Kinh doanh - đầu tư

Cuộc Chiến Không Có Hồi Kết: The Clinton Vs Obama

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Edward Klein

Download sách Cuộc Chiến Không Có Hồi Kết: The Clinton Vs Obama ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Kinh Tế

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

MỞ ĐẦU

Hillary tiếp tục giải thích rằng Bill là một nhà lãnh đạo bẩm sinh và một nhà quản lý xuất sắc, không như Obama, người mà, theo lời bà, “bất tài và tắc trách”. Bill chưa bao giờ coi trọng bộ máy thực thi theo cái cách Obama đã làm.

“Tôi không dám chắc Bill và mình kỳ vọng gì từ gia đình”, Hillary Clinton tuyên bố, “nhưng ngay từ đầu giữa chúng tôi đã rất không ổn”.

Đó là một buổi chiều nắng ráo vào tháng 5 năm 2013, và Hillary đang ngồi trong một buồng góc của Le Jardin du Roi, một quán rượu nhỏ kiểu Pháp tại Chappaqua, New York, nơi gia đình Clinton có một căn nhà. Bà đang tán gẫu với dăm bảy phụ nữ, tất cả đều là thành viên của lớp Đại học Wellesley năm 1969.

Bốn mươi bốn năm trước, những phụ nữ này đã lựa chọn Hillary Diane Rodham là nữ sinh đầu tiên phát biểu tốt nghiệp trong lịch sử của Wellesley – bài phát biểu khiến bà được xuất hiện trong một bài viết trên tạp chí Life và lần đầu tiên có tiếng tăm. Đến giờ, các bạn cùng lớp của bà vẫn mơ về cái ngày bà sẽ hoàn thành số phận của mình và trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ.

Vây quanh là nhóm chị em tin cậy này, và hoàn toàn không vướng bận về những câu thúc của vị trí thành viên trong chính quyền Obama, Hillary đang rất thoải mái. Bà cảm thấy được tự do nói lên suy nghĩ của mình.

“Tôi vẫn băn khoăn không biết có nên tham gia với Obama trong vai trò ngoại trưởng của ông ấy không”, bà nói. “Lịch sử sẽ phán xét việc đó. Rất lâu sau khi tôi qua đời, các sử gia hiện còn là những đứa trẻ, hoặc thậm chí chưa chào đời, sẽ tranh cãi về việc đó tại thư viện tổng thống của tôi”, một trong những phụ nữ có mặt bên Hillary, người tiết lộ với điều kiện được ẩn danh, hồi tưởng lại.

Cuộc đua tiếp theo vào Nhà Trắng phải một năm rưỡi nữa mới bắt đầu1, sau các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2014 – một hoạt động bất di bất dịch trong chính trường – và Hillary vẫn khẳng định trước công chúng rằng bà chưa quyết định xem mình có tham gia cuộc đua không. Tuy nhiên, việc bà nhắc đến “thư viện tổng thống của tôi” khiến mọi người hiểu đó là sự nhỡ miệng, nó hé lộ nhiều điều, và tạo lý do cho một chầu tán thưởng cùng những tiếng cụng ly lanh canh giữa những người bạn.

1 Thời điểm khi tác giả viết cuốn sách (Trong bản dịch này, trừ những chỗ được chỉ rõ, các chú thích đều của dịch giả).

Họ đang uống rượu Château Hyot Castillon Côtes de Bor-deaux và Croix de Basson rosé. Hai loại rượu vang này được Roi, chủ nhà hàng, lựa chọn rất cẩn thận để dùng kết hợp với món sò hấp sốt vanilla cam, paté, xúc xích, hàu, mỳ sợi ăn kèm với thịt xông khói và kem. Bạn bè của Hillary chia sẻ và nếm các món ăn của nhau, trong khi Roi đích thân phục vụ Hillary và chuẩn bị một món chay đặc biệt cho bà sau khi cựu đệ nhất phu nhân nói cho ông ấy biết rằng bà đang cố gắng giảm cân. Một người phục vụ đứng gần đó, làm nhiệm vụ rót đầy các ly rượu của họ, và chẳng mấy chốc cả căn phòng đã tràn ngập những tiếng cười hơi có phần chuếnh choáng.

Nhóm đã lên kế hoạch về buổi họp mặt này một thời gian rồi, nhưng họ không sao ấn định được ngày mãi cho tới giờ, do lịch trình đi lại liên miên của Hillary trong vai trò ngoại trưởng. Tâm trạng của họ rất phấn khởi và họ xem dịp này là cơ hội để khoe những món đồ trang sức cùng túi xách đẹp nhất của mình. Họ đắm chìm trong ánh hào quang của người bạn cùng lớp nổi tiếng nhất.

So với một phụ nữ vừa mới bị một cơn sang chấn và nghẽn máu não thì Hillary trông khá khỏe khoắn. Không còn thấy những bọng mắt; cũng chẳng hề thấy bà tăng cân tí nào trong suốt cuộc chạy nước rút cả triệu dặm ở cương vị ngoại trưởng. Bà vẫn làm việc, đi bộ, và chú ý đến những gì mình ăn, tất cả những điều đó lý giải vì sao bộ âu phục của bà có vẻ rộng. Bà không còn dáng vẻ phờ phạc, húp híp và mệt mỏi như khi mới từ nhiệm chỉ bốn tháng trước.

Sự biến đổi ấn tượng đến mức về sau, một người bạn cùng lớp của bà đã nhắc đến nó khi trả lời phỏng vấn cho cuốn sách này. Với bà ấy, dường như Hillary đã hoàn thành một “công trình” nào đó.

Và đó không phải điều duy nhất khiến người phụ nữ này thấy bối rối. Lẽ dĩ nhiên bà ấy muốn khắc họa Hillary rạng ngời nhất có thể. Bà ấy đã nhắc đến chi tiết Hillary nhớ rõ ngày sinh các bạn cùng lớp và tên của những người họ yêu quý như thế nào; việc góp mặt cùng Hillary thú vị ra sao; việc bà lập tức hiểu một câu bông đùa và bật cười trước bất kỳ ai khác như thế nào. Nhưng đồng thời, nguồn tin này cũng mô tả về hình ảnh một phụ nữ có thể rất khó ưa; một phụ nữ lỗ mãng như Lyndon Johnson và hoang tưởng như Richard Nixon; một người thường gây ấn tượng là thiếu thành thật; nóng nảy tới mức gần như không thể kìm nén được cảm xúc oán trách và giận dữ của mình.

