Kinh doanh - đầu tư

Giao Dịch Lớn

giao-dich-lon-ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Peter Pham

Download sách Giao Dịch Lớn ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KINH DOANH

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI GIỚI THIỆU

Hơn bốn thế kỷ trước, việc phát minh ra kính viễn vọng và kính hiển vi đã làm cho cuộc cách mạng đo lường dữ liệu có những bước đột phá đáng kể. Khả năng kéo những vật ở rất xa về gần hơn và làm cho những vi sinh vật trở nên to hơn gấp nhiều lần đã khai sáng và đưa thế giới đến với những tầm cao mới. Các thành tựu của ngành quang học đã nuôi dưỡng sự tò mò và kích thích trí tưởng tượng của con người đối với các sự vật, hiện tượng quanh mình.

Ngày nay, thế giới của chúng ta đang ngập chìm trong dữ liệu; chúng ta đang bơi trong đó. Chúng ta gọi nó là Thời đại thông tin nhưng cũng hoàn toàn có thể là Thời đại dữ liệu. Nghệ thuật thống kê và khai thác Dữ liệu lớn (Big data) đang dẫn đến những cuộc cách mạng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ vật lý, thể thao cho đến kinh tế. Bất kể bạn là người quản lý của một đội bóng hay một kỹ sư công nghệ đang làm việc trong một nhà máy sản xuất pin mặt trời thì dữ liệu cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng, nếu không có dữ liệu đúng đắn và chính xác thì chúng ta không thể có được những bước tiến đã có. Việc sử dụng thông tin để hỗ trợ quá trình ra quyết định chính đang thay đổi những yếu tố nền tảng của xã hội.

Tương tự như việc ứng dụng các thấu kính cách nay bốn thế kỷ đã mở đường cho Thời kỳ Khai sáng, chúng ta cũng đang trải qua một bước nhảy trong kiểu cách và chất lượng của những quan sát của chúng ta về thế giới. Không còn những quyết định dựa trên trực giác bằng những đồn đoán và các phỏng đoán. Chúng ta có thể quan sát, kiểm tra tính xác thực và ra quyết định dựa vào đó. Dữ liệu là vấn đề cốt lõi của hoạt động kinh doanh và là cơ sở để giá cả hình thành ngoài thị trường.

Tôi nhận ra rằng, nghiên cứu dữ liệu chính là yếu tố cơ bản đã thay đổi cách cuộc sống vận hành hàng ngày.Những người có thể tận dụng những dữ liệu này một cách khôn ngoan sẽ tạo ra được lợi thế cạnh tranh so với người khác trong cùng lĩnh vực. Điều này đặc biệt đúng trong thị trường vốn, nơi mà phép phân tích định lượng kết hợp với việc huy động tổng lực các nguồn vốn khổng lồ trên thị trường đã tạo nên một môi trường rất khắc nghiệt đối với các nhà đầu tư. Tôi hy vọng rằng, những nội dung được trình bày trong Giao dịch lớn sẽ phần nào giúp cân bằng lại sân chơi lớn này cho các nhà đầu tư cá nhân.

Như tôi đã nói, chúng ta sống trong một thế giới ngập tràn dữ liệu. Thông tin rít lên trước mặt chúng ta theo từng đợt sóng và khiến chúng ta dễ bị áp đảo, lạc lối. Dữ liệu lớn có thể và thường xuyên làm những tay chơi nhỏ bé nhất ngộp thở. Nhưng không nhất thiết lúc nào cũng thế.

Càng lớn thì càng khó sụp đổ. Một ai đó có sáng kiến và ý chí hiện thực nó trong thời đại cho phép truy cập những thông tin chất lượng cao chưa từng có sẽ phá vỡ mọi thứ, và khai thác chúng như những lợi thế cạnh tranh. Trước đây, thông tin là rào cản khi thâm nhập các thị trường. Bây giờ thì mối lo lắng đáng kể nhất đối với các tay chơi chuyên nghiệp không phải đổi mới bằng cách tạo ra nhiều thông tin mới mà là giữ thông tin nằm trong vòng kiểm soát của họ và tránh xa chúng ta. Chỉ cần nghĩ đến ngành âm nhạc hay vụ kiện của Apple chống lại Samsung là có thể hình dung ra viễn cảnh tương lai của chúng ta.

Vì thế, hãy vững tin lên bởi bên trong mỗi người chính là Ý tưởng lớn. Tôi tin vậy. Tự mỗi người đều có ít nhất một ý tưởng đang chờ đợi chúng ta đặt niềm tin vào nó. Với thời gian, sự chú tâm và khai thác hợp lý Dữ liệu lớn, tất cả chúng ta đều có cơ hội nhìn thấy Ý tưởng lớn của mình thành hiện thực. Thật vậy, điều đó là đơn giản thôi, khi mà bạn ngừng lại và suy nghĩ về nó. Nó là một cái gì đó nhỏ bé trong thế giới rộng lớn, nhưng lại là một bí mật đưa chúng ta đi tìm và làm nên Giao dịch lớn.

ĐỌC THỬ

CHƯƠNG 1 PHÁ VỠ TRUYỀN THỐNG

Và tôi thấy hưng phấn(1)

Tôi không biết bạn thế nào nhưng ngày mà tôi quyết định bắt tay vào việc gì đó mới mẻ thì tôi sẽ dành trọn tâm trí cho nó. Nó giống như mùi của một chiếc xe mới. Chúng ta không thực sự biết nó từ đâu đến và tại sao lại tác động đến chúng ta; chỉ biết là nó thực sự kích thích. Lúc nào cũng có một sự phấn khích khi chúng ta bắt đầu một điều thật mới mẻ. Mọi thứ đều có thể xảy ra. Đó là sự quyến rũ của việc kinh doanh, là nhận thức tỉnh táo về những rủi ro vượt khỏi tầm kiểm soát của chúng ta; là một bước nhảy của niềm tin vào thế giới đầy tiềm năng – và rủi ro đó làm chúng ta say sưa.

Trong trí tưởng tượng của chúng ta, làm ra tiền trên thị trường có vẻ dễ dàng hơn rất nhiều so với chuyện nhọc nhằn kiếm sống bằng những công việc bình thường hàng ngày. Ở giai đoạn cuối cùng của bất cứ thị trường tăng giá(2) nào, điều này có thể đúng với rất nhiều người nhưng chẳng chóng thì chày, chúng ta cũng phải rời khỏi thế giới tưởng tượng để trở về với thực tế.

Sự thật là, giá tài sản ở bất cứ thị trường tăng giá nào – cho dù đó là chứng khoán, vàng hay hoa tulip – đều là ảo(3) hoàn toàn so với giá thực của chúng, và cơ hội để nhận ra rằng thế giới của trí tưởng tượng sẽ trôi qua rất nhanh và cần phải hành động nhanh chóng. Hình 1.1 cho thấy sự sụp đổ kinh khủng của chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật mà nếu tôi chú ý thì đã nhận ra đó là chỉ dấu báo hiệu cho nhiều chuyện khác sẽ xảy đến.

Chẳng ai bỏ tiền vào thị trường với ý định thua lỗ. Không một ai. Thế nhưng rất nhiều người thật sự lỗ. Tôi là một trong số đó. Câu châm ngôn “trâu chậm uống nước đục”(4) có lẽ đáng được áp dụng trong thị trường vốn. Giống như hầu hết mọi người, tôi đã ngồi bên bàn làm việc và nghĩ rằng cuộc chơi rất đơn giản chứ không phức tạp như vẫn nghe, tôi đấu lại những người mà mình không biết và trông chờ là sẽ thắng ngay ván đầu tiên. Và một chuyện khác nữa khiến tôi thua cuộc là vẫn ngồi yên đấy ngay lúc cuộc chơi đến thời khắc gay cấn nhất của nó.

Năm 2000, như nhiều người khác, tôi thua lỗ hoàn toàn. Khi những huyên náo lắng xuống và tôi nhìn xung quanh thì nhận ra rằng hầu hết mọi người trong cuộc chơi đều là những con trâu chậm giống mình. Mười hai năm sau, mất nhiều thời gian và suy ngẫm, tôi nhìn thấy khung cảnh vẫn bị hoen ố bởi rất nhiều những người như vậy, vẫn tiếp tục phủ nhận những mất mát và thất bại của chính họ. Họ có thể không giao dịch các chứng khoán trên thị trường có độ may rủi tương đương với bài Poker kiểu Texas(5) (giống như các cổ phiếu của công ty có vốn hóa nhỏ không chia cổ tức và chứng chỉ của các công ty thăm dò dầu khí), họ có thể chỉ bỏ mấy đồng xu vào máy chơi tự động (giống như trái phiếu phát hành rộng rãi và các quỹ đầu tư trái phiếu hoặc cổ phiếu đa dạng)(6). Nhưng kết quả vẫn như thế: Họ vẫn không được tưởng thưởng xứng đáng với thời gian và tiền bạc đã bỏ ra so với mong muốn của họ.

