Kinh doanh - đầu tư

Bản Chất Của Dối Trá

Ban Chat Cua Doi Tra - Dan Ariely1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Dan Ariely

Download sách Bản Chất Của Dối Trá ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sách kinh doanh

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI GIỚI THIỆU

Bất lương có gì thú vị?

Muốn biết một người có trung thực hay không – hãy hỏi thẳng anh ta.

Nếu câu trả lời là “có”, đó hẳn là kẻ bịp bợm.

– GROUCHO MARX

Niềm hứng thú của tôi đối với sự lừa dối đã nhen nhóm từ năm 2002, chỉ vài tháng sau sự kiện Enron sụp đổ. Tôi đã dành một tuần tham gia một hội nghị liên quan đến công nghệ; và trong một bữa tiệc tối, tôi đã gặp gỡ John Perry Barlow. Trước đó, tôi từng biết đến John như một người viết lời kỳ cựu cho nhóm nhạc Grateful Dead, nhưng qua cuộc trò chuyện với ông, tôi được biết ông còn đóng vai trò cố vấn tại một số công ty – bao gồm cả Enron.

Trong trường hợp bạn không mấy bận tâm về những sự kiện trong năm 2001, bạn có thể hình dung như sau về bản chất câu chuyện “ngày tàn của báu vật Phố Wall”: Thông qua một loạt những mánh khóe sổ sách đầy sáng tạo – cộng với sự mù quáng của các chuyên viên tư vấn, các cơ quan thẩm định, các ban điều hành doanh nghiệp và công ty kế toán Athur Andersen (đã giải thể) – Enron đã đạt đến những con số tài chính cao ngất ngưởng, để rồi đổ sập khi không thể tiếp tục che giấu hành vi của họ. Cổ đông mất trắng tiền đầu tư, các kế hoạch hưu trí bốc hơi không vết tích, hàng nghìn nhân viên mất việc làm, và công ty chính thức phá sản.

Khi trao đổi với John, tôi đã đặc biệt thích thú trước cách ông diễn đạt về sự mù quáng đến hão huyền của chính mình. Tuy từng đích thân tư vấn cho Enron khi công ty này nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát, John vẫn khẳng định ông không hề nhận thấy bất kỳ mối nguy nào sắp xảy đến. Trên thực tế, ông đã hoàn toàn tin tưởng rằng Enron chính là ngọn cờ cách tân tiên phong của nền kinh tế mới, mãi đến khi câu chuyện được phơi bày trên tất cả các mặt báo. Ngạc nhiên hơn, ông còn thú nhận với tôi: khi hay tin, ông không thể tin nổi mình đã bỏ qua các dấu hiệu trong suốt từng ấy thời gian. Điều đó khiến tôi phải dừng lại suy ngẫm. Trước khi trò chuyện với John, tôi vẫn cho rằng ba kiến trúc sư hạng C nham hiểm (Jeffrey Skilling, Kenneth Lay và Andrew Fastow) chính là những kẻ đã gây nên thảm họa Enron – những người đã bắt tay nhau tiến hành một âm mưu sổ sách quy mô lớn. Nhưng khi ngồi cạnh người đàn ông này – một nhân vật khiến tôi cảm mến và nể phục, người có riêng cho mình một câu chuyện dính líu đến Enron – tôi biết ông chỉ là nạn nhân của sự mơ tưởng mù quáng – chứ không chủ tâm lừa dối ai.

Tất nhiên, John và tất cả những ai liên quan đến Enron rất có thể là những kẻ đục khoét tài tình, nhưng tôi đã bắt đầu tin về sự tồn tại của một kiểu bất lương khác trong công việc – một kiểu lừa dối liên quan đến sự mộng tưởng mù quáng và sẽ ứng với những người như John, bạn hoặc tôi. Tôi bắt đầu tự hỏi rằng: liệu những vấn đề về sự bất lương có vượt quá phạm vi một vài con sâu làm rầu nồi canh, và kiểu mộng tưởng mù quáng này có diễn ra tại nhiều công ty khác hay không? Tôi cũng thắc mắc liệu bạn bè tôi và bản thân tôi cũng sẽ hành động giống như họ, nếu đặt trường hợp chúng tôi là các tư vấn viên tại Enron?

Từ đó, tôi đã dần bị cuốn vào chủ đề về sự lừa dối và bất lương. Chúng bắt nguồn từ đâu? Khả năng lương thiện và bất lương của con người thực chất là gì? Và – quan trọng nhất – phải chăng bất lương chỉ giới hạn ở một số phần tử xấu, hay đây là một thực trạng phổ biến? Tôi nhận ra đáp án cho câu hỏi cuối cùng có thể làm thay đổi đáng kể cách thức chúng ta đối phó với sự bất lương: đơn cử, nếu chỉ một số ít phần tử xấu phải chịu trách nhiệm về hầu hết các vụ lừa đảo trên thế giới, chúng ta có thể dễ dàng khắc phục vấn đề. Các phòng ban nhân sự có thể sàng lọc những kẻ lừa đảo ngay từ vòng tuyển dụng, hoặc tổ chức lại thể chế hoạt động nhằm loại bỏ các cá nhân cho thấy sự thiếu trung thực trong suốt thời gian dài. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ giới hạn ở một số nhân tố cá biệt, đồng nghĩa bất kỳ ai cũng có thể có hành vi lừa dối tại công sở hoặc khi về nhà – bao gồm cả bạn và tôi. Và nếu tất cả đều có khả năng “phạm tội”, chúng ta nhất định phải hiểu rõ sự bất lương diễn biến như thế nào, và tìm cách kìm hãm hoặc khống chế phần bản năng đó trong mỗi người.