Khi các bạn đề nghị Hillary nói cho họ biết bà nghĩ gì – thật sự nghĩ – về vị tổng thống mà bà phục vụ trong bốn năm vất vả, bà đã nặng lời với Obama bằng thái độ giận dữ khiến tất cả phải kinh ngạc.

“Obama đúng là trò hề”, bà gay gắt. “Sở Thuế vụ Hoa Kỳ nhắm đến phong trào Tea Party2, Bộ Tư pháp tịch thu hồ sơ điện thoại của hãng thông tấn AP và thư điện tử của James Rosen – tất cả những vụ tai tiếng ấy – Obama đã để lòng thù hận kẻ thù của mình điều khiển chẳng khác gì Nixon trước đây. Thời kỳ tôi tìm hiểu vụ Watergate, tôi đã hiểu Nixon cũng như lý do vì sao ông ấy lại hoang tưởng và giận dữ với kẻ thù của mình. Bill và tôi đã học được từ điều đó và không cho phép mình quẫn trí đến mức công kích những người có biểu hiện tâm thần phân liệt chống Clinton, rồi tự hủy hoại mình.”

2 Phong trào chính trị trỗi dậy trên chính trường Mỹ từ một loạt các cuộc phản kháng bảo thủ sau khi Barack Obama lên làm Tổng thống năm 2009; nhằm chống đối lại các chính sách cứu nguy kinh tế và dự án cải tổ bảo hiểm y tế của chính quyền Obama.

Câu cuối cùng này khiến cả bàn bối rối im lặng một lúc. Không người phụ nữ nào đủ can đảm phản bác tuyên bố của Hillary rằng bà chưa bao giờ để cho kẻ thù của mình chọc giận. Theo những gì bạn bè biết về bà, Hillary còn bị kẻ thù làm cho phát điên. Bà lập danh sách kẻ thù gồm những người cản trở nhà Clinton. Trong bản danh sách “lũ bội bạc” và “bọn phản bội” có cả những người bán đứng Hillary và ủng hộ Barack Obama năm 2008, như Thống đốc Bill Richardson của New Mexico, Thượng Nghị sĩ Claire McCaskill của Missouri, Dân biểu James Clyburn của South Carolina, David Axelrod, và, tệ hại nhất, Ted Kennedy quá cố, người mà nhà Clinton từng coi là một biểu tượng cho tới khi ông ấy trở thành thù địch với họ. Ký giả của tờ Hội chợ Phù hoa Todd S. Purdum lọt vào danh sách này sau khi ông ấy viết một bài gay gắt về Bill Clinton, giống như tôi sau khi xuất bản cuốn sách có nhan đề The Truth about Hillary (Sự thật về Hillary).

“Lúc chúng tôi ở Nhà Trắng, Bill xử lý được mọi vấn đề”, Hillary nói. “Có thể anh ấy cảm thấy có lỗi về quản lý quá chi tiết, và đúng, đúng vậy, tôi giúp anh ấy quản lý chi li, và tôi vẫn tự hào về chuyện đó.”

Bà tiếp tục giải thích rằng Bill là một nhà lãnh đạo bẩm sinh và một nhà quản lý xuất sắc, không như Obama, người mà, theo lời bà, “bất tài và tắc trách”. Bill chưa bao giờ coi trọng bộ máy thực thi theo cái cách Obama đã làm. Nếu có chuyện gì đó diễn ra ở Sở Thuế vụ hay Bộ Tư pháp mà Bill thấy không đàng hoàng, ông ấy sẽ triệu tập ai đó ở tận nấc cuối cùng trong bộ máy và tìm cho ra chuyện gì đang xảy ra, và ông ấy không quan tâm ai phạm lỗi.

“Vấn đề với Obama là ông ấy không biết áy náy, và đến nửa thời gian là không kiểm soát được tình hình”, bà nói. “Đó là câu chuyện của nhiệm kỳ Tổng thống Obama. Không kiểm soát được tình hình chết tiệt gì.”

Bà uống một ngụm rượu vang nữa, ngẫm nghĩ một lúc, rồi tiếp tục, “Và các bạn không thể tin tưởng một kẻ chết tiệt. Obama đối xử với Bill và tôi cực kỳ tệ. Chúng tôi rất bực. Chúng tôi đã cố gắng thương thuyết với ông ấy. Chúng tôi hứa ủng hộ ông ấy khi ông ấy ra tái cử và, đổi lại, ông ấy sẽ ủng hộ tôi vào năm 2016. Ông ấy đồng ý dàn xếp như vậy, nhưng rồi lại thất hứa. Lời nói của ông ấy chẳng là cái đinh gì. Bất hòa giữa chúng tôi quá lớn, không thể vượt qua được”.

ĐỌC THỬ

Chương 1 BẤT KỲ VIỆC GÌ CẦN

“Tổng thống yêu cầu tôi làm bất kỳ việc gì cần để thắng trong cuộc bầu cử”, (…), “và Bill Clinton chính là những gì cần đến”.

Barack Obama rất buồn bực. Ông ngồi thừ trên chiếc ghế da to tướng, một đầu gối tì vào mép bàn hội nghị, mặt đầy vẻ tức tối. Suốt nửa tiếng qua, ông lắng nghe với thái độ càng lúc càng bực tức khi hai cố vấn thân cận nhất của ông – David Plouffe và Valerie Jarrett – cứ mải mê tranh cãi quyết liệt về việc làm sao giúp ông thoát khỏi tai họa chính trị.

Khi đó là tháng 8 năm 2011, và chỉ còn chưa đầy mười lăm tháng nữa, Obama sẽ gặp gỡ nhân dân Mỹ nhằm cố gắng vận động cho nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng. Kể từ thời Tổng thống Franklin D. Roosevelt tới nay, mới chỉ có một tổng thống Đảng Dân chủ – Bill Clinton – làm được kỳ tích đó. Và theo Plouffe, người thay chân David Axelrod làm trưởng chiến lược gia chiến dịch vận động của Obama, triển vọng của ngài tổng thống trong điều kiện tốt nhất cũng có vẻ không chắc chắn. Cuộc thăm dò ý kiến mới nhất của Viện Gallup cho thấy Obama ở mức xếp hạng tín nhiệm hằng tháng thấp nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, chỉ có 41% người trưởng thành tán thành những gì ông làm.

