Kinh doanh - đầu tư

Larry Page Và Google – Sắp Xếp Lại Hệ Thống Thông Tin Toàn Cầu

Larry Page va Google - NXB Tre1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nguyễn Ngọc Hoàng

Download sách Larry Page Và Google – Sắp Xếp Lại Hệ Thống Thông Tin Toàn Cầu ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH KINH DOANH – ĐẦU TƯ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

KIẾM TIỀN HAY PHỤNG SỰ XÃ HỘI?

Bộ sách mà bạn đọc đang cầm trên tay là kết quả của dự án nghiên cứu mang tên Đi tìm Đạo Kinh doanh của Việt Nam và Thế giới do Tổ hợp Giáo dục PACE thực hiện trong suốt 14 tháng vừa qua.

Chúng tôi đặt tên cho bộ sách này là Đạo Kinh doanh Việt Nam và Thế giới với mong muốn được chia sẻ cùng bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc doanh nhân và bạn đọc quan tâm đến kinh doanh, những kiến giải về hàng loạt các câu hỏi như: “Kinh doanh là gì?”, “Doanh nhân là ai?”, “Đâu là ‘đạo’ của nghề kinh doanh?” và “Tại sao kinh doanh là một nghề cao quý và xứng đáng được xã hội tôn vinh?”…

Đội ngũ chuyên gia của PACE cùng các cộng sự đã nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của 25 doanh nhân huyền thoại, đến từ 25 tập đoàn kinh doanh dẫn đầu trong những bảng xếp hạng doanh nghiệp trên toàn thế giới, nhằm tìm kiếm “cái đạo”, cái triết lý cốt lõi trong kinh doanh của họ. Mục đích là để lý giải xem vì sao họ là những người kiếm tiền nhanh nhất, kiếm tiền nhiều nhất và kiếm tiền bền vững nhất thế giới, đồng thời họ lại được xã hội đặc biệt kính trọng?

Phân tích từng chặng đường, từng mốc sự nghiệp, từng bước thăng trầm… của những huyền thoại doanh nhân này, chúng tôi đã đúc kết được những nét chung nhất, nói chính xác hơn, là những yếu tố khiến họ trở nên vĩ đại, trở thành những doanh nhân huyền thoại. Đó là sự khao khát, là niềm đam mê một cách mãnh liệt để sáng tạo, để đem đến thật nhiều giá trị mới cho cuộc sống và cho xã hội. Họ đã thực hiện được điều đó bằng việc cống hiến cả cuộc đời mình lẫn việc truyền đạt, dẫn đường cho hậu thế.

Trong lời đầu này của bộ sách, chúng tôi cũng muốn kể lại với quý vị một vài câu chuyện và một vài so sánh mà PACE luôn tự hào khi tìm thấy nó trong hành trình Khát vọng Doanh trí của mình trong suốt những năm vừa qua: Bà chủ một tiệm tạp hóa suốt ngày không vui vì buôn bán ế ẩm. Nhưng sau những ngày tháng nhìn vào “mắt” khách hàng, bà chợt nghĩ: “Sao tôi không là người giải quyết vấn đề nhu yếu phẩm cho cả xóm?”. Và mọi chuyện thay đổi. Từ đó, nhiều gia đình chưa khá giả trong khu phố có thể mua một, hai gói mì tôm (mà không cần phải mua cả thùng mì), một tép bột ngọt (mà không cần phải mua cả gói bột ngọt). Bà có thể mở cửa lúc mờ sáng hay nửa đêm, khi chẳng còn nơi nào bán hàng nữa để đáp ứng nhu cầu “hết chanh đột xuất” hoặc “nhà không còn nước mắm”. Hay hơn nữa, mọi người chỉ “xẹt” một hai bước chân là có ngay những vật phẩm cần thiết nhất cho gia đình. Lại thêm chuyện giá cả của bà so với chợ và siêu thị cũng chẳng chênh lệch là bao. Ai cũng đoán ra kết quả: cửa tiệm suốt ngày người ra kẻ vào, bà thì bán hàng luôn tay và cười nói luôn miệng. Không chỉ tiền lãi thu được tăng cao, mà bà còn có “lợi nhuận” lớn nhất là sự quý mến của mọi người dành cho một người biết kinh doanh như bà.

