Kinh doanh - đầu tư

Ít Hóa Nhiều

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Jason Jennings

Download sách Ít Hóa Nhiều ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KINH DOANH

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI TỰA

Căn cứ vào thành quả kinh doanh vô song liên tiếp của các doanh nghiệp được chúng tôi đề cập trong ấn bản đầu tiên của cuốn Ít hóa nhiều, tôi càng tin tưởng hơn bao giờ hết rằng bất kỳ ai hoạt động kinh doanh đều nên đọc và nghiên cứu cuốn sách này. Những công ty này và những cá nhân lãnh đạo kiệt xuất tại đó đã – một lần nữa! – chứng minh rằng họ là các doanh nghiệp xuất sắc nhất và đạt năng suất cao nhất trên toàn cầu.

Khó khăn không chừa một ai.

Trong giai đoạn kinh tế suy yếu ngay sau thời kỳ bùng nổ vào cuối thập niên 1990, đa phần các doanh nghiệp đều cố gắng kháng cự và vật lộn để tồn tại. Từ năm 2001 đến 2003, lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ đã giảm hơn 20% và đa số phải làm tăng ca chỉ để chạm gần đến kết quả kinh doanh của (các) năm trước đó. Chúng tôi đã chứng kiến hàng đợt sóng cắt giảm nhân sự, giảm biên chế, tái cơ cấu và giảm chi tiêu. Chúng tôi cũng nghe thấy hồi chuông báo tử cho các phát kiến mới, và bất kỳ ai liều lĩnh đề nghị đầu tư vào công nghệ thông tin đều bị đe dọa “cho bay đầu”. Hàng nghìn tỉ đô-la vốn cổ đông tan thành mây khói. Và đối với hàng trăm nghìn doanh nghiệp, cuộc giằng co chỉ hóa vô ích và đầy chết chóc.

Ngược lại, mọi công ty được nghiên cứu và đề cập trong ấn bản đầu tiên không chỉ tồn tại mà còn phát triển rực rỡ. Tuy đối diện với cùng một nền kinh tế như bất kỳ đối thủ nào khác, nhưng các công ty này đã phát triển doanh thu, gia tăng lợi nhuận, cùng nhau tạo thêm hàng chục nghìn công việc, giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ mới, mua lại các công ty khác cũng như tiếp tục tiến bước cao hơn và xa hơn. Tất cả đều do họ đã làm đúng.

Các công ty vẫn đang đạt năng suất cao nhất thế giới.

World Savings

Trong lần đầu viết về Herb và Mary Sandler, bộ đôi đồng chủ tịch kiêm CEO của World Savings trong hơn 40 năm qua, tôi đã mô tả tổ chức tài chính của họ như một nơi mà những cái tôi cá nhân được để lại ngoài cửa. Đáng kể nhất chính là việc World Savings thu hút số tiền gửi đến các chi nhánh của họ cao gấp đôi đối thủ cạnh tranh gần nhất, trong khi chi phí vận hành mạng lưới các chi nhánh của họ chỉ bằng một nửa. World Savings cũng là công ty duy nhất trên thế giới được ghi nhận đã gia tăng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu với tỷ lệ tăng trưởng hằng năm đạt 20% trong suốt 35 năm.

Ngay cả khi nền kinh tế Mỹ chính thức rơi vào suy thoái sau sự kiện Ngày 11 tháng 9, World Savings vẫn tiếp tục duy trì kết quả kinh doanh vững mạnh đến kinh ngạc và kỳ vọng gia tăng lợi nhuận hoạt động lên hẳn 30% trong giai đoạn từ tháng 12 năm 2001 đến tháng 12 năm 2003.