Nhân vật Plouffe “gầy thầy đủ thứ” này là một người cực kỳ kiệm lời, một thiên tài về những con số, và một đối thủ đáng gờm. Mặc dù tổng hành dinh tái tranh cử của Obama chính thức đặt cách đó bảy trăm dặm, tại Chicago, nhưng Plouffe lại điều hành toàn bộ chiến dịch từ bên trong khu Chái Tây (West Wing) của Nhà Trắng.

“Chúng ta phải chơi rắn”, Plouffe nói, theo lời một người có tham dự cuộc họp. “Chúng ta phải chôn sống đối thủ Cộng hòa của mình bằng những quảng cáo công kích. Và chúng ta cần một nhân vật có tiếng tăm, một người lính xung kích cho chiến dịch, người kích thích được nhóm nòng cốt và những cử tri độc lập, đồng thời là người đại diện chính cho tổng thống. Theo chủ ý của tôi, người tốt nhất cho công việc đó là Bill Clinton.”

Bình thường, trong các cuộc họp như thế này, không ai nghi ngờ uy quyền của Plouffe. Nhưng khi nhắc đến việc chiêu mộ Bill Clinton tham gia chiến dịch, Plouffe tỏ ra lo lắng một cách khác thường. Ông ấy cứ liên tục nhìn xuống Valerie Jarrett, người ngồi cách đó vài bước.

Đôi mắt của Jarrett rực lên vẻ thách thức.

* * *

Trước khi họ tập trung tại cuộc họp bàn chiến lược vận động then chốt này, Plouffe đã gặp riêng Jarrett và hé lộ thông tin cho bà ấy. Ông nói với bà ấy rằng mình có kế hoạch thúc giục Obama tiếp cận Bill Clinton, người bị rất nhiều thành viên trong nhóm nòng cốt của Obama xem thường, và đề nghị vị cựu tổng thống giúp đỡ trong cuộc chiến bầu cử sắp tới.

Đúng như Plouffe dự liệu, đề xuất của ông không được Jarrett tán thành. Thái độ không ưa nhà Clinton, đặc biệt là Bill, của bà ấy dường như là vô hạn. Thay vào đó, Jarrett gợi ý rằng nhân vật xung kích trong chiến dịch này nên là Oprah Winfrey, người có những khả năng thuyết phục thần kỳ, đặc biệt trong giới nữ và những nhóm người thiểu số, vẫn được giới nghiên cứu dư luận quần chúng xem là “Hiệu ứng Oprah”. Jarrett tin rằng Oprah chắc chắn kiên định mục tiêu và dễ điều khiển hơn hẳn Bill Clinton.

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008, Oprah đã đánh một canh bạc lớn với xếp hạng trên truyền hình của mình bằng việc hy sinh tiếng tăm phi đảng phái của bà và dồn tâm huyết cho Barack Obama. Bà vận động tại những cuộc mít tinh đông đảo và quyên được hàng trăm nghìn đô la cho chiến dịch tranh cử của ông. Và bà được ghi nhận là người có công lôi kéo hơn một triệu lá phiếu.

Đổi lại sự ủng hộ của mình, Oprah được Obama hứa dành cho đặc quyền tiếp cận Nhà Trắng nếu ông thắng cử. Bà sẽ nhận được những bản thông tri thường xuyên về các sáng kiến của chính phủ và được thông báo trước về các chương trình, như thế bà sẽ có nguồn tư liệu giá trị cho công ty truyền hình cáp còn non trẻ của mình là OWN – Oprah Winfrey Network.

“Oprah định sử dụng đặc quyền tiếp cận Nhà Trắng như một phần kênh thời sự của mình”, một nguồn tin thân cận với Oprah trong một cuộc phỏng vấn cho cuốn sách này nói. “Có những kế hoạch lớn, và một nhóm sẽ được thành lập để đưa ra những đề xuất đôi bên cùng có lợi. Nhưng rồi chẳng có chuyện gì như thế cả. Oprah chỉ gửi những lá thư ngắn và một đại diện tới nói chuyện với Valerie Jarrett, nhưng chẳng đi đến đâu. Dần dần Oprah nhận ra rằng nhà Obama hoàn toàn không có ý định giữ lời và thu nạp bà vào nhóm tin cẩn của họ. Trong lúc giận dữ, Oprah đã cấm đưa tin về nhà Obama trên O, tức Tạp chí Oprah, của mình và người ta đồn rằng bà sẽ đứng ngoài cuộc bầu cử năm 2012.

“Rõ ràng, Oprah tin mình đang bị cự tuyệt ngay khi mới làm việc ở cấp độ với Michelle và Valerie”, nguồn tin này tiếp tục. “Và cũng thấy rõ là Tổng thống Obama không hề can thiệp gì cho Oprah cả. Với Oprah, có vẻ như Michelle ghen với bà, nổi khùng vì chuyện Barack tìm kiếm lời khuyên của bà chứ không phải của bà ấy. Về phần mình, Oprah không thích quan hệ với Michelle, bởi vì đệ nhất phu nhân lúc nào cũng qua mặt tổng thống lẫn bất kỳ ai xung quanh mình. Oprah cảm thấy bị tổn thương, giận dữ và sẽ không bao giờ làm hòa với nhà Obama. Bà biết cách nuôi dưỡng hằn thù.”

David Plouffe nhắc cho Valerie Jarrett nhớ về những cảm giác oán giận giữa Oprah và nhà Obama.

“Oprah đã quay lưng với chúng ta rồi”, ông ấy nói.

“Chớ tin như vậy”, Jarrett đáp lại. “Tổng thống và Michelle đều tin rằng Oprah sẽ ra mặt một khi được đề nghị giúp đỡ.”

Nhưng mọi việc không diễn ra như Jarrett dự đoán. Thay vào đó, Oprah từ chối thẳng thừng. Một tối muộn sau bữa ăn tại khu sinh hoạt gia đình ở Nhà Trắng, Jarrett báo tin xấu cho tổng thống và đệ nhất phu nhân.

