Kinh doanh - đầu tư

Kinh Nghiệm Thành Công Của Ông Chủ Nhỏ

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Lão Mạc

Download sách Kinh Nghiệm Thành Công Của Ông Chủ Nhỏ ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Kinh doanh

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI TỰA

Sau khi cuốn sách Kinh nghiệm thành công của ông chủ nhỏ đầu tiên của tôi được phát hành, không ngờ chỉ trong vòng nửa năm đã có tới hơn một triệu lượt truy cập trên mạng, rất nhiều độc giả để lại lời nhận xét, cảm ơn vì cuốn sách đã giúp công việc kinh doanh của họ khởi sắc. Nói thật, những lời nhận xét đó chính là nguồn động viên lớn nhất đối với tôi, khiến tôi cảm thấy vui hơn cả việc số lượng bản in trong nửa năm đã tăng lên không ngừng, bởi xét cho cùng thì tôi không phải một nhà văn chuyên viết sách, việc ra sách chỉ là niềm vui và cũng là sự tổng kết những trải nghiệm trong cuộc đời của tôi.

Những điều tâm đắc và những trải nghiệm của tôi phần lớn là tự lượm lặt, chúng có thể khác xa những tài liệu MBA bạn từng đọc. Tôi luôn cảm thấy kì lạ vì những người đã từng học MBA ở Trung Quốc thường chỉ có thể trở thành giám đốc bộ phận chứ không thể làm ông chủ. Những người được xếp vào hạng “Ông chủ lớn” chắc chắn không phải người bình thường mà đều là những bậc “tinh anh”. Sự “tinh anh” này không phải là thứ có thể học được trong nhà trường mà chỉ có thể tích lũy trên trường đời mà thôi.

Hi vọng sau khi đọc cuốn sách này, các bạn có thể biến trải nghiệm của tôi thành trải nghiệm của các bạn, giúp các bạn rèn luyện sự “tinh anh” cho mình. Tôi không hề phản đối các bạn học MBA vì chính tôi cũng đã từng học MBA, điều đó có thể giúp chúng ta hệ thống hóa những kiến thức kinh doanh, kiến thức quản lí và suy ngẫm vấn đề một cách toàn diện hơn.

Có một độc giả gửi thư điện tử cho tôi nói rằng, trong lúc chờ lên máy bay, anh ta đã tiện tay chọn cuốn sách của tôi và đọc thử, trong bụng vốn nghĩ rằng đây chỉ là cuốn sách viết cho những người kinh doanh nhỏ như bán bánh nướng, bán đậu phụ thối ngoài đường, không ngờ sau khi đọc kĩ mới thấy, cuốn sách này không chỉ có ích cho những ông chủ nhỏ mà còn hữu ích với cả những ông chủ lớn, thế là anh ta quyết định mua sách về nhà đọc. Tôi xin giải thích một chút, tại sao tôi lại đặt tên cho cuốn sách này là Kinh nghiệm thành công của ông chủ nhỏ: Theo tiêu chuẩn phân loại doanh nghiệp của Chính phủ, trừ những doanh nghiệp bán lẻ, cho thuê chỗ ở hoặc phục vụ ăn uống thì tất cả những doanh nghiệp có doanh thu dưới 300 triệu tệ một năm đều được coi là những “ông chủ” nhỏ. Ngoài ra tôi còn nghĩ rằng, doanh thu nhiều hay ít chỉ là một trong các tiêu chuẩn đánh giá về doanh nghiệp vì có những doanh nghiệp tuy làm ăn lớn nhưng cơ cấu doanh nghiệp và phương thức kinh doanh vẫn mang dáng dấp những ông chủ nhỏ, chính vì thế, tôi gọi họ là những ông chủ nhỏ.

Cuốn sách Kinh nghiệm thành công của ông chủ nhỏ trước đây chủ yếu tập trung vào quản lí tài chính và kiểm soát lưu chuyển tiền tệ. Sau khi xuất bản, rất nhiều độc giả góp ý rằng họ muốn biết thêm về những bí quyết và chiến lược kinh doanh nên tôi đã viết thêm một cuốn sách với nội dung khác biệt, chú trọng vào những kinh nghiệm kinh doanh của tôi cũng như bạn bè, có thể sẽ giúp ích được nhiều hơn cho những bạn trẻ đã và đang dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh.

Trong cuốn sách này, trước tiên tôi nêu ra tình huống, sau đó đi sâu phân tích, đưa ra những luận điểm về những tình tiết quan trọng trong câu chuyện và có đề cập tới những lĩnh vực có thể ứng dụng luận điểm đó. Những câu chuyện mà tôi viết ra không được phân loại theo phương thức quản lí kinh doanh mà dựa theo đặc điểm cách làm của doanh nghiệp. Những câu chuyện mà tôi viết cũng không phải là những câu chuyện quen thuộc từng được đề cập trong giáo trình thương mại, có những câu chuyện sẽ mang hơi hướng “giang hồ” một chút, thậm chí, trước lúc xuất bản, tôi còn phải lược bỏ đi vài chuyện có phần hơi “lách luật” nữa.