Nucor Steel

Thật khó tìm thấy một mảng kinh doanh nào bị nền kinh tế chu kỳ vùi dập tan nát như ngành công nghiệp thép. Từ năm 1997, hơn 40 công ty thép tại Mỹ đã tuyên bố phá sản. Hiếm có tuần nào mà CEO của các công ty thép không có mặt tại thủ đô Washington D.C. để van nài Chính phủ duy trì mức thuế suất đối với thép nhập khẩu, hoặc cầu xin Chính phủ tiếp quản quỹ trợ cấp đã cạn kiệt của họ. Các công ty thép truyền thống lập luận rằng họ không thể cạnh tranh do các chi phí nặng nề cố hữu như: trợ cấp, thỏa ước với công đoàn, các nhà máy và lò luyện cũ kỹ. Nhưng Nucor Steel lại nghĩ khác.

Kể từ lần đầu nghiên cứu và viết về Nucor Steel, chúng tôi đã nhận ra họ cũng phải đương đầu với các vấn đề lớn như phần còn lại trong ngành, nhưng họ đã chọn cách giải quyết khác hẳn. Mới đây, họ vừa công bố cổ tức trong quý thứ 123 liên tiếp (tương đương với 31 năm liên tiếp báo lãi). Tháng 4 năm 2002, họ liên doanh với Tập đoàn Mitsubishi và một nhà sản xuất thép Trung Quốc để xây dựng nhà máy tại Úc, đồng thời mua lại công ty thép Birmingham Steel với bốn nhà máy sản xuất có năng suất thường niên đạt 2 triệu tấn.

Từ năm 2001 đến 2003, giai đoạn kinh tế suy thoái và thị trường rớt giá thảm hại, số lượng các công trình xây dựng phi dân dụng tại Mỹ đã sụt giảm và gây ảnh hưởng xấu đến việc kinh doanh thép giầm của Nucor Steel. Nhưng bất chấp mọi thử thách, trong 12 tháng qua, công ty vẫn gia tăng doanh thu ở mức hai con số (10%) và tăng trưởng lợi nhuận 43% so với năm trước đó.

Ryanair

Từ sau sự kiện Ngày 11 tháng 9, các chuyên gia tài chính và báo giới kinh doanh đã ước tính rằng: ngành hàng không toàn thế giới nói chung đã thất thoát hơn 30 tỉ đô-la, con số cao hơn cả tổng lợi nhuận tạo ra kể từ khi ngành hàng không được khai sinh. Sự tàn phá do chủ nghĩa khủng bố, bệnh dịch và suy thoái kinh tế chắc chắn sẽ buộc các hãng hàng không phải nỗ lực tái tổ chức, tái thiết và tránh để tòa án chụp cho cái mác “phá sản” trong nhiều năm sắp tới.

Khi chúng tôi lần đầu nhận diện Ryanair là một trong những công ty đạt năng suất cao nhất thế giới, hãng hàng không giá rẻ đến từ Ireland này đã đánh bại Southwest Airlines – hãng máy bay chuyên chở giá rẻ tiên phong tại Mỹ – với mọi chỉ số đo lường hoạt động cao gấp gần bốn lần. Kể từ đó, trong khi hầu hết các hãng hàng không khác đều lâm vào cảnh phá sản hoặc ngấp nghé bên bờ vực, thì Ryanair lại ghi đầy sách kỷ lục với các thắng lợi liên tiếp của họ.

Trong 12 tháng qua, hãng đã mở rộng dịch vụ lên tới 20 điểm đến mới. Đồng thời, Ryanair còn là hãng hàng không đứng đầu châu Âu về hãng bay cất cánh đúng giờ nhất, số hành lý thất lạc ít nhất và đáp đúng hẹn nhất so với mọi hãng hàng không khác của Mỹ. Lượng hành khách chọn bay trên Ryanair cũng tăng gần 40%, tức đạt 15 triệu khách trong năm tài chính 2002-2003, trong khi doanh thu tăng thêm 35% một cách đáng kinh ngạc và tỷ suất lợi nhuận sau thuế cũng đạt 28%. Ryanair đã viết nên lịch sử trong ngành hàng không khi công bố đơn đặt hàng máy bay lớn nhất thế giới (150 chiếc Boing 737).