Sứ mệnh của cuộc đời tôi là không còn là tay mơ trong thị trường nữa. Ngay cả nếu không thể trở thành nhà giao dịch cự phách thì ít ra tôi cũng muốn biết những gì mà họ biết để có thể dự đoán hành động và giảm thiểu rủi ro cho mình.

Khi tốt nghiệp đại học, tôi nhận ra rằng con đường sự nghiệp đã chuẩn bị lại không phải là cái tôi muốn. Nói cách khác, tôi không được đào tạo và không có sự hỗ trợ chính thức nào trong lĩnh vực mới vừa được chọn là giao dịch chứng khoán. Tận đáy lòng mình, tôi biết mình muốn sống bằng trí thông minh của bản thân, bằng việc đầu tư trong thị trường vốn. Tuy nhiên, cha mẹ tôi không hiểu điều đó và nói một cách nhẹ nhàng, không đồng ý với quyết định quan trọng của tôi. Quan điểm của ông bà còn rất truyền thống và mang đặc thù văn hóa Á Đông là tìm kiếm một cuộc sống ổn định, nghiêm túc. Sự an toàn được đánh giá rất cao, còn kế hoạch mới của tôi thì hoàn toàn ngược lại. Sự va chạm giữa văn hóa với mong muốn cá nhân đã đạt đến đỉnh điểm và tôi phải thu xếp cuộc sống theo một cách khác, trong khi đó tôi tập trung dành một năm để tự đào tạo mình về thị trường.

Tôi chuyển đến ở cùng một người bạn, Andrew, và thực tế là đã sống trên ghế tràng kỷ khi dành hết thời gian để nghiên cứu. Nếu bạn đã từng xem Steve Jobs phát biểu trong lễ tốt nghiệp ở Stanford năm 2005 thì bạn sẽ nhớ chuyện ông ấy nhận ra bước ngoặt đáng kể nhất trong đời: quyết định nghỉ học. Hiểu theo một cách nào đấy, tôi đã làm một việc tương tự. Tôi quay lưng lại với nhiều thứ mà mình đã từng học và cả những mong đợi của cha mẹ. Không cần so sánh thêm nhiều nhưng đoạn phát biểu đó của ông ấy vẫn còn ảnh hưởng đến tôi đến tận bây giờ.

Vốn liếng đến dưới nhiều hình thức, nhưng một trong số đó là nguồn vốn con người, và tình bạn giữa tôi và Andrew đã trở nên quan trọng hơn những món tiết kiệm của tôi. Không có sự giúp sức của anh ấy thì tôi đã không có cơ hội để sử dụng tiền của mình cho nghề nghiệp tương lai trong thị trường chứng khoán.

Bất cứ ai đã từng tham gia giao dịch đều biết rằng có bao nhiêu người trên thị trường thì có bấy nhiêu cách tiếp cận khác nhau. Cho dù mỗi người chúng ta là duy nhất thì vẫn có những mô hình hành vi xuất hiện trên thị trường có thể phân tích được, từ đó đưa ra những phán đoán có phương pháp hơn về giá của một chứng khoán trong tương lai.

Tôi thường tự hỏi tại sao một người sẵn sàng dành hai tuần để tìm hiểu và mua một chiếc xe hơi, đồng thời mặc cả với nhân viên bán hàng, lại có thể ngoan ngoãn giao tiền của mình cho một tay tư vấn đầu tư hay quản lý quỹ nào đó mà không đắn đo suy nghĩ.

Tất cả chúng ta đều có chuyên môn riêng của mình nên khi người ta giả thiết rằng những người tư vấn tài chính(7) có đủ năng lực chuyên môn cũng là điều tự nhiên, nhưng những ai đã từng làm việc dưới vai trò của nhà phân tích của bên bán thì đều biết là cần đặt câu hỏi về giả thiết đó.

Và bạn cũng nên như thế. Sự thật là người bán xe và người tư vấn tài chính đều là người bán hàng; tất cả họ đều cần phải chốt được thương vụ. Các sản phẩm tài chính cũng không khác gì xe hơi, có quả ngọt và không thiếu những trái đắng. Và nếu như có những nhà tư vấn tài chính chăm chỉ và sâu sắc thì cũng có những người lười biếng. Có những người dùng thời gian để thu thập kiến thức và xây dựng hệ thống phương pháp của riêng mình để tạo ra sự khác biệt với những người khác, và có những kẻ chỉ biết lặp lại những gì người khác đã làm.

Khi đọc xong quyển sách này bạn sẽ không chỉ có khả năng tự quyết định về một giao dịch cụ thể nào đó mà còn có thể đánh giá phẩm chất của người trình bày cơ hội đó với bạn. Và bạn có thể quyết định là không sử dụng bất cứ chuyên gia tư vấn nào.

Quá trình rèn luyện

Đã đến lúc tôi phải nói lý do tại sao bạn nên chú ý đến tôi. Người ta vẫn nói rằng có một sự khác biệt giữa làm việc chăm chỉ và làm việc thông minh. Đôi khi bạn phải bắt đầu bằng sự chăm chỉ trước khi làm một việc gì đó một cách sáng tạo. Tôi đã chọn một con đường mà sau này nhìn lại thì thấy khá điên rồ, những rủi ro đi cùng và sức ép nó tạo ra đã thu hút toàn bộ sự tập trung của tôi vào một mục đích duy nhất, bởi vì chỉ cần khác đi một chút thì có nghĩa là sẽ chết đói. Lúc đó tôi không nhận ra rằng mình đã đặt bản thân vào tình thế hiểm nghèo trong vài năm sau đó – tôi nghĩ mình đã biết hết những gì cần phải chịu đựng để đạt mục tiêu.

Tất cả những gì tôi đã làm là tìm cách kiếm được lợi nhuận một cách ổn định bằng cách khai thác lợi thế từ những cơ hội mà có vẻ thị trường đã bày sẵn. Tôi cần tìm ra cách giao dịch để kiếm tiền. Nếu giao dịch thành công với năm xu thì sau đó tôi có thể thành công với một hào, cho đến cuối cùng tôi có thể giao dịch với lượng tiền xứng đáng với thời gian đã bỏ ra. Nói cách khác, những kỹ năng cần thiết để kiếm ra 20 đô la trên thị trường cũng y hệt như những kỹ năng cần thiết để kiếm 2.000 hay 200.000 đô la. Cơ chế mà người ta mở hay đóng một giao dịch là như nhau. Sự khác biệt duy nhất là quy mô của giao dịch chứ không phải là độ chính xác của quyết định mà bạn đưa ra.

Quá trình học hỏi rất lâu dài và phức tạp. Thành thực mà nói, tôi bị thị trường ám ảnh. Tôi không chỉ phải trở thành một nhà giao dịch tốt mà phải là giỏi nhất trong khả năng của mình. Một khoản tiền đáng kể mà tôi kiếm được trong hai năm được sử dụng cho sách, các khóa học, các hội thảo và những thứ tương tự. Tôi tiếp thu tất cả, thử tất cả và thất bại rất nhiều. Khi đọc quyển sách này, bạn sẽ thấy rằng số thử thách tôi đã vượt qua tương đương với vài chục năm thu lượm kiến thức về phân tích thị trường

Tôi đang cố thuyết phục bạn rằng tôi không rút ra kết luận này một cách dễ dàng. Nếu bạn là một nhà giao dịch thiên về phân tích kỹ thuật tin tưởng vào các đường trung bình MACD (moving average convergence/divergence)(8) hay các dấu hiệu phá mức kiểu hình nêm giảm dần(9) thì đừng cho rằng phản bác của tôi đối với các công cụ này là sự lấp liếm của việc chưa đánh giá thấu đáo công dụng của chúng. Có thể chúng có tác dụng đối với bạn, còn đối với tôi thì độ tin cậy của chúng rất đáng ngờ và có thể đưa ai đó đến những quyết định ngày càng kém chất lượng.

Sau những thất bại đầu tiên từ sự ngây thơ tin rằng có thể dễ dàng thắng lớn, tôi mất nhiều đêm vắt óc suy nghĩ để tìm ra cách tốt hơn. Nếu đã từng trải qua cảnh ngộ đó thì bạn sẽ hiểu. Tôi theo đuổi cuộc chơi này với một mục đích duy nhất, và cuối cùng, tôi bắt đầu nhận ra ngả đường để không lôi kéo bản thân tin vào sự tồn tại của một phương pháp giao dịch được xây dựng trên các cơ sở cho phép giảm thiểu sự lầm tưởng về các tín hiệu xác nhận xu hướng và để chúng ta tự do ra quyết định gần như không phụ thuộc vào cảm xúc.

