Kinh doanh - đầu tư

Nền Kinh Tế Xanh Lam

Nen kinh te xanh lam - Gunter Pauli1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Gunter Pauli

Download sách Nền Kinh Tế Xanh Lam ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH KINH DOANH – ĐẦU TƯ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI NÓI ÐẦU

Các ý tưởng mà bạn sắp bắt gặp trong cuốn sách này thuộc về những viễn cảnh hấp dẫn nhất của quá trình thực hiện một nền kinh tế ít carbon, sử dụng nguồn lực hiệu quả và có sức cạnh tranh trong thế kỷ 21. Đáng lưu ý là việc mô phỏng các hoạt động hiệu quả và không chất thải của các hệ sinh thái sẽ mở ra những cơ hội tạo công ăn việc làm lớn nhất. Thế giới tự nhiên tuyệt vời và đa dạng đã giải quyết thật tài tình, bất ngờ, thậm chí phản trực giác những thách thức đặt ra cho nhân loại trong phát triển bền vững. Nếu như con người có thể giải mã những bí ẩn hóa học, những quá trình và thiết kế hấp dẫn mà các sinh vật – từ vi khuẩn, động vật nhuyễn thể cho tới các loài bò sát và có vú – đã phát triển và thử nghiệm hàng ngàn năm, có lẽ chúng ta sẽ có được những giải pháp mới mẻ mang tính cải biến cho nhiều vấn đề của một hành tinh chứa sáu tỉ người và sẽ vượt quá con số chín tỉ trong năm 2050.

Quyển  The Blue Economy  của Gunter Pauli mở cửa cho chúng ta bước vào lĩnh vực mới mẻ hướng đến tương lai này. Các bước tiến khai phá mà nó mô tả sẽ nhanh chóng thuyết phục các nhà lãnh đạo nhà nước và doanh nghiệp về việc nghiên cứu, phát triển những ngành khoa học mũi nhọn làm cơ sở cho các phát triển mới ấy. Cuốn sách nêu bật công việc sáng tạo của nhiều nhân vật như Emile Ishida (Nhật Bản), Wilhelm Barthlott (Đức), Andrew Parker (Anh), Joanna Aizenberg (Nga/Mỹ), Jorge Alberto Vieira Costa (Brazil) và các nhà khoa học hàng đầu khác, những người không chấp nhận sự hiểu biết thông thường hay tình trạng hiện tại. Qua mô tả công việc của họ,  The Blue Economy  chứng minh rằng chúng ta có thể tìm ra những phương pháp vật lý, hóa học và sinh học để sử dụng nguyên vật liệu tái tạo và hoạt động thực tiễn bền vững giống như các hệ sinh thái vậy. Điều ấy không còn thuộc lĩnh vực khoa học giả tưởng nữa: nó đang xảy ra thực sự tại đây, ngay lúc này. Với chính sách hỗ trợ thích hợp cho việc nghiên cứu phát triển, với những chiến lược thúc đẩy hoạt động kinh doanh qua cơ chế thị trường, các phương tiện và phương pháp nói trên sẽ cho chúng ta rất nhiều cơ hội đẩy nhanh quá trình ứng phó với các vấn đề cấp bách của thế giới.

Mặt khác, sự chấp nhận rộng rãi khuôn khổ nêu trong  The Blue Economy  có thể tạo một cơ sở logic vững chắc cho việc thực hiện chương trình hành động của Công ước đa dạng sinh học và việc hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức như UNEP và IUCN. Hiện nay, các loài sinh vật biến mất với tốc độ chưa từng thấy. Nhiều nhà khoa học nghĩ rằng đây là đợt tuyệt chủng thứ sáu trên trái đất, chủ yếu do mô hình kinh tế và cách thức hoạt động của con người đã đánh giá thấp đóng góp của các loài, sinh cảnh và hệ sinh thái cho đời sống chúng ta cũng như cho các hệ thống hỗ trợ sự sống của hành tinh.