Ryanair được xem là ví dụ xuất sắc nhất về cách sử dụng một mục tiêu lớn duy nhất nhằm thúc đẩy mọi người và xây dựng văn hóa. Công ty này quyết tâm trở thành hãng hàng không quốc tế có lịch bay dày đặc nhất châu Âu, với 40 triệu hành khách thường niên vào năm 2010. Tôi dám đặt cược tất cả rằng họ sẽ thực hiện được điều đó.

The Warehouse Group

Wal-Mart luôn được xưng tụng là nhà bán lẻ hiệu quả và sinh lời nhất thế giới, vì thế bạn có thể tưởng tượng cả nhóm nghiên cứu và tôi đã hoài nghi thế nào khi phát hiện ra một doanh nghiệp bán lẻ có trụ sở tại New Zealand và Úc đánh bại Wal-Mart ở hầu như mọi chỉ số đo lường hoạt động.

Hai năm đã trôi qua kể từ nghiên cứu ban đầu của chúng tôi về The Warehouse Group cùng 230 cửa hàng bán lẻ trên khắp lãnh thổ Australasia(1) của họ. Bất chấp sự cố khó hiểu gần đây ở vị trí CEO khi người sáng lập công ty, Stephen Tindall, quay lại đảm nhiệm vai trò trước đây của ông, The Warehouse Group vẫn dễ dàng đánh bại tiếp Wal-Mart với khoảng cách 20% trong tiêu chí quan trọng là Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), với chỉ số ROE cao phi thường 27%. Trong 12 tháng qua, doanh thu của họ đã tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu bứt phá 33% và cổ tức tăng 8%.

Yellow Corp.

Năm 2003, Yellow Corp. được tạp chí Fortune bình chọn là công ty Mỹ đáng ngưỡng mộ nhất trong lĩnh vực kinh doanh của họ. Quả là thành tựu đáng kinh ngạc khi chỉ trong vòng bảy năm, một công ty từ chỗ trên bờ vực phá sản đã vươn lên thành công ty đạt năng suất cao nhất, rồi công ty được ngưỡng mộ nhất.

Mặc dù nền kinh tế ảm đạm đã chứng kiến sự ra đi của nhiều công ty vận tải, nhưng một lần nữa, Yellow Corp. lại thành công trong việc tăng trưởng doanh thu đáng kể và tăng gấp đôi lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu vào năm 2002. Đến năm 2003, họ tuyên bố mua lại Roadway, một công ty đối thủ với giá gần 1 tỉ đô-la.

IKEA

Những con số biết nói là minh chứng hùng hồn cho cỗ máy bán lẻ tư nhân được vận hành hết sức trơn tru này. Trong 12 tháng vừa qua, tập đoàn này đã mở thêm sáu cửa hàng, bổ sung hơn 10.000 công nhân và tăng doanh thu đến hơn 22% để đạt 12 tỉ đô-la thường niên. Họ cũng dự định mở thêm năm cửa hàng mới mỗi năm tại Mỹ trong mười năm tới, và đã mở rộng sang thị trường Thượng Hải, Trung Quốc.

Tất cả các công ty được đề cập trong quyển sách này đều chứng tỏ họ vượt xa sự kỳ vọng của khách hàng, tuy nhiên, IKEA đã biến nghệ thuật làm vừa lòng khách trở thành một môn khoa học thực thụ. Mỗi nhân viên đều đặt mình vào vị trí của khách hàng mục tiêu – tức khách hàng đại chúng – thay vì ngồi trong tháp ngà và giả vờ mình biết hết những gì khách hàng mong muốn.

SRC Holdings

Không một bậc cha chú nào chịu thừa nhận họ yêu thích điều gì đó. Song, mặc dù các công ty và những vị lãnh đạo sắp được nhắc đến trong các trang tới đây luôn chiếm trọn sự tôn trọng và mến mộ sâu sắc của tôi, nhưng chỉ duy có Jack Stack, CEO của SRC, mới có thể khiến tôi bật khóc vì sự chân thành thuần phác toát ra từ ông.