Câu chuyện thứ hai về một cơ sở sản xuất tủ sắt. Người ta thường mua tủ của cơ sở này về để đựng hồ sơ. Một cơ sở bé xíu rất đỗi bình thường thì liệu có mang trong người “sứ mệnh xã hội”? Trong một thời gian dài, cơ sở hoạt động cầm chừng, cho đến một ngày ông chủ của nó thay đổi cách nghĩ: tôi không “bán tủ sắt” nữa, mà sẽ “bán giải pháp lưu trữ hồ sơ văn phòng”. Từ đó, ông và đồng sự tiến hành nghiên cứu để tạo ra những cái tủ sao cho có thể chống được mối, mọt, chống thấm, ngăn tủ này thì có khóa kiên cố để đựng hồ sơ quan trọng, ngăn tủ khác thì không cần khóa để dễ kéo ra kéo vào… Ông cũng chịu khó đi đến các văn phòng để nghiên cứu màu sơn, thay đổi kích cỡ, kiểu dáng… Thế là sản phẩm của ông còn thêm tính năng làm đẹp cho cả văn phòng của các công ty. Chỉ sau một thời gian ngắn, cơ sở của ông đã lột xác và phát triển rất nhanh.

Như vậy, doanh nghiệp lớn hay nhỏ tùy thuộc vào vấn đề xã hội mà họ giải quyết được. Bà chủ tạp hóa của khu phố nọ cùng Sam Walton (ông chủ tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới Wal-Mart) đều giải quyết vấn đề mua sắm của xã hội thông qua việc mở cửa hàng bán lẻ. Họ chỉ khác nhau về phạm vi: xã hội của bà chủ tiệm tạp hóa là một khu phố, còn xã hội của Sam mang tầm cỡ thế giới.

Điều xã hội quan tâm không phải là doanh nghiệp đó kiếm được bao nhiêu mà là họ đã mang lại gì cho cộng đồng. Chẳng hạn, trong khi tỉ phú Nhật, Toyoda (“cha đẻ” của Toyota), với tinh thần ái quốc được người Nhật xem như anh hùng dân tộc thì tỉ phú Nga, Khodorkovsky (ông chủ của Yukos), ông ta là ai trong mắt dân Nga thì chỉ người Nga mới thấu rõ. Sự khác nhau này có lẽ do cách thức kiếm tiền của họ.

Nghề kinh doanh, xưa nay vẫn thường bị hiểu chỉ như là nghề “kiếm tiền”. Nhưng thực chất, không hề có nghề kiếm tiền, bởi nghề nào thì cũng kiếm tiền cả. Chẳng hạn, luật sư kiếm tiền bằng việc hành nghề luật, bác sĩ kiếm tiền bằng cách chữa bệnh cứu người… Và doanh nhân, người hành nghề kinh doanh, cũng kiếm tiền bằng cách lãnh đạo một doanh nghiệp và thông qua doanh nghiệp đó để giải quyết vấn đề hay đáp ứng nhu cầu nào đó của xã hội. Nhưng điều khác biệt của nghề kinh doanh là trong quá trình hành nghề của mình doanh nhân không hành động một cách đơn lẻ mà biết kiến tạo ra các chuỗi giá trị. Cụ thể hơn, họ nắm lấy một doanh nghiệp và tập hợp bên mình nhiều thành viên để cùng cộng hưởng lại nhằm hình thành một sức mạnh tổng lực, từ đó tạo ra nhiều giá trị hơn cho xã hội. Đó cũng chính là lý do mà nghề kinh doanh thường kiếm được nhiều tiền hơn so với những nghề khác và vẫn được cộng đồng xã hội ủng hộ.

Nghiên cứu 25 huyền thoại doanh nhân thế giới cho thấy, dù có quá nhiều sự khác biệt nhưng họ đều có chung một tư tưởng chủ đạo: “Kinh doanh là phụng sự xã hội”. Hay nói một cách đầy đủ hơn, “Kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội, bằng cách dùng sản phẩm hay dịch vụ như là phương tiện để giải quyết những vấn đề của xã hội và làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn”.

