Kinh doanh - đầu tư

Kinh tế Trung Quốc – Những rủi ro trung hạn

Kinh te Trung Quoc nhung rui ro trung han - Dang cap nhat1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả :  Đang cập nhật

Download sách Kinh tế Trung Quốc – Những rủi ro trung hạn ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  SÁCH KINH DOANH

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

 

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Kinh tế Trung Quốc sau khi tiến hành chuyển đổi năm 1978 đã bước vào một giai đoạn tăng trưởng liên tục với tỉ lệ tăng trưởng bình quân trong vòng 30 năm lên tới 9,6%. Tỉ lệ tăng trưởng này nhanh chóng đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai trên thế giới và những gì mà quốc gia này thực hiện được về kinh tế xứng đáng được gọi là một điều thần kỳ – như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan v.v… đã đạt được trong quá khứ. Các mục tiêu tăng gấp đôi GDP sau mỗi 10 năm mà Đặng Tiểu Bình đưa ra đều được hoàn thành trước thời hạn. Năm 1952, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ là 4,55 USD, đến năm 2011, bình quân mỗi người Trung Quốc có mức thu nhập 5.400 USD. Dựa trên số liệu thống kê GDP thế giới trong 1000 năm qua của Madison, có thể nói không hề phóng đại rằng những gì mà Trung Quốc đạt được trong hơn 30 năm chuyển đổi kinh tế vừa qua bằng đúng những gì mà dân tộc này đã làm trong suốt cả 1000 năm trước đó gộp lại. Con số so sánh này để thấy mức độ thay đổi mà Trung Quốc đã đạt được nhờ vào việc thực hiện chuyển đổi kinh tế “dò đá qua sông”, lấy thí điểm để tìm tòi hướng đi đúng cho từng lĩnh vực cải cách. Cải cách theo phương thức này có thể giúp Trung Quốc tránh được những cú sốc nhưng không thể tránh được những cải cách mang tính nền tảng như vấn đề mô hình phát triển kinh tế, cải cách quyền tài sản, vấn đề cải cách kinh tế đi liền với chuyển đổi về chính trị, các vấn đề xã hội v.v… Khi tất cả những trở ngại này chưa được giải quyết một cách căn bản, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực.

Trong vòng năm năm trở lại đây, kinh tế, chính trị Trung Quốc đã đối diện với nhiều tình hình mới rất đáng chú ý. Về chính trị, Trung Quốc đã thực hiện sự chuyển giao quyền lực chóng vánh từ thế hệ lãnh đạo thứ tư sang thế hệ thứ năm. Đại hội XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2002) chứng kiến sự chuyển giao quyền lực từ thế hệ lãnh đạo thứ ba do Giang Trạch Dân đứng đầu sang thế lãnh đạo thứ tư do Hồ Cẩm Đào đứng đầu. Đóng góp trực tiếp cho sự phát triển của Trung Quốc mà Hồ Cẩm Đào thực hiện trong hai nhiệm kỳ lãnh đạo của mình là việc đề xuất “Quan điểm phát triển khoa học”. Tại Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2012), “Quan điểm phát triển khoa học” đã được Báo cáo Chính trị xếp ngang với “Tư tưởng Mao Trạch Đông”, “Lý luận Đặng Tiểu Bình”, “Thuyết Ba đại diện”.

Về mặt kinh tế, kể từ khi thế giới đương đầu với khủng hoảng tài chính – tiền tệ năm 2008, kinh tế Trung Quốc lập tức đối diện với thử thách thực sự, khi những chấn động bên ngoài nhanh chóng thâm nhập vào nền kinh tế đã mở cửa và hội nhập sâu vào đời sống kinh tế thế giới. Những bất cập của mô hình tăng trưởng hướng ra xuất khẩu nhanh chóng bộc lộ điểm yếu.

