Lý Gia Thành: Con Đường Trở Thành Tỷ Phú Hồng Kông
1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK
Tác giả : Anthony B. Chan
Download sách Lý Gia Thành: Con Đường Trở Thành Tỷ Phú Hồng Kông ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.
Danh mục : KINH DOANH – ĐẦU TƯ
2. DOWNLOAD
File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.
Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.
Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách
3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH
LỜI GIỚI THIỆU
Lý Gia Thành, tỷ phú Hồng Kông, là một trong những người giàu nhất thế giới và nổi tiếng về sự nhạy bén trong kinh doanh. Ông được coi là nhà đầu tư có tầm ảnh hưởng lớn nhất châu Á. Năm 2007, ông được xếp ở vị trí thứ chín trong danh sách những người giàu nhất thế giới do tạp chí Forbes bầu chọn, với giá trị tài sản khoảng 23 tỷ USD.
Trong khu vực châu Á và thậm chí là cả thế giới, chỉ có rất ít các thương gia thành công từ bao gian khó và thách thức. Lý Gia Thành là một trong số những người hiếm hoi đó, với năng lực tuyệt vời và tầm nhìn xa rộng.
Là một cậu bé mồ côi cha phải nghỉ học để gánh vác gia đình năm 14 tuổi, Lý Gia Thành đã vươn lên trở thành người sáng lập Tập đoàn Hòa Ký Hoàng Phố (Hutchison Whampoa Limited) và Trường Giang Thực Nghiệp (Cheung Kong Holdings) tại Hồng Kông, nơi người ta gọi ông là “siêu nhân”. Năm 2001, ông được tạp chí Asiaweek bầu chọn là nhân vật quyền lực nhất châu Á. Năm 2006, tại Singapo, tạp chí Forbes trao tặng ông giải thưởng thành tựu trọn đời, giải thưởng tôn vinh những nhà kinh doanh xuất sắc và cống hiến cả đời cho ngành kinh doanh. Không chỉ được truyền tụng như một huyền thoại kinh doanh kiệt xuất, ông còn được ca ngợi bởi lòng nhân từ, đức độ và nghệ thuật dạy con trở thành người tài đức vẹn toàn, giữ gìn sự trong sáng của doanh nhân. Dù rất giàu có nhưng Lý Gia Thành vẫn nổi tiếng về phong cách sống giản dị, thường đi những đôi giày đen đơn giản và mang đồng hồ Seiko không quá đắt tiền. Lý Gia Thành tâm sự: “Tôi thường tự hỏi bản thân mình muốn làm giám đốc một công ty hay chủ tịch cả một tập đoàn? Thông thường mà nói, làm một giám đốc đơn giản hơn nhiều nhưng quyền lực của bạn lại đến từ chức vụ mà bạn đảm nhiệm. Đạt được điều này có thể do duyên số hay nỗ lực của bạn nhưng, trên hết, đó là do kiến thức chuyên môn bạn có. Để trở thành một nhà lãnh đạo giỏi và thành công thì thái độ và năng lực đều rất quan trọng.”
Lần đầu tiên, toàn bộ cuộc đời của Lý Gia Thành được giới thiệu chi tiết với độc giả Việt Nam qua cuốn sách của Anthony B. Chan, Li Kaishing, Hong Kong’s Elusive Billionaire (Lý Gia Thành, con đường trở thành tỷ phú Hồng Kông). Trong mỗi trang sách đều hiển hiện nỗ lực phi thường của ông, những nỗ lực vượt qua mọi sóng gió, gian truân để vươn tới thành công. Chúng tôi mong rằng, qua cuốn sách, độc giả Việt Nam sẽ thu được nhiều bài học từ cuộc đời Lý Gia Thành để thành công trong cuộc sống, dù hoàn cảnh hiện tại có khó khăn và nhiều trở ngại đến đâu.
Lời tựa
Có một câu châm ngôn đã trở nên quen thuộc với người dân Hồng Kông là: “Cứ mỗi một đôla bạn tiêu đi thì có năm xu chảy vào túi của Lý Gia Thành”. Tầm ảnh hưởng của vị doanh nhân tỷ phú đối với nền kinh tế‐xã hội của mảnh đất thuộc địa rộng lớn này được thể hiện rõ nhất trong giai đoạn 1986, 1987, khi tôi còn làm việc tại Đài truyền hình TVB – Hồng Kông với tư cách là một phóng viên, điều phối viên kiêm nhà sản xuất chương trình truyền hình. Thật vậy, gần như không có cuộc trao đổi nào về thương mại và công nghiệp tại Hồng Kông lại kết thúc mà không đề cập tới Lý Gia Thành hay các công ty thương mại do ông làm chủ. Đối với tôi, cuộc đời của con người phi thường này là cả một câu chuyện thú vị. Nhưng thật không may, công việc hàng ngày ở Đài truyền hình lại buộc tôi tìm hiểu về cuộc đời của những người kém lý thú hơn và vì vậy, cơ hội để thuật lại chuyện đời của Lý Gia Thành ngày một trở nên xa vời.
Dù biết khá rõ về những thành công trong kinh doanh của ông Lý nhưng dường như tôi đã quên mất ảnh hưởng của ông đối với cuộc sống hàng ngày của mình. Ví dụ, tôi thường lướt qua giá để tạp chí tại trong các cửa hàng thuốc Watson’s; thứ bảy, tôi hay mua đồ ở hiệu Park’N Shop gần nhà; để bắt được ba kênh truyền hình, tôi đã mua chiếc tivi đa hệ của Fortress, hãng sản xuất đồ điện tử lớn nhất Hồng Kông; một người tôi từng phỏng vấn trong chương trình của đài TVB là Michael Sandberg, Giám đốc điều hành Liên doanh Ngân hàng Hồng Kông Thượng Hải (Ngân hàng Hồng Kông); tôi cũng đã có dịp phỏng vấn chủ tịch một công ty vận tải hàng hải lớn của Mỹ khi ông này đứng trên boong tàu, quay lưng lại Sân bay Quốc tế Hồng Kông, cảng côngtenơ lớn nhất thành phố… Chuỗi cửa hàng Watson, Park’N Shop, hãng sản xuất đồ điện tử Fortress, Sân bay Quốc tế Hồng Kông – tất cả đều là công ty của Lý Gia Thành, còn Michael Sandberg của Ngân hàng Hồng Kông chính là nhân tố xúc tác giúp Lý nổi tiếng trên trường quốc tế với việc mua Tập đoàn Hòa Ký Hoàng Phố vào năm 1979. Tôi nhận ra Lý Gia Thành thật sự là một phần rất quan trọng trong cuộc sống của tôi và những người xung quanh. Một lần nữa, tôi nhận thấy cần phải kể về cuộc đời con người này.
Năm 1987, khi giảng dạy tại trường Đại học California, Hayward, tôi đã đọc được bài viết về những thành công kinh doanh của Lý Gia Thành tại hai tỉnh của Canada là British Columbia và Alberta. Khi Lý quyết định chuyển hướng đầu tư sang phương Tây, tôi tin rằng ẩn sau quyết định ấy hẳn sẽ là một câu chuyện thú vị. Năm 1991, tôi rời California về nhận công tác tại Đại học Washington, Seattle. Tại đây tôi chính thức bắt đầu nghiên cứu về cuộc đời của Lý Gia Thành.
Tôi bắt đầu tích lũy mọi thông tin về ông trùm tư bản này, và những điều đã đọc đều khiến tôi tò mò. Khi Hồng Kông tiến gần đến ngày 1 tháng 7 năm 1997 định mệnh, tôi bắt đầu xem câu chuyện về Lý như một “phong vũ biểu” đối với những thay đổi sắp xảy ra trên mảnh đất thuộc địa Hồng Kông, Trung Quốc và toàn thế giới. Tôi chưa thể kể câu chuyện về ông ngay được vì nó mất khá nhiều thời gian. Và khi tôi vẫn chưa có dịp tiếp xúc với ông thì những cuộc phỏng vấn với nhà tư bản này đã được đăng tải trên tạp chí Far Eastern Economic Review (Toàn cảnh nền kinh tế Viễn Đông) và Fortune (Vận hội).
Cuốn sách này là câu chuyện về một ông vua kinh doanh tầm cỡ quốc tế mà đế chế của ông đã đặt nền móng cho ngành thương mại Hồng Kông; một người đàn ông mà sự hiện diện đã làm thay đổi thái độ và nhận thức của toàn bộ vùng thuộc địa; một người có sức ảnh hưởng to lớn, giúp Hồng Kông hội nhập với thế giới.
Công việc viết cuốn sách này kéo dài trong bốn năm nhưng tôi không hề đơn độc. Bạn bè và đồng nghiệp ở Hồng Kông đã giúp đỡ tôi trong giai đoạn nghiên cứu đầu tiên. Họ cũng là những người động viên, khích lệ tôi trong giai đoạn cuối cùng để hoàn thành bản thảo. Xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất và lời cảm ơn tận đáy lòng đến Giáo sư Dora Choi thuộc Đại học Trung Hoa – Hồng Kông, K. K. Chan của Nhà xuất bản Culturecom, Louis Liu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Truyền hình châu Á, Giáo sư Chow Pakkiu của Viện học Mở, Giáo sư Daniel Kwan – cựu giảng viên trường Đại học Hồng Kông Baptist, nay là giảng viên Đại học Fraser Valley.