CHÚNG TA BIẾT GÌ về nguồn gốc của sự bất lương? Trong kinh tế học lý trí, Gary Becker – nhà kinh tế tại Đại học Chicago, người từng đoạt giải Nobel và nêu giả thuyết rằng con người thường phạm tội thông qua một quá trình phân tích lý tính về mỗi tình huống – chính là người khởi xướng học thuyết phổ biến về sự lừa bịp. Theo lời Tim Harford trong tác phẩm Logic của cuộc sống, học thuyết này đã ra đời khá ngẫu nhiên. Một ngày nọ, Becker sắp đến muộn một cuộc họp, và do không tìm được nơi cho phép đỗ xe, ông đã quyết định đỗ sai luật và liều nhận vé phạt. Becker đã ngẫm lại về quá trình tư duy của ông trong tình huống này, và nhận thấy quyết định của ông hoàn toàn phụ thuộc vào việc cân nhắc giữa “cái giá” hiển nhiên – bị phát hiện, bị phạt và thậm chí bị kéo xe đi – và lợi ích từ việc đến dự họp đúng giờ. Ông cũng lưu ý rằng: trong quá trình cân nhắc giữa lợi ích và thiệt hại, “đúng” và “sai” đã không còn quan trọng; đó chỉ đơn thuần là sự cân đong giữa các hệ quả tích cực và tiêu cực có khả năng xảy đến.

Và kể từ đó, Mô hình Phạm tội Đơn giản theo Lý tính (Simple Model of Rational Crime – SMORC) đã ra đời. Theo mô hình này, chúng ta đều suy nghĩ và hành động tương tự như Becker. Như một kẻ trấn lột tầm thường, chúng ta đều tìm kiếm lợi ích cho riêng mình khi chen chân giữa dòng đời. Dù chúng ta đạt được điều đó bằng cách cướp ngân hàng hay xuất bản sách, tất cả đều chỉ là trò vặt trước những tính toán hợp lý của chúng ta giữa lợi ích và tổn thất. Theo lập luận của Becker, khi chúng ta nhẵn túi và tình cờ đi ngang qua một cửa hàng tiện lợi, chúng ta sẽ nhanh chóng ước lượng xem có bao nhiêu tiền trong máy đếm, cân nhắc khả năng bị tóm và hình dung về hình phạt đang đợi sẵn trong trong trường hợp đó (và tất nhiên sẽ chẳng còn thời gian để nghĩ về điều hay lẽ phải). Về cơ bản, trong tính toán lợi-hại trên, chúng ta sẽ quyết định việc cướp cửa hàng có đáng công hay không. Nguyên lý cơ bản trong học thuyết của Becker chính là: như mọi quyết định khác, các quyết định về sự lương thiện chỉ dựa trên sự phân tích giữa lợi và hại.

Tuy SMORC là một mô hình vô cùng cởi mở về sự bất lương, nhưng liệu nó có diễn đạt chính xác hành vi của con người trong đời thực hay không? Nếu có, chúng ta sẽ vạch rõ hai biện pháp nhằm đối phó với thói bất lương trong xã hội. Cách thứ nhất là gia tăng khả năng “bị tóm” (chẳng hạn như tuyển thêm cảnh sát và lắp đặt thêm máy quay an ninh). Thứ hai là tăng cường khung hình phạt dành cho những kẻ bị bắt (như tăng số năm tù hay mức phạt khi tuyên án). Các độc giả thân yêu của tôi, đây chính là SMORC, với những hàm ý rõ ràng nhất đến từ khái niệm thực thi pháp luật, trừng phạt và thói bất lương nói chung.

Nhưng sẽ ra sao nếu quan điểm sơ đẳng của SMORC về sự bất lương vẫn thiếu chính xác hoặc chưa hoàn chỉnh? Trong trường hợp đó, những biện pháp tiêu chuẩn nhằm ứng phó với sự bất lương sẽ không còn hiệu nghiệm và thỏa đáng. Nếu SMORC chỉ là một mô hình chưa hoàn thiện về căn nguyên của sự bất lương, chúng ta phải ưu tiên nhận biết những động cơ nào khiến con người lừa dối kẻ khác và áp dụng vốn hiểu biết nâng cao này nhằm hạn chế sự thiếu trung thực. Đây chính xác là điều cuốn sách này muốn truyền tải.

Trong thế giới của SMORC

Trước khi đánh giá những động cơ chi phối tính lương thiện và bất lương trong mỗi chúng ta, hãy đến với một thí nghiệm nhanh về tư duy. Cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao nếu bạn và tôi đều nhất mực tuân theo nguyên lý của SMORC và chỉ cân nhắc giữa lợi ích và thiệt hại trong mọi quyết định?

Nếu sống trong một thế giới SMORC thuần túy, chúng ta sẽ tiến hành phân tính lợi-hại trong mọi quyết định và lựa chọn phương án có vẻ hợp lý nhất. Chúng ta sẽ không còn ra quyết định dựa trên cảm xúc và sự tin tưởng, do đó chúng ta sẽ khóa chặt ví trong ngăn kéo khi bước chân ra khỏi văn phòng dù chỉ một phút. Chúng ta cũng ngại nhờ hàng xóm nhận thư hộ khi đi du lịch, vì lo sợ họ sẽ lấy cắp đồ. Chúng ta bắt đầu xem đồng nghiệp như lũ diều hâu. Những cái bắt tay tán đồng sẽ chẳng còn ý nghĩa, hợp đồng pháp lý sẽ có mặt trong mọi giao dịch, điều này cũng đồng nghĩa chúng ta sẽ mất không ít thời gian cho những vụ tranh chấp luật pháp hay kiện tụng. Chúng ta có thể sẽ quyết định không sinh con vì khi trưởng thành, chúng sẽ lấy đi mọi thứ ta có, và để chúng sống chung với ta chẳng khác nào như mỡ treo miệng mèo vậy.

