Kinh doanh - đầu tư

Nghệ Thuật Tạo Dựng Quan Hệ Kinh Doanh

Nghe thuat tao dung quan he kinh doanh - Robert Buderi & Gregory T. Huang1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Robert Buderi & Gregory T. Huang

Download sách Nghệ Thuật Tạo Dựng Quan Hệ Kinh Doanh ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  SÁCH KINH DOANH


2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

(cho bản tiếng Việt)

Sự kiện Bill Gates tới thăm Việt Nam từng được coi là bước khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam với vai trò thị trường cũng như nhà cung cấp (nguyên vật liệu, nhân sự…) trong chiến lược của Tập đoàn Microsoft. Việt Nam, Trung Quốc hay các nước châu Á nói chung đều có tập quán kinh doanh dựa trên quan hệ, trái ngược với phương thức làm việc trên hợp đồng rành mạch của phương Tây. Vì vậy, việc thâm nhập vào các nước châu Á không phải là một bài toán dễ giải cho bất cứ doanh nghiệp phương Tây nào.

Quan hệ chính là chìa khóa để hé mở cánh cửa thành công tại châu Á – điều mà ban lãnh đạo Microsoft nói chung và Bill Gates nói riêng giờ đây đều hiểu rõ. Để có được thành công tại Trung Quốc hôm nay, không chỉ toàn Tập đoàn mà đích thân Bill Gates đã phải nỗ lực hết mình trong việc tìm hiểu và thích nghi với cách thức kinh doanh dựa trên quan hệ.

Cuốn sách Guanxi: Nghệ thuật tạo dựng quan hệ kinh doanh của Robert Buderi và Gregory T. Huang là một nghiên cứu trường hợp tuyệt vời cho việc một đại công ty như Microsoft đã phải làm như thế nào để đạt được thành công rộng khắp và lâu dài tại thị trường hơn 1 tỷ người. “Guanxi” đối với giới kinh doanh Trung Quốc được hiểu như một mạng lưới quan hệ hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau. Mối tương quan win-win ấy đòi hỏi thời gian và sự tự nguyện, điều mà không nhà kinh doanh nào thành công tại Trung Quốc lại không thấu hiểu.

Cuốn sách thể hiện sự quyết tâm của Microsoft, từ việc điều chỉnh phương thức làm việc và giao tiếp “nhập gia tùy tục” cho đến việc đầu tư vào Trung tâm Nghiên cứu Microsoft Châu Á (Microsoft Research Asia) như một món quà ra mắt chủ nhà Trung Quốc. Việc vận dụng tốt “Guanxi” trong một môi trường văn hóa coi người lạ đồng nghĩa với sự dè chừng cũng chứng tỏ năng lực và tầm nhìn của các nhà lãnh đạo Microsoft cũng như làm thay đổi cách nhìn của các nhà kinh doanh đối với những gì Trung Quốc có thể đem lại cho họ.

Thông qua cuốn sách, người đọc có thể nắm bắt được những thăng trầm của Microsoft Trung Quốc trước những đối thủ cạnh tranh lớn như Google, hiểu được ý chí cần có khi thâm nhập vào các thị trường châu Á, cũng như học được cách điều chỉnh các mối quan hệ win-win đôi bên cùng có lợi trong một môi trường kinh doanh đang dần xóa đi các biên giới về lãnh thổ và dân tộc.

Guanxi: Nghệ thuật tạo dựng quan hệ kinh doanh là một món quà tri thức của Alpha Books trân trọng gửi tới các độc giả Việt Nam, là một bài học Guanxi giúp mọi doanh nghiệp phát triển bền vững trong một thị trường hơn 80 triệu dân có khả năng thích ứng và áp dụng công nghệ thông tin rất cao cũng như mở rộng phạm vi kinh doanh ra toàn cầu.

Lời mở đầu

Chuyến thăm Trung Quốc bí mật của người giàu nhất thế giới và những câu chuyện khác

Chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Bill Gates, theo Science Daily – tờ báo khoa học công nghệ hàng đầu Trung Quốc:

“… Chuyến thăm đầu tiên của ông thật ngắn ngủi.

Ngày 21 tháng 3 năm 1994, lần đầu tiên Bill tới Trung Quốc để bán phần mềm Windows, khi ấy ông 39 tuổi. Ông có cuộc hội kiến ngắn ngủi với Chủ tịch Giang Trạch Dân. Chủ tịch nói chuyện với Bill Gates về văn hóa Trung Hoa. Theo Chủ tịch, Bill Gates nên tìm hiểu ngôn ngữ cũng như văn hóa của người Trung Quốc để hai bên có thể hợp tác nhiều hơn.”

Chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Bill Gates, theo lời các nhân viên phòng nghiên cứu Microsoft tại Bắc Kinh, Trung tâm Nghiên cứu Microsoft Châu Á:

Jia-Bin Duh − trưởng phòng kinh doanh của Microsoft tại Trung Quốc − tới sân bay đón Bill Gates. Khác với suy nghĩ của Duh (ông nghĩ mình sẽ gặp một người chỉn chu trong bộ comple), Bill lại mặc quần jeans và đi giày thể thao. Ông nghĩ Bill sẽ ở lại một tuần, nhưng Bill chỉ mang theo một chiếc ba lô máy tính, không hề có hành lý. Trông ông thật giống một sinh viên khoa công nghệ. Khi Duh hỏi đó có phải tất cả những gì ông mang theo không, Bill trả lời: “Đúng vậy, chúng ta đi nào!”

Ngày hôm sau, Bill tới hội kiến Chủ tịch Giang Trạch Dân. Ông vẫn mặc quần jeans. Đó là một cuộc gặp ngắn ngủi. Sau đó, phát ngôn viên của Chủ tịch Giang Trạch Dân phát biểu với báo chí rằng vị nguyên thủ quốc gia của Trung Quốc đã lưu ý Bill nên tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa Trung Hoa. Đó là một cách nói lịch sự rằng ngài Chủ tịch đã bị xúc phạm.

Câu chuyện Bill Gates mặc đồ jeans gặp Chủ tịch Giang Trạch Dân được chứng minh là chuyện bịa đặt, nhưng vì tất cả những người tận mắt chứng kiến việc đó đều không còn làm việc ở công ty nên câu chuyện cứ thế lan rộng. Duh nói, thực tế, người sáng lập Microsoft mặc comple và Chủ tịch Giang Trạch Dân không hề bị xúc phạm. Tuy nhiên, đây cũng là một thông điệp cho thấy Microsoft cần tìm hiểu rất nhiều về cách “cho và nhận” khi kinh doanh ở Trung Quốc như vậy hai bên mới có lợi từ mối quan hệ này. Duh còn nói: “Sau cuộc gặp đầu tiên của Bill Gates với Chủ tịch Giang Trạch Dân, có thể thấy rất rõ rằng chính phủ Trung Quốc muốn Microsoft sẽ hoạt động kinh doanh nhiều hơn tại Trung Quốc, đồng thời phát triển công nghiệp phần mềm tại Trung Quốc hiệu quả hơn.”

Chuyến thăm thứ hai của Bill Gates, theo Science Daily:

“Trong chuyến thăm châu Á, Bill Gates đã chọn đến Trung Quốc và không thông báo cho bất kỳ cơ quan truyền thông nào. Ông đi cùng mười người, trong đó có vợ, cha và Warren Buffett. Lý do có chuyến thăm lần này là vì chuyến thăm trước đó quá ngắn. Thứ hai, ngày 18 tháng 9 năm 1995, ông tới Bắc Kinh. Lúc 9 giờ sáng ngày 20 tháng 9, Chủ tịch Giang Trạch Dân mời Bill Gates tới một khu nghỉ mát. Ông hỏi Bill về những nơi dự định đi trong chuyến thăm lần này. Bill cho biết ông sẽ tới miền tây Trung Quốc, trong đó có Tây An – vùng đất của những chiến binh và tuấn mã, đập Tam Hiệp và sông Dương Tử. Ông còn nói rất muốn thử đi bằng tất cả các loại phương tiện khác nhau ở Trung Quốc: máy bay, tàu hỏa, thuyền, xe đạp và cả lạc đà!

“Chủ tịch Giang Trạch Dân nói: ‘Đập Tam Hiệp là một ý kiến hay.’ Sau đó, ông đọc một số bài thơ nổi tiếng về đập Tam Hiệp. Chủ tịch nói chuyện với Bill như thể một người cha đang khuyên bảo con: ‘Ngài làm rất tốt. Nếu ngài tiếp tục làm việc chăm chỉ, ngài sẽ còn thành công hơn nữa.’”

Sự trở lại của Bill Gates vào tháng 2 năm 2003, theo lời kể của Kai-Fu Lee − thành viên sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Microsoft Châu Á:

“Tôi đi cùng ông trong suốt chuyến thăm. Tôi cùng Bill tới thăm Chủ tịch Giang Trạch Dân. Câu hỏi đầu tiên của Chủ tịch là: “Trung tâm Nghiên cứu Microsoft là một thành công vang dội, Trung tâm Nghiên cứu Bell Labs từng thành công không kém. Điều gì khiến ngài khác với họ?” Và Bill trả lời: “Bell Labs có các nhà nghiên cứu tuyệt vời nhưng các nhà nghiên cứu của chúng tôi thật sự quan tâm đến khách hàng, công nghệ và sản phẩm. Vì thế, tuy có điểm giống nhau, nhưng chúng tôi có khát khao lớn hơn và trách nhiệm cao hơn.”

