần thiết đối với mình.

Sự khác biệt trong cách thức của người theo chủ nghĩa tối giản và người theo chủ nghĩa cầu toàn có thể được nhìn thấy qua hai hình đối lập ở trang 14. Trong cả hai hình, những nỗ lực bỏ ra đều như nhau. Hình bên trái sức lực được chia cho nhiều hoạt động khác nhau và kết quả là chúng ta không hài lòng với việc chỉ nhích được 1mm theo cả triệu hướng khác nhau; trong khi ở hình bên phải, năng lượng được tập trung vào ít hoạt động hơn nên chúng ta đạt được những tiến bộ đáng kể hơn ở những việc quan trọng. Người theo chủ nghĩa tối giản không tìm cách làm mọi việc trong sự tính toán vật lộn, trong những đánh đổi thực sự và đưa ra quyết định một cách khó khăn. Trong nhiều trường hợp, chúng ta có thể học cách nhanh chóng đưa ra một quyết định mà nó có ảnh hưởng đến vô số những quyết định khác của chúng ta sau này, vì vậy bạn không cần phải hỏi đi hỏi lại câu hỏi này. Những người theo chủ nghĩa tối giản sống một cách linh hoạt chứ không mặc định. Thay vì đưa ra những lựa chọn mang tính tương tác, người theo chủ nghĩa tối giản tìm cách phân biệt điều quan trọng và không quan trọng, loại bỏ những thứ không cần thiết, vượt qua trở ngại để con đường đạt được những điều cần thiết đó trở nên rõ nét và dễ dàng hơn. Nói một cách khác, chủ nghĩa tối giản là cách tiếp cận mang tính hệ thống, có kỷ luật để quyết định xem đâu là mức đóng góp cao nhất của chúng ta và sau đó nỗ lực không mệt mỏi để đạt được chúng một cách dễ dàng.

Phương châm của người theo chủ nghĩa tối giản chính là con đường hướng tới việc kiểm soát những lựa chọn của chính họ. Đó là con đường để họ đi đến những mức độ thành công và ý nghĩa mới. Đó là con đường mà chúng ta cảm thấy hài lòng xuyên suốt chuyến hành trình chứ không phải chỉ ở đích đến. Tuy nhiên, mặc cho những lợi ích này, vẫn còn nhiều điều cản trở chúng ta thực hiện nguyên tắc kiên trì với số ít hơn nhưng tốt hơn. Đây có thể là lý do khiến nhiều người bị chệch theo hướng của người theo chủ nghĩa cầu toàn.

PHƯƠNG CHÂM CỦA NGƯỜI THEO CHỦ NGHĨA CẦU TOÀN.

Vào một ngày mùa đông đẹp trời ở California, tôi vào viện thăm vợ mình, Anna. Dù trông vẫn rạng rỡ nhưng tôi biết cô ấy đang rất mệt. Cô ấy mới hạ sinh cô con gái đáng yêu của chúng tôi một ngày trước đó. Cô bé khỏe mạnh và nặng 3,2kg.

Đúng ra đó phải là một trong những ngày hạnh phúc và thanh thản nhất trong cuộc đời tôi, nhưng nó lại trở thành một ngày đầy căng thẳng. Cô con gái xinh đẹp mới chào đời của tôi nằm trong tay người vợ đang mệt mỏi, nhưng tôi vẫn vừa nghe điện thoại vừa trả lời e-mail công việc; và tôi đang cảm thấy áp lực khi phải tham dự cuộc họp với một khách hàng. Đồng nghiệp gửi mail cho tôi với nội dung: “Lúc 1-2 giờ chiều ngày thứ Sáu không phải là thời điểm lý tưởng để sinh em bé vì tớ cần cậu có mặt ở cuộc họp này với ngài X.” Hôm nay là thứ Sáu và mặc dù khá chắc rằng đồng nghiệp của mình chỉ đang đùa, nhưng tôi vẫn cảm thấy áp lực cần phải tham dự cuộc họp đó.

Thâm tâm tôi biết điều mình cần phải làm. Rõ ràng thời điểm đó tôi cần ở bên cạnh vợ và con. Vì thế khi được hỏi tôi có định tham dự cuộc họp đó không, tôi đã dồn hết sự tự tin của mình để trả lời… “Có.”