Cái “đạo” kinh doanh này đã được họ quán triệt ngay từ buổi đầu khởi nghiệp đầy gian khó cho tới lúc thành công. Và sự thật này cũng chính là lý do giúp họ kiếm tiền nhanh nhất, nhiều nhất, bền nhất, còn bản thân họ thì được xã hội tôn vinh, nể trọng, và rồi họ đi vào lịch sử kinh doanh thế giới như những huyền thoại, doanh nghiệp của họ cũng vĩ đại và trường tồn. Như vậy, với một tâm thế luôn hướng về cộng đồng, luôn khát khao làm cho xã hội quanh mình (có thể nhỏ gọn trong một ngôi làng hoặc rộng lớn bằng cả một hệ mặt trời) tốt đẹp hơn, chính họ, những doanh nhân (dù lớn hay nhỏ, dù “Tây” hay “Ta”, dù “cổ” hay “kim”) luôn được xã hội tôn vinh không phải vì số của cải khổng lồ họ kiếm được, mà vì những đóng góp vô giá của họ vào sự đổi thay của thế giới này.

Song song với những doanh nhân lẫy lừng của thế giới, điều khác biệt ở bộ sách này là chúng tôi đã khởi sự hành trình tìm kiếm những “huyền thoại doanh nhân Việt Nam” để, như một cố gắng, “định vị” xem ông cha ta ngày xưa đã khởi sự kinh doanh như thế nào. Và thật bất ngờ, trong lịch sử Việt Nam đã từng có những Lương Văn Can, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô… với những tư tưởng kinh doanh có thể gây ngạc nhiên cho đến tận bây giờ.

Nhìn “Tây” sẽ thấy “Đông”, soi “cổ” mà ngẫm tới “kim”, đó là điều mà chúng tôi, những người thực hiện bộ sách, mong muốn được chia sẻ. Bộ sách này cũng là một câu chuyện, một phác thảo cho bức tranh toàn cảnh sinh động và đầy màu sắc về doanh nhân thế giới – những doanh nhân làm thay đổi thế giới, và về một thế hệ doanh nhân tiền bối của Việt Nam cách đây gần một trăm năm lịch sử – một thế hệ doanh nhân mà đến ngày nay chúng ta vẫn có thể tự hào. Từ đó, những nỗ lực này sẽ góp phần hình thành văn hóa doanh nhân Việt, một bộ phận quan trọng trong văn hóa Việt Nam.

Chúng tôi xin được gửi lời tri ân trân trọng nhất đến những đồng nghiệp đã hỗ trợ tinh thần cho chúng tôi, đến các cá nhân và đơn vị đã sẵn lòng hỗ trợ thông tin, tư liệu trong quá trình nghiên cứu. Đặc biệt, chúng tôi muốn gửi lời cám ơn chân thành đến các tập đoàn hàng đầu thế giới do các doanh nhân huyền thoại sáng lập, cám ơn gia tộc họ Lương, gia tộc họ Bạch,… – hậu duệ của cụ Lương Văn Can, cụ Bạch Thái Bưởi… đã nhiệt tâm giúp đỡ chúng tôi trong suốt quá trình “đi tìm Đạo Kinh doanh của Việt Nam và Thế giới”. Việc triển khai dự án này từ khâu nghiên cứu đến thể hiện thành sách trong một thời gian không dài, cùng những khó khăn trong quá trình đi tìm tư liệu lịch sử về các nhân vật, chắc hẳn bộ sách sẽ khó tránh khỏi những sai sót nhất định. Do vậy, chúng tôi rất mong nhận được sự thông cảm cũng như những góp ý chia sẻ của bạn đọc gần xa về bộ sách để lần tái bản tiếp theo được hoàn thiện hơn.

Chúng tôi, PACE và Nhà xuất bản Trẻ, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bộ sách đầy tâm huyết này. Và chúng tôi cũng tin rằng, qua bộ sách này, bạn đọc sẽ có thêm kiến giải về “đạo kinh doanh”, để từ đó, tự mình đưa ra một định nghĩa cho nghề kinh doanh và tự mình khẳng định rằng, kinh doanh là kiếm tiền hay phụng sự xã hội!