Tất nhiên, con người há phải thánh nhân. Chúng ta còn lâu mới đạt đến sự hoàn hảo. Nhưng nếu bạn đồng ý với tôi rằng SMORC không phải là thế giới đáng để chúng ta suy nghĩ và hành động, và không thể đại diện cho cuộc sống thường ngày của chúng ta, thì bài thử nghiệm tư duy này đã cho thấy rằng: chúng ta không lừa dối và lường gạt nhiều như ta có thể – nếu chúng ta hoàn toàn tuân theo lý trí và chỉ hành động vì lợi ích bản thân.

Gọi tên những ai đam mê nghệ thuật

Tháng Tư năm 2011, Cuộc sống Mỹ – chương trình truyền hình của Ira Glass – đã công bố câu chuyện về Dan Weiss, một sinh viên cao đẳng làm việc tại Trung tâm Trình diễn Nghệ thuật John F. Kennedy, Washington, D.C. Công việc của anh là kiểm kê hàng hóa tại các cửa hàng quà tặng của trung tâm, nơi đội ngũ kinh doanh gồm 300 tình nguyện viên đầy thiện chí – hầu hết là những người về hưu đam mê kịch nghệ và âm nhạc – chuyên bán tặng phẩm cho khách tham quan.

Các cửa hàng quà tặng này hoạt động như những quầy bán nước chanh. Tình nguyện viên không dùng máy đếm tiền, mà chỉ xếp tiền vào hộp và trả tiền thừa cho khách. Các cửa hàng quà tặng này cực đắt hàng, và thu về đến 400 nghìn đô-la mỗi năm từ các loại tặng phẩm. Nhưng cũng có một vấn đề khiến họ khá đau đầu: cứ mỗi năm lại có khoảng 150 nghìn đô-la doanh thu biến mất.

Khi Dan được tiến cử làm quản lý, anh đã đặt ra nhiệm vụ tóm bằng được tên trộm. Anh bắt đầu nghi ngờ một nhân viên trẻ khác, người phụ trách mang tiền gửi đến ngân hàng. Dan liên hệ với Dịch vụ thám tử thuộc Công viên Quốc gia Hoa Kỳ, và một thám tử tại đây đã giúp anh lên kế hoạch bắt thủ phạm. Vào một đêm tháng Hai, họ đã quyết định đặt bẫy. Dan đánh dấu các tờ đô-la trong hộp tiền và rời khỏi. Sau đó, anh cùng vị thám tử nấp sau một bụi rậm gần đó và chờ kẻ tình nghi. Và khi cậu nhân viên thu tiền rời trung tâm đêm đó, họ đã bước đến tóm gọn và phát hiện những tờ tiền được đánh dấu trong túi cậu ta. Vụ án kết thúc, phải thế không?

Nhưng mọi thứ đã không diễn ra như thế. Đêm đó, cậu nhân viên trẻ chỉ lấy cắp 60 đô-la; và sau khi Dan sa thải cậu ta, tiền và hàng hóa vẫn tiếp tục bốc hơi. Bước tiếp theo của Dan là thiết lập một hệ thống kiểm kê với danh sách giá cả và chứng từ bán hàng rõ ràng. Anh yêu cầu các tình nguyện viên ghi lại những món họ đã bán và số tiền họ đã nhận, và – như bạn có thể đoán – trò trộm cắp liền chấm dứt. Vấn đề ở đây không chỉ là một tên trộm đơn lẻ, mà là rất nhiều tình nguyện viên cao tuổi, có thiện chí và đam mê nghệ thuật – những người sẵn sàng đút túi những món hàng và vài xu lẻ trong tầm mắt họ.

Vấn đề đạo đức chắc chắn không được đề cao trong câu chuyện trên. Dan chia sẻ, “Chúng ta sẽ lấy đi của nhau mỗi khi có cơ hội… nhiều người cần được người khác trông chừng để đảm bảo họ sẽ làm điều đúng đắn.”

MỤC ĐÍCH CHÍNH của cuốn sách này là xem xét những động cơ lý trí giữa-lợi-và-hại được cho là sẽ dẫn đến hành vi thiếu trung thực (như bạn sẽ thấy) nhưng lại không thường xảy ra như thế, bên cạnh đó là những động cơ phi lý trí tưởng chừng như vụn vặt, nhưng lại khiến chúng ta phạm tội. Nói một cách dí dỏm, khi mất một khoản tiền lớn, chúng ta thường nghĩ đó là hành vi của một tên trộm máu lạnh. Nhưng qua câu chuyện về những người mê nghệ thuật nói trên, chúng ta nhận thấy lường gạt không nhất thiết phải là hành vi của một kẻ luôn tính toán lợi-hại và luôn nhắm đến những món tiền lớn. Thực chất, nó lại thường là hệ quả từ rất nhiều cá nhân luôn âm thầm biện hộ cho bản thân khi ăn bớt tiền hoặc hàng hóa từng chút một, hết lần này đến lần khác. Trong phần sau, chúng ta sẽ khám phá những động cơ thôi thúc chúng ta lường gạt, và xem xét sâu hơn những yếu tố giúp chúng ta giữ vững tính trung thực. Chúng ta sẽ thảo luận về những yếu tố khiến thói bất lương bộc lộ chân tướng và cách chúng ta lừa dối kẻ khác vì lợi ích bản thân, trong khi vẫn giữ quan điểm tích cực về phẩm giá của chính chúng ta – một khía cạnh trong hành vi khiến chúng ta bộc phát bản tính bất lương của mình.

