Kinh doanh - đầu tư

Bí Mật Trị Vì Vương Quốc Đến Quản Lý Công Ty

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Seldon Bowles

Download sách Bí Mật Trị Vì Vương Quốc Đến Quản Lý Công Ty ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KINH DOANH – ĐẦU TƯ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

 

LỜI TỰA

TỪ BÍ MẬT TRỊ VÌ VƯƠNG QUỐC ĐẾN QUẢN LÝ CÔNG TY

Hơn 13 triệu người trên khắp thế giới đã khám phá từ cuốn sách Kingdomality – Bí Mật Trị Vì Vương Quốc đến Quản Lý Công Ty một phương pháp mới mẻ và cực kỳ ưu việt để đạt được thành công trong mọi mặt cuộc sống, từ quản lý con người đến điều khiển một tổ chức, công ty. Cuốn sách đã đưa ra những ý tưởng độc đáo và thiết thực dựa trên các nghiên cứu khoa học về tính cách, tâm lý con người cũng như những kinh nghiệm quý giá trong thực tế quản lý các công ty, tổ chức ngày nay.

Kingdomality – Bí Mật Trị Vì Vương Quốc đến Quản Lý Công Ty là câu chuyện rất thú vị về một vị vua gần như hoàn toàn bất lực trong việc trị vì vương quốc lộn xộn của mình khi dựa vào những ý tưởng cục bộ của các quan đại thần và cố vấn triều đình mà không tự mình tư duy, nhìn mọi vấn đề một cách khoa học và tổng thể. Mọi chuyện bắt đầu thay đổi một cách nhiệm mầu kể từ khi nhà vua gặp được một vị phù thủy thông thái. Nhà vua đã từng bước học hỏi, khám phá tâm lý con người để hiểu tính cách và ước muốn của mọi thần dân trong vương quốc mình, từ đó có một cái nhìn mới, biết cách giao trọng trách đúng người đúng việc, để vương quốc phát triển thịnh vượng và ổn định. Câu chuyện và các vấn đề của nhà vua ở vương quốc nọ hoàn toàn có thể áp dụng vào thực tế trong việc quản lý, điều hành và sử dụng con người ở bất kỳ một tổ chức, công ty nào để đạt được hiệu quả và thành công cao nhất.

Một năm sau lần xuất bản đầu tiên tại Mỹ, Kingdomality đã trở thành một hiện tượng – không chỉ đối với bạn đọc là những nhà lãnh đạo, quản lý mà còn thu hút hàng chục triệu độc giả khắp nơi trên toàn thế giới – liên tục được xếp hạng trong danh mục những cuốn sách bán chạy nhất hiện nay.

First News trân trọng giới thiệu với bạn đọc Việt Nam ấn bản tiếng Việt của tác phẩm độc đáo này. Mong rằng cuốn sách sẽ giúp ích một cách hữu hiệu nhất cho những người làm công tác lãnh đạo, quản lý cũng như cho tất cả bạn đọc trên con đường chinh phục những thành công cao hơn trong công việc và cuộc sống.

– First News

LỜI GIỚI THIỆU CỦA TIẾN SĨ KEN BLANCHARD

Sự thành công trong quản lý không thể tách rời với việc nắm vững những đặc điểm và tính cách con người, đó là một điều chắc chắn. Nhưng làm thế nào để hiểu và khám phá được tính cách của người khác cũng như của chính mình? Làm thế nào để biết kết hợp và phát huy những tính cách đó nhằm đạt được hiệu quả cao nhất trong công việc?

Để tìm câu trả lời cho vấn đề này, từ trước đến nay, nhiều phương pháp khác nhau theo quan điểm của các nhà tâm lý học đã ra đời. Nhưng có lẽ phương pháp hay nhất chính là bí quyết trong cuốn sách Kingdomality của các tác giả Sheldon Bowles, Richard Silvano và Susan Silvano mà các bạn đang cầm trên tay.

Thông qua câu chuyện thần thoại thú vị về cuộc hành trình của nhà vua trong việc tìm cách quản lý và phát triển vương quốc của mình với các thần dân có tính cách khác nhau, tác giả đã có những liên hệ hợp lý nhằm giúp bạn khám phá ra tính cách của bản thân mình và những người xung quanh trong công ty hay tổ chức hiện nay. Khi biết được các tính cách và đặc điểm của từng nhóm tính cách, bạn sẽ hiểu được tại sao mỗi người chúng ta lại có các phản ứng khác nhau khi đứng trước những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và của người khác.