“Oprah sẽ không làm cái quái gì cho chúng ta vào năm 2012 hết”, Jarrett nói. “Bà ấy không chịu ra tay. Bà ấy sẽ công khai tuyên bố không vận động cho chúng ta lần này.”

Sững sờ, tổng thống bật ra tiếng cười lo lắng.

Michelle thì không nói được một lời.

* * *

Không có Oprah, David Plouffe đành trông đợi Valerie Jarrett xem xét lại thái độ thù địch của bà ấy với Bill Clinton.

Trong vụ này, ông cực kỳ thất vọng. Plouffe còn chưa xong bài trình bày của mình với tổng thống, ra sức quảng cáo cho những ưu điểm của Bill Clinton trong vai trò trưởng đại diện chiến dịch vận động, thì Jarrett đã nói luôn những suy nghĩ của mình.

“Tôi không tin cái tay Clinton đó”, bà ấy nói.“Chẳng có ông ta thì chúng ta vẫn thắng.”

Không khí quanh bàn im lặng một lúc. Mọi người đều nhận ra rằng trong phòng rất nóng. Mặc dù đang là giữa tháng 8, nhưng Obama đã ra lệnh phải tắt hết điều hòa.

“Ông ấy là dân Hawaii, phải không nhỉ?” David Axelrod từng nhận xét. “Ông ấy thích ấm áp. Ở đó quý vị có thể trồng được hoa lan.”

Obama cởi phăng chiếc áo vét Hart Schaffner Marx đặt may riêng và xắn ống tay áo sơ mi lên đến giữa cẳng tay. Ông ghét những cuộc đối đầu hỗn độn, và cái cảnh David Plouffe – vị kiến trúc sư cho chiến thắng bầu cử năm 2008 – cãi vã với Valerie Jarrett – vị cố vấn tin cẩn của ông – khiến Obama bực bội và thấy có trách nhiệm với vẻ mặt sưng sỉa của mình.

Thường khi gặp gỡ các cố vấn của mình, Obama là người nói nhiều nhất. Nhưng lần này thì khác. Ông giữ im lặng, mặc dù động lực ban đầu của ông là về phe với Jarrett. Ông và bà ấy có chung những cảm nhận tiêu cực về Bill Clinton. Trong những cuộc gặp trước kia với các cố vấn, ông vẫn thường để thái độ coi thường Clinton của mình phát tiết ra.

Thái độ thù hằn của Obama với Clinton xuất phát từ vài nguồn cơn. Trước hết, mặc dù ông và Clinton nhất trí về nhiều vấn đề xã hội, chẳng hạn hôn nhân đồng giới và kiểm soát súng, nhưng họ lại thuộc hai phe đối lập nhau về kinh tế trong Đảng Dân chủ – Obama thuộc phe cánh tả, Clinton thuộc phe ôn hòa. Obama tin vào sự tốt đẹp bên trong của đại chính quyền4, và ông không bao giờ tha thứ cho Clinton về bài diễn văn Tình hình Liên bang, trong đó Clinton tuyên bố, “Thời đại của đại chính quyền đã chấm hết”.

4 Đại chính quyền (Big government) là thuật ngữ thường được phe bảo thủ và phe tự do sử dụng để mô tả một chính phủ hoặc khu vực công mà họ coi là quá lớn, tham nhũng và kém hiệu quả, hoặc can thiệp một cách không phù hợp vào những mảng nhất định của chính sách công hay khu vực tư nhân. Thuật ngữ này cũng được dùng cho những chính sách của chính phủ nhằm tìm cách điều chỉnh những vấn đề được xem là thuộc tư nhân hoặc cá nhân, như quyền lựa chọn thực phẩm; hoặc để định nghĩa một chính quyền liên bang tìm cách kiểm soát quyền lực của các thiết chế địa phương. Đại chính quyền về cơ bản được xác định theo quy mô, tính bằng số nhân viên hoặc ngân sách, trong tương quan tuyệt đối hoặc tương đối với nền kinh tế quốc dân. Quy mô của chính quyền cũng có thể được tính theo số lượng “lĩnh vực can thiệp” hoặc vai trò mặc định của chính phủ trong xã hội, chất lượng các dịch vụ (tức là tác động từ nỗ lực của chính quyền), mức độ dân chủ và đại diện xã hội.

Hai người còn đại diện cho những giá trị đạo đức khác hẳn nhau. Clinton là người thực dụng tột bậc: Thắng được nhiệm kỳ thứ hai ở Nhà Trắng, ông ấy đã phát triển một luận thuyết chính trị gọi là “phép đo tam giác”, cho phép ông ấy giữ khoảng cách với các chính sách truyền thống của phe Dân chủ và tiếp nhận một số ý tưởng của các đối thủ phe Cộng hòa, chẳng hạn việc bãi bỏ quy định và một ngân sách cân bằng. Obama, mặt khác, lại cực kỳ tin tưởng vào sự chính trực và phẩm chất của mình đến mức ông thường nghĩ những đối thủ của mình là đám đồi bại và không hề muốn liên quan gì đến họ.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là Obama không ưa Clinton ở cấp độ cá nhân. Có người nghĩ rằng những điểm chung giữa hai người là nguồn gốc cho ác cảm của Obama, vì những đặc tính mà Obama thấy khó chịu ở Clinton – khuynh hướng lên lớp người khác, việc tin vào số phận, thái độ đề cao tầm quan trọng chính trị của riêng mình – cũng có thể tìm thấy ở chính Obama.

David Plouffe thừa nhận rằng tiếp cận Clinton đầy rẫy nguy hiểm. Clinton đương nhiên sẽ tìm cách đặt ra cái giá rất cao cho việc hợp tác của mình. Thêm nữa, bất kỳ cuộc mặc cả nào mà Nhà Trắng có thể đưa ra với Clinton, một người Dân chủ ôn hòa, chắc chắn đều gây ra phản ứng dữ dội từ những người tự do cực đoan trong nhóm của Obama.

“Nếu chúng ta tiến hành một thỏa thuận như thế”, Plouffe nói, “thì nó phải được giữ bí mật”.

