Kinh doanh - đầu tư

Điểm Khủng Hoảng

Diem khung hoang - Brian Tracy1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Brian Tracy

Download sách Điểm Khủng Hoảng ebook PDF/PRC/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH KINH DOANH ĐẦU TƯ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Dành tặng những người can đảm, những doanh nhân thành đạt, những người tạo nên tổ ấm và tình bạn, những người dám chấp nhận, đương đầu với thử thách trong cuộc sống, những người đủ can đảm để đến những nơi chưa ai từng đặt chân tới và không bao giờ từ bỏ. Các bạn chính là những người đang nỗ lực xây dựng, dịch chuyển và làm thay đổi xã hội cố hữu mà chúng ta đang lệ thuộc.

Các bạn sẽ trụ vững và phát triển!

Khó khăn là một phần tất yếu của cuộc sống!

Dù bạn là ai, bạn hoạt động trong lĩnh vực nào hay đang thực hiện công việc của bạn tốt đến đâu, thì chắc chắn sẽ có lúc bạn gặp phải những khó khăn, trở ngại ngáng đường. Những lúc như vậy, chúng ta đều bị khủng hoảng nặng hoặc nhẹ, tùy theo mức độ của vấn đề. Và việc vượt qua khủng hoảng một cách ngoạn mục hay để mặc nó nhấn chìm bản thân chính là điểm phân biệt cốt lõi giữa những người thành công và những kẻ thất bại.

Với mục đích giúp mọi người vượt qua khủng hoảng một cách dễ dàng, Điểm khủng hoảng của Brian Tracy sẽ đưa ra 21 bí quyết súc tích nhưng vô cùng giá trị về những đối pháp dành cho khủng hoảng. Lật giở qua từng trang sách, bạn sẽ tìm ra cho mình những mẹo mực bổ ích như kiểm soát tinh thần, tiết kiệm năng lượng của bản thân, nhìn thẳng vào sự thật hay tự tin vào năng lực của chính mình, v.v…

Hãy chấp nhận sự thật rằng, khủng hoảng hay những gì xảy ra đột ngột ngoài ý muốn là một việc khó tránh khỏi trong cuộc sống. Hơn nữa, chúng lại càng không nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta. Điều duy nhất chúng ta có thể làm đó là chuẩn bị sẵn tâm thế cũng như những phương án tối ưu nhất để đương đầu khi khủng hoảng ập tới. Điểm khủng hoảng xứng đáng là một trong những hành trang không thể thiếu trên con đường chinh phục những thành công nhưng tiềm ẩn vô vàn trở ngại, khủng hoảng.

Chào mừng bạn đến với Điểm khủng hoảng. Dù là ai, đang làm gì, là cá nhân hay tổ chức nào, bạn đều sẽ gặp phải các vấn đề khó khăn, những thay đổi bất ngờ và những khủng hoảng cần phải xử lý ngay để không bị đá văng ra khỏi trạng thái cân bằng hiện tại.

Trung bình hai đến ba tháng, các doanh nghiệp lại bước vào một đợt khủng hoảng mới. Nếu những khủng hoảng này không được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả, nó có thể đe dọa đến sự tồn vong của doanh nghiệp đó. Tương tự như vậy, mỗi cá nhân cũng luôn phải đối diện với những khủng hoảng về tài chính, gia đình hay sức khỏe có thể khiến bạn lao đao theo chu kỳ trên.

Tuy nhiên, khi bạn càng cảm thấy khó khăn, vấn đề càng trở nên hóc búa. Đối diện với thử thách khi khủng hoảng cận kề là cách duy nhất giúp bạn chứng minh với bản thân và mọi người bạn thực sự là ai. Như nhà tâm lý học người Hy Lạp, Epictetus, từng nói, “Hoàn cảnh không tạo nên một con người mà chỉ vạch trần bản chất của người đó”.

Có nhiều kiểu khủng hoảng bạn sẽ phải trải qua như sản lượng bán hàng và doanh thu sụt giảm, dòng tiền thấp, v.v… Bạn có thể mất đi khách hàng hoặc mối kinh doanh lớn. Bạn có thể phải chịu những chi phí hoặc thay đổi bất ngờ ngoài dự kiến khiến bạn thua lỗ hay thậm chí mất đi cả công việc của mình. Người trong nội bộ hay ngoài công ty có thể trở thành đối thủ cạnh tranh hoặc có những hành động không trung thực. Bạn có thể bị lừa hay bị “đâm sau lưng” bởi chính bạn bè, đồng nghiệp của mình. Thật ngạc nhiên, đây lại đều là những điều phổ biến mà ai cũng sẽ gặp phải trong đời.

