Kinh doanh - đầu tư

Bản Lĩnh Người Làm Giám Đốc

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nguyễn Duy

Download sách Bản Lĩnh Người Làm Giám Đốc ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KINH TẾ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                     

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI NÓI ĐẦU

“Kẻ lao tâm trị người, kẻ lao lực bị người trị” là câu nói nổi tiếng từ thời phong kiến, hầu như ai cũng biết. “Kẻ lao tâm” ở đây chỉ nhà lãnh đạo, chỉ huy, còn “kẻ lao lực” ở đây chỉ người bị lãnh đạo. Về mặt khách quan, đây là sự phân công xã hội được hình thành do rất nhiều yếu tố. Ai cũng muốn làm lãnh đạo để chỉ huy, chỉ đạo (tức “trị người”) người khác, song không phải cứ muốn làm lãnh đạo là có thể làm được. Ví dụ, bạn thành lập công ty tư nhân, đương nhiên là bạn làm lãnh đạo, song nếu bạn không có năng lực lãnh đạo, công ty làm ăn thua lỗ, đổ bể thì bạn sẽ trở thành người bị lãnh đạo.

Làm một người lãnh đạo không dễ. Vấn đề quan trọng nhất để lãnh đạo thành công là năng lực quản lý người khác. Người nào đứng trước sự việc ngang trái hoặc kẻ ngang ngược mà vẫn bình tĩnh, gặp biến cố lớn không kinh hoàng, thì có thể làm lãnh đạo được. Người nào can đảm, giữ vững lập trường, có năng lực giao tiếp rộng, có thể đứng mũi chịu sào thì có thể làm lãnh đạo bậc trung. Người nào biết người, đánh giá người không sai (không lẫn), dùng người không quá khắc nghiệt, có đủ các năng lực ở trên thì có thể làm lãnh đạo cao cấp.

Sự phân chia cấp bậc lãnh đạo phần lớn phụ thuộc vào tố chất bên trong. Tuy có sự may mắn, được cất nhắc, nhưng vấn đề quan trọng nhất bảo đảm bạn có thể đứng vững trên cương vị lãnh đạo là: một là, bạn phải biết người (biết năng lực, sở trường, sở đoản của từng người); hai là, bạn phải biết dùng người (dám dùng người, dùng người đúng việc…); ba là, bạn phải biết quản lý con người và công việc. Ba việc này không thể thiếu đối với nhà lãnh đạo.

Người xưa có câu, “nghìn quân dễ kiếm, một tướng khó tìm”. Thành công của công việc phần lớn do sự cố gắng của con người. Sự cố gắng ấy có mang lại hiệu quả hay không là do phương thức lãnh đạo. Lãnh đạo không chỉ là một chức vụ, mà còn là một quá trình ảnh hưởng.

Một nhà lãnh đạo nếu không có khí phách hơn người, không có tấm lòng rộng rãi, không có sự đối xử công bằng, không có đạo đức cao cả, không có ý tưởng sáng tạo thì không thể hoàn thành việc lớn, khiến mọi người khâm phục.

Biết lãnh đạo thành công liên quan đến rất nhiều yếu tố, trong đó, yếu tố đặc biệt quan trọng là tính cách, trí tuệ của người lãnh đạo. Người xưa có câu:

“Anh hùng trước hết lập thân
Quản người thì phải quản mình trước tiên”.

Muốn lãnh đạo được người khác thì trước hết phải chỉ huy được mình. Chủ trương, kế hoạch, biện pháp và mưu kế đúng đắn cùng với sự quản lý sâu sát, chặt chẽ là những yếu tố quyết định thành công.

Hy vọng các bạn sau khi đọc xong cuốn sách có thể tham khảo, vận dụng những lý luận này để lãnh đạo chỉ huy bản thân mình, đồng thời hướng dẫn, lãnh đạo, chỉ huy người khác một cách thông minh.

ĐỌC THỬ

I. QUAN SÁT CỬ CHỈ, HÀNH VI, HÀNH ĐỘNG

Cử chỉ và hành động của mỗi người là sự thể hiện của tư tưởng, đạo đức, tính cách và năng lực của người đó. Con người vốn thông minh có thể che giấu tất cả, song không thể che giấu hành động của mình. Từ hành động, cử chỉ, ta có thể biết được ý nghĩ, tâm lý, đạo đức, tính cách của người đó. Vì vậy, quan sát hành động để đánh giá con người là phương pháp khoa học nhất.

Khi tiếp xúc với một người, bạn nhận thông tin từ lời nói của đối tượng không đến 35%, nhưng nhận thông tin từ tư thế, tác phong của đối tượng từ 65% trở lên.

