Kinh doanh - đầu tư

Mã Vân Giày Vải

Ma Van giay vai - Vuong Loi Phan & Ly Tuong1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nhiều tác giả

Download sách Mã Vân Giày Vải ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH KINH DOANH

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

 

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Mã Vân giày vải – Bức chân dung đa chiều về một doanh nhân kiệt xuất

Ngày nay, Alibaba được biết đến là một tập đoàn thương mại điện tử với quy mô lớn và giá trị tài sản khổng lồ (tính đến 2015 là 255.434 tỷ nhân dân tệ, tương đương 41 tỷ đô-la Mỹ), là ngọn cờ đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử của Trung Quốc, là một trong những biểu tượng mới của nền kinh tế thế giới. Đứng đằng sau sự thành công của tập đoàn này, không ai khác chính là Mã Vân – nhà sáng lập của Alibaba. Danh tiếng và tầm ảnh hưởng của anh không chỉ dừng lại trong lãnh thổ Trung Quốc mà còn lan ra toàn cầu. Vậy Mã Vân là ai? Quá trình lập nghiệp của anh có những gì đặc biệt? Chúng ta có thể học hỏi được gì cho bản thân và tổ chức của mình?
Khi nhìn vào Mã Vân, thật khó để chúng ta có thể hình dung ra một giáo viên tiếng Anh không chút hiểu biết về công nghệ với một vị Chủ tịch của một tập đoàn thương mại điện tử có quy mô lớn nhất thế giới. Mã Vân được biết đến với nhiều tư cách: nhà sáng lập của tập đoàn Alibaba, diễn giả, nhà từ thiện và tỷ phú. Với mỗi một vai trò, Mã Vân đều gặt hái được những thành công rực rỡ, anh không chỉ là một tấm gương điển hình mà còn là một hiện tượng mà rất nhiều người muốn tìm hiểu và khám phá. Tác giả Vương Lợi Phân, phóng viên phụ trách một chuyên mục lớn tại Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, quen biết Mã Vân ngay từ khi Alibaba mới được thành lập và đã chứng kiến hầu như mọi sự kiện quan trọng trong suốt quá trình phát triển của tập đoàn. Chị đã hệ thống hóa và đúc kết 15 năm lịch sử hình thành và phát triển của Alibaba, qua đó khắc họa nên hình ảnh một con người kiệt xuất, có tầm nhìn vượt thời đại nhưng cũng rất đỗi bình thường, giản dị. Khác biệt duy nhất của anh so với người khác là tinh thần dám nghĩ dám làm, kiên trì đến cùng với lý tưởng của mình. Ngoài phần đánh giá Mã Vân và Alibaba dưới góc nhìn lập nghiệp, Vương Lợi Phân còn mời Lý Tường, một nhân tài trong ngành truyền thông để phân tích dưới góc độ truyền thông, nhờ vậy, cuốn sách sẽ mang lại cho chúng ta những góc nhìn khách quan, đa chiều về một biểu tượng thành công của ngành thương mại điện tử Trung Quốc cũng như của thế giới.

Không đơn thuần là một cuốn tiểu sử viết về cuộc đời doanh nhân, Mã Vân giày vải còn muốn gửi gắm tinh thần lập nghiệp, dám dấn thân vì lý tưởng và mơ ước từ hình mẫu con người Mã Vân đến các nhà sáng nghiệp, những người đang ấp ủ trong mình những hoài bão lớn lao, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Cho đến nay, Mã Vân vẫn đi giày vải. Đó là một loại giày rất thoải mái và tiện lợi, chắc chắn và thoáng khí, giúp người đi luôn trong trạng thái tối ưu để kiểm soát cơ thể, và còn có thể chuyển động nhanh bất cứ lúc nào mà không gây ra cảm giác khó chịu cho đôi bàn chân. Giày vải chính là phong thái thường trực của cuộc đời Mã Vân, còn giày da chỉ là chút điểm xuyết không thể thiếu trong những trường hợp bắt buộc. Bởi vậy, cuốn sách này lấy tên là Mã Vân giày vải.

Lời nói đầu: Mã Vân có ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định lập nghiệp của tôi.

Vương Lợi Phân

Năm 2009, sau khi từ chức ở Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, tôi bắt đầu bước vào con đường chinh chiến lập nghiệp giống như Mã Vân. Tháng 9 năm đó, tôi quyết định dứt áo ra đi, khi tham dự Đại hội các doanh nghiệp kinh doanh online của Alibaba, khi ngồi ăn cùng Mã Vân trong nhà hàng Khải Duyệt nằm bên cạnh Tây Hồ, tôi đã nói với anh rằng, tôi sắp rời khỏi Đài truyền hình Trung ương để tự thân lập nghiệp. Anh nói: “À, vậy ra chị định làm to rồi!” Tôi nói: “Anh đã lập ra trang Taobao, chuyên kinh doanh những thứ vật chất hữu hình, giờ tôi muốn làm một trang web kinh doanh những kinh nghiệm và trí tuệ trong đầu, anh thấy đấy, trang web này của tôi không cần đến nguyên liệu hậu cần, chẳng có chút phiền phức nào cả!” Nghe tôi nói xong, Mã Vân không bình luận gì nhiều, chỉ kể rằng anh đang chuẩn bị triển khai điện toán đám mây, nói rằng 5 năm nữa chắc chắn sẽ là thời đại của điện toán đám mây. Hôm nay, khi tôi viết cuốn sách này, đã cách thời điểm đó được gần 5 năm, điện toán đám mây giờ đã trở thành một cụm từ hot nhất hiện nay. Giờ đây khi nhìn lại, tôi mới biết rằng những thứ mà trong đầu anh đang nghĩ đến vượt xa mười vạn dặm so với những thứ tôi đang nghĩ trong đầu, đại đa số những điều anh nói tôi đều nghe mà không hiểu, và những gì tôi nói thì hoàn toàn không ở cùng đẳng cấp với anh. Kỳ thực nhiều khi những người trong ngành truyền thông thực sự nghe không hiểu lời của những người trong giới kinh doanh, họ thường đứng từ góc độ nông hẹp nhất để giải thích các vấn đề một cách đại chúng hóa.