Những loài sinh vật trong các hệ sinh thái ấy đã củng cố nền kinh tế hàng triệu tỉ đô la của chúng ta bằng nhiều dịch vụ thiết yếu cả trên bình diện địa phương, vùng lẫn toàn cầu. Nhiều loài sinh vật và quá trình hệ sinh thái giữ đầu mối cho những thành quả có thể rất quan trọng trong việc sản xuất thuốc men, lương thực, nhiên liệu sinh học và vật liệu ít tốn năng lượng. Chúng tỏ ra là thiết yếu cho việc giảm nhẹ tác động hay thích ứng với biến đổi khí hậu. Chắc hẳn chúng ta sẽ cần đến những thành quả như thế để thúc đẩy các ngành kinh tế bền vững cung cấp nhiều việc làm lâu dài phù hợp với con người. Với 100 đổi mới mô tả trong quyển sách,  The Blue Economy  ước lượng một tiềm năng tạo ra 100 triệu việc làm. Ước lượng ấy càng hiển nhiên hơn khi thực tế hiện nay đã có nhiều lao động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo hơn trong cả ngành công nghiệp dầu khí, và số vốn đầu tư vào năng lượng gió, mặt trời, địa nhiệt đã vượt quá mức đầu tư cho việc xây dựng mới những nhà máy sử dụng năng lượng hóa thạch.

Liên Hợp Quốc dự đoán năm 2025 sẽ có 1,8 tỉ người sống ở những quốc gia hay vùng khan hiếm nước. Hai phần ba nhân loại có thể phải sống trong điều kiện thiếu hụt nước. Trong khi đó, biến đổi khí hậu với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan được dự đoán là sẽ làm vấn đề nước trở nên trầm trọng hơn nữa. Các bạn hãy xem xét một hệ thống thu góp nước mưa mô phỏng khả năng của con bọ ở sa mạc Namib  (Onymacris unguicularis)  . Con vật tháo vát này sống ở nơi mỗi năm nhận nửa  inch    [1]   nước mưa thôi, nhưng nó có thể hứng lấy nước từ sương mù ùa qua sa mạc trong vài buổi sáng của một tháng.

Mới đây, một số nhà nghiên cứu đã thiết kế một bề mặt mô phỏng cấu tạo của cánh con bọ; cấu tạo ấy gồm những chỗ lồi hút nước và những khe kỵ nước cho phép nó thu hút và đẩy những giọt nước nhỏ hơn sợi tóc tới miệng nó. Những thử nghiệm kỹ thuật đầu tiên ở một số tháp giải nhiệt cho thấy phát minh của họ có thể giúp thu lại 10% lượng nước thất thoát. Điều ấy làm giảm hiệu ứng đảo nhiệt   [2]   ở các tòa nhà lân cận, do đó cũng hạ chi phí năng lượng xuống. Hàng năm có chừng 50.000 tháp làm mát mới được xây dựng và mỗi hệ thống lớn ấy để mất hơn 500 triệu lít nước mỗi ngày. Như vậy, lượng tiết kiệm 10% thật đáng kể. Những nhà nghiên cứu khác dựa vào hệ thống thu thập nước của con bọ để phát triển một loại lều tự sản xuất nước cũng như những bề mặt pha trộn thuốc thử cho các áp dụng liệu pháp “phòng thí nghiệm trên một vi mạch”. Hai mươi người được thuê làm việc trong phát triển còn non trẻ này, nhưng tiềm năng thực sự của nó trên thế giới lên tới 100.000 việc làm mới.

Quyển  The Blue Economy  đề cập đến một dự án ở Benin, nơi một hệ thống canh tác và chế biến thực phẩm mô phỏng cách thức chuyển dưỡng chất qua nhiều tầng của một hệ sinh thái. Chất thải động vật từ lò sát sinh được chế biến ở một trại nuôi dòi thành đồ ăn cho cá và chim cút; khí sinh học cung cấp điện và nhà máy được xây dựng để xử lý nước. Dự án ấy là một thế giới thu nhỏ của Nền Kinh tế Xanh lam. Cũng dùng đồng đô la, euro, rupi hay nhân dân tệ như những hệ thống kinh tế thông thường, nhưng nó tạo ra thu nhập, sinh kế và an ninh lương thực, đồng thời tái chế, tái sử dụng chất thải. Hiện nay có 250 người làm việc trong dự án. Nếu như mô hình thác nhiều tầng này được áp dụng tại mỗi lò mổ, sẽ có tiềm năng đạt tới 500.000 việc làm ở châu Phi hay năm triệu việc làm trên toàn thế giới.