  1. BIẾT NGƯỜI QUA TƯ THẾ, TÁC PHONG

Trong một khoảng thời gian, một người có rất nhiều động tác, tạo ra rất nhiều tư thế khác nhau, thí dụ như hai tay đan chéo, chân vắt lên nhau, tay vung lên vung xuống, mắt liếc ngang liếc dọc, lưng cúi gập một thời gian… Là một nhà lãnh đạo, bạn phải quan sát và đánh giá chính xác biểu hiện sinh động này của họ. Tư thế khác nhau truyền đạt thông tin tâm trạng khác nhau. Tư thế có thể biểu đạt các hoạt động tâm lý như tích cực, bình tĩnh, trang trọng, lạc quan, tự tin, vui vẻ…, hoặc mệt mỏi, chán nản, nôn nóng, bi quan, thất vọng… Vì vậy, người lãnh đạo phải hiểu được ý nghĩa nội dung của từng tư thế, tức kiến thức về những biểu hiện phi ngôn ngữ.

1.1. Tư thế đứng (Dáng đứng)

Tư thế đứng của một người chứng tỏ tình trạng sức khỏe và lòng tự tin của người đó. Tư thế đứng tiêu chuẩn là: đầu ngẩng, ngực ưỡn, bụng thu, hai chân hơi dạng, đứng thẳng. Tư thế đứng này giống hình ảnh cây tùng hiên ngang. Đầu ngẩng, hai mắt ngang bằng, nhìn thẳng về phía trước, miệng hơi mím, nét mặt hơi có vẻ cười, hàm dưới hơi thu, hai vai thả lỏng hơi nén xuống. Ngực ưỡn, bụng thu, lưng thẳng, hai vai để xuôi tự nhiên. Hai chân đứng thẳng, gót chân sát mặt đất.

Tư thế đứng không đẹp của một người là thân hình thẳng đờ, ngực nhô, lưng ngang, vai thuỗn, cột sống ngả về sau, bụng phình, chân cong. Ngoài ra, còn một số tư thế rất xấu, gây ấn tượng không hay cho mọi người như co đầu rụt cổ, khom lưng vặn vẹo, chân cong đung đưa…

Bất kể là nam hay nữ, tư thế đứng nếu có dáng thẳng, cao, ngay ngắn sẽ gây cảm giác đẹp cơ bản.

Nói về tư thế đứng của nam giới, các bộ phận thân thể nên vươn lên: Đầu không cúi, cổ không vẹo, vai không nhô, ngực không ưỡn, lưng không cong, đầu gối không chùng. Các bộ phận cơ thể đều nên tự nhiên. Về tư thế của nữ giới, đầu hơi cúi (biểu hiện dáng e lệ, dịu dàng), ngực hơi ưỡn (biểu hiện sức sống dồi dào), khiến người khác cảm thấy họ là người tự tin), bụng hơi thu, hai mông thả lỏng hơi nổi về phía sau (biểu hiện nét cong mềm mại của người phụ nữ).

Khi đứng nói chuyện, tư thế đứng nên tự nhiên, không nên giữ mãi một tư thế, khiến ta mệt mỏi.

Khi đứng, tư thế tay của đối phương cũng biểu hiện rất rõ tâm lý như hai tay xuôi là biểu hiện trạng thái thả lỏng; hai tay giang biểu hiện ý hoan nghênh và ôm hôn; hai tay bắt chéo biểu hiện tâm lý phòng vệ, khoanh tay biểu hiện tâm lý kìm chế; giơ hai tay có lúc biểu hiện chiến thắng, có trường hợp là đầu hàng.

1.2. Tư thế ngồi (Dáng ngồi)

– Khoảng cách chỗ ngồi:

Khoảng cách chỗ ngồi giữa hai người biểu hiện mức độ tình cảm giữa họ. Ví dụ, đôi tình nhân ngồi gần nhau phản ánh tâm trạng gắn bó như keo sơn. Là người lãnh đạo bạn không những phải ngồi đúng chỗ mà còn phải biết giữ khoảng cách giữa mình và nhân viên.

– Phương hướng của chỗ ngồi:

Nếu hai người ngồi đối diện nhau, hai bên đều ở vị trí lý tưởng để quan sát đối phương. Vị trí này dễ sinh ra xung đột về ánh mắt, gây tâm lý đối địch. Nếu giữa hai người có một cái bàn hoặc vật nào đó ở giữa thì tạo ra tâm lý an toàn thoải mái. Những người cùng cấp thường ngồi theo một hướng, nhìn một đối tượng, dễ tạo ra sự đồng cảm. Sau lưng bạn lúc ngồi là một bức tường, bạn sẽ rất yên tâm, vì không bao giờ sợ bị đánh lén từ sau lưng (cho dù chỉ là tưởng tượng).