Thay mặt Nhóm tác giả của bộ sách Giản Tư Trung – Người Sáng lập PACE Sài Gòn, Xuân Đinh Hợi, 2007

ĐỌC THỬ

GOOGLEPLEX – VIẾT LẠI VĂN HÓA DOANH NGHIÊP

Eric! Chúng ta chưa đủ tiệc tùng.
Larry Page
Buổi sáng ở California, nước Mỹ…

Chiếc Toyota hiệu Prius màu xanh da trời lướt nhẹ trên những con đường danh tiếng của thung lũng Silicon. Người ta bắt đầu đoán xem người thanh niên ngồi sau tay lái là ai. Larry Page hay Sergey Brin đến văn phòng làm việc của họ?

Chiếc Prius da trời sẽ ôm vòng theo con đường nhẹ nhàng vào khuôn viên tòa nhà có tên gọi là Googleplex – tổng hành dinh toàn cầu của Google Inc. Khi chủ nhân mở cửa bước ra thì những googler[1] sẽ biết đó là Page hay là Brin. Nhưng nhiều khi là cả hai. Lúc thì người này làm tài xế cho người kia. Khi thì tỷ phú này cầm lái cho tỷ phú nọ. Ai cầm lái không quan trọng. Vì họ là bạn của nhau – một tình bạn mà đã lắm lời đồn đoán về những chặng đường sóng gió. Nếu những hôm không có sự kiện gì đặc biệt, nhân viên thường thấy cả hai mặc trang phục sơ mi đen, quần bò và giày đế mềm. Hai chàng trai tỷ phú mà cả thế giới nhớ đến hàng ngày này vẫn có thói quen “xài đồ chung” như thuở hàn vi chưa xa lắm. Xin lưu ý giúp điều này: Họ thích dùng đồ chung được hiểu chỉ là trong công việc. Hồi năm rồi, họ cũng đã góp tiền mua chung một máy bay Boeing 767, tân trang nội thất lại để làm văn phòng bay khi cần thiết. Đến tận bây giờ, cả hai ông chủ vẫn ngồi chung một văn phòng ở tầng hai, trong tòa nhà danh tiếng nổi như cồn và gây ra lắm hoài nghi. Vì ở nơi này, họ đã xây dựng một nền văn hóa với cung cách quản trị lạ đời. Ở đây, họ sẽ chỉ huy và vạch ra một đường lối cho tất cả mọi việc diễn ra trên toàn cầu của tập đoàn. Điều hành cụ thể là tiến sĩ Eric Shmitde, tổng giám đốc; Larry Page, chủ tịch sản phẩm; Sergey Brin, chủ tịch kỹ thuật. Họ có hàng tá các giám đốc và các thủ lĩnh giám đốc tại các quốc gia. Riêng tại tổng hành dinh Google ở nước Mỹ, họ có khoảng một trăm tiến sĩ làm việc. Page 33 tuổi và Brin 32 tuổi. Cả hai đã bỏ học tiến sĩ dở dang.

Chiếc xe hé lộ chút manh mối về tính cách của cả hai, nhất là Page – người từ nhỏ đã ham thích phát minh. Có nhiều lý do để người ta thích dùng chiếc xe đời mới này. Thứ nhất, nó rất thời trang theo kiểu sang trọng, trẻ trung. Vì vậy, những ngôi sao điện ảnh cỡ như tài tử Leonardo di Caprio thích diện nó. Thứ hai, đây là loại xe của tương lai vì lẽ nó rất sạch cho môi trường, với động cơ lai ghép giữa điện và gas. Cả hai lý do đều thích hợp và làm cho Page thích cầm lái chiếc xe này. Năm 2007, Larry Page chỉ mới 34 tuổi, và nhìn vào lịch sử Google, người ta không còn lạ gì với những lựa chọn của Page – luôn theo hướng “làm cho thế giới tốt hơn”. Làm cho thế giới tốt hơn là ám ảnh từ thuở thơ bé của con người mà giờ đây đã trở thành thần tượng của giới trẻ trên thế giới. Và quan trọng hơn, họ được Page và thế hệ tài năng của Page nhóm một ngọn lửa: Page làm được, mình cũng sẽ làm được, theo mức độ.