Thế nhưng, hành trình lập nghiệp của Mã Vân quả thực đã mang đến cho tôi rất nhiều khích lệ cũng như cảm hứng. Tôi xuất thân từ khoa văn, căn bản không liên quan gì tới công nghệ. Đương thời, những nhân tài thành công trong ngành internet Trung Quốc như Vương Chí Đông, Trương Triều Dương, Đinh Lỗi, Mã Hóa Đằng, Sử Ngọc Trụ, Lý Ngạn Hoành đều từng theo học những chuyên ngành có liên quan tới máy tính hoặc có quan hệ mật thiết với internet, và thành công của họ với internet cũng không hề liên quan gì tới một người giống như tôi. Tổng giám đốc Liễu mà tôi quen biết cũng xuất thân từ một viện khoa học, ông ấy đang công tác trong một ngành cũng rất xa lạ với tôi đó là nghiệp vụ IT. Vì vậy, dù việc lập nghiệp trong lĩnh vực công nghệ luôn khiến người khác vô cùng ngưỡng mộ, nhưng tôi vẫn thấy đó là một chuyện chẳng hề liên quan đến mình. Kể cả khi ngành công nghiệp truyền hình suy thoái, tôi cũng chẳng có cách nào để bước vào ngành internet này cả. Thế nhưng, sự thành công của Mã Vân trong ngành internet với tư cách là một giáo viên tiếng Anh không hiểu biết gì về công nghệ lại khiến tôi thay đổi quan điểm này một cách triệt để, tôi nghĩ rằng một người học tiếng Anh có thể làm trong ngành internet, vậy một kẻ học ngữ văn như tôi cũng có thể thử một phen xem sao. Ba năm liền Mã Vân đều là giám khảo của cuộc thi Win in China(1), quá trình lập nghiệp của anh tôi nắm rất rõ, điều quan trọng là tôi vô cùng ngưỡng mộ sự phấn đấu vì cái mà mình đã lựa chọn, cũng như phương thức dùng ánh sáng trí tuệ của kinh doanh để thực hiện giá trị và hoàn thiện cuộc sống của anh. Từ con người của anh tôi có thể nhìn thấy, chính nhờ sự hội nhập với tương lai, chính nhờ sự tin tưởng vào ngày mai, sự nỗ lực của cả tập thể, anh sẽ có thể tự tay xây dựng và hoàn thiện một cuộc sống đúng với tính chất “tìm tòi – phát hiện”. Anh không chỉ đảm nhiệm vai trò giám khảo vòng chung kết trong 3 mùa cuộc thi Win in China, mà còn làm giám khảo của vòng 36 chọn 12, và 12 chọn 5, trong quá trình này, tôi có điều kiện tiếp xúc với anh rất nhiều. Nếu như tấm gương của bạn ở ngay bên cạnh bạn, cường độ tác động và sức ảnh hưởng của tấm gương ấy sẽ luôn lớn hơn rất nhiều so với tác động đến từ những minh tinh thần tượng mà bạn vốn hoàn toàn không hiểu và không được tiếp xúc.

Tôi quen Mã Vân trong Diễn đàn Kinh tế thế giới được tổ chức ở Davos vào tháng 1 năm 2005, khi đó Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Trung Quốc – Chu Dân (hiện đang đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Quỹ Tiền tệ quốc tế) đã mời những quan khách người Trung Quốc cùng dùng bữa trưa. Bữa trưa hôm ấy rất đặc biệt, diễn ra trong một nhà hàng nằm trên sườn đồi của một thị trấn nhỏ vùng Davos, Thụy Sĩ, bên ngoài tuyết rơi lác đác, đưa tay ra là có thể chạm đến, 7-8 người chúng tôi đều ăn uống rất vui vẻ. Trong bữa ăn Mã Vân rất kiệm lời, dáng vẻ ngại ngùng, dường như sau này tôi không bao giờ còn trông thấy bộ dạng đó của anh nữa. Tôi hỏi anh, thu nhập một năm của Alibaba là bao nhiêu? Anh quanh co hồi lâu, không trả lời trực tiếp câu hỏi của tôi. Cuối năm 2004, hệ thống Taobao vận hành dưới trướng của Alibaba bắt đầu đốt tiền, thu nhập của B2B(2) cũng chỉ đạt 359 triệu nhân dân tệ(3). Giờ đây khi mới chân ướt chân ráo lập nghiệp, tôi mới biết rằng thu nhập của một công ty vào năm thứ năm sau khi thành lập mà có thể đạt tới quy mô như vậy là không hề dễ dàng chút nào, nhưng ở một nơi mà những nhân vật lãnh đạo cộm cán và CEO(4) của 500 doanh nghiệp mạnh nhất thế giới cùng tề tựu như ở Davos, có lẽ anh cho rằng từng đó thu nhập của Alibaba là không đủ để thể hiện thực lực của anh, hoặc có thể còn có nguyên nhân nào khác, dẫu sao thì anh cũng không nói ra.

Năm 2005 tôi từ Mỹ trở về, dự định sản xuất một chương trình lấy tên là Win in China(5), và hẹn anh một buổi cà phê. Sau khi tôi nói rõ giá trị quan và ý tưởng mà Win in China theo đuổi, anh nhận lời một cách sảng khoái. Giá trị quan là một thứ mà người ta thường không mấy coi trọng trong cuộc sống, thế nhưng anh thì hoàn toàn ngược lại. Đối với một chương trình truyền hình mà nói, nếu không có sự dẫn dắt của giá trị quan, chương trình đó coi như không có linh hồn. Khi đó, nếu như không vì thống nhất về mặt ý tưởng, sẽ không bao giờ có chuyện anh ấy dành nhiều thời gian như vậy trong 3 năm liền của cuộc thi. Sau khi lập nghiệp tôi mới thực sự cảm nhận rằng, đối với một nhà sáng lập của một doanh nghiệp mà nói, có thể đặt mình vào một chương trình truyền hình dài hơi đến vậy là một điều không hề dễ dàng.

Giờ đây nhìn lại, khi mời Mã Vân làm giám khảo, kỳ thực tôi cũng không hoàn toàn nhận ra hết giá trị của anh ấy. Điều này cũng giống như khi tôi sản xuất chương trình Win in China 3 mùa liền, tổng cộng có tới hơn 500 doanh nhân nổi tiếng tham gia đánh giá chấm điểm, vậy mà tôi vẫn không hiểu biết gì nhiều về doanh nghiệp vậy.