Và trong tâm trạng đầy hối hận, tôi đến tham dự cuộc họp trong khi vợ và cô con gái mới chào đời đang nằm trong bệnh viện. Khi cuộc họp kết thúc, đồng nghiệp của tôi nói: “Khách hàng sẽ tôn trọng cậu vì cậu đã quyết định tham dự cuộc họp này.” Nhưng gương mặt của những người khách hàng của tôi lại không thể hiện điều đó, mà phản chiếu chính cảm giác của tôi. Tôi đang làm gì ở đây? Tôi đã trả lời “Có” chỉ đơn giản để làm hài lòng họ, nhưng đồng nghĩa với việc tôi đã làm tổn thương gia đình mình, sự chính trực của mình và thậm chí cả mối quan hệ với những khách hàng đó nữa.

Cuộc họp khách hàng đó vẫn diễn ra tốt đẹp. Nhưng dù thế nào đi nữa, chắc chắn tôi đã lựa chọn như một thằng ngốc. Trong lúc tìm cách làm mọi người hài lòng, tôi đã hy sinh những điều quan trọng nhất với bản thân.

Sau khi nghĩ lại, tôi đã rút ra được bài học quan trọng này:

Nếu bạn không dành ưu tiên cho cuộc sống của mình thì người khác sẽ làm như vậy.

Trải nghiệm đó đã khơi dậy lại trong tôi sở thích đọc sách để tìm hiểu tại sao những người thông minh khác lại đưa ra những lựa chọn trong cuộc sống riêng và sự nghiệp của họ. “Tại sao”, tôi tự hỏi, “chúng ta có rất nhiều khả năng tiềm ẩn nhưng lại không tận dụng được hết chúng?”, và “Làm thế nào để chúng ta có thể đưa ra những lựa chọn cho phép chúng ta sử dụng được hết tiềm năng của mình và của cả những người khác nữa?”.

Mong muốn tìm câu trả lời cho những câu hỏi này đã khiến tôi từ bỏ trường luật ở Anh để đến nhiều nơi, và cuối cùng dừng chân tại bang California để làm luận văn tốt nghiệp ở Đại học Stanford. Nó đã thôi thúc tôi dành hơn hai năm để hợp tác viết cuốn sách Multipliers: How the Best Lead-ers Make Everyone Smarter (tạm dịch: Cấp số nhân: những người lãnh đạo giỏi nhất làm thế nào để khiến cho những người khác thông minh hơn). Và nó đã tiếp tục truyền cảm hứng để tôi gây dựng một công ty tư vấn chiến lược và lãnh đạo ở Thung lũng Silicon. Ở đây, tôi được làm việc với một vài trong số những người tài giỏi ở một số những công ty tuyệt vời nhất trên thế giới, giúp họ vững bước trên con đường của người theo chủ nghĩa tối giản.

Trong công việc của mình, tôi đã gặp rất nhiều người trên khắp thế giới mệt mỏi và héo hon vì những áp lực xung quanh họ. Tôi đã hướng dẫn những người “thành công” nhưng luôn phải nỗ lực một cách tuyệt vọng để làm mọi thứ một cách hoàn hảo. Tôi đã tiếp xúc với những người lãnh đạo luôn muốn kiểm soát mà không nhận thức được rằng họ không phải làm những công việc chẳng đem lại lợi lộc gì mà họ được yêu cầu làm. Tôi đã phải làm việc không mệt mỏi để tìm hiểu tại sao nhiều cá nhân đầy năng lực và thông minh vẫn đang bị siết chặt trong chiếc vòng của sự không hiệu quả.

Và điều tôi khám phá được đã khiến tôi vô cùng kinh ngạc.

Tôi từng làm việc với một vị quản lý đầy tham vọng, ông gia nhập ngành công nghệ từ khi còn rất trẻ và rất yêu thích nó. Những kiến thức và đam mê đó đã mang lại cho ông ngày càng nhiều cơ hội. Háo hức muốn đạt được nhiều thành công hơn nữa, ông tiếp tục đọc nhiều hết mức có thể và theo đuổi tất cả những điều đó với sự thích thú và lòng nhiệt tình. Hằng ngày, đôi khi là hằng giờ, ông luôn tìm được đam mê mới cho mình. Trong quá trình đó, ông đã đánh mất khả năng phân biệt được vài thứ quan trọng trong vô số những điều không cần thiết khác. Với ông, tất cả mọi thứ đều quan trọng. Kết quả là ông ngày càng vắt kiệt sức lực của mình nhưng lại hầu như không đạt được tiến bộ nào ở vô vàn những công việc mà ông làm. Ông làm việc quá sức nhưng không đạt được hiệu quả như mong muốn. Khi đó, tôi đã phác họa cho ông hình ảnh giống như trong bức hình bên trái mà các bạn đã thấy ở phần trước.