Họ đã nói chuyện với nhau trong 45 phút, lâu hơn thời gian cho phép. Họ nói rất nhiều về con cái và những vấn đề tương tự, cởi mở và chân thành như những người bạn. Trong vòng 10 phút, Bill tóm tắt sơ qua những tiến bộ mà chúng tôi đạt được trong lĩnh vực phần mềm, các đối tác Trung Quốc và công cuộc nghiên cứu. Thời gian còn lại, hai người nói chuyện thân mật. Có hai phiên dịch viên, tuy nhiên Chủ tịch Giang Trạch Dân cũng thích sử dụng tiếng Anh. Khi nói chuyện, ông pha trộn cả tiếng Anh lẫn tiếng Hoa.

Thú vị nhất là khi Chủ tịch Giang hỏi về thị trường chứng khoán: “Thị trường chứng khoán hoạt động như thế nào?” Bill giải thích về lợi nhuận trên mỗi cổ phần. Chủ tịch hỏi tiếp: “Tôi hiểu, nhưng tại sao Microsoft lại trị giá đến gần một nghìn tỷ đô-la?” Bill lại giải thích về tiền lãi dự án, phải kinh doanh như thế nào trong vòng 30 năm và làm sao thu được giá trị hiện thời. Chủ tịch Giang rất thông minh và ông nhanh chóng nắm được toàn bộ cơ chế hoạt động đó.

Cuộc đàm thoại giữa Bill Gates và Giang Trạch Dân sau đó diễn ra như sau:

“Ồ, hay đấy, nhưng một nghìn tỷ đô-la thì nhiều quá!”

“Đúng là quá nhiều. Đấy là do người ta cứ thổi phồng lên. Bây giờ thì Microsoft có giá trị thực tế hơn, toàn bộ thị trường chứng khoán đang sôi sục.”

“Vậy sao? Đang sôi sục thì tại sao ngài không bán tất cả cổ phần của Microsoft?”

“À, tôi phải có những trách nhiệm nhất định đối với các cổ đông.”

“Tại sao công ty không bán tất cả cổ phần?”

“Thực ra thì công ty không có nhiều cổ phần như vậy, hơn nữa, nếu bán tất cả cổ phần thì người ta sẽ không còn tin tưởng công ty nữa.”

“Tôi nghĩ là tôi hiểu, nhưng tất cả những điều này dường như không hợp lý lắm.”

“Thưa ngài Chủ tịch, ngài quả là một nhà tư bản thực thụ.”

Chuyến thăm của Bill Gates tới Trung Quốc vào tháng 6 và tháng 7 năm 2004:

Ngày 30 tháng 6 năm 2004, Bill Gates đến Bắc Kinh. Trong những ngày đầu tiên tới Trung Quốc, người đàn ông giàu nhất thế giới này đã được vị trưởng phòng kinh doanh của Microsoft ở Trung Quốc hộ tống tới các cuộc họp. Ngoài ra, bên cạnh ông còn có người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Microsoft Châu Á, Hueng–Yeung “Harry” Shum: “Trong các cuộc gặp với quan chức chính phủ Trung Quốc, Bill đều nói rằng Microsoft Research là vụ đầu tư tuyệt vời nhất vào Trung Quốc của chúng tôi.”

Trong hai cuộc gặp với Thủ tướng Ôn Gia Bảo, người có quyền lực lớn thứ ba Trung Quốc, Bill Gates tiếp tục nỗ lực xây dựng mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc, đưa ra những thông tin mới nhất về việc hỗ trợ 750 triệu đô-la cho việc thúc đẩy công nghiệp nội địa và đào tạo kỹ sư phần mềm.

Ông còn giới thiệu về những hoạt động của Quỹ Từ thiện Bill & Melinda Gates nhằm cải thiện sức khỏe cho người dân ở nông thôn và đề nghị Thủ tướng tạo điều kiện giúp đỡ. Về phía mình, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nồng nhiệt cảm ơn chủ tịch Tập đoàn Microsoft về những điều tốt đẹp mà ông đã dành cho nhân loại nói chung và đất nước Trung Quốc nói riêng. Ông nói: “Thưa ngài Gates, tên ngài được mọi gia đình Trung Quốc biết đến. Không ai trên đất nước này không biết đến ngài. Tôi đã đọc rất nhiều về ngài và công ty của ngài. Tôi cũng đã đọc những cuốn sách do chính ngài viết.”

Hôm sau, ngày 1 tháng 7 là ngày kỷ niệm 81 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Hoa. Bill Gates dậy từ rất sớm và đến thăm một chương trình thực nghiệm trung học ở trung tâm Bắc Kinh – khai giảng một lớp học máy tính trong chương trình xóa mù tin học, do Microsoft tài trợ. Tiếp sau đó, ông có cuộc hẹn với đại biểu quốc hội Trần Chí Lập, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và là một trong những phụ nữ quyền lực trong chính phủ Trung Quốc.

Cuộc gặp với bà Trần hơi hạn hẹp về thời gian – được sắp đặt lúc 9 giờ sáng, giữa chuyến thăm trường trung học và cuộc họp với các chuyên viên nghiên cứu phần mềm đã được lên lịch vào lúc 10 giờ sáng ở Trung tâm Thể thao Olympic – nơi thường diễn ra những cuộc hội nghị lớn. Cuộc gặp bà Trần được bố trí trong khoảng nửa tiếng, như vậy là Bill chỉ có nửa tiếng để đi từ khu văn phòng chính phủ đến Trung tâm thể thao. Shum đã nghiên cứu kỹ lộ trình và thuê đội cảnh sát hộ tống ngay sau khi cuộc gặp kết thúc. Shum nói đùa: “Thật không may, bà Trần rất quý Bill.” Bà đã hỏi rất nhiều, câu nào cũng hấp dẫn nhưng lại khiến Bill vô cùng lo lắng vì cuộc hẹn tiếp theo lại sắp tới gần.

Họ đã chậm mất 20 phút so với lịch trình. Vì họ là người chủ trì cuộc họp.

Khi Bill đến nơi, 4 nghìn chuyên viên nghiên cứu kiên nhẫn của đất nước xã hội chủ nghĩa đã chào mừng nhà tư bản nổi tiếng nhất thế giới bằng một tràng pháo tay.

Đây là câu chuyện về những cuộc phiêu lưu (và cả những rủi ro) của Microsoft ở Trung Quốc kể từ chuyến thăm đầu tiên của Bill Gates. Nói cụ thể, đây là câu chuyện dài kỳ về Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh – một phần của tổ chức mà Chủ tịch Giang Trạch Dân đã nhắc tới khi Bill Gates đến thăm Trung Quốc năm 2003 – và về việc tại sao nó lại trở thành một tổ chức đặc biệt đóng vai trò là cầu nối giữa công ty phần mềm lớn nhất thế giới và đất nước xã hội chủ nghĩa lớn nhất thế giới. Tổ chức này là một ví dụ tiêu biểu về đổi mới trong kỷ nguyên cạnh tranh toàn cầu.

Một lời tiên đoán: Đây là câu chuyện về một trung tâm nghiên cứu chứ không phải là câu chuyện về những hoạt động kinh doanh của tập đoàn Microsoft ở Trung Quốc. Cuốn sách này không viết về quá trình cung ứng sản phẩm hay kiểm tra phần mềm. Chúng tôi không nghiên cứu sâu về việc kinh doanh của công ty, những dự đoán về thị trường hay những nỗ lực chống lại nạn sao chép kỹ thuật số và đi trước hệ điều hành “miễn phí” Linux trong mục tiêu hợp tác với chính phủ Trung Quốc. Phạm vi nghiên cứu của chúng tôi chỉ xoay quanh trung tâm nghiên cứu của Microsoft tại Bắc Kinh và mối quan hệ của trung tâm đối với đất nước Trung Quốc. Ngày nay, hầu như các công ty và tập đoàn lớn đều có hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc, nhưng cho tới thời điểm này vẫn chưa có công ty nào xây dựng được một đơn vị giống như Trung tâm Nghiên cứu Microsoft Châu Á.

Đó chính là câu chuyện về một trung tâm nghiên cứu. Trung tâm nghiên cứu toàn diện này là một điển hình thuyết phục cho chiến lược đổi mới lâu dài của Microsoft cũng như những thử nghiệm và khó khăn của tập đoàn này ở Trung Quốc. Vấn đề nổi cộm là phải tìm ra những phương pháp tốt hơn để đổi mới trong môi trường cạnh tranh gay gắt. Do đó, nhu cầu đặt ra là phải tìm được những quốc gia mới nổi cung cấp nguồn nhân tài có thể tạo nên những đổi mới trong tương lai. Vì những quy tắc kinh doanh và đổi mới trên thế giới rất khác nhau, nên việc thích nghi với những nền văn hóa đa dạng là vô cùng cần thiết. Vì thế, những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc được nâng lên một tầm cao mới và được nhiều tổ chức đặt quan hệ làm ăn. Trong cuốn sách này, chúng ta sẽ cùng khám phá và tìm hiểu những phương thức mà mọi người có thể sử dụng để đi tới chiến thắng.