Qua Kingdomality, bạn sẽ nhận ra ba bài học quan trọng. Thứ nhất, một công ty hay một tổ chức không thể hoạt động và phát triển hiệu quả nếu thiếu sựgóp sức của bất kỳ một nhóm tính cách nào. Thứ hai, có thể một vấn đề khó khăn ở một thời điểm cụ thể sẽ được một nhóm tính cách giải quyết hiệu quả, nhưng xét trong cả quá trình thì mỗi nhóm đều quan trọng và có giá trị ngang nhau. Thứ ba, không một tính cách nào có thể được coi là chuẩn mực để trở thành nhà lãnh đạo. Bất kỳ ai, nếu hiểu được điểm mạnh của mình và phát huy được sức mạnh của những người khác, cũng đều có thể trở thành một nhà lãnh đạo tài năng.

Khám phá ra tính cách thực sự của bản thân và của người khác là một hiểu biết mang đến cho bạn sức mạnh và sự nhạy bén để thành công trong cuộc sống. Biết đồng nghiệp của bạn là người như thế nào, hiểu được điều họ đang nghĩ và tại sao họ lại suy nghĩ theo hướng như vậy sẽ tạo cho bạn những mối quan hệ đồng nghiệp tốt, phát huy được sự tác động qua lại và tương trợ lẫn nhau trong công việc. Bạn sẽ nhận được những bài học quý giá từ sự sáng tạo trong cách hoạt động theo nhóm, biết cách trao quyền, phân việc phù hợp với năng lực, sở trường của từng người cũng như định hướng được việc tuyển dụng và khen thưởng nhân viên. Bạn cũng sẽ biết cách khơi dậy và tạo nên một môi trường làm việc hiệu quả, vui vẻ và thuận lợi. Bằng cách tiếp cận phương pháp làm việc mới mẻ và thú vị này, bạn đã gia nhập vào đội ngũ của hàng triệu người thành công trên thế giới trong việc cải thiện hiệu quả môi trường làm việc cũng như biết cách quản lý, điều hành nhân sự trong công ty, tổ chức của mình một cách tối ưu nhất.

Kingdomality làmột quyển sách rất thú vị, lôi cuốn. Câu chuyện thu hút người đọc vì nó đi sâu vào cốt lõi của vấn đề và tìm ra những cách thức giúp bạn nhận thấy vai trò quan trọng của mình không chỉ trong tầm nhìn, sự hiểu biết về công việc quản lý mà còn cả trong những mối quan hệ xã hội.

– Ken Blanchard

ĐỌC THỬ

Chương 1 GẶP GỠ ĐỨC VUA HAROLD

Ngày xửa ngày xưa, ở một vùng đất xa xôi nọ có một nhà vua thông thái tên là Harold. Ngài trị vì một vương quốc tuy rộng lớn nhưng lại đang trong tình trạng bất ổn. Sở dĩ, nói đức vua Harold là một người thông thái bởi mọi người thường nghĩ rằng tất cả các vị vua trên thế gian này đều là những người thông thái, dẫu rằng họ không thật sự thông minh. Thế nhưng từ ngàn xưa, từ khi bắt đầu có những câu chuyện cổ tích, thì mọi người đã quen nghĩ như thế.

Đức vua Harold của chúng ta là một người khá dễ thương và không đến nỗi quá ngốc nghếch. Tuy nhiên, nếu Ngài thật sự là một đức vua thông thái thì lẽ ra Ngài đã suy xét cẩn thận hơn về những lời giới thiệu đăng trên các mẫu quảng cáo ở mục “Những đất nước trật tự, thái bình đang cần người cai trị” của tờ “The Royal Review”, một trong những nhật báo uy tín hàng đầu dành cho các nhân vật chóp bu của hoàng gia. Vì nếu thế, Ngài đã có thể lựa chọn cho mình một vương quốc kỷ cương và dễ cai trị hơn.

