Kinh doanh - đầu tư

Mỗi Ngày Một Bài Học

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Matsushita Konosuke

Download sách Mỗi Ngày Một Bài Học ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KINH DOANH

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI NÓI ĐẦU

Một năm có 365 ngày. Nếu mỗi ngày đều tốt đẹp, chúng ta sẽ có một năm đầy ý nghĩa, từ đó kết thành cuộc đời trọn vẹn. Dù hiểu rõ vậy nhưng thực tế, trong đời sống thường nhật, khó mà có chuyện ngày nào cũng thuận buồm xuôi gió hết, phải vậy không?

Kết thúc một ngày, nhìn lại, có khi chúng ta thấy hài lòng vì mình đã làm tốt sống tốt, nhưng cũng có khi chúng ta tiếc nuối “phải chi mình làm thế này thì hay hơn”, “biết vậy đừng làm thế kia thì tốt rồi”. Nhưng thiết nghĩ, chính những khoảnh khắc đó sẽ giúp chúng ta có cơ hội nhìn lại bản thân và không quên tự nỗ lực nâng cao tinh thần để ngày sau lại tốt hơn ngày trước.

Quyển sách này được biên tập từ những câu chuyện về cuộc sống, sự nghiệp kinh doanh và quốc gia – xã hội mà người sáng lập Viện Nghiên cứu Tổng hợp PHP1, Matsushita Konosuke, từng viết hoặc chuyện trò trong nhiều thời điểm khác nhau. Từ đó, chúng tôi tuyển chọn 366 mẩu chuyện, lời nói của ông và biên tập thành sách Mỗi ngày một bài học vào năm Chiêu Hòa thứ 56 (1981).

Chúng tôi cố gắng theo đúng nguyên văn các ghi chép, trích dẫn được viết cuối sách nhưng vì lý do trang sách có hạn nên đôi chỗ chúng tôi giản lược.

Tháng Tư năm Bình Thành thứ nhất (1989), Matsushita ra đi. Tuy không thể thêm vào những câu chuyện mới, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng các thông điệp mà ông gửi gắm trong cuốn sách này sẽ luôn hữu ích với bạn, nhất là những khi gặp phải khó khăn phiền muộn, băn khoăn trăn trở. Để từ đó, từng ngày, từng năm bạn sống đều khởi sắc, tốt đẹp và bạn sẽ có được một cuộc đời trọn vẹn, ý nghĩa. Được như vậy, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc lắm thay.

Tháng Hai năm Bình Thành thứ 11 (1999)

Viện Nghiên cứu Tổng hợp PHP

ĐỌC THỬ

THÁNG 1

Ngày 01: Ngày Tết với tâm hồn tươi mới

Nếu cây tre chỉ là một thân cây trơn tuột không có đốt, vậy thì làm sao nó có được sức mạnh chống đỡ giông bão? Rõ ràng, cây tre cần có đốt. Năm tháng trôi qua cũng cần có những mốc thời gian tương tự như đốt tre. Nếu không, thời gian sẽ trôi tuột chẳng lưu lại vết tích gì cả. Ít nhất mỗi năm một lần, chúng ta cần tạo ra một cột mốc để sửa đổi bản thân và môi trường xung quanh, nuôi dưỡng sức mạnh vượt qua cuộc đời dài đằng đẵng phía trước.

Do vậy, ngày Tết có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, đáng để chúc mừng vì luôn đem lại sự tươi mới cho tâm hồn chúng ta. Vào dịp Tết, chúng ta có thói quen nghĩ đến những việc mà ngày thường không nghĩ đến, muốn nói lời xin lỗi về những việc không hay đã xảy ra, mong có thêm dũng khí cũng như niềm hy vọng mới.

Ngày 02: Lòng tin tạo nên sự vĩ đại

Khi leo núi Koya do đại sư Kobo2 khai phá, tôi học được một điều vô cùng đáng quý. Ngày nay, đường sá, phương tiện giao thông như xe cộ, cáp treo, mọi thứ đều vô cùng tiện lợi, nhưng một nghìn một trăm mấy mươi năm3 về trước mà đại sư đã mở đường khai phá một nơi hẻo lánh, xa xôi như vậy để mở đạo trường thì tôi nghĩ, chấp niệm hay tín niệm của đại sư Kobo mãnh liệt đến mức không tưởng tượng nổi. Và chúng ta rất khó lòng chạm đến cảnh giới đó. Thế nhưng, qua câu chuyện này, tôi nhận ra một điều rất ý nghĩa. Đó là lòng tin trong trái tim con người có thể tạo nên những thứ vĩ đại đến không tưởng và tôi ngộ ra rằng mình cũng cần có niềm tin mạnh mẽ với bản thân.