Nhóm tác giả đã tiến hành những nghiên cứu định lượng, dựa trên số liệu và bằng chứng về các vấn đề kinh tế Trung Quốc trong 5 năm qua và đánh giá triển vọng nền kinh tế này trong vòng 5 năm tới. Với nhan đề Kinh tế Trung Quốc – Những rủi ro trung hạn, cuốn sách mong muốn truyền đi thông điệp rằng các vấn đề mà kinh tế Trung Quốc đang phải đối diện hiện nay cũng như trong tương lai gần không chỉ còn mang tính những thách thức, mà đã trở thành những rủi ro. Khả năng “quản trị rủi ro” của chính phủ mới sẽ quyết định đến sự phát triển bền vững của kinh tế Trung Quốc. Cuốn sách được bố cục theo ba phần. Phần 1, phân tích về những vấn đề chung của kinh tế Trung Quốc trong vòng 5 năm vừa qua (2008 – 2012), bao gồm Chương 1 và Chương 2. Phần 2, nghiên cứu về những rủi ro trong lĩnh vực tài chính tiền tệ, và bất động sản có liên quan đến chiến lược đô thị hóa kiểu mới của Trung Quốc, bao gồm từ Chương 3 đến Chương 6. Phần 3, các vấn đề dân số – lao động – xã hội, gồm các Chương 7, Chương 8 và Chương 9.

KINH TẾ TRUNG QUỐC SAU KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH – TIỀN TỆ THẾ GIỚI 2008 – NHỮNG MẦM MỐNG RỦI RO

Các tác giả đã chỉ ra mối liên hệ giữa những rủi ro đang hình thành trong nền kinh tế Trung Quốc hiện nay với những chính sách kinh tế mà chính phủ tiền nhiệm thực hiện. Cụ thể, các tác giả cho rằng, để ứng phó với khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới năm 2008, chính phủ Trung Quốc đã lựa chọn giải pháp tung gói kích cầu có quy mô lớn. Tuy nhiên, việc bơm thẳng gói kích thích này vào nền kinh tế thông qua hệ thống NHTM đã ẩn chứa những mầm mống của sự rủi ro cho giai đoạn phát triển về sau. Đối với hệ thống tài chính ngân hàng của Trung Quốc, việc cho vay với quy mô lớn và các tiêu chuẩn cho vay được hạ thấp đã làm gia tăng tính thiếu ổn định và lành mạnh của hoạt động tín dụng, gắn liền với đó là khả năng gia tăng nợ xấu. Đối với lĩnh vực bất động sản, khi một lượng lớn tín dụng của NHTM đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và sự hăng hái đầu tư của chính quyền địa phương đã mở đầu cho một giai đoạn tăng trưởng nóng về quy mô đầu tư, giá cả cũng như diện tích trong một thời gian ngắn. Hiển nhiên, trong giai đoạn này, giá cả đã kích thích hoạt động đầu cơ nhưng không có lợi cho việc giải quyết nhu cầu thực tế của người dân. Khi thị trường bất động sản đã hình thành bong bóng rõ nét, các chính sách kiểm soát có phần quá chặt của chính phủ đã khiến không chỉ hệ thống NHTM, công ty đầu tư bất động sản hay hộ gia đình rơi vào khó khăn mà ngay cả chính quyền địa phương cũng lâm vào tình trạng tương tự. Đối với vấn đề nợ công của chính quyền địa phương, gói kích thích kinh tế 4.000 tỉ RMB cũng góp phần nâng cao tỉ trọng đầu tư giai đoạn hậu khủng hoảng 2008, đặc biệt, đã kích thích hoạt động chi tiêu của chính quyền địa phương vào lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản. Điều này dẫn đến quy mô vay nợ của chính quyền địa phương các cấp tại Trung Quốc tăng chóng vánh trong vòng 4-5 năm, dẫn đến những rủi ro trong việc thanh toán các khoản nợ đáo hạn. Cuối cùng, một rủi ro không thể không tính tới là rủi ro từ việc thực hiện chiến lược phát triển mới. Khi Trung Quốc bước vào giai đoạn phát triển của thế hệ lãnh đạo mới, sự xuất hiện của ý tưởng về việc dựa vào chiến lược đô thị hóa kiểu mới để vực dậy sự tăng trưởng của nền kinh tế đã bị suy giảm rõ rệt của Trung Quốc trong thời gian 2012 – nửa đầu năm 2013 đã lập tức làm bùng lên những lo ngại về việc một đợt bùng nổ đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư bất động sản và vay nợ để thực hiện chiến lược đô thị hóa kiểu mới của chính quyền địa phương sẽ khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này rơi vào tình trạng mất kiểm soát.