Khủng hoảng có thể xuất hiện khi khách hàng chính của bạn phá sản, không có khả năng trả nợ và đẩy bạn vào tình thế tài chính bấp bênh. Ngân hàng của bạn có thể ngừng cấp vốn. Nguồn thu chính và vốn đầu tư cạn kiệt. Bạn có thể bất ngờ bị sa thải một cách vô cớ và không chốn dung thân chỉ trong một đêm. Khủng hoảng cũng có thể đến khi bạn gặp các vấn đề với gia đình, tài chính hoặc sức khỏe. Trong bất cứ trường hợp nào, bạn đều có thể thấy mình đang đâm đầu vào ngõ cụt, trong lúc khủng hoảng, hoặc bạn sẽ thành công cả về tài chính lẫn cảm xúc hoặc bạn chỉ cố gắng tồn tại để cầm cự ở trạng thái cân bằng.

Ứng phó với thử thách

Từ năm 1934 đến năm 1961, nhà sử học Arnold Toynbee đã cho ra mắt bộ sách 12 tập mang tên A Study of History (tạm dịch: Nghiên cứu về lịch sử), tìm hiểu về sự hình thành và suy vong của 26 nền văn minh trong suốt hơn 3.000 năm. Những kết quả nghiên cứu của ông về chu kỳ tồn tại của các đế chế có thể áp dụng một cách hoàn hảo cho sự phát triển và suy yếu của những doanh nghiệp lớn nhỏ cũng như đời sống của các cá nhân. Những bài học ông đúc kết cũng có thể ứng dụng được cho cuộc sống của chính bạn.

ĐỌC THỬ

Chương 1. Giữ bình tĩnh

“Một người muốn ảnh hưởng đến người khác trước tiên cần chiến thắng chính bản thân mình.”

— BENJAMIN DISREALI

Bạn có một bộ não tuyệt vời với 100 tỷ tế bào, mạnh hơn bất cứ siêu máy tính nào từng được tạo ra trong lịch sử. Bộ não của bạn là một thư viện khổng lồ, nơi bạn có thể tìm thấy mọi thông tin từ trí nhớ chỉ trong vài giây. Bạn có tất cả nguồn lực trí tuệ và tinh thần để xử lý bất kỳ khủng hoảng nào.

Thêm vào đó, những suy nghĩ của bạn cũng có sức mạnh vượt trội, với khả năng khiến bạn hóa điên hoặc hài lòng, tích cực hoặc tiêu cực, hào hứng hoặc bình tĩnh. Những gì bạn nghĩ sẽ quyết định đến cảm xúc mà bạn thể hiện. Khi bạn thấy mình đang đối đầu với khủng hoảng, khi bạn trải qua những thất bại hoặc biến cố bất ngờ, việc đầu tiên bạn cần làm là kiểm soát suy nghĩ và cảm xúc của chính mình để đảm bảo bạn có thể hành động một cách sáng suốt nhất.

Kiểm soát tức thì

Một trong những lớp học của tôi ở trường có dán tấm poster in hình một người đàn ông đang rất lo âu với câu nói “Khi hào hứng hay nghi ngờ, hãy chạy vòng quanh và hét lớn (When excited or in doubt, run in circles, scream, and shout)”. Thật không may, đây lại là điều đa số mọi người làm khi đương đầu với khủng hoảng.

Xu hướng tự nhiên khi mọi thứ tệ đi là phản ứng tiêu cực một cách thái quá; bạn có thể trở nên tức giận, buồn rầu, thất vọng hay lo lắng. Những suy nghĩ đầy áp lực và cảm xúc tiêu cực sẽ ngay lập tức làm tê liệt phần lớn bộ não của bạn, bao gồm cả vùng áo não mới (neocortex) − phân vùng suy nghĩ trong não, nơi giúp bạn phân tích, xử lý vấn đề và đưa ra quyết định.

Nếu không nhanh chóng và tỉnh táo ý thức được việc kiểm soát tinh thần và cảm xúc khi gặp khủng hoảng, ngay lập tức, bạn sẽ rơi vào trạng thái phản ứng “chống trả hoặc chạy trốn” (fight-or-flight reaction)2. Khi mọi thứ trở nên tệ đi, bạn thường sẽ không muốn đối diện hay xử lý, nhưng chính những phản ứng đó lại chẳng thể giúp bạn thoát khỏi trạng thái khủng hoảng.