Ngày 03: Không có “thời đại không có tính xác thực4”

Người ta hay nói “thời đại không có tính xác thực”, nó thường xuyên biến đổi. Tuy thực tế có những việc bất ngờ cứ liên tiếp xảy đến, gây ra sự hỗn loạn, nhưng tôi không đồng ý với cái gọi là “tính không xác thực”. Tôi cho rằng tất cả các hiện tượng không xác thực đều do chính con người sinh ra. Khi bản thân con người suy nghĩ không chắc chắn, hành động sẽ không chính xác.

Vì vậy, nếu dẹp bỏ những suy nghĩ và hành động không xác thực, mọi thứ sẽ trở nên xác thực. Tôi nghĩ tính tự giác khi làm việc là một điều quan trọng. Và thay đổi cách ứng xử căn bản đối với tương lai, chuyển từ tư tưởng “thời đại không có tính xác thực” sang tư tưởng “tương lai là thời đại xác thực” mới là việc quan trọng, cần kíp mà chúng ta phải làm.

Ngày 04: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi lời”

Trong Kinh thánh có câu: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi lời5.” Dù không hiểu hết ý nghĩa sâu xa của câu này nhưng tôi nghĩ ở góc độ nào đó, nó khá phù hợp trong lĩnh vực kinh tế.

Nghĩa là, nhà kinh doanh, người đứng đầu phải lên tiếng trước tiên. Nói cách khác, lãnh đạo doanh nghiệp phải là người đầu tiên đưa ra ý tưởng và chia sẻ mục đích của ý tưởng đó cho mọi người. Triển khai cụ thể như thế nào thì để các phòng ban và nhân viên cùng suy nghĩ, nhưng việc chuyển hóa ý tưởng thành lời nói thì phải do chính lãnh đạo thực hiện.

Không chỉ dừng lại ở phạm vi công ty kinh doanh, tôi nghĩ nên triển khai cách làm này trên phạm vi toàn quốc.

Ngày 05: Nuôi dưỡng tầm nhìn xa

Bồi đắp, nuôi dưỡng tầm nhìn chiến lược là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với người lãnh đạo. Nó quan trọng đến mức nhiều người cho rằng nếu không có tầm nhìn xa thì sẽ không

Bồi đắp, nuôi dưỡng tầm nhìn chiến lược là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với người lãnh đạo. Nó quan trọng đến mức nhiều người cho rằng nếu không có tầm nhìn xa thì sẽ không có tư cách làm lãnh đạo. Thời đại biến chuyển không ngừng, không ít trường hợp ngày hôm qua đúng nhưng hôm nay lại trở nên lạc hậu.

Vì vậy, một khi nắm bắt được xu hướng thay đổi của thời đại, dự đoán được cục diện trong tương lai và có những phương sách đối phó thích hợp thì sẽ có được sự phát triển cho công ty, sự yên bình cho đất nước.

Đối diện với bất kỳ vấn đề nào mà vội vàng tìm đối sách để xử lý nhất thời thì nhất định quá trình giải quyết vấn đề sau đó sẽ không suôn sẻ. Cho nên tâm trí ta phải luôn ghi nhớ một điều: hãy nuôi dưỡng tầm nhìn xa.

Ngày 06: Trái tim chân thật

Nếu hỏi trái tim chân thật là trái tim như thế nào thì chắc chắn câu trả lời không thể chỉ dừng lại ở hình ảnh một trái tim ôn hòa, không làm trái ý người khác. Tôi cho rằng ý nghĩa thật sự của “chân thật” phải là sự mạnh mẽ mang tính tích cực.

Trái tim chân thật chính là trái tim không gợn chút riêng tư, hay nói cách khác là một tâm hồn vô tư, biết nhìn nhận, đánh giá sự việc đúng bản chất mà không chịu ảnh hưởng bởi bất kỳ điều gì khác. Tâm hồn trong sáng ắt sẽ sinh ra sức mạnh để nắm bắt bản chất vốn có của sự vật.

Vì vậy, trái tim chân thật là trái tim thấu hiểu đạo lý, có thể nhìn rõ bản chất của sự vật, sự việc để có cách ứng xử thích hợp.