Còn nữa…

ĐỌC THỬ

KINH TẾ THẾ GIỚI 2010 – 2015 VÀ TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI KINH TẾ TRUNG QUỐC

Trong chương này, các tác giả tập trung vào đánh giá tác động của khủng hoảng tài chính tiền tệ 2008, khủng hoảng nợ công châu Âu 2010 và tình hình phát triển của một số nền kinh tế chủ chốt đối với kinh tế Trung Quốc. Các tác giả nhận định rằng, về cơ bản, bối cảnh kinh tế toàn cầu giai đoạn hậu khủng hoảng có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực cho kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là cho quá trình tái cơ cấu kinh tế. Dòng vốn từ bên ngoài dồi dào, dịch chuyển sản xuất trong khu vực tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu từ các nền kinh tế đang nổi và đang phát triển mở rộng vững chắc, tiếp cận công nghệ và thị trường ở các nền kinh tế phát triển dễ dàng hơn. Mặc dù vậy, hậu khủng hoảng 2008 – 2009, kinh tế Trung Quốc cho đến nay đang trong rủi ro “hạ cánh cứng”, với tốc độ tăng trưởng suy giảm nhanh chóng và bất ổn vĩ mô ngày một gia tăng, đặc biệt trên thị trường tài chính và thị trường bất động sản. Điều này một phần là hậu quả của những tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài, song chủ yếu nằm ở khả năng điều hành và mức độ quyết liệt đến đâu trong triển khai tái cơ cấu kinh tế của chính phủ Trung Quốc. Trong trung hạn, các yếu tố bên ngoài sẽ tiếp tục có nhiều ảnh hưởng tới tình hình kinh tế Trung Quốc, trong đó quan trọng và chủ yếu nhất là chính sách tiền tệ của Mỹ, khả năng phục hồi tăng trưởng ở châu Âu và xu hướng hội nhập khu vực thời gian tới ở Đông Á. Dù còn nhiều rủi ro song các yếu tố bên ngoài được đánh giá đang ở trong xu thế tích cực, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế Trung Quốc.

MỘT SỐ RỦI RO CỦA HỆ THỐNG NGÂN HÀNG TRUNG QUỐC (TỪ NĂM 2003 ĐẾN NAY)

Trong chương này, nhóm tác giả dựa trên việc đánh giá toàn diện về các lĩnh vực của hệ thống tài chính tiền tệ Trung Quốc để trả lời câu hỏi quan trọng nhất vào thời điểm hiện nay: hệ thống tài chính tiền tệ của Trung Quốc có đang trong tình trạng rủi ro hay không, nếu có thì là bao nhiêu? Để trả lời câu hỏi này, nhóm tác giả đã lần lượt đánh giá mức độ rủi ro về tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro từ cơ cấu quản trị, rủi ro từ suy thoái kinh tế bên ngoài của toàn bộ hệ thống tài chính tiền tệ Trung Quốc. Các tác giả cho rằng, vấn đề lớn nhất của hệ thống ngân hàng Trung Quốc là tăng trưởng tín dụng quá mức trong nhiều năm liền. Điều này nếu không kết hợp với một chính sách đầu tư và quản lý phù hợp thì mặc dù tăng trưởng có thể đạt ở mức khá nhưng về lâu dài sẽ đẩy nền kinh tế rơi vào tình trạng tăng trưởng nóng dựa trên nguồn vốn tín dụng. Khả năng thanh khoản và các vấn đề về huy động tiền gửi của hệ thống ngân hàng Trung Quốc giảm liên tục cho thấy tính ổn định trong nguồn tiền huy động của hệ thống ngân hàng không cao, rủi ro thanh khoản đã bắt đầu hiện hữu. Hoạt động “ngân hàng mờ” đang là vấn đề nổi cộm trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Vấn đề quản trị công ty và quy định pháp lý về quản trị đóng vai trò quan trọng trong việc cải cách hệ thống ngân hàng Trung Quốc và quyết định tới hiệu quả hoạt động của hệ thống này. Chế độ xã hội và đặc điểm của các tổ chức kinh tế, chính trị của mỗi quốc gia có ảnh hưởng tới cách tiếp cận trong cải cách và phát triển hệ thống ngân hàng, từ đó ảnh hưởng tới hiệu quả và mức độ rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Rất nhiều khoản nợ của Trung Quốc không hiển thị trong hệ thống ngân hàng và bản chất cơ chế vốn của Trung Quốc và sự liên quan nhiều tới thặng dư tài khoản vãng lai. Trên cơ sở phân tích và đánh giá đó, nhóm tác giả kết luận hệ thống ngân hàng Trung Quốc ở trong tình trạng tiềm ẩn nhiều rủi ro với ước lượng tỉ lệ nợ xấu của nhóm tác giả là 5% – 8%, nhưng vẫn có thể chống đỡ được các cú sốc nếu chính phủ giám sát chặt chẽ và có biện pháp ứng phó kịp thời.