Tôi xin chân thành cảm ơn họ hàng và bạn bè ở Canada và Mỹ vì đã gửi cho tôi những bài báo về Lý Gia Thành và các công ty của ông. Xin gửi lời cảm ơn đến cha tôi, Steven Chan, đến Andrienne Chan của Đại học Douglas, đến David Lam – từng làm việc tại Tập đoàn Truyền thông Canada, nay là phó khoa thuộc Đại học Tây Bắc Ấn Độ, đến Giáo sư John Campbell – từng làm việc tại Đài TVB, nay là giảng viên Đại học Bắc Arizona. Tôi cũng muốn cảm ơn Kenvin Kawamoto, trợ lý nghiên cứu của tôi tại Đại học Washington. Nhờ sự chăm chỉ của anh mà chúng tôi có được những thông tin quý giá làm nền tảng vững chắc cho cuốn sách này. Và cuối cùng xin dành lời cảm ơn cho người phụ tá nghiên cứu của tôi, Thái Trắc Nghiên, người đã giúp tôi có được những thông tin vô cùng hữu ích.
Tôi còn mang ơn người bạn đời của mình, Giáo sư Wei Djao, trường Đại học Cộng đồng Bắc Seattle. Những kiến thức của cô đã giúp tôi hiểu hơn về bức tranh lịch sử – xã hội đầy màu sắc của Hồng Kông và Trung Quốc để tôi có thể viết những chương đầu tiên trong cuốn sách này. Sự hài hước và những bữa tối thịnh soạn mà cô dành cho bố con tôi đã khích lệ tôi rất nhiều. Cô con gái nhỏ của tôi Lian Djao Chan cứ thắc mắc mãi không biết lúc nào bố mới rời cái máy tính. Chính nụ cười vô tư và niềm yêu đời của con đã giúp tôi có thêm sức mạnh để hoàn thành cuốn sách này.
Cuối cùng, tôi xin cảm ơn các bạn đồng nghiệp của tôi tại Macmillan Canada – chủ bút Karen O’Reilly, trưởng ban biên tập Kirsten Hanson, biên tập bản thảo Christian Allard và biên tập bản in Liba Berry đã giúp tôi xuất bản cuốn sách này.
ĐỌC THỬ
1 Mọi ngả đường đều dẫn đến Hồng Kông
Triều Châu có một truyền thuyết kể về một người đàn ông Triều Châu đầu tiên đến lập nghiệp ở đất Hồng Kông. Chuyện kể rằng, đầu thế kỷ XIX, tại một ngôi làng nhỏ vùng ngoại ô Triều Châu, một gia đình học giả nghèo nhưng học rộng tên là Trần đã đón một cậu bé chào đời. Trần không có tiền làm một bữa cơm thịnh soạn để ăn mừng nên họ hàng, làng xóm đã đề nghị mỗi người sẽ góp chút ít. Để khỏi mất mặt, Trần quyết định vay tiền tổ chức buổi tiệc.
Ngày vui đã đến. Nhưng thật không may, thức ăn được bày lên chiếc bàn để ngoài sân và trong khi mọi người không để ý con lợn nhà hàng xóm xổng chuồng đã húc đổ hàng rào, lao thẳng vào bàn thức ăn, tạo nên một đống hỗn độn và phá hỏng bữa tiệc.
Trần vô cùng chán nản và xấu hổ. Ông vốn không có tiền cũng chẳng hào hứng gì, thế mà… Trong khi mọi người bận bịu đuổi bắt con lợn phá phách, do không muốn đối mặt với vợ con, làng xóm và họ hàng nên Trần đã bỏ làng ra đi về phía Nam. Ông đi rất lâu và cuối cùng dừng chân tại một hoang đảo, đó chính là lãnh thổ Hồng Kông sau này. Sau đó, Trần mở một trường tiểu học ở phía tây bắc đảo. Trong thời gian đó, các du khách Triều Châu du thuyền từ Thiên Tân tới vùng biển phía Nam đều giao cho Trần lo chuyện ăn ở. Vì ông là dân Triều Châu bản xứ nên họ rất tin tưởng. Sau đó, do lượng du khách Triều Châu ngày một tăng, nhu cầu lương thực và nhà trọ cũng tăng theo nên Trần tận dụng cơ hội này xây một khách sạn nho nhỏ. Về sau, Trần đón vợ và các con đến ở cùng.
Mặc dù câu chuyện “đổi đời” của Trần không phải là phổ biến nhưng có rất nhiều người Trung Quốc ra đi lập nghiệp, nhất là những người Triều Châu theo chân Trần thoát khỏi nghèo đói và áp bức, đến tìm chốn nương thân ở đất Hồng Kông. Một ví dụ điển hình chính là câu chuyện về Lý Gia Thành.
Lý Gia Thành là con trai của thầy giáo Lý Vân Kinh. Ông sinh ra vào “giờ xấu”, theo như lịch của người Trung Quốc xưa, đó là ngày 29 tháng 7 (tức ngày 23 tháng 6 Dương lịch) năm 1928, trong một ngôi nhà nằm trên đường Cổng Bắc, ngõ Mì Sợi tại Triều Châu. Chỉ vài tuần trước đấy, tức vào ngày mùng 4 tháng 6, lính Nhật đã bí mật đánh bom chiếc xe chở “cựu Nguyên soái” Trung Quốc, ông Trương Tác Lâm. Sự kiện này đã đánh dấu việc Nhật Bản chính thức xâm lược đất nước Trung Hoa.
Cuộc xâm lược này là một “cơn ác mộng” kéo dài mười bảy năm trời, đến tận khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc. Và cũng chính nó đã khiến cuộc đời Lý rẽ sang hướng khác: ông phải bất đắc dĩ di cư sang Hồng Kông và nếm trải cảm giác nơi thuộc địa ở thời kỳ sơ khai với hai bàn tay trắng.
Trên thực tế, một khoảng thời gian dài trước khi diễn ra Chiến tranh Thuốc phiện những năm 1839-1842 và các cuộc di cư sang phương Tây, người dân Trung Quốc đã phải trốn chạy khỏi ách áp bức, bóc lột để tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn ở vùng đất khác. Năm 1110 trước Công nguyên, dưới thời nhà Chu (1122- 256 TCN), nhiều người dân gốc Trung Quốc đã di cư sang vùng đất là nước Việt Nam ngày nay. Vào giai đoạn nhà Hán (206 TCN – 221), những thương gia và dân khai hoang người Trung Quốc đã tạo lập nhiều mạng lưới kinh doanh ở Sumattra, Java và Borneo. Trong khi vua Tần cai trị ở phía đông (317 -420) thì dân khai hoang luôn cần sự bảo hộ của lực lượng phía bắc ở Bắc Kinh để có thể di cư đến miền Nam an toàn. Khu vực này về sau trở thành vùng trọng yếu của Trung Quốc dưới thời nhà Đường (618 -907).
Khi triều đình sụp đổ, những người thân cận cũng bỏ trốn sang miền Nam Trung Quốc hoặc vượt biên sang khu vực Đông Nam Á. Sau đó, vấn đề di cư trở thành một đạo luật chính trị. Di cư đồng nghĩa với phạm pháp. Do đó, các Hoa kiều trở thành tội phạm chính trị trên đường chạy trốn. Họ chính là “kẻ thù của chính quyền”. Đứng trước tình hình nan giải này, triều đình băn khoăn không biết sẽ xử lý ra sao nếu họ muốn rời bỏ một nền văn minh tuyệt đỉnh như đất nước Trung Quốc.
Tổ tiên của Lý nhiều thế kỷ trước cũng buộc phải trốn chạy khỏi cảnh áp bức, bóc lột như vậy. Xuất phát từ các đồng bằng khu trung tâm, sau đó họ tới tỉnh Phú Giang và thành phố của Phổ Điền. Cuối đời Minh, năm 1644, tổ tiên của Lý lại một lần nữa trốn chạy khỏi cuộc chiến đẫm máu giữa quân đội triều đình với dân tộc Mãn Châu ở phía bắc Trung Quốc.
Mười thế hệ trước khi Lý ra đời – năm 331 sau Công nguyên, ông cha Lý đã tìm đến định cư ở vùng đất Lý ra đời – Triều Châu, có nghĩa là “thủy triều lên xuống luân phiên”, một thành phố ven bờ sông Hán. Tổ tiên của Lý ở Triều Châu rất có tiếng, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục. Trên thực tế, mặc dù trong nhiều thế kỷ, hầu hết các thương gia tài giỏi đều là người Quảng Đông và Thượng Hải nhưng dưới triều Minh (1368 -1644), hai thành phố Sán Đầu và Triều Châu ở phía đông tỉnh Quảng Đông lại là “cái nôi” sản sinh ra những thương gia kiệt xuất trong lĩnh vực kinh tế.