Khi tôi nói rằng mình theo đuổi cuộc chơi với một mục tiêu duy nhất như vậy thì tôi không nghĩ mình đã giải thích được hết ý nghĩa của nó. Nếu các bạn đã từng xem phim The Prestige(10) của Christopher Nolan thì sẽ dễ mường tượng ra tình cảnh mà tôi đã gò ép bản thân trong mấy năm đó, cống hiến mọi thứ một cách ám ảnh vào mục tiêu trở thành nhà giao dịch chứng khoán giỏi nhất mà bản thân có thể đạt tới. Ngủ là việc không cần thiết. Ăn uống là để có sức làm việc, chứ không phải là để thưởng thức. Hai ảo thuật gia trong phim chạy theo giới hạn tuyệt đối trong nghệ thuật của họ, đưa họ đến với những tai họa, ngay bên bờ vực của sự điên loạn. Đấy là một câu chuyện tuyệt vời. Nó không chỉ đọng lại trong tôi mà còn là một lời cảnh báo rằng bản thân kiến thức là một kiểu cạm bẫy có thể dẫn chúng ta vào những con đường không có thật – đánh lừa lý trí của chúng ta.

Tôi không bảo rằng những gì tôi đã làm là điên rồ hoặc đó là điều bắt buộc để thành công; tôi chỉ nói rằng đó là những gì tôi đã làm. Mọi người xung quanh đã lo lắng cho sức khỏe của tôi, cả về tinh thần lẫn thể chất. Họ e rằng tôi đã bắt bản thân mình làm việc quá sức, nhưng tôi lại chẳng thấy có vấn đề gì. Nếu bạn say mê một điều gì đó và đủ may mắn để nhận ra niềm đam mê của mình sớm như tôi (và có lẽ đây là điều may mắn nhất tôi có được), và có cơ hội để theo đuổi nó, thì bạn có theo đuổi không? Có phải là tôi đã theo đuổi nó mà không đánh đổi điều gì? Hẳn nhiên là không; mọi thứ đều có giá của nó, nhưng nó là điều tôi muốn hơn mọi thứ khác.

Mất hàng nghìn giờ theo đúng nghĩa đen để học tất cả các khía cạnh của phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật, và giao dịch dựa vào những kiến thức đó, tôi cảm thấy tự tin là đã tìm ra một phương pháp chắc chắn phù hợp với bản thân mình. Trong quyển Những kẻ xuất chúng (Outliers), Malcolm Gladwell đưa ra luận điểm là để có cơ hội làm tốt một việc gì đó thì bạn phải dành cho nó 10.000 giờ học tập và thực hành. Đấy cũng không phải là sự đảm bảo cho thành công mà mới chỉ là tiền đề mà thôi. Không đầu tư 10.000 giờ đó thì cơ hội thành công sẽ mất đi. Luận điểm của Gladwell không hẳn hoàn hảo nhưng nó đáng để suy nghĩ. Rồi bạn sẽ thấy ở phần sau, đấy có thể là một cách khác để diễn đạt một quá trình gọi là tự học(11), đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành phương pháp giao dịch mà tôi đang muốn trình bày với bạn. Nếu nó không phát huy tác dụng thì tôi đã không viết quyển sách này. Đơn giản là vậy. Các khái niệm mà chúng ta sẽ khảo sát có thể được điều chỉnh để phù hợp với phương pháp giao dịch của bạn. Tôi không nói rằng mình luôn luôn thực hành phương pháp này một cách hoàn hảo – dù gì đi nữa, tôi cũng là con người và có những ngày tốt hơn những ngày khác – nhưng mục tiêu cuối cùng mới là quan trọng. Chỉ bởi vì bạn biết mình không thể đạt đến sự hoàn hảo nên không cần nỗ lực nữa thì có nên không? Tất nhiên là không. Có một sự khác biệt rất lớn giữa việc xác định con đường bạn nên đi và khả năng có thể bước đi trên con đường đó.

Đó là sự khác nhau giữa hoạch định và thực hiện. Hoạch định nghĩa là tôi muốn nói đến việc xác định một vấn đề cần giải quyết hay quá trình cần được thực hiện. Đấy thật sự là điểm khởi đầu của mọi cố gắng của con người. Nó là khoảnh khắc nhận ra rằng những gì chúng ta đang làm không thỏa mãn được những nhu cầu hiện tại, đưa chúng ta đến quyết định là phải làm gì đó. Nó có thể đơn giản chỉ như là nhận thấy mình đói bụng và cần ăn, hoặc cũng có thể phức tạp hơn như muốn có một cái nhà kho để chứa đồ đạc dụng cụ, hoặc mong muốn có một khoảnh khắc yên tĩnh cho bản thân. Trong cả hai ví dụ, đều có một nhu cầu cần được đáp ứng.

Thực hiện là một quá trình riêng biệt. Đó là những hành động mà bạn sẽ thực thi để đáp ứng nhu cầu của mình. Như vậy, đấy chính là lúc bạn vào bếp và nấu đồ ăn cho mình hoặc chuẩn bị xây dựng nhà kho đựng công cụ đó. Tự làm một cái sandwich dễ hơn rất nhiều so với xây một cái nhà kho, nhưng đều cần những kỹ thuật nhất định. Việc gộp chung quá trình xác định vấn đề (bước hoạch định) và các giải pháp có thể (bước thực hiện) sẽ gây ra hiện tượng thiên vị trong việc đánh giá, ngăn cản bạn tiếp cận những hướng hành động hợp lý. Chuyện này đã xảy ra rất nhiều trong các diễn văn chính trị và cả các phân tích kinh tế.

Các hạn chế trong phân tích kỹ thuật

Mục đích của tôi không chỉ là cung cấp kiến thức mà còn xua tan đi một niềm tin sai lầm cho rằng các thị trường có thể dự báo được. Không hề. Chúng được vận hành dựa trên xác suất. Phương pháp giao dịch của tôi xoay quanh việc xác định và đánh giá những thống kê này dựa trên những biến động trong quá khứ của một chứng khoán và phân bố của các diễn biến ấy.

Một mặt, phân tích định lượng được định nghĩa là phương pháp đánh giá chứng khoán thông qua phân tích các số liệu thống kê thu thập từ diễn biến của thị trường, ví dụ như giá giao dịch và khối lượng giao dịch. Trong khi đó, phân tích kỹ thuật (technical analysis) sử dụng các đồ thị và các công cụ khác để xác định các mẫu hình xu hướng có khả năng gợi ý diễn biến trong tương lai. Thậm chí người ta không cần quan tâm đến giá trị thực của chứng khoán.

 

Phân tích kỹ thuật

Là cách tiếp cận đối với phân tích biểu đồ giá trong đó tập trung vào diễn giải các kiểu dạng của biểu đồ. Đây là cụm từ tổng quát bao hàm nhiều kỹ thuật khác nhau.

 

Để đơn giản hơn, hãy quan sát một người đang đi trên phố. Nếu anh ta rẽ trái ba lần liên tục thì phân tích kỹ thuật đơn giản sẽ cho là anh ta sẽ tiếp tục rẽ trái ở góc đường kế tiếp.

Tuy nhiên, anh ta lại có thể rẽ phải.

Như thế là đã có những hạn chế trong lối tiếp cận thực chứng(12) trong giao dịch. Nhận thức về hạn chế này sẽ xua tan bất cứ quan điểm nào cho rằng có thể tìm ra một công thức thần kỳ hay một chu kỳ phổ quát mô tả diễn biến tương lai của thị trường. Nói như thế không phải là phủ nhận hoàn toàn những đóng góp của phân tích kỹ thuật đối với việc giao dịch chứng khoán, nhưng bạn cần phải lưu ý những điều đó để tránh sa vào sai lầm. Thay vào đó, chúng ta có thể sử dụng những công cụ được xây dựng từ việc tính toán các con số thống kê đơn giản để giúp bạn đưa ra dự báo dựa trên các thống kê quá khứ của những gì đang diễn ra và điều chỉnh chiến lược đầu tư.