Tôi chỉ thực sự nhận ra giá trị của Mã Vân từ sau khi lập nghiệp. Trong những thời điểm tương đối khó khăn của giai đoạn đầu lập nghiệp, tôi thường xem đi xem lại các bài diễn giảng liên quan đến vấn đề lập nghiệp của anh ở trên mạng, phát hiện ra những điều trước kia hoàn toàn không hiểu, hoặc nếu có hiểu thì cũng chỉ là ở trên bề nổi câu chữ, chỉ đến khi tự thân trải qua những giây phút nước sôi lửa bỏng của thuở đầu lập nghiệp, những thứ mà anh giảng liên quan đến tài chính, tập thể, quản lý, đàm phán, thất bại, tầm nhìn doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp, chiến lược và nhân tài… tôi mới thực sự lắng nghe và thấm thía đến tận xương tủy. Những bài diễn giảng vừa lạ lẫm vừa quen thuộc kia đã cho tôi sức mạnh trong những lúc gian nan. Khi đó tôi cũng ý thức được rằng, có rất nhiều thứ chúng ta có vẻ như đã hiểu rồi, nhưng thực ra vẫn chưa hoàn toàn hiểu thấu. Nhớ về trang web trước khi rời khỏi Đài truyền hình Trung ương tôi từng cao hứng kể với Mã Vân, kỳ thực sau khi vận hành chưa đầy 3 tuần tôi đã phải đóng cửa. Nguyên nhân là tôi chẳng thể nắm bắt được những kỹ thuật trong lĩnh vực internet, chỉ dựa vào một bầu nhiệt huyết rồi lập tức lao vào, kỹ thuật “kết nối điểm” trên video và kỹ thuật âm tần hoàn toàn không thể đáp ứng được những dịch vụ mà khách hàng yêu cầu. Cho đến tận bây giờ, kỹ thuật đó vẫn là một thử thách rất lớn đối với các doanh nghiệp mới thành lập.

Nếu so sánh trên hành trình lập nghiệp của tôi và Mã Vân thì chẳng khác nào so kiến với voi, tôi đang trong trạng thái phải vật lộn để sinh tồn, còn anh thì đang trù tính về điện toán đám mây, để anh giải quyết những vấn đề của tôi thật chẳng khác nào lấy pháo cao xạ bắn ruồi. Vì vậy sau khi lập nghiệp, dù có cơ hội gặp anh vài lần trong một năm, tôi cũng rất ít khi thỉnh giáo anh, bởi tôi nghĩ một vấn đề nhỏ như vậy chắc chắc sẽ làm anh lãng phí thời gian, và chắc cũng chẳng đáng để anh bận tâm. Một kẻ chẳng hiểu biết gì về công nghệ nhưng cũng liều mình dấn thân lập nghiệp trong lĩnh vực internet như tôi, lại chỉ quen biết một mình anh, thế là tôi đành xem lại chương trình Win in China, lục lại những phân đoạn diễn giảng liên quan đến chủ đề lập nghiệp của anh, đọc các cuốn sách và báo cáo liên quan đến Alibaba, hy vọng có thể tìm thấy những điều tôi cần từ trong đó. Tôi tìm được một số điều cần thiết, nhưng lại mất rất nhiều thời gian, chẳng khác gì đãi cát tìm vàng, vì có quá nhiều những bài báo về anh, và những cuốn sách viết về anh cũng đã gần trăm cuốn. Mã Vân đã trở thành thần tượng cho cả một thế hệ thanh niên Trung Quốc, chắc chắn sẽ có rất nhiều người lập nghiệp giống như tôi đang hy vọng rằng sẽ hiểu hơn về trí tuệ kinh doanh của anh trong giai đoạn đầu lập nghiệp, và trí tuệ của anh đều được trui rèn qua những cột mốc sinh tử của Alibaba. Vì vậy tôi nghĩ, nếu có thể nghiêm túc đúc kết lịch sử 15 năm của Alibaba, chúng ta nhất định sẽ có thể chắt lọc ra được những điều hữu ích và tiết kiệm được vô khối thời gian cho những nhà sáng nghiệp.

Tôi đã mời Lý Tường, một nhân tài của ngành truyền thông cùng tôi chọn lựa và đánh giá những mốc thời gian quan trọng này. Tôi tiến hành đánh giá trên góc độ lập nghiệp, còn Lý Tường đánh giá trên góc độ truyền thông. Quá trình khởi nghiệp của Mã Vân giống như một thời kỳ khai sáng, cần phải bắt tay vào hướng dẫn cho người sử dụng sử dụng internet, tin tưởng vào internet, vì vậy chúng ta có thể thấy những cột mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp của anh ấy đều có những góc độ về báo cáo truyền thông, mở đường truyền thông, và góc độ truyền thông chắc chắn là một góc nhìn vô cùng đặc sắc. Tôi hy vọng những đánh giá này sẽ đưa Mã Vân và Alibaba ngược về với từng giai đoạn trong lịch sử phát triển của mình, chứ không phải nhìn vào thành công của Mã Vân ngày nay, rồi thần thánh hóa những phán đoán và lựa chọn của anh ấy trong một giai đoạn lịch sử nào đó. Trong rất nhiều ấn phẩm liên quan đến Mã Vân, ta có thể thấy không thiếu những mỹ từ tung hô tán thưởng và nhiều hơn cả là sự thần thánh hóa. Những câu chữ đó khiến Mã Vân và các nhà sáng nghiệp cách xa nhau nghìn trùng, những văn tự đó khiến cho tất cả những ai đang ấp ủ mơ ước của riêng mình không dám lên đường, những ngôn từ đó khiến cho chúng ta cảm thấy Mã Vân quá xa vời, đúng là huyền thoại và dường như là người ngoài hành tinh. Hy vọng hình ảnh Mã Vân được viết trong cuốn sách này sẽ gần gũi với Mã Vân của hiện thực. Năm 1995, bên lề bức ảnh cho chuyên đề Không gian sống: Mã Vân thư sinh mà phóng viên Phàn Hinh Mạn của CCTV(6) chụp cùng Mã Vân có một dòng chú thích, đại ý vào buổi tối hôm Mã Vân đang chạy đôn chạy đáo để quảng bá biện pháp hạn chế niên giám trang vàng của Trung Quốc, anh ngồi trên xe lặng im trầm mặc, ánh đèn đường hắt lên le lói, khiến khuôn mặt anh như đượm vẻ cảm thương. Năm 2005, khi tôi mời anh làm giám khảo chương trình Win in China, anh đã kể cho tôi nghe cuộc sống bươn chải ở Bắc Kinh khi đó, thậm chí anh từng phải ngủ trên nền đất, anh bảo rằng khi rời khỏi Bắc Kinh đã tự thề với chính mình rằng: “Bắc Kinh! Khi nào tôi trở lại, Bắc Kinh nhất định không được đối xử với tôi như thế này nữa!” Ánh mắt của anh khi nói ra hai câu này, cho đến giờ tôi vẫn còn nhớ, rất bồi hồi, rất kích động, dù cho không gian trong quán café khi đó rất tối tăm, nhưng dường như tôi vẫn có thể nhìn thấy anh không hề nhỏ một giọt nước mắt nào. Ánh mắt đó lại càng thôi thúc tôi làm thật tốt chương trình Win in China, để có thể thực sự truyền đạt lại tiếng nói từ trái tim cho những nhà sáng nghiệp. Ca từ bài hát chủ đề cuộc thi Win in China – Ở trên đường do tôi viết, trong đó có một câu như sau: “Nỗi chua xót trong tim trên con đường lập nghiệp len lỏi lên đôi mắt tôi.” Tôi nghĩ, câu nói này đã hiện lên rất nhiều lần trong đầu tôi, kể từ sau khi nhìn thấy ánh mắt kia của Mã Vân.