Plouffe không xem đó là vấn đề. Mặc dù Obama đã hứa hẹn về một “chính quyền minh bạch nhất từng có”, nhưng thực tế ông lại điều hành một Nhà Trắng bí ẩn nhất trong lịch sử. Người ngoài – thậm chí cả những thành viên của nhóm báo chí Nhà Trắng – hiếm khi được biết các chi tiết về việc ai nói gì với ai ở Phòng Bầu dục.

“Các Tổng thống Mỹ thường cố gắng kiểm soát hình ảnh họ được khắc họa (hãy nghĩ đến những hạn chế đối với việc khắc họa Franklin D. Roosevelt ngồi trên xe lăn)”, Santiago Lyon, giám đốc phụ trách hình ảnh của hãng Associated Press, nhận xét trên trang đối lập với trang xã luận5 của tờ New York Times.

5 Nguyên văn “an op-ed piece”. “Op-ed” là viết tắt của cụm từ “opposite the editorial page”, chỉ bài viết do các báo, tạp chí xuất bản, thể hiện quan điểm của những tác giả có tiếng nhưng thường không có liên hệ gì với ban biên tập của ấn phẩm. Các bài viết này khác với cả xã luận (editorial) và thư gửi tòa soạn (letters to the editor).

Nhưng các tổng thống trong những thập niên gần đây nhận ra rằng việc cho phép báo chí tiếp cận độc lập các hoạt động của mình là một phần rất cần thiết của khế ước xã hội về niềm tin và sự minh bạch cần có giữa các công dân và những nhà lãnh đạo của họ… Bất chấp những nguyên tắc về sự cởi mở và minh bạch mà ông ấy đã vận động, chính quyền Obama đã rất bài bản tìm cách phớt lờ truyền thông bằng việc công bố bản ghi hình ảnh đã được làm nhẹ bớt về các hoạt động của ông ấy thông qua những bức ảnh và video chính thức, chứ không phải quyền tiếp cận độc lập của báo chí.

“Đây là chính quyền ưa kiểm soát và kín miệng nhất mà tôi từng đưa tin”, David Sanger của tờ New York Times bày tỏ sự tán đồng.

Và phóng viên đưa tin về Nhà Trắng của hãng ABC News là Ann Compton kết luận, “Cái cách những gì tổng thống cung cấp cho báo chí cứ thu hẹp lại… là điều đáng hổ thẹn. Quá trình phát triển chính sách ngày qua ngày của tổng thống… gần như hoàn toàn bưng bít với những phóng viên đang cố gắng thực hiện công việc có trách nhiệm là đưa tin về chuyện đó… Điều này khác hẳn với tất cả các tổng thống tôi từng theo dõi. Nhà Trắng này rất kỳ công giữ miếng với báo chí”.

Kết quả là, một vài rò rỉ trái phép lọt ra từ nội bộ nhóm Obama, trong đó có cả những thành phần kỳ cựu rất trung thành với chiến dịch. Ngoài Jarrett và Plouffe, còn có đối tác làm ăn kiêm bạn cũ của Plouffe, David Axelrod; Jim Messina, cựu giám đốc chiến dịch vận động, người đã tới Chicago cùng Axelrod để chuẩn bị cho chiến dịch sắp tới; Stephanie Cutter, phó giám đốc chiến dịch với miệng lưỡi rất sắc sảo; Dan Pfeiffer, đặc vụ thông tin liên lạc và một trong số những người thù ghét Clinton công khai nhất trong nhóm; Robert Gibbs, cựu thư ký báo chí; và Pete Rouse, cố vấn cao cấp dày dạn chinh chiến chịu trách nhiệm giữ cho đoàn tàu Nhà Trắng chạy đúng giờ.

Vài người trong số này có tham dự phiên họp chiến lược hôm nay, một số người ngồi dọc bàn, số khác họp trực tuyến. Một trong số đó là Rahm Emanuel, Thị trưởng Chicago, người phục vụ cả chính quyền Clinton lẫn Obama và có vai trò cầu nối giữa nhóm Obama với nhóm Clinton. Theo một nhân vật có mặt trong văn phòng Chicago của Emanuel, trong thời gian họp, khi thị trưởng ngắt máy, ông ấy nện cườm tay vào trán và nói, “Ôi chao!”.

“Các cuộc họp tối Chủ nhật rất bí mật và bất khả xâm phạm”, Richard Wolffe của MSNBC.com viết. “Đây là nhóm chuyên gia cố vấn cho chiến dịch tranh cử tổng thống, thảo luận chiến lược với thái độ thẳng thắn hoàn toàn, tương tự như Phòng Tình huống ở hầm Chái Tây, hoặc Phòng An ninh tối đa bên trong Lầu Năm Góc vẫn được gọi là ‘nhà hầm’. Không bao giờ có chuyện kẻ thù biết được những gì xảy ra bên trong các phiên họp đó.”

Tuy nhiên, một trong những người tham gia sau này đã mô tả về cuộc tranh luận nảy lửa bùng nổ giữa Plouffe và Jarrett.

“Chúng ta có thể thắng mà không cần Clinton”, Jarrett nhắc lại (theo nguồn tin này). “Clinton là thuốc độc. Ông ta làm xáo trộn kế hoạch, bằng nghị trình riêng của mình, và vẫn cay nghiệt về đợt vận động tranh cử lần trước. Chúng ta có thể thắng mà không cần chịu ơn ông ta.”

Plouffe không chấp nhận thất bại.

“Tổng thống yêu cầu tôi làm bất kỳ việc gì cần để thắng trong cuộc bầu cử”, ông ấy nói, “và Bill Clinton chính là những gì cần đến”.

Chương 2 “KHÔNG CÓ CHỖ CHO DÂN NGHIỆP DƯ”

“Văn phòng tổng thống cần những chính trị gia giàu kinh nghiệm có khí chất phi thường… Khó có thể có được năng lực đó nếu không có kinh nghiệm sâu sắc trong lĩnh vực chính trị. Vị trí tổng thống là nơi dành cho những con người làm chính trị. Nhưng không có nghĩa đó là nơi dành cho mọi chính trị gia.”

Đó không phải là nơi dành cho Barack Obama.