Ông im lặng nhìn chằm chằm vào đó một hồi lâu rồi nói với giọng trống rỗng: “Đây chính xác là câu chuyện cuộc đời tôi”. Sau đó, tôi vẽ cho ông xem hình ảnh bên phải. “Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể tìm ra một thứ mà ông có thể làm hết sức mình?”, tôi hỏi ông. Ông trả lời một cách thành thật: “Đó chính là vấn đề.”

Như vậy, nhiều người thông minh, tham vọng có những lý do hoàn hảo cho việc khó trả lời được câu hỏi này. Một trong những lý do là trong xã hội, chúng ta bị lên án vì cách cư xử hợp lý (nói không) và được khen vì cách cư xử chưa hợp lý (nói có). Điều này dẫn đến cái mà tôi gọi là “Nghịch lý của sự thành công”, có thể được tóm tắt trong bốn giai đoạn dự đoán được như sau:

Giai đoạn 1: Khi đã có mục đích rõ ràng, chúng ta sẽ thành công nếu cố gắng.

Giai đoạn 2: Khi thành công, chúng ta sẽ được mọi người coi trọng và tìm đến. Chúng ta trở thành “Ngài Thông thái”, người luôn có mặt khi ai đó cần. Chúng ta có rất nhiều cơ hội và sự lựa chọn.

Giai đoạn 3: Khi có nhiều cơ hội và sự lựa chọn, chúng ta thường phải dành nhiều thời gian và công sức cho chúng và phải nỗ lực hơn nữa. Chúng ta ngày càng trở nên mệt mỏi.

Giai đoạn 4: Chúng ta mất tập trung vào những việc đáng ra cần phải cố gắng. Như vậy, chính những hệ quả của thành công lúc trước của chúng ta đã phá hủy những mục đích rõ ràng đã giúp chúng ta có những thành công ban đầu.

Có vẻ nghịch lý và hơi quá, nhưng việc theo đuổi thành công có thể chính là chất xúc tác của thất bại. Nói cách khác, thành công có thể làm chúng ta sao nhãng khỏi những thứ thực sự cần thiết đã giúp chúng ta đạt được thành công đó.

Trong cuốn How the Mighty Fall (tạm dịch: Người khổng lồ đã gục ngã ra sao?) của mình, Jim Collins đã khám phá ra sai lầm của những công ty từng nổi tiếng ở Phố Wall nhưng sau đó lại thất bại. Ông đã chỉ ra lý do chính cho thất bại của họ là họ đã sa vào con đường “theo đuổi nhiều hơn một cách bất quy tắc”. Điều này đúng với nhiều công ty và đúng cả với những con người làm việc ở đó. Tại sao lại như vậy?

TẠI SAO CHỦ NGHĨA CẦU TOÀN LẠI CÓ MẶT Ở KHẮP NƠI?

Một vài khuynh hướng khi kết hợp với nhau sẽ tạo thành một làn sóng không hiệu quả hoàn hảo. Hãy xem xét những yếu tố dưới đây:

Quá nhiều sự lựa chọn

Trong suốt thập kỷ qua chúng ta có thể thấy ngày càng có nhiều sự lựa chọn. Nhưng thậm chí với nhiều lựa chọn như vậy, và có thể chính vì lý do đó mà chúng ta đã đánh mất khả năng nhận thức được điều gì là thực sự quan trọng. Như Peter Drucker đã nói: “Trong vài trăm năm tới, khi lịch sử hiện nay của chúng ta được viết ở mức dài hơi hơn, có thể sự kiện quan trọng nhất mà những nhà sử học nhìn thấy không phải là công nghệ hay internet, thương mại điện tử mà chính là sự thay đổi không đoán trước được của tình trạng con người. Lần đầu tiên, ngày càng nhiều người đứng trước quá nhiều sự lựa chọn. Lần đầu tiên họ phải tự mình xoay xở. Và xã hội hoàn toàn chưa được chuẩn bị cho điều đó”.

Một phần trong chúng ta chưa được chuẩn bị vì lần đầu tiên, sự vượt trội của các cơ hội đã đánh bại khả năng kiểm soát chúng của chúng ta. Chúng ta đã mất khả năng chọn lọc cái gì là quan trọng và cái gì không. Các nhà tâm lý học gọi đó là sự mệt mỏi của việc quyết định (decision fatigue): khi chúng ta buộc phải đưa ra càng nhiều quyết định thì chất lượng của những quyết định đó càng giảm sút.