Ngày 07: Nhiệt tình là nam châm

Một người nào đó, dù có bao nhiêu tài năng và kiến thức đi chăng nữa mà thiếu hẳn lòng nhiệt tình thì cũng chỉ như chiếc bánh vẽ mà thôi. Ngược lại, dù kiến thức thiếu hụt, tài năng hạn chế nhưng nếu chúng ta luôn làm việc hết mình, tràn đầy nhiệt huyết thì vẫn có thể tạo ra nhiều điều tốt đẹp. Kể cả trường hợp không làm được, nhưng nhìn cách chúng ta tận tâm tận lực vì công việc thì tinh thần sẵn sàng hỗ trợ, giúp sức vốn không dễ dàng phát lộ sẽ nảy sinh trong tâm trí người khác một cách tự nhiên. Rồi họ sẽ bù đắp những lỗ hổng về kiến thức, khiếm khuyết về tài năng, giúp chúng ta xử lý công việc một cách trọn vẹn.

Như thanh nam châm hút những hạt sắt xung quanh, lòng nhiệt tình cũng thu hút người xung quanh và khiến mọi thứ xoay chuyển theo hướng tích cực.

Ngày 08: Tư tưởng nguyện cầu

Tôi cho rằng không tự mình làm việc, chỉ biết cầu Trời khấn Phật để xin lợi lộc, may mắn và hạnh phúc là thái độ không nên có của con người. Trên đời này, chẳng thể nào có được những thứ lợi lộc dễ dàng và sẵn tiện như thế.

Nhưng một khi nghiêm túc bắt tay vào làm việc gì, mà muốn việc đó thành công, hay việc đó phải thành công, người ta thường nảy sinh tâm lý muốn cầu khấn đấng siêu nhiên. Cũng có trường hợp người ta tự đặt ra một ước mong nào đó để cầu Trời khấn Phật. Không chỉ thể hiện sự nghiêm túc, chân thành, việc làm này còn mang ý nghĩa nâng cao lòng quyết tâm. Tôi cho rằng có tư tưởng nguyện cầu như vậy là rất tốt.

Ngày 09: Trời mưa thì che dù

Người làm kinh doanh phải hành động theo quy luật tự nhiên của đất trời. Tôi không nói chuyện gì to tát cả, đơn giản là nếu trời mưa thì ta che dù, vậy thôi.

Nghĩa là đi thu tiền những nơi phải thu, khi không bán được hàng thì đừng miễn cưỡng mà nên nghỉ, khi nào bán được lại sản xuất. Nói cách khác, cứ thuận theo tự nhiên mà làm.

Có người không thu tiền ở những nơi phải thu mà lại đi vay mượn nguồn vốn mới. Theo tôi, trước khi nghĩ đến chuyện vay mượn, hãy dùng toàn lực để thu hồi vốn. Đã làm như vậy rồi mà vẫn thiếu tiền thì lúc đó hẵng đi vay. Điều quan trọng là thực hiện chuyện cực kỳ đơn giản đó như thế nào cho đúng.

Ngày 10: Công việc là do xã hội phân công

Hầu như nghề nghiệp, công việc trong xã hội đều do chính chúng ta lựa chọn dựa theo nhu cầu, sở thích và chúng ta làm công việc đó bằng sức lực của chính mình. Tuy nhiên, để nói một cách chính xác thì những công việc, nghề nghiệp đó khởi nguồn từ nhu cầu của xã hội. Có thể nói rằng, không phải chúng ta muốn làm việc đó mà là được xã hội phân công. Nghề cắt tóc ra đời là do nhu cầu có đầu tóc gọn gàng, đẹp đẽ của con người. Điều này đúng với với tất cả mọi ngành nghề.

Một khi nghĩ rằng chúng ta có được công việc này, nghề nghiệp kia là nhờ xã hội trao cho thì chúng ta sẽ có lòng biết ơn thật sự.

Ngày 11: Nhận biết mặt tốt của Nhật Bản

Tôi cho rằng không có đất nước nào may mắn như Nhật Bản. Dân số chỉ hơn một trăm triệu người và hầu như đều thuộc một dân tộc, nói cùng một ngôn ngữ, lại được thiên nhiên ban tặng điều kiện khí hậu, phong thổ vô cùng thuận lợi. Không gìn giữ một đất nước tốt đẹp như vậy và giúp nó phát triển mạnh mẽ thì chúng ta còn có thể làm gì? Nếu nghĩ được như thế và thực hiện nghiêm túc, chúng ta sẽ lần lượt mở ra những con đường thúc đẩy đất nước phát triển.