– Ngồi vững hoặc ngồi ghé.

Khi quan sát cách ngồi của một người, bạn có thể biết tâm trạng của người đó. Người ngồi hẳn vào trong ghế bành, chân duỗi biểu hiện muốn ngồi lâu. Đó là những người có tâm lý muốn chỗ ngồi (địa vị) chắc chắn. Kẻ ngồi mớm ghế, chân chụm vào nhau biểu hiện ý muốn sẵn sàng đứng lên. Ngồi như vậy thường có cảm giác không yên, vô tình biểu hiện tâm lý phục tùng đối phương. Ngồi trước người này, bạn chớ tỏ ra mình ưu việt hoặc ngạo mạn, bởi vì trong lòng họ đang có tâm lý phản kháng. Ngược lại bạn biểu hiện sự đồng cảm hoặc quan tâm, họ nhất định sẽ vui sướng trong lòng, tự nguyện hợp tác với bạn, sẵn sàng giúp đỡ bạn giải quyết khó khăn.

Những người ngồi vững, gác chân lên nhau thường là người thâm trầm, không chịu thua ai. Nếu là nữ thì người đó tỏ ra tự tin về sắc đẹp và trang phục của mình. Cách ngồi này dễ gây chú ý của nam giới, đồng thời cũng chứng tỏ dục vọng mãnh liệt. Người ngồi kiểu này có lòng tự trọng cao, thích làm bà chủ. Cô ta tiếp xúc với nam giới thoải mái, tự tin và cũng không dễ say mê.

1.3. Dáng đi

Có rất nhiều dáng đi như: Dáng đi dạo thoải mái tự nhiên, dáng đi mệt mỏi, dáng đi ngất ngưởng, dáng đi ung dung, dáng đi thướt tha, dáng đi hùng dũng… Mỗi người chúng ta đều có dáng đi riêng của mình, người quen biết họ chỉ cần liếc qua dáng đi cũng biết đó là ai.

Những người đang vui, bước chân của họ khá nhanh; còn người đang buồn, dáng đi mệt mỏi, chậm chạp. Một kẻ tự cao tự đại khi đi cằm hất, tay vung lên, chân bước thẳng, bước đi chậm, như có ý để lại ấn tượng cho mọi người. Một kẻ đang chán nản thường kéo lê đôi chân, hai tay đút túi quần, rất ít ngẩng đầu nhìn xa.

Cổ nhân có câu “nhất dáng nhì da”. Điều này chứng tỏ dáng đứng, dáng ngồi, dáng đi quan trọng như thế nào. Tất nhiên ta không thể thay đổi được dáng vẻ cha ông đã sinh ra, song hoàn toàn có thể hạn chế được dáng đi dáng đứng xấu, luyện tập dáng vẻ tự tin, đàng hoàng. Điều quan trọng là phải giữ cho cơ thể luôn mạnh khỏe, giữ tâm hồn trong sáng, giữ tâm trạng luôn cân bằng. Có như vậy, việc luyện tập dáng điệu mới đạt được thành công.

  1. SỰ KỲ DIỆU CỦA TƯ THẾ TAY (ĐỘNG TÁC TAY)

Tư thế tay, tức động tác tay có tác dụng rất kỳ diệu. Có tư thế tay mạnh mẽ biểu hiện ý chí kiên định, tính cách quả cảm. Có tư thế tay mềm mại uyển chuyển biểu hiện tình cảm sâu sắc, tâm trạng thanh thản. Vì vậy, người lãnh đạo phải biết sử dụng tư thế tay của mình và đánh giá thế tay của nhân viên. Diễn thuyết, đàm phán, thảo luận, dạy học, thậm chí chuyện trò hàng ngày luôn sử dụng thế tay. Thế tay là cái lưỡi thứ hai.

Thế tay là động tác bổ trợ tăng cường sức cảm hóa của ngôn ngữ, nhưng không thay thế được ngôn ngữ. Tay vung loạn xạ có thể là do trong lòng bất an tạo ra, cũng có thể do quá hưng phấn, muốn tăng cường ngữ khí, nhấn mạnh ý nghĩa của lời nói tạo ra. Vì vậy, bạn không nên sử dụng động tác tay quá nhiều, vì sẽ gây cảm giác khó chịu cho người khác. Nếu thế tay hợp lý, đúng mức thì sẽ đạt được kết quả không ngờ, thậm chí có tác dụng hơn lời nói.

