Kinh doanh - đầu tư

Không Giới Hạn

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Đặng Quốc Bảo

Download sách Không Giới Hạn ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KINH DOANH

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Chương 1 Sự thay đổi

Ý kiến chuyên gia: “Nếu như có cơ hội để thay đổi số mệnh, bạn sẽ làm điều đó chứ?”.

– Công chúa Merida1 –

1. Công chúa Merida: nhân vật chính trong bộ phim Công chúa tóc xù – phim hoạt hình máy tính thể loại tưởng tượng của Mỹ phát hành năm 2012 do Pixar Animation Studios sản xuất và Walt Disney Pictures phát hành.

Một bước tiến

“In the year 2525,

If man is still alive,

If woman can survive,

They may find…”

Buổi sáng Chủ nhật 20/07/1969,

Trong khi hầu hết thanh niên Mỹ vẫn đang nằm trên giường, chìm đắm trong giai điệu bài hát “In the year 2525” đứng đầu bảng xếp hạng Billboard, một sự kiện xảy ra cách đó hơn 300.000 km đã làm thay đổi sâu sắc lịch sử phát triển của loài người.

Tương lai của chúng ta, rất có thể, đã được định đoạt từ ngày hôm ấy…

“Đây là bước đi nhỏ bé của một người, nhưng là bước tiến khổng lồ của nhân loại.”

Câu nói nổi tiếng của Neil Armstrong2 được nhà nghiên cứu Roger Launius của Viện Smithsonian, Hoa Kỳ đánh giá là một trong hai sự kiện lịch sử đáng nhớ nhất của thế kỷ XX mà các thế hệ sau sẽ còn nhắc đến mãi. (Sự kiện còn lại là quả bom nguyên tử đã thả xuống Nhật Bản trong Thế chiến II).

2. Neil Armstrong: (1930 – 2012): phi hành gia người Mỹ, người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng ngày 20 tháng 7 năm 1969, trong chuyến du hành trên tàu Apollo 11 cùng Buzz Aldrin và Michael Collins.

Ông nói thêm: “Armstrong sẽ gắn liền với sự kiện ấy mãi mãi”.

Bạn có thể nói rằng: “Ồ, cuộc sống của tôi còn nhiều mối bận tâm khác. Đổ bộ lên mặt trăng? Thú vị đấy, nhưng… có liên quan gì đến tôi?”

Đừng quá nóng vội.

Chỉ là nó chưa liên quan đến bạn, ít nhất trong lúc này…

Hãy hình dung về một viễn cảnh trong tương lai. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như trong một hoặc hai thế kỷ nữa, Trái đất không còn là nơi phù hợp để sinh sống? Và để tồn tại, con người không còn lựa chọn nào ngoài việc tìm kiếm một hành tinh khác?

Khi ấy, sự kiện đổ bộ lên mặt trăng sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự tồn vong của cả nhân loại. Chúng ta không thể đợi đến tận ngày Trái đất bị diệt vong mới ra đi tìm kiếm vùng đất mới. Chúng ta cần sự chuẩn bị. Và mặt trăng chỉ là bước đi đầu tiên.

Lịch sử loài người là lịch sử của những cuộc chinh phục. Và lẽ dĩ nhiên, đây không phải là lần đầu chúng ta tìm kiếm sự thay đổi.

Cuối thế kỷ XV, dưới sự hỗ trợ của Hoàng gia Tây Ban Nha, nhà hàng hải Christopher Columbus3 đã thực hiện chuyến hành trình vượt Đại Tây Dương để tìm ra vùng đất mới.

3. Christopher Columbus (khoảng 1451 – 1506): là nhà hàng hải người Ý, đô đốc của Hoàng đế Castilla. Những chuyến vượt Đại Tây Dương của ông đã mở ra những cuộc thám hiểm châu Mỹ cũng như quá trình thực dân hóa của châu Âu.

Dù mục đích ban đầu là mở một con đường hàng hải trực tiếp từ châu Âu đến châu Á, thế nhưng trên thực tế, ông đã thiết lập ra tuyến đường biển nối liền châu Âu và châu Mỹ. Việc đặt những bước chân đầu tiên lên vùng đất mới đã giúp Tây Ban Nha có nhiều lợi thế trong việc khai phá nguồn tài nguyên màu mỡ. Điều này đã giúp Tây Ban Nha trở thành một đế chế hùng mạnh lúc bấy giờ.