Với các thông tin cơ bản như thế, nếu nhìn quảng cáo của một công ty môi giới thì bạn sẽ thấy họ nhấn mạnh các công cụ giao dịch của họ như sau: “Các công cụ cao cấp cho phép bạn giao dịch như một tay chuyên nghiệp” hoặc một số thông điệp vô nghĩa khác. Hầu hết các tay chuyên nghiệp lại không giao dịch. Hầu hết là không được phép vì luật chứng khoán không cho phép họ sở hữu bất cứ chứng khoán nào mà họ khuyến nghị cho khách hàng. Điều này gây ra một sự thiếu kết nối về cảm xúc giữa cá nhân các nhà phân tích với những khuyến nghị của họ. Không thực sự chạm tay vào cuộc chơi, làm sao họ có thể cảm nhận được nỗi đau của bạn, vốn là hậu quả của lời khuyên tồi tệ của họ?

Bán thì khó hơn mua. Vậy nếu họ không bán cho bạn những tri thức sâu sắc về giao dịch thì họ đang bán gì thế?

Họ bán cho bạn ảo tưởng rằng bạn có thể học được cách chế ngự thị trường bằng phần mềm và vô số các công cụ khác của họ. Họ chẳng bán cho bạn bất cứ điều gì độc đáo (90% các công cụ là có sẵn miễn phí trên mạng), ngoại trừ cái giao diện sẽ làm choáng ngợp bất cứ tay chơi non trẻ nào, vì thế cuối cùng, tất cả cũng chỉ là vô dụng.

Hàng thế kỷ qua, kể từ thời của thị trường lúa gạo cổ truyền ở Trung Quốc, người ta đã phân tích sự tương tác giữa giá – khối lượng mua bán – thời gian để tìm ra những chỉ dẫn cho các quyết định tài chính. Cho dù họ quyết định dùng các đường xu hướng(13) hay vết chân gà(14), sóng Elliott hay phân bố hình lá(15), tất cả các công cụ này, một cách tuần tự và/hoặc liên tục, cũng được đặt ra để dự đoán tương lai. Tuy nhiên, như tôi sẽ đề cập ở các phần sau, dự báo thị trường là việc làm vô nghĩa.

Từ ý nghĩa căn bản của nó, phân tích kỹ thuật là phương pháp sử dụng khả năng kỳ diệu của não để nhận ra các mẫu hình xu hướng, nhưng điều này cũng có cái giá của nó.

Có hai khái niệm xuất phát từ trường phái tâm lý học của Gestalt mà tôi tin là có ý nghĩa trong việc giao dịch. Đó là hình tượng hóa(16) và diễn đạt đa chiều(17).

Hình tượng hóa là khả năng của não cho phép thêm những chi tiết chưa thể hiện rõ ràng vào một mẫu hình đã được xác định. Hình 1.2 cho chúng ta thấy các ví dụ, trong đó các hình màu đen giúp thể hiện các hình khác không thật sự được vẽ ra. Não của chúng ta cực kỳ giỏi trong việc lấp đầy các thông tin hình học như vậy.

Các hình khối ngầm định không được thể hiện ở hình 1.2 được dựng lên trong tư duy của chúng ta. Các khối hình nón và không gian ở giữa chúng gợi ý về một khối cầu, trong khi thực tế thì chỉ có các khối hình nón mà thôi. Não của chúng ta đặc biệt giỏi trong việc nhận biết các hình khối và mẫu hình, phân biệt màu sắc của lông chim hay bộ da của con nai ra khỏi phông nền là cây và lá rừng.

Phân tích kỹ thuật truyền thống được xây dựng dựa vào khả năng tìm ra các mẫu hình đường xu hướng và các hình dạng đồ thị giá theo thời gian. Tư duy của chúng ta muốn chắt lọc những thông tin hỗn độn trên đồ thị và sắp xếp chúng thành một cái gì đó có thể hiểu được.

Vấn đề nằm ở chỗ bản thân các mẫu hình lại không phải là chỉ dấu của bất cứ điều gì. Chúng chỉ là những mẫu hình mà chúng ta nhận ra và không nhất thiết phải có một ý nghĩa nào. Trong khi cố gắng khẳng định rằng chúng có một ý nghĩa nào đó thì chúng ta đã tự tạo ra cho mình một kiểu thiên kiến khẳng định khi chỉ cố gắng tìm kiếm những thông tin nào củng cố những định kiến ban đầu(18).

Não của chúng ta được rèn luyện để phát hiện ra những khác biệt. Thực tế cho thấy là một người sẽ không chú ý gì đến những thứ quen thuộc xung quanh mình cho đến khi anh ta nhận ra một sự thay đổi ở đó. Ví dụ, ngồi làm việc tại bàn của mình, bạn đứng dậy và đi lấy một ly cà phê, khi quay lại thì thấy con chuột nằm ở bên trái bàn phím chứ không phải ở bên phải thì điều đó có thể làm nảy sinh sự cảnh giác. Ngay lập tức, bạn bắt đầu cố gắng tìm tòi và tìm xem bằng cách nào điều đó có thể xảy ra và nó làm bạn phân tâm. Tôi nghĩ là nếu mình ở vào hoàn cảnh đó thì sẽ nghi ngờ là ai đó đã lục lọi bàn của tôi hoặc muốn chọc phá gì đó. Chuyện này sẽ làm tôi khó chịu một thời gian dài, và chỗ ngồi làm việc không còn được thoải mái hay an toàn như trước.

Đó là lý do tại sao một người nào đó sẽ nổi cáu khi có ai đó dọn dẹp phòng của anh ta mà không được sự đồng ý trước, làm mất đi tình trạng vốn có ban đầu. Đối với người đó, đây là một sự lộn-xộn-có-trật-tự.

Hãy nhớ lại các phiên bản khác nhau của câu chuyện cười kể về một ông chồng không thể tìm ra được bất cứ món dụng cụ nào sau khi vợ anh ta dọn dẹp ga-ra. Đấy là do não không muốn phải học lại và ghi nhớ lại không gian đó. Hơn nữa, sẽ cần nhiều thời gian để thích nghi trở lại sau sự đứt quãng của những gì đã là thường nhật. Não lười biếng và chỉ muốn thêm các thông tin mới vào hệ thống những thông tin đang có, bởi nó không muốn phải bắt đầu lại từ đầu.

Việc luyện tập như vậy rất có ý nghĩa. Nếu không, chúng ta sẽ không còn khả năng nhận ra được những thứ quan trọng nằm lẫn trong những thứ tầm thường và những nguy hiểm lẩn khuất trong những việc làm quen thuộc. Ngay cả khi bạn đến với phân tích kỹ thuật một cách trong sáng(19), không hề đọc một quyển sách hay website nào có nói đến tam giác, hay đầu và vai, hoặc hình nêm(20), thì khi tự tìm tòi theo cách của mình, bạn sẽ nhận ra rằng chúng không xuất sắc trong việc đưa ra các kết luận nhất quán. Thay vào đó, bạn sẽ thấy rằng chúng chỉ là những chỉ dẫn tốt cho kiểu hành vi tương lai nhưng lại không có khả năng lượng hóa mức độ chính xác hay mức độ thay đổi của giá khi mẫu hình đi đến hoàn chỉnh(21).

Ngay ở lần đầu tiên khi một chứng khoán không đi theo xu hướng mà mẫu hình xu hướng đã dự báo là bạn bắt đầu nghi ngờ. Bạn bắt đầu tìm tín hiệu xác nhận từ các nguồn khác để định hướng cho quyết định của mình và thời gian đã không còn để bạn kịp ra quyết định có lợi cho mình. Nói cách khác, cơ hội mua bán trôi qua trong lúc bạn ngồi suy nghĩ xem cần phải làm gì.

Quá trình đó lặp lại càng nhiều thì các mẫu hình này – vốn không có giá trị dự báo cụ thể nào vì thị trường diễn biến theo xác suất ngẫu nhiên – sẽ càng thể hiện các thuộc tính suy diễn đa chiều.

Suy diễn đa chiều là quá trình mà não của chúng ta không thể phân biệt được hai kết quả diễn dịch từ cùng một hình dạng không gian. Các mẫu hình đều hợp lý như nhau khi được nhìn từ hai hướng khác nhau; điều đó đưa đến sự mập mờ. Tác phẩm của M. C. Escher, một nghệ sỹ đồ họa xuất sắc người Hà Lan, chứa đầy những hình ảnh suy diễn đa nghĩa. Hình 1.3 là một ví dụ.

Trong phân tích kỹ thuật, bản thân các mẫu hình xu hướng trở thành tâm điểm chứ không phải là quyết định giao dịch được rút ra từ nó. Vì não của bạn không còn phân biệt được các diễn giải khác nhau cho nên nó có khuynh hướng coi tất cả chúng đều là quan trọng.