Để làm được điều đó, trước tiên phải hiểu rõ đất nước của chính mình. Chúng ta phải hiểu rõ bản thân, hiểu rõ đất nước Nhật Bản, con người Nhật Bản. Đương nhiên không phải tất cả đều tốt đẹp. Khuyết điểm là khuyết điểm, phải khắc phục, sửa chữa. Nhưng tạm gác qua những hạn chế thì vẫn còn rất nhiều mặt tốt chúng ta cần phải biết và phát huy.

Ngày 12: Xây dựng cuộc đời

Tôi nghĩ, nếu như hằng ngày chúng ta cứ làm việc một cách vô thức cho xong, cho qua chuyện thì thật sự rất gay go. Dù là làm gì cũng nên tự đặt ra một mục tiêu nào đó. Mỗi một ngày trôi qua, chúng ta đều có mục tiêu của ngày đó, đồng thời xây dựng mục tiêu mỗi tháng, mỗi năm cho bản thân. Đó mới là điều quan trọng.

Đương nhiên sẽ có những thời điểm mọi việc đều suôn sẻ, nhưng cũng sẽ có thời điểm gặp khó khăn. Chúng ta không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận thực tế. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, những thử thách đó sẽ giúp cuộc đời của chúng ta phong phú và ý nghĩa hơn.

Ngày 13: Không bị gò bó trong khuôn mẫu

Trong quá trình làm việc, chúng ta luôn tự tạo ra khuôn mẫu cho chính mình.

Ví dụ, khi thiết kế mẫu máy radio, vốn không có quy định kiểu dáng nào cả, có thể là hình tam giác hay hình tròn, nhưng hầu hết mọi mẫu radio đều có hình hộp. Lạ lùng thay, không chỉ riêng việc này mà nhìn chung, con người thường có khuynh hướng xấu là tự mình tạo ra khuôn mẫu rồi chui vào đó. Có thể đây là một cách bảo vệ bản thân, nhưng nếu cứ suy nghĩ hạn hẹp trong khuôn mẫu gò bó thì tâm hồn cũng trở nên trì trệ, trí tuệ không thể minh mẫn, tinh thần khó mà đạt tới trạng thái tự do tự tại. Trên đời này, có rất nhiều cách nhìn nhận sự việc. Tùy thời điểm, tùy tình huống mà chúng ta thay đổi, ứng biến sao cho phù hợp để từ đó, tạo ra động lực cho sự phát triển.

Ngày 14: Suy thoái kinh tế cũng là điều tốt

Kinh tế phát triển đương nhiên là chuyện tốt. Tuy nhiên, kinh tế suy thoái cũng chưa chắc là điều đáng lo ngại, mà cần đánh giá dựa trên từng thời điểm.

Nếu đánh giá từ một góc nhìn, có thể ta sẽ coi giai đoạn đó là suy thoái. Nhưng nhìn nhận tổng thể thì sẽ thấy, suy thoái lại là một bước phát triển trong cả quá trình.

Trong giai đoạn suy thoái, tình hình đúng là khó khăn thật, nhưng chính nhờ suy thoái, chúng ta sẽ có được nhiều thu hoạch không ngờ đến. Nhờ suy thoái kinh tế mà ta biết những điều chưa từng biết, ngộ ra nhiều điều khác rồi từ đó nghĩ cách đối phó. Vì vậy, ngay trong lúc nền kinh tế suy thoái, vẫn có không ít việc có khả năng phát triển. Nếu nhìn từ góc độ trên, tôi cho rằng suy thoái kinh tế cũng hàm chứa những mặt tích cực.

Ngày 15: Thanh xuân là sự trẻ trung trong tâm hồn

Thanh xuân là sự trẻ trung trong tâm hồn. Nếu tâm hồn tràn ngập niềm tin, hy vọng, dũng khí và luôn theo đuổi những điều mới mẻ, thanh xuân sẽ thuộc về chúng ta mãi mãi.