Trong khi đó, dù sở hữu số lượng tàu thuyền lớn nhất thế giới nhưng nước Anh lại chậm trễ trong việc tiến đến châu Mỹ.

Kết quả?

Sự trì hoãn đã khiến đế quốc Anh gặp nhiều bất lợi. Họ chỉ có thể chiếm đóng những vùng đất ít tài nguyên, khoáng sản hơn.

Lịch sử luôn là bài học đắt giá. Lịch sử đã chứng minh sự trì hoãn trong thay đổi có thể dẫn đến sự suy thoái hoặc diệt vong của một dân tộc, một giống loài. Để tồn tại và phát triển, loài người cần tìm kiếm sự thay đổi.

Sự thay đổi không chỉ diễn ra trong những sự kiện lớn mang tính chất xã hội như các ví dụ trên. Ngay cả với cấp độ cá nhân, cơ thể chúng ta cũng có những thay đổi liên tục.

Tóc mọc dài hơn. Cân nặng lên xuống. Các lớp biểu bì thay thế. Cảm xúc, suy nghĩ biến đổi tùy tình huống… Bên cạnh đó, chúng ta còn phải đối mặt với những thay đổi lớn hơn như: thay đổi công việc, thay đổi chỗ ở; thay đổi nhận thức, niềm tin; thay đổi người yêu, thay đổi trạng thái cơ thể (khi mang thai, khi về già)…

Chúng ta phải thay đổi không ngừng để phù hợp với những điều kiện tác động của môi trường, hoàn cảnh tự nhiên hay xã hội.

Thay đổi là yếu tố giúp con người tồn tại và phát triển.

ĐỌC THỬ

Trong tự nhiên, con người không phải là những sinh vật duy nhất cần thay đổi.

Cách đây 410 triệu năm, vào kỷ Devon4, loài cá Tetrapods đã thay đổi môi trường sống từ dưới nước lên mặt đất. Chúng dùng vây để bò dần lên các vùng xa hơn trên đất liền.

  1. 4. Kỷ Devon: là một kỷ địa chất trong Đại Cổ sinh. Nó được đặt theo tên gọi của khu vực Devon, Anh, là nơi mà các loại đá thuộc kỷ này được nghiên cứu lần đầu tiên.

Sau hàng triệu năm phát triển, chúng tiến hóa và trở thành thủy tổ đầu tiên của tất cả các loài động vật sinh sống trên cạn.

Khi loài Tetrapods quyết định lên bờ, hẳn nó cũng không nghĩ bước đi đầu tiên của mình sẽ thay đổi hoàn toàn cách thức phát triển các giống loài. Tuy nhiên, nếu không có bước đi đột phá đó, thế giới hiện nay sẽ rất khác.

Không những vậy, với mục đích sinh tồn, các loài sinh vật cũng có những sự thay đổi để phù hợp với môi trường. Ví dụ: nòng nọc phát triển thành ếch, sâu hóa thành bướm, tắc kè thay đổi màu sắc…

Còn nhiều ví dụ thú vị khác mà bạn có thể khám phá nếu thường xuyên theo dõi những kênh truyền hình như Discovery, Animal Planet hoặc National Geographic. Hãy dành thời gian xem những kênh này, thay vì những bộ phim truyền hình nhiều tập.

Thật đấy!

Bạn sẽ thấy thế giới kỳ diệu như thế nào. Và khi ấy, bạn sẽ thấy ước mơ của mình hoàn toàn có thể thực hiện được. Thế giới tràn ngập những bất ngờ.

Thay đổi là điều hoàn toàn tự nhiên.

Ý kiến chuyên gia: “Không phải giống loài mạnh nhất hay thông minh nhất sẽ tồn tại. Đó là giống loài thích nghi tốt nhất với sự thay đổi.”

— Charles Darwin

Lý do không thay đổi

Thay đổi là điều hoàn toàn tự nhiên. Nó còn là yếu tố giúp mọi sinh vật tồn tại và phát triển.

Thế nhưng, không phải ai cũng yêu thích sự thay đổi. Ngược lại, có người còn căm ghét nó. Họ luôn có khuynh hướng chống lại sự thay đổi.

Bất kỳ sự thay đổi nào…

Tại sao vậy?