Tôi không khuyến khích các bạn “lách luật”, tôi luôn nghĩ rằng để có thể làm nên sự nghiệp một cách quang minh chính đại thì không nên làm những trò “trộm gà trộm chó” không ra gì. Ngay trong cuốn sách này, tôi cũng viết rằng: “Một người có thể làm nên sự nghiệp được hay không, thành đại nghiệp được hay không, phụ thuộc rất nhiều vào cốt cách của người đó, người có nhân cách lớn mới làm nên đại nghiệp.” Để bạn đọc có thể hiểu nội hàm kinh doanh một cách nhanh chóng và sâu sắc hơn, tôi sẽ viết về những suy nghĩ nội tâm của những người làm kinh doanh nhỏ, họ muốn làm gì, lên kế hoạch thế nào để mình vừa có lợi, vừa có thể khống chế được cục diện, vừa có thể giữ nghề mà lại hạn chế được thủ đoạn của đối phương.

Những nhân vật trong sách đều là những người làm kinh doanh tiêu biểu, họ là những bậc thầy trong việc tạo lợi nhuận cho bản thân. Tất nhiên, tất cả bọn họ đều không phải là kẻ xấu vì không ai ôm tư tưởng “Thà phụ người còn hơn bị người phụ”. Đa số những tình huống trong sách đều là trải nghiệm của chính bản thân tôi và những người xung quanh. Tuy chúng tôi là những người làm kinh doanh, nhưng cũng là những người hết sức lương thiện.

Làm ông chủ đã khó, làm ông chủ nhỏ lại càng khó hơn nữa. Những ông chủ nhỏ đa số đều xuất thân từ tầng lớp bình dân trong xã hội, nên cần phải có sức sống mãnh liệt như cỏ dại vậy, có tồn tại được hay không phải dựa vào may mắn và nghị lực của người đó. Những ông chủ nhỏ không phải là những người đa năng, việc gì cũng làm được, muốn lập nghiệp thì cần phải có tuyệt chiêu “thứ nhất độc đáo, thứ hai dám làm”, và không được cả thèm chóng chán. Những ông chủ nhỏ cũng giống như những “ông trùm” vậy, vừa phải quản lí cấp dưới theo quy định, vừa phải dùng tình nghĩa huynh đệ để đoàn kết mọi người với nhau.

Chuyện về ông chủ nhỏ thì có rất nhiều, rất nhiều chuyện có thể viết thành sách, nếu có thời gian thì tôi sẽ viết thêm cuốn Kinh nghiệm dùng người quản người của ông chủ nhỏ,Những tình thế tiến thoái lưỡng nan và thất bại của ông chủ nhỏ để các bạn cùng suy ngẫm.

Cuối cùng, tôi xin được chia sẻ với các bạn một câu nói mà tôi biết khi còn trẻ, đó là: “Nếu đã chọn làm ông chủ nhỏ thì phải biết đương đầu với sóng gió và vượt qua khó khăn.”

TÁC GIẢ

Phần 1: Hạt nhân

NẮM VỮNG BẢN CHẤT KINH DOANH MỚI CÓ THỂ KIẾM NHIỀU TIỀN

1 TẠI SAO LẠI BÁN BÁNH NƯỚNG GẦN NHÀ GA

Thông thường, việc làm ăn có phát đạt hay không còn phụ thuộc vào “địa thế” kinh doanh. Cùng một mặt hàng nhưng địa điểm khác nhau thì lợi nhuận có thể chênh lệch vài lần, thậm chí là vài chục lần. Ông chủ của hệ thống cửa hàng đồ ăn nhanh KFC và McDonald đã từng chia sẻ, một trong những điều làm nên thành công của họ chính là đã chọn đúng địa điểm mở cửa hàng đồ ăn nhanh. Nhưng cùng một địa điểm, cùng một mặt hàng kinh doanh mà tại sao vẫn có người thì kiếm được bộn tiền, còn có người lại đành ngậm ngùi chịu lỗ?

Lí vốn là nhân viên đường sắt, vì sức khỏe không tốt, không thể phục vụ trên tàu trong thời gian dài được nên đã xin nghỉ ở nhà một thời gian. Đúng thời điểm ấy, Cục Đường sắt thông báo cho thuê mặt tiền kinh doanh ở các nhà ga và thực hiện đấu thầu nội bộ. Nói tóm lại là giá cả sẽ “mềm” hơn so với bên ngoài một chút.

Lí cũng đã đi tìm hiểu, những ki-ốt này trước đây thường được dùng làm nơi lưu giữ hành lí cho khách, làm siêu thị nhỏ hoặc tiệm ăn nhỏ. Một vài đồng nghiệp trước đây của anh cũng đã nhận thầu ki-ốt và chưa thấy ai bị lỗ, chỉ có điều là công việc khá vất vả, phải có người trông cửa tiệm suốt ngày đêm. Số tiền kiếm được nhiều hơn so với lương đi làm công nhân, trừ đi tiền vốn và các khoản chi phí thì mỗi năm cũng thu được 8-10 vạn Nhân dân tệ.