Có mọi thứ giúp người ta tìm được sự dễ chịu ở đây. Sau những giờ suy nghĩ về các bản báo cáo trên màn hình máy vi tính, nếu vì mệt mỏi do một trong số một trăm dự án mà Google đặt ra, Page có thể rời phòng và đến bàn bi-da, có thể thấy các kỹ sư đang đi những đường cơ. Chẳng có gì ngạc nhiên. Google cho phép mọi người có 20% thời giờ hành chính để thư giãn, để nghĩ về các ý tưởng mới với cái đầu khỏe khoắn nhất. Nếu hứng thú, Page sẽ thử cầm cơ, còn không thì sang chỗ cà phê. Bên ngoài là nửa tá những khu cà phê luôn luôn treo cái bảng có dòng chữ: “Tech stop!” với kiểu chữ bay nhảy và nhiều màu sắc. Đã vào đây cà phê cà pháo, làm ơn dừng chuyện công nghệ lại nhé! Khu vực này được đặt tên theo tên gọi của đầu bếp trứ danh Charlie Ayer.

Không có đồng phục gì ở đây cả. Khi được hỏi về quy tắc ăn mặc theo kiểu của các tập đoàn lớn vẫn làm, CEO Schmidt của Google nói: “Nhân viên chỉ cần mặc cái gì đó là được rồi”. Những người có dịp vào tòa nhà nổi tiếng và có nhiều thứ gây tò mò này cảm nhận các kỹ sư giống như những sinh viên thiếu ngủ hoặc luộm thuộm theo gu giáo sư nhiều việc. Tiến sĩ CEO Eric có lần ngạc nhiên vì chẳng hiểu sao lại có cái trạm điện thoại trên hành lang mà bên trong không có cái điện thoại nào.

. Ông hỏi lớn “Ai mua cái này vậy?” nhưng hình như ai cũng bận làm việc nên không có câu trả lời nào. Rồi ông giải thích với phóng viên Adi Ignatius của tạp chí Times: “Cứ để mọi người nghĩ là chúng tôi ngớ ngẩn với xe tay gas và đèn lava[2] đi, giống như là chúng tôi bị sót lại của thời đại Internet vậy. Và nhờ vậy chúng tôi chẳng bị ai dòm ngó nhưng chính mấy cái ngớ ngẩn đó đã giúp chúng tôi thành công như mọi người biết”. Người đàn ông khiêm tốn này thỉnh thoảng cũng bộc lộ niềm tự hào. Trong khi đó, cũng trong tòa nhà này một hệ thống 10.000 máy chủ làm việc không ngừng, như mọi ngày của cỗ máy tìm kiếm google.

Page và Brin rất thích cái tên Googleplex. Nó là cách chơi chữ. Họ trộn tên công ty google – cũng là tên công cụ tìm kiếm – với chữ complex – sự rắc rối, phức tạp. Thật ý tứ: khi trộn cái phức tạp vào cỗ máy của họ, sự lộn xộn sẽ trở nên rõ ràng hơn. Khởi đầu, tám năm trước, họ đã mơ về một phép toán giúp con người sáng rõ khi nhảy vào thế giới Internet hỗn độn.

Trong tòa nhà này, nếu bạn thấy một cô nàng nào đó đi gội đầu hay một anh chàng leo lên bàn mát xa thì đừng ngạc nhiên. Thậm chí, ngoài hành lang một kỹ sư bất ngờ lướt ngón tay trên phím dương cầm, thay vì lướt phím máy tính.Và nếu bạn có con nhỏ thì đã có nhà trẻ của công ty đặt trong khuôn viên. Các bé sẽ yên tâm vì cha mẹ sẽ chẳng đến trễ vì… kẹt xe như ở Việt Nam. Như vậy, trách nhiệm làm cha làm mẹ của nhân viên được giúp chu toàn một phần ở đây.