Những thế tay thường thấy như sau:

 

  1. Ngửa bàn tay: Bàn tay giơ cao biểu hiện ý vui mừng, ca ngợi, cầu xin. Nếu bàn tay giơ ngang bằng là động tác của người ăn xin, biểu thị sự chân thành xin ý kiến, tranh thủ sự giúp đỡ, thông cảm. Nếu tay hạ thấp biểu thị sự bất lực.
  2. Sấp bàn tay: Mang ý nghĩa khống chế và phong tỏa, mang tính áp chế và tính uy quyền của người nói. Tổng thống Mỹ Bush, Thủ tướng Anh Tony Blair, Chủ tịch Cuba Fidel Castro khi diễn thuyết thường dùng động tác tay. Động tác tay của họ rất phù hợp với thân phận và địa vị của bản thân.
  3. Chém bàn tay: Biểu thị thái độ kiên quyết, quyết đoán.
  4. Chụm ngón tay: Bàn tay khum, đầu các ngón tay chỉ vào thính giả. Động tác này mang tính đối kháng, chỉ thị, nhưng dễ hình thành tính uy hiếp, khiêu khích. Tư thế này chỉ dùng đối với các diễn giả đã có quan hệ quen thuộc với người nghe.
  5. Xòe sấp tay: Lòng bàn tay hướng xuống, sau đó đồng thời xoè ra hai bên. Động tác này biểu thị sự từ chối, cự tuyệt.
  6. Chỉ ngón trỏ: Biểu thị chỉ người nào đó, vật nào đó, ý nào đó hoặc gây chú ý. Nếu chỉ chìa ngón cái là sự biểu lộ lòng tự hào hoặc ca ngợi. Nếu mấy ngón cùng xoè ra chỉ sự so sánh hoặc đếm số lượng.
  7. Chụm 5 đầu ngón tay (hướng lên trên): Động tác này nhấn mạnh chủ đề, quan điểm quan trọng, sử dụng khi gặp các vấn đề cần thảo luận.
  8. Đẩy lòng bàn tay (ngón tay giơ lên, chụm lại, lòng bàn tay hướng ra ngoài rồi đẩy ra): Động tác này thường biểu thị gạt bỏ ý kiến của mọi người, bày tỏ thái độ kiên quyết.
  9. Xoa tay: Hai tay xoa vào nhau biểu thị sự suy nghĩ, khiêm tốn, thành khẩn; xoa tay vào ngực biểu thị tự hỏi mình; tay xoa đầu biểu thị hối hận hoặc nhớ lại.
  10. Nắm đấm: Động tác nắm tay thành quả đấm có lúc biểu thị dọa dẫm, có lúc biểu thị tình cảm xúc động, thái độ kiên quyết, nguyện vọng tất yếu phải thực hiện.

Động tác tay còn có những đặc điểm như:

 

  1. Dùng tay giống như cái bút, vẽ hình ảnh trong không khí: Mọi người thường dùng tay để biểu thị kích thước, độ cao, độ dài của vật thể. Trong vở kịch, động tác tay được sử dụng nhiều hơn; ví dụ, mở cửa, đóng cửa, cưỡi ngựa, lên xe đều có thể thông qua động tác tay để biểu hiện.
  2. Dùng tay truyền đạt tình cảm mãnh liệt: Tư thế tay có thể biểu thị nhấn mạnh, khi hoan hô tay chân nhảy múa; khi phẫn nộ, tay nắm thành quả đấm; khi hối hận, thường xoa tay giậm chân; khi tỏ sự dũng cảm thì vỗ ngực; khi đau khổ thì đấm ngực giậm chân; khi thất bại hai tay ôm đầu. Có rất nhiều thế tay khiến mọi người cảm thấy sự nhiệt tình và vui sướng của đối tượng. Có động tác tay khinh suất mang dáng vẻ du côn; có động tác tay lại thờ ơ lơ đễnh; có thế tay khiến mọi người cảm thấy đối tượng dương dương tự đắc; có thế tay như muốn nói bận tối mắt tối mũi, đang sắp phải làm một việc quan trọng; có động tác tay biểu thị anh ta muốn nói với bạn một chuyện quan trọng, bạn hãy chờ một chút.
  3. Động tác tay chỉ phương hướng hoặc biểu thị con số: Khi hỏi đường mọi người thường dùng tay chỉ phương hướng, khi muốn tìm người nào đó trong đám đông cũng dùng tay chỉ. Ngoài ra, động tác tay còn có thể thay thế con số.
  4. KỸ XẢO BẮT TAY