Bản thân Lí không có ước vọng gì cao xa, chỉ nghĩ rằng mình không đủ sức khỏe để làm việc thời gian dài trên tàu nhưng trông cửa hàng thì chắc là không có vấn đề gì. Tuy mỗi ngày phải bỏ ra nhiều thời gian hơn, thu nhập mỗi năm cũng không cao lắm nhưng so với đi làm nhân viên quèn thì vẫn hơn. Ngoài ra, nếu mình không kinh doanh thì vẫn có thể môi giới cho người ngoài ngành để kiếm chút hoa hồng. Thế là Lí cũng đăng kí dự thầu. Vốn liếng của Lí không nhiều lắm, những ki-ốt có diện tích lớn, vị trí đẹp, nhiều người tranh giành, giá thành chắc chắn sẽ cao, bản thân anh biết mình không đủ sức mua. Cuối cùng, Lí được thầu một ki-ốt có vị trí không tốt lắm, đúng ở lối vào ga của xe buýt chứ không phải là cửa vào của tàu hỏa. Diện tích ki-ốt chỉ có 10m2 mà thôi. Tuy vậy, Lí vẫn rất vui vì cuối cùng đã tìm ra kế sinh nhai để cải thiện kinh tế cho gia đình.

Lí không có kinh nghiệm kinh doanh, không biết phải bắt đầu thế nào nên đã nhờ Đại – người anh trai đã lăn lộn thương trường nhiều năm của mình giúp vạch chiến lược kinh doanh.

Đại rất nhiệt tình, dành hẳn một tuần để khảo sát tình hình, cuối cùng, anh khuyên Lí hãy mở một cửa hàng bán bánh nướng trong chuỗi cửa hàng A Lang.

Lí cảm thấy hơi khó hiểu, tại sao Đại lại chọn hình thức kinh doanh này? Đại giải thích rằng: “Việc làm ăn nhìn thì có vẻ phức tạp, có rất nhiều cách làm ăn khác nhau, nhưng điểm cốt lõi vẫn chỉ là đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Khi hiểu rõ nhu cầu của khách hàng và đáp ứng nhu cầu đó một cách tốt nhất thì việc kinh doanh ắt sẽ thành công. Anh sẽ phân tích cụ thể một chút về cửa tiệm bánh nướng của chú: Những cửa hàng ở nhà ga mở ra đều nhằm phục vụ hành khách lên xuống tàu xe, chứ không có người dân bản địa nào đến đây mua hàng cả.” Lí cười nói: “Điều đó thì đương nhiên rồi, hàng hóa bán ở gần ga tàu thường đắt hơn nhiều so với ở ngoài, ai rỗi hơi chạy đến đây mua đồ chứ.”

Đại nói tiếp: “Hành khách trên tàu phải đi xa, thời gian dừng ở ga lại không nhiều nên thường chỉ có những nhu cầu cơ bản, chẳng ai có tâm trạng mà thưởng thức những đặc sản địa phương ở nhà ga đâu, đó chính là lí do vì sao ở ga tàu thường bán đồ ăn nhanh, cơm hộp, bánh bao, đồ ăn vặt… Chú nói xem có đúng không?” Lí trả lời: “Tất nhiên là thế, ai mà mong được thưởng thức sơn hào hải vị ở ga tàu chứ.”

Đại thấy Lí gật đầu lia lịa, liền nói tiếp: “Chú thấy đấy, nhà ga chỉ thích hợp với một vài loại hình kinh doanh mà thôi, đó là do đặc điểm của vị trí này, cửa hàng ở nơi nào thì phải bán mặt hàng phù hợp với nơi đó. Mà tiệm của chú lại cách cửa ra vào ga hơi xa nên không thể dùng làm nơi trông giữ hành lí cho khách giống như những ki-ốt gần cửa ga được, chẳng ai muốn gửi hành lí ở xa cả, hơn nữa, diện tích cửa tiệm cũng không lớn lắm nên sẽ không chứa được nhiều đồ. Mở siêu thị mini cũng không thích hợp vì diện tích cửa hàng nhỏ quá, khách hàng thường sợ những cửa tiệm nhỏ sẽ bán đắt, bắt chẹt khách mà chất lượng hàng hóa lại không bảo đảm; hơn nữa, ở đây xa cổng ga, hành khách sẽ phải tay xách nách mang, tất nhiên họ sẽ muốn mua ở những cửa hàng gần cửa ga hơn. Vậy nên chú chỉ có thể mở tiệm ăn thôi. Tôi đã tìm hiểu rồi, những tiệm ăn xung quanh đây chỉ bán những món bình thường, nên mới gợi ý chú bán bánh nướng cho khác biệt.”

Lí nghe phân tích, trong lòng không khỏi thầm nể phục Đại là người nhìn xa trông rộng. Đến chỗ mấu chốt, Đại im lặng một lúc rồi hỏi: “Chú có biết vì sao tôi không khuyên chú mở cửa hàng đồ ăn nhanh, cơm bình dân hay bán bánh bao hay không?” Lí ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: “Đó là vì anh thấy xung quanh đây đã có cửa hàng bán những thứ ấy, sợ em không có gì đặc biệt, không làm ăn được nên mới khuyên em bán thứ mà người khác không có.” Đại cười nói: “Chú nói không sai, chỉ có điều đó không phải là mấu chốt, chú chưa nhìn thấy bản chất của vấn đề rồi. Cho dù ở đây chưa có hàng bán bánh bao thì tôi cũng vẫn khuyên chú bán bánh nướng.”

