Kinh doanh - đầu tư

25 Năm Theo Dòng Kinh Tế Việt Nam

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Huỳnh Bửu Sơn

Download sách 25 Năm Theo Dòng Kinh Tế Việt Nam ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KINH DOANH – ĐẦU TƯ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Hai mươi lăm năm theo dòng kinh tế Việt Nam – đó cũng là thời gian mà tác giả Huỳnh Bửu Sơn – chuyên gia kinh tế – với tư cách người cầm bút đã ghi lại những trải nghiệm sống động và biết bao trăn trở của một trí thức từ ngày đất nước đổi mới.
Là một chuyên gia ngân hàng từ năm 1967, ông được biết đến không chỉ là người giữ chìa khóa của kho vàng 16 tấn do chính quyền cũ để lại, mà còn vì sau năm 1975 đến nay đã liên tục hoạt động trong lĩnh vực này qua nhiều vị trí khác nhau. Từ những hiểu biết và kinh nghiệm thực tiễn của mình, ông đã tham gia vào đời sống báo chí với hàng trăm bài bình luận và phân tích tình hình kinh tế sâu sắc.

Các bài viết của tác giả với ngôn từ duyên dáng nhưng lập luận chặt chẽ, văn phong bay bướm nhưng tính thuyết phục cao, trình bày những vấn đề gai góc bằng tất cả tâm tình, đã lôi cuốn một số lớn độc giả của các báo mà ông từng cộng tác như Tuổi Trẻ, Lao Động, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần…

 

Là một thành viên tích cực trong Nhóm chuyên viên kinh tế “Thứ Sáu”, ông từng chủ trì nhiều công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn như “Giá-Lương-Tiền” vào năm 1986, hay “Đổi mới Hệ thống Ngân hàng” vào năm 1989 làm tiền đề cho sự ra đời sau đó của Pháp lệnh Ngân hàng mà ông đã có phần đóng góp tích cực trong quá trình soạn thảo. Cùng với ba chuyên viên khác trong nhóm “Thứ Sáu”, ông cũng được mời tham gia vào Tổ Tư vấn của chính phủ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người mà ông từng bộc bạch “Tôi bị ông thu hút bởi đức độ, một trái tim bao dung nhân hậu, lòng yêu nước yêu dân sâu đậm và một sự minh triết đáng kinh ngạc”.

 

Cuốn sách này ra đời từ gợi ý của một số thân hữu, là một tập những sự kiện và vấn đề theo dòng thời sự kinh tế – xã hội gần một phần tư thế kỷ qua, mà tác giả vừa là người trong cuộc vừa là chứng nhân.

 

Phần 1 của Hai mươi lăm năm theo dòng kinh tế Việt Nam với tựa đề chung “Đồng bạc Việt Nam qua những chặng đường phát triển” sẽ đưa người đọc tìm đến sự tương quan giữa các phương tiện thanh toán trong đời sống kinh tế – xã hội hiện nay qua một nhận định mở đầu đầy hình tượng “Đồng bạc Việt Nam, người lữ hành cô đơn” đang còng lưng cần mẫn gánh trên đôi vai gầy yếu của mình sức nặng trì trệ để lại từ thời bao cấp. Sau buổi bình minh của kinh tế thị trường là một chặng đường dài thử thách với những cơn lốc lãi suất, lạm phát, tỷ giá, vậy đâu là bài toán tiền tệ để giúp đồng bạc làm tròn vai trò của mình. Phần đầu của tập sách sẽ dừng lại với những bài viết góp ý về một hệ thống ngân hàng hoạt động có hiệu quả trong cơ chế thị trường.