Sở dĩ viết ra hai bối cảnh này là vì tôi muốn khẳng định rằng: anh hoàn toàn là một người bình thường, một người phàm trần. Sự kiệt xuất của anh là bởi anh đã nhìn thấy và tin tưởng tương lai; là bởi sau khi đã tin tưởng, anh còn dấn thân khám phá cùng cả một tập thể; và trong quá trình dấn thân khám phá đó, dù phải đối mặt với rất nhiều gian nan thử thách, anh cũng quyết không từ bỏ. Anh từng nói rằng, dù có phải quỳ xuống cũng phải bắt bong bóng internet cùng quỳ. Tôi không tin tưởng vào học thuyết thành công, nhưng tôi tin rằng ai có thể làm được những điều này cũng đều có thể thành công.

Trong cuốn sách này, tôi đã bày tỏ những suy nghĩ và cách nhìn nhận của mình một cách rõ ràng thẳng thắn, bởi tôi không muốn dùng bất cứ một câu từ văn vẻ hoa mỹ nào (đương nhiên một phần cũng vì trong thời kỳ lập nghiệp không có quá nhiều thời gian để chỉnh lý câu chữ sao cho tinh tế trang nhã) để viết về một Mã Vân người trần mắt thịt thành một kiểu thần thánh hay huyền thoại nào đó.

Theo lời tài xế của Mã Vân, hiện tại phần lớn thời gian Mã Vân đều đi giày vải, chỉ khi phải tham dự những sự kiện chính thức mới đổi sang giày da, nhưng khi xong việc trở về xe, anh lại lập tức xỏ vào đôi giày vải. Câu nói này khiến tôi mãi chẳng thể quên, nguyên nhân có lẽ vì đây là một hình ảnh có thể thể hiện rõ nhất phong thái của Mã Vân. Đó là một loại giày rất thoải mái và tiện lợi, chắc chắn và thoáng khí, giúp người đi luôn trong trạng thái tối ưu để kiểm soát cơ thể, và còn có thể chuyển động nhanh bất cứ lúc nào mà không gây ra cảm giác khó chịu cho đôi chân. Giày vải chính là phong thái thường trực của cuộc đời Mã Vân, còn giày da chỉ là chút điểm xuyết không thể thiếu trong những trường hợp bắt buộc. Bởi vậy, cuốn sách này lấy tên là Mã Vân giày vải.

Trong quá trình viết cuốn sách, không ít lần tôi cảm thấy khó khăn. Bởi với một người mới lập nghiệp được 4 năm như tôi, dùng tâm thái của một nhà sáng nghiệp để tiếp cận Mã Vân là điều khá dễ dàng. Thế nhưng, khi Alibaba đã trở thành một hệ thống sinh thái thương mại điện tử, một doanh nghiệp dịch vụ với lượng dữ liệu khổng lồ, từ đó tiến lên một tầm cao mới và tiến vào ngành chế tạo, bảo vệ môi trường văn hóa lành mạnh của Trung Quốc và các lĩnh vực khác, muốn tôi có thể đưa ra được những góc nhìn chuẩn xác e là lực bất tòng tâm. Bởi vì con đường này tôi chưa từng đi qua, những kinh nghiệm thu thập được cũng chỉ là gián tiếp, nhưng tôi vẫn cứng đầu tiếp tục viết. Bởi khi tìm tòi khám phá những cột mốc phát triển của một doanh nghiệp, mỗi người sẽ có một cách nhìn nhận riêng. Hy vọng các độc giả đọc cuốn sách sẽ bao dung cho những thiếu sót mà tôi còn mắc phải. Thật may mắn vì trong cuốn sách này còn có những lời đánh giá của Lý Tường, nên một số thiếu sót đó của tôi cũng được bù đắp ít nhiều.

Quá trình nghiên cứu và viết về 27 cột mốc của Alibaba quả thực là một quá trình học hỏi, câu nói này không hề khách sáo chút nào. Quá trình viết sách lần này thực chất cũng là một quá trình học hỏi tốt nhất, tôi thực sự rất mừng khi bản thân đã đưa ra lựa chọn này. Đồng thời, tôi cũng hy vọng độc giả, đặc biệt là những nhà sáng nghiệp có thể thu hoạch được nhiều điều bổ ích giống như tôi.

ĐỌC THỬ

CỘT MỐC – 01 Năm 1992: Lần đầu lập nghiệp – Công ty dịch thuật Hải Bác

 “Những gì mà tôi được tiếp xúc trong trường học đều là những tri thức trên sách vở, vì vậy tôi rất muốn đi vào thực tiễn để làm sáng tỏ sự thật-giả và giá trị của chúng. Tôi dự định lập ra một công ty trong khoảng thời gian 10 năm, sau đó trở về trường dạy học, truyền lại cho học sinh những hiểu biết đã trở nên toàn diện của mình.”