Lí cảm thấy hơi bối rối, Đại chậm rãi châm một điếu thuốc, nói: “Chúng ta quay trở lại phân tích yêu cầu then chốt của khách hàng ban nãy nhé, hành khách ăn uống ở ga tàu chỉ là để no bụng mà thôi, vậy thì chúng ta phải bán mặt hàng nào đó có giá cả phải chăng, vừa có thể no bụng mà lại thuận tiện, không tốn thời gian, ngoài ra thì cũng cần dễ ăn một chút, đúng không?” Nghe đến đây, Lí không nhịn được, chen vào: “Anh nói có lí lắm, chẳng trách xung quanh đây, người ta chỉ mở mấy tiệm ăn như thế, nhưng những đặc điểm anh nói, chẳng phải các quán cơm bình dân, tiệm ăn nhanh và bán bánh bao đều có cả hay sao?”

Đại nhìn Lí, nói: “Cái tính thích chen ngang từ bé đến bây giờ vẫn chưa sửa được hả? Đúng là có rất nhiều người hiểu được đạo lí đó nên mới kinh doanh mặt hàng ăn uống. Nhưng trong kinh doanh có một thứ gọi là “Nguyên lí thùng gỗ”, theo đó, ta coi việc kinh doanh giống một cái thùng gỗ do nhiều mảnh gỗ ghép lại mà thành, kinh doanh có thuận lợi hay không phụ thuộc vào việc cái thùng chứa được bao nhiêu nước. Việc cái thùng chứa được bao nhiêu nước lại không phụ thuộc vào những tấm gỗ dài, mà được quyết định bởi tấm gỗ ngắn nhất. Lúc nãy, anh vẫn chưa nói hết, chú thử nói xem tại sao những tiệm ăn kia lại không kiếm được nhiều tiền?”

Lần này thì Lí không trả lời được, nghĩ bụng, nếu mình mà biết vì sao họ không kiếm ra tiền thì người ngồi đây nói phải là mình, người kiếm ra tiền cũng là mình rồi. Nhìn thấy dáng vẻ ngây ngô của Lí, Đại không nhịn được cười, nói: “Tấm gỗ ngắn nhất đó chính là yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm. Những cửa hàng đồ ăn nhanh phương Tây bên cạnh ga tàu luôn tuân thủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nên khách hàng có thể yên tâm đến đó dùng bữa. Trong khi những tiệm ăn nhỏ, nhếch nhác sẽ để lại cho khách hàng ấn tượng không được tốt lắm, ngộ nhỡ trên đường đi xa mà bị đau bụng thì biết làm thế nào? Lúc đó ai mà vượt ngàn dặm xa xôi đến đây kiện tụng được? Những cửa hàng đồ ăn cạnh nhà ga đều chỉ quan tâm đến việc bán được hàng cho khách qua đường chứ không chú trọng đến việc níu kéo họ quay lại, chất lượng phục vụ cũng không cao nên khách hàng thường không yên tâm với những tiệm ăn nhỏ, nếu có thể thì không ăn là tốt nhất, đói lắm thì mới miễn cưỡng ăn cầm chừng, thế thì làm sao mà buôn bán có lời được? Đó chính là nguyên nhân vì sao những tiệm ăn nhỏ bên cạnh nhà ga thường vắng khách và không có lãi. Nhân bánh bao được làm từ thịt gì? Bột mì có bị thiu không? Dầu dùng để nấu ăn là dầu gì? Mỗi người khách khi ăn đều tự đặt ra những câu hỏi này, nếu không tin tưởng lẫn nhau thì sao có thể làm ăn tốt được chứ?”

Lí nghe xong, ngồi trầm ngâm suy nghĩ, những điều anh Đại nói đều là những điều anh từng nghĩ, nhưng lại không thể phân tích chi tiết như Đại. Anh gãi gãi đầu nói: “Nói như anh thì việc kinh doanh của em coi như không thành sao? Em sẽ chú ý đến vấn đề vệ sinh, bảo đảm không có hành khách nào đau bụng, vậy được chưa?”

Đại thở dài, nói: “Đó không phải là điều quan trọng mà chúng ta cần thảo luận bây giờ, sau này Nhà nước nhất định sẽ quản lí thật chặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và có hình phạt thích đáng với những cửa hàng không đảm bảo vệ sinh, để mọi người có thể yên tâm ăn uống. Đến lúc đó thì “Nguyên lí thùng gỗ” trong lĩnh vực này sẽ không tồn tại nữa. Hiện nay, chỉ có những nhà hàng phương Tây và những chuỗi cửa hàng lớn mới có thể giải quyết vấn đề này, còn đối với những tiệm ăn nhỏ như của chú, cả đời mỗi khách hàng chỉ đến có 1, 2 lần, trong một thời gian ngắn như vậy, chú căn bản không thể xây dựng được lòng tin với họ. Tiệm ăn nhỏ lời lãi chỉ được có vài đồng, nhiều hơn thì vài chục đồng, thế thì làm sao đủ tiền để mà đầu tư vào xây dựng thương hiệu?”