Đây là quan điểm mà tôi có được từ ý của một bài thơ6. Lẽ thường, mỗi năm, con người ta ngày một già đi. Đó là quy luật tự nhiên. Nhưng tôi nghĩ, về khía cạnh tinh thần, ngày ngày tôi vẫn duy trì được cảm giác tươi mới như thời thanh xuân dù đã bao nhiêu tuổi đi chăng nữa. Ước vọng mãnh liệt của tôi là không muốn đánh mất tinh thần tươi trẻ. Nhất là dạo gần đây, cá nhân tôi thực sự không muốn tâm hồn mình bị lão hóa và tôi cũng cảm thấy rằng môi trường xung quanh đòi hỏi tôi phải như vậy.

Ngày 16: Bushido (võ sĩ đạo) và sự tin cậy

Ngày xưa, tầng lớp samurai (võ sĩ) luôn được xếp trên tầng lớp bình dân và rất được tôn kính. Mọi người thường cho rằng lý do là vì samurai có vũ lực (quyền đeo kiếm) nhưng không chỉ có vậy. Thực tế, các samurai rất coi trọng đạo nghĩa, luôn ghi nhớ tinh thần của một võ sĩ. Nói cách khác, các samurai luôn thấu hiểu “đạo” nên được người dân tôn kính và tin cậy.

Có thể áp dụng điều này trong doanh nghiệp. Người lãnh đạo có “đạo” của người lãnh đạo, nhân viên có “đạo” của nhân viên. Bên nào cũng có công việc đương nhiên phải làm. Nếu cả hai đều thông suốt điều này với tinh thần trách nhiệm, đó sẽ là cơ sở cho mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau và cũng là động lực để nâng cao mối quan hệ đó. Vì vậy trước tiên, hãy cùng nhau quán triệt, nhìn nhận con đường của bản thân đúng với vị trí của mình.

Ngày 17: Giữ vững quyết tâm

Điều quan trọng đối với người lãnh đạo là phải có ý chí. Chỉ có ý chí và quyết tâm mới tạo nên nhiệt huyết và ý tưởng cho công việc. Vì vậy, cần lập chí và quyết tâm thực hiện trong tất cả mọi việc. Nhưng không phải chỉ lập chí, quyết tâm một lần rồi thôi, mà cần kiên quyết theo đuổi ý chí đó đến cùng. Để làm được điều này, chúng ta phải không ngừng tự làm mới bản thân.

Có người chỉ lập chí một lần với quyết tâm mạnh mẽ mà đã tạo nên thành tích vô cùng vĩ đại. Lại có những người vì yếu đuối nên chẳng thể theo đuổi được việc gì lâu bền dù đã từng quyết tâm.

Ngày 18: Như dòng nước máy…

Nước máy sau khi đã qua xử lý sẽ mang một giá trị riêng. Ngày nay, nếu ai lấy cắp vật gì có giá trị sẽ bị quy tội. Nhưng chắc chắn, không có chuyện khách bộ hành vặn vòi nước máy ở trước cổng tòa nhà nào đó để uống mà bị quy tội cả, đúng không?

Vậy, qua việc nguồn nước máy có giá trị vô giá, trực tiếp duy trì sự sống của chúng ta nhưng nhờ có nguồn cung dồi dào mà hành vi nói trên được tha thứ, chúng ta có thể thấy điều gì?

Đó chính là sứ mệnh tạo ra nguồn vật chất quý giá mà vô tận như nguồn nước máy của nhà sản xuất. Thứ gì càng quan trọng, chúng ta càng cần gia tăng số lượng, làm cho nó nhiều lên và cung cấp với giá gần như miễn phí.

Tôi cho rằng, sứ mệnh kinh doanh thật sự của chúng ta là đây.

Ngày 19: Biết người biết mặt biết lòng

Tôi cho rằng, không thể phân tích trái tim con người bằng lý thuyết suông. Vì trên thực tế, tuy lý trí bảo “làm như vậy tốt hơn”, nhưng đôi khi con tim vẫn hành động ngược lại. Nếu cho là chuyện phiền phức thì đúng là phiền phức thật, nhưng rõ ràng chúng ta cũng có thể hiểu đó là một trong những quy tắc của con người. Một khi có thể cảm nhận dù chỉ là một phần của điều này thì chúng ta sẽ biết được những suy nghĩ tiềm ẩn trong lòng người khác.

Vậy làm sao để nhìn thấu những suy nghĩ chân thật nhất trong trái tim người khác? Câu trả lời là: chỉ có thể đạt được qua quá trình trải nghiệm, giao tiếp với nhiều người mà thôi. Điều quan trọng, chúng ta phải dùng đôi mắt chân thật nhất, dùng cái tâm trong sáng nhất để quan sát thì mới có thể cảm nhận được nhịp đập của trái tim người khác.