Mọi thứ đều trở thành đặc biệt. Và, bởi vì chúng ta đã bị chúng ám thị cho nên bạn phải dựa vào những thứ ấy để ra quyết định. Nếu bạn để bản thân mắc kẹt trong mê cung của những nhận thức sai lầm giống như trong tác phẩm của Escher thì tức là bạn đã đưa não của mình vào trạng thái bối rối cực độ(22), lúc nào cũng thấy tất cả mọi thứ đều quan trọng.

Khi đó, thay vì đã biết rằng cái toilet trong nhà tắm nằm ở góc xa bên phải, bạn lại đi vào nhà tắm chỉ để thuyết phục bản thân mình là cần phải xác nhận lại vị trí của nó. Cùng lúc đó thì bạn bỏ qua một sự thật là ống dẫn nước trong nhà tắm bị rò, bạn không nhận ra điều đó cho đến khi chân bị ướt.

Việc đưa chính bạn vào tình trạng tê liệt hoàn toàn khi coi mọi thứ đều quan trọng là hoàn toàn có thể xảy ra và bạn bị mắc kẹt trong đó, cố gắng một cách điên cuồng để ghi nhận tất cả sự khác biệt một cách liên tục, đó là một việc làm hoàn toàn bất khả thi.

Đó là lý do tại sao tôi ưu tiên cho sự đơn giản. Khi bạn không nhấn chìm bộ não bằng quá nhiều thứ thì nó sẽ tự do để nhận ra và hấp thụ thông tin, phát hiện ra các yếu tố đặc biệt, nhận thức rồi hành động dựa vào chúng mà không phải phân vân giữa nhiều kết luận.

Trong thời đại quá tải thông tin hiện nay, chúng ta rất dễ rơi vào cái bẫy này, cho rằng nhiều thông tin sẽ giúp chuẩn bị tốt hơn cho giao dịch. Cũng như với mọi thứ khác, có sự khác nhau giữa số lượng và chất lượng. Với cách tiếp cận của tôi trong giao dịch, bạn chỉ cần tìm ra những thông tin có chất lượng và tập trung vào xác suất của sự kiện điểm đồ thị sau sẽ cao hơn hay thấp hơn điểm trước.

Hình 1.4 là một ví dụ hay về một đồ thị có thể làm cho một tay phân tích kỹ thuật truyền thống phát điên. Không có một tín hiệu rõ ràng nào ở đây. Người ta có thể vẽ một khung giới hạn mức giá trên toàn bộ đồ thị, hoặc chú ý đến nửa bên phải như một mẫu hình phá vỡ kênh xu hướng(23), nhưng tất cả đều là sự diễn dịch chủ quan, đa nghĩa về giá của một chứng khoán vốn chưa rõ về xu hướng. Tốt nhất, người ta nên vẽ một đường trung vị(24) qua toàn bộ đồ thị và gọi đó là giá trung bình, coi như thị trường diễn biến xung quanh mức giá đó.

Nhà phân tích kỹ thuật huyền thoại John Murphy đã phân loại phân tích kỹ thuật truyền thống theo các định nghĩa từ khoa học thống kê:

“Khoa học thống kê phân biệt giữa thống kê mô tả và thống kê quy nạp. Thống kê mô tả trình bày dữ liệu bằng đồ họa, chẳng hạn như dữ liệu giá trên một đồ thị dạng cột tiêu chuẩn. Thống kê quy nạp là các phép khái quát hóa, dự báo hay nội suy từ dữ liệu đó. Như vậy, đồ thị giá thuộc về phần được gọi là mô tả, trong khi đó các phân tích mà các tay phân tích kỹ thuật thực hiện trên dữ liệu giá đó thì lại thuộc về phần quy nạp(25)”.

Cho dù tôi có thể đồng ý với John Murphy rằng việc sử dụng dữ liệu quá khứ để dự báo hành vi tương lai chính là dựa vào nền tảng vững chắc của lý thuyết thống kê, thì tôi vẫn có vấn đề với phân tích kỹ thuật truyền thống, đó là việc mô tả dữ liệu (ví dụ: đồ thị giá theo thời gian) và phép thống kê quy nạp mà người ta thực hiện trên dữ liệu đó chỉ là các quan sát đơn giản không dựa vào bất cứ cơ sở của một giả thuyết nào. Vấn đề không nằm ở những phép tính thống kê mà là nên sử dụng loại thống kê nào mới là câu hỏi đáng quan tâm.

Phân tích kỹ thuật truyền thống hoàn toàn là quy nạp, với ý nghĩa để quan sát thực tế, nhưng bởi nó thiếu yếu tố đầu vào quan trọng nhất của bất cứ mô hình thống kê nào – giả thuyết có thể kiểm định – cho nên nó không có khả năng dự báo bất cứ điều gì cụ thể.

Phương pháp khoa học là một hình thức của phương pháp luận thực chứng, chú trọng vào khả năng bác bỏ của một giả thuyết hay lý thuyết. Nếu bạn có thể chỉ ra một kết quả có thể dự báo được là mâu thuẫn với giả thuyết, bằng cách quan sát hay thực nghiệm, thì giả thuyết đó coi như bị chứng minh là sai. Nếu bạn không chỉ ra được một kết quả như vậy thì giả thuyết đó có khả năng là đúng và vẫn đúng cho đến khi bị chứng minh là sai.

Ví dụ nổi tiếng nhất của lối tư duy này là phép thực nghiệm tư duy thiên nga đen. Giả thuyết của chúng ta là, bởi vì chúng ta chưa bao giờ thấy một con thiên nga đen nào nên tất cả thiên nga đều là trắng. Lúc mà chúng ta quan sát thấy một con thiên nga đen là lúc mà giả thuyết đã sai – tức là bị chứng minh là sai – và chúng ta cần phải bỏ nó đi, bất chấp chúng ta có nhìn thấy bao nhiêu thiên nga trắng đi nữa. Việc chúng ta nhìn thấy 100 triệu thiên nga trắng trước khi thấy một thiên nga đen không có nghĩa là sự tồn tại của thiên nga đen có thể bỏ qua chỉ bởi vì nó không phù hợp với giả thuyết (hay mô hình). Sự xuất hiện đơn lẻ của một thiên nga đen không thể bị 100 triệu quan sát trước đó che khuất.

Phân tích kỹ thuật không thể đưa ra bất cứ giả thiết có thể kiểm định nào, vì nó hoàn toàn dựa vào phép lập luận quy nạp. Như nhà triết học Karl Popper đã kết luận, không có giả thuyết, lý thuyết hay định lý nào có thể giải thích một sự quan sát trừ khi nó kiểm nghiệm được. Sâu xa hơn, các quy tắc của phân tích kỹ thuật tương tự như một phép nghiên cứu quan sát thực tế, trong đó ghi nhận mối quan hệ tương quan nhưng lại không chứng minh được nguyên nhân khi hai đại lượng tương quan với nhau nhưng cũng không có quan hệ với nhau về mặt nhân – quả.

Hơn nữa, bản thân giả thuyết phải xuất phát từ một quá trình phân tích diễn dịch, dựa vào các dữ liệu thống kê mô tả. Sherlock Holmes là biểu tượng của phép diễn dịch và điều này đã biến ông thành một nhân vật có ý nghĩa đặc biệt trong văn học. Trở thành một kẻ biết diễn dịch có phương pháp là điều mà tất cả chúng ta đều muốn, trong lĩnh vực mà chúng ta quan tâm sâu sắc. Đối với tôi thì đó là giao dịch và đầu tư. Đối với người khác thì đam mê của họ có thể là bóng chày, đàn cello hay chữa bệnh ung thư.

Lập luận quy nạp mà không gắn chặt với một giả thuyết được hình thành nhờ tư duy suy diễn thì sẽ thiếu vắng nền tảng lý thuyết và thực tế, bởi nó chỉ là số liệu. Dữ liệu chẳng nói gì với bạn về chính nó. Dữ liệu mà không có bối cảnh thì cũng giống như một đồ thị không có đơn vị trên các trục tọa độ. Như vậy, nó chỉ cho thấy các quan sát dữ liệu tự tham chiếu lẫn nhau và về cơ bản là sai.

Hình thành giả thiết giao dịch và đầu tư là mối quan tâm chính của tôi khi quan sát thị trường; vì thế các quan điểm đó cần phải được kiểm nghiệm.

Phân tích kỹ thuật dựa vào việc nhận ra các mẫu hình và nó chứa đựng đầy rẫy các vấn đề như đã chỉ ra trên đây. Vì thị trường chẳng là gì khác hơn ngoài hành vi của mọi người đang giao dịch các hàng hóa trên đó, cho nên đồ thị giá và khối lượng giao dịch theo thời gian vẽ nên một bức tranh suy nghĩ của mọi người về giá của một loại hàng hóa trên thị trường. Khi đó người phân tích kỹ thuật sẽ cố gắng trở thành chuyên gia trong việc nhận dạng các mẫu hình.