ĐỌC THỬ

2 HÀNG TỒN KHO CŨNG CÓ THỂ LÀ TIỀN

Rất hiếm có một doanh nghiệp nào có thể bán hết 100% sản phẩm mà mình làm ra trong một thời gian ngắn, không nhiều thì ít đều sẽ có hàng tồn kho. Thông thường trong dự toán kinh doanh của doanh nghiệp bao giờ cũng có tỉ lệ hàng bị trả lại và tồn kho của một sản phẩm. Khi một sản phẩm bán chậm, để giảm bớt áp lực tài chính và nâng cao tỉ lệ quay vòng vốn, thu hồi vốn, các doanh nghiệp thường hạ giá bán sản phẩm bằng với giá sản xuất hoặc thậm chí là thấp hơn. Nhưng có một người đã dùng những sản phẩm tồn kho này thế chấp cho ngân hàng để vay tiền.

Vũ là một trong những thành viên phụ trách Hội Nhà văn tỉnh, ba năm trước, anh đã thành lập một công ty văn hóa. Bước đầu thành lập công ty, anh đã mời được một tập đoàn xuất bản góp cổ phần, áp dụng cơ chế quản lí và xuất bản mới nhất, đồng thời thông qua tập đoàn đó để bước vào thị trường sách báo, văn hóa phẩm Đông Nam Á. Vũ có quan hệ rất tốt nên vừa mới mở công ty đã nhận được sự khuyến khích và hợp tác của nhiều người.

Phi vụ đầu tiên của Vũ là làm bộ sách Thịnh thế tàng thư, với hi vọng là người tiên phong khai phá một ngành nghề mới.

Bộ sách này này tuyển chọn những tác phẩm tinh túy nhất của văn học nước nhà từ trước tới nay, có thể nhận được những hỗ trợ về chính sách và tài chính của chính phủ. Thứ nhất, phát huy văn hoá truyền thống phù hợp với quan điểm hiện đại. Thứ hai, lượng sách bán ra ở thị trường người Hoa kiều sống ở Đông Nam Á khá ổn định vì họ vẫn thích đọc những loại sách kinh điển, những tác phẩm đã trải qua hàng nghìn năm mà vẫn có giá trị thì chắc chắn đều là những tác phẩm kinh điển nên không cần phải lo đến vấn đề tồn đọng trên thị trường. Thứ ba, những cuốn sách này còn có tác dụng trang trí cho ngôi nhà, rất nhiều người dù không có học vấn cao hoặc không có thân phận và địa vị cao trong xã hội nhưng lại rất thích bày những quyển sách kiểu này trong phòng đọc nhà mình để thể hiện mình cũng là người có văn hóa. Bộ sách Thịnh thế tàng thư rất thích hợp để bày ở phòng đọc sách gia đình hoặc văn phòng. Thứ tư, tặng rượu ngon thuốc lá hảo hạng là việc đã quá nhiều người làm, trong khi tặng một bộ sách kinh điển thì có thể chứng tỏ mình là người có văn hóa và đẳng cấp. Thứ năm, chi phí làm bộ sách này thấp vì không phải lo vấn đề bản quyền, tác giả đều đã qua đời, chỉ cần tìm một vài người trong nghề viết chú thích và đối chiếu với văn tự cổ là được.

Sau hai năm chuẩn bị, cuối cùng bộ sách của Vũ cũng đã ra mắt độc giả, tổng cộng gần 300 cuốn, phải cần tới một giá sách lớn mới có thể bày hết. Tất cả các cuốn sách đều được đựng trong hộp giấy, nếu bày ở phòng đọc sách gia đình hoặc văn phòng thì cực kì sang trọng, bao gồm tất cả các tác phẩm kinh điển qua các triều đại lịch sử. Vũ đầu tư rất nhiều vào quảng cáo, tuyên truyền, trình bày sách giống hệt những cuốn sách cổ và nhận được giải thưởng Bộ sách được bình chọn nhiều nhất. Bộ sách này đã nhanh chóng đạt được lợi ích xã hội và lợi ích về kinh tế. Chỉ trong vòng một năm mà đã bán được hơn 10 nghìn bộ, thu về 100 triệu tệ, lãi khoảng 70 triệu tệ.

Tuy nhiên, Vũ đã có phần lạc quan quá mức khi đánh giá mức độ tiêu thụ trên thị trường quá cao. Mỗi bộ sách có giá bìa là 20 nghìn tệ, mỗi lần in 50 nghìn bộ, tuy bán chạy nhưng theo tốc độ 10 nghìn bộ một năm như hiện nay thì cũng phải mất 5 năm mới tiêu thụ hết 50 nghìn bộ, tức là bốn năm sau mới bán hết số sách còn tồn đọng trong kho.