Ngay khi khám phá xong những khuynh hướng cơ bản đứng sau sự thiếu trung thực, chúng ta sẽ chuyển sang một số thí nghiệm giúp lật mở các động cơ tâm lý và môi trường làm gia tăng hoặc suy giảm tính trung thực của chúng ta trong đời sống hàng ngày, bao gồm các mâu thuẫn về lợi ích, thói đạo đức giả, vật làm tin, óc sáng tạo hay đơn thuần là cảm giác mệt mỏi. Chúng ta cũng sẽ khám phá các yếu tố xã hội có trong thói bất lương, điển hình như người khác ảnh hưởng ra sao đến nhận thức của chúng ta về “đúng” và “sai”, cũng như khả năng chúng ta lừa dối khi biết người khác sẽ được lợi từ sự thiếu trung thực của mình. Cuối cùng, chúng ta sẽ thử tìm hiểu về cách vận hành của sự bất lương, nó phụ thuộc vào cấu trúc môi trường sống hàng ngày ra sao, và trong những điều kiện nào chúng ta sẽ có khuynh hướng lương thiện hơn, hoặc bất lương hơn.

Bên cạnh việc khám phá những động cơ tạo thành thói bất lương, một trong những lợi ích thực tế chủ yếu từ phương pháp kinh tế học này chính là chúng ta sẽ nhận biết được những ảnh hưởng bên trong và bên ngoài đến hành vi của chính mình. Một khi đã hiểu hơn về những động cơ thật sự chi phối bản thân, chúng ta sẽ nhận thấy mình không hoàn toàn bất lực khi phải đối mặt với những trò nực cười từ nhân tính (bao gồm cả thói bất lương), rằng chúng ta vẫn có thể tái thiết lại môi trường, và nhờ đó có thể đạt đến những hành vi hoặc kết quả tốt hơn.

Tôi cũng hy vọng công trình nghiên cứu được trình bày trong các chương sau sẽ giúp chúng ta thấu hiểu được những căn nguyên dẫn đến hành vi thiếu trung thực, cũng như chỉ ra một số phương cách thú vị giúp kìm hãm và hạn chế chúng.

Và bây giờ, chuyến hành trình xin được bắt đầu…

ĐỌC THỬ

Kiểm chứng

Mô hình Phạm tội Đơn giản theo Lý trí

(SMORC)

Hãy cứ để tôi nói thẳng. Họ lừa dối. Bạn lừa dối. Và đúng, cả tôi cũng lừa dối hết lần này đến lần khác.

Là một giáo sư đại học, tôi luôn cố gắng tạo không khí tranh luận nhằm giúp sinh viên hứng thú với bài giảng. Do đó, thỉnh thoảng tôi vẫn mời các diễn giả đến chia sẻ tại lớp học – đây cũng là cách hay để giảm bớt thời gian chuẩn bị giáo án. Nói chung, đó là cách sắp xếp có lợi cho diễn giả khách mời, cho các sinh viên và cho cả bản thân tôi.

Tại một trong những giờ giảng “không cần đứng lớp”, tôi đã mời một vị khách đặc biệt tham dự lớp kinh tế học hành vi của mình. Vị khách mời thông minh và danh tiếng này là một người có thân thế rất đáng nể: trước khi trở thành nhà tư vấn kinh doanh huyền thoại trong mắt các ngân hàng và CEO lừng danh, ông đã giành được bằng tiến sĩ luật học, và trước đó nữa là bằng cử nhân tại Princeton. “Trong suốt những năm vừa qua”, tôi nói với cả lớp, “vị khách mời kiệt xuất của chúng ta đã giúp vô số doanh nhân ưu tú hiện thực hóa ước mơ của họ!”

Sau màn giới thiệu hoành tráng, vị khách mời bước ra sân khấu. Ông lập tức đi thẳng vào nội dung chính: “Hôm nay, tôi sẽ giúp các bạn đạt được ước mơ của mình. Ước mơ TIỀN TÀI của các bạn!” ông hô lớn với chất giọng sang sảng của một huấn luyện viên môn Zumba. “Các bạn đều muốn kiếm chút TIỀN, đúng chứ?”

Cả khán phòng gật đầu cười lớn, họ tỏ ra rất tán thưởng phong thái nhiệt tình và hào sảng của ông.

“Ở đây ai dám nhận mình giàu có?” ông hỏi. “Tôi biết đó là tôi, chứ sinh viên các bạn thì không đâu. Không, các bạn đều nghèo cả. Nhưng điều đó sẽ thay đổi nhờ sức mạnh của sự LỪA DỐI. Nào, chúng ta hãy bắt đầu!”

Sau đó, ông lần lượt dẫn chứng những tay lừa đảo đầy tai tiếng trong lịch sử, từ Thành Cát Tư Hãn cho đến hàng tá các CEO thời nay, như Alex Rodriguez, Bernie Magoff hay Martha Stewart. “Các bạn đều muốn trở thành người như họ,” ông cổ vũ. “Các bạn muốn nắm trong tay quyền lực và tiền bạc! Và các bạn sẽ có tất cả nếu chấp nhận lừa dối. Hãy chú ý, vì ngay lúc này tôi sẽ tiết lộ một bí mật!”