Gần 70 năm trước đây, kỹ sư người Thụy Sĩ George de Mestral trong một cuộc đi dạo ở đồng quê đã quan sát những móc nhỏ ở hạt ngưu bàng ngoan cố bám vào quần áo mình. Sau đó, ông nghĩ ra một phát minh được biết dưới tên “khóa dán Velcro”. Gần đây hơn, những tòa nhà như trung tâm thương mại Eastgate ở Zimbabwe, một bệnh viện ở Columbia, một trường học ở Thụy Điển và trụ sở Hội Động vật học London được làm mát bằng những hệ thống điều hòa hoạt động theo cách thức của gò mối. Trong khi đó, các trường kỹ sư trên khắp thế giới đua nhau phát triển điện mặt trời hiệu quả hơn trên cơ sở các phân tử và quá trình của sự quang hợp. Điều mà  The Blue Economy  nhấn mạnh là tiềm năng to lớn của những đổi mới như thế. Nó soi sáng bước ngoặt gắn liền với vô số những bước đột phá ở phòng thí nghiệm, trong quá trình phát triển hay thương mại hóa.

Thế giới phải khốn khổ vì những cuộc khủng hoảng lương thực, nhiên liệu, tài chính và kinh tế. Tổn thất hệ sinh thái và đa dạng sinh học dẫn đến khủng hoảng khí hậu và hiểm họa cạn kiệt tài nguyên đang lờ mờ hiện ra. Một Nền Kinh tế Xanh lam có khả năng giải quyết các thử thách ấy một cách có hệ thống và sẵn sàng nắm bắt những cơ hội hiển nhiên, nền kinh tế ấy là thiết yếu trong lúc này. Trái đất luôn luôn là nguồn lực lớn nhất của chúng ta, và cuốn sách này nêu 100 thí dụ nhằm giải thích tại sao ngày nay việc đầu tư vào lĩnh vực bền vững hệ sinh thái cả trên bình diện địa phương lẫn toàn cầu càng hợp lý và quan trọng hơn bao giờ hết. Nếu tuân theo logic của tự nhiên, chúng ta có thể xây dựng nền tảng cho quá trình đổi mới xã hội toàn diện và công cuộc cải tạo kinh tế ngay từ gốc rễ.

Trong cuốn  Codex Atlanticus  , Leonardo da Vinci đã tóm tắt cô đọng về khả năng của các hệ sinh thái và sự bảo tồn vật chất của tự nhiên như sau:  “Mọi thứ đều đến từ mọi thứ; mọi thứ đều làm bằng mọi thứ; mọi thứ đều biến thành mọi thứ, tất cả những gì tồn tại trong các nguyên tố đều được làm bằng các nguyên tố ấy.”

 

ĐỌC THỬ

LỜI TỰA

Nếu chúng ta chỉ dạy con mình những gì chúng ta biết, thì chúng chẳng khi nào làm tốt hơn chúng ta được.

– Gunter Pauli

Trong những năm 1980, khi đọc sách của Lester Brown, người sáng lập Viện Quan sát Thế giới ở Washington DC, và ê kíp làm việc của ông, tôi cảm thấy sự thôi thúc phải giúp mọi người có được kho dữ liệu phong phú về các vấn đề môi trường toàn cầu ấy. Cuộc tiến công mãnh liệt của những thống kê và phân tích xu hướng phát triển tiêu cực dựa trên dữ liệu thu thập ở Washington DC chỉ cho thấy vài tia hy vọng ở chân trời. Vì vậy, tôi đã sáng lập một nhà xuất bản đặc biệt nhằm phổ biến hai quyển niên giám của Viện Quan sát Thế giới là Báo cáo về Tình trạng Thế giới và Những Dấu hiệu của Sự sống đến những độc giả ngoan cố nhất: tập thể doanh nhân châu Âu. Là một nhà doanh nghiệp từng thành lập nửa chục công ty, tôi cũng vừa là một công dân biết lo lắng. Đầu những năm 1990, khi hai đứa con trai của tôi Carl-Olaf và Laurenz-Frederik chào đời, một ý nghĩ chợt nảy ra trong đầu tôi như thường xảy ra với nhiều người cha, người mẹ trẻ tuổi: chúng tôi muốn để lại cho con mình một thế giới trong tình trạng tốt hơn so với thế giới chúng tôi đã nhận được từ cha mẹ mình. Gần hai thập kỉ sau, khi đứa con đầu của tôi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi phải thú nhận dường như đó là một nhiệm vụ hết sức khó nhọc.