SRC đã tiếp nhận và biến một số ngành kinh doanh nhơ nhuốc và kém hấp dẫn nhất thế giới trở thành những đơn vị kinh doanh tối tân và cực kỳ kỷ luật. Stack chỉ có một mục tiêu đơn giản duy nhất: giúp mỗi công nhân rành rẽ và thành thục kiến thức về kinh tế, tài chính lẫn kinh doanh để họ thật sự hiểu doanh nghiệp đang vận hành như thế nào.

Năm ngoái, doanh thu thường niên tại SRC lại tăng thêm hai chữ số (16%) và lợi nhuận hoạt động cũng tăng thêm 36% theo truyền thống của một công ty mà ta không thể đặt kỳ vọng thấp hơn.

Cách đây không lâu, trên chuyến bay công tác chật kín người từ Springfield đến St. Louis, Missouri, tôi đã rất ấn tượng trước một chàng trai liên tục đánh máy trên chiếc máy tính xách tay mà thậm chí không hề bị gián đoạn khi chúng tôi bay qua những trận giông dữ dội. Lúc bắt đầu hạ cánh, tôi đã hỏi anh ấy đang công tác tại đâu. “Tôi làm việc cho SRC Holdings”, anh trả lời và nói thêm, “công ty vĩ đại nhất thế giới”.

Lantech

Trong phần đầu, chúng tôi đã nói về Lantech, một công ty do tư nhân nắm giữ, như một mô hình hiệu quả và năng suất cao. Đây là công ty đã duy trì thành công mức tăng trưởng năng suất 1%/tháng trong suốt bảy năm và tăng doanh thu gấp ba lần mà vẫn không thêm nhân viên.

Trong mọi công ty chúng tôi nghiên cứu, Lantech có lẽ là công ty dễ tổn thương nhất khi nền kinh tế xuống dốc. Bạn sẽ thấy họ chuyên sản xuất thiết bị đóng các kiện hàng lớn từ nhiều kiện hàng nhỏ, nhờ đó nhà sản xuất có thể dễ dàng vận chuyển hàng hóa và sản phẩm đến đích cuối cùng. Nói đơn giản, điều này có nghĩa rằng khi các nhà sản xuất chế tạo và vận chuyển ít hơn, họ sẽ càng ít có nhu cầu mua thiết bị tiên tiến do Lantech thiết kế và sản xuất. Nhưng nếu cho rằng đây có vẻ như là lý do để năng suất tụt dốc tại Lantech, thì bạn đã lầm to.

Các thông số trong 12 tháng gần đây nhất tiết lộ rằng chủ tịch Pat Lancaster và Jim, con trai ông kiêm CEO công ty, đã bản lĩnh hơn một nền kinh tế sa sút như thế nào. Như một chứng cứ rõ ràng cho nỗ lực không ngừng nhằm gia tăng năng suất liên tục, trong năm vừa qua, doanh thu của hãng đã tăng 4%, số lượng hàng giao tăng 19%, lợi nhuận tăng 15% và doanh thu trên mỗi nhân viên tăng 20% một cách đáng kinh ngạc. Đồng thời, Lantech vẫn cải thiện được chỉ số an toàn hẳn 50%. Rõ ràng, Lantech đã đáp trả lại thị trường giảm cầu và sức ép cạnh tranh tăng cao chỉ bằng cách phấn đấu cải tiến không ngừng. Điều đó cho phép họ cắt giảm chi phí, nhượng lại một phần đáng kể trong các khoản tiết kiệm được cho người mua và đạt năng suất trên mỗi nhân viên cao hơn trong khi vẫn cam kết về an toàn lao động. Đây mới chính là định nghĩa về năng suất cao: tăng sản lượng trong khi vẫn duy trì hoặc giảm đầu vào mà không đặt bất kỳ ai vào thế nguy hiểm đến tính mạng.

