Kinh doanh - đầu tư

Boomerang – Bong Bóng Kinh Tế Và Làn Sóng Vỡ Nợ Quốc Gia

Boomerang - Michael Lewis1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Michael Lewis

Download sách Boomerang ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH KINH DOANH – ĐẦU TƯ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Có nhiều người nghĩ rằng “nước Mỹ mạnh đến nỗi Tổng thống Mỹ đôi khi cũng quan trọng như Tổng thống họ”, điều đó liệu có đúng không? Và tại sao họ lại có những sự so sánh như vậy? “Boomerang – Bong bóng kinh tế và làn sóng vỡ nợ quốc gia” – cuốn sách này sẽ cho bạn câu trả lời xác đáng nhất về điều đó.

Cuốn Boomerang – Bong bóng kinh tế và làn sóng vỡ nợ quốc gia của Michael Lewis bắt đầu với một bản điều tra về những bong bóng vượt ra ngoài lãnh thổ nước Mỹ. Nó tuyệt vời và bi hài đến mức các độc giả người Mỹ khi đọc sẽ thốt lên một cách thoải mái và tự mãn rằng: ồ, những người ngoại quốc này thật ngu ngốc. Nhưng ngay sau đó, khi Lewis chuyển ánh nhìn không khoan nhượng về California và Washington, họ sẽ biết rằng sự hài hước chỉ là một miếng mồi dẫn họ đến một cái bẫy để họ hiểu được rằng những khoản nợ của quốc gia là con nợ lớn nhất và tham lam nhất thế giới này sắp đến hạn thanh toán.

Với giọng văn hài hước, lối hành văn súc tích, mạch lạc, dẫn chứng rõ ràng của Michael Lewis đây sẽ là cuốn sách gối đầu giường tuyệt vời cho những ai yêu thích thể loại sách kinh tế.

Phi vụ ăn non lớn nhất

Ý tưởng viết cuốn sách này đến với tôi một cách tình cờ, khi tôi đang viết dở một cuốn sách khác về Phố Wall và cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2008. Lúc đó, tôi đang quan tâm tới một nhóm nhỏ các nhà đầu tư vừa kiếm được bạc tỉ từ sự sụp đổ của thị trường cho vay thế chấp dưới chuẩn. Quay trở lại năm 2004, các ngân hàng đầu tư lớn Phố Wall đã tạo ra một thứ vũ khí tự sát: dịch vụ bảo hiểm nợ xấu đối với các trái phiếu thế chấp dưới chuẩn. Dịch vụ này cho phép nhà đầu tư đánh cược giá trị của bất kỳ loại trái phiếu nào – để “ăn non”. Đây thực ra là một hình thức bảo hiểm song có chút biến tướng: người mua không cần phải là chủ sở hữu của món tài sản được bảo hiểm. Xét về mặt pháp lý, các công ty bảo hiểm không được phép bán cho bạn bảo hiểm hỏa hoạn trên ngôi nhà của người khác, ấy thế mà các thị trường tài chính lại có thể làm được điều đó, và họ sẵn lòng bán cho bạn bảo hiểm vỡ nợ trên các khoản đầu tư của người khác. Hàng trăm nhà đầu tư đã lao vào thị trường bảo hiểm nợ xấu – nhiều người đã nghĩ, hoặc chí ít là chợt nghĩ, rằng bong bóng nhà đất vốn đang trương phồng bởi nợ của Mỹ sẽ không tồn tại được lâu – nhưng chỉ có khoảng 15 nhà đầu tư đặt hết niềm tin vào đó, và đặt những khoản cược khổng lồ rằng nền tài chính Mỹ sẽ ra tro. Phần lớn trong số họ đang điều hành các quỹ đầu cơ ở London hay New York; và thường thì họ đều muốn tránh né báo giới. Nhưng về chủ đề này, vào lúc này, họ lại cởi mở một cách đáng ngạc nhiên. Tất cả đều từng trải qua cảm giác cô lập đến kỳ lạ của một con người tỉnh táo sống trong một thế giới điên rồ, và, khi kể về trải nghiệm đó, họ kể theo giọng kể của một người từng đơn độc ngồi lặng im trên một con thuyền nhỏ mà trông con tàu khổng lồ Titanic chìm dần dưới lớp băng.