Tuy nhiên, lúc con người trở nên chín chắn và nếp nhăn trên khuôn mặt tiết lộ những trăn trở của mình, chúng ta không thể cứ mãi là những công dân lo lắng cho tương lai và hối tiếc về mọi lỗi lầm phạm phải. Tốt hơn, chúng ta nên tập hợp lại, tìm cách đặt nền tảng cho phép thế hệ kế cận đạt được nhiều thành tựu hơn chúng ta. Có lẽ tự do lớn nhất mà chúng ta có thể trao tặng cho con cái của mình là quyền suy nghĩ khác và quan trọng hơn nữa, là quyền hành động khác chúng ta. Vì thế chúng ta cần ngẫm nghĩ về những gì là cấu trúc cho tư duy tích cực và nền tảng cho hành động cụ thể mà chúng ta có thể để lại cho các thế hệ tương lai. Đó có lẽ là thách thức lớn nhất đặt ra cho chúng ta. Tin xấu hiện nay không chỉ là tình trạng suy sụp của hành tinh chúng ta. Lần đầu tiên trong hàng chục năm qua, chúng ta nhận thức được là hệ thống kinh tế cũng đang tan rã.

Sớm là một thành viên của Câu lạc bộ Rome, một tập hợp không chính thức của những nhà lập chính sách, học giả, lãnh đạo doanh nghiệp và viên chức quốc tế có nhiều lo lắng, tôi hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc lên tiếng kêu gọi thức tỉnh. Báo cáo  Giới hạn của Tăng trưởng  do Câu lạc bộ Rome công bố đã vạch rõ cái vòng lẩn quẩn của bùng nổ dân số, suy thoái môi trường, phát triển công nghiệp vô chừng mực và sa sút đạo đức. Với tư cách là người xuất bản  Báo cáo về Tình trạng Thế giới  bằng một số tiếng châu Âu và thành viên tích cực của Câu lạc bộ Rome trong ba thập kỉ, không khi nào tôi có thể tách rời những kết luận không thuận lợi với sự cần thiết phải hành động tích cực.

Tôi bắt đầu công việc với Ecover, một nhà máy sản xuất chất tẩy rửa phân hủy sinh học. Khi ngay cả các hãng lớn nhất cũng công nhận thành phần phân hủy sinh học của chúng tôi – các axit béo trong dầu cọ – là sản phẩm công nghiệp thay thế cho những chất hoạt hóa bề mặt của ngành hóa dầu, thì nhu cầu về chất thay thế này đã tăng vọt lên. Điều ấy kích thích những nhà nông, đặc biệt ở Indonesia, khai phá nhiều khu rừng mưa nhiệt đới rộng lớn để trồng cọ. Hậu quả là nhiều nơi sinh sống của loài đười ươi cũng đã biến mất. Vì vậy tôi cảm thấy buồn bực khi biết rằng tính phân hủy sinh học và khả năng tái tạo không đồng nghĩa với sự bền vững.

Trong bài viết đầu tiên về đề tài này công bố năm 1991 tại Seoul (Hàn Quốc), tôi hô hào giới công nghiệp lấy tính hiệu quả của các hệ sinh thái làm chuẩn mực. Sự hoàn hảo của một hệ sinh thái không dừng lại ở việc cung cấp các dịch vụ như nước sạch và không khí trong lành, bổ sung lớp đất mùn, kiểm soát vi khuẩn và tiến hóa liên tục, luôn luôn tìm giải pháp tốt hơn và hiệu quả hơn. Các hệ thống sinh thái còn là nguồn cảm hứng để thay đổi hệ thống sản xuất và tiêu dùng thải quá nhiều rác của chúng ta. Bài báo giả định rằng trạng thái bền vững chỉ có thể dự kiến được nếu hệ thống kinh tế của chúng ta xóa bỏ khái niệm chất thải và bắt đầu lưu chuyển dưỡng chất và năng lượng theo cách thức của tự nhiên.