Guanxi (phát âm: “gwan–shee”), một từ tiếng Trung có nghĩa là những mối quan hệ tương trợ cần thiết cho thành công. Ở Trung Quốc, không có một mối quan hệ nào được gọi đơn giản là quan hệ kinh doanh. Để thành công trong lĩnh vực kinh doanh, bạn cần phải kết hợp hài hòa giữ những quan hệ xã giao với những quan hệ mang tính chất cá nhân. Guanxi có nghĩa là nghệ thuật tinh tế trong việc xây dựng và nuôi dưỡng quan hệ. Trước kia, trong các trường học kinh doanh ở Trung Quốc, từ này thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực là thiên vị. Nhưng thực chất, Guanxi có nghĩa là một mối quan hệ được xây dựng sau một thời gian dài, chúng ta có thể hiểu đó là “quan hệ tốt”. Bốn nguyên tắc cơ bản của một mối quan hệ tốt có thể hiểu ngắn gọn là: sự tin tưởng (tôn trọng và hiểu người khác), sự quý mến (trung thành và nghĩa vụ), sự phụ thuộc (sự hòa hợp lẫn nhau, tôn chỉ hai bên cùng có lợi) và sự thích nghi (kiên trì và mở mang kiến thức).

Có được những mối quan hệ tốt ở Trung Quốc không hề đơn giản đối với Microsoft. Kiểu ăn mặc có vẻ xuề xòa của Bill Gates trong lần đầu tiên hội kiến Chủ tịch Giang Trạch Dân đã thể hiện sự bất cẩn của Microsoft khi bước chân vào thị trường lớn nhất thế giới này. Năm 1992, Microsoft thành lập chi nhánh đầu tiên ở Bắc Kinh là Microsoft Trung Quốc. Nhưng hàng loạt sai lầm về chiến lược cộng với các vụ scandal nhỏ, từ những đợt giới thiệu sản phẩm không thành công đến việc một cuốn sách bêu rếu Microsoft và các chiến lược của tập đoàn được xuất bản bằng tiếng Trung và Nhật của một cựu giám đốc kinh doanh nổi tiếng đã khiến Microsoft bị thiệt hại nặng nề. Trong suốt thời gian này, Microsoft còn phải chi trả những khoản tiền khổng lồ cho các chương trình quảng cáo không hiệu quả và sơ suất do việc định giá quá thấp các phần mềm, thậm chí thấp hơn rất nhiều so với các phần mềm chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ thiếu bền vững đó, Trung tâm Nghiên cứu Microsoft Châu Á đã xuất hiện. Năm 1991, lần đầu tiên cựu trưởng phòng công nghệ Nathan Myhrvold đã đưa ra ý tưởng về một trung tâm nghiên cứu như thế. Tháng 11 năm 2005, Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh tổ chức kỷ niệm 7 năm ngày thành lập. Trong một thời gian phát triển ngắn, Trung tâm đã thể hiện được vai trò là một phương tiện hiệu quả để khắc phục các lá chắn đã bị hủy hoại và xây dựng Guanxi. Thông qua các chương trình hành động mạnh mẽ hơn, Trung tâm đã thiết lập được mối quan hệ mới với toàn ngành, các trường học, học viện và chính phủ. Điều này đã giúp Microsoft bước đầu thành công trong việc giới thiệu sản phẩm mới vào Trung Quốc – nền kinh tế phát triển nhanh chóng và toàn diện nhất trên thị trường châu Á. Đặt câu chuyện về phòng thí nghiệm vào bối cảnh những gì đang diễn ra ở Redmond – trụ sở của Microsoft ở Washington, chúng ta sẽ hiểu tầm nhìn mới và đầy tham vọng của Microsoft: tạo ra những đổi mới vô cùng to lớn về hình ảnh của công ty và dẫn đầu thế giới trong việc nâng cao tính tương tác, giải trí và đặc biệt là tính hữu dụng của máy tính. Thật vậy, với gần 500 nhà nghiên cứu và kỹ sư (con số này đã tăng lên gấp đôi so với một năm trước đó), 300 thực tập viên cùng nguồn vốn đầu tư lên tới 100 triệu đô-la kể từ khi thành lập, Trung tâm Nghiên cứu Microsoft Châu Á đã trở thành trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) công nghệ thông tin mang tầm quốc tế. Giờ đây, nó đã trở thành một bộ phận không thể thiếu giúp Microsoft thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm nghiên cứu tiên phong, từ đó đảm bảo tất cả các mục tiêu tương lai của tập đoàn đối với sản phẩm chính là hệ điều hành cho tới công cụ tìm kiếm trên Internet, video games và hệ thống máy tính không dây. Tính cấp thiết của vấn đề này đối với công ty đã được nhân lên gấp bội. Những công nghệ mới ra đời ồ ạt ở Bắc Kinh như một dòng thác mạnh hướng đến gần như tất cả lĩnh vực kinh doanh của Microsoft: công cụ đọc văn bản (text-to-speech) trong word, giao diện phần mềm cho chức năng quay phim và chụp ảnh của điện thoại di động, hình đồ họa mô phỏng sống động trong các trò chơi Xbox, công cụ tìm kiếm trực tuyến hiệu quả hơn với cổng Internet MSN, và rất nhiều đặc trưng nổi bật cho Vista – hệ điều hành Windows mới, vốn được chờ đợi từ lâu sẽ ra đời trong năm 2006.

Rick Rashid, Phó chủ tịch cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Microsoft. Ngoài vị trí chính thức ở Redmond, còn điều hành các trung tâm nghiên cứu khác ở San Francisco; Mountain View (California), Cambridge (Anh) và Bangladore (Ấn Độ) ông cho biết: “Điều thú vị là, mặc dù được định hướng trực tiếp vào thị trường châu Á nhưng tính ứng dụng của những nghiên cứu này lại không giới hạn ở biên giới của một quốc gia nào. Người ta thường giải quyết vấn đề theo những cách khác so với cách giải quyết vấn đề ở châu Âu và Mỹ, bởi họ đến từ một nền văn hóa khác. Họ thường đưa ra những giải pháp khác biệt và trong một số trường hợp, chính sự khác biệt lại mang lại hiệu quả cao hơn.”

Cuốn sách này viết về bảy năm xây dựng và phát triển của Trung tâm Nghiên cứu Microsoft Châu Á. Hình ảnh trung tâm là Trung tâm nghiên cứu ở Bắc Kinh. Vai trò của Trung tâm nghiên cứu ở Redmond cũng được nhắc đến trong câu chuyện bắt đầu từ tuần lễ bước ngoặt trong tháng 11 năm 2004, khi Bắc Kinh trở thành trung tâm trong nỗ lực cạnh tranh của Microsoft với những đối thủ như Nokia, Sony và đặc biệt là Google. Sau đó, câu chuyện sẽ dần tiết lộ hoạt động của những nhân vật chính. Hầu hết họ là người Trung Quốc và Đài Loan – những người đã dành gần như cả cuộc đời tại Mỹ rồi sau đó trở về Trung Quốc với một quyết tâm lớn là xây dựng đất nước, phát triển quê hương. Với sự pha trộn lạ lùng giữa con người Trung Quốc truyền thống và con người Mỹ giàu có, họ hội đủ điều kiện và tài năng để dẫn dắt tương lai công nghệ trong thời kỳ đổi mới đang lan rộng trên khắp thế giới.

Chúng tôi đã tiến hành rất nhiều cuộc phỏng vấn với những nhân vật này và được chứng kiến sự ra đời của hàng chục bản demo công nghệ – một con số khổng lồ, vượt xa khối lượng dữ liệu mà chúng tôi từng sử dụng trong các cuốn sách. Chúng tôi có mặt trong các sự kiện của công ty để quan sát nhân viên của họ làm việc ra sao, gặp gỡ viên chức Trung Quốc ngay tại mảnh đất quê hương họ, chơi bóng rổ với sinh viên và nhân viên của Trung tâm tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, hay ngồi tại căng-tin của Microsoft uống bia, ăn khoai tây chiên với những thành viên của Trung tâm, cùng họ xem Diêu Minh – ngôi sao bỏng rổ Trung Quốc đấu với Seattle Supersonics. Tất cả những hoạt động này không chỉ giúp chúng tôi hiểu hơn về Trung tâm, mà còn biết thêm vô số câu chuyện và giai thoại tiết lộ mặt phức tạp và phong phú của thời kỳ đổi mới (ví dụ như yếu tố ẩn sau quyết định chọn trụ sở của Trung tâm ở Bắc Kinh, thay vì ở Thượng Hải – trung tâm công nghệ và kinh tế của Trung Quốc) cùng kinh nghiệm thực tế và các mối quan hệ tạo nên sự đổi mới này. Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh một điều là dù có quan hệ thân thiết với con người và sự việc ở Microsoft, chúng tôi không thể hứa hẹn gì về những thứ mà chúng tôi có, Microsoft hoàn toàn không cung cấp thông tin nào cho cuốn sách này. Chúng tôi không nắm giữ một cổ phiếu nào của Microsoft. Ngoài những bữa ăn thường được mời và những chiếc vé xem bóng rổ, chúng tôi hoàn toàn đi trên con đường của riêng mình.