Có ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này:

  1. Sự thay đổi thường đi kèm với bất ổn. Trong khi đó an toàn là nhu cầu cực kỳ quan trọng.
  2. Sự thay đổi gắn liền với mất mát về thể chất hay tinh thần. Bộ não luôn cảm thấy không thoải mái với sự mất mát.
  3. Sự thay đổi đồng nghĩa với tất cả những nỗ lực về thời gian, công sức, tiền bạc cho sự việc cũ có thể không còn giá trị. Sự đánh đổi làm nhiều người chần chừ dẫn đến không thể đưa ra quyết định thay đổi.

Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Daniel Kahneman, người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2002, lựa chọn của con người bị tác động nhiều nhất bởi nỗi sợ mất mát.

Nếu như tìm kiếm trên Google tạp chí Khoa học Sciene, New Series, quyển 211, số 4481 phát hành ngày 30/01/1981, từ trang 453 đến trang 458, bạn sẽ được trải nghiệm rất nhiều nghiên cứu thực nghiệm thú vị từ ông và các đồng sự về tâm lý hành vi của con người khi đứng trước sự mất mát. Bạn cũng có thể tự mình trải nghiệm với một bài tập ứng dụng nhỏ sau đây:

Hãy hình dung bạn là một tiến sĩ y khoa vừa đáp máy bay xuống một ngôi làng hẻo lánh nằm khuất sâu trong rừng rậm.

Bạn cùng đội ngũ các chuyên viên y tế đến đây để ngăn chặn một dịch bệnh đe dọa tính mạng toàn bộ 600 người dân trong làng. Nếu không có biện pháp nào được đưa ra, tất cả sẽ chết.

Thời gian không chờ đợi.

Bạn chỉ còn một giờ đồng hồ để quyết định. Hãy lựa chọn một trong hai phương án.

Phương án A: một liều thuốc đảm bảo cứu sống 200 người.

Phương án B: một liều thuốc có 33,33% cơ hội cứu sống được toàn bộ dân làng, nhưng 66,66% không cứu được bất kỳ ai.

Bạn sẽ chọn phương án nào? A hay B?

Bạn có thể ghi chú lại lựa chọn của mình để so sánh với kết quả cuộc nghiên cứu.

Với một kịch bản tương tự, tất cả dân làng sẽ chết nếu như không có bất kỳ sự can thiệp nào. Hiện tại, bạn có hai phương án khác:

Phương án C: một liều thuốc chắc chắn sẽ làm chết 400 người.

Phương án D: một liều thuốc có 33,33% cơ hội cứu sống tất cả, 66,66% cơ hội sẽ giết chết toàn bộ 600 người.

Bạn sẽ chọn phương án nào? C hay D?

Bạn có thể ghi chú lại lựa chọn của mình để so sánh với kết quả của cuộc nghiên cứu.

Theo kết quả cuộc nghiên cứu:

Trong trường hợp 1:

72% số người tham gia chọn phương án A và 28% chọn phương án B.

Lý do: phương án A đảm bảo chắc chắn cứu được 200 người, trong khi phương án B quá rủi ro khi có đến 66,66% dân làng thiệt mạng.

Trong trường hợp 2:

78% số người tham gia lựa chọn phương án D và 22% lựa chọn phương án C.

Lý do: phương án C gây ra hậu quả chắc chắn 400 người thiệt mạng là điều không thể chấp nhận. Trong khi đó, phương án D còn có cơ may 33,33% cứu sống được tất cả.

Nếu để ý, bạn sẽ nhận thấy lựa chọn C và lựa chọn A là giống nhau, chỉ là sự nghịch đảo của việc nhận được và mất mát.

Phương án A, 200 người sẽ được cứu sống (đồng nghĩa với việc 400 người sẽ chết).

Phương án C, 400 người sẽ chết (đồng nghĩa với việc 200 người sẽ sống).

Điều này mang ý nghĩa như nhau về mặt con số (logic) nhưng lại có tác động rất khác nhau về mặt cảm xúc. Vì vậy, quyết định lựa chọn của người tham gia nghiên cứu bị ảnh hưởng rất nhiều.

Điều tương tự xảy ra ở lựa chọn D và lựa chọn B.