 

LỰA CHỌN DỰ ÁN LẬP NGHIỆP

 

Năm 1988, Mã Vân 24 tuổi, vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hàng Châu, anh được điều đến dạy học ở Học viện Công nghiệp Điện tử Hàng Châu. Khi đó, trong số 500 sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hàng Châu, Mã Vân là sinh viên duy nhất được điều đến dạy tại một trường đại học, còn những người khác chỉ được điều đến dạy ở các trường trung học. Bấy giờ Trung Quốc đã mở cửa được 10 năm, tư tưởng của nhân dân tiến bộ hơn, không còn ham muốn chen chân kiếm “bát cơm sắt”(7), mà chú trọng làm thế nào để kiếm tiền hơn. Bầu nhiệt huyết của Mã Vân trong trường ai ai cũng biết, để đề phòng Mã Vân có ý định khác và cũng để xây dựng cho trường một tấm gương tốt, hiệu phó của Đại học Sư phạm Hàng Châu – Hoàng Thư Mạnh đã cùng Mã Vân lập ra một “lời hứa 5 năm”, bắt anh sau khi đến ngôi trường kia trong vòng 5 năm tuyệt đối không được từ chức ra ngoài.

 

Mã Vân không muốn phụ sự kỳ vọng của vị lãnh đạo già nên vui vẻ đồng ý. Trong thời gian giảng dạy tại Học viện Công nghiệp Điện tử Hàng Châu, Mã Vân là giảng viên dạy môn Thương mại quốc tế và tiếng Anh. Mã Vân có phương pháp dạy học riêng, anh không thích cảnh cả lớp học chỉ có mình anh nói còn sinh viên chỉ biết ngồi đó nghe, anh hy vọng sinh viên có thể nắm bắt kiến thức một cách tích cực và chủ động. Thế nên, những giờ học của Mã Vân luôn đầy ắp tiếng cười nói rộn ràng, các sinh viên đều thích thầy Mã, những hôm anh lên lớp giảng đường thường không còn một chỗ trống.

 

Cùng lúc đó, anh bắt đầu khởi xướng một “Góc tiếng Anh” ở cạnh Tây Hồ, dần dần có chút tiếng tăm trong giới dịch thuật. Khi đó kinh tế Trung Quốc đang trên đà phát triển như vũ bão, nhưng ở Hàng Châu, thậm chí trên khắp Trung Quốc lại rất hiếm những nhân tài vừa giỏi tiếng Anh vừa hiểu về thương mại. Những doanh nghiệp tư nhân buôn bán ngoại thương ở địa bàn Hàng Châu ngày một nhiều, nhu cầu dịch vụ dịch thuật cũng ngày càng lớn. Vì vậy, rất nhiều ông chủ đều tìm đến anh để nhờ phiên dịch tiếng Anh. Nhưng khi đó anh chỉ có thể làm bán thời gian, không thể làm toàn thời gian, vì “lời hứa 5 năm” của anh và vị hiệu phó già kia vẫn chưa đến ngày kết thúc.

 

Mã Vân rất trân trọng quãng thời gian dạy học ở Học viện Công nghiệp Điện tử Hàng Châu. Cho đến bây giờ, dù đã vươn tầm và trở thành một doanh nhân thành công, nhưng mỗi khi nhắc đến những ngày tháng dạy đại học, anh vẫn vô cùng xúc động: “Tôi xuất thân là giáo viên, và đã từng dạy 6 năm ở trường đại học.” Năm 2004, khi trở về Đại học Sư phạm Hàng Châu để diễn giảng, anh đã kể với những sinh viên đang ngồi phía dưới rằng: “Rất nhiều người cho rằng lập nghiệp là để kiếm tiền, nhưng mục đích tôi thành lập Alibaba hoàn toàn không chỉ vì tiền, mà là để mai sau sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm dạy cho học sinh. Tôi đã nhận được rất nhiều trong quá trình giảng dạy ở trường đại học, tôi yêu nghề giảng dạy. Nhưng tôi đã từng nghĩ đến sự phát triển nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc, 20 năm sau, Mã Vân tôi liệu còn còn thể tiếp tục đứng trên bục giảng dạy học hay không? Bởi vì sinh viên không chỉ học tập những kiến thức đơn thuần trên sách vở, mà còn cần thực tiễn xã hội, bất luận tôi có lập nghiệp thành công hay không, tương lai nếu có cơ hội trở về trên bục giảng, chí ít là tôi sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn so với những giáo viên khác trong trường.”

 

Quãng thời gian giảng dạy trong trường đại học là giai đoạn để Mã Vân tích lũy tri thức và chuẩn bị cho mình, không chỉ tích lũy những mối quan hệ, mà còn đúc kết trui rèn tâm tính của bản thân. Khi làm phiên dịch tiếng Anh bán thời gian, Mã Vân phát hiện ra rất nhiều đồng nghiệp và những giáo viên đã nghỉ hưu đều nhàn rỗi ở nhà. Suy nghĩ lập nên một tổ chức dịch thuật rồi tổng động viên họ cùng tham gia bắt đầu nhen nhóm trong đầu anh.

 

Năm 1992, khi vẫn giảng dạy trong trường, Mã Vân và các đồng nghiệp đã cùng nhau thành lập Công ty Dịch thuật Hải Bác. Đây là công ty dịch thuật chuyên nghiệp đầu tiên ở Hàng Châu, Hải Bác lấy tên từ từ đồng âm tiếng Anh “hope”, nghĩa là “hy vọng”. Địa chỉ ở số 27 đường Thanh niên Hàng Châu, căn phòng rộng gần 30 mét vuông này hiện giờ được giữ làm trụ sở đón tiếp khách của Công ty Dịch thuật Hải Bác. Khi đó công ty dịch thuật chính là một cửa hiệu nhỏ, tổng cộng chỉ có 5 nhân viên. Mã Vân và đồng nghiệp cùng nhau hùn vốn 3.000 tệ thuê một căn phòng, tiền thuê hàng tháng là 1.500 tệ. Vốn đăng ký của công ty dịch thuật là 3.000 tệ. Khoảng thời gian đầu thành lập không được thuận buồm xuôi gió, công ty dịch thuật liên tiếp gặp phải muôn trùng khó khăn, doanh thu tháng đầu tiên chưa đến 1.000 tệ. Tình trạng thu không đủ chi khiến cho các nhân viên của công ty dao động, nhưng Mã Vân vẫn tin tưởng một cách kiên định rằng công ty vẫn sẽ tiếp tục hoạt động.