Ngày 20: Duyên đến từ những lời phàn nàn

Những lá thư khen ngợi của khách hàng đúng là rất đáng quý, nhưng tôi nghĩ nhận được thư phàn nàn lại càng đáng quý hơn. Giả dụ một khách hàng bất mãn với công ty nhưng chẳng bao giờ phàn nàn chuyện gì cả mà chỉ tự nhủ “không mua sản phẩm của công ty đó nữa”, và thế là mọi việc sẽ chấm dứt. Nhưng nếu họ nói ra lời bất mãn, dù lúc đó họ có nghĩ “tôi sẽ không bao giờ mua hàng của hãng này nữa”, thì ta sẽ biết và tìm ra nguyên nhân của sự bất mãn đó, rồi thành tâm xử lý, giải quyết tận gốc. Tôi tin rằng, có nhiều trường hợp, mối lương duyên được tạo ra từ thành ý như vậy.

Vì thế, khi tiếp nhận những lời phàn nàn, hãy nghĩ đây là “cơ hội kết duyên lành”, xem nó như một cơ may mà tận dụng.

Ngày 21: Va chạm với đời

Có lần, thấy nhân viên trong công ty tụ tập bàn luận rất sôi nổi, tôi hỏi: “Có chuyện gì vậy?” thì họ trả lời: “Tụi em đang bàn luận về sản phẩm mới chuẩn bị chào bán, không biết bán có chạy không?”

Tôi liền bảo: “Các cậu không biết cách duy nhất là phải va chạm thực tế sao? Đồng ý là cần tranh luận ở mức độ cần thiết để xem có bán được hay không, nhưng nếu tranh luận trên mức đó thì chẳng để làm gì cả, phải ‘va chạm với đời’ mới được. Có cách nào hơn cách hỏi trực tiếp người mua?”

Sau khi đã suy đi tính lại mọi vấn đề rồi thì chỉ còn việc dũng cảm bắt tay vào làm, thế thôi. Tôi cho rằng không chỉ ở lĩnh vực kinh doanh mà trong chính trị hay những lĩnh vực khác của đời sống hằng ngày, chúng ta cũng cần phải hành động như vậy.

Ngày 22: Trả nợ năm tháng

Ba mươi năm sau chiến tranh7, trong hệ thống chính trị, giáo dục và cả cách suy nghĩ, cách nhìn cuộc sống, có vô vàn điều vô ích và không tạo ra năng suất đã vô tình phát sinh rồi gia tăng chóng mặt. Những thứ đó chồng chất, dồn lại và ùn ùn đẩy vật giá lên cao, dẫn đến tình trạng như ngày hôm nay.

Chúng ta không nghĩ những gì cần nghĩ, không cải thiện những thứ cần cải thiện. Và cứ thế, sau những năm tháng dài, món nợ đời ngày càng chồng chất. Nói điều này không phải để truy vấn, xem người nào sai lầm rồi quy lỗi cho họ, mà là để thấy chúng ta sẽ phải trả món nợ đó theo từng phần tương ứng. Điều quan trọng nhất là chúng ta có được thái độ tự giác, nghiêm túc trong việc trả những món nợ này hay không?

Ngày 23: Trước khi tạo ra vật chất hãy chú trọng bồi dưỡng con người

Trước đây, từ rất lâu rồi, tôi từng nói với các nhân viên trẻ, nếu khách hàng thân thiết có hỏi: “Công ty Điện khí Matsushita sản xuất cái gì?” thì cứ trả lời: “Công ty Điện khí Matsushita là nơi bồi dưỡng con người và tạo ra sản phẩm điện khí.”

Lúc ấy, tôi chỉ có một suy nghĩ: Sự nghiệp nằm ở con người, do vậy trước tiên phải nuôi dưỡng con người trưởng thành. Một công ty có những con người chưa trưởng thành và chín chắn thì không thể thành công, nên tôi mới nói những lời như vậy. Thế rồi, suy nghĩ đó được các nhân viên thấm nhuần và trở thành nguồn động lực thúc đẩy công ty phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết, mặc cho kỹ thuật, nguồn vốn lúc ấy vẫn còn nghèo nàn, lòng tin chưa đủ mạnh mẽ.