Triều Châu là thành phố của ngư dân và thương gia. Dưới thời Minh, các thương gia Triều Châu vượt biển sang khu vực Đông Nam Á để làm ăn, cung cấp hàng hóa cho các cảng biển Trung Quốc và nắm bắt cơ hội kinh doanh. Đặc biệt, họ có mối quan hệ thân thiết với Thái giám Tổng quản Trịnh Hòa – một tín đồ Hồi giáo dưới thời Minh – trong những chuyến đi biển đầy ly kỳ. Từ chuyến đi đầu tiên năm 1405 cùng một hạm đội gồm 62 thuyền mành do 27.800 thủy thủ điều khiển, Trịnh Hòa đã thống lĩnh bảy cuộc viễn chinh trong suốt hai mươi tám năm đến những vùng đất như Đông Nam Á, Ấn Độ, châu Phi và Trung Đông. Vào thời gian diễn ra chuyến đi cuối cùng từ 1431 -1433, Trịnh Hòa là một nhân tố quan trọng trong sự phát triển mạng lưới hành trình và cảng biển rộng khắp. Binh lính triều đình được cử đến bảo vệ các khu cảng. Nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và phồn thịnh. Các thương gia và doanh nghiệp đến những thành phố cảng này làm ăn luôn có quan hệ mật thiết với các thương gia địa phương.
Trịnh Hòa thường mang về cho triều đình những con vật quý hiếm như đà điểu, ngựa vằn và hươu cao cổ để lấy lòng mọi người trong triều. Thậm chí, ông ta còn đưa được quốc vương của xứ Palembang và Ceylon về quy phục hoàng đế và đem theo cống phẩm dâng lên triều đình. Những người ngoại quốc phải cống nạp thật nhiều cho triều đình.
Đến cuối triều Minh, các thương gia Triều Châu không sang vùng biển phía Nam nữa do sự hoành hành của cướp biển dọc các tuyến đường buôn bán. Để bảo vệ triều đình trước các cuộc tấn công, nhà Minh đã ban bố lệnh cấm dân thường hoạt động trên biển nếu không có sắc lệnh chính thức của triều đình. Ban đầu nhà Minh ban bố lệnh cấm vận – sắc lệnh 1523 − với mục đích bảo vệ người dân Trung Quốc, không cho họ làm ăn với những kẻ phạm pháp và bất lương, đặc biệt là người phương Tây ở những khu vực phải đi lại bằng đường biển. Tất nhiên, lệnh cấm vận chỉ có hiệu lực hạn hẹp vì nhà Minh không thể kiểm soát được số lượng cướp biển hay kẻ thù từ nơi khác đến. Đó chính là cách triều đình kiểm soát thương mại và kinh tế trong nước.
Vì những cuộc nổi loạn do quân phiến loạn của Trịnh Thành Công (người phương Tây gọi là Koxinga, một viên quan dưới triều Minh, đặt căn cứ phiến loạn tại Đài Loan) liên tiếp xảy ra nên lệnh cấm vận trên biển có hiệu lực đến tận những thập kỷ đầu triều Thanh (1644 -1912). Thậm chí sau khi Trịnh chết năm 1662, triều Thanh vẫn liên tục bị bọn cướp biển, quân phiến loạn và tay chân Trịnh quấy rầy, hạch sách. Năm 1672, triều đình ra lệnh cấm người dân di cư hay định cư ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Ra bên ngoài lãnh thổ đất nước đồng nghĩa với việc là kẻ phạm pháp và phản bội. Và cuối cùng, mặc dù quân phiến loạn đã được dẹp bỏ nhưng lệnh cấm di cư ra nước ngoài vẫn còn hiệu lực.
Vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, sự bùng nổ dân số diễn ra ở miền Nam Trung Quốc khiến nhu cầu lương thực của đất nước cũng tăng lên. Nhận thấy thực tế là nếu không cung cấp đầy đủ lương thực cho nhân dân thì rất dễ xảy ra bạo loạn, đặc biệt là ở miền Nam, nơi lẩn trốn của nhiều lực lượng nổi dậy nên những viên quan lắm mưu nhiều mẹo của triều Thanh, dưới sự cai trị của vua Càn Long (1736 -1799), đã dỡ bỏ lệnh cấm vận, cho phép thông thương với nước ngoài và đặt quan hệ hợp tác với Thái Lan.
Tuy nhiên, tham vọng của triều Thanh không chỉ dừng lại ở việc xoa dịu sự nổi dậy của nhân dân ở miền Nam và mong muốn củng cố sức mạnh đoàn kết toàn dân. Từ năm 1620, gạo Thái luôn chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu ổn định vào các quốc gia Đông Nam Á. Hoàng đế muốn tổ chức đàm phán với các thương gia buôn gạo Thái Lan – về cơ bản là để nhận một khoản lợi nhuận trong việc kinh doanh rất sinh lời này. Vì lý do đó, không sứ thần nào thực hiện nhiệm vụ này tốt hơn các thương gia Triều Châu và thương gia đến từ thành phố cảng lân cận – Sán Đầu. Trong số tất cả những người ở miền Nam Trung Quốc thực hiện cam kết tham gia hoạt động thương mại, có thể nói thương gia Triều Châu hội nhập giỏi nhất đồng thời liều lĩnh cũng chẳng kém ai. Họ là những nhà ngoại giao kinh doanh quốc tế hợp pháp và là thương gia chính thức của triều đình. Họ đã nhanh chóng xây dựng một mạng lưới kinh doanh giữa Trung Quốc và châu Á. Từ miền Nam Trung Quốc và vùng biển phía Nam, họ chuyên chở mía, hương liệu và quả hồng vàng về thành phố cảng miền Bắc của Thiên Tân. Từ miền Bắc Trung Quốc, họ lại xuôi thuyền mang đồ sành sứ và các loại thảo dược về phía Sán Đầu, Triều Châu, Quảng Đông, cuối cùng tới Thái Lan và các quốc gia khác ở vùng biển phía Nam. Một lần nữa, Hồng Kông lại trở thành một tuyến đường trọng yếu trong suốt hành trình thương mại giàu lợi nhuận này. Thuyền dừng lại ở nơi đó đồng thời sẽ chuyên chở gạo và các loại đồ khô tới các cửa hàng bán các loại đặc sản vẫn gọi là các công ty “Nambak”, tên này bắt nguồn từ từ nanbei có nghĩa là Bắc – Nam.
Trên thực tế, việc Hồng Kông phát triển thương mại Bắc – Nam đã thu hút một lượng lớn các thương gia có đầu óc kinh doanh đến từ các khu vực lân cận, chủ yếu là Triều Châu mà khởi đầu là sự trở về của hai gia đình họ Trần vào thập niên 1850. Vào thời điểm vàng được tìm ra ở Canada, Mỹ và Australia đã thuê nhiều chuyên gia thăm dò người Triều Châu và các nhà thám hiểm người Trung Quốc ở nước ngoài đến khu vực Hồng Kông là cảng Sangok (khu vực phà ba góc), hai gia đình họ Trần đã thành lập các công ty xuất nhập khẩu trong từng lĩnh vực như mua bán các loại đồ khô, đặc biệt là gạo từ Thái Lan. Có rất nhiều người dân Triều Châu đã theo gương họ và trở thành người đặt nền tảng cho việc kinh doanh ở nơi này.
Đây thật sự là một thời điểm thuận lợi để tham gia vào hoạt động thương mại Bắc – Nam, đặc biệt là tình hình giao thông được cải thiện đáng kể tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Trên thực tế, một sự kiện có ý nghĩa nhất trên hành trình phát triển kinh tế khu vực Trung Quốc – Đông Nam Á chính là sự ra đời của đầu máy hơi nước cấu tạo bằng sắt và chạy bằng than năm 1860. Trong khi với đầu máy chạy bằng sức gió vận hành từ Phúc Châu đến London mất khoảng 90 -105 ngày thì đầu máy hơi nước chỉ mất khoảng 65 ngày – một quãng thời gian rút ngắn đáng kinh ngạc.
Với những con tàu sang trọng hơn, tốc độ nhanh hơn có mặt trên khắp các bến cảng Trung Quốc và vùng biển phía Nam, thuốc lá Ấn Độ, gạo Băng Cốc, đường và gia vị từ Java, Borneo đã nhanh chóng có mặt trên thị trường Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác. Đối với những thương gia Trung Quốc làm ăn với người phương Tây thì số doanh thu hàng hóa và gạo tăng nhanh, đồng nghĩa với việc thu được một nguồn lợi nhuận khổng lồ. Đầu máy hơi nước cũng góp phần mở rộng địa bàn của cộng đồng người Trung Quốc vì họ có cơ hội di cư về phía Nam Á. Trên thực tế, việc di cư về phía bắc cũng giúp người dân Triều Châu nắm rõ tình hình kinh tế Thái Lan và Singapo, họ có thể trở thành những ông chủ ngân hàng hay thương gia hàng đầu ở các quốc gia này. Sức hút từ các thị trường mới đối với thương gia Triều Châu lớn đến nỗi trong khoảng thời gian từ 1782 -1868 đã có đến 1,5 triệu người Triều Châu nhập cư vào đất nước Thái Lan. Khoảng giữa thế kỷ XX, hơn một nửa số người Trung Quốc ở Thái Lan nói tiếng Triều Châu.