Thật không may cho đức vua Harold bởi vương quốc mà Ngài chọn để trị vì lại không giống những gì mà tờ báo đã quảng cáo. Hầu hết các dự án đã triển khai nhưng đều chưa hoàn thành. Vô số cuộc họp được triệu tập với mục đích “tìm giải pháp cho các dự án” nhưng bằng cách nào đó lại bị biến thành những cuộc họp đi tìm lý do “tại sao các dự án không thể hoàn thành”. Trong những cuộc họp như vậy, các quan cận thần chẳng ai chịu nhận trách nhiệm về mình, họ chỉ biết đổ lỗi cho nhau mà thôi. Lần nọ, một anh hề đã bị bắt giam suốt hai tuần liền vì tội dám treo những tấm áp phích có nội dung như sau lên ngay cửa chính của cung điện:

Tiến trình năm bước của một dự án:

  1. Khởi đầu hăng hái
  2. Phát sinh trở ngại
  3. Truy tìm nguyên nhân
  4. Trừng phạt người vô tội
  5. Tuyên dương và khen thưởng những kẻ ngoài cuộc.

Vương quốc của đức vua Harold không thể phát triển thịnh vượng vì chẳng ai hoàn thành nhiệm vụ của mình. Họ là những người nóng nảy, cộc cằn, thường xuyên gắt gỏng và luôn đối diện với khó khăn, thử thách bằng một thái độ tiêu cực. Không những vậy, họ còn phân chia bè phái để chỉ trích lẫn nhau và đổ lỗi cho người khác.

Bạn thấy đấy, đây chỉ là một vương quốc của những con người yếu kém về năng lực, luôn đối xử với nhau bằng thái độ nghi kỵ, hiềm khích. Mỗi khi có dịp tụ họp lại là họ luôn tìm cách chống đối nhau thay vì cởi mở và hợp tác với nhau. Đây cũng chính là một thực trạng phổ biến trong các công ty, tổ chức ngày nay.

Đức vua biết rằng vương quốc mình đang trị vì vẫn chưa ổn định, thậm chí là còn rất hỗn độn. Ngài cũng hiểu rõ nguyên nhân không phải là do thiếu anh tài, thiếu sự ủng hộ từ phía Hoàng gia cho những sáng kiến mới, thiếu chính sách bồi dưỡng tài năng hay do ngân khố triều đình còn hạn hẹp, dù rằng dân chúng hay viện điều này để biện minh cho tình trạng tụt hậu, nghèo nàn của vương quốc mình.

Đức vua Harold biết rõ nguyên nhân chính là ở con người, vì vậy mà Ngài luôn đưa ra những kế hoạch khả thi, quy định trách nhiệm rõ ràng và yêu cầu mọi người thực hiện với hiệu quả tốt nhất. Tiếc thay, cái mà mọi người nghĩ là hiệu quả tốt nhất thường lại chẳng đâu vào đâu. Kết quả công việc thì không thấy mà chỉ thấy toàn những vụ cãi vã và nói xấu sau lưng người khác. Khi bị chỉ trích là không làm tốt nhiệm vụ được giao, họ lập tức tiến hành quy trình P-N-X gồm ba bước: Phàn Nàn, Nói Dối và Xuyên Tạc.

Đức vua đã áp dụng những biện pháp trừng trị nghiêm khắc như tra tấn, tống giam, trục xuất khỏi vương quốc hay thậm chí là xử trảm nhưng tình hình vẫn không biến chuyển. Bấy giờ, có một vị đại thần cố vấn vốn từng đi nhiều nơi, am hiểu nhiều điều đã mạnh dạn chỉ ra cho nhà vua thấy sai lầm của Ngài là ở chỗ Ngài chỉ biết trừng phạt mà không hề biết ban thưởng. Ngay lập tức, nhà vua liền mở ngân khố triều đình để ban thưởng cho thần dân khắp mọi miền vương quốc, bất kể già trẻ, gái trai, một cách vô cùng hào phóng. Thế nhưng, chính hành động đó lại khiến cho dân chúng càng thêm náo loạn, ngay cả những người được ban thưởng cũng tham gia vào những vụ nổi loạn đó.