Bất chấp vẻ ngoài của Valerie Jarrett – một vóc dáng nhỏ bé, một giọng nói trầm bổng, những bộ quần áo thiết kế riêng đắt tiền, và kiểu tóc tém Audrey Hepburn – bà ấy vẫn làm tốt hơn mong đợi.

Không một ai – không phải David Plouffe, thậm chí không phải Tổng thống Hợp Chúng Quốc – có thể hăm dọa bà ấy. Jarrett chưa bao giờ phải dùng đến một ngụm vodka hay một viên thuốc an thần Clonazepam trước khi tham dự các cuộc họp với tổng thống, giống như một số cộng sự của bà ấy vẫn phải dấm dúi làm.

Sự tự tin siêu đẳng của Jarrett bắt nguồn từ nền tảng riêng của bà ấy. Bà ấy xuất thân từ những gì được Eugene Robinson, cây viết đoạt giải Pulitzer, mô tả là giới tinh hoa “siêu nghiệm” trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi.

Ông nội bà ấy là một nhà hoạt động người Mỹ gốc Phi có tiếng; cha bà là nhà nghiên cứu bệnh học kiêm chuyên gia di truyền nổi tiếng, người điều hành một bệnh viện ở Shiraz, Iran, nơi Valerie sinh ra và lớn lên; còn mẹ bà là một nhà tâm lý học từng hỗ trợ thành lập Viện Erikson về phát triển trẻ em ở Chicago.

Valerie theo học những trường tốt nhất – Đại học Stanford và Đại học Luật Michigan. Bà kết hôn một thời gian với Tiến sĩ William Robert Jarrett quá cố, con trai cây viết nổi tiếng của tờ Chicago Sun-Times Vernon Jarrett, người đã tìm cho Valerie vị trí phó tham mưu trưởng của Thị trưởng Richard M. Daley. Bà là thành viên của nhiều hội đồng quản lý các thiết chế văn hóa ở Chicago, chẳng hạn Dàn nhạc Giao hưởng Chicago và Viện Nghệ thuật Chicago. Bà hoạt động trong môi trường của tiền bạc, quyền lực, và chính trị.

Một cư dân Chicago từng làm việc với Jarrett nói với tôi, “Lúc trưởng thành, Valerie ít có liên hệ với tầng lớp lao động Mỹ gốc Phi. Lần bà ấy đến gần khu South Side (chủ yếu là người da đen) nhất là lúc lái xe qua đó trong chiếc Mercedes mui trần với phần mui được hạ xuống. Bà ấy chưa bao giờ phải mất nhiều công sức để thành công . Dòng dõi của chính bà ấy đã trao cho bà mọi thứ”.

* * *

Đây không phải lần đầu Valerie Jarrett gặp rắc rối với các chiến lược gia chính trị của Obama về lời khuyên cho tổng thống. Thực tế, Jarrett và David Plouffe là hiện thân cho hai mặt khác biệt – và thường không thể dung hòa – trong tính cách của Obama.

Là nhân vật siêu thực dụng trong nhóm Obama, Plouffe lên tiếng vì ứng viên Obama, người mới chập chững bước vào lĩnh vực chính trị tàn bạo ở Chicago và đã tìm cách giành lấy vị trí ứng viên tổng thống năm 2008 từ công nương của Đảng Dân chủ, Hillary Clinton. Với Ứng viên Obama, môn đệ cũ của nhà tổ chức cộng đồng cấp tiến Saul Alinsky, kết quả biện minh cho phương tiện. Làm bất kỳ việc gì cần để được bầu chọn. Giống như Alinsky, Obama không chút ngần ngại sử dụng mọi thứ có sẵn trong tay để giành chiến thắng trong một trận đấu chính trị. Ông có linh cảm chính trị sắc bén và rất giỏi trong việc khiến mình được chọn.

Valerie Jarrett đại diện cho một khía cạnh khác trong nhóm Obama. Là người phụ nữ giúp đưa Barack và Michelle Obama vào quỹ đạo chính trị từ Chicago đến Washington, Jarrett đóng vai trò bà mẹ bao bọc. Nhờ sự thân cận với tổng thống và đệ nhất phu nhân, bà ấy có ảnh hưởng chưa từng có tiền lệ và đã trở thành, trong mắt một số nhà quan sát chính trị gần gũi, một đồng tổng thống thực sự cùng với Tổng thống Obama – nhân vật phái tả tận tụy tìm cách biến Mỹ thành một nhà nước dân chủ xã hội kiểu châu Âu. Sự gần gũi của bà ấy với cả tổng thống lẫn đệ nhất phu nhân là nguyên nhân gây ra tình trạng đố kỵ và gay gắt trong bộ máy nhân sự Nhà Trắng; thậm chí những người không ghét Jarrett cũng thấy sợ và tìm cách tránh xa bà ấy.

Còn Tổng thống Obama của Jarrett, không như ứng viên Obama của Plouffe, lại xa rời và tách biệt với mọi lo toan thường ngày. Đầu óc ông luôn chìm trong những đám mây ý thức hệ. Ông không nắm bắt được bí quyết giải quyết mọi việc ở Washington: Thỏa hiệp, nhượng bộ, dàn xếp những thỏa thuận.

“Obama thật sự không thích thú gì cuộc chơi”, Lawrence Summers, người từng giữ cương vị Bộ trưởng Tài chính dưới thời Bill Clinton và giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia dưới thời Barack Obama, nhận xét, “Về cơ bản Clinton rất thích đàm phán với các nhóm chính trị gia, về bất kỳ việc gì. Nếu quý vị bảo ông ấy: ‘Lạy Chúa, chúng ta có vấn đề. Chúng ta phải bố trí không gian văn phòng trong Thượng viện. Mong ngài có thể dành chút thời gian nói chuyện với thủ lĩnh nhóm đa số để hình dung xem làm thế nào bố trí được không gian văn phòng trong Thượng viện’, thì Clinton sẽ nghĩ việc đó rất thú vị và là một trò vui. Trong khi với Obama, ông ấy thật sự không thích những người như thế”.