Sau phần mở màn đầy hào hứng, mọi người cùng chuyển sang một bài tập nhóm. Vị khách yêu cầu các sinh viên nhắm mắt lại và hít ba hơi thật sâu. “Hãy tưởng bạn vừa lường gạt ai đó và chiếm được 10 triệu đô-la đầu tiên,” ông nói. “Bạn sẽ làm gì với số tiền này? Mời bạn, chàng trai mặc áo xanh!”

“Em sẽ mua một ngôi nhà,” cậu sinh viên rụt rè trả lời.

“MỘT NGÔI NHÀ ư? Người giàu chúng tôi gọi đó là BIỆT THỰ. Còn bạn thì sao?” ông nói, tay hướng về phía một sinh viên khác.

“Em sẽ đi du lịch.”

“Đến hòn đảo riêng của bạn? Hay lắm! Khi bạn kiếm được tiền như một tay lừa đảo siêu hạng, cuộc sống của bạn sẽ thay đổi? Ở đây có ai thích ăn ngon không?”

Một số sinh viên giơ tay.

“Sao bạn không thử món do đích thân Jacques Pépin đứng bếp? Hay một loại rượu tầm cỡ như Châteauneuf-du-Pape? Khi kiếm đủ tiền, bạn có thể sống sung túc cả đời. Cứ hỏi Donald Trump mà xem! Xem nào, với 10 triệu đô-la bạn sẽ thừa sức chở bạn trai hoặc bạn gái của mình đi bát phố. Tôi có mặt tại đây để khẳng định với các bạn rằng điều đó hoàn toàn ổn, và tôi sẽ giúp các bạn giải tỏa sự nghi ngại của mình!”

Khi đó, hầu hết sinh viên đã bắt đầu nhận ra trước mắt họ không phải là một vĩ nhân thật sự. Nhưng sau mười phút chia sẻ ước mơ về những điều hứng khởi họ sẽ làm với 10 triệu đô-la đầu tiên trong đời, họ bắt đầu bị giằng xé giữa khát khao được giàu có và ý thức rằng lừa đảo là hành vi vô đạo đức.

“Tôi cảm giác được các bạn đang do dự,” vị diễn giả lên tiếng. “Các bạn không được để cảm xúc chi phối hành động. Các bạn phải đối mặt với nỗi sợ hãi mỗi khi phân tích giữa lợi và hại. Lợi ích từ việc lường gạt để trở nên giàu có là gì?” ông hỏi.

“Là trở nên giàu có!” một sinh viên trả lời.

“Chính xác. Còn mặt trái của nó là gì?”

“Thầy sẽ bị tóm!”

“Phải rồi,” vị khách trả lời, “Bị tóm cũng là một KHẢ NĂNG. NHƯNG NÀY – đây chính là bí mật! Bị bắt quả tang khi lừa đảo không giống như phải chịu trừng phạt do lừa đảo. Hãy nhìn Bernie Ebbers, cựu CEO Worldcom mà xem. Luật sư của ông ta đã thốt ra một lời bào chữa ‘đáng hổ thẹn’, tuyên bố rằng Ebbers không rõ chuyện gì đang diễn ra. Hay như Jeff Skilling, cựu CEO Enron, người đã viết một e-mail nổi tiếng rằng: ‘Hủy hết tài liệu đi, chúng tố cáo ta đấy.’ Sau đó, Skilling đã khai rằng ông chỉ có ý ‘châm biếm’! Nếu tất thảy những lời biện hộ đó đều vô hiệu, có lẽ chúng ta nên bỏ trốn đến một đất nước không áp dụng luật dẫn độ ngay bây giờ!”

Với phong thái từ tốn nhưng chắc chắn, vị giảng viên khách mời của tôi – người thực tế là một diễn viên hài độc thoại tên Jeff Kreisler và là tác giả của cuốn sách trào lộng Lừa đảo để giàu có – đã nêu lên một tình huống thật sự khó khăn nhằm tiếp cận các quyết định liên quan đến tiền bạc dựa trên cơ sở cân nhắc giữa lợi và hại, và không hề xem xét đến khía cạnh đạo đức. Sau khi lắng nghe bài giảng của Jeff, các sinh viên đã nhận ra rằng: nếu xét theo quan điểm lý trí tuyệt đối, Jeff nói hoàn toàn đúng. Nhưng đồng thời, họ cũng không tránh khỏi cảm thấy bất an và khó chịu trước lời khẳng định của ông rằng lường gạt là cách tốt nhất để đạt đến thành công.

Cuối buổi học, tôi yêu cầu các sinh viên suy nghĩ xem hành vi của họ đã ứng với mô hình SMORC đến đâu. “Hàng ngày, các em có bao nhiêu cơ hội lừa dối mà không lo bị bắt quả tang?” tôi hỏi. “Các em đã lợi dụng bao nhiêu cơ hội trong số đó? Và chúng ta sẽ bắt gặp thêm bao nhiêu tình huống lừa đảo khác nếu mọi người đều áp dụng cách cân nhắc lợi-hại của Jeff?”

Chuẩn bị cho bước kiểm chứng

Cách tiếp cận của Becker và Jeff đối với sự bất lương đều bao gồm ba yếu tố cơ bản sau: (1) lợi ích thủ phạm nhận được từ việc phạm tội; (2) khả năng bị phát hiện (bị tóm); và (3) hình phạt dự tính nếu bị phát hiện. Thông qua việc so sánh yếu tố đầu tiên (lợi ích) với hai yếu tố sau (thiệt hại), một cá nhân lý trí bình thường có thể quyết định việc vi phạm một tội danh cụ thể có thật sự đáng công hay không.