Bạn sẽ có một góc nhìn hoàn toàn mới về tài lãnh đạo can đảm khi đọc đến sự giác ngộ về năng suất của Pat Lancaster, cũng như bằng cách nào một công ty bất kỳ có thể lặp lại thành công như Lantech đã đạt được.

ĐỌC THỬ

1. MỘT MỤC TIÊU LỚN ĐƠN GIẢN

Nếu thiếu đi một mục tiêu LỚN và đơn giản đóng vai trò như hợp lực, thì sẽ không nhà lãnh đạo hoặc quản lý nào có thể hy vọng cải thiện năng suất của một công ty.

– Bill Zollars, CEO Yellow Corp

Trước khi bắt tay viết cuốn sách này, tức là lúc tôi còn dẫn dắt nhóm nghiên cứu của mình bắt đầu công việc sơ khởi nhằm nhận diện nhóm công ty có năng suất cao nhất thế giới và tìm hiểu họ đã thực hiện điều đó như thế nào, tôi vẫn chưa hề nghĩ đến – kể cả là trong một triệu năm nữa – chủ đề cho chương mở đầu này.

Xét cho cùng, quyển sách này dự định sẽ là tập hợp các chiến thuật được nhiều công ty sử dụng để trở nên hiệu quả hơn các doanh nghiệp khác, nhằm chứng minh cho luận điểm Ít hóa nhiều. Tôi đã tưởng tượng mình sẽ xông thẳng vào vấn đề với một khẩu súng máy… Đoàng, họ làm thế này, đoàng, họ làm thế kia, đoàng, đoàng, đoàng!

Sau đó, một phát hiện lớn đã bùng nổ và chen ngang vào kế hoạch của tôi. Đó là: trong các công ty năng suất cao, văn hóa chính là chiến lược.

Sau khi chu du khắp nước Mỹ và khắp thế giới, gặp gỡ nhiều khách hàng, nhân viên, quản lý và nhà lãnh đạo tại những công ty nơi “ít hóa nhiều”, tôi cứ liên tục đối diện với một sự thật không thể chối cãi:

  • Không giống các công ty khác, những công ty năng suất cao hiểu được sự khác biệt giữa chiến thuật và chiến lược.
  • Sự khác biệt đó chính là nền tảng cho phép họ tập trung và xây dựng nên những công ty kiệt xuất. Họ đã thể chế hóa chiến lược của mình.

Còn rất nhiều phát súng đoàng, đoàng nữa sẽ tiếp nối trong các chương tiếp theo; nhưng dựa trên kết quả nghiên cứu thấu đáo của nhóm mình, tôi tin rằng một công ty sẽ không bao giờ thật sự đạt năng suất cao trừ khi cấp quản lý tìm hiểu và chỉ ra được sự khác biệt giữa chiến thuật và chiến lược, rồi cho phép chiến lược trở thành văn hóa công ty.

Chiến lược trong ngày.

Nếu chú ý lắng nghe trên máy bay, tại các cuộc họp kinh doanh hay phòng họp cấp cao, bạn sẽ nghe thấy từ “chiến lược” được xáo lại thường xuyên đến mức trở nên vô nghĩa. Có vẻ như ai cũng có chiến lược cho cái này, chiến lược cho cái kia, chiến lược cho mọi thứ từ đối phó với lũ trẻ cho đến mua một chiếc máy tính xách tay mới để làm đẹp lòng sếp… và tất nhiên là cả chiến lược cải thiện năng suất. Nhưng bao nhiêu người bạn quen biết đã thành công trên nấc thang sự nghiệp nhờ cấp quản lý (hoặc phòng nhân sự) xem họ như những “nhà tư duy chiến lược”?