Bắt tay là một thủ tục xã giao phổ biến thường gặp nhất trong giao tiếp. Cách bắt tay thể hiện trình độ giao tiếp của người bắt tay, cũng thể hiện mức độ tình cảm của người giao tiếp. Ý nghĩa của bắt tay chủ yếu thể hiện sự hữu nghị, thân mật thay thế hoặc bổ sung cho lời chào, lời cáo biệt, biểu thị sự cám ơn, chúc mừng, thăm hỏi…

Bắt tay chặt, hơi mạnh là sự biểu thị nhiệt tình thành khẩn. Nếu độ bắt vừa phải chứng tỏ tâm trạng ổn định. Bắt tay vừa lỏng vừa ngắn ngủi bị coi là lãnh đạm, không nhiệt tình. Khi bắt tay, ngón tay cái không nắm chặt biểu thị không muốn đối phương nắm chặt tay mình, có ý coi thường đối phương. Dùng hai tay nắm chặt bàn tay đối phương, lắc nhẹ sang hai bên là biểu hiện sự nhiệt tình, hoan nghênh, cảm kích. Nếu vừa cầm tay đối phương đã lập tức rời ra là biểu thị sự lãnh đạm và không muốn hợp tác.

Khi bắt tay, ngón tay nắm chặt là biểu hiện sự thành thực, thân thiết. Khi bắt tay, lòng bàn tay sấp tỏ ra ngạo mạn, lòng bàn tay ngửa tỏ ra khiêm tốn cung kính. Đưa hai tay ra bắt tay đối phương biểu hiện khiêm tốn, kính trọng đối phương. Bắt tay chặt hay lỏng phụ thuộc vào mức độ thân thiết về tình cảm của hai người. Nếu hai bên thân thiết đã lâu có thể bắt tay lâu hơn. Người bắt tay lâu không muốn rời là người tình cảm phong phú, thích kết bạn. Nếu kết bạn với họ, sẽ giữ được tình cảm lâu dài. Người bắt tay bằng hai tay biểu thị tấm lòng lương thiện, nhiệt tình, đôn hậu, mừng giận thể hiện ra mặt, yêu ghét rõ ràng. Khi bắt tay, nắm chặt tay đối phương, lắc mạnh chứng tỏ người đó sống lạc quan, tràn đầy hy vọng đối với cuộc đời. Những người này tạo không khí làm việc tích cực cho đơn vị bằng nhiệt tình, hăng hái của mình. Khi bắt tay chỉ dùng ngón tay nắm tay đối phương, lòng bàn tay không tiếp xúc với lòng bàn tay của đối phương chứng tỏ người đó tính ôn hòa, nhạy cảm, dễ xúc động, tấm lòng lương thiện, dễ đồng cảm.

Khi bắt tay nắm chặt, xiết mạnh khiến tay đối phương bị đau chứng tỏ người này rất tự tin, tinh lực dồi dào, thiên về độc đoán, hai mắt nhìn thẳng đối phương chứng tỏ người này giỏi suy luận, kiên nghị, thẳng thắn, có trách nhiệm, đáng tin cậy, thường xuyên góp ý xây dựng cho người khác, khi gặp khó khăn có thể nêu biện pháp đối phó, rất được người khác tin cậy.

  1. Ý NGHĨA NGÔN NGỮ CỦA CÁC BỘ PHẬN CƠ THỂ

Ngôn ngữ các bộ phận cơ thể là công cụ truyền thông tin bằng động tác của cơ thể hoặc sự thay đổi các hình thái bộ phận cơ thể.

Ngôn ngữ của các bộ phận của cơ thể là một loại ngôn ngữ không lời dùng để biểu đạt tình cảm, dục vọng của con người, nhà tâm lý học Mỹ Edward Koor nói trong cuốn “Ngôn ngữ không lời” của ông như sau: “Ý nghĩa của ngôn ngữ không lời phong phú hơn nhiều ngôn ngữ hữu thanh, hơn nữa cũng sâu sắc hơn”.