Có điều là, dường như họ vẫn đang làm việc ngay khi tán gẫu trong quán cà phê. Họ “tech stop!” và đang mơ mộng về những việc đời thường nào đó chẳng dính dáng gì đến máy tính nhưng rất có thể chính họ nhận ra cả nhóm đang có một ý tưởng hay. Những ý tưởng như vậy sẽ được cả nhóm suy nghĩ nghiêm túc để một ngày không xa một kế hoạch sẽ đặt lên bàn của Page, để sau đó trở thành sản phẩm cho 60% số người trên thế giới dùng đến máy tìm kiếm Internet. Mọi thứ có ở Googleplex, cho mọi lúc nhưng không phải lúc nào các kỹ sư cũng cần đến. Vì họ bận làm việc!

Họ đang mải mê với máy vi tính hoặc đang trao đổi với đồng nghiệp ở đâu đó trên thế giới và để bao tử lướt qua buổi trưa, cho đến khi đói thì search thức ăn trong không gian của Googleplex. Điều có thể làm bạn khoái nhất có lẽ là ăn uống miễn phí cả ngày! “Cần có thức ăn cho mọi người trong công ty là quyết định quan trọng bậc nhất của chúng tôi”, Brin nói.Trong Googleplex, các googler có đủ thoải mái cá nhân và thừa tự hào tập thể để tự thỏa mãn mình bằng cách làm việc cho đã đời.

Tổng hành dinh đầy màu sắc ở số 1600 đại lộ Amphitheatre, Mountain View, bang California, đã để lại dấu ấn của nó tại các trụ sở khác trên thế giới, từ Anh sang Canada hay từ Úc qua Ấn Độ. Tòa nhà là một phần văn hóa vật thể doanh nghiệp của Google Inc.

Cung cách quản trị khác thường ở đây làm nhiều nhà phân tích khó chịu nhưng lạ thay, ngay cả những nhà báo “nguyên tắc” cũng rất thường viết bài về nó nhưng rốt cuộc chẳng tìm kiếm được bằng chứng để thấy nó có tính phá hoại hay cẩu thả.

Cho dù bị gọi là “chủ nghĩa lý tưởng”, song dù sao, mỗi ngày Page vẫn vào phòng làm việc và nhìn xem thế giới có tốt hơn như mình mong muốn không.

Cộng tác viên David Sheff của Playboy, sau cuộc gặp gỡ với những nhà sáng lập ra Google tại khu xưởng Googleplex, đã tả lại: “Nơi này không giống với hầu hết các văn phòng làm việc khác, nào là nước trái cây Odwalla miễn phí, những món đồ chơi ngẫu hứng, bàn bi-da, khuôn viên rộng với từng hàng xe đạp và mô-tô xếp ngay ngắn và một nhân viên mát xa tại chỗ”.

Sheff kể: “Khi tôi đến nơi, Brin lúc này đang vui vẻ lắm, mồ hôi nhễ nhại vì chơi bóng chuyền trong một phòng lộ thiên rộng lớn. Bị lôi đi với đôi chân trần, anh vẫn suy nghĩ thật sự nghiêm túc về những câu hỏi trong khi ngọ nguậy chiếc nĩa vào phần xà lách. Trong suốt buổi nói chuyện của chúng tôi, Brin và Page – anh này có mang giầy – không hề ngồi xuống ghế. Thay vì vậy, họ lại đứng, hay dựa lưng rồi lại leo lên ghế hoặc ung dung đi quanh phòng họp. Rõ ràng không thể nào có thể ngồi yên khi bạn đang cuốn mình vào một thế giới luôn luôn biến đổi”.

Trong căn phòng của cặp đôi, biểu tượng của công nghệ thông tin và của giới trẻ, họ tiếp tục lãnh đạo công ty của họ (và của cổ đông, kể từ ngày niêm yết) theo cách khác thường. Họ đã mơ một công ty khác biệt như Page công bố trong ngày lên sàn, trước các cổ đông “Google là công ty không làm theo cách cũ”. Trước khi Eric đến nhận chức giám đốc điều hành, CEO Page đã chọn cách quản lý cho nhân viên đi làm nên đem theo chó cưng, để thấy thoải mái hơn. Họ vừa nhận sự ngưỡng mộ và học hỏi của thiên hạ vừa nhận về mình một thế giới riêng khó chia sẻ vì bị cho là “điên”. Nói gì thì nói, sự thật là có một nghìn người đã trở thành triệu phú đôla nhờ vào việc mua cổ phiếu khi Google bước vào Phố Wall, năm 2004.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button