 

Trong giai đoạn này, anh bắt buộc phải tìm ra nguồn thu nhập mới. Sau đó, anh phát hiện ra bán hoa tươi và quà tặng có thể kiếm được tiền, Mã Vân lại vác bao tải lên tàu hỏa đến chợ đầu mối Nghĩa Ô để nhập hàng. Sau đó anh chia văn phòng làm đôi, một nửa dùng để bán hoa tươi và quà tặng, một nửa làm văn phòng công ty dịch thuật. Không những vậy, Mã Vân cũng thường xuyên vác những bao tải đựng đầy những món đồ tiểu thủ công đi rao bán khắp trên đường ngang ngõ dọc của Hàng Châu. Để có thể kiếm thêm nhiều tiền hơn, thậm chí Mã Vân còn làm nhân viên bán các sản phẩm máy móc y tế và thuốc tân dược trong hơn một năm trời. Để tiếp thị sản phẩm, anh đã phải chạy đến khắp các cơ sở điều trị cá thể và những bệnh viện vừa và nhỏ ở Hàng Châu. Mã Vân dùng những khoản thu nhập nhỏ bé này để duy trì hoạt động của công ty dịch thuật.

 

Vấn đề mới bắt đầu nảy sinh, mặc dù bán quà tặng mỗi tháng có thể kiếm được 3-4 nghìn tệ, nhưng công ty dịch thuật lại chỉ kiếm được vài trăm tệ, tại sao vẫn phải tiếp tục duy trì công ty dịch thuật này? Đồng nghiệp của Mã Vân kiến nghị chỉ nên bán quà tặng, rồi sau này thành lập hẳn một công ty quà tặng, nhưng Mã Vân từ chối. Anh nói rằng: Mục đích ban đầu khi thành lập công ty dịch thuật là gì? Là để đáp ứng nhu cầu thị trường và giải quyết vấn đề cho các giáo viên trong trường, hay là vì kiếm tiền? Nếu đã lựa chọn vế trước thì không được từ bỏ, nhất định phải kiên trì cố gắng vượt qua, ngày mai tươi sáng rồi sẽ tới.

 

Trong quá trình kinh doanh, công ty dịch thuật còn gặp phải một vấn đề khác. Khi đó họ thuê một cô gái có kinh nghiệm làm thủ quỹ để thu tiền. Sau này mới liên tiếp phát hiện ra doanh thu thực tế trong ngày không hề giống với dự kiến của họ. Thế nhưng khi đó mọi người đều để ý đến những việc to tát, không mấy quan tâm đến những chuyện nhỏ nhặt như vậy. Mãi đến 3-4 tháng sau mới phát hiện ra, mỗi ngày cô gái đó đều lén lấy trộm một hai trăm tệ từ doanh thu của công ty. Sự việc này giúp cho Mã Vân rút ra một bài học: Công ty dù nhỏ đến mấy cũng cần có một chế độ và một hệ thống hoàn chỉnh.

 

Năm 1995, sau 3 năm thua lỗ liên tiếp, cuối cùng Công ty Dịch thuật Hải Bác cũng bắt đầu có lãi. Cũng vào lúc này, “lời hứa 5 năm” cũng đã kết thúc, Mã Vân gửi đơn từ chức lên trường. Lãnh đạo nhà trường và cả bạn bè đều cố gắng níu kéo anh, nhưng ý chí Mã Vân vô cùng kiên định, anh nói: “Những thứ mà tôi được tiếp xúc trong trường học đều là những tri thức nằm trên sách vở, vì vậy tôi rất muốn được đi vào thực tiễn để làm sáng tỏ sự thật – giả và giá trị của chúng. Vì vậy tôi dự định lập ra một công ty trong khoảng thời gian 10 năm, rồi sau đó lại trở về trường dạy học, truyền lại cho học sinh những hiểu biết đã trở nên toàn diện của mình.” Sau khi từ chức, Mã Vân tập trung vào việc kinh doanh của công ty dịch thuật một thời gian. Anh phát hiện thấy sau khi bắt đầu có lợi nhuận, công ty đang dần bước vào chu kỳ ổn định, Mã Vân quyết định buông tay để các đồng nghiệp khác quản lý, không còn hỏi cụ thể những công việc của công ty nữa. Anh bắt đầu tìm kiếm những cơ hội lập nghiệp mới. Ngày nay, Công ty Dịch thuật Hải Bác đã phát triển đúng như kỳ vọng của Mã Vân, trở thành công ty dịch thuật lớn nhất Hàng Châu. Nhiều năm sau, anh chỉ nhắc đến lần trải nghiệm lập nghiệp này bằng đôi dòng ngắn ngủi: “Khi đó tôi cho rằng chắc chắn xã hội sẽ có nhu cầu, và có lẽ công ty tôi sẽ thành công.”

 

Bây giờ, khi truy cập vào trang web của Công ty Dịch thuật Hải Bác, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy dòng chữ Mã Vân viết bằng tay: “Mãi mãi không bao giờ bỏ cuộc!”, bên cạnh dòng chữ này là bức ảnh Mã Vân khẽ đặt ngón tay trỏ trên miệng. Trương Hồng, Giám đốc đương nhiệm của Công ty Dịch thuật Hải Bác, nhớ về trải nghiệm lập nghiệp cùng Mã Vân năm xưa, anh cảm thán: “Khi mọi người đều chưa nghĩ tới ngành này, khi mọi người vẫn còn chưa nhận ra cơ hội kinh doanh này, Mã Vân đã là người đầu tiên nhìn thấy, mọi suy nghĩ của anh ấy đều có tính chất dự đoán. Khi đó ở Hàng Châu không có một công ty dịch thuật nào, chúng tôi là công ty đầu tiên tồn tại độc lập, mọi người đều xem thường, đã vậy ban đầu cũng không kiếm được nhiều tiền, nhưng Mã Vân đã quyết bám trụ và không bỏ cuộc. Vì vậy, cá nhân tôi rất khâm phục Mã Vân, những lời anh ấy nói sẽ khiến chúng ta phấn chấn hơn, những thứ khi nhìn qua chẳng có chút hy vọng nhưng đối với anh ấy lại đầy ắp cơ hội, anh ấy có thể mang đến sự khích lệ và động lực sống cho những người xung quanh.”