Lý giải cho hiện tượng này, Tiến sĩ Daniel cho rằng con người luôn nhạy cảm với mất mát trong việc đưa ra quyết định. Họ thường đưa ra lựa chọn nhằm hạn chế tối đa mất mát có thể xảy ra. Điều này cũng giải thích lý do tại sao con người thường hạn chế lựa chọn sự thay đổi, vì thay đổi luôn tiềm ẩn những mất mát.

Lý do thay đổi – một phong cách sống mới

Tần Thủy Hoàng là vị hoàng đế nổi tiếng nhất lịch sử Trung Hoa.

Ông là người đã xây dựng nên một đế chế hùng mạnh và rộng lớn hơn cả cơ đồ của Alexander Đại Đế. Bên cạnh thành tựu vĩ đại thống nhất Trung Hoa, ông còn nổi tiếng với sự tàn bạo, độc ác của mình. Một tội ác của ông là “đốt sách chôn nhà nho” mà đời sau thường nhắc lại với sự căm phẫn.

Đỉnh điểm của sự tàn bạo, ông đã ra lệnh chôn sống rất nhiều tù binh, nô lệ trong khi họ đang lao động khổ sai để xây dựng Vạn Lý Trường Thành. Kỳ quan này không chỉ được xây dựng bởi đất và đá, nó còn được hình thành bởi xương máu và nước mắt.

Cũng vì đã ra tay tàn sát rất nhiều người, nên Tần Thủy Hoàng luôn bị ám ảnh bởi nỗi sợ bị hành thích. Khi về già, ông ở chốn thâm cung tại kinh đô Hàm Dương và hiếm khi xuất hiện trước bá quan văn võ. Nhờ những hành lang và địa đạo bí mật, ông có thể di chuyển và qua đêm tại các gian phòng khác nhau mà không sợ người khác nhìn thấy.

Những năm cuối đời, Tần Thủy Hoàng chỉ còn là hoàng đế trên danh nghĩa.

Tưởng chừng cung điện vĩ đại, được canh chừng cẩn mật sẽ bảo vệ ông trước mối hiểm họa bị ám sát. Nhưng thay vào đó, nó lại trở thành nhà ngục, giam cầm ông trước sự biến động của thời cuộc.

Triều đình dần bị thao túng bởi những âm mưu thâm độc của bọn thái giám và gian thần.

Tần Thủy Hoàng chết trong cô độc.

Xây dựng cung điện nguy nga, rộng lớn để minh chứng cho quyền lực không chỉ là đặc trưng của các vị vua châu Á. Trong xã hội trung cổ châu Âu, các lãnh chúa đều sở hữu riêng cho mình những pháo đài để bảo vệ kho báu và thể hiện đẳng cấp quý tộc. Tên tuổi của họ thường gắn liền với một địa danh nhất định, nơi họ bảo vệ và cai quản.

Ví dụ như: Công tước xứ Buckingham, Hầu tước xứ Brandenburg…

Họ hầu như ít di chuyển khỏi khu vực sinh sống. Tòa lâu đài được xem như một thành trì bảo vệ kiên cố cho địa vị, quyền lực của họ.

Tưởng chừng đây là một cách thức an toàn để bảo vệ tài sản. Thế nhưng, Niccolò Machiavelli, nhà quân sự, chính trị sống vào thế kỷ thứ XVI tại Florence, Italia, người đặt nền móng cho nền khoa học chính trị hiện đại ngày nay, lại cho rằng:

“Nếu ta nhìn ở khía cạnh triệt để quân sự, thì pháo đài chắc chắn là một sai lầm.

Pháo đài là biểu tượng của quyền lực bị cô lập, và là mục tiêu dễ dàng cho kẻ thù. Lẽ ra phải bảo vệ ta, đằng này pháo đài này lại cách ly ta với nguồn tiếp ứng, ảnh hưởng nặng nề đến tính linh động. Nhìn xa trông có vẻ vững vàng, song một khi ta rút vào đó rồi, thì pháo đài trở thành ngục tù, ngay cả khi kẻ thù không vây hãm.

Ở góc độ chiến lược, sự cô lập của một pháo đài không bảo vệ được ta, mà thật ra lợi bất cập hại.” (Trích “48 Nguyên tắc chủ chốt của quyền lực” 5)

  1. 5. Tác giả Robert Grene, NXB Trẻ, 2013

Pháo đài là những di tích đã được xây dựng cách đây hàng trăm năm. Phong cách sống ấy đã trở nên quá lỗi thời (Trừ khi bạn là một quý tộc châu Âu. Đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác). Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại của thế kỷ XXI, nhiều người vẫn duy trì phong cách sống này.