Sau khi vỡ mộng với Ecover, tôi được GS.TS Heitor Gurgolino de Souza, Hiệu trưởng trường Đại học Liên Hợp Quốc mà Nhật Bản là nước chủ nhà, thách thức về việc phát triển một hệ thống kinh tế chẳng những không tạo ra rác và phát thải mà còn cung ứng việc làm, đóng góp vào vốn xã hội và không đòi hỏi chi phí cao. Tôi chấp nhận thách thức ấy ba năm trước khi Nghị định thư Kyoto được chấp thuận. Vì vậy từ tháp ngà hàn lâm, tôi có cơ hội hình dung cách thức chúng ta mô phỏng sự tương tác vừa sáng tạo vừa tiến hóa giữa các hệ sinh thái tự nhiên, qua đó chất thải của loài sinh vật này là chất dinh dưỡng của loài khác. Sau ba năm nghiên cứu và hợp tác với Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc, Sáng kiến Nghiên cứu Phát thải Số không (ZERI) được thành lập ở Thụy Sĩ với mục tiêu duy nhất là thực hiện những dự án mở đường có thể minh chứng cho một mô hình sản xuất – tiêu dùng khả thi cả về mặt khoa học lẫn kinh tế.

Nhân lễ kỷ niệm 10 năm hoạt động khai phá trên khắp thế giới, Ban Giám đốc ZERI đặt làm một bản kiểm kê những đổi mới lấy cảm hứng từ các hệ thống tự nhiên. Khởi điểm chỉ là việc thu thập tài liệu khoa học đã được kiểm định chất lượng và cho phép công chúng sử dụng. Đó là một việc tìm kiếm lãng mạn và hấp dẫn cái nổi bật của những loài góp phần to tát vào đa dạng sinh học. Tuy nhiên, việc ấy nhanh chóng phát triển thành cuộc săn tìm một mô hình kinh tế có khả năng thôi thúc các doanh nhân đưa nhân loại cùng thói quen sản xuất và tiêu dùng của họ vào một con đường khả dụng và bền vững. Khi bắt đầu cuộc tìm kiếm, tôi có cơ hội làm việc với Fritjof Capra để biên tập quyển  Steering Business towards Sustainability  (Lèo lái doanh nghiệp theo hướng bền vững)  .  Dự án ấy đã gây ra một làn sóng ý tưởng mới. Tôi hiểu rằng cuộc tìm kiếm những cơ hội kinh doanh kiểu mới ấy dựa vào niềm tin vững chắc là nếu như tôi miêu tả thành công các mô hình mình dự kiến, điều ấy có thể sẽ truyền cảm hứng kinh doanh cho nhiều người khác. Nhóm điểm sách báo đã phải vật lộn với công việc, đánh giá hàng ngàn bài báo thích hợp trong các xuất bản phẩm khoa học tiếng Anh. Chúng được bổ sung bằng các xuất bản phẩm tương tự viết bằng tiếng Tây Ban Nha, Đức và Nhật Bản. Nhiệm vụ của tôi là xem xét kỹ từng bài trong số hơn 3.000 bài viết và tưởng tượng những trường hợp nào có thể được dùng để thúc đẩy công nghiệp và thương mại theo hướng bền vững mà không cần trợ giá hay ưu đãi thuế. Tôi cân nhắc xem có thể tập hợp những đổi mới nào thành một hệ thống có khả năng hoạt động theo cách thức của một hệ sinh thái, tôi sắp xếp các phát triển mới của những “đấu thủ” khác nhau thành từng nhóm nhằm sử dụng thật hiệu quả những lực trường tồn được mô tả bởi các định luật vật lý đúng trong mọi trường hợp.