Một vài người trong số họ có bản tính không hề phù hợp với sự tách biệt và im lặng, trong đó có vị quản lý của một quỹ đầu cơ có tên Hayman Capital ở Dallas, Texas. Tên anh là Kyle Bass. Bass là người gốc Texas, khi đó đã gần 40 tuổi. Những năm đầu sự nghiệp – trong đó có 7 năm với Bear Stearns – Bass đi bán trái phiếu cho các công ty ở Phố Wall. Cuối 2006, anh dùng một nửa trong số 10 triệu đô-la tiết kiệm được trong thời gian làm việc tại Phố Wall cùng với 500 triệu đô-la quyên góp từ những người khác để lập ra một quỹ đầu cơ riêng, và đặt một canh bạc lớn cho sự sụp đổ của thị trường thế chấp trái phiếu dưới chuẩn. Sau đó, anh bay tới New York để cảnh báo cho những người bạn cũ biết rằng họ đang đứng ở sai phía trong rất nhiều vụ cá cược ngu ngốc. Những nhà buôn của Bear Stearns không mảy may ngó ngàng tới điều anh nói. Một người trong số họ bảo Bass: “Anh hãy cứ lo cho việc quản lý rủi ro của mình, còn tôi sẽ tự lo việc của chúng tôi”. Cuối năm 2008, khi tôi tới Dallas thăm Bass, thị trường thế chấp trái phiếu dưới chuẩn đã sụp đổ, kéo theo cả Bear Stearns. Lúc này, Bass đã giàu có và thậm chí còn có chút tiếng tăm trong giới đầu tư, nhưng anh không còn quan tâm tới đống trái phiếu thế chấp dưới chuẩn đổ nát nữa. Sau khi đã thu lợi nhuận về, giờ đây anh lại toàn tâm toàn ý với một sở thích mới: các chính phủ. Lúc này, chính phủ Mỹ còn đang tối mặt đón nhận những khoản cho vay dưới chuẩn của Bear Stearns và các ngân hàng khác ở Phố Wall. Cuối cùng thì Cục Dự Trữ Liên Bang, theo hình thức này hay hình thức khác, sẽ là nơi tiêu thụ đống rủi ro đó cùng với ngót 2 nghìn tỷ chứng khoán bấp bênh. Những hành động này của họ cũng tương tự hành động của các chính phủ thuộc các quốc gia giàu có, phát triển khác: các khoản nợ xấu do những nhà tài phiệt lương cao bổng hậu của khu vực tư nhân tạo ra sẽ gặm nhấm vào các ngân khố quốc gia và ngân hàng trung ương.

Kyle Bass cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính chưa tới hồi kết, thực ra nó chỉ đơn giản là được che đậy bằng niềm tin tuyệt đối cũng như uy tín của các chính phủ phương Tây giàu có. Tôi đã dành nguyên một ngày ngồi lắng nghe anh và các đồng nghiệp bàn luận sôi nổi về hệ quả của nó. Họ không còn nói về sự sụp đổ của một vài loại trái phiếu đơn lẻ nữa. Họ nói về sự sụp đổ của các quốc gia.

ĐỌC THỬ

1. Phố Wall trên lãnh nguyên

Ngay sau ngày 6/10/2008, khi Iceland thực sự phá sản, tôi nói chuyện với một chuyên gia thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa bay tới Reykjavík để thẩm định xem có thể cho một quốc gia vừa mới phá sản một cách ngoạn mục đến thế không vay tiền. Ông này chưa từng đặt chân tới Iceland, hầu như không biết gì về nó, và ông cho biết ông đã phải nhờ đến bản đồ để tìm xem nó ở đâu. Trước giờ, ông chỉ làm việc với các quốc gia nổi tiếng vì nghèo, thường là ở châu Phi, vốn hết vướng phải rắc rối tài chính này lại mắc sang rắc rối tài chính khác. Iceland là một điều hoàn toàn mới mẻ đối với ông: đây là một quốc gia của những con người giàu có (đứng thứ nhất trong bảng xếp hạng Chỉ số Phát triển Con người năm 2008 của Liên Hợp Quốc), có nền học vấn cao, và sống có lý trí xưa nay. Vậy mà họ đã rủ nhau cùng thực hiện một trong những hành động điên rồ nhất trong lịch sử tài chính. “Anh phải hiểu rằng”, ông nói với tôi, “Iceland giờ đây không còn là một quốc gia nữa. Nó là một quỹ đầu cơ”.