Nếu nói có rất nhiều thay đổi kể từ lần đầu tiên Bill Gates đến thăm Trung Quốc vẫn là chưa đủ. Ngay trong cuộc đối thoại với Chủ tịch Giang Trạch Dân, người sáng lập Tập đoàn Microsoft rất tự nhiên khi gọi ông là nhà tư bản, điều mà hàng chục năm trước đây không ai có thể tưởng tượng ra. Chỉ cách đó vài năm, việc một thủ tướng Trung Quốc đọc cuốn The Road Ahead (Con đường phía trước) cũng là điều khó tưởng tượng. Bill Gates đã đến thăm Trung Quốc tổng cộng bảy – tám lần. Ông đã quan sát rất kỹ đất nước này trong thời kỳ kinh tế phát triển rực rỡ. Năm 2003, Trung Quốc là nước đứng đầu trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), kết thúc hàng chục năm Mỹ chiếm lĩnh vị trí này và tiếp tục đứng đầu trong hai năm, cho đến khi bị Mỹ thay thế. Hiện nay, Trung Quốc đứng đầu về sử dụng điện thoại di động và đứng thứ hai trong tiêu thụ máy tính cá nhân (sau Mỹ). Dịch vụ cung cấp Internet tại nhà phát triển mạnh. Năm 2004, tuần báo tài chính Barron’s đã xếp Công ty Giải trí Tương tác Shanda – một công ty game trực tuyến của Thượng Hải, vào top các công ty công nghệ IPO. Sau đó, ngày 5 tháng 8 năm 2005, trên thị trường chứng khoán của US.com Explosion, Baidu – công cụ tìm kiếm Internet hàng đầu của đất nước này, đã tăng giá trị lên đến gần năm lần, đạt tới gần 120 đô-la mỗi cổ phiếu.

Nhưng còn có một sự biến đổi sâu sắc hơn những câu chuyện tài chính kia, bởi Bill Gates và công ty của ông đã sớm nhận ra điều mà những người khác đã bỏ qua về Trung Quốc: thị trường không quan trọng bằng con người. Năm 1949, Trung Quốc chỉ có 107 sinh viên có bằng sau đại học. Đến năm 2004, con số đó lên tới 160 nghìn người. Giờ đây, bỏ xa các nước khác trên thế giới, Trung Quốc đã trở thành “ngôi nhà của các kỹ sư”. Con số 19 triệu sinh viên sắp tốt nghiệp khiến con số 14 triệu tương ứng ở Mỹ trở nên nhỏ bé. Người ta có thể tìm thấy ở đất nước này những nhà khoa học máy tính giỏi nhất thế giới và rất nhiều tài năng đang dần khẳng định mình. Tìm kiếm những phương pháp mới để thu hút nguồn nhân tài này chính là bí quyết dẫn tới thành công sau này của Microsoft. Sau những đợt tuyển dụng đầu tiên được các trường đại học ở Trung Quốc tiếp nhận hờ hững thì hiện nay, mỗi năm, trong đợt tuyển dụng thường niên kéo dài sáu tuần, Trung tâm nhận được khoảng 10 nghìn bộ hồ sơ xin việc và số hồ sơ nhận được mỗi năm lên tới con số hàng nghìn. Hội thảo về máy tính trong thế kỷ XXI mà Trung tâm đồng tổ chức với Hội Khoa học Tự nhiên Quốc gia Trung Quốc đã khiến các hội trường và thính phòng trên khắp đất nước này chật kín người tham dự, đám đông sinh viên kiên trì lắng nghe từng lời nói của các đại biểu và viết trên các website ước mơ được làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh.

Trong gần như tất cả các lĩnh vực này – từ đầu tư khổng lồ vào nghiên cứu cho đến việc đưa những nhà nghiên cứu Trung Quốc vào đội ngũ điều hành. Bill Gates và Microsoft hoặc đã đi ngược lại với những tính toán khôn ngoan, hoặc đã tìm ra con đường thành công tại nơi mà những người khác gục ngã. Trong khi nguồn nhân lực của Mỹ đã cạn kiệt thì tại các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ, nhân lực dồi dào và tài năng lạ thường tạo ra được những sản phẩm có sức ảnh hưởng lớn không chỉ trong nước mà còn ra ngoài quốc tế, mang lại cho Microsoft lợi thế cạnh tranh vượt trội.

Vậy thì, câu chuyện này kể về Trung Quốc? Đúng vậy! Tuy nhiên, bao quát hơn và quan trọng hơn, đây là câu chuyện về tương lai toàn cầu của ngành công nghệ thông tin và những gì mà các công ty cần thực hiện để trở thành một công ty đa quốc gia thực thụ trong kỷ nguyên đầy biến đổi này. Những thành quả cứ tăng lên nhanh chóng trước mắt chúng tôi. Chỉ ngay trước khi cuốn sách này được xuất bản, Kai-Fu Lee, người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh và là một trong những nhân vật chính của chúng ta, được Google trả 10 triệu đô-la tại một cuộc chiến gay gắt vẫn chưa đến hồi kết tại tòa án. Google muốn mời Lee cộng tác xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Trung Quốc – cốt yếu là để giúp Larry Page và Sergey Brin như những gì ông đã giúp Bill Gates. Microsoft chống lại bằng cách thành lập trung tâm nghiên cứu của riêng mình và hợp nhất các trung tâm R&D dưới quyền lãnh đạo của thần đồng Ya-Qin Zhang (đây cũng là nhân vật chính của câu chuyện này). Động thái này của Microsoft đã báo hiệu Trung Quốc sẽ là một tâm điểm mới của cuộc cạnh tranh tìm kiếm – và có lẽ sẽ trở thành chiến trường chính của các tập đoàn trong thế kỷ mới.

Từ thị trường đến nguồn nhân tài, rời đến những đổi mới trong tương lai, Bill Gates đã không cường điệu khi phát biểu: “Mọi người nên để ý đến Trung Quốc. Đất nước này là một hiện tượng trên mọi phương diện.”

ĐỌC THỬ

1. Người khổng lồ từ phương Đông

Ngày 8 đến ngày 11 tháng 11 năm 2004

Đây là một kiểu sản xuất mới ở Trung Quốc. Không chỉ sản xuất giày, tất và xe đẩy cho trẻ em, giờ đây, chúng tôi còn “sản xuất” cả những sinh viên MIT, những nghiên cứu khoa học và phần mềm máy tính.

—HARRY SHUM,

GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH MICROSOFT CHÂU Á

Cách xa vẻ đẹp dịu dàng của vùng vịnh Puget Sound nửa vòng trái đất, có một trung tâm nghiên cứu mà ở đó những giấc mơ phần mềm của Bill Gates đã trở thành sự thật. Tại Trung tâm Nghiên cứu Microsoft Châu Á, con đường tới thành công cũng đòi hỏi những nỗ lực rất lớn. Nếu như tất cả các chi nhánh trên khắp thế giới của gã khồng lồ máy tính đều nằm ở vùng ngoại ô, thì trung tâm nghiên cứu ở châu Á lại nằm ngay trung tâm thủ đô. Khẩu hiệu của Microsoft ở đây là: làm việc chăm chỉ để bước vào phía trong cánh cửa; làm việc chăm chỉ hơn để tồn tại; làm việc chăm chỉ hơn nữa vì công việc thật sự ‒ tạo ra tương lai cho tin học hóa toàn cầu hiện chỉ mới bắt đầu.

Nếu bạn không dành nhiều thiện cảm cho Microsoft, có lẽ đó là vì bạn chưa được gặp Harry Shum ‒ vị giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh, một người thân mật, dễ mến và hài hước. Ông từng nói: “Đây là một kiểu sản xuất mới ở Trung Quốc. Không chỉ sản xuất giày, tất và xe đẩy cho trẻ em, giờ đây, chúng tôi còn “sản xuất” cả những sinh viên MIT (Học viện Công nghệ Massachusetts), những nghiên cứu khoa học và phần mềm”. HongJiang Zhang – đồng nghiệp lâu năm của Harry Shum cũng tán thành với ý kiến này. Ông cho rằng việc bồi dưỡng nhân tài “là một mức độ cao hơn của những sản phẩm được gắn mác ‘Made in China’”. Lớn tuổi hơn Harry Shum, ngay từ đầu, HongJiang Zhang là người đứng đầu Trung tâm Công nghệ cao. Chi nhánh của trung tâm nghiên cứu nằm trong cùng một tòa nhà, với mục đích đẩy nhanh việc đưa các công nghệ được nghiên cứu vào phục vụ sản xuất các sản phẩm của Microsoft – ở Trung Quốc và trên toàn thế giới.