Vị đại thần đã đưa ra một lời khuyên đúng đắn về mặt lý thuyết, nhưng trên thực tế nó lại hóa thành sai lầm. Nguyên nhân là do nhà vua ban thưởng cho cả những kẻ làm sai, điều đó khiến họ không thể nhận ra sai lầm của mình và càng tiếp tục làm sai nhiều hơn nữa! Bên cạnh đó, những vấn đề cốt lõi vẫn chưa được Ngài giải quyết, thế là dân chúng vẫn cảm thấy không hài lòng, họ lại càng thêm cay cú và bực bội. Mỗi lần có ai đó được ban thưởng, hàng trăm người khác lại rơi vào tình trạng buồn bã, bất mãn và bắt đầu lớn tiếng kiện cáo về những sắc lệnh khen thưởng không công bằng đó. Thế là lời khuyên của vị cố vấn trở thành đại họa.

Nhận thấy những lời khuyên của mình đã làm cho tình trạng của vương quốc ngày một bi đát hơn, viên đại thần hoảng sợ và quyết định bỏ trốn khỏi kinh thành. Màn đêm mù mịt đã giúp ông ta trốn thoát sự trừng phạt của đức vua.

Một lần nữa, bạn thấy đấy, với những người không làm tốt nhiệm vụ được giao, dù có tăng mức độ trừng phạt cũng sẽ chẳng cải thiện được gì. Nhưng việc khen thưởng không hợp lý cũng sẽ làm nảy sinh thêm nhiều mâu thuẫn và càng làm cho vấn đề trở nên phức tạp. Cố vấn quản lý không phải là người trực tiếp đương đầu với những thử thách. Nói tóm lại, các khó khăn của đức vua Harold cũng giống như những gì mà những người quản lý ngày nay đang gặp phải.

Một ngày nọ, không bao lâu sau khi anh hề được thả ra và viên cố vấn đã cao chạy xa bay, có một vị phù thủy đầy quyền năng xuất hiện trước cung điện xin được yết kiến nhà vua.

– Ta đến đây để ban cho Ngài một điều ước. Phù Thủy Tối Cao ra lệnh cho ta đi khắp nơi để ban cho mỗi vương quốc một điều ước nhân dịp kỷ niệm 750 năm ngày cưới của Người.

Đức vua Harold nhìn vị phù thủy với ánh mắt nghi ngờ. Tấm áo choàng màu xanh lục và chiếc mũ phù thủy có vành được đội ngay ngắn trên đầu ông ta chứng tỏ đây có thể là một phù thủy tài ba. Thời bấy giờ, ai ai cũng biết rằng những vị phù thủy chu du từ vương quốc này sang vương quốc khác thường giữ lại hai điều ước cho riêng mình, thay vì phải ban tặng cho người khác đủ ba điều ước đúng như trong các truyện cổ tích vẫn thường kể. Và như chúng ta đã biết, đức vua Harold của chúng ta không phải là một người quá thông minh, nhưng cũng không đến nỗi quá ngốc ngếch, thế nên Ngài hỏi lại:

– Theo ta biết thì các phù thủy thường ban tặng đến ba điều ước kia mà!

Lão phù thủy ma mãnh bèn giải thích ngay:

– Có lẽ Ngài nên thử một lần gặp vợ của Phù Thủy Tối Cao mà hỏi xem, Người luôn luôn chỉ ban một điều ước mà thôi! Và Phù Thủy Tối Cao cũng không phải là một người hào phóng cho lắm. Người là một phù thủy kiên định với quy tắc chỉ ban tặng một điều ước. Thề có con thằn lằn say rượu, ta không thể ban cho Ngài ba điều ước được!

Ai cũng biết rằng đối với các phù thủy, không có lời thề nào thiêng liêng như lời thề với con thằn lằn say rượu. Trước vẻ mặt hết sức thật thà của lão phù thủy cùng với lời thề linh thiêng vừa rồi, đức vua Harold quyết định nhận một điều ước đó. Thế là tên phù thủy đã giữ lại được hai điều ước cho riêng mình. Nhà vua của chúng ta không hề hay biết rằng ngài đang thỏa thuận với một tên phù thủy vô cùng xảo quyệt, một kẻ đã từng du hành qua 18 vương quốc và khi 12 trong số 18 vị vua này đề cập đến điều ước thứ hai thì lão ta đều giả vờ như không hề biết.