Trong khi các thương gia Triều Châu tiếp tục thăm dò thị trường ở khu vực kinh tế Bắc – Nam Á vào thế kỷ XIX thì nền công nghiệp phát triển ở Triều Châu đã tạo ra nguồn sản phẩm chính cung cấp không chỉ ở châu Á mà trên toàn thế giới. Sản phẩm đó chính là tơ lụa. Khởi đầu là một “khu công nghiệp” rất nhỏ thuộc phạm vi trong một làng, phụ nữ Triều Châu và Sán Đầu đem bán các sản phẩm thủ công cho người dân địa phương. Việc kinh doanh đồ lụa thêu phát triển sớm ở khu vực này do có sự góp mặt của các nhà truyền giáo – những người luôn hứng thú kiếm tiền từ chính những người dân theo đạo. Truyền bá những sản phẩm lụa chất lượng cao này, các nhà xuất khẩu Trung Quốc và ngoại quốc đã góp phần tạo dựng tiếng tăm cho lụa Triều Châu, trở thành một trong số những sản phẩm được ưa chuộng bậc nhất thế giới. Vào thời gian đó, nhu cầu sử dụng lụa trên thế giới tăng lên. Nhưng trong khi nhu cầu lụa Triều Châu ở các nước phương Tây rất lớn thì chỉ các công ty xuất khẩu ở Sán Đầu, do có lợi thế về địa lý ở vùng duyên hải, mới có thể chuyển hàng ra nước ngoài, đặc biệt là sang thị trường tiềm năng Mỹ. Tuy nhiên, đó chỉ là vấn đề thời gian, vì trước khi ngành thương mại tơ lụa tạo dựng cơ sở ở Hồng Kông, với sự thông thạo trong việc quay sợi và dệt lụa, những công nhân tơ lụa vùng Triều Châu đã rất năng động – điều này trở nên cực kỳ hữu ích trong giai đoạn xảy ra chiến tranh, thời kỳ đói nghèo xơ xác của Trung Quốc giai đoạn 1912‐1949.
Thực tế, do quân Nhật tấn công đất nước vào thời điểm này nên nhiều thương gia buôn lụa không còn tin tưởng Trung Quốc là một thị trường ổn định nữa. Rất nhiều người đã bỏ trốn sang Hồng Kông. Vào ngày xảy ra sự kiện Trân Châu Cảng (ngày 7 tháng 12 năm 1941), Nhật Bản đã tiến vào đánh phá hầu như toàn bộ các thành phố lớn. Ở Hồng Kông, sự xuất hiện ồ ạt của các công ty sản xuất lụa trong thời kỳ đen tối của đất nước Trung Hoa đã tạo lập ở các thuộc địa của Anh những trung tâm xuất nhập khẩu lụa Triều Châu. Những sản phẩm này được xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ. Lợi nhuận tiếp tục tăng cho đến khi Nhật Bản đánh chiếm Hồng Kông năm 1941, khi ấy nhiều công ty tơ lụa chọn giải pháp đóng cửa, quyết không hợp tác với Nhật. Sau sự kiện ném bom hai thành phố Hirosihima và Nagasaki, hơn sáu mươi nhà sản xuất tơ lụa ở Hồng Kông bắt đầu công việc kinh doanh trở lại.
Những năm đầu xuất hiện ngành công nghiệp tơ lụa ở Hồng Kông, bản thân những người dệt lụa cũng rất ít đến công việc kinh doanh của mình. Quân Anh đã kiểm soát toàn bộ hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu lụa. Do số lượng các công ty cung ứng hàng hóa hạn chế nên các công ty ở Hồng Kông – thời điểm đó là thuộc địa của Anh, chủ yếu là của người Anh. Anh tiếp quản thuộc địa năm 1842 và đã kiểm soát toàn bộ nền kinh tế kiệt quệ của Trung Quốc lúc bấy giờ. Thậm chí, quan binh triều Thanh đã có dấu hiệu rệu rã khi Anh bán thuốc phiện bất hợp pháp ở Trung Quốc. Thực tế, chính việc bán thuốc phiện cho người dân Trung Quốc đã dẫn tới sự sụp đổ của quân đội và chính quyền Trung Quốc.
Quân Anh luôn tìm mọi cách ép buộc triều Thanh phải đáp ứng mọi nhu cầu của mình nhằm mục đích có thể dễ dàng đánh chiếm Trung Quốc, như cho nổ tung ba pháo hạm của Trung Quốc vào ngày 3 tháng 11 năm 1839 và sau đó là sự bùng nổ của Chiến tranh Thuốc phiện. Kết quả là, triều Thanh chuyển giao quyền lực một cách nhanh chóng cho Anh cũng như ký kết pháp lệnh xóa bỏ hiệp ước Nam Kinh năm 1842, mở cửa các cảng ở Phúc Châu, Ninh Ba, Thượng Hải, Sán Đầu và Hạ Môn. Trước đây, Quảng Châu được xem là cảng biển duy nhất mở cửa thông thương với phương Tây thì nay đã xuất hiện những lỗ hổng mới trong hàng rào kinh tế của Trung Quốc. Thương gia phương Tây có thể đưa bất cứ sản phẩm nào họ muốn vào Trung Quốc. Kể từ đó, người dân Trung Quốc không còn tin tưởng vào uy tín cũng như luật pháp của triều Thanh nữa.
Chiến tranh Thuốc phiện là nguyên nhân của sự bất đồng về chính trị dai dẳng cho đến khi Mao Trạch Đông cùng Hồng quân kéo vào Bắc Kinh ngày 31 tháng 1 năm 1949. Dấu hiệu đầu tiên đánh dấu sự sụp đổ của triều Thanh chính là cuộc nổi loạn Thái Bình Thiên Quốc do Hồng Tú Toàn lãnh đạo năm 1851. Mặc dù với sự giúp đỡ của phương Tây, triều Thanh có khả năng đánh đổ pháo đài Thái Bình Thiên Quốc ở Nam Kinh năm 1864 nhưng hậu quả sau cuộc nội chiến này là trên 20 triệu người bị mất mạng hoặc lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.
Trong con mắt nhiều người dân Trung Quốc, chính quyền đã mất hết uy tín khi để xảy ra cuộc nội chiến, đồng thời lại cấu kết với bọn “cướp nước phương Tây” nên không thể thi hành sắc lệnh di cư năm 1672. Mặc dầu người dân có thể di cư hợp pháp bằng đường bộ trong phạm vi châu Á nhưng do triều Thanh đã ký hiệp ước với cả Anh và Pháp năm 1860 nên họ không thể di cư ra nước ngoài do lệnh cấm vận đường biển năm 1523 vẫn có hiệu lực. Nhưng do triều Thanh bị buộc phải hợp tác cùng những “kẻ mọi rợ phương Tây” sau Chiến tranh Thuốc phiện nên việc thi hành bộ luật này không còn giá trị và hiệu lực, cuối cùng vào năm 1893, triều Thanh phải ký một hiệp ước với Anh cho phép công dân Trung Quốc du lịch và định cư tại nước ngoài.
Đến năm 1911, sự rối ren, đảo lộn trong chính trị và kinh tế làm cho triều Thanh hoàn toàn sụp đổ. Đến tháng 10 năm đó, các các phe phái liên tỉnh nhóm họp ở Vũ Xương khởi xướng một cuộc cách mạng và kết thúc trong năm sau bằng sự ra đời của chính quyền cộng hòa do chủ tịch nước đứng đầu.
Trong khi sự hoành hành, náo loạn của Chiến tranh Thuốc phiện và sự bất lực của triều Thanh buộc nhiều nông dân, công nhân Trung Quốc phải đi mưu sinh khắp nơi thì sự ra đời của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1912 đã mở ra một thời đại mới. Một nền cộng hòa báo hiệu sự ra đời của luật pháp mới, nghị viện mới không theo khuynh hướng dân chủ phương Tây. Bất cứ người nào có chứng chỉ giáo dục cũ do triều Thanh cấp sẽ không đủ tư cách trở thành một quan chức “hiện đại” mà hệ thống quản lý hiện giờ đang cần. Các học giả Nho giáo của triều đình cũ trở nên thừa thãi, vô dụng và là tâm điểm của các trò đùa.
Trong một tác phẩm châm biếm nổi tiếng về các học giả của triều đình cũ, Lỗ Tấn, nhà văn hiện đại đầu tiên của Trung Quốc đã viết về một học giả tên Khổng như thế này:
Khổng là vị khách duy nhất mặc quan phục đến quán uống rượu. Đó là một người đàn ông to lớn, xanh xao đến lạ lùng với những vết sẹo xen giữa các nếp nhăn trên khuôn mặt. Ông ta có có một bộ râu bù xù, rậm rạp điểm vài sợi trắng… Ông ta ưa sử dụng cổ văn trong giao tiếp nên khó mà hiểu được phân nửa những gì ông ta nói… Bất cứ khi nào ông ta đến cửa hàng, mọi người đều quan sát rất chăm chú và cười khúc khích. Và ai đó sẽ gọi tướng lên: “Ơi ông Khổng! Có mấy vết sẹo mới trên mặt ông đấy! Ông chắc chắn lại vừa đi ăn trộm về!” “Tại sao lại kết luận một người tốt vô căn cứ như vậy?”, Khổng sẽ hỏi như vậy, mắt mở to… “Lấy một quyển sách không thể coi là ăn trộm được… Lấy một quyển sách, việc một học giả làm không thể coi là ăn trộm!” Ông ta sẽ nói, theo như trích dẫn trong bản viết cổ thì “Giấy rách phải giữ lấy lề” và giải thích rắc rối cổ xưa, là việc mình mình làm, ai cười mặc ai.