“Bẫy công việc” là một ví dụ tiêu biểu. Họ xây dựng một pháo đài kiên cố trong một lĩnh vực hẹp và tự cô lập với những gì đang xảy ra của môi trường. Họ tin rằng, với pháo đài vững chắc, là chuyên môn và kinh nghiệm sẽ bảo vệ họ trước những biến động.

Nhưng không.

Đó sẽ nhà ngục giam cầm họ trước sự bất ổn của nền kinh tế.

Phong cách sống cũ được định nghĩa dựa trên khối lượng tài sản tích lũy.

Họ không quan tâm đến giá trị cốt lõi.

Họ không quan tâm đến ước mơ.

Họ không quan tâm đến sứ mệnh của bản thân trong cuộc sống.

Họ chỉ ra sức thu vén. Càng nhiều càng tốt. Họ xây dựng những pháo đài vững chắc để bảo vệ. Và họ tin như thế là an toàn.

Cũng như những vị quý tộc xưa, phong cách sống này được đánh giá dựa trên sự nguy nga của lâu đài, số lượng vàng bạc trong rương báu và quy mô của đội quân bảo vệ.

Phong cách sống này đã trở nên lỗi thời.

Tại sao?

Số lượng tài sản tích lũy đôi khi không xứng đáng với cái giá mà bạn phải trả để có được. Thời phong kiến, tài sản là một con dao hai lưỡi. Nó vừa minh chứng của quyền lực cho người sở hữu, vừa là nguyên nhân của các cuộc chiến đẫm máu. Hầu hết các cuộc chiến đều bắt nguồn từ nguyên nhân kinh tế.

Và điều này vẫn đúng trong hiện tại. Chỉ có điều, hình thức của các cuộc chiến đã thay đổi. Nó trở nên nguy hiểm hơn. Nó không gây ra những cái chết ngay lập tức. Mà nó kéo dài. Nó bòn rút nguồn vui. Nó bòn rút nguồn hạnh phúc. Nó lấy đi những gì ý nghĩa nhất trong cuộc sống, mà một con người xứng đáng có được.

Thay vì là phương tiện để phục vụ cuộc sống, tài sản trở thành lời nguyền mà rất nhiều người phải gánh chịu. Từ vị thế làm chủ, họ trở thành nô lệ cho tài sản của chính mình. Họ phải ra sức bảo vệ tài sản, đôi khi cả bằng mạng sống.

Còn phong cách sống mới – phong cách của cuộc sống mơ ước bạn đang hướng tới?

Nó là gì?

Phong cách sống mới, trước nhất, dựa trên sự thích nghi trước sự thay đổi. Hãy nhớ, loài sống sót không phải là loài mạnh nhất hay thông minh nhất. Nó là loài thích nghi tốt nhất với sự thay đổi.

Phong cách sống mới được đánh giá dựa trên trải nghiệm.

Đó là khoảng thời gian mà bạn cháy hết mình với đam mê.

Đó là khoảng thời gian mà bạn được sống một cuộc sống ý nghĩa, đa dạng và đầy màu sắc.

Đó là khoảng thời gian bạn dành cho những người thân thương nhất.

Thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu gia tăng, phát triển và bảo vệ khối tài sản như phong cách sống cũ, mục đích sống của phong cách mới tập trung vào hành trình khám phá bản thân và thế giới.

Đó là những chuyến đi trải nghiệm cả ở bên trong lẫn bên ngoài.

Đó là những chuyến du lịch đến những vùng đất mới, tiếp xúc những nền văn hóa mới, gặp gỡ những con người mới. Đó là những thấu cảm về thế giới, về con người, về giá trị con người và những bất công vẫn đang hiện hữu.

Đó là sự kết nối giữa người với người.

Đó là sự kết nối giữa con người và Trái đất.

Đó là sự kết nối giữa con người và những điều bí mật khác…

Đừng cô lập bản thân trong pháo đài cũ kỹ.

Đã đến lúc bạn bước ra với thế giới. Chỉ khi đó, bạn mới có thể thấy những điều mình chưa thấy. Hãy mạnh dạn đập tan ngục tù đang giam cầm tâm thế bạn và bước đến hạnh phúc thật sự.