Cả một đất nước chưa từng có kinh nghiệm nhãn tiền hay thậm chí cũng không có lấy một mẩu ký ức xa xôi nào về các giao dịch tài chính quy mô lớn đã nhìn vào Phố Wall mà nói: “Chúng tôi cũng có thể làm được như các anh”. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi thì có vẻ như họ có thể làm được điều đó. Năm 2003, ba ngân hàng lớn nhất của Iceland chỉ có số tài sản trị giá khoảng vài tỉ đô-la, tương đương khoảng 100% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong vòng ba năm rưỡi sau đó, giá trị các tài sản của họ đã tăng lên trên 140 tỉ đô-la, lớn vượt GDP của Iceland đến mức việc tính tỉ lệ số tài sản này trong GDP trở nên vô nghĩa. Theo lời một chuyên gia kinh tế học nói với tôi thì đây là “sự mở rộng hệ thống ngân hàng nhanh nhất trong lịch sử nhân loại”.

Cùng lúc đó, một phần do các ngân hàng này cũng đồng thời cho người dân Iceland vay tiền mua chứng khoán và bất động sản, nên giá trị các cổ phiếu và bất động sản ở Iceland cũng tăng vượt trần. Từ 2003 tới 2007, trong khi giá trị của thị trường chứng khoán Mỹ tăng gấp đôi thì giá trị của thị trường chứng khoán Iceland tăng gấp chín lần. Giá bất động sản ở Reykjavík tăng gấp ba. Một gia đình bình thường ở Iceand năm 2006 giàu có gấp ba lần so với năm 2003, và gần như toàn bộ số tiền của mới có này đều liên quan chặt chẽ, ở hình thức này hay hình thức khác, tới lĩnh vực ngân hàng đầu tư mới xuất hiện. “Người người đua nhau học về Black-Scholes(mô hình định giá)”, Ragnar Arnason, một giáo sư về kinh tế học ngư nghiệp tại Trường Đại học Iceland từng chứng kiến cảnh sinh viên bỏ học ngành kinh tế học ngư nghiệp để chuyển sang ngành kinh tế học tài chính, cho biết. “Các trường chuyên dạy kỹ thuật và toán cũng mở các khóa học về tài chính kỹ thuật. Có hàng trăm, hàng trăm người đua nhau học tài chính”. Đây là quốc gia có diện tích tương đương diện tích bang Kentucky, nhưng có dân số ít hơn thành phố Peoria, Illinois. Peoria không có các thể chế tài chính quy mô toàn cầu, các trường đại học chỉ chuyên đào tạo hàng trăm chuyên gia tài chính, hay có dòng tiền tệ riêng. Nhưng thế giới lại nhìn Iceland bằng con mắt hết sức nghiêm túc. (Hồi tháng 3/2006, hãng tin Bloomberg News giật dòng tít: ÔNG TRÙM TỈ PHÚ ICELAND “THOR” THÁCH THỨC NƯỚC MỸ BẰNG QUỸ ĐẦU CƠ).