Đến đây, có thể nói mô hình SMORC đã diễn đạt chính xác cách chúng ta ra quyết định dựa trên sự lương thiện hoặc bất lương, nhưng nỗi băn khoăn mà các sinh viên của tôi (và bản thân tôi) phải chịu đựng khi đối diện với những nguyên lý của SMORC cho thấy rằng chúng ta vẫn nên tìm hiểu sâu hơn điều gì đang thật sự diễn ra. (Các bước tiếp theo sẽ diễn giải chi tiết cách chúng ta cân nhắc việc lừa dối xuyên suốt cuốn sách, vì thế xin các bạn hãy lưu ý).

Hai đồng nghiệp Nina Mazar (giáo sư Đại học Toronto) và On Amir (giáo sư Đại học California tại San Diego) và tôi đã quyết định quan sát kỹ hơn mọi người lừa dối ra sao. Chúng tôi đã đăng thông báo khắp khuôn viên trường MIT (nơi tôi công tác vào thời điểm đó) nhằm mời gọi các sinh viên dành ra 10 phút để có cơ hội thu về 10 đô-la. Trong thời gian quy định, người tham gia sẽ bước vào một căn phòng rộng và ngồi trên những chiếc ghế liền bàn (loại thường dùng trong các kỳ kiểm tra). Sau đó, mỗi người sẽ được phát một tờ giấy bao gồm một dãy 20 bảng ma trận khác nhau (trình bày như minh họa ở hình bên) và được yêu cầu tìm trong mỗi ma trận hai con số có tổng bằng 10 (chúng tôi gọi đây là trò chơi ma trận, và sẽ đề cập đến nó trong những phần sau của cuốn sách). Chúng tôi cho họ 5 phút để giải càng nhiều ma trận càng tốt, và họ sẽ nhận được 50 xu cho mỗi đáp án đúng (con số này sẽ thay đổi phụ thuộc vào mục đích của bài thí nghiệm). Khi người phụ trách hô, “Bắt đầu!” các sinh viên sẽ lật sang mặt trước của tờ giấy và cố gắng hoàn thành trò chơi toán học đơn giản này càng sớm càng tốt.

Hình bên là mặt giấy minh họa trong trò chơi, với một bảng ma trận đã được phóng đại. Bạn mất bao nhiêu thời gian để tìm hết các cặp số có tổng bằng 10?

Người chơi tham gia sẽ bắt đầu thí nghiệm này theo cùng một cách, nhưng những gì xảy ra trong 5 phút kế tiếp sẽ phụ thuộc vào một điều kiện nhất định.

Hãy hình dung bạn được người khác giám sát khi đang gấp rút hoàn thành càng nhiều ma trận được giao càng tốt. Sau một phút, bạn giải được một bảng. Hai phút nữa trôi qua, bạn giải xong ba bảng. Hết thời gian quy định, bạn hoàn thành được bốn ma trận hoàn chỉnh. Như vậy, bạn đã bỏ túi 2 đô-la. Bạn tiến đến chỗ người phụ trách và nộp đáp án của mình. Sau khi kiểm tra kết quả, người phụ trách mỉm cười hài lòng. “Tốt lắm, bạn được bốn câu đúng,” cô nói và bắt đầu đếm tiền thưởng. “Của bạn đây”, bạn nhận tiền và trò chơi kết thúc. (Điểm số trong tình huống được giám sát sẽ cho thấy trình độ xử lý thực tế của các sinh viên trong trò chơi này.)

Bây giờ, hãy hình dung bạn đang trong một trường hợp khác – hay còn gọi là tình huống “máy hủy giấy” – lúc này, bạn sẽ có cơ hội gian lận. Tình huống này cũng tương tự như khi bạn được giám sát, chỉ có điều sau năm phút người phụ trách sẽ thông báo với bạn, “Sau khi hoàn thành, hãy đếm số đáp án đúng, cho bảng trả lời của bạn vào máy hủy giấy ở cuối phòng và báo tôi biết bạn đã giải chính xác bao nhiêu ma trận.” Nếu rơi vào trường hợp này, bạn sẽ tự giác tổng hợp số đáp án đúng, hủy bảng trả lời, báo cáo kết quả, nhận tiền thưởng và rời khỏi phòng.

Nếu bạn là người chơi trong tình huống “máy hủy giấy”, bạn sẽ làm gì? Bạn có gian lận không? Nếu có, bạn sẽ báo khống mấy đáp án?

Từ kết quả thu được trong hai lượt thí nghiệm, chúng tôi có thể so sánh giữa các thành tích trong tình huống được giám sát – khi người chơi không thể gian lận – với thành tích trong tình huống “máy hủy giấy” – khi người chơi có khả năng gian lận. Nếu điểm số giống nhau, chúng tôi sẽ kết luận không có trường hợp gian lận nào xảy ra. Nhưng rốt cuộc, con số đã nói lên tất cả: người chơi trong tình huống “máy hủy giấy”đạt thành tích “tốt hơn” hẳn; từ đó, chúng tôi có thể kết luận người chơi đã khai khống thành tích của họ (hay gian lận) khi họ có cơ hội hủy đi chứng cứ. Và mức độ gian lận của nhóm người chơi này sẽ thể hiện ở mức chênh lệch giữa số ma trận họ báo cáo đã giải đúng với số ma trận do nhóm người chơi còn lại thật sự giải đúng trong tình huống được giám sát.