NHỮNG THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI CỦA ĐÔ THỊ HÓA KIỂU MỚI ĐỐI VỚI TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRUNG QUỐC

Trong chương này, tác giả tập trung nghiên cứu về lịch sử của quá trình đô thị hóa tại Trung Quốc từ năm 1949 đến nay và phân tích về các cơ hội, thách thức đối với kinh tế Trung Quốc nếu theo đuổi chiến lược đô thị hóa kiểu mới. Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu đưa ra kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc nội trong 10 năm tới. Mục tiêu của kế hoạch này là sẽ đạt được tỉ lệ đô thị hóa 70%, điều này đã mang đến rất nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc. Trên cơ sở tổng kết những bài học kinh nghiệm từ ba lần đô thị hóa tại Trung Quốc, tác giả chỉ ra rằng muốn thúc đẩy quá trình đô thị hóa cần một chiến lược đô thị hóa phù hợp với tiến trình của quốc tế, tránh được những biến động lớn và tổn thất mà con người mang lại cho kinh tế, xã hội. Tác giả đã phân tích 8 vấn đề cơ bản mà đô thị hóa kiểu mới sẽ phải đối diện. Đó là (i) đất đai, (ii) hệ thống đăng ký hộ khẩu, (iii) nhà ở, (iv) môi trường, (v) giao thông đô thị, (vi) việc làm và ngành công nghiệp đô thị, (vii) hệ thống dịch vụ công cộng đô thị và (viii) chi phí của việc biến một cư dân nông thôn thành cư dân thành thị. Đợt đô thị hóa mới này được bắt nguồn từ một kế hoạch đầy quyết tâm và hứng khởi của chính phủ, cũng vì lý do đó mà thách thức lớn nhất của đô thị hóa lại là từ phía chính phủ, còn cơ hội lớn nhất của đợt đô thị hóa mới đến từ sự vươn lên mạnh mẽ của các thành phố mới nổi. Do gặp phải hạn chế từ tính xác thực của số liệu và sự biến động của tương lai nên bài viết này không triển khai sâu thêm nghiên cứu thực chứng. Thông qua những phân tích số liệu và những quan điểm cơ bản mà bài viết đưa ra, tuy còn nhiều thiếu sót nhưng cũng có thể giúp ích phần nào cho những người muốn tìm hiểu về sự chuyển đổi của kinh tế Trung Quốc.