 

Liên quan đến vấn đề lập nghiệp, Mã Vân đã phát ngôn trong Đại hội hành trình lập nghiệp của thanh niên Trung Quốc do Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc tổ chức như sau: “Với tư cách là một nhà sáng nghiệp, đầu tiên phải cho mình một lý tưởng. Năm 1995, tôi ngẫu nhiên có cơ hội đến nước Mỹ, khi đó tôi đã nhìn thấy, đã phát hiện ra internet. Sau khi phát hiện ra internet, tôi không phải là một nhân tài về kỹ thuật mạng và gần như không có chút kiến thức nào về nó. Cho đến tận bây giờ, một phần những hiểu biết của tôi đối với máy tính vẫn chỉ dừng lại ở việc nhận gửi email và duyệt các trang web. Sáng hôm nay tôi vẫn còn nói rằng, đến giờ tôi vẫn không hiểu làm thế nào để dùng USB trên máy tính. Nhưng điều này không mấy quan trọng, quan trọng ở chỗ rốt cuộc lý tưởng của bạn là gì?”

Lựa chọn dự án lập nghiệp không thể tiến hành quy mô hóa

 

Đây là lựa chọn dự án lập nghiệp đầu tiên của Mã Vân, lúc này anh vẫn là một giảng viên đại học, dùng thời gian rảnh rỗi của mình để lập nghiệp. Thứ mà Mã Vân am hiểu khi ấy thực ra là tiếng Anh, nói theo lời của chính anh thì có rất nhiều người cần phải phiên dịch một số thứ, bọn họ tìm đến anh, anh tìm thấy khả năng lập nghiệp từ những nhu cầu này nên đã quyết tâm thành lập một công ty dịch thuật. Khi đó về thực chất, phương thức lựa chọn dự án lập nghiệp của Mã Vân không khác gì với tuyệt đại đa số những nhà sáng nghiệp mà chúng ta nhìn thấy hôm nay, quá nửa trong số đó đều sẽ lập nghiệp từ lĩnh vực mình đang làm hoặc những lĩnh vực liên quan khác. Lựa chọn như thế có rất nhiều điểm lợi, một là dễ tiến hành, hai là có sẵn một số tài nguyên. Nhưng thông thường, những lựa chọn hạng mục như thế này chỉ có thể tận dụng được những kinh nghiệm bản thân chúng ta đã có, chứ không thể phát triển một cách quy mô hóa về sau, và vấn đề quan trọng hơn cả là họ cũng không thể đón nhận được làn sóng khoa học kỹ thuật dẫn đầu thời đại.

 

Mã Vân lựa chọn thành lập công ty dịch thuật chính là một hạng mục như vậy, sau này công ty dịch thuật ấy còn phải bán cả hoa tươi, quà tặng, và những hạng mục này cũng đều là những hạng mục không thể mở rộng với quy mô lớn. Nếu như Mã Vân tiếp tục đi cùng những hạng mục này, kể cả có nỗ lực hơn nữa, với khả năng lãnh đạo giống như ngày nay, doanh nghiệp của anh cũng chỉ có thể là một doanh nghiệp có giá trị, có lẽ cũng có nét đặc sắc, nhưng sẽ không thể lớn mạnh. Bởi vì một công ty nếu muốn trưởng thành thì cần phải quy mô hoá, bắt buộc phải lột xác thay đổi, mà phương pháp để thực hiện điều đó tựu chung chỉ có bốn điểm: Một là phải ưu việt hóa và tiêu chuẩn hóa chu trình, hai là vận dụng sức mạnh của thương hiệu sản phẩm, ba là phương pháp kỹ thuật, bốn là rót vốn đầu tư. Nếu là một công ty dịch thuật, nhiều nhất chỉ có thể làm tốt quảng cáo truyền miệng và củng cố thêm một chút thương hiệu sản phẩm, nhưng sẽ rất khó để vận dụng các phương pháp kỹ thuật, chu trình không thể tiêu chuẩn hoá, và cũng chẳng thể mở rộng quy mô, một công ty không có quy mô thì vốn liếng của nó sẽ chẳng có gì hấp dẫn. Vì vậy công ty dịch thuật này sẽ giống như hàng triệu công ty khác trên toàn lãnh thổ Trung Quốc, dừng lại ở một quy mô nhất định và sau đó rơi vào một kiểu trạng thái tự mình chuyển đổi.

 

Lựa chọn dự án lập nghiệp cũng giống như lựa chọn hạt giống, bạn đã gieo vừng thì dù có nỗ lực đến mấy bạn vẫn không thể thu hoạch được dưa hấu. Ở đây không phải tôi muốn nói rằng hạng mục công ty dịch thuật là không ổn, tất thảy những hạng mục trên thế gian này không có thứ gì tốt hay xấu, chỉ là nó có phù hợp với bản thân ta hay không. Góc nhìn của tôi chỉ là sự đánh giá từ mức độ có thể quy mô hóa và có thể chuyển mình thay đổi của công ty mà thôi.

 

Bài học nhận được từ lần đầu lập nghiệp

 