Nhưng hóa ra tham vọng tài chính toàn cầu cũng có mặt trái của nó. Khi ba ngân hàng quy mô toàn cầu mới toanh của quốc gia này sụp đổ, 300.000 người dân Iceland chợt nhận ra họ cũng chịu trách nhiệm gánh vác 100 tỉ đô-la trong các khoản thua lỗ của ngân hàng – tính sơ bộ, mỗi người dân Iceland, bao gồm cả nam giới, phụ nữ, và trẻ nhỏ phải chịu khoảng 330.000 đô-la. Không chỉ có thế, cá nhân họ còn thiệt hại hàng chục tỉ đô-la do hoạt động đầu cơ tích trữ ngoại tệ kỳ quặc của mình cũng như (và thậm chí là với phần lớn hơn) do sự sụp đổ của 85% thị trường chứng khoán Iceland. Không thể biết được con số chính xác về lỗ hổng tài chính của Iceland bởi điều này còn phụ thuộc vào giá trị của đồng krona vốn nhìn chung là ổn định, tuy nhiên, đồng tiền này cũng bị sụp đổ và bị chính phủ thu hồi khỏi thị trường. Dẫu vậy, chỉ biết rằng tổn thất là vô cùng lớn.

Ngay lập tức, Iceland trở thành quốc gia duy nhất trên hành tinh này mà người Mỹ có thể dành cho câu nói: “Chí ít thì chúng tôi cũng không làm như thế”. Cuối cùng, tổng số nợ của người Iceland cộng lại bằng 850% GDP nước họ. (Nước Mỹ dù có đang ngập trong nợ nần cũng chỉ đạt mức 350%). Mặc dù vai trò của Phố Wall đã trở nên to lớn và quan trọng một cách phi lý trong nền kinh tế Mỹ, song nó chưa bao giờ phát triển mạnh tới nỗi phần dân số còn lại của nước Mỹ, trong trường hợp bắt buộc, không thể giải cứu nổi cho nó. Còn ở Iceland, mỗi trong số ba ngân hàng lớn của họ đều chịu những tổn thất lớn quá mức khả năng chống đỡ của quốc gia này; tính gộp lại, thì những con số này mất cân đối một cách lố bịch, tới mức vài tuần sau khi nền kinh tế Iceland sụp đổ, khi được hỏi, có tới 1/3 người dân nước này trả lời rằng họ đang tính đến chuyện di cư.

Chỉ trong vòng 3 – 4 năm mà một loại gen kinh tế hoàn toàn mới đã được cấy ghép hoàn hảo vào xã hội vốn ổn định và có nếp sống hòa đồng tập thể này, và loại gen mới này đã chiếm lĩnh toàn bộ chủ thể. “Đó chỉ là một nhóm trẻ con”, vị chuyên gia từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế nói. “Trong xã hội công bằng này, đột nhiên chúng bước vào, vận trang phục đen, và bắt tay vào kinh doanh”.

Chiếc máy bay của Iceland đỗ xuống một khu vực nằm cách phía tây bắc Scotland 500 dặm, sau đó hành khách được taxi chở đến một nhà ga đón khách vẫn còn sơn các logo của Landsbanki – Landsbanki là một trong ba ngân hàng của Iceland đã phá sản, hai ngân hàng còn lại là Kaupthing và Glitnir. Tôi đang cố vắt óc nghĩ cho ra một hình ảnh ẩn dụ cho những khoản tài trợ tài chính doanh nghiệp nay đã chết yểu – gọi nó là phần nước âm ỉ còn lại trong vòi nước sau khi bạn đã khóa van nước lại có được không nhỉ? – nhưng tôi chưa kịp nghĩ thông thì người đàn ông ngồi ở chiếc ghế phía sau tôi đã rướn người lên với tay lấy chiếc túi trong khoang chứa đồ phía trên, và thế là dòng suy nghĩ của tôi bị đứt đoạn. Rồi sau này, tôi sẽ được biết rằng những người đàn ông Iceland, cũng giống như loài nai sừng tấm, loài cừu đực, và các loài động vật có vú có sừng khác, cho rằng những sự sụp đổ này là cần thiết trong cuộc đấu tranh sinh tồn của họ. Tôi cũng sẽ được biết rằng người đàn ông Iceland ngồi phía sau tôi kia là một lãnh đạo cấp cao ở Sàn Giao dịch Chứng khoán Iceland. Nhưng ngay lúc này, tất cả những gì tôi biết là một người đàn ông trung tuổi mặc bộ đồ đắt tiền vừa đứng lên khỏi ghế và vung tay đánh người loạn xạ mà không có lời xin lỗi hay giải thích nào cả. Tôi phải chứng kiến cảnh tượng hiếu khách vô kỷ luật này suốt dọc quãng đường tới chỗ kiểm soát hộ chiếu.