Thật ra đức vua Harold cũng chỉ cần một điều ước mà thôi và Ngài đã sử dụng nó một cách hiệu quả. Nhiều năm sau đó, khi trả lời phỏng vấn Tạp chí Con Vịt, Ngài đã miễn cưỡng thú nhận rằng nếu không vì bị ám ảnh bởi nội dung trong tấm áp phích của tên hề và sự thất bại của viên đại thần cố vấn ngày trước thì Ngài có thể đã ước ngay một cung điện nguy nga lộng lẫy hơn. Thậm chí, Ngài còn muốn được trở thành người chiến thắng trong cuộc đua ngựa tại lễ hội của Hoàng gia. Tuy nhiên, ngay lúc này đây, tâm trí Ngài chỉ nghĩ đến việc làm thế nào để tổ chức cai trị đất nước cho tốt mà thôi.

– Được rồi, Phù thủy! – Đức vua nói. – Vương quốc của ta đang rối ren. Mọi việc không được trôi chảy, dân chúng không được hạnh phúc. Ta muốn ngươi cải thiện điều đó.

Nghe đến đây, lão phù thủy bỗng thay đổi sắc mặt. Vẻ trầm tư, lo lắng hiện rõ trên nét mặt vì lão biết rõ việc chỉnh đốn một vương quốc không phải là chuyện đơn giản.

– Ta có những món trang sức lộng lẫy và cây đàn hạc diệu kỳ có thể phát ra giai điệu tuyệt vời bất cứ lúc nào Ngài muốn. Hơn nữa ta còn có những công nương vô cùng xinh đẹp. – Lão phù thủy nói với một cái nhìn đầy ẩn ý, bởi lão biết rằng nhà vua cũng đang rất sốt ruột vì hoàng tử đã 20 tuổi mà vẫn còn độc thân.

Nhưng điều đó chẳng thể tác động đến quyết tâm của nhà vua:

– Hãy chỉnh đốn vương quốc của ta. Chỉ có vậy thôi. Hay là ngươi không đủ khả năng?

Lão phù thủy cau mày như thể phật ý:

– Không đủ khả năng ấy à? Một phù thủy đầy quyền năng như ta chỉ cần búng tay là đã có thể biến đổi cả một vương quốc. Ta chỉ e rằng năm sau Ngài lại đến tìm ta và tiếc nuối than vãn rằng sao ngày trước mình đã không chọn những món trang sức quý giá hay một cô dâu xinh đẹp cho hoàng tử!

– Ta hứa sẽ không bao giờ phàn nàn như thế! – Nhà vua quả quyết.

Lão phù thủy đành nhún vai chấp nhận, ra vẻ dù sao đó cũng không phải là việc của lão.

– Nhà ngươi không đọc thần chú hay làm bất cứ điều gì sao?

– Nếu Ngài muốn thì ta cũng có thể làm điều đó. Chỉ cần ta vung chiếc đũa thần lên, một làn khói huyền ảo sẽ hiện ra và những giai điệu êm ái sẽ vang lên. Ta còn có cả một cái vạc để pha chế thần dược ở nhà nữa. Nhưng đối với một phù thủy bậc năm như ta thì tất cả những điều đó là không cần thiết.

– Vậy ngươi sẽ làm gì?

– Ta sẽ cho mời quý bà Elizabeth. Bà ta là một người rất kỳ lạ, thích tự do và có tính khí đặc biệt lạnh lùng. Bà ấy sẽ có mặt ở đây trong vài phút nữa.

– Thế à? – Nhà vua kéo dài giọng chế giễu.

– Đó là người cố vấn cai trị vương quốc tốt nhất hiện nay. Quý bà Elizabeth là một bậc thầy về tâm lý con người, rất thích hợp để giúp ngài xử lý các rắc rối đang gặp.

Khi nghe đến cụm từ “cố vấn cai trị vương quốc”, nhà vua lại nhớ đến số vàng trích từ ngân khố hoàng gia đã gây nên sự nổi loạn của dân chúng, liền nhổm dậy phản đối.

Nhưng tiếng làu bàu của đức vua đã bị cắt ngang bởi sự xuất hiện bất ngờ của một người phụ nữ.