Shum và Zhang cùng nhau lãnh đạo một tổ chức gần giống như một tập đoàn nghiên cứu với 500 thành viên, tuy nhiên, cả hai luôn khao khát kiếm tìm thêm những tài năng mới. Hầu như lúc nào cũng có những bảng kết quả học tập của sinh viên được gửi tới để bổ sung vào lực lượng nhân viên của Trung tâm. Trung tâm được chia thành hai nhóm sẵn sàng hỗ trợ khoảng 300 sinh viên thực tập vào bất cứ lúc nào. Hầu hết sinh viên này đến từ các trường đại học có tiếng của Trung Quốc, họ thực tập trong những dự án được các giáo sư cũng như các chuyên viên nghiên cứu hàng đầu của Microsoft giám sát và hướng dẫn. Mỗi tháng, Trung tâm nhận được 10 nghìn hồ sơ xin việc, còn số thực tập sinh nhiều đến mức họ phải ngủ trên võng hoặc những phòng ngủ nhỏ. Những câu chuyện bằng tiếng phổ thông cùng những hình ảnh lộn xộn của Bắc Kinh và khói thuốc lá, tất cả sẽ khiến bạn tự hỏi nơi đây có còn thuộc về một tập đoàn của Mỹ hay không.

Ở đây, lúc nào cũng bận rộn, đặc biệt là tuần đầu tiên của tháng 11. Đây là tuần lễ có rất nhiều sự kiện liên quan đến các chiến dịch của công ty tại Trung Quốc, các sự kiện này chủ yếu hướng tới nhân viên của công ty trong nỗ lực tiến kịp sự thay đổi chóng mặt của thế giới ngày nay. Trong lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm, Shum và Zhang đã đón tiếp nhiều khách từ khắp nơi trên thế giới. Khách danh dự gồm các giám đốc cấp cao tại trụ sở nghiên cứu chính của Microsoft ở Redmond, Washington như Phó chủ tịch Dan Ling và cấp trên của ông là Phó chủ tịch cấp cao Rick Rashid, một trong những giám đốc điều hành của Microsoft hoạt động trực tiếp dưới quyền của Bill Gates. Ngoài ra còn có những nhân vật đáng chú ý khác từ hội đồng tư vấn kỹ thuật của Trung tâm, gồm những tên tuổi lớn nhất ngành khoa học máy tính như Chuck Thacker, người đoạt giải Draper – giải thưởng vinh dự nhất trong ngành khoa học và công nghệ; Jitendra Malik, Chủ nhiệm bộ môn Khoa học công nghệ và kỹ thuật điện của Đại học California, Berkeley; Victor Zue, đồng Chủ tịch Viện Khoa học Công nghệ và Trí tuệ nhân tạo, Học viện Công nghệ Massachusetts. Bên cạnh các cuộc họp của ban cố vấn, trong tuần lễ đặc biệt này còn diễn ra hội nghị Tin học thế kỷ XXI do Microsoft và Viện Khoa học Tự nhiên Quốc gia Trung Quốc đồng tài trợ và hội nghị Faculty Summit với sự hiện diện của 207 giáo sư từ khắp các nước châu Á, trong đó có nhiều người đang cộng tác với Trung tâm.

Trong ngày thứ Tư của tuần lễ này, từ hai phòng họp xuống đến đại sảnh trông ra từ văn phòng của Shum, đâu đâu người ta cũng gặp những cuộc thảo luận sôi nổi và vô số mẫu sản phẩm trưng bày. Các phó chủ tịch, cố vấn kỹ thuật, giáo sư và những vị khách ham hiểu biết đi lại xung quanh để tìm hiểu sản phẩm trưng bày. Những mẫu sản phẩm này đều rất tuyệt vời, hội tụ các yêu cầu: công ty phải có bí quyết công nghệ, khả năng thể hiện ưu thế vượt trội của sản phẩm và hiểu rõ tầm quan trọng của dự án này. Một sản phẩm mẫu tốt có thể biến hàng tháng trời tồi tệ trở nên tươi sáng và thu hút được đông đảo mọi người chú ý. Đó là lý do khiến các nhà nghiên cứu tại Bắc Kinh đã phải sống cùng dự án này trong suốt nhiều tháng liền. Tất cả đều háo hức muốn gây ấn tượng, một số thì lo lắng và gặp nhiều khó khăn vì vốn tiếng Anh ít ỏi, trong khi những người khác lại vượt qua dễ dàng.

Đối với Microsoft, mọi thứ diễn ra trong những căn phòng này đều báo trước tương lai của tin học và những đối thủ cạnh tranh tiềm năng của công ty phần mềm mạnh nhất thế giới này. Mục tiêu đầu tiên, với những thành tựu ngày càng lớn hơn trong năm tới là Google. Một thử nghiệm của công cụ tìm kiếm toàn diện được thiết kế giúp người sử dụng có thể tìm ngay được những gì mình muốn và cung cấp cho họ những trang quảng cáo có ích đối với câu hỏi tìm kiếm chứ không chỉ là danh sách các đường dẫn. Những nỗ lực này nhằm cạnh tranh với Google, các nhân viên của Google từng châm biếm Bill Gates: “Có những công ty thờ ơ với bạn đến nỗi bạn khó có thể liên hệ được với họ.”

Một đối thủ cạnh tranh không kém phần quan trọng lúc này là Sony. Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh giữ vai trò ngày càng quan trọng trong cuộc tấn công mạnh mẽ của Microsoft vào lĩnh vực thiết kế đồ họa và giao diện, giúp tập đoàn này nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường giải trí kỹ thuật số từ tay Sony − gã khổng lồ về hàng điện tử tiêu dùng. Một trong những bản demo gây chú ý nhiều nhất là thiết bị số sử dụng máy quay để ghi lại nét mặt người chơi, đây là một phần quan trong trong trò chơi video tương tác thế hệ mới mà Microsoft đang phác thảo. Khi nhắc đến nền trò chơi video cho một sản phẩm sắp ra mặt, có tên gọi là Xbox 360, chuyên gia nghiên cứu Trương Đông Mai cho biết: “PlayStation 2 cũng có chức năng tương tự, nhưng là theo dõi chuyển động, chứ không phải nét mặt. Chúng tôi cần làm một điều gì đó mới mẻ hơn đối với Xbox.”

Công ty thứ ba nằm trong tầm ngắm của Microsoft là nhà sản xuất điện thoại di động Nokia. Phần mềm dành cho các thiết bị di động vẫn còn là lĩnh vực kinh doanh nhỏ của Microsoft. Tại thời điểm cuộc họp diễn ra, hệ điều hành Windows Mobile ‒ Windows dành cho các thiết bị di động của công ty mới chỉ vượt qua Palm về thị phần PDAs thông thường, vẫn đứng sau Nokia nếu xét trong lĩnh vực điện thoại di động và thiết bị cầm tay. Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh đã giới thiệu phần mềm hỗ trợ người sử dụng thực hiện hội nghị từ xa qua các thiết bị không dây và hỗ trợ tính năng chuyển vùng trong suốt(1), nhờ vậy, người sử dụng điện thoại di động hoặc thiết bị cầm tay có thể truyền dữ liệu, hình ảnh và âm thanh vào bất kỳ lúc nào, ở bất kỳ đâu, với bất kỳ mạng nào.

Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh ngày càng trở thành nơi mà mọi hành động đều hướng về những cuộc chiến này – ban cố vấn kỹ thuật dường như rất ấn tượng với buổi trưng bày. Zue, thuộc MIT, thành viên ban cố vấn từ khi Trung tâm mới thành lập, nhận xét: “Họ thật sự đã tiến hành những nghiên cứu hàng đầu.” Sau một giờ đồng hồ xem sản phẩm trưng bày và đặt câu hỏi, ban cố vấn họp kín tại một căn phòng lớn trên tầng sáu. Các chuyên gia nghiên cứu vừa uống trà và cà phê, vừa trao đổi thân tình với nhau. Khi các trợ lý kỹ thuật chuẩn bị xong và cho chạy hệ thống nghe nhìn, hai nhà nghiên cứu hàng đầu của Microsoft, Rashid và Ling, tiến đến hàng ghế đầu tiên, ngay cạnh các nhân viên cấp cao khác và ban cố vấn. Căn phòng có thể chứa được 70 người, nhưng chỉ có một nửa số ghế có người ngồi. Cuộc họp có sự tham gia của khoảng 25 nhà nghiên cứu, phân biệt rõ theo hai dãy ghế ngồi, chuyên. gia đến từ Trung tâm Nghiên cứu ở Redmond và Mỹ ngồi bên tay trái, còn chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu ở Bắc Kinh và Trung Quốc với số lượng áp đảo ngồi bên tay phải.