Phần 2 có tựa đề “Mở cửa và giấc mơ hóa rồng” là một tập hợp những trăn trở và mong ước không chỉ của tác giả mà là của bất cứ ai trông chờ vào những giải pháp có tính chiến lược nhằm đưa đất nước ra khỏi vòng xoáy của nghèo nàn lạc hậu, mà trong chừng mực cứ như đang nằm ngoài tầm tay của chúng ta. Đó là những thách thức của chiến lược thời mở cửa, những giải pháp “khai thông huyệt đạo” để đi đến một tương lai thịnh vượng, cũng như đâu là những bước ngoặt trên con đường làm giàu đưa nền kinh tế đất nước vượt vũ môn.

 

Trải qua một thời tuổi trẻ đầy biến động, thân phận gắn liền với một giai đoạn đặc biệt của lịch sử nhưng tác giả luôn giữ sự thanh liêm của người trí thức độc lập trong nhận thức, mạnh dạn nói đúng những điều mình nghĩ, viết đúng những điều còn băn khoăn chỉ nhằm đóng góp hiểu biết khiêm tốn của mình cho sự phát triển của đất nước, cho một xã hội hôm nay tốt hơn hôm qua và ngày mai tốt hơn hôm nay.

Với ông, làm được phần nhỏ điều mình mong muốn cho cái chung đã là rất hạnh phúc rồi. Suy nghĩ đó chúng ta có thể nhìn thấy xuyên suốt qua các bài viết trong tập sách này.

ĐỌC THỬ

ĐỒNG BẠC VIỆT NAM, NGƯỜI LỮ HÀNH CÔ ĐƠN (1991)

Theo tục lệ, để đón mừng những ngày đầu năm mới, ai ai cũng đều lo sắm sửa cái mới. Ở nhiều nước, các Ngân hàng Trung ương thường nhân dịp này cho “đổi mới” bộ trang phục của đồng tiền quốc gia. Những tờ bạc cũ được thu về, những tờ bạc mới được phát ra. Ở nước ta, trong cái tưng bừng của ngày Tết, những tờ bạc mới theo truyền thống được tung ra làm tăng thêm niềm hân hoan “tống cựu nghinh tân” của mọi người, trong đó có cả nỗi vui mừng của các em nhỏ khi khám phá trong phong bao lì xì đỏ thắm những đồng tiền mới tinh, thơm phức.

Đây không phải là việc làm xa xỉ, phiền toái và tốn kém vô ích như nhận xét của một số người. Tờ giấy bạc, như mọi thứ khác trên đời, có một tuổi thọ nhất định. Tuổi thọ này tương ứng với mệnh giá của tờ bạc, mệnh giá càng cao thì tuổi thọ càng dài. Điều này dễ hiểu, vì tiền có mệnh giá nhỏ được tiêu xài nhiều nên mau cũ rách hơn tiền có mệnh giá lớn. Kinh nghiệm cho thấy giấy bạc từ 200 đồng trở xuống có đời sống kéo dài từ 12 tháng đến 18 tháng, giấy 500 đồng, 1.000 đồng từ 18 tháng đến ba năm. Tuổi thọ dự đoán của tờ giấy bạc là một yếu tố giúp tính toán thời gian khấu hao khối lượng giấy bạc được phát hành ra lưu thông. Sau một thời gian lưu hành đã định trước, khối lượng giấy bạc đã cũ rách cần phải được thay thế mới. Đây không phải là đổi tiền. Việc đổi mới tờ giấy bạc chính là nhằm duy trì bộ mặt đẹp đẽ, đáng tin cậy của đồng bạc, tiện lợi cho người tiêu dùng. Mặc khác, đó còn vì mục đích vệ sinh.