Một nước Trung Quốc mới ra đời, đó không phải đất nước Trung Quốc mà cha của Lý Gia Thành có thể dự đoán được. Trên thực tế, ông chính là loại người mà Lỗ Tấn châm biếm, một kẻ coi trọng bằng cấp trong hệ thống thi cử truyền thống mà ở đó giáo dục được dành riêng cho các học giả để trở thành quan lại trong triều. Tuy vậy, ông vẫn kiên trì và với nỗ lực học hành, ông đã xây dựng truyền thống hiếu học cho cả gia đình. Cha và bác của Lý Gia Thành đã thấm nhuần lý tưởng học tập là một truyền thống cao đẹp. Trong khi một ông bác giảng dạy tại ngôi trường ở Triều Châu sau một thời gian làm thanh tra chính phủ tại Sán Đầu thì một người bác khác học về thương mại và người bác thứ ba giảng dạy cho một ngôi trường về nông nghiệp.
Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1912 với vị trí đứng đầu lớp, Lý Vân Kinh đã giảng dạy cho một ngôi trường ở Triều Châu một thời gian. Vì các quốc gia phương Tây luôn kiểm soát nền kinh tế Trung Quốc nên người dân cảm thấy cuộc sống không được đảm bảo. Tình hình hỗn loạn, bất ổn nơi quê nhà đã thôi thúc Lý Vân Kinh tới Giava làm thư ký cho một công ty để mưu sinh. Nỗi nhớ gia đình cộng với sự nhìn nhận tình hình đất nước Trung Quốc sẽ sáng sủa hơn, ông đã quay về Triều Châu và làm thủ quỹ cho một nhà băng. Khi nhà băng này phá sản năm 1928, ông quay trở lại trường học làm hiệu trưởng.
Trong khi đó, vào năm 1916, ở các tỉnh có một nhóm sĩ quan cao cấp tuyên bố họ hoàn toàn độc lập, không phụ thuộc vào đất nước. Do vậy, vào thời gian Đảng Cộng sản Trung Quốc ra đời năm 1921, đất nước Trung Quốc chia ra thành nhiều bè phái ở các tỉnh, mỗi nhóm dường như đều có ý định tranh giành lãnh thổ, vũ trang và các đặc ân của nước ngoài.
Một trong số những ngoại lực mà các vị sĩ quan cao cấp này tìm kiếm là sự đồng thuận từ phía Nhật Bản. Bị buộc phải chuyển giao quyền lực cho quân đội phương Tây năm 1863, đế chế Nhật hoàng biết rõ rằng hy vọng sống sót duy nhất là phải cạnh tranh với thể chế phương Tây, thậm chí là cả về vấn đề ngôn ngữ và văn hóa. Và vào thời gian triều Thanh chạy trốn khỏi Bắc Kinh năm 1911, Nhật Bản đã tiến hành cuộc cải cách nội bộ và có khả năng giành quyền kiểm soát từ tay chính quyền phương Tây, đặc biệt là sau khi đánh bại Trung Quốc năm 1895 trong cuộc chiến Hán – Nhật và chiến thắng Nga trong cuộc chiến Nga – Nhật năm 1905.
Vào thập niên 1920, Nhật Bản bắt đầu xâm chiếm Trung Quốc, đầu tiên là Đông Bắc và sau là dọc đường bờ biển từ Đại Liên tới Thượng Hải và Quảng Châu. Một trong những lý do quan trọng giúp Nhật Bản giành được thắng lợi đầu tiên ở Trung Quốc là sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, lực lượng phương Tây đã rệu rã và không còn ý định cản trở tham vọng bá chủ toàn cầu của Nhật Bản nữa. Nhật Bản rảnh tay thôn tính Trung Quốc khiến người dân Trung Quốc phải sống trong cảnh lầm than. Trên thực tế, có một khẩu hiệu Nhật Bản luôn quán triệt khi thôn tính Trung Quốc và đã tàn sát hơn 20 triệu người dân Trung Quốc là “Giết tất cả, đốt tất cả, phá tất cả”.
Năm 1894, người Nhật lạnh lùng và mưu mô xâm lược Trung Quốc lần thứ nhất hòng chiếm nguồn tài nguyên phong phú về than đá, quặng sắt, rừng gỗ… Lực lượng 20 nghìn lính Nhật cùng 10 nghìn lính đánh thuê đã bao vây Uy Hải Vệ, tỉnh Sơn Đông. Năm 1985, Hiệp ước Mã Quan tuyên bố kết thúc chiến tranh Trung – Nhật, buộc người Trung Quốc phải giao trả đất đai, công nhận nền độc lập của Triều Tiên và bồi thường 200 triệu lạng vàng tổn thất chiến tranh. Thực ra, tổn thất còn lớn hơn nhiều nếu như Thái thú Lý Hồng Chương không bị một tay súng Nhật Bản ám sát bất thành bằng một phát đạn cách mắt trái 2,5 mm. Sự kiện này khiến những nước đồng minh phương Tây của Nhật thuyết phục các nhà ngoại giao nước này nới lỏng yêu sách. Dù Lý Hồng Chương sống được sáu năm nữa thì vụ ám sát một công dân Trung Hoa vẫn kích động cuộc chiến chống Nhật trong dân chúng. Tuy nhiên, có thể thấy nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến chính là kế sách cai trị không quan tâm tới vấn đề đạo đức mà Nhật đã thi hành.
Phát súng làm nổ tung mọi mâu thuẫn và biến Trung Quốc thành nỗi khiếp sợ của người Nhật còn lớn hơn cả phát súng nhằm vào Lý Hồng Chương. Ngày 4 tháng 6 năm 1928, một đoàn tàu màu vàng với bảy toa ầm ầm tiến vào thành phố Thẩm Dương ở phía bắc Trung Quốc. Trước đó một ngày, một đoàn tàu “nhử mồi” tương tự chở theo người vợ thứ năm của “cựu Sĩ quan” Trương Tác Lâm, người cai trị Mãn Châu kể từ năm 1913 cũng tiến vào thành phố. Đoàn tùy tùng đi theo vợ Trương là một cái bẫy nhằm đánh lạc hướng kẻ thù. Kẻ thù của Trương lúc này đã mất hết kiên nhẫn với vị tư lệnh cứng đầu và nôn nóng tìm một cái cớ để đặt chân hơn vào Bắc Trung Quốc. Tất cả liền hợp sức lại âm mưu “hô biến” con tàu.
Ngồi bên bàn mạt chược với thiếu tá Giga Nobuya – tên tay sai người Nhật được cắt cử theo dõi “cựu Sĩ quan”, Trương tin rằng mình vẫn đang an toàn. Nhưng sau một đêm cờ bạc rượu chè, đầu óc Trương không còn minh mẫn như trước. Hơn nữa, cơ quan tình báo của vị tư lệnh cũng không thể sánh được với đội quân gián điệp tài tình của Nhật, những kẻ đã phát hiện ra Trương không đến Thẩm Dương vào chuyến tàu thứ nhất mà là chuyến thứ hai.
Khi đoàn tàu tới Thẩm Dương, cả hội mạt chược tản hết về phòng riêng để chuẩn bị xuống ga. Thiếu tá Giga tiến về toa cuối cho an toàn. Khi tên tay sai người Nhật bắt đầu ẩn nấp chờ vụ nổ do chính hắn sắp đặt thì toa tàu của Trương Tác Lâm cũng dính vào bẫy thuốc nổ. Ngài “cựu Sĩ quan” bị thổi tung thành trăm mảnh cùng với 17 sĩ quan và thuộc hạ. Đây là thời điểm người Nhật sẵn sàng tiến vào san bằng và thống trị Trung Quốc dù phải đến tận năm 1937, vụ tổng càn quét mới diễn ra cùng sự kiện Lư Câu Kiều, khi quân đội Nhật tìm cớ để tấn công chiếm đóng Bắc Kinh.
Động thái chiến thuật tiếp theo của Nhật diễn ra ngày 18 tháng 9 năm 1931 là sự kiện Thẩm Dương hay còn gọi là sự kiện Mãn Châu. Vào lúc 10 giờ 20 phút đêm, quân Nhật tước bỏ vũ khí của một đội tuần tiễu Trung Quốc. Mười phút sau, Nhật bắt đầu bắn phá sân bay Thẩm Dương và một trong những trại lính Trung Quốc lớn nhất trong thành phố. 11 giờ đêm, 10 nghìn lính Trung Quốc trong các trại rút lui theo cổng hậu làm giày chết 500 lính Nhật. Quán triệt chỉ thị từ Tokyo là “thận trọng và kiên trì” khi đối đầu với Trung Quốc, lực lượng sĩ quan trẻ người Nhật muốn đưa nước Nhật vào một cuộc chiến tranh toàn lực với Trung Quốc. Gọi những cuộc diễn tập chiến tranh của mình là hành động “đàn áp cướp bóc” và “tự vệ”, những kẻ hiếu chiến này đã tìm được một người cùng ý chí trong hàng ngũ chỉ huy quân Nhật ở Triều Tiên, kẻ đã huy động thêm quân tới “dập tắt náo loạn” ở Thẩm Dương.