Cùng với các vị lãnh đạo Trung tâm, ban cố vấn thảo luận về các đối thủ cạnh tranh và đưa ra ý kiến phản hồi chi tiết cũng như đánh giá về những dự án nghiên cứu quan trọng của Trung tâm. Harry Shum khai mạc cuộc họp bằng việc giới thiệu tất cả các vị khách mời. Sau đó, ông cũng giới thiệu với mọi người về hai gương mặt trẻ tuổi đến từ Mỹ. Họ là phó giám đốc điều hành của Trung tâm: chuyên gia ngôn ngữ Hsiao-Wuen Hon, nghiên cứu và phát triển sản phẩm ở Redmond; và chuyên gia thiết kế đồ họa Kurt Akeley, người đồng sáng lập Silicon Graphics. Cả hai nhân vật này đều là những chuyên gia được đánh giá cao trên thế giới. Sự có mặt của họ sẽ rất có ý nghĩa đối với Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh và địa vị chính là minh chứng cho tài năng vượt bậc của họ.

Sau đó, Shum đưa ra một số luận điểm để chứng tỏ năng lực ngày càng lớn mạnh của Trung tâm trên sân chơi quốc tế. Trong năm 2004, Trung tâm có 7 công trình nghiên cứu khoa học trong số 58 công trình được báo cáo tại SIGIR – hội nghị lớn nhất và uy tín nhất thế giới về công nghệ tìm kiếm thông tin, 5 công trình trong số 80 công trình nghiên cứu được trình bày tại SIGGRAPH – hội nghị hàng đầu về thiết kế đồ họa. Không một trung tâm hay bộ phận nghiên cứu nào có thể theo kịp thành tích này dù có quy mô lớn gấp nhiều lần. Shum khẳng định đây cũng không phải là một cuộc nghiên cứu chuyên ngành. Đến giờ, gần 100 môn khoa học ứng dụng đã được đưa vào sản xuất ở Microsoft, đứng đầu trong các chi nhánh nghiên cứu của công ty – ngoại trừ Redmond và số lượng thì tăng rất nhanh.

Sau phần trình bày của Shum là một số bài phát biểu mang tính chuyên môn của những nhà nghiên cứu chủ chốt về giao diện người sử dụng, mạng không dây, truyền thông đa phương tiện, đồ họa và phương tiện tìm kiếm − năm lĩnh vực tập trung của Trung tâm. Những bài phát biểu đều mang đầy đủ thông tin và nhắc đến các cuộc cạnh tranh của Microsoft, cụ thể là cuộc chiến với Google, đối thủ lớn nhất của Microsoft. Wei-Ying Ma, vị giám đốc của nhóm tìm kiếm và khai thác Web, là người có giọng nói nhẹ nhàng cuốn hút, pha tiếng phổ thông, vẻ mặt thiên sứ, nhưng ẩn chứa bên trong là khát khao mạnh mẽ muốn nâng cao tầm cạnh tranh của Microsoft. Ông đã giải thích cách làm của nhóm mình nhằm giải quyết những vấn đề then chốt trong lĩnh vực kinh doanh phương tiện tìm kiếm. Ngày nay nhiều phương tiện tìm kiếm có thể kiếm được bộn tiền nhờ bán những miền quảng cáo xuất hiện bên cạnh câu hỏi tìm kiếm. Nhưng điều này còn phụ thuộc vào những nhân viên nghiên cứu. Công việc của họ là phải đánh giá xem những bảng quảng cáo ấy liên quan đến những câu hỏi tìm kiếm hay không (có một miền quản lý (domain) gọi là “thẩm định mức độ liên quan” (relevance verification)). Công việc thủ công này đòi hỏi rất nhiều thời gian và nỗ lực. Nhóm của Wei Ying Ma đã tìm ra một phương pháp để có thể tự động đưa ra kết quả − có khả năng sẽ tiết kiệm được hàng triệu đô-la.

Wei Ying Ma chỉ ra cho mọi người thấy kỹ thuật tự động này chính là thế mạnh của Microsoft so với Google. Một phương pháp tiếp cận lâu dài có thể giúp Microsoft hoàn toàn vượt qua đối thủ của mình trong cuộc chiến về công cụ tìm kiếm. Ông giải thích việc phát triển một vài trong số những bản demo mà nhóm đã thấy trước đó, tập trung vào “khai thác” sâu hơn sự phát triển dữ liệu trên Internet về những mô hình thông qua những đường link trên trang Web. Hiểu được những mô hình làm việc này có thể giúp bạn tìm kiếm hiệu quả và chính xác hơn – ví dụ, bằng cách cho phép kết quả được nhóm thành các mục dễ nhận biết, người sử dụng sẽ không cần phải cuộn trang nhiều lần mà vẫn có thể tìm thấy những thông tin họ cần. Các thành viên trong nhóm ông được tuyển dụng vì những kiến thức uyên thâm trong nhận biết mô hình và xử lý thông tin đằng sau những thủ thuật tìm kiếm. Họ đang tiến hành điều chỉnh công nghệ để phục vụ cho hàng nghìn người sử dụng cổng thông tin Web MSN của Microsoft, mà nhóm ông, với tư cách là một môi trường thử riêng biệt của công ty, đã giành vị trí quán quân trong cuộc chiến về công cụ tìm kiếm – không chỉ với Google mà cả với Yahoo và các đối thủ khác nữa.

Những bài thuyết trình kéo dài gần như cả ngày đều vẽ ra bức tranh về các cuộc tấn công toàn lực dựa trên các kỹ xảo trong khoa học máy tính. Đến lúc HongJiang Zhang phát biểu, câu chuyện lại chuyển sang vấn đề rằng tất cả những điều này có ý nghĩa gì với công việc kinh doanh của Microsoft. Là giám đốc của Trung tâm Công nghệ cao, bộ phận tăng trưởng nhanh nhất của Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh, HongJiang Zhang chịu trách nhiệm thúc đẩy nghiên cứu, tạo ra sản phẩm và khuyến khích sự đổi mới của công ty trên toàn thế giới. Trong bài thuyết trình của mình, HongJiang Zhang nói về toàn bộ công việc. Ông miêu tả chi tiết về những dự án trong các sản phẩm đối với hầu như tất cả các bộ phận kinh doanh của Microsoft. Thực tế, hoạt động nghiên cứu đang tách khỏi Trung tâm nhanh đến nỗi HongJiang Zhang phải thông báo rằng Trung tâm với 100 nhân viên, vừa chỉ một năm tuổi, có thể lớn mạnh gấp hai lần vào giữa năm 2005, về mặt quy mô đã vượt qua cả trung tâm nghiên cứu “chị em” vốn ra đời trước.

Sau bài thuyết trình tổng quan, HongJiang Zhang nhường lại phần phát biểu cho hai trong số những nhà lãnh đạo hàng đầu, là Baogang Yao − chuyên viên thiết kế hàng đầu của công nghệ quảng cáo qua Web cho MSN và Wei Ying Ma để quay trở lại vấn đề Google và cuộc chiến giữa các công cụ tìm kiếm. Wei Ying đã giải thích rõ ràng về những con số đằng sau một trong những thị trường tăng trưởng chính của công ty, nơi mà Google đã hoàn toàn tìm được chỗ đứng của mình với các miền quảng cáo được gắn vào các lệnh tìm kiếm. Ông lưu ý rằng chỉ trong quý III năm 2004, quảng cáo trực tuyến đã thiết lập nên một thị trường 800 triệu đô-la Mỹ − gấp hai lần năm ngoái. Ông kết luận: “Đây là một lĩnh vực kinh doanh mới, một thị trường mới cho Microsoft”, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu chủ yếu cho công việc của nhóm ông là “làm cho MSN mạnh hơn, chiếm lĩnh trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến”.

Sau các bài thuyết trình là một số câu hỏi chi tiết của các thành viên ban cố vấn. Rick Rashid, Dan Ling và những khách mời còn lại đều tràn đầy nhiệt huyết và lạc quan. Họ đặt thêm một số câu hỏi về nguồn lực và các phương pháp kỹ thuật. Rashid đặc biệt hài lòng về sự tiến triển của Trung tâm Công nghệ cao. Ông ca ngợi: “Có những điều mà ngay cả ở Redmond người ta cũng không thể làm, họ không thể bố trí được nhân viên như ở đây. Quan trọng nhất là làm được những điều mà những người khác không thể làm.”

Tòa nhà Sigma bảy tầng là nơi ngày càng diễn ra nhiều cuộc chiến toàn cầu của Microsoft đứng sừng sững tại đường Trung Quan Thôn ở Hải Điện − một khu vực công nghệ cao ở Bắc Kinh. Nó có một hành lang được ngăn kính phía trước với rất nhiều mảnh kim loại trang trí. Một tấm biển Microsoft Windows chạy dọc theo sườn của mái nhà, từ trên phố có thể dễ dàng trông thấy. Giữa những năm 1990, khu vực Trung Quan Thôn còn được gọi là “Thung lũng Silicon của Trung Quốc”. Ngày nay, nó đã trở thành ngôi nhà của hơn một nghìn công ty công nghệ thông tin và chỉ cách đó vài cây số là vô số trường đại học và học viện hàng đầu, trong đó có cả hai trường đại học nổi tiếng nhất Trung Quốc là Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa.