Đáng báo động hơn nữa chính là tần suất các công ty bỏ “chiến lược” này và thay bằng “chiến lược” khác nhân danh sự linh hoạt. Họ cứ vơ từ chiến thuật này đến chiến thuật khác, thử thế này thế khác rồi gán cho mọi thứ họ thử nghiệm là “chiến lược” một cách sai lầm. Đa phần họ chỉ làm mọi thứ khó hiểu hơn, làm rối đội ngũ và đi ngược lại những gì cần làm để đạt năng suất cao. Trong khi đó, những công ty năng suất cao luôn giữ cho mọi thứ rõ ràng và đơn giản – mọi thứ, bao gồm cả chiến lược.

Khi dần kết thúc các cuộc phỏng vấn chuyên sâu với CEO của các công ty được đề cập trong sách, tôi đã rất sửng sốt bởi một sự thật rằng tất cả đều có cùng điểm chung nói trên – đó là sở hữu và trung thành hết mực với một mục tiêu lớn vô cùng đơn giản. Mục tiêu lớn này chính là chiến lược và nó cũng trở thành văn hóa; mọi thứ khác chỉ là chiến thuật để đạt được nó mà thôi.

Tất cả các nhà lãnh đạo trên luôn ra sức ngăn cản bất kỳ ai muốn phá hỏng động lực nâng cao năng suất bằng các mánh “chiến lược dùng trong ngày” hay mớ lý thuyết quản lý bòng bong mới nhất.

Hãy thử hình dung ra sức mạnh của tất cả mọi người trong tổ chức của bạn – từ một nhà hàng với mười nhân viên cho đến một công ty vận chuyển với 30 nghìn nhân công – khi tất cả mọi người đều nắm rõ và phấn đấu chinh phục một mục tiêu lớn đơn giản.

Việc chia sẻ với mọi người trong công ty một mục tiêu LỚN đơn giản có vẻ như là chuyện thường tình; nhưng như người xưa thường nói, điều phổ biến nhất ở lẽ thường chính là… nó chẳng phổ biến tí nào.

Vậy những chiến lược – những mục tiêu LỚN – này là gì mà cấp lãnh đạo tại một số doanh nghiệp có năng suất cao nhất thế giới luôn tâm niệm?

KHÔNG! Không phải Tầm nhìn nữa đâu!

Những người từng sống sót qua các “sứ mệnh” và “tầm nhìn” đều nở nụ cười thấu hiểu và đồng tình rằng hầu hết các tuyên bố hoành tráng đó chỉ thích hợp để đóng khung và treo tại quầy tiếp tân, in trên trang bìa báo cáo thường niên và đem khoe với vài vị tai to mặt lớn để chứng minh họ cũng cùng hội cùng thuyền. Chúng rõ ràng không phải là ý tưởng để bất kỳ ai cố áp dụng nhằm giúp công việc của mình tốt hơn. Thật không may, những sứ mệnh và các tuyên bố tầm nhìn cao cả, cũng như mọi lời hứa hão khác của nhiều công ty, lại có một lịch sử phong phú nhưng rất tầm thường.

Để xây dựng một công ty đạt năng suất cao, công việc nhàm chán thật sự không diễn ra trong phòng họp cấp cao hay phòng giám đốc; mà nó diễn ra ngay tại công xưởng, trên bàn làm việc, trên dây chuyền sản xuất, tại các quầy bán lẻ và ngoài thực địa. Chỉ những ai “đã đến, đã thấy, đã làm” với một tầm nhìn thật sự mới đủ khả năng giúp doanh nghiệp đạt năng suất cao hơn.

Sức mạnh của một mục tiêu LỚN đơn giản.

Lantech, công ty có trụ sở tại Louisville, Kentucky, một hình mẫu năng suất cao tiêu biểu, đã trải qua một chặng đường khó khăn để nhận ra sự cần thiết của một mục tiêu LỚN đơn giản.