Chi phí in bạc thường rất đắt, mà hiện nay ta cũng chưa có nhà máy in bạc, nên việc in bạc phải nhờ nước ngoài và phải trả bằng ngoại tệ. Chi phí đắt vì giấy bạc phải là loại giấy đặc biệt, kỹ thuật in cũng phải rất đặc biệt để chống làm giả. Quan sát tờ giấy bạc, chúng ta có thể nhận ra những kỹ thuật ngoại quan tinh vi như hoa văn, hình lộng, dây kim khí, chữ in nổi, hình chồng nét ở hai mặt tờ bạc… Ngoài ra, còn có những kỹ thuật bí mật để phòng ngừa giả mạo mà chỉ có Ngân hàng Trung ương, người phát hành giấy bạc mới biết. Ở ta có một điều nghịch lý là mệnh giá tờ giấy bạc được ấn định quá thấp, vừa không phù hợp với nhu cầu thanh toán vừa khiến cho việc in bạc trở nên quá tốn kém. Mệnh giá cao nhất của tờ giấy bạc hiện nay là 5.000 đồng tương đương 0,77 USD. Nếu so sánh với tờ giấy bạc 100 đô-la là loại giấy bạc lưu hành khá thông dụng của Mỹ, chúng ta sẽ thấy sự lãng phí như thế nào. Giả thuyết chi phí in tờ giấy bạc 5.000 đồng Việt Nam và tờ 100 USD là tương đương, như vậy để có một lượng giấy bạc đủ phục vụ cho việc trao đổi một số lượng hàng hóa có giá trị ngang nhau, chi phí mà ta bỏ ra để in bạc cao gấp 130 lần chi phí của Mỹ. Việc giữ một cơ cấu mệnh giá thấp cho khối tiền lưu hành không những khiến cho chi phí in ấn tốn kém mà còn làm cho việc mua bán hàng hóa không thuận lợi. Thử tưởng tượng bạn bán một chiếc xe Peugeot 405 mới tinh và được thanh toán bằng giấy bạc 100 đồng và 200 đồng. Có thể đánh cuộc với bạn rằng trọng lượng số bạc sẽ nặng hơn trọng lượng chiếc xe. Với sự bất tiện kiểu đó, không lấy làm lạ nếu hiện nay người ta quen dùng vàng và đô-la Mỹ làm phương tiện thanh toán cho những vụ buôn bán lớn. Riêng hiện tượng này cũng quá đủ để chứng minh một thực tế nghiêm trọng là khối lượng tiền lưu hành hiện nay không tương xứng với nhu cầu thanh toán các khoản giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ bằng tiền mặt trong nền kinh tế.

Thế nhưng, điều kỳ lạ là mọi người có vẻ như tạm hài lòng với cơ cấu mệnh giá này và sẽ tỏ ra hoang mang khi có trong tay một tờ giấy bạc có mệnh giá cao hơn. Đây là một nhận thức sai lầm phổ biến mà cội rễ của nó gắn liền với tâm lý e sợ lạm phát. Người ta thường có cảm tưởng mơ hồ rằng đồng bạc đang bị mất giá, khi cầm trong tay một tờ bạc ghi mệnh giá cao hơn con số quen thuộc. Trong quá khứ, ở những nước có tình trạng siêu lạm phát, có lưu hành những tờ giấy bạc mà mệnh giá là một con số với chín con số không, hay lớn hơn. Nhưng điều cần phải thấy là những con số thiên văn trên giấy bạc chỉ là hậu quả, không phải là nguyên nhân của lạm phát. Còn việc duy trì mệnh giá thấp cho tờ bạc không bao giờ là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn lạm phát, nhưng chắc chắn nó là biện pháp hữu hiệu để làm suy yếu chức năng thanh toán của đồng bạc đồng thời làm cho tờ giấy bạc trở nên kém an toàn hơn, vì khi chi phí in bạc trở thành quá tốn kém, chất lượng của tờ giấy bạc sẽ bị giảm sút. Chính trong điều kiện ngặt nghèo đó, đồng bạc Việt Nam đã phải mang vác trên đôi vai gầy yếu của mình cả sức nặng của một nền kinh tế 65 triệu dân đang “chòi đạp” để phát triển. Đồng bạc trở thành người phu siêng năng, cần mẫn, tháo vát, hoạt động như con thoi không ngơi nghỉ, vận chuyển hạt gạo, con cá, miếng thịt từ nông thôn ra thành thị rồi mang vải vóc, phân bón, thuốc trừ sâu, xi măng, đồ dùng gia đình… từ thành thị về nông thôn. Điều đáng thương hơn, đó là những người phu đơn độc hoạt động chỉ bằng cơ bắp, không có những người bạn đồng hành cơ giới cùng chia sẻ trách nhiệm vận hành cỗ xe kinh tế như chi phiếu, thương phiếu, tín phiếu… những phương tiện thanh toán thông thường mà nền kinh tế hiện đại nào cũng cần đến. Nếu có người đồng hành, thì lại là những đối thủ đáng sợ như vàng, đô-la Mỹ, những kẻ chỉ chực chờ cơ hội tước đoạt vai trò chính thống của đồng bạc Việt Nam.