Không mấy bất ngờ khi chúng tôi nhận ra nhiều người sẽ sẵn sàng dối trá về điểm số của họ khi có cơ hội. Trong tình huống được giám sát, trung bình mỗi người chơi tham gia giải được 4 ma trận trong tổng số 20 câu đố được giao. Trong khi đó, số ma trận trung bình người chơi báo cáo trong tình huống “máy hủy giấy” là 6 – nhiều hơn 2 ma trận so với tình huống đầu tiên. Và tổng số chênh lệch này không chỉ đến từ một vài cá nhân khai khống kết quả của họ lên gấp nhiều lần, mà từ rất nhiều người chơi gian lận một chút ít về thành tích của họ.

Càng nhiều tiền, càng khuyến khích gian lận?

Nắm trong tay số liệu thực tế trên về tính không trung thực, tôi cùng Nina và On đã sẵn sàng nghiên cứu về những động cơ thúc đẩy chúng ta lừa dối, dù ít hay nhiều. Theo mô hình SMORC, con người sẽ lừa dối kẻ khác nếu họ có cơ hội kiếm được nhiều tiền hơn mà không lo bị bắt quả tang hay trừng phạt. Nguyên lý này nghe có vẻ đơn giản và khá cuốn hút, nên chúng tôi quyết định sẽ kiểm chứng trong lần kế. Chúng tôi tạo ra một phiên bản khác từ thí nghiệm ma trận, nhưng lần này, chúng tôi đã thay đổi số tiền thưởng người chơi nhận được cho mỗi ma trận họ giải chính xác. Một số người chơi được hứa trả 25 xu cho mỗi đáp án đúng; trong khi một số khác được hứa trả đến 50 xu, 1 đô-la, 2 đô-la hay 5 đô-la. Ở mức cao nhất, chúng tôi hứa sẽ trả người chơi những 10 đô-la cho một đáp án đúng – một con số không tưởng. Theo bạn điều gì sẽ xảy ra? Liệu số trường hợp gian lận có tỷ lệ thuận với số tiền thưởng tăng thêm hay không?

Trước khi tiết lộ đáp án, tôi muốn chia sẻ với bạn về một thí nghiệm liên quan. Lần này, thay vì chỉ tiến hành trò chơi ma trận, chúng tôi còn yêu cầu một nhóm sinh viên khác dự đoán xem những người chơi trong tình huống “máy hủy giấy” sẽ tuyên bố họ giải đúng được bao nhiêu câu đố tại mỗi mức trả thưởng. Theo phán đoán của họ, số đáp án đúng theo tuyên bố của người chơi sẽ tăng thêm nếu tiền thưởng cũng tăng thêm. Về cơ bản, trực giác của họ trên lý thuyết cũng tương tự như giả thuyết của mô hình SMORC. Nhưng họ đã lầm. Khi xem xét mức độ nghiêm trọng của trò gian lận, chúng tôi đã nhận thấy rằng: người chơi vẫn chỉ khai khống thêm trung bình hai đáp án đúng trong điểm số của họ, bất chấp giá trị tiền thưởng dành cho mỗi câu đố. Thậm chí, số trường hợp gian lận còn giảm đi đôi chút khi chúng tôi hứa sẽ trả người chơi mức thưởng cao nhất – 10 đô-la – cho mỗi đáp án chính xác.

Tại sao mức độ gian lận lại không tăng cùng với mức tiền thưởng được đề nghị? Tại sao số trường hợp gian lận lại giảm đi chút ít khi tiền thưởng được nâng lên cao nhất? Chính thái độ dửng dưng này trước món tiền thưởng hậu hĩ đã cho thấy rằng: thói bất lương nhiều khả năng không phải là hệ quả từ quá trình phân tích lợi-hại. Vì nếu đúng như thế, lợi ích gia tăng (khoản tiền thưởng đề nghị) nhất định sẽ khuyến khích gian lận. Và tại sao mức độ gian lận lại giảm xuống thấp nhất với mức thưởng cao nhất? Tôi hoài nghi rằng khi người chơi biết họ có thể kiếm được những 10 đô-la cho một câu trả lời đúng, họ sẽ khó thực hiện hành vi gian lận hơn và cảm thấy an lòng khi biết mình vẫn là người chính trực (chúng ta sẽ quay lại chủ đề này trong phần sau). Với 10 đô-la cho mỗi ma trận, chúng ta đã không còn bàn đến tình huống lừa đảo ở cấp độ lấy cắp một chiếc bút chì tại nơi làm việc. Nó sẽ khá giống với việc bạn cuỗm về một hộp bút, một chiếc dập ghim hay một xấp giấy in, và bạn khó có thể phớt lờ hay biện minh cho hành động đó.

Tóm lấy kẻ trộm

Trong thí nghiệm kế tiếp, chúng tôi sẽ khiến người tham gia cảm thấy họ sẽ có nhiều khả năng bị bắt quả tang. Về cơ bản, chúng tôi chỉ bổ sung chút sức ép về mặt tinh thần – tương đương với một máy quay an ninh cục bộ – trong thí nghiệm này.