Bạn có thể biết nhiều điều về một dân tộc thông qua việc quan sát sự tử tế họ dành cho nhau lớn hơn so với người ngoại quốc ở nơi nhập cảnh. Nhưng người Iceland lại chẳng phân biệt gì cả. Ở phía trên quầy kiểm soát, người ta treo một tấm biển hấp dẫn với dòng chữ đơn giản: TẤT CẢ CÔNG DÂN. “Tất cả công dân” ở đây không phải là “Tất cả công dân Iceland” mà là “Tất cả công dân của mọi quốc gia”. Chúng tôi là người từ tứ xứ đổ về, nhưng rốt cục đều cùng xếp trong một hàng, chờ tới lượt gặp anh chàng ngồi đằng sau tấm kính. Trước khi bạn kịp thốt lên câu: “Quả là một đất nước lắm mâu thuẫn”, thì anh chàng đó đã qua quít giở tấm hộ chiếu của bạn rồi phẩy tay ra hiệu cho bạn bước qua.
Tiếp theo, chúng tôi đi qua một vùng đá núi lửa đen lấp lánh ánh tuyết. Cảnh tượng có thể không hệt như trên mặt trăng, nhưng nó giống mặt trăng tới nỗi các nhà khoa học của NASA từng có lần dùng nơi đây để các phi hành gia làm quen trước khi bước vào hành trình lên mặt trăng lần đầu tiên. Một tiếng sau, chúng tôi tới Khách sạn 101, do bà vợ của một trong những ông chủ ngân hàng nổi tiếng nhất Iceland nay đã phá sản sở hữu. Khách sạn được đặt cho một cái tên tuy khó hiểu (101 là mã bưu chính của khu vực giàu nhất trong thành phố) nhưng lại có thể nhận ra ngay từ cái nhìn đầu tiên là nó được thiết kế theo phong cách của các khách sạn thời thượng ở Manhattan. Nhân viên vận đồ màu đen, những tác phẩm nghệ thuật khó hiểu trên các bức tường, những cuốn sách thời trang chưa từng có bàn tay mở ra đặt trên những chiếc bàn uống cà phê không người ngồi – mọi thứ ở đây, ngoại trừ tờ tạp chí Người Quan Sát New York số mới nhất, đều nhằm tăng thêm căng thẳng cho những gã quê mùa kệch cỡm lỡ lạc bước vào đây. Đây là nơi mà các ông chủ nhà băng lưu lại bởi họ nghĩ đó là nơi sinh sống của các nghệ sĩ. Bear Stearns từng tổ chức một cuộc gặp gỡ với quản lý của các quỹ đầu cơ người Anh và Mỹ ở đây, vào tháng 1/2008, để bàn xem họ sẽ kiếm được bao nhiêu tiền nếu đặt cược vào sự sụp đổ của Iceland. (Con số này là rất lớn). Khách sạn từng một thời đông khách này giờ đây lại trở nên hoang vắng với vỏn vẹn 6 trong số 38 phòng có người thuê. Khu vực ăn uống cũng vắng hoe, cả những chiếc bàn nhỏ và những góc tường xinh xinh từng khiến những người không được vào đây phải tròn mắt ghen tị với những người có cơ hội đó, cũng trống trơn. Một khách sạn bình dân kiểu Holiday Inn phá sản chỉ là chuyện đáng buồn; còn một khách sạn hạng sang kiểu Ian Schrager thì quả thực là một sự đau đớn.