“Tham vấn không hề có trong ADN của chính quyền Obama”, Vernon Jordan, một nhân vật lõi đời có sỏi trong đầu của Đảng Dân chủ, nói với tôi. “Một thời gian trước, trong khi Obama đi nghỉ tại Vineyard của Martha, ông ấy mời tôi tham gia đánh golf tay tư và chơi một trận tại Câu lạc bộ Golf Vineyard ở Edgartown. Tôi đánh cặp với trợ lý của tổng thống, Marvin Nicholson, còn tổng thống chơi với Thị trưởng Michael Bloomberg, lúc đó đang được xem là người có khả năng thay thế Timothy Geithner làm Bộ trưởng Tài chính. Khi ván golf kết thúc, tổng thống lập tức đi ngay. Còn Bloomberg quay sang tôi và nói, ‘Tôi đã chơi golf bốn tiếng với tổng thống và ông ấy không hề đề nghị tôi chuyện quái gì cả’.”

“Chính quyền Obama khá giống chính quyền Jimmy Carter trong việc kín tiếng như vậy”, Vernon Jordan tiếp tục. “Phe Cộng hòa có thể gây khó dễ đến thế nào không thành vấn đề, Obama có trách nhiệm của người lãnh đạo. Tôi lo rằng ông ấy hơi quá đà khi nói rằng đấy đều là lỗi của phe Cộng hòa. Điều đó có thể đúng, nhưng ngài, thưa tổng thống, sẽ làm gì để thuyết phục họ?”

Như tôi đã chỉ ra trong cuốn sách Kẻ nghiệp dư (The Amateur) của mình, Obama không có khả năng về nghệ thuật quản lý và cai trị. Ông ấy không học được gì từ những sai lầm của mình, nhưng cứ lặp lại các chính sách đã làm cho nền kinh tế sa sút và đất nước bớt an toàn. Tóm lại, ông ấy là một kiểu tổng thống lạ đời – người không thu được gì từ những tranh luận của nghề chính trị, nhưng lại cứ đeo bám lấy cuộc sống quá chú ý đến bản thân của một tổng thống.

Sự tách biệt giữa hai ngài Obama này – ngài ứng viên tài giỏi và ngài tổng thống kém cỏi – làm nảy sinh một câu hỏi khó hiểu trong tâm trí của nhiều người: Làm sao một nhà vận động chính trị thành công và tài năng như vậy hóa ra lại không hề có khả năng về nghệ thuật cai trị?

Một câu trả lời cho câu hỏi này được đưa ra từ nhiều năm trước bởi nhà khoa học chính trị Richard E. Neustadt trong nghiên cứu mang tính bước ngoặt năm 1960 của mình, Sức mạnh tổng thống. “Vị trí tổng thống không phải là chỗ cho dân nghiệp dư”, Neustadt viết. “Văn phòng tổng thống cần những chính trị gia giàu kinh nghiệm có khí chất phi thường… Khó có thể có được năng lực đó nếu không có kinh nghiệm sâu sắc trong lĩnh vực chính trị. Vị trí tổng thống là nơi dành cho những con người làm chính trị. Nhưng không có nghĩa đó là nơi dành cho mọi chính trị gia.”

Đó không phải là nơi dành cho Barack Obama.

* * *

Tính nghiệp dư của Barack Obama là bí mật được gìn giữ kém nhất tại Washington.

“Những người đưa ra quyết định ở Nhà Trắng chỉ là một nhóm nhỏ những người trung thành giúp cho Obama được bầu chọn”, một thành viên của nhóm Bàn tròn Kinh doanh6, người thường xuyên phải làm việc với chính quyền, giải thích. “Họ đưa ra quyết định tại Phòng Bầu dục mà chẳng cần bất kỳ thành viên nội các hay lãnh đạo bộ nào có mặt, thậm chí không có cả ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng hay cố vấn an ninh quốc gia. Về mặt hành chính, quy trình đó hạn chế khả năng của tổng thống với tư cách một nhà lãnh đạo có thể làm nhiều hơn hai việc cùng một lúc. Không hề có cơ chế hoàn thiện quy trình từ bên trong sao cho những nhân vật chủ chốt có trách nhiệm thực thi các quyết định chính sách phải biết đến các quyết định này. Kết quả, hết vấn đề này đến vấn đề khác, khi chính quyền Obama nói có ưu tiên, sẽ chẳng có dự luật nào được gửi tới Quốc hội. Động thái bất thường ngay bên trong chính quyền Obama. Trong Nhà Trắng dưới thời Bush, Karl Rove quản lý rất chặt về chính sách. Nhưng không có ai trong chính quyền Obama đủ tài năng hay năng lực làm việc đó.”

6 Bàn tròn Kinh doanh (Business Roundtable – BRT) là nhóm đối thoại gồm CEO của các tập đoàn lớn tại Hoa Kỳ được thành lập với mục đích thúc đẩy chính sách công có lợi cho doanh nghiệp. Nhóm được John Harper, lãnh đạo ALCOA Aluminum, và Fred Borch, CEO của General Electric, thành lập năm 1972 thông qua việc sáp nhập ba tổ chức: March Group, gồm các CEO chuyên nhóm họp không chính thức để xem xét các vấn đề chính sách công; nhóm Bàn tròn Chống lạm phát của người sử dụng xây dựng (Construction Users Anti-Inflation Roundtable), một nhóm chuyên kiểm soát giá cả xây dựng; và Ủy ban nghiên cứu Luật Lao động (Labor Law Study Committee) gồm các nhà quản lý về quan hệ lao động tại các công ty lớn. Hiện BRT được xem là “liên minh thân cận nhất trong cộng đồng kinh doanh” của Tổng thống.

Ở mức độ nào đấy, Obama nhận thức được những khiếm khuyết này của mình. Chẳng hạn, ngay trước lúc dự kiến phát biểu với Bàn tròn Kinh doanh, Jack Lew, khi đó là giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách, được hỏi rằng liệu có bất kỳ chủ đề nào các lãnh đạo doanh nghiệp không nên nêu ra với tổng thống không. “Có”, Lew đáp. “Đừng đề cập đến vai trò lãnh đạo. Ông ấy rất nhạy cảm với chuyện bị phê bình rằng ông ấy không thể hiện vai trò lãnh đạo mạnh mẽ.”