Thông tin ngôn ngữ không lời chiếm tỉ lệ khá lớn so với thông tin ngôn ngữ hữu thanh. Nội dung ngôn ngữ không lời phong phú, đa dạng, nhiều ý liên tưởng hơn so với ngôn ngữ hữu thanh. Ký hiệu của ngôn ngữ vô thanh giống như một bức tranh màu sặc sỡ. Mọi người thường nói trong lòng của mỗi người nam đều có hình ảnh Lâm Đại Ngọc, trong lòng của mỗi người nữ đều có hình ảnh Hăm lét. Điều đó có nghĩa là, mỗi người khi tiếp xúc với ký hiệu nghệ thuật, họ đều dựa vào kinh nghiệm sống của mình, bổ sung, hoàn thiện, sáng tạo. Đến nay các học giả đã phát hiện hơn 2 triệu thông tin phi ngôn ngữ. Morabin phát hiện, sự truyền đạt một thông tin do 7% ngôn ngữ, 38% âm thanh, 55% phi ngôn ngữ tạo thành. Trong bài “Nhận biết ngôn ngữ hình thể như thế nào”, Davis cũng có kết luận tương tự: Tổng hiệu quả thông tin = 7% chữ viết + 38% âm thanh + 55% biểu hiện vẻ mặt.

4.1. Ngôn ngữ không lời dùng mắt

Mắt càng biết nói sự thật hơn so với miệng. Bất kể bạn muốn giấu điều gì thì ánh mắt của bạn sẽ nói một cách trung thực: tôi đang muốn gì.

Đôi mắt đong đưa của người phụ nữ cho biết thông tin người đó lẳng lơ. Đôi mắt liếc ngang liếc dọc của người nam chứng tỏ người này có gian ý. Chỉ nhìn mắt của đối tượng ta cũng biết tình cảm của họ đối với mình. Khi mắt của người phụ nữ giận dữ có nghĩa là họ bực bội, cự tuyệt. Khi họ nhìn từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, biểu thị sự khinh thường đối với đối tượng.

 

  • Ngôn ngữ không lời: tức ngôn ngữ vô thanh, không dùng tiếng nói để diễn đạt ý nghĩ mà dùng các bộ phận cơ thể để biểu đạt ý nghĩ, còn gọi là ngôn ngữ hình thể.

Khi cuộc nói chuyện vào vấn đề chính, đối phương đưa mắt nhìn ra xa, điều đó có nghĩa là anh ta không hề quan tâm bạn đang nói gì. Khi cặp mắt đối phương lờ đờ tối sầm thì đối phương đang gặp chuyện không hay hoặc xảy ra sự việc ngoài ý muốn. Khi đang nói chuyện, mắt đối phương bỗng rực sáng, điều này có nghĩa lời nói của bạn đã làm xúc động tâm linh của đối phương. Đối phương nhìn chằm chằm vào bạn và nói: “Việc đã đến nước này, thì cứ phó thác cho số phận mà thôi!”.

Thái độ này biểu thị lời nói dối hoặc tội lỗi của mình khi sắp bị bóc trần, biểu thị thái độ cố làm ra vẻ trấn tĩnh. Khi đối phương đang lo điều gì trong lòng mà không thể nói ra, thì cũng có ánh mắt, lời nói, biểu hiện như vậy. Đối phương có biểu hiện như vậy có thể hiểu là họ đang tự ty hoặc đang muốn lừa dối bạn. Khi đang nói chuyện, đối phương thỉnh thoảng nhìn ra xa, điều đó có nghĩa họ đang suy nghĩ về một việc gì đó. Khi bạn đang nói đến vấn đề nghiêm túc với người yêu mà bạn quyết định lấy, cô ta thường xuyên đưa mắt nhìn ra xa ngó nghiêng thì bạn có thể phán đoán trong lòng cô ta đang tính toán.

Khi bạn nói chuyện với cấp trên mà cấp trên nhìn bạn từ trên xuống dưới, điều đó biểu hiện sự kiêu ngạo tự phụ. Cấp trên khi nói chuyện với bạn không ngẩng đầu nhìn bạn, điều này là một triệu chứng không hay. Có thể họ khinh thường cấp dưới, cho rằng bạn chẳng có tài cán gì. Khi cấp trên nhìn bạn một hồi lâu, có nghĩa là ông ta đang đợi thông tin nhiều hơn về bạn. Cấp trên thỉnh thoảng nhìn bạn, sau khi gặp ánh mắt bạn lại nhìn xuống; nếu nhiều lần như vậy có thể khẳng định ông ta đang nghi ngờ bạn. Khi cấp trên thân thiện thẳng thắn nhìn bạn, thỉnh thoảng chớp mắt, điều này có nghĩa là ông ta đánh giá bạn rất có năng lực, rất thích bạn, thậm chí bạn phạm sai lầm cũng được ông ta bỏ qua. Nếu ánh mắt cấp trên sắc lạnh nhìn bạn, điều đó có nghĩa là ông ta muốn tỏ ra có uy quyền và muốn nói với bạn: “Anh chớ có lừa tôi, tôi có thể nhìn thấu ruột gan anh”. Nếu cấp trên nhìn chăm chú ra ngoài sân, thỉnh thoảng hơi gật đầu, đây là tín hiệu vô cùng xấu. Điều này có nghĩa là ông ta muốn bạn hoàn toàn phục tùng, bất kể bạn nói gì, muốn gì, ông ta cũng không thèm nghe.