Chúng tôi yêu cầu một nhóm người chơi hủy đi một nửa bảng trả lời của họ – nói cách khác, nếu họ thiếu trung thực, chúng tôi có thể truy ra bằng chứng. Sau đó, chúng tôi yêu cầu nhóm thứ hai hủy toàn bộ bảng trả lời, đồng nghĩa họ sẽ không lo bị trừng phạt. Cuối cùng, chúng tôi yêu cầu nhóm thứ ba hủy hết bảng trả lời, rời khỏi phòng và đưa họ một chiếc bát khá lớn gồm khoảng 100 đô-la tiền lẻ. Trong tình huống “tự nhận thưởng” này, người chơi có thể không gian lận và rời trò chơi với số tiền thưởng tương xứng, nhưng họ cũng có cơ hội vơ thêm tiền.

Một lần nữa, chúng tôi lại yêu cầu một nhóm sinh viên khác dự đoán xem người chơi sẽ tuyên bố họ giải chính xác trung bình bao nhiêu câu đố trong mỗi tình huống. Và một lần nữa, họ lại dự đoán khuynh hướng bất lương của con người theo nguyên lý SMORC, và rằng người chơi sẽ khai khống thêm nhiều đáp án khi khả năng bị bắt quả tang được giảm bớt.

Vậy kết quả ra sao? Vẫn như thế, rất nhiều người đã gian lận, nhưng họ chỉ nói quá lên một chút, và mức độ gian lận vẫn xấp xỉ nhau trong cả ba tình huống (“hủy một nửa”, “hủy toàn bộ” và “hủy toàn bộ cộng với tự nhận thưởng”).

GIỜ ĐÂY, CÓ THỂ BẠN sẽ tự hỏi liệu những người tham gia trong thí nghiệm của chúng tôi có thật sự tin rằng họ có thể gian lận mà không bị tóm theo những cách bố trí đó hay không. Để chứng thực giả quyết này, tôi cùng Racheli Barkan (giáo sư Đại học Ben-Gurion tại Negev) và Eynav Maharabani (ứng viên thạc sĩ làm việc cùng Racheli) đã tiến hành thêm một nghiên cứu, với Eynav hoặc Tali – một trợ lý nghiên cứu khác – phụ trách giám sát. Nhìn chung, giữa Eynav và Tali không có nhiều khác biệt – tuy nhiên, do Eynav là người khiếm thị, nên người chơi sẽ dễ bề gian lận hơn khi cô phụ trách. Khi người chơi đến nhận thưởng từ bát tiền đặt trên bàn trước mặt người phụ trách, họ có thể lấy bao nhiêu tiền tùy ý, và Eynav không thể phát hiện ra điều đó.

Như vậy, liệu khả năng người chơi qua mặt Eynav sẽ cao hơn người còn lại? Thực tế cho thấy, tuy họ vẫn lấy thêm một ít so với mức thưởng xứng đáng được nhận, nhưng khi Tali giám sát các thí nghiệm, họ cũng chỉ gian lận với cùng số tiền như khi Eynav phụ trách.

Kết quả trên cho thấy rằng: khả năng bị bắt quả tang không ảnh hưởng quá nhiều đến số tiền người chơi gian lận. Tất nhiên, tôi không có ý nói chúng ta hoàn toàn không bị chi phối bởi khả năng bị bắt quả tang – suy cho cùng, sẽ chẳng ai cả gan đánh cắp một chiếc xe khi có cảnh sát đứng gần đó – nhưng các số liệu trên đã khẳng định việc bị tóm không hề có tác động lớn như chúng ta vẫn tưởng, và chắc chắn nó chẳng thể hiện được vai trò gì trong các thí nghiệm của chúng tôi.

CÓ THỂ BẠN sẽ nghĩ rằng những người tham gia trong các thí nghiệm đã lập luận như sau: “Nếu mình chỉ gian lận vài đáp án, chắc sẽ không ai nghi ngờ mình. Nhưng nếu mình gian lận nhiều hơn, mình sẽ khiến họ hoài nghi và chất vấn mình về điều đó.”

Chúng tôi đã tiến hành kiểm chứng quan điểm này trong thí nghiệm kế tiếp. Cụ thể, chúng tôi đã nói với nửa số người chơi rằng trung bình một sinh viên tham gia thí nghiệm có thể giải được 4 ma trận (đúng với kết quả thực tế). Với nửa số người chơi còn lại, chúng tôi nói với họ rằng trung bình một sinh viên có thể giải được đến 8 ma trận. Tại sao chúng tôi làm thế? Vì nếu khả năng gian lận dựa trên tâm lý không muốn gây sự chú ý, thì trong cả hai trường hợp, những người chơi sẽ chỉ khai khống thêm một vài đáp án so với con số họ cho là thành tích trung bình (đồng nghĩa họ sẽ tuyên bố mình giải được 6 ma trận nếu thành tích trung bình là 4, và được 10 ma trận nếu họ nghĩ 8 là con số trung bình).

Vậy các sinh viên của chúng tôi đã hành động ra sao khi họ tưởng rằng những người khác có thể giải được nhiều ma trận hơn? Họ đã không bị tác động dù chỉ một chút trước thông tin này. Sau cùng, họ chỉ khai khống thêm khoảng 2 đáp án (họ giải được 4 câu và báo cáo thành 6) bất kể họ tin những người chơi khác có thể giải được 4 hay 8 câu.

Kết quả này cho thấy việc gian lận không hề phụ thuộc vào nỗi lo gây sự chú ý. Không những thế, nó còn chứng minh cho mối liên kết giữa ý thức đạo đức của chúng ta với mức độ gian lận khiến chúng ta chưa cảm thấy dằn vặt. Nói cách khác, chúng ta sẽ tiếp tục gian lận đến một giới hạn nào đó cho phép chúng ta bảo toàn hình ảnh một con người trung thực vừa phải.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button