RỦI RO VỀ NỢ CÔNG VÀ NỢ CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG TỪ CHIẾN LƯỢC ĐÔ THỊ HÓA KIỂU MỚI

Trong chương này, các tác giả đã nghiên cứu về các rủi ro mà việc theo đuổi chiến lược đô thị hóa kiểu mới cũng như cách thức tăng trưởng kinh tế theo diện rộng có thể tạo ra đối với kinh tế Trung Quốc, biểu hiện dưới hình thức các khoản nợ công – đặc biệt là nợ của chính quyền địa phương. Tỉ lệ đòn bẩy tài chính của Trung Quốc đã tăng lên mức 150% GDP, chỉ trong vòng 5 năm (2008 – 2012), tỉ lệ này đã tăng 30 điểm phần trăm. Nghiên cứu của các tác giả cho thấy, tốc độ vay nợ của địa phương tăng nhanh chỉ trong vòng 5 năm (2008 – 2012) kể từ sau khi gói kích thích 4.000 tỉ RMB được đưa vào nền kinh tế là một rủi ro. Tỉ lệ nợ chưa quá cao so với nhiều nước phát triển trên thế giới nên được coi là rủi ro ở mức độ thấp, nhưng chiến lược đô thị hóa kiểu mới với nhu cầu về đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu của hơn 1 tỉ cư dân đô thị vào năm 2020 có thể tạo ra vòng xoáy vay nợ mới của chính quyền các cấp với tốc độ gia tăng nợ nhanh hơn cả giai đoạn 2008 – 2012. Bên cạnh đó, sự khuyết thiếu một thể chế giám sát, kiểm soát đối với hoạt động vay nợ thông qua phát hành trái phiếu của địa phương; việc địa phương sử dụng các khoản vay ngắn hạn để đầu tư cho các dự án dài hạn đều làm gia tăng mức độ rủi ro hiện có. Việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu sẽ là lựa chọn tất yếu và có hiệu quả hơn so với việc chính quyền địa phương huy động vốn từ hệ thống ngân hàng như hiện nay thông qua một hệ thống trung gian là các công ty tín thác và đầu tư. Trước hết, việc phát hành trái phiếu cho phép chính quyền địa phương tự chủ trong việc huy động vốn và không gây ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của chính phủ Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc phát hành trái phiếu sẽ làm tăng mức độ minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình khi giá cả trái phiếu liên quan đến xếp hạng tín nhiệm của chính quyền. Để đảm bảo mức độ lành mạnh của hệ thống tài chính cũng như kiểm soát được rủi ro từ hoạt động vay nợ của chính quyền địa phương, Trung Quốc cần hình thành được một khung khổ thể chế nhằm minh bạch và chuẩn hóa hoạt động vay nợ của địa phương. Chẳng hạn, ban hành chế độ trách nhiệm tài chính nhằm hạn chế việc vay nợ hoặc vay và chi tiêu ngoài ngân sách. Đồng thời, do mục đích các khoản vay của sàn huy động vốn địa phương chủ yếu được dùng cho mục đích phát triển cơ sở hạ tầng nên hoạt động chi đầu tư của các sàn này (cụ thể là các công ty hoạt động trên “sàn”) cần đưa vào chiến lược đầu tư công chung của Trung Quốc.