Trung Quan Thôn nằm phía tây bắc thành phố. Bắc Kinh sẽ không khiến bạn cảm thấy choáng ngợp ngay từ cái nhìn đầu tiên. Những vùng đất đỏ bao quanh khiến ngoại ô thành phố trông giống như một vùng quê Ấn Độ chứ không phải thủ đô của một siêu cường kinh tế. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại là một thành phố luôn khiến bạn phải chú ý. Từ những bảng thông báo dán khắp nơi cho đến những dự án xây dựng liên tục, cả thành phố toát lên nguồn năng lượng sống mạnh mẽ khi đang hướng đến việc đăng cai tổ chức Olympic mùa hè 2008. Trong các khu dân cư, hết lô này đến lô khác, các tòa nhà màu be buồn tẻ chen nhau mọc lên. Những đám đông học sinh tiểu học đang tập chơi bóng rổ ngoài sân. Ngay gần trung tâm nghiên cứu của Microsoft, các tòa nhà cao tầng thi nhau mọc lên với ống khói chọc trời. Những khu nhà tồi tàn cũng chen vào giữa khu chợ điện tử tiêu dùng tất bật và Nhà máy Sản xuất Vệ tinh Bắc Kinh – nơi mà Trung Quốc có những nghiên cứu khoa học về vệ tinh vũ trụ.

Chúng ta đều biết Trung Quốc là gã khổng lồ vừa tỉnh giấc. Với dân số lên đến 1,3 tỷ người, đây là thị trường tiềm năng lớn nhất thế giới. Quốc gia này đã trở thành người dẫn đầu thế giới trên mọi lĩnh vực, từ sản xuất hàng hóa giá rẻ cho đến lượng người sử dụng điện thoại di động (cuối năm 2005 là 400 triệu thuê bao). Với hơn 100 triệu người sử dụng Web năm 2005 và 19 triệu máy tính cá nhân bán ra trong năm ngoái, Trung Quốc đang vượt qua Nhật Bản để trở thành quốc gia đứng thứ hai thế giới về số lượng người sử dụng Internet và số lượng người mua máy tính cá nhân (chỉ sau Mỹ). Tốc độ xâm nhập của mạng không dây và ứng dụng điện thoại di động ở Trung Quốc cũng nhanh nhất thế giới. Trò chơi trên máy tính, tin nhắn văn bản và kết nối mạng không dây cho các thiết bị di động đang bùng nổ như một phần của cuộc sống. Vào dịp Tết Âm lịch, thường có hơn một tỷ tin nhắn được gửi trên khắp đất nước Trung Quốc.

Để thành công ở Trung Quốc, tức là khai thác được thị trường rộng lớn và nguồn nhân tài hiếm có từ hệ thống trường đại học lớn nhất thế giới này, các công ty đa quốc gia như Microsoft nhận thấy họ phải tìm được một con đường có lợi cho cả công ty lẫn nước chủ nhà. Trung Quốc là đất nước của những mâu thuẫn nên sự thận trọng và khéo léo khi thâm nhập thị trường nơi đây là yếu tố sống còn.

Với Microsoft, Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh đã trở thành tổ chức chủ chốt trong công cuộc thâm nhập vào thị trường đầy cạnh tranh này. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc kỳ vọng các công ty nước ngoài đem lại lợi ích cho Trung Quốc thông qua đào tạo kỹ năng quản lý và nghiên cứu tiên tiến cho sinh viên và nhân viên sở tại. Ở Trung Quốc, chính phủ kiểm soát hầu hết mọi lĩnh vực đời sống, và mối liên kết giữa giáo dục và chính quyền mật thiết hơn nhiều so với Mỹ. Đó là lý do tại sao việc thiết lập mối quan hệ chặt chẽ – hay nói cách khác là sử dụng nghệ thuật giao tiếp – với các quan chức giáo dục và các học viện lại quan trọng đến vậy. Đó cũng chính là lý do tại sao việc hợp tác nghiên cứu và giảng dạy ở các trường đại học của Trung Quốc lại là ưu tiên số một.

Đây là chủ đề chính của tuần lễ bận rộn trong tháng 11 năm 2004, khởi đầu bằng Hội nghị quốc tế Faculty Summit do Microsoft chủ trì, diễn ra chỉ cách Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh hơn một cây số. Hội nghị được tổ chức vào thứ Hai tại một khách sạn có cái tên rất phù hợp là Khách sạn Hữu Nghị. Tại hội trường lớn trên tầng hai, 207 giáo sư chuyên ngành kỹ thuật và khoa học máy tính khắp khu vực châu Á- Thái Bình Dương được công ty mời đến nghe những thông tin mới nhất từ Trung tâm Microsoft và một số đơn vị hợp tác. Hai phần ba số giáo sư trên đến từ các trường đại học hàng đầu Trung Quốc, những người còn lại đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Australia.

Chín giờ sáng, Harry Shum bước lên bục diễn thuyết, tuyên bố khai mạc hội nghị. Ông phát biểu: “Chủ đề thảo luận chính của hội nghị lần này là quan hệ hợp tác với giới học viện ở châu Á. Điều quan trọng nhất đối với Trung tâm là chất lượng đào tạo con người.” Ông cho biết, sau sáu năm thành lập, Trung tâm đã vui mừng đón nhận 1.500 sinh viên thực tập từ các khoa khoa học máy tính hàng đầu trên khắp Trung Quốc. Ông nói đùa: “Trong 15 năm nữa, nếu tiền của Bill Gates có cạn kiệt, chúng tôi sẽ vẫn hoạt động nhờ nguồn tài trợ từ những sinh viên thực tập cũ của mình.”

Người phát biểu ngay sau Shum là Yaoxue Zhang, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông Trung Quốc. Trong bài phát biểu, ông nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống trong một thế giới vô cùng nhộn nhịp và thay đổi từng ngày, từng giờ nhờ quá trình toàn cầu hóa công nghệ và trí tuệ tuyệt vời của con người. Sinh viên cần được trang bị những kỹ năng để cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.” Tiếp tục chủ đề này, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của các công ty nước ngoài như Microsoft trong việc đưa nền khoa học máy tính Trung Quốc phát triển: “Mức độ phát triển khoa học và công nghệ của Trung Quốc cần được nâng cao… Chúng tôi hy vọng sẽ thu hút được ngày càng nhiều nguồn đầu tư ở khu vực này và cải thiện chất lượng giáo dục thông qua hợp tác quốc tế.”

Sau khi kết thúc các bài phát biểu vào buổi sáng là đến bữa trưa buffet thịnh soạn với mì, bánh bao, các món thịt và hải sản. Gian trưng bày sản phẩm mẫu và áp phích quảng cáo được dựng xung quanh bàn ăn, nhờ đó thực khách vẫn có thể hòa trong không khí của Microsoft và các đối tác. Trong cuộc trò chuyện sôi nổi, các khách mời tỏ ra vô cùng lạc quan. “Mục tiêu của Trung tâm Nghiên cứu Microsoft tập trung vào các kế hoạch dài hạn, đó là một chiến lược rất khôn ngoan”, Helen Meng, tốt nghiệp Học viện Công nghệ Massacchussettes (MIT), hiện là giáo sư về kỹ thuật hệ thống và quản lý hệ thống tại Đại học Hồng Kông – Trung Quốc, nhận định. “Hầu hết các công ty khác đều yêu cầu chúng tôi đưa ra giải pháp chìa khóa trao tay, nhưng đó không phải là sở trường của chúng tôi.” Buổi chiều, Roland Chin, Phó chủ tịch Hội Nghiên cứu và Phát triển trực thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, cũng nhấn mạnh: “Microsoft nâng cao tiêu chuẩn công nghệ, điều đó sẽ rất có lợi cho sinh viên Trung Quốc.” Tất cả điều này cho thấy một cuộc chuyển đổi trọng tâm của quá trình phát triển công nghệ đang sắp sửa diễn ra. Jitendra Malik thuộc Đại học Berkeley phát biểu: “Thế giới trong 20 năm tới sẽ có rất nhiều thay đổi. Thay vì hướng về châu Âu, người Mỹ sẽ hướng tới châu Á, với nhiều hoạt động hơn. Điều đó là chắc chắn.”

Đó là một bữa tiệc trưa hữu ích, tràn đầy ý tưởng và nhiều tấm danh thiếp được trao đổi. Nhưng người có trách nhiệm cao nhất của Microsoft lại không có cả thời gian ăn trưa. Trong khi tất cả khách khứa đang thưởng thức những miếng bánh cuối cùng, Shum tiếp tục chiến dịch thâm nhập vào giới học viện. Ông đi thẳng đến khách sạn Grand Hyatt Bắc Kinh. Chiều hôm đó, Trung tâm Nghiên cứu Microsoft Châu Á sẽ ký một thỏa thuận lịch sử với Bộ Giáo dục Trung Quốc về việc hợp tác xây dựng các phòng nghiên cứu khoa học và công nghệ tại bốn trường đại học hàng đầu Trung Quốc: Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, Đại học Chiết Giang, Học viện Công nghệ Harbin và Đại học Thanh Hoa. Đối với Microsoft, bước đi này là một cách thể hiện nghiêm túc cam kết của Microsoft với ngành giáo dục và đào tạo Trung Quốc cũng như quá trình đầu tư dài hạn của công ty vào đất nước này.