Vũ một mặt kiểm điểm lại bản thân mình, mặt khác tìm cách bán hết số sách trong kho càng nhanh càng tốt. Giá bìa mỗi bộ sách là 20 nghìn tệ, nhưng giá bán thực của nó chỉ là 10 nghìn tệ mà thôi, cộng thêm 2 nghìn tệ chi phí các loại. Hiện nay, số tiền sách trong kho là 800 triệu tệ (40 nghìn bộ × 20 nghìn tệ), giá bán thực tế là 400 triệu tệ (40 nghìn bộ × 10 nghìn tệ), chi phí các loại là 80 triệu tệ (40 nghìn bộ × 2 nghìn tệ).

Số lượng sách nhiều như thế không thể bán hết chỉ trong một sớm một chiều. Nếu giảm giá bán buôn thì cũng phải giảm giá bán lẻ, dẫn đến tự cạnh tranh với các đầu sách khác của công ty trên thị trường và tự làm đảo lộn thị trường của mình. Nhưng nếu không giải quyết tình trạng tồn kho thì sẽ không có tiền để triển khai dự án mới, nếu vay vốn thì mỗi năm lãi vay ít nhất là 10%, vay 100 triệu thì phải trả lãi 10 triệu, trong khi tiền làm sách thì vẫn “ngủ quên” trong kho. Xem ra chỉ còn cách cầu cứu chính phủ. Vũ là nhân vật kiểu mẫu đi đầu trong phong trào văn hóa của tỉnh, chắc là sẽ được chính quyền giúp đỡ và khuyến khích.

Suy trước tính sau, Vũ tìm Quân – giám đốc ngân hàng tỉnh. Vũ và Quân là bạn học cùng lớp đại học và cũng từng cùng nhau biên tập sách báo, nhưng sau này thì mỗi người lại phát triển sự nghiệp riêng, hai người vẫn giữ liên hệ với nhau và cũng từng giúp đỡ nhau trong công việc nên khá thân thiết.

Hai người cùng đi ăn cơm, Vũ mời Quân một chén rượu và nói: “Chúc mừng cậu vừa lên chức giám đốc ngân hàng, trong số bạn đại học, cậu là người thành đạt nhất đấy.” Quân vui vẻ nói: “Vậy chúng ta thử đổi vị trí cho nhau đi, bây giờ cậu đã là ông chủ lớn, có công ty riêng, thích làm gì cũng được, không bị ai quản thúc.” Vũ cười, nói: “Giờ chúng tôi đều do cậu quản mới phải, người làm kinh doanh đều cần đến sự giúp đỡ của ngân hàng, không có cậu thì chúng tôi làm gì được.” Quân đã có nhiều kinh nghiệm ngoại giao, vừa nghe Vũ nói thế đã đoán ra là bạn mình có việc nhờ vả, giả vờ không tiếp tục đề tài này và chuyển sang bàn tán về những người bạn khác. Vũ chỉ đáp lại có vài câu liền chuyển ngay sang đề tài chính: “Lần này công ty tôi sẽ xuất bản một cuốn sách có kèm đĩa CD giới thiệu tất cả các danh lam thắng cảnh của đất nước chúng ta, để tuyên truyền lịch sử và văn hóa nước mình tới thế giới, chỉ có điều thiếu một chút vốn, hi vọng cậu có thể giúp đỡ.”

Quân cười, nói đùa: “Tôi biết ngay mà, cậu mời tôi uống rượu chắc chắn là có chuyện rồi. Với tư cách cá nhân, chúng ta là bạn bè nên tôi giúp đỡ cậu là chuyện nên làm; công ty của cậu đang là doanh nghiệp tiêu biểu mà tỉnh đang hết sức khuyến khích, tôi cũng nên giúp cậu. Chỉ có điều, thủ tục ngân hàng vẫn cần phải chính quy, hợp pháp, nếu không người khác sẽ nói ra nói vào.”

Vũ vội vàng mời Quân một chén rượu nữa và nói: “Có câu này của cậu, tôi yên tâm rồi, chỉ cần sự khuyến khích của cậu, chúng tôi nhất định sẽ làm tốt phần còn lại.” Sau đó, anh lấy ra mấy bản hợp đồng hợp tác với nước ngoài về dự án làm sách du lịch để chứng minh dự án này là có thật. Quân xem mấy tờ hợp đồng và nói: “Cái này tôi không cần xem kĩ làm gì. Ngày mai, cậu hãy liên lạc với Quốc, nhân viên tín dụng của ngân hàng tôi, anh ta sẽ hỗ trợ cậu làm thủ tục vay vốn. Lần này cậu muốn vay bao nhiêu?” Vũ giơ bàn tay ra đáp: “Khoảng 50 triệu tệ.”