Quá nhiều áp lực xã hội

Bên cạnh việc gia tăng các lựa chọn theo cấp số nhân là vấn đề sức mạnh và số lượng những ảnh hưởng bên ngoài tới quyết định của chúng ta ngày càng tăng. Đã có rất nhiều người đề cập về mức độ kết nối quá mức và sự quá tải về thông tin này có thể làm chúng ta sao nhãng ra sao, nhưng vấn đề chính ở đây là sự gắn kết này đã làm gia tăng các áp lực xã hội như thế nào. Ngày nay, công nghệ đã giúp hạ rất nhiều rào cản xuống và giúp những người khác chia sẻ ý kiến của họ về những điều cần tập trung. Đây không chỉ là sự quá tải thông tin mà còn là sự quá tải về quan điểm.

Suy nghĩ rằng “Mình có thể có tất cả”

Suy nghĩ rằng chúng ta có thể có tất cả và làm được tất cả không còn là mới mẻ. Tư tưởng vô lý đó đã có từ rất lâu và chắc hẳn bất kỳ ai cũng đã từng có lúc suy nghĩ như vậy. Nó được thể hiện đặc biệt rõ trong ngành công nghiệp quảng cáo, và là tư tưởng thống trị trong các tập đoàn. Suy nghĩ đó được thể hiện trong các bản mô tả công việc liệt kê một danh sách dài các kỹ năng và kinh nghiệm mà nhà tuyển dụng đòi hỏi ở bạn. Nó cũng được nêu bật trong các hồ sơ xin vào các trường đại học, trong đó đòi hỏi liệt kê hàng tá các hoạt động ngoại khóa mà bạn đã tham gia.

Điều mới mẻ ở đây chính là những hậu quả mà suy nghĩ vô lý này gây ra với chúng ta, trong thời đại mà sự lựa chọn và những mong đợi ngày càng tăng. Nó khiến cho những con người đầy căng thẳng vẫn phải cố nhồi nhét thêm nhiều hoạt động vào trong cuộc sống vốn đã đầy ắp các kế hoạch của họ. Nó tạo ra những môi trường tập thể luôn nhấn mạnh sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống nhưng lại vẫn mong đợi nhân viên của họ luôn sẵn sàng làm việc bất kể ngày đêm. Nó dẫn đến các cuộc họp nhân viên thường xuyên thảo luận về hàng chục “danh sách ưu tiên hàng đầu” một cách nghiêm túc.

Từ “ưu tiên” (priority) xuất hiện trong tiếng Anh vào những năm 1400. Đây là danh từ số ít và mang nghĩa điều quan trọng hàng đầu. Trong 500 năm tiếp theo, nó vẫn là một từ số ít. Chỉ vào những năm 1900, nó mới được biến thành số nhiều. Điều vô lý ở đây là chúng ta biện hộ rằng chúng ta có thể bẻ cong hiện thực bằng cách thay đổi thế giới. Bằng cách nào đó, giờ đây, chúng ta đã có rất nhiều những việc “ưu tiên”. Con người và các công ty thường xuyên tìm cách thực hiện điều đó. Một vị lãnh đạo đã kể với tôi về một công ty mà ông từng làm việc, nơi thường xuyên trao đổi về “Ưu tiên số 1, ưu tiên số 2, ưu tiên số 3, ưu tiên số 4 và ưu tiên số 5”. Điều này khiến tôi có ấn tượng rằng họ có rất nhiều thứ là ưu tiên nhưng thật ra lại chẳng có ưu tiên nào cả.

Khi cố gắng để làm tất cả và có tất cả, chúng ta lại vô tình đánh đổi bằng việc không có chiến lược trọng tâm của mình. Khi chúng ta không chủ tâm lựa chọn nơi để tập trung công sức và thời gian vào, những người khác – có thể là cấp trên, đồng nghiệp, khách hàng hoặc thậm chí cả gia đình chúng ta – sẽ lựa chọn thay chúng ta, và chẳng bao lâu sau, chúng ta cũng sẽ không biết điều gì thực sự có ý nghĩa và quan trọng với mình. Chúng ta hoặc chủ ý đưa ra lựa chọn của mình hoặc để những kế hoạch của người khác điều khiển cuộc sống của chúng ta.