Hít một hơi thật sâu

Để giữ bình tĩnh trước khủng hoảng, việc đầu tiên bạn cần tránh là phản ứng ngay một cách không suy nghĩ. Thay vào đó, hãy hít một hơi thật sâu để tâm trí bạn bình tĩnh lại rồi nghĩ kỹ về những gì bạn sẽ nói và làm.

Hãy hình dung rằng tất cả mọi người đều đang dõi theo bạn. Hãy coi đó chỉ là một bài kiểm tra để tìm ra bạn thực sự là ai. Hãy nhìn nhận bản thân như một nhà lãnh đạo có thể gây ảnh hưởng đến những người đang noi theo bạn. Hãy tự nhủ rằng mọi người đều đang chờ xem bạn ứng phó với khủng hoảng ra sao. Hãy tạo ra một ví dụ điển hình, một hình mẫu cho người khác, và thể hiện cách xử lý đúng đắn với một vấn đề lớn như bạn đang đưa ra một bài học.

Nguyên nhân chính của những cảm xúc tiêu cực là kỳ vọng bị sụp đổ; bạn mong đợi một đằng, mọi việc lại diễn ra một nẻo. Ngay lập tức, bạn sẽ phản ứng một cách tiêu cực. Điều này không có gì là lạ. Tuy nhiên, bạn cần phải tránh xu hướng tự nhiên này.

Nhận ra hai kẻ thù lớn nhất

Hai biểu hiện cảm xúc tiêu cực nhất khi gặp khủng hoảng hay thất bại là nỗi sợ thất bại và nỗi sợ bị từ chối. Cả hai trạng thái trên đều có thể gây tức giận, trầm cảm hoặc tê liệt.

Bạn trải qua nỗi sợ thất bại khi gặp nguy cơ mất tiền, khách hàng, vị trí, danh dự hay cuộc sống hoặc hạnh phúc của người khác. Đây cũng có thể gọi là nỗi sợ mất mát, đặc biệt là khi liên quan đến tài chính, nó tạo ra trạng thái lo lắng, áp lực hay thậm chí hoảng loạn.

Nỗi sợ bị từ chối thường liên quan đến việc sợ bị chỉ trích, bị đánh trượt, hay không đáp ứng được kỳ vọng của người khác. Khi một vài thứ trở nên tồi tệ, bạn thường cảm thấy mình bất tài vô dụng. Bạn cảm thấy xấu hổ, ngu dốt và mất mặt; cái tôi trong bạn bị tổn thương. Đây là những phản ứng bình thường và tự nhiên. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở cách bạn xử lý những nỗi sợ đó.

Hãy nhớ rằng phản ứng của bạn trước khủng hoảng sẽ quyết định tất cả. Đây chỉ là một bài kiểm tra. Thay vì hành động thái quá, hãy hít thật sâu, thư giãn và giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh và hiệu quả.

Suy nghĩ quyết định cảm xúc

Nhà tâm lý học Martin Seligman khẳng định rằng cách diễn giải sự việc sẽ quyết định suy nghĩ, cảm xúc và những hành động tiếp theo của bạn. Đó là cách bạn giải thích mọi thứ cho chính mình.

95% cảm xúc của bạn dù tích cực hay tiêu cực đều được quyết định bởi cách bạn diễn giải mọi thứ đang diễn ra, qua cách bạn tự nhủ với bản thân. Nếu bạn tự giải thích một thất bại nằm ngoài mong đợi theo hướng xây dựng, bạn sẽ bình tĩnh và có khả năng kiểm soát hơn.

Cho dù trong đầu bạn có vô vàn dòng suy nghĩ, bộ não của bạn chỉ có thể xử lý từng thứ một, còn bạn thì luôn có quyền lựa chọn ưu tiên nghĩ điều gì trước. Bất kỳ lựa chọn nào của bạn cũng sẽ quyết định việc bạn có trở nên tức giận và bối rối hoặc bình tĩnh và tự chủ được hay không.

Hãy nhớ rằng hầu hết mọi việc trong cuộc sống không diễn ra như ý muốn hay chí ít ban đầu sẽ là như vậy. Luôn tự nhắc nhở bản thân rằng những vấn đề và khó khăn là một phần tự nhiên của cuộc sống mà bạn không thể tránh khỏi. Việc duy nhất bạn có thể kiểm soát được là cách ứng phó với chúng.