Thế nhưng, đó là một vai trò bạc bẽo. Với một lực lượng yếu và mỏng, đồng bạc Việt Nam phải quay vòng đến chóng mặt mới có thể vận hành bộ máy sản xuất kinh doanh đang trên đà phát triển. Tuy nhiên, điều không ngờ là trong suốt nhiều năm, quan điểm hạn chế khối lượng tiền lưu hành luôn luôn là kim chỉ nam của chính sách tiền tệ nước ta.

Việc siết chặt khối lượng tiền là nhằm mục tiêu chặn đứng tình trạng gia tăng giá cả, nhưng kết quả đạt được thường là sự suy yếu của các hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa của toàn nền kinh tế, nhất là trong khu vực tư. Việc phát hành tiền, nghiệp vụ bình thường của một Ngân hàng Trung ương, được Nhà nước ta quan trọng hóa và nâng lên hàng chiến lược kinh tế chính trị quốc gia. Do đó, nó vượt khỏi phạm vi quyết định của Ngân hàng Nhà nước để thuộc về một cơ quan cấp cao hơn, nếu không nói là cấp cao nhất của bộ máy quyền lực Nhà nước: Bộ Chính trị. Chính sách phát hành trở thành độc lập và biệt lập với chính sách tín dụng của ngân hàng.

Điều này đã dẫn đến sự hình thành hai loại tiền trong nền kinh tế, tiền mặt và tiền chuyển khoản, với lãi suất khác nhau và giá trị khác nhau. Và theo quy luật “tiền xấu trục xuất tiền tốt”, nền kinh tế lâm vào một tình trạng căng thẳng thường xuyên tiền mặt, một cách diễn đạt văn hoa của hiện tượng “thiếu tiền mặt” trầm trọng. Sau đó, chúng ta đột nhiên đứng giữa sương mù của những điều nghịch lý được mô tả bởi một số nhà lý luận tiền tệ trong nước mà không có lý thuyết về tiền tệ nào có thể giải mã: nền kinh tế cùng lúc vừa thiếu tiền mặt vừa thừa tiền mặt, thậm chí có người còn chỉ rõ rằng thiếu tiền mặt trong khu vực Nhà nước và thừa tiền mặt trong khu vực tư. Khỏi phải nói, những nhận định mâu thuẫn như vậy không thể nào là cơ sở đưa đến việc xây dựng những giải pháp tiền tệ đúng đắn.

Thật ra, tình trạng thừa tiền mặt biểu kiến mà nhiều người cho là một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát, không phải là do số lượng tiền lưu hành nhiều mà là do đồng tiền phải quay rất nhanh để đảm bảo sự vận hành các hoạt động kinh tế phục vụ các nhu cầu tối thiểu nhất của cuộc sống người dân. Điều trớ trêu là đồng bạc chỉ quay nhanh khi người ta coi nó như hòn than nóng. Đây chính là nỗi cay đắng nhất của đồng bạc Việt Nam. Nó chỉ hoạt động hữu hiệu khi nó bị coi thường, rẻ rúng nhất.