NHỮNG RỦI RO TỪ THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN

Trong chương này, các tác giả đã phân tích tình hình phát triển thị trường bất động sản Trung Quốc trong thời gian 5 năm qua, trên cơ sở chính phủ Trung Quốc có thể sẽ đẩy mạnh thực hiện chiến lược đô thị hóa kiểu mới, các tác giả phân tích về những rủi ro tiềm ẩn trên thị trường này. Những rủi ro chủ yếu đối với thị trường bất động sản đến từ (i) giá cả; (ii) cân bằng cung – cầu về diện tích; (iii) chương trình nhà ở xã hội khó có thể tác động đến giá cả trên thị trường nhà ở thương mại nhưng có thể làm ảnh hưởng đến thu ngân sách của địa phương; (iv) các điều tiết hành chính có thể bị vô hiệu hóa. Về mặt giá cả, có thể khẳng định gói kích thích kinh tế 4.000 tỉ RMB đã tạo ra bong bóng giá bất động sản tại Trung Quốc. Để xác định giá nhà có hình thành bong bóng hay không, thông thường một số tiêu chí vẫn được xem xét như (i) mức độ tăng giá nhà; (ii) tỉ lệ giá nhà/thu nhập khả dụng. Việc xem xét cả hai tiêu chí này cho thấy, tại 35 thành phố chủ chốt của Trung Quốc, giai đoạn 2009 – 2011 đã hình thành bong bóng. Trong trung hạn (1 – 5 năm tới) khi giá nhà tiếp tục tăng lên do tác động của việc chính phủ nới lỏng tín dụng cho bất động sản và hiệu ứng lan tỏa từ quyết định thực hiện chiến lược đô thị hóa kiểu mới, có thể Trung Quốc sẽ lại can thiệp để hạ nhiệt trên thị trường này đồng thời thúc đẩy sự phát triển của nhà ở xã hội và nhà cho người thu nhập thấp. Những biện pháp này về cơ bản đều có tác dụng tích cực trong việc bình ổn thị trường. Nhưng việc quá coi trọng các biện pháp hành chính (như các lệnh hạn chế mua, hạn chế tín dụng) không thể giải quyết tận gốc những nhân tố căn bản đã hình thành nên làn sóng đầu tư bất động sản. Bên cạnh đó, cách làm này có thể dẫn đến rủi ro về việc can thiệp hành chính quá mức hoặc can thiệp hành chính không đủ. Những quan ngại về việc giá nhà đã hình thành bong bóng cần được chú ý tại các thành phố chủ chốt vốn có giá nhà tăng cao hơn so với thu nhập như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Hàng Châu v.v… Một làn sóng đầu cơ sẽ thực sự định hình khi giá nhà tại các đô thị loại II và III tiếp tục tăng mạnh hơn so với mức tăng giá nhà tại đô thị loại I. Khi giá nhà tăng cao và kiểm soát đối với thị trường này dẫn đến những méo mó, điều này có thể làm suy giảm lao động tại ngành xây dựng và các ngành có liên quan. Nhu cầu trong nước (bao gồm cả tiêu dùng) cũng sẽ suy giảm. Đối với hệ thống tài chính tiền tệ, khi nguồn vốn bị đọng vào bất động sản và trở thành nợ xấu thì hoạt động tín dụng trong tương lai dành cho khu vực kinh tế này sẽ bị thu hẹp, đi kèm với đó là đầu tư và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong trung hạn cũng chịu ảnh hưởng. Đối với thế giới, điều này có nghĩa là nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ giảm sút. Để hạn chế những rủi ro này, Trung Quốc có thể sẽ phải tập trung vào việc loại bỏ các nhân tố gây nên cầu nhà ở giả tạo tại thành thị, kiểm soát nhu cầu nhà ở tại khu vực đô thị cũng như đẩy nhanh tốc độ xây dựng chương trình nhà ở xã hội. Khi Trung Quốc bắt đầu thực hiện việc di dân với quy mô 250 triệu người trong tương lai, đây sẽ là một thử thách không nhỏ về việc lựa chọn cách thức thực hiện với chính phủ. Ngoài ra, cũng cần chú trọng về tiêu chuẩn cho vay tín dụng cũng như hệ thống đánh giá, quản trị rủi ro trong hệ thống NHTM. Về cân bằng cung – cầu, cầu diện tích nhà ở đang vượt quá khả năng cung – với giả thiết 250 triệu người sẽ trở thành cư dân thành thị trong vòng 10 – 15 năm tới. Việc mở rộng cung diện tích vừa chịu sự ràng buộc của việc làm suy giảm nguồn cung đất nông nghiệp vừa chịu sự ràng buộc của ngân sách dành cho khai thác và sử dụng đất phi nông nghiệp. Đối với các tỉnh Trung Quốc – đang chìm trong các khoản nợ gia tăng với tốc độ nhanh – điều này hàm ý rằng một sự vận động chính sách để chính phủ Trung Quốc thông qua luật cho phép địa phương tự phát hành trái phiếu huy động vốn sẽ được đẩy mạnh. Nhưng kể cả khi điều này thành hiện thực, nó sẽ đi liền với một rủi ro cần kiểm soát khác – tốc độ gia tăng và khả năng trả nợ của địa phương.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button