Các chuyên gia nghiên cứu cho rằng, cấp trên có địa vị khá cao rất ít nhìn trực tiếp vào mắt cấp dưới. Số lần và thời gian của cấp dưới nhìn vào cấp trên nhiều hơn.

4.2. Ngôn ngữ không lời dùng lông mày

Lông mày dùng để bảo vệ mắt, song cũng có thể truyền đạt thông tin về hành vi tâm lý. Tâm trạng thay đổi, lông mày cũng thay đổi về hình dáng. Biểu hiện của lông mày có thể chia thành 5 loại sau:

1) Dướn lông mày

Dướn lông mày biểu thị sự vui mừng phấn khởi hoặc vô cùng kinh ngạc. Khi dướn lông mày một bên, biểu hiện đối phương không hiểu lời nói, việc làm của bạn và muốn hỏi. Khi gặp sự việc bạo lực nào đó, bạn có thể nhíu mày hoặc dướn mày. Hai cách này có lợi đối với bạn. Khi gặp đe dọa, phản ứng của chúng ta thường nhíu lông mày, khi nguy cơ giảm bớt lại dướn lông mày để nhìn rõ xung quanh.

2) Nhíu lông mày

Nhíu mày ngoài ý nghĩa bảo vệ mắt ra, còn có ý để nhìn rõ sự vật hơn khi gặp nguy cơ. Đây là phản ứng tự vệ điển hình khi gặp ánh sáng chói. Nhíu lông mày thường chỉ tâm trạng bực tức, không đồng ý, ác cảm.

3) Nhô lông mày

Nhô lông mày chỉ lông mày dướn lên, dừng một chút rồi lại hạ xuống, thường kết hợp với bĩu môi biểu thị sự ngạc nhiên không vui, có lúc biểu thị vẻ không còn cách nào khác. Nhô lông mày có lúc chỉ người nói muốn nhấn mạnh điều gì đó. Khi nói đến chỗ quan trọng diễn giả có thể không ngừng nhô lông mày.

4) Nghiêng lông mày

Chỉ lông mày bên này dướn lên, bên kia hạ xuống, thường hay thấy ở người nam trưởng thành. Nó có ý nghĩa một nửa có ý vui mừng, một nửa có ý sợ hãi. Bên dướn lông mày như muốn nêu một câu hỏi, phản ánh tâm lý nghi ngờ.

5) Lông mày động đậy

Lông mày lay động, lúc lên lúc xuống biểu thị tín hiệu hoan nghênh, là hành vi hữu nghị. Hai người bạn thân lâu ngày gặp nhau thường có biểu hiện này, kèm theo ngẩng đầu, mỉm cười, nhưng khi bắt tay, ôm hôn thì rất ít xuất hiện lông mày động đậy. Trong khi nói chuyện nếu động đậy lông mày có nghĩa là đối phương muốn nhấn mạnh điều gì đó.

4.3. Ngôn ngữ không lời dùng miệng môi

Miệng là bộ phận làm việc bận rộn nhất như cười, khóc, cắn, hôn, mút, ho, nói, la, hút thuốc, uống nước… Miệng có 4 dạng cơ bản: Đóng mở, dướn lên trên, hạ xuống dưới, dẩu chụm, mím môi lỏng môi.

Nếu miệng mở mà không mím chặt được, điều đó có nghĩa người đó ý chí bạc nhược. Mồm miệng nhanh nhảu, lời nói rõ ràng, là người giỏi ăn nói. Môi miệng bĩu về phía trước có ý khinh thường. Cằm thu là kẻ làm việc tỉ mỉ nhưng hay đa nghi, không thích giao tiếp. Cằm nâng thì tính kiêu ngạo, lòng tự trọng cao. Khi nói chuyện, mím môi để nghe có ý tự kiểm điểm. Kẻ nào lời nói không rõ, nói năng chậm chạp nhưng ý chí kiên định, kiến giải sâu sắc thì tài năng hơn người. Kẻ nào khi nói lấy tay che mồm thì có tính bảo thủ, hướng nội, không dám bộc lộ mình. Kẻ nào mồm thành chữ nhất, khi nguy nan thì tính cách kiên cường, nhất định hoàn thành công việc bất chấp mọi giá.