Ngày thứ Ba, sau Hội nghị Faculty Summit, việc xây dựng quan hệ của Microsoft đã chuyển sang một mức cao hơn. Buổi sáng hôm đó trời mưa và lạnh, nhưng khuôn viên của Đại học Thanh Hoa lại rất nhộn nhịp. Nhiều nhóm sinh viên đứng chật lối đi chạy dọc theo những dãy nhà cổ kính. Một số nói chuyện sôi nổi, số khác mải miết bước thật nhanh. Nhiều sinh viên và giáo sư vội vã lên lớp trên những chiếc xe đạp cũ kỹ.

Đại học Thanh Hoa được coi là một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu ở Trung Quốc. Được thành lập năm 1911, đây chính là nơi đã đào tạo ba nhà lãnh đạo đứng đầu đất nước vào thời điểm đó, 1/4 số thành viên của Viện Khoa học Trung Quốc và 1/5 số thành viên của Viện Kỹ thuật Trung Quốc. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên Trung tâm Nghiên cứu Microsoft Châu Á lại lấy khuôn viên này làm cơ sở tuyển dụng nhân sự và hợp tác với các học viện. Trung tâm thu hút số lượng lớn sinh viên của Đại học Thanh Hoa và có nhiều hoạt động hợp tác hơn so với các trường khác ở Trung Quốc. Đây chính là một phần quan trọng trong thỏa thuận mà Shum ký với Bộ Giáo dục ngày hôm trước. Với vai trò quan trọng như vậy, việc chọn ngôi trường này làm chặng đầu tiên của hội nghị thường niên về tin học thế kỷ XXI là hoàn toàn hợp lý. Từ năm 2000, mỗi năm, hội nghị và “chuyến đi” đều được mở đầu tại Bắc Kinh rồi sau đó được chuyển đến thành phố thứ hai khác – với sự góp mặt của các chuyên gia và trưng bày những tiến bộ mới nhất trong khoa học máy tính khiến hàng nghìn sinh viên Trung Quốc ấn tượng và thán phục.

Ở phía đông khuôn viên trường Đại học Thanh Hoa, sinh viên được chào đón bằng một cảnh tượng kỳ lạ. Những tấm áp phích lớn với hình ảnh của Rick Rashid, Dan Ling, Harry Shum, Chuck Thacker và các diễn giả nổi tiếng khác được xếp thành hàng dẫn đến sân vận động của trường. Bức ảnh Rashid mỉm cười và vẫy tay như thể muốn nói: “Hãy đến đây, chúng tôi sẽ đào tạo các bạn!” Xa hơn, bức ảnh ống khói khổng lồ cuồn cuộn những đám khói trắng mờ được đóng khung trong một tấm áp phích khác. Đó là một hình ảnh sống động về Trung Quốc, khi đất nước này đang có những bước khởi đầu vào nền kinh tế thông tin của tương lai trong khi vẫn mắc kẹt với nền công nghiệp “có khói” của quá khứ.

Chuyến thăm của Microsoft ngày hôm đó nhận được sự chào đón của 3.400 sinh viên, các khoa ngành và lãnh đạo của trường. Tiếng nhạc trang nghiêm vang lên khi Shum bước lên sân khấu để giới thiệu những sự kiện trong ngày. Ánh đèn quét khắp nhà thi đấu, chiếu rọi logo của Microsoft. Sinh viên và khách mời đeo tai nghe để nghe lời dịch bài phát biểu. Sau bài phát biểu của Shum, Binglin Gu, Hiệu trưởng trường Đại học Thanh Hoa, lên đọc diễn văn chào mừng. Ông bày tỏ: “Đây là cơ hội lớn để học tập công nghệ tin học vượt trội của Microsoft, một vinh dự lớn cho chúng ta. Tôi hy vọng trong tương lai, nhiều sinh viên đang có mặt tại đây sẽ trở thành nhà khoa học tầm cỡ quốc tế.”

Người phát biểu tiếp theo là Rick Rashid ông nhấn mạnh: “Mười năm tới sẽ là thời điểm để các bạn phát triển những ứng dụng mới trong ngành công nghệ thông tin.” Sự xuất hiện của Rashid là một nỗ lực lớn vì chỉ hai ngày trước, ông còn ở một nơi cách Trung Quốc 16 múi giờ. Sinh viên như nuốt từng lời ông nói, nhiều người còn không cần đeo tai nghe có bản dịch tiếng Trung mà nghe trực tiếp lời ông nói. Những slide bằng tiếng Anh của ông được chiếu phía bên trái của sân khấu, còn bên phải là bản tiếng Trung. Rashid đã thúc đẩy “dân chủ hóa thông tin” bằng cách nhập nguyên liệu thô để những người tham dự có thể tự kết nối thông qua hàng loạt thiết bị thông minh.

Đây là một tầm nhìn dài hạn và đầy tham vọng về công nghệ toàn cầu, có thể khiến một số người Trung Quốc không hài lòng. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của ngành công nghệ thông tin Trung Quốc và cơn khát tri thức cũng như chương trình đào tạo về công nghệ thông tin là vô tận. Trong phòng VIP phía sau sân khấu, Ya-Qin Zhang, vị phó chủ tịch người gốc Trung Quốc của Microsoft đang thư giãn với một tách cà phê. Là người tiền nhiệm của Shum, ông từng là giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh trong gần 4 năm. Là một trong những nhân vật chính trong câu chuyện của Microsoft ở Trung Quốc, ông rất tự hào khi Microsoft vẫn tiếp tục thu hút và nuôi dưỡng những tài năng khoa học máy tính trên quê hương và thổ lộ: “Đây là một sự thật, một hiện tượng có thật.”

Hai ngày trôi qua êm đẹp. Sau một số bài phát biểu chính, Microsoft tổ chức một cuộc họp báo với khoảng 20 phóng viên Trung Quốc. Những nhân vật tham gia trả lời họp báo có Rashid, Ling, Thacker và Dương Chấn Ninh − giáo sư thuộc Đại học Thanh Hoa, đoạt giải Nobel Vật lý năm 1957. Ông Dương nói về lịch sử vật lý và tin học. Cuộc trò chuyện với ông chiếm gần trọn nội dung cuộc họp báo. Hầu như mọi câu hỏi của các phóng viên Trung Quốc đều dành cho ông. Đã có lúc người đại diện của Microsoft, Sheila Shang, nhắc nhở các phóng viên rằng đây là một sự kiện của Microsoft và những câu hỏi cần phải đưa ra cho tất cả các nhân vật có mặt. Nhưng lời nhắc nhở này cũng vô ích vì rất nhiều câu hỏi vẫn được đưa ra cho Dương Chấn Ninh. Sự việc này dẫn tới một thông điệp cho Microsoft: Microsoft vẫn còn có rất nhiều việc phải làm ở Trung Quốc.

Cuộc họp báo diễn ra không suôn sẻ nhưng sau đó, vẫn có nhiều bài báo ca ngợi Microsoft và tầm nhìn về công nghệ tin học của công ty. Đến thứ Tư, giữa các cuộc thảo luận và tiếp xúc với công chúng, một cuộc họp của ban tư vấn kỹ thuật đã diễn ra. Khi ngày làm việc kết thúc, một chiếc xe buýt đã đợi sẵn bên ngoài Trung tâm và những con người bận rộn lại tiếp tục lên đường. Chặng thứ hai của chuyến hội thảo Microsoft bắt đầu. Điểm dừng chân tiếp theo là Thành Đô, trung tâm công nghệ cao mới nổi ở Tứ Xuyên – một tỉnh phía tây nam Trung Quốc, cách Bắc Kinh hơn hai giờ bay.

Trên đường đến sân bay Bắc Kinh, Rashid, Ling, Shum, Ya-Qin Zhang, Hsiao-Wuen Hon và rất nhiều người khác đã đưa ra những suy nghĩ về các sự kiện trong tuần. Lúc đó là giờ ăn tối và trời tối đen như mực. Khi xe buýt đến đường cao tốc, đội quân Microsoft bắt đầu ăn vội bánh kẹp thịt và khoai tây chiên của nhà hàng McDonald’s gần Trung tâm.

Với tâm trạng thoải mái, đội quân Microsoft bắt đầu thư giãn sau một tuần lễ bận rộn. Rashid hóm hỉnh pha trò khi nói đến cuộc cạnh tranh với trụ sở Nokia ở Phần Lan về việc chiếm lĩnh thị trường mạng không dây. Ngài Phó chủ tịch tuyên bố: “Nếu Ya-Qin thắng Nokia, chắc chắn ông ấy sẽ được trao giải Nobel. Người Thụy Điển vốn không ưa người Phần Lan. Nếu Ya-Qin đánh bại được Nokia, hiển nhiên người Thụy Điển sẽ trao giải Nobel cho ông ấy.”

Câu chuyện của Rashid là đùa, nhưng đây cũng là một lời nhắc nhở để các thành viên nhớ rằng Microsoft đến Trung Quốc chỉ với một lý do: để chiến thắng.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button