Nói một cách bóng bẩy thì họ như đang xây lâu đài trên cát.

Hành vi của con người bị dẫn dắt bởi khuynh hướng có lợi cho bản thân. Nhưng con người rõ ràng lại luôn thay đổi hành vi của mình khi bị quan sát hoặc ra những quyết định đối với những người quan sát bên ngoài đó theo hướng ngược lại với lợi ích tốt nhất của mình. Đó là lý do tại sao phương pháp khoa học (thực chứng) khi ứng dụng vào khoa học xã hội lại trở thành một phương pháp không hoàn mỹ để nghiên cứu hành vi con người. Và đó là lý do tại sao, bất chấp mọi mong muốn, chúng ta không thể xây dựng được một mô hình dự báo cho thị trường. Nằm giữa sự thiếu vắng những thông tin hoàn chỉnh về lý do tại sao chúng ta hành động và một biên độ phản ứng của chúng ta đối với khiếm khuyết đó thì điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm được với những suy diễn của mình là gán cho mỗi chuyện có thể xảy ra một xác suất.

Do đó đừng thắc mắc tại sao họ chọn hành động như thế giống như cũng sẽ chẳng bao giờ thắc mắc tại sao lại chọn món ăn nào đó tối qua.

Đồ thị giá chỉ cho thấy những gì người ta đã làm. Chúng không cho chúng ta biết tại sao họ đã làm như vậy. Nhiều tác phẩm về tài chính đã tìm cách bàn về sự dịch chuyển của thị trường dưới góc độ động cơ của con người. Bởi vì chẳng có cách nào biết được tại sao người ta lại hành động như đã hành động cho nên nhà giao dịch chứng khoán nhất thiết không nên quan tâm đến điều đó nếu muốn thành công.

Đọc là nền tảng cơ bản

Đã là một nhà giao dịch chứng khoán thì động cơ của con người không phải là điều mà bạn quan tâm; cũng không phải là đúng hoàn toàn khi nói rằng động cơ hành động của con người không thể biết được. Dĩ nhiên, tôi có thể nói cho bạn biết tại sao tôi lại chọn bít tết cho bữa ăn tối qua.

Sự hiểu biết đó có thể hữu ích cho bạn nhưng lại không liên quan đến tôi, sự thật vẫn là như thế. Điều đó đúng xét theo quan điểm thực dụng. Mặc dù vậy, khi xem xét thuần túy quy mô của thị trường thì nó rất ngớ ngẩn.

Như vậy, điều quan trọng là phải bỏ qua những gì mà chúng ta cho là động cơ của nhà giao dịch, thúc đẩy họ mua một chứng khoán nào đó chứ không phải là bán ra. Tất cả những gì chúng ta biết là họ đã làm như thế và vậy là đã đủ để xây dựng nên một phương pháp giao dịch có khả năng thành công. Phân tích động cơ của bản thân đã khó; cố gắng phân tích động cơ của khoảng vài nghìn người khác thì ngay cả với những kẻ có sức mạnh phi thường(26) cũng là chuyện ngoài tầm tay.

Nếu cuối cùng phân tích kỹ thuật là một công cụ cho phép mô tả quá khứ mà không nói gì nhiều về tương lai thì phân tích cơ bản là một bộ công cụ dùng để nghiên cứu các cấu trúc nền tảng của thị trường hay cổ phiếu. Phân tích cơ bản nghiên cứu tình trạng hoạt động của một công ty bằng cách tính toán các chỉ số được dạy ở những trường kinh doanh và lý do tại sao chúng lại quan trọng. Nó cũng xem xét các điều kiện kinh tế vĩ mô xung quanh công ty, bao gồm mức độ ổn định về chính trị của quốc gia, xu hướng của các chi phí đầu vào như nguyên liệu hay nhân công, chi phí vay nợ so với chi phí vốn cổ phần, khả năng tiếp cận với các hạ tầng công cộng và/hoặc các hợp đồng từ chính phủ, và quan trọng nhất là xu hướng kinh tế vĩ mô và dòng tiền chảy vào nội địa.

Phân tích cơ bản chú trọng vào nghiên cứu: thu thập thông tin và tổng hợp. Nó bắt đầu bằng việc đặt câu hỏi chứ không phải là nhìn vào con số. Câu hỏi quan trọng nhất là: “Tôi cần những thông tin gì?” Một khi đã nắm chắc các câu hỏi cần thiết, bạn có thể bắt đầu thu thập thông tin cần thiết để đi đến quyết định cho một khoản đầu tư tiềm năng. Nếu phân tích kỹ thuật là một bức ảnh chụp một thời điểm nào đó trong lịch sử công ty thì phân tích cơ bản là câu chuyện kể về công ty đó.

Nghiên cứu của bạn có thể bắt đầu với một lĩnh vực mà bạn tin là mình có chút ít kiến thức về nó, có thể liên quan đến công việc hay thói quen của bạn. Bạn có thể nghiên cứu báo cáo tài chính của một công ty và lưu ý đến những thông tin như suất thu lợi trên vốn đầu tư (ROI), dòng tiền ròng, tỷ lệ lãi gộp, tỷ lệ cổ tức… Bất cứ người môi giới bình thường(27) nào cũng có thể cung cấp thông tin đó cho bạn. Việc nghiên cứu đó cho bạn những hiểu biết căn bản về năng lực của công ty trong việc khai thác tài sản và làm ra tiền. Tuy nhiên, không nhất thiết mọi thứ đều đưa đến chuyện tăng giá chứng khoán vì vô số những yếu tố ngoại sinh khác, giống như những yếu tố đã được liệt kê trên đây.

Điều quan trọng cần nhớ là phân tích cơ bản mà bạn thực hiện có thể tồn tại hoàn toàn riêng biệt, tách biệt khỏi những thăng trầm của thị trường. Bất chấp chuyện các thông số cơ bản của công ty có tốt đến đâu chăng nữa, nếu xu hướng của thị trường là đang đi xuống thì cổ phiếu cũng không tăng giá và việc giao dịch ngắn hạn với một cổ phiếu không được thị trường ưa thích chỉ lãng phí thời gian và tiền bạc. Bạn phải chịu chi phí cơ hội khi đầu tư vào một công ty hay lĩnh vực khác đang được thị trường thực sự ưa thích và đang đem đến lợi nhuận đầu tư.

Chẳng hạn, hiện tại tôi đang làm việc ở Việt Nam và cố gắng tìm giá trị của thị trường này. Thị trường này mang trong nó những khác biệt cần chú ý, không giống như khi tôi tìm hiểu thị trường Mỹ hay châu Âu. Ở Việt Nam, thị trường vốn là cực kì non trẻ và thông tin về các công ty thì rất thiếu minh bạch. Cho nên những thông tin mà tôi có thể tìm được ngay ở những nước như Đức thì lại rất xa xỉ ở Việt Nam. Hơn thế nữa, thông tin tương tác giữa công ty niêm yết và các nhà phân tích quan tâm diễn ra rất chậm. Đối với những thị trường phương Tây, các kênh thông tin nhiều đến mức quá tải thì ở Việt Nam, các nhà giao dịch vẫn phải đào bới tìm kiếm. Đó là một thách thức, nhưng suy cho cùng cũng chính là các cơ hội kinh doanh, phải vượt qua những thách thức để đáp ứng khoảng trống của nhu cầu.

Sau đó thì các câu hỏi trở nên thần bí hơn: Công ty đó dẫn đầu thị trường hay chỉ là kẻ chạy theo người khác? Đó là Apple hay là LG? Những công ty đổi mới sáng tạo được định giá khác với những công ty theo đuôi, do đó việc so sánh chỉ số giá trên mức tăng trưởng (PEG) đôi khi lại không phù hợp. Ví dụ, lúc nào cũng có một thứ mà tôi quen gọi là “phần thưởng Picasso” gắn liền với các công ty. Đó là sự thỏa mãn về tâm lý khi nắm giữ cổ phần của một công ty mà bạn tôn trọng và ngưỡng mộ, cũng giống như một người sưu tầm tranh cảm thấy kiêu hãnh khi giữ tác phẩm của một danh họa nổi tiếng như Picasso.

Tôi phát hiện ra điều thú vị là phân tích cơ bản thay đổi cùng với chính diễn biến của thị trường khi mà các nhà phân tích cố gắng tìm thêm nhiều thông tin để lượng hóa nhằm tạo ra lợi thế vượt trội so với đối thủ. Tôi vẫn cảm thấy băn khoăn phương pháp đó có thể hỗ trợ gì cho bạn khi giao dịch hay không, tuy nhiên nếu không có nghiên cứu thì sẽ không có tiến bộ.