4.4. Ngôn ngữ không lời dùng mũi

Khi nói chuyện, mũi nở ra, phần lớn là đang đắc ý. Khi mũi ra mồ hôi chứng tỏ tâm lý căng thẳng hoặc nôn nóng. Hình dáng mũi khoằm chỉ kẻ hiểm độc hung bạo. Mũi diều hâu chỉ người độc ác. Mũi trắng hoàn toàn chỉ tâm trạng sợ sệt không dám làm. Mũi cân đối, chắc khỏe chỉ tính cách kiên cường. Vuốt mũi trầm ngâm chỉ đối phương đang suy tính muốn tìm ra cách thích hợp để giải quyết ổn thỏa vấn đề.

Có chuyên gia về ngôn ngữ cơ thể kết luận sau khi đi du lịch: Một, khi đi du lịch nước ngoài, thường phải dùng ngôn ngữ cơ thể để giao lưu vì ngôn ngữ bất đồng. Vì vậy “du lịch là phòng thí nghiệm của ngôn ngữ không lời”. Hai, mũi là một trong những căn cứ để đánh giá tính cách con người. Theo sự quan sát của ông ta, phàm những người sống mũi cao, không nhiều thì ít đều cho mình ưu việt hơn người khác, thường có biểu hiện ngạo mạn của “sống mũi cao”. Về điểm này, ở các nữ minh tinh màn bạc biểu hiện rất rõ. Ông nói, trong khi đi du lịch giao tiếp với người sống mũi cao khó hơn giao tiếp với người sống mũi thấp.

4.5. Ngôn ngữ không lời dùng đầu

Đầu của người nam hơi ngẩng biểu hiện tinh thần mạnh mẽ và có sức mạnh. Đầu hơi thấp, nhìn ngang càng làm cho người nữ trở nên thanh nhã hơn. Gật đầu biểu thị tán thành, đồng ý. Ngẩng đầu biểu thị vui vẻ phấn khởi. Lắc đầu có nghĩa là phản đối hoặc nghi ngờ. Đầu cúi chỉ sự mệt mỏi hoặc chán nản. Đầu hơi ngẩng biểu thị kinh ngạc hoặc chào người quen ở xa. Lắc đầu sang trái rồi sang phải chứng tỏ người này đang say sưa thưởng thức.

4.6. Ngôn ngữ không lời dùng vai

Động tác của vai có thể biểu đạt ý nghĩa công kích uy nghiêm, yên tâm, nhút nhát, tự vệ… Nhà ngôn ngữ cơ thể Mỹ – tiến sỹ Ruwen phân tích như sau: vai rụt về phía sau biểu thị sự phẫn nộ do bất mãn, bất bình; nhún vai biểu thị sự lo sợ, bất an; dang hai tay vai rộng biểu thị tinh thần mạnh mẽ; vai dướn ra phía trước chỉ gánh vác nhiệm vụ trọng đại. Vai là bộ phận tượng trưng cho sự uy nghiêm của nam giới.

Vai nhỏ, mềm mại là biểu hiện của người nữ dịu dàng đáng yêu. Sau Đại chiến Thế giới lần thứ II, khi phong trào nam nữ bình đẳng lên cao, có một thời gian thịnh hành “Thời trang kiểu Mỹ”: hai vai áo nữ đều được độn cao. Sau đó thời trang nữ lại trở về truyền thống, bởi vì vai áo thon nhỏ thể hiện tính cách duyên dáng của người phụ nữ.

4.7. Ngôn ngữ không lời dùng chân

Quan sát chân có thể biết được tâm trạng con người. Nếu trong đàm phán, đối phương ngồi ghé, mũi chân chạm đất, gót chân không chạm đất. Đây là tư thế mong chờ, muốn hợp tác. Lúc đó bạn phải tận dụng thời cơ, hai bên có thể đi đến ký kết hợp đồng cùng có lợi. Khi nói chuyện, thân thẳng, hai chân bắt chéo, tư thế này biểu thị sự nghi ngờ và đề phòng. Nếu đối phương ngồi trên ghế hai mắt cá chân gập vào nhau thì chú ý xem đối phương có phải đang kiềm chế không? Bởi vì khi kìm chế tình cảm mãnh liệt, mọi người thường gập chân để hai mắt cá chân giao nhau. Khi đàm phán, nếu đối phương ở trong tình trạng căng thẳng thường có biểu hiện như vậy.

Đối với một người ngồi trên ghế gác chân lên thành ghế, bạn phải hết sức cảnh giác, bởi vì loại người này không có thiện chí hợp tác, không hề để ý đến nhu cầu của người khác, thậm chí còn có ý nghĩa thù địch nhất định đối với bạn.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button