Khi các phi công lái máy bay chiến đấu người Nhật hạ cánh ở sân bay, quân lính bộ của Nhật đã tràn vào các thị trấn lớn dọc hành lang giao thông chính thuộc hệ thống đường sắt quan trọng phía nam Mãn Châu. Trong vụ xung đột, chỉ có hai lính Nhật thiệt mạng, còn số lính và dân thường Trung Quốc tử nạn lên tới hơn 400 người. Ba tháng sau, toàn bộ tỉnh Mãn Châu nằm trong tay Nhật. Sau khi đổi tên thành Mãn Châu Quốc, Mãn Châu trở thành chính quyền tay sai của Nhật với hoàng đế bù nhìn 25 tuổi là Phổ Nghi, người trị vì cuối cùng của ngai vàng phong kiến Trung Quốc. Hy vọng vớt vát lại thanh thế và cơ đồ đã mất của hoàng gia, Phổ Nghi nhận danh tước chính thức là “nhà cầm quyền” của một vùng đất nằm trong tay bọn côn đồ, cướp giật, buôn lậu, trùm ma túy, chủ nhà thổ và đủ loại lưu manh từng có tiền sử ngồi nhà đá.
Khi ủy ban trung ương vô dụng của Liên minh các quốc gia (tương tự như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc) còn tranh cãi xem có nên can thiệp vào sự xâm lược tàn bạo của Nhật đối với Mãn Châu hay không thì giới quan chức, thương nhân và dân Nhật đã bắt đầu vơ vét nguồn tài nguyên hóa chất và quặng khoáng giàu có của tỉnh này. Kế hoạch tổng quát bao gồm cả việc phát triển Mãn Châu thành một cánh tay sản xuất đắc lực cho nền kinh tế Nhật Bản. Bất kỳ nông dân Trung Quốc nào chống lại chính quyền cai trị mới đều bị đem ra làm thử nghiệm cho bọn lính đâm chém. Một sinh viên đại học White Russian trở thành gián điệp của Nhật đã chứng kiến cảnh tượng sau: ”Những tên người Nhật trông kỳ cục và ngờ nghệch. Chúng cười cợt và phát kẹo cho các nạn nhân trước khi trói họ vào cọc chôn trên nền đất với vẻ đầy hối lỗi. Sau đó, đến lượt bọn lính dùng lưỡi lê cố định hành xử đám người vừa bị trói cho tới khi họ biến thành những tảng thịt rụng rời khỏi vòng dây chão.”
Trong trường hợp khác, một người thuộc phe cánh tả bị đưa vào phòng thẩm vấn và bị tra tấn bằng cực hình. Anh ta bị đổ nước lẫn ớt vào lỗ mũi để phải chịu đựng cảm giác vừa như bị lửa thiêu, vừa như bị chết đuối. Tiếp đó, người này bị treo lên để hứng chịu đòn roi. Những kẻ tra tấn còn dùng đầu thuốc châm vào chỗ kín của anh ta. Người đàn ông tội nghiệp ấy ngất đi. Một bác sĩ người Nhật có học vấn nhưng vô lương tâm bước vào phòng, cúi xuống, mỉm cười và tiêm một mũi cho nạn nhân tỉnh lại. Đoạn, móng tay rồi đến móng chân nạn nhân trẻ tuổi này bị tuốt hết ra. Từng miếng thịt trên người anh ta bị tùng xẻo. Răng bị nhổ tung. Hạ màn, tên cầm đầu sử dụng thứ công cụ yêu thích của mình là đầu thuốc lá châm cháy mắt nạn nhân.
Tuy nhiên, không chỉ có người Trung Quốc phải chịu đựng những màn tra tấn tàn ác của quân Nhật. Một phụ nữ châu Âu bị tống tù ở Harbin đứng ra làm nhân chứng cho biết, bà đã thấy một phụ nữ Liên Xô tên là Klaudia Markovna Zaharchenko bị tra tấn trong suốt 40 ngày bằng mọi hình thức. Ngón tay bị kẹp nát, tóc bị giật đến tận gốc, lông mi bị diêm đốt cháy, đôi chân rồi đến đôi tay bầm dập bị còng hàng giờ. Cuối cùng, chúng cũng tin cô ta không biết gì nên đã thả cho đi. Cô được đưa tới bệnh viện Xô Viết và các bác sĩ cho biết cô sẽ bị liệt suốt đời.
Đối với quân Nhật ở Mãn Châu, tra tấn chẳng qua là một trò thể thao và Mãn Châu là đấu trường lý tưởng. Lớn lên ở Mãn Châu Quốc, một người Nhật tên là Ogawa Masao nói rằng khu vực này được tổ chức giống như một khu vườn thu nhỏ được thiết kế theo lối thẩm mỹ rập khuôn nghiêm ngặt. Ý ông ta là mỗi cái cây đều được lựa chọn kỹ càng. Chẳng hạn, đối với mỗi chậu cây cảnh, cành lá phải được một người làm vườn chăm chỉ cắt tỉa, uốn thế và tạo dáng. Kết quả là tạo nên một vườn cây với vẻ ngoài đẹp đẽ và bóng bẩy. Lực lượng cầm quyền Trung Quốc cũng được dựng nên như thế, với hình thức là bộ phận của một bộ máy hữu ích và hiệu quả nhằm phục vụ nhu cầu của nhân dân Mãn Châu. Nhưng thực chất, chính quyền lại nằm trong tay đội quân lố bịch gồm bọn tay sai và tội phạm Nhật, những kẻ chỉ có việc gây tội, đàn áp và thống trị. Xã hội Trung Quốc có thể ví với một vở kịch lạ thường, trong đó Phổ Nghi đóng vai hoàng đế của hơn một nửa lãnh thổ. Thực ra, diễn viên chính của vở kịch là người Nhật và làm chủ cả sân khấu với nền diễn viên phụ người Trung Quốc làm cái vỏ bọc hình thức. Sự giả tạo ngày càng đóng vai trò quan trọng ở Mãn Châu Quốc. Thực tế, “sự giả tạo đã tạo nên vương quốc của những điều “siêu thật”, nơi mà giả thay thế cho thật, ranh giới giả – thật rất mong manh.”
Năm 1933, quân đội Nhật biến Mãn Châu thành xưởng kinh doanh trụy lạc, chúng mở cửa hàng thuốc phiện, nhà thổ, phòng trà, hộp đêm, vũ trường, quán cà phê kiểu Nhật với khoảng 70 nghìn gái điếm Nhật Bản và Triều Tiên. Theo một sĩ quan người Nhật thì động cơ khai thác ngành thương mại ma túy và tình dục khá đơn giản: “Nước Nhật nghèo khó nhưng phải chi cho quân đội Nhật ở Mãn Châu hàng triệu đôla mỗi ngày. Nhiệm vụ của chúng ta là làm hết sức mình để giảm bớt khó khăn cho đất nước. Hàng nghìn người Trung Quốc giàu có tích lũy của cải nhờ cướp bóc. Chúng ta chỉ đơn giản lấy đi số của cải không chính đáng từ tay họ. Điều này cũng áp dụng với người Do Thái, những kẻ làm giàu nhờ đi lừa người khác bằng mọi cách. Đã đến lượt họ phải đổ mồ hôi sôi nước mắt tự kiếm ăn rồi.”
Tại miền Nam Trung Quốc, dân chúng bắt đầu nghe nói tới tính hung ác và sự đàn áp của người Nhật. Họ không hiểu hết rằng thương trường của Nhật đặt tại Mãn Châu mới chỉ là bước đầu trong tham vọng và mưu mô dài lâu hòng thôn tính cả miền Nam Trung Quốc, trong đó có Triều Châu.
Sau khi đàn áp được sự chống trả của người Trung Quốc tại Mãn Châu và vẫn nuôi tham vọng đưa Trung Hoa vào “Khối Thịnh vượng chung châu Á” của Nhật – một mỹ từ thay cho chủ nghĩa đế quốc và thực dân, quân đội Nhật tiếp tục đặt chân tới Bắc Kinh. Và chúng sẽ nhanh chóng tìm ra một sự kiện, một cái cớ để tiến hành đánh chiếm và giết chóc.
Bắc Kinh đang sục sôi căm hận với quân Nhật. Ngày 9 tháng 12 năm 1935, hơn 1 nghìn sinh viên bắt đầu cuộc biểu tình hòa bình phản đối sự chiếm đóng của người Nhật tại Mãn Châu và sự hiện diện của quân đội Nhật trên khắp đất nước Trung Quốc. Dưới sự chỉ huy của người Nhật, cảnh sát Bắc Kinh phong tỏa tất cả cổng ra vào thành phố và dùng hệ thống phun nước tạt nhiều galông nước lạnh vào đoàn người biểu tình. Sau đó, họ thẳng tay đàn áp đoàn người bằng vũ lực và bắt những ai không thể chạy thoát. Một tuần sau, 300 nghìn người yêu nước ở Nam Kinh, Vũ Hán, Thượng Hải, Hàng Châu và Quảng Châu tiếp tục tổ chức diễu hành phản đối quân xâm lược Nhật.