Là một doanh nhân ủng hộ sự đổi mới, tôi gởi một danh sách 340 công nghệ chọn lọc cho một ê kíp gồm những nhà chiến lược kinh doanh, chuyên gia tài chính, nhà báo điều tra và nhà lập chính sách công. Động tác này xảy ra trước cuộc suy thoái hiện nay, giữa lúc thế giới còn đang xây dựng lâu đài trên cát bằng tiền bạc không hiện hữu. Suốt thời gian hai năm, tôi gặp nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp ở khắp bốn phương trời. Tôi đã tổ chức hàng chục buổi họp với những nhà phân tích tài chính, phóng viên kinh tế và nhà nghiên cứu chiến lược kinh doanh. Việc ấy đã giúp tôi mài giũa cái logic cho sự lựa chọn cuối cùng mà kết quả là 100 đổi mới quan trọng nhất được liệt kê trong Phụ lục 1. Rồi nạn suy thoái hoành hành. Cuối năm 2008, Liên Hợp Quốc thông báo rằng sự sụp đổ của thị trường tài chính đã cướp mất 50 triệu việc làm ở các nước đang phát triển. Khi ấy, người ta mới thực tế hơn. Tôi không tìm sự thỏa mãn ở việc ghép một tấm ảnh hấp dẫn vào một giải thích khoa học. Tôi cần phải truyền đạt một cái gì tốt hơn tính độc đáo, thú vị của mỗi loài sinh vật mà chúng tôi xem xét.

Một ê-kíp mới đánh giá lại tất cả mọi thông tin chúng tôi có được và xem xét động lực của sự phá sản mô hình kinh tế hiện nay trong ánh sáng những đổi mới mà chúng tôi đã liệt kê. Chúng tôi đã phát hiện con phượng hoàng của nền kinh tế mới, nó dường như chuyển đổi cái logic của những kết quả ngắn hạn và lợi tức phụ thành một logic cho phép một thế giới với nguồn lực giới hạn của nó có thể đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người bằng những gì có được. Tôi nhận ra một mô hình mới có thể tạo cơ hội độc nhất cho những nhà doanh nghiệp trên khắp thế giới để chuyển đổi hệ thuyết kinh doanh chủ đạo. Đó không phải là việc phát triển dòng vô tính hay thủ thuật biến đổi gien được bảo vệ bởi những bằng sáng chế gần với hành động chiếm đoạt tài nguyên sinh học hơn là sự đổi mới thật sự. Đó là cái logic lan tỏa và tính nhạy cảm của các hệ sinh thái. Danh sách 100 đổi mới nói trên đã lấy cảm hứng từ khả năng tiến hóa không ngừng của các hệ thống tự nhiên nhằm đạt hiệu quả cao hơn, lưu chuyển dưỡng chất và năng lượng mà không lãng phí bất cứ cái gì, đồng thời sử dụng mọi đóng góp và đáp ứng nhu cầu cơ bản của mọi thành viên.

Những hiểu biết về logic của các hệ sinh thái đã kết tinh thành nền tảng của quyển sách này, cho phép tôi xác lập khuôn khổ cho Nền Kinh tế Xanh lam và nhận thức rằng biến động kinh tế hiện nay lại hóa ra hay. Có lẽ cuối cùng rồi chúng ta sẽ chấm dứt lối tiêu dùng không thực tế đã đẩy nền kinh tế đến chỗ nợ nần chồng chất. Hô hào công dân tiêu thụ nhiều hơn để thoát khỏi khủng hoảng là một mẫu rập khuôn cái logic vừa mù quáng vừa phỉnh gạt công dân, khiến tất cả chúng ta cũng như các thế hệ tương lai phải mắc nhiều nợ đến nỗi không bao giờ có khả năng hoàn trả. Cách tiếp cận vô liêm sỉ này đã rút hết phương tiện thanh toán tiền mặt của cả thế giới để cung ứng cho giới “kinh tế ngân hàng” thượng lưu và không cấp tín dụng cho ai khác. Những hành động như thế diễn ra dưới đáy một mô hình kinh tế phá sản, một mô hình kinh tế đỏ   [1]   vay mượn – của tự nhiên và con người, từ tài sản chung của mọi người – để nợ lại mai sau mà không nghĩ đến việc hoàn trả. Các hệ thống kinh tế quy mô lớn vô độ, luôn tham lam tìm mức chi phí thấp hơn cho mỗi đơn vị sản xuất thêm, tạo ra những khái niệm trù tượng vô ích về các hậu quả không chủ ý. Khủng hoảng kinh tế năm 2008 có nguyên nhân là giới ngân hàng và những người có quyền quyết định trong doanh nghiệp đã dấn thân vào con đường điên cuồng sáp nhập và mua lại, nhân rộng tài sản và vay những món nợ khổng lồ khiến tăng trưởng trở thành thất sách. Đó là câu chuyện về sự thất bại của nền kinh tế dựa vào vay nợ.