“Không phải ai cũng muốn trở thành tỷ phú?!”

Pháo đài và kho báu dần trở thành một phần của lịch sử. Thế nhưng, nhiều người vẫn lựa chọn nó. Bởi vì phong cách sống này vẫn có sức hấp dẫn riêng đối với nhiều người. Họ sẵn sàng đánh đổi ước mơ, khát vọng tuổi trẻ và đôi khi cả hạnh phúc gia đình để hướng đến đỉnh cao của sự giàu sang, phú quý.

Lựa chọn thuộc về mỗi người.

Chỉ có điều, ngay cả những người khao khát sở hữu nhiều tài sản nhất vẫn không biết một bí mật. Thật sự, họ có thể không muốn điều đó.

Điều mà họ muốn hoàn toàn khác.

“Không phải ai cũng muốn trở thành tỷ phú”.

Tôi biết trong cuốn sách này có nhiều điều nghe rất kỳ lạ. Vì vậy, bạn có thể đọc lại một lần nữa.

Không phải ai cũng muốn trở thành tỷ phú… nếu họ biết được những gì mình phải trải qua.

  1. K. Rowling

Trước khi nổi tiếng với bộ truyện Harry Potter và trở thành một trong những tác giả giàu nhất thế giới, J. K. Rowling từng phải sống nhờ tiền trợ cấp xã hội. Trong những ngày cơ cực, bà đã miệt mài viết cuốn sách Harry Potter và hòn đá phù thủy trên chiếc máy đánh chữ cũ.

Bản thảo bị 12 nhà xuất bản từ chối. Bà trở nên bế tắc và nghĩ đến chuyện tự tử. Nhờ may mắn, cuốn sách cũng được xuất bản nhưng với lời cảnh báo là nó ít có khả năng thu được lợi nhuận.

Dù vậy, cuốn sách liên tiếp gặt hái được nhiều thành công và giải thưởng.

Sau đó, hãng Warner Bros quyết định mua bản quyền tác phẩm để làm phim. Với những thắng lợi ban đầu, bà sáng tác liên tiếp sáu phần tiếp theo. Tiền bản quyền từ xuất bản sách và bộ phim đã biến nữ văn sĩ thành tỷ phú như hiện nay.

Oprah Winfrey

Oprah được sinh ra bởi người mẹ vị thành niên. Sau khi được sinh ra, Oprah phải sống với bà ngoại, bà ngoại nghèo nên Oprah thường phải mặc quần áo may từ bao tải đựng khoai tây.

Oprah kể lại rằng từ lúc chín tuổi, bà đã trở thành nạn nhân của lạm dụng tình dục, có thai năm 14 tuổi nhưng đứa con nhanh chóng qua đời sau đó. Tuy nhiên, số phận đã không đánh gục được Winfrey. Tại trường, bà quyết tâm học hành để thoát nghèo, trở thành nữ sinh danh dự của trường.

Tốt nghiệp trung học, Oprah Winfrey giành được học bổng toàn phần vào Đại học Tennessee State, ngành truyền thông. Năm 1983, Oprah Winfrey nhận vai trò dẫn talkshow AM Chicago, đưa nó từ một chương trình xếp hạng bét lên xếp hạng đầu.

Sau đó, talkshow này được đổi tên thành The Oprah Winfrey Show, phát sóng trên phạm vi cả nước từ năm 1986. Ngày nay, bà được mệnh danh là Nữ hoàng truyền hình Mỹ.

Steve Jobs

Steve Jobs là con nuôi.

Ông được một cặp vợ chồng không mấy khá giả tại California nhận về làm con nuôi. Đến tuổi đi học đại học, ông vào trường Reed College nhưng sau đó đành bỏ ngang vì không đủ tiền đóng học phí. Mặc dù vậy, ông vẫn quyết tâm theo đuổi học hành bằng cách tham gia các lớp dự thính.

Đến năm 1976, thương hiệu Apple đã ra đời trong gara của gia đình Steve Jobs. Trải qua nhiều thăng trầm, thậm chí có lần bị sa thải khỏi công ty do chính mình thành lập, cuối cùng Steve Jobs cũng được cả thế giới thừa nhận khi ông biến Apple thành công ty tiên phong với những sản phẩm công nghệ đột phá như iPod, iPhone, iPad.