Vì những nhà tài phiệt từng một thời vung tiền thuê phòng ở đây đã vĩnh viễn biến mất, nên tôi được xếp vào ở một căn phòng rộng thênh thang trên tầng thượng, có thể nhìn toàn cảnh thành phố cổ kính, với giá chỉ còn một nửa. Tôi cuộn tròn người trên tấm ga trải giường bằng lụa màu trắng muốt và với tay lấy cuốn sách viết về nền kinh tế của Iceland. Cuốn sách được viết năm 1995, trước lúc cơn điên loạn của ngành ngân hàng nổi lên, khi mà quốc gia này hầu như không biết bán cho thế giới bên ngoài thứ gì ngoại trừ cá tươi. Và trên cuốn sách đó, tôi đọc được câu đáng nhớ này: “Người dân Iceland nghi ngờ vai trò nền tảng của hệ thống thị trường trong tổ chức kinh tế, đặc biệt là những tác động về mặt phân phối của nó”.

Tới đây thì những tiếng động lạ bắt đầu xuất hiện.

Đầu tiên là tiếng va chạm mạnh của khung giường vào tường, theo sau là vô số tiếng kêu rên và tiếng la hét. Cặp vợ chồng ở phòng bên vừa về. Giọng họ mỗi lúc một to nhưng lạ một nỗi, dù tiếng họ có lớn cỡ nào, dù tôi có thể nghe họ rõ tới đâu, thì những từ ngữ đi kèm các âm thanh đó vẫn hoàn toàn không thể hiểu được. Vì khó lòng mà tập trung đọc quyển Ngành ngư nghiệp Iceland được nữa, nên tôi đành tìm cách bắt chước những âm thanh vọng đến phòng tôi. Nhưng khi tôi làm như vậy thì cái lưỡi trong miệng tôi lại có những động tác lạ lùng chưa từng có. Những âm thanh phát ra từ phía bên kia tường nghe có vẻ giống âm thanh của con gia tinh Stoor trong phim Chúa tể của những chiếc nhẫn. Rồi tôi chợt nhận ra: đó là âm thanh của người Iceland.

Rồi một tiếng rít chói tai phát ra từ phía bên kia phòng. Tôi ra khỏi giường để ngó nghiêng tình hình. Là do hơi nóng. Nghe như tiếng ấm đun trà bị để trên bếp quá lâu, đang gồng mình lên để khỏi vỡ tung. Cuối cùng là một tiếng nổ lớn.

Bùm!

Rồi một tiếng nữa.

Bùm!

Do lúc này đang là giữa tháng 12 nên mặt trời mọc vội lúc 10 giờ 50 phút sáng và rồi nhanh chóng lặn lúc 3 giờ 44 phút chiều. Việc mặt trời lặn sớm như vậy dễ khiến bạn tin rằng bạn không thể sống một cuộc sống bình thường. Và cho dù nơi này có là cái gì đi chăng nữa, thì nó cũng thật bất thường. Nhận xét này được củng cố bởi một chàng trai Iceland 26 tuổi – Magnus Olafsson. Mới chỉ cách đây vài tuần, anh ấy còn là người kiếm được gần một triệu đô-la mỗi năm nhờ buôn bán ngoại tệ cho ngân hàng. Cao, tóc vàng bạch kim, và điển trai – Olafsson đúng là hình ảnh khi chúng ta mường tượng đến người Iceland, nhưng như thế cũng có nghĩa là anh trông chẳng giống chút nào so với đa phần người Iceland vốn có mái tóc màu lông chuột và thân hình mập mạp. “Lượng thức ăn mẹ tôi tích trữ đủ để mở một cửa hàng tạp hóa”, anh nói, rồi bổ sung rằng kể từ sau cuộc khủng hoảng, bầu không khí ở Reykjavík trở nên căng thẳng.

Cách đây hai tháng, vào đầu tuần tháng 10, khi thị trường đồng krona dần chết gục, anh len lén rời bàn làm việc để tới chỗ người giao dịch viên và vét lấy tất cả những tờ tiền ngoại tệ mà họ có thể đưa cho anh rồi nhét vào một cái túi. “Ngày hôm đó, ngoài phố đâu đâu cũng thấy người khoác túi đi lại”, anh nói. “Mà từ lâu rồi, người ta không còn thói quen mang túi ra phố nữa”. Sau giờ làm việc, anh về nhà với chiếc túi đựng khoảng 30.000 tiền mặt đủ loại gồm đồng yên, đô-la, euro và bảng Anh, đem giấu trong một chiếc bàn cờ.