Để chuẩn bị cho các lô hàng sẵn sàng được vận chuyển, các công ty vẫn hay làm theo cách truyền thống là xếp từng sản phẩm vào kiện hàng nhỏ, rồi xếp nhiều kiện hàng nhỏ với nhau thành một kiện lớn, sau đó quấn các kiện hàng này trong màng bọc nhựa rồi chuyển chúng qua một đường hầm nhiệt để tạo thành lớp màng bọc kín chịu được mưa gió. Khi ra khỏi hầm, chúng sẽ xếp chồng lên nhau trên tấm nâng để được cẩu lên xe tải hay ô-tô ray(8).

Trong cuộc khủng hoảng năng lượng tại Mỹ hồi thập niên 1970, người sáng lập kiêm chủ tịch Lantech, ông Pat Lancaster đã nảy ra ý tưởng quấn các tấm nâng hàng thật chặt lại với nhau bằng loại bao nhựa bền chắc chạy cuộn liên tục. (Hãy hình dung bạn quấn một đoạn thun quanh ngón tay nhiều lần). Quy trình này cho phép ta không cần sử dụng hệ thống hun nhiệt để tạo màng bọc kín nữa, đồng nghĩa sẽ tiết kiệm được năng lượng đáng kể. Sau khi đăng ký bằng sáng chế cho quy trình này và mẫu thiết kế các thiết bị, công ty đã ăn nên làm ra trong suốt thập niên 1980. Thành công liên tiếp đến với họ. Ngày nay, công ty này đang đứng đầu thế giới trong lĩnh vực vật liệu đóng gói co giãn, chuyển hàng bằng tấm nâng và hệ thống băng tải.

Nhưng đó mới chỉ là mặt tích cực, và tất nhiên cũng có mặt tối. Dưới thời của Lancaster, công ty hoạt động không tốt ở rất nhiều phương diện. “Chất lượng và dịch vụ chăm sóc khách hàng khá tệ, nhà máy hoạt động không hiệu quả, nhưng do nhu cầu quá cao nên chúng tôi vẫn tiếp tục làm theo cách cũ”.

Mọi thứ cứ diễn ra như thế cho đến một ngày năm 1990. “Sau khi tranh cãi đến tận Tòa án Tối cao”, Pat Lancaster tâm sự: “Chúng tôi đã mất quyền bảo vệ bằng sáng chế và mọi thứ đã thay đổi chỉ trong một sớm một chiều. Phải thừa nhận rằng chúng tôi chỉ bán những thứ như xe cút kít nhưng lại khá kiêu căng về chúng. Thế rồi, bỗng dưng tất cả mọi người đều có thể bán những chiếc xe cút kít y hệt như vậy. Đến lúc này thì chẳng cần so sánh giữa chúng tôi với đối thủ xem ai tệ hơn ai nữa”.

Ngày cũng như đêm, Pat Lancaster nhận ra những năm tháng hưởng lộc trời ban của họ đã kết thúc. Trừ khi có thể giảm đáng kể lượng hàng tồn kho, nâng cao chất lượng sản phẩm, cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng vượt trội và tăng năng suất, nếu không, ngày tháng tồn tại của Lantech sẽ trôi về không.

Trong mười năm sau đó, Lantech đã tăng doanh thu gấp ba lần mà không cần thêm nhân viên, rút ngắn thời gian sản xuất một chiếc máy từ 5 tuần xuống còn 11 giờ(!) và tăng năng suất đều đặn 1%/tháng trong suốt khoảng thời gian đó – tất cả đều nhờ sự tập trung của một cá nhân.

Mục tiêu LỚN đơn giản của Pat Lancaster chính là: trở thành nhà máy sản xuất hiệu quả và đạt năng suất cao nhất thế giới và làm mọi thứ ngày càng tốt hơn.

Sao cơ? Một công ty đạt năng suất cao hơn cả Wal-Mart à? Ở đâu thế?