Kinh nghiệm trong 2 năm qua cho thấy, mặc dù khối lượng tiền phát hành vẫn tăng và tăng nhanh, tốc độ lạm phát vẫn bị kìm hãm và có lúc bị chặn đứng vì vòng quay đồng tiền đã chậm lại. Sự chậm lại của vòng quay đồng tiền phản ánh tình trạng suy giảm sức mua trong nền kinh tế, dẫn đến sự đình đốn các hoạt động sản xuất kinh doanh. Ở đây chúng ta cũng nhận được một sự cảnh tỉnh khác. Nếu như sự sụt giá liên tục và nhanh chóng của đồng bạc là một tai họa, thì sự tăng giá đột ngột và không cơ bản của đồng bạc cũng không phải là một điều đáng mong ước. Chính sự tăng giá đồng bạc do tăng lãi suất, được cộng hưởng bởi sự giảm sụt sức mua xã hội đã là nguyên nhân đưa đến tình trạng lỗ lã trong khu vực sản xuất, kinh doanh kể cả các ngành trước đây làm ăn có lãi như thương nghiệp, xuất nhập khẩu và dịch vụ kiều hối. Bạn vay vốn ngân hàng 100 triệu đồng, với lãi suất 10%/tháng để mua hàng dự trữ kinh doanh. Điều gì sẽ xảy ra cho bạn nếu một buổi sáng đẹp trời nào đó, bạn chợt nhận ra rằng, vì đồng bạc tăng giá, lô hàng của bạn chỉ còn có 90 triệu đồng và bạn không tài nào kiếm được người mua. Đó chính là thảm trạng tài chính của các doanh nghiệp trong thời gian qua và hậu quả của nó đang lây lan đến hệ thống ngân hàng.

Dẫn chứng trên cho thấy chính sách tiền tệ không thể nào chỉ nhắm tới một mục tiêu đơn thuần như giá trị của đồng bạc mà còn phải lưu ý đến những vấn đề kinh tế khác như sự gia tăng tổng sản lượng, gia tăng thu nhập quốc dân hay nâng cao mức nhân dụng. Ổn định tiền tệ là mục tiêu không thể tranh cãi của chính sách tiền tệ nhưng xét cho cùng, chính sách tiền tệ chỉ là một bộ phận nằm trong chính sách kinh tế mà mục tiêu phục vụ không phải là một quan điểm hay một khái niệm mà là con người. Con người được làm việc, có thu nhập, có chi tiêu và có tích lũy. Giá trị đồng bạc cần phải được duy trì, nhưng điều đó chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó giúp đạt được cứu cánh tối hậu của công cuộc phát triển kinh tế là thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần ngày càng tăng của mỗi người dân trong cộng đồng và đáp ứng nhu cầu được làm việc và có thu nhập của họ.

Sự ra đời của hai Pháp lệnh về ngân hàng vào giữa năm 1990 đã mở ra triển vọng mới cho việc củng cố vai trò và chức năng của đồng bạc, hồng cầu cần thiết cho hệ thống tuần hoàn của cơ thể kinh tế. Chúng ta mong rằng, sang năm mới, đồng bạc Việt Nam sẽ có những người bạn đồng hành hùng mạnh và tốt bụng, cùng chia sẻ trách nhiệm thúc đẩy cỗ xe kinh tế vượt qua bãi lầy suy thoái. Chúng ta cũng mong rằng các mạch máu của hệ thống tuần hoàn sẽ được khai thông, để cho đồng bạc và những phương tiện thanh toán mới mẻ, hiện đại có thể tiếp nhận và vận chuyển hoàn hảo các nguồn vốn mới trong nước và ngoài nước đến những nhà đầu tư, những doanh nghiệp có khả năng sử dụng chúng một cách an toàn, lành mạnh và hiệu quả.

Cuối cùng, chúng ta mong ước rằng những điều kiện cần thiết cho việc củng cố vai trò của đồng bạc sẽ sớm được thực hiện trong năm mới và đồng bạc sẽ có dịp góp phần xứng đáng của mình vào việc phục hồi sức khỏe cho nền kinh tế.

Xin chúc lành cho đồng bạc Việt Nam!


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button