Giữ trạng thái bình tĩnh để tránh việc bi kịch hóa cuộc sống (catastrophize). Tránh diễn giải vấn đề theo cách tiêu cực thái quá. Không phải bất cứ thứ gì trông cũng tệ như lúc đầu. Bốn từ quan trọng nhất để vượt qua khủng hoảng là: “Kiểu gì cũng qua” (This too shall pass).

Tìm hiểu kỹ vấn đề trước khi ứng phó

Thay vì hành động thái quá, hãy giữ bình tĩnh bằng cách đặt câu hỏi cho những người có liên quan, kiên nhẫn lắng nghe ý kiến của họ. Nếu giải pháp tồn tại, việc của bạn là tìm ra nó bằng tất cả những gì bạn biết trước khi ứng phó.

Thi thoảng, việc nói chuyện với những người mà bạn đủ tin tưởng về các vấn đề bạn gặp phải cũng sẽ giúp bạn nhanh chóng bình tĩnh trở lại và kiểm soát được tình hình. Đi dạo thật lâu và nhìn nhận lại vấn đề, xem xét nó dưới mọi khía cạnh, tìm kiếm mọi giải pháp khả quan. Luôn suy nghĩ tích cực dù có chuyện gì xảy ra, tìm ra điểm sáng trong mọi vấn đề hay tình huống. Đằng sau mỗi thất bại luôn ẩn chứa một cơ hội. Thất bại hoàn toàn của một dự án, một quá trình hay một mối hợp tác kinh doanh đôi lúc lại chính là thứ bạn cần bởi nó có thể dẫn bạn đến với một cánh cửa, một giai đoạn hay một nguồn lực mới theo hướng hoàn toàn khác.

Tìm kiếm bài học giá trị

Dù có chuyện gì xảy ra, hãy luôn tìm kiếm bài học giá trị từ những khó khăn và thất bại. Trong mỗi vấn đề bạn đối mặt sẽ luôn tồn tại mầm mống của một khởi nguồn mới mang lại lợi ích ngang bằng hoặc lớn hơn. Khi tự ép mình tìm ra điểm tích cực và bài học đáng giá trong mọi tình huống hay trong khủng hoảng, bạn sẽ có thể giữ được bình tĩnh, sự tích cực và lạc quan. Bằng cách đó, năng lượng bộ não của bạn sẽ luôn ở trạng thái ổn định để giải quyết vấn đề và xử lý khủng hoảng.

Khi đối diện với khủng hoảng, hãy dành ra vài phút để nhắm mắt lại, hít thở sâu, hình dung rằng bạn đang bình tĩnh, tự tin, thư giãn và trong trạng thái hoàn toàn kiểm soát. Giữ thái độ tích cực, lạc quan với mọi người; phát ngôn từ tốn, lịch sự. Cư xử như thể bạn không quan tâm đến cả thế giới và dù có chuyện gì xảy ra cũng chẳng ảnh hưởng gì đến bạn.

Hãy hành động

  1. Tìm ra điểm tốt hay lợi ích theo cách nào đó trong vấn đề hoặc khủng hoảng bạn đang phải đối mặt. Vấn đề càng lớn, cơ hội càng nhiều.
  2. Tìm kiếm bài học giá trị từ mỗi thất bại hay khó khăn. Luôn nghĩ rằng những vấn đề đến với bạn lúc đó là nhằm dạy cho bạn những gì bạn cần biết để thành công và hạnh phúc hơn trong tương lai.

“Đừng bao giờ từ bỏ vì có thể đó chỉ là lúc con sóng đổi chiều.”

— HARRIET BEECHER STOWE

Chương 2. Tự tin vào năng lực của bạn

“Trong cuộc sống, can đảm là cái giá để đổi lấy bình yên.”

—AMELIA EARHART

Thất bại lớn có thể làm lung lay sự tự tin và năng lực của bạn. Phản ứng tự nhiên cho những xáo trộn không lường trước được là cảm giác sững sờ, bị sốc và tức giận giống như bạn vừa bị đấm cho xây xẩm mặt mày. Đây là phản ứng bình thường và tự nhiên của tất cả chúng ta khi trải qua những biến động hay thất vọng bất ngờ xảy đến.

Dù có chuyện gì xảy ra, hãy luôn nhắc nhở bản thân rằng về cơ bản, bạn là người tốt. Bạn có cá tính, có năng lực và thông minh. Bạn sẽ luôn có đủ khả năng để đối diện và giải quyết được mọi thử thách.