Sai lầm kép do quy nạp

Để có thể hiểu rõ hơn sự băn khoăn của tôi, hãy nhìn vào những lỗ hổng mới trong phép phân tích dựa vào nghiên cứu, đó là các chiến lược khai thác dữ liệu được các nhà kinh tế học, các nhà giao dịch sử dụng trong thời gian gần đây. Họ đặt ra câu hỏi liệu rằng có tồn tại một hệ thống duy nhất các quy tắc chi phối giá của toàn bộ thị trường trong mọi khung thời gian. Các quan sát của Victor Niederhoffer đã khẳng định rằng các thị trường vận động trong những chu trình không ngừng biến đổi. Điều đó có nghĩa là kiểu giao dịch phát huy tác dụng trong thị trường đang đi lên(28) vào cuối những năm 1990 sẽ có thể hoàn toàn không phù hợp với thị trường đi xuống(29) vào những năm từ 2000 đến 2003.

Một trong những mối nguy thực sự của việc lạm dụng khai thác dữ liệu là cố gắng đưa ra các mô hình phân tích mô tả quá khứ một cách hoàn hảo, nhưng không có khả năng dự báo tương lai. Dữ liệu thực nghiệm chỉ hữu ích cho việc phục vụ mục đích bác bỏ một giả thuyết nào đó. Và như chúng ta đã biết, tương quan không nhất thiết ngụ ý nhân quả, việc tìm ra một mối tương quan vừa vặn trong dữ liệu quá khứ không đảm bảo cho thành công nếu thiếu vắng một lý thuyết vững chắc trong lôgic và lập luận.

Đôi khi quá trình tìm kiếm sự phù hợp trên dữ liệu thực nghiệm cũng dẫn đến việc suy diễn các kết quả được tính ra từ mô hình. Nói cách khác, dữ liệu thực nghiệm có khả năng phản ảnh một sự thật có thể được suy diễn ra một cách tiên nghiệm, hay suy ra từ lối tư duy suy diễn.

Mô hình dự báo hoàn toàn có thể phù hợp với dữ liệu quá khứ một cách ngẫu nhiên. Một trong những ví dụ kinh điển về loại sai lầm này là câu chuyện về nhà vật lý học Niels Bohr và mô hình nguyên tử kiểu nhật tâm của ông. Bohr đã thiết lập được một phương trình để tìm ra năng lượng của một điện tử trong nguyên tử hydro bao gồm một proton và một electron. Mô hình của ông phù hợp vừa vặn với các bằng chứng thực nghiệm. Tuy nhiên phương pháp của ông lại hoàn toàn sai đối với bất kỳ nguyên tố nào khác (ví dụ như các nguyên tố có nhiều hơn một điện tử). Phương pháp của Bohr cho câu trả lời đúng với hydro nhưng vì tất cả các lý do khác, nó lại là một sai lầm đáng tiếc trên tất cả các nguyên tố khác. Giả thiết của ông về sự hình thành nguyên tử đã đưa ông đến việc sử dụng các công cụ không thích hợp – trong trường hợp này là cơ học Newton – để thử và giải một bài toán nằm dưới sự chi phối của cơ học lượng tử.

Thất bại trên thị trường được xác định một cách đơn giản dựa vào chuyện giao dịch có gây lỗ hay không. Cho dù trong sách này có rất nhiều thảo luận về phân tích và nghiên cứu thì đối tượng mà nó thật sự nhắm đến vẫn là những nhà giao dịch chứ không phải các nhà phân tích. Thật vậy, bạn cần có các kỹ năng phân tích tốt để có thể tìm ra ý nghĩa những dữ liệu có trong tay. Việc bạn đặt các câu hỏi hợp lý về thị trường và đi đến các kết luận giúp bạn có được một cái nhìn thấu đáo hơn về thị trường để mở ra các giao dịch có xác suất thành công cao.

Tuy nhiên bạn cũng cần sẵn sàng lấy tiền của người khác. Nhà giao dịch không băn khoăn gì về việc này. Họ không tạo ra giá trị, mà chỉ tận dụng các cơ hội để đánh giá lại giá trị của cổ phiếu, trái phiếu, hợp đồng tương lai hay các hàng hóa khác. Hơn nữa, một cách căn bản nhất, bạn không cần quan tâm đến chuyện người ở đầu bên kia giao dịch lãi hay lỗ. Chuyện đó không liên quan gì cả.

Bạn có thể nhìn vào trong gương và xác định xem mình có phải loại người không cảm thấy thương hại gì khi ngồi xuống bàn poker và liếm mép thèm thuồng khi nghĩ đến chuyện quét sạch những kẻ ngốc không biết chơi poker.

Bạn có phải là một người như thế không? Hay là loại người sẽ thức trắng cả đêm để nghĩ xem ưu điểm của mình là gì rồi mất ngủ vì suy nghĩ đó?

Nếu bạn nhận ra mình hành động như thế, tức là về bản chất, chúng ta giống nhau. Còn nếu không thì bạn có thể là kiểu người hay phân tích thị trường, đánh cược một hai lần dựa vào phân tích của mình và rồi rơi xuống vực thẳm cùng với chúng bởi vì bạn luôn cho rằng mình đúng, còn thị trường thì sai.

Nếu những điều này nghe rất quen thuộc thì bạn không phải nhà giao dịch, mà là nhà phân tích. Quyển sách này sẽ thuyết phục bạn đừng đi tìm động cơ của thị trường một cách vô ích. Việc áp dụng các khái niệm này cũng vất vả cho bạn và bạn sẽ phải trải qua nhiều khó khăn và thất bại hơn là những nhà giao dịch. Nhà giao dịch sẽ nhận ra lợi thế của mình, đi với nó đến cùng để khai thác hết giá trị rồi lập tức ngừng lại để bắt tay vào giao dịch kế tiếp. Nhà phân tích thì sẽ cố gắng giao dịch một cách đúng đắn nhưng lại từ chối không chịu từ bỏ nhu cầu cần phải chứng tỏ là mình đúng. Đối với những ai có lối tư duy của nhà phân tích, việc cần làm là phải xây dựng cho bản thân một phương pháp dựa vào tư tưởng giao dịch kiểu máy móc(30). Bạn đang lỗ hoặc giá đã đạt đến mức giá mục tiêu – đó là tất cả các lý do để bạn thoát khỏi một giao dịch. Mọi yếu tố khác – tôi nhấn mạnh là mọi yếu tố khác – chỉ gây nhiễu cho kế hoạch của bạn.

Nếu bạn không lưu tâm đến lời khuyên này thì kết quả thật tệ và thất bại sẽ được thể hiện trên bảng cân đối kế toán(31) của bạn, cho dù những lý luận ban đầu của bạn đã chứng minh tính đúng đắn sau này.

Giao dịch lớn

Tôi chọn từ bảng cân đối kế toán một cách thận trọng sau khi đã đặt một số câu hỏi thẳng thắn về động cơ giao dịch của bạn. Như tôi đã nói, để trở thành nhà giao dịch thì bạn không những phải chia tay với cảm xúc bản thân, càng triệt để càng tốt, mà còn với cảm xúc của người ở đầu bên kia của giao dịch. Tuy nhiên, đó là một ranh giới mong manh.

Giao dịch là chuyện kinh doanh, cũng như mọi công việc kinh doanh khác. Vì thế những nhà giao dịch mới bắt đầu đều là những người khởi nghiệp và tôi tin tưởng mạnh mẽ vào tinh thần khởi nghiệp. Khi tôi đang học để trở thành một nhà giao dịch tốt hơn, tôi đã thực sự tạo ra một ảo tưởng cho bản thân. Điều mà tôi thực sự đã làm chính là học cách để trở thành một người khởi nghiệp. Tôi là một người khởi nghiệp mà nghề kinh doanh của tôi là mua bán cổ phiếu và chứng khoán phái sinh(32), chứ không phải là nhà hàng. Rủi ro là như nhau. Chỉ có điều gì hiệu quả và điều gì không hiệu quả là khác nhau thôi. Lý do tôi viết quyển sách này là để cho những ai muốn thử bước vào con đường khởi nghiệp có thêm một hướng dẫn.

Hàng ngày, Internet đang tạo ra những cơ hội có thể thúc đẩy tinh thần khởi sự kinh doanh mà trước đây nhiều người không biết đến. Bản chất của Internet là luôn tạo ra các mô hình kinh doanh mới, thậm chí là hàng ngày. Giao dịch chỉ là một trong số đó. Trong khoảng thời gian chưa đến một thế hệ, rất nhiều ngành kinh doanh và mô hình kinh doanh đã trở nên lạc hậu. Điều này tạo ra nhiều cơ hội cho mọi người khám phá lại bản thân theo mọi cách họ muốn khi mà nó cho phép họ thay đổi và đổi mới theo những hướng chưa từng mơ đến trước đây.