Dự án lập nghiệp đầu tiên của Mã Vân có thể coi là “lập nghiệp bán thời gian”: dạy học là chính, còn lập nghiệp là phụ. Lần đầu tiên này giúp anh bước đầu nếm trải mùi vị của việc kinh doanh, điều này là vô cùng quan trọng đối với một giảng viên, tất cả những điều học được và làm được từ trước đều không liên quan gì đến việc buôn bán kinh doanh. Tôi có một trải nghiệm tương đối sâu sắc về vấn đề này. Năm 2005, chương trình Win in China bắt đầu tiến hành theo hình thức phân tách tự chủ, tức là khi đó Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc chỉ cung cấp cơ sở vật chất để phát sóng, còn chi phí sản xuất chương trình, tiền lương dành cho nhân viên cũng như những khoản chi khác đều phải tự đi tìm tài trợ, điều đó cũng có nghĩa là tôi phải viết một bản PPT(9) giới thiệu về chương trình đó, rồi nói với người ta rằng chương trình này sẽ ý nghĩa thế nào, sẽ thu hút khán giả ra sao và mong là họ sẽ đầu tư mua quảng cáo. Đến một hôm, tôi đã làm xong bản PPT nhưng mãi vẫn chẳng thể bước ra khỏi cửa, trước kia ở Đài Truyền hình Trung ương, chúng tôi làm chương trình đều có dự toán, có hay không có quảng cáo đều chẳng phải bận tâm suy nghĩ. Trong khoảng thời gian đảm nhận vai trò nhà sản xuất cho chương trình Đối thoại, tôi đã kiến nghị với bộ phận quảng cáo vì có quá nhiều quảng cáo. Với tư cách một nhà sản xuất, tôi cực kỳ không ưa quảng cáo, vậy mà bây giờ tôi phải tự mình đi xin tài trợ. Thực sự tôi không biết phải làm thế nào. Vì thế tôi mới đi thỉnh giáo một người bạn thân làm trong ngành kinh doanh, anh ấy nói với tôi một cách nghiêm túc rằng, nếu như không đi được bước này thì tôi sẽ mãi chẳng làm nên sự nghiệp! Câu nói này vô cùng kích thích tôi, thế là tôi đành mặt dày đi đến một công ty bảo hiểm. Mặc dù tôi có quen biết Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty này, nhưng kể cả như vậy, khi PPT vẫn chưa chiếu được một nửa, cả người tôi nhễ nhại mồ hôi, chiếc áo cộc tay đã ướt sũng. Tôi cảm thấy rất khó xử, mở miệng xin tiền khiến cho tôi chỉ muốn đào một cái hố để chui xuống. Nhưng nếu như không có ai tài trợ thì tôi không thể bắt đầu sản xuất chương trình, suy đi tính lại, cuối cùng tôi vẫn kiên trì diễn giải cho bằng hết.

 

Bây giờ nhìn lại mới thấy rằng đó là một sự hợp tác kinh doanh quá đỗi bình thường, nhưng đối với một người trước đó chỉ công tác trong cơ quan hành chính sự nghiệp và trưởng thành trong gia đình không có truyền thống kinh doanh mà nói, đây vẫn là một trở ngại cần phải vượt qua. Trước kia Mã Vân chỉ là một giảng viên đại học, cha mẹ anh cũng chưa từng buôn bán kinh doanh, khi đó thực sự anh còn cách lĩnh vực thương mại một khoảng rất xa. Có lẽ, việc được sinh ra ở một nơi kinh tế tư nhân phát triển như Chiết Giang sẽ tốt hơn so với hoàn cảnh của tôi một chút, nhưng để tiến vào một trong những mắt xích của ngành thương mại thì vẫn có rất nhiều thứ không thể thích nghi được. Khi công việc kinh doanh của công ty dịch thuật không mấy khả quan, anh còn đi đến chợ đầu mối Nghĩa Ô để mua buôn sản phẩm về bán, đối với tôi mà nói đây là một điều rất khó tưởng tượng, nhất là thời kỳ đầu lập nghiệp lại càng không thể làm được (bây giờ thì không thành vấn đề). Tôi cũng chưa từng hỏi anh về những suy nghĩ tâm lý khi đó, nhưng tôi nghĩ kinh nghiệm thực tiễn như vậy có lẽ đã giúp anh đến gần quá trình bản địa hóa thương mại hơn.

 

Hai là, biết được khái niệm về lợi nhuận và giá thành. Điều này có thể nhìn thấy từ những bài diễn giải của anh trong chương trình Win in China, khi đó anh thực sự không biết rằng thành lập một công ty cần phải suy xét đến mối quan hệ giữa chi phí giá thành và lợi nhuận. Anh nói rằng công ty dịch thuật tháng đầu tiên lợi nhuận không đến 600 tệ, khi đó tiền thuê nhà là 1.500 tệ, thua lỗ là điều rõ như ban ngày. Kế hoạch ban đầu của họ là sẽ đạt đến trạng thái cân bằng thu chi sau 6 tháng, nhưng đã qua bao nhiêu tháng mà điều đó vẫn không thể xảy ra, bốn tháng sau họ phát hiện ra đi nhập hoa tươi và quà tặng ở Nghĩa Ô về bán có thể kiếm được tiền, chí ít là có thể trả được tiền thuê nhà. Có thể độc giả sẽ không lý giải được tại sao một nhà sáng nghiệp lại không hiểu được điều này. Thực ra, có rất nhiều chuyện đơn giản trong quá trình lập nghiệp chúng ta đều phải học hỏi từ trong những sai lầm. Cũng may là công ty dịch thuật của Mã Vân ban đầu chỉ là một công ty nhỏ với số vốn chưa đầy 10 nghìn tệ, nên cái giá để sửa sai là tương đối thấp, để khiến bản thân hiểu được mối liên hệ giữa chi phí hoạt động và lợi nhuận khi bắt đầu lập nghiệp, mà chỉ phải tổn thất có vài nghìn tệ, như vậy cũng là quá hời rồi! Có rất nhiều nhà sáng nghiệp khi bắt tay vào khởi động những hạng mục lên tới vài triệu tệ mà ngay cả đến mối quan hệ giữa những điều này cũng còn chưa nắm vững.

 

Ba là, biết được tầm quan trọng của việc dùng người và quản lý trong kinh doanh. Khi đó Công ty Dịch thuật Hải Bác thuê một thủ quỹ mỗi ngày đều “thó” một hai trăm tệ từ doanh thu của công ty, liên tục trong 3-4 tháng liền mà không ai phát hiện ra. Sau này Mã Vân từng nói, một công ty không có chế độ hoặc chế độ không tốt đều sẽ biến một người tốt trở thành kẻ xấu, dù cho công ty chỉ có bốn, năm thành viên cũng cần phải coi trọng đến việc quản lý. Chế độ mà không ổn thì công ty không thể đi được đường dài. Cũng tương tự như vậy, từ một tổn thất nhỏ như thế, Mã Vân bỗng nghiệm ra được đạo lý này, thu được sự hiểu biết và những điều tâm đắc đối với việc quản lý chế độ của một công ty, giá trị không hề thấp một chút nào!


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button