Trước tháng 10, những ông chủ nhà băng tên tuổi là những vị anh hùng; giờ đây kẻ thì ở nước ngoài, người thì sống ẩn dật, khép mình. Trước tháng 10, Magnus còn đinh ninh rằng Iceland miễn nhiễm trước mọi nguy hiểm; giờ đây anh mường tượng ra hàng loạt những toán cướp từ nước ngoài đang hăm hở tới nhà anh để giật lấy chiếc “két” dưới bàn cờ − vì lý do đó mà anh không cho phép tôi dùng tên thật của anh ở đây. “Anh phải biết rằng New York rồi cũng sẽ biết về tình hình ở Iceland, và họ sẽ cử những chiếc máy bay chở đầy kẻ cướp tới đây”, anh nêu giả thiết. “Hầu như ai cũng cất tiền dự trữ trong nhà”. Vì anh vốn đã bị mất bình tĩnh nên tôi cũng kể cho anh nghe luôn về những tiếng nổ khiến tôi giật mình khi nghe thấy bên ngoài khách sạn. “Đúng rồi,” anh mỉm cười nói, “dạo này có rất nhiều xe Range Rover bị bắt cháy”. Rồi anh giải thích.

Mấy năm trở lại đây, rất nhiều người dân Iceland cùng lao vào những toan tính đầu cơ mạo hiểm. Do tỉ lệ lãi suất trong nước là 15,5% và đồng krona không ngừng tăng giá trị, nên họ thấy rằng nếu họ muốn mua thứ nằm ngoài khả năng ngân sách của mình, thì cách khôn ngoan là đừng vay đồng krona mà hãy vay đồng Yên và Franc Thụy Sĩ. Với đồng Yên, họ chỉ chịu mức lãi suất 3%, ngoài ra, khi trao đổi ngoại tệ, họ còn kiếm được thêm khá nhiều tiền nữa vì đồng krona không ngừng tăng giá. “Những ngư dân là người phát hiện ra cách buôn bán này, và họ đã rất thành công,” Magnus nói. “Nhưng họ đã kiếm được nhiều tiền từ việc này đến nỗi cuối cùng chuyện tiền nong lại khiến họ bỏ bê cá mú”. Họ kiếm được nhiều tiền tới nỗi việc buôn bán ngoại tệ từ những người ngư dân lan sang cả bạn bè của họ.

Chuyện nghe thật đơn giản: bạn được trả tiền để vay tiền rồi đi mua những ngôi nhà và xe có giá trị. Nhưng, vào tháng 10, sau khi đồng krona sụp đổ, những khoản tiền Yên và Franc Thụy Sĩ mà họ phải trả bỗng chốc trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều. Lúc này, có rất nhiều người Iceland – đặc biệt là những người trẻ − sở hữu những ngôi nhà trị giá 500.000 đô-la với số tài sản thế chấp lên tới 1,5 triệu đô-la, và có những chiếc xe Range Rover trị giá 35.000 đô-la và những món nợ lên tới 100.000 đô-la để mua chúng. Với vấn đề về những chiếc Range Rover, có hai giải pháp tức thời. Một là đưa chúng lên tàu chở tới châu Âu rồi xoay sở tìm cách bán chúng đi để lấy về những đồng tiền vẫn còn giá trị. Giải pháp thứ hai là châm lửa đốt chúng rồi đi thu tiền bảo hiểm: Bùm!

Những phiến đá phía dưới Reykjavík có thể là đá núi lửa phun trào, song thành phố lại mang dáng vẻ trầm tích. Tuy nhiên, những tòa tháp ven biển bằng kính được xây dựng dở dang vốn định dành cho những nhà tài phiệt giàu có mới nổi ở đây, đồng thời chắn hết tầm nhìn ra những triền dốc trắng thoai thoải nằm dọc bến cảng thì lại không có được vẻ duyên dáng ấy.