Các cuộc biểu tình chống Nhật diễn ra liên tiếp chính là điều Nhật cần để bành trướng cơn thịnh nộ của mình. Náo loạn và biểu tình tạo cho quân Nhật cơ hội tung thêm các điều luật và chỉ thị. Tất nhiên, đó là những điều luật đóng mác Nhật và phục vụ cho chính sách của Nhật.
Sự kiện dẫn đến cuộc chiến tranh thật sự giữa Trung Quốc và Nhật Bản là sự kiện Lư Câu Kiều. Cầu Lư Câu nằm cách Bắc Kinh 16 km về phía tây từng là nguồn cảm hứng cho hoàng đế Càn Long (1736 -1799) viết bài thơ về vẻ đẹp của cảnh mặt trăng lặn khi mặt trời mọc. Ngày 7 tháng 7 năm 1937, một tên lính Nhật tình cờ nghỉ tại lùm cây gần cầu trong giờ điểm danh. Tên chỉ huy tưởng hắn đã bị quân lính Trung Quốc bắn chết, liền ra lệnh tấn công Cửu Bình.
Trong khi quân Trung Quốc có thể tránh được cuộc tấn công ở Cửu Bình thì sự việc ở Lư Câu Kiều lại trở thành cái cớ chiến tranh khi Tưởng Giới Thạch (Tưởng Kinh Quốc) phát biểu: “Nếu chúng ta để mất thêm dù chỉ một thước đất nhỏ bé của Tổ quốc, chúng ta sẽ phạm phải sai lầm không thể tha thứ đối với dân tộc.” Tuy nhiên lời phát biểu hùng hồn này không ngăn cản được diễn tiến xâm lăng của quân Nhật. Đến cuối tháng 7 năm đó, Nhật bao vây toàn bộ khu vực Bắc Kinh – Thiên Tân. Kế hoạch của Nhật là thâu tóm toàn bộ Trung Quốc bằng cuộc ”Chiến tranh chớp nhoáng”, với phương châm đánh nhanh, chiếm nhanh.
Tháng 8 năm 1937, Tưởng Giới Thạch quyết định “cầm cự” ở Thượng Hải. Tuy nhiên, phải đương đầu với 15 sư đoàn mới của Nhật ở Bắc và Trung Trung Quốc, Tưởng cũng không thể làm gì hơn. Đến tháng 11, hơn 250 nghìn quân và nhiều người dân thường Trung Quốc bị lực lượng không binh và bộ binh hùng hậu của Nhật sát hại. Thượng Hải lúc này đã rơi vào tay Nhật.
Từ Thượng Hải, quân Nhật bành trướng về phía nam. Tại Xương Giang, thành phố công sự nằm cách Thượng Hải 48 km về phía nam, một phóng viên Anh đưa tin: “Hàng mẫu đất bị bỏ hoang do bom đạn tàn phá, hiếm có ngôi nhà nào không bị lửa thiêu. Vết tích đổ nát sau đám cháy và những con phố hoang tàn tạo nên một cảnh tượng ghê rợn, sinh vật sống duy nhất là loài chó trở nên béo tốt dị thường nhờ được đánh chén đại tiệc thịt người. Thành phố Xương Giang trước đây đông đúc có tới 100 nghìn dân, giờ chỉ còn thấy năm người, họ là những ông già ẩn nấp trong một tòa nhà Pháp, nước mắt lấm lem.”
Những cảnh tượng như vậy đã trở nên quen thuộc ở các thành phố như Tô Châu – cách Thượng Hải 80 km về phía tây, Vô Tích – nơi nạn trộm cắp hoành hành, ở thành phố cảng An Huy, Hàng Châu. Nhưng tất cả những thành phố trên mới chỉ là bước khởi động trước khi Nhật tấn công mạnh vào Thủ đô Nam Kinh của Trung Quốc vào năm 1937.
Quá trình chuẩn bị tấn công Nam Kinh được tiến hành kỹ càng. Dưới sự chỉ huy của tên tướng hói đầu béo lùn Yanagawa Heisuke, bốn sư đoàn rưỡi quân Nhật với 80 nghìn quân đã đợi ở Đài Loan để bắt đầu cuộc đổ bộ vào bờ biển Trung Quốc. Trợ giúp Yanagawa trên chiến trường là tướng Nakajima Kesago, nguyên Trưởng cảnh sát mật Tokyo, tay này cũng là một kẻ mưu mô xảo quyệt. Do hoàng đế Hirohito cử đến Tokyo, Yanagawa là chuyên gia trong lĩnh vực đánh người tàn bạo, đâm chém, tra tấn, giết người kiểu cổ. Chỉ huy Sư đoàn thứ 16 là Nakajima, một kẻ khét tiếng vì luôn dự trữ rất nhiều dầu loại đặc biệt từ Bắc Kinh để thiêu người, kể cả sống lẫn chết.
Đối với nhiều người Trung Quốc, thời kỳ kinh hoàng nhất trong giai đoạn Nhật chiếm đóng chính là vụ cưỡng hiếp ở Nam Kinh; sự kiện này xảy ra không lâu sau khi Nhật chiếm thành phố này vào ngày 12 tháng 12 năm 1937. Một ủy ban người Mỹ, Đức, Anh cùng 450 sĩ quan cảnh sát Trung Quốc đã thành lập vùng an toàn với 10 nghìn bao bột mì, 1.800.000 kg gạo và khoảng nửa triệu đôla cho quân Nhật mang đi. Suy nghĩ của nhóm “thân thiện” này là quân Nhật sẽ đến, nắm quyền kiểm soát và cuối cùng là áp đặt luật pháp cũng như các điều lệ.
Nhưng sau hai ngày chuyển giao quyền lực có vẻ như trật tự – chỉ bị gián đoạn do trộm cắp vặt, tấn công và hãm hiếp – đoàn xe tải chở tội ác đã tới nơi được gọi là vùng an toàn cho người tị nạn Trung Quốc. Lính Nhật chọn những phụ nữ trẻ trong đám đông đi “thẩm vấn”. Chúng đã hãm hiếp nhiều người trong số đó ngay trước mặt người thân và bạn bè họ, xong rồi ném họ lên thùng xe tải. Ban đầu, việc giết chóc còn diễn ra thưa thớt, về sau trở thành một việc làm có tổ chức. Đáng nói hơn cả là vụ mời quân thiếu úy tới làm những kẻ đầu tiên giết chết 100 người Trung Quốc.
Những phụ nữ đẹp được chọn cho phòng ngủ của bọn sĩ quan, kém sắc hơn thì đưa đến khu nhà ở của lính thường. Hãm hiếp tập thể diễn ra thường xuyên. Những bé gái bị đưa về nhà trong tình trạng điên cuồng sau một đêm bị cưỡng bức không ngừng. Nhiều em đã chết không lâu sau đó. Những việc làm khủng khiếp này đã được ghi chép tỉ mỉ, như câu chuyện sau: “Một phụ nữ Trung Quốc tới Bệnh viện Đại học. Cô và người chồng đã chuyển đến an toàn khu và sống trong một túp lều tranh gần Trường Đào tạo Người giảng Kinh thánh. Ngày 13 tháng 12, quân Nhật tới bắt người chồng đi và đưa người vợ tới Thành phố miền Nam và để cô ở đó. Mỗi ngày cô bị hiếp từ bảy đến mười lần và thường chỉ được ngủ khi đã khuya. Cô đã mắc ba căn bệnh lây qua đường tình dục cực kỳ nguy hiểm là giang mai, lậu và hạ cam. Cô được thả vì tình trạng bệnh tật. Sau đó, cô lại trở về vùng an toàn.”
Và tội ác đáng ghê tởm nhất cần phải kể tới là vụ lính Nhật hãm hiếp một cô bé 12 tuổi vào ngày 7 tháng 2 năm 1938. Cha mẹ cô bé mới chuyển nhà tới Ta Fang Hsiang ngày hôm trước. Người cha đưa cô bé trở về trại. Ông ta cho hay, cô bé đã bị xâm hại nghiêm trọng đến nỗi không thể bước đi và những chỗ bị thương trên cơ thể sưng phồng cả lên.”
Đã có tới 20 nghìn phụ nữ và thiếu nữ bị cưỡng bức ở Nam Kinh. Khoảng 100 nghìn lính Nhật đã giết hơn 200 nghìn người trong và ngoài thành phố. Mục đích của quân Nhật là gieo nỗi kinh hoàng vào tâm khảm tất cả người Trung Quốc, khiến họ thấy được sức mạnh vũ trang của Nhật và phải nể sợ sức mạnh ấy, để cuối cùng người Trung Quốc phải đầu hàng. Một chiến thuật cần tới sự tàn bạo và độc ác chưa từng có trong lịch sử cận đại. Bộ chỉ huy Nhật khuyến khích quân lính hãm hiếp và giết chóc tùy ý với mục đích làm mất hết nhân tính của đối phương: người Trung Quốc sẽ bị trừ khử không thương tiếc.