Quân nói tiếp: “50 triệu tệ không phải là con số nhỏ đâu, không thể chỉ căn cứ vào chính sách khuyến khích của chính phủ, cậu có tài sản thế chấp không?” Vũ lấy một quyển trong bộ Thịnh thế tàng thư đưa cho Quân và nói: “Bộ sách này của tôi, ai ai cũng biết đến, số lượng bán ra cũng không ít, nó thuộc loại sách có thể bán trong thời gian dài, số lượng bán ra rất ổn định. Xét theo tình hình kinh doanh hiện nay của công ty thì mỗi bộ có giá bìa 20 nghìn tệ, nhưng giá tiêu thụ thực chất chỉ có 10 nghìn tệ, mỗi năm bán được 10 nghìn bộ thì có thể kiếm được 100 triệu tệ. Hiện nay trong kho còn 40 nghìn bộ sách, tương đương với 400 triệu tệ. Tôi dùng số sách này làm tài sản cầm cố có được không? Chẳng phải Nhà nước cũng công nhận tài sản tri thức có thể thế chấp được còn gì. Nhiều người thế chấp bản quyền phát minh chứ sản phẩm thế nào thì chưa ai thấy, vậy mà cũng có thể vay vốn được; còn có những nhà văn thế chấp bản thảo chưa in của mình. Tài sản thế chấp của tôi là sách thực, chắc là không có vấn đề gì chứ?”

Quân cười, nói: “Cậu đúng là đồ khôn lỏi, dùng giá bán sản phẩm để quy ra giá trị thế chấp sao được. Chuyện này tôi không thể tự quyết định được, mỗi một tổ chức sẽ có quyền hạn nhất định, tôi chỉ có thể nói rằng có thể thế chấp được, ngân hàng của chúng tôi cũng đã giúp đỡ nhiều trường hợp thế chấp ấn phẩm văn hóa hoặc bằng sáng chế, chỉ cần có khả năng thì chúng tôi nhất định sẽ giúp đỡ, mấy ngày nữa, cậu mang tài liệu đến gặp cậu Quốc, nếu có vấn đề gì thì hãy tới tìm tôi.” Vũ nghe xong cũng thấy yên tâm hơn.

Sau đó, anh mang bản kế hoạch triển khai dự án mới và tài liệu liên quan đến tình hình tiêu thụ bộ Thịnh thế tàng thư đi gặp Quốc, sau khi bàn bạc, số sách trị giá 800 triệu tệ đang tồn kho của anh được tính theo nguyên tắc 10% giá trị thực tế, tức là 80 triệu, căn cứ vào chính sách cho vay lãi suất thấp đối với các sản phẩm văn hóa và sáng chế của ngân hàng, anh đã được vay 50 triệu tệ. Vậy là Vũ đã thành công trong việc chuyển đổi giá trị của số sách đang tồn kho thành tiền mặt có thể điều động được và đã vay được vốn để triển khai dự án mới.

Bài học tâm đắc

Công ty nào cũng có tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Đã là tài sản thì chắc chắn phải có giá trị, có thể chuyển những tài sản đó thành vốn lưu động và phát huy tối đa tác dụng của nó hay không là một việc đòi hỏi đầu óc của người kinh doanh. Nếu có thể tính toán chi tiết và quản lí một cách chặt chẽ thì có thể tạo ra kì tích. Không chỉ có hàng tồn kho mà thương hiệu, bản quyền phát minh hay hợp đồng kinh doanh của doanh nghiệp đều có thể trở thành tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng.

5 “KINH DOANH NHỎ” XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG

Những người có điều kiện ra nước ngoài đều cảm thấy mức sống ở Trung Quốc còn quá khác biệt so với Mỹ hay những quốc gia phát triển khác. Nếu làm việc ở trong nước một tháng chỉ kiếm được 5 nghìn tệ thì một người làm công việc tương tự ở Mỹ có thể kiếm được 5 nghìn đô la Mỹ. Người lao động ở Mỹ có thu nhập cao hơn mấy chục lần so với người lao động Trung Quốc, nguyên nhân cơ bản là do chênh lệch tỉ giá hối đoái giữa đồng đô la Mỹ và đồng Nhân dân tệ, chính vì thế nhiều người mới nói đùa rằng, nếu tiền lương của mình mà là chừng đó đô la thì cuộc sống đã thoải mái hơn rất nhiều rồi. Người ta sống ở Mỹ thì kiếm ra tiền đô còn ở Trung Quốc thì chỉ kiếm được đồng Nhân dân tệ mà thôi. Nhưng có người đã rất thông minh khi dùng tiền Nhân dân tệ để mua hàng, sau đó lại mang ra nước ngoài bán với giá đô la Mỹ, trong nháy mắt có thể kiếm được lợi nhuận gấp hàng chục lần.

Anh chị của Vương đều đã định cư tại Mỹ từ mấy năm trước, Vương học ngành kế toán, cũng muốn di cư sang Mỹ nên đang bận làm giấy tờ chứng thực. Có mấy con đường di cư khác nhau, thứ nhất là di cư sang đoàn tụ với gia đình, khi chứng minh được bạn là người có quan hệ ruột thịt trực tiếp thì có thể sang định cư. Anh chị của Vương và Vương không được tính là có quan hệ trực hệ, nếu sau này, Vương muốn đón con cái của mình sang Mỹ thì mới có thể xin định cư kiểu đoàn tụ với gia đình. Một loại khác là di dân đầu tư, người di dân phải thành lập một công ty ở nước mình muốn đến, sau đó, thuê người bản địa làm việc, giải quyết vấn đề việc làm cho nước sở tại. Vương không biết sang Mỹ rồi sẽ làm gì nên cũng không thể xin di cư theo dạng này. Chỉ còn mỗi hình thức di cư kĩ thuật, cố gắng đạt được chứng chỉ quốc tế mà nước định di cư cần, lựa chọn ngành nghề mà nước đó đang cần nhân công thì mới mong có cơ hội.