Cách tốt nhất để chiêm ngưỡng một thành phố là đi dạo trong thành phố ấy, nhưng ở đây, chỗ nào tôi đi qua cũng gặp những người đàn ông Iceland xô lấn tôi mà không một lời xin lỗi. Tôi đi tới đi lui ở khu phố mua sắm, cố tình không tránh đường để xem liệu có chàng Iceland nào nhường lối cho tôi thay vì chọn cách huých vào người nhau không. Chẳng có ai cả. Vào những đêm tiệc tùng – tức là các tối thứ Năm, thứ Sáu, và thứ Bảy – khi mà có tới nửa số dân nước này cùng tham gia thực hiện một nghĩa vụ (có vẻ họ cho là vậy), uống đến quên trời quên đất rồi đi dạo phố cho tới khi mặt trời lên, thì lúc này vấn đề trên càng tỏ ra đặc biệt nghiêm trọng. Các quán bar mở cửa tới 5 giờ sáng, và cường độ người ta va chạm vào nhau dường như càng nghiêm trọng hơn. Chỉ trong vòng mấy phút sau khi bước vào một câu lạc bộ đêm có tên Boston tôi đã bị va chạm mạnh, đầu tiên là với một gã hộ pháp râu ria xồm xoàm – người ta cho tôi biết đây từng là chủ một quỹ đầu cơ của Iceland. Khi vừa mới định thần lại, tôi đã bị đẩy ngã quay đơ bởi một chuyên viên cao cấp của Ngân hàng Trung ương lúc này đã say mềm. Có lẽ vì anh ta say, hoặc vì chúng tôi vừa mới gặp nhau cách đó vài giờ, nên anh chàng dừng lại bảo tôi: “Chúng tôi đã cố gắng nói với họ rằng vấn đề của chúng tôi không phải là mất khả năng thanh toán nợ mà là vấn đề về hoạt động, nhưng họ lại không đồng ý”, rồi lại lảo đảo bước đi. Đó cũng chính là điều mà Lehman Brothers và Citigroup đã nói: nếu các ông đưa tiền để hỗ trợ chúng tôi, chúng tôi sẽ vượt qua được chút rắc rối nhỏ này.

Iceland là một quốc gia nhỏ bé và đồng nhất tới nỗi mọi người điều biết rõ về nhau lại mâu thuẫn với cái mà người ta vẫn thường hình dung mỗi khi nghe đến từ “quốc gia” đến mức có lẽ phải dùng một từ phân loại khác cho đất nước này. Nó thực ra giống một đại gia đình hơn là một quốc gia. Chẳng hạn, phần lớn người dân Iceland đều mặc định là thành viên của Nhà thờ Lutheran. Nếu không muốn làm người của giáo hội này nữa, họ phải làm đơn lên chính phủ; mặt khác, nếu họ điền vào một tờ đơn, họ có thể chuyển sang giáo phái của riêng họ rồi nhận được một khoản trợ cấp. Một ví dụ khác: Cuốn danh bạ điện thoại ở Reykjavík chỉ ghi tên riêng, bởi chỉ có khoảng 9 dòng họ ở Iceland, và những cái tên này lại được hình thành từ việc thêm từ “son” hoặc “dóttir” vào sau tên người cha. Thực ra cũng khó mà biết được điều này giúp phân biệt họ ra sao, bởi hình như cũng chỉ có khoảng 9 cái tên riêng ở Iceland. Nhưng nếu muốn để lộ ra là bạn chẳng hiểu mấy về Iceland, thì bạn chỉ cần nhắc đến ai đó có họ tên là Siggor Sigfússon bằng cái tên “Ông Sigfússon”, hay gọi người có họ tên đầy đủ là Kristin Pétursdóttir là “Bà Pétursdóttir”. Trong mọi trường hợp, mọi người xung quanh đều biết bạn đang nhắc tới ai, vì thế bạn chẳng bao giờ phải nghe câu hỏi: “Siggor nào thế?”


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button