– Ơ kìa, quý bà Elizabeth! Đức vua Harold đây mới vừa phàn nàn với tôi về người cố vấn trước đây của Ngài đấy!

Thuộc dòng dõi cao quý đích thực và luôn biết cách cư xử lịch thiệp với phụ nữ, nhà vua đã phớt lờ lời bình phẩm của lão phù thủy. Ngài nhã nhặn nói:

– Rất hân hạnh được gặp bà, quý bà Elizabeth!

– Tôi cũng vậy, thưa bệ hạ! Xin lỗi Ngài vì tôi đã đến muộn. Tôi vừa dạo một vòng quanh vương quốc trước khi đến gặp Ngài.

– Một vòng quanh vương quốc à? Chúng tôi vừa mới cho gọi bà đây thôi mà!

– Tôi cũng biết một chút ít phép thuật đấy! – Quý bà Elizabeth mỉm cười. – Tôi lướt qua mọi nơi chỉ chưa đầy mười lăm giây.

– Thực tế chẳng phải như thế đâu, tôi chắc đấy! – Lão phù thủy liếc sang nhà vua bằng một cái nhìn đầy ngụ ý.

Quý bà Elizabeth cúi xuống nhìn lão phù thủy bởi bà cao gần một mét chín trong khi cũng giống như các phù thủy thời đó, lão chỉ cao khoảng một mét hai mà thôi.

– Đừng để ý những gì ông ta nói. – Bà ta nói với đức vua. – Ông ta đang ganh tỵ với tôi đấy! Dù đã cố gắng lấy giấy chứng nhận cố vấn phù thủy đến ba lần nhưng lần nào ông ta cũng trượt.

Nếu cái nhìn có thể giết người, thì quý bà Elizabeth chắc đã không thể sống sót với ánh mắt của lão phù thủy lúc này. Tuy nhiên, bà ta không hề bận tâm đến lão phù thủy đang cáu tiết, mặc kệ ông ta có quyền năng thực sự hay không. Vả lại, chính bản thân quý bà Elizabeth cũng đang cảm thấy bực bội. Bà chỉ có ba ngày cho việc điều tra vương quốc và giờ đây, sau khi đi một vòng quanh vương quốc, bà biết công việc của mình không đơn giản chút nào.

Sự khó chịu của quý bà Elizabeth cũng không thể sánh được với cơn giận của lão phù thủy càng lúc càng dâng cao. Lão tức tối, giậm chân và biến mất trong làn khói mà không một lời từ biệt. Nhưng chẳng ai thèm để ý tới lão ta cả!

– Như tôi đã nói, – quý bà Elizabeth nhã nhặn tiếp tục câu chuyện. – Tôi đã kiểm tra vương quốc, tài liệu cai trị đất nước của Ngài ghi rõ dân chúng đang mắc phải vấn đề “nồi tròn úp vung méo”.

– Nghĩa là gì?

– Nói nôm na là, tất cả mọi người đều không thực sự hiểu rõ về bản thân mình và Ngài lại đang cố ép họ hành động theo một khuôn khổ không phù hợp với lối sống, tính cách vốn có của họ. Điều đó cũng giống như bắt một nhạc sĩ phải diễn trò tung hứng.

Đức vua đã từng nghe những lời này từ viên cốvấn trước kia nên Ngài ngầm cảnh giác với quý bà Elizabeth. Tuy vậy, đức vua cũng cảm thấy tò mò nên Ngài mỉm cười khích lệ quý bà Elizabeth nói tiếp.

– Trước tiên chúng ta sẽ tìm hiểu vấn đề “nồi tròn úp vung méo” đó. Nếu Ngài không hiểu rõ thần dân của mình, Ngài không thể mong đất nước của ngài ổn định và phát triển. Đặc biệt là khi giữa họ không hề có tinh thần đoàn kết trong mọi việc.

Người quản lý không thể liên kết các nhân viên của mình lại với nhau? Nếu cảm thấy điều đó đang là vấn đề của bạn thì hãy đọc tiếp quyển sách này. Còn nếu không, bạn nên tìm đọc một quyển sách khác. Tất cả tùy vào sự lựa chọn của bạn!


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button