Công cuộc làm mất hết nhân tính người Trung Quốc của Nhật được tiến hành một cách có hệ thống. Từ vựng hàng ngày của lính và thậm chí cả sĩ quan Nhật là những ngữ phân biệt chủng tộc. Ví dụ, từ chankoro tương đương với từ “chink” (khe nứt) trong tiếng Anh, thường được dùng để ám chỉ lính hoặc dân thường Trung Quốc. Hino Ashihei, phóng viên người Nhật nổi tiếng nhất trong lĩnh vực tin tức chiến trường hàng ngày ở miền Bắc Trung Quốc đã viết: “Trước quân đội của chúng ta, họ là những con người yếu đuối không có khả năng tự vệ.”
Chính sách tàn bạo có dự tính của Nhật đối với người Trung Quốc không chỉ áp dụng với những người và lực lượng ủng hộ Tưởng Giới Thạch mà còn cả chính phủ dân tộc. Tháng 8 năm 1940, những cuộc tấn công liên miên đầu tiên của Hồng quân Trung Quốc do Trung đoàn 100 (thực chất là 155) thực hiện với sự chỉ huy của tướng Bành Đức Hoài đã giáng một đòn choáng váng khiến Nhật nhận ra lực lượng của mình đặt tại miền Bắc Trung Quốc quá gieo neo. Với phần lớn quân chiếm giữ ở các thành phố như Bắc Kinh và Thượng Hải, Nhật không thể tập trung thời gian và lực lượng ở vùng nông thôn. Mục tiêu của quân cộng sản là giác ngộ khu vực nông thôn, trang bị cho giai cấp nông dân Trung Quốc để họ chống lại sự xâm lăng của Nhật. Do không thể tăng cường quân ở những khu vực này, đặc biệt là ở phía nam Hà Bắc và Sơn Tây, Nhật đã dùng chính quân tay sai Trung Quốc để giết người Trung Quốc.
Cho tới tháng 12 năm 1940, Trung đoàn 100 đã có khoảng 1.800 lần tấn công nhỏ liên tiếp vào quân Nhật và tay sai người Trung Quốc. Hơn 22 nghìn Hồng quân thiệt mạng trong các vụ giao tranh còn bên Nhật có khoảng 20 nghìn lính và 23 nghìn quân tay sai người Trung Quốc bị chết.
Để ngăn chặn những cuộc tấn công chớp nhoáng từ phía Cộng sản Trung Quốc, chiến dịch “Tam trừ” (Giết tất cả, Đốt tất cả, Phá tất cả) của tướng Okamura Yasuji được tiến hành như một cuộc phản công ở vùng nông thôn Trung Quốc, với mục tiêu rõ ràng là buộc nông dân Trung Quốc phải phục tùng bằng cách làm nhụt ý chí của họ. Chiến thuật khá đơn giản. Nông dân trốn dưới hầm sẽ bị hun khí độc. Người nào bị bắt sẽ bị đưa tới Mãn Châu làm nô lệ lao động. Chiến lược tiêu thổ đã có hiệu quả. Toàn bộ làng mạc, bao gồm cả dân cư, vật nuôi, nhà cửa đều bị giết hết, phá hết. Tính đến tháng 10 năm 1940, Nhật đã giết hơn 4.500 nông dân và thiêu trụi 150 nghìn ngôi nhà.
Dù chiến đấu dũng cảm, Trung đoàn 100 cũng không thể chặn được lực lượng quân Nhật tàn phá vùng quê và chiếm thêm một phần sáu diện tích đất. Số người tử vong lên tới con số 30.789 người, ngoài ra còn 50 nghìn trường hợp bị thương hoặc chưa rõ tung tích.
Người Nhật chưa bao giờ chối cãi việc tiến hành chiến dịch tàn sát đối với người Trung Quốc. Họ cũng chưa bao giờ phủ nhận tội trạng cưỡng bức và giết chóc của binh lính thuộc Sư đoàn 16 dưới sự chỉ huy của tướng Natajima Kesago, đặc biệt là trong vụ Nam Kinh. Tuy nhiên, một nhà biện hộ người Nhật vẫn cho rằng hành động tàn bạo và tội ác đối với người Trung Quốc, đặc biệt là với phụ nữ chỉ là kết quả của áp lực tâm lý tồn tại trong cấu trúc giai tầng phân cấp thái quá của Nhật. Muruyama Masao, một giáo sư người Nhật còn viện cớ rằng đàn ông khi ở nhà chỉ là những con người bình thường nhưng đàn ông ở trong quân ngũ lại là “những cá thể đẳng cấp thứ hai”; khi đặt chân ra nước ngoài, họ thấy được vai trò mới của mình: với tư cách là thành viên trong lực lượng quân đội của hoàng đế, họ được gắn liền với giá trị tột đỉnh và vị trí quyền lực tối cao. Nếu xét từ bản chất xã hội Nhật Bản, những người này trước đó có cuộc sống thường dân hoặc quân ngũ và không có đối tượng nào để giải tỏa áp lực. Vì vậy, khi ở hoàn cảnh mới, họ dễ bị thôi thúc bởi một hành động tức thời để giải tỏa những áp lực của bản thân. Biểu hiện tàn ác của họ là một bằng chứng buồn về hệ thống mất cân bằng tâm lý của Nhật.”
Chỉ có điều sau khi dẫn ra chừng đó lý do, chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của người đứng đầu Nhật triều – Nhật hoàng Aluhito mùa thu năm 1992 cũng không đem lại kết quả gì nhiều hơn những lời sáo rỗng: ”Trong lịch sử quan hệ lâu dài giữa hai nước chúng ta, đã có một thời kỳ đáng buồn khi đất nước tôi gây ra nỗi thống khổ cho người dân Trung Quốc… Tôi vô cùng lấy làm tiếc vì điều đó.”
“Thời kỳ đáng buồn” này là giai đoạn Lý Gia Thành lớn lên ở Trung Quốc. Dù tuổi thơ tương đối phẳng lặng thì chiến tranh vẫn in một vết hằn trong tâm trí ông. Có lẽ cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi Lý rất hạn chế quan hệ với người Nhật trong suốt sự nghiệp kinh doanh của mình. Từ những năm tháng sống dưới ách thống trị Nhật, Lý vẫn còn lưu lại ký ức sống động về nỗi gian khổ của cha. Trong suốt quãng thời gian trưởng thành ở Trung Quốc, Lý Gia Thành được cha là Lý Vân Kinh nuôi dưỡng lòng căm thù sâu sắc đối với quân Nhật cướp nước. Cha cũng là người định hình cho ông những suy nghĩ về nghệ thuật kịch và thơ. Đây là một bài thơ hô hào nhân dân kháng chiến chống Nhật của Lý Vân Kinh:
Nhật là kẻ thù lớn
Đã ức hiếp chúng ta suốt mấy thập niên
Chúng chiếm đóng Đài Loan, tiêu diệt Triều Tiên
Chúng cướp các tỉnh miền Đông Bắc nước ta
Quân Nhật đã gây bao tội lỗi
Nhưng chúng không thể nào giết hết chúng ta
Hãy ủng hộ sức của, hãy đóng góp sức người
Chung lưng chống đế quốc Nhật.
Là một người ái quốc với tình yêu nước nồng nàn, Lý Vân Kinh cũng phải đối mặt với thực tế mà những thế hệ đi trước mình từng gặp phải, đó là tự do thoát khỏi áp bức và hoàn cảnh kinh tế chỉ cho một con đường duy nhất để sống và tồn tại. Quân Nhật với lực lượng hùng mạnh đã đánh chớp nhoáng vào những địa điểm nhỏ nhưng không kém phần quan trọng, những thành phố biển như Triều Châu. Sự tàn phá khủng khiếp của cuộc chiến tranh đã buộc trường học của Lý Vân Kinh phải đóng cửa và ông trở thành thất nghiệp. Năm 1939, ông đưa gia đình về vùng nông thôn sống với mấy người dì và chẳng bao lâu sau đã gặp phải cơn bĩ cực của cuộc đời. Khi mẹ sắp lâm chung, Lý Vân Kinh ngồi bên giường nói: “Con vừa mới mất việc và chưa biết phải làm gì để kiếm kế sinh nhai. Nếu gia đình đau ốm, con cũng không có tiền thuốc thang. Con là một kẻ tị nạn trong ngôi nhà của họ hàng. Cuộc đời thật buồn.”
Dù yêu quê hương, dù cậu con mười một tuổi Lý Gia Thành sắp vào trung học, Lý Vân Kinh vẫn xác định phải đưa gia đình tới nơi ở an toàn. Sau khi đưa cho cậu em tờ bạc một đôla để trang trải phần nào hậu sự cho mẹ, Lý Vân Kinh quyết định chọn Hồng Kông làm nơi cư trú tốt nhất cho gia đình. Mùa đông năm 1940, thời gian diễn ra chiến dịch thảm sát tận gốc của quân Nhật, Lý Vân Kinh cùng gia đình lên thuyền tới Hồng Kông. Sau một quãng đường biển dài, họ phải vất vả đi bộ nốt hành trình tới thuộc địa của Anh với tư cách là những người di cư nghèo nhưng đầy hy vọng.