Một cách giải thích cho sự thiếu nhất quán giữa hai ngài Obama là rất rõ ràng: Việc vận động và quản trị đòi hỏi những tài năng hoàn toàn khác nhau, và Obama vừa xuất sắc nhưng đồng thời cũng kém cỏi một cách tệ hại. Ông ấy có thể không giỏi cai trị, nhưng theo lời Glenn Thrush của tạp chí Politico, ông ấy “luôn thích thắng một cách tồi tệ còn hơn thua một cách vinh quang”.

Jarrett và Plouffe – những cố vấn có ảnh hưởng nhất của ông – bị cuốn theo hai nửa khác nhau trong tích cách Obama. Công việc của Jarrett là bảo vệ ông trước những điều khó chịu: Bà che chắn cho ông trước những người chỉ trích, ngăn chặn những tiếng nói công kích, và củng cố những câu chuyện huyễn hoặc bản thân về uy quyền tuyệt đối của ông – rằng ông có thể đạt được những việc vượt quá tầm với của những kẻ phàm phu tục tử tầm thường chỉ đơn giản bằng cách mong ước làm được việc đó. Nhiệm vụ của bà ấy là giấu kín sự thật rằng Obama không chỉ là người thiếu kinh nghiệm mà còn cực kỳ non nớt.

“Valerie rất khôn khéo”, một cựu thống đốc thuộc phe Dân chủ của một bang lớn miền Đông nói. “Khi còn là thống đốc, tôi nói chuyện với bà ấy một, hai lần mỗi tuần. Bà ấy rất giỏi trong những vấn đề lớn lao, như liệu tổng thống có nên tranh luận về một khoản tín dụng thuế sản xuất cho ngành công nghiệp điện gió không. Nhưng bà ấy không xuất sắc về chính trị. Bà ấy không giỏi việc giúp tổng thống có những mối quan hệ tốt với các chính khách, thủ lĩnh lao động, và lãnh đạo doanh nghiệp khác. Cũng như tổng thống, Valerie không có nhiều kinh nghiệm điều hành.”

Công việc của David Plouffe lại hoàn toàn khác với Jarrett. Nhiệm vụ của ông ấy là kéo ngài Obama nghiệp dư và ngây ngô trở về với thực tiễn chính trị lạnh lùng, nghiệt ngã và nói cho ứng viên ấy biết sự thật trần trụi.

* * *

Vào mùa hè năm 2011, sự thật là các cơ hội thắng cử của Barack Obama không lấy gì làm chắc chắn. Suốt vài tháng qua, ông đã phải chịu hết thất bại này đến thất bại khác.

Trước hết, ông thực hiện những gì mình thừa nhận là một “thảm bại” trong đợt bầu cử giữa kỳ năm 2010. Phe Cộng hòa giành lại Hạ viện, chiếm được sáu mươi ba ghế – sự thay đổi số ghế lớn nhất kể từ đợt bầu cử giữa kỳ năm 1938. Việc này chấm dứt nghị trình cải tiến sâu rộng của Obama, trải nghiệm đó khiến ông đau xót và bối rối.

Obama còn chưa hồi lại sau cú đòn đó thì phe Cộng hòa trong Quốc hội lại giáng cho ông một đòn bẽ bàng nữa trong các cuộc đàm phán về trần nợ, ép ông phải đồng ý nới thêm các khoản cắt giảm thuế từ thời Bush. Để chấm dứt một cuộc nổi loạn ngay trong nhóm mình, Obama nén sự kiêu hãnh lại và mời Bill Clinton cùng dự một cuộc họp báo tại phòng họp Nhà Trắng cũng như bênh vực cho các hành động của tổng thống. Đúng như Obama đoán định, Clinton chơi trội hơn ông. Sau vài phút, Obama phải rời đi để dự một bữa tiệc Giáng sinh, mặc cho Clinton trả lời các câu hỏi của phóng viên suốt hai mươi ba phút không ngừng nghỉ và một lần nữa chứng minh rằng Clinton mới chuyên nghiệp, còn Obama chỉ là nghiệp dư.

Sau màn trình diễn khó xử đó, Obama không cho Clinton vào Nhà Trắng nữa và từ chối làm bất kỳ việc gì với Clinton. Nhưng những vấn đề của ông không dừng lại ở đó. Lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, hãng Standard & Poor’s hạ mức tín nhiệm của chính phủ liên bang, và quá trình phục hồi kinh tế mà Obama từng hứa hẹn thì vẫn rất xa vời. Tình trạng thất nghiệp vẫn ở trên mức 9%, và ngày càng có nhiều người phải tìm kiếm công ăn việc làm. Theo thăm dò mới nhất của Pew, các cử tri độc lập rời bỏ tổng thống với số lượng lớn, chỉ có 31% nói họ sẽ bỏ phiếu bầu lại cho ông – sụt giảm từ con số 52% cử tri bầu cho ông trong cuộc bầu cử năm 2008. Tệ hơn, tổng số lượng người tán thành với tổng thống giảm xuống mức thấp kỷ lục là 38%, chuyển hướng sang khu vực không thể bầu chọn.

Với chiến lược gia vận động tranh cử David Plouffe, giai đoạn khó khăn này làm nảy sinh những giải pháp quyết liệt, và quan điểm của ông ấy ủng hộ việc sử dụng nhân vật Bill Clinton đáng ghét trong chiến dịch tái tranh cử năm 2012 của Obama lùi bước với một tuyên bố đơn giản: Plouffe muốn chiến thắng hơn là cần căm ghét.

Ông ấy rất trông mong rằng Obama cũng thấy như vậy. Để duy trì quyền lực, Obama sẽ phải làm những gì các chính khách khác từng làm. Ông sẽ phải quyên một số tiền lớn, tìm cách lách các luật tài chính vận động tranh cử, bảo đảm các ủy ban hành động chính trị (PAC) luôn sẵn sàng, phát các chương trình truyền hình mà đôi khi chỉ là những lời dối trá, phát tán thư không hề nói sự thật – và, quan trọng nhất, sử dụng Bill Clinton, người có các chỉ số thăm dò ý kiến trong phe Dân chủ và cử tri độc lập ở mức cao là 60%. Khi mọi việc diễn ra, Obama thậm chí còn tiến xa hơn thế: Trong một chương trình truyền hình thương mại, ông còn cáo buộc Mitt Romney tội giết người.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button