Để so sánh, trong khi bảo vệ môi trường, mô hình kinh tế xanh (lục) đòi hỏi các công ty phải đầu tư nhiều hơn và người tiêu dùng phải chi trả thêm nhưng chỉ đạt một thành quả kinh tế bằng với hay thậm chí thấp hơn mô hình thông thường. Nếu điều ấy đã là một thách thức giữa lúc kinh tế phồn thịnh, thì trong giai đoạn suy thoái, nó dứt khoát là một giải pháp ít cơ may thành công. Mặc dù có nhiều thiện chí và cố gắng, nền kinh tế xanh (lục) chưa đạt được tính khả thi như mong mỏi. Nhưng nếu đổi màu quang phổ từ xanh lục sang xanh lam, chúng ta sẽ thấy ngoài việc bảo tồn sinh thái, Nền Kinh tế Xanh lam còn đáp ứng các vấn đề bền vững khác. Chúng ta có thể nói Kinh tế Xanh lam bảo đảm cho các hệ sinh thái có khả năng duy trì con đường tiến hóa để tất cả đều có thể hưởng lợi từ nguồn sáng tạo, tính dễ thích ứng và sự phong phú vô tận của tự nhiên.

Người có tâm hồn trẻ trung sẽ nắm lấy cơ hội làm ăn, lưu chuyển năng lượng và nguyên liệu theo gương các hệ sinh thái nhằm tăng giá trị và tạo ra nhiều lợi ích trao đổi, biến đổi chúng thành thu nhập và việc làm. Khi chúng ta thực hiện các ý tưởng của Nền Kinh tế Xanh lam thì quyết định của hàng triệu người hành động sẽ thay thế được chế độ kinh tế chỉ huy của vài nhà kiến lập thị trường, một số công ty độc quyền hay sự điều tiết theo pháp lệnh. Một cơ cấu kinh tế – xã hội mới và mạnh mẽ sẽ xuất hiện. Việc tham gia tích cực và nỗ lực hoạt động của công dân là những gì sẽ thay đổi luật chơi, những gì sẽ thực hiện một cuộc chuyển đổi thực sự. Trong thời điểm lịch sử này, khi rõ ràng lượng sản xuất dầu và thực phẩm đang ở gần tột đỉnh, chúng ta nên lấy cảm hứng và những ý tưởng thiết thực từ các hệ sinh thái vì chúng đã tỏ ra có khả năng sáng tạo và tiến hóa, vượt qua thử thách để sinh tồn. Quyển sách này có mục đích góp phần vào việc thiết kế một mô hình kinh tế mới không chỉ có khả năng đáp ứng nhu cầu của mọi người, mà còn biến đổi cái cấu trúc giả tạo gọi là “khan hiếm” thành ý thức về sự đầy đủ hay ngay cả sự thừa thãi nữa.

Trong khi việc phung phí các nguồn vật chất mà bãi rác hiện đại và lò thiêu là những thí dụ tiêu biểu đã đáng trách, thì sự lãng phí nguồn nhân lực hoàn toàn không thể chấp nhận được. Khi số thanh niên thất nghiệp dao động từ 25% ở thế giới công nghiệp đến hơn 50% ở các nước đang phát triển, và nếu các nhà lãnh đạo xem thế hệ kế cận là vô ích – hay tệ hơn nữa, nếu thanh niên và những người thiệt thòi tự xem mình là vô ích – thật dễ tưởng tượng điều ấy có nghĩa gì đối với xã hội toàn cầu. Đó là biểu hiện của một hệ thống suy yếu nặng nề, một xã hội trong cơn khủng hoảng tột cùng, được minh chứng bởi những số thống kê về bạo lực, tội phạm, khủng bố, lạm dụng ma túy, nhập cư trái phép, giáo dục buông thả, cũng như bởi cách đối xử đáng lên án đối với những nhóm người hay cộng đồng đã gặp rủi ro hoặc ít được quan tâm.