Luôn tự nhủ một cách tích cực để khôi phục lại sự tự tin trong bạn, chẳng hạn như: “Mình thật tuyệt! Mình thật tuyệt! Mình thật tuyệt!”

Bạn có thể làm được!

Khi bất cứ chuyện gì trở nên cực kỳ tồi tệ, bạn thường có cảm giác sợ thất bại. Ngay lập tức, bạn để nỗi sợ hãi đó ăn sâu vào tâm trí. Bạn cảm thấy mình bất tài không khác nào một kẻ thua cuộc. Dù nỗ lực đến đâu, bạn vẫn sẽ có cảm giác nghi ngờ bản thân.

May mắn thay, bạn có thể loại bỏ cảm giác tồi tệ này bằng cách khẳng định với chính mình rằng, “Mình có thể làm được! Mình làm được! Mình làm được!”

Nói với bản thân rằng bạn có thể làm bất cứ thứ gì bạn nghĩ; rằng không có gì là không thể giải quyết. Coi việc giải quyết vấn đề hay xử lý khủng hoảng chỉ như một bài kiểm tra tính cách và trí thông minh của bạn; coi đó là một thử thách giúp bạn trở nên chín chắn và hiểu biết hơn.

Công thức xua-tan-lo-lắng

Một trong những cách hiệu quả nhất để đầu óc minh mẫn và tự tin giải quyết vấn đề là sử dụng bốn yếu tố của công thức xua-tan-lo-lắng:

  1. Dừng lại và xác định hậu quả xấu nhất có thể xảy ra. Trả lời trung thực câu hỏi, “Điều gì tồi tệ nhất có thể xảy ra trong tình huống này?”
  2. Chấp nhận dù hậu quả tệ đến đâu, nó cũng có thể xảy ra. Điều này sẽ giúp bạn bình tĩnh lại và nghĩ thoáng hơn. Một khi chấp nhận việc “sống chung với lũ”, bạn sẽ ngừng lo lắng.
  3. Quyết định xem bạn sẽ làm gì nếu điều tệ hại nhất xảy ra. Bạn sẽ hành động ra sao?
  4. Ngay lập tức cải thiện tình hình. Xác định tất cả những điều bạn có thể làm để giảm thiểu tối đa tổn thất. Dồn toàn lực vào việc tạo ra kết quả tốt nhất có thể.

Thuốc giải độc cho sự lo lắng

Thứ thuốc giải duy nhất cho sự lo lắng là hành động có mục đích để dẫn bạn đến mục tiêu. Thay vì buồn bã hay nghi ngờ năng lực của bản thân, hãy quyết định hành động để giải quyết khó khăn và đưa bản thân ra khỏi sự khủng hoảng. Luôn nhắc nhở bản thân rằng sự việc xảy ra không phải là vật cản mà là vật chỉ đường.

Đặc biệt, không ôm khư khư lấy thất bại hay vấn đề cho riêng mình. Trong kinh doanh, dù bạn có thông minh hay nhiều kinh nghiệm đến đâu, 70% quyết định của bạn luôn là sai lầm hoặc có thể gây thất vọng. Đừng ngạc nhiên hay sầu não về những điều tiêu cực đang xảy đến với bạn, chúng luôn xuất hiện với bất cứ ai làm kinh doanh hoặc chấp nhận một vị trí phải đảm đương trách nhiệm trong bất kỳ tổ chức nào. Như người ta thường nói “Vấn đề là một phần tất yếu của cuộc sống (Problems go with the territory”).

Sự tự tin đến từ động lực thúc đẩy bạn hướng đến mục tiêu của mình. Việc bận rộn để tìm ra giải pháp cho vấn đề sẽ khiến bạn không còn thời gian để tâm đến những gì đã xảy ra, đặc biệt là những thứ bạn không thể thay đổi.

Hãy hành động

  1. Hành động có mục đích tức thì để giải quyết vấn đề. Làm bất cứ điều gì để tiến về phía trước, nắm quyền kiểm soát và giảm thiểu rủi ro.
  2. Loại bỏ cảm giác tự ti. Không đổ lỗi cho người khác. Những rắc rối là một phần tự nhiên của cuộc sống. Thay vào đó, hãy nhận trách nhiệm và tập trung tìm ra giải pháp.

“Quy luật đào thải tự nhiên của vũ trụ là loài kiên trì hơn sẽ là kẻ mạnh, số còn lại vật vờ đến khi bị tuyệt chủng hoặc bị ‘thuần hóa’”.

— EDIWIN PERCY WHIPPLE


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button