Một y tá người Úc tên là Bronnie Ware chuyên chăm sóc các bệnh nhân đang ở giai đoạn 12 tuần cuối cùng của cuộc đời họ đã ghi chép lại những điều mà họ thường hối tiếc. Đứng đầu trong các việc đó là: “Ước gì tôi đã dũng cảm sống cuộc sống mà mình mong muốn, chứ không phải cuộc sống mà mọi người mong đợi ở tôi.”

Để làm được điều đó đòi hỏi bạn, không đơn thuần là nói không một cách tùy tiện mà là loại bỏ có chủ ý và có chiến lược những việc không cần thiết. Không chỉ bỏ qua những thứ rõ ràng lãng phí thời gian đó mà là cả những cơ hội tốt nữa. Thay bằng việc chống lại những áp lực xã hội đang lôi kéo bạn đi theo hàng triệu hướng khác nhau, bạn sẽ học được cách giảm thiểu, đơn giản hóa và tập trung vào những điều thật sự cần thiết bằng cách loại bỏ những thứ khác.

Điều mà cuốn sách này có thể giúp cho cuộc sống và sự nghiệp của bạn cũng giống như việc một người sắp xếp đồ chuyên nghiệp có thể làm cho tủ quần áo của bạn vậy. Hãy thử nghĩ xem tủ quần áo của bạn trông sẽ thế nào nếu bạn không bao giờ sắp xếp nó. Nó có gọn gàng và sạch sẽ không nếu chỉ với vài bộ quần áo mà bạn yêu thích được treo trên mắc? Tất nhiên là không rồi. Khi bạn không có ý thức sắp xếp gọn gàng thì tủ quần áo của bạn sẽ bừa bộn và chứa đầy những thứ mà bạn hiếm khi mặc. Mỗi lần cố gắng dọn dẹp, nó lại trở nên bừa bộn hơn. Trừ khi sắp xếp nó một cách có nguyên tắc, nếu không bạn sẽ hoặc có một tủ quần áo lộn xộn vì không thể quyết định được nên bỏ cái nào; hoặc bạn sẽ thấy hối tiếc vì đã vô tình cho đi những thứ bạn vẫn đang mặc và vẫn muốn giữ; hoặc bạn sẽ có cả đống quần áo bạn không muốn giữ vì bạn không biết nên mang nó đi đâu hoặc làm gì với nó.

Cũng giống như tình trạng tủ quần áo chất đống những thứ chúng ta không bao giờ mặc, cuộc sống cũng chứa đầy những trách nhiệm và những hoạt động mà chúng ta hứa sẽ thực hiện. Hầu hết những nỗ lực này đều không có một thời hạn nhất định. Trừ khi chúng ta có một hệ thống để thanh lọc những thứ đó.

Sau đây là cách một người theo chủ nghĩa tối giản giải quyết vấn đề này:

  1. Tìm hiểu và đánh giá

Thay vì tự nhủ: “Liệu mình có dịp mặc bộ này nữa không nhỉ?” bạn nên hỏi một câu hỏi khó và mang tính nguyên tắc hơn: “Mình có thích bộ này không nhỉ?” và “Mình mặc bộ này trông có đẹp không?” hay “Mình có mặc bộ này thường xuyên không?” Nếu câu trả lời là “Không” thì bộ trang phục này nên được loại bỏ. Tương tự như vậy, trong công việc và đời sống cá nhân của mình, bạn cần tự hỏi: “Liệu việc này hay sự cố gắng này có góp phần nhiều nhất giúp mình đạt được mục tiêu không?” Phần I của cuốn sách này sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời cho câu hỏi đó.

  1. Loại bỏ

Chẳng hạn quần áo của bạn được chia thành hai loại “Cần giữ” và “Có thể bỏ”. Nhưng bạn có thật sự sẵn sàng vứt đống quần áo “Có thể bỏ” đó mà không tiếc nuối? Rốt cuộc, nó vẫn sẽ có khuynh hướng phí tổn ngầm: nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng ta có xu hướng đánh giá những gì thuộc sở hữu của chúng ta cao hơn giá trị thật của chúng và vì vậy chúng ta cảm thấy khó có thể bỏ chúng đi được. Bạn có thể thử đứng ở vị trí khách quan hơn và hỏi câu hỏi khó này: “Nếu đó không phải là đồ của mình thì mình sẽ bỏ ra bao nhiêu tiền để mua nó”. Câu hỏi này thường rất có hiệu quả.