Abdelsalam al-Majali, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Jordan, nguyên Thủ tướng Jordan, đã từng nói: “  Nên giải thích, không nên áp đặt.  ” Nếu mục đích của chúng ta là xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người, chớ không phải làm đầy tài khoản của một vài người, nếu chúng ta sẵn sàng chống rủi ro một cách hữu ích thì những suy xét kỹ lưỡng dựa vào khoa học vững chắc và những trường hợp đã được chứng minh bằng tư liệu có thể giúp chúng ta đạt mục đích đó. Một diễn đàn mạnh mẽ của giới doanh nghiệp nên mô phỏng sự thành công của các hệ sinh thái trong việc loại trừ chất thải và đạt tới tình trạng toàn dụng lao động cũng như khả năng sản xuất tối đa. Nhiều sáng kiến nhỏ trên khắp thế giới có thể đặt nền tảng cho những cơ hội kinh doanh mới, thúc đẩy sự hình thành một hệ thống kinh tế vĩ mô. Thay vì chờ các nhà lập chính sách đạt thỏa thuận với nhau, phương hướng của chúng ta là giới thiệu những cơ hội mở do tự nhiên tạo ra cho mọi cá nhân ở khắp mọi nơi.

Thật lạ lùng khi xã hội hiện đại ít có logic tự nhiên như thế nào. Để làm mát một tòa nhà, tại sao các chuyên gia về điều hòa nhiệt độ lại bơm không khí lạnh   [2]   “lên”? Muốn làm sạch nước, sao chúng ta lại đổ chất hóa học vào để hủy diệt mọi sự sống? Nhà kính làm ấm không khí, chớ không sưởi rễ cây? Tại sao chúng ta trả hơn 100 đô la Mỹ mỗi kilowatt giờ điện từ một pin gây độc cho môi trường? Khi uống cà phê, chúng ta chỉ hấp thu 0,2% sinh khối và để phần cực lớn kia thối rửa, tạo ra khí metan hay làm cho loài trùn cũng bị căng thẳng bởi độc tố thần kinh gọi là “cafein” như chúng ta. Một trăm ngàn tấn titan khai thác và tinh chế ở nhiệt độ cao bị ném vào bãi rác khi chúng ta thải những dao cạo “dùng một lần”. Loài người sử dụng quá nhiều năng lượng, thải khí nhà kính một cách vô lý và gây tổn hại lớn cho môi trường. Chúng ta khó ngạc nhiên khi phải đối mặt với biến đổi khí hậu. Chúng ta chỉ có thể bào chữa cho những gì chúng ta làm và cách thức chúng ta làm bằng sự thiếu hiểu biết về những hậu quả không chủ ý. Nhưng một khi đã hiểu, chúng ta không chỉ có nhận thức cần cho sự thay đổi mà còn được trao quyền thực hiện nó một cách có ý thức nữa.

Chido Govero chưa hề biết cha mình và mồ côi mẹ từ lúc mới lên bảy nhưng đã sớm trở thành một chủ hộ thiếu niên với trách nhiệm nuôi nấng bà ngoại và đứa em nhỏ. Mặc dù một bi kịch như thế có thật nhưng nó rất ít phổ biến. Hàng triệu người, trong số đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, đã chịu đựng sự đối xử tồi tệ để bảo đảm một mức sống tối thiểu. Cũng nhanh chóng như việc học cách sống sót hàng mấy năm trời chỉ bằng một chén đậu phộng mỗi ngày, Chido biết đánh giá cao khả năng phục hồi của các hệ thống tự nhiên. Ở châu Phi, các hệ thống này bị cướp phá bởi lối canh tác vô trách nhiệm của người nhập cư từ châu Âu, họ đã đem theo những truyền thống chỉ thích hợp với vùng ôn đới bốn mùa và những kỹ thuật không những phá hủy tầng thực vật tự nhiên mà còn xói mòn lớp đất màu mỡ. Nhưng Chido không lên án những sai lầm của quá khứ. Con tôi đã nắm lấy cơ hội khai thác tiềm năng của chất thải cà phê để đạt tới an toàn lương thực và sinh kế cho chính mình cũng như cho các trẻ mồ côi khác ở Zimbabwe. Khi đã có an toàn lương thực và sinh kế thì hành động bất lương – đối với cả những thiếu nữ lẫn hệ sinh thái – có thể không còn nữa. Ước mơ của Chido là thực hiện điều ấy trong cuộc đời mình.

Bạn mong đạt được điều gì hơn thế nữa trong cuộc đời mình? Phải chăng bạn chưa muốn trả lời cho tới khi đọc xong quyển sách này?


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button