Tài liệu liên quan đến chứng chỉ quốc tế phần lớn được viết bằng tiếng Anh, có rất ít văn bản dịch sang tiếng Trung, cũng không có nhiều nhà xuất bản ấn hành, Vương đã nhờ anh chị gửi sách từ Mỹ về, tiền sách chắc chắn phải tính theo đô la Mỹ. Số tiền mua tài liệu đó với người Mỹ thì chẳng đáng là bao, nhưng với người Trung Quốc lại là khoản chi không hề nhỏ. Để có thể sang Mỹ, Vương chỉ còn cách nhịn ăn nhịn tiêu để lấy tiền mua sách. Một hôm, khi đang tìm tài liệu trên mạng, Vương nhìn thấy một nhà xuất bản trong nước phát hành sách kiểu này dưới dạng tệp ảnh chụp, vẫn để nguyên tiếng Anh. Giá sách so với giá gốc không chênh lệch là mấy nhưng một bên là đô la Mỹ, một bên là đồng nội tệ, giá cả chênh nhau hơn chục lần.

Vương vô cùng hối hận, nếu mua chậm hơn một hai tháng đã tiết kiệm được một khoản tiền lớn. Vương tiếp tục tìm kiếm thì thấy rất nhiều trường Đại học trong nước cũng bắt đầu sử dụng tài liệu của nước ngoài, vẫn dưới hình thức ảnh chụp bản tiếng Anh. Nhiều nhà xuất bản trong nước cũng đã nhận thấy yêu cầu xin chứng chỉ kĩ thuật nước ngoài ngày càng cao nên đã liên hệ với các nhà xuất bản ở nước ngoài để mua bản quyền xuất bản sách.

Vương nói chuyện này với anh trai, anh cậu không lấy làm lạ, nói: “Đây là chuyện bình thường mà, rất nhiều người trong nước đang học để lấy chứng chỉ mới nhất ở nước ngoài, trình độ của họ đều không tồi, có thể trực tiếp đọc các tài liệu bằng tiếng Anh. Hơn nữa, rất nhiều sinh viên đang du học cũng thường xuyên gửi tiền về nước, nhờ người mua hộ sách và gửi sang đây, có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí.”

Lời anh trai chính là một gợi ý tốt cho Vương, thông qua bạn bè và mạng Internet, cậu đã làm quen được với rất nhiều du học sinh Trung Quốc ở nước ngoài, cậu và các bạn cùng hợp tác buôn bán sách trên mạng. Những du học sinh sẽ gửi danh sách cho Vương, còn Vương phụ trách tìm nhà xuất bản trong nước, tìm sách xuất bản bằng tiếng Anh, mua lại với giá chỉ bằng 60% giá phát hành và gửi bán lại cho khách hàng với mức 60% giá bán sách ở nước ngoài. Về cơ bản tức là mua bằng tiền Nhân dân tệ bao nhiêu thì bán giá tiền đô la Mỹ bấy nhiêu. Số tiền thu được sẽ chia đều cho Vương và du học sinh đó. Vương còn lập hẳn một trang web để giới thiệu các loại sách bằng tiếng Anh và giá cả, bỗng chốc trở thành ông chủ nhỏ.

Bài học tâm đắc

Giá của một sản phẩm là tổng hợp của chi phí sản xuất cố định, chi phí lưu thông và chi phí quảng cáo, tất nhiên còn phải cân nhắc mức độ chấp nhận giá cả của người tiêu dùng. Ở những quốc gia khác nhau, vì mức sống và giá cả nhân công không giống nhau nên giá thành sản phẩm cũng khác nhau. Trong ví dụ trên, có thể thấy chất lượng sách là như nhau, nhưng vì chuyển nhượng bản quyền ở mỗi khu vực không giống nhau, cộng thêm mức độ chấp nhận giá cả của người mua khác nhau nên giá bán sách cũng khác nhau. Tuy nhiên không thể mở rộng kinh doanh theo cách này, bởi việc chuyển nhượng bản quyền luôn đi kèm với những quy định nghiêm ngặt. Câu chuyện này chỉ là một gợi ý cho chúng ta thấy, nếu chịu mở rộng tầm mắt thì có thể tìm thấy con đường mà người khác không nhìn thấy. Ở nước ngoài, trong những cửa hàng một giá 2 USD có rất nhiều mặt hàng trong nước ta chỉ có giá 2-3 tệ. Những người đứng sau các cửa hàng này thực sự đã thành công trong việc mua hàng với giá cả Trung Quốc và bán hàng với giá đô la Mỹ.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button