Năm 1982, Stephen Tindall đến từ New Zealand đã thành lập The Warehouse, một cửa hàng giảm giá với trụ sở duy nhất tại Auckland. Tua nhanh đến 20 năm sau, bạn sẽ chứng kiến một chuỗi cửa hàng cổ phần với 200 địa điểm trên khắp New Zealand và Úc, đồng thời qua mặt nhà bán lẻ Wal-Mart của Mỹ trong mọi thước đo năng suất. Với mỗi đô-la doanh thu, trong khi Wal-Mart chỉ thu được 3,3 xu lợi nhuận thì The Warehouse thu đến 6,6 xu. Và trong khi Wal-Mart đạt tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ấn tượng là 24%, thì The Warehouse lại cho họ hít khói với con số 40% phi thường.

Thoạt trông, bạn có thể cho rằng thành công của The Warehouse đến từ công nghệ. Nhưng nếu đào sâu hơn, bạn sẽ khám phá ra tổ chức này được thành lập và tiếp tục tồn tại nhờ một mục tiêu LỚN đơn giản, nhưng mạnh mẽ.

Năm 1982, khi Tindall còn làm việc cho một cửa hàng bách hóa, nhân một chuyến công tác đến Mỹ, ông đã hộ tống một nhà cung cấp đến trung tâm mua sắm ở ngoại ô New Jersey. Lần đầu trông thấy một cửa hàng giảm giá vùng ngoại ô, Tindall đã nảy ra một ý tưởng và vội vã trở về quê nhà New Zealand, xin nghỉ việc và mở cửa hàng của riêng mình.

Tindall đã dùng toàn bộ số tiền 40 nghìn đô-la dành dụm cả đời để thuê lại một nhà kho trong khu công nghiệp cũ – điều này lý giải cho cái tên “The Warehouse” (tức “Nhà kho”) – sau đó chôn tiếp 30 nghìn đô-la vốn đầu tư ban đầu vào hai quầy thu ngân vi tính. Nếu bạn thắc mắc (như tôi) ông đào đâu ra tiền để trữ hàng hóa, bạn sẽ hiểu vì sao ông lại cần đến hai quầy thu ngân.

Tindall biết mình không đủ vốn mua hàng, nên ông đã đến gặp tất cả các công ty mà ông biết có hàng tồn trong kho và đưa ra một đề xuất. “Hãy chuyển hàng của anh vào kho tôi và tôi sẽ bán chúng giúp anh”, ông đã mời chào ý tưởng này đến các nhà buôn tiềm năng, với lập luận rằng nếu hàng hóa cứ nằm trong kho và không bán được thì cũng chẳng ích gì cho họ. Tiếp đến, ông quảng bá về hệ thống kiểm hàng và thu ngân vi tính của mình, rồi hứa thanh toán hằng tuần cho họ tương ứng với những gì ông bán được. Tindall cũng thông báo trước là số hàng không bán được sẽ bị hoàn lại, nên sau cùng, ông được đặt biệt danh là “Stephen Bán-hoặc-Trả”.

Tindall chia sẻ: “Từ ngày chúng tôi mở cửa hàng đầu tiên, doanh nghiệp này vẫn luôn đặt con người lên trước”. Khi Tindall nói những lời này, chiếc kim trên máy-phát-hiện-nói-dối(9) của tôi không hề nhúc nhích. Theo bản năng, bạn sẽ biết con người này chỉ nói sự thật, và bạn càng muốn nghe ông chia sẻ nhiều hơn.

Với giọng điệu na ná như một Robin Hood thời hiện đại, Tindall tiếp tục: “Hãy nhìn xem, New Zealand nơi chúng tôi khởi đầu là một đảo quốc nhỏ và phải nhập khẩu hầu hết hàng hóa. Do các nhà sản xuất, đại diện sản xuất, đơn vị nhập khẩu và đại lý luôn tăng giá, thế nên người tiêu dùng New Zealand cứ liên tục bị chèn ép và cuối cùng phải trả giá cắt cổ cho hàng hóa họ mua”.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button