Ngày 24: Tin tưởng vào công ty

Tôi cho rằng, khi nhắc đến nhược điểm của công ty mình, điều quan trọng là chúng ta cùng nhau bàn bạc và khắc phục một cách chân thành. Nhưng phải lưu ý, không được để người ngoài công ty biết. Nói quá lên một chút, là phải có lòng tin vào công ty đến mức không tiết lộ việc công ty ngay cả với cha mẹ mình.

Nếu tất cả mọi người đều làm việc với tinh thần đó thì ai cũng sẽ có lòng tin mạnh mẽ dành cho công ty. Nhờ vậy công ty mới phát triển, toàn thể nhân viên trong công ty đều hạnh phúc và căng tràn nhiệt huyết hoàn thành sứ mệnh mà công ty hướng tới.

Ngày 25: Tín niệm “dung thông vô ngại”

Tôi cho rằng, khi nhắc đến nhược điểm của công ty mình, điều quan trọng là chúng ta cùng nhau bàn bạc và khắc phục một cách chân thành. Nhưng phải lưu ý, không được để người ngoài công ty biết. Nói quá lên một chút, là phải có lòng tin vào công ty đến mức không tiết lộ việc công ty ngay cả với cha mẹ mình.

Nếu tất cả mọi người đều làm việc với tinh thần đó thì ai cũng sẽ có lòng tin mạnh mẽ dành cho công ty. Nhờ vậy công ty mới phát triển, toàn thể nhân viên trong công ty đều hạnh phúc và căng tràn nhiệt huyết hoàn thành sứ mệnh mà công ty hướng tới.

Ngày 25: Tín niệm “dung thông vô ngại”

Phật giáo có câu “dung thông vô ngại8.” Câu này thật ra không có gì khó hiểu hay cao siêu cả. Tôi nghĩ rất đơn giản thế này: Giả sử, khi đang đi trên đường, có một tảng đá lăn xuống chặn trước mặt khiến ta không đi tiếp được thì chúng ta nên làm gì? Leo qua tảng đá rồi đi cũng là một cách. Nhưng nếu không thể leo được thì ta tránh tảng đá, đi đường vòng. Tôi nghĩ đó chính là “dung thông vô ngại”.

Tất nhiên, cũng có lúc không có cả đường vòng. Những khi đó, ta sẽ nghĩ cách khác. Tôi cho rằng khi chúng ta không để tình cảm bản thân chi phối, luôn áp dụng triết lý “dung thông vô ngại” trên mỗi con đường mình đi thì sẽ có cách ứng xử phù hợp với cuộc đời.

Ngày 26: Bốn phần sở đoản, sáu phần sở trường

Con người ta ai cũng có sở đoản, sở trường. Vì vậy, khi tiếp xúc với nhiều người, cùng làm việc với nhau, ta sẽ chứng kiến những sở đoản, sở trường khác nhau, đa dạng và phong phú.

Trong trường hợp đó, nếu chỉ nhìn thấy sở đoản của cấp dưới, ta khó lòng sử dụng cậu ấy và hẳn cậu ấy cũng chẳng vui gì. Vậy nên ta hãy nhìn và nghĩ cách phát huy sở trường của cậu ấy để sử dụng nhân lực hiệu quả. Khi năng lực bản thân được cấp trên ghi nhận, cấp dưới sẽ có động lực làm việc chăm chỉ hơn. Đương nhiên, chỉ thấy điểm mạnh mà không màng điểm yếu cũng không được. Theo tôi, nhìn người mà thấy được bốn phần sở đoản, sáu phần sở trường là tốt rồi.

Ngày 27: Cạnh tranh quá mức là tội ác

Cạnh tranh lành mạnh là chính đáng, nhưng nếu quá mức sẽ trở thành tội ác, phải loại trừ. Những công ty lớn có nguồn vốn mạnh, hay những công ty đầu ngành lại càng phải biết tự kiềm chế trong lúc cạnh tranh. Giả sử các công ty nhỏ có cạnh tranh thái quá một chút mà các công ty lớn vẫn kiểm soát được thì ngành nghề đó cũng không bị hỗn loạn. Nhưng nếu công ty đầu ngành lại khởi đầu, mở màn cho cuộc cạnh tranh quá khích thì cũng như chiến tranh thế giới, ngành nghề đó sẽ hỗn loạn và sa sút, dẫn đến việc đánh mất lòng tin của người tiêu dùng. Có thể nói, công ty càng lớn, trách nhiệm đối với sự phát triển vững mạnh của ngành nghề càng cao.