Căn bản thì, tôi rất tin tưởng(33) vào con người và biết rằng, nếu cho họ cơ hội và sự khích lệ thì họ sẽ làm nên những thành quả đáng kinh ngạc. Nếu hệ thống hóa các kiểu giao dịch của tôi vào một quyển sách có thể giúp ai đó gầy dựng việc kinh doanh bằng cách kiếm thêm thu nhập, kiểm soát tốt hơn số vốn đang được các nhà đầu tư chuyên nghiệp quản lý, tiết kiệm tối đa thời gian trong khi đó giảm rủi ro về mức thấp nhất, thì tại sao tôi lại không làm?

Mặc dù giao dịch chứng khoán là một trò chơi có tổng bằng không(34), nhưng ở một mức độ nào đó, nó cũng có tính chất của kinh doanh theo nghĩa là nhà giao dịch phải tìm cách tận dụng nguồn lực tài chính của mình một cách hiệu quả, y hệt như trong bất cứ lĩnh vực kinh doanh nào khác. Việc giao dịch không đứng ngoài dòng chảy của thời gian, cũng như kinh doanh nhà hàng vậy. Chúng đều phải nhận lấy những gì đang có và thiết kế nó lại thành một dạng thức mà ai đó sẽ yêu thích, và khi bạn là một nhà giao dịch thì người đó chính là bạn.

Trong mọi cuộc chơi kinh doanh, rủi ro luôn tồn tại. Và việc giao dịch cũng không ngoại lệ, nó mang lại lợi nhuận cao song song với tỷ lệ rủi ro cũng cao không kém. 70 phần trăm các công ty mới sẽ thất bại. Xác suất để bạn trở thành một nhà giao dịch thành công cũng thấp hệt vậy, nếu không nói là thấp hơn. Những ai đã khởi sự kinh doanh đều biết rằng, để gầy dựng nó, họ phải làm việc chăm chỉ hơn và bền bỉ hơn – ngay cả khi kiếm được ít tiền hơn – so với bất cứ khoảng thời gian nào trước đó và xác suất rất cao là việc không thành.

Như vậy, liệu thất bại có phải là một sự lựa chọn? Chắc chắn rồi. Nhưng đừng để điều đó làm bạn ngừng nỗ lực.

Tập hợp mọi thứ

Thất bại của Niels Bohr cuối cùng lại là một việc rất tốt cho vật lý và hóa học vì nó thúc đẩy quá trình nâng cao sự hiểu biết của con người về cấu trúc nguyên tử. Mục đích của tôi và cả của bạn, không phải là để giữ mãi những thất bại của mình. Thất bại là cơ hội để lớn lên và hiểu biết hơn, dĩ nhiên chỉ với điều kiện là chúng ta thành công. Khi đó, thất bại cần được xác định trong từng giao dịch một chứ không phải là thất bại một cách có hệ thống của phương pháp giao dịch.

Nói cách khác, việc vun đắp một mối quan hệ giữa những tình huống có xác suất xảy ra cao và các phương pháp nghiên cứu định lượng mới là mục đích xa hơn. Phương pháp giao dịch tốt nhất là phương pháp dựa trên xác suất và phân bổ, chứ không phải các dự báo tuyệt đối. Cần phải hiểu rằng việc tốt nhất mà chúng ta có thể làm là xác định được xu hướng dịch chuyển của thị trường dưới những điều kiện nào đó sẽ giúp chúng ta thoát khỏi sự căng thẳng về cảm xúc và, quan trọng hơn, tiết kiệm được nhiều tiền. Cố gắng thoát khỏi tư tưởng cho rằng tồn tại một phương pháp hoàn hảo có khả năng dự đoán thị trường chính là tâm điểm của phương pháp giao dịch của tôi.

Bất cứ ai chơi bài poker đều cần biết rằng cầm trên tay những lá bài tốt nhất, một đôi át chẳng hạn, nhiều nhất cũng chỉ đem đến cho bạn 60% cơ hội thắng cuộc. Được chia đôi át là tuyệt vời nhưng làm thế nào để kết thúc ván bài với tiền còn nắm chặt trên tay không thể là một quá trình hời hợt. Trên thị trường cũng giống hệt vậy. Một cổ phiếu có thể ở một ngành đang có các yếu tố cơ bản tuyệt vời, có lợi nhuận và dòng tiền ấn tượng, và bạn thậm chí có thể mở giao dịch với mức giá hợp lý trong thời điểm hợp lý nhất có thể. Và hãy đoán xem điều gì xảy ra?

Bạn vẫn có thể mất tiền vì giao dịch đó.

Đấy là một tin xấu. Còn tin tốt là tôi tin rằng sự kết hợp giữa phân tích định lượng và kiến thức chuyên sâu về thị trường, phân tích biểu đồ giá – và lựa chọn thời điểm giao dịch không chỉ làm tăng tính khả thi mà còn là cách tiếp cận thành công nhất hiện nay.

Một mặt, một báo cáo gần đây cho thấy ưu thế vượt trội của việc sử dụng bộ phận phân tích(35) ở các quỹ đầu cơ(36), đây là bộ phận có các chuyên gia toán học giải các bài toán hồi quy bậc cao và các phương trình vi phân để tìm ra mô hình rủi ro và mức thu lợi kỳ vọng. Về bản chất, họ cố gắng tinh giảm hoạt động của thị trường về một thuật toán. Mục đích của việc tìm ra các thuật toán này là loại bỏ các đánh giá chủ quan của con người khi giao dịch, vì cho rằng việc ra quyết định của con người là điểm yếu nhất trong toàn bộ hệ thống.

Mặt khác, một số nhà đầu tư tên tuổi – Warren Buffet và Peter Lynch chẳng hạn – sử dụng các nghiên cứu sâu rộng và thẩm định các cơ hội đầu tư theo cách riêng của mình, nhưng cuối cùng thì luôn luôn dựa vào trực giác của cá nhân họ để ra quyết định. Họ tiếp nhận tất cả các thông tin mình có và tiến hành đơn giản hóa dữ liệu theo cách của họ. Sự thành công của họ chứng minh rằng, cho dù các chiến lược định lượng thuần túy có thể nắm bắt thị trường đến một mức độ nào đó nhưng chúng không thể đơn giản hóa mọi thứ về một công thức hồi quy trừu tượng của các con số mà không liên hệ gì với tư duy con người.

Cuối cùng, điều mà tôi ủng hộ là một phương pháp giao dịch có thiết kế đơn giản (tôi đã học từ Steve Jobs nhiều hơn mình tưởng). iPad và iPhone nhấn mạnh lối thiết kế đơn giản, tạo ra thiết bị mà ngay lập tức đã vô cùng hấp dẫn trong khi vẫn đảm bảo mạnh mẽ các tính năng dự kiến. Trong suốt quá trình tinh chỉnh kỹ thuật phân tích của mình, tôi ngày càng đánh giá cao lối tiếp cận đó. Thay vì sử dụng các đồ thị với vô số chỉ số và các đường xác định những gì đã xảy ra trong quá khứ và thường đưa ra những thông điệp rối rắm bắt não phải xử lý, tôi chỉ tập trung vào hai yếu tố quan trọng nhất: giá và khối lượng giao dịch.

Giống như một họa sỹ bắt đầu với một tấm vải bố trắng, các nhà đầu tư cũng chỉ thêm vào những gì cần thiết để làm nên bức vẽ. Đây là phương pháp giao dịch của tôi, sau khi đã chắt lọc lại chỉ còn bốn bước:

  1. Xác định xác suất của một cổ phiếu tăng hoặc giảm so với mức giá cao nhất hay thấp nhất của ngày hôm trước;
  2. Xác định khoảng mở cửa cho cơ hội giao dịch tiềm năng;
  3. Đo lường phân phối xác suất của các mức biến động đối với giá cổ phiếu hàng ngày;
  4. Xác định xác suất khi nào xu hướng đảo chiều.

Nhận thức hình thành từ việc xem lại bảng điện tổng hợp và quan sát việc các mẫu hình giá được thiết lập, và tôi chỉ giữ lại những thống kê quan trọng nhất để nhắc nhở mình xác suất một dịch chuyển sẽ xảy ra trên thị trường. Thông qua quá trình thử lặp đi lặp lại và quan sát, một quy trình giao dịch theo bản năng đã hình thành.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button