Nói một cách khác, chỉ đơn thuần quyết định việc nào và nỗ lực nào không mang lại đóng góp nhiều nhất là chưa đủ; bạn phải chủ động từ bỏ những việc không góp phần đáng kể vào mục tiêu của bạn. Phần II của cuốn sách này sẽ chỉ cho bạn cách để loại bỏ những thứ không cần thiết, và cách khiến bạn nhận được sự tôn trọng từ đồng nghiệp, cấp trên, khách hàng và cả những người xung quanh.

  1. Thực hiện

Nếu muốn tủ quần áo của mình được gọn gàng, bạn cần tạo thói quen sắp xếp nó. Bạn phải có một chiếc túi to để đựng những thứ cần bỏ đi. Bạn cần biết chỗ để giải tán những thứ đó và giờ mở cửa của cửa hàng bán đồ cũ gần nhà bạn cũng như sắp xếp thời gian để đi đến đó.

Nói một cách khác, một khi đã xác định được những việc và nỗ lực cần phải thực hiện – những thứ đóng góp nhiều nhất cho mục tiêu của bạn – thì bạn cần tìm ra cách thực hiện những ý định đó một cách dễ dàng. Thông qua cuốn sách này, bạn sẽ học được cách tạo ra một quy trình để thực hiện cho bằng được những việc cần thiết đó.

Tất nhiên cuộc sống của chúng ta không hề tĩnh tại như quần áo trong tủ đồ. Trong “tủ đồ cuộc sống” của chúng ta, những thứ quần áo mới – những nhu cầu mới của thời đại – thường xuyên nảy sinh. Hãy thử tưởng tượng mỗi lần bạn mở tủ quần áo lại thấy có thêm quần áo được nhét vào – ngày nào bạn cũng sắp xếp nó vào buổi sáng nhưng đến chiều lại thấy nó chất đầy đồ. Cuộc sống của chúng ta đáng tiếc lại như vậy. Đã bao lần bạn khởi đầu buổi sáng của mình với một lịch trình làm việc rõ ràng nhưng đến 10 giờ sáng lại hoàn toàn đi chệch khỏi lịch trình đó hoặc bị chậm tiến độ. Đã bao nhiêu lần bạn viết một danh sách những việc cần làm vào buổi sáng nhưng đến 5 giờ chiều lại thấy danh sách đó thậm chí còn đang dài hơn. Đã bao lần bạn mong chờ đến cuối tuần để được quây quần bên gia đình nhưng đến sáng thứ Bảy lại thấy mình vừa ngập lụt trong đống việc, vừa phải trông bọn trẻ và còn nhiều tai họa khác mà bạn không thể lường trước được? Tin tốt là có một cách giúp bạn thoát khỏi vấn đề đó.

Chủ nghĩa tối giản chính là việc tạo ra một hệ thống để giải quyết vấn đề “tủ đồ cuộc đời” chúng ta. Đây không phải là quy trình mà bạn thực hiện mỗi năm một lần, mỗi tháng một lần hay thậm chí mỗi tuần một lần, giống như việc sắp xếp tủ quần áo. Nó là một quy tắc để bạn áp dụng hằng ngày và áp dụng mỗi khi phải đối mặt với quyết định đồng ý hay từ chối một cách lịch sự. Đó là phương pháp để thực hiện những lựa chọn khó khăn giữa rất nhiều thứ tốt và một vài thứ tuyệt vời. Đó cũng là việc học cách nhằm làm ít hơn nhưng lại hiệu quả hơn để bạn có thể đạt được kết quả cao nhất cho những giây phút quý báu trong cuộc sống. Cuốn sách này sẽ chỉ cho bạn cách để sống một cuộc sống có ý nghĩa nhất với bản thân, thay vì phải sống theo mong đợi của những người khác. Nó sẽ dạy bạn cách để đạt được hiệu quả, năng suất và hiệu suất hơn trong đời sống cá nhân và trong công việc. Nó sẽ hướng dẫn bạn một cách hệ thống để phân biệt được đâu là việc quan trọng, nỗ lực thực hiện những việc quan trọng đó, đồng thời loại bỏ những gì không cần thiết. Nói tóm lại, nó sẽ dạy bạn cách áp dụng việc theo đuổi một cách có nguyên tắc những thứ ít hơn nhưng chất lượng hơn trong cuộc sống hằng ngày.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button