Roman Abramovich

Bố mẹ của nhà tài phiệt người Nga này lần lượt qua đời khi ông mới lên bốn.

Roman Abramovich được những người họ hàng đón về nuôi nấng.

Sau khi trải qua một khóa huấn luyện quân ngũ, ông tham gia thị trường chợ đen, bán các sản phẩm như đồ nhựa, nước hoa, kem đánh răng. Dần dần, Abramovich ngày càng dấn sâu vào thương trường với những phi vụ làm ăn đầy tranh cãi.

Ngày nay, Roman Abramovich trở thành một trong những tỷ phú nổi tiếng nhất thế giới. Ông có trong tay câu lạc bộ bóng đá Chelsea, chiếc du thuyền lớn nhất thế giới.

Leonardo Del Vecchio

Cha ông qua đời năm tháng trước khi ông ra đời vào năm 1935 tại Italy. Người mẹ góa bụa không đủ tiền để nuôi nấng năm đứa con nên phải gửi ông vào trại trẻ mồ côi.

Khi lớn lên, Leonardo Del Vecchio làm việc trong một xưởng sản xuất gọng kính. Đến tuổi 23, ông mạnh dạn mở một cửa hiệu riêng bán gọng kính do mình tự sản xuất.

Đến năm 1967 khi 32 tuổi, ông bắt đầu bán những sản phẩm kính hoàn chỉnh, mang thương hiệu Luxottica. Đến năm 1981, công ty mở đại lý đầu tiên ở Đức. Sự kiện này mở đầu cho quá trình phát triển nhanh chóng của hãng.

Ngày nay, thương hiệu Luxottica của ông là một trong những nhà sản xuất kính mắt lớn nhất thế giới với những nhãn hiệu như Ray-Ban, Oakley. Hiện nay, Leonardo Del Vecchio là người giàu thứ hai ở Italy.

Mỗi người một câu chuyện khác nhau. Tuy nhiên, để vươn đến thành công vượt trội hơn bao người, những tỷ phú trên đều phải vượt qua nhiều thử thách khắc nghiệt trong cuộc sống. Một trong số đó có thể dễ dàng quật ngã bất kỳ ai nản chí.

Thực tế đã chứng minh điều đó.

Cũng có nhiều người có xuất phát điểm tương tự họ, cùng sống trong một thời đại, nhưng không phải ai cũng trở thành tỷ phú. Hầu hết những người trải qua nỗi cơ cực tương tự đều đầu hàng và từ bỏ ước mơ của mình. Chỉ có những người trụ vững, kiên định với đam mê, mới có thể đến được đích cuối cùng.

Khi nhắc đến cuộc đời của một người thành công, hay một người nổi tiếng, chúng ta thường chỉ tập trung vào ánh hào quang của họ.

Chúng ta muốn biết cách thức để thành công.

Chúng ta muốn khám phá những bí mật để giàu có.

Chúng ta theo đuổi sự tự do về tài chính…

Và chúng ta chỉ lắng nghe một nửa câu chuyện.

Để trở thành một tỷ phú, hãy làm theo họ. Lời khuyên ấy nghe có vẻ quá dễ dàng. Nhưng liệu khi chứng kiến toàn bộ cuộc đời họ, với tất cả các khía cạnh, những góc khuất, bao nhiêu người sẵn sàng trải qua cuộc sống tương tự?

Sự đánh đổi có thể là quá sức chịu đựng.

Chính vì vậy, không phải ai cũng muốn trở thành tỷ phú. Như họ đã lầm tưởng.

Điều mà hầu hết mọi người đều muốn hoàn toàn khác.

Điều họ muốn là sự trải nghiệm khi đã là tỷ phú.

Điều này là không thể. Nó bất hợp lý và không công bằng. Bạn không thể chỉ lựa chọn những mặt tốt đẹp và bỏ qua tất cả những mặt khó khăn.

Nếu muốn ngắm cảnh bình minh, bạn cần trải qua đêm tối. Nếu muốn tiến đến thành công, bạn cần vượt qua thất bại. Đó là những điều không thể tách rời.

Không phải ai cũng muốn trở thành tỷ phú.

Còn bạn? Bạn sẽ phải đánh đổi những gì?


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button