Ngày 28: Ăn no, mặc ấm, biết lễ nghĩa

Người Trung Quốc có câu: “Ăn no, mặc ấm, biết lễ nghĩa9.” Đây là câu nói được truyền tụng từ hơn hai nghìn năm trước, nhưng ngày nay vẫn được sử dụng rộng rãi vì nó mang ý nghĩa, triết lý phù hợp với mọi người.

Ở nước Nhật hiện nay, người ta không chỉ “ăn no, mặc ấm, biết lễ nghĩa”. Trái lại, có nhiều trường hợp phải nói là “ăn no, mặc ấm mà lễ tiết ngày càng rối loạn”. Điều này rõ ràng quá ư bất thường. Chúng ta cần điều chỉnh xã hội trở lại thế cân bằng, tạo nên sự phồn vinh cho cộng đồng, hạnh phúc cho mọi người. Để làm được điều đó, tôi cho rằng, điểm cốt lõi trước tiên là chúng ta cần xét lại lối suy nghĩ ích kỷ, chỉ biết bản thân, từ đó nhắc nhở lẫn nhau.

Ngày 29: Tiên ưu hậu lạc

“Tiên ưu hậu lạc” là câu nói tắt của người Trung Quốc thời xưa đề cập đến tinh thần của người làm quan. Câu đầy đủ tạm dịch là: Lo trước cái lo của thiên hạ10. Nhưng tôi nghĩ câu “tiên ưu hậu lạc” này không chỉ dành cho người làm quan mà người lãnh đạo doanh nghiệp cũng nên coi trọng và lưu tâm.

Đương nhiên, thỉnh thoảng, người lãnh đạo cũng cần nghỉ ngơi, có những thú vui riêng, nhưng kể cả những lúc như vậy cũng đừng cho phép mình chỉ biết có chơi mà trong tâm phải “tiên ưu” đã. Nói cách khác, là phải suy nghĩ, đưa ra ý tưởng, phát kiến trước tiên. Tôi nghĩ, là người lãnh đạo doanh nghiệp thì phải không ngừng đưa ra ý tưởng để thúc đẩy doanh nghiệp của mình phát triển.

Ngày 30: Không tô vẽ bản thân

Trong đời sống hằng ngày, tôi rất thận trọng trong việc thể hiện bản thân, tránh dùng những lời nói hoa mỹ tô vẽ cho hành động của mình. Thoạt nghe, điều này có vẻ rất đơn giản nhưng thật ra lại không hề dễ dàng. Đặc biệt, những người có tham vọng thành công thường có khuynh hướng thể hiện mình hơn người khác.

Nhưng con người ai cũng có tố chất khác nhau, dù vắt óc tìm cách tô vẽ bản thân bao nhiêu đi nữa cũng không thể che giấu được bản chất, tính cách của mình, rồi cũng sẽ tới lúc bị bại lộ. Và lúc đó, bạn sẽ đánh mất lòng tin của mọi người ngay lập tức. Trong suy nghĩ của tôi, chính trực mới là con đường xử thế an toàn nhất.

Ngày 31: Dù đời có trăm nghìn âu lo

Không ít trường hợp người làm kinh doanh phải đối diện với nhiều vấn đề cần trăn trở, suy nghĩ cùng một lúc. Nhưng theo kinh nghiệm lâu nay của bản thân, tôi nhận ra một điều là: Người ta không thể cùng một lúc nghĩ đến nhiều mối bận tâm khác nhau. Rốt cuộc, khi ta đã biết được đâu là nỗi âu lo lớn nhất của mình thì các ưu tư, phiền muộn khác chỉ đứng hàng thứ hai, thứ ba. Vì vậy, dù có hàng trăm, hàng ngàn vấn đề đi nữa, ta chỉ cần suy nghĩ tới một vấn đề lớn nhất đó mà thôi. Đương nhiên, chúng ta không thể chỉ giải quyết một vấn đề khó khăn mà bỏ qua những khó khăn khác, nhưng sau khi giải quyết xong một vấn đề khó khăn cụ thể nào đó, bạn sẽ nhận ra giá trị của bản thân, của cuộc đời để thêm vững tin vào chính mình. Chỉ cần nghĩ vậy và dũng cảm bắt tay thực hiện, đường đời sẽ